Số lần đọc/download: 1627 / 24
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:36 +0700
Chương 8
H
ai ngày cuối tuần - trước ngày Chủ nhật thanh bình - được đánh dấu bằng những cuộc săn lùng tương tự, những căng thẳng tương tự, và cùng một bầu không khí im lặng nặng nề đè lên ngôi làng. Chiều thứ Bảy, Camille chạy trốn bằng cách đi bộ lên núi đến Mỏm đá Saint-Marc nổi tiếng về khả năng chữa bệnh bất lực, vô sinh, hay những thất bại trong tình yêu, chỉ cần ta biết ngồi đúng cách lên mỏm đá đó. Điểm cuối này có vẻ là một điểm khá tế nhị, Camille không có khái niệm nghiêm chỉnh và rõ ràng cho lắm. Xét cho cùng, nếu như viên đá có thể chữa được từng đó thứ bệnh, thì nó ít nhất cũng sẽ biết cách làm nhẹ bớt cảm giác khó chịu, nỗi nghi ngờ, tâm trạng phiền muộn và sự thiếu vắng cảm hứng sáng tác nhạc trong cô, tất cả vốn cũng chỉ là những hình thái khác nhau của sự bất lực.
Camille cầm theo một cây gậy sắt và cuốn Danh mục các Dụng cụ Nghề nghiệp. Đó là thứ cô thích giở ra xem vào những giờ phút riêng tư, trong khi ăn sáng, lúc uống cà phê, hay bất cứ khi nào tâm trí xáo trộn. Ngoài những giây phút đó ra, Camille đọc các cuốn sách bình thường khác.
Thiên hướng về những dụng cụ kỹ thuật của cô làm Lawrence cảm thấy bất ổn, anh quẳng ngay cuốn Danh mục vào sọt rác cùng với những tờ rơi quảng cáo khác. Anh thấy Camille làm thợ sửa ống nước là đủ lắm rồi, đâu cần cô phải ngó nghiêng sang các công cụ của nghề khác. Camille nhặt cuốn sách hơi vấy bẩn lại, không phàn nàn gì. Niềm hy vọng cực đoan dành cho phái nữ của Lawrence nghịch lý thay lại khiến anh trở nên hợp thời: anh đặt phụ nữ lên nấc thang cao nhất của tạo hóa, gán cho họ khả năng thống trị bản năng thực tiễn, trao cho họ nhiệm vụ đưa đàn ông ra khỏi chất thô lỗ. Anh muốn phụ nữ phải cao thượng và không tầm thường, anh hy vọng họ phải gần như phi vật chất, không thực dụng. Sự lý tưởng hóa đó hoàn toàn không tương hợp với cuốn Danh mục các Dụng cụ Nghề nghiệp. Camille công nhận quyền mơ mộng chính đáng của Lawrence nhưng cô cũng tự cho mình có lý khi yêu thích các đồ lề sửa chữa, như bất cứ thằng đàn ông ngu ngốc nào, có lẽ Suzanne sẽ nói như vậy.
Cô nhét cuốn sách vào túi, cùng nước và bánh mì, rồi rời khỏi làng theo những bậc thang dốc đứng về hướng Tây. Cô phải đi gần ba tiếng đồng hồ mới đến được tảng đá. Cũng là vì sự mắn đẻ đâu có thể đạt được sau hai cái búng tay. Một tảng đá như thế không bao giờ nằm ngay trong vườn nhà ông hàng xóm cả, nếu không sẽ là gian lận. Nó luôn nằm tại những địa điểm khó tiếp cận. Leo đến đỉnh nơi có tảng đá đã mòn, Camille chạm trán một tấm bảng mới tinh, tế nhị ghi lời cảnh báo dành cho những người đi dạo núi về lũ chó bảo vệ của cánh chăn cừu. Lời cảnh báo kết thúc bằng những từ ngữ đầy hy vọng: Không nên la hét, không nên ném đá. Sau một thời gian quan sát, lũ chó sẽ bỏ đi. Và đặc biệt, Camille nghĩ thêm, chúng sẽ nhảy xổ vào ta. Một cách vô thức, cô siết lấy cây gậy sắt rồi đảo mắt nhìn quanh. Giữa lũ sói và lũ chó đi hoang, núi rừng lại trở thành một trận chiến.
Cô trèo lên tảng đá, nhìn xuống toàn bộ thung lũng. Phía dưới xa, đám hỗn độn xe ô tô của những người tham gia cuộc săn lùng tạo thành vệt dài màu trắng. Cô nghe thấy cả tiếng người nói. Xét cho cùng, một mình, phía trên cao này, cô cũng không được yên tĩnh đến mức như cô tưởng. Xét cho cùng, cô cảm thấy hơi sợ.
Cô lấy nước, bánh mì, cuốn danh mục ra. Đó là một cuốn sách rất đầy đủ, với những phần phụ giải thích về khí nén, cách hàn, các giàn giáo, cần trục, và hàng tá những chuyên mục đầy hứa hẹn tương tự. Camille đọc hết, kể cả những phần miêu tả chi tiết như Máy phát quang bằng nhiệt 1,1 mã lực. Thanh chắn chống giật lùi Vận hành chống rung chắc chắn Chiếu sáng bằng điện trọng lượng 5,6 kilôgam. Những phần ghi chú vốn đầy rẫy trong các cuốn danh mục như thế này mang lại cho cô một cảm giác thỏa mãn về trí tuệ - hiểu được công cụ, biết được cấu tạo của nó, hiệu quả của nó - cùng lúc với một cảm giác thỏa mãn mạnh mẽ về giai điệu. Thêm vào đó là giấc mơ ngấm ngầm giải quyết những vấn đề toàn cầu bằng Máy phay đa năng hoặc Dùi chìa khóa vạn năng. Cuốn danh mục là kỳ vọng dùng sức mạnh kết hợp với mánh khóe để chống lại những phiền toái của cuộc đời. Một kỳ vọng ngụy biện, nhưng cũng vẫn là kỳ vọng. Camille lấy năng lượng sống của mình từ hai nguồn: sự sáng tạo âm nhạc và cuốn Danh bạ các Dụng cụ Nghề nghiệp. Mười năm trước đây, cô còn trông đợi ở tình yêu, nhưng cô đã giảm rất nhiều trông đợi ở tính lằng nhằng của tình yêu. Tình yêu cho ta đôi cánh nhưng lại lấy đi của ta đôi chân, vậy nên nó không đáng giá lắm. Kém giá trị hơn nhiều so với một cái Kích thủy lực mười tấn chẳng hạn. Tóm lại là, trong tình yêu, nếu ta không yêu người nào thì người đó ở lại, nếu ta yêu một người thì người đó sẽ bỏ đi. Một hệ thống đơn giản, không có bất ngờ, tất yếu sẽ dẫn đến một nỗi phiền muộn hoặc một thảm họa lớn. Tất cả cũng chỉ vì trạng thái thán phục trong hai mươi ngày, không, điều đó thật không đáng. Tình yêu lâu bền, tình yêu vững chắc, tình yêu hưng phấn, tình yêu cao thượng, tình yêu thần thánh, tình yêu thanh lọc, tình yêu hồi sinh, tóm lại tất cả những gì người ta tưởng tượng về tình yêu trước khi thực sự nhúng tay vào nó, đều chỉ là chuyện tầm phào. Vậy là Camille, sau nhiều năm thử nghiệm, sau nhiều lần cay đắng và một lần thất vọng lớn lao, đã nghiệm ra. Chỉ là chuyện tầm phào, trò lừa dối những kẻ ngây ngô, sự tự khám phá của những kẻ mê đắm chính bản thân mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Camille gần như trở thành một người giỏi chịu đựng, cô không lấy làm tiếc hay hài lòng về điều này. Giỏi chịu đựng không ngăn cản cô thành thực yêu Lawrence, theo cách của cô. Cô đánh giá cao anh, thậm chí ngưỡng mộ anh, tìm đến hơi ấm nơi anh. Hoàn toàn không trông chờ vào bất cứ điều gì hơn. Camille chỉ còn giữ lại từ tình yêu những ham muốn tức thì và những tình cảm ngắn hạn, cô chôn vùi mọi lý tưởng, kỳ vọng, mọi điều lớn lao. Cô hầu như không chờ điều gì từ bất kỳ ai. Bởi vậy cô chỉ còn biết yêu trong trạng thái hưởng thụ và khoan dung, gần chạm đến ranh giới của sự lãnh đạm.
Camille ngồi lùi vào trong bóng râm, cởi áo ra rồi suốt hai giờ đồng hồ chìm đắm trong việc nghiên cứu những Máy mài dao dùng nước và đá mài, Máy bơm nước hai lớp cách điện và những công cụ tiện dụng vừa mang tính cảm hóa vừa làm vững lòng khác. Nhưng mắt cô liên tục rời khỏi cuốn danh mục, dò xét xung quanh. Cô cảm thấy không thoải mái, tay siết lấy cây gậy. Đột nhiên cô nghe thấy tiếng cọ quậy, rồi tiếng giẫm chân lên bụi cây. Nhanh như cắt, cô đứng phắt lên tảng đá, giương cao cây gậy, tim đập thình thịch. Một con lợn lòi hiện ra cách cô mười mét, nhìn thấy cô bèn lẩn vào đám bụi rậm. Camille thở hắt ra, cài túi lại rồi đi theo con đường mòn xuống làng Saint-Victor. Núi rừng không được yên lành trong lúc này.
Đêm xuống, cô ngồi vắt chân bên phòng giặt công cộng, bày bánh mì và nước lên một phiến đá, canh chừng giờ về của cánh thợ săn, nghe ngóng tiếng động nặng nề của sự thất bại họ phải gánh chịu. Cô nhìn thấy Lawrence trên xe mô tô. Thay vì dựng nó bên quảng trường làng như mọi khi vẫn làm, anh đi qua đám người rồi đi tiếp đoạn dốc dẫn lên nhà.
Cô thấy anh ngồi xuống bậc thềm trên cùng, vẻ nghĩ ngợi xa xăm, mũ bảo hiểm vẫn còn trên tay. Cô đến ngồi bên anh, Lawrence choàng tay lên vai cô. - Có gì mới không?
Lawrence lắc đầu.
— Có chuyện phiền phức gì à? vẫn động tác đó.
— Sibellius thì sao?
— Xác định được vị trí. Cùng anh nó là Porcus. Lãnh địa về hẳn hướng Đông - Nam. Lũ đểu cáng xấu chơi. Xấu chơi nhưng thanh thản. Đám đàn ông sẽ tìm cách đánh thuốc chúng.
— Để làm gì?
— Lấy dấu hàm.
Camille ra hiệu là cô hiểu ý.
— Crassus thì sao? cô hỏi.
Lawrence lại lắc đầu.
— Không có dấu vết gì, anh nói.
Camille im lặng ăn hết miếng pho mát. Nhiều khi cũng mệt mỏi khi phải lôi từng lời một ra khỏi miệng anh chàng người Canada.
— Không ai tìm thấy con sói cả, cô kết luận, họ cũng không mà bọn anh cũng không.
— Không thể tìm thấy, Lawrence khẳng định. Chắc phải khua khoắng ầm lên. Lũ chó sẽ đánh hơi được.
— Rồi sao nữa?
— Con này khó đấy. Tough guy (kẻ ma mãnh)
Camille bĩu môi. Điều này khiến cô ngạc nhiên. Mặc dù họ cũng đã từng mất một thời gian khá dài mới tóm được con sói vùng Gévaudan. Mà đó có phải con sói cần tìm không, điều này thì không ai chứng minh được. Chính vì vậy cho đến tận hai thế kỷ sau cái bóng của Con Vật vẫn còn nhảy múa đâu đây.
— Dù sao thì, cô thì thầm, cằm tựa lên gối, em cũng thấy lạ.
Lawrence chậm rãi vuốt tóc cô.
— Có một người, ở đây, anh nói, không thấy lạ chút nào.
Camille ngước mắt nhìn Lawrence. Lúc này trời đã tối, cô không nhìn rõ mặt anh. Cô chờ đợi. Ban đêm, Lawrence buộc phải nói nhiều hơn vì không ai nhìn được những dấu hiệu của anh nữa. Thậm chí trong bóng tối anh trở nên mạch lạc hơn.
— Có người không tin, anh nói.
— Tin vào cuộc săn lùng ư?
— Tin vào con vật.
Lại im lặng.
— Không hiểu, Camille nói, cô vô tình bắt chước một cách máy móc cách cắt chủ ngữ ở đầu câu của anh.
— Người ấy tin đó không phải là một con thú, Lawrence cố gắng giải thích.
Không có con thú nào hết. Người ấy đã tiết lộ cho riêng anh.
— À, Camille nói, thế người ấy tin vào cái gì? Một giấc mơ ư?
— Không.
— Ảo giác? Chứng loạn tâm thần tập thể?
— Không. Người ấy tin đó không phải là một con thú.
— Thế lũ cừu bị cắn chết, hắn cũng không tin ư?
— Có chứ. Tất nhiên là có. Nhưng không tin có con thú.
Camille nhún vai, chán nản.
— Thế hắn tin vào điều gì?
— Tin rằng có một người.
Camille đứng lên, lắc mạnh đầu.
— Một con người ư? Ăn thịt cừu ư? Thế còn các vết thương thì sao?
Lawrence nhăn mặt trong bóng đêm.
— Tin có ma sói.
Lại im lặng, rồi Camille chạm tay vào cánh tay anh chàng người Canada.
Ma sói ư? cô thì thầm hạ thấp giọng, theo bản năng, như thể từ gở đó nhất định không được nói ra oang oang. Một con ma sói? Anh định nói là một gã điên phải không?
— Không, một con ma sói. Có người tin có ma sói.
Camille dò xét khuôn mặt của Lawrence trong bóng đêm, lượng xem có phải anh đang giỡn mặt cô hay không. Nhưng nét mặt anh chàng người Canada hoàn toàn thản nhiên.
— Anh muốn ám chỉ loại người đêm đến thì biến dạng, mọc vuốt, mọc nanh, mọc lông? Loại người đi khắp các xóm làng để ăn thịt người rồi sáng ra giấu bộ lông vào túi áo vest để đi làm ư?
— Chính thế, Lawrence khẳng định bằng giọng nghiêm trang. Một con ma sói chứ sao nữa.
— Thế quanh đây có loại đó ư?
— Phải.
— Và chính nó đã cắn cổ những con cừu kể từ mùa đông năm ngoái?
— Hoặc là kể từ hai mươi mùa đông gần đây.
— Anh thì sao? Camille lưỡng lự, anh có tin không?
Lawrence nhún vai, nở một nụ cười xa xăm.
— God, anh nói. Không.
Camille đứng thẳng lên, mỉm cười, vung hai tay như thể xua bóng đêm.
— Thế thằng khùng nào đã nói với anh điều đó?
— Suzanne Rosselin.
Sững sờ, Camille nhìn chằm chằm vào anh chàng người Canada đang ngồi trên bậc thềm, tay vẫn cầm mũ bảo hiểm, luôn bình thản.
— Thật vậy hả Lawrence?
— Thật. Tối hôm trước, trong khi em sửa vết rò. Bà ấy nói rằng một con ma sói khốn khiếp đang làm cả vùng đổ máu. Rằng chính vì thế mà có những vết răng quá khổ.
— Suzanne? Anh đang nói về Suzanne phải không?
— Đúng vậy. Bà béo.
Rụng rời, Camille đứng bất động, tay buông thõng.
— Bà ấy còn nói, Lawrence tiếp, rằng con ma sói khốn kiếp đã... - Lawrence tìm từ ngữ - đã bị đánh thức khi bầy sói quay về, rằng từ giờ, nó lợi dụng những vụ tấn công để che giấu tội ác của mình.
— Suzanne không điên, Camille thì thầm.
— Em biết thừa là bà ấy hoàn toàn điên.
Camille không trả lời.
— Tận đáy lòng mình, em biết rõ điều đó, Lawrence nói. Anh còn chưa kể điều tệ nhất, anh nói thêm.
— Anh không muốn vào nhà ư? Camille hỏi. Em lạnh lắm, rất lạnh.
Lawrence ngẩng đầu lên rồi đứng phắt dậy, như thể chỉ bây giờ anh mới nhận thấy mình làm Camille sốc đến mức nào. Camille yêu quý bà béo. Anh vòng tay ôm Camille, xoa lưng cô. Anh thì anh đã nghe kể về rất nhiều chuyện phi thường, rất nhiều bà già biến thành gấu xám, rồi từ gấu xám biến sang gà gô tuyết, rồi từ gà gô tuyết biến thành những linh hồn lang thang, đến mức đám vật điên ấy bấy lâu nay không làm anh lo ngại. Con người và thiên nhiên hoang dã chưa bao giờ làm thành một bộ đôi êm đềm. Nhưng ở đây, trên đất Pháp nhỏ bé này, họ đã đánh mất hết thói quen. Và nhất là, Camille yêu quý bà béo.
— Đi vào nhà đi, anh nói, môi vùi trong tóc cô.
Camille không bật đèn để tránh phải lôi từng từ một ra khỏi miệng Lawrence. Trăng đã lên, ánh sáng cũng đủ nhìn. Cô ngồi trong một cái ghế bành lót rơm cũ, đầu gối chống cằm, hai tay bắt tréo. Lawrence mở một chai nho ngâm rượu, rót chừng chục quả nho ra một cái chén rồi đưa cho Camille. Anh rót cho mình một cốc rượu không nhỏ.
— Ta có thể uống đến say, anh gợi ý.
— Làm sao mà say được với chút rượu này.
Camille nuốt từng quả nho, nhả lại hột vào chén.
Đáng lẽ cô có thể nhổ hột vào bếp lò nhưng Lawrence phản đối việc một phụ nữ nhổ vào bếp lò vì cô ta phải vượt qua tính tàn nhẫn của đàn ông và qua cả việc khạc nhổ không ngừng của họ.
— Rất tiếc về Suzanne, anh nói.
— Chắc cũng tại bà ấy đọc truyện cổ tích châu Phi nhiều quá, Camille mệt mỏi nói.
— Có thể.
— Ở châu Phi có ma sói không anh?
Lawrence xòe hai tay ra.
— Chắc chắn là có. Có thể là ma linh cẩu, ma chó rừng.
— Tiếp đi, Camille nói.
— Bà ấy biết là ai.
— Con ma sói ư?
— Phải.
— Nói đi.
— Massart, tên gác lò mổ.
— Massart ư? Camille gần như thét lên. Tại sao lại là Massart, trời ạ?
Lawrence vuốt má, lúng túng.
— Nói tiếp đi, Camilỉe nhắc lại.
— Tại vì Massart không có lông.
Camille chìa cái chén ra, tay cứng nhắc, Lawrence đổ thêm cho cô một thìa nho.
— Sao? Không có lông ư?
— Hắn không có lông.
— Em không hiểu, Camille nói, thu mình lại. Anh ta có tóc, như anh và em. - Tóc anh ta đen phủ đến tận mắt
— Anh nói là lông. Không có lông, Camille.
— Anh muốn nói trên cánh tay, trên đùi, trên ngực hả?
— Phải, tên đó trụi lủi như trẻ con chứ sao. Anh không rõ chi tiết. Hình như hắn còn không phải cạo râu bao giờ.
Camille khép hờ mắt để nhớ lại hình ảnh của Massart sáng hôm nọ, đứng cạnh cái xe cam nhông. Cô thấy lại làn da trắng, trên cánh tay và má, nom thật kỳ lạ bên cạnh những gã đàn ông rám nắng khác. Phải, không có lông, rất có thể.
— Vậy thì sao? cô nói. Việc đó có liên quan quái gì?
— Em không giỏi về ma sói lắm nhỉ?
— Không, không giỏi lắm.
— Giữa ban ngày em nhận ra chúng ngay.
— Không. Làm sao em có thể nhận ra lão già tội nghiệp đó?
— Như thế này nhé. Ma sói không có lông. Em có biết vì sao không? Vì nó giấu lông bên trong.
— Anh đùa hả?
— Cứ đọc lại những cuốn sách cũ rích của cái đất nước điên rồ cổ hủ của em đi. Em sẽ thấy thôi. Sách viết như vậy. Ở nông thôn hàng tá người biết điều đó. Cả bà béo nữa.
— Suzanne.
— Ừ, Suzanne.
— Ai cũng biết chuyện về lông ư?
— Không phải là chuyện lông. Mà là chuyện dấu hiệu của ma sói. Nó giấu lông bên trong vì đó là một con người bị lộn trái. Đêm xuống, nó trở lại nguyên hình, bộ lông lộn ngược ra.
— Kiểu như Massart là một cái áo lông lộn trái?
— Nếu em nghĩ thế.
— Thế còn răng? Chúng cũng lộn ngược được ư? Ban ngày nó giấu răng ở đâu?
Lawrence đặt cốc xuống bàn, quay lại phía Camille.
— Camille, nổi nóng không ích gì đâu. Bullshit, đâu có phải là anh nói thế. Bà béo đấy.
— Suzanne
— Ừ, Suzanne.
— Đúng vậy, Camille nói. Em xin lỗi.
Camille đứng lên với lọ nho ngâm rồi đổ hết vào chén mình. Từng quả từng quả một, cuối cùng thì chúng cũng giúp gân cốt nóng lên. Chính Suzanne đã ngâm nho. Bà chủ trại Écarts chưng cất phía sau bếp một đống bã nho - bà gọi là nước cháy rực - với liều lượng thừa sức vượt quá mức tối đa được hiệp hội các nhà trồng nho nhân nhượng. "Tao mặc kệ cái mức tối đa ấy”, bà thường nói. Hơn nữa Suzanne còn mặc kệ tất cả những mức tối đa hay tối thiểu trên thế giới này, những thuế má, chứng thực, những phần trăm, bảo hiểm, những tiêu chuẩn an toàn của nước Pháp, những ngày hết hạn sử dụng và những bảo trì các phần dùng chung. Buteil, viên quản lý, là người trông coi sao cho việc khai thác không vượt quá ngưỡng tối thiểu của quyền công dân và ông Canh đêm là người nhận nhiệm vụ kiểm soát khâu vệ sinh. Camille tự hỏi một người đàn bà giẫm đạp lên những luật lệ chung như thể phá tan một cánh cửa vựa thóc sao lại có thể tán đồng một tin đồn nguy hiểm mang tính cộng đồng về ma sói được chứ. Cô vặn nút lọ lại rồi đi vài bước, bàn tay ôm gọn cái chén. Trừ khi Suzanne, vì quá hằn thù với những luật lệ chung, đã tự tạo ra trật tự của riêng mình. Trật tự, luật lệ, cách giải thích riêng về thế giới. Trong khi mọi người đổ xô chạy theo một con thú, tạo thành một khối duy nhất phục vụ cho một ý tưởng duy nhất, Suzanne Rosselin, kẻ thù của mọi ý tưởng được mọi người tán đồng, tự tách riêng ra. Bà thách thức sự thỏa thuận, sáng tạo ra một logic khác, thế nào cũng được, miễn là nó không giống như của mọi người.
— Bà ấy gàn lắm, Lawrence tóm tắt, như thể anh đang theo dõi suy nghĩ của Camille. Bà ấy sống bên lề thế giới.
— Anh cũng vậy. Anh sống trong tuyết, cùng lũ gấu.
— Nhưng anh không gàn. Chắc chắn đó là một phép lạ nhưng anh không gàn. Đó là sự khác biệt giữa anh và bà béo. Bà ấy bất chấp tất cả. Bà ấy bất chấp việc người hôi mùi mỡ cừu.
— Lawrence, bỏ qua mùi mỡ cừu đi.
— Anh không bỏ qua gì cả. Bà ấy rất nguy hiểm. Nghĩ cho Massart xem.
Camille đưa tay lên ôm mặt. Lawrence có lý. Suzanne có thể nói bậy về ma sói, thế cũng không sao. Ta có thể nói bậy về bất cứ điều gì ta muốn. Nhưng buộc tội một người, đó lại là chuyện khác.
— Tại sao lại là Massart?
— Vì anh ta không có lông, Lawrence kiên nhẫn nhắc lại.
— Không, Camille nói, vẻ hơi mệt mỏi. Ngoài lông ra, quên cái chuyện lông vớ vẩn này đi. Tại sao anh tin rằng bà ấy lại đổ tội cho anh chàng đó? Đó là một người cũng giống bà ấy, xa cách, cô độc, không được yêu thích. Lẽ ra bà ấy phải bảo vệ anh ta.
— Chính thế. Anh ta quá giống bà ấy. Cả hai cùng đi săn trên một lãnh thổ.
Bà ấy phải triệt hạ anh ta.
— Anh nghĩ nhiều đến lũ gấu xám quá.
— Mọi việc phải diễn ra như vậy. Đó là hai kẻ cạnh tranh khốc liệt.
Camille hất cằm.
— Bà ấy còn nói gì với anh nữa? Ngoài chuyện lông ra?
— Không gì nữa. Soliman đi đến và bà ấy im lặng. Anh không biết gì hơn.
— Chừng ấy cũng không tồi.
— Quá nhiều là khác.
— Ta có thể làm gì được?
Lawrence tiến lại gần Camille, đặt tay lên vai cô.
— Anh sẽ nói cho em nghe điều cha anh luôn nhắc nhở anh.
— Vâng, Camille nói.
— Nếu muốn tự do, hãy ngậm miệng lại.
— Rồi. Sao nữa?
— Ta ỉm chuyện này đi. Nếu không may chuyện buộc tội này vượt quá phạm vi trại Écarts, ta hoàn toàn có thể lo ngại cho Massart. Em có biết ngày xưa, cách đây chừng hai trăm năm, trên xứ sở của em, họ làm gì với những người bị nghi ngờ như vậy không?
— Anh nói đi. Câu chuyện đã đến mức này rồi.
— Họ mổ bụng từ cuống họng đến hòn dái để xem bên trong có lông hay không. Tiếp đó thì đã quá muộn để khóc than cho sự nhầm lẫn.
Lawrence siết chặt vai Camille.
— Không được để chuyện này lọt ra ngoài cái trại khốn kiếp của bà ấy, anh nói nhát gừng.
— Em không tin mọi người lại đến nỗi điên như anh tưởng. Họ sẽ không nhảy xổ vào Massart đâu. Ai cũng biết rằng mấy vụ giết chóc kia là do một con sói gây ra.
— Em có lý. Bình thường thì em hoàn toàn có lý. Nhưng em quên mất một điều: con sói này không phải như những con khác. Anh đã thấy vết răng của nó. Và em có thể tin anh, Camille ạ, khi anh nói rằng đó là một con vật lực lưỡng, một con vật anh chưa từng nhìn thấy.
— Em tin anh, Camille hạ thấp giọng.
— Sắp tới, anh sẽ không phải là người duy nhất biết điều đó. Đám đàn ông đâu có mù, họ thậm chí còn có khả năng, cho dù bà béo nói gì đi nữa. Sớm hay muộn họ cũng sẽ biết chuyện. Họ sẽ biết mình phải đối mặt với một sự việc phi thường, một điều họ chưa bao giờ thấy. Em hiểu chứ, Camille? Em có hiểu mối nguy đó không? Một việc không bình thường. Vậy nên họ sẽ sợ hãi. Vậy nên họ sẽ mất phương hướng. Vậy nên họ sẽ vây quanh những người được tôn sùng và thiêu sống những kẻ sống ngoài lề. Và nếu bà béo tung tin đồn ra, họ sẽ nhảy xổ vào Massart, họ sẽ mổ bụng anh ta, từ cuống họng đến hòn dái.
Camille gật đầu, căng thẳng. Chưa bao giờ Lawrence nói liền một mạch như vậy. Anh không buông tay ra, như thể để bảo vệ cô. Camille cảm thấy đôi bàn tay nóng hổi của anh trên lưng cô.
— Đó chính là lý do vì sao ta cần phải tìm bằng được con thú ấy, dù nó còn sống hay chết. Chết nếu là họ tìm thấy, sống nếu là anh tìm thấy. Từ giờ đến đó, ta ỉm chuyện này đi.
— Còn Suzanne?
— Ngày mai ta sẽ đi gặp bà ấy, buộc bà ấy phải im lặng.
— Bà ấy không thích bị ra lệnh.
— Nhưng bà ấy quý anh.
— Bà ấy có thể nói với ai khác ngoài anh ra lắm chứ.
— Anh không tin. Thật sự là không.
— Tại sao?
— Tại vì bà ấy cho rằng đám đàn ông làng Saint-Victor rặt một lũ ngu ngốc bỏ đi. Trừ anh, vì anh là người nước ngoài. Bà ấy nói với anh còn vì anh biết nhiều về lũ sói.
— Tại sao tối thứ Tư lúc ta ở trại Écarts về, anh không nói gì với em?
— Anh nghĩ rằng họ sẽ bắt được con sói sau cuộc săn lùng, và mọi việc sẽ trôi vào quên lãng. Anh không muốn làm giảm uy tín của bà béo trong mắt em vì một chuyện vớ vẩn.
Camille gật đầu.
— Bà ấy điên rồi, Suzanne của em ấy, Lawrence thì thầm.
— Dù sao em cũng vẫn quý bà ấy.
— Anh biết.
o O o
Sáng hôm sau, vào lúc bảy rưỡi, Lawrence nổ máy xe mô tô. Camille, chỉ vừa mới tỉnh ngủ, ngồi sau anh, họ cùng đi từ từ vượt qua hai kilômét ngăn cách họ với trại Écarts. Camille một tay ôm eo Lawrence, một tay cầm cái lọ nho ngâm rỗng không. Suzanne Rosselin không cho nho nếu như ta không mang lọ lại cho bà, nguyên tắc là vậy.
Lawrence rẽ trái, đi vào con đường đầy sỏi dẫn đến khu nhà.
— Cảnh sát, Camille vừa lay vai Lawrence vừa kêu lên.
Lawrence ra hiệu đã thấy rồi về hết ga và xuống xe. Cả hai bỏ mũ bảo hiểm ra cùng quan sát cái xe thùng màu xanh đậu trước chuồng cừu, như mấy hôm trước, cũng vẫn mấy viên cảnh sát ấy, một người nhỏ con, một người tầm thước, đang đi lại giữa cái xe và ngôi nhà.
— God, Lawrence nói.
— Chó chết, Camille nói. Một vụ tấn công khác.
— Bullshit. Chuyện này sẽ không làm bà béo nguôi ngoai đâu.
— Suzanne chứ.
— Suzanne.
— Đáng lẽ nên xảy ra ở chỗ khác thì hơn.
— Con sói đã chọn thế, Lawrence nói. Không phải là tình cờ.
— Nó chọn?
— Chắc chắn. Mới đầu mò mẫm, rồi thì tìm thấy. Dễ đột nhập, chuồng cừu biệt lập, chó bị xích. Thế là nó đến. Và sẽ quay lại. Nếu nó quen thói, sẽ dễ bắt nó hơn.
Lawrence đặt mũ và găng tay lên xe mô tô.
— Vào thôi, anh nói. Kiểm tra vết cắn. Không biết có phải vẫn những vết cắn đó không.
Lawrence lúc lắc bộ tóc dài màu vàng, như một con thú tỉnh giấc, anh thường làm vậy trong những trường hợp khó khăn. Camille thọc sâu nắm tay vào trong túi quần. Con đường thoang thoảng mùi húng dổi, mùi húng tây và, Camille thầm nghĩ, mùi máu. Lawrence cho rằng nó luôn có và nhất là có mùi viên mỡ cừu cùng mùi nước tiểu lên men.
Họ bắt tay viên cảnh sát tầm thước, ông ta có vẻ hoảng hốt và nhớn nhác.
— Tôi xem vết thương được không? Lawrence hỏi.
Viên cảnh sát nhún vai.
— Không được động vào bất cứ thứ gì, ông ta nói bằng một giọng máy móc.
Cùng lúc, ông ta mệt mỏi ra hiệu bằng tay rằng họ có thể vào.
— Cẩn thận đó, tệ lắm, ông ta nói. Tệ lắm.
— Tất nhiên là tệ rồi, Lawrence nói.
— Anh chị đến lấy nho phải không? Ông ta hỏi khi nhìn thấy cái lọ rỗng trên tay Camille.
— Cũng một phần, Camille nói.
— Thế thì không đúng ngày rồi. Không đúng ngày rồi.
Camille tự hỏi sao viên cảnh sát luôn nhắc lại hai lần một câu nói như vậy. Luôn nhắc lại hai lần một câu nói hẳn phải tốn rất nhiều thời gian, mất nửa ngày như chơi. Trong khi đó thì Lawrence, chỉ phát ra một phần ba câu nói, tiết kiệm được khối thời gian. Nếu không thì anh sẽ mất thời gian, đây là một điểm có thể bào chữa được. Mẹ Camille nói rằng thời gian đánh mất chính là thời gian tìm được.
Cô nhìn về hướng chuồng cừu, sáng nay không ai đứng canh cửa cả, Soliman cũng không mà ông Canh đêm cũng không. Lawrence đã đi trước cô khi cô chuẩn bị bước vào. Anh quay lại nhìn cô, mặt trắng như ga trải giường trong bóng đêm, dang hai tay ra ngăn cô đi xa hơn.
— Đừng vào, Camille, anh thở hắt ra. Không phải là cừu cái đâu. Jesus Christ.
Nhưng Camille đã thấy. Suzanne nằm thẳng trên lớp rơm vấy phân, mặt ngửa lên, hai tay dang rộng, váy ngủ tốc đến đầu gối. Một vết thương kinh khủng trên cuống họng làm một dòng máu trào ra. Camille nhắm mắt lại rồi chạy khỏi chuồng cừu. Cô va vào viên cảnh sát dáng tầm thước, ông ta giữ tay cô lại.
— Chuyện gì xảy ra vậy? cô gào lên.
— Con sói, viên cảnh sát nói. Con sói.
Dìu tay cô, ông ta dẫn cô đến bên cái xe thùng, đẩy cô ngồi lên ghế trên.
— Tôi cũng đau lòng lắm, viên cảnh sát nói. Nhưng không được nói ra. Việc đó không đúng quy định.
— Suzanne, bà ấy cóc cần biết quy định gì hết! Camille hét lên.
— Tôi biết, cô gái bé nhỏ ạ, tôi biết.
Ông ta lấy một chai rượu từ cái giá để đồ trên ô tô rồi lúng túng đưa cho cô.
— Tôi không muốn uống rượu, Camille nức nở nói. Tôi muốn nho. Tôi đến lấy nho kia mà.
— Thôi nào, đừng như trẻ con vậy, đừng như trẻ con vậy.
— Suzanne, Camille rên rỉ. Suzanne to béo của tôi.
— Có lẽ bà ấy nghe thấy tiếng con thú, viên cảnh sát nói. Có lẽ bà ấy đã lên xem tiếng động trong chuồng cừu. Bên cạnh bà có một cây súng trường. Có lẽ bà ấy đã dồn nó vào một góc, rồi con vật nhảy xổ vào bà ấy. Nhảy xổ vào. Bà ấy dũng cảm quá, Suzanne ơi.
— Thế ông Canh đêm đâu? Camille gầm lên. Ông ta làm cái quái gì vào lúc đó?
— Đừng có trẻ con thế, viên cảnh sát nhắc lại. Ông Canh đêm đi ra ngoài. Một con cừu bị lạc, một con cừu non mới sinh năm ngoái. Ông ấy đã đi tìm nó gần hết đêm, rồi khi đi xa quá thì ông ấy ngủ lại trên một bãi chăn. Ông ấy về nhà lúc bảy giờ và ông ấy gọi chúng tôi. Cẩn thận đó, cô bé.
— Cẩn thận cái gì? Camille ngẩng mặt lên hỏi.
— Không được chửi rủa ông Canh đêm trong khi ông ấy đang đau buồn. Không được nói: "Thế còn ông Canh đêm? Thế còn ông Canh đêm? Ông ta làm cái quái gì vào lúc đó?" hay những điều ngu ngốc tương tự. Mấy người không ở xứ này, thế nên đừng có nói gì cả, đừng có nói gì cả trước khi đã suy nghĩ thật kỹ. Suzanne tựa như Thánh Mẫu của ông Canh đêm, không kém một phân. Vậy nên đừng có ngu ngốc. Nhất là đừng có ngu ngốc.
Xúc động, Camille lắc đầu, lấy mu bàn tay lau nước mắt. Viên cảnh sát tầm thước đưa cho cô chiếc khăn giấy.
— Ông ấy đâu rồi? cô hỏi.
— Trong một góc chuồng. Ông ấy đang canh.
— Còn Soliman?
Viên cảnh sát lắc đầu, phác một cử chỉ bất lực.
— Cậu ta tự nhốt mình trong nhà vệ sinh. Trong nhà vệ sinh. Cậu ta nói sẽ chết trong đó. Người ta sẽ cử một bác sĩ tâm lý đến đây. Trong những trường hợp đặc biệt như thế này thì điều đó là cần thiết.
— Cậu ta có vũ khí không?
— Không, không có vũ khí.
— Thứ Tư trước tôi vừa sửa vết rò, Camille nói giọng não nề.
— Phải, vết rò. Cô có biết bà Suzanne đã nhận nuôi cậu bé Soliman Melchior như thế nào không?
— Có, mọi người kể cho tôi nghe rồi.
Viên cảnh sát lắc lắc đầu vẻ thấu hiểu.
— Cậu bé đó, cậu ta đâu có muốn ai ngoài Suzanne. Cậu ta tựa đầu vào bà ấy và ngừng khóc ngay. Người ta kể vậy, tôi không có mặt lúc đó. Tôi không phải người ở đây. Cảnh sát chúng tôi không được quyền ở đây, để khỏi có tình cảm.
— Tôi biết, Camille nói.
— Nhưng dù sao chúng tôi vẫn cảm thấy gắn bó. Bà Suzanne, không ai...
Viên cảnh sát ngừng lời khi thấy Lawrence đi tới, vẻ mặt rầu rĩ, đầu gục xuống.
— Ít ra anh cũng không động vào cái gì đấy chứ? ông ta hỏi.
— Ông bạn đồng nghiệp của ông đâu có rời mắt khỏi tôi.
— Rồi sao?
— Có thể cùng một con thú. Chưa thể chắc chắn được.
— Con sói lớn đó hả? Viên cảnh sát hỏi, mắt nhíu lại vẻ đề phòng.
Lawrence bĩu môi. Anh giơ tay lên, tách ngón cái và ngón út ra.
— Lớn. Ít ra là như thế này giữa răng nanh và răng thịt. Không nhìn rõ được.
Một vết cắn vào vai, một vết cắn vào cuống họng. Chắc không kịp bắn.
Hai xe ô tô đi tới trên con đường rải sỏi xóc nảy.
— Phòng khám nghiệm đó, viên cảnh sát nói. Theo sau là ông bác sĩ.
— Đi thôi, Lawrence vừa đặt tay lên vai Camille vừa nói rồi nhẹ nhàng lay cô. Không nên ở lại đây.
— Em muốn nói chuyện với Soliman, Camille nói. Cậu ta tự nhốt mình trong nhà vệ sinh.
— Khi một người tự nhốt mình trong nhà vệ sinh thì ta chẳng làm gì được đâu.
— Dù vậy em vẫn đi. Cậu ta chỉ có một mình thôi.
— Anh đợi em ở xe.
Camille đi vào ngôi nhà vắng vẻ và tối om, cô leo lên gác rồi dừng lại trước cánh cửa đóng kín.
— Sol, cô vừa gọi vừa gõ vào cánh cửa.
— Cút hết đi, lũ khốn nạn! chàng thanh niên hét lên.
Camille lắc đầu. Soliman sẽ tiếp tục sự nghiệp của Suzanne.
— Sol, tôi không tìm cách kéo cậu ra khỏi đây đâu.
— Chị đi đi!
— Tôi cũng đau đớn lắm.
— Nỗi đau đớn của chị chẳng có giá trị gì! Chẳng có giá trị gì hết, chị nghe chưa? Chị thậm chí còn không có quyền có mặt ở đây! Chị đâu phải con gái của bà! Chị đi đi! Trời ơi, chị đi đi!
— Tất nhiên là nó không có giá trị gì. Suzanne, tôi yêu quý bà ấy đơn giản vậy thôi.
— Đấy! Chị thấy chưa! Soliman gào lên.
— Tôi sửa chữa ống nước cho bà và đổi lại tôi lấy rau quả với rượu của bà. Còn cậu, tôi mặc kệ cậu có ra khỏi nhà xí hay không. Tôi sẽ luồn giăm bông cho cậu dưới khe cửa.
— Được đấy! chàng trai trẻ hét lên.
— Sự thể là thế đấy, Sol. Cậu không ra khỏi nhà xí, Ông Canh đêm không ra khỏi chuồng cừu và Buteil không ra khỏi nhà anh ta. Không ai đi ra khỏi cái gì cả. Lũ cừu cái sẽ chết hết.
— Tôi chẳng liên quan gì đến những túm len chết tiệt ấy cả! Chúng là một lũ ngu độn!
— Nhưng ông Canh đêm đã già. Ông ấy không những không đi ra ngoài nữa mà còn không cử động và không nói năng gì. Ông thẳng đơ như khúc gậy của ông vậy. Cậu không được bỏ rơi ông ấy nếu không ta sẽ phải dẫn ông ấy đến trại dành cho người già.
— Tôi đếch quan tâm!
— Ông Canh đêm trở nên như vậy là vì khi con sói tấn công, ông đang ở bên ngoài. Ông đã không giúp gì được bà ấy.
— Còn tôi thì đang ngủ! Tôi đang ngủ!
Camille nghe thấy Soliman khóc nức nở.
— Suzanne luôn muốn cậu ngủ thật nhiều. Cậu đã nghe lời bà ấy. Đó không phải là lỗi của cậu.
— Tại sao bà lại không gọi tôi dậy?
— Tại vì bà ấy không muốn có chuyện không hay xảy đến với cậu. Cậu là hoàng tử của bà.
Camille áp tay vào cánh cửa.
— Bà ấy đã từng nói như vậy, cô tiếp lời.
Camille đi lên phía chuồng cừu và viên cảnh sát tầm thước ngăn cô lại.
— Cậu ta đang làm gì? ông hỏi.
— Cậu ấy đang khóc, cô nói giọng mệt mỏi. Nói với người tự nhốt mình trong nhà xí khó lắm.
— Đúng vậy, viên cảnh sát đồng tình, như thể ông đã từng nói chuyện với hàng tá người tự giam mình trong toa lét rồi. Bà bác sĩ tâm lý không đến, ông vừa nói vừa nhìn đồng hồ. Tôi chẳng hiểu họ làm cái quái gì.
— Còn ông bác sĩ? Ông ấy nói sao?
— Như kẻ đánh bẫy nói. Rằng bà ấy đã bị cắn đứt họng. Cắn đứt họng. Tầm ba, bốn giờ sáng. Họ còn chưa nhìn rõ được vết răng. Phải lau rửa đã. Nhưng ông ta nói rằng vết cắn rất mờ, không phải như cắm vào đất sét đâu, có đúng không?
Camille ra hiệu đồng ý.
— Ông Canh đêm vẫn ở trong kia ư?
— Phải. Mọi người sợ rằng ông ấy sẽ hóa thành xác ướp.
— Ông vẫn có thể bảo các bác sĩ tâm lý vào nói chuyện với ông ấy.
Viên cảnh sát lắc mạnh đầu.
— Vô ích thôi, ông khẳng định. Ông Canh đêm cứng như một đống đá. Tâm lý học đối với ông ấy như đi tiểu tiện lên cây thôi.
— Vậy ư? Camille nói. Thế ông có phiền không nếu ông cho tôi biết tên?
— Lemirail. Justin Lemirail. (Cứng như một túi đựng quả hồ đào).
— Cảm ơn, Camille nói rồi quay bước đi tiếp, tay buông thõng.
Cô đi đến gặp Lawrence ở chỗ đỗ xe mô tô và im lặng đội mũ vào.
— Em không biết vứt cái lọ ở đâu rồi, cô thì thầm.
— Anh tin rằng điều đó không quan trọng, Lawrence nói.
Camille lắc đầu, ngồi lên xe mô tô rồi vòng tay ôm eo anh chàng người Canada.
o O o
Lawrence dừng xe trước nhà rồi ngồi yên đợi cho Camille xuống xe.
— Anh không vào nhà à? cô hỏi. Chúng ta sẽ uống cà phê chứ?
Lawrence lắc đầu, bàn tay siết lấy ghi đông xe.
— Anh quay lại núi ngay à? Anh muốn tìm con sói khốn kiếp ấy?
Lawrence do dự rồi bỏ mũ bảo hiểm ra, lắc mái tóc.
— Đi tìm Massart, anh nói.
— Massart? Vào giờ này sao?
— Bây giờ là chín giờ rồi, Lawrence vừa nói vừa xem đồng hồ.
— Em không hiểu, Camille nói. Anh muốn kiếm gì nơi anh ta?
Lawrence bĩu môi.
— Anh không hiểu sao con sói lại tấn công, anh nói.
— Thì nó đã tấn công đấy thôi.
— Lũ sói sợ người, Lawrence tiếp tục. Chúng không đối mặt trực tiếp.
— Thôi được. Nó đã đối mặt với Suzanne.
— Suzanne to lớn, lực lưỡng, mạnh miệng. Quyết tâm và có vũ khí. Đáng nhẽ bà ấy phải đánh lùi nó.
— Thì đó chính là điều bà ấy đã làm, Lawrence ạ. Bà ấy đã dồn nó. Ai cũng biết rằng một con sói bị dồn sẽ tấn công.
— Đó chính là điều làm anh lo lắng. Bà béo thừa biết điều này. Sẽ không liều mà dồn một con sói vào đường cùng. Sẽ đi theo hướng cửa sau, thò súng vào một lỗ cửa, rồi bắn. Lẽ ra bà béo phải làm vậy. Nhưng vào chuồng rồi dồn con sói, God, anh không thể tưởng tượng được.
Camille cau mày.
— Anh giải thích xem nào, cô nói.
— Không muốn. Không chắc lắm.
— Cứ giải thích đi.
— Bullshit. Suzanne buộc tội Massart và Suzanne đã chết. Chắc đã đi gặp Massart rồi xả hết mớ bòng bong về con ma sói. Không sợ gì hết.
— Rồi sao nữa Lawrence? Bởi vì Massart không phải là một con ma sói? Anh ta có thể làm gì nào? Anh ta cười nhạo à?
— Không hẳn là cười nhạo.
— Massart từng có tai tiếng xấu và lũ trẻ xa lánh anh ta. Anh ta bận tâm gì đến những lời đồn đại của Suzanne? Ai chẳng nói anh ta nhẵn nhụi, bất lực, pê đê, tâm thần và còn những gì nữa mà em không biết hết. Ma sói, điều đó ảnh hưởng quái gì đến anh ta? Anh ta dư sức chịu đựng những lời đồn đại khác.
— God. Em không hiểu rồi.
— Vậy thì anh giải thích đi. Đây không phải là lúc ngậm từ ngữ trong miệng.
— Massart bỏ ngoài tai những chuyện ngồi lê đôi mách. All right. Nhưng giả sử bà béo có lý? Rằng chính Massart đã cứa họng lũ cừu?
— Đừng có nhảm nhí, Lawrence. Chính anh đã nói là anh không tin.
— Không tin chuyện ma sói. Không.
— Anh quên những vết cắn rồi, mẹ kiếp. Không phải là vết răng của Massart chứ hả?
— Không.
— Đấy, anh thấy chưa?
— Nhưng Massart có một con chó. Một con chó rất to.
Camille giật nảy mình. Cô đã nhìn thấy con chó trên quảng trường, một con vật cao lớn lông đốm rất đáng chú ý, cái đầu lực lưỡng của nó chạm tới thắt lưng anh thanh niên.
— Một con chó dogue Đức, Lawrence nói. Giống chó to nhất. Giống duy nhất có thể sánh ngang hoặc vượt qua tầm vóc một con sói đực.
Camille giẫm đôi ủng lên bàn để chân của xe mô tô, thở dài.
— Tại sao không phải chỉ là một con sói hả Lawrence? cô nhẹ nhàng hỏi. Đơn giản là một con sói già? Tại sao không phải là Crassus Trụi lông? Hôm qua anh còn tìm nó cơ mà.
— Bởi vì nếu thế thì bà béo đã bắn vào đít nó rồi. Qua ô cửa sổ. Anh đi tìm Massart đây.
— Tại sao không phải là ông Lemirail?
— Lemirail là ai?
— Viên cảnh binh tầm thước.
— God. Quá sớm. Bọn anh chỉ nói chuyện thôi. Anh và Massart. Lawrence nổ máy và biến mất sau bờ dốc.
Đến giờ ăn trưa anh mới về. Camille, hơi kiệt sức, không đói nhưng bày bánh mì và cà chua lên bàn rồi vừa ăn vừa lật giở tờ báo ngày hôm qua mà không thật sự đọc được gì. Ngay cả cuốn Danh mục các Dụng cụ Nghề nghiệp cũng không giúp được cô trong ngày hôm nay. Lawrence đi vào nhà không nói một câu, đặt mũ và găng tay lên một cái ghế, liếc nhìn lên bàn, bày thêm giăm bông, pho mát, vài quả táo rồi ngồi vào bàn. Camille không cố, như cô vẫn luôn làm vậy, tìm cách gợi chuyện. Đến mức Lawrence im lặng ăn, thỉnh thoảng lúc lắc mái tóc, nhìn cô bằng ánh mắt xa xăm pha lẫn ngạc nhiên. Camille tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với cả hai khi cô không mở lời. Có thể họ sẽ cứ ngồi bên chiếc bàn bốn mươi năm nữa và ăn cà chua trong im lặng, cho đến khi một trong hai người qua đời. Có thể vậy. Viễn cảnh đó không có vẻ làm Lawrence bận tâm. Camille nhượng bộ sau hai mươi phút. - Anh có gặp anh ta không?
— Biến mất.
— Tại sao lại là "biến mất"? Gã đó có quyền đi dạo bên ngoài chứ.
— Phải.
— Con chó có đó không?
— Không.
— Anh thấy không. Anh ta đi ra ngoài dạo. Hơn nữa hôm nay là Chủ nhật.
Lawrence hất cằm.
— Hình như Chủ nhật nào anh ta cũng đi lễ nhà thờ vào bảy giờ sáng, Camille nói, ở làng bên cạnh.
— Thế thì đã về rồi. Anh đi tìm khắp xung quanh nhà anh ta trong vòng hai giờ đồng hồ. Không thấy anh ta.
— Núi rừng rộng lớn lắm.
— Anh quay lại trại Écarts. Soliman ra khỏi nhà xí rồi.
— Bà bác sĩ tâm lý hả?
Lawrence gật đầu.
— Cậu ta không khỏe lắm. Bác sĩ cho cậu ta thuốc an thần. Cậu ta đang ngủ.
— Ông Canh đêm?
— Hình như ông ta đã di chuyển.
— Tốt.
— Một mét.
Camille thở dài, rứt một mẩu bánh mì rồi lơ đãng nhai trệu trạo.
— Anh thấy ông ấy thế nào, ông Canh đêm ấy? cô hỏi.
— Phiền phức.
— À, em thì thấy ông ấy khá ấn tượng.
— Những người ấn tượng luôn phiền phức.
— Có thể, Camille công nhận.
— Tối nay quay lại tìm Massart, vào giờ ăn tối. Không thể hụt anh ta được.
Nhưng tối đó Lawrence không gặp Massart ở lều của anh ta. Anh đứng đợi anh ta hơn tiếng rưỡi đồng hồ, lưng tựa vào cửa, nhìn màn đêm buông xuống núi. Không ai có thể chờ đợi như Lawrence. Anh đã từng núp trong vòng hai mươi giờ đồng hồ trên đường đi của một con gấu. Khi đêm đã tối hẳn, anh lên xe đi về làng. - Anh lo, anh nói với Camille.
— Anh bực mình vì gã đó thì có. Không ai biết thói quen của anh ta cả. Trời nóng. Có thể anh ta trải qua những ngày tháng tự do của mình trên núi.
Lawrence bĩu môi.
— Ngày mai anh ta phải làm việc. Đáng lẽ phải quay về rồi.
— Đừng có bực mình vì gã đó.
— Ba khả năng, Lawrence vừa nói vừa xòe ba ngón tay ra. Massart vô tội như lũ cừu non. Anh ta đi dạo trong rừng và bị lạc. Anh ta ngủ bên gốc cây. Hoặc anh ta bị mắc bẫy. Hoặc anh ta rơi xuống một khe nước. Ngay cả lũ sói cũng bị rơi xuống khe. Hoặc...
Lawrence lại rơi vào một quãng lặng. Camille lay đầu gối anh, như thể ta lay một cái bóng đèn để chỉnh lại công tắc. Việc làm đó có tác dụng.
— Hoặc là Massart vẫn luôn vô tội. Nhưng Suzanne đến nói chuyện với anh ta. Sáng nay, anh ta biết tin bà ấy chết. Nếu cả làng buộc tội anh ta thì sao? Nếu như bà béo đã kể chuyện cho những người khác? Anh ta sợ rằng mọi người sẽ mổ bụng anh ta từ cuống họng cho đến hòn dái. Thế là anh ta biến mất, cùng với con chó.
— Em không tin như vậy, Camille nói.
— Hoặc cuối cùng Massart là một kẻ giết người. Chính anh ta đã giết bọn cừu bằng con dogue của mình. Rồi anh ta cứa cổ Suzanne. Nhưng Suzanne đã nói chuyện với những người khác - anh chẳng hạn. Thế nên anh ta bỏ đi. Anh ta bỏ trốn. Và anh ta còn bị điên nữa, anh ta rất tàn bạo, anh ta giết chóc bằng nanh vuốt của con quái vật của anh ta.
— Em cũng không tin điều đó. Tất cả cũng chỉ vì anh chàng tội nghiệp ấy không có lông. Tất cả cũng chỉ vì anh ta xấu xí và cô độc. Anh ta đã chẳng vui sướng gì rồi, một mình trên đó, không một sợi lông.
— Không, Lawrence ngắt lời. Tất cả chỉ vì bà béo đã phán đoán và vì bà béo sẽ không dồn một con sói vào đường cùng. Tất cả cũng chỉ vì Massart đã biến mất.
Anh sẽ quay lại đó vào sáng sớm mai. Trước khi anh ta đi đến Digne.
— Em xin anh. Để cho gã đó được yên.
Lawrence nắm lấy bàn tay Camille trong tay anh.
— Em luôn bảo vệ tất cả mọi người, anh mỉm cười nói.
— Phải.
— Thế giới này không phải như vậy.
— Có chứ. Không. Em cóc cần. Để Massart đó. Anh ta đâu có làm gì.
— Em có biết gì đâu, Camille.
— Anh không nghĩ rằng nên tìm Crassus thì hơn sao?
— Chính thế. Có lẽ chính anh ta đang giữ Crassus.
— Anh muốn nói gì? Anh ta đã giết nó ư?
— Không. Thuần hóa nó.
— Sao anh lại nói vậy?
— Không ai nhìn thấy Crassus từ hai năm nay. Nó phải ở đâu đó. Lần cuối cùng có người nhìn thấy nó, nó vẫn còn là một con sói non. Thuần hóa được. Có thể được thuần hóa bởi một gã không sợ lũ chó dogue Đức lắm chứ.
— Thế anh ta giấu nó ở đâu?
— Trong cái nhà bằng gỗ nơi anh ta nhốt con chó. Không ai lại gần Massart, càng không đối với cái lều nhốt con chó. Không hề có nguy cơ bị phát hiện.
— Vậy anh ta nuôi nó thế nào? Một con sói ăn kinh lắm. Chắc chắn gây chú ý.
— Riêng con chó của anh ta đã ăn bằng mười con khác. Đừng có quên: Massart đi mua đồ ở Digne. Gần như vô danh. Anh ta cũng có thể đi săn. Anh ta còn làm việc ở lò mổ nữa. Có thể nuôi Crassus mà không gặp bất cứ nguy cơ gì.
— Một con sói, để làm gì chứ?
— Một con chó dogue, để làm gì nào? Để có sức mạnh, để phục vụ mục đích trả thù. Và để tạo sự khác biệt. Anh từng biết một tên khốn nuôi một con gấu xám cái. Nó cứ tưởng nó là chủ thế giới này. Điều đó mang lại sức mạnh, một con gấu xám cho riêng ta. Điều đó khiến ta say sưa.
— Một con sói cũng vậy ư?
— Cũng như vậy. Nhất là khi nó giống Crassus. Có thể anh ta dùng nó để giết chóc.
Camille suy ngẫm về ba giả thuyết của Lawrence. Giả thuyết về Crassus tấn công vào ban đêm theo lệnh của Massart khiến cô lạnh sống lưng.
— Không, cô nói. Massart bị mắc bẫy ở đâu đó. Đầy người đặt bẫy ở khắp nơi trong rừng.
— Có thể em có lý, đột nhiên Lawrence vừa nói vừa lắc lắc mái tóc. Bà béo tối nọ có thể đã làm anh điên theo. Phải tin rằng bà ấy đã mất bình tĩnh và đã dồn con sói vào đường cùng. Và con sói đã nhảy xổ vào bà ấy. Còn Massart thì đang ở trong rừng. Nhưng còn lại một câu hỏi: Crassus Trụi lông ở đâu?