Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Chương 7
“Anh và Raghav cãi nhau à?” Aarti hỏi. Nàng gọi tôi lúc tối muộn, khoảng thời gian yêu thích của nàng.
“Cậu ta kể với em à?” tôi hỏi.
“Em gợi ý ba chúng ta gặp nhau và anh ấy tí nữa thì ngoặm đứt đầu em ra,” nàng nói.
“Không đời nào! Anh thích đầu em.”
“Tuần sau khách sạn mở cửa. Em nghĩ em sẽ xin phép và giới thiệu trước với các anh chỗ đó. Đẹp lắm.”
“Em đi mà giới thiệu riêng với nó.”
“Có chuyện gì thế?” Aarti hỏi. “Anh đã gặp anh ấy à? Sao chẳng ai nói chuyện gì với em?”
“Chuyện công việc ấy mà, đừng lo. Mọi chuyện được giải quyết xong xuôi rồi.”
“Nếu anh đã nói vậy. Mai anh đến được không?”
“Tất nhiên.”
“Chúc ngủ ngon, ngài Giám đốc!”
Tôi chờ Aarti ngoài cửa khách sạn Ramada. Bảo vệ không cho tôi vào. Aarti đến, quẹt thẻ nhân viên và tôi đi theo nàng. Nàng mặc bộ sari Banarasi màu hạt dẻ, đồng phục của nàng. Thẻ của nàng ghi “Aarti Pratap Pradhan - thực tập sinh quan hệ khách hàng”.
“Trời, trông em khác quá,” tôi nói.
“Khác? Chỉnh tề? Anh chỉ nói được thế thôi sao?” nàng chế giễu.
“Không phải... Trông em tuyệt lắm. Nhưng anh không ngờ em sẽ mặc sari,” tôi nói.
“Không ngờ gì? Rằng cô bạn cùng lớp ngốc nghếch của anh không thể kiếm được một công việc thực sự à?” nàng nhướng đôi lông mày, tay chống nạnh.
“Phải. Em cũng khá ngốc nghếch đấy,” tôi giả vờ tán thành, khiến nàng tinh nghịch đấm tay tôi.
Chúng tôi bước vào sảnh khách sạn. Công nhân xây dựng vẫn đang chạy những chiếc máy đánh bóng ồn ào trên nền đá cẩm thạch Ý đã sáng bóng. Nàng đưa tôi tới một nhà hàng với những chiếc ghế nhung lộng lẫy.
“Đây sẽ là quán bar của bọn em - Toxic.”
Khách sạn này như muốn đảm bảo rằng ngay cả khi người ta đến thành phố để gột rửa tội lỗi thì họ cũng sẽ phạm những tội lỗi mới. Chúng tôi đi một vòng ngắm nghía cơ sở vật chất.
“Rồi, thế sao chẳng ai nói gì với em cả?” nàng hỏi.
“Chuyện gì cơ?”
“Đã xảy ra chuyện gì giữa anh và Raghav?”
“Trường cao đẳng không thích câu chuyện tờ báo đăng. Cậu ấy đã xin lỗi. Hết chuyện.”
Tôi tóm tắt cho nàng trong hai phút về chuyện đã xảy ra, bắt nàng thề không được nói với Raghav là tôi kể cho nàng. Nàng nói với tôi rằng nàng còn không kể với Raghav là nàng gặp tôi, do đó sẽ không có chuyện nàng nói gì với cậu ta đâu. Quan hệ của con người là như thế - chia sẻ có lựa chọn và giấu giếm thông tin tới mức gây nhầm lẫn tệ hại.
Chúng tôi đến một nhà hàng truyền thống. “Aangan, quán Ấn Độ,” nàng giới thiệu. Sau đó nàng đưa tôi đến phòng thể dục. Tôi thấy những chiếc máy chạy bộ có gắn ti vi.
“Nhập khẩu à?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu. “Đôi khi em cảm thấy có lỗi,” nàng nói. Con gái có thể dễ dàng xử lý những cuộc nói chuyện đa chủ đề.
“Vì sao?”
“Em làm hỏng tình bạn của anh với Raghav,” nàng nói.
“Không có đâu.”
Nàng ngồi xuống một chiếc ghế tập tạ. Tôi lấy một quả bóng thăng bằng làm ghế ngồi.
“Ba chúng ta từng là bạn từ lúc còn bé. Chuyện gì đã xảy ra vậy chứ?” nàng hỏi, mắt ngấn lệ.
“Cuộc đời,” tôi nói. “Là cuộc đời mang đến.”
“Không có em, mọi thứ giữa các anh có thể đã không tệ hại đến như thế.”
“Không, không phải thế. Anh không xứng đáng với em. Raghav không liên quan gì đến chuyện này.”
“Đừng bao giờ nói thế,” Aarti nói, giọng nàng vang vọng trong phòng tập không người. “Không phải là anh không xứng đáng với em. Anh là chàng trai tuyệt vời, Gopal ạ. Và chúng mình rất hợp nhau.”
“Nhưng em không có cảm xúc ấy với anh, anh biết, anh biết. Anh đói rồi. Bọn mình ăn trưa ở đâu đây?”
“Không phải như thế,” nàng nói.
“Gì cơ?”
“Với con gái chuyện không phải như thế. Đôi khi đó là chuyện thời điểm, đôi khi lại là chuyện anh đeo đuổi tới mức nào.”
“Anh đeo đuổi chưa đủ ư?” tôi hỏi.
“Anh đeo đuổi quá mức,” nàng nói và quệt nước mắt.
Tôi không biết mình có nên an ủi nàng hay không. Vì thứ nhất, nàng đã thuộc về người khác. Thứ hai, chúng tôi đang ở nơi làm việc của nàng.
Thay vào đó tôi nâng một quả tạ mười cân lên. Tôi thấy nó nặng. Nhưng tôi vờ như mình có thể nâng nó lên dễ dàng trước mặt Aarti. Raghav hẳn có thể dễ dàng nâng quả tạ nặng gấp đôi, tôi nghĩ. Tại sao chuyện quái gì tôi cũng phải so đo với Raghav thế nhỉ?
“Anh xin lỗi,” tôi nói. “Anh xin lỗi vì đã gây quá nhiều sức ép.”
“Anh đến đúng lúc em chưa sẵn sàng với bất cứ điều gì. Anh muốn quá nhiều. Anh muốn dựa dẫm vào em. Em đã không nghĩ mình có thể làm một chỗ dựa đủ vững chắc cho anh.”
“Gì thế này? Hôm nay là ngày tổng kết đấy à?” tôi nói. Tôi nâng quả tạ năm lần rồi đặt xuống.
“Em chỉ nói thế thôi... Em không biết sao nữa. Em nghĩ là em thực sự cần phải nói.”
“Hoặc cần được lắng nghe.”
Chúng tôi nhìn nhau.
“Phải, chính xác đấy. Anh hiểu em quá, Gopal ạ.”
“Quá hiểu,” tôi cười.
“Anh có muốn xem phòng trước khi mình đi ăn không?” nàng hỏi.
“Chắc chắn rồi. Bọn mình ăn ở đâu đây?”
“Ở căng tin nhân viên,” nàng nói.
Chúng tôi đi lên tầng ba trên cái thang máy bằng thép không gỉ. Nàng có chìa khóa chính của tất cả các phòng.
“Đúng ra là em không được đưa ai vào khách sạn đâu,” nàng thú nhận.
“Thì sao?” tôi hỏi, băn khoăn không hiểu liệu thế có nghĩa là chúng tôi phải rời khỏi đây hay không?
“Ý em nói là anh rất quan trọng. Em có nguy cơ mất việc vì anh đấy.”
“Họ mà đuổi em thì anh sẽ thuê em.”
Mắt chúng tôi gặp nhau. Cả hai phá lên cười. Chúng tôi đã không có được khoảnh khắc như thế này trong nhiều năm. Chúng tôi đã từng cười như thế ở trường - cùng lúc và về những thứ ngớ ngẩn nhất - một cậu bé ợ hơi trong lớp, nàng bắt chước thầy cô giáo, tôi vờ ngủ gật trong giờ lịch sử.
Nàng mở cửa phòng 3103. Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì xa hoa đến thế. “Tuyệt,” tôi nói.
“Công nhận nhỉ?” nàng ngồi lên cái giường lớn có sáu cái gối đệm bằng lụa đỏ. “Cái giường này đúng là thiên đường! Anh ngồi xuống mà xem.”
“Em chắc chứ?” tôi hỏi.
“Ngồi xuống đi,” nàng nói.
Chúng tôi ngồi bên nhau, tôi ngồi trên mép giường.
“Được đấy,” tôi nói như thể nghề của tôi là thanh tra chăn đệm.
“Nằm xuống còn thoải mái hơn,” nàng nói.
Tôi nhìn nàng kinh ngạc. Nàng nhìn thấy vẻ mặt tôi và ôm bụng cười.
“Em đâu có nói cùng nhau,” nàng nói. “Anh bắt đầu nghiêm túc như thế từ khi nào vậy?”
Hai mươi phút tiếp theo chúng tôi dùng để nghịch ngợm công tắc đèn và vòi tắm. Tôi chưa bao giờ được bên nàng ở một nơi riêng tư như thế này. Tôi bắt đầu chìm đắm. Và tôi cảm thấy bầu không khí thoảng chút căng thẳng. Có thể sự căng thẳng này chỉ từ phía tôi.
“Đi thôi.” Tôi nhìn đồng hồ. Tôi phải quay về trường sớm.
“Được thôi,” nàng nói và khóa vòi bồn rửa mặt.
Chúng tôi ra khỏi phòng. Một người đàn ông mặc bộ vest mới cáu cạnh nhìn thấy chúng tôi đi ra.
“Aarti?” ông ta ngạc nhiên gọi.
Mặt Aarti biến sắc.
“Chào ngài,” nàng nói. Tôi đọc biển tên trên bộ vest của người đàn ông. Binayak Shastri, Quản lý tiệc.
“Cô đang làm gì ở đây thế?” ông ta hỏi.
“Thưa ngài,” nàng nói, “đây là anh Gopal Mishra. Anh ấy là khách hàng.”
“Chúng ta vẫn chưa mở cửa kia mà,” ông ta nói, vẫn còn nghi ngờ.
“Xin chào,” tôi chìa tay cho ông ta. “Tôi là giám đốc trường Cao đẳng Kỹ thuật Ganga.”
Ông ta bắt tay tôi.
“Chúng tôi đang tính đến chuyện tổ chức một sự kiện của trường ở đây,” tôi nói.
Chúng tôi đi về phía thang máy. Tôi đang hy vọng ông ta sẽ không hỏi thêm gì nữa thì ông ta nói: “Sự kiện gì vậy?”
“Một bữa tối với những công ty tuyển dụng hàng đầu,” tôi nói.
Aarti tránh nhìn vào mắt bất kỳ ai.
“Chắc chắn rồi, chúng tôi sẽ rất hân hạnh được phục vụ ông,” Binayak nói và đưa danh thiếp của ông ta cho tôi.
Tôi đoán kế hoạch ăn trưa của chúng tôi ở căng tin nhân viên sẽ bị hủy bỏ.
“Tôi muộn rồi, nhưng bên tôi sẽ liên lạc lại với các vị sau,” tôi nói lúc chúng tôi xuống tới sảnh.
Aarti nở một nụ cười chuyên nghiệp và biến mất sau bàn tiếp tân. Binayak quyết định chờ cho đến khi xe tôi đến.
“Sao anh lại muốn xem phòng?” Binayak hỏi.
“Chúng tôi sẽ có giảng viên khách mời. Có thể từ nước ngoài,” tôi trả lời. May sao lúc đó xe của tôi tới cổng.
24
Trong hai tháng tiếp theo, chúng tôi đã xoay xở để tuyển được một trăm tám mươi trên tổng chỉ tiêu hai trăm sinh viên của đợt tuyển sinh đầu tiên. Lần đầu tiên tôi thực sự đưa tiền cho kế toán của ngài Shukla. Nhiều sinh viên trả học phí bằng tiền mặt. Nhất là bọn trẻ nhà nông. Chúng đem tiền đựng trong những cái túi cói đến, những cuộn giấy bạc được tích cóp trong nhiều năm.
“Hãy dạy con trai tôi thành kỹ sư,” một người nông dân chắp tay van nài.
Trở thành kỹ sư, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đối với thị trường công việc và của hồi môn, một tấm bằng cử nhân kỹ thuật không bao giờ thừa. Trưởng khoa Shrivastava và băng đảng hai mươi giảng viên của ông ta chịu trách nhiệm về các lớp học. Tôi bận rộn với các dự án như vận hành cái mớ hỗn độn mang tên ký túc xá, thuê nhân viên mới và đảm bảo cho việc xây dựng còn lại được tiếp tục theo lịch trình. Đời sống xã hội của tôi nghèo nàn. Một lần một tuần, tôi ăn tối với giảng viên, chủ yếu là để thảo luận về công việc. Một vài lần, tôi tới nhà ngài Shukla.
“Cậu là giám đốc trường. Sao cậu vẫn ở trong cái nhà cũ kỹ, bé tí ấy thế?” một lần ông ta nói sau khi đã uống kha khá whisky.
“Tòa nhà của khoa sắp xây xong. Gần như ngày nào tôi cũng ngủ trong văn phòng,” tôi nói.
Tuy nhiên, Aarti đã quay lại cuộc đời tôi, người duy nhất tôi dành thời gian bên cạnh mà không phải vì công việc. Khách sạn Ramada đã mở, nàng đi làm và ngồi duyên dáng tại bàn Quan hệ khách hàng dưới sảnh. Vào ngày đi làm đầu tiên của nàng, tôi đã gửi tặng nàng một hộp sô cô la và hoa. Có lẽ tôi không nên gửi, nhưng tôi cảm thấy ngày này quan trọng với nàng. Tôi chỉ gửi hoa hồng trắng tượng trưng cho tình bạn - không có bông hồng đỏ nào.
Hey, cảm ơn. Anh tuyệt quá!!:), tin nhắn SMS của nàng đến.
Tôi đọc năm mươi lần. Cuối cùng tôi soạn tin trả lời.
Không có gì. Cho người phụ nữ thành đạt trong tương lai.
Nàng trả lời sau mười phút. Sao anh tốt với em thế?
Tôi không có câu trả lời. Tôi dùng một mẹo của phụ nữ. Khi còn nghi ngờ, hãy gửi một mặt cười.
Tôi gửi ba cái::):):)
Nàng nhắn lại: Gặp nhau sau giờ làm chứ? 7 giờ tối CCD?
Chắc chắn rồi, tôi trả lời nhanh chóng.
Tôi lái xe từ trường xuống tới Sigra để gặp nàng. Nàng kể với tôi về ngày làm việc của mình. Nàng đã giúp giải quyết cho năm người Đức vào khách sạn, sắp xếp ba chiếc xe cho một đoàn đại biểu Nhật Bản mười thành viên và gửi một bánh sinh nhật bất ngờ lên phòng một khách Mỹ. Nàng có vẻ hạnh phúc. Tôi không nghĩ nàng còn nhớ những gì đến nghề tiếp viên hàng không.
“Vậy là ngày hôm nay mình gặp nhau. Nếu không thì anh làm gì?” nàng hỏi.
“Không có gì nhiều. Anh ở lại trường. Làm việc,” tôi nói.
“Chán nhỉ. Còn bạn bè thì sao?” Aarti hỏi.
Tôi nhún vai. “Anh có đồng nghiệp trong trường. Ngần ấy là đủ rồi.”
Nàng vỗ nhẹ tay tôi. “Anh phải có bạn chứ. Nhìn em này, em có anh.”
“Raghav thì sao?” tôi hỏi.
“Anh ấy ở lại tòa soạn làm việc muộn. Anh ấy không có thời gian...” nàng nói, rút tay về. Nàng không nói tôi biết Raghav sẽ cảm thấy thế nào nếu biết những buổi gặp thường xuyên của chúng tôi, và tôi hỏi nàng điều đó. Nàng chỉ nói với tôi là Raghav sẽ không biết.
“Anh phải gặp gỡ bạn bè sau khi làm việc chứ.” Nàng nói như đang tự thuyết phục mình. “Em có thể sẽ làm anh chán đến chết với những câu chuyện về khách sạn của em...”
“Em không bao giờ làm anh chán cả. Ngay cả khi em không nói một lời nào,” tôi nói.
Như thế, Aarti và tôi trở thành bạn bè sau giờ làm. Chúng tôi gặp nhau hai lần một tuần, đôi khi ba lần. Chúng tôi đi ăn ở những nhà hàng mới, đi cà phê, đi dạo trong công viên Ravidas và đôi khi đi xem phim.
Chúng tôi có một số quy tắc ngầm. Chúng tôi không trò chuyện lâu trên điện thoại, và chủ yếu chỉ nhắn tin cho nhau. Chúng tôi không bao giờ nói về quá khứ hay nói chuyện về các chủ đề nhạy cảm. Tôi sẽ không bao giờ chạm vào nàng, mặc dù đôi khi nàng cầm tay tôi khi nói chuyện. Chúng tôi không cùng đến rạp hay cùng về từ rạp chiếu phim. Dẫu sao thì đấy cũng là cách trai gái Varanasi hay làm. Khi Raghav gọi điện, tôi sẽ lặng lẽ đi ra chỗ khác để không nghe thấy nàng nói chuyện. Cuối cùng, khi Raghav xong việc thì nàng sẽ ra về.
Tôi không hiểu tại sao tôi lại bắt đầu qua lại với nàng. Tôi đã trở thành một bộ đệm cho đến khi bạn trai của nàng xong việc. Tôi đoán tôi cũng muốn được nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Nhưng, tất nhiên, khi đó là Aarti thì các lý do của tôi coi như vứt đi.
“Thế là Raghav không biết bọn mình gặp nhau à?” một lần tôi hỏi nàng.
Nàng lắc đầu, lau cà phê trên mép.
Raghav đã ra khỏi cuộc đời tôi sau cú thất bại ngày khánh thành. Tuy nhiên, cậu ta không thể dừng những chiêu trò cũ của mình quá lâu.
“Chính quyền thành phố Varanasi ăn hối lộ, trí trá trong xây dựng”
Raghav Kashyap, Phóng viên
Tôi tỉnh dậy để nhìn thấy tiêu đề này một tháng sau khi chúng tôi mở trường. Cậu ta thường viết về các chủ hiệu suất ăn chợ đen, bình ga LPG bán bất hợp pháp, các cảnh sát giao thông ăn tiền và những thứ thông thường khác của Ấn Độ mà chẳng ma nào thèm quan tâm. Đáng lẽ tôi cũng đã bỏ qua bài viết này, nếu như cậu ta không đề cập đến trường Ganga.
Tôi lướt qua vài dòng.
Bài báo viết:
“Thật kinh ngạc khi thấy rằng giấy phép không hợp lệ và hậu quả từ đó mà ra, những công trình xây dựng bất hợp pháp, lại đang nằm ngay trước mắt chúng ta. Không giống như các trường hợp tham nhũng khác, nơi hành vi sai trái được giấu kín (như vụ lừa đảo Kế hoạch hành động sông Hằng), ở đây các bằng chứng rất rõ ràng. Trang trại đang được biến thành các trường đại học cao đẳng, sau đó bỏ qua hết các tiêu chí để xây dựng nhiều nhất có thể. Các trường sẽ sớm có trung tâm mua sắm ngay bên cạnh. Các chính trị gia, đáng lẽ phải bảo vệ chúng ta và ngăn chặn tất cả điều này, lại thường là các thủ phạm. Đây chưa phải là tất cả, thành phố còn có các khách sạn, chung cư và các tòa nhà văn phòng mới nơi chính quyền thành phố đã lấy phần của mình. Chúng tôi có bằng chứng để so sánh sự khác biệt lớn giữa những gì được phép và những gì chính quyền thành phố đã phê duyệt.”
Một ô bên cạnh bài viết liệt kê những giấy phép gây tranh cãi.
Tôi đọc danh sách:
1. Chung cư V-CON, một tòa nhà mười tầng trong khu vực bay thấp.
2. Khách sạn Vento, được xây dựng trên một khu đất dành cho công viên.
3. Cao đẳng Kỹ thuật Ganga - đất nông nghiệp được phê duyệt một cách bí ẩn. Các tòa nhà của trường được xây dựng vượt quá chỉ số sàn - diện tích cho phép.
Tôi ném tờ báo đi. Tôi đã rất khó nhọc mới cải thiện được mối quan hệ với ngài Shukla. Tôi đã nói với ông ta rằng tay phóng viên đã gửi lời xin lỗi tôi và rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tôi biết Raghav đang trả thù cho lời “xin lỗi” ngày hôm đó. Chắc hẳn cậu ta lấy được kế hoạch xây dựng của trường Ganga từ những tay trong mờ ám trong chính quyền thành phố.
Tôi lấy điện thoại. Nhưng trước khi tôi kịp gọi, ngài Shukla đã gọi cho tôi.
“Tôi không biết chuyện này xảy ra thế nào,” tôi nói.
“Bọn Dainik là lũ khốn nạn,” ngài Shukla nói.
“Phải chặn tay phóng viên này lại...” tôi nói.
“Không phải là phóng viên. Chắc chắn là phe đối lập làm điều này.”
“Tôi không biết, thưa ngài.”
“Hoặc có lẽ một người nào đó trong đảng của tôi? Lũ khốn ganh ghét này muốn bôi nhọ tên tuổi của tôi đây mà.”
“Tôi không nghĩ như vậy, thưa ngài.”
“Gì cơ?”
“Đó chính là tay phóng viên. Tôi biết hắn từ trước. Hắn ta là loại cải cách cuồng tín. Hơn nữa, hắn từng phải xin lỗi tôi. Nên hắn đang trả thù.”
“Ai vậy?”
“Raghav Kashyap, tên hắn có trong bài viết.”
“Tôi sẽ cho nó biết tay,” ngài Shukla nói.
“Có cần tôi gọi hắn không?” tôi hỏi.
“Đừng. Tôi sẽ nói chuyện với sếp của hắn.”
Tôi nói, “Còn bài viết thì sao. Nó có ảnh hưởng đến chúng ta không?”
“Nếu chính quyền thành phố gọi thì chuyển cho tôi.” Ngài Shukla nói.
Không nhân viên công quyền nào gọi điện. Thay vào đó, họ đến thẳng trường của tôi. Nhưng không đi tay không, họ đi kèm với hai xe ủi.
Sinh viên nhìn trộm từ cửa sổ lớp học khi tiếng xe ủi đất làm gián đoạn giờ học. Tôi chạy ra cổng.
“Mở cổng, chúng tôi đến để tháo dỡ,” một người đàn ông đeo kính râm rẻ tiền và đội mũ bảo hiểm nhựa màu vàng nói.
“Gì cơ?” tôi hỏi.
“Chúng tôi có lệnh,” nhân viên công quyền đó nói. Ông ta lấy từ trong túi ra một mảnh giấy gấp.
Tim tôi đập nhanh. “Các người định tháo dỡ cái gì?”
“Tòa nhà chính. Xây dựng trái phép,” ông ta nói, giọng điệu thách thức.
Mặt trời buổi sáng khắc nghiệt rọi vào mặt chúng tôi. “Chúng ta nói chuyện được chứ?” tôi nói.
Ông ta lắc đầu.
Tôi lấy điện thoại. Tôi gọi cho ngài Shukla. Ông ta không trả lời.
“Đây là trường của Ủy viên Hội đồng Shukla. Xin hỏi ông tên là gì?”
“Rao. Tôi là Amrit Rao. Tôi không quan tâm dù anh có nói tới Ủy viên Hội đồng hay Thủ tướng Chính phủ.”
Tôi xin ông ta mười phút kiên nhẫn. Ông ta tắt máy mấy cái xe ủi đất. Tôi bảo người lao công lấy nước giải khát có đá cho tất cả mọi người. Tôi tiếp tục cố gọi cho ngài Shukla. Ông ta trả lời sau lần gọi thứ tám.
“Chuyện gì vậy Gopal? Tôi đã phải gọi Thống đốc. Những bài báo ngu ngốc này là thứ nhức đầu nhất.”
“Thưa ngài, xe ủi đất đang ở đây.”
“Cái gì?”
Tôi đưa điện thoại cho Rao, ông ta nhắc lại nhiệm vụ của mình cho ngài Ủy viên Hội đồng. Tuy nhiên, ông ta im lặng khi Ủy viên Hội đồng nói ở đầu dây bên kia. Rao bước sang một bên và nói chuyện rất sôi nổi với ngài Shukla trong mười phút.
Rao trả lại điện thoại cho tôi. “Này, ngài Shukla muốn nói chuyện với anh.”
“Thưa ngài?” tôi nói, vẫn còn choáng váng.
“Cậu còn bao nhiêu tiền trong văn phòng?” Ngài Shukla muốn biết.
“Không chắc lắm, thưa ngài. Trong két an toàn còn khoảng hai trăm ngàn.”
“Đưa cho anh ta. Cho tiền vào túi xi măng, phủ cát lên trên.”
“Vâng, thưa ngài,” tôi nói.
“Không được để cho đồng nghiệp của anh ta thấy. Anh ta có uy tín lớn.”
“Vâng, thưa ông.”
“Và anh ta phải phá cái gì đấy. Anh ta không thể quay về mà không có ảnh của vụ tháo dỡ.”
“Gì cơ ạ?”
“Có thứ gì đang xây dở mà cậu chưa cần ngay không?”
“Nhưng thưa ngài, sinh viên sẽ nhìn thấy việc này,” tôi nói.
“Không còn lựa chọn. Tay phóng viên bạn cậu đã đánh trúng bọn ta rồi...”
“Không còn bạn bè gì nữa, thưa ngài,” tôi nói.
“Hắn điên rồi. Mà thôi, cho tôi biết cái gì dễ phá và ít tốn phí dựng lại nhất?”
“Phòng máy thí nghiệm. Chúng ta có thể đặt máy ở chỗ khác,” tôi đáp.
“Làm đi. Sau đó lấy phần gạch chéo ngoài cửa phòng thí nghiệm. Hãy để họ làm nốt phần còn lại. Đừng có quên cái túi xi măng.” Ngài Shukla gác máy.
Tôi ra hiệu cho bảo vệ mở cổng. Rao nở nụ cười xun xoe với tôi.