Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 85
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
Ðêm hôm qua, ở nhà Ngữ, Quỳnh Như thức quá khuya nên buổi sáng về lại khu nội trú, nàng ngủ cho đến 12 giờ trưa. Nàng đã thủ sẵn một số thức ăn Tết cần thiết cho ngày đầu năm, vì hôm đó nhà bếp khu nội trú không nấu nướng gì. Bà Văn nài nỉ Quỳnh Như ở lại ăn Tết với mình không được, lấy bọc giấy bới cho nàng hai cái bánh chưng, một lọ dưa kiệu, một hộp mứt đủ loại và một xâu nem tré. Nam “biểu diễn” vai trò chị dâu bằng cách lì xì cho Quỳnh Như 500 đồng. Quỳnh Như không nhận, Nam phải nói:
- Em không nhận, chị giận đấy. Hoặc là em nhận tiền lì xì, hoặc là em ở lại đây ăn Tết với cháu Thúy.
Quỳnh Như đành chọn giải pháp thứ nhất. Cho đến lúc này, nàng vẫn còn sợ phải chứng kiến cảnh đoàn tụ của gia đình người khác.
Một giờ chiều hôm Ba mươi, Dale lại tới. Lần này không đi một mình, mà có dẫn theo một thanh niên Mỹ khác trạc tuổi Dale, nhưng cao lớn và râu tóc để dài như dân hippies. Quỳnh Như khó chịu vì cho việc thăm viếng bất ngờ ấy đường đột, quá mức cần thiết, lại không hợp cảnh. Nàng chỉ muốn được yên để nằm một mình thấm thía nỗi cô đơn. Ðó là chưa kể kỷ luật chặt chẽ của khu nội trú trong vấn đề tiếp khách thăm viếng. May cho Quỳnh Như là soeur Christine biết Dale lo vé máy bay cho Quỳnh Như, nên vẫn cho phép hai người Mỹ vào thăm, vẫn vui vẻ đi gọi Quỳnh Như và sau đó, sẵn sàng cho phép nàng hướng dẫn ông bạn Dale đi thăm các nơi cần thăm của cố đô.
Dale giới thiệu Bob Newsman là bạn học cũ đang làm phóng viên chiến trường Việt Nam cho tờ Houston Post, vừa từ mặt trận Khe sanh về Huế trong thời gian hai bên Bắc Việt – Việt nam Cộng hòa đồng ý hưu chiến, từ Ba mươi Âm lịch đến mồng Hai Tết. Bob định viết một bài phóng sự Tết hậu phương để thay đổi món ăn máu lửa độc giả Houston đã quá nhàm, nên ghé Huế nhờ Dale giúp. Dale còn mù mờ về phong tục Việt Nam, liền nghĩ đến Quỳnh Như, cô học trò tinh nghịch và bạo dạn.
Cả ba kéo nhau ra chiếc xe Jeep dân sự Bob thuê bao để hành nghề. Quỳnh Như mặc chiếc áo dài mầu hồng, khoác thêm cái áo len tím, mang cái xắc da có quai dài quàng được lên vai. Trông nàng vừa tha thướt vừa linh hoạt, nên Bob xin chụp một tấm hình để gửi đăng trên báo bên Mỹ. Quỳnh Như từ chối, bảo đi với hai người ngoại quốc giữa thành phố cổ kính bảo thủ này đã là một sự quá đáng rồi. Bob gật gù thông cảm, tuy không giấu được sự thất vọng hụt hẫng.
Bù lại, Bob đề nghị mời Quỳnh Như đi ăn trước khi “làm việc”. Quỳnh Như đưa đề nghị nên đi ăn cơm ở quán Âm phủ để biết các món đặc biệt Huế. Hai người Mỹ đồng ý ngay. Nhưng quán Âm Phủ đóng cửa để chuẩn bị cúng giao thừa. Họ tìm một quán Huế khác, rồi quán khác nữa. Ở đâu quán cũng kín cửa, có nơi chủ quán vừa dọn dẹp bàn ghế và đang chùi rửa nhà cửa để đón xuân. Cuối cùng họ chỉ tìm được một hiệu ăn Tàu ở gần cửa Thượng tứ. Quỳnh Như gọi cho cả ba ba tô hoành thánh. Thịt làm nhân miếng hoành thánh có lẽ để trong tủ lạnh lâu ngày nên nhạt nhẽo và có mùi khai. Nước lèo trong vắt, lại quá mặn. Dường như tới lúc này, vào buổi chiều cuối năm, không ai còn tha thiết buôn bán gì nữa. Chủ hiệu ăn, và cả mấy người bồi bàn, trông thấy khách ngoại quốc vào mà không sáng mắt niềm nở. Bob và Dale lạ miệng nức nở khen ngon. Quỳnh Như im lặng, không nỡ trách móc hoặc làm thất vọng bất cứ ai, rán ăn cho hết tô hoành thánh nhưng nuốt không nổi.
Ở hiệu ăn ra, họ vào thăm Ðại nội. Ở đâu cũng kín cửa, nên Bob chỉ chụp được tiền diện điện Thái hòa, mấy khẩu súng thần công và Kỳ đài. Nàng thuận để cho Bob chụp hình ở Kỳ đài. Bob mừng rỡ nằm dài xuống nền gạch bát tràng giơ máy ảnh chụp toàn thân Quỳnh Như, hậu cảnh là cả cột cờ cao vút trên không trung. Chụp xong, Bob phủi bụi và rác bám trên vạt áo khoác, bảo Quỳnh Như:
- Cảm ơn cô. Có được tấm ảnh này, độc giả Mỹ đỡ có ác cảm về phụ nữ Việt Nam.
Quỳnh Như hỏi:
- Vì sao vậy?
- Vì hàng ngày, trên khung truyền hình cũng như trên trang nhất báo Mỹ, người Mỹ bên nhà chỉ thấy những phụ nữ Việt nam mặc mini-jupe bỡn cợt chài mồi các cậu G.I. để xin uống “Saigon tea”. Cũng vì vậy mà có ông thượng nghị sĩ nước chúng tôi bảo Sài gòn là một ổ điếm. Loạt bài tôi sắp viết sẽ cải chính lại hết.
Quỳnh Như chột dạ khi nghĩ hình ảnh của mình chen lẫn hình ảnh những cô bán bar trên báo Mỹ, nên lo âu hỏi:
- Anh xem qua loa thế này, lấy gì mà viết?
Bob cười, trả lời:
- Cô yên tâm! Tôi đã lấy được nhiều tài liệu. Vả lại phần thăm Huế chỉ là một phần nhỏ trong bài báo. Ðể tôi phỏng vấn thêm mấy quân nhân gác Kỳ đài.
Bob bỏ Dale và Quỳnh Như đến chào hai người lính VNCH đang đứng ở dưới bờ thành, gần trạm canh. Không hiểu Bob nói gì với họ, một lúc sau anh ta quay trở lại, nhờ Quỳnh Như thông dịch giùm cuộc phỏng vấn. Bob hỏi họ tên, tuổi tác của họ, ghi cẩn thận vào cuốn sổ tay. Hỏi cả ngày họ nhập ngũ. Hỏi có bao nhiêu người chịu trách nhiệm canh giữ Kỳ đài. Họ đáp có tất cả năm người, và ba người kia đã về nhà để lo cúng rước ông bà. Bob hỏi họ định đón Giao thừa như thế nào. Người này nhìn người kia, không ai muốn trả lời trước. Cuối cùng họ thú nhận là đến tối họ sẽ bắt thăm xem ai là người rủi ro ở lại trạm canh cho có mặt, người thắng sẽ về nhà đón Giao thừa với vợ con. Có lẽ cho rằng đáp như vậy chưa đủ, người lính đứng tuổi phân bua thêm:
- Cô nói với “nó” là buổi tối kéo cờ xuống, còn cái cột không có gì đâu phải giữ. Chỉ đến sáng mai mồng Một, tất cả phải có mặt vì ông tướng đến chủ tọa lễ thượng kỳ tân niên. Ngày mai sư đoàn trong Mang Cá họ ra đây tổ chức thượng kỳ long trọng lắm. Cô bảo “nó” ngày mai đến, mặc sức mà chụp hình, quay phim.
Vòng về, Quỳnh Như hướng dẫn Dale và Bob chạy xe qua phố cho biết. Phố xá đã thưa thớt, hầu hết cửa hiệu đã đóng cửa. Bob bảo sao giống với nhan đề Street Without Joy, cuốn sách của Bernard Fall. Lần này chính cô thông ngôn tài tử phải phân bua:
- Hôm nay là ngày cuối năm rồi. Chỉ những người vô gia đình như chúng ta đây mới còn chạy lăng quăng ngoài phố. Những người may mắn hơn, thì họ đã về nhà để chuẩn bị đón năm mới.
Tối hôm đó, Bob về nghỉ đêm trong căn phòng chật của Dale. Dale định nhường cái giường bố cho bạn, nhưng Bob bảo mình quen sống dã chiến, chỉ cần trải cái túi ngủ xuống sàn gạch hoa là ngủ được.
Họ uống bia hút thuốc nhắc lại kỷ niệm hồi đi học, rồi lan man bàn về Quỳnh Như. Dale cười, bảo bạn:
- Cô ấy ngổ ngáo nhất lớp. Dám đọc trại tên Dale của tao thành Downtown. Mày thấy cô ấy thế nào?
Bob đáp gọn sau một hơi thuốc lá:
- Ðẹp!
- Chỉ có bấy nhiêu thôi à?
- Chưa đủ sao?
- Chưa! Mày chưa thấy hết vẻ tuyệt diệu của cô ấy. Cả cái tên Quỳnh Như nữa. Mày không thể hiểu được đâu.
- Quỳnh Như, nghĩa là gì vậy?
- Nghĩa đen là “Giống như một loại ngọc quí”. Tao nghe một sinh viên giải thích thêm Quỳnh Như còn là tên người yêu một nhà thơ Việt Nam hồi cuối thế kỷ 18. Chuyện tình của họ đẹp lắm, giống như chuyện Romeo và Juliet.
- Đại khái thế nào?
- Cô ta yêu nhà thơ, nhưng gia đình không chịu. Nhà thơ bỏ đi. Cô ta tự tử chết.
- Thế thì có gì là đẹp. Phí cuộc đời đi!
Dale trách:
- Mày làm báo đâm ra độc ác, lạnh lùng. Hồi đi học, mày khá hơn. Tao nhớ có hồi mày vùi đầu làm thơ, làm bà cụ lo sốt vó, phải nhờ ông mục sư khuyên răn mày.
Bob mỉm cười mơ màng, lon bia uống dở vẫn cầm ở tay phải. Một lúc, Bob nói:
- Nhưng làm báo cũng có cái hay. Ði nhiều, cuộc đời rộng thêm ra. Mình nhìn cuộc đời được nhiều mặt. Chiều nay tao đi thăm thành quách vua chúa với một người đẹp bản xứ. Buổi sáng, tao nhìn một cái xác máu me nhầy nhụa nằm bên vệ đường.
Dale đang ngồi dựa lưng vào cái rương gỗ đánh vet-ni mầu nâu đậm, nghe bạn nói tới đó vội ngồi thẳng dậy, hỏi:
- Tình hình chung vùng này thế nào?
- Bây giờ đang thời gian hưu chiến, tất nhiên là yên tĩnh. Từ 6 giờ chiều nay (Bob nhìn đồng hồ) tức là từ 2 giờ 15 phút trước đây cho tới 6 giờ sáng ngày 31 tháng 1-1968, hai bên không nổ súng. Mấy năm trước nghe nói hai bên có tôn trọng thỏa ước tạm này, vài nơi chỉ có xích mích hoặc chạm súng lẻ tẻ. Năm nay chắc cũng vậy. Nhưng tuần lễ vừa qua, ngoài mặt trận Khe sanh ác liệt lắm. Hôm 21, kho đạn bị pháo kích nổ tan hoang cả! Một làng gần Khe sanh bị địch tràn ngập, phải dùng máy bay di tản dân tị nạn đi chỗ an toàn hơn. Địch đã mở cuộc tấn công đợt hai vào Khe sanh. Chúng muốn biến nơi đó thành một Điện Biên Phủ của người Mỹ. Cho nên sau Tết, bao nhiêu lực lượng địch chắc dồn về đó cả.
Dale lo lắng:
- Liệu có cầm cự được không?
- Chắc không đến nỗi. Hồi trước Pháp khác, họ yếu hơn, thiếu máy bay, thiếu phi pháo hoặc hải pháo yểm trợ. Ðại tá Lownds đã yêu cầu tăng cường cho một tiểu đoàn nữa. Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến của Trung tá Mitchell đã được gửi tới Khe sanh. Phía Việt Nam, tướng Lãm đồng ý gửi tới một tiểu đoàn Biệt động quân, và họ đã ra tới Khe sanh cách đây ba hôm. Bên Thủy quân Lục chiến phải ôm đồm nhiều quá, lính họ mệt nhoài. Ðánh vừa xong chỗ này, chưa kịp thở, đã bị bốc bỏ chỗ khác. Việc không vận cũng chưa được ổn. Nhưng tao hy vọng thời gian hưu chiến đủ để mọi sự ngăn nắp trở lại. Không thể có một Điện Biên Phủ ở Khe sanh đâu!
- Mày sẽ viết như thế trong bài báo?
- Vâng. Mặt trận Khe sanh vẫn yên tĩnh. Huế chiều nay đẹp và thanh bình. Chỉ có nước Mỹ bên kia Thái Bình dương là rối loạn. Và Ðiện Biên Phủ ở bên đó. Không phải ở đây!
Cái nhìn lạc quan của Bob phù hợp với nhận định của các sĩ quan chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam hồi đó. Bằng chứng là hồi cuối tháng Giêng năm 1968, Đại tướng Westmoreland đã gửi chỉ thị mật sau đây cho tất cả các đơn vị quân đội Mỹ để hướng dẫn tường tận những việc phải làm trong thời gian hưu chiến Tết Mậu Thân và sau đó. Nguyên văn chỉ thị mật như sau:
Secret 02698.
Subjet: Operation Hobby Horse (U).
1/ (S) GVN has announced that a 36 hour Tet ceasefire Will be observed during the period 2918000H to 3106OOH Jan. The US Position for Tet has not been formally declared at this time, although it is expected to conform With the GVN position except 14 spekuf N areas. The rules governing military actions during the ceasefire are expected to parallel those established for the new years ceasefire. This information Will be promulgated as received.
2/ (S) Operation Hobby Horse, outlined herein, will be implemented on receipt of this message in order to maximize our tactical potential following the Tet ceasefire at the time carefully selected to coincide With the enemy’s greatest vulnerability. Hobby Horse Will be executed in two phases:
A.Phase one: Effective immediately, commanders Will initiate a comprehensive and intensive intelligence collection effort to identify and pinpoint enemy troop locations, bases and facilities, and loc locations. The intelligence collection program will be stressed in particular during the Tet ceasefire period. This H Q will provide, by separate messages, specific intelligence tasking instructions covering air and ground reconnaissance, and reporting procedures for the period. Concurrent with the development of intelligence information, all commanders (INCL RVNAF and FW) will prepare detailed attack plans and fire plan for all weapons systems including arty, NGF, TACAIR, and ARCC light which will be executed during phase two, Hobby Horse.
B. Phase two: A traditional holiday. Tet is of equal signifiance to both NVN and RVN forces. In the event the enemy honors to any extent the spirit of a Tet ceasefire, a degree of laxity and vulnerability among enemy forces may be expected during and in the short term following Tet. However, within this period it may be anticipated that enemy alertness may reach a peak at the immediate termination of the ceasefire period, with a further relaxation following thereafter if not attacked by fire or manoeuver. Commanders will therefore continue their intensive surveillance to determine the most advantageous time subsequent to the ceasefire period to strike the enemy when he is most vulnerable and least expecting an attack. It is assumed that optimum timing opportunities for initiating these sudden and concentrated offensive strikes will vary by area, and target. The discretion and judgement off the responsible commander will prevail in all instances.
3/ (S) In the past, free world forces have derived no discemible military advantages from holiday ceasefires. It is essential, therefore, that our intelligence capabilities be employed to the limit of the imposed ceasefire constraints during the truce period; and that the full weight of our firepower and maneuver mobility be applied with precision, mass and preemptive suddenness and the point to the greatest enemy vulnerability following the ceasefire.
4/ (S) To be fully effective, Hobby Horse planning must be closely coordinated with RVNAF/FW counterparts…
Mật lệnh ấy chứng tỏ cho đến những ngày cuối tháng 1-1968, những ngày áp Tết Mậu Thân, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt nam vẫn chưa biết là Cộng sản Bắc Việt đã chuẩn bị từ lâu một cuộc tổng tấn công đại qui mô trên khắp bốn vùng chiến thuật, và lần này, đảo ngược với nguyên tắc căn bản của chiến thuật du kích trong chiến tranh nhân dân, giới lãnh đạo Hà nội quyết định đi một nước cờ liều lĩnh, là tấn công thẳng vào các trung tâm đông đúc dân cư, các thành phố và tỉnh lỵ.
Mặc dầu mật lệnh có một vài câu dè dặt cảnh giác, nhưng rõ ràng nhìn chung, Ðại tướng Westmoreland không tiên liệu một cuộc tấn công của Cộng sản trong ba mươi sáu giờ hưu chiến. Ông tin rằng, giống như phe Tự do, Cộng sản Hà nội phải giữ đúng những cam kết mà chính họ thỏa thuận với chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Chưa kể Tết là một ngày lễ thiêng liêng nhất của người Việt Nam. Đại tướng Westmoreland, dù có hiểu biết ít ỏi đến mấy về cách suy nghĩ của Đông phương, cũng biết rằng trong mấy ngày đầu xuân, tất cả tranh chấp đố kỵ giữa người Đông phương với nhau phải tạm gác qua một bên để gượng chúc nhau những lời tốt đẹp. Ông có đủ căn cứ để tin rằng không có những vụ vi phạm hưu chiến nặng nề trong 36 giờ đồng hồ ngắn ngủi. Và với óc nhạy bén của một người chỉ huy cao cấp, ông muốn quân đội Mỹ không bỏ lỡ cơ hội hưu chiến này để thu thập tin tình báo, biết rõ nơi đóng quân, quân số và khả năng của địch, để ngay sau khi chấm dứt hưu chiến, quân đội Mỹ có thể mở những trận tấn công ác liệt và bất ngờ vào những đơn vị cộng sản giữa lúc họ còn lơ là cảnh giác hoặc vì quá cảnh giác đề phòng mà mệt mỏi mất sức chiến đấu. Những gì xảy ra cho thấy tất cả tiên liệu trên dây đều sai lạc. Nhờ thế, Cộng sản Hà nội đã tạo được ưu thế bất ngờ.
Bob qua Việt Nam lần đầu trong khi Dale đã qua cái Tết thứ nhì ở xứ sở xa xôi tao loạn, này, vì vậy, Dale khuyên bạn nên dằn cơn buồn ngủ chờ xem Giao thừa. Dale nói:
- Mày phải quan sát cho được cảnh Giao thừa tại đây. Khắp Miền Nam Việt Nam, Huế là nơi còn giữ được nhiều truyền thống lễ nghi dân tộc nhất. Mày đã ở Sài gòn và đã biết Paris, chắc mày thấy Sài gòn Pháp hóa quá nhiều, mỗi đoạn phố mỗi quán cà phê đều là một thứ phó bản của một góc phố một quán cà phê Pháp. Người Mỹ chúng ta đến, mang thêm vào hằng hà sa số đồ tiêu thụ, nhưng mày có thấy không, trong bản chất, sinh hoạt của Sài gòn vẫn là sinh hoạt Pháp. Ðà nẵng cũng vậy. Các thành phố khác tao chưa biết, nhưng rõ ràng Huế đã giữ được một nét riêng. Một thứ thơ mộng cổ điển pha lẫn nét kiêu hãnh cô đơn. Như một người cao bồi già giận dữ nhìn đàn bò mập mạp bị vây kín lại ở một triền đội trống trải và đang nhai cỏ khô chuyển tới bằng máy. Mày sẽ thấy (hay vì làm báo nên mày sẽ chẳng nhận ra đâu), mày sẽ thấy cách ăn mặc hay cách cúng kính tổ tiên trong đêm Giao thừa của dân Huế có cái gì… có cái gì lỗi thời một cách đáng cảm động. Mày sẽ thấy dường như thời gian ở đây đã dừng lại từ lâu, chiến tranh hoặc các cuộc biến động vừa qua không mảy may ảnh hưởng tới nét lỗi thời này. Dường như chẳng có gì xảy ra cả, súng nổ nhà cháy người chết cách đây vài dặm không ăn nhằm gì. Không phải họ thờ ơ vô trách nhiệm. Nếu như ở Sài gòn, người ta khiêu vũ, ăn diện, tiệc tùng giữa một biển lửa thì mày còn dễ tỏ thái độ. Ðằng này, mày sẽ không hiểu. Mày sẽ không thể xác định thái độ hay cảm nghĩ của mày. Đó là cái huyền bí của Huế đấy!
Bob lấy tay che miệng ngáp, giọng chán nản:
- Mày rắc rối quá. Tính mày xưa kia đâu có vậy. Hay là đã mắc cái bệnh ưa sự phức tạp huyền bí Ðông phương.
Dale cãi lại:.
- Mày chứng kiến tận mắt mới hiểu được điều tao vừa nói. Mấy giờ rồi? 11 giờ 25 phút. Lấy xe lái một vòng xem dân Huế đón giao thừa đi!
Bob buồn ngủ, nhưng chiều bạn, khoác chiếc áo choàng nhà binh bốn túi ra đề máy xe. Dale cũng mặc chiếc áo len đan tay cổ tròn, lên ngồi bên ghế trước. Bob hỏi:
- Mày lái hay tao lái?
Dale nhớ ra, bảo bạn:
- Ðể tao lái cho tiện, vì tao biết đường.
- Thôi được. Tao quên bao thuốc Winston. Chìa khóa phòng đâu? Nhớ cái xe này chân ga khá nhạy, chỉ cần đạp nhẹ thôi đã vọt lắm.
Dale lái xe đưa bạn qua cầu Trường tiền. Phố xá kín cửa. Buồn hiu. Dale lái xe chạy hết đường Trần Hưng Ðạo, rồi đường Huỳnh Thúc Kháng dọc theo bờ sông đào Gia hội, ngược lên Phan Bội Châu. Vẫn là phố kín cửa. Bob chán quá, ngáp dài than phiền.
- Mày hành hạ tao vừa vừa thôi! Người ta đi ngủ cả mày còn bắt tao đi xem mấy dãy phố ma.
Dale cười, nhìn chiếc đồng hồ dạ quang, 11 giờ 40 phút. Dale nói:
- Tao đưa mày đi quanh chờ đúng 12 giờ sẽ chạy qua phố này trở lại. Phải thấy cái tàn của năm cũ như mày vừa thấy, tối tăm, lặng lẽ, và cái mới sắp tới 20 phút nữa đây, mày mới có đề tài viết báo. Khong thôi mày tả đêm Giao thừa Việt Nam mà cứ giống như đêm Giáng Sinh bên Mỹ.
Bob rút thuốc châm lứa hít vài hơi cho đỡ buồn ngủ, rồi hỏi:
- Sao mày không rủ cô bạn gái hồi chiều đi cho vui?
Dale cười, chế giễu bạn:
- Mày tưởng con gái ở đây tự do như con gái Mỹ, muốn “date” với ai, lúc nào cũng được à? Coi kìa, người ta đã bắt đầu chuẩn bị đón Giao thừa. Bàn thờ đón rước vong hồn tổ tiên kê ngay ở sau những cánh cửa hé, mày thấy không? Ðêm nay, những người đã khuất của bao nhiêu đời đời kiếp kiếp trước đều trở về thăm nom an ủi những con cháu còn sống trên trần-thế́. Một cuộc gặp gỡ thú vị. Ta quay xe lại để kịp chạy giữa phố Phan Bội Châu đúng lúc Giao thừa.
Phố vắng, nên Dale quay xe một vòng gắt, khiến Bob suýt ngã văng ra khỏi xe. Bob càu nhàu:
- Ðêm nay mày nổi điên lên rồi! Vì sao vậy? Chẳng lẽ mày thích Việt Nam đến như vậy? Hay là mày mê cô hồi chiều?
Dale không nói gì, chỉ cười.
Đúng lúc chiếc Jeep dân sự sơn trắng chạy giữa hai dãy phố lầu hẹp đường Phan Bội Châu, thì những cánh cửa sắt hai bên phố đồng loạt mở hé, và từ trên lầu hoặc sân thượng, những dây pháo treo bắt đầu nổ dòn dã. Khói pháo bay mù mịt, và trước ánh đèn chiếc Jeep, xác pháo hồng tung bay lả tả phủ lấp giây phút tinh khôi của mùa xuân. Giao thừa!
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động