Số lần đọc/download: 1203 / 5
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 8 - Hồi Hương
N
gày hai vợ chồng lên đường trở về quê hương, nhiều kiều bào ra tiễn chân họ. Bác Toàn ôm chặt Hoan Bình không muốn rời cho đến khi không còn chần chừ được nữa mới trao nó cho Mơ. Thằng bé cứ thộn mặt ra nhìn bác Toàn gạt nước mắt rồi hỏi Mơ:
_Mình đi chơi thôi mà, sao ông lại khóc vậy má?.
Khi hai người vẫy tay chào từ giã, một nhóm người vừa hát vừa đàn. Hưng và Mơ quay bước đi nghe những lời ca đượm buồn quấn quýt đuổi theo sau như muốn níu chân người ở lại: “Nhìn con thuyền xa bến, lòng ta càng lưu luyến cho trái tim não nùng xao xuyến… theo gió thuyền xuôi… sóng đưa bèo trôi…tiếng đàn trầm trầm man mác lòng ai…”
Họ bước gấp xuống tàu… Tàu rời bến… Đứng trên boong họ vẫn nghe vẳng theo trong gió tiếng hát trầm bổng bi luỵ trước phút chia ly “non nước trời mây… cách xa từ đây... tiếng đàn… đau đớn biệt ly.”
Hai vợ chồng đứng lặng bên nhau nhìn phong cảnh xứ người cũng như hình ảnh bạn bè lần cuối cho đến lúc tất cả mờ dần và biến mất. Khi những giây phút xúc động đã qua Hưng mới kịp nhìn lại vợ mình. Thấy chồng trố mắt nhìn Mơ hỏi:
_ Lạ lắm sao? Anh nhìn gì mà ghê thế?
Hưng buột miệng:
_ Trời đất! Sao hôm nay nhìn em nặng nề chói chang sao ấy! Giống đồng bóng.
Mơ lạnh lùng nói:
_ Đồng bóng vậy đấy! Tôi không “sĩ ” như ai đó đâu!
Hưng lại nhìn xuống đôi guốc mộc cười tủm tỉm, Mơ tức quá nói dỗi:
_ Vâng! Tôi là loại đàn bà nhà quê. Đi trên tàu không mang giày cho nó “mốt”, cho nó giống người ta mà lại mang guốc thô kệch lộp cộp này.
Rồi Mơ tủm tỉm cười bí ẩn nghĩ thầm: “Đôi guốc này mắc nhất trên đời đấy! Tôi mà mất nó thì có mà chết đói! Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Mơ gục gặc đầu ra ý hài lòng về những điều mình vừa suy nghĩ.
Hành trình trên biển lần này không làm cho Mơ dễ chịu chút nào một điều Mơ ít ngờ tới. Không như Hưng và những hành khách khác thường đứng lặng ngắm cảnh biển cả, hít sâu vào lồng ngực vị nồng của biển, phơi da xoã tóc mặc cho gió biển mơn man, ngược lại Mơ đột nhiên có một cảm giác hãi biển. Một vài lần cố gắng lên boong tàu nhìn những loại cá bay, có lúc may mắn thấy cá voi phun nước, những chú cá heo tung mình nhảy bật lên không trung rồi lại chúc đầu lao xuống nước trước sự kinh ngạc của mọi người, còn thì Mơ hầu như nằm lì trong phòng. Mặc dù đi trên tàu lần này có phục vụ đàng hoàng nhưng có lẽ trong người mới chớm có thai đứa con thứ hai Mơ mệt đến lả người đi.
Để tránh cho Mơ khỏi bị quấy rối Hưng thường bế con đi chơi đây đó trên tàu. Thế nhưng chính lúc ấy là lúc Mơ cảm thấy say sóng rõ rệt hơn cả. Mơ chơi vơi trong cái cảm giác như cái gì đó đưa từ từ Mơ lên rồi lại bất ngờ hạ xuống cứ thế trồi lên trụt xuống hình như cả con tàu bị nâng lên bởi những đợt sóng gầm gừ âm ỉ rồi lại hụp xuống thật nhanh, chịu không nổi có lúc Mơ ói ra mật xanh mật vàng. Mệt mỏi Mơ cứ nằm duỗi ra giường, Một hôm lịm đi như vậy không biết bao lâu Mơ từ từ mở mắt nhìn thấy ánh sáng mờ mờ, căn phòng yên tĩnh vắng lặng đến nỗi Mơ nghe rõ nhịp thở của ai đó không phải của mình đang ngự trị. Rồi một vật gì đó thật êm dịu như bông gòn quấn quanh cổ…Hoan Bình đang ôm Mơ ngủ ngon lành bằng vòng tay bé nhỏ của mình. Một sự xúc động ập đến Mơ đưa tay ra tìm kiếm vuốt ve trong bóng tối cặp má non nớt cái miệng chút xíu với hơi thở đều đều rồi hôn lên cơ thể bé nhỏ những nụ hôn tràn đầy yêu thương tưởng chừng như không thể ngừng lại được. Chính lúc đó là lúc Mơ cảm thấy mình ít bị say sóng nhất, tỉnh táo nhất và muốn ăn một cái gì đó sau bao ngày không nuốt nổi một thứ gì. Mơ gọi chồng. Hưng ở phòng bên chạy qua mở đèn vuốt tóc Mơ nhỏ nhẹ hỏi:
__Em tỉnh rồi sao? Anh đi lấy gì cho em ăn nhé hay là uống sữa vậy?
Mơ nở một nụ cười sau làn môi khô khốc:
_Cho em ly nước rôi em sẽ ăn, bỗng dưng thấy đói rồi…
Sau môt thời gian lênh đênh chỉ thấy trời và nước, một buổi sáng hai vợ chồng bị đánh thức dậy vì đủ thứ tiềng ồn ào huyên náo. Những âm thanh bên ngoài báo cho biết tàu đang cập bến. Hưng vùng dậy trước giúp vợ mang những túi xách, bế đứa con còn ngái ngủ hoà nhập vào đoàn người đang đứng xếp hàng trên boong tàu chờ đợi. Hành lý nặng nề sẽ được tải xuống sau. Mọi người chỉ được mang túi xách nhỏ, rồi được đưa xuống thuyền con một cách rất trật tự để vào bờ. Ngồi trên xuồng tiến vào cảng Mơ mừng rỡ chỉ tay ra phía trước:
_ Cảng Hải Phòng đó anh!
Hưng kêu lên:
_ Cảng to và nhộn nhịp quá!
Mơ lẩm bẩm:
_ Mình đã về quê hương rồi ư? Giấc mơ mười mấy năm trời của Mơ giờ đã thành sự thật?
Mơ chớp mắt rưng rưng. Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau trong câm lặng. Tim Hưng đập mạnh. Tuy đây là lần đầu Hưng thấy cảng Hải Phòng nhưng nhìn trời đất, bầu không khí xung quanh Hưng bắt đầu nhận ra những gì yêu dấu thân quen mà từ lâu tưởng chừng như đã lạc vết, chỉ mờ nhạt thấp thoáng trong những giấc mơ...
Hưng bế con dìu vợ hoà trong dòng người xô bồ, chen lấn, ngộp thở vì xúc động. Chung quanh họ là những giọt nước mắt đoàn tụ vui sướng hạnh phúc. Những âm thanh quen thuộc mỗi lúc một rõ nét. Hưng vui sướng ngắm tất cả những kẻ bốc, người vác, lắng nghe kẻ chửi người la, bật cười vì những câu chửi tục tĩu độc địa dài lê thê đến là đáo để của người miền bắc… Những tấm thân oằn xuống chiếc đòn gánh trĩu nặng, những mảnh quần áo tả tơi, những miệng cười toe toét chào hỏi nhau, mặc cả trả giá tíu tít. Vội vã đói rách nhưng lúc nào cũng rộn ràng. Quê hương đây rồi! Hai vợ chồng cứ thế bấp bênh trôi nổi bị cuốn hút trong cơn lốc của bến cảng, trong làn sóng người xao động nhấp nhô. Gần trưa hai người mới nhận xong hành lý và được ngả lưng thư thả trên chiếc xích lô. Anh xích lô hỏi:
_ Ông bà đi đâu ạ?
Hưng trả lời:
_ Anh cho chúng tôi tới một khách sạn nào đó!
Người đạp xích lô:
_ Vâng vâng! Có khách sạn Đại Hữu Á đẹp nhất ngay tại đây thôi!
Khi vào sâu trong thành phố Hưng có cảm giác rất lạ! Không khí như chùng xuống. Thành phố sạch đẹp rợp bóng phượng vĩ nhưng sao thưa thớt người. Xe vừa trờ tới khách sạn một người đàn ông ăn mặc lịch lãm chạy ra cúi chào:
_ Chào mừng ông bà đã tới đây!
Anh ta đỡ hành lý xuống giúp miệng nói:
_ Xin mời ông bà vào!
Nhìn ngắm khách sạn bề thế sang trọng cùng với những tiếp viên ân cần lịch sự Hưng đoán đây là bộ mặt phồn vinh nhất của Hải Phòng. Người chủ đứng sau quầy tiếp tân đon đả hỏi:
_ Ông bà từ nước ngoài về đấy phải không ạ?
Hưng đáp:
_ Vâng.
Ông chủ chép miệng rồi khẽ kêu lên:
_ Trời! Sao ông bà lại về lúc này?
Ông ta nhìn quanh rồi nhỏ giọng lại:
_ Kinh tế lắm ông bà ơi! Cái gì cũng thiếu thốn khó khăn.
Hưng hỏi:
_ Sao phố xá thưa người vậy?
_ Bây giờ còn đỡ chứ bữa trước như là thành phố chết!
Hưng ngạc nhiên:
_ Sao vậy?
_ Người ta di tản, lên rừng đói quá lại lục tục mò về. Tình hình mới hồi phục trở lại. Thế nhưng tôi sẽ phục vụ ông bà hết mình. Ông bà muốn gì cứ nói với tôi.
Để chồng giao tiếp làm thủ tục với người chủ, Mơ đi ra phía sau khách sạn nhìn quanh quất, bỗng nghe có tiếng hỏi:
_ Bà cần gì không ạ? Tôi giúp cho!
Mơ giật mình quay lại thấy người bồi phòng Mơ hỏi:
_ Nhà vệ sinh đâu anh nhỉ?
Người đàn ông chỉ tay ra phía sau:
_ Bà cứ đi thẳng rẽ trái.
Mơ hỏi tiếp:
_ Ông có cái búa không? Tôi muốn sửa lại đôi guốc của tôi.
Người đàn ông sốt sắng:
_ Dạ có! Bà chờ cho một tí.
Khi đứng trong nhà vệ sinh tay cầm cái búa Mơ nhắm mắt lại cám ơn số phận, cám ơn bác Toàn đã ưu đãi mình. Cuộc hành trình của Mơ không gặp phiền phức gì. Đứng lặng một lúc rồi Mơ cầm đôi guốc ngắm nghía, giơ búa lên, nhớ lời bác Toàn dặn bổ dọc nhẹ vài phát. Lần lượt từng chiếc bể đôi. Guốc được thợ khéo tay đẽo rỗng bên trong. Mơ hồi hộp luồn ngón tay vào các kẽ hở. Ngón tay chạm vào chất giấy. Đây rồi! Đôla đây rồi! Tuy phần lớn tiền Mơ phải nhờ Hưng gởi qua ngân hàng Đông Dương nhưng Mơ tiếc nên giấu vài trăm đôla trong đôi guốc mang được bao nhiêu đỡ thiệt bấy nhiêu. Mơ cẩn thận vuốt lại những tờ đôla, gói kỹ đôi guốc bể. Lấy trong xắc ra một đôi giày sandale nhung đen cao gót, rất mốt mang vào. Đôi giày này là hàng Úc sang trọng, phù hợp nếu đi trong khách sạn này. Khi quay trở lại Mơ thấy Hưng và ông chủ đang thì thầm to nhỏ có vẻ tâm đắc. Thấy Mơ Hưng vội nói:
_ Em ơi! Đừng đeo nữ trang nữa cất đi! Ông đây nói không nên đeo.
Mơ nói với chồng:
_ Anh bồng con lên phòng cho nó nghỉ, mặt mày nó đờ đẫn lắm rồi!
Khi chồng đã bế con đi, Mơ hỏi khẽ người chủ:
_ Ở đây có đổi tiền không ông?
Người chủ vồn vã:
_ Có chứ! Bà muốn đổi tiền gì? Franc à?
_ Không! Đôla!
_ Ồ! Tuyệt quá! Bà để tôi đổi cho một ít xài ngay. Đổi ra tiền đông dương à?
_ Không! ông đổi thẳng qua vàng cho tôi. Bây giờ ông ứng ra cho tôi một ít tiền xài ngày hôm nay thôi!
Mơ ghé lỗ tai ông chủ tiết lộ số tiền muốn đổi. Người chủ sốt sắng:
_ Chiều bà đưa xuống tôi đổi cho. Còn nữ trang bà cứ gởi đây tôi cất khi nào rời khách sạn tôi trao lại cho.
Mơ tháo vòng kiềng, bông tai, nhẫn, lắc ra. Tháo xong Mơ thấy nhẹ nhõm cả người. Trao tất cả cho người chủ Mơ xin phép lên phòng nghỉ, trả cái búa, không quên hỏi tên người bồi lúc nãy để khi ra đi thế nào Mơ cũng thưởng cho anh ta. Hai vợ chồng dùng bữa trưa ngay trong phòng vì chủ sai người mang mâm cơm lên tận nơi. Một bữa cơm quê hương đúng nghĩa. Nhìn dĩa rau muống xào, tô canh bí đao rắc vài ngọn hành ngò xanh bốc khói thơm phức, dĩa cá kho tiêu béo ngậy vàng ươm, hai vợ chồng hít hà khen lấy khen để. Trong khi Mơ và Hưng ăn ngon lành thì bé Hoan Bình uể oải ngậm cơm nhưng không nuốt. Mơ dỗ dành:
_ Ăn đi con! Ngon quá phải không nào?
Nó lắc đầu quầy quậy rồi mếu máo:
_ Con muốn ăn bánh mì bâton.
Mơ nói:
_ Ở đây không có bánh mì gậy ba-toong!
Nó hỏi:
_ Bánh croissant?
Mơ lắc:
_ Cũng không luôn!
Nó hỏi tiếp:
_ Xúc xích?
_ Cũng không nốt!
Thằng bé oà khóc:
_ Sao cái gì cũng không có vậy? Không biết đâu! Cho con về với Jack.
Mơ vội bỏ đũa xuống, bế con ra ngoài lan can cho nó nhìn trời nhìn đất tiếp tục dỗ dành giảng giải:
_ Nhà mình ở đây mờ! Vài bữa nữa mẹ con mình về thăm ngoại thăm bác này. Giời ơi! Thích phải biết! Tha hồ mà có bạn nhé!
Thằng bé rên rỉ:
_ Con nhớ Jack thôi à!
Mơ hỏi:
_ Vậy sao khi ở bên ấy mỗi lần Jack qua chơi con đều doạ cho bạn ấy sợ chạy về nhà mà!
Hoan Bình chối:
_ Hồi nào đâu?
Mơ phì cười:
_ Còn hồi nào nữa?
Hưng ăn cơm xong bỏ đũa chạy ra đỡ lấy thằng bé từ tay vợ rồi nói:
_ Vào ăn cho xong đi em! Nó không ăn thì thôi! Đói thì cái gì cũng ăn hết!
Rồi Hưng hỏi:
_ Em cười cái gì vậy?
Mơ trả lời:
_ Em hỏi nó tại sao khi ở bên ấy hay chọc cho Jack sợ rồi bây giờ lại kêu nhớ, nó chối đó anh! Vậy chớ đứa nào không muốn cho bạn ăn chả giò, bạn hỏi cái gì đó thì kêu là Pâté souris?
Thằng bé cúi gầm đầu rồi chắp tay vái vái như một lời tạ tội cầu xin thút thít khóc:
_ Con biết lỗi rồi! Ba má đưa con về bên ấy với Jack. Con hứa sẽ thương bạn ấy nhiều nhiều!
Nó vốn là đứa cứng đầu. Còn bé tí ti nhưng nó đã tỏ ra không bao giờ chịu thua Mơ. Bây giờ thấy điệu bộ thiểu não của con, Mơ vừa tức cười vừa thấy hả dạ bật cười thành tiếng. Cứ thế vừa nhìn con vừa cười rũ rượi. Hưng quay mặt đi nhìn xuống đường thấy lòng se lại!
Giấc ngủ trưa đã làm cho sự mệt mỏi sau cuộc hành trình vơi đi. Hai vợ chồng quyết định xuống phố đi dạo kiếm gì cho đứa con khó tính rồi lãnh tiền ngân hàng sửa soạn lên đường đi về quê Mơ. Các cửa hàng quanh phố có chỗ đóng kín mít, chỗ mở nhưng thưa thớt người mua, chỗ lại mở he hé… Có gì đó ảm đạm không thể giải thích nổi. Hai vợ chồng bước đi chầm chậm. Lâu lâu Mơ thấy người qua đường nhìn theo với cặp mắt tò mò. Mơ nhớ lại ánh mắt ái ngại của người chủ khách sạn khi nghe Hưng nói là về Việt Nam luôn. Mơ cảm thấy lo lắng mơ hồ.
Bỗng Hoan Bình tụt xuống khỏi tay Mơ chỉ vào cửa hàng có bày bán vài cái bánh tây thích thú reo lên:
_ Mua bánh! Mua bánh! Croissant, pâté chaud kìa má!
Thấy con hí hửng vui mừng Mơ dừng lại nói:
_ Vào đây cho con ăn đi anh!
Thằng bé chạy tọt vào cửa hàng rối rít kêu:
_ Bán bánh đi! Bán bánh đi!
Một cô bé chừng 12 hay 13 tuổi đứng sau quầy hàng chạy vội ra nở một nụ cười đôn hậu nói:
_ Mời ông bà ngồi!
Hưng nhìn quanh rồi hỏi:
_ Có phải quán cà-phê không?
_ Dạ ở đây bán cà-phê, sữa, bánh ngọt… Để con lấy bánh cho em xơi. Còn ông bà dùng gì ạ?
_ Một cà-phê đen, một cà-phê sữa.
Hưng quan sát nhìn những món ăn được ghi trước bảng hiệu Hưng nghĩ chủ nhân là một người sành ẩm thực Pháp. Chỉ tội cửa hàng hơi bị khuất, thiếu ánh sáng, trang trí sơ sài vắng khách. Sự vắng vẻ theo Hưng không chỉ ở quán cà-phê này. Bỗng có tiếng dép lệt sệt trên gác rồi một giọng đàn ông hỏi vọng xuống:
_ Ai thế con?
_ Dạ khách uống cà-phê ạ!
Một lát, người đàn ông mặc bộ đồ ngủ vải mỏng thong thả bước xuống bậc cầu thang hẹp. Thấy người chủ Hưng vụt đứng dậy như cái lò xo. Có gì đó quen quen… Khi thấy Hưng người đàn ông cũng khựng lại nhìn trân trối một lúc rồi e dè hỏi:
_ Có phải Hưng đó không?
Hưng kêu lên:
_ Tiến ruồi phải không?
Người đàn ông với cái mụn ruồi to tướng ở mặt gật lia lịa:
_ Giời ơi! Đi đâu mất đất vậy ông?
Họ ôm nhau. Mơ lặng lẽ nhìn họ ríu rít vui mừng như hai đứa trẻ. Hưng giới thiệu vợ và con. Tiến chỉ tay vào cô bé:
_ Con gái đầu lòng của tớ đấy!
Hưng hỏi:
_ Chị nhà đâu?
Tiến nói:
_ Ra chợ có tí việc. Nhìn cậu như từ nước ngoài về. Có một dạo tớ nghe nói cậu không còn trong nước… Cậu về chơi à?
Hưng lắc đầu:
_ Về Việt Nam luôn!
Tiến sững lại một lúc, đưa mắt e dè nhìn ra ngoài, im lặng vài giây sau đó với vẻ nghiêm trọng anh ta ghé tai Hưng thì thầm:
_ Anh không biết gì ư? Việt minh đã bao vây quanh đây rồi!
_ Việt Minh thì sao?
_ Anh làm cho Pháp sao còn lớ ngớ ở đây? Vào nam nhanh lên! Tôi cũng tính đi đây!
Mơ suốt ruột vì vẻ mặt của Tiến cố lắng nghe. Câu nói của bạn làm Hưng giật mình. Hồi còn đi học Tiến nổi tiếng là ăn ngay nói thẳng, thật như đếm. Tiến hỏi Hưng:
_ Anh biết cụ Phạm Quỳnh chứ [1]?
Hưng gật đầu. Tiến thì thào to nhỏ… Mơ lắng tai nghe… hồi hộp… ngạc nhiên… lo sợ. Mơ thấy vẻ mặt chồng dần dần biến sắc. Sự lo lắng vu vơ từ sáng tới giờ cứ lớn dần lên biến thành một nỗi sợ hãi. Mơ sốt ruột khi thấy họ cứ tỉ tê to nhỏ như không muốn dứt nhau ra nên Mơ lên tiếng nhắc khéo chồng:
_ Đến giờ lãnh tiền chưa anh?
Hưng nhìn đồng hồ:
_ Thôi chết! Đi lãnh kẻo ngân hàng đóng cửa.
Tiến nhắc:
_ Như vậy thì lo lãnh nhanh lên, tình hình bây giờ khéo lại đóng cửa vĩnh viễn ấy chứ? Tối ghé tôi dùng bữa nhé!
Mơ lắc đầu từ chối ngay:
_ Tụi em gấp quá chắc không trở lại.
Hưng nói:
_ Đúng vậy! Thôi anh cho tôi địa chỉ khi nào ổn định tôi sẽ viết thư.
Tiến ghi địa chỉ rồi ôm Hưng nói:
_ Hẹn gặp lại trong ấy.
Ra tới ngoài đường hai vợ chồng không ai bảo ai bước vội đến ngân hàng. Khi tới nơi nhìn những lớp tiền chất đống ngay ngắn sau lớp kính bóng loáng, Mơ thở phào nhẹ nhỏm. Hoan Bình cố bám theo cha nên Hưng đưa nó vào. Mơ đứng đợi bên ngoài. Đang đăm chiêu suy nghĩ bỗng giọng rao lanh lảnh quen thuộc từ bên kia đường vọng sang làm Mơ giật mình. Tiếng rao như tiếng mẹ… Mơ nhìn quanh quất tìm kiếm. Một người phụ nữ mặc áo nâu sòng chít khăn mỏ quạ vừa gánh hàng vừa rao:
_ A… ai… bánh dày chả quế không?
Mơ lao người qua đường chạy theo:
_ Ới ơi bà ơi!
Người đàn bà quay lại, đặt gánh xuống đon đả mời:
_ Mời cô xơi vài tấm bánh dày giò nóng. Quà quê đấy cô ạ! Tôi làm chứ không cất của ai bán lại đâu!
Mơ nhìn chăm chăm vào mặt bà ta rồi nói:
_ Bà khỏi lo! Tôi nhìn là biết ngay bánh dày giò thứ thiệt.
Người đàn bà có vẻ hài lòng, cười tươi chỉ gánh hàng nói:
_ Cô mua cho tôi vài tấm mở hàng. Ế quá! Từ sáng tới giờ đi rạc cả cẳng mà chưa bán được.
Rồi bà ta ngồi phịch xuống đất phe phẩy chiếc nón lá thở dốc có vẻ mệt nhọc. Mơ nói:
_ Bà gói cho tôi chục tấm đi.
Mơ chăm chú nhìn người đàn bà thoăn thoắt đếm bánh, rồi gói lại. Những tấm bánh trắng nõn nà kẹp trong lá chuối xanh mướt. Mùi nếp dẻo, mùi lá chuối tươi, mùi giò béo ngậy quyện vào nhau. Cái mùi hấp dẫn đã làm Mơ thao thức nhớ nhung quay quắt trong suốt những năm đầu xa quê. Nó đây rồi! Mơ nhắm mắt lại hít hà làm người đàn bà phì cười hỏi:
_ Chắc cô xa quê lâu lắm rồi nhỉ?
Bà ta bóc một tấm bánh cắt lát giò kẹp lại đưa cho Mơ giục:
_ Cô ăn đi! Ăn ngay đi thì mới ngon. Tôi không lấy tiền tấm này đâu!
Sau khi tính tiền xong người đàn bà lôi cái ruột tượng ra thối tiền dư, Mơ khoát tay nói:
_ Bà khỏi thối!
Người đàn bà kêu lên:
_ Ơ hay phải thối chứ cô!
Mơ quay mặt đi chạy vội qua đường, không đủ can đảm nhìn khuôn mặt đầy những nét thân quen ấy nữa! Nó gợi nhớ những gì thân thương của người mẹ tảo tần mưa nắng. Nó sẽ làm cho Mơ chùn bước, sẽ ngăn Mơ đi đến một quyết định quan trọng. Từ khi bước chân ra khỏi quán cà-phê nỗi sợ hãi đã trở thành nỗi ám ảnh. Mơ có cảm tưởng vợ chồng Mơ đang bị cô lập, đang nằm trong vòng vây của những ánh mắt đầy nghi kỵ. Bản thân Mơ thì không sao nhưng Hưng lại khác. Không! Anh ấy phải thoát ra khỏi vòng nguy hiểm này càng nhanh càng tốt. Mơ thấy trước mình không thể gặp gia đình ngay lúc này được. Mơ rơm rớm nước mắt …
Khi Hưng ở ngân hàng bước ra thì trời đã sẫm tối. Trên đường về khách sạn họ không nói một lời. Bé Hoan Bình ngủ trên vai Hưng. Ông chủ khách sạn đợi họ ở cửa. Mơ nhớ lại những gì hồi trưa giao ước với ông ta. Chút nữa thì quên hẳn! Trong khi trao đổi tiền ra vàng, Mơ kịp nhận ra ông ta là người Việt gốc Hoa vì cách nói lơ lớ, sự khéo léo tế nhị trong giao dịch với khách. Khi mọi việc đã xong Mơ nói:
_ Cám ơn ông đã tận tình giúp đỡ. Tụi tôi về đây khi tình hình khó khăn. Có lẽ mai chúng tôi rời khách sạn mong có dịp quay lại đây.
Ông chủ khách sạn không giấu được sự ngạc nhiên:
_ Ông bà đi đâu? Về Hà nội ư?
Hưng nhìn Mơ, như hiểu ý vợ, Hưng im lặng gật đầu rồi cả hai cúi chào xin phép lui về phòng. Trong bữa cơm tối thấy Mơ quá lặng lẽ Hưng sốt ruột hỏi:
_ Em sao vậy? Em mệt à? Hay giận anh chuyện gì?
Mơ cười gượng:
_ Giận cái gì? Em đang lo cho anh đây!
Hưng thấy lòng nhẹ đi một chút hỏi tiếp:
_ Lo gì hả em?
Tuy miệng hỏi thế nhưng từ chiều tới giờ Hưng cũng cảm thấy sự bấp bênh vô định trong cuộc hành trình trở về quê hương. Mơ bàn bạc giọng quả quyết:
_ Bằng mọi cách ngày mai phải vào nam thôi! Không thể về quê hay Hà Nội đâu anh ạ! Anh nghĩ lại đi! Em lo là lo cho anh đấy! Thời buổi nhiễu nhương nếu không lo cho mình thì phải vạ đấy! Anh hiểu em nói gì chứ?
Hưng gật đầu hỏi lại:
_ Vậy không gặp ngoại gặp chị hả em?
Mơ lắc đầu giọng nghẹn ngào:
_ Anh biết đấy! Em mơ cái ngày đoàn tụ với gia đình từ bao lâu nay. Thế nhưng qua những gì anh Tiến kể em nghĩ vợ chồng mình không có lý do để chần chờ nữa! Từ trước tới nay em thấy anh quá chân chất. Điều này chưa chắc đã tốt cho anh trong buổi tranh tối tranh sáng này. Chúng mình về nước rồi! Nếu tình hình yên ổn mình trở ra thăm mẹ, thăm chị cũng không muộn.
Hưng suy nghĩ một lát rồi nói:
_ Thôi được tùy em. Ngày mai anh đi trình hộ chiếu. Anh sẽ xin vào Đàlạt. Em biết rồi đó! Đây là nơi anh từng làm việc. Một thị trấn nhỏ, yên tĩnh, đẹp. Mình sẽ được bình yên. Em biết không, ở đó có một tiệm bánh mì, ngon không thua gì ở Calédonie. Có cả bơ tươi, xúc xích làm theo kiểu Pháp.
Hưng chặc lưỡi rồi nói tiếp:
_ Chắc Hoan Bình thích lắm đây!
Mơ nghe vậy gật đầu ngay.
Tối hôm đó khi mùng được buông xuống, đèn đã tắt thế mà một hồi lâu Hưng vẫn nghe vợ trăn trở. Ngồi nhổm dậy bật đèn lên Hưng ngạc nhiên khi thấy Mơ cứ nhìn trừng trừng lên đình màn. Hưng nói nhỏ:
_ Ngủ đi em! Không có chuyện gì đâu em à! Nếu có chuyện anh biết cách giải quyết.
Vuốt má vợ thấy ươn ướt Hưng kêu lên:
_ Em khóc à? Đừng lo quá vậy? Đâu có gì đâu? Hay là em hối hận khi đã lấy anh?
Mơ ngồi bật dậy ôm chặt chồng nói trong hơi thở:
_ Em chưa bao giờ hối hận và sẽ không bao giờ hối hận đã lấy anh dù có phải từ bỏ tất cả. Anh là người ngoại đạo, em còn không màng, vẫn cứ lấy bất chấp gia đình dư luận thì không có gì em không dám làm vì anh. Em chỉ không biết có vào nam được không hay là mắc kẹt rồi! Nếu anh có mệnh hệ gì làm sao em sống nổi?
Hưng nắm chặt bàn tay Mơ đẩy nhẹ vợ nằm xuống nói nhỏ:
_ Từ trước tới nay có bao giờ em thấy anh vướng vào điều gì đó mà không tháo gỡ được không? Vậy em hãy tin anh! Mọi việc sẽ tốt đẹp. Thôi ngủ đi em!
Mơ nhìn chồng khẽ gật đầu. Thế nhưng trước khi hai mắt hoàn toàn khép lại Hưng vẫn còn nhận thấy nỗi lo lắng đọng lại trong ánh nhìn của vợ. Hưng nằm trong bóng tối trằn trọc. Một sự ân hận đang dày vò. Liệu khi quyết định về nước Hưng có phạm sai lầm gì với vợ con không? Liệu đây có phải là những hy sinh mà họ phải gánh chịu? Nếu Mơ biết nguyên do sự trở về Việt Nam của Hưng liệu có oán trách không? Hưng có ích kỷ quá không khi tự quyết định tương lai của gia đình? Từ ngày chung sống với nhau Mơ chưa bao giờ làm Hưng phiền lòng. Hưng nhớ lại những ngày gian nan đau khổ trong bệnh viện khi những liều thuốc ngủ vừa tan Hưng từ từ hồi tỉnh. Trước mắt Hưng tất cả đều như hư ảo mong manh xa vời. Lẫn trong màu trắng mơ hồ như làn sương mỏng thấp thoáng một bóng hình. Rồi màu trắng cũng loãng dần ra, khuôn mặt Mơ cúi xuống… Bàn tay Mơ ấm áp nắm lấy tay Hưng lạnh ngắt như đồng. Hưng như một người từ cõi chết trở về. Bên ngoài có tiếng ca của người hát xẩm. Giọng ca não nuột lê thê… Lúc đầu nghe rất rõ rồi cứ xa dần… Hưng lắng tai nghe như một lời ru đưa Hưng vào giấc ngủ.
Sáng ngày hôm sau vợ chồng Hưng đi trình hộ chiếu. Viên chức người Pháp nhìn hộ chiếu rồi mỉm cười bắt tay Hưng. Ông ta hỏi:
_ Ông ở Calédonie à? Ông về chơi hay về luôn?
Hưng nói:
_ Tôi hết hợp đồng nên về Việt Nam chơi và có thể sẽ qua đó lại.
Hưng kể sơ tình hình bên ấy rồi đề nghị:
_ Calédonie có một bãi biển tuyệt vời! Ông nên qua cho biết!
Viên chức Pháp gật đầu:
_ Vâng thế nào tôi cũng đem vợ con sang nghỉ hè bên ấy một chuyến.
Hưng đề đạt nguyện vọng muốn vào Đàlạt. Ông ta hỏi:
_ Tại sao vậy?
Hưng giải thích:
_ Vì tôi từng làm việc ở đó và cũng từ đó được chuyển qua Tân đảo. Nay tôi muốn đưa vợ con trở lại đó thăm. Tôi thích phong cảnh và khí hậu nơi ấy. Giống Calédonie mặc dù không phải là xứ biển.
Viên chức Pháp nói:
_ Vậy thì ông gặp may rồi! Tôi sẽ nhắn họ cho gia đình ông quá giang. Ngày mai sẽ có một máy bay chở thư vào đó.
Hưng vui sướng không tin vào tai mình nữa. Nói chuyện qua loa một lúc hai vợ chồng xin phép ra về. Viên chức Pháp đưa tay về phía Hoan Bình, thằng bé chạy lại phía ông ta, giơ tay ra bắt, nói lời chào rất “tây” khiến ông ta gật gù hài lòng lắm.
Chuyến bay chở gia đình Hưng khởi hành lúc 10 giờ sáng hôm sau. Ngừng một tiếng ở Tu-Ran rồi bay vào Đàlạt. Khi máy bay đáp xuống Đàlạt thì trời đã về chiều. Thoát ra khỏi máy bay Mơ nghe tiếng con cười như nắc nẻ. Rồi Mơ thấy bé Hoan Bình, niềm hy vọng của Mơ, chạy lon ton tung tăng trên đường băng, hình như con đang chạy dưới những luồng ánh sáng kỳ diệu nào đó? Hay chỉ là một vùng nắng vàng rất nhẹ? Có một cảm giác như được an toàn chở che, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, “Thoát rồi!” Cùng một lúc Mơ buột miệng kêu lên: “Giê-su lạy chúa tôi!” Hưng giật mình quay lại nhìn vợ, tiến lại gần cầm lấy túi xách của vợ rồi nói:
_ Em cầu nguyện đi! Anh và con chờ em.
Mơ chắp tay cầu nguyện, ngửa mặt lên trời làm dấu thánh, dáng Mơ trông thật nhỏ bé giữa trời chiều Đàlạt bảng lảng heo may. Cầu nguyện xong Mơ sửa lại chiếc khăn voan nhìn ra phía trước. Hưng đang chạy theo con trên đồi cỏ. Từng cơn gió thổi qua, lùa trên lớp lớp cỏ vật vã. Mơ chợt mỉm cười… Qua màn lệ nhoà hạnh phúc hình ảnh hai cha con như đang chập chờn giữa một vùng nước xanh gợn sóng.
Chú thích
[ 1 ]: Phạm Quỳnh: người chủ trương Pháp Việt đề huề, chủ bút tờ NAM PHONG, quan Thượng Thư Bộ Lại dưới triều Bảo Đại bị Việt Minh bắt sau Cách Mạng Tháng Tám và không bao giờ quay trở về.