Số lần đọc/download: 4166 / 80
Cập nhật: 2014-12-04 03:10:38 +0700
Rất Nguy Hiểm
L
ại một tuần nữa các anh bình luận viên bóng đá khiến tôi muốn chạy lên rừng, tìm cây lá ngón, tạm biệt bóng đá quốc tế.
Tôi biết các anh ấy muốn phục vụ khán giả tốt nhất có thể - với điều kiện đang có. Tôi không muốn trách họ trước đám đông hoặc phàn nàn một cách thái quá. Tôi cũng không phải chuyên gia gì mà chỉ trỏ, điều kiện lên tiếng cũng chỉ là tính cách ông già và sở thích xem bóng đá không đập đầu vào tường, vấn đề là tôi đã phát điên rồi và như một quả bom bị châm ngòi, tôi không thể không nổ.
“Rất nguy hiểm!"" Tôi vô cùng đau đớn với câu nhận xét này. Các anh bình luận viên chỉ cần xem trọng tài búng đồng xu đầu trận là đã kêu “rất nguy hiểm” mấy lần rồi. (Biết đâu bị rơi tiền?) Rất nguy hiểm, rất nguy hiểm; cái gì cũng nguy hiểm hết — thành ra chẳng có gì là nguy hiểm cả.
Rồi là “Rất kỹ thuật.” “Rất đẹp mắt.” Và “Không vào!” Tôi cũng có hai con mắt. Rõ ràng là kỹ thuật. Rõ ràng là đẹp mắt. Rõ ràng là quả bóng đã “không vào" lưới vẫn đang ở trong tay của thủ môn. Tôi thấy rồi. Truyền hình không phải đài tiếng nói. Có hình đang nói rồi; vai trò của các anh bình luận viên là phải nói thêm.
Nhưng việc “nói thêm” đó phải có ý nghĩa.
Đội tuyển Brazil. Các cầu thủ mặc áo vàng. Các chàng trai Samba. Các học trò thầy Dunga. Tôi nghĩ một bình luận viên chuyên nghiệp sẽ gọi các cầu thủ Brazil là “các cầu thủ Brazil hoặc đơn giản “đội Brazil” - từ đầu đến cuối trận, nếu dùng các tên vui thì chỉ trong vài trường hợp phù hợp (khi “các chàng trai Samba” đang nhảy Samba thật).
Trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, ông không bắt đầu xưng “tôi”, rồi chuyển sang “anh", rồi “mình”, rồi “Sơn", rồi quay lại xưng “tôi”. Đó là sự phong phú vô nghĩa. Những chỗ cần phong phú thì ông rất phong phú, còn không thì không - thế mới có điểm nhấn.
Tôi thực sự không muốn các cầu thủ Anh luôn thành con sư tử, các cầu thủ Đức luôn thành xe tăng, các cầu thủ Nhật luôn thành Samurai, các cầu thủ Hàn Quốc luôn thành bát kim chi khổng lồ. Tôi cũng không muốn các cầu thủ trưởng thành luôn thành “học trò”, và tôi quá biết các cầu thủ cả hai đội đang mặc áo màu gì.
Có lẽ điều làm tôi điên nhất là các anh bình luận viên ấy hiếm khi nói một câu từ đầu đến cuối không dừng lại mấy lần ở giữa. Giật vấp, vấp giật, giống một clip Youtube bị “buffering" vì internet quá chậm.
"Trọng tài (buffering) đã (buffering) rút ra một chiếc thẻ...Ắc-yên Rô-bần đã có một (buffering) pha bóng (buffering) rất đẹp mắt và...” “Những cú sút xa của (buffering) các cầu thủ mặc áo (buffering)..."
Nhận ra điều này một lần là nhận ra thêm ngàn lần nữa; một khuyết điểm trên mặt người yêu chưa đủ to để chấp nhận là thế, chưa đủ nhỏ để yêu.
Vấn đề thứ nhất là thiếu sự chuẩn bị. vấn đề thứ hai thiếu chiếc ghế. Tại sân.
Rất tiếc các anh không có mặt tại World Cup như các anh bình luận viên đến từ các nước khác. Họ cũng phải chờ cận cảnh mới biết cầu thủ vừa việt vị là ai. Họ không thể cho tôi biết về những gì đang xảy ra ngoài tầm nhìn cùa màn hình bởi ngoài tầm nhìn của màn hình cũng là ngoài tầm nhìn của họ. Nhưng điều đó không bào chữa cho những câu quá lười.
“Khi đá penalty bên cạnh bản lĩnh phải có may mắn..."
Thật hả? Tôi tưởng bên cạnh bản lĩnh phải có bún bò Huế, tóc vàng hoe và một chiếc bugi lấy từ xe Super Cub sản xuất năm 1982! (Tôi vừa bảo tivi xong.) Thay vì chuyển những thông tin rõ như ban ngày, tại sao các anh ấy không chuyển những thông tin bổ ích mà khán giả xem truyền hình chưa biết? (Tôi vừa hỏi tivi xong.) Một vài thống kê thú vị? Một câu chuyện lịch sử? Bất cứ điều gì cũng được, miễn không thuộc loại “bản lĩnh” và may mắn" .
“Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh thiếu sáng taọ bế tắc và thiếu cảm hứng.”
Ai? Người nào? Cũng nhiều người nói rằng Adolf Hitler vẫn đang sống tại nông thôn Argentina.
“Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh thiếu sáng tạo” là câu lười. “Hôm qua Franz Beckenbauer đã nói rằng đội tuyển Anh đang trở lại với thời ‘chạy và sút" là câu chăm chỉ. Số câu chăm chỉ nên nhiều hơn.
Nhưng thôi. Giờ tôi hết điên rồi, cả bốn bức tường sập mất và tivi đang nhìn tôi với ánh mắt sợ sệt. Mà biết đâu các anh bình luận viên ấy đang cố gắng nhiều hơn tôi nghĩ. (Đài truyền hình chưa coi việc của họ làm là nghề nghiệp thực sự, chưa trả lương xứng đáng, chưa thành lập đội nghiên cứu chuyên nghiệp.) Con người ai cũng có sai lầm, nhất là con người sắp gõ dấu chấm vào cuối câu này. Điều quan trọng là chúng ta được sống trong hòa bình và được thưởng thức các trận bóng đá hay nhất. Thật thú vị khi... không! No! Stop! Đó là tư duy yếu kém. Rất phản tác dụng! Rất vô hiệu!
Rất nguy hiểm!