Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hoàng Cường
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Duc Pham
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1088 / 52
Cập nhật: 2015-11-16 14:40:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hemban là người may mắn. Ở làng biển này, không ai đánh được mẻ nào bằng mẻ cá của ông. Cá ông đánh được thường nhiều gấp đôi người khác. Ông đã thả lưới là không bao giờ thả sai. Đó là một chuyện kỳ lạ.
Đến tối, lúc Chemban đếm tiền, Chakki thường bảo:
- Bây giờ ta phải cho con gái đi ở riêng thôi.
Chemban không bao gờ trả lời thẳng vào câu chuyện. Chakki hỏi tiếp:
- Ông nghĩ thế nào. Không thể để nó cứ lẳng nhẳng mãi thế này.
Chemban vẫn lặng thinh. Chừng nào ông còn kiếm được nhiều tiền thì chuyện đó đối với ông không phải là vấn đề gì lớn. Khi ông muốn, khắc ông sẽ giải quyết xong.
Chemban đã mua được mọi thứ cần thiết cho một chiếc thuyền. Bây giờ ông có thể đi biển vào bất kỳ mùa nào.
Nhà sấy cá của Parikutti hầu như đóng cửa. Anh chẳng có việc gì đáng gọi là việc. Anh không còn đồng nào. Apđula cha anh đến rầy la anh về công việc làm ăn. Ông bảo là Parikutti đã đem hết tiền cho một người con gái dân chài ngoài biển. Karuthamma nghe lỏm được những lời buộc tội ấy.
Cô giục mẹ trả nợ cho Parikutti. Cô kể cho mẹ nghe những gì Apđula đã nói với con trai. Còn gì nhục nhã hơn? Sự thật chẳng phải là Parikutti đã đem hết vốn liếng cho một người con gái dân chài đấy ư?
- Ta sẽ trả hết, hẵng đợi đấy. - Đó là câu trả lời của Chemban khi Chakki đả động đến.
Sau đó, Chemban bắt đầu những kế hoạch còn đồ sộ hơn nữa. Ông phải có hai bộ thuyền lưới. Ông phải có đất có nhà. Ông phải có tiền trong tay.
- Với lại, chả lẽ người ta cứ phải quần quật suốt đời à? Rồi có lúc phải nghỉ ngơi và hưởng lạc như Panlikunnat ấy chứ? - Chemban nói.
Ông quyết làm cho vợ mình béo ra một chút.
- Ừ phải đấy. Ông cho rằng bây giờ tôi sẽ béo ra à? - Chakki nói mỉa.
- Kệ thây mọi chuyện. Bà nó sẽ béo ra cho mà xem!
Trước kia, chưa bao giờ nghe thấy Chemban nói đến điều hưởng lạc. Nay ông đã nhiễm một quan niệm sống khác mất rồi. Bà hỏi:
- Ờ, ông sẽ hưởng lạc thế nào khi ông về già? Ông học được ở đâu thế? Hẳn đã học lỏm được ở một nơi nào đó thôi.
- Tất nhiên, người ta có thể chơi bời ngay cả lúc vè già. Đi mà xem Panlikunnat. Giá mà bà được thấy ông ta hưởng cuộc sống như thế nào. Tôi xin nói để bà biết, bà vợ ông ta là Pappikunju cũng trạc tuổi bà. Nhưng bà ta còn đẹp người lắm. Giá mà bà nhìn thấy bà ta với mái tóc chải ngược gọn gàng, đôi môi đỏ chon chót và dấu đẳng cấp trên trán. Nhìn bà ta thật sướng mắt như ngắm vàng mười ấy chứ! Người dân chài ấy với bà vợ thật cứ như một cặp vợ chồng son.
- Vậy tôi phải ăn mặc như một đứa con gái hay sao? - Chakki hỏi.
- Sao không?
- Ông không thấy ngượng à?
- Có gì mà phải ngượng?
- Không, tôi không thể làm như thế được. - Chakki ngượng nghịu nói.
Chemban tả lại cảnh sinh hoạt của gia đình Kandankoran:
- Để tôi kể cho bà nghe chuyện này nhé. Một hôm, sang bên ấy, tôi thấy họ trong vòng tay nhau âu yếm nhau hệt một cặp vợ chồng trẻ. Tôi đâm ra lúng túng.
- Thật là dơ! - Chakki nói.
- Có gì mà dơ? Hai vợ chồng họ sống như bọn trai trẻ, cười đùa suốt ngày.
- Vợ chồng họ không có con hay sao?
- Có mỗi thằng con trai.
Chemban nhìn vợ, nói:
- Tôi muốn làm bà béo lên một chút như bà vợ Kandankoran ấy, và chúng mình phải đùa giỡn như bọn trẻ ấy chứ.
Thực ra, Chakki cũng mong muốn như thế. Muốn được ôm ghì trong cánh tay của chồng và được âu yếm. Nhưng lẽ nào bà lại nói ra.
- Chính ông cũng cần phải béo ra đôi chút- Bà nói.
- Tôi cũng sẽ chăm lo đến sức khỏe. Nhờ ơn Nữ thần Biển, mọi việc đều sẽ tốt đẹp. Khi ta có đất có nhà rồi,khi ta có thể sống mà không cần làm việc, đúng thế, lúc bấy giờ ta có thể vui chơi như bọn trẻ. Đến lúc ấy ta sẽ gả chồng cho hai đứa con gái.
- Nhưng nhỡ đến lúc ấy tôi chết rồi thì sao?
- Thôi đi, ngốc ạ. Đừng có mà nói gở.
Rồi một hôm biển thay đổi màu sắc. Nước biển đỏ thắm. Người dân chài bảo rằng đó là lúc Nữ thần Biển có kinh. Trong mấy ngày sau thời kỳ này, ngoài biển không có lấy một con cá nào. Sau hai ba ngày nhàn rỗi, Chemban không ngồi yên được nữa. Ông tự hỏi cớ sao không đi ra xa hơn nữa ngoài biển, đi quá chân trời như dân chài thường nói, để tìm cá.
Ông đi gọi người của ông đến thuyền và đem việc này ra bàn. Không một ai muốn trả lời ông. Dân chài ở biển này rất ít khi đi biển vào những ngày như thế. Khi Nữ thần Biển có kinh thì họ không dám ra khơi.
- Nếu các anh không đi tôi sẽ để mặc các anh chết đói. Tôi không thể cưu mang các anh được nữa đâu. - Chemban nói với giọng gay gắt.
Thời kỳ trống rỗng ấy kéo dài ít lâu. Ai nấy dần dần tiêu hết những thứ gì đã dành dụm được. Một vài người đi thử một chuyến nhưng không đánh được con cá nhỏ nào. Những người làm thuê đến quay quả các chủ thuyền, đòi được giúp đỡ và ứng tiền công trước. Nhưng ngay cả chủ thuyền cũng chẳng còn gì.
Achakunju, người đã quyết chí tậu riêng thuyền và lưới, nằm trong số những người quẫn bách nhất, vì ông phải nuôi mấy đứa con.
Rồi một hôm trong nhà ông chẳng còn gì nữa. Hôm trước, có con cá nhép hoặc mẩu cá khô nào, ông đã vét sạch cả rồi. Hai vợ chồng bắt đầu cãi nhau. Achakunju nổi sung lên với người vợ khó bảo, đánh vợ hai cái tát rồi bỏ đi. Bà vợ phải ở lại gánh lấy bọn trẻ. Bà đâu có thể bỏ nhà đi được?
Nanlapennu rủa chồng:
- Ông bỏ nhà đi chỉ cốt đến quán trà nốc đầy bụng chứ gì?
Bà đợi chồng đến tận tối mịt mà không thấy về. Sau cùng, bà phải vớ lấy mấy cái cốc đồng sang nhà Chakki. Bà bảo bà muốn đem cầm mấy cái cốc đó cho Chakki hoặc bán lấy một rupi. Chakki lấy mấy cái cốc và đưa cho Nanlapennu một rupi.
Laksmi nghe thấy thế bèn cầm đôi hoa tai của con chạy sang. Những người đàn bà khác cũng mang của cải nhà mình đến. Chakki bắt đầu thấy ngại. Bà làm gì có tiền mà phân phát như vậy. Nhưng sẽ chẳng có ai tin nếu bà nói bà chẳng có tiền. Kalikunju làm lụng vất vả dành dụm một năm trời mới mua nổi cái bát đồng, bây giờ cũng cầm sang nhà Chakki.
- Nếu các bà kéo cả đến thế này thì tôi biết làm sao? Tôi không còn đồng nào chôn giấu đâu. Chakki nói với người mới tới.
Kalikunju phải sang vì con cái đang đói lả. Bà không ngờ phải nghe những lời từ chối hoặc cách đối xử như thế của Chakki.
- Ai cũng muốn Chemban có tiền. Nhưng khi ông ấy gặp chuyện lôi thôi thì mọi người bỏ mặc. - Chakki bảo.
- Chúng tôi làm gì không phải? - Kalikunju hỏi.
- Ừ, thì không làm gì! Nhưng nhà tôi không còn đồng nào nữa.
- Ai lại chị nói như thể không quen biết tôi thế?
- Còn chị thì làm gì xấc lấc thế?
Và thế là bắt đầu cuộc cãi lộn. Karuthamma xen vào giải hòa. Cô sợ rằng nếu xảy ra cãi nhau thực sự thì chuyện cô có thể bị khơi lên. Karuthamma sờ tay vào chân Kalikunju xin bà đừng nói nữa. Thất vọng Kalikunju cầm cái bát đồng ra về.
- Sao mẹ lại thế? Mẹ quẩn trí rồi ư? - Karuthamma hỏi.
- Chứ không à?
- Từ ngày nhà ta tậu được thuyền và lưới, cả bố lẫn mẹ thành người khác ấy.
Tối hôm ấy, lúc Chemban ăn tối, Chakki kể cho chồng nghe chuyện trong làng và chuyện dân chài đói ăn. Ở các nhà không có một bếp nào nhóm lửa.
- Cứ để chúng chết đói! Cứ để cho tất cả bọn chúng nó chết đói! - Chemban nói.
Karuthamma bàng hoàng
- Cứ để chúng chịu khổ. Có thế chúng mới hiểu - Chemban nói tiếp.
Karuthamma không hiểu nổi ý bố định nói gì. Lúc ấy cô thấy căm ghét bố.
- Hiểu cái gì? - Chakki hỏi.
- Mặc cho chúng nó khổ! Hễ kiếm được dồng tiền là chúng lại nhảy nhót đùa giỡn. Lại đi ăn tiêu bừa phứa. Vợ ở nhà thì không có cái che thân, nhưng cứ có tiền trong tay là y như rằng chúng lại vác về những thứ quần áo sang trọng. Những lúc ấy chân chúng không dẫm lên đất đâu. Thế thì bây giờ cứ để mặc chúng ngồi đếm sao trên trời.
- Người dân chài không cần dành dụm. - Chakki nói lên một chân lý lâu đời.
- Đã thế, cứ mặc chúng không dành dụm, để rồi phải chịu cái cảnh ấy. Đi dạy cả đứa con gái bé cái điều đó nữa, để rồi nó cũng chết đói luôn thể.
- Ông là người khôn, đã hẳn rồi. - Chakki mỉm cười nói.
- Đúng, tôi khôn chứ. Tôi có tiền mà.
- Đừng nói với tôi câu ấy thì hơn - Chakki lại bảo - thằng bé Parikutti đã phải đóng cửa nhà sấy cá của nó rồi. Còn con gái mình đang tuổi xuân thì không có chồng.
Karuthamma muốn nói thêm: “Cả Parikuttti nữa, cũng đáng để cho nó chết đói, có phải không bố?”
Đận khó khăn trong làng kéo dài, Chemban và Chakki vơ vét được nhiều thứ lặt vặt với giá hời: nồi đồng, chảo gang, cả một ít vàng nữa. Thật là tiện cho Karuthamma khi lấy chồng. Một hôm Chakki mua được một chiếc giường rất đẹp. Chồng về, bà kể với chồng, mỉm cười then thẹn.
- Tôi mua được cái giường
- Thế à, mua làm gì? Thế ai ngủ giường ấy?
- Khi nào nhà ta có rể thì cho chúng nó.
- Thế ư?
- Chứ còn ai vào đấy. Đâu phải để cho ông già bà cả nằm.
- Hay lắm, thế thì tôi phải kiếm một cái đệm thật đẹp cho tôi đúng như cái đệm tôi thấy ở nhà Kandankoran. - Chemban nói như thật.
- Vậy ông phải có một bà vợ như hệt vợ ông ta để ngủ chung. - Chakki bảo.
- Tôi sẽ làm cho bà giống như bà ta.
Một hôm, Chemban ngủ dậy đã thấy Ramankunju cũng là một chủ thuyền trong làng. Ông có hai chiếc thuyền. Nhưng tài sản của ông đã bị cầm cố hết cả. Chính Chemban cũng từng đã có thời gian làm cho thuyền của Ramankunju.
Bây giờ, ông ta cần một ít tiền để trợ giúp cho những người làm của mình hiện không còn gì nuôi miệng. Ông đã nợ Uxep nên không muốn hỏi vay hắn thêm.
- Những người làm cho chúng tôi và trông cậy ở chúng tôi hiện không còn gì ăn. Mà thời gian này không kiếm được gì ở biển. Tôi làm sao có thể ngồi yên nhìn cảnh đó. - Ramankunju nói.
Chemban nhận là phải.
- Đúng rồi, cảnh ấy không vừa mắt một chủ thuyền cỡ như ông. Và không mảy may do dự, Chemban bằng lòng cho Ramankunju vay.
- Ông cần bao nhiêu?
- Một trăm năm mươi rupi là đủ.
Chemban đếm tiền đưa cho Ramankunju.
- Ông không trợ giúp cho người làm của ông đồng nào à?
Chemban gãi đầu nói:
- Tôi trợ giúp thế nào được? Tôi cũng là một người chân lấm tay bùn. Con sóc làm sao há miệng rộng bằng con voi được?
Ramankunju về rồi, Chemban vào gặp vợ cười ha hả như người mất trí. Bà vợ chưa bao giờ thấy chồng hớn hở mừng rơn như vậy.
- Chuyện gì thế? Ông điên à? - Chakki hỏi.
- Này, bà nó biết không, bà nó ơi, chiếc thuyền khốn khổ của lão ta nội trong sáu tháng nữa sẽ về tay ta. Có tiền trong tay lợi như thế đó.
Khi những người làm của Chemban đến nài nỉ ông trợ giúp cho họ một ít tiền thì ông hỏi lại:
- Các anh có sẵn sàng bắt tay vào việc không?
Họ trả lời sẵn sàng.
- Vậy chúng ta đi một chuyến thật xa ngoài khơi tìm cá.
- Đi thế nào được, đi thật xa ngoài khơi vào lúc thời tiết như thế này ấy à? - Họ hỏi.
Chemban mở ra một mưu khác đã tính sẵn: Ông sẽ nhận người khác vào làm. Thế là ông sẽ bắt được chính những người đó sẽ vào làm cho ông. Ông bảo:
- Tôi có thuyền và ngư cụ. Tôi không thể để thuyền nằm rỗi được. Để không như thế là mất khối tiền.
Hai ba hôm sau, lúc tờ mờ sáng, Chakki và Karutahmma thấy chiếc thuyền băng băng ra tít ngoài khơi về phía tây. Đến lúc ấy hai mẹ con mới biết chuyện. Hôm đó đàn bà và trẻ con khoảng mười ba gia đình kéo nhau ra tận mé nước ngóng chờ. Họ đứng ngồi lo lắng và cầu nguyện. Mấy người già nhìn ra biển bảo rằng con nước hôm nay trông có vẻ hung dữ lắm. Họ cho rằng ngoài khơi có những xoáy nước ác hiểm.
Chiều đến thuyền vẫn chưa về. Ngoài bãi có tiếng khóc thút thít, nức nở. Đến tối thì cả làng đổ hết ra bãi. Ai cũng ngóng mắt về phía tây, phía biển cả.
Trời lặng gió và không gợn một vệt mây. Sao đêm lấp lánh. Biển êm ả. Có người bảo có một cái chấm đen xa tít trên mặt biển. Chấm đen ấy rất có thể là thuyền. Nhưng không phải. Không có dấu hiệu gì về con thuyền.
Bà mẹ già anh đánh cá Kochan lấy tay đám ngực đòi Chakki trả lại con trai bà. Người vợ trẻ anh đánh cá Vava tay ẵm đứa con nhỏ, không trách móc ai cả. chị chỉ sụt sùi khóc. Ngoài bãi biển là một thảm cảnh. Gần nửa đêm bỗng có tiếng reo:
- Thuyền về! - Có tiếng ai đó hét lên.
Chiếc thuyền phóng mình lao vào bờ như một con chim. Trong khoang thuyền có một con cá mập. Họ đánh được hai con nhưng chỉ đem về được một.
Chemban chặt cá thành từng khoanh chia cho đám phụ nữ đem vào nội địa bán. Ông bảo họ bán xong rồi trả tiền ông sau cũng được. Kalikunju và Laksmi và mấy người phụ nữ khác cũng có phần. Thế là đêm đó nhiều nhà có ngọn lửa trong bếp.
Hai hôm sau, họ lại ra thẳng ngoài khơi. Hôm ấy, Chemban cũng lại đắc thắng trở về. Ngay cả những lúc biển tưởng như cằn cỗi, Chemban vẫn kiếm được tiền. Các bô lão trong làng thua cuộc, phải im miệng. Đàn bà các nhà thì nói là nhờ có Chemban họ mới có cái ăn.
Một vài chủ thuyền khác cũng đánh thuyền ra ngoài đường chân trời.
Sau đận khó khăn này, mọi người mong mỏi rồi sẽ đến những ngày tươi sáng biển đầy tôm. Năm ngoái, mùa tôm đổ về mé bắc Alaypay. Vì vậy năm nay thế nào mùa tôm cũng đổ về làng biển Niakunam này. Bất luận thế nào họ cũng phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để khỏi lỡ dịp may. Thuyền và lưới phải được sửa chữa, đắp vá sắp xếp cho gọn gàn ngăn nắp.
Uxep va Govidan, hai tay cho vay lãi, kéo nhau ra bãi biển, túi căng phồng. Ai nấy đều cần tiền. Chúng ra điều kiện thế nào, người dân chài cũng phải nghe. Những lái buôn có nhà sấy cá riêng giao kết với những nhà buôn cá lớn ở Alaypay, Kilon và Kochin hoặc các đại lý của cá nhà buôn ấy. Trong cả nhà, chẳng mấy chốc đã thấy xuất hiện dồi dào những đồng tiền vay mượn.
Lại còn có những người buôn bán nhỏ đến từng nhà cho đàn bà con gái vay tiền. Họ ứng trước tiền cho chỗ cá sẽ được phơi khô đóng gói sau. Mộ tay lái buôn trẻ bị một anh đánh cá đâm cho một mũi dao ngay trong nhà vì ghẹo vợ người ta.
Chemban thỉnh thoảng gặp Ramankunju. Ông này sợ Chemban đòi nợ. Nhưng Chemban không những không đòi mà còn cho ông ta vay thêm nếu cần.
Parikutti không chuẩn bị gì cho mùa tôm. Cha anh đã bắt anh đóng cửa nhà sấy. Apđula bảo Parikutti phải đi nơi khác làm nghề khác, nhưng Parikutti không chịu rời làng biển.
Apđula kinh ngạc hỏi:
- Cớ làm sao?
- Thưa cha, cha đã đem con đến làng này và để con ở lại đây làm nghề buôn bán cá từ lúc con còn nhỏ. Nay con không biết một nghề nào khác. - Parikutti nói.
- Mày làm thế nào mà phung phí hết cả tiền?
Buộc phải trả lời cha, anh nói:
- Thưa cha, buôn bán có khi lãi khi lỗ. Đôi khi ngay cha cũng mất hết cả vốn kia mà.
- Nếu mày thua lỗ thêm thì sao?
- Con chỉ xin cái phần cha coi là con có quyền được cha cho. Con không cần cha cho con gì thêm.
- Tao chẳng còn gì đáng giá để cho mày nữa!
Apdula có nhiều điều phải lo tính. Trước kia ông giàu có, nhưng nay đã mất sạch. Ông có một cô con gái phải lấy chồng. Apđula kể ra hết cảnh ngộ gia đình. Dẫu vậy, Parikutti vẫn không chịu thay đổi ý kiến.
Karuthamma để ý thấy Parikutti không chuẩn bị gì cho muà tôm. Anh không thuê người cọ rửa nồi luộc tôm. Anh không đi mua chiếu xơ dừa để phơi cá và sọt đựng cá. Cô nhắc mẹ là đã đến lúc trả nợ Parikutti. Nếu nhà cô biết ơn về sự giúp đỡ của anh thì món nợ ấy lẽ ra phải được trả rồi.
Chakki cự nự chồng, nhưng không những không được việc mà còn làm Chemban nổi nóng. Thấy vậy, Karuthamma biết chắc là bố sẽ không bao giờ hoàn lại tiền cho Parikutti. Cô nói với mẹ:
- Con sợ con sẽ không chịu nổi gánh nặng này.
Mẹ cô không hiểu ra ngay, mãi sau bà mới hỏi:
- Con bảo gánh nặng gì cơ?
Karuthamma òa khóc. Chakki an ủi cô. Nhưng Karuthamma không thôi.
- Con sẽ nói hết với bố, nói hết.... đến khi ấy con biết là bố sẽ tìm ra tiền.
Chakki kinh hãi:
- Đừng nói gì cả con!
Nếu Chemban cũng biết chuyện này như Chakki thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chakki không tưởng tượng nổi. Nghe Karuthamma nói, bà hiểu ra rằng còn có những điều bà chưa biết.
Mùa Tôm Mùa Tôm - Thakazhi Sinvasankara Pillai Mùa Tôm