When they asked me what I loved most about life, I smiled and said you.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Cecelia Ahern
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1614 / 19
Cập nhật: 2017-04-17 10:34:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Khu Vườn Bí Mật
ỗi khi xa nhà trong khoảng thời gian dài hơn bình thường, ví dụ như đi cùng lớp học đến Paris, hoặc đi mua sắm ở London với bạn bè, tôi luôn mang theo thứ gì đó để nhắc mình nhớ đến gia đình. Chỉ là những thứ nhỏ bé, chẳng hạn như vào một Giáng sinh nọ, chúng tôi ăn buffet tại một khách sạn và ba tôi đã lấy trộm một chú chim cánh cụt bằng nhựa đặt trên bánh pudding, rồi ông đặt nó lên món tráng miệng của tôi. Ba đã cố gắng pha trò nhưng lại nhằm ngày tôi đang lên cơn, cũng giống như đa số các ngày còn lại: không có gì ông nói hoặc làm có thể được tôi coi là hài hước, vậy nhưng chẳng biết bằng cách nào mà ngày hôm đó con chim cánh cụt bằng nhựa đã chui vào túi tôi. Rồi nhiều tháng sau đó, khi đi xa, tôi thò tay vào túi, tìm thấy chú chim cánh cụt bé nhỏ, và tôi mỉm cười. Trò đùa của ba, cuối cùng cũng làm tôi cười, dẫu đã trễ rất nhiều tháng và ba cũng không còn bên tôi nữa. Trong chuyến đi đó, bằng cách nào đó nó đã chui vào trong túi đồ giặt của tôi, và đã chu du khắp thế giới cùng với tôi. Bạn biết đấy, có một vài thứ mà chỉ cần nhìn vào mình sẽ lập tức liên tưởng đến một thứ gì khác. Tôi không phải là một người đa cảm, tôi không bao giờ cảm thấy gắn bó với bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai ở nhà, không giống như một số người chỉ cần nhìn vào một cái gì đó, chẳng hạn như một túm lông tơ, thì đã ứa nước mắt vì nó gợi nhớ về một điều gì đó mà ai đó từng nói một lần nào đó ở nhà, trong khi thực tế ríu rít thì thầm bên tai họ, nói với họ rằng họ đang sống hạnh phúc lắm lắm. Không, đem theo một thứ gì đó đối với tôi chỉ là một thứ bảo hiểm, giúp tôi cảm thấy mình không hoàn toàn cô đơn, rằng tôi có một gia đình nhỏ ở bên. Không phải đa cảm, chỉ là chút cảm giác bất an rất đỗi giản đơn.
Đương nhiên là tôi chẳng hề gắn bó với căn nhà ở cổng lâu đài một chút nào. Tôi chỉ mới ở đó có vài ngày nhưng trong suốt khoảng thời gian tuyệt vời được lãng quên mọi thứ khi ở nhà Zoey, tôi đã đem theo cuốn sách tìm thấy trong Thư viện lưu động. Tôi vẫn chưa tìm ra cách mở khóa và đương nhiên tôi không hề có ý định đọc sách trong khi ở nhà Zoey, nhất là khi đám bạn quá bận rộn kể cho tôi nghe về nguồn giải trí mới của bọn chúng - cứ chờ đi rồi biết - đi ra ngoài mà không mặc đồ lót. Thiệt tình, tôi đã phá lên cười. Có một bức ảnh của Cindy Monroe, nặng khoảng bốn mươi hai ký, cao mét rưỡi, ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ, bước ra khỏi một chiếc xe hơi để đi đến một câu lạc bộ ăn mừng vụ được phóng thích khỏi nhà tù sau bốn tám tiếng bị giam vì tội lái xe trong lúc say, và cô hoàn toàn không mặc quần áo lót. Có vẻ như Zoey và Laura đang cho rằng đây là một bước tiến vĩ đại mới cho phụ nữ ngày nay.
Tôi nghĩ rằng khi những thành viên trong phòng trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cởi áo lót ra đốt, họ không phải nhằm đến mục tiêu không mặc áo lót ra đường. Tôi nói điều này với Zoey và nó quan sát tôi một hồi lâu, đôi mắt lim dim liếc xéo như thể nó là nữ hoàng và đang chuẩn bị quyết định có nên ngân nga “Chém bay đầu ả đi!” hay không. Nhưng sau đó nó mở to mắt nói, “Không, vậy cũng tốt, dù gì thì áo của tớ cũng hở lưng đằng sau nên tớ không thể mặc áo ngực được.”
Lưng đằng sau. Chết toi. Lại là cụm từ kiểu như vậy. Lưng rồi lại còn đằng sau. Theo tôi thì hở lưng là chắc chắn rồi.
Dù sao chăng nữa, khi bị gởi tới nhà Zoey - xin chú ý kỹ mấy chữ “bị gởi”, tôi cảm thấy như mình vừa bị phạt đứng ở góc phòng để suy nghĩ về những điều mình đã làm. Lẽ ra tôi nên cảm thấy như đang quay về nhà, cảm thấy mình trở lại là chính mình hơn, thế nhưng tôi lại không thích thú tí nào. Và cứ như vậy, tôi đem theo một mảnh của thế giới mới đi cùng. Tôi mang theo cuốn sách. Tôi biết nó đang nằm trong túi tôi khi tôi nằm trên chiếc giường tạm trong phòng Zoey, và khi chúng tôi thức suốt đêm tâm sự đủ thứ chuyện, tôi biết rằng nó đang lắng nghe tôi, một vật ngoại lai trong cuộc sống mới mà tôi căm ghét đang dần thâm nhập vào cuộc sống mà tôi từng có trước đây. Tôi đã có một nhân chứng. Tôi cảm thấy muốn ra lệnh cho nó quay trở về nhà, ton hót về cuộc sống của tôi trước đây với tất cả mọi thứ mà tôi căm ghét. Cuốn sách đó tựa như một bí mật nhỏ của tôi đối với Laura và Zoey, tuy vô nghĩa và nhàm chán nhưng dù sao cũng là một bí mật, nằm gọn lỏn trong chiếc túi du lịch nhỏ bên cạnh tôi.
Và vì vậy khi chiếc Land Rover của Arthur chạy trên lối vào lãnh địa Kilsaney, và tôi lại bị cuộc-sống-tựa-như-chết mới của mình nhai ngấu nghiến một lần nữa, tôi quyết định cầm lấy cuốn sách và đi dạo một chuyến. Tôi biết Rosaleen sẽ nôn nóng đến chết đi được nếu tôi không quay lại và kể cho mợ nghe về xu hướng không mặc quần lót, và bởi vì tôi tự trao cho mình vai trò của thần trừng phạt, tôi lập tức bước đi. Tôi cũng biết rằng mẹ vẫn sẽ ở chỗ cũ, vẫn ngồi trên chiếc ghế ngựa ấy mà không hề bập bênh, nhưng tôi cho phép tâm trí mình tưởng tượng cảnh mẹ đang làm điều hoàn toàn ngược lại, chẳng hạn như trần truồng múa ba lê trong vườn hay một thứ gì đó tương tự.
Trước đây tôi chưa bao giờ đi dạo quanh lãnh địa. Đi thăm lâu đài thì có, nhưng chưa từng đi dạo quanh lãnh địa rộng đến một trăm mẫu Anh. Tất cả các chuyến viếng thăm trước đây của tôi chỉ gói gọn trong một cốc trà và chiếc bánh mì kẹp thịt tại một căn bếp yên tĩnh khi mẹ trò chuyện về những điều tôi không hề quan tâm với hai cậu mợ kỳ lạ của tôi. Tôi làm mọi thứ - ăn hai chục cái bánh mì kẹp trứng ướt nhoét và hai lát bánh loại bất kỳ - để có thể thoát khỏi căn bếp đó và đi lang thang trong vườn trước. Chẳng có nơi nào thu hút tôi. Tôi không có mấy phẩm chất của một nhà thám hiểm, bất cứ thứ gì liên quan đến việc di chuyển đều làm tôi chán ngấy. Tôi không bao giờ bị bất cứ thứ gì hấp dẫn để phải tiến thêm một bước tìm hiểu. Ngày hôm đó, tôi vẫn vậy, chẳng có gì khác xưa, nhưng tôi đã quá chán ngán. Và vì thế, tôi lẳng cái túi du lịch vào trong vườn rồi biến, mặc cho Arthur khịt khịt mũi rồi đem nó vào nhà.
Tôi đi xa khỏi ngôi nhà, xa khỏi tòa lâu đài, dọc theo một con đường hẹp. Tuyến đường này rợp bóng sồi, tần bì và thông đỏ cao hàng ba mươi mét mọc ở hai bên. Mùi hương ngọt ngào phảng phất. Đất dưới chân mềm mại, lá và vỏ cây tích tụ hàng ngàn năm nâng bước chân tôi, khiến cho mỗi bước chân của tôi như đang nhún nhảy, cứ như thể tôi có thể thực hiện những màn nhào lộn từ góc này sang góc kia trong chiếc áo bó sát vậy. Ngày hôm nay khá nóng, nhưng tôi vẫn cảm thấy mát mẻ dưới tàng cây cổ thụ. Bọn chim tựa như đám khỉ hiếu động, véo von gọi bầy không ngớt và lượn từ cây này sang cây khác như Tarzan. Quá mệt mỏi sau một đêm thức trắng với đám bạn, tôi cứ đi, đi mãi, đầu tôi như muốn nổ tung với câu chuyện của chúng, những chuyện tôi vừa được biết - Laura phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp - và nhất là những cuộc trò chuyện của tôi trong tâm trí với chính bản thân mình. Tôi không có cách nào bắt chúng im lặng được. Tôi thật không ngờ rằng mình có thể nghĩ nhiều đến thế và nói ít đến thế trong đời.
Thỉnh thoảng khi hàng rào bảo vệ của đám cây cối bị phá vỡ, tôi có thể thấy tòa lâu đài ở đằng xa, nó trông ra bãi cỏ, ra những hồ nước điểm xuyết khắp lãnh địa, ra những cây cổ thụ khệnh khạng đứng một mình làm cảnh. Những cây dương cao lớn và thanh lịch vút cao như lông vũ cù vào bầu trời, những cây sồi vạm vỡ với mũ nồi nặng nề xòe rộng tựa như nấm dại. Rồi tòa lâu đài lại một lần nữa biến mất, chơi ú òa với tôi, và con đường bắt đầu uống cong sang bên trái để tôi sớm có thể quay mặt lại đối diện với nó. Đi bộ thêm hai mươi phút nữa, tôi nhìn thấy cổng chính ở phía trước bên phải. Tôi lập tức đi chậm lại. Lối vào âm u thiết kế theo kiểu Gothic không hấp dẫn tôi, và chẳng khác gì xác đám tù binh bị trương sình dọc hai bên đường. Cỏ cọng dài và mấy thứ cỏ dại ủ ê trèo lên cánh cửa trông khá mới và thò đầu ra ngoài song sắt gỉ sét, cứ như những cánh tay gầy guộc đói khát vẫy gọi đám xe hơi chạy qua để xin ăn hay xin được giải thoát. Con đường xe chạy một thời to rộng dẫn thẳng vào tòa lâu đài đã bị lãng quên, hoang phế, và không được tu bổ, bị cỏ mọc ngút ngàn che khuất, như những con đường lát gạch vàng trong phim Trở về xứ sở Oz thần tiên. Tôi rùng mình. Mặc dù nó đã mất đi hào quang ngày cũ, tôi chẳng hề thông cảm với nó như đã từng thông cảm với tòa lâu đài. Những vết sẹo của nó thật kỳ cục, không giống như những vết sẹo của tòa lâu đài khiến tôi muốn giơ tay vuốt ve. Chúng quá xấu xí khiến cho tôi chỉ muốn nhìn ra chỗ khác.
Tôi muốn tìm một con đường khác, bất cứ con đường nào để khỏi phải đi qua cái lối vào kiểu Gothic kinh khủng đó. Vì vậy tôi băng qua lùm cây đi thẳng vào rừng. Ở đó, tôi cảm thấy an toàn hơn, được bao bọc giữa lùm cây chứ không phải đi trên con đường mòn rạp mà người ngựa Norman từng giày xéo với đôi tay rối rít ve vẫy những cái đầu của mấy người nông dân treo trên mũi kiếm.
Những thân cây quyến rũ, già nua và nhăn nheo như chân voi, cứ xoắn xuýt quanh nhau như tình nhân, một số cong mình vươn lên khỏi mặt đất cứ như thể đang đau đớn lắm và mãi vươn tới nhưng chẳng bao giờ chạm vào nhau, bị đông cứng ở tư thế đó trong nhiều thế hệ cho đến khi tất cả bọn chúng một lần nữa lại tăng trưởng và xoay mình sang vị trí mới. Rễ cây ngoằn ngoèo ngóc đầu lên khỏi mặt đất rồi lại duyên dáng chui chui xuống như một đám lươn trơn tuột ưỡn ẹo trong bùn. Mấy lần tôi vấp phải một rễ cây nhô cao rồi được một thân cây ân cần đỡ lại. Đám cây cối đã làm vậy đấy, khiến tôi ngã nhào rồi lại dang tay đỡ lấy tôi, cù vào tôi bằng lá và mạng nhện, rồi đập thẳng vào mặt tôi bằng những cành cây. Tôi kéo mấy nhánh cây ra sau để đi qua, cảm thấy chúng lập tức bật lại như một cái súng cao su len lén đập vào lưng tôi.
Từ một lãnh địa của cây cối này, tôi tìm đường đi sang một lãnh địa khác. Không khí phảng phất mùi hương dịu ngọt, ong bu đầy trên những cây trổ hoa, tham lam chuyển từ cụm nhụy này sang cụm nhụy khác, muốn có tất cả nhưng không đủ kiên nhẫn để lựa chọn một bầu nhụy. Trên mặt đất quanh tôi rải rác loại trái cây nào đó còn lại từ mùa trước, một số ủng nát và thối rữa, một số khô quắt lại như quả mận sấy. Tôi dừng lại để nhặt một trái lên và cố gắng giải mã xem nó từng là thứ quả gì. Tôi ngửi nó. Tởm. Khi tôi quăng nó đi và chùi tay, tôi nhận ra thân cái cây cạnh tôi khắc đầy chữ. Cái cây đáng thương bị khắc chồng chéo lên thân như quả bí ngô bị móc ruột vẻ nanh. Rõ ràng những chữ trên đó không được không được khắc trong cùng một ngày, cùng một năm, thậm chí là cùng một thế kỷ. Từ hai mét trở xuống, hàng đống tên khắc chi chít trên vỏ cây, một số được đóng khung bằng trái tim, một số bằng hình chữ nhật, tất cả đều là tuyên ngôn về tình bạn và tình yêu vĩnh cửu.
Tôi lướt ngón tay qua những cái tên Frank và Ellie, Fiona và Stephen, Siobhan và Michael, Laurie và Rosie, Michelle và Tommy. Tất cả đều là tuyên ngôn về tình yêu vĩnh cửu. Bên nhau mãi mãi. Tôi tự hỏi liệu tình yêu của bọn họ có còn giữ được hay chăng. Không có cây nào khác bị khắc lên, chỉ có duy nhất cái cây này. Tôi lùi lại kiểm tra khu vực xung quanh và phát hiện ra nguyên do. Quanh cái cây này có một khoảng đất quang đãng, tôi có thể tưởng tượng những tấm chăn trải xuống đất, những buổi dã ngoại và tiệc tùng, bạn bè tụ tập và những người đang yêu lẻn đến bên nhau dưới tàng cây. Tôi rời vườn cây ăn quả và tìm kiếm lãnh địa cây tiếp theo. Một bức tường xuất hiện trước mắt tôi, và đột nhiên trò chơi của tôi và đám cây chấm dứt.
Tôi cố gắng đi cẩn thận không phát ra tiếng động, nhưng khu rừng đã vạch mặt tôi. Tiếng động được phóng đại cùng vọng âm của tiếng cành gãy lắc rắc, tiếng lá xào xạc dưới chân tôi khi tôi đi qua đã cảnh báo các bức tường về sự có mặt của tôi. Tôi không biết tòa nhà trước mặt mình là của ai, nhưng nó không phải là tòa lâu đài, bởi tôi đã đi khá xa khỏi đó. Tôi không biết bất kỳ tòa nhà nào khác trên lãnh địa ngoại trừ khu nhà tranh dột nát ở ba cổng vào khác, bị đóng cửa từ lâu và không ai ở kể từ một ngày nào đó, một ngày bí ẩn khi tất cả mọi người rũ áo bỏ đi. Các tảng đá trên tường không giống như ở tòa lâu đài, nhưng dưới đôi mắt non nớt của tôi, chúng không có mấy khác biệt, cũng cổ xưa và đổ nát y như vậy. Đầu tường lởm chởm, nó không còn chạm vào thứ nó cần nâng đỡ nữa. Không có mái nhà, chỉ có một bức tường. Dọc theo chiều dài của nó, tôi không nhìn thấy cửa ra vào hay cửa sổ, và không giống tòa lâu đài, phần còn lại của nó đã sống sót qua những lần bị cuộc đời ngoạm, nuốt để có sức mà tiếp tục duy trì. Tôi bước tới bìa rừng, cảm thấy mình giống như một con nhím vừa rời môi trường sống quen thuộc đã phải ngập ngừng đối mặt với một con đường lớn đầy ánh đèn pha chiếu rọi. Tôi để đám bạn bè cao lớn lại phía sau, và dưới ánh mắt chăm chú của bọn họ, tôi đi dọc theo bờ tường.
Khi bức tường kết thúc, tôi quẹo qua góc tường để rồi nhận ra nó tiếp tục trải dài theo một hướng khác. Đột nhiên tôi nghe tiếng ngâm nga của một phụ nữ từ phía sau bức tường. Tôi giật bắn mình. Ngoại trừ cậu Arthur, tôi không ngờ mình sẽ đụng phải một dấu vết con người nào khác. Tôi ôm quyển sách sát vào ngực và lắng nghe tiếng ngâm nga. Nó dịu dàng, ngọt ngào và hạnh phúc, quá phóng túng để là Rosaleen, quá vui vẻ để có thể là mẹ tôi.
Nó là tiếng ngâm nga để giết thời gian, âm thanh lơ đãng, giai điệu chẳng hề thân thuộc với tôi, đấy là nếu nó được coi là giai điệu. Gió mùa hè nhẹ thổi, mang theo mùi thơm ngọt ngào và bài hát kia. Tôi nhắm mắt lại và tựa đầu vào tường, ngay phía đối diện với người phụ nữ ấy và tiếp tục lắng nghe.
Khi đầu tôi chạm vào lớp gạch, tiếng ngân nga của cô ấy dừng lại và ngay lập tức, hai mắt tôi mở bừng ra, tôi vội đứng thẳng người.
Tôi nhìn quanh, chẳng thấy cô ấy đâu, vì vậy tôi vẫn chưa bị phát hiện. Khi trái tim tôi trở lại nhịp đập bình thường, cô ấy lại bắt đầu ngân nga. Tôi men theo tường, ngón tay lướt qua lớp đá xám, bức tường, mạng nhện, đá vỡ, chỗ mềm mại, chỗ sắc cạnh cứa vào ngón tay nóng ran của tôi. Mặt trời chiếu thẳng vào tôi, cây cối không còn là dù che của tôi nữa. Bức tường đột ngột chấm dứt, tôi ngẩn nhìn thì thấy một cổng tò vò lớn bằng đá đánh dấu lối vào.
Tôi thò đầu vào bên trong để kẻ bí ẩn đang ngâm nga kia không phát hiện ra, và nhận thấy đó là một khu vườn có tường bao quanh, được chăm sóc tỉ mẩn. Từ chỗ đứng bên ngoài vòm cửa, tôi có thể nhìn thấy một vườn hồng, những luống hoa trải rộng làm nền cho hồng leo nở rộ nằm hai bên lối đi dẫn đến một cửa vào khác. Tôi rón rén nhích người một chút để quan sát phần còn lại của khu vườn. Chính giữa vườn còn có nhiều loài hoa khác, phong lữ, cúc, cẩm chướng, và một số loài tôi không biết tên. Những đóa hoa đung đưa trên các giỏ treo và chậu khảm đá cỡ lớn xếp dọc bên lối đi chính xuyên qua khu vườn.
Tôi không thể tin nổi là có một ốc đảo hoa bé xíu giữa rừng, như thể ai đó đã lấy một chai nước có ga, lắc lắc rồi mở nó ở đây giữa những bức tường đổ nát, và từ đó đủ loại màu sắc bắn tung ra, mỗi nơi mỗi chỗ đều được tô điểm bởi những sắc màu rực rỡ. Ong bay từ đóa hoa này đến đóa hoa khác, dây leo vấn vít trên các bức tường được điểm xuyết bởi những bông hoa xinh xắn. Tôi có thể ngửi thấy mùi cây hương thảo, oải hương và bạc hà tỏa ra từ một khu vườn thảo mộc gần đó. Có một nhà kính nhỏ ở góc vườn, bên cạnh đó là khoảng một tá hộp gỗ xếp trên kệ, và khi bừng tỉnh, tôi chợt nhận ra sự tò mò đã vô tình kéo tôi vào vườn và tiếng ngâm nga đã im bặt.
Tôi không chắc mình muốn thấy gì, nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ trước những gì mình thấy. Ở cuối vườn, nguồn phát ra những tiếng ngâm nga ban nãy, con người ấy đang nhìn tôi chằm chằm như thể tôi đến từ hành tinh khác vậy. Người này mặc một bộ đồ màu trắng trông như phi hành gia vũ trụ, đầu đội khăn đen, tay đeo găng cao su, chân mang giày ống cao đến bắp chân. Bà ta trông giống như vừa bước ra khỏi tàu không gian và tiến vào hiện trường của một vụ thảm họa hạt nhân.
Tôi mỉm cười bối rối và vẫy bàn tay rảnh. “Xin chào. Tôi đến trong hòa bình.”
Bà ta nhìn tôi chằm chằm thêm chút nữa, người cứng đờ như một bức tượng. Tôi cảm thấy hơi lo lắng, thoáng bối rối, và mỗi khi lâm vào tình cảnh như vậy, tôi lại bổn cũ soạn lại.
“Bà nhìn chằm chằm vào cái bỏ mẹ gì thế?”
Tôi không biết bà ta phản ứng thế nào, vì bà ta trông như đang đội chiếc mũ sắt của trùm Darth Vadar[2] vậy. Bà ta tiếp tục nhìn tôi trân trối, và tôi sẵn sàng nghe bà ta nói tôi tên Luke và bà ta là ba tôi.
[2] Nhân vật phản diện chính trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.
“À, bây giờ,” bà tươi tỉnh lên tiếng như vừa thoát khỏi cơn mê, “Tôi có một cô khách bé bỏng tới thăm.” Bà ta gỡ hết đống lùng bùng trên đầu xuống, và tôi nhận ra bà ta già hơn tôi tưởng. Bà phải bảy mươi mấy tuổi rồi.
Bà bước về phía tôi, và tôi nửa chờ mong bà sẽ nhảy từ chân này sang chân kia như thể không trọng lực. Mặt bà đầy nếp nhăn, rất nhăn nheo, da thõng xuống như bị thời gian làm cho tan chảy. Đôi mắt xanh của bà lấp lánh như biển Aegea, khiến tôi nhớ tới một ngày đi trên du thuyền của ba, biển trong xanh đến mức khi nhìn xuống có thể thấy đáy cát và hàng trăm con cá nhiều màu sắc bơi lội. Nhưng chẳng có gì bên dưới đôi mắt của bà, chúng mờ đục đến mức mọi ánh sáng đều bị bắt ngược trở lại. Rồi bà tháo đôi găng kia dày cộp, bàn tay bà vẫn mềm mại và mát rượi như đá cẩm thạch.
“Ta là sơ Ignatius,” bà mỉm cười, không bắt tay tôi mà giữ lấy nó trong bàn tay của mình.
“Bà là nữ tu,” tôi buột miệng.
“Đúng vậy,” bà cười. “Ta là một nữ tu. Ta là nhân chứng sống.”
Giờ tới lượt tôi mỉm cười, rồi cười phá lên, giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng. Các hũ mật ong chất đầy tủ, hàng chục hộp gỗ xếp quanh vườn, một bà già mặc bộ đồ phi hành gia kỳ cục.
“Xơ biết mợ của tôi.”
“À.” Tôi không biết phải hiểu câu trả lời đó thế nào. Xơ không lộ vẻ ngạc nhiên mà cũng không đặt câu hỏi gì với tôi. Bà vẫn còn nắm lấy tay tôi. Tôi không muốn rút tay ra vì nể mặt bà là một nữ tu, nhưng chuyện này làm tôi thấy ớn lạnh. Tôi nói tiếp.
“Mợ tôi là Rosaleen, còn cậu tôi là Arthur. Ông ấy là người coi sóc ở đây. Họ sống trong căn nhà ở cổng lâu đài. Chúng tôi đến ở với họ một thời gian… ngắn.”
“Chúng tôi?”
“Tôi và mẹ tôi.”
“Ồ,” lông mày của xơ nhướng lên cao đến mức khiến tôi chợt nghĩ chúng là những con sâu róm sắp hóa thành bươm bướm và cất cánh bay đi. “Rosaleen không kể cho xơ biết à?” tôi cảm thấy bị xúc phạm, mặc dù rất biết ơn Rosaleen tôn trọng sự riêng tư của chúng tôi. Ít nhất là cái thị trấn bé xíu như tàu ngựa mà chẳng có con ngựa nào này sẽ không bàn tán xôn xao về kẻ cư ngụ mới đến.
“Không,” Bà đáp. Rồi bà lặp lại một cách dứt khoát không mỉm cười: “Không.”
Xơ có vẻ hơi bực bội nên tôi quyết định bảo vệ Rosaleen và cứu vãn chút tình bạn mà họ có hay không “Tôi chắc rằng mợ ấy chỉ muốn giữ riêng tư cho chúng tôi, để chúng tôi có chút thời gian đương đầu với… điều đó… trước khi mợ ấy kể với mọi người.”
“Đương đầu với…”
“Việc chuyển tới ở đây,” tôi đáp chậm rãi. Nói dối một nữ tu có xấu xa không? À tôi không có chủ ý nói dối… lúc ấy tôi có phần hốt hoảng. Tôi cảm thấy cơ thể mình nóng bừng lên rồi lại lạnh buốt. Xơ Ignatius đang nói cái gì đó, miệng của xơ mở ra rồi khép lại, nhưng tôi chẳng thể nghe thấy một từ nào, tôi chỉ nghĩ tới việc nói dối xơ, về mười điều răn của Chúa, về địa ngục và những thứ tương tự, nhưng không chỉ có vậy, tôi nghĩ nếu có thể nói thật với xơ thì sẽ tuyệt biết bao. Xơ là một nữ tu, chắc tin tưởng được. “Ba tôi qua đời,” tôi nói nhanh, cắt ngang bất cứ điều tốt đẹp gì mà xơ đang nói. Tôi nghe thấy giọng mình run rẩy khi nói câu đó và đột nhiên chẳng biết từ đâu, như khi nói chuyện với Cabáiste, nước mắt trào ra ướt đẫm má tôi.
“Ôi bé con,” xơ nói, ngay lập tức dang rộng vòng tay ôm lấy tôi. Cuốn sách tôi vẫn ôm trong tay ngăn cách chúng tôi. Mặc dù bà là người hoàn toàn xa lạ, bà vẫn là một nữ tu, nên tôi ngả đầu lên vai xơ và không kiềm chế nữa, vừa khụt khịt vừa khóc nức nở, trong khi xơ vỗ về và vuốt lưng tôi. Tôi đang rền rĩ một cách hết sức đáng xấu hổ, “Vì sao ba lại làm như vậy? Vì saooooooo,” thì một con ong bay thẳng vào mặt tôi và nhảy tưng tưng trên môi tôi. Tôi hét lên và giãy khỏi vòng tay xơ Ignatius.
“Ong,” tôi hét tướng lên, nhảy choi choi và cố gắng tránh trong lúc con ong bám theo tôi. “Lạy Chúa tôi, đuổi nó đi, đuổi nó đi.”
Xơ nhìn tôi, đôi mắt hấp háy sáng khi tôi nhảy choi choi.
“Lạy chúa tôi, xơ làm ơn đuổi nó cho con. Cút đi, cút đi!” tôi xua tay rối rít. “Chúng phải nghe lời xơ chứ. Chúng là đám ong chết tiệt của xơ mà.”
Xơ Ignatius chỉ tay rồi quát lên bằng giọng thâm trầm. “Sebastian, không được!”
Tôi thôi nhảy nhặng lên và nhìn sơ chằm chằm, nước mắt giờ đã biến mất. “Xơ không đùa chứ. Xơ đặt tên cho ong hả.”
“À, Jemima đang đậu trên hoa hồng, Benjamin thì đang đậu trên đóa phong lữ,” xơ nói vẻ tự hào, mắt sáng rực.
“Không thể như thế được,” tôi kêu lên, dùng tay lau mặt, xấu hổ vì đã òa khóc. “Tôi cứ tưởng chính tôi tâm thần cơ.”
“Đương nhiên là ta đùa rồi,” rồi xơ phá lên cười, giọng cười trẻ con trong trẻo tuyệt vời lập tức làm tôi mỉm cười theo. Tôi nghĩ đó là khi tôi biết mình mến xơ Ignatius.
“Tên con là Tamara.”
“Ừ,” bà nói, nhìn tôi, xem xét tôi, như thể xơ đã biết từ lâu.
Khuôn mặt của xơ khiến tôi mỉm cười.
“Xơ có được phép, chẳng hạn như, nói chuyện không? Chẳng phải các bà xơ phải giữ im lặng sao?” tôi nhìn xung quanh. “Đừng lo, con sẽ không méc đâu.”
“Nhiều xơ khác sẽ đồng ý với con,” xơ cười khúc khích. “Nhưng đúng, xơ được phép nói chuyện. Xơ chưa từng thề phải giữ im lặng.”
“Ồ. Các nữ tu khác có coi thường xơ vì điều đó không?”
Xơ lại cười, giọng người ngọt ngào, trong trẻo như một khúc hát.
“Vậy lâu lắm rồi xơ không gặp người lạ hả? Như vầy có phải là phạm nội quy không? Đừng lo, con sẽ không méc đâu. Mặc dù Obama hiện giờ là tổng thống của Hoa Kỳ,” tôi nói đùa. Khi xơ không trả lời, nụ cười của tôi tắt dần. “Chết tiệt. Chẳng lẽ xơ cũng không được quyền biết những chuyện như vậy? Chuyện về “thế giới bên ngoài” ấy? Chắc nữ tu thì phải sống cô lập và liên tục bị theo dõi như trong phim Big Brother phải không?” Xơ chợt định thần lại và phá lên cười lần nữa, nét mặt xơ trông ngây thơ hệt như cậu bé Benjamin Button trong phim Dị nhân Benjamin Button.
“Con thật là một thứ đặc biệt.”
Xơ vừa nói vừa cười nên tôi cố để không tự ái.
“Con đang cầm gì đó?” Xơ hỏi, nhìn cuốn sách mà tôi vẫn đang ôm trên tay. “Ồ, cái này,” cuối cùng tôi cũng thôi không siết chặt nó nữa. “Con tìm thấy nó ngày hôm qua trên… ồ… thực ra. Con nợ xơ một cuốn sách.”
“Đừng có đùa thế.”
“Không, thực đó. Marcus, ý con muốn nói là Thư viện lưu động hôm qua có đến tìm xơ và con không biết xơ là ai.”
“Ồ, vậy thì con nợ ta một cuốn sách,” xơ nói, mắt lấp lánh. “Để xơ xem nào, tác giả là ai?”
“Con cũng không biết tên tác giả hay nhan đề cuốn sách. Đây không phải là Thánh kinh hay mấy thứ tương tự, chắc xơ không thích đâu.” Tôi đáp, miễn cưỡng đưa nó cho xơ. “Có thể có cảnh tình dục, chửi thề, đồng tính, ly dị và những thứ tương tự.”
Xơ nhìn tôi, mím môi và cố gắng không mỉm cười.
“Con không mở ra được,” tôi nói, cuối cùng cũng đưa nó cho xơ. “Nó bị khóa.”
“À, ta sẽ xem xem. Đi theo ta.” Xơ lập tức cắp cuốn sách ra khỏi lối vào kia để tới khu vườn có tường quây.
“Xơ đi đâu vậy?” tôi gọi với theo.
“Chúng ta đi đâu chứ,” xơ sửa lại. “Hãy đến gặp các xơ đi, họ sẽ rất vui mừng được gặp con. Và ta sẽ mở cuốn sách ra trong lúc con trò chuyện với họ.”
“Ồ. Không. Cứ để vậy đi.” Tôi đuổi theo xơ để lấy lại cuốn sách.
“Chúng ta chỉ có bốn người thôi. Chúng ta không cắn đâu. Đặc biệt là khi ăn món bánh mì mà xơ Mary làm, nhưng đừng mách với xơ ấy là ta nói vậy nhé.” Bà nói thì thào và cười khúc khích.
“Nhưng xơ ơi, con không quen với những người tu hành. Con thực sự không biết phải nói gì.”
Xơ cười nụ cười ấy một lần nữa và lạch bạch đi về phía vườn cây ăn quả trong bộ đồ kỳ cục.
“Con không biết bất cứ điều gì về các nữ tu sao, Tamara?”
“Con đã xem bộ phim The Magdalene Sisters ba lần,” tôi trả lời, hổn hển rảo bước theo xơ. “Vì vậy, trừ phi xơ định tẩy não con thì chúng ta vẫn ổn.”
Xơ nhìn tôi vẻ nghiêm túc, nhưng tôi vẫn tiếp tục nói.
“Cái cây được khắc đầy chữ lên là sao vậy xơ,” tôi chuyển đề tài.
“À, con đã thấy vườn táo của chúng ta rồi à? Con biết đấy, một số người nói, táo là cây tình yêu,” xơ nói, mắt mở to và khi xơ cười, hai lúm đồng tiền hiện lên má. “Nhiều người trong đám thanh niên quanh đây đã thổ lộ tình yêu với nhau lên cái cây đó.” Xơ tăng tốc, cố bứt ra khỏi câu chuyện tình yêu kỳ diệu. “Hơn nữa nó tốt cho đám ong. Và đám ong cũng tốt cho cây ăn trái. Ồ, cũng có vần điệu đấy chứ,” xơ cười khúc khích. “Arthur chăm sóc vườn cây rất tuyệt. Chúng ta có những trái táo Granny Smith ngon lành nhất ở đây.”
“Ồ, thì ra đó là lý do tại sao Rosaleen làm cả ba ngàn cái bánh táo mỗi ngày. Con ăn nhiều táo đến mức táo tòi cả ra…”
Xơ nhìn tôi.
“…đằng tai.”
Xơ cười, tiéng cười ngân nga như hát.
“Vậy,” tôi hổn hển nói, cố gắng theo kịp bước chân nhanh thoăn thoắt của xơ. “Sao chỉ có bốn xơ thôi ạ?”
“Ngày nay thì không có nhiều người muốn trở thành nữ tu. Nữ tu không phải là nghề mà nói như kiểu bọn con là gì nhỉ, oách à?”
“À, không phải chỉ vì không oách, hoàn toàn không chỉ có vậy, nhưng, con không có ý xúc phạm đến Thiên Chúa hay cái gì cả, có lẽ nguyên nhân sâu xa là vì luật lệ cấm quan hệ tình dục thôi. Nếu các xơ được phép quan hệ tình dục, con bảo đảm hàng đống các cô gái sẽ muốn trở thành nữ tu. Tuy nhiên, với tình hình của con thế này, con sẽ sớm tham gia với các xơ thôi, tôi nhướng mắt.
Xơ Ignatius phá lên cười. “Chuyện gì tới sẽ tới, bé con của ta, chuyện gì tới sẽ tới. Con mới mười bảy mà. Gần mười tám, ôi chao.”
“Con mười sáu.”
Xơ dừng bước và quay sang dò xét tôi với nét mặt kỳ lạ. “Mười bảy.”
“Vài tuần nữa mới mười bảy.” tôi thở lấy thở để.
“Vài tuần nữa sang mười tám,” xơ cau mày.
“Con cũng muốn thế lắm, nhưng thực sự con mới mười sáu, mọi người luôn nghĩ con già hơn tuổi thật.”
Xơ nhìn chằm chằm vào tôi như thể tôi là một vật thể lạ, và căng óc suy nghĩ đến mức tôi có cảm giác như mình nghe thấy não xơ đang kêu xèo xèo. Rồi xơ lại tiếp túc rảo bước. đi bộ thật lực năm phút nữa, tôi thở phì phò nhưng xơ Ignatius vẫn hầu như không đổ một giọt mồ hồi. Chúng tôi đi qua mấy tòa nhà nữa, trông như nhà vệ sinh và tàu ngựa cũ. Rồi đến một nhà thờ. “Có một cái nhà nguyện ở đó,” xơ Ignatius giải thích. “Gia đình Kilsaney xây cuối thế kỷ 18.”
Nhớ lại nội dung của chuyên đề mình làm ở trường, tôi không thể rời mắt khỏi nó, không thể tin rằng những gì tôi sao chép từ Internet không chỉ là bài tập về nhà hoặc những từ ngữ sáo rỗng, nó quả thật có tồn tại. Nó là một ngôi nhà nguyện nhỏ, dựng bằng đá xám, hai cây cột ở phía trước nứt nẻ như đất bỏ hoang không nhìn thấy nước trong nhiều thập kỷ. Trên đỉnh là một tháp chuông. Bên cạnh có một nghĩa địa cũ được bảo vệ bởi ba vòng rào sắt đá gỉ sét – chẳng biết mục đích gì là giữ người chết ở bên trong hay chặn không cho người ngoài tiến vào, dù sao thì chỉ nhìn thôi tôi đã rùng mình rồi. Tôi nhận ra là mình đang dừng bước và nhìn nó chằm chằm – trong khi xơ Ignatius lại đang nhìn chằm chằm tôi.
“Tuyệt. Con đang sống trên đất nghĩa trang. Thật là hào hoa quý phái.”
“Bao nhiêu đời nhà Kilsaney đều được chôn ở đây,” xơ nhẹ nhàng nói. “Đúng ra là họ cố chôn đủ chừng nào hay chừng ấy, những thi thể không tìm được, họ đặt bia mộ thay thế.”
“Những thi thể không tìm được, vậy nghĩa là sao?” tôi kinh hoàng hỏi.
“Thế hệ chiến tranh, Tamara, một số người nhà Kilsaney đã bị giam giữ ở lâu đài Dublin, những người khác đi du lịch hay tham gia cách mạng.”
Im lặng một thoáng trong khi tôi lướt mắt qua những bia mộ cũ, một số phủ rêu xanh, một số đen xì và nghiêng ngả, những chữ khắc phía trên đã mờ không còn đọc được nữa.
“Thật ớn muốn chết. Xơ buộc phải sống cạnh nghĩa trang ư?”
“Ta vẫn hay cầu nguyện ở đó.”
“Cầu nguyện cho điều gì? Cho mấy bức tường không đổ sập xuống đầu xơ sao? Trong như chúng sẽ đổ sập bất cứ lúc nào rồi đó.”
Xơ cười. “Dù sao nó vẫn là một nhà thờ.”
“Không đời nào. Hằng tuần lễ Misa vẫn diễn ra trong đó sao?”
“Không,” xơ lại mỉm cười. “Lần cuối cùng nó được dùng là khi…” xơ nhắm chặt mắt lại, môi mấp máy cứ như đang đọc kinh suốt mấy thập kỷ. Sau đó, mắt xơ mở ra. “Biết gì không, Tamara, con nên xem lại hồ sơ để biết được ngày chính xác. Tên tất cả mọi người đều có ghi rõ trong đó. Bọn xơ để nó trong nhà, vào xem qua một lát đi, được không?”
“Ơ. Không. Vô cùng cảm ơn xơ,”
“Ta cho rằng con sẽ xem khi con sẵn sàng làm điều đó,” xơ nói rồi lại tiếp tục bước đi. Tôi vội vã tăng tốc để theo kịp xơ.
“Vậy xơ sống ở đây bao lâu rồi?” tôi hỏi, bước theo xơ vào trong một chái nhà ngang giờ được dùng làm nơi chứa đồ đạc.
“Ba mươi năm.”
“Ba mươi năm ở đây ư? Chắc là phải cô đơn lắm trong suốt thời gian đó.”
“Ồ, không đâu, khi xơ mới tới thì ở đây cũng nhộn nhịp lắm, dù con có tin hay không. Ba vị xơ kia lúc đó cũng đi lại nhiều hơn. Xơ là người trẻ nhất đấy, bé con ạ,” xơ phá lên cười trong trẻo như một bé gái. “Lâu đài, ngôi nhà ngoài cổng… lúc ấy quả thực là nhộn nhịp. Nhưng xơ cũng thích sự tĩnh mịch hiện giờ. Bình yên. Gần với thiên nhiên. Giản đơn. Thời gian như dừng lại.”
“Nhưng con tưởng lâu đài bị cháy vào những năm 1920.”
“Ồ, nó bị cháy nhiều lần lắm. Lần đó chỉ bị cháy một phần thôi. Gia đình nhà họ đã dốc sức tân trang lại. Và họ đã làm rất tốt. Nó thực sự rất mỹ lệ.”
“Xơ từng vào trong rồi à?”
“Ừ, đúng vậy,” xơ tỏ vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi. “Rất nhiều lần.”
“Vậy điều gì đã xảy ra với nó?”
“Một trận hỏa hoạn,” xơ nói rồi nhìn đi chỗ khác, đặt hộp dụng cụ lên chiếc bàn làm việc bừa bộn rồi mở nó ra. Năm ngăn kéo được kéo ra, ngăn nào cũng đầy đinh ốc và vít, xơ trông hệt như một con chim gõ kiến chuyên lượm lặt và cất giữ.
“Lại nữa à?” tôi trợn mắt. “Thiệt tình, thật là nhảm nhí quá đi. Máy báo khói của nhà con được nối thẳng tới trạm cứu hỏa địa phương. Xơ có muốn biết vì sao con biết không? Con hút thuốc trong phòng mà không mở cửa sổ, vì bên ngoài lạnh cóng, còn cửa ra vào thì mỗi lần con mở ra nó lại tự động đóng lại đánh rầm, thật phiền chết được. Thế là trong lúc con đang bật nhạc hết cỡ, cửa phòng con chợt bị đẩy tung bởi một anh chàng lính cứu hỏa nóng bỏng hết cỡ, xơ đừng trách con vì đã dùng từ như thế nhé, hóa ra chàng ta tường phòng con bị bốc cháy.”
Yên lặng, xơ Ignatius vừa lắng nghe vừa lục lọi hộp đồ nghề.
“À, mà anh chàng cũng tưởng con mười bảy tuổi đấy.” tôi cười. “Sau đó anh chàng có gọi đến nhà tìm con, nhưng ba nghe máy và dọa sẽ tống anh chàng vào tù. Đúng là làm lớn chuyện.”
Yên lặng.
“Sao cũng được, thế mọi người vẫn ổn cả phải không?”
“Không,” xơ đáp, và tôi nhận ra mắt xơ long lanh lệ khi xơ ngước mắt nhìn thoáng qua tôi, “Thật không may.” Xơ chớp mắt lia lịa để tống mấy giọt nước mắt đi trong lúc không ngừng ồn ào lục lọi các ngăn kéo, bàn tay nhăn nheo nhưng vẫn cứng cáp của xơ lướt qua đống đinh ốc và tua vít. Tay phải xơ đeo nhẫn vàng trông giống như nhẫn cưới, nó bóp chặt ngón tay, hằn sâu vào thịt, tôi nghĩ xơ muốn tháo ra cũng không được. Tôi muốn hỏi nhiều hơn về tòa lâu đài nhưng không muốn làm xơ buồn thêm, hơn nữa, trong tiếng lục đồ um sùm như vậy, tôi có hỏi xơ cũng chẳng nghe thấy.
Thế là chúng tôi chẳng nói gì trong lúc xơ tìm kiếm chiếc tua vít thích hợp trong hộp dụng cụ. Xơ cố thử vài ba cái, tôi nhìn riết đến phát chán rồi uể oải lê người quanh nhà để xe. Các hàng kệ xếp đồ chồng lên nhau kín hết các bức tường. Một cái bàn dài từ đầu nọ sang đầu kia nhà xe treo đầy đồ lặt vặt và mấy thứ máy móc kỳ cục đến mức tôi chẳng biết chúng được dùng làm gì. Đây đúng là hang động của Aladin dành cho những tay mê táy máy.
Tôi nhìn quanh nhưng đầu tôi nhảy múa với những câu hỏi về các thông tin mới biết được về tòa lâu đài. Vậy là có người sống trong đó sau trận hỏa hoạn vào những năm 1920, xơ Ignatius nói là xơ đã ở đây được 30 năm, và đã ghé thăm tòa lâu đài sau khi nó được sửa sang lại. Khi ấy là cuối thập niên, 1970. Tôi cảm thấy tòa lâu đài dã bị hoang phế lâu hơn thế nhiều.
“Thế mọi người ở đâu?”
“Trong nhà. Giờ đang chiếu chương trình Viết về án mạng. Họ thích xem lắm.”
“Không, ý con muốn hỏi gia đình Kilsaney đấy. Họ ở đâu?”
Xơ thở dài. “Hai ông bà chủ. Họ chuyển đến sống với họ hàng ở Bath. Họ không nỡ nhìn tòa lâu đài ra nông nổi này. Con biết đấy, họ không có thời gian, không có sức lực cũng như tiền bạc để xây dựng lại.”
“Họ có bao giờ quay lại thăm nó không?”
Xơ nhìn tôi vẻ buồn bã. “Họ đã qua đời rồi, Tamara ạ. Xơ rất tiếc.”
Tôi nhún vai. “Có gì đâu. Con chẳng quan tâm.” Giọng của tôi vui vẻ một cách quá giả tạo, đầy vẻ đề phòng. Vì sao? Tôi thực sự có quan tâm gì đâu. Tôi chẳng quen biết gì với họ, vì sao tôi phải quan tâm chứ? Nhưng tôi quả thật có quan tâm. Có lẽ vì họ đã qua đời nên tôi cảm thấy mọi câu chuyện buồn đều có liên quan đến mình. Tôi chẳng biết nữa. Vú em của tôi, Mae, rất thích xem các chương trình ti vi nói về các vụ phá án. Khi ba mẹ không có nhà, bà ta chiếm ngay lấy ti vi ngoài phòng khách xem chương trình Hồ sơ FBI khiến tôi sợ phát khiếp. Không phải là vì các tình tiết rùng rợn, tôi còn xem những thứ tồi tệ hơn nhiều, mà là vì bà ta quá hứng thú tìm hiểu cách che giấu hành vi phạm tội. Tôi nghĩ rằng bà ta sẽ giết tất cả chúng tôi trong khi chúng tôi ngủ. Nhưng bà ta pha cà phê sữa ngon tuyệt, cho nên tôi cũng không châm chọc bà ta quá nhiều vì sợ bà ta sẽ cảm thấy bị xúc phạm và không thèm pha cà phê sữa nữa. Nhờ xem qua những chương trình này, tôi mới biết được từ “đầu mối” bắt nguồn từ “cuộn chỉ”, bởi vì trong thần thoại Hy Lạp, một gã Hy Lạp đã dùng cuộn chỉ để tìm dường ra khỏi mê cung của con quái vật đầu bò mình người Mimotaur. Đó là một thứ giúp ta đến được tận cùng của một thứ gì đó, hoặc có lẽ đến được điểm bắt đầu. Cũng giống như bộ định vị vệ tinh của Barbara và vết vụn bánh mì tôi đã rải từ ngôi nhà ở cổng lâu đài đến Killiney, đôi khi chúng ta hoàn toàn không biết chúng ta đang ở đâu, chúng ta cần có một đầu mối dù nhỏ nhoi nhất để chỉ cho chúng ta biết nơi cần bắt đầu.
Cuối cùng thì cái ổ khóa cũng đầu hàng xơ và bật ra.
“Xơ Ignatius, xơ là một tay trộm tài ba,” tôi trêu xơ.
Xơ bật cười vui vẻ. Khi xơ lật trang bìa nặng nề ra, trái tim tôi run rẩy. Giọng nói của Zoey và Laura bảo rằng tôi thật đáng xấu hổ, và trong một thoáng tôi cũng cảm thấy thế cho đến khi Tamara của thế giới mới dùng gậy đánh đuổi những giọng nói đó đi. Nhưng khi xơ Ignatius mở hẳn quyển sách ra, cơn xấu hổ khủng khiếp lại ập tới, kéo theo cơn giận dữ, bởi trong quyển sách chẳng có gì. Chỉ là những trang giấy trống trơn.
“Hừm… để xem nào,” xơ Ignatius nói, lật nhanh những trang giấy dày cộm màu trắng ngà, rìa lam nham như được làm từ thế kỷ trước vậy. “Những trang giấy trống chờ đợi được viết lên,” xơ thốt lên với giọng ngưỡng mộ.
“Tuyệt vời làm sao,” tôi đảo mắt.
“Tuyệt vời hơn những trang đầy chữ chứ. Bởi nếu vậy con chẳng thể nào viết được lên.”
“Ít nhất thì con có thể đọc. Thế nên nó được gọi là quyển sách,” tôi đáp, một lần nữa cảm thấy nơi này khiến cho tôi thất vọng.
“Con cũng muốn được trao cho một cuộc đời để sống đến tận cùng hả Tamara, để con có thể ngồi xuống và quan sát nó, hay con muốn tự sống cuộc đời của con,” xơ hỏi lại, đôi mắt lấp lánh ánh cười.
“Hờ, xơ giữ nó đi,” tôi bước xa khỏi nó, không còn quan tâm đến thứ mà tôi từng ôm ấp, cảm thấy nó đã khiến tôi thất vọng.
“Không đâu, bé yêu. Nó là của con. Con hãy sử dụng nó.”
“Con không viết đâu. Con ghét cái trò đó. Nó khiến những ngón tay con chai sần. Và đầu nhức nữa. Con thà gởi thư điện tử còn hơn. Dù sao chăng nữa, con cũng không thể làm vậy. Nó là của Thư viện lưu động, Marcus sẽ muốn lấy lại nó. Con phải gặp anh ấy để trả lại quyển sách.” Tôi để ý thấy giọng mình trở nên dịu dàng hơn khi thốt ra câu cuối cùng. Đúng là ấu trĩ, tôi cố giấu nụ cười. Xơ Ignatius cũng để ý thấy, xơ mỉm cười và nhướng mày. “À, con vẫn có thể gặp Marcus để kể về quyển sách mà,” xơ trêu. “Anh chàng sẽ hiểu mà, cũng như xơ thôi, rằng ai đó đã quyên tặng quyển nhật ký cho thư viện, tưởng nó là một quyển sách.”
“Nếu con giữ lại nó thì có phạm phải một tội lỗi tày trời nào không?”
Xơ Ignatius đảo mắt hệt như tôi hay làm, và dẫu đang cảm thấy khó chịu, tôi vẫn phải mỉm cười.
“Nhưng con chẳng có gì để viết cả,” lần này giọng tôi đã dịu hơn một chút.
“Lúc nào cũng có thứ gì đó để viết. Vài suy nghĩ của con. Xơ chắc là con có nhiều suy nghĩ lắm đấy.”
Tôi nhận lại quyển sách, ba hoa chích chòe một hồi rằng việc viết nhật ký là chuyện của những kẻ vô công rỗi nghề, rằng tôi chẳng hứng thú tí nào. Nhưng mặc cho tất cả những gì tôi nói, khi ôm lấy nó trong tay, thật ngạc nhiên là tôi cảm thấy an lòng hơn. Chỗ của nó là ở trong tay tôi.
“Viết về những gì trong này này,” xơ Ignatius chỉ vào thái dương, “Khu vườn bí mật, ai trong chúng ta cũng có một khu vườn như thế cả.”
“À, con đã tìm thấy khu vườn của xơ hôm nay,” tôi mỉm cười. “Nó không còn bí mật nữa, xơ à.”
“À, phải rồi, chúng ta luôn luôn nên chia sẻ với một ai đó.” Xơ chỉ vào cuốn sách. “Hoặc thứ gì đó.”
Nhật Ký Của Ngày Mai Nhật Ký Của Ngày Mai - Cecelia Ahern Nhật Ký Của Ngày Mai