Nguyên tác: Ihmiset Suviyössä
Số lần đọc/download: 258 / 10
Cập nhật: 2020-02-13 14:06:35 +0700
Chương 8
D
úng ra Santra nhà Mettälä cũng không có ý chờ chồng về nhà vào ngày cuối tuần. Kể từ mùa xuân, sau khi gia nhập đội quân thả gỗ, anh ta chỉ về nhà có một lần. Mà cái lần đó cũng không có gì đặc biệt ngoài việc anh ta mang về nhà một ít tiền. Trái lại, mấy đêm anh ta ở nhà lại có vẻ gì đó là lạ. Volmari, đứa con lớn nhất của Santra, được sinh ngoài giá thú, lại tình cờ về nhà lúc đó. Và nó luôn kiếm cớ gây sự với bố dượng… Volmari cũng đã đi từ giữa trưa Chủ nhật, về những miền đất xa lạ mà nó đã đi trong mấy năm qua. Nó chỉ về nhà khi có những bộ quần áo lịch sự thắng lên người, có thể kiêu ngạo lấp ló xòe những đồng tiền giấy cho người khác thấy vào những lúc có thể. Chắc chắn là nó thừa hưởng tính cách đó từ người bố bí mật của mình. Người mẹ, Santra luôn có cảm giác run rẩy sợ hãi ngọt ngào mơ hồ, khi nhớ lại những việc xảy ra vào lúc Volmari được thành hình - và cả khi sinh nó. Một vẻ vui mừng hoang dã hiện lên khuôn mặt người vợ khi chồng chị ta rời khỏi nhà và thật kỳ lạ chị ta nhận ra mình đã bị trói buộc, riết chặt khó bề tháo gỡ khỏi nơi ở này, vào các điều kiện sống ở đây. Con trẻ lau nhau, những đứa con của người đàn ông kia, người đang rời khỏi nhà, đi dọc trên con đường nhỏ, to lớn, bước những bước dài… Santra ở lại nhà với công việc của mình. Lũ trẻ với đôi mắt mở to thao láo cũng nhận ra trong cái nhìn của mẹ chúng có gì đó là lạ, ánh mắt không xuất hiện khi bố chúng ở nhà và ngay cả muộn hơn khi ông ấy đã ra đi. Ánh mắt chỉ lóe lên khi bố chúng rời nhà ra đi và vào buổi tối thứ Bảy khi cả nhà chờ bố về. Khoảng giữa hai thời điểm ấy, mẹ chúng lại bình thường như vẫn thường như thế.
Đó là người đàn bà cao và to xương. Cho dù chỗ này chỗ kia xương nhô lên - hai bờ vai, gò má, cằm hay khuỷu tay - vẫn nhận ra được một điều: cuộc sống dù có vất vả đến đâu cũng không bòn rút hết được sức lực đàn bà tiềm tàng có từ thời thiếu nữ ở người đàn bà ấy, cái mà thiên nhiên đã ban phú cho diện mạo của chị ta. Điều đó có thể thấy khi chị ta xách cái gì đó dọc con đường hè hay khi chị mệt mỏi ngồi xuống nơi nào đó nghỉ. Điều đó có thể nghe khi chị ta nói một câu thật khôi hài đối đáp câu chọc ghẹo của mấy gã say xỉn vì uống bia nhà. Khi chị ta làm việc bên khóe môi vẫn luôn ngự trị chút trễ nải cay đắng và trong cặp mắt vẫn ẩn chứa sự giận dữ vô vọng, dù vậy những nét nữ tính ngày xưa vẫn có thể thấy được từ nét lượn của đôi mắt lẫn gờ môi. Người có mắt sẽ nhận ra được điều đó. Có thể không phải là những gã trai mới lớn, nhưng sẽ là những người đàn ông trưởng thành hơn một chút. Chị ta đang ở độ tuổi ba lăm trong những đêm hạ trắng này. Và mùa hè này cũng thế, đêm luôn làm tâm trí con người dễ chịu, cả người già lẫn con trẻ, cả người giàu lẫn tất cả những ai thống khổ nghèo hèn. Nhất là vào những ngày của đôi ba tuần tháng Bảy, khi việc gieo cấy mùa xuân đã xong còn thời vụ thu hoạch cỏ chưa đến.
Trong mắt của Jukka Mettälä, vợ anh ta chẳng còn có gì khác mà chỉ là mụ vợ bình thường sống trong túp lều tranh; cũng như việc thành chồng thành vợ của họ vậy, vào ngày ấy khi bố anh ta mất để lại khu đất này cho Jukka. Khi còn là một thanh niên Jukka của Mettälä chưa bao giờ là thần tượng của đám con gái. Trong các vũ hội, anh ta đứng lừng khừng bên cửa ra vào là chính. Anh ta cũng không hay đến các vũ hội nếu như trước đó không được uống đến ngà ngà say - không thường xuyên đến, chỉ vừa đủ để người khác nhận thấy anh ta có đó. Rượu là lý do dễ hiểu để người đàn ông đến đám nhảy. Theo cách nghĩ của mình anh ta thấy cứ hơi lờm lợm khi người đàn ông trưởng thành vượt qua hàng cây số đường chỉ để làm một việc như vậy. Mà Jukka Mettälä cũng có mấy khi nhảy đâu, chỉ thường nghiêng ngả thoải mái đi lại nơi xó phòng và hát nữa, với chất giọng ồm ồm cố tạo. Hiếm khi, chỉ thật họa hoằn lắm mới có cô gái nào đó đến mời anh ta ra sàn nhảy. Mùa hè năm ấy, khi anh ta vừa ra khỏi tù vì tham gia nội chiến và đã hồi phục lại được như trước cả về thể xác lẫn tâm hồn, một lần anh ta đến Nhà lao động ở Mahanala. Santra ở Korkomäki đã đến xó phòng mời anh ta ra nhảy, nhìn thẳng vào mắt anh ta, như kiểu: thử xem những lời của Niemiskä có đúng không nào!
Đó chính là lúc mà Niemiskä láu cá và lắm lời chộp lấy làm mối may - cái việc mà sau đó anh ta cứ luôn đòi phải được nhận phần thưởng xứng đáng. Cho dù lúc đầu Niemiskä cũng không có công trạng gì cho lắm, ngoại trừ việc huyên thuyên hết với Jukka lại đến Santra. Lần đi nhảy đó Santra đã đưa Jukka về gác xép của mình. Cơn ngà ngà của Jukka lúc đó đã thuyên giảm đi đôi chút, nhưng khi anh ta nhận ra điều gì sắp đến, cơn say như trở lại và người đàn ông cứ làm như mình đang say lắm, chửi thề hăm dọa dù giọng nói có kiềm chế đôi chút, khi hai người quàng lưng nhau, cùng sóng bước đến gần nơi Santra đang có việc làm. Dù Santra cam đoan rằng không ai ở trong trang trại đang nhìn họ, hơn nữa, nếu tất cả bọn họ có đứng ngoài hiên, cũng sẽ chẳng ai quan tâm đến hai người; nhưng trong tiềm thức Jukka vẫn nghĩ: đi cùng một cô gái về nhà thế này, rồi trèo vào gác xép nơi cô ta ngủ cũng giống như việc lượn lờ trong các xó phòng nhảy… một người đàn ông còn tỉnh táo chắc không bao giờ làm. Mà chắc cũng không nên làm.
Nhưng đêm đó, vào lúc gần sáng trước khi Jukka ra về Santra bảo với anh ta:
- Bây giờ anh phải biết đấy nhé, là anh phải lấy tôi đấy. Đây là cái giá cho cuộc mua bán này.
Có giá đấy và có thật. Chẳng mấy chốc Jukka đã học cách đến cái gác xép của Santra mà chẳng cần chút chất cay để xua tan nỗi thẹn thò trẻ con lúc ban đầu. Ai cũng biết và thấy, rồi sau mùa hè, khi trời ngày càng lạnh và khi Santra phải chuyển từ cái gác xép nơi cô ta ngủ vào phòng ngủ dành cho những người hầu gái trong nhà chính, đã đến lúc họ phải đến nhà thờ tuyên bố đính hôn. Bởi vì ông chủ trang trại là người thứ ba tham gia vào việc này và nói, việc trai gái ăn nằm với nhau dưới cùng một mái nhà nơi ông ngủ với bà chủ là không thể tiếp diễn được.
Sự việc bắt đầu như thế, cũng chẳng lâu sau nó tiến triển cho đến hiện trạng bây giờ, vào những ngày hè này. Jukka bây giờ không còn chút rụt rè xấu hổ trẻ con như của gã trai mới lớn nữa, nhưng cũng không có gì khác hơn đối với Santra. Một người đàn ông bình thường, kiếm được tàm tạm tiền bằng con ngựa của mình, khó gần và chán đời, chỉ trừ những khi được nhiều nhiều chất cay vào cổ, liều lượng giống như ngày xưa trong những buổi đi đêm. Lúc đó có thể anh ta lại giống như ngày xưa, vào thời gian sau này thì thật không được như thế. Bây giờ anh ta cứ tìm nơi làm thật xa, đôi lúc uống đến say xỉn và những lúc đó bao giờ cũng cố tỏ ra thô bạo, khó chiều.
Giờ đây, vào lần về nhà lần cuối cùng, thứ Bảy tuần trước anh ta rất dễ chịu. Jukka từ một nơi thả gỗ rất xa về nhà, mà Santra với lũ trẻ cũng không biết thế nào để chờ anh ta. Santra đi nấu bia cho ông chủ của trang trại ngày xưa. Nhà Mettälä này đã chuộc lại mảnh đất từ trang trại đó, nơi Santra từng làm thuê khi còn con gái. Ở đó bây giờ là ông chủ trẻ, người vào thời gian ấy còn là thanh niên chưa vợ và biết tài nấu bia của Santra.