Số lần đọc/download: 1275 / 17
Cập nhật: 2015-10-08 00:22:39 +0700
Chương 8 -
N
ửa đêm mưa thình lình. Tôi choàng thức khỏi cơn mơ. Gian phòng nhỏ kín quây bằng thứ tôn men bạc không hấp nhiệt giống như một cabin tầu biển lênh đênh trên giông bão. Mưa vã dập cuồng bạo dữ dằn vào các vách nhà và gió lăn lộn trên các từng cây xa. Nước đổ ào như thác lũ tưởng chừng đã cuốn trôi các ngọn đồi khô và ngôi nhà rộng trong đêm rung rinh, có lẽ lênh láng ướt mèm. Tôi chập chờn tưởng còn trơ trọi một mình giữa chốn này. Không còn gì khác ngoài sự vỗ về mơn trớn trên da thịt đang căng nở dịu dàng và hơi thở rất khẽ của chính tôi nhưng không hề bị lẫn nhoà trong các tiếng động rần rần vang trời đất.
Lâu lắm, hôm nay tôi mới còn giữ được nguyên vẹn một cơn mộng khi đã tỉnh. Tôi thường bị dìm sâu trong một giấc ngủ nghe chật những xô đẩy không hình tượng hay bị vùi dập trong từng chuỗi mộng tung liệng mình lăn lóc không ngừng nghỉ cho tới lúc thức dậy hoảng hốt chẳng còn ghi nhớ được gì. Những chuỗi mộng ở đâu ngoài thần trí, chụp tới, quật ném tôi như trái banh trong bàn tay trẻ nhỏ. Tôi vô giác hoàn toàn. Nhiều lúc quay nhìn, như người đi trong đêm nghe tiếng động sau lưng chỉ thấy bóng tối dày đặc.
Nhưng bây giờ tôi nằm nhớ được rành mạch mỗi chi tiết giấc mộng vừa qua. Trong đêm mưa lồng lộng bủa vây, tôi mang soi rất lâu mỗi hình ảnh đã gặp, như người thợ chụp hình tôi chăm chú tô điểm những bóng mờ, những nét đậm một cách say mê. Giấc mộng liên tục lớp lang như một câu chuyện nhưng lại do một kẻ hốt hoảng, thất thần kể.
Tôi thấy người đàn ông ấy, chính ông ta không thể lẫn với ai khác, đứng bên bờ sông. Chốn thật hoang dã. Ông đứng trên một chiếc thuyền tay bưng mặt. Trời đen kịt, thuyền bật một ngọn đuốc leo lét. Ngọn đuốc cháy không người cầm.
Tiếng chèo gỗ lộc cộc. Tóc người đàn ông xoả dài như tên phù thuỷ, mái tóc chuốt óng lạ lùng như của đàn bà, và khi người đàn ông buông thõng tay, múa máy như người điên, khuôn mặt hiện lồ lộ trong bóng lửa là một người đàn bà. Tiếng gọi rỡn óc vang một dải sông dài.
Và mưa to đổ trắng xoá buổi sáng. Buổi sáng ngập ngừng chưa muốn lên của một ngày thật xa vời. Tôi chạy đuổi theo bóng người mập mờ xa khuất như hiệu còi tàu rúc văng vẳng, bóng người không rõ đàn ông đàn bà. Tôi ngã chúi, xây xát mình mẩy vật lộn với kẻ thù địch. Cuộc vật lộn im lìm như không như một trò đùa ngơ ngác. Tôi nhìn thấy Hằng và hỏi: Hằng đấy ư? Em đấy ư? Em có biết anh là ai không? Hằng khóc vùi, khóc điếng hồn và tôi giận dữ vô kể. Tôi gào to hơn người đàn bà. Rồi tôi gào không còn tiếng, rớt rãi lòng thòng như con chó dại.
Cuối cùng tôi cũng thấy tôi khóc, khóc mùi mẫn như người đàn bà. Lúc ấy rõ ràng tôi nghe tôi khóc thành thật và tôi cố vùng thoát khỏi giấc mộng, tỉnh tảo trong khoảnh khắc để kiểm chứng, nhưng đó chỉ là những nhịp đẩy dồn ức ức trong ngực mà thôi. Tôi sụp xuống ngay sau đó vào giấc ngủ và mộng nối tiếp tức thì như không hề bị ngắt quãng. Tôi khoẻ êm ái hơn một mình. Không còn ai ở cạnh.
Người đàn ông lững thững từ trên thang lầu xuống và gặp người ăn mày ngủ cong queo dưới chân thang trong ngõ hẻm chung của một dãy phố lầu. Ông cúi xuống chuyện trò với gã ăn mày bẩn thỉu, cầm cái ống lon của gã gõ loong coong lên tường. Ông hỏi tôi: "Con thấy không?"
Tôi hỏi lại: "Thấy gì?" Ông nhặt cái nón nỉ dưới đất chùm lên đầu như anh hàng phở, bước ra hè phố. Tôi cùng đi với ông trong một buổi chiều đông lúc nắng chưa tắt. Chúng tôi đi hoài và không ai nói. Tôi nghe thấy tiếng người gọi từ bên đường: "Anh Trường, anh Trường…"
Tôi giới thiệu với ông: "Đây là Xuân Hồng, ông nhớ không?" Ông nói: "Hồng hả, tôi biết…" Và đó là Hồng. Hồng xanh mướt như tàu lá. Ông giữ mặt Hồng và hôn. Nàng nhìn tôi bằng đôi mắt gian giảo. Tôi hỏi ông biết ai đó không?... Ông không đáp, cắm cúi đi nhanh hơn. Tôi theo bén gót hỏi ông đi đâu thế?
Người đàn ông dòm tôi, mặt mũi khó chịu: "Anh kỳ khôi quá, không chịu thấu…" Tôi cười chọc giận nhăn nhó khả ố. Ông lẩn nhanh vào đám đông chen chúc xô chạy rầm rập không duyên cớ. Trong khi tôi chạy lung tung len lách và la vang: "Ông chết rồi, ông biết không… ông chết rồi…" Tôi bị xô té sấp té ngửa. Đám đông ùa tràn xéo đạp trên mình. Tôi vẫn lăn trở tức nghẹn họng, vùng vẫy và không nghe tiếng gọi: "Anh Phúc, anh Phúc… Trường… Trường…" Xong một lúc tôi nghe mình lềnh bềnh trôi dật dờ trên một dòng sông mưa ngát những hương bay.
Lúc ấy mưa đổ bên ngoài, vọng sâu trong giấc thiếp, chuyển trong vòm nhịp phủ kín những mơ màng lặng lẽ. Tôi nghe như bầy lá dài khua đọng miên man, lả tả trên sân vắng của ngôi nhà cũ một thời đầy hoang lạnh mà tôi thấy mình trở về đi lại nơi đó. Tôi trở về nhìn cảnh tượng khác xưa biết bao nhiêu hiện trong nắng quái bàng hoàng.
Dường như tôi vừa trải qua cuộc hành trình, tôi mệt nhọc buồn bã. Tôi bước theo lối mòn ra đồng, ở đó lỗ huyệt đang lấp. Đứng vây quanh nấm mộ, những người lạ chưa từng gặp. Tôi đứng bên gốc tre ngắm cảnh tượng, không nghe một tiếng khóc. Ông ta chết im lìm như tiếng tù và khuất tắt trong buổi chiều nhạt, mênh mông.
Người đàn bà kiềm diễm, không hề bị tuổi tác tàn phá, trang điểm diêm dúa như bộ mặt sân khấu, trong một vai đào thương, mắt đẫm lệ tiến đến phía tôi hỏi: "Sao anh không đến dự?" Chúng tôi quay về lối cũ, trở về nhà. Tôi bảo: "Thưa bà, ông đã chết… cuối cùng ông đã chết…" Người đàn bà rút khăn tay hỉ mũi: "Anh thấy, dù thế nào, tôi không bao giờ quên…" Tôi nói: "Tôi sợ bà không hay tin…" Chúng tôi im lặng rất lâu không còn gì để nói với nhau nữa.
Tôi hỏi: "Thưa bà, bà vẫn mạnh khoẻ?" Người đàn bà cười buồn: "Dạo này, tôi hay bị mệt bất thường. Còn anh?" Tôi không đáp, bước nhanh hơn, đẩy cửa rào. Chúng tôi bước vào trong nhưng tôi nhận ra tôi đã vào lầm. Đây không phải là ngôi nhà của tôi. Chúng tôi đi thẳng vào vườn sau, rẽ sang vườn bên… Chúng tôi đi qua suốt mấy khu vườn mà vẫn không tìm thấy vườn nhà. Một hồi chúng tôi bỗng thấy lạc vào trong thị trấn nghèo nàn. Tôi hỏi: "Bà có biết ông ngụ ở đâu không?" Người đàn bà đáp: "Tôi làm sao biết… ông là người phi thường… đàn bà như tôi chỉ sống bình thường, tôi không thể theo nổi ông, ông hiểu cho tôi". Tôi cười dài nho nhỏ, đau thốn trong ngực: "Tôi hiểu hết chớ… có cái gì mà tôi không hiểu…" Mưa đổ hiu hắt trên đường phố lầy lội. Tôi đứng nép vào một mái hiên, ngẩng nhìn trời. Trời mờ ảo như gương mặt của người đứng bên.
Tôi hỏi: "Bà có nghĩ ông thật là phi thường không? Hay bà chỉ nói thế thôi…" Người đàn bà ngửa mặt ướt mèm tội nghiệp. Tôi chỉ vào cánh cửa đóng kín sau lưng: "Ông ấy ở trong này… ông ấy đánh lừa bà, ông ấy không chết đâu, tôi biết…" Người đàn bà vụt biến đâu. Tôi còn một mình nhìn mưa thốc, dưới mái hiên hẹp…
Trong kẹt góc của thần trí chưa bị dìu ngập vọng tới những ý nghĩ âm vang bình thản: đó là thứ complexe rẻ tiền, vung vãi… mày có nó trước hay mày lấy nó trong sách nhét vào đầu óc… trước khi thức vì những lay động ù choáng bao bọc.
Tôi còn nằm lâu hồi nữa, biết mình khó tìm gặp giấc ngủ đã mất. Tôi mò mẫm trong bóng tối kín ra ngoài phòng khách, ngồi trong chiếc ghế bành ẩn một góc làm quen với cảnh tượng khuất chìm sau màn đen dầy khít, đám mưa lê thê sẽ có thể kéo dài trong ngày.
Trong nhiều ngày, tôi sẽ bị cầm chân ở đây, sẽ phải chạm mặt với những kẻ không mấy ưa thích. Tôi nghe thoáng vài tiếng động mập mờ quanh gian phòng thật rộng. Có lẽ một người cũng thức dậy trong đêm, một người nào cũng không ngủ yên, không sao nằm trong buồng riêng. Tôi cố dỏng tai xuyên qua cơn náo động của đám mưa dữ dội lắng nghe xem còn không tiếng máy điện nổ dưới nhà ngang.
Trong một lúc mưa thoắt lui xa nhưng gió còn lộng chập chùng. Tiếng nước chảy vẳng gần như một con suối tuôn tràn. Tôi nghe qua sự lãng bỏ của tâm thần chênh chao như cỏ rạp dưới luồng nước mạnh những tiếng thì thào quanh quẩn. Bóng tối lãng nhạt, lung linh vì những tiếng động khuất chìm và giọng người nổi trôi nồng nàn.
"Anh, anh vẫn còn đấy ư..."
"Làm sao anh chết được…"
"Tại sao anh không nói gì với em hết vậy?"
"Anh nói gì… Gần em, anh không biết nói gì".
"Anh ở đâu?"
"Thì anh đang ở đây".
"Không, em muốn hỏi hiện giờ anh ở đâu? Nếu em xuống Sài Gòn, em sẽ tìm anh ở đâu? Tại sao anh cứ dấu chỗ ở với em? Em không thích mỗi một lần… em phải chờ đợi anh ở một nơi…"
"Anh giữ cho em".
"Không, anh giữ cho anh… Em không có cái gì phải giữ…"
"Đừng… đừng… đừng điên cái đầu… Dù sao…"
"Em muốn được điên. Anh không thích điên sao?"
"Anh còn nhiều việc… phải làm…"
"Lúc nào… anh cũng nhiều việc…"
"Anh nhiều việc thật…"
"Em biết anh bận việc… Nhưng còn tình yêu của chúng mình…"
Người đàn ông bật cười khẽ nhưng tiếng cười bị bịt gắn. Sự nín lặng xô dồn những quấn quýt tràn ngập những nhịp thở ngắn của đôi tình nhân. Tôi ngồi cứng trong ghế bành như bị chôn chặt ở đấy.
"Suỵt…"
"Em không sợ bất cứ sự gì…"
"Chắc không?"
"Anh có muốn em la lên không? Em la cho mà xem…"
"Hystérique. Tu es hystérique…"
"Anh sợ…"
"Có lẽ".
"Anh sợ gì?"
"Anh sợ cho em".
"Không, anh sợ".
"Thì anh sợ…"
"Anh sợ gì? Sợ em?"
"Có lẽ".
"Nhưng anh nhớ anh không thể nào bỏ em… Anh mà bỏ em, em giết chết…"
"Đừng đùa… Anh không thích đùa…"
"Anh sợ… Em không đùa…"
"Anh cũng không đùa…"
"Anh giận em đấy à?"
Tôi nhướng rảo mắt khắp phòng, nhận dần được một số hình thù các đồ vật nhưng không thấy bóng người. Có lẽ đôi tình nhân nằm trong chiếc sofa lưng quay chếch về hướng tôi.
"Cưng… cưng ơi".
"Thôi vuốt giận, cưng".
"Em có biết anh đang mệt lắm không?"
"Tại sao cưng mệt?"
"Anh nhức óc vì em".
"Thôi, em xin lỗi".
"Em xin lỗi xong rồi em lại tái diễn…"
"Em xin lỗi. Nhưng em yêu anh… Anh không yêu em sao?"
"Yêu… yêu… Em bằng lòng chưa?"
"Anh không yêu em".
"Nếu em thích thế…"
"Anh nói gì lạ… Anh…"
Mưa lại từ những rừng cây và sau các ngọn đồi chạy ùa tới, ầm ĩ một cách tẻ nhạt. Những đợt mưa dội mạnh mẽ, có lẽ còn hơn trước nhưng tôi chỉ nghe ồn sự buồn bã buông tung trong không gian. Tôi cảm rõ trời như sẽ chỉ sáng đến một độ rồi thôi và ngày sẽ kéo dài mãi trong màu đen lúc này.
Tôi không còn nghe lọt những lời trao đổi nhấm nhẳng của đôi tình nhân, lẩn chìm trong từng hồi ào ạt. Rồi tôi quên bẵng hẳn sự hiện diện của họ trong cùng một nơi với tôi. Tôi bó gối trong ghế bỏ mặc những vũng tối ngậm gió trôi dạt vào đầu óc trống.
Người đàn bà thốt kêu tục tĩu. Tôi giật mình ớn lạnh. Rõ ràng đôi tình nhân đang ân ái. Tôi bị chóng mặt, đầu bừng bừng, phải nín hơi, nghe mình như chiếc thùng trống rỗng khua vang tiếng chầy đập. Người đàn bà rên lảm nhảm, trong khi người đàn ông rít khẽ: Im, im…
Tôi muốn đứng lên, trở vào phòng riêng nhưng như thế tôi sẽ phải vòng qua trước ghế có hai người. Và tôi bị xem phải thu hình kín tiếng, cố giữ như câm điếc, vô tình đóng vai đồng loã.
Người ta bật quẹt châm thuốc. Ánh quẹt soi một vài giây những bóng đen méo mó trên vách. Tôi hy vọng sẽ bị phát giác và tôi sẽ thản nhiên rời chỗ thoát khỏi cảnh kỳ cục.
"Em biết không? Mỗi lần… anh đều buồn lạ…"
"Anh không bằng lòng…"
"Không… Anh buồn, cũng không hiểu sao".
"Tại mình không được tự do… Em sẵn sàng…"
"Không phải thế… Anh thấy như…"
"Em chỉ thấy ở gần anh, em không nghĩ đến gì khác. Anh không thế được sao?"
"Anh thấy như…"
"Anh chán".
"Không… Anh không biết diễn tả thế nào. Em, em là một cái vực…"
"Còn anh?"
Mưa đã ngớt. Không khí se lạnh trong gió luồn qua các khe hở của ván cây. Miệng tôi nhạt nhẽo, thèm hơi thuốc. Tôi tính tiến tới sau chiếc ghế dài nói bằng giọng trêu chọc, như buổi tối: "Cho tôi xin điếu thuốc đi… tôi giải thích hộ anh cho… Après des cochonneries, des saloperies… Ça, c’est catho". Nhưng tôi không nỡ, quả thật tôi không nỡ.
Người đàn ông ấy nghĩ cũng tội nghiệp, không thoát khỏi những huyền hoặc muôn mặt của một cảm xúc đơn giản, không thoát nổi cái úp chụp của một vài phút giây tuyệt vời gây những ảo giác triền miên về vĩnh viễn… Người đàn ông ấy… Tôi không nỡ…
Buổi sáng ủ dột trong cơn mưa chất nặng rình rập trút đổ chưa biết lúc nào. Ánh ngày lờ lững bẽ bàng đậu trên đồ đạc, trên các phiến gỗ xẫm mầu véc ni của sàn vách lấp loáng ánh điện nhoà nhạt bật sớm.
Bữa điểm tâm dọn trên bàn ăn dài thành phần riêng biệt bày sẵn, đợi khách. Hồng đã ngồi một mình ở đầu bàn, chăm chú đọc một tập vở học trò chi chít những chữ mực. Chúng tôi trao đổi vài câu thăm hỏi thường tình. Hồng vẫn cắm cúi theo đuổi công việc riêng, nét mặt lặng trang.
Tôi ngồi xuống đối diện với Hồng, mở phích nước sôi để sẵn pha cà phê vào tích, đẩy đến mặt người bạn gái. Tôi bảo ai ra trước ăn trước, ai ra sau ăn sau, tôi đói ngấu. Hồng nhấm nháp cà phê không chú ý. Một lát, Khả ra đính nụ cười hết sức lơ ngơ. Vợ Khả xuất hiện trang điểm cẩn thận, mặc bộ áo đầm trắng ngắn vẻ nhởn nhơ của người đàn bà không chút bận tâm lo nghĩ. Lúc tôi đã gần xong bữa ăn sáng, khách khứa vào bàn đông đủ và Hồng cũng đọc hết tập vở.
Trong câu chuyện rời rạc tẻ nhạt như bầu trời chật những đám mây khói bên ngoài. Vợ Khả săn sóc từng khách mời, hết sức bặt thiệp, cố gây bầu không khí linh hoạt. Khả theo dõi vợ bằng đôi mắt bình thản bao dung.
Người đàn ông tên Bảo ngồi cạnh tôi. Hắn nói chuyện với Hồng về tập vở nàng đọc. Đó là một trong những tập vở của người đã chết để lại cho Bảo, Bảo mang theo sát bên mình và đã đưa Hồng mượn từ buổi tối. Suốt đêm, Hồng đã thức đọc. Bên phía Hồng, ba người đàn bà nữa đang bàn tán về mùa nắng Sài Gòn, sự lợi hại của máy điều hoà không khí mới được nhập cảng. Một trong ba người mặc chiếc áo dài khoét cổ. Một người đàn ông phốp pháp ăn uống nhồm nhoàm, chốc chốc phát những nhịp cười hể hả yêu đời. Khả đã giới thiệu hắn như một chính khách chờ thời trông nom khai thác một xưởng cưa, hắn có liên lạc mật thiết với một lãnh tụ lưu vong nổi danh. Một người đàn ông khác lúc nào cũng tủm tủm ít nói, hay bị phụ nữ trêu cợt. Hắn đối đáp bình thường nhưng ánh mắt chiếu vào đám phụ nữ một cách bệnh hoạn. Người đàn ông thứ ba, tôi nhớ vẫn thường gặp luôn ở những chốn hay lui tới nhưng không quen. Người ta đồn hắn hợp tác với sở nghiên cứu chính trị. Hắn là người cái gì cũng biết chẳng rõ đúng hay sai, nói thao thao về mọi chuyện, nhìn thấy mọi khúc nổi, ẩn tình. Người hắn gầy gò hom hem với chòm râu mọc dưới cằm, mắt lồi như hai con ốc.
Tôi bảo với Hồng và Khả: Tôi phải về Sài Gòn bữa nay. Thật sự tôi chưa biết đi đâu nhưng tôi không thể ở lại trong vũng lầy nhầy như mặt sân đất. Khả nói: "Moa sẽ đưa toa ra phố". Tôi rời bàn trở về phòng riêng. Hồng hỏi: "Anh về Sài Gòn thật? Anh nhất định trốn…" Tôi cười: "Tôi trốn thì tôi trốn, biết làm sao…" Trong hành lang, tôi còn nghe vẳng giọng cười ôn tồn của Khả. Tôi nằm dài trên giường chờ đợi. Gian phòng bít bùng khó chịu. Khả bước vào phòng, ghé ngồi lên mép giường, hỏi tôi:
"Cậu nhất định về đấy hả?"
Khả trở về phòng riêng. Tôi vòng lối sau xuống sân ngồi đợi trước trên xe díp. Hồng xuất hiện đột ngột hỏi một câu thừa: "Anh đi đâu thế?" Tôi chào nàng lần nữa nói về Sài Gòn. Hồng tiến gần thành xe định nói xong lại thôi. Tôi quả thật không nghĩ đến việc khơi mào bất cứ chuyện gì lúc này. Tôi châm thuốc hút, dòm lảng lên ngọn đồi mà Hồng và tôi đã đến, thấp bé trong buổi sáng ngầu đục. Phía chân trời, mưa mù mịt đang chạy tới. Khả bước xuống sân chụp chiếc mũ da lưỡi trai trông lạ lẫm.
Lúc xe rồ máy chạy, Hồng cười bảo Khả bằng giọng vui đùa:
"Anh đưa anh Phúc đi trốn đấy hả?"
"Vâng. Tôi trốn. Gửi lời chị chào các bà…"
"Anh yên chí. Tôi sẽ chụp được anh dưới Sài Gòn".
"Khó lắm… khó lắm… Chị Hồng ơi…"
Xe chạy chậm trên đường dính lép nhép. Trời trĩu buồn trên những rừng cây sũng nước, Khả bám tay ôm vô lăng, lái thận trọng, mặt lầm lì u ám.
"Tối hôm qua tôi vừa nói với cậu xong nhỉ… Đời tịch mịch lặng lẽ… như nước trôi xuôi. Tôi không chịu cái đầu trục trặc của cậu".
Nhưng lúc về phòng thì tôi tự hỏi: Tại sao lại thế? Có thật tôi đểu giả đến cái mức ấy… Sự đau đớn ngấm dần rõ ràng khuấy động tôi không ngủ… Buổi sáng, lúc trong bữa ăn, trong một vài giây thoáng, lúc tôi cầm con dao, tôi lóe thấy tôi có thể đứng lên thanh thản tiến đến sau lưng ghế đâm một nhát vào sau lưng nó, rồi bình tĩnh tiến tiếp "en"… Cũng không sao… không hận thù… Thêm một hành động hay bớt một hành động, đời sống có thay đổi gì khác… Vậy tại sao mình lại bớt hay thêm?
Bớt hay thêm sự vô định vẫn trơ trơ ra đấy thôi phải không? Hành động nào cũng có đủ những lý lẽ động cơ ngang nhau cả… làm gì có thứ acte gratuit… tôi hoàn toàn tàn nhạt… Cậu hiểu chứ… hoàn toàn bấp bênh… Tôi điên, điên tỉnh táo vô chừng… Tôi để nguyên mọi sự và tôi đùa rỡn, tôi sẽ thêm hay bớt… tôi đợi một cái gì mù tối đẩy tôi thêm hay bớt… làm sao có nổi sự mù tối ấy… Đúng, "en" nhìn tôi đúng, tôi raté. Tôi điên… điên thật… điên với một cái mặt nạ bình thản…
Xe chúi vào trong trận mưa dầy nặng, chậm thêm và ngừng hẳn. Khả kéo bạt che chỗ ngồi, xong châm thuốc hút, mở pha. Cây quạt nước trên kính hư. Mầu mưa trắng xoá trong thứ ánh sáng thẫm tối lờ mờ những khối cây đen rung động ào ào.
"Đành ngồi đây chơi. Mưa này không thể đi được. Ngày thường thì chẳng sao nhưng hôm nay lỡ chẳng may xe lủi xuống hố, có bề nào người ta lại bảo là mình có ý định tự tử… tự tử cũng chẳng sao… phải không? Cái gì cũng biện minh được cả và rốt cuộc cũng chẳng thể biện minh được. Mà sao cứ tìm cách biện minh cơ chứ?
"…Đời đáng chán biết thôi là đủ… Sự chán đời xin nhủ lại tri âm… Nên chăng nghĩ lại kẻo lầm… Cậu có thấy Tản Đà tuyệt không? Cái câu chuyện đời đáng chan hay không đáng chán chỉ có thể "cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm". Chỉ có thể "riêng hỏi bạn tri âm" thôi và khi đã riêng hỏi với nhau thì, câu trả lời "biết thôi là đủ" là nhất… Biết thôi là đủ… Thứ Camus thấm tháp vào đâu… Cái gì mà còn phải tưởng tượng là mình sung sướng, sung sướng là cái quái gì biết là đủ… nhất… Ngẫm nghĩ mà xem…"
Khung cảnh giam hãm dật dờ trở thành một thế giới mông lung, không còn gì nơi đây, ngoài khoảnh khắc ngẫu nhiên đầy ắp và hun hút, khoảnh khắc trôi nổi giữa mịt mù như hòn đảo giữa đại dương, khoảnh khắc ma tuý làm ngầy ngật tâm thần. Tôi bị xô đẩy cuốn trôi quay tròn như trong con xoáy nước.
Khả cho xe chạy. Đèn pha của chiếc xe díp không đục thủng nổi màn mưa. Ánh ngày như đang về chiều.