Số lần đọc/download: 1701 / 49
Cập nhật: 2016-01-26 07:37:56 +0700
Chương 8
N
hững con bò bỗng nhiên theo nhau lười ăn uống. Mắt con nào con nấy đều vàng đục ken gỉ, nhớt dãi lệt sệt chảy nhiễu hai bên miệng bốc ra thứ mùi tanh lợm, mình mẩy dính bết phân, các bầu vú khô tóp teo, lượng sữa giảm hắn và chuyển sang màu mỡ gà, hơi nồng, để ra ngoài chừng nữa giờ đã trông như nước vo gạo để lắng. Trại chuồng cơ man ruồi nhặng, ruồi đen, con bay, con đậu kín đặc khắp nơi tăng thêm hơi hướng đại họa. chưa đầy một tuần, hai mươi sáu con bò đều gầy giơ xương, đi đứng chuệnh choạng, phần lớn nằm ệp. Không khí nhà Hai Rỡ vốn đã nặng chịch bởi bao nhiêu chuyện buồn, giờ u ám chộn rộn như sắp có tang.
Thằng Út phong phanh trong tấm áo cộc tay rộng thùng thình do Bảy thiện thải cho và chiếc xà lỏn đen, suốt ngày ngồi thu lu ở góc chuồng, mắt cũng ken đầy gỉ, chẳng khác lũ bò ốm. Ở chuồng bò suốt ngày và suốt đêm, nghe từng tiếng thở ngày một yếu, nhìn từng ánh mặt ngày một u tối, ảm đạm của từng con bò, nó như nghe được, nhìn được cái chết đang từng bước đến gần mỗi con. Nó thương. Nó rơm rớm nước mắt. Mà nó không làm gì được. Bò đói, nó có thể xúc lén người lớn, xúc cám hoặc lấy cỏ, rơm cho ăn. Bò khát, nó có thể lấy nước hoặc liều trộm sữa cho uống. Đằng này, không con nào chịu ăn, uống, thì nó chịu. Nó chỉ ngồi lầm rầm những lời an ủi mỗi khi một con đưa ánh mắt khẩn khoản về phía nó, và lim dim cầu trời khấn phật cho lũ bò chóng tai qua nạn khỏi.
Người có thể làm được nhiều việc tích cực nhất chữa chạy đàn bò là cha nó. Ông gần như suốt ngày đêm tập tễnh bên từng con bò; râu tóc ông tua tủa, mặt mũi hốc hác, người gày rộc, lúc thuốc tây, lúc thuốc lá, thậm chí, ông còn thắp nhang khấn thần linh phù trợ, mời thầy về dán bùa... Sau vụ Bá gây sự, từ bệnh viện về, ông mang tật ở chân, và trở nên con người khác hẳn: nhu nhược, câm lặng. Đặc biệt, ông hoàn toàn coi như không có thằng Út trong nhà. Ông nghi nó tố cáo với Ba Bá chuyện "kia". Từ uy quyền, thể diện đến trật tự gia phong ông cố giữ bằng cách biến thằng Út thành thằng khùng thế là vô ích. Ông trở nên trắng tay. Chất ngang tàng, gia trưởng nơi ông biến hẳn thành nhẫn nhục, yếm thế. Mọi chuyện trong nhà, ông thả lỏng như cách gián tiếp thừa nhận quyền điều hành con thuyền gia đình của Ba Bá, người đứng mũi chịu sào suốt 6 sáu tháng ông nằm viện. Tuy nhiên, ông vẫn cần cù làm việc, vẫn tận tình gắn bó với đàn bò như niềm an ủi sống nốt đoạn cuối đời, như sự tự hành xác để giảm thiểu nổi đau tinh thần.
Út đã đọc thấy những dấu hiệu tuyệt vọng trên nét mặt mệt mỏi, hoang mang khi con Đuôi Trắng sắp đến ngày sanh lăn ra chết. Đôi mắt đục mờ của cha nó đẫm nước mắt. Bảy Thiện cũng khóc theo. Năm Thiên cau có ngồi rũ bên bậu chuồng. Ba Bá từ ngoài phố chạy về ngẩn ngơ trước xác con bò.
- Dịch cả vùng. Thế này thì chết hết mất...
Năm Thiên làu bàu:
- Kêu người xả thịt bán hết may ra còn gỡ được chút đỉnh.
Thằng Út rủn người. Từ lần nó và Tư Tiên bị nhốt và bỏ đói trong kho, chỉ có Bảy Thiện lén mang cơm cho hai chị em, còn Năm Thiên chiều nào cũng ung dung ngồi nhậu cùng cha, nó không bao giờ nhìn Năm với ấn tượng tốt như trước. Nó rất muốn hét vào mặt gã: không được giết bò...Nhưng nó sợ. Nỗi sợ không biết có từ bao giờ cứ luôn trào lên mỗi khi nó định nói điều gì trái ý với người khác.
Ba Bá lầm lầm vạch mắt con Đuôi trắng rồi chùi tay vào cột chuồng, miễn cưỡng đến bên cha:
- Giờ tính sao?
Ông Hai Rỡ chán nản cúi đầu.
- Phải bò lạy từ ngoài đường vào nhà để rước thầy Tám cúng bò. Ông lầm bầm như nói thầm. Tao hết thuốc rồi. Chỉ nội tuần này là đi hết à.
Bá vò đầu bứt tai. Cuối cùng gã cáu hẳn:
- Có bò lạy, hắn cũng không tới. Gã rũ rượi ra khỏi chuồng: Bò chết hết, tôi đốt cái nhà này.
Từ trong nhà ra vội hướng nắng, mắt Bá bỗng tối sầm không thấy đâu với đâu, vấp ngay phải thằng Út, ngồi co rúm ở bậu cửa, suýt ngã sấp.
- Đù mẹ. Muốn làm mô đất cản tao hả, đồ khùng. Đã bỏ đi được vài bước, đã bắt đồ quay lại, chộp cổ Út kéo đứng dậy. Út bị nghẹt, ú ú ớ ớ, mắt trợn lộn lòng trắng. tại mày... Bá nghiến răng, nghiến lợi rít lên: bò chết hết, tao giết mày trước. Rồi gã dúi thằng Út ngã bật ngửa, đầu nện cốp vào đất: Tao sẽ giết...
Út đau điếng, xây xẩm, cố lồm cồm bò dậy, lủi biến ra phía sau chuồng, thu lu trong xó kho tối tăm bụi bặm, không khác gì chó chạy đòn, mắt thao láo nhìn ra phòng đón cơn thịnh nộ tiếp theo.
May Ba Bá quên nó ngay. Gã ngoắc thằng Năm ra sân.
- Hôm rồi, mày nói mày biết con Tư trốn ở đâu?
Năm lấm lét nhìn quanh rồi thì thầm vào tai Bá. Từ xa, đọc nét mặt hai gã, Út linh cảm thấy mối nguy mới đang hướng về Tư Tiên. Nó cũng biết Tư hiện đang ở đâu. Từ mấy dịp, Tư gửi Bảy Thiện mang về cho nó khi mấy cái bánh ít, khi gói đậu phộng da cá, nó đều thấy Bảy lén xúc gạo ở nhà đi đâu đó. Nó sinh nghi, một lần quyết định bí mật bám theo. Hóa ra, Bảy vẫn tiếp tế cho Tư. Chị Tư nó trốn ở nhà dì Bảy mãi bên Tân Thới Hiệp, Hóc Môn. Dì là em ruột má nó, chuyên làm bánh ít bỏ mối các chợ nên gọi là dì Bảy bánh ít.
Nghe Năm Thiên thì thầm xong, Bá gườm gườm đi vào chuồng bò.
- Thằng Bảy ra đây.
Đang mải dọn phân và nhớt dãi bên xác con Đuôi Trắng, Bảy Thiện giật mình.
- Tao nói mày ra đây. Bá nhắc lại.
Bảy buông cây chổi và cái xô, thận trọng rời khỏi chuồng.
- Mày vẫn tiếp tế cho con Tư phải không?
Mặt Bảy thất sắc:
- Đâu... đâu có...
Ba Bá không bận tâm gì về thái độ của Bảy.
- Mày đưa tao đi gặp nó. Tao cần nó giúp tao một việc. Sợ Bảy cưỡng lại, Bá nói thêm: Nhà này nó chỉ ngán ông già nên mới phải trốn, nhưng ổng thất thế rồi. Giờ đứng đầu nhà này là tao. Nó phải về chứ.
- Về làm gì? Bảy hỏi.
- Mày nghĩ tao ác sao mà hỏi kỹ vậy? Bá đẩy vai Bảy. Dẫn tao đi. Có nhà thì phải về nhà mà ở chớ sao.
Út biết ngay Năm cũng theo dõi vụ Bảy vẫn đi tiếp tế cho Tư. Nó ngầm căm tức Năm. Thêm một lần nữa nó biết chắc sẽ có chuyện không hay cho chị nó.
Ba Bá và Bảy vừa đi khỏi, Út lại len lén bò ra thềm chuồng ngồi cạnh con Vàng, xem cha tiếp tục chữa chạy cho mấy con bò bệnh nặng.
Khu chuồng bò vắng hiu đầy tiếng ruồi vo ve. Năm Thiên đã chạy đi kêu người đến xả thịt con Đuôi Trắng. Sáu Là vẫn bệnh, nằm liệt giường sau trận đòn thù của Ba Bá, được bên ngoại đón về nhà chạy thuốc suốt tám, chín tháng nay. Chỉ còn một mình Út với cha.
Nhìn điệu bộ lặng lẽ, lủi thủi của cha, Út bỗng thấy thương ổng. Từ ngày xảy ra chuyện với Bá, chỉ qua mấy tháng, cha nó gầy xọp, khô quắt, mái tóc đang còn đen bỗng bạc trắng gần hết. Tấm lưng to ngang trước đây chỉ hơi gù như làm dáng hơn do tuổi già, nay còng gập. Mắt ổng hồi nào cương nghị, quả quyết là thế, giờ không dám nhìn thẳng vào ai.
Út không bao giờ quên chuyện từ cái đêm thoạt đầu tràn trề hy vọng với nó, khi Ba Bá đột ngột từ nơi xa trở về phá cửa kho giải thoát cho nó và chị Tư. Nó đang lả đi vì đói mệt, được Bá bồng trên tay, hơi ấm của sức mạnh cưu mang từ Bá truyền cho nó niềm hạnh phúc mênh mang. Từ nay, có anh Ba, nó sẽ hết cảnh bị cha hằn học, hắt hủi. Nó đâu ngờ, Ba Bá sau đêm đùng đùng điên giận suýt giết cha, và hành hạ vợ, bỗng nhiên như chịu nỗi ám ảnh nặng nề, chỉ sáng hôm sau, gã đã thành con người khác hẳn: hoang mang và giá lạnh. Gã hầu như chẳng để ý, chẳng coi có thằng Út trong nhà, thậm chí Tư Tiên bỏ nhà trốn đi ngay đêm đó, gã cũng không quan tâm. Hai tháng trời, gã trầm mình vào rượu, u mê suốt ngày này qua ngày khác, hễ mở miệng là chửi tứ tung. Út, thằng khùng, trở thành kẻ ù lỳ vướng mắt bị gã chửi rủa nhiều nhất. Ước ao được có người thương yêu hết chỗ trong đầu nó. Khi cha nó từ bệnh viện trở về với cái chân què, việc đầu tiên ông chỉ mặt Út, nói bằng giọng khàn khàn:
- Nhà này từ nay không có mày. Cút đi đâu thì cút!
Ông vẫn tin chắc từ nó mà chuyện kia vỡ lỡ. Nó líu lưỡi chưa biết thanh minh thế nào, ông đã cầm con dao bầu ném vèo. Nó không nhanh mắt né trước, bị trúng cú ném, không biết chuyện gì sẽ xảy đến. Nó biến ra con hẻm rồi lang thang ngoài phố tới tối. Vừa đói vừa mệt, nó cố tìm Tư Tiên nhưng tìm hoài không thấy. Cuối cùng, nó đành len lén mò về nhà, vào lúc cả nhà đã đi ngủ. Chỉ có con Vàng nhận ra nó, vẫy đuôi chạy tới hít hà mừng mừng tủi tủi. Nó cùng con Vàng chui vào đống rơm trong chuồng bò ngủ thiếp đến gần sáng, khi Bảy Thiện dậy sớm cho bò ăn phát hiện ra mới đánh thức nó dậy, lấy cơm nguội và dưa muối cho ăn. Chưa bao giờ nó ăn ngon miệng như lần đó. Cũng từ đó trở đi, chỗ ăn, chỗ ngủ của nó ở luôn ổ rơm trong chuồng bò. Cha nó không muốn thừa nhận nó, đứa con, mà theo ông là khởi đầu sự sụp đổ của đời ông. Ông tin nó khùng thật, Bảy và Năm cũng tin nó khùng. Ba Bá cũng vậy. Sau cơn khủng hoảng, Bá bỗng chùn lại, mặc nhiên chấp thuận sự tồn tại của cha. Không có thêm hành vi đối đầu nào, thậm chí, còn tỏ ra có trách nhiệm lo chạy chữa cho cha những ngày nằm viện. Để nhẹ bớt động cơ tội lỗi, Bá biết Út bị cha nghi oan nhưng gã cố ý không đính chính. Gã dửng dưng, chẳng dại gì cưu mang nâng đỡ Út để phật ý cha. Khi cha âm thầm đầu hàng, nhường quyền cai quản gia đình cho Bá, Út sớm nhận ra "Hiệp sĩ" Bá còn tệ hơn cha. Cha nó, tuy hằn học, căm ghét nhưng nó còn được thừa nhận là thành viên trong nhà. Được ăn cùng mâm, được ngủ giường. Còn thời Bá, nó chỉ được coi ngang con Vàng. Ăn và ngủ ngay trong chuồng bò.
Nghe cha nhắc đến thầy Tám thú y, Út mới chợt nhớ vì sao suốt từ khi đàn bò bị bệnh, cha và ccác anh xoay chữa đủ cách, kêu hết thầy này thầy khác nhưng không ai dám đụng đến thầy Tám. Điều đơn giản, chỉ từ vụ nó và chị Tư chém gã ngày nào. Giờ nhìn đàn bò sắp lần lượt chết hết, tự nhiên nó không thấy vụ nhát chém quan trọng như cha nó và Ba Bá. Trong đầu nó, đồng thời lóe lên ham muốn lập công. Trước đây, hồi Bá còn đi lính, bị cha gọi là "thằng Khùng" nó còn quá nhỏ, không thấy từ đó mối nguy cơ tai họa nào. Nó chỉ hiểu như một sự chế giễu. Nó không thích gọi thế nhưng cũng không nảy ra ý định bác bỏ. Chỉ từ khi bị đuổi hắt, sống leo lắt trong chuồng bò, nó mới sợ hãi muốn trốn chạy khỏi "thằng khùng". Từ đó, một phần phải cam chịu sự hắt hủi để có chỗ nương thân, một phần trong nó luôn mong mỏi cơ hội để chứng tỏ mình được việc, những cơ hội lập công để mọi người tin nó không khùng, thừa nhận nó là đứa trẻ bình thường, đối xử tốt với nó.
Nhìn trước nhìn sau không thấy ai để ý, nó phóng luôn khỏi nhà.
Hồi còn được cha cưng chiều, nhiều lần ổng chở nó bằng xe Sác xuống nhà thầy Tám gần Ngã Năm Chuồng Chó. Ra tới phó, nó leo đại lên chiếc xe lam vừa đậu bến.
- Ê, thằng nhỏ đi đâu? Thằng bé lơ xe chỉ chừng 14 tuổi đang đứng cạnh xe xếp chỗ cho khách, túm vai định kéo Út xuống.
- Ngã Năm Chuồng Chó. Thằng Út lì lợm giật tuột tay rồi nhào người vào góc trong thùng xe, lọt giữa mấy bà dân chợ.
Thằng lơ xe lách theo dứ nắm đấm:
- Xuống ngay. Đi quỵt, tao nện thấy bà đó mày.
Một bà cùng lên xe nhận ra Út, bèn nói:
- Nó khùng. Cho nó quá giang một đoạn đi, con.
Thằng lơ nhóc tức tối chạy vòng lên mách ông già đang ngồi cầm lái trong ca-bin:
- Cha, có thằng khùng leo lên xe.
Ông già ngoảnh cổ nhìn qua ô cửa hậu, làu bàu:
- Mày con nhà ai vậy cà?
- Thằng khùng con ông Hai Rỡ. Một bà khác nói đỡ.
Ông già chặc lưỡi:
- Thôi, cho nó đi. Cha Hai Rỡ ngày xưa đi ăn cướp, trời phạt sanh ra thằng con khùng.
Ông rồ ga cho xe chạy tiếp.
Trời nóng. Đường bụi. Chiếc xe lam cũ kỹ lọc xọc nhét chật người, chạy quá tải, tiếng máy nổ trì trì, khói đen xả mù mịt. Thằng Út gần nghẹt thở vì bị ép ở góc trong cùng. Nhưng không sao. Từng ở được trong chuồng bò oi ngột, bức bối, ruồi muỗi hôi hám, thì đi xe kiểu xếp cá thế này nhằm nhò gì. Trong đầu nó chỉ mong thầy Tám có nhà. Và thầy sẽ nhận lời về nhà nó chữa bệnh cho đàn bò. Nó miên man hình dung ra đàn bò được chữa khỏi, con nào con nấy ăn khỏe trở lại, tiếp tục cho nhiều sữa, cha nó và anh Ba sau đó sẽ xởi lởi nói với mọi người: Thằng Út đâu có khùng. Được coi là đứa trẻ bình thường, nó sẽ không còn bị ai chế giễu, hắt hủi.
Xe lam vừa dừng ở Ngã Năm Chuồng Chó, thằng Út đã chui lẹ qua hai dãy hành khách, nhảy xuống đường, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về hướng chợ Gò Vấp. Nó nhớ thầy Tám ở ngôi nhà hai lầu quét vôi vàng, bên cạnh có tiệm phở. Nó còn đang ngơ ngác tìm thì từ cửa ngôi nhà phía xa, một người đàn ông cao gầy bận đồ ka - ki sĩ quan là nếp, đầu chải mượt, dắt chiếc Mô - tô bê - can màu vàng gạch cua ra đường. Đúng thầy Tám. Nó bỗng sợ thót tim định tìm nơi ẩn nấp. Chỉ lúc này, nó mới ngán vụ vết chém. Nhưng khi thấy thầy hướng xe về phía chợ Gò Vấp, nó mụ mị lao nhanh lại. Chiếc xe nổ máy vừa chuyển bánh, nó kịp tới nơi. Lúc vươn tay túm được áo thầy, nó đuối hơi muốn lả đi. Gã Tám lúc đầu tưởng xe mình đụng phải đứa trẻ vội thắng gấp. Nhận ra thằng Út người ngợm đen đúa, hốc hác, ướt đẫm mồ hôi, gã vội dựng xe đỡ nó dậy:
- Tội nghiệp. Mày tìm tao hả Khùng?
Út níu tay gã nói không ra tiếng:
- Bò...ò...chế...chết...
- Bò nào?
- Nhà...à...tôi.
Gã Tám liền quay xe dắt thằng Út về nhà. Đúng, ngôi nhà hai lầu quét vôi vàng, Út đã từng đến cùng cha. Phần ngoài tầng trệt là cửa hàng bán các loại thuốc thú y, nửa bên trong dùng để tiếp khách, đồ đạc toàn thứ sang trọng. Một phụ nữ cỡ ba lăm, hơi đậm người, vẻ đẹp nhân hậu, tháo vát, đang đứng trông hàng, thấy chồng dắt đứa bé nhếch nhác, bẩn thỉu, thì ngạc nhiên:
- Con cái nhà ai vậy anh?
Gã Tám bảo vợ:
- Em pha ngay cho nó ly nước cam. Rồi gã hỏi Út: Sao nhà nhiều người lớn không ai đi lại để mày?
Thằng Út làm thinh. Mắt nó mở to nhìn thầy Tám đầy lo lắng.
Vợ gã Tám mang ly nước cam bự có đá đưa cho Út, vừa nói với chồng:
- Con ông Hai Rỡ bị khùng, hóa ra thằng này hả?
- Đúng nó đó.
- Có đúng là con đã tới đây rồi không? Vợ gã Tám hỏi Út.
Nó chỉ trân trân mắt, không đáp.
Người đàn bà nhìn nó ngửa cổ ừng ực uống ly nước như đang trong cảnh chết đói, chết khát, chép miệng:
- Hồi ông Hai vẫn đưa nó tới đây, đâu đến nỗi. Chắc lại trời phạt. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.
Gã Tám nói:
- Chính nó chém anh đó.
Út ớn lạnh hết xương sống. Người phát run lẩy bẩy... Không ngờ vợ gã Tám dịu dàng nhìn Út bằng tình cảm khác hẳn:
- Dì quý con đấy. Người đàn bà đôn hậu nói. Nhờ vết chém ấy...
Gã Tám cười vui, tiếp lời:
-...mà tao hết bệnh... hề hề hề... bệnh đào hoa.
Gã Tám vào trong nhà mang ra hộp da đựng đồ nghề và thuốc thang rồi giục Út:
- Đi luôn, con. Bây giờ tao đưa con về nhà trước. Tao đang dở công chuyện. Đi xong, tao sẽ đến với lũ bò nhà con.
Út chỉ giương mắt nhìn vợ thầy Tám rồi theo thầy ra cửa. Bụng nó vẫn thắc mắc không hiểu sao "bả" lại nói quý nó khi biết nó chém chồng "bả"? Còn thầy Tám nói bệnh đào hoa là bệnh gì? Lúc trèo lên nệm sau chiếc Mô - tô bê - can, nó ý tứ ngồi cách lưng gã Tám một khoảng, nhưng gã nhắc:
- Cứ ngồi sát tao. Tao cũng không thơm hơn mày đâu con.
Gã chỉ chạy vèo một loáng đã đến đầu con hẻm rẽ vào nhà Út.
- Mày về trước nói cha mày chuẩn bị nước sôi, rượu và mồi nghe con.
Út chưa kịp thưa, gã đã rồ máy chạy thẳng. Khoan khoái nhìn cho tới lúc tấm lưng áo ka - ki rộng bè bè của gã mất hút, Út mới phóng một mạch về nhà. Vừa tới cổng, lòng hăm hở muốn khoe công của nó bị chựng ngay lại khi thấy Ba Bá đang túm chặt mái tóc vốn dài tới tận khoeo chân Tư Tiên kéo xềnh xệch từ sân vào nhà. Đi sau Bá là Năm Thiên. Gã đang cầm sợi dây thừng, thỉnh thoảng đưa tay kéo vạt áo của Tư do cố kháng cự Bá bị lật lộ cả lưng lẫn bụng và bầu vú thây lẩy.
- Buông tôi ra... Buông tôi ra...
Tư Tiên cố gỡ bàn tay túm tóc rắn như sắt của Ba Bá, vừa chùng chân cưỡng lại, nhưng mỗi lần như vậy đều bị Bá giật như giật bò, nàng mất thế ngã khuỵu. Thằng Út thấy cha đứng bên bờ giếng làm bộ quay ngơ để khỏi nhìn cảnh bi thảm, nét mặt ông dật dờ như thả hồn vía đi đâu. Út nhìn quanh, không thấy Bảy Thiện đâu. Như con thú ngửi ra mùi nguy hiểm, nó tự biết lúc này tốt nhất không để ai thấy mình. Nhanh như sóc, nó khom người men dọc hàng rào ó, chạy một mạch ra sau nhà, chui tụt vào góc tối giữa chuồng bò và kho chứa đồ.
Nó không ngờ Ba Bá lôi Tư Tiên tới ngay bên kia vách kho.
- Thằng Năm... Tiếng Ba Bá lẫn trong tiếng thở dốc: Trói hai tay nó vào cột cho tao. Mày còn giãy, tao sẽ treo mày lên.
Tư Tiên nấc nngẹn uất ức:
- Tôi thà chết còn hơn...
- Về đến đây rồi muốn chết cũng khó lắm, em ạ.
Ban đầu, theo bản năng sợ hãi và trốn chạy, Út thụt sâu vào hốc đầy mạng nhện, bụi bậm. Lũ gián từ các kẽ vách bị động lổn nhổn bò lọan cả lên người gây ngứa nhột, nó cũng mặc. Nhưng khi đã tĩnh trí, máu lì lợm lại chế ngự, nó dón chân bò nhẹ ra bờ vách, ghé mắt nhìn qua khe hở giữa hai miếng ván. Nó giật mình bởi khoảng cách giữa nó và Tư Tiên quá gần. Nếu có lỗ hở lớn, chỉ thò bàn tay, nó có thể chạm được vào vai nàng.
Tư Tiên đang quỳ dưới đất, run tay cài lại từng nút áo ngực. Hai tay nàng vẫn chưa bị Năm Thiên trói. Tóc nàng một phần bị quấn thành mớ ở tay Bá, phần còn lại xõa sượi phủ bết một bên mặt.
Chờ Tư Tiên cài hết nút áo, Ba Bá nói:
- Nếu mày không kháng cự, tao sẽ để mày tự do.
Tư nguẩy người trong sự nhân nhượng:
- Bỏ tôi ra.
- Giá mày ngoan ngoãn từ bên dì Bảy có phải đỡ cực cả tao và thằng Năm không. Bá đã hết điệu hào hển. Giọng hắn nhỏ nhẹ như chưa hề tức giận: Năm đi lấy nước cho chị mày uống.Gã cũng buông mớ tóc Tư ra. Vô nhà lấy lược chải tóc rồi ra đây nói chuyện.
- Khỏi cần. Tư dùng hai tay chẽ mái tóc dày ướt đẫm mồ hôi ra khỏi mặt, rồi vén ra sau lưng. Anh nói gì cứ nói.
Năm Thiên mang ca nhựa đựng đầy nước đưa Tư. Nàng hất cái ca văng ra đất, nước đổ tung tóe.
- Mày là đồ chó. Nàng mắng Năm: Đồ súc vật.
Gã cười nhạt nhẫn nhục nhặt cái ca rồi đứng tách ra.
Bá chỉ vào chuồng, nơi đàn bò gầy guộc không còn mấy con đứng vững, cả khu chuồng nồng nặc không khí bệnh tật.
- Mày mở mắt coi thế nào. Bò chết hết, cả nhà chỉ có nước đi ăn xin. Bá vẫn nói rất dịu. Lỗi chính vì bò bệnh không có thầy giỏi. Nếu mày không chém thằng Tám thú y, nó đã không chừa mặt nhà mình. Bây giờ, để cứu đàn bò, chỉ có cách, mày phải tới xin lỗi... và chiều nó.
Tư ngẩng đầu, ánh mắt xáo lạc:
- Anh nỡ lòng nào... Nàng ngẹn ngào. Tôi thà chết...
- Mày cứ nhai đi nhai lại như bò cái giọng ấy làm gì. Bá nói. Thực sự, mày còn giá trị gì mà phải giữ. Cái tội trốn chúa lộn chồng, làm bẽ mặt cả nhà, chưa ai nói tới. Thằng Tám chỉ muốn mày làm vợ bé, không lấy thì thôi, sao mày chém nó? Mày gây sự, bây giờ mày phải chịu. Nó còn thương mày mới không kiện, chớ kiện ra tòa, mày tù mọt xương rồi. Tao và cha đã nhất quyết gả mày cho nó để hồi sự hiếu hòa. Ngoài nó ra, không ai cứu nổi đàn bò.
Tư nức nở:
- Trời đất quỷ thần ơi. Sao đời tôi khổ thế hở tròi? Nàng hướng ra ngoài giếng, nơi cha nàng vẫn đang giả mù giả điếc kéo nước: Cha ơi! Cha nỡ lòng nào... Cha hãy vì má mà thương đứa con gái duy nhất của cha...
Ông Hai Rỡ không hề quay lại lấy một lần.
Bá dỗ dành:
- Nếu chịu nghe, mày muốn điều gì tao cũng chiều. Rồi gã dọa. Còn cưỡng lại, đừng trách tao. Muốn chết, tao cho chết liền à. Gã quay qua Năm Thiên. Thằng Bảy đưa bà mối tới nhà thằng Tám chưa?
Năm nhệch nhạc:
- Thưa anh Ba, đã.
Bá lại nhìn Tư Tiên:
- Nếu thuận thì đi tắm rửa, thay đồ, lẹ lên.
Tư Tiên im một lúc rồi nói:
- Anh cho tôi nghĩ thêm một ngày.
- Không thêm gì hết. Thêm cho mày một ngày để đàn bò chết hết. Bá cau có. Mày định giở trò gì tao cũng biết rồi. Thằng Bảy đã đưa bà mối đi nói chuyện với thằng Tám. Chỉ nội hôm nay nó tới đây. Tao khuyên mày bỏ bộ mặt đưa đám kia đi. Chịu nghe thì đứng dậy, mọi chuyện xong, tao sẽ cho mày đôi bò làm vốn.
Thằng Út hồi hộp đến nín thở. Nó căng mắt qua kẽ vách, như muốn dùng nhỡn lực truyền tới Tư sự cảm thông và nói Tư đừng chấp thuận, thầy Tám sẽ tới đây chữa cho đàn bò mà không đòi một điều kiện nào.
Nhưng thật bất ngờ, Tư Tiên uể oải vịn tay vào vách, nặng nhọc đứng dậy, miệng nói khẽ:
- Anh muốn tôi đi vào chỗ chết thì trời sẽ phạt anh.
Dứt lời, nàng lảo đảo theo thềm kho qua dãy nhà ở.
Ba Bá nói với Năm Thiên:
- Mày đi lo nước ở giếng cho nó tắm.
Út lập tức men ra chuồng bò, vòng lối ra sau. Nó tính gặp Tư Tiên. Đã lâu, kể từ khi Tư bỏ nhà trốn qua dì Bảy, nó không gặp mặt. Nó sẽ kể cho nàng biết chuyện nó đến nhà thầy Tám. Nhưng mới tới đầu hồi, qua cửa sổ, nó đã thấy Tư ôm bộ quần áo sạch từ cửa chính đi ra giếng.
- Tư. Chị Tư à...
Út gọi nhỏ. Do đầu óc nặng chình chịch đau buồn, tư Tiên không nghe thấy. Út đành tần ngần đứng nhìn theo cho tới lúc nàng bước vào chòi liếp sơ sài cạnh hồ nước, nơi từ khi trong nhà có đàn bà, là nàng và trước đây là mẹ nàng, được dựng lên làm nhà tắm
Út lom khom vòng ra sau nhà trở lại chuồng bò. Vừa lúc đó từ ngoài hẻm vọng tới tiếng máy nổ bành bạch, tiếng còi ngẹt hơi quen thuộc của chiếc Mô - tô - bê - can. Út phấn khởi quay ngay ra, nhưng khi thấy Ba Bá mừng rỡ chạy bổ từ chuồng bò ra cổng, còn cha nó lững thững theo sau, nó mất hứng, tự biết thân, biết phận, lánh khuất sau kho chứa đồ.
- Ồ. Bá cố rặn ra điệu cười xởi lởi lấy lòng thầy Tám thú y: Tôi đoán thể nào thầy cũng tới.
Gã Tám cho xe chạy chậm vào tới đầu chuồng bò mới thắng lại, dựng xe cười hềnh hệch, vết sẹo sâu chém từ trán xuống gò má giần giật.
- Đã chuẩn bị mồi nhậu chưa? - Lúc này gã mới thấy ông Hai Rỡ: Ủa, sao ông ốm o, tóc bạc lẹ vậy? Cứ tưởng ai. Bệnh hả? Gã hỏi Ba Bá: Đang nghỉ phép hả?
Gã Tám vui vẻ đến mức tưởng như vụ vết chém không hề xảy ra với gã, làm cho chính ông Hai Rỡ đâm khó xử. Gắng gượng lắm ông mới nhếch đươc miệng, chẳng ra cười, cũng chẳng ra chào, còn Ba Bá ngơ ngơ không hiểu đầu cua tai nheo, nói theo gã Tám một cách máy móc:
- Tôi về hẳn rồi...
Gã Tám quay ra gỡ hộp da đỡ sau xe, mặt vẫn hơn hớn vô tư:
- Thằng Khùng đâu? Gã hỏi trống không.
Ba Bá vội nói như thanh minh:
- Nó vẫn khùng mà thầy.
Vừa chạm mắt vào đàn bò, gã Tám tái mặt kinh ngạc, quên luôn lời hỏi thăm chưa được đáp trúng ý.
- Trời đất. Bò bệnh bao lâu rồi, sao không báo tôi sớm hả?
Cả Ba Bá lẫn Hai Rỡ đều lúng túng:
- Thầy tính... À... Hai Rỡ lắp bắp: Ban đầu tôi tưởng cũng nhẹ thôi...
- Nhẹ là thế nào? Đang dịch cả vùng mà kêu nhẹ. Gã xông xáo vào chuồng vạch mắt, sờ mõm, xem nước dãi từng con: ông già đầu với nghề này rồi mà không biết mắt bò thế này là chết đến đít à? Mang nước sôi lên đây.
Ba Bá luýnh quýnh:
- Năm... Gã hét Năm Thiên. Xuống bếp đặt ngay nồi nước.
- Ủa. Gã Tám ngạc nhiên. Thế thằng Khùng về không nói gì hả?
Bá nhìn gã khó hiểu:
- Khùng nào? Thày gặp nó ở đâu?
- Khùng nhà này chú khùng nào? Gã Tám bận rộn với những thứ đồ nghề chữa bệnh. Thế ai sai nó đến báo tôi.
Hai Rỡ và Ba Bá đưa mắt nhìn nhau. Bá lắc đầu hoài nghi:
- Thằng Bảy không đến nhà thầy?
- Chỉ có thằng Khùng. Chính tôi chở nó đến đầu hẻm thả xuống, nói đi có công chuyện rồi quay lại ngay. Nó về không nói gì là sao? Nó đâu rồi?
Bá vỡ ra một phần diễn biến. Gã vội xuê xoa:
- Nó khùng, nghe trước quên sau mà thầy. Rồi gã ngọt giọng gọi: Năm, Năm à... Đi tìm ngay thằng Khùng về. Thằng này cứ như chuột chũi trong nhà, hễ khách đến là tránh mặt à.
Năm Thiên chỉ đảo một vòng quanh chuồng bòlà túm được cổ thằng Út đang thu lu trong xó kho đầy bụi bặm và mạng nhện, nơi trú ẩn cố hữu mỗi khi có "biến". Tưởng Út có tội gì, thẳng tay lôi xềnh xệch thằng bé đến trước mặt gã Tám và Ba Bá:
- Nó đang rúc như chó ăn vụng...
Bá vội lừ mắt với thằng Năm rồi cười xoa đầu Út:
- Mày khá lắm. Rồi giải thích với Tám: Nó thương đàn bò lắm nên tự đến tìm thầy, chứ tôi sai thằng Bảy đến thưa thầy kia.
- Vậy nó đâu có khùng. Gã Tám thân mật ôm tấm lưng mảnh dẻ của Út: Thích theo tao học nghề không? Theo tao, tao nuôi cơm...
Hai Rỡ cười khờ:
- Thầy nuôi được, tôi cho không thầy đấy.
Ba Bá nhẹ nhõm nói với Út:
- Nếu mày thích, cho mày theo thầy Tám luôn.
Út sướng rơn. Nó chân thành nép luôn vào gã Tám như biểu hiện lựa chọn dứt khoát.
- Nó không khùng đâu. Gã Tám nói. Cứ cho nó đi theo tôi. Con tôi, mấy đứa tôi không chọn mà chọn nó là biết nó được việc. Khùng mà nó biết chém một nhát ra chém... Gã cười khà khà vô tư. Mắt nó là con mắt có tình với loài vật. Làm nghề này, mắt mà "người" quá thì thành thú, mà "thú quá" thì thành quỷ. Nên phải khôn khôn dại dại, nửa người nửa thú thì vật nó mới chịu. Từ hôm nay phụ việc luôn cho thầy nghe con.
Mắt thằng Út sáng bừng. Nó sung sướng ôm cánh tay gã Tám, chính cánh tay chị Tư nó đã chém gãy bây giờ cũng lằn chéo vết sẹo dài.
Năm Thiên mang nước sôi lên. Gã Tám bận rộn rửa các xơ - ranh, phanh kẹp, vừa sai thằng Út: Con đi kiếm cho thầy cái xô sạch. Nhớ rửa thật sạch nghe con.
Út rời chuồng bò ra giếng đúng lúc Bảy Thiện đạp xe đạp từ cổng vào. Nó vội xua tay cho Bảy lặn đi, nhưng Ba Bá đã nhanh chân ra chặn Bảy ở giữa sân.
- Sao mày không đến nhà thầy Tám.
Bảy thất sắc, ấp úng:
- Tôi không... Không tìm thấy nhà.
Bá hườm hườm:
- Mày định lừa tao để cứu con Tư hả? Rồi tao sẽ dạy cho mày biết phản tao sẽ được gì.
Dứt lời, gã lại thản nhiên trở vào chuồng bò. Út vội cắm đầu đi ra giếng. Không thấy cái xô vẫn úp trên cây cọc cạnh hồ nước như mọi khi, nó đảo mắt nhìn quanh. Chòi tắm cách chỗ nó đứng không xa mang vẻ yên ắng khác lạ. Nó bỗng chột dạ. Mọi khi, có người tắm trong đó thường có tiếng dội nước, tiếng chạm gáo vào thùng, tiếng kỳ cọ... Bỗng từ trong chòi, con Vàng đâm bổ ra ín ín lên những tiếng hoảng sợ. Út rùng mình. Nó chợt nghĩ tới điều kinh khủng.
- Tư à! Nó gọi lớn. Chị Tư à! Không nghe tiếng trả lời, nó vội nhón chân bước lại chòi tắm. Com tim nhỏ của nó thót chặt nỗi lo sợ. Từ trong chòi tỏa ra mùi dầu thơm ngát ngan như mùi bông bưởi.
Thằng Út bỗng tê cứng toàn thân. Trước mắt nó, Tư Tiên trong tấm áo dài đỏ thêu hình chim phượng ở ngực, tấm áo nàng đã mặc trong ngày cưới, mái tóc đen mượt buông tỏa xuống tận khoeo chân, mặt tím ngắt, mắt mở trừng trừng, hai bàn chân không vừa chấm đất. Út kinh ngạc nhìn lên trên. Lúc này, nó mới phát hiện sợi dây dù trắng thòng từ cổ Tư lên cây ngang nóc chòi.
- Ba... a... Út líu lưỡi thất thanh. Chị Tư chết... Nó chạy bổ về phía chuồng bò. Vừa chạy vừa mếu máo: Chị Tư...
Từ khi bị là thằng Khùng, thường xuyên chịu đụng sự ruồng rẫy, hắt hủi, nó chỉ quen nghĩ không quen nói, đến nỗi mỗi lúc có ý định phát ngôn, trong nó lại nảy ra phản xạ ngược lại. Đây là lần đầu tiên khi thét lên báo động về cái chết của chị nó, cái lưỡi và cái đầu nó hòa đồng nhuần nhuyễn không vướng bận một định cảm nào.
- Má... Nó quên má nó đã chết từ lâu: Chị... Tư...ư...
Tiếng la hét lạc giọng của thằng Út, thằng khùng, chấp chới khắp khu trại bò. Ai nghe thấy cũng bủn rủn.