Nguyên tác: When You Reach Me
Số lần đọc/download: 130 / 7
Cập nhật: 2020-06-25 08:49:35 +0700
Những Thứ Bị Vấy Bẩn
D
ó là một ngày mùa thu, khi tôi và Sal còn đi bộ chung từ trường về nhà mỗi ngày: đi qua một khối nhà từ Đại lộ West End đến đường Broadway, một khối nhà từ Broadway đến Amsterdam, đi ngang ông-già-hay-cười ở góc đường, rồi thêm nửa đoạn đường nữa là đến tòa nhà của chúng tôi.
Trên đoạn đường từ Broadway đến Amsterdam có một ga-ra rất lớn. Vỉa hè ở đó bị nghiêng nên chúng tôi phải rất cẩn thận mỗi khi có băng tuyết trơn trượt, nếu không thì chúng tôi sẽ trượt té thẳng vào đám con trai luôn tụ tập ở ga-ra. Nếu chúng tôi té, bọn họ sẽ cười ầm lên và đôi khi còn gọi chúng tôi bằng những cái tên có thể khiến tim bạn đập nhanh suốt quãng đường còn lại.
Cái ngày mà Sal bị đánh, đường không có tuyết bởi vi lúc đó chỉ mới tháng Mười. Tôi đang mang theo tấm áp-phích Những Bí Ẩn Khoa Học mà tôi đã làm ở trường.
Tấm áp-phích được căng thẳng bằng hai thanh gỗ sồi. Trên đó, tôi vẽ một dòng tiêu đề lớn “Tại Sao Chúng Ta Ngáp?”
Có rất nhiêu lý thuyết thú vị về cái ngáp của con người. Một số người nghĩ rằng nó bắt nguồn từ việc người nguyên thủy nhe răng đe dọa để xua đuổi kẻ thù. Một số khác cho rằng đó là một cách căng giãn cơ mặt, hoặc là dấu hiệu để báo với mọi người trong bộ lạc đã đến giờ đi ngủ. Theo lý thuyết của riêng tôi, như tôi ghi trong áp-phích, ngáp là một cách khá lịch sự để thông báo với ai đó rằng họ đang làm người khác chán muốn chết. Còn nếu không thì đó là một cái hắt xì với tốc độ chậm. Nhưng không ai biết chắc chắn cả, đó là lý do vì sao ngáp được xem là một bí ẩn khoa học.
Cái ngày mà Sal bị đánh, đám con trai trong ga-ra đang tụ tập như bình thường. Một ngày trước đó, giữa họ có một cuộc ẩu đả. Một người trong bọn họ đánh một người khác ngã lên nắp xe và tiếp tục đánh anh ta. Người bị đánh giơ hai tay lên trời chới với như thể muốn kêu lên “Đủ rồi!” nhưng mỗi lần anh ta tìm cách thoát khỏi nắp xe thì lại bị người kia nhấn xuống đánh tiếp. Những người khác đứng xung quanh la hét, còn tôi và Sal thì băng qua bên kia đường để tránh tai bay vạ gió.
Vào ngày Sal bị đánh, bọn họ trông có vẻ bình thường, vì vậy nên chúng tôi vẫn đi bên đường bên ấy như bình thường. Nhưng ngay khi chúng tôi gần qua khỏi ga-ra thì một người trong họ bỗng tách khỏi nhóm. Cậu ta sải bước dài đuổi theo rồi đứng chắn ngay trước mặt chúng tôi. Cậu ta mặc một chiếc áo khoác màu xanh quân đội, trông có vẻ không to con lắm. Rồi cậu ta vung tay đấm vào bụng Sal nhanh như một làn sóng ùa tới. Cực mạnh. Hự! Sal gập người ôm bụng, miệng phát ra những tiếng ùng ục như thể cậu sắp nôn đến nơi. Rồi cậu ta tát mạnh vào mặt Sal.
“Sal!” tôi hét lên. Tôi nhìn qua cửa hàng của chị Belle bên đường Amsterdam nhưng không có ai ở trước cửa hàng cả. Sal vẫn ôm bụng bất động. Cậu bé kia đứng yên vài giây, nghiêng đầu một bên. Có vẻ thật kỳ quặc nhưng dường như cậu ta đang đọc tấm áp-phích Những Bí Ẩn Khoa Học của tôi. Rồi cậu ta quay lại, tản bộ về hướng Broadway như thể không có chuyện gì xảy ra.
“Sal ơi!” tôi nghiêng người nhìn vào mặt Sal. Tất cả có vẻ ổn ngoại trừ một bên má đỏ bừng. “Đi nào,” tôi nói, “Mình sắp về tới nhà rồi.” Chân Sal bắt đầu chuyển động. Tôi bỗng nhận ra đám con trai không cười mà cũng không huýt sáo trêu chọc. Tất cả đều im lặng. Tôi quay đầu lại. Bọn họ vẫn đứng đó, nhìn chằm chằm vào cậu bé mặc chiếc áo khoác màu xanh quân đội đang thong thả bước về hướng ngược lại.
“Này!” một người trong họ gọi với theo, “Có chuyện gì thế?” Nhưng cậu ta không buồn quay đầu nhìn lại.
Sal chầm chậm bước đi. Cậu siết chặt hai tay áo chiếc áo Yankees xanh mà bác Louisa tặng cậu nhân ngày sinh nhật, nước mắt chảy thành dòng. Tôi cũng muốn khóc theo nhưng tôi không khóc. Tôi phải đưa cậu ấy về nhà, và chúng tôi còn phải đi qua ông-già-hay-cười nữa.
Ông-già-hay-cười đứng ở góc đường, đi đều bước thành một vòng tròn và giơ tay chào ai đó. Sal khóc to hơn, vừa đi vừa cúi gập người. Vài giọt máu bắt đầu nhỏ ra từ mũi cậu, và cậu lấy tay áo quẹt mũi. Sal nấc nghẹn liên tục như muốn nôn ọe.
Khi nhìn thấy chúng tôi, ông-già-hay-cười dừng vòng tròn diễu hành lại và đứng nghiêm. Ông ta khiến tôi nhớ đến cái kẹp quả hạch bằng gỗ có hình người lính mà bác Louisa trang trí bàn ăn đêm Giáng sinh.
“Đứa bé thông minh!” ông-già-hay-cười bỗng nói. Ông ta bước một bước về phía chúng tôi, và thế là đủ để Sal hoảng hốt ù té chạy về nhà. Tôi vội vã chạy theo, vừa cố gắng giữ tấm áp-phích vừa cố lấy chùm chìa khóa ra khỏi túi quần.
Sau khi hai chúng tôi vào đến tiền sảnh, Sal chạy thẳng lên căn hộ của cậu và đóng sẩm cửa lại. Tôi đứng gõ cửa một lúc, nhưng bác Louisa chưa về còn Sal không chịu mở cửa cho tói vào.
Nếu tôi không lầm, đây chính là lúc bắt đầu câu chuyện mà bạn muốn tôi kể. Và khi đó tôi chưa biết, nhưng đó cũng là lúc kết thúc tình bạn của tôi với Sal.