Books had instant replay long before televised sports.

Bern Williams

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Thanh Hoa
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2024 / 46
Cập nhật: 2015-01-05 19:24:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 -
hát xuống trước một bữa ở tại Trà Vinh mà chờ. Tuy thầy Hà Tấn Tài đã dặn dò mọi việc và biểu đừng sợ, nhưng mà thầy giáo Phát cũng lo hết sức, nên mặt mày buồn hiu. Thầy gặp vợ chồng Hội đồng đi hầu, hai ông bà ngoài miệng thì vẫn nói cứng như thường, mà nét mặt coi cũng lo lung lắm.
Chừng Tòa kêu mà xử, thì thầy giáo Phát cứ khai mình vay bạc của anh mình là Hà Tấn Phát để mua ruộng đất nhà cửa đó; hai ông trạng sư cũng cãi lời, mỗi ông luận biện trót một giờ đồng hồ nhưng mà chừng Tòa lên án, thì tòa phạt Bành Đại Lợi một năm tù và phạt Hà Tấn Phát sau tháng tù vì tội sang đoạt.
Thầy giáo Phát nghe Tòa đọc án phạt thầy thì thầy tá hỏa hai con mắt, mồ hôi tuôn ướt áo. Còn thầy Hội đồng Lợi thì lúc thầy bước ra khỏi cửa Tòa thầy té xỉu, vợ thầy lật đật mướn xe hơi chở về Tiểu Cần liền.
Thầy giáo Phát bối rối hết sức, bỏ ăn bữa cơm trưa cứ đi thơ thẩn ngoài đường. Đến xế thì thầy mới đánh một cái dây thép cho anh hay rằng mình đã bị Tòa kêu án sáu tháng tù, và hỏi anh coi bây giờ phải làm sao. Ở Trà Vinh mà chờ anh trả lời thì bực bội quá chịu không được, bởi vậy thầy đi chuyến xe chiều mà qua Tiểu Cần, trước là thăm Hội đồng Lợi, sau nữa hỏi coi vợ chồng tính lẻ nào.
Vợ chồng Hội đồng Lợi thấy thầy giáo Phát thì khóc òa: "Tôi thiếu nợ người ta, tôi lập mưu để chủ nợ không thi hành phát mãi ruộng đất tôi được, thì Tòa bỏ tù tôi đã đành. Tội nghiệp cho thầy, vì thương tôi nên muốn cứu vớt tôi, mà thầy phải liên lụy, thiệt vợ chồng tôi buồn hết sức. Chẳng giấu gì thầy, vì cái kiện này mà mấy tháng nay tôi tốn hao lung quá. Bây giờ trong nhà bạc tiền đã hết, mà lúa cũng sạch trơn, tôi biết làm sao. Thầy cũng thất tôi lo hết lòng, chớ phải tôi bỏ trôi đâu. Tại cái mạng tôi phải tán gia bại sản, mà còn phải ở tù nữa, thôi đành bó tay mà chịu, xin thầy coi có phương thế gì gỡ khỏi phận thầy, thì thầy làm đi, chớ thiệt tôi tận kế rồi, chỉ đợi chúng bắt đi ở tù rồi chết".
Thầy giáo Phát nghe Hội đồng Lợi nói xuôi xị thì thầy thối chí ngã lòng. Thầy ngồi khóc rấm rứt, thấy cảnh tù rạc trước mắt, nhớ việc mất chức xấu hổ, tiếc công phu ăn học, ngày nay tan rã như bọt nước, giữ tánh tình ngay thẳng, rốt cuộc rồi chẳng ích gì. Vợ thầy Hội đồng Lợi thấy thầy buồn rầu quá mới nói rằng: "Xin thầy nhứt chớ buồn, phải tĩnh trí mà lo. Vợ chông tôi nói thiệt, nếu thầy lo phá cái án Tòa đó được, thì vợ chông tôi cho luôn hết ruộng đất đó mà hưởng đời đời, đặng bù lại cái hại của vợ chồng tôi làm cho thầy phải mang, chớ vợ chồng tôi không nỡ đòi lại đâu, lời tôi nói đây là lời chắc chắn, chớ không phải môi miếng, Thầy nghĩ đó coi, nếu thầy trả lại thì chủ nợ họ cũng thi hành, chớ vợ chồng tôi ăn uống gì được".
Mấy lời nói ấy tuy thật, nhưng mà có xảo. Thầy giáo Phát nghe mà không để ý đến. Còn thầy Hội đồng Lợi nghe thì cảm, lật đật đi mở tủ sắt lấy hai bổn tờ bán gia viên điền sản đó mà đưa cho thầy giáo Phát mà nói rằng: "Lời vợ tôi nói đó phải lắm. Bề nào gia tài tôi cũng phải tiêu. Vậy thà là tôi cho thầy đặng đền ơn cho thầy hơn là để cho Chà Và phát mãi, thầy giữ lấy hai bổn tờ mua đó đi. Để tôi làm thêm một bổn tờ nữa cho chắc chắn".
Thầy Hội đồng Lợi lấy giấy mà viết một tờ như vầy: "Chúng tôi là Bành Đại Lợi và vợ là Lý Thị Phúc đứng tờ này chứng chắc rằng những ruộng đất nhà cửa của chúng tôi tại Tiểu Cần và tại Phước Long mà chúng tồi đã làm tờ bán cho thầy giáo Phát đó là bán thiệt. Chớ không phải mượn thầy sang tên đứng bộ giùm. Vậy con cháu chúng tôi ngày sau không được kêu nài chi hết".
Thầy viết rồi thầy ký tên, lại biểu vợ con đồng ký tên vào đó hết thảy, người nào không biết ký tên thì lăn tay làm dấu. Thầy giáo nghĩ việc ở tù đã thấy trước mắt, còn sự nghiệp của Hội đồng Lợi thì nay mai sẽ thi hành Phát mãi, vợ chồng làm màu mè cho mình mát ruột, chớ không ích gì, bởi vậy thầy từ chối không chịu lấy mấy tờ, Hội đồng Lợi cứ theo nài ép, xếp tờ mà bỏ đại vào túi thầy giáo.
Sáng bữa sau, thầy giáo Phát trở qua Trà Vinh tiếp được dây thép của Hà Tấn Tài biểu phải vào đơn tại Tòa mà xin chống án rồi về Sài Gòn liền. Thầy làm y theo lời anh dạy lên xe hơi mà về Sài Gòn.
Thầy giáo đọc hết việc tòa xử cho anh chị nghe, lại đưa các giấy của Hội đồng Lợi giao đó cho anh chị coi nữa.
Hà Tấn Tài ngồi đọc từ tờ, xét từ câu rồi suy nghĩ lâu lắm. Thầy suy xét kỹ lưỡng rồi thầy mới nói rằng: "Vụ này là một vụ lớn. Gia tài này giá trên mười muôn đồng bạc chớ không phải ít đâu. Nếu em chống cự làm cho khỏi bị Tòa lên án hủy tờ bán của vợ chồng Bành Đại Lợi làm đây, thì em hưởng trọn cái gia tài đó, em trở nên một người cự phú chớ không phải chơi. Nếu phải tốn hao năm mười ngàn mà được việc, thì cũng nên tốn, có đâu mà sợ. Vậy mà em có biết Bành Đại Lợi thiếu nợ Chà và bao nhiêu và còn thiếu ai nữa hay không?"
Thầy giáo Phát đáp rằng:
- Em nhớ Hội đồng Lợi có nói thiếu hai người Chà đứng kiện gần năm chục ngàn vốn và lời. Thầy còn lãnh nợ giùm cho anh em số vốn lời lối ba mươi lăm ngàn nữa.
- Nhiều quá! Chớ chi thầy thiếu nội hai người Chà này và thiếu ít ít, thì qua lập thế nói với nó mà trả mớ nhấm, trả chừng đôi ba chục ngàn, rồi xin nó bãi nại; mà theo như lời em nói đó, thì tính như vậy không được. Thiếu nó tới năm chục ngàn, mà bây giờ nó thầy mình bị án, nó đắc thế quá, nay mai gì đây hễ Tòa trên y án, nói sự mua bán đó là giả dối, thì tự nhiên Tòa Hộ lên án hủy tờ mua bán, rồi nó thi hành phát mãi ruộng đất lấy số nợ lại đủ, có cần gì phải bàn tính với mình. Vì dầu tính yên với bọn Chà này, thì còn chủ nợ khác nữa họ ra họ kiện, hơi đâu mình tính, nếu mình trả nợ hết thảy cho mọi người đặng lấy gia tài đó cho êm, thì chẳng khác nào mình mua, mà lại mua mắc, không ích gì.
Hà Tấn Tài ngồi suy nghĩ một hồi nữa rồi nói: "Không biết chừng em ở phải, bụng em tốt, nên ngày nay Trời Phật sắp đặt mà thưởng em. Đã biết bây giờ em bị án, mà ở đời thường thấy có nhiều việc tiền hung hậu kiết, có sao đâu mà sợ. Thôi, để mai hỏi thăm xem coi ông trạng sư nào giỏi qua đến nói chuyện với ổng thử coi. Theo ý qua thì chắc được".
Bữa sau, Hà Tấn Tài xin phép nghỉ buổi chiều đặng đi lo giùm việc của em. Đến bảy giờ tối thầy mới về. Vô tới cửa thầy gặp đứa con nhỏ thầy bồng mà nựng; khí sắc hân hoan lắm. Chừng ăn cơm thầy mới nói với vợ và em rằng: "Qua hỏi thăm thì ở Sài Gòn này có ông trạng sư Francois tài lắm, nhứt là ổng giỏi về việc hộ. Qua đến, qua nói hết công việc cho ổng nghe, đưa giấy tờ cho ổng coi, cái giấy nợ của em làm thiếu qua tám chục ngàn đồng và cái tờ của con cái Bành Đại Lợi làm thêm cho em cầm đó, qua cũng đưa hết cho ổng coi nữa. Ông xét kỹ lưỡng rồi ổng chịu lãnh cãi vụ hình em đương chống án và cãi luôn vụ hộ mà Chà Và xin hủy tờ mua bán đó nữa. Ổng nói mười phần kể chắc được kiện tới tám, chín phần. Vái Trời Phật cho y như lời ổng nói đó, chừng nào Tòa Phúc án mà xử y án Tòa sơ, thì em mới bị mất chức, còn như Tòa Phúc án mà tha bổng em, tự nhiên em sẽ được phục chức lại. Vậy thì em cứ ở nhà đi chơi đừng lo gì hết. Nếu trời Phật giúp vận thì em bỏ chức thầy giáo mà lãnh chức điền chủ càng khỏe hơn nữa".
Thầy giáo Phát nghe anh nói mạnh mẽ quá, thì thầy vững bụng chút đỉnh nên thầy bớt buồn.
Mỗi ngày Hà Tấn Tài đi làm việc, thì Hà Tấn Phát cứ ở nhà đọc sách hoài. Vợ chồng Hà Tấn Tài sợ em buồn rầu, nên theo khuyên dỗ biểu phải đi chơi. Thầy giáo Phát không nghe lời, Hà Tấn Tài mới nói rằng: "Em phải đi chơi chớ, đi chơi đặng quan sát cái hay cái dở của cuộc đời, cái dại cái khôn của con người; đi chơi đặng thấu đáo nhơn tình, đặng khảo cứu phong tục. Đi chơi có phải là hư đâu, nên hư tự mình chớ. Tại em đọc sách hoài, không chịu đi chơi, rồi em cư xử theo sách, chớ không cư xử theo đời, nên ở dưới Tiểu Cần em mới không hiệp ý với ai hết đó. Em phải nghe lời qua. Học xong rồi bây giờ phải hành, mà hành thì phải theo đời, chớ đừng có theo sách nữa".
Thầy giáo Phát nghe lời khuyên chí lý như vậy, thầy mới chịu phục, nên từ này thầy mới bắt đầu đi chơi.
Một buổi sớm mơi thầy giáo ăn lót lòng với Hà Tấn Tài rồi thầy đi qua Bến Thành mà chơi. Thầy đi vòng theo chợ mới, vừa đi ngang một tiệm cà phê thì nghe trong tiệm có tiếng kêu chỉ danh thầy. Thầy đứng lại ngó vô thì thấy trong tiện đông dày dày. Tại một cái bàn giữa, có tiếng kêu lên tên thầy nữa. Thầy ngó kỹ chỗ đó thì thấy Cao Lương Ký là bạn em bạn học với thầy, đương ngồi ăn uống. Thầy bước vô, hai người chào mừng nhau. Thầy Ký mời thầy Phát ăn lót lòng. Thầy nói đã dùng ở nhà rồi, song muốn vừa lòng người bạn, nên kêu đem một ly cà phê đặng ngồi uống nói chuyện chơi.
Hai người nói chuyện nhau một hồi, thầy Phát mới hay thầy Ký tuy hồi ra trường thầy thi rớt, nhưng mà bây giờ thầy làm việc trong một hãng buôn lớn, ăn lương mỗi tháng tới một trăm hai chục đồng và mướn phố ở đường Thuận Kiều. Thầy Ký ăn hủ tiếu, thầy vớt thịt với hủ tiếu ăn hết, chỉ còn một mớ giá với nước rồi xô cái tô qua một bên mà uống cà phê. Cái tô hủ tiếu vừa mới trịch qua, thì có một người trai và một đứa nhỏ đứng hờm hồi nào gần đó không biết, áp lại giành bưng cái tô. Người trai giành được bèn kê cái tô vô miệng mà húp nước hủ tiếu rồn rột, rồi lại lấy đũa và mớ giá mà nuốt nữa. Đứa nhỏ giành không lại, thì đứng ngó lườm lườm, coi bộ tức giận lắm. Thầy Phát thấy vậy mới móc túi lấy một đồng xu mà cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ chưa kịp tạ ơn, bỗng thấy cái bàn gần đó có người đứng dậy đi, mà bỏ ly cà phê còn dư bộn, nó chụp lấy đồng xu rồi vói bưng ly cà phê dư mà uống ọt ọt.
Thầy Phát thấy lúc con người đến lúc nghèo, tấm thân phải hèn hạ đến thế, thì trong lòng thầy không vui chút nào. Thầy Ký mời thầy tối qua nhà chơi, đặng có nhiều giờ mà đàm đạo, chớ bây giờ thầy mắc đi làm việc.
Anh em phân rẽ nhau. Thầy Phát thủng thẳng đi tới bến xe hơi, thấy có hai người lơ (contrôleur) đương giành một người hành khách, ban đầu cãi cọ, lần lần tới chửi lộn, riết rồi đánh nhau, đứa cầm bù lon, đứa cầm dao, chém đập nhau, đổ máu, lính bắt hết mà đem về bót. Giành một người hành khách có lợi được bao nhiêu, mà đến nỗi phải lác đầu gãy tay, phải bị bắt ở tù như vậy!
Thầy băng qua mé nhà chợ, thầy gặp một tốp con nít đứa quần áo lang thang, đứa ở trần trụi, mỗi đứa có một cái thúng, thấy ai mua đồ thì chạy theo xin đội giùm về nhà. Lại cũng có nhiều con nít khác nữa, đứa ôm nhựt trình, đứa ôm sách, đón mời khách mua giùm. Con nít đến tuổi này thì phải ở tại nhà trường, vì cái nghèo mà phải chịu cực khổ từ lúc thơ ngây, ăn không no, ngủ không khỏe, đau không ai săn sóc, làm không ai dạy khôn, rõ ràng sanh làm người ta chẳng phải là hạnh phước, rõ ràng chốn dương trần chẳng phải là nơi khoái lạc.
Thầy đương ngẩn ngơ suy nghĩ, bỗng nghe trong nhà chợ có tiếng la, rồi thấy người ta lộn xộn một người đờn ông chạy trước, mấy người chen lấn nhau mà rượt theo sau. Có một người đờn bà nói om sòm: "Tôi mua đồ móc bóp ra lấy tiền mà trả, ở đâu không biết nó xớt giựt cái bóp mà chạy tuốt". Thầy Phát nghe rõ thì thầy lắc đầu rồi bỏ mà đi.
Thầy lần qua mé chợ bên kia, thấy có mấy người ngồi theo lề đường mà xủ quẻ, hoặc coi tướng, hoặc coi tay, chỗ nào cũng có hoặc đờn bà, hoặc đờn ông đặt tiền mà xin biết coi mạng số chừng nào làm ăn khá. Mấy ông thầy trả lời lanh lợi lắm, nói chuyện dĩ vãng, đoán chuyện tương lai của người ta, chẳng khác nào bực thần thánh tiên tri. Đời thiệt thiên hạ họ xảo lạ lùng, mà cũng tại có người tin tưởng yêu cầu, nên họ mới dùng cái xảo mà làm kế sanh nhai được.
Đến trưa thầy Phát về ăn cơm, thầy mới thuật những việc thầy thấy lại cho anh chị nghe. Vợ của Hà Tấn Tài mới cười mà nói rằng: "Ở đời hễ nghèo thì phải chịu cực khổ, phải sanh gian xảo chớ sao. Mà em đi chơi em lại coi chi những việc kỳ cục như vậy mà buồn. Em phải đi coi hát bóng, hát cải lương, phải đi coi đá banh, đánh tennis mới vui chớ".
Ở Theo Thời Ở Theo Thời - Hồ Biểu Chánh Ở Theo Thời