Số lần đọc/download: 3727 / 59
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:27 +0700
Chương 8
T
HỦY NẰM SẤP TRÊN GHẾ BỐ. NÀNG ÚP MẶT vào gối khóc rưng rức. Mấy đứa em nhỏ ngơ ngác nhìn chị. Người bố đã vào phi trường từ sáng tinh mơ. Sau đêm bị nhốt ở phòng tạm giữ và bọn thợ đánh người thay phiên hãm hiếp, Thủy như người mất trí.
Đôi khi nàng nổi cơn điên, la hét bầy em và xé nát quần áo. Bố nàng là một người đàn ông từng trải. Chiến tranh bắt ông chịu đựng quá nhiều tủi nhục. Ông đã từng nếm đòn công an Cộng sản, đã từng nếm đòn Phòng Nhì Pháp. Người đàn ông ấy cũng đã từng thúc thủ nhắm mắt để bọn lính lê dương trong đoàn quân viễn chinh Pháp dầy vò thể xác vợ mình. Cuộc đời cơm áo đầy đọa ông, xua đuổi ông, hắc hủi ông. Ông đã có hồi muốn phóng hỏa đốt sạch nhà cửa, chém hết vợ con rồi tự vận.
Nhưng rủi ro, vợ ông lại chết đúng vào lúc các ý muốn của ông bộc phát. Vợ ông đã dối giăng với ông đủ điều và điều quan hệ nhất là gởi gấm lại đàn con cho ông săn sóc. Ánh nắng hoàng hôn của cuộc đời người vợ, người mẹ đã hong lành vết thương căm hờn của người chồng, người bố. Ông Thuận, tên bố Thủy trở thành người hiền lành nhất trên đời. Ông ít nói, cặm cụi làm việc. Ở sở về, ông chỉ ngồi hút thuốc lá đen, đọc sách triết lý đời xưa.
Mộng ước của ông là sớm đưa đàn con thoát khỏi cái xóm đĩ điếm tội lỗi này. Người cha khốn nạn đó có nhiều đêm, đã ứa nước mắt khóc thầm khi chính tai ông nghe rõ tiếng mặc cả mua bán dâm của bọn ăn chơi cùng các cô điếm. Chính tai ông nghe rõ tiếng những bước chân chạy huỳnh huỵch của bạn gái giang hồ khi có bố ráp. Chính tai ông nghe rõ những tiếng chửi bới khinh miệt của lính kiểm tục. Chính tai ông nghe rõ tiếng khóc tiếng kêu xin của giai cấp đĩ điếm nghèo khổ.
Ông Thuận biết chắc những âm thanh não ruột và ghê rợn đó sẽ lọt vào tai đám con ông. “Con Thủy nó nghĩ gì nhỉ?” ông tự hỏi vậy. Và ông móc vội thuốc lá đen đốt cháy ý nghĩ bẩn thỉu đó. Nhưng ông hiểu một ngày không xa xôi gì, ý nghĩ bẩn thỉu đó sẽ được bầy con ông suy ngẫm.
Ông Thuận sống ở xóm Lăng Cha Cả mấy năm rồi. Ở đây đầy rẫy trẻ con hoang. Những đứa trẻ rất kháu khỉnh, rất thông minh, chỉ tội vô học vì vô gia đình. Chúng nó lớn dần tới ngày biết canh gác lính kiểm tục để được bọn điếm chia tiền mua cơm. Lớn tới tuổi biết thẹn thùng là vừa lúc trái tim chúng chai đá. Con gái làm đĩ. Con trai làm ma cô. Cứ vậy, giai cấp ma cô đĩ điếm bành trướng để đi xuống tận cùng của đầy đọa, tủi cực. Xã hội, nghoảnh mặt làm ngơ. Xã hội nhổ nước bọt kinh tởm. Xã hội ruồng bỏ, bắt bớ. Xã hội nhổ nước bọt kinh tởm. Xã hội đưa ra Tòa, tống vào khám.
Xã hội chỉ có luật lệ mà không có lương tâm, nên xã hội không biết rung cảm. Rốt cuộc luật lệ chẳng làm đẹp cho cuộc đời. Luật lệ chẳng làm đẹp cho cuộc đời. Luật lệ chỉ làm những kẻ nghèo khổ, ngu dốt thù hằn xã hội hơn lên.
Ông Thuận đã đau khổ nhiều. Lòng ông rộng rãi hơn cái xã hội ông đang sống. Nhưng ông bất lực. Ông như người đứng trên bờ nhìn kẻ chết đuối chới với giữa giòng nước, muốn xuống cứu lắm song không biết bơi. Ông cũng đang nhìn đàn con của ông như thế. Làm việc đầu tắt mặt tối chỉ được đủ cơm no, áo đẹp cho con, ông không dám nghĩ tới. Ông mà đi khỏi xóm này, tiền nhà cửa, tiền xe cộ lấn sang tiền gạo ngay. Ông đã thắt ruột nén lại, chờ đợi một phép mầu, một sự trúng số, chẳng hạn.
Sáng hôm Thủy ở phòng tạm giữ quận X về. Ông đi làm không biết. Chiều tối mới hay cảnh sát thộp lầm con ông vì tưởng con ông là “phỉnh”.
Nhìn khuôn mặt thiểu não của con gái, ông Thuân thở dài? Ông không trách móc con gái, chỉ nhỏ nhẹ:
- Họ bắt lầm hở con?
Thủy chớp mắt gật đầu:
- Dạ...
Ông Thuận uể oải nhả khói thuốc:
- Họ có giam con không?
- Có, họ giam chung với bọn điếm!
Ông Thuận khẽ đu đưa chiếc ghế:
- Họ lại lầm nữa. Thế họ đối xử với con ra sao?
Thủy ôm mặt òa lên khóc nức nở. Nàng không dám nói cho bố nàng biết rằng nàng đã bị hai tên thợ đánh người nham nhở hãm hiếp nàng. Nàng sợ bố nàng khinh tởm nàng, các em nàng ghê sợ nàng. Xã hội phòng giam nàng ở có một đêm. Một đêm dài bằng cả đời nàng và nàng học được bài học nghi ngờ. Nghi ngờ tất cả, kể cả người bố hiền lành nhất, đáng kính nhất của nàng.
Trong nước mắt, Thủy thấy sự kiện bi thảm xảy ra... Một thằng thợ đánh người đè chặt hai tay nàng cho thằng bạn nó thỏa mãn thú tính. Rồi lại chính thằng vừa thỏa mãn thú tính đè chặt hai tay đã tàn sức chống đối của nàng cho bạn nó tái diễn trò bỉ ổi. Rồi chúng nó cười sằng sặc...
Thủy rú lên. Bố nàng vội dập điếu thuốc tới đỡ nàng. Ông vỗ về:
- Nín đi con, họ đánh con đau hở con?
Thủy lắc đầu:
- Không bố ơi.
- Họ chửi con hở con? Họ gọi con là đĩ hở, con? Thôi bỏ qua đi con, chấp làm gì với họ...
Thủy khóc nức nở hơn. Ông Thuận xoa đầu nàng:
- Con là con của bố, con có là đĩ đâu mà lo. Ngày xưa Việt minh nó bắt bố, nó bảo bố là Việt gian liếm gót giày cho đế quốc Pháp thì sao?
Thủy ôm chặt lấy bố nghẹn ngào:
- Con khổ lắm bố ơi!
- Khổ gì đâu, đời người ai chẳng có lần bị oan uổng. Nín đi con, nín đi kẻo khóc xưng mắt.
- Con.... con...
- Ồ, không sao đâu, chấp chi với bọn không hiểu gì mình. Thù ghét bọn nó làm gì hở con. Thôi, nín đi con...
Thủy ôm bố chặt hơn:
- Con khổ lắm, con còn khổ nhiều..?
Nhưng nàng lại ngậm miệng. Thủy chùi nước mắt bằng cánh tay áo nhầu nát của bố. Nàng ngơ ngác hỏi:
- Nó bảo bố là Việt gian à?
Ông Thuận gật đầu:
- Ừ nó bảo bố là Việt gian.
- Là Việt gian có “đau” bằng là đĩ không hả, bố?
- Đau hơn.
- Sao vậy bố?
- Vì Việt gian là thứ “đĩ”... chính trị! Con thử tưởng tượng giữa đám đông người yêu nuớc mà lẫn vào con đĩ chính trị thì nhục nhã chừng nào. Mà con đĩ đó lại oan uổng, lại yêu nước hơn cả những đứa lớn miệng yêu nước nữa mới đau chứ.
Thủy chớp mắt rồi nhắm nghiền để nhớ lại một thời gian nhiễu nhương của lịch sử. Thời đó nàng còn nhỏ lắm. Nhưng Thủy đủ khôn tưởng tượng hết nét đau khổ vệt từng vạch dài trên khuôn mặt của bố nàng. Thủy chép miệng:
- Bố khổ hơn con, bố ơi!
Ông Thuận thở dài:
- Mà bố chịu đựng nổi. Trời cao lắm, đất lại dầy nữa. Nỗi khổ của mình, chỉ nén trong lòng. Nếu liều lĩnh thì nên đi làm giặc chống đối kẻ vu oan cho mình mà phục hồi danh dự. Nếu hèn thì nên an phận? Bố đã hèn.
Thủy lắc đầu:
- Bố nên hèn, bố thương mẹ con, thương các con. Con biết, người càng nhiều tình thương thì càng hèn, hèn vì vợ, vì con vì cơm áo của vợ con.
Ông Thuận cắn muốn nát môi, bất chợt ông cười khinh bạc:
- Con gỡ tội cho bố hở Thủy?
Thủy đáp nhỏ nhẹ:
- Không, con nói thật.
Ông Thuận lại vuốt tóc con gái:
- Con cũng thương bố, thương các em, quên chuyện một đêm ở phòng tạm giữ đi, nghe con.
- Vâng.
- Con đi ngủ đi, nhắm mắt ngủ một giấc dài là quên hết.
- Con sợ chiêm bao thấy quỷ nhập tràng bố ạ!
- Quỷ nhập tràng là dấu hiệu của sự may mắn.
- Không con thấy nó giống...
Nàng nói nhanh:
- Vâng, con muốn được may mắn.
Thủy lên giường ngủ. Nhưng mắt nàng không nhắm nổi. Nàng thấy bố vẫn ngồi ở chỗ cũ, hút thuốc liên miên. Nàng so sánh bố nàng như con ngựa già, mà cảm giác tủi hổ.
Thủy đã qua một đêm đã bối rối. Sáng sau, như thường lệ ông Thuận vào phi trường sớm. Thủy không ai an ủi, nằm vật vã và khóc lóc trong giường.
Nàng nói năng lảm nhảm, cấu xé lung tung. Cơn điên tới cực độ nàng mới nhớ ra, ngoài bố nàng, còn có Nguyễn Đạm, người thanh niên cùng hoàn cảnh với nàng. Chưa có thế hệ nào đáng thương hơn thế hệ thanh niên cùng hoàn cảnh với nàng. Chưa có thế hệ nào đáng thương hơn thế hệ thanh niên hôm nay. Họ gặp toàn bất hạnh. Rốt cuộc, họ bị dồn vào con đường căm thù.
Nguyễn Đạm bị đánh đập nát thiện ý. Thủy bị hãm hiếp mất tiết trinh. Cuộc đời đã ăn cắp trắng trợn giá trị tuổi trẻ của họ. Thủy không hiểu hôm nay, Nguyễn Đạm đã được trả tự do chưa. Hay chàng còn nằm bẹp ở địa ngục trần gian? Chàng có bị đưa ra Tòa hay bị đánh rũ xác trong phòng sặc sụa tử khí.
Thủy vùng dậy, lẩm bẩm.
- Anh ấy hứa sẽ tìm mình, anh ấy hứa sẽ tìm mình.
Và cơn điên biến mất. Mắt người con gái đương thì long lanh những giọt lệ sung sướng.