Số lần đọc/download: 2702 / 72
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:26 +0700
Chương 8: Giấc Mộng Tỷ Phú
N
hững buổi chiều mưa, con cái lên gác nô đùa, vợ chồng tôi thường nằm bên nhau mơ ước. Nhà tôi thích nhất hai tiếng “hả hê” của tôi. Em còn nhớ chứ, Phượng? Anh kể chuyện mùa hè về quê với bà nội. Anh nằm trên manh chiếu dưới giàn hoa lý. Bà nội anh bỏ hai chiếc vó tôm xuống ao rắc vào dúm cám rang.
Bà nội kéo sợi, lâu lâu lại bỏ cái xa, ra nhấc vó. Rồi khi đủ số tôm, bà nội anh nấu canh tôm với bồng bồng. Lúc anh dậy, mặt trời sắp lặn. Anh nhảy xuống ao bơi lội. Chừng anh chán nước, bụng anh đói. Bà nội dọn cơm. Cơm chỉ có canh tôm. Anh đã ăn những bữa cơm của những ngày xưa còn bé ấy. Thật hả hê. Anh vừa nói dứt tiếng hả hê, em ôm chặt anh, hôn anh. Em còn nhớ chứ, Phượng? Anh biết, tự đáy lòng em, em mong ước suốt đời anh chỉ nói cho em nghe những kỷ niệm đẹp của anh. Và đừng bao giờ dùng những danh từ vũ phu, tàn bạo khi chúng ta sinh sự với nhau. Điều đó có gì khó đâu, Phượng của anh. Tại sao anh đã không làm vừa lòng em? Để em phải khóc sưng mắt suốt đêm và đau khổ suốt đời.
Và anh, anh cũng không thể quên những câu chuyện “ngày xưa khi má còn sống” của em. Lúc em khơi đống tro tàn quá khứ, anh thấy đôi mắt em sáng rực. Sáng hơn những vì sao sáng nhất ở trên trời. Anh nhớ mãi đôi mắt em. Đôi to, tròn, đen và u ẩn cơ hồ nỗi u ẩn hai mươi năm chiến tranh Việt Nam quê hương đau khổ. Anh nhớ và đứa con đầu lòng của chúng ta tên là Thiên Chương. Văn Chương trên trời là những vì sao tinh tú. Thiên Chương trong mắt em. Của riêng anh. Đôi mắt ấy đã khóc vì yêu anh, ghét anh, giận anh. Nhưng cuối cùng yêu, ghét, giận biến đi. Chỉ còn lại tình thương. Yêu còn ích kỷ. Thương mới hy sinh. Em đã thương anh, thương con. Giống em, anh mong muốn đừng bao giờ em gắt gỏng, cằn nhằn. Hãy nằm bên anh, kể chuyện “ngày xưa còn bé” của em, kể chuyện ba bị cướp trói cùng chú út rồi đốt nhà toan nướng hai người. Chú Út có võ; gồng tay chịu trói. Chờ bọn cướp nổi lửa đi khỏi, chú Út tự cởi trói cứu ba và hai người nhảy xuống sông trốn thoát. Hãy nằm bên anh, kể chuyện chiếc “o bo” nhà mình, mỗi cuối năm thả trên cánh đồng, trên kinh lạch, trên sông nước đi góp tiền lúa. Hãy nằm bên anh, kể chuyện má thương em thương các con. Kể chuyện ông ngoại với những tên rượu trứ danh ông đã uống. Kể chuyện ghe cá nhà mình chở lên Sàigòn bán rồi mua hàng hóa chở về Cần Thơ. Kể chuyện tiểu học cùng nô đùa với lũ con gái ông Nguyễn Ngọc Thơ. Kể chuyện nhà ông nội với vựa lúa cao nhất vùng.
Kể chuyện xưởng guốc của bà ở Sàigòn. Kể chuyện dãy phố đã đã bán đi ở chợ cầu Ông Lãnh. Kể chuyện những năm trung học Sàigòn. Kể chuyện giặc giã miền Nam. Kể chuyện má bị lao phổi, ba vừa trốn giặc vừa lo mua thuốc tây và tiền nhiều thuốc không có, má đã chết. Kể hết. Nhưng chớ kể những thằng đã viết thư tán em, những thằng đã theo em và bị em xua đuổi. Anh sẽ nghen đấy. Nhớ chưa, chớ dại dột nhắc tên một thằng con trai nào em quen biết thuở chưa lấy anh. Anh sẽ giận kinh khủng.
Em thường nói trong nước mắt, Phượng nhớ chứ, em thèm nghe những lời nói dịu dàng của anh. Em tưởng anh không them nghe giọng mật ong của em ư! Chúng ta sẵn sàng cho nhau những gì chúng ta có. Anh đâu tiếc em. Em đâu tiếc anh. Chúng ta không làm cho nhau sung sướng tuyệt đỉnh chẳng phải vì chúng ta tiếc nhau hay ghét bỏ nhau. Mà chính vì cái chu kỳ ma quái chưa xoay hết một vòng quanh cuộc đời hai ta. Nó sẽ xoay hết. Ma quái sẽ hết ám ảnh anh. Ma quái sẽ hết ám ảnh em. Và chúng ta sẽ đầy hạnh phúc. Em tin như vậy. Mãi mãi, anh là cái tay vịn của chiếc cầu khỉ. Để em nắm lấy mà nương bước đi qua dòng sông khốn nạn của cuộc đời. Phượng, em hãy tin anh. Hãy tin anh như em đã yêu anh, đang yêu anh và yêu anh suốt đời em. Hãy nằm sát anh. Xích gần hơn nữa. Ôm anh đi. Trói chặt vòng tay em cho đau đớn da thịt anh. Rồi hôn anh. Và mơ ước vào những chiều mưa con cái mình không quấy rầy.
Tôi vuốt ve tóc nhà tôi, nói một câu vớ vẩn:
- Tại em đấy.
Nhà tôi ngạc nhiên:
- Tại em cái gì?
Tôi đặt bàn tay lên ngực nàng:
- Ai bảo em viết mẩu giấy mời anh qua nhà uống nước chanh muối.
Nhà tôi dụi mặt vào ngực tội:
- Hỏi hoài, mắc cở muốn “chớt”.
Tôi nói:
- Giá em đừng mời anh uống nước chanh muối thì chúng ta sẽ không quen nhau, yêu nhau, lấy nhau. Và em không khổ.
Nhà tôi chớp mắt:
- Em có hối hận gì đâu.
Tôi chụp gói thuốc lá, rút một điếu quẹt diêm mồi. Im lặng. Tôi nghe rõ tiếng giấy cháy theo hơi tôi hít. Nhả một vòng khói tròn lên. Tôi nhìn vòng khói to dần, mỏng dần và bị cuốn hút. Tôi chưa có lấy cái móng tay sự nghiệp để ví với khói thuốc bay.
Nhưng mà anh ân hận. Em biết đấy, cái xe Dauphine không phải do anh mua. Khi chúng mình có con, anh mơ ước sẽ tậu được căn nhà nhỏ, rút cuộc, các con lớn khôn, đi học, nhà vẫn chưa có. Anh đau đớn mỗi lần thằng Chương hỏi “Bố ơi, nhà của mình hay mình mướn hở, bố?”
Nhà tôi không để tôi “tự thán”, hỏi tôi:
- Ai dạy anh nhả khói thuốc lá tròn đó?
Tôi đáp:
- Anh xem phim “Les demi sels” bắt chước. Đẹp không?
Nhà tôi khen:
- Đẹp lắm.
Tôi nói:
- Hai năm thất nghiệp ròng rã, anh đã đốt biết bao thuốc lá Bastos trên căn gác xép. Em biết không, cái trần gác thấp xuýt đụng đầu anh, lúc anh mới mướn, vôi quét trắng toát, mấy tháng sau nó vàng khói thuốc. Cuộc đời anh vàng vọt như cái trần gác. Anh buồn quá, chỉ biết tập nhả khói tròn bằng thưốc lá rẻ tiền.
Nhà tôi luồn bàn tay trong áo tôi:
- Nhưng cuộc đời anh sẽ không vàng vọt. Nào, hãy kiến nhẫn xây dựng sự nghiệp như anh tập nhả khói thuốc tròn.
Tôi hí hửng:
- Sư nghiệp văn nghệ chăng?
Nhà tôi cắn khẽ cánh tay tôi:
- Không, không bao giờ anh nên khởi sự nghiệp bằng văn nghệ. Từ văn nghệ, anh sẽ tập thêm nhiều thói xấu. Anh sẽ như con thiêu thân lấn mình vào trụy lạc. Anh sẽ đánh bạc, hút thuốc phiện và bỏ bê gia đình. Nhỡ cái anh nổi danh, anh tưởng anh trở thành người của công chúng không là người của riêng vợ con anh. Không, không bao giờ em muốn thế, không bao giờ em muốn mất anh, Nếu anh thích sự nghiệp, anh nên theo con đường khác. Bằng không, anh mãi mãi như thế này. Em chẳng ân hận gì đâu. Hãy sống như chúng ta đang sống để yêu em và yêu con.
Tôi dập điếu thuốc lá cháy dở:
- Anh bất tài vô tướng, khởi sự nghiệp bẳng con đường nào đây? Anh thấy khối đứa vô tướng hơn anh, học dốt hơn anh mà nhờ chọn con đường văn nghệ đã thành công. Lại vung đao to búa lớn làm văn học nghệ thuật cho cả nước chiêm ngưỡng. Chúng nó giống lũ nhặng vo ve trên đống vỏ dưa, coi Thái Sơn cóc ra cái gì cả. Anh đâm ra tức mình muốn làm văn nghệ.
Nhà tôi nhỏ nhẹ:
- Anh muốn làm nhặng à?
Tôi bảo:
- Tại sao anh muốn làm nhặng? Anh muốn làm cho nhặng chết hết.
Nhà tôi cười:
- Vậy anh đừng cay cú lũ nhặng văn nghệ. Tốt hơn cả, anh mặc họ tung hoành. Đời sống đâu chỉ có nhặng văn nghệ. Và đời sống đâu chỉ có văn nghệ. Em dứt khoát: cấm anh làm văn nghệ. Vì em sợ anh sẽ giống nhặng. Dưới bốn mươi tuổi không thể làm văn nghệ được. Trước hết, kiến thức còn xanh kinh nghiệm chưa kết trái. Sau hết, nếu thành công sẽ huênh hoanh, tự kiêu, đáng ghét.
Tôi chép miệng:
- Em nói đúng.
Nhà tôi cắn tôi thêm cái nữa:
- Đúng mà anh còn chép miệng.
Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Vữ Hoàng Chương. Một người nào đó cho rằng, ngoài ba mươi tuổi, đã khuấy bột vài lần mà chẳng lần nào nên hồ, đọc thơ Vũ Hoàng Chượng mới thấm. Tôi bèn ông ổng cái giọng ống bơ ngâm nga.
Gối vải mộng phong hầu
Vinh quang đường lối khép
Thẹn trước thương về sau
Đời tàn trong ngõ hẹp
Nhà tôi cũng tỏ ra mình... thi phú. Nàng nói:
- Anh đã “Trống không bình sinh” đâu mà lo “Đời tàn trong ngõ hẹp”.
Tôi thở dài:
- Anh trống không sự nghiệp văn nghệ văn gừng rồi, em ơi!
Nhà tôi động lòng thương cảm. Nàng ghé sát tai tôi:
- Bốn mươi tuổi hãy làm văn nghệ, ông Nguyễn Mạnh Côn ngoài bốn tuổi mới nổi tiếng, có muộn gì.
Tôi đành tự an ủi:
- Ừ nhỉ, bốn mươi tuổi anh sẽ lập “thi văn đoàn”, viết bài gửi đăng báo với tư cách... mầm non văn nghệ. Anh sẽ gửi bài cho tạp chí Văn hóa. Ban tuyển chọn của báo này sẽ đọc, sẽ trả lời “cần cố gắng”. Anh sẽ cố gắng cho văn hay chữ tốt và được trả lời “có triển vọng đi xa trong tương lai”. Rồi nhà văn học sử Nguyễn Đình Tuyến sẽ đưa anh vào văn học. Anh ở đấy mãi sau khi đã đoạt giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông” và có chân trong cái Pen Club. Ôi, anh sẽ bắt chước thi bá Trần Đồng Vọng diễn thuyết về thi ca tại giảng đường Đại Học Văn Khoa do văn hào Phạm Việt Tuyền giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp. Hai mươi bảy thính giả kể cả ban tổ chức, em, các con và ma ri sến nhà mình sẽ vỗ tay hoan hô anh. Em ơi, em biết thi bá Trần Đồng Vọng chứ?
Nhà tôi hỏi:
- Thuộc thế kỷ thứ mười sáu hay hai mươi mốt mà em chưa nghe tên tuổi bao giờ?
Tôi đáp:
- Ông ấy là lang thuốc ta, chuyên trị đau mắt hột, đau mắt có màng, thông manh, đui, chột, cận thị, viễn thị, lông quặm vân vân... Nay ông bỏ sự nghiệp dao cầu thuyền tán nhảy phóc vào văn nghệ. Và ông ấy nổi danh như cồn.
Nhà tôi hài hước:
- Chắc thơ ông ấy không có lông quặm, anh nhỉ?
Tôi nói:
- Nghe nói thơ ấy thơm mùi long não, gián sẽ không dám cắn quần áo.
Nhà tôi cười:
- Vậy phải mua một cuốn về bỏ trong tủ quần áo thay cho long não. Ấy, đó là văn nghệ phục vụ nhân sinh! Nói theo học giả Nguyễn Đức Quỳnh, đó là văn nghệ chủ quan viễn kiến.
Tôi biết nhà tôi cay cú văn nghệ. Đã định lỉnh sang chuyện khác. Thì nhà tôi bảo:
- Nếu anh làm văn, văn anh cần có mùi thơm của thuốc xịt muỗi, anh nhé!
Tôi lặng thinh. Mot lát sau, tôi đập chân mạnh xuống đệm giường:
- A, đúng rối.
Nhà tôi hỏi:
- Cái gì đó?
Tôi đáp:
- Anh mua xổ số kiến thiết quốc gia, trúng trăm ngàn là đời lên hương.
Nhà tôi cười rũ rượi:
- Mộng ước của anh nhỏ quá. Đã mơ trúng thì phải mơ trúng số độc đắc. Đằng nào cũng mất công mơ mộng, tại sao mơ nhỏ thế?
Tôi mím môi:
- Anh an phận mà, em.
Nhà tôi hiểu là tôi nói kháy. Nàng im lặng. Tôi nhìn bức tường trước mặt. Ảnh Đức Mẹ treo ở đó. Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Đức mẹ có hàng tỷ ân huệ lớn bé để phân phát cho hàng triệu kẻ khốn khó trên cái thế gian đau khổ này. Đức mẹ hằng cứu giúp nhưng Đức Mẹ chưa cứu giúp con lần nào. “Mẹ ơi đoái thương cho nước Việt Nam. Giờ u ám chiến tranh điêu tàn”, một triệu giáo dân Việt Nam đã ngửa mặt lên trời kêu trời kêu gào bài hát ấy từ mười mấy năm nay. Và Đức Mẹ chưa phát chẩn... hòa bình. Hòa bình đầu có ở trong tay Đức Mẹ. Ôi, hòa bình lại ở trong tay các ông lãnh tụ Tư Bản và Cộng Sản cơ. Nhưng mọi người đều tin tưởng, sẽ có ngày kia, Đức Mẹ cho nhân loại hòa bình. Tôi thì tôi chỉ mong Đức Mẹ khóc chảy nước mắt ròng ra. Đức Mẹ đã hiện ở Fatima, ở La Vang, ở Bình Lợi. Đức Mẹ ơi, Mẹ Maria yêu dấu, Mẹ làm ơn khóc giùm con ở trên bức tường kia đi. Từ cái ảnh, đôi mắt Mẹ chảy lệ chan hòa là con... hốt bạc.
- Em này...
- Gì anh?
- Giá Đức Mẹ khóc em nhỉ!
- Thì sao?
- Mình sẽ trở thành tỷ phú mấy hồi.
- Rỡn hoài.
- Rỡn gì, con ngõ này sẽ trờ thành trung tâm hành hương thế giới.
Đây là giấc mơ... Đức Mẹ Maria khóc của tôi. Trước tiên, khi thấy Đức Mẹ khóc từ cái ảnh treo trên tường, tôi sẽ phóng xe lên Tòa Tổng giám mục báo tin. Rồi cấp tốc đến hiệu khắc dấu thuê làm một con dấu cấp tốc bằng bất cứ giá nào. Con dấu đó dùng để đóng trên những mẩu giấy cắt nhỏ, gọi là giấy vô cửa xem Đức Mẹ Maria khóc. Mỗi tấm vé hai mươi đồng. Người ngoại quốc phải trả bằng đô-la xanh. Khi Đức Tổng giám mục Sàigòn tới chiêm ngưỡng Đức Mẹ khóc thì miễn phí. Ngài sẽ về loan báo. Cả thế giới sẽ hay tin Đức Mẹ Maria khóc thương loài người ở Việt Nam, ngoại ô Phú Nhuận, nhà ông Nguyễn văn Lương. Bọn phóng viên vô tuyến truyền hình, phát thanh và thông tấn ngoại quốc sẽ ào ào kéo tới quay phim, chụp ảnh. Một ngàn đô-la mười phút quay phim, chụp ảnh và quan sát cho mỗi anh phái viên. Tiền trả trước rồi mới được vào nhà. Phỏng vấn chủ nhà phải đưa thêm năm trăm đô-la. Tôi đã tính rồi. Tính kỹ. Đức Mẹ Maria khóc hoài, khóc không hẹn ngày thôi để nhân loại thấu rõ tấm lòng xót thương của Mẹ thì một triệu giáo dân Việt Nam đều được tới quỳ lạy dưới ảnh mẹ. Tôi sẽ thu 1.000.000x20đ = 20.000.000đ. Hai mươi triệu đồng Việt Nam.
Khu vực tôi cư ngụ sẽ được cảnh sát quân cảnh giữ trật tự tối ngày. Việt Nam sẽ là trung tâm hành hương thế giới. Người ngoại quốc ồn ồn kéo sang. Nhà nước sẽ giầu to. Ngoại tệ thu về cơ man. Khách sạn phát triển. Du lịch có việc làm. Đường lối, chính sách của chính phủ được ngoại nhân am hiểu tường tận, khỏi cần các ông dân biểu, nghị sĩ xuất ngoại giải độc. Cá nhân tôi được hưởng chừng vài triệu đô-la xanh. Ảnh tôi, ảnh vợ tôi, con tôi, ma ri sến nhà tôi sẽ đăng ngập trên các tờ báo quốc tế. Tôi trở thành nhân vật quan trọng hứa hẹn đem lại hòa bình cho nhân loại. Các lãnh tụ Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Tầu sẽ qua Việt Nam chiêm ngưỡng những giọt lệ của Đức Mẹ. Anh nào lên cái giọng cường quốc lại từng tỏ vẻ khinh miệt dân tộc tôi, tôi sẽ không cho vào nhà. Tôi sẽ nói phét rằng Đức Mẹ đã nhập vô hồn tôi để “phán” những điều có lợi cho dân tộc tôi. Một hội nghị hòa bình sẽ họp tại Sàigòn. Phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa một bên, bên kia là Anh, Mỹ, Nga, Trung cộng, Pháp... Mấy chú vẹm đứng chầu rìa, sợ run lên. Các nước trên thế giới làm kiến nghị dâng lên tôi để tôi rước ảnh Đức Mẹ đến từng nước. Đức Mẹ khóc hoài. Ai muốn nếm giọt nước mắt phải trả một trăm đô-la. Tôi sẽ đi khắp năm châu, bốn bể. Đến đâu người ta cũng quỳ xuống lạy vợ chồng tôi. Vì vợ chồng con cái tôi khiêng ảnh Đức Mẹ. Ngay Đức Giáo hoàng mà còn kính nể vợ chồng tôi nữa là. Cái gì chứ đi quân dịch là em được miễn. Tổng thống Mỹ sẽ can thiệp giùm em. Cùng lắm, em ở La Mã, em cóc về nữa. Em nổi hứng em đi tu rồi, biết đâu đấy chả thành cụ cố đạo, em hồi hương mua khu đất bao la để... dưỡng già và bao bọc bà con dòng họ...
Nhà tôi nghe tôi kể giấc mơ Đức Mẹ khóc, bấn cả lên:
- Thôi, đủ rồi.
Tôi nói:
- Giấc mơ này vĩ đại, được cả chì lẫn chài em ạ! Khi chúng ta chết, vợ ta sẽ được chôn ở nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi, bên cạnh những nấm mộ các liệt sĩ Hố Nai đã bỏ mình vì... các ông cố đạo tranh đấu trước họng súng của Nguyễn Khánh. Em mê không?
- Mê lắm.
- Vậy mai mua năm chục miếng đá “Merci” gắn khắp các tường nhà thờ đi.
- Vâng. Nhưng mà...
- Nhưng mà sao?
- Em thèm đi Pháp lắm, nhưng mà Đức Mẹ không khóc đâu, anh ạ!
- Đức mẹ phải khóc.
Tôi dựng nhà tôi đậy. Hai vợ chồng quỳ dưới ảnh Đức Mẹ, bức ảnh in ốp-xét nhiều màu tại nhà in Nguyễn Bá Tòng, làm dấu và cầu nguyện loạn châu chấu.
- Lạy Đức Mẹ hằng cứu giúp, xin Đức Mẹ khóc giùm con để con và dân tộc con được hưởng ơn mưa móc!
- Thanh mai Đức Mẹ nhà ta cầu cho chúng tôi là kẻ có tội. Xin hãy khóc đi vì nước mắt của Mẹ sẽ làm cho chúng tôi giầu nứt đố đổ vách. A men...
Tôi liếc mắt ngó nhà tôi. Thấy nàng thộn ra một sự “giáo dân Bùi Chu”. Khiến tôi xuýt phì cười. Nàng lâm râm cầu bằng tiếng Tây. Vì sợ Đức Mẹ Mari không hiểu rõ tiếng Việt Nam. Tôi bảo nhà tôi:
- Đức Mẹ vưỡn chưa... cảm động, em ạ! Em biết tiếng La Tanh không?
- Không.
- Vài câu tiếng Ý vậy?
- Cũng không biết.
- Em ơi, lịch sử giáo hội chưa lần nào có Đức Giáo hoàng không phải là người Ý Đại Lợi. Các Đức Hồng Y thì quá nửa là dân Ý nên khi bầu Đức Giáo hoàng bắt buộc “phiếu Ý của người Ý”. Bởi vậy, anh nghĩ Đức Mẹ Maria khoái nghe tiếng Ý. Em nên theo một “cua” Ý ngữ cấp tốc đi. Người Việt Nam thiệt thòi quá xá. Trên phương diện nào cũng thiệt thòi. Nước ta có biết bao người tử vì đạo Chúa thời Tự Đức, Minh Mạng... Gần đây, bảy liệt sĩ Hố Nai đã anh dũng chết dưới họng súng Nguyễn Khánh vì dám “a la xô” bậy vào vùng cấm địa. Vậy mà ta cóc có ông Hồng Y nào!
Nhà tôi hích khuỷu tay vô mạng mỡ tôi:
- Cầu đi!
Tôi ngoan ngoãn làm dấu, đọc dài câu tiếng La Tanh:
- Aspro, Aspérine, Optalidon, Cortal, Colspan... Amen.
Nhà tôi trợn trừng mắt:
- Anh nhạo báng à?
Tôi “trần thuyết”"
- Đâu dám, em ơi! Anh muốn diễn tả cái bệnh nghèo khổ nhức đầu, ê xương uống hết các thứ thuốc Aspro, Aspérine, Optalidon, Cortal, Colspan vẫn không khỏi. Giờ chỉ còn cách Đức Mẹ Maria khóc là đời mình lên hương.
Nhà tôi giục nhặng xì ngầu:
- Thì đọc kinh cầu nguyện đi!
Hai vợ chồng tôi lại đọc kinh. Tôi nghĩ giá Đức Mẹ không cảm động thì Đức Mẹ nên cười. Vì vợ chồng tôi đang trình diễn văn nghệ tạp lục. A, hay quá ta Tôi chuyển hướng:
- Lạy Đức Mẹ trăm lạy, ngàn lạy, vạn lạy, xin Đức Mẹ cười cho con nhờ tí.
Nhà tôi bảo:
- Đức Mẹ cười thì hỏng rồi.
Tôi nói:
- Từ xưa đến nay Đức Mẹ chưa cười. Nay Đức Mẹ cười mới lạ và dễ... phất hơn. Đức Mẹ cười là có hòa bình. Chứ, Đức Mẹ khóc hoài, chiến tranh sẽ kéo dài vô tận.
- Em muốn Đức Mẹ khóc cơ.
- Anh thích Đức Mẹ cười.
- Đức Mẹ phải khóc.
- Đức Mẹ phải cười.
- Khóc!
- Cười...
- Khóc!
- Cười...
- Khóc!
- Tôi bảo cười...
- Tối bảo khóc:
- Vừa khóc vừa cười được không?
- Không.
- Khóc chán chê rồi cười nhé?
- Không có cười gì hết trơn.
- Vui thì cười chứ.
- Không vui.
- Được rồi, khóc. Vậy em cầu khóc đi!
Tổi đành thua nhà tôi. Quả nhiên, “nhất vợ nhì trời”. Nàng không muốn Đức Mẹ cười. Lạy Đức Mẹ Maria, Mẹ hãy đoái thương cho Nguyễn văn Lương bút hiệu Lương Khoán này mà khóc đi.
- Mẹ ơi, khóc đi Mẹ, khóc đi Mẹ...
Nhà tôi gắt:
- Anh giễu thế Mẹ khóc sao nổi!
Tôi cãi:
- Giễu, mẹ không khóc Mẹ sẽ cười.
Nhà tôi mím môi:
- Tôi đã ra lệnh cho anh là cấm không được mong Đức Mẹ cười.
Lại cầu nguyện. Một lúc lâu, tôi bỗng phá ra cười. Nhà tôi ngạc nhiên.
- Anh cười chi vậy?
Tôi nói:
- Cười anh, cười em.
Nhà tôi hiểu ngay. Nàng cũng cười:
- Ờ nhỉ, chúng mình con nít quá.
Tôi nâng nhà tôi dậy:
- Đôi khi phải có niềm tin của con Tấm em ạ! Đó là niềm tin cổ tích.
Hai vợ chồng tôi lên giường nằm. Tôi vẫn mơ Đức Mẹ khóc. Chỉ cần Đức mẹ khóc là cuộc đời chúng tôi thay đổi.
Tôi an ủi nhà tôi:
- Em ạ, Đức Mẹ sẽ hiện ra và khóc trong môt tiểu thuyết của anh. Chỉ có nhà văn mới thực hiện nổi mọi mơ ước của loài người. Và cả của thần thánh nữa. Anh sẽ đưa con chúng mình lên Mặt Trăng trước cả Nga lẫn Mỹ. Anh sẽ tạo ra một thằng lỏi và đội bóng tròn của nó. Và đám nhỏ Việt Nam sẽ hạ hết các đội bóng tròn hay nhất thế giới.
Nhà tôi ôm chặt lấy tôi:
- Thôi “mờ” anh, đừng bao giờ mơ làm văn nghệ cả.
Tôi bảo:
- Bốn mươi tuổi anh mới mơ.
Nhà tôi hôn lên má tôi:
- Nhớ nhé, bốn mươi tuổi hãy lập thi văn đoàn. Định lấy tên chưa?
Tôi hân hoan đáp:
- Rồi. Anh sẽ lập thi văn đoàn “Áo thung”, thi văn đoàn của những người mặc áo thung làm văn nghệ!
Nhà tôi cười như nắc nẻ. Ấy, đó là giấc mơ của anh có vợ mê Đức Mẹ Maria.