The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3562 / 54
Cập nhật: 2015-07-11 21:04:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 -
uy đã quen biết nhiều người ngoài phum. Anh thân nhất với gia đình Sa Piên, vì thường theo Lý, Mợi ra đó chơi. Me Sa Rinh thương Huy như con ruột. Bà hay nắm hai bàn tay của Huy, hỏi han về ba má, về gia đình anh, những chuyện vui buồn anh đang gặp. Thỉnh thoảng, bà lại xoa xoa đầu Huy thương mến. Chính má Huy cũng ít có những biểu lộ tình cảm như vậy với anh, dù Huy biết bà rất thương yêu anh. Vì vậy, Huy cảm thấy thương mến và gần gũi với me Sa Rinh vô cùng.
Me có hai người con gái. Cô chị đã lấy chồng và theo chồng ra sống ngoài chợ huyện. Còn Sa Piên năm ấy hai mươi tuổi. Ở vùng này, con gái hai mươi chưa chồng đã coi là quá thì. Thường thì khoảng mười sáu, mười bảy họ đã tay bồng tay bế.
Sa Piên lấy chồng muộn có lẽ vì cô biết rằng mình đẹp. Cô không thấy ai trong đám thanh niên thôn nhà làm cho mình tôn trọng, nễ vì, họ luôn luôn quỳ lụy, xum xoe trước mặt cô. Ðối với một người con gái, không tôn trọng thì không bao giờ có thể yêu thương. Với Sa Piên điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Cô có những ước mơ, khát vọng thầm kín về người đàn ông sẽ cùng chung sống với mình. Ðó phải là một con người lý tưởng, vừa đẹp đẽ, vừa cao thượng, anh hùng. Những chàng trai làng quê mùa, khờ khạo, ăn nói toàn những câu cộc lốc, dưới mắt cô, chỉ là một lũ trẻ con lớn xác. Cô coi thường họ, đón nghe những lời tán tỉnh thô lỗ của họ với nụ cười lạnh lùng, ngạo nghễ của một bà hoàng.
Me Sa Rinh thường hay hỏi han về Quân. Bà có vẻ buồn buồn mỗi khi nhắc đến anh. Một đôi tuần, me lại đích thân đi vào Cứ, mang cho Quân lúc thì một gói mắm tép chua, lúc thì một vài thứ trái cây. Cả hai cứ ngồi lặng im suốt buổi, không nói một câu ngoài mấy lời chào hỏi lúc đến, lúc về. Có lần, Huy thoáng thấy me rưng rưng nước mắt nhìn Quân, cầm một bàn tay của anh vỗ nhè nhẹ như muốn an ủi một nỗi niềm gì đó. Từ dạo về Cứ đến nay, chưa bao giờ Huy thấy Quân đặt chân vào nhà me. Thảng hoặc có việc phải ra phum, bao giờ anh cũng cố thu xếp để về trại thật nhanh, né tránh những lối đi ngang qua nhà Sa Piên. Huy lờ mờ cảm nhận giữa Quân và gia đình Sa Piên dường như có một mối liên hệ nào đó vượt khỏi mức độ bình thường. Nhưng anh không nghĩ ra, mà cũng không dám hỏi thẳng Quân hoặc me Sa Rinh. Anh sợ làm bà thêm buồn khổ.
Chiều hôm đó, Huy một mình ra chơi nhà me. Lý và Mợi đã lên trung đoàn bộ thăm đồng hương. Già Hương bận công chuyện riêng. Huy bước lên thang chỉ trông thấy mỗi mình me Sa Rinh đang cho tằm ăn. Anh hỏi:
- Mọi người đâu hết rồi me?
- Buk Hô 1 đi ra rẩy, còn Sa Piên nó ra chợ huyện mua đồ rồi. Sao con ra có một mình vậy Huy?
- Mấy anh có việc nên không ra được me ạ.
Me Sa Rinh bưng mấy rỗ lá dâu đặt lên chiếc sập tre. Bà mới quá năm mươi, hơn má Huy vài tuổi, nhưng trông đã già nua lắm. Gương mặt bà chằng chịt nếp nhăn, dấu vết của những năm tháng vất vả nhọc nhằn lo cho chồng con. Trông me già hơn Buk Hô nhiều. Me sinh nở năm lần. Mấy người con trai đã chết vào những năm Polpot cầm quyền. Bao nhiêu đêm me đã thầm lặng khóc nhớ con, làm sao mà không già trước tuổi. Nhiều lần Huy đăm đăm nhìn me, cố hình dung lại khuôn mặt bà hồi còn trẻ tuổi. Hồi còn thiếu nữ, có lẽ bà đẹp không kém Sa Piên. Khung xương mặt, đường viền khuôn cằm bà vẫn còn lưu lại chút gì thanh thoát của một mỹ nhân. Trong nét đi đứng nói cười vẫn có một cái gì thoát tục.
Có lần, me đã kể cho Huy nghe chuyện thời con gái của bà. Hồi ấy, bà là người đẹp nhất trong xã Svai, huyện Phnom Túi, thuộc một tỉnh xa ở miền nam. Bao nhiêu trai tráng trong mấy phum lân cận đều yêu thầm nhớ trộm cô gái Sa Rinh. Cha của Sa Rinh là một di dân người gốc Quảng Ðông, Trung Quốc. Cô thừa hưởng làn da sáng của cha, đôi mắt to tròn của mẹ. Dòng máu pha trộn giữa hai dân tộc đã tạo nên ở Sa Rinh một vẽ đẹp lạ thường. Không chỉ là một người có dáng vóc bên ngoài, cô gái Sa Rinh đã học đến hết lớp chín ngoài thị xã. Ðây là một điều rất hiếm hoi, ngay cả đối với nam giới vùng ấy bấy giờ. Vừa đẹp, vừa có học, có thể nói cô là giấc mơ không bao giờ biến thành sự thật, là một nữ thần trong tim của hầu hết đàn ông trai tráng trong toàn xã. Ðã có những chàng trai con nhà cự phú, bạn học ngoài thị xã khẩn thiết cầu hôn, bị chối từ, vẫn còn âm thầm nhớ mong, đeo đuổi mãi cho đến lúc cô đi lấy chồng.
Sa Rinh không nhận lời những người săn đón không phải vì cô chê họ. Cô đã yêu một người thanh niên phum nhà, người từng gắn bó thân thiết với cô từ thuở ấu thơ. Ðó là Hô, bạn học với cô thời tiểu học. Hô nhà nghèo rách mồng tơi, cha mẹ anh chẳng có đến một con bò làm vốn. Vì vậy, dù rất thông minh, học giỏi nhất lớp năm trường huyện, anh đành phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ nuôi đàn em nhỏ. Trái lại, nhà Sa Rinh giàu có nhất nhì phum, có đến năm cặp bò bô và hàng mấy chục mẩu ruộng thượng đẳng điền, có đến dăm chục người đến làm công cho nhà cô trong dịp giáp mùa cấy gặt.
Cô bé Sa Rinh và chú bé Hô đã thương mến nhau từ những ngày học chung ở huyện. Khi Sa Rinh ra thị xã học, cô chỉ về thăm nhà đôi lúc vào ngày lễ, và mùa nghỉ hè. Ðôi bạn chỉ gặp nhau trong những dịp hiếm hoi đó. Nhưng hình như càng xa cách, càng trở ngại, họ lại càng mến yêu nhau. Tình bạn thơ ngây không biết từ lúc nào đã biến thành tình yêu nam nữ. Nhưng gia cảnh cách biệt quá xa, họ chỉ biết thầm nén những tình cảm đắm say.
Họ yêu nhau trong tuyệt vọng, không biết làm cách nào để đến với nhau. Sa Rinh không hề dám để cho cha mẹ mình biết chuyện. Cô hiểu không bao giờ ông bà đồng ý cho cô lấy một anh chàng khố rách áo ôm như vậy. Cô chỉ còn một cách duy nhất là kiếm cớ chối từ, trì hoãn khi có kẻ đến cầu hôn, mơ hồ cầu mong có một phép lạ nào sẽ đến, để cô có thể lấy được người đàn ông mình hết lòng yêu mến.
Năm Sa Rinh mười chín tuổi, một biến cố nhỏ xảy ra. Biến cố đó đã giúp cô toại nguyện.
Mùa xuân năm đó, một người đàn ông từ thủ đô đến quê cô mua điền sản để đầu cơ lập nghiệp. Ôâng ta tên Pu Vên. Pu Vên rất giàu. Gia sản của cha mẹ Sa Rinh so với của ông ta chỉ như một con nhái bén so với con bò. Pu Vên goá vợ. Ông ta đã có hai đời vợ, và đến mười mấy người con. Họ đều lớn cả. Con út của ông còn lớn tuổi hơn Sa Rinh. Ông đến được một thời gian thì nghe thấy lời đồn đại về sắc đẹp và sự kiêu hãnh của Sa Rinh. Tận đáy lòng người đàn ông này đã nảy ra ý đồ chiếm cô bằng được. Pu Vên giàu, thành công và kiêu ngạo. Ông ta tin vào sức mạnh của mình.
Pu Vên tìm đến làm quen với cha mẹ Sa Rinh, với danh nghĩa là một kẻ làm ăn xa muốn tìm nơi giao kết thân tình. Ông thường xuyên tìm được cớ để tặng cho mỗi người trong gia đình cô những món quà đắt tiền, quí hiếm. Chẳng bao lâu, Pu Vên đã chiếm được cảm tình của mọi người, trừ Sa Rinh.
Ngay từ lần đầu giáp mặt với Pu Vên, ánh mắt kỳ lạ của ông ta đã làm cô lo âu, sợ hãi. Pu Vên nhìn cô như một con mèo nhìn con mồi đang nằm trong tầm vuốt của nó, thèm thuồng, hả hê và khoái trá. Và như mèo vờn chuột, Pu Vên không có gì vội vã. Ông xiết tấm lưới vô hình của mình chậm rãi, cẩn thận, không một khe hở.
Mùa thu đến, Pu Vên ngõ lời. Cha mẹ Sa Rinh gần như vui mừng với lời cầu hôn của Pu Vên. Ngày cưới được ấn định sẽ tiến hành ngay trong tháng Mười năm ấy.
Sa Rinh như điên như dại trong những ngày tháng đó. Cô không dám cãi lời cha mẹ. Nhưng cô căm ghét Pu Vên vô hạn. Cô nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi cuối cùng quyết định sau lễ cưới, cô sẽ tự sát ngay trong đêm động phòng hoa chúc, thà chết chứ không để cho Pu Vên chiếm đoạt cô.
Còn năm hôm nữa là ngày cưới. Ðêm hôm đó, Hô lén bò vào nhà Sa Rinh. Anh thì thầm bảo cô thu xếp. Họ sẽ trốn đi xa. Bỏ lại tất cả. Làm lại tất cả từ hai bàn tay trắng. Và Sa Rinh đã theo anh. Họ chạy bộ suốt đêm hôm ấy, qua những phum làng, qua những cánh rừng hoang vắng, quên cả nỗi sợ các loài thú dữ. Ðến sáng họ đón xe lên Batdomboong, và tìm đến sinh cơ lập nghiệp ở phum Chan Ðai từ dạo ấy.
Hai ông bà đã khó khăn lắm mới đến được với nhau, nên họ yêu quí nhau vô kể. Giờ đã già rồi, mà nhiều khi Huy nhận ra họ vẫn còn biểu lộ sự chăm sóc, lo lắng cho nhau thật là cảm động.
Buk Hô là một người nghiêm nghị, ít nói cười. Lúc đầu gặp ông, Huy hơi e dè trước vẻ lạnh nhạt của ông. Mãi đến gần đây, Huy mới hiểu được ông. Ông yêu quí anh em bộ đội, nhưng chỉ bộc lộ những tình cảm đó bằng hành động. Thỉnh thoảng, ông xách trong buồng ra chai rượu, bảo me Sa Rinh nấu một nồi canh chua, hay nướng vài con cá khô, ngồi đối ẩm với bọn Huy. Ngay trong cuộc rượu ông cũng vẫn ít lời, nhưng ánh mắt của ông nhìn bọn anh thật thân tình, ấm áp. Ðôi lúc, ông chài được một mớ cá, gặp bọn Huy ra chơi, thì thế nào khi về bọn anh cũng sẽ có một xâu cá cầm tay. Có điều, Huy nhanh chóng nhận ra ông không ưa Lý. Không bao giờ ông buồn ngó mặt anh ta. Ông chỉ ngồi nhậu với Huy, Mợi hay Già Hương...nghĩa là những khi không có Lý. Huy thấy thái độ của ông có cái gì đó thật là khó hiểu.
Me Sa Rinh vào trong buồng, lục lọi gì đó một lúc, rồi bước ra, tay bà cầm một cái gói vải nhỏ. Bà chậm chạp ngồi xuống sàn, bảo Huy:
- Con lại đây me bảo.
Huy bước tới, ngồi xuống bên bà. Me run run tháo lớp vải, bên trong là một chiếc vòng đeo tay bằng ngọc thạch lên nước xanh biên biếc. Huy nhìn bà lòng đầy thắc mắc. Anh tự hỏi bà định làm gì. Chẳng lẽ bà muốn cho anh chiếc vòng đó hay sao?
Me nhìn chiếc vòng một lúc lâu. Từ hai khoé mắt - mà ngày xưa chắc đã làm bao nhiêu chàng trai chết chìm trong đó - hai dòng nước mắt đùng đục tuôn ra lặng lẽ. Huy sửng sốt. Anh vừa mấp máy miệng định hỏi, thì bà đã ngước lên nhìn anh:
- Cái vòng này là của con Quân.
- Dạ!?...
- Nó tặng cho Sa Piên lâu rồi. Gần hai năm trước.
-.................?
- Con mang về đưa trả cho Quân. Nói nó giữ đó, sau này tặng cho vợ nó.
Huy đưa tay lên vò vò đầu. Vậy là giữa Quân và Sa Piên trước kia đã có gì thật rồi! Anh hỏi:
- Anh Quân đã tặng cho Sa Piên, sao me trả lại làm chi?
- Sa Piên không xứng đáng giữ nó... Sa Piên xấu lắm! - Me Sa Rinh nói ngắt quảng, bà ôm ngực ho khẽ vài tiếng, nhăn mặt có vẻ đau đớn.
- Me có sao không? - Huy giơ hai tay nắm lấy bờ vai gầy guộc của bà, lo âu hỏi.
- Không sao đâu...mấy bữa nay me bị ho chút chút thôi mà...
Huy đưa tay cầm lấy chiếc vòng. Chất đá quí tỏa ra hơi lạnh làm mát rượi bàn tay anh. Nhìn một lúc, Huy bỏ nó vào miếng vải, gói lại, nhét vào túi áo.
- Thôi được. Con sẽ mang về cho anh Quân.
Huy trầm ngâm nhìn me một lúc. Nước mắt, như hai đường chỉ nhỏ, vẫn còn ngoằn ngoèo lăn xuống hai bên gò má của bà. Im lặng hồi lâu nữa, Huy nói:
- Thế đầu đuôi câu chuyện ra sao hả me?
- Con nghe thì cũng được, nhưng con đừng nói lại với ai khác nữa. Con Quân không muốn nhiều người biết chuyện này đâu, Huy à...
Me Sa Rinh nghẹn ngào kể cho Huy nghe câu chuyện.
Dạo tiểu đoàn mới về dựng Cứ bên phum, Quân hay ra phum chơi, thăm hỏi, giúp đỡ dân làng. Anh đi đến nhà nào cũng được mến thương vì sự tốt bụng, chân thành vốn có. Những gì Quân lãnh được, từ quần áo đến các thứ nhu yếu phẩm như đường, sữa, anh đều mang ra cho những người nghèo, đau ốm, trừ những gì phải để lại dùng chung với anh em. Anh thường ra thăm nhà me. Không lâu la gì, me đã nhận ra Quân có cảm tình đặc biệt với Sa Piên. Lúc ấy, Sa Piên cũng tỏ vẻ ưa thích Quân. Họ có nhiều lần trò chuyện với nhau trong nhà me, dưới sự ngấm ngầm đồng tình, cho phép của cả hai ông bà. Quân làm cho họ nhớ lại tình yêu thời trẻ của họ. Mọi chuyện dường như đều tốt đẹp.
Nhưng trong tình cảm, Quân lại quá trung thực đến ngu ngơ. Anh yêu Sa Piên tha thiết, đồng thời lại rất tôn trọng cô. Anh chỉ cần gặp gỡ thường xuyên, trò chuyện với cô đã thấy vui lòng, thỏa ý. Thậm chí quen nhau cả năm trời, Quân còn chưa cầm đến bàn tay của Sa Piên...
Me Sa Rinh cười mếu máo trong khi nước mắt vẫn còn hoen:
- Hai đứa quen nhau lâu lắm rồi nhé. Vậy mà hôm đó, me hỏi nhỏ Sa Piên: " Con Quân có nắm tay của con lần nào chưa? " Nó lắc đầu phụng phịu: " Anh Quân hiền lắm! Không có gì hết!"....
Theo tục lệ vùng này, con gái để cho đàn ông nắm tay mình kể như không còn trong trắng nữa, và nắm tay con gái chưa chồng mà không có sự đồng tình bị coi là phạm tội nặng, như thể cưỡng dâm. Tuy nhiên, đó chỉ là tục lệ lâu đời truyền lại. Nó đã phôi pha, mất đi tính tôn nghiêm bất khã vi phạm của những thời xa xưa. Làm sao hai người trẻ tuổi yêu nhau mà lại không nắm tay nhau? Họ còn làm tới chuyện gì ấy chứ!
Dù sao thì Quân cũng đã làm theo đúng luật tục. Anh đã có lần thưa chuyện với buk Hô và me, rằng sau này khi phục viên sẽ ở lại đây, cưới Sa Piên làm vợ. Anh không muốn nhận sĩ quan cũng là vì vậy. Lần ấy, Quân trao cho me Sa Rinh chiếc vòng cẩm thạch, coi như là món quà làm lễ đính hôn. Chiếc vòng này, Quân đã gom tiền dành dụm, và mượn thêm của một ít bạn bè mua nó nhân một dịp đi ngang chợ Xi-xô-phôn. Hai ông bà đã bằng lòng chấp nhận, họ xem Quân không khác gì con ruột. Và Quân đã tin chắc, đã xem Sa Piên như người vợ chưa cưới của mình. Anh muốn giữ gìn cho cả hai người.
Quân không lường tới chuyện một cô gái đang trong tuổi sức sống trào dâng đâu chỉ vừa lòng với mấy cuộc chuyện trò xuông. Họ thèm được âu yếm, vuốt ve, thèm được ôm ấp, vỗ về như một con mèo nhỏ, như một đứa bé sơ sinh. Vì vậy, tuy yêu mến Quân, Sa Piên có phần nào đó bực bội anh. Nhưng cô không dám nói, mà cũng không dám có một cử chỉ, thái độ nào để bày tỏ khao khát của mình.
Tháng Hai năm sau, Lý và Mợi từ đại đội 18 của trung đoàn được điều xuống tiểu đoàn, về trung đội. Trước đó, mỗi khi ra phum chơi, Quân thỉnh thoảng cũng dẫn một vài anh em trong trung đội cùng ra, và Lý, Mợi được anh dẫn ra nhà me Sa Rinh như bao anh em khác.
Lý gặp Sa Piên lần đầu đã say mê cô như điếu đổ. Có một điều, Lý, Mợi hay bất cứ ai khác trong đơn vị đều không biết chuyện giữa Quân và Sa Piên. Quân không giấu giếm mọi người. Nhưng anh không thích tỏ vẻ này khác, cũng không phải là loại người hay bộc lộ chuyện riêng. Trước mắt mọi người, anh vẫn đối xử với Sa Piên một cách thân ái bình thường như lúc chẳng có ai. Chính vì vậy, mà mọi chuyện đã trở nên xáo trộn.
Ngay sau đó, Lý tìm cách tấn công Sa Piên, đôi khi còn có sự giúp đỡ vô tư của Mợi. Quân biết điều này, nhưng anh không hề can thiệp. Anh vững tin ở Sa Piên. Anh cũng không muốn gây cảm giác bất hòa giữa đồng đội với nhau khi chưa cần thiết. Quân không ngờ Lý lại là một người đầy kinh nghiệm chinh phục đàn bà, với những cách tấn công chớp nhoáng. Thêm nữa, Quân không thể nào ngờ Sa Piên đã xao lòng khi gặp Lý. Vẻ đẹp trai của anh đã thu hút cô ghê gớm. Nhưng Lý chinh phục được Sa Piên nhanh chóng hơn là nhờ ở sự lọc lõi, táo bạo của mình. Anh không chút ngượng ngùng ôm chầm lấy Sa Piên, hôn lấy hôn để lên khắp người cô, mặc cho cô kinh hoàng vùng vẫy, mặc những lời chửi mắng khinh miệt của cô. Nhưng sự thô bạo của Lý chỉ làm Sa Piên sợ hãi và nổi giận lúc đầu. Rồi cô bỗng thấy mình hay nghĩ tới chúng, thèm nhớ chúng. Cô cố chống cự lại bản năng một cách yếu ớt, ngày càng yếu ớt. Lý trí cuối cùng đã gục ngã, Sa Piên lao vào cơn say tình ái, đam mê, liều lĩnh. Cô bất chấp tất cả; bất chấp lời khuyên can và những giọt nước mắt đau khổ của me Sa Rinh; bất chấp những cơn giận lôi đình của buk Hô; và dĩ nhiên, bất chấp những suy nghĩ, đánh giá hay nỗi đau của Quân. Dù có đôi lúc cô thoáng thấy trong lòng niềm ăn năn, ray rứt, nỗi xót xa cho Quân, anh cũng đã trở thành xa lạ với cô.
Thật ra, cô có những khổ tâm riêng. Ðối với Sa Piên, Quân là hiện thân của một mẫu người lý tưởng, đúng như hình dung mong ước của cô về một người để cô gắn bó trọn đời. Nhưng cô chưa bao giờ thật sự yêu Quân. Cô chỉ kính trọng Quân, yêu mến Quân như đối với một người anh. Giả sử Quân cũng bạo dạn yêu thương cô một cách cụ thể, bình thường, gần gũi như Lý, có lẽ tình cảm đó có thể chuyển hoá thành tình yêu thật sự. Nhưng nó đã không tiến xa hơn. Và đến khi gặp Lý, Sa Piên mới nhận ra tình cảm thật sự của mình.
Theo tập tục, con gái Khmer chưa chồng được dành cho một gian buồng riêng trong nhà. Không một người đàn ông nào, kể cả cha ruột của người con gái, được phép bước vào trong gian buồng đó. Thế mà Lý đã nhiều lần bước chân vào gian buồng ấy của Sa Piên.
Sa Piên trao thân cho Lý một cách tự nguyện, với sự che chở của me Sa Rinh. Sau không biết bao lần khuyên giải, rầy la thất bại, cuối cùng bà đành phải thỏa hiệp với cô. Bà biết rõ họ làm chuyện gì trong căn phòng trinh nữ của cô. Bà đau khổ. Bà xót xa thương Quân. Nhưng bà vẫn che chở cho cô, dấu diếm buk Hô để cô được toại lòng yêu thương với Lý. Me Sa Rinh đúng là một bà mẹ hiền hậu, nhân từ và yếu đuối, thương con bằng một tình yêu mù quáng nhưng bao la không bờ bến. Trong cuộc tình đổi hướng này, có lẽ người chịu đựng nhiều nhất, đau đớn nhiều nhất chính là bà. Bà còn đau thêm một nỗi- Quân không còn vui vẻ thân tình như xưa nữa. Anh né tránh gia đình bà. Cực chẳng đã bà phải đi vào cứ thăm anh, Quân cũng chỉ lặng lẽ cúi chào, không ân cần hỏi han trò chuyện như ngày trước.
Me Sa Rinh than thở:
- Me thương con Quân lắm, hơn cả Sa Piên. Mấy đứa con trai của me đã chết, nên me coi Quân như con ruột. Vậy mà nó giận Sa Piên rồi giận ghét cả me.
Huy ngồi nghe me Sa Rinh vừa nói vừa giọt ngắn giọt dài, nhìn gương mặt già nua phúc hậu của bà giờ đây héo hắt, mà muốn rơi nước mắt theo bà. Anh thầm nghĩ ắt là không khi nào Quân phiền trách gì bà. Có lẽ anh chỉ cố làm ra như vậy để bà khỏi phải tìm đến gặp anh. Có lẽ anh sợ phải gặp bà. Anh sợ phải nhớ lại những ngày xưa ấm áp. Ðiều này me Sa Rinh không nghĩ ra sao? Ðối với Quân, chỉ có một lý do duy nhất đó để lý giải cho sự xa cách lạnh lùng của anh. Huy rất lấy làm lạ khi chợt nghĩ cuối cùng Quân cũng không tránh khỏi sự yếu đuối, tầm thường như bao kẻ khác. Một người như Quân lẽ ra phải có cách cư xử tốt hơn. Huy đã quen với cách đánh giá, nhìn nhận về Quân như một con ngưòi đặc biệt, khác thường. Giờ đây, Huy khá là thất vọng về anh. "Thì ra, anh Quân cũng có lúc cư xử sai lầm!" Huy kêu thầm trong bụng.
Huy lại nghĩ tới Sa Piên, thấy thương cô quá. Cô thật là ngây thơ, dại dột, hiến dâng cả trái tim, thân xác mình cho một kẻ không thật dạ yêu thương. Rõ ràng là Lý mê cô, nhưng anh ta chỉ xem cô như một thứ đồ chơi quí giá. Ðã là đồ chơi thì sẽ có lúc chán chường. Lý còn ở đây ngày nào, ngày đó Sa Piên còn giữ được anh, chẳng qua chỉ vì trong phum không có ai sánh được với cô. Nhưng một khi xa cô rồi, Lý sẽ quên phắt cô ngay. Ðối với cô, ngay cả bây giờ là lúc đang thắm thiết mặn nồng nhất, mà xem ra Lý không có chút gì tôn trọng. Anh kể lại cho anh em đồng đội nghe những chuyện riêng tư gần gũi giữa hai người với vẻ khoe khoang đắc chí, vô tư, như đang nói về người thứ ba nào khác.
Tuy nhiên, Huy vẫn cảm thấy mình không tài nào ghét Lý. Trời sinh Lý ra với bản chất, tính cách như vậy. Và trong chuyện này, Lý hoàn toàn không biết mình đã phá vỡ hạnh phúc của một người đồng đội. Anh chỉ sống đúng như những suy nghĩ, nhận thức giới hạn của mình. Phần nữa, nhìn gương mặt đẹp trai, nụ cười quyến rũ, nghe kiểu nói bông lơn, vô thưởng vô phạt của Lý, dù có ghét giận gì anh, nhiều người cũng sẵn sàng tha thứ cho anh. Vẻ đẹp bên ngoài của một con người không thể nói là không có chút nghĩa lý gì! Từ xưa đến nay, sắc đẹp đã gây bao ngộ nhận, ảo vọng lạc lầm, đã khuấy động bao sóng gió. Bản chất con người là luôn luôn ngưỡng mộ tôn sùng cái đẹp. Và cái đẹp ngoại hình của con người có lẽ là cái đẹp nhiều ma lực, cái đẹp gây hiểm nguy hơn cả.
Huy quay qua, ôm lấy vai me Sa Rinh, an ủi bà:
- Thôi, me đừng buồn nữa. Ðể rồi con sẽ tìm cách nói chuyện với anh Quân. Bảo anh ấy ra đây chơi thăm me - Anh im lặng hồi lâu rồi chợt nói thêm - Con thương me lắm! Thương me như me ruột của con vậy.
Me Sa Rinh nhìn Huy cười móm mém. Ðôi mắt bà lấp lánh niềm vui và xúc động. Huy nắm lấy bàn tay gầy guộc, xương xẩu của bà bóp nhẹ, nhìn mái tóc trắng phơ phất của bà, chợt thấy nhớ má mình quá đỗi.
Ngồi với me lúc nữa, Huy đứng dậy. Nắng đã xế rồi, phải về thôi. Anh nói:
- Giờ con phải về đây. Me nhớ đừng buồn nữa nhé!
Me Sa Rinh gật gật đầu. Bà chống tay lên sàn, lom khom đứng lên, bảo Huy:
- Con chờ me một chút. Me vào gói một ít nhộng cho con mang về rang ăn cơm.
Bà vào chỗ gian bếp một lúc rồi quay ra, cầm theo gói nhộng và một trái mít to.
Chào từ giã me Sa Rinh, Huy ra về mà lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Anh tự hỏi nếu mình ở trong trường hợp của Quân, mình sẽ làm gì đây? Chắc chắn là không thể giống như cách của anh. Huy sẽ nói thẳng cho Lý biết rõ đầu đuôi ngay. Nhưng nếu Lý không biết điều? Cũng được thôi! Lúc đó, tùy ở Sa Piên, tùy ở sự lựa chọn của cô. Nhưng ít ra, phải làm cho mọi chuyện trở nên sáng tỏ với tất cả mọi người!
Huy chợt nghĩ về chuyện của chính mình. Anh đã quen biết cô bé xinh xinh hay vào gánh nước. Tên cô bé ấy là Soun. Huy vẫn còn rất trẻ con. Anh thích nhìn Soun luống cuống ngượng ngùng, thích trêu cho cô đỏ bừng đôi má, rồi khoái chí cười thầm. Chỉ vậy thôi! Huy giật mình nhận ra mình đã phần nào đó vui đùa một cách ích kỷ với tình cảm chân thành của một người con gái. Vậy ra cuối cùng anh nào khác gì với Lý! Anh cũng giống anh ta, cũng ham vui, hời hợt, cũng chẳng hề quan tâm đến những hậu quả mình có thể gây ra!
Soun có một thiện cảm đặc biệt với Huy, anh biết. Ở vùng quê hẻo lánh này, một cô bé mười lăm tuổi đã có thể biết yêu. Tuổi thanh xuân của một cô gái trưởng thành ở đây thật là ngắn ngủi, chỉ bốn năm năm. Dưới mười ba, họ vẫn còn là những cô bé gái ngây thơ. Từ mười ba trở đi, họ đã bắt đầu cuộc đời thiếu nữ. Và khoảng mười sáu, mười bảy, họ đã lấy chồng. Vài ba năm sau, nàng thiếu nữ mắt long lanh, môi đỏ thắm đã trở thành một thiếu phụ nhếch nhác, lôi thôi, con bồng con bế, không còn chút gì gợi nhắc tới cô gái trẻ xinh đẹp ngày xưa. Một ngày xưa chỉ vừa hiện hữu cách đấy không lâu.
Làm sao để Soun chỉ coi mình như một người anh, hiểu được mình chỉ coi cô như một người em gái? Huy nhăn mặt hỏi lòng. Thật sự thì Huy cũng không đo lường được tình cảm của mình. Anh thích Soun, nhưng không dám buông xuôi cho tình cảm mình nảy nở. Anh sợ! Nhưng sợ cái gì? - Huy cũng không thể nào xác định. Không phải vì quân lệnh. Ðiều lệnh quân đội không cho phép quân tình nguyện Việt Nam có quan hệ bất chính với phụ nữ Khmer. Nhưng còn tình cảm, làm sao có mệnh lệnh nào ngăn được cảm xúc mãnh liệt trong tim những chàng lính trẻ. Từ cảm mến đến yêu thương, khoảng cách đó quá ư nhỏ bé. Và yêu thương nghĩa là trao tặng cho nhau, cả tâm hồn, thể xác. Có biết bao nhiêu chàng lính đã yêu, và sẵn sàng chịu mọi kỷ luật khắt khe. Rồi một số đông trong bọn họ sẽ quay lại quê nhà khi phục viên, xuất ngũ, vĩnh biệt những mối tình trong chiến tranh, bỏ lại những cô gái héo hon sầu nhớ, và có khi bỏ lại cả những giọt máu rơi của chính mình, vì có quá nhiều trắc trở. Nhưng cũng có những người ở lại. Họ nhận nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Họ can đảm sống chết với tình yêu. Họ sẽ sinh con đẻ cái, sẽ đổ mồ hôi, và cả máu trên mảnh đất này, sẽ trở thành một tế bào của cộng đồng dân tộc Khmer, gắn bó với họ, cùng chịu chung những cơn mưa rào, nắng hạn, chung những điều tốt lành và những điều bất hạnh, chung một số phận với những người không phải đồng bào, không cùng dân tộc, nhưng đã trở thành đồng bào, dân tộc khi họ đã dứt khoát chọn một con đường. Huy chưa từng nghĩ rằng mình sẽ yêu thương một cô gái, và sẽ ở lại nơi đây. Quê nhà anh! Nơi đóù ba má của anh giờ đã bắt đầu già yếu đang mỏi mắt ngóng trông, nơi đó lũ em của anh đang vất vả chiụ đựng những khó khăn, nghèo túng. Anh nhất định phải trở về!
Vừa qua khỏi nhà phum trưởng Tia vài chục bước, Huy trông thấy một người đàn bà từ xa đi tới, hai bên là hai đứa nhỏ. Ðó là Cà Pươn, một người quen của Huy. Cà Pươn gầy nhom. Chị khoảng hai mươi mấy, nhưng trông già hơn tuổi nhiều. Gương mặt đen mốc vì thiếu ăn, càng làm nổi bật hai con mắt trắng. Hai thằng nhóc đó là con của Cà Pươn. Thằng lớn tên Kan, sáu tuổi, thằng nhỏ tên Lum, bốn tuổi. Hai thằng như đúc cùng một khuôn - cũng một thân hình còm nhom, cũng một gương mặt nhỏ choắt, đen thùi lũi, hai con mắt đen ngơ ngác, cái miệng hơi hô khoe hàm răng trắng nhởn, mái tóc vàng khè vì cháy nắng. Trông thấy Huy, tụi nó cười toe toét, rối rít gọi anh:
- Mia Huy! Mia Huy ! 2
Huy đã nhiều lần ghé nhà Cà Pươn. Nhà chị ở sát cạnh nhà Soun, và chị cũng thường hay vào Cứ gánh nước. Mỗi khi có phụ cấp tiền Riel, Huy hay đến cái quán đầu phum mua cho tụi nhỏ mấy bịch bánh kẹo, để được vui vẻ nhìn cảnh bọn chúng nhận quà, mừng cuống quýt. Hôm trước, lãnh được hai lon sữa, Huy cũng mang ra cho chúng một lon, lon còn lại anh mang cho me Sa Rinh. Tụi nhỏ thương Huy, gặp anh là nhào tới ôm cứng cặp giò anh không buông. Huy cũng rất thương hai đứa nhỏ. Gia cảnh chị Cà Pươn khá thương tâm. Chồng chị đã bị giết vào thời Polpot cầm quyền, sau khi Angkar tổ chức cho họ lấy nhau được hơn một năm. Còn hai thằng nhóc này, ba chúng nó là ai, chính Cà Pươn cũng không dám chắc. Ba bốn năm trước, chị còn chút xuân sắc, chưa xuống dốc thê thảm như bây giờ, cũng còn có nhiều anh trai làng ngấp nghé. Cà Pươn có quan hệ tình ái với nhiều người, vì sao thì chỉ chính chị ta mới biết, nhưng rồi đến lúc chị có thai, sinh nở, chả thấy ma nào ló mặt ra giúp đỡ, chăm nom. Nhà nghèo, không có đàn ông, không có đất đai, gia súc, Cà Pươn chỉ đi làm công cho mấy nhà khá giả hơn để nuôi con lây lất. Lúc không có ai thuê mướn, chị ra hồ chài cá, vợt tép, nhưng nào có được bao lăm.
Cà Pươn cười móm xọm chào Huy. Hàm răng của chị chỉ còn vài chiếc lung lay.
- Huy đi đâu về đó?
- Tôi ở nhà me Sa Rinh về. Chị dắt tụi nhỏ đi đâu đây?
- Tôi đi lên khang chơn hái lá dâu cho người ta. Tụi nó cứ đòi đi theo.
- Thôi, chị để hai đứa nhỏ cho tôi, cứ đi làm đi. Tôi sẽ dẫn tụi nó vào trại tắm rửa. Trông tụi nó kìa, ghẻ chốc đầy đầu đầy cổ. Lát nữa, tôi đưa thằng Kan cầm về cục xà bông, chị lấy mà tắm cho tụi nó mau hết ghẻ nghe...Ờ, mà thôi! Mỗi chiều chị cứ dẫn tụi nó vào chỗ tôi, tôi sẽ tắm cho tụi nó.
- Cám ơn bộ đội Huy nhiều! - Ca Pươn nói, chị quay lại bảo hai thằng nhóc - Tụi bây theo mia Huy đi tắm đi.
Huy một tay ôm trái mít và gói nhộng, một tay dắt thằng Lum, vừa đi vừa nói chuyện bâng quơ với hai đứa nhỏ. Anh đã tới ngã ba nơi rẽ vào Cứ thì chợt nghe tiếng gọi thanh thanh của một cô gái:
- Boòng Huy ơi! Boòng Huy!
Huy quay lại. Soun đang đứng cách anh chừng ba chục bước chân. Tay cô cầm cái gì đó giấu phía sau lưng, dáng vẻ thẹn thùa, bối rối. Ðôi mắt đen nhìn nhanh vào mặt Huy, rồi cụp xuống. Hai hàng mi dài run run rợp xuống, che giấu ánh mắt ngượng ngùng. Huy hỏi:
- Có gì vậy Soun?
- Me Soun bảo Soun mang cho boòng Huy cái này - Cô vẫn đứng yên tại chỗ, giơ vật đang giấu sau lưng nãy giờ ra. Ðó là một gói to bằng lá chuối khô. Huy bước tới cầm lấy cái gói, vạch lớp lá ra: Một mớ trái trâm rừng tím mọng. Huy cười:
- Sao Soun không để ăn mà cho Huy?
- Me và Soun hái được nhiều lắm. Ăn một mình không hết đâu! Boòng Huy mang về đi, cho mấy anh cùng ăn với. Trái này ngon lắm, hái ở mãi ngoài Tha lịa C rao đó.
- Anh Huy không ăn, mấy anh khác cũng không ăn đâu. Soun mang về ăn dần đi. Công me và Soun vất vả đi xa đến thế mới hái được, bọn anh không lấy đâu - Huy cố trêu cô.
Soun ngước mặt lên nhìn Huy, đôi má đỏ bừng giận dỗi:
- Boòng Huy không lấy, đừng có tới nhà Soun nữa. Soun cũng không vào gánh nước chỗ boòng Huy nữa. Hai người là người lạ với nhau rồi nhé!
- Không lấy! Nhưng vẫn ra nhà Soun. Soun đóng cửa, Huy sẽ ngồi mãi ngoài cầu thang, ngồi tới khi nào biến thành cục đá lớn luôn! Ngồi chừng nào Soun cho vào nhà, chừng nào Soun lại chịu vào gánh nước mới thôi.
Soun vặn vẹo hai bàn tay. Cô biết Huy đang chọc ghẹo mình, nên càng luống cuống. Cô im lặng một lúc, rồi biết mình không đối đáp lại Huy, cô bảo:
- Boòng Huy nói nhiều lời, nói sạo lắm. Soun không nghe nữa! Soun đi về đây!
Cô quay lưng bỏ chạy. Vạt chiếc xa-rông cuốn lên một ít, để lộ một phần bắp chân tròn trỉnh, mịn màng. Huy gọi với theo:
- Soun ơi, đừng giận anh nhé! Anh chỉ nói vui thôi. Nói me anh cám ơn nhiều nhiều nhé!
Huy đứng nhìn theo cho đến lúc dáng Soun đã khuất sau một lùm cây, rồi dắt hai đứa nhỏ đi vào Cứ.
****
Quân trầm ngâm bước vào nhà, tay cầm một xấp thư. Anh vừa lên tiểu đoàn bộ giao ban về. Lúc nãy, tiểu đoàn phó Bảo chủ trì buổi giao ban, Văn chỉ ra phòng họp để thông báo cho các cán bộ đại đội và trung đội trực thuộc việc anh sẽ về trung đoàn nhận công tác mới, rồi lại lui vào trong chuẩn bị. Quân nhớ những ngày còn ở đại đội mười hai, khi đó Văn là đại đội phó của anh. Văn gan lì, dũng cảm, lại thương yêu lính chẳng khác nào ruột thịt. Chính những tình cảm, những cách hành xử của Quân đối với anh em trung đội bây giờ anh đã học nó từ Văn. Mà không chỉ ở mỗi một mình Văn, điều này hình như đã trở thành truyền thống của toàn đơn vị. Từ những người anh đi trước - những người đã đổ xương máu để tô lên lá cờ quyết thắng của tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn ngay thuở đơn vị mới hình thành ở chiến trường Ðông Nam bộ - những người lính trẻ đã học được bao điều không bao giờ ghi chép trong bất cứ một tài liệu giáo khoa quân sự kinh điển nào. Ðó là những bài học trong cuộc sống mỗi ngày, trong từng trận đánh. Bài học về sức chịu đựng vô bờ bến; về tình đồng đội ấm áp thương yêu và gắn bó; về tình yêu nước, lòng khao khát độc lập, tự do; và quan trọng hơn hết, về lòng nhân ái: rất căm thù, rất quyết tâm chiến đấu, nhưng cũng rất khoan dung, độ lượng. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, những bài học đó dần dần trở thành máu thịt, ăn sâu vào tâm hồn, lắng đọng xuống trái tim người lính. Nó chính là nguồn sức mạnh thiêng liêng kỳ diệu nhất, nguồn sức mạnh của toàn dân tộc, tích lũy qua hơn một nghìn năm lịch sử chiến tranh tang tóc triền miên. Trong một cuộc chiến, những người lính đã trở thành như một, ít nhất là về hoàn cảnh. Họ đều là những người nghèo và trái tim trong sáng, chưa bị giàu sang, quyền lực làm tối mắt đảo điên. Họ có những suy tư, tình cảm chung ngoài những cái khác nhau thuộc về quan điểm, cá tính riêng biệt của mỗi người. Chính vì vậy, họ rất dễ thương yêu nhau, hy sinh cho nhau. Quân thấy có một nghịch lý nào đó hiển nhiên tồn tại: chiến tranh là điều kinh tởm, xấu xa, nhưng cũng chính chiến tranh nâng con người tới một cái gì cao cả. Nó tạo cho con người một sức sống mãnh liệt, một tình yêu mãnh liệt vào cuộc sống, nó hiến cho loài người những mẫu mực sáng chói nhất về lòng cao thượng, danh dự, tình yêu. Nhiều khi Quân cũng không hiểu được chính mình. Anh căm ghét chiến tranh. Anh không muốn tay mình nhuốm máu người. Anh phần nào đó chịu nhiều ảnh hưởng của các thuyết lý tôn giáo và triết học - những ánh sáng từ trên cao vời rọi xuống, xóa nhòa ranh giới thị phi đối đãi. Không có vấn đề màu da, dân tộc, chủng tộc, quốc gia. Không có cả vấn đề là người hay là sự vật. Chỉ có vấn đề sự sống và bình an, và cứu rỗi. Thế giới sẽ thanh bình, an lạc khi không còn những phân biệt đó. Nhưng có lẽ đó mãi mãi chỉ là một thế giới của hoài vọng ước mơ, của lý tưởng không bao giờ thành hiện thực? Những người lính, dù là ở phiá này hay phiá kia chiến tuyến cũng đều là những con người, cũng sợ hãi, đau đớn, xót xa giống hệt như nhau. Thế nhưng vì những phân biệt, ngăn chia đã phải tiêu diệt đối phương. Thật là phi lý! Có lẽ chiến tranh là một trong những hành vi phi lý nhất của loài người. Những loài dã thú giết chóc là vì bản năng tranh đấu sinh tồn, chúng ăn thịt những loài yếu ớt hơn để sống, và đến lượt chúng lại bị ăn thịt bởi những con thú hung dữ, to lớn khoẻ mạnh hơn. Nhưng loài người giết chóc chỉ vì những ý niệm, những ảo tưởng, hoặc bị người khác áp đặt, hoặc của chính bản thân. Ôi, thật là phi lý!...
Những suy tư này tồn tại trong ý thức Quân, và cả trong tâm cảm. Nhưng cũng có một điều khác tồn tại song song: niềm tự hào dân tộc, tình yêu sâu thẳm đất nước, quê hương, dân tộc, đồng bào; và một điều thật bình thường, đơn giản: tình thương yêu gắn bó giữa bạn bè đồng đội. Những điếu thuốc vấn chung nhau, những ngụm nước đọng lại dưới đáy bi đông nhường nhau trong cơn khát ngất... Tình thương và trách nhiệm với bạn bè, đồng đội, qua từng ngày, càng sâu sắc. Một tình yêu người, lòng bác ái chung chung không thể tồn tại vì nó không gốc rễ. Linh hồn của tổ tiên vẫn còn thao thức, âm thầm chảy trong từng mạch máu, lung linh trong tâm cảm, tiềm thức của Quân. Tinh thần, ý thức tự nó mâu thuẩn với chính mình. Và không có lời giải đáp. Nhiều lần Quân tự vấn, nhiều đêm anh ngồi trong đêm tĩnh lặng, cố lắng tâm hồn, ý tưởng xuống, biến nó thành một dòng sông trong suốt, lặng lẽ, lắng mọi phù sa, khoáng chất xô bồ hỗn độn của cuộc đời xuống đáy để tìm một lời minh giải. Nhưng ở một điểm nào đó giữa đường suy ngẫm, tất cả dường như nhòa nhạt, lẫn lộn mơ hồ. Thế là Quân vẫn vừa là một người lính bình thường đầy sắt đá, vừa là một kẻ thao thức trở trăn tìm chân lý.
Ụ Mối đang ngồi vá áo ngước lên nhìn Quân, phát hiện ra xấp thư, vội nhảy nhổm lên, hớn hở:
- A, hay quá! Có thư của em không anh Quân?
- Mày có một lá. Của bé Hiền đó - Quân cười.
Anh nhớ hồi Ụ Mối mới về trung đội. Có một lần, đơn vị đi truy quét quanh địa bàn năm ngày. Chuyến đó đi xa và vất vả, nhưng không đụng địch. Khi về tới cầu Thmo, cách Cứ khoảng bốn cây số, tiểu đoàn trưởng Văn cho giải lao. Ai nấy đều đã mệt ngất ngư. Chuyến đó, đơn vị đi sâu vào cánh rừng phía Tây, dây leo bụi rậm chằng chịt không có lối, người đi đầu phải lấy dao phát bớt các cành nhánh, gai góc để mở đường. Ụ Mối dáng vóc bậm trợn, lại là dân sơn cước, nên được phân công vác cái " đầu bò" 1. So với các bộ phận tách rời của súng, đầu bò là món nặng nhất nhì, lại cồng kềnh khó vác. Ði trên đồng trống còn khỏe được chút ít, chứ khi luồn vào rừng bụi, người vác đầu bò rất vất vả. Trên suốt một chặng dài hơn cây số, Ụ Mối hầu như không vác được cái đầu bò, mà phải ôm nó chui qua mấy con đường mới mở. Ðó lại là chuyến hành quân chiến đấu đầu tiên của nó. Bởi vậy, đến chỗ giải lao thì Ụ Mối đã bèo nhèo như miếng giẻ rách, quần áo ướt đẫm chẳng khác vừa nhảy xuống mương. Nghỉ giải lao xong, đơn vị chuẩn bị tiếp tục lên đường. Uï Mối ngồi cú rủ, không động đậy. Quân bước tới:
- Mày mệt lắm à? Thôi cố gắng đi, sắp về tới cứ rồi. Mày vác khẩu AK, đưa cái đầu bò cho anh.
Ụ Mối lắc đầu quầy quậy:
- Không. Anh cho em ngồi nghỉ thêm một lát, em sẽ về sau.
Quân cau mày:
- Không được. Ở đây không an toàn. Cố gắng lên!
Quân đặt khẩu AK vào lòng Ụ Mối, rồi ôm cái đầu bò đặt lên vai. Tay kia anh nắm vai áo nó lôi mạnh. Ụ Mối lảo đảo đứng lên. Trung đội nối vào đội hình xuất phát.
Khi về tới nhà, Ụ Mối chỉ kịp tháo cái ba lô quẳng qua một bên là năm lăn ra trên nền nhà nhắm nghiền đôi mắt, trông cứ như xác chết trôi. Liền ngay sau đó, Già Hương cất tiếng gọi từ nhà bên cạnh - lần đó, anh ở nhà giữ Cứ:
- Ụ Mối! Mày có thư của người yêu nè. Thông tin trung đoàn đã mang thư xuống ba bốn hôm nay...
Ụ Mối ngồi bật dậy, nhanh như chớp chạy ra ngoài, rồi ào một cái, nó lại chạy về, tay vung vẩy lá thư, chân nhảy cẩng lên, reo gào inh ỏi:
- Có thư rồi. Có thư rồi. Anh Quân ơi!
- Ừ thì có thư! – Quân đáp, anh nheo mắt – Giờ tao mới biết tình yêu có sức mạnh như thế nào. Nó biến một con mèo hen sắp chết thành một thằng khùng khỏe như trâu cổ!...
Lần này cũng y chang! Ụ Mối vội vàng đứng lên, nhảy ba bước tới bên Quân vồ lấy xấp thư lựa lựa, rồi rút ra một lá. Quân nhìn Ụ Mối hớn hở, thấy lòng mình chợt nao nao. Quân chưa bao giờ có thư nhà. Không bao giờ có. Anh chỉ được hưởng niềm hạnh phúc chia vui cùng đồng đội. Có khi, người này người khác đọc cho Quân nghe một lá thư của người yêu, của mẹ già. Rồi sau đó nhờ anh "cố vấn" để viết thư hồi đáp. Những lần như vậy, Quân rất vui và hào hứng, tưởng như anh đang viết thư của chính bản thân mình.
Ụ Mối thận trọng xé một đầu bao thư ra, ngồi bệt xuống đất chăm chú đọc. Dễ chừng anh đọc đi đọc lại ít nhất ba lần. Rồi anh cẩn thận xếp lá thư, bỏ lại vào phong bì, ngồi ngây người một lát. Bỗng Ụ Mối toét miệng ra cười tươi rói. Anh ngước lên khoe với Quân:
- Hiền bảo đã dành dụm được hai chỉ vàng, lại còn đang nuôi một con heo nái sắp đẻ lứa đầu tiên. Em về tháng trước, là tháng sau tổ chức ngay đó anh Quân.
- Ừ! Cưới vợ phải cưới liền tay. Nó đã chờ mày mấy năm rồi – Quân đáp. Anh bảo Ụ Mối:
- Mày chạy ra tập họp anh em về đây hội ý. Thằng Huy đi đâu rồi?
- Nó qua bên nhà đại liên – Ụ Mối đáp chưa hết câu đã chạy khuất dạng.
Một thoáng sau, mọi người đã nháo nhào chạy tới tề tựu đông đủ. Ai cũng náo nức vì đã nghe Ụ Mối nói có thư nhà. Già Hương hỏi:
- Có gì quan trọng mà phải hội ý toàn trung đội vậy Quân?
Quân mỉm cười. Anh cầm xấp thư giơ lên. Mọi người nhảy nhót hò reo mừng rỡ và sung sướng.
Sau đó, những người có thư run run xé phong bì, mấy người không có ghé đầu bên bạn mình cùng háo hức đọc chung những dòng thư.
Một lúc sau, khi mọi người đã đọc thư xong, Quân nói:
- Anh em chú ý. Hôm nay tôi thông báo cho anh em hai chuyện. Thứ nhất là tiểu đoàn cho trung đội một suất đi phép, ngày mốt lên đường. Thứ hai là ngày mai anh Văn về trung đoàn nhận công tác mới...
Trung đội lại nhao nhao lên như ong vỡ tổ. Trong tiểu đoàn ai cũng thương mến và nể phục Văn. Tin này làm mọi người mất đi phần nào sự phấn khởi về vụ có thư và suất đi phép.
Quân giơ tay lên, cắt ngang những lời bàn tán:
- Thôi, anh em yên lặng. Dù sao thì anh Văn cũng phải đi rồi, có buồn cũng không ích gì. Bây giờ, tôi xin giải thích một chút: trung đội chúng ta được một suất đi phép trong tổng số 3 suất của toàn tiểu đoàn, do vừa qua đã thắng lợi trong mấy trận liền, diệt địch, bắt tù binh, thu nhiều vũ khí. Tôi có hai cách giải quyết. Cách thứ nhất là chỉ tiến hành bốc thăm trong số anh em lính 83 trở đi. Cách thứ hai là mọi người đều được bốc thăm. Các đồng chí hãy cho ý kiến.
Già Hương nhìn quanh khắp mọi người, mỉm cười nói:
- Có điều này tôi nghĩ phải nói rõ cho anh em biết. Thường thì người được đi phép là người trực tiếp bắt sống tù binh. Hôm đó, trong lúc khẩu đội bắn yễm trợ Quân đã một mình vượt lên trước, khống chế và bắt được hai tên. Dĩ nhiên công trạng là của toàn đơn vị. Nhưng nếu không có những người tự mình xông lên như vậy, rất có thể chúng ta rút quân tay trắng trở về. Phần khác, người thâm niên nhất ở đây là Quân. Vậy tôi đề nghị chính Quân sẽ đi phép, không cần phải bốc thăm bốc thiết gì cả. Anh em có nhất trí không?
Mọi người gật đầu tỏ vẻ tán đồng với đề xuất của Già Hương. Quân đưa tay ra ngăn lại, anh nói:
- Cám ơn anh em. Nhưng tôi mồ côi cha mẹ, không có họ hàng. Tôi về cũng chẳng ích gì, thật tình là vậy. Giờ xin mọi người nghĩ xem chúng ta sẽ tiến hành cách nào như tôi vừa nói.
Thiện nói:
- Thật lòng mà nói, bản thân tôi cũng thèm được đi phép lắm. Nhưng tôi nghĩ lính 82 cũng đã sắp ra quân rồi. Nên để cho lính 83, 84 bốc thăm thôi.
Mợi phản đối:
- Chúng ta là lính chiến, đánh trận như cơm bữa mỗi ngày. Không phải tôi nói chuyện xui xẻo, nhưng hôm nay còn sống, chứ có thể ngày mai đã đi đoong rồi. Chỉ khi nào mình đặt chân qua cửa khẩu mới chắc ăn là bình an trở về nhà. Cho nên theo tôi, tất cả đều được bốc thăm mới thật sự công bằng.
Mợi là lính 83. Nếu thêm những người nhập ngũ 82 vào số bốc thăm, thì xác suất được trúng thăm của chính anh giảm xuống. Nhưng Mợi cảm thấy phải làm như vậy. Anh không muốn vì quyền lợi riêng mà quên đi bạn bè, đồng đội. Mọi người im lặng ngẫm nghĩ, thấy Mợi cũng có lý. Có lẽ trừ Quân ra, người nào cũng rất mong được về thăm nhà, thăm quê một chuyến.. Quê nhà! Ở đó có mẹ già, em thơ, ở đó có vợ hiền con ngoan, có người tình nhỏ... Biết bao thương nhớ đã chất chồng lên, đọng lại trong tim họ trong những tháng ngày qua.
Quân nhìn quanh rồi gật đầu:
- Vậy thì chúng ta sẽ bốc thăm theo cách thứ hai. Tôi sẽ viết một lá thăm có chữ "đi", còn lại tất cả là thăm trắng. Anh em đồng ý chứ?
Mọi người đồng thanh nhất trí.
Quân lật cuốn sổ ra xé mấy tờ. Anh xé thành những mẩu giấy nhỏ, ghi vào một mẩu, gấp tất cả lại, bỏ vào cái ca inox lắc một lúc. Quân nói to:
- Nào, bây giờ là lúc anh em thử vận may. Lần lượt từng người!
Mọi người háo hức bước tới bốc thăm. Họ run run mở ra. Những gương mặt đầy vẻ nôn nao phấn khích. Lý chợt nhảy nhổm lên, cười rú thét vang:
- Ha ha! Tôi trúng thăm rồi! Má ơi! Con sắp gặp má rồi!
Những người còn lại hơi xìu xuống thất vọng. Nhưng rồi lập tức họ reo lên nhào tới ôm lấy Lý, nhấc bổng anh tung lên trời mấy cái.
- Chúc mừng! Chúc mừng Lý ơi!
Lý được buông ra, nhưng mặt vẫn còn đỏ bừng ngơ ngác. Dường như anh vẫn chưa thật sự tin là mình sắp được về nhà. Rồi đôi mắt anh chợt đỏ hoe.
Ngay chiều hôm đó, trung đội ra phum mua gà, trà rượu về tổ chức liên hoan tiển Lý đi phép. Họ mời thêm một số bạn bè, đồng hương ở mấy trung đội khác qua chung vui. Tiệc làm tương đối sớm, bắt đầu từ ba giờ, và khoảng bốn giờ thì kết thúc. Chỉ có một bi đông rượu uống tượng trưng, vì trung tướng Năm Ngà, tổng tư lệnh mặt trận đã có chỉ thị cấm rượu từ sau chiến dịch.
Tiệc tàn, khách khứa lần lượt ra về. Cuối cùng thì chỉ còn Lý, Mợi, Già Hương, Huy và vài người nữa ngồi nhâm nhi trà tán chuyện. Số khác thì tản ra cắm cúi viết thư để nhờ Lý chuyển.
Chuyện mãi cũng cạn, mọi người ngồi im lặng trầm tư. Ngoài sân, không khí bỗng yên tĩnh lạ lùng. Tiếng luýt chuýt của mấy con chim sâu đang tìm mồi trên mấy cành xoài chợt nổi lên mồn một. Nắng chiều vàng rực tràn qua những kẻ lá, luồn qua kẻ vách rọi lên mặt sân, nền nhà những đốm sáng chao động lung linh.
Lý ngồi hai tay khoanh gối, mắt nhìn mông lung ra khoảnh sân ngập nắng, như đang hình dung tới những ngày vui sắp tới ở thành phố. Chợt Lý quay qua Huy:
- Mày viết thư đi Huy, tao sẽ mang tới nhà mày.
- Em viết rồi. Ðể em vẽ sơ đồ lên bao thơ cho anh tìm nhà. Nếu anh rảnh thì ghé nhà em chơi, còn không thì gửi qua bưu điện cũng được...Nếu anh có ghé, mà má em hỏi về cuộc sống ở đây, anh nhớ nói là rất vui rất khoẻ nghe, nói là không có gì nguy hiểm, nhớ nha...
- Tao biết, cần gì mày phải dặn dò – Lý quay sang Mợi – Còn mày...?
Mợi lác nhìn Lý:
- Mày vào chợ Cầu Ông Lãnh, tới khu bán rau cải hỏi bà Năm cao. Gặp má tao ở đó dễ hơn, đường vô nhà tao khó đi lắm, mà cũng chẳng có số nhà gì đâu. Lý nè, khi sang ráng tìm vài cuốn truyện cho tao. Kho tàng "phim truyện" của tao cạn khô rồi. Cứ xào đi xào lại hoài mấy cuốn cũ mất mối hết trơn cho coi!
- Tao nhớ rồi – Lý gật đầu cười. Anh lại quay sang Già Hương.
- Già Hương đã viết thư cho bà xã chưa, để em mang về bỏ bưu điện cho.
Già Hương đứng dậy, anh vừa bước vội về hướng nhà bên vừa nói:
- Mày chờ chút xíu, tao về lấy cái này.
Lát sau, Già Hương quay lại. Anh ngồi xuống, xòe tay ra. Gương mặt bậm trợn với hàm râu quay nón rậm rì giãn ra với một nụ cười khoan khoái. Trong lòng bàn tay nông dân to lớn, chai sần từng cục, là hai chú lùn gỗ nhỏ xíu, một con khắc bằng gỗ mít vàng, một con bằng gỗ gì không rõ màu tím sẫm. Cả hai chú lùn đều bóng loáng vì mồ hôi tay chà sát nhiều lần. Hai con người gỗ này Già Hương đã cặm cụi làm đi làm lại suốt cả tháng trời mới xong. Chúng là món quà vô giá của một người cha. Chúng chứa đựng bao nhiêu tình thương và nỗi nhớ trong từng đường vân, nét chạm.
Trong trung đội, Già Hương là người anh cả, lớn tuổi nhất, và cũng nghiêm trầm, ít nói nhất. Anh thương tụi nhỏ trong trung đội như lũ em mình. Nhưng lại là một người anh khó tính. Không như Quân thường an ủi, động viên dịu ngọt, Già Hương dễ nổi nóng rầy la, nhưng cũng rất mau quên những lỗi lầm, thiếu sót của mọi người. Không hiểu xã đội làm ăn ra sao, mà lúc còn thanh niên nhông nhổng, tự do, họ không gọi anh nhập ngũ. Mãi đến năm Già Hương hai mươi sáu, đã vợ con đùm đề, bôn ba xuôi ngược để kiếm sống thì lại phải lên đường làm nghĩa vụ. Già Hương định trốn không đi, nhưng vợ anh, một cô gái con nhà cách mạng nòi, đã động viên thuyết phục anh. Chị thề sẽ cố gắng chung thủy nuôi con chờ đợi anh về. Chị không muốn có một ông chồng phải trốn chui trốn nhủi, ra ngõ ra đường cứ mắt la mày lét, sợ từ đứa con nít sợ đi. Già Hương ra đi chân bước không đành. Nhưng rồi dần dần anh cũng khuây khỏa. Thư của vợ, của gia đình thường xuyên gửi sang khiến anh an tâm, vững dạ. Anh tự so sánh với những anh em khác, và nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn nhiều. Có lần Già Hương bảo Huy: " Nhiều khi thấy tao thấy thằng Quân cứ ngong ngóng đọc ké thư của người này, người khác mà thương nó quá. Tao vậy mà sướng hơn nó nhiều. Lỡ chết thì cũng đã có vợ, có con..."
Có lẽ vì có con, mà Già Hương thích ra phum chơi. Anh ôm mấy đứa nhỏ tóc khét nắng vào lòng, mua cho chúng những phong kẹo nhỏ, nựng nịu chúng, đùa nghịch chúng cho đỡ nhớ con.
Già Hương bảo Lý:
- Mày mang về tới thành phố, kiếm một cái hộp nhỏ bỏ vào, bỏ cả lá thư của tao vào đó rồi gửi bưu điện giùm tao. Tao có viết trong thư chia phần rồi. Con vàng là của thằng Tí em, con tím thằng Tí anh...Chắc tụi nó khoái lắm...
Già Hương ngồi ngẩn ra, nhìn hai con người gỗ một hồi. Rồi anh móc túi lấy lá thư, đưa cả cho Lý. Anh à lên một tiếng, bảo Lý:
- Có lẽ lát nữa Sa Piên nó vào thăm mày đó. Hồi nãy ra phum, tao có ghé báo cho nó biết vụ mày đi phép. Trông nó buồn hiu.
Lý cau mày:
- Em tính mai ra gặp nó. Vào đây làm chi cho chộn rộn.
Mặt trời đã xuống thấp. Bóng những thân xoài vươn dài ra sóng xoảy trên mặt đất. Khi đốm nắng cuối cùng rọi xuống nền nhà đã thu lại thành một vệt nhòa nhỏ xíu, mờ dần, Sa Piên và Soun vào tới.
Mặt Sa Piên không dấu nổi vẻ âu lo, buồn bã, dù cô cố gượng mỉm cười chào mọi người. Huy nhận ra cô còn có một vẻ lo lắng, sợ sệt khó tả. Hẳn là Sa Piên cố lấy hết can đảm mới dám vào đây, hẳn là cô rất sợ phải chạm mặt với Quân. Cũng may là Quân đã đi sang nhà bên từ nãy, Huy thầm nghĩ. Tay Sa Piên xách một chiếc khăn croma căng phồng. Sau lưng cô, Soun nép người e thẹn. Sa Piên đặt cái khăn gói lên bàn, nhìn Lý:
- Em có ít quà nhờ anh mang về cho me anh ở Việt Nam. Anh về quê nhớ qua cho sớm... Em mong lắm.
Lý đứng lên, anh tới gần Sa Piên, đặt tay lên bờ vai thon thả của cô:
- Ðừng buồn Sa Piên, anh về rồi qua liền mà. Ði ra ngoài này, Sa Piên.
Lý dìu Sa Piên tới gốc xoài bên đầu hồi. Hai người ngồi xuống rủ rỉ chuyện trò.
Trong nhà, còn lại Soun đứng ngây ra. Cô mắc cỡ và sợ chết được vì lần đầu tiên bước vào nhà của mấy người bộ đội, dù thâm tâm cô vẫn mong sẽ có lần được vào ngồi trò chuyện với Huy. Huy nãy giờ cứ nhìn cô cười tủm tỉm chẳng chịu nói gì. Soun không biết phải làm sao. Ði ra chỗ Sa Piên thì không được, đứng ở đây cũng không xong, Soun thấy hai chân mình tự nhiên nhủn ra. Cô ấp úng nhìn Huy:
- Sa Piên nhờ Soun cùng đi cho có bạn...
Già Hương và Mợi lác nhìn Soun cười thông hiểu. Họ nhận ra dưới lớp vải của chiếc xà rông, đôi chân cô đang run lẩy bẩy. Già Hương bảo cô:
- Lại đây ngồi đi cháu. Huy nó nhắc cháu hoài. Nó khen cháu dễ thương và tốt lắm... À, trái trâm của cháu cho hôm nọ ngon lắm. Ai cũng thích.
Soun nhoẻn miệng cười, đôi mắt đen lấp lánh, cô rón rén bước tới cạnh chiếc bàn, ngồi xuống. Huy nháy mắt với Già Hương và Mợi lác:
- Hình như hai anh tính qua nhà bên làm gì đó phải không?
Mợi lác toét miệng cười, anh phát vào vai Già Hương một cái:
- Ừ, mình đi Già Hương ơi...hí hí...chắc thằng quái này nó đang rủa thầm tụi mình phá đám nãy giờ.
Hai người gật đầu chào Soun rồi bước ra ngoài.
Soun nhìn theo họ, rồi cúi gầm đầu xuống, hai tay vân vê nếp váy, đôi má đỏ hây. Huy nhìn cô, lòng ấm áp. Một lúc sau, Huy cất tiếng:
- Me có khỏe không Soun?
- Dạ khỏe... me nhắc boòng Huy mãi, bảo sao lâu quá không thấy ra chơi.
- Lúc này anh có nhiều công tác. Thôi để chiều mai anh ra thăm me.
Soun chợt mỉm cười, sôi nổi:
- Me nói boòng Huy thích ăn "samlo mchu" trái cà săng nấu với cá lóc. Chiều mai, boòng Huy ra chơi ăn cơm luôn nhé, Soun sẽ nấu canh cho boòng Huy.
Huy xúc động, anh làm vẻ thản nhiên:
- Ừ, Soun nấu canh thì chắc là ngon lắm. Lâu rồi chưa ngồi ăn cơm với me và Soun, nhớ samlo mchu quá.
Soun lại quay về với vẻ rụt rè. Lòng cô từ lâu đã không còn sự hồn nhiên thanh thản nữa. Nó cứ như mặt hồ lộng gió, mãi gợn những vòng sóng nhỏ. Có lúc là những êm ái ngọt ngào khôn xiết, có lúc lại là nỗi lo âu, sợ hãi mơ hồ. Boòng Huy như là cơn gió lạ phương xa chợt đến, phá tan hồn nhiên yên tĩnh lòng cô. Chiều chiều Soun thường ra thơ thẩn giữa lùm cây dại ven chùa, nơi có chiếc hồ sen. Có khi cô đi lang thang ra mãi tận con suối xa dưới chân đồi. Cô thích hái mấy cánh hoa dại cài lên mái tóc, rồi náo nức nhìn bóng mình trên mặt nước biếc xanh. Dưới lòng nước trong vắt lung linh, một cô bé xinh xắn đang nhìn cô như dò hỏi. Thật sự mày có xinh không vậy? Mày cười sao mà ngớ ngẩn quá đi thôi! Boòng Huy có thích nụ cười ngớ ngẩn của mày không, con nhỏ dưới kia? Ừ phải, chắc là boòng Huy có thích, boòng Huy hay cười và hay nhìn mày lắm... Mày thương boòng Huy rồi đó, Soun ơi! Nhưng boòng Huy có thương mày đâu, anh hay ghẹo cho mày mắc cở chết người, trêu cho mày lúng túng chân tay rồi cười vang thích chí... Mà sao lời nào của anh với mày cũng ngọt cũng hay, cũng làm mày nhớ in vào đầu vậy hở?... Soun ngồi mơ màng suốt những buổi chiều như vậy. Cô nói chuyện với chính mình. Tự hỏi rồi tự trả lời. Rồi nói với cây cỏ, với con suối, chiếc hồ. Trong lòng cô, chúng thân thiện, hiền hòa và đầy cảm thông như những người bạn thiết.
Với cô, và những bạn bè cùng lứa tuổi, mấy boòng coong tóp Việt Nam sao thật dễ mến dễ gần. Họ nói tiếng Khmer ngọng ngịu, líu lô chẳng đâu vào đâu cả, nhưng họ nói nhiều điều mới lạ. Những cách diễn tả lạ lùng của họ đầy màu sắc, âm thanh. Soun và mấy bạn nghe những câu chuyện của họ một cách say sưa, và trong óc các cô tràn ngập những hình ảnh xa xôi, lạ lẫm. Soun hay hình dung ra cảnh tượng những "phum" ở các thành phố Việt Nam. Ở đó có nhiều ngôi nhà cao vút gấp mấy mái chùa, trông như một cái hộp dựng đứng lên, nằm bên nhau san sát. Mỗi " phum" có rất nhiều người, đông bằng dân cả mấy "khum", sống trong một diện tích nhỏ xíu bằng nửa phum Chan Ðai này. Ở đó có những con đường thật rộng và đẹp, hai bên lề trồng những cây cao. Ban đêm đèn đuốc sáng trưng, rực rỡ muôn màu, sáng hơn cả đêm rằm. Soun đã có dịp xem những ảnh chụp cảnh Phnom Penh in trong sách, lời họ kể nghe tương tự như trong những bức ảnh in đó. Vậy Việt Nam cũng giống như Campuchia thôi. Nhưng giống ở các thành phố lớn, còn ở đây, nơi "s re s rok" này, chỉ có những túp nhà sàn mái tranh thấp bé, những con đường đất nắng bụi mưa bùn, những ngọn đồi cánh rừng hoang vu vắng lặng. Từ nhỏ đến giờ, và có lẽ đến tận lúc chết đi, cô và các bạn cũng không bước chân ra xa hơn cái chợ huyện nghèo nàn, hiu hắt. Và những câu chuyện của mấy coong tóp Việt Nam đã mang vào giấc mơ nhỏ đêm đêm của các cô gái quê mùa những hương sắc kỳ diệu lạ lùng. Họ gây cho các cô nhiều ngạc nhiên, làm các cô thêm tò mò, thắc mắc. Cùng với những câu chuyện kể, họ trở nên bí ẩn và thu hút lạ lùng. Tự nhiên, họ vượt hơn hẳn cánh thanh niên phum làng về mọi mặt. Trai làng quá quen thuộc, quá bình thường, họ cũng chỉ có kiến thức, tầm nhìn nhỏ bé ít ỏi như Soun và các bạn. Có lẽ vì vậy mà đa số các cô đều ao ước có một người yêu là coong tóp Việt Nam. Ðã có nhiều lời kể không hay về những mối tình này: chàng trai về nước không bao giờ quay lại, và cô gái một mình nuôi con. Thường là như thế. Nhưng vẫn có những ngoại lệ khác ít hơn. Soun biết một chị trên chợ huyện, chị đã cưới một người coong tóp, và anh ta đã ở lại không về. Hai người ra chợ Xi xô phôn buôn bán và trở nên giàu có. Vậy thì đâu phải mối tình nào cũng đều là đau khổ. Vả lại, khi cái bụng thương rồi, ngại gì những điều trắc trở. Khi gặp boòng Huy lần đầu, Soun đã thấy lòng mình khác lạ. Và dần dần, cô hiểu mình đã thật sự yêu thương. Không phải là cô muốn vậy, cô cũng rất sợ hãi, lo âu. Nhưng tình yêu lớn quá, mạnh quá, nó chiếm lấy cô, xô đẩy cuốn hút cô không còn phương lẫn tránh.
Soun chợt giật mình, thoát khỏi những ý nghĩ miên man khi nghe Huy hỏi:
- Soun nghĩ gì mà buồn vậy?
- Dạ... - Soun lắc đầu luống cuống.
- Soun này, Huy mang hình buk me và mấy em của anh cho Soun xem nhé. Me anh vừa gửi cho anh đó.
Soun gật đầu, đôi mắt sáng lên.
- Dạ, boòng Huy lấy đi, Soun muốn xem lắm.
Ngoài sân, bóng chiều đã nhạt nhòa sắp nhường chỗ cho đêm tới. Huy thắp ngọn đèn để trên bàn, rồi tới đầu chiếc chõng mở ba lô ra. Anh quay lại, đưa cho Soun tấm ảnh chụp cả gia đình má anh vừa gửi sang hồi đầu tháng. Trong ảnh, nom ba má Huy đã già đi nhiều, và gầy ốm hơn lúc trước. Mấy đứa em đứng thành một vòng cung sau lưng hai ông bà, đứa nào cũng cố nặn một nụ cười trông thật ngộ. Soun nhích tới gần chiếc đèn, cúi đầu nhìn thật kỷ từng người một. Cứ mỗi lần nhìn xong một người, cô lại tíu tít bình phẩm hoặc hỏi Huy:
- Me boòng Huy ốm quá, ốm hơn cả me Soun...
- Buk boòng Huy có khó không, lúc boòng Huy còn nhỏ có hay bị ông đánh đòn không?
- Em gái kế của boòng Huy là người này phải không? Ðẹp quá!...
- Nhà boòng Huy cũng đông người lắm. Một, hai.....tám người, nếu boòng Huy mà về nữa là có tới chín người. Chắc là vui lắm. Chẳng như nhà Soun, chỉ có me và Soun, buồn ơi là buồn...
Huy vừa mỉm cười trả lời Soun, vừa thân ái nhìn cô. Nét mặt Soun lúc này trông thật ngây thơ, trong sáng. Ðôi mắt cô lúc lúc lại chớp nhẹ, mái đầu nghiêng nghiêng và hàng mi dài rợp bóng bên ánh đèn trông càng đẹp lạ lùng.
Soun nhìn xuống tấm ảnh thêm lần nữa rồi trao lại cho Huy. Cô nhìn quanh quẩn, ánh mắt cô chợt bắt gặp cây đèn dầu đang cháy trên bàn. Ðó là một cây đèn dã chiến, làm bằng một chiếc lọ thủy tinh đựng thuốc. Soun cười khúc khích:
- Ồ, cây đèn ngộ quá! Ai làm vậy hả boòng?
- Anh làm đó.
- Boòng Huy khéo quá, làm được cây đèn thật đẹp.
- Ðể hôm nào rảnh, anh sẽ làm cho Soun một cái, chịu không.
- Chịu chứ, Soun thích lắm đó - Cô mỉm cười.
Ngồi một lúc nữa, Soun nhìn ra sân rồi hốt hoảng kêu lên:
- Trời ơi, tối mất rồi. Soun phải về thôi boòng Huy.
- Cứ ngồi chơi thêm tí đi Soun. Sa Piên còn nói chuyện nhiều với anh Lý mà.
- Không được đâu. Ðể Soun gọi Sa Piên.
Soun đứng lên, bước ra cửa. Trong bóng tối nhòa nhòa ở góc sân, dưới táng xoài, hình dáng Sa Piên và Lý nổi lên thành một nét tạc đen sẫm. Soun kêu khẽ:
- Về thôi boòng Sa Piên, tối lắm rồi.
Hai người đằng kia đứng lên. Họ vẫn còn lưu luyến chưa muốn rời nhau, bốn bàn tay đan vào nhau tha thiết. Vài phút sau, họ bước tới gần Soun. Sa Piên quay về phía Huy khi ấy đang đứng dựa vào khung cửa lóng ngóng nhìn ra, cô nói:
- Chúng tôi về nghe Huy.
Cô quay lại nhìn Lý gật đầu, rồi quay lưng nắm tay Soun bước theo lối mòn chỉ còn hiện lên một vệt xám mờ trong bóng tối. Lý bước tới bên Huy, nét mặt trầm ngâm. Huy hỏi:
- Mai anh mấy giờ anh lên tập trung ở E?
- Tám giờ có mặt.
- Anh cố gắng qua sớm nghe. Sa Piên không có anh buồn lắm đó.
Lý im lìm không nói, anh đặt tay lên vai Huy bóp nhẹ một cái, rồi quay gót đi về phía nhà A đại liên.
--------------------------------
1 Cha Hô
2 Cậu Huy
Mùa Xa Nhà Mùa Xa Nhà - Nguyễn Thành Nhân Mùa Xa Nhà