There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Tác giả: Anh Đức
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Ho ngoc hai
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3048 / 31
Cập nhật: 2015-01-09 21:32:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 -
ở bệnh viện, một tháng qua rồi. Cũng như bao bệnh nhân khác, tôi nhờ ăn uống, nghỉ ngơi và điều trị, nên sức khỏe dần dần hồi phục lại. Riêng tôi, khi những buổi chiều đến, là tôi lại mải mê theo dõi chuyện đời người chị đồng hương của tôi. Cái câu chuyện vừa là của một người chị, vừa là của một người mẹ trẻ, đã đến với tôi trong suốt những ngày đông tháng giá. Lâu nay trong cuộc sống yên ổn, dường như những chuyện như thế cứ qua dần, mờ dần. Rất đỗi có lúc hầu như quên đi. Cho đến khi bị gợi lại cảnh tình cũ, làng quê cũ, những người bình thường anh dũng cũ, tôi bàng hoàng như sực tỉnh.
Buổi trưa mùa đông không phân biệt được với buổi chiều. Mưa bụi không lúc nào ngớt. Bệnh viện với những bức tường vôi trắng, với những bộ quần áo trắng, chốc chốc đó đây thoảng thấy mùi thuốc tựa như mùi nhãn chín. Các y sĩ, y tá, nữ hộ lý thu người trong áo bờ-lu qua lại thoăn thoắt trên ngõ rải sỏi. Tôi ngồi trên giường nhìn qua cửa kính. Cơn mưa phùn như rây bụi. Làn mưa dệt mỏng như sương, làm cảnh vật quạnh quẽ và làm tôi bơ phờ nhớ lại bao chuyện cũ. Chợt lúc ấy, thấy có một tốp người từ ngoài cổng đi vào. Hai đồng chí cán bộ và ba bốn cô gái mặc áo cánh trắng. Có một cô xách cái làn đựng những gì đầy ăm ắp. Chị thường trực dắt họ đi ngang trước cửa phòng tôi, rồi rẽ qua phòng chị Tư Hậu. Tôi nhỏm dậy, áp sát mặt vào cửa kính. Chốc sau, tôi thấy chị Tư Hậu từ trong phòng bệnh chạy ra. Tốp các cô reo lên, và lại vây quanh chị. Họ lao xao hỏi:
- Thế nào? Có khỏe chưa? Chúng em đến thăm chị nếu khỏe rồi, chúng em đón chị về đây.
Chị Hậu nắm lấy tay họ. Vẻ vui mừng chan với cảm động làm mắt chị sáng lên:
- Vẫn còn nghỉ đợi mổ. Đi hồi nào mà bây giờ tới đây?
- Mới đi đấy chị ạ. May quá, chúng em hỏi tên chị là người ta trỏ đúng vào đây. Chúng em có đem cho chị ít cam và trứng để chị bồi dưỡng.
- Cảm ơn các chị quá!
Thế là cả bọn họ ngồi quây quần lên băng. Chị Tư Hậu ngồi giữa nói chuyện với họ.
- ở nhà đã hoàn thành quý hai chưa?
- Xong rồi chị ạ. Bận quá, chứ không thì đã đi thăm chị từ lâu.
- Có lẽ tôi còn ở đây mấy tháng nữa.
Mọi người đều hỏi:
- Sao thế?
- Ông bác sĩ bảo thế!
... Tôi lắng nhìn và nghe họ nói. Lâu nay tôi mới thấy nỗi vui của chị Tư Hậu lộ ra như thế. Mấy cô gái vừa ngồi nghe chị nói vừa nhè nhẹ vuốt cổ tay chị. Tôi đoán chắc là bà con ở nhà máy lên thăm chị. ở chơi rất lâu, các anh chị ấy mới ra về. Chị Tư Hậu đi với họ ra tới cổng.
Chiều đến, chị dúi vào tay tôi hai quả cam chín:
- Anh ăn cam đi! Của anh chị em xưởng tôi hồi trưa lên thăm họ đem cho. Xa họ lâu, gặp lại mừng quá.
Nói rồi móc túi lấy dao gọt cam. Tôi hỏi:
- Chị Tư à, bà con đó ở nhà máy lên đấy phải không?
- Phải rồi. Đồng chí thay mặt chi bộ và anh chị em công nhân.
Gọt cam xong, chị Tư Hậu trao cả cho tôi. Tôi đưa chị một quả:
- Chị Tư ăn đi chứ?
- Tôi ăn ban nãy rồi, anh cứ ăn, cam ngọt lắm!
Rồi chị cũng cầm lấy một góc mà ăn. Nhưng con ho của chị lại nổi lên từng chập. Thân hình mảnh dẻ của chị, nhất là đôi vai cứ bật rung theo tiếng ho. Lúc đó tôi cảm thấy như chính cổ tôi cũng rát đau, khô khan. Tôi nói:
- Chị Tư quấn kín khăn nơi cổ lại. Hôm nay trời rét lắm, người ta cho hay là tối sẽ xuống tới chín độ. Chị mệt, thôi nghỉ đi thôi!
- Không sao, tôi sắp hết ho rồi đây.
Tôi không tin, ái ngại nhìn chị. Nhưng chị đã bớt ho thật, có lẽ nhờ miếng cam thấm giọng. Tôi cầm miếng cam còn lại đưa nốt cho chị. Lần này chị cầm lấy không từ chối. Nhai cam xong, chị Tư liếm nhẹ môi, lặng lẽ đan mấy ngón tay vào nhau. Gió sẽ sẽ thoảng tới. Cành lá run rẩy se mình. Những chiếc lá dường như không chịu nổi giá rét, tự bứt mình rời khỏi cành cao, bay lả tả xuống đất. Dưới các hàng cây, con đường sỏi qua trận mưa bụi ban trưa, giờ trông sạch sẽ, khô ráo.
- Chiều hôm qua tôi đã nói cho anh nghe đến đâu rồi?
Chị Tư Hậu chợt hỏi tôi. Tôi đáp:
- Chị đang kể lúc chị trở về thăm mấy cháu ở đồng dâu...
Chị Hậu gật đầu, quấn lại chiếc khăn nơi cổ, đoạn tiếp tục kể:
- Cơ sở vững lên, mặc dù địch bao vây dữ dội. Cũng trong thời gian đó, tôi được kết nạp vào Đảng. Người đầu tiên giới thiệu tôi là đồng chí Trương. Khó mà nói lại cái tâm trạng tôi lúc đó quá. Vừa sung sướng mà vừa lo. Sung sướng lo lắng lẫn lộn với nhau. Buổi kết nạp tôi thật khá đặc biệt. Nhằm ngay giữa lúc giặc mở càn quét lớn vào vùng bãi và những xã kế cận. Chúng nó tập trung lính các lô-cốt, các bốt đánh vào từ mờ sáng. Nhờ có tin báo từ các xã vùng ngoài, nên chúng tôi hay trước cả. Du kích bãi Sao bắt đầu chận chúng tại Voi Miễu. Tôi cùng với một số anh em ở trên ghe lưới làm nhiệm vụ đưa đón anh em du kích. Mỗi lần kết thúc một trận lực đạn gài ở đầu bãi thì ghe cặp vào bờ đưa anh em đi bọc trong các lèn đá về cuối bãi tổ chức trận địa mới. Có hàng chục chiếc ghe lưới làm việc ấy. Địch bắn rát nhưng khó lòng trúng được. Các lèn đá dựng là cái địa hình che chở tốt nhất cho chúng tôi. Chiều đến giặc vẫn chưa rút. Choạng vạng tối, ghe chúng tôi tạm náu trong lèn đá. Vì kế hoạch đã định trước nên lễ kết nạp tôi vẫn tiến hành. Đồng chí bí thư chi bộ Hiệp Mỹ treo cờ trong mui ghe. Sau khi giới thiệu lý lịch và thành tích của tôi, chị Ba Dương đốt cây đèn lưới lên để tôi tuyên thệ. Lúc ấy trong bãi vẫn chí chát rộ lên tiếng súng, tiếng lựu đạn. Thỉnh thoảng nổi dậy tiếng hồ reo của du kích, tiếng nhốn nháo của địch. ánh lửa nhà cháy bập bùng soi sáng các ngọn sao, ngọn dừa. Ghe chúng tôi bị sóng ngang nhồi lắc như trứng vịt. Tôi đứng lên đọc lời thề. Nhìn lá cờ Đảng trong mui ghe bay phần phật trước gió biển, tôi thấy nóng cả mặt. Rồi là tôi khóc. Giọt nước mắt bây giờ của tôi khác xa những giọt nước mắt ngày trước. Mỗi một giọt nước mắt lúc đó nhỏ ra có thể xóa sạch bao giọt nước mắt đau tủi trước. Bấy giờ tôi nhìn các đồng chí của tôi ngồi từ mũi chí lái thấy người nào cũng thật là chí thiết. Quanh tôi, cặp mắt của đồng chí nào cũng nhìn tôi một cách yêu thương. Tôi nghĩ, cái gì đã đưa đường tôi đi đến tình yêu thương cao đẹp như vậy. Chẳng có cái gì mơ hồ cả. Đó là chị Ba Dương đang ngồi trên sạp ghe kia, là anh Trương, là những người đã từng thề dưới cờ Đảng trước tôi kia. Nó còn vốn là hình ảnh những ghe lưới cháy, những người chết... Vốn là cái đau đớn của người thân, của chính tôi...
Sóng biển vẫn vỗ ộp oạp vào mạn ghe. ánh lửa từ trên bãi soi rọi tới, chốc chốc làm rạng sáng các lèn đá. Chợt tiếng súng nổ trên bãi rời rạc dần. Và có ghe ra báo là địch sắp sửa rút đi. Chúng tôi đều biết trước và mừng rơn lên vì sự rút lui ấy của địch. Đồng chí Trương nói:
- Dũng ngoài Hiệp Mỹ nó lên tiếng rồi!
Quả nhiên, ai nấy đều nghe tiếng súng từ phía Hiệp Mỹ rộ lên. Đồng chí bí thư tuyên bố kết thúc cuộc họp. Các ghe lưới được lệnh tức tốc cập Voi Miễu. Tôi thổi tắt cây đèn trong mui ghe. Buồm được giương lên. Quai chèo nghiến cột ken két. Ghe chúng tôi lướt sóng đi như những con thoi. Đêm hôm ấy nhờ ngoài Hiệp Mỹ phối hợp, du kích bãi Sao mở một trận địa cuối cùng dài hai cây số từ bãi dài ra khỏi Voi Miễu giết thêm hai mươi tên. Đến sáng ghe chúng tôi cập bờ. Lên bãi cát, thấy máu cứ rây dài. Máu giặc thấm cát thẫm lại dưới nắng sáng trông như màu sét sắt. Quạ biển, chim chằng bè cứ lượn đi lượn lại trên những xác giặc bị nước thủy triều kéo ra biển.
... Cái đêm ấy đáng gọi là một đêm kỷ niệm sâu xa nhất trong đời tôi. Bây giờ mỗi khi họp chi bộ, ở cơ quan hay xí nghiệp chẳng hạn, trông thấy cờ Đảng thì y như là cái đêm đó lại hiện rõ rệt trong đầu. Tới chết khó mà quên được. Đó là một đêm tháng bảy năm 1952, tôi tự nguyện đi theo làm người đảng viên của Đảng.
... Từ đó về sau bận công tác tôi cứ đi luôn, thỉnh thoảng mới về nhà thím Ba. Nhiều lúc thấy tình cảnh con cái xa xôi vất vả, tôi cũng lo lắm. Nhưng công tác ngày càng phát triển, tôi không thể vắng mặt, đành cứ phải gởi chúng nó như thế, cố sao vừa công tác vừa tranh thủ chăm sóc cho con được từng nào hay từng ấy. Con Thủy tôi lên sáu, đã đến tuổi phải đi học, nhưng không có ai dạy, không biết làm sao! Đến giữa năm năm hai, có anh thương binh về Hiệp Hưng mở trường, tôi liền cho nó đi học. Trưa nào thím Ba Tuất cũng đưa nó đi, chiều phải đến rước, vì đường xa mà nó còn bé quá. Mọi việc đều nhờ một tay thím Ba bao bọc. Tôi thì đi đi về về. Đêm đêm trước khi vào vùng địch tôi tạt ngang thăm con, hôn chúng nó rồi mới yên tâm đi. Nhiều đêm tôi hôn chúng nó trong khi chúng nó ngủ say. Có đêm mưa to, tôi cũng ghé thăm các con tôi. Không thì không chịu nổi...
Chị Tư Hậu đang kể bỗng dừng lại. Tôi ước chừng là chị hồi tưởng và sắp xếp câu chuyện lại cho mạch lạc hơn. Nhưng tôi ngồi im đợi rất lâu, vẫn không thấy chị nói tiếp. Chợt thấy đôi mắt chị lấp láy. Trong đôi mắt đó tuồng như đang đọng sâu một chuyện gì chất chứa đau xót lẫn thương yêu. Lát sau, chị xoắn hai bàn tay vào nhau, chép miệng thở dài:
- Tội và thương cho thím ấy quá!
Tôi hỏi: - Chị nói gì, chị nói thím nào?
Giọng chị Tư Hậu bây giờ trở nên đau đớn hẳn:
- Thím Ba Tuất nuôi mấy con tôi đấy. Thím ấy chết. Thím cứu hai con tôi rồi chết. Bọn phản động biệt kích vào. Thím đang hái dâu, thấy dạng chúng, thím liền vào dắt hai con tôi chạy. Chúng rượt theo. Liệu chạy không kịp, thím giấu hai con tôi vào lùm cây rồi chạy thẳng ra ruộng trốn. Bọn nó rượt theo bắt được, tra tấn nhưng thím không khai. Đến chiều chúng giết thím trên đồng rạ. Tôi hay tin mò về. Đến nơi thì thấy thím đã bắt đầu đờ cứng. Trời nhá nhem tối, chúng tôi đưa thím đi chôn. Mãi tới nay tôi vẫn nhớ rõ đêm ấy, và có lẽ suốt đời, tôi không thể nào quên đi được. Trong đêm ấy, tại cánh đồng dâu Hiệp Hưng tôi đã đưa đám một người đàn bà nông dân bình thường, nhưng rất có lòng dạ. Một người lúc sống đã đùm bọc các con tôi, coi việc làm đó là phần đóng góp của mình vào cách mạng. Cho đến lúc chết vì các con tôi, cũng coi cái chết đó là hữu ích. Đấy, anh cứ nghĩ xem, theo anh có thể nào quên họ được không, hoặc giả nếu chưa quên nhưng nếu làm điều gì không xứng đáng với ý nghĩa cái chết của họ, có được không? Nhiều lúc tôi cứ nghĩ ngợi, tự hỏi tôi như thế đấy anh ạ. Nhất là về đêm, qua một ngày có chuyện gì mếch lòng, tiêu cực... Không phải tự dưng mình đặt điều để suy nghĩ... mà đó là những dĩ vãng anh dũng trong mười năm, có thực, ràng buộc lương tâm mình, bắt mình phải suy nghĩ...
Chị Tư Hậu nói dồn dập. Trong lúc nói có câu như bảo tôi phải trả lời. Tôi không đáp được. Là vì, khi đó một luồng máu nóng đang chạy khắp người tôi. Trong buổi chiều đông tại cái bệnh viện ở đất Bắc yên ổn này, nghe lại một chuyện hy sinh cũ của quê hương tôi rùng mình. Sau đó muốn bật kêu: "Chị Hậu ơi, có lẽ nào chị phỏng đoán nội cuộc tinh thần của tôi hiện nay rồi chị gợi lại cảnh ấy để răn tôi đó sao?" Chị nhắc lại, thật khiến tôi bàng hoàng. Bàng hoàng đến nỗi không muốn ngồi nghe chị nói nữa, để được nằm, được nghĩ ngợi.
... Thế là tôi phải tìm cách gởi các con tôi nơi khác, chị Tư Hậu lại kể. Việc ấy đồng chí bí thư phụ nữ huyện đã giúp tôi. Chị Ba Dương đó, anh vẫn nhớ chứ. Nhờ chị cắt đặt cho. Người đứng ra lãnh nuôi con tôi lần này là chị Lụa, một chị nông dân trẻ có chồng đi bộ đội. Đời tôi gặp nhiều sự gian khó, nhưng như tôi đã nói với anh, khi mình giúp ích cho mọi người, thì mọi người ăn ở có tình nghĩa với mình. Đúng như vậy. Lần trước thím Ba Tuất, lần này có chị Lụa chăm sóc hai con tôi.
Bây giờ nhớ lại những chuyến đem con đi gởi cho tôi vẫn thấy nao nao. Lần nào cũng mang hai đứa đi ban đêm cả. Lần trước đi sớm hơn. Lần này nhà chị Lụa mãi Hiệp Lộ, đường xa hơn, nên đi tới khuya mà chưa đến. Hồi chiều anh Dũng nhân đi Hiệp Lộ đã mang hộ những bị quần áo của bọn trẻ đi trước. Chuyến ấy, dọc đường con tôi cũng cảm biết rằng tôi đem nó đi gởi. Con Ngọc Thủy từ dạo xa tôi nó sớm lớn khôn quá. Tôi không còn phải bận bịu vì nó nữa, trái lại luôn đỡ đần tôi nhiều việc.
Đoạn đường tắt, trời tối rất khó đi, thỉnh thoảng phải dừng lại ngồi nghỉ. Thằng Nhã cứ bám chắc tay tôi như sợ tôi đi. Tôi ôm sát nó vào lòng. Một phút gần chúng nó là một phút đỡ nhớ. Thực tình để chúng nó ở nhà tôi cũng lo lắm. Chỉ sợ con nó còn dại men ra bãi bị sụp hồ. Anh biết sụp hồ là thế nào không. Bãi biển trong mình nó có nhiều nơi không được bằng phẳng. Gò cát hay lồi lên lõm xuống. Đất cát thường có chỗ trống chân. Nước lớn lên bò lòn vô mép trong bất ngờ cuốn ụp mấy cái cát chống chân đó. Trẻ con mò ra bãi chơi, đánh bẫy chim nhạn hoặc lượm vỏ sò, lúc về bị sụp hồ chết là thường lắm.
- Má... má đừng đi nữa nghe má... - Thằng Nhã bập bẹ bảo tôi thế. Tôi mới hỏi: - Má đi con có nhớ má không? ở nhà con có đi chơi xa, ra bãi không?
Nó đáp:
- Không, con không có đi xa. Chị Thủy nhớ khóc, con còn dỗ chị nữa. Má má đừng đi nữa!
Nghe nó nói tôi không nhịn được cười. Thằng con trai tôi, tôi biết tính nó, lém hơn chị nhiều. Nó có nhớ tôi, thế nhưng nói thẳng ra là không khi nào nó nói, lại đổ cho chị. ở một số trường hợp khác cũng thế, con Thủy có gì cũng thổ lộ thẳng với tôi, còn nó, hình như nó không muốn cho ai thấy là nó yếu ớt một chút nào cả. Con Thủy hỏi nó:
- Nhã không nhớ má thiệt chơi?
Con Thủy vừa hỏi vừa bấm nhẹ tay tôi, ra hiệu cứ để yên.
- Không nhớ, sao hôm đó thím Ba đi rẫy, Nhã ở nhà tháo chuồng gà ra hết. Thím Ba về rầy, Nhã khóc đòi chị tìm má cho Nhã liền. Chị bảo má chưa về thì Nhã khóc.
Con Thủy hỏi rồi bẹo nhẹ gò má em. Thằng Nhã thẹn quá rúc đầu vào sau vạt áo tôi. Một lúc chợt ngẩng ra nói:
- Hồi nào... Nhã khóc hồi nào đâu.
- Thôi, đừng chối. Nhã chối thì chị không chơi với Nhã nữa!
Thường thường câu chuyện giữa hai chị em nó tới đó là tôi phải lo tháo gỡ. Làm thế nào bảo cho đứa em biết nói dối là không tốt. Với lại, trong lời nói, làm sao cho con chị càng tăng thêm trách nhiệm của nó đối với em. Tôi liền hỏi:
- Nhã, con có như vậy không?
- Không, chị Thủy... chị ấy...
Tiếng "không" của thằng Nhã đáp rất yếu, tỏ ra là nó đã nhận, nhưng nó không thể mở miệng bảo "có" được. Tôi nhẹ nhàng bảo:
- Nhã nói dối, má không thương. Từ nay Nhã phải nghe lời chị nghe không?
Tôi day hỏi con Thủy:
- Bữa đó chồn có ăn thịt con gà nào của thím Ba không?
- May mà không có, má à. Thím Ba nói rủi thím không về lùa gà kịp thì chồn ở rừng lên ăn thịt hết. Thím đâu có nói gì, chỉ dặn lần sau đừng mở chuồng nữa, vậy mà Nhã khóc thôi là khóc.
Thằng Nhã bấy giờ rúc đầu vào ngực tôi, không đáp. Biết là nó đã chịu lỗi, tôi bảo:
- Thím Ba nuôi mấy con đáng lẽ phải giúp đỡ thím ấy chớ sao lại quấy rầy thím.
- Có, chị Thủy đi hái dâu, còn con chiều nào cũng cho gà ăn.
Thằng Nhã lanh lảu đáp. Tôi nhấc đầu nó lên hỏi:
- Giờ con có biết thím Ba ở đâu không?
Cả hai cùng yên lặng. Tôi nói:
- Mấy con không còn gặp thím ấy nữa đâu!
Con Thủy ôm lấy vai tôi, sụt sịt khóc. Tôi lặng lẽ vuốt tóc nó, bùi ngùi nói:
- Con thương thím Ba lắm phải không?
Con Thủy vẫn im lặng, áp cặp mắt ướt vào tai tôi. Xung quanh nơi mẹ con tôi ngồi nghỉ, cảnh vật im lìm chìm trong đêm tối. Đoạn đường này trước kia có đến hai lô-cốt địch, mới vừa bị du kích bức phải rút. Chỉ còn lại hai đống gạch đổ sụp, mờ mờ hiện ra ở bên kia đường. Tôi nghĩ rằng cái chết của những lô-cốt đó thật như một việc quả báo. Nó mọc lên ở đây như những ung nhọt làm bao người bị thiệt mạng, trong đó có cha tôi, có thím Ba, giờ đến lúc nó lần lượt chết đi trong đêm tăm tối là phải lắm.
- Con thương thím Ba lắm phải không, Thủy?
Tôi buột miệng lặp lại một lần nữa, rồi nói tiếp:
- Con có nhớ nội không? Nhớ ba không? Nội với ba con cũng chết như thím Ba vậy.
Thằng Nhã rục rịch muốn khóc. Con Thủy thấy thế thì cất đầu ra khỏi vai tôi, vội đưa tay quệt nước mắt, cố gượng không cho em biết, nó nói với giọng của một người chị:
- Nhã, nín đi... nín đi không? Chốc nữa gặp chú Dũng chị mách chú ấy.
Tôi liền đứng dậy. Một là vì thấy đã khuya, hai là muốn phá tan sự buồn bã cho các con. Nhất là chúng nó lại sắp xa tôi. Tôi giục:
- Thủy, đi thôi con!
Tôi cõng thằng Nhã. Bé Thủy ngoan ngoãn đi sau lưng tôi. Mẹ con tôi đi tiếp đoạn đường. Mùa tháng tư, vườn tược trong xóm gần đó thoảng tới mùi hương bông bưởi thơm ngát. Bưởi lại ra hoa rồi. Lòng tôi dìu dịu mối hy vọng, thầm ước sau ngày kháng chiến, tôi sẽ sống yên ổn nuôi con. Lúc đó, thú thực với anh tôi có nghĩ tới Dũng, khi còn bé tôi nó vừa nhắc tới anh ấy. Tôi không hiểu sao, chỉ có thấy Dũng thì tôi đỡ trơ trọi hơn. Tôi nghĩ như thế, nhưng vẫn thấy buồn buồn. Như vậy không biết phải hay quấy, anh cắt nghĩa hộ tôi, cho tới bây giờ tôi vẫn không rõ... Tôi nói thật lòng, anh đừng cười...
Tôi bảo:
- Lẽ nào tôi lại cười chị... Theo tôi...
Chị Tư Hậu hơi cúi người xuống. Tôi định nói thẳng là theo tôi nghĩ như thế là không có lỗi gì cả. Song nghĩ lại mình chỉ mới biết qua câu chuyện, nên nói không dứt khoát là hơn.
- Cái đó tùy nơi chị, không ai chê trách gì chị điều ấy. Nhưng rồi sao? Giữa chị với anh ấy về sau thế nào?
- Chẳng ra thế nào cả? Chỉ trở ngại anh ấy thôi.
- Anh ấy làm sao thế?
Chị Hậu ngắt lời: - Không, anh rất tốt, không có sao cả. Con người thật có nhiều cái giống như ba con Thủy vậy. Trên công tác gần gũi, chúng tôi lấy tình đồng chí đối xử với nhau. Anh ấy là đồng chí thân nhất, gần gũi nhất của tôi...
Nói chưa dứt câu, chị Hậu ngập ngừng, im lặng dí mũi chân dép xuống đá sỏi. Trăng lên sớm, vằng vặc chiếu sáng xuống khu vực bệnh viện. Thứ trăng mùa đông này, dường như cái ánh sáng của nó cũng tái lạnh. Dưới ánh trăng, khuôn mặt người chị đồng hương tôi hơi ửng đỏ. Gió thổi qua ve vuốt những sợi tóc còn đen nhánh, mềm mại xõa trên trán chị. Và đôi mắt, trong ánh trăng chiếu rọi, nó xanh biếc, coi đẹp mà buồn. Tôi nhìn chị, nghĩ đến những ngày qua của chị mà không khỏi kinh ngạc. Ngày mới đến, tôi thấy chị đại khái là một thiếu phụ dễ coi, không xấu mà cũng không đẹp. Bây giờ tôi thấy chị có phần đẹp thêm ra. Cái gian khổ của ngày tháng chưa làm tàn tạ nổi vẻ đẹp hiền hậu của chị. Từ chỗ ngạc nhiên, tâm trạng tôi trở nên ái ngại. Sau hàng chấn song sắt bệnh viện kia, là con đường phố, chiều nào cũng không ngớt những tà áo lả lướt nép vào vai tình nhân, mới có, cũ có, sánh vai nhau mà đi trong hạnh phúc không kể gì giá lạnh. Đến như rét giá mà họ không đếm tới, thì e chừng trong phút ấy họ rất dễ quên mọi lẽ.
- Anh đang nghĩ gì thế? - Chị Hậu ngẩng lên, lấy vẻ mặt tươi tỉnh mà hỏi tôi. Tôi vội đáp:
- Không có gì, có gì đâu!
Tôi đáp xong thấy hình như là chị đoán biết tôi đang thương xót cho thân chị. Điều đó làm tôi lo lắng. Trước nỗi thống khổ của một người nào, bụng dạ mình thật xót đau, nhưng tôi muốn cố ẩn đi không để lộ vẻ thương hại người ta. Là vì khi mà chính mình chưa có cách gì giúp được, chỉ tỏ vẻ đau xót hộ, sợ lắm khi làm người ta thêm tủi mà thôi.
Chị Tư Hậu cũng có vẻ rất không muốn tôi phải ngỏ lời an ủi chị. Chị nói:
- Tôi kể tiếp nhé!
Tôi vừa mới gật đầu, chợt nghe có tiếng chân giẫm sỏi sau lưng. Quay lại thấy cô hộ lý lên tiếng, giọng trong trẻo như cười:
- Vào nghỉ thôi các đồng chí ạ, khuya rồi!
Tôi hỏi: - Mấy giờ mà chị bảo là khuya!
- Tám giờ, nhưng tôi nói khuya đây...
- Nghĩa là đối với bệnh nhân, phải không?
Cô hộ lý gật đầu dứt khoát rồi tiến đến trước mặt tôi vờ nghiêm trang nói:
- Tôi yêu cầu anh... Ai lại bắt chị tôi kể cho nghe mãi thế, rồi suốt ngày cứ hí hoáy ghi chép. Anh là người phạm vào thời khắc biểu nhất đấy nhé.
- Vâng, tôi xin nhận.
- Khi nào anh ra về, tôi đề nghị anh phải tự ghi vào bản kiểm thảo thời gian nằm bệnh viên của anh.
- Vâng, thì ghi.
Cô hộ lý bụm miệng day qua cười với chị Hậu và nắm tay kéo chị đi. Đi mấy nước, còn quay lại nói với:
- Nào, anh chép được bao nhiêu rồi, cho tôi mượn xem có được không nào?
Tôi cười nói: - Thôi, thôi, tôi xin cô...
Hai người cùng cười và đi vào. Tôi vẫn ngồi nán lại trên ghế đá. Trên một tháng qua, sống tại đây, tôi quen gần hết những nhân viên trong bệnh viện, dần dà đến lúc nói đùa với họ mà không sợ mếch lòng. Như cô hộ lý kia chẳng hạn. Cô ta tên là Hiền, bất ngờ gắn liền với tên người chị đồng hương tôi thành ra một tiếng kép "Hiền Hậu". Có lần Hiền nói là sẽ nhận chị Hậu làm chị nuôi mình để kỷ niệm cái thời kỳ mà cùng trên một mảnh đất có nhiều người Nam Bắc sống chung với nhau nhất. Lần đó, tôi trêu vào, bảo cô rằng tôi cũng có ý định xin chị Hậu nhận tôi làm em nuôi đấy. Tức thì cô ta nguýt tôi, và mặt cô ta đỏ ửng lên. Tôi với chị Tư Hậu phá lên cười. Cô ả bỏ chạy, cái đuôi tóc tết như đuôi chồn của cô ta liền quất qua quất lại sau lưng vun vút coi rõ vui. Song đùa là đùa thế thôi, chứ tình thực tôi chả có ý nghĩ gì đáng gọi là sâu xa cả.
Còn mấy ngày gần đây, đối với tôi chị Tư Hậu không thoái thác chẳng chịu nói như ban đầu nữa. Nhiều lần tôi muốn chị nghỉ để giữ gìn sức khỏe cho chị, và tôi cũng được rảnh rang sắp xếp, nghĩ ngợi về những điều chị đã nói. Nhưng ngược lại chị càng muốn kể hết cho tôi nghe. Đã đến lúc chị tha thiết và ray rứt muốn đem chuyện đời chị, cả hạnh phúc và nỗi khổ não của chị phân bày với tôi, dường như không thể nào không phân bày được. Thì tôi, tôi cũng không thể dừng lại mà không chép tiếp.
... Đêm hôm đó mẹ con tôi tới nhà chị Lụa. Đã khuya lắm rồi, nhưng Dũng vẫn còn thức đợi chúng tôi. Cháu Nhã đã ngủ từ lâu ở dọc đường, ngoẹo đầu vào vai tôi. Con Thủy đến nơi cũng buồn ngủ híp cả mắt. Tôi thu xếp chỗ ngủ cho hai đứa xong, chị Lụa bảo tôi cố ngủ một chút, độ ba giờ chị sẽ gọi dậy đi. Còn chị thì đem cái xa ngồi quay sợi, canh cho chúng tôi ngủ. Đi đường mệt, nằm xuống là tôi thiếp đi. Đêm trời hơi lạnh. Đang ngủ bỗng tôi có cảm giác là có ai vừa đắp chăn lên người tôi. Đến lúc gà gáy hiệp nhất, chị Lụa gọi tôi dậy. Quả nhiên tôi thấy trên mình có một chiếc chăn phủ qua thực. Tôi hỏi chị Lụa:
- Hồi đêm chị Lụa đắp cho tôi phải không?
Chị Lụa nghe tôi hỏi thì lắc đầu không đáp, chỉ tủm tỉm cười. Tôi chợt hiểu ra. Bất chợt thấy đôi mắt Dũng nhìn mình, lại có chị Lụa ở đấy, tôi nóng bừng cả mặt.
- Tôi đắp đấy, ngủ thế có ngày ốm đấy đồng chí ơi!
Dũng thốt nói, giọng tự nhiên. Tôi biết Dũng không nỡ để tôi lúng túng. Rồi tôi đi rửa mặt, gặp Dũng đã ở tại lu nước. Anh cầm gáo nước nhường cho tôi rửa trước:
- Nhanh lên. Trời gần sáng rồi, chuẩn bị đi là vừa.
Tôi rửa mặt xong, múc lại đầy một gáo nước đưa cho Dũng rồi chạy vào nhà. Lại sắp tới giờ tạm biệt các con. Tôi hấp tấp, hối hả mà giành lấy những phút quý báu đó. Tội nghiệp cho hai đứa. Vừa trải qua đoạn đường xa, giờ đang ngủ mê man. Con Thủy tôi, ngay trong lúc ngủ, bao giờ cũng ra tư thế của một đứa chị. Nó nằm yên để thằng Nhã quàng lấy người nó, và bàn tay nó đặt trên mái tóc em. Hình như con bé hiểu nỗi trơ trọi của tôi, ngần tuổi ấy nó đã biết gánh vác em thay tôi rồi. Thú thật, đứng ngắm chúng nó ngủ tôi không biết chán là gì. Lần trước tôi đã qua phút bịn rịn ấy, lần này có quen hơn một chút, nhưng vẫn buồn quá. Anh ạ, tôi nói về các con tôi chắc là hơi dài dòng phải không? Nếu có dài dòng anh cũng thứ bỏ cho. Anh chưa có vợ con, chừng nào có rồi thì chừng ấy tôi tin có lẽ anh sẽ cho rằng những lời của tôi bây giờ vẫn là ngắn ngủi. Thật, tôi thì có thể nói suốt ngày về các con tôi. Lạ quá, trong chiến tranh không biết có người nào như tôi không anh nhỉ? Chắc cũng có chớ. Nếu có những người nào na ná như tôi, tôi tin rằng bây giờ nhắc lại, ai cũng chửi sa sả vào cái thời buổi đó cho mà coi. Thời khắc của dạo đó nhiều khi gió giựt phắt đôi môi mình ra khỏi cái gò má của con mình. Thật nó không nhân nhượng mình một chút nào hết.
- Còn bây giờ thì sao? - Tôi buột miệng hỏi.
- Bây giờ thì đỡ hơn, nhưng nó cũng chưa thật ủng hộ tôi.
Chị Hậu nói xong bật cười. Tiếng cười như xí xóa thông qua, nhưng làm tôi bứt rứt thế nào. Gương mặt chị Hậu lúc đó coi như có vẻ giận dỗi ai vậy. Còn cặp mắt thì vẫn le lói sáng. Tôi cố ý dò xét, nhưng không hiểu sao hết, đành ngồi im mà không nói gì. Chị lại kể:
- Tôi lại hôn con. Hôn một chiếc, bắt đầu muốn hôn chiếc nữa... Gần sáng tôi với Dũng ra đi. Tai họa lại đến. Tai họa trong kháng chiến khó lường trước đặng. Khoảng trời tờ mờ sáng, chúng tôi vừa ra khỏi xóm, thì nghe súng nổ bốn phía. Chúng tôi chạy một quãng, lên đến gò cao, trông lại thấy khói tỏa mù mịt. Có tiếng trẻ con khóc văng vẳng. Hình như là tiếng con tôi. Tôi nói với Dũng:
- Anh Dũng, đâu như là mấy đứa nhỏ con tôi khóc.
- Bình tĩnh, để tôi coi coi!
Rồi Dũng leo lên một cây cao. Tôi đứng dưới, thấy Dũng nhìn xuống chầm chập. Tôi hỏi:
- Có thấy gì không?
- Có thấy...
- Thấy cái gì?
Không đợi Dũng đáp tôi tìm một thân cây dễ leo, trèo lên. Lên đến cành cao, tôi nhìn xuống. Trời ơi, tôi thấy rõ cả. Trời sáng bạc. Trên cây cao, nhìn xuống xóm nhà ở dưới chân, tôi đâu có lầm. Bọn giặc đang dẫn chị Lụa và lùa mấy đứa nhỏ tôi đi. Chị Lụa dùng dằng không chịu đi, thì một tên giặc thúc báng súng vào lưng chị. Tôi bưng mặt. Ngồi trên cây, mặt tôi xây xẩm, lòng đau như xé. Tôi nghĩ tới nỗi khổ nhục sẽ đến với chị Lụa, cũng như đã đến với tôi trước đây. Tôi vẫn chưa rõ nó bắt các con tôi đi làm gì. Lúc ấy tôi nghĩ bụng: "Phải chi mình không đảm nhiệm cơ sở, để lo gìn giữ các con thì đâu đến nỗi thế này". Nói thật với anh, khi đó tôi muốn buông tay té xuống. Nhưng buông không được. Bởi có hằng hà cặp mắt hiện đến trách móc tôi. Huống chi lúc bấy giờ tôi đã là một đảng viên. Lúc ấy tôi không có nghĩ ngợi gì nhiều đâu. Chỉ nghĩ rằng là đảng viên của Đảng thì không được phép chọn lấy cái chết vô bổ như thế. Với lại dù sao cái hy vọng cuối cùng đã ghì chặt tôi lại. Bên cây nọ, Dũng vừa tuột xuống vừa lo lắng kêu:
- Hậu, xuống đi.
Mắt tôi lóa lên. Từ trên cây tụt xuống, mặt tôi cứ tái đi. Dũng đứng dưới gốc đỡ tôi xuống. Tôi vừa khóc vừa nói:
- Tụi nó bắt chị Lụa với hai đứa nhỏ tôi rồi. Anh đi đi, tôi không đi nữa đâu.
- Hậu, bình tĩnh lại. Để xem thế nào?
Tôi lắc đầu, khuỵu xuống trên bãi cỏ, chẳng khác nào như một con nai mẹ bị tên xuyên trúng tim. Lát sau tôi vùng đứng dậy nói:
- Tôi phải trở lại xóm mới được!
Dũng năn nỉ tôi:
- Trở lại làm gì, đã trông thấy rồi. Trở lại bây giờ để bị bắt luôn sao?
Tôi nhất quyết không nghe. Sự thực thì đã rõ lắm rồi. Tuy tôi không biết là trở lại cũng không còn gặp các con tôi nữa. Nhưng lúc ấy tôi như mất hết trí khôn, hy vọng mù quáng rằng là may có khi còn sót lại đứa nào chăng. Đợi một lúc cho bọn giặc rút đã xa. Tôi quầy quả chạy xuống gò. Dũng ngăn tôi không được, anh vội vàng chạy theo tôi.
........................
Chị Tư Hậu ngừng kể. Mắt chị lấp láy. Một giọt nước mắt đó vừa làm nhòe ướt những lông mi. Buổi chiều cuối đông nhuốm lòng tôi tê tái. Tôi nhìn chị Hậu không dám giục chị kể tới. Chỉ sợ động thêm nỗi đau xót của chị. Mãi sau tôi mới khẽ bảo:
- Chị Tư, ta dạo quanh một tý đi!
Nhưng chị Hậu không để ý tới lời tôi. Chị nói mải mê:
- Thế là tôi trở lại xóm. Không có đứa con nào của tôi còn sót lại cả. Dĩ nhiên là không có.
Một Chuyện Chép Ở Bệnh Viện Một Chuyện Chép Ở Bệnh Viện - Anh Đức Một Chuyện Chép Ở Bệnh Viện