Số lần đọc/download: 1047 / 145
Cập nhật: 2019-01-28 20:52:29 +0700
Chương 8: Một Bài Học Cá Nhân
X
ã hội Mỹ được xây dựng trên nền tảng pháp luật. Do đó, sự kiện tụng thường xuyên trong mọi vấn đề về xã hội, kinh doanh hay cá nhân là một thực tại quý vị phải đối đầu khi niêm yết (lấy vốn từ các nhà đầu tư Mỹ) trên sàn Mỹ. Chính phủ Mỹ dựa mọi quyết định trên căn bản luật pháp có sẵn và không hề có sự đàn áp cá nhân nếu không dựa trên luật pháp. Tuy vậy, không có nghĩa chính phủ Mỹ không mắc phải những lỗi lầm hay lạm dụng mà các cơ quan công quyền ở mọi nơi đều bị ảnh hưởng. Tôi xin lấy vụ kiện giữa cá nhân mình và cơ quan SEC làm ví dụ, để nhắc nhở những khó khăn khi quý vị đi vào hệ thống pháp luật Mỹ.
DIỄN BIẾN SỰ VIỆC
Có lẽ mọi chuyện bắt nguồn vào năm 2000, khi cổ phiếu của công ty Hartcourt (tôi nắm giữ 32% tổng số và là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc) nhảy vọt từ 0,80USD tháng 11 năm 1999 lên đến 19USD vào ngày 6 tháng 3 năm 2000. Số lượng giao dịch lên đến gần 3 triệu cổ phiếu mỗi ngày. Thị giá công ty đạt đến 670 triệu USD. Khi cổ phiếu công ty lên quá nhanh, thông lệ là Hartcourt sẽ bị SEC cho vào danh sách để kiểm tra (watchlist). Vào thời điểm này, có lẽ tôi cũng là Việt Kiều đầu tiên được vinh danh là doanh gia gốc Á thành công nhất năm 2000 của Hội doanh nhân Mỹ gốc Á tại California, nên sự chú ý của cơ quan công quyền về các hoạt động của tôi cũng gia tăng.
Như tiên đoán, tháng 12 năm 2000 SEC gửi Hartcourt một trát đòi (subpoena) tất cả các tài liệu từ pháp lý, hành chính đến chương mục tài chính của công ty và mỗi cá nhân Ban quản trị để điều tra. Ngoài ra, chính bản thân tôi bị mời lên văn phòng SEC để thẩm vấn 3 lần. Sau đó, họ còn subpoena hồ sơ tài liệu của các con tôi cũng như bạn bè thân thuộc (chúng tôi phải thuê một xe tải để chở hết khoảng 140 thùng hồ sơ). Tôi rất tự tin vì nghĩ mình chẳng làm gì phạm luật, nhưng với mọi người thân, đây là một sự quấy nhiễu vô cùng khó chịu. Thái độ của tôi trở nên cứng rắn và tôi thường xuyên kích bác SEC. Hai bên coi nhau như thù địch, nhưng họ chẳng làm gì được dưới một chế độ dân chủ pháp trị. Suốt 3 năm kế đó, họ không tìm được một chứng cứ nào để buộc tội tôi.
Nhưng ông luật sư của tôi, Irving Einhorn (nguyên cựu Giám đốc SEC miền Tây), lại lo ngại vì ông biết rằng, “theo kinh nghiệm của tôi, với bộ máy hành chính công quyền, các nhân viên điều tra thường rất khó khăn khi họ đã bắt oan (tính sai, ảnh hưởng đến hồ sơ công vụ) và bỏ ra 3 năm mà không có kết quả (tốn kém rất nhiều tiền của chính phủ). Họ sẽ tìm mọi cách để chứng minh là họ đúng. Nếu anh có tội và chấp thuận, thì họ sẽ rất dễ dãi và sẵn sàng phạt tượng trưng rồi xếp hồ sơ lại. Nếu anh vô tội, mọi người sẽ phải nhức đầu”.
Đúng như ông đoán, vào tháng 5 năm 2003, SEC nộp hồ sơ kiện cá nhân tôi và công ty Hartcourt tại Tòa án Dân sự Mỹ về hai vi phạm: quảng bá 5 thông tin sai lệch về hoạt động công ty và dùng hồ sơ đăng ký S-8 để gây quỹ cho công ty (S-8 là một đăng ký chỉ dùng để trả cho các tư vấn). Đây là 2 tội nhẹ nhất họ có thể tạo ra vì nó không phải là hình sự mà chỉ là dân sự. Thực sự, họ muốn tìm các chứng cứ để buộc tội hình sự vì họ nghi ngờ là tôi giao dịch nội gián (insider trading) để thổi phồng giá trị công ty. Ông Einhorn khuyên tôi nên thương lượng (settle) bằng cách trả tiền phạt nhưng không nhận lỗi.
Dĩ nhiên, tôi không chịu vì đây là một vấn đề hơn cả tiền bạc: danh dự cá nhân và lòng tin từ các cổ đông. Cuộc kiện tụng kéo dài thêm 3 năm với những thẩm cung (disposition) và điều tra (discovery) của hai bên. Trong diễn tiến, SEC bỏ lời kiện đầu về tội quảng bá các thông tin sai lệch và chỉ giữ lời kết tội là Hartcourt dùng đăng ký S-8 để gây quỹ. Vào ngày 20 tháng 5 năm 2005, tòa sơ thẩm liên bang đồng ý với SEC và phạt Hartcourt cùng cá nhân tôi khoảng 2,5 triệu USD, cấm tôi không được làm quản trị viên (director) của công ty công cộng Mỹ trong 5 năm.
Tôi kháng cáo. Thêm 2 năm trôi qua và đến ngày 29 tháng 8 năm 2007, Tòa Phúc thẩm liên bang hủy bỏ án lệnh của Tòa Sơ thẩm và trả vụ kiện lại cho SEC. Dĩ nhiên, SEC có thể kháng cáo lại quyết định này và có thể tôi sẽ phải mất thêm 3 năm nữa tại tòa án. Nhưng đến nay, họ không làm gì.
KẾT QUẢ
Đây là một chiến thắng hy hữu của một công dân tầm thường đối chọi với một quyền lực liên bang mạnh mẽ như SEC. Bao nhiêu tập đoàn đa quốc gia hay ngân hàng đầu tư lớn mạnh hơn thường đầu hàng SEC nhanh chóng khi bị kết tội để tránh những thiệt hại mà SEC có thể gây ra cho công ty hay cá nhân.
Hartcourt và tôi đã mất 7 năm và hơn 2 triệu USD tiền phí tổn cho luật sư trong vụ kiện. Thêm vào đó, trong 7 năm kiện tụng, cổ phiếu của Hartcourt bị giảm hơn 60%, ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh cũng như là mất đi sự ủng hộ ban đầu của cổ đông. Nghĩ lại, nếu tôi chịu đầu hàng ngay từ đầu thì thiệt hại không to lớn đến như vậy.
BÀI HỌC RÚT RA TỪ KINH NGHIỆM
Nghĩ lại, vì tự ái (danh dự) cá nhân, tôi đã lao mình vào một kiện tụng mà bất cứ kết quả ra sao, mình cũng thua nặng. Người Việt mình có câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, có lẽ tôi đã sai lầm khi quyết định dựa trên cảm xúc cá nhân thay vì quyền lợi của cổ đông công ty.
Kiện tụng bên Mỹ là một chuyện vô cùng tốn kém, dù thắng hay thua. Quý vị nên tìm mọi cách để né tránh. Cách thức hay nhất là phải tạo dựng một kỷ cương công ty thật hoàn hảo và sử dụng những văn phòng luật sư kinh nghiệm nhất vì họ biết những phương thức né tránh này.
Bài học sau cùng là khi tôi thành công với Hartcourt, tôi hay xuất hiện ở các diễn đàn, hội họp và bày tỏ ý kiến trung thực của mình với các cơ quan truyền thông cũng như cộng đồng tài chính. Sự thành công của một doanh nhân gốc thiểu số thường tạo ra nhiều ganh tị với những người Mỹ chính gốc tại các cơ quan công quyền cũng như các đối thủ cạnh tranh. Họ sẽ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt và gây thiệt hại cho những nhân vật hay cơ chế mà họ cho là “nổi” hơn họ. Bây giờ, tôi đã học được bài học “tịnh khẩu” nhưng hơi trễ.