Nguyên tác: The Final Diagnosis
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Chương 7
T
rong gian phụ của phòng mổ xử nghiệm tử thi, bác sĩ thực tập bệnh học Roger Mc Neil đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi họp tổng kết: Chỉ còn chờ bác sĩ Joseph Pearson xuất hiện là có thể khai mạc.
Tại bệnh viện Three Counties cũng như nhiều bệnh viện khác, họp tổng kết là bước thứ hai sau bước mổ xác chết. Cách đây nửa giờ, George Rinne, người canh giữ nhà xác đã mang vào những bộ phận được giữ lại sau ba ca mổ xét nghiệm trong tuần. Hai dãy bình tráng men chứa các bộ phận được xếp ngay ngắn trên bàn, bên cạnh đó là ba bình thủy tinh đựng các bộ óc. Nơi ngồi họp là chiếc bàn bằng đá có mặt lõm xuống thành một cái chậu lớn, phía trên có gắn vòi nước. Lúc này vòi nước đang chảy xuống chiếc bình thứ ba đựng các bộ phận. Nước rửa sạch chất Formalin bảo quản và khử được ít nhiều mùi hôi thối.
Mc Neil đảo mắt kiểm tra một lần cuối. Pearson luôn luôn nổi nóng nếu không đầy đủ tất cả mọi thứ cần thiết. Mc Neil cảm thấy gian phòng này có vẻ ghê rợn, nhất là khi các bộ phận được bày ra thì càng trông giống một gian hàng thịt. Anh đã từng làm việc trong những phòng mổ bệnh nhân, ở đó mọi thứ đều lấp lánh ánh thép trắng bóng. Vẻ hiện đại ấy không hề có ở khoa Xét nghiệm.
Anh nghe thấy tiếng chân lệt sệt quen thuộc. Pearson bước vào, tất nhiên trong đám khói thuốc xì gà mù mịt.
- Bắt tay vào việc ngay đi - Pearson ít khi quan tâm đến các thủ tục ban đầu - Từ hôm khất lần với O’Donnell đến nay là một tuần rưỡi rồi, thế mà vẫn chưa chạy kịp với công việc - Điếu xì gà gật gù lên xuống - Xong việc này tôi muốn làm xét nghiệm mấy ca mổ chưa giải quyết hết. Nào, ca đầu tiên đâu?
Vừa nói ông vừa khoác tạp dề cao su đen lên người và xỏ găng tay, rồi bước đến ngồi vào bàn họp. Mc Neil ngồi trên chiếc ghế đẩu ở phía đối diện, mắt nhìn xuống tập giấy:
- Phụ nữ, năm mươi lăm tuổi. Nguyên nhân tử vong theo chẩn đoán của y sĩ điều trị: ung thư thượng mô vú ([15]).
- Đưa tôi xem - Pearson với lấy tập hồ sơ. Có lúc ông kiên nhẫn ngồi nghe bác sĩ tập sự đọc biên bản, lại có lúc ông muốn đọc tận mắt. Trong tất cả mọi công việc, khó mà đoán trước được ý của ông.
- Hừm - ông đặt tập giấy xuống, khóa vòi nước rồi khoắng tay vào bình tìm quả tim. Ông mở quả tim bằng cả hai tay.
- Anh cắt cái này rồi đây à?
Bác sĩ tập sự lắc đầu.
- Tôi cũng đoán là không phải anh- Pearson lại nhìn quả tim - Seddons hả?
Mc Neil miễn cưỡng gật đầu. Anh cũng nhận thấy vết cắt rất tệ. Pearson cười cười:
- Làm như anh ta đấu gươm và thọc lưỡi gươm vào tim đối thủ. À mà Seddons đâu nhỉ?
- Có lẽ bên phòng mổ có gì lạ, anh ta muốn xem.
- Bảo cho anh ta biết, bác sĩ tập sự tại khoa Xét nghiệm buộc phải đến họp tổng kết. Thôi, tiếp tục đi nào.
Mc Neil đặt tấm bìa lên đầu gối, chuẩn bị ghi chép.
Pearson đọc:
- Tim bị sơ nhẹ và hở van hai lá. Thấy chưa? Ông chìa quả tim ra.
Mc Neil hơi nghiêng mình về phía trước, trả lời:
- Vâng, tôi thấy rõ lắm.
Pearson đọc tiếp: “Dây chằng của lá gan bị dính chùm; co rút và dầy cứng. Ông nói thêm, giọng hững hờ: - Làm như bà ta bị bệnh van tim hậu sốt thấp khớp. Nhưng đó không phải là nguyên nhân gây tử vong.
Ông cắt một chút mô bỏ vào chiếc hũ nhỏ có dán nhãn, kích thước bằng lọ mực, để dành xem kỹ lại bằng kính hiển vi rồi với bàn tay lão luyện, ông thẩy quả tim rơi chính xác vào cái lỗ thấp hơn mặt bàn. Bên dưới cái lỗ là một túi lưới bằng dây kim loại. Cuối ngày những thứ trong túi sẽ được đem đi thiêu hủy trong một cái lò đặc biệt.
Đến hai lá phổi, Pearson mở lá phổi thứ nhất ra như hai trang sách lớn và đọc cho Mc Neil viết: “Phổi có nhiều bướu nhỏ di căn.” ông lại chìa mẫu vật cho bác sĩ tập sự xem. Ông quay sang lá phổi thứ hai, chợt cánh cửa sau lưng ông mở ra.
- Thưa bác sĩ Pearson, ông đang bận lắm phải không?
Pearson bực mình quay lại. Đó là Carl Bannister, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm của khoa Xét nghiệm. Bannister nhìn ra cửa. Sau lưng ông có bóng người còn đang đứng ngoài hành lang.
- Bận hẳn đi rồi. Ông cần gì?
Pearson quen nói với Bannistcr bằng cái giọng nửa như càu nhàu, nửa như đùa cợt. Qua nhiều năm cả hai người càng quen với cách ăn nói ấy, khó lòng mà dùng lời lẽ êm ái hơn.
Bannister tỉnh khô. Ông ra hiệu cho người đứng ngoài hành lang:
- Vào đi - Rồi quay sang Pearson: đây là anh John Alexander. Ông nhớ ra chưa, kỹ thuật viên mới của chúng ta đó. Ông tuyển dụng anh ta cách đây một tuần. Hôm nay anh ta bắt đầu nhận việc.
- À, phải rồi. Tôi quên mất hôm hay đã đến ngày. Mời anh vào. - Giọng Pearson thân mật hơn.
Mc Neil nghĩ thầm: có lẽ ông cụ không muốn làm cho anh lính mới phải hoảng sợ ngay buổi đầu tiên.
Mc Neil tò mò nhìn người mới đến. Anh ta chừng hai mươi hai tuổi - sau này anh biết mình đoán không sai một chút nào. Anh đã nghe biết trước chàng trai này vừa tốt nghiệp trường cao đẳng với mảnh bằng chuyên viên công nghệ y học còn tươi màu mực. Hừm, được một nhân viên như thế cũng đã là tốt chán. Đến Bannister kia cũng có phải là Louis Pasteur đâu.
Mc Neil hướng ánh mắt về ông kỹ thuật viên thâm niên.
Như thường lệ, vẻ bề ngoài của Bannister khiến anh nghĩ đến một Pearson thứ hai. Cũng dáng người thấp lùn bụng xệ khoác áo bơ-lu đầy vết bẩn. Áo bơ-lu không cài nút để lộ lớp y phục tả tơi, nhàu nát. Bannister hói đầu, mấy sợi tóc lơ thơ còn sót lại như chẳng được ngó ngàng tới bao giờ.
Mc Neil biết được đôi điều về Bannister. Ông ta bắt đầu làm việc tại bệnh viện Three Counties chỉ sau Pearson một hoặc hai năm. Trình độ văn hóa bậc trung học, ông được Pearson mượn làm những công việc lặt vặt như lau rửa dụng cụ, mua đồ, chạy văn thư. Qua nhiều năm, Bannister dần dần học hỏi nhiều công việc thực tế của phòng xét nghiệm và trở thành cánh tay phải mỗi ngày một thêm đắc lực cho Pearson.
Công tác chính thức của Bannister thuộc hai lãnh vực huyết thanh và hóa sinh, nhưng nhờ có tuổi nghề cao ở phòng xét nghiệm ông có thể tham gia vào các lãnh vực khác khi cần thiết. Vì thế, Pearson giao phó cho ông một phần lớn công việc quản trị phòng xét nghiệm. Về mặt thực tế coi như ông là người đứng đầu toàn bộ nhóm kỹ thuật viên.
Mc Neil nghĩ thầm nếu hồi trẻ Bannister được đến trường lớp nhiều hơn ắt hẳn ông đã có thể làm được nhiều việc tốt đẹp hơn. Chứ như hiện nay, Mc Neil coi Bannister chỉ là kẻ giàu kinh nghiệm mà nghèo kiến thức. Anh quan sát và biết rằng phần nhiều công việc của Bannister trong phòng xét nghiệm chỉ dựa vào sự học vẹt hơn là lý luận. Ông làm được những nghiệm pháp hóa học và huyết thanh học mà chẳng hiểu gì về những cơ sở khoa học nằm ở phía sau. Anh cho rằng một ngày nào đó điều này có thể gây nguy hiểm.
Còn Alexander; hiển nhiên là người trội hơn. Anh được đào tạo làm kỹ thuật viên phòng xét nghiệm theo đúng đường hướng hiện nay với ba năm học tập hệ cao đẳng, năm cuối cùng ở một trường công nghệ y học chính qui. Gọi Bannister là chuyên viên công nghệ y học thì thật là đau lòng vì ông chỉ ở mức kỹ thuật viên tự phong mà thôi.
Pearson vẩy điếu xì gà về phía chiếc ghế đẩu còn để trống ở cạnh bàn - Ngồi xuống đi John.
- Cảm ơn bác sĩ - Alexander trả lời một cách lễ phép.
Với chiếc áo bơ-lu trắng tinh, mái tóc mới cắt ngắn, quần ủi thẳng nếp, đôi giày bóng lộn, trông anh trái ngược hẳn với Pearson và Bannister.
- Anh thấy liệu có thích nơi này hay không?- Pearson hỏi trong lúc cúi xuống tiếp tục ngắm nghía hai lá phổi còn đang cầm trên tay
- Chắc chắn tôi sẽ thích lắm, thưa bác sĩ.
Cậu này được quá đi chứ, Mc Neil nghĩ thầm. Cậu ta trả lời nghe rất chân thành.
- Tốt lắm, John - Pearson nói - Anh sẽ thấy chúng tôi có lề lối làm việc riêng, đôi lúc khác với những lề lối quen thuộc của anh, nhưng chúng tôi thấy làm như thế được việc hơn.
- Thưa bác sĩ, tôi hiểu ạ.
- Thật không, Mc Neil nghĩ thầm. Cậu có hiểu được ý ngầm của ông cụ không? Ông cụ không muốn thay đổi một chút gì ở đây, không muốn nghe những quan niệm vớ vẩn mà rất có thể cậu đã nhặt nhạnh được ở ghế nhà trường, không muốn ai sửa đổi một điều gì của khoa Xét nghiệm - dù là vặt vãnh đến đâu đi nữa - nếu chưa có phước lành được ông cụ cho phép.
- Biết đâu cũng có người chê chúng tôi là cổ hủ - Pearson nói tiếp nghe ra vẫn còn khá thân mật - Nhưng chúng tôi tin tưởng vào những phương pháp đã được thử thách qua nhiều năm tháng. Phải vậy không Carl?
Được lôi ra làm người chứng thực, Bannister mau mắn trả lời:
- Đúng như thế, thưa bác sĩ.
Xem xong hai lá phổi, Pearson khoắng tay vào bình nước như người ta rút số và kéo lên một cái dạ dày. Ông lẩm bầm rồi chìa một chỗ hở cho Mc Neil.
- Thấy không?
Bác sĩ tập sự gật đầu:
- Tôi thấy từ bữa nọ rồi. Chúng ta đã có ghi vào biên bản.
- Được. Pearson chỉ tay vào tập giấy và bắt đầu đọc: “Loét miệng nổi ngay dưới hoành môn vị tá tràng”. Alexander hơi nhích lại gần để xem cho rõ hơn.
Pearson nhận thấy, bèn đẩy cái dạ dày về phía anh.
- Anh cũng thích trò mổ xẻ hả John?
- Thưa bác sĩ, tôi luôn luôn ưa thích giải phẫu học. Alexander kính cẩn đáp.
- Và xét nghiệm nữa chứ, hả? - Mc Neil cảm thấy Pearson đang hài lòng. Giải phẫu bệnh học vốn là đam mê lớn nhất của ông.
- Thưa vâng.
- Tốt lắm. Đây là các bộ phận của một phụ nữ năm mươi lăm tuổi - Pearson lật trang bệnh án trước mặt ông.
Alexanđer chăm chú lắng nghe - Ca này hay lắm nhé! Bệnh nhân là một bà góa, nguyên nhân tử vong trực tiếp là ung thư vú. Đã hai năm nay các cô các cậu trong nhà biết bà ta có bệnh nhưng không sao thuyết phục nổi bà ta đi khám bác sĩ. Dường như bà ta có thành kiến với họ.
- Có lắm người thành kiến như vậy đó - Bannister cười khúc khích nhưng im bặt ngay trước ánh mắt của Pearson.
- Dẹp mấy cái nhận xét tào lao ấy đi. Tôi đang giảng cho cậu John đây nghe. Có đụng chạm gì đến ông đâu nào.
Bị Pearson nói tạt vào mặt như thế, ai mà chẳng giận, nhưng Bannister chỉ cười cười.
- Chuyện xảy ra thế nào, thưa bác sĩ?- Alexander hỏi.
- Có ghi rõ đây này: “Cô con gái khai rằng hai năm trước người nhà nhận thấy vú bên trái của bà mẹ bị chảy nước. Mười bốn tháng trước khi nhập viện có hiện tượng xuất huyết ở cùng vị trí ấy. Ngoài ra, bà ta có vẻ khoẻ mạnh bình thường.”
Pearson lật trang:
- Hình như bà ta đã đi nhờ người chữa trị lòng tin - Ông cười gằn - Nhưng có lẽ lòng tin không đủ mạnh, vì rốt cuộc bà ta đã gục xuống và được đem vào bệnh viện.
- Khi ấy đã quá trễ.
Không còn là vẻ lễ độ khách sáo nữa rồi. Anh chàng Alexander này đúng là rất quan tâm đến vấn đề.
- Phải - Pearson đáp - Giá mà bà ta chịu đi khám bác sĩ ngay từ đầu thì có lẽ đã được làm mastectomy nghĩa là cắt bỏ vú.
- Vâng, tôi hiểu.
- Nếu thế, may ra bà ta không phải chết - Pearson ném cái dạ dày vào đúng miệng lỗ.
Alexander chưa bằng lòng. Anh hỏi:
- Nhưng bác sĩ bảo rằng bà ta bị loét miệng nối môn vị cơ mà?
Câu hỏi hay quá, Mc Neil nghĩ thầm. Hình như Pearson cũng cảm thấy như thế vì ông quay sang Bannister:
- Thấy chưa Carl. Chú bé này biết nghe đấy. Ông liệu hồn kẻo bị nó qua mặt cho mà coi.
Bannister cười cười, nhưng Mc Neil nhận thấy có ít nhiều cay cú. Điều Pearson vừa nói rất có thể sẽ trở thành sự thật đau lòng.
- Nghe đây John - lúc này Pearon xởi lởi thật sự. Chỗ loét ấy có thể làm khổ bà mà cũng có thể là không.
- Nghĩa là bà ta không hề hay biết?
Mc Neil thấy nên góp đôi lời, bèn nói với Alexander:
- Có một điều đáng ngạc nhiên là người ta thường có những bệnh tật khác ngoài chứng bệnh gây tử vong, thế mà họ không hề hay biết. Anh nhìn thấy tận mắt rồi đó.
- Đúng vậy - Pearson gật đầu đồng ý - John, anh biết không, nơi thân xác con người đáng chú ý không phải là cái làm cho ta phải chết nhưng là những cái trục trặc mà ta có thể mắc phải nhưng không đến nỗi chết. Ông ngừng nói và đột nhiên ngoặt sang chuyện khác: anh có gia đình chưa?
- Thưa có.
- Vợ anh cũng ở đây chứ.
- Dạ chưa. Tuần sau cô ấy mới tới. Tôi đi trước để tìm chỗ ở.
Mc Neil chợt nhớ ra Alexander là người ở ngoài thành phố đến xin việc tại bệnh viện Three Counties. Anh nhớ mang máng hình như họ ở Chicago.
Alexander ngập ngừng rồi nói tiếp:
- Thưa bác sĩ Pearson, có một điều tôi xin phép được hỏi.
- Gì thế?- Ông cụ dè dặt hỏi.
- Vợ tôi có thai, chúng tôi đến thành phố này mà chẳng quen biết một ai – Anh ngừng một lát - Cháu bé này rất quan trọng đối với chúng tôi. Chả là chúng tôi đã mất cháu đầu lòng rồi; lúc mới được một tháng tuổi.
- Tôi hiểu - Pearson đã ngừng tay, chăm chú lắng nghe.
- Xin bác sĩ mách giùm một bác sĩ sản khoa.
- Dễ thôi - Giọng Pearson nhẹ hẳn đi, rõ ràng từ nãy giờ ông vẫn chưa đoán được Alexander định nhờ vả chuyện gì - Bác sĩ Dornberger khá lắm, ông ấy có phòng mạch ở ngay bệnh viện này. Anh có muốn tôi gọi sang đó không?
- Vâng, nếu không làm phiền bác sĩ quá.
Pearson quay sang Bannister:
- Xem ông ấy có ở đấy không?
Bannister nhấc máy điện thoại,xin nối dây rồi nói:
- Có mặt.
Ông trao điện thoại cho Pearson. Hai tay mang găng lấm lem, ông cụ lắc đầu một cách khó chịu:
- Giữ lấy! Giữ lấy!
Bannister bước tới áp máy vào tai Pearson. Nhà bệnh lý học nói oang oang vào ống nói:
- Charlie đó hả? Có bệnh nhân cho ông đây.
Trên văn phòng cách đó ba tầng lầu, bác sĩ Charlie Dornberger mỉm cười và đưa ống nghe ra khỏi tai một chút.
- Bệnh nhân của ông thì khoa phụ sản giúp gì được nào? Dornberger chợt nhận ra rằng cú điện thoại này có thể là một cơ hội bất ngờ. Từ sau buổi họp với O’Donnell ngày hôm trước, ông cứ miên man suy nghĩ tìm cách thức tốt nhất để nói chuyện với Joe Pearson.
Dưới khoa xét nghiệm Pearson đẩy điếu xì gà lệch sang khóe miệng. Ông rất thích nói chuyện với Dornberger.
- Không phải bệnh nhân chết toi đâu, ông bạn ngốc ạ.
Một bệnh nhân còn sống hẳn hòi, vợ một tay trẻ ở chỗ tôi - bà John Alexander. Họ mới đến thành phố, chả quen ai.
Nghe nhắc đến tên bệnh nhân, Dornberger mở ngăn kéo hồ sơ lấy ra một tấm phiếu trắng.
- Khoan đã - Ông kẹp ông nghe bằng vai, tay trái giữ phiếu, tay phải nắn nót viết thật đẹp: “Bà John Alexander”. Bao giờ ông cũng ghi tên bệnh nhân trước tiên, đó là điển hình cho thói quen làm việc có tổ chức. Ông nói tiếp: Joe, rất hân hạnh! Bảo họ cứ gọi điện cho tôi để sắp đặt trước.
- Xong ngay. Nội tuần sau thôi, bà Alexander chưa đến kịp - ông nhoẻn miệng cười với Alexander rồi nói như hét:
- Charlie này, họ có muốn sinh đôi thì ông cũng phải cố mà giúp cho bằng được đấy nhé.
Pearson lắng nghe câu đáp của Dornberger rồi cười khúc khích. Ông chợt nhớ ra:
- À! Còn cái này nữa! Đừng có mà đòi tiền nghe chưa! Tôi không muốn hắn ta đòi tôi tăng lương để trả thù lao cho bác sĩ đâu!
Dornberger mỉm cười:
- Đừng lo.
Ông ghi thêm vào phiếu nhân viên bệnh viện, có nghĩa là miễn phí.
- Joe, tôi có chuyện này muốn nói với ông. Lúc nào tôi đến chỗ ông được?
- Hôm nay kẹt rồi - Pearson đáp - không rảnh một chút nào. Ngày mai nhé?
Dornberger xem lịch công tác:
- Ngày mai tôi bận suốt. Ngày mốt đi! Mười giờ sáng được không? Tôi sẽ đến chỗ ông.
- Được. Hay là nói luôn cho tôi nghe xem nào - Giọng Pearson tò mò.
- Không, Joe, Dornberger đáp - Phải gặp nhau mới được.
- Tốt thôi. Chờ đến lúc đó vậy. Tạm biệt - ông nóng nảy ra hiệu cho Bannister cất máy đi.
Quay sang Alexander, Pearson nói:
- Xong cả rồi. Vợ anh sẽ vào sinh nở tại đây. Nhân viên như anh được bớt hai mười phần trăm lệ phí.
Alexander hớn hở. Mc Neil nói thầm, cứ vui đi, anh bạn ạ, gập được lúc ông cụ dễ tính đấy! Nhưng đừng tường bở - rồi sẽ có những lúc cậu chẳng vui được nữa đâu.
o O o
- Đợi tôi một chút nghe!
Trong phòng làm việc, bác sĩ Dornberger mỉm cười với cô y sinh vừa bước vào khi ông đang bận nói chuyện với Pearson. Ông đưa tay nói cô ngôi vào chiếc ghế bên cạnh bàn giấy.
- Cám ơn bác sĩ.
Vivian Loburton đem bảng theo dõi của một bệnh nhân đến cho bác sĩ Dornberger theo yêu cầu của ông. Bình thường, bác sĩ điều trị không được hưởng đặc quyền ấy, mà phải chịu khó dời gót xuống phòng bệnh để xem bảng theo dõi. Nhưng Dornberger là bác sĩ “cưng” của các y tá. Họ luôn sẵn lòng hầu ông những việc nho nhỏ. Mấy phút trước, nhận được điện thoại của ông, y tá trưởng điều ngay Vivian đi.
- Tính tôi ưa làm việc gì thì cho xong luôn đi - Dornberger đang đùng bút chì ghi vào phiếu mấy chi tiết mà Joe Pearson vừa cho biết. Sau này, nghe thêm lời khai của bệnh nhân, ông sẽ tẩy bút chì và ghi hoàn chỉnh bằng mực.
Vừa viết ông vừa hỏi cô gái:
- Cô mới vào làm phải không?
- Cũng kể là mới, thưa bác sĩ -Vivian đáp -Tôi đương học tháng thứ tư trường điều dưỡng.
Ông nhận thấy cô gái có giọng nói du dương, êm ái.
Người coi cũng xinh xắn! Không biết cô này đã ngủ với anh chàng bác sĩ tập sự hoặc sinh viên nội trú nào hay chưa - ông hỏi thầm trong bụng như thế. Hay là thói đời đã khác đi so với thời sinh viên của ông? Đôi lúc ông cảm thấy cánh bác sĩ tập sự và sinh viên nội trú ngày nay có vẻ dè dặt hơn xưa. Đáng tiếc thật? Nếu quả đúng như vậy thì họ đương bỏ phí biết bao nhiêu.
Ông nói to:
- Bác sĩ Pearson trưởng khoa xét nghiệm ấy mà. Cô gặp ông ta lần nào chưa?
- Dạ - Vivian đáp - Hôm nọ lớp chúng tôi có đến xem mổ xét nghiệm tử thi.
- Thế cơ à! Cô thấy...- Ông định nói “cô thấy thích thú chứ?” nhưng kịp đổi lại: “Cô thấy thế nào?”
- Lúc đầu cũng ớn, nhưng sau đó tôi thấy bình thường.
Ông gật đầu thông cảm. Viết phiếu xong ông cất vào ngăn kéo. Bữa nay công việc nhàn nhã hơn. Chẳng mấy khi làm được việc nào cho xong việc đó. Ông đưa tay nhận bảng theo dõi. Cảm ơn. Tôi xin cô đợi cho một chút. Tôi chỉ làm nhoáng một cái là xong.
- Dạ được, thưa bác sĩ. Vivian quyết định nán lại thêm mấy phút trước khi tiếp tục công việc tất bật ở phòng bệnh.
Nàng ngồi yên trên ghế tận hưởng bầu không khí mát lạnh của căn phòng có gắn máy đầu hòa nhiệt độ. Không thể có được sự xa hoa này bên khu nhà ở của y tá.
Vivian quan sát bác sĩ Dornberger trong lúc ông chăm chú xem bảng theo dõi. Có lẽ ông cũng cùng tuổi với bác sĩ Pearson, nhưng vẻ bề ngoài trông thật khác hẳn. Nhà bệnh lý học mặt bầu, cằm bạnh,còn bác sĩ Dornberger mảnh dẻ, xương xẩu. Những cái khác cũng hoàn toàn trái ngược, chẳng hạn mái tóc dầy trắng xóa được chải và rẽ ngôi cẩn thận, móng tay cắt gọn, áo bơ-lu trắng phẳng phiu, tinh khiết.
Dornberger trả lại bảng theo dõi:
- Cảm ơn cô đã đem giúp cho tôi.
Bác sĩ tế nhị quá, Vivian nghĩ thầm. Người ta bảo các bệnh nhân nữ rất mến ông ta, điều ấy cũng chẳng lạ gì.
- Chúng ta sẽ còn được gặp nhau nhiều - Dornberger đứng lên mở cửa một cách lịch sự - Chúc cô gặp nhiều may mắn trong việc học tập.
- Xin chào bác sĩ, Vivian bước ra, để lại một làn hương phảng phất. Đây không phải lần đầu tiên việc tiếp xúc với người trẻ khiến bác sĩ Dornberger nghĩ ngợi về bản thân mình. Ông trở lại chiếc ghế xoay và ngồi tựa lưng tư lự.
Trong khi đầu óc suy nghĩ vẩn vơ, tay ông lần dọc tẩu và bắt đầu nhồi thuốc.
Ông vào nghề thuốc cho đến nay đã ba mươi hai năm, chỉ còn một vài tuần nữa là bước sang năm thứ ba mươi ba.
Đó là những năm say sưa với công việc và đầy tràn niềm vui Về mặt vật chất ông không có vấn đề gì. Tất cả bốn người con đều đã lập gia đình. Hai vợ chồng ông sống thoải mái nhờ những khoản đầu tư được cân nhắc kỹ lưỡng. Đã đến lúc trở về vui thú điền viên hay chưa? Đó chính là điều ông không ngớt băn khoăn.
Trong suốt bao năm hành nghề, Charles Dornberger luôn luôn tự hào là người theo kịp thời cơ. Từ lâu lắm rồi ông đã quyết tâm không để cho cánh trẻ qua mặt về kỹ thuật cũng như kiến thức. cho đến nay ông vẫn không ngừng đọc sách và đọc rất nhiều. Ông đặt mua đủ loại báo chí y học, đọc kỹ lưỡng và thỉnh thoảng cũng đóng góp bài vở. Ông tham dự đều đặn các hội nghị y học và có mặt ở hầu hết những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ với tất cả lương tâm trách nhiệm. Ngay từ khi ông mới bước chân vào nghề, khá lâu trước khi y học được phân định rạch ròi thành các chuyên khoa như hiện nay, ông đã nhìn thấy trước nhu cầu chuyên môn hóa trong tương lai. Ông đã chọn sản khoa và phụ khoa, một sự lựa chọn mà ông không bao giờ phải hối tiếc, trái lại còn giúp ông giữ mãi được tâm hồn trẻ trung.
Bởi thế, khi các ngành chuyên khoa ra đời tại nước Mỹ, Dornberger đã vững tay nghề trong lãnh vực của mình, dạo ấy ông mới ngoài ba mươi tuổi. Chiếu theo cái gọi là “Đạo luật ông nội” ([16]), ông được cấp bằng chuyên khoa mà không phải trải qua kỳ sát hạch. Đây là điều mà ông luôn luôn lấy làm tự hào. Nó khiến ông hăng say học hỏi để luôn luôn theo kịp thời đại.
Tuy nhiên ông không bao giờ khinh ghét lớp đàn em.
Thấy ai tài giỏi và có lương tâm, ông ân cần giúp đỡ và khuyên nhủ. Ông cảm phục và kính trọng O’Donnell. Ông coi bác sĩ trưởng trẻ tuổi này là một trong những hiện tượng tốt đẹp nhất của bệnh viện Three Counties từ trước đến nay. Tinh thần ông lên cao cùng với những thay đổi và tiến bộ do O’Donnell làm nên trong bệnh viện.
Ông có nhiều bạn bè, một số là đồng nghiệp lân cận, số khác là những người không ngờ có thể trở thành bạn với ông được. Có thể nói Joe Pearson thuộc nhóm bạn “không ngờ” này. Về mặt nghiệp vụ, hai người có quan niệm khác nhau về rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn Dornberger biết hiện nay Joe Pearson chẳng mấy khi ghé mắt đọc sách báo. Ông ngờ rằng trong một vài lãnh vực tri thức, nhà bệnh lý học đã bị tụt lùi lại phía sau. Về mặt tổ chức, đã nảy ra một vấn đề mà buổi họp ngày hôm qua vừa bàn đến. Nhưng qua nhiều năm tháng; tình thân giữa hai người đã trở nên bền chặt. Đôi lúc Dornberger ngạc nhiên khi thấy mình đứng về phía Pearson trong các cuộc hội thảo y khoa và lên tiếng bênh vực Pearson khi khoa Xét nghiệm bị phê bình.
Câu nói buột miệng của Dornberger trong buổi họp kiểm điểm tử vong cách đây mười hôm cũng thế. Ông phỏng đoán có lẽ mọi người đã nhận ra tình đồng minh giữa ông với Pearson. Gill Bartlett nói sao nhỉ? “Hai ông là chỗ bạn bè với nhau; vả lại ông ấy không thù hằn với các bác sĩ phụ sản”. Mãi đến lúc này ông mới chợt nhớ lại câu nói ấy, nhận ra trong đó có sự cay cú và cảm thấy ân hận. Bartlett là y sĩ tài giỏi. Dornberger tự nhủ khi nào gặp lại Bartlett ông sẽ cố tỏ tình thân thiện để bù đắp lại. Nhưng vấn đề của bản thân ông vẫn còn đó. Rút lui hay không rút lui? Nếu rút lui thì khi nào. Những ngày gần đây nhờ quan tâm chăm lo đến sức khoẻ, ông cảm thấy vẫn vững tay nghề, nhưng đã thoáng có dấu hiệu mệt mỏi. Chưa bao giờ ông từ chối những ca bệnh ban đêm, nhưng gần đây đã thấy khó rời giường ngủ hơn. Trong bữa ăn trưa hôm qua, ông nghe bác sĩ Kersh, chuyên khoa da liễu, nói với một sinh viên nội trú mới vào bệnh viện: “Cậu nên chơi trò ngoài da với bọn tôi. Mười lăm năm rồi chưa hề bị bệnh nhân gọi ban đêm”. Dornberger cùng cười vui với tất cả mọi người, nhưng trong lòng thoáng có chút ghen tị.
Chỉ có một điều chắc chắn là ông sẽ rút lui ngay khi thấy mình xuống sức. Hiện nay ông vẫn làm việc hữu hiệu như thường, đầu óc còn tỉnh táo, tay còn vững và mắt còn tinh tường. Lúc nào ông cũng theo dõi mình thột cách kỹ lưỡng, chỉ cần thấy một dấu hiệu suy sụp là tức khắc ông dọn sạch bàn giấy và ra đi. Ông đã thấy quá nhiều người còn cố nấn ná với dòng thời gian, ông không muốn mình cũng như thế...
Thôi thì cứ liếp tục thêm ba tháng nữa rồi nghĩ lại sau.
Nhồi xong một cối thuốc đầy chặt, ông với tay lấy hộp diêm, nhưng chưa kịp đánh lửa thì chuông điện thoại reo vang. Bỏ dọc tẩu và hộp diêm xuống bàn, ông nhấc máy:
- Bác sĩ Dornberger đây!
Người gọi là một sản phụ ngoài hai mươi tuổi sắp sinh con so. Cách đây một giờ cô bắt đầu đau đẻ và đã vỡ nước ối. Giọng cô hổn hển cố giấu vẻ lo lắng.
Như bao lần từ trước tới nay bác sĩ Dornberger nhẹ nhàng hướng dẫn:
- Chồng bà có nhà không?
- Dạ có.
- Bà thu xếp các vật dụng cần thiết rồi nờ ông nhà chở đến bệnh viện. Tôi sẽ khám ngay.
- Vâng, thưa bác sĩ.
- Bảo ông nhà cứ lái xe cho cẩn thận, đừng vượt đèn đỏ. Bà sẽ thấy, chúng ta còn dư thời giờ mà.
Dù chỉ qua đường dây, ông cũng cảm thấy lời mình nói giúp cho sản phụ được yên tâm. Đó là việc ông rất năng làm, coi như một phần trách nhiệm của người thầy thuốc.
Tuy nhiên, lúc này ông cũng cảm thấy các giác quan bừng động. Một ca mới bao giờ cũng gây nên hiệu quả ấy. Theo đúng lô-gíc - ông thầm nghĩ - lẽ ra tâm trạng ấy phải biến mất khỏi cõi lòng ông từ lâu rồi. Càng sống lâu trong nghề thuốc người ta càng trở nên gỗ đá, máy móc và cô cảm.
Riêng ông thì không như thế, thậm chí ngay cả lúc này, có lẽ bởi vì ông đang làm công việc ưa thích nhất.
Ông đưa tay lấy dọc tẩu, nhưng tại đổi ý và nhấc máy điện thoại. Phải báo cho khoa Phụ sản biết bệnh nhân của ông sắp đến.