Số lần đọc/download: 2190 / 54
Cập nhật: 2015-12-22 12:32:38 +0700
Chương 8/10
S
inh nhật của Tường Vân chỉ có tôi và ba người bạn thân của Vân tới dự. Chi, Nga và Trâm đều biết tôi từ trước. Nhưng bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi không gặp người nào. Bây giờ ai cũng có vẻ lớn, xinh ra và lạ hơn. Nga trêu tôi:
- Anh Lam tới chậm quá, lẽ ra Tường Vân phải phạt.
- Phạt cái gì?
- Tùy Vân chứ bộ.
Tường Vân ngượng ngịu nhìn tôi và vẫn ngồi im trong ghế. Chi nói:
- Huyền Nga cừ lắm anh Lam ơi, đậu rồi đó.
- Còn Chi.
- Chi rớt.
- Sao lại rớt?
- Vì người ta không cho Chi đậu chứ sao.
Huyền Nga cười:
- Chi cũng đậu nữa anh Lam ơi. Chi xạo.
Tôi đùa:
- Lâu quá không gặp. Không ngờ Chi có thêm cái nghề... nói dóc.
- Anh Lam thì sao? Cũng xạo một cây chứ bộ.
- Nhưng thua Chi xa.
Huyền Nga chêm vào:
- Chi được giải nhất trong lớp về cuộc thi nói dóc đấy anh Lam ơi.
- Nga hại người ta hả?
- Có sao nói vậy, bạn. Ðược giải nhất bộ dễ lắm sao?
Chi xoay qua tôi:
- Tường Vân đậu, anh Lam thưởng gì chưa?
- Rồi.
- Sao không thấy gì hết?
- Chút nữa sẽ thấy.
- Còn tụi này. Cũng đậu như ai chứ bộ.
- Không cho biết trước nên anh chưa chuẩn bị. Hôm khác đi.
- Trời ơi, sợ cái hẹn của anh quá.
- Chứ biết làm sao bây giờ?
Huyền Nga cười:
- Thôi Chi, nói quá, anh Lam ăn sinh nhật mất ngon.
Trong đám chỉ có Trâm là ít nói. Trâm làm tôi nhớ đến chị Huyền. Trâm gặp tôi bữa này là lần đầu tiên, nhưng tôi biết Trâm rất lâu qua những bức thư.
Tôi nhìn Trâm hỏi:
- Trâm cũng đậu nữa phải không?
Huyền Nga đáp thay:
- Ðậu. Ở đây toàn những người tài cao. Anh Lam gặp số xui rồi.
- Sao Trâm ít nói thế? Trong thư nói nhiều lắm mà.
- Nó mắc cỡ. Lúc nãy Trâm bảo đợi gặp cho biết mặt anh Lam rồi về.
- Bây giờ biết rồi, sợ chưa?
Trâm cười:
- Chưa, nhưng chút chắc sợ.
Cả bọn cười ầm. Tôi bị vây giữa những cô bế nhanh mồm nhanh biệng này quả thật là một ngày xui như Huyền Nga nói. Trong lúc đó, Tường Vân vẫn ngồi im trong ghế. Chi, Nga, Liên, Trâm lo dọn bàn, sắp đặt bánh nước. Họ bỏ tôi và Tường Vân ngồi lại với nhau trong phòng khách rộng.
Tường Vân nói:
- Cháu đang bị đau đầu.
- Cháu uống thuốc chưa?
- Cháu không uống thuốc. Rồi sẽ hết. Tối nào cũng bị như vậy.
Tôi nhìn căn phòng nhuộm vàng ánh sáng của ngọn đèn. Những đồ vật cổ kính chiếm những góc tối, bóng ngời. Căn phòng bao lần vẫn cho tôi cái cảm giác rộng mênh mông. Buổi tối ở đây thật yên lặng. Tiếng động từ ngoài vườn không thể lọt vào. Ngôi nhà như nằm ở một nơi nào cách biệt, xa hẳn thành phố ồn ào, mệt mỏi này.
- Hai hôm nữa cháu về.
- Sao chóng thế? Chú tưởng thi đậu rồi cháu đuợc ở lại chơi lâu hơn chứ.
- Cháu phải về để sửa soạn đi học chứ. Nhà này cũng sắp sửa giao cho người ta rồi. Mẹ cháu phải tới ở đằng đường Hai Bà Trưng.
- Cháu về gấp quá.
- Bất ngờ không chú?
- Bất ngờ.
- Thôi, hẹn gặp chú trên Ðà Lạt khi nào chú lên thăm Hạ vậy.
- Biết có gặp được không?
- Sao, cháu vẫn ở đó mà.
Tường Vân không hiểu câu tôi nói. Tôi cũng lười giải thích. Tôi muốn ngồi một nơi hoàn toàn tự do để lắng nghe khoảng thời gian bất ngờ dừng lại dưới chân mình, ở đó hình như có một nỗi buồn vừa dấy lên.
- Sao chú có vẻ buồn? Chú giận cháu?
- Không.
- Mười bảy tuổi của cháu rồi. Cháu sợ ghê.
- Sợ gì?
- Sợ sẽ thành người lớn. Cháu thích bé nhỏ mãi để được đứng ngoài những lo âu phiền toái.
Tôi cười:
- Ðược làm người lớn thích chứ?
- Người lớn hẳn lên, mới thích. Cháu chỉ mới vừa lớn vừa bé thôi.
Huyền Nga ra đứng gọi:
- Xong rồi Vân ơi, mời anh Lam vào khai mạc đi chứ.
Tôi cười, cùng với Vân đứng lên vào trong. Chiếc bàn vuông được trải khăn trắng. Bình hoa và mấy chiếc ghế ngồi chung quanh. Trên bàn bày bánh, những tách nước trà. Chiếc bánh sinh nhật to lớn cắm vòng quanh mười bảy ngọn nến. Huyền Nga bật diêm đốt nến. Thanh Chi bảo:
- Nói gì đi chứ Tường Vân.
- Chi nói thế đi.
- Sao được. Sinh nhật người nào, người ấy nói chứ.
- Biết nói gì bây giờ?
- Nói ngăn ngắn thôi.
Huyền Nga đùa:
- Nói nhiều mới cảm động. Mà cảm động thì ăn bánh mới ngon. Vân ạ.
- Nói nhanh lên rồi thổi nến cho Trâm về.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao lại về?
- Trâm nói ở nhà sẽ về sớm.
- Buồn vậy?
Tường Vân đứng mãi mới nói được mấy câu. Xong chu môi thổi nến. Mười bảy chiếc nến cắm vòng quanh chiếc bánh to lớn, Vân không thể nào thổi tắt hết một lượt. Tôi phải thổi giúp. Liên, Trâm xin phép về. Chi và Nga đưa Trâm ra cửa, chỉ còn mình tôi và Tường Vân ngồi lại. Tôi nói:
- Coi như chỉ có mình chú dự sinh nhật cho cháu.
- Cháu thích thế. Ðừng nhiều người, nên cháu chỉ mời những bạn thân. Tụi nó lo hết. Cháu đi chơi cả ngày không biết gì.
Huyền Nga và Chi trở vào. Huyền Nga la lớn:
- Mở quà đi Vân.
Tường Vân nói:
- Thôi. Chừng nào mở chả được.
- Mở ngay đi. Quà của anh Lam chắc đặc biệt?
Tường Vân chìu bạn, mở lần lượt những gói quà. Mỗi lần mở một gói thì Nga phụ đề vào một câu làm cả bọn cười rúc rích. Tới gói quà của tôi Chi ồ lên. Nga nheo mắt hỏi:
- Tại sao lại “Ðừng quên tôi” anh Lam nhỉ?
Tôi ngó Tường Vân. Cô bé ngượng, quay đi chỗ khác.
- Giải thích đi anh Lam. Tại sao “Ðừng quên tôi”.
Tôi cười:
- Hỏi tức là đã trả lời.
- Ghê nhỉ?
- Quà của anh Lam đặc biệt ghê.
Tôi nói:
- Thôi ăn bán đi các cô. Giã vờ hoài.
- Anh Lam có tật nên giật mình phải không?
- Phải cái gì?
Huyền Nga và Thanh Chi ngó nhau cười. Tường Vân cắt bánh chia cho mỗi người. Tôi được chia một miếng bánh to, có hoa hồng. Bốn người vừa ăn, vừa nói chuyện. Câu chuyện pha trong tiếng cười đùa hồn nhiên. Tôi có cảm tưởng Nga và Chi biết rõ một điều mà Tường Vân chưa biết. Hai cô bé trêu tôi, làm tôi ngỡ ngàng. Bữa tiệc sinh nhật kéo dài trong khi đêm tối đã xuống ngoài kia. Tôi nghe như có tiếng gió lướt trên những tấm màn cửa lay động. Huyền Nga nói:
- Hình như trời chuyển mưa.
- Mưa đêm, thích nhỉ?
Tôi ngó Tường Vân. Chiếc muỗng còn ngậm trong hàm răng đều, trắng như men của nàng. Tường Vân nói:
- Cháu thích mưa đêm chú ạ. Buồn, nhưng làm cháu bớt đau đầu.
- Ðà Lạt có mưa đêm không?
- Mưa đêm ở Ðà Lạt buồn khóc được.
Huyền Nga cười:
- Nhớ ai mà khóc?
Thanh Chi trêu:
- Chắc chắn không phải nhớ Nga rồi.
- Dĩ nhiên, Vân nhớ một người.
- Người nào?
Vân tròn mắt hỏi Nga. Huyền Nga sợ không trêu tiếp:
- Người nào thì Vân biết chứ bộ.
Gió lạnh vào phòng, làm ngơ ngác đôi mắt Vân. Tôi thấy Vân hướng ra cửa, ngoài ấy chưa có mưa, nhưng khoảng trời tự nhiên buồn lay lắt như mưa rớt tự bao giờ. Dưới ánh sáng ngọn đèn, đôi mắt như tối hơn, màu áo Vân mặc lồng vào màu khuôn cửa, những tấm màn, và những chiếc bánh. Bữa sinh nhật rực rỡ của một người, của một tuổi đời Vân. Tôi sẽ chẳng còn gọi Vân là cô bé. Hôm nay, Vân vừa mười bảy tuổi. Ðối với tôi, từ bây giờ Vân là một thiếu nữ, một người hiện đến trong tình cảm tôi bằng chiếc bóng lặng lẽ, nồng nàn cho suốt những ngày tháng tới. Hai hôm nữa Vân về thành phố của nàng.
- Anh Lam ăn ít quá. Ðóa hoa hồng cho anh vẫn còn kia. Không dám ăn, tiếc à?
- Ðể dành.
Tôi lấy mỗng hớt nhẹ đoá hoa hồng đưa sang dĩa bánh của Vân. Chi cười khúc khích bảo:
- Thôi chứ. Hoa “Ðừng quên tôi” đủ rồi, thêm hoa hồng nữa Vân sẽ không còn chỗ nhớ.
- Anh Lam khôn ghê.
Mưa bắt đầu rắc những hạt nhỏ ngoài trời. Mọi người bắt đầu uống trà. Chất nước thơm làm nhớ một thứ hương nào đó ủ kín trong trí nhớ, trong tâm hồn. Tôi yên lặng nghe mưa. Chị Như lên thu dọn những chiếc dĩa. Sinh nhật của Vân chấm dứt. Bình hoa ngó buồn như khu vườn một buổi chiều tàn. Tôi nói với Vân:
- Bây giờ chú về.
Huyền Nga ngạc nhiên:
- Sao lại về?
- Anh bận việc tối nay.
- Có hẹn đi ciné với một cô nào phải không?
- Nếu như thế thì hạnh phúc quá. Ngược lại, anh sẽ bận bù đầu với công việc. Và về một mình trong mưa.
- Chà, cảm động. Nga đưa anh về nhé?
- Thôi, cảm ơn lòng tốt bất đắc dĩ của cô bé.
- Anh Lam khôn ghê.
Tôi dặn lại Vân:
- Chú sẽ ghé trước khi Vân về.
Vân chỉ cười, không nói gì. Tôi và Vân đi ra cổng. Mưa nhỏ, nhưng lạnh băng da thịt. Vân nói khẽ bên tôi:
- Mưa mà chú. Chờ tạnh hãy về.
- Thôi để chú về.
- Chỉ có Chi và Nga ở lại chơi với cháu. Chú buồn cháu phải không?
Tôi muốn cầm lấy bàn tay Vân và nói với nàng rằng chẳng bao giờ tôi giận nàng cả. Ngược lại, Vân đã ở đây, trên mỗi bước chân tôi khi rời xa. Con đường sẽ đưa tôi về, căn nhà như im ngủ trong cơn mưa. Ở đó, tôi sẽ một mình nhớ lại buổi tối này. Ngày Vân mười bảy tuổi. Tôi khẽ khàng đặt tay lên vai Vân:
- Cháu vào nhà kẻo mưa ướt hết.
Vân mở to mắt nhìn tôi như dò hỏi:
- Nhưng chú phải nói là chú không buồn giận gì cháu cả.
- Không, chú muốn cháu thật vui.
Vân chớp mắt, như sắp khóc. Tôi nói:
- Cháu vào đi. Chi với Nga chờ trong đó.
- Chi với Nga ngủ lại với cháu mà chú. Hết mưa sẽ nhìn thấy trăng. Chú về nhớ chờ trăng nghe chú.
Tôi cười. Chạy băng qua đường đón một chiếc xích lô. Mưa rả rích u buồn với tiếng côn trùng nỉ non trong đêm khuya vắng. Cánh cửa nhà Vân đã đóng lại. Trên bao lơn tôi thấy mưa kéo từng sợi nhỏ qua ánh sáng hắt hiu của ngọn đèn vàng vọt. Một chiếc xích lô lao tới. Tôi vẫy. Xe ngừng bên cạnh, người đàn ông hỏi tôi:
- Ði đâu cậu hai?
- Về Thị Nghè.
Ông ta gật đầu. Tôi lên xe ngồi vừa lúc cơn mưa ập đến. Nước ràn rụa trên tấm bạt, tôi nhìn ra phía trước mà không thấy gì. Bức thư của Hạ báo tin thi rớt và hẹn một ngày sẽ về gần đây. Tôi thấy ngỡ ngàng cho khoảng thời gian gần đây trong tình cảm của tôi và Hạ, có một cái gì đã vỡ tan. Hạ thi rớt. Tôi nghĩ rằng nàng sẽ buồn lắm. Trước lúc thi, Hạ cũng hy vọng thật nhiều. Ðối với tôi, việc Hạ thi đậu hay rớt làm tôi áy náy. Tôi không muốn cùng lúc những tin buồn sẽ đến với Hạ. Và trong tôi, vẫn còn đôi mắt buồn của Hạ nhìn tôi dưới mưa bay đêm giáng sinh nào.
Xe ngừng ngoài đầu ngõ, tôi trả tiền trong xe và mở cửa phóng xuống chạy một mạch vào nhà. Trong nhà có đèn, chắc Tuế đã về. Tôi gọi cửa, Tuế chạy xuống hỏi:
- Bạn đi đâu dữ vậy? Tưởng tối nay không về.
- Về chứ. Thế nào cũng về.
Tôi bước vào, mái tóc ướt và chiếc áo cũng ướt sũng. Tuế giục tôi đi thay quần áo khô. Tôi hỏi:
- Ăn gì chưa?
- Ăn rồi. Ðợi ông chắc đói rã ruột.
- Biết thế cũng tốt.
Tuế cười. Chốc chốc lại ngó tôi. Hình như Tuế uống rượu, gương mặt nó ửng đỏ. Tôi cười. Chạy lên thay áo quần trở xuống thấy Tuế ngồi trong ghế. Tôi nói:
- Còn đủ sức uống cà phê không?
- Tưởng tao say à? Sức mấy.
- Vậy thì đi.
- Ðâu mới được?
- Ra ngõ.
- Nhớ là trời mưa đấy nhé. Nhà có áo mưa không?
Tôi cũng không nhớ là có áo mưa không. Mãi một lúc mới nhớ hình như mình có chiếc áo mưa cũ vứt đâu đó đã lâu không đụng tới. Tôi chạy đi lục lọi trong những đống quần áo. Tìm thấy, tôi giũ cái áo mưa đầy bụi và ra cửa đứng nhìn trời. Tuế đứng bật dậy:
- Hai đứa che mà chạy. Có ướt cũng không đến nỗi nào. Sao tự nhiên mày nổi hứng bất tử vậy?
Tôi cười, tung cái áo mưa ra, hình như có một con gián rơi xuống đất và chết tốt dưới gót dày của Tuế. Quả thật, chiếc áo mưa cũ quá, nó lên mùi mốc khó chịu. Tuế khoá cửa, tôi và nó che chung áo mưa lầm lũi đi ra đầu ngõ. Mưa rơi lộp bộp trên áo mưa, gió lạnh và bụi nước bắn tung tóe vào mặt.
- Thuận đâu?
- Về nhà nàng rồi.
- Ði đâu mất biệt rồi bây giờ lù lù về.
- Ðừng thắc mắc.
- Vết thương lành hẳn chưa?
- Ngon rồi. Tao sắp trở lại chỗ có nhiều trò chơi.
- Không đi Ðà Lạt à?
- Thôi. Biết bao giờ đi được nữa.
- Tao chắc cũng vậy. Chưa định bao giờ. Tự nhiên thấy buồn ghê gớm.
- Sao vậy? Không thể tự nhiên được. Có chuyện gì phải không?
Tôi đưa tay ra hứng mưa, không trả lời, Tuế hỏi:
- Ngó bộ mày thất tình?
Tôi cười lớn. Hai đứa ra tới đường. Nước mưa chảy ào ạt và những bóng đèn mắc trên cao trông như ngủ gục với ánh sáng mờ nhạt của nó. Tuế dẫm chân tôi, hai đứa suýt ngã.
- Mày say?
- Còn lâu.
Tôi lặng lẽ cười một mình. Nếu Tuế không về, đêm nay tôi chẳng biết làm gì. Viết thư cho Hạ? Hay cho Tường Vân? Ðêm mưa làm tôi nôn nóng, khó chịu. Tôi thường ngủ rất muộn trong những đêm mưa. Căn nhà vắng lặng, buồn tên đó, tôi ở một mình với những hình bóng xưa cũ, chập choạng như trong cơn mơ. Công việc cho ngày mai tôi vẫn chưa làm. Tôi lười biếng và buồn khôn tả.
Mưa, quán cà phê vắng khách. Tôi và Tuế leo tuốt lên lầu, chỗ khuất ánh đèn nhất. Ngồi xuống chiếc ghế thấp, tôi bỗng nhớ tới Tường Vân. Nhớ như sắp sửa từ biệt nàng trên một chuyến xe khởi hành trong sương sớm. Một lúc mới có người đến hỏi chúng tôi uống gì. Tuế và tôi cùng uống cà phê sữa. Hai đầu thuốc cháy đỏ. Tuế dường như vẫn đắm chìm trong một cơn say nào đó. Nó ngồi dựa đầu vào tường thở mệt nhọc. Tôi lắng nghe một đoạn nhạc vẳng nhẹ đâu đó.
- Nhạc buồn quá.
- À, mày cũng biết than buồn?
- Buồn muốn chết được chứ mày tưởng. Càng say càng buồn. Ðứa nào nói say hết buồn là nói láo.
- Nếu còn sớm tao cũng say một trận.
- Bây giờ cũng được. Tao sẵn sàng uống với mày suốt đêm nay.
- Mày uống rồi. Mất thú. Phải hai đứa cùng uống một lượt kia.
- Mai đi.
- Mai có khi lại khác.
Tuế cười rũ. Hai ly cà phê được mang lên. Tôi lấy chiếc muỗng khuấy đều. Tiếng kêu lanh canh của chiếc muỗng chạm vào thành ly nghe vui tai.
Tôi bỗng nói với Tuế.
- Hạ sắp về.
- Như thế sao lại buồn?
- Bây giờ có nhiều cái đã đổi khác. Hạ không còn là một cô bé như ngày nào đã đứng dưới mưa.
- Có gì tan vỡ chăng?
- Dĩ nhiên. Ngoài những bức thư liên lạc với tao. Hạ còn liên lạc với một người, một cậu bé ồn ào. Hạ không thật. Hạ nói dối. Mà một người con gái nói dối không bao giờ đẹp dưới mắt tao. Mày nghĩ sao?
- Có thể. Nhưng biết đâu đó chỉ là tin đồn. Mà mày cũng tin vào những lời đồn đãi nữa sao?
- Không phải tin đồn. Sự thật.
- Mày tức bực?
- Buồn cười thì đúng hơn. Ðà Lạt đã chết mất một góc. Hạ chết trong tình cảm tao cùng với một ngày giáng sinh tuyệt vời buồn bã, và thơ mộng như những bông hoa dại màu vàng, nhỏ xíu nở bên hồ.
- Ðã nói rõ với nhau chưa?
- Chưa. Tao đợi Hạ về. Tao sợ một bứt thư từ biệt trong lúc nàng thi rới. Như thế có ác lắm không?
Tuế im lặng. Dù sao Tuế cũng đã quen với Hạ, quen với gia đình nàng khi Tuế còn học ở Ðà Lạt. Chuyện giữa tôi và Hạ làm cho Tuế bất ngờ. Nhưng người bất ngờ trước nhất là tôi. Những bức thư của Hạ tôi còn giữ. Tôi không nghĩ là Hạ không thực trong tình cảm, mà Hạ nói dối theo một thói quen trong thư. Dù sao Hạ cũng về, tôi sẽ gặp lại ở đây, những ngày mưa của thành phố buồn tênh. Và dù sao tôi cũng phải nói với Hạ những điều dự tính.
- Uống cà phê đi Lam.
Nghe Tuế nhắc, tôi mới sực nhớ ly cà phê của mình vẫn còn nguyên trên bàn. Tôi uống một ngụm, cà phê nguội ngắt. Tôi dựa đầu vào tường lắng nghe một bản nhạc buồn. Tuế cũng im lặng.