Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 156
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
i tiếc đã không đặt ra với nàng một lần hẹn, mi tiếc đã không đi theo nàng, mi tiếc đã thiếu dũng cảm đã không bám riết lấy nàng, không có kích động và lãng mạn, không có ảo huyền. Tóm lại, mi tiếc đã tuột tay. Mi thường hiếm khi mất ngủ vậy mà đã không ngủ đêm qua. Sáng đến mi cảm thấy mi ngớ ngẩn, nhưng may thay, không mụ mị. Sự đột ngột này đã làm lòng tự ái của mi bị tổn thương nhưng mi lại ghét cái sự quá tỉnh táo của mi. Mi không biết yêu, mi yếu hèn đến mất đi cả khí phách đàn ông, mi đã đánh mất năng lực hành động. Cuối cùng mi cũng đã quyết định ra bờ sông thử vận may xem.
Mi ngồi trong thuỷ tạ ngắm phong cảnh trước mặt như người chuyên thu mua vật liệu gỗ đã khuyên. Buổi sáng, bến phà túi bụi, sôi sục. Người ta bị lèn chặt trên phà mà đường mớn nước đã lên tới quá cạp. Phà vừa cập bến, dây dợ chưa cột buộc, hành khách đã chen lấn, xô đẩy nhau để xuống ke. Các sọt tre treo trên đòn gánh và các xe đạp đẩy bằng tay va quệt nhau, người ta chửi thề, người ta chen nhau lên phía thị trấn. Phà qua sông rồi lại quay lại để cho những người chờ trên bờ bên kia được qua. Cuối cùng, bến phà trở lại im ắng. Mi ngồi một mình trong thuỷ tạ, như một thằng ngu, rất ưu tư chờ một cuộc hò hẹn chưa từng được xếp đặt, một người đàn bà đã biến đi không để lại dấu tích, như mơ giữa ban ngày. Thực chất, mi sống buồn tẻ, không một tia lửa không một đam mê đến quấy đảo cuộc đời nhạt nhẽo của mi, nó chỉ cứ là buồn chán thế. Mi có còn ý định bắt đầu lại đời mi, bắt đầu đi kinh lịch, thể nghiệm một hồi nữa không đây?
Thình lình bờ sông lại náo hoạt nhưng lần này toàn là đàn bà. Họ sát cánh nhau trên những bậc đá chạn nước, họ giặt quần áo, rửa rau hay vo gạo. Một cái thuyền mui bằng chiếu tre sắp cập bờ, tay sào ở mũi thuyền kêu lên về phía họ. Họ bèn líu ríu í ới, không nhường chỗ cho người này. Mi không phân biệt được nổi đây là trò ghẹo cợt hay cãi cọ nhau thật sự. Rồi cuối cùng, mi lại thấy hình dáng nàng. Mi bảo nàng mi nghĩ rằng nàng sẽ lại đến, rằng nàng sẽ đến bên thuỷ tạ này, cái thuỷ tạ mà mi thấy thích kể lịch sử với nàng. Mi bảo rằng lịch sử thuỷ tạ này mi nghe được ở một ông già, ông cũng ngồi ở đây, gần như que củi, mấp máy đôi môi bị gió máy làm cho khô không khốc, càu nhàu càu nhàu như một con ma. Nàng nói nàng sợ ma, thế là mi liền khẳng định luôn rằng vậy thì nghe nó u u như gió vuốt trên đường dây cao thế. Mi nói cái thị trấn này đã sớm được ghi nhận trong Sử Ký của Tư Mã Thiên 1, bến phà trước mặt hai người đây xưa gọi là Bến Vũ, như người ta bảo thế, chính Vũ Vương trị thuỷ ở chỗ này mà. Trên bờ sông, một tảng đá tròn chạm khắc, người ta lờ mờ đọc được trên đó mười bảy chữ cổ hình con nòng nọc. Bởi chẳng ai đọc nổi những chữ này cho nên người ta đã đánh mìn hòn đá để xây cầu, nhưng bởi không đủ vốn cho nên cuối cùng cầu lại không làm được. Mi chỉ cho nàng xem các cột có các hàng câu đối của bàn tay một bậc thầy thời Tống viết ra. Cái núi Hồn mà mi đến tận đây để tìm ấy đã được cổ nhân ghi lại cũng từ lâu rồi. Nông dân sống hết đời này qua đời khác ở đây không biết lịch sử nơi đây, mà họ cũng chẳng biết gì hơn đến cả chính ngay lịch sử của họ. Nếu người ta viết ra giấy, không bịa đặt thêm thắt không ẩn giấu lịch sử của từng người từng người sống ở trong những cái sân, các gian phòng áp mái của thị trấn này thì các tiểu thuyết gia sẽ phải trợn mắt. Mi hỏi nàng có tin là như thế không. Thí dụ bà cụ móm mém kia, da nhăn nheo như ca la thầu ngâm xì dầu, y như một xác chết còn sống, đang ngồi trên bậc cửa nhà bà cụ nhìn đờ đẫn, chỉ có hai tròng mắt tắt ngấm là còn động đậy ở dưới đáy hai hố mắt sâu hoắm, ngày xưa bà cụ đã nếm những giây phút huy hoàng của mình, trong vài chục dặm quanh vùng đây, bà cụ từng có tên trong các nhan sắc nhất hạng nhị hạng của cái xứ này. Ai người chưa từng chiêm ngưỡng bà cụ cơ chứ? Bây giờ ai hình dung ra nổi được phong độ trước kia của bà cụ? Mà càng không thể hình dung ra được cái thời bà cụ là vợ một tên tướng cướp. Tướng cướp là Đệ nhị Chúa công của cái thị trấn này thời xưa. Lúc bấy giờ, trẻ già đều gọi hắn là Đệ nhị Chúa công, phần nào để phỉnh hắn nhưng trước hết vì kính trọng, "đệ nhị" vì thức bậc của hắn ở trong gia đình và cũng vì hắn là "anh em kết nghĩa ăn thề" trong nội bộ một băng cướp. Tuy cái mảnh sân bà cụ đang ngồi trước nó bé nhưng khi vào trong rồi, ta lại thấy những sân khác lần lượt nối nhau, vào thời ấy, bọn cướp đổ ra trên những sân này hàng thúng hàng thúng bạc. Lúc này bà cụ đang đăm đăm nhìn vào con thuyền mui bằng những liếp tre. Bà cụ thời xưa bị cướp đi chính là trên một cái thuyền loại thế này. Thời đó bà cụ giống như các cô gái với bím tóc dài đang vỗ đập áo quần trên các bậc đá kia. Khác một điều là ngày ấy bà cụ xuống rửa rau, một rổ tre trong tay, đi guốc gỗ chứ không phải giầy nhựa. Một con thuyền đậy liếp ghé sát, chưa hiểu cái gì xảy ra, hai người đàn ông đã bẻ vặn tay cô lại, đẩy cô lên thuyền: trước khi cô có thể kêu cứu, người ta đã buộc chặt miệng cô lại. Thuyền đi chưa tới năm dặm, cô đã bị nhiều tên cướp chiếm dụng. Trong con thuyền này, giống như mọi con thuyền xuôi ngược dòng sông đã nghìn năm nay, dưới tấm phên tre, những xâm phạm như thế diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Đêm đầu tiên, cô nằm miết trên mui, trần truồng như nhộng, nhưng ngay từ đêm thứ hai, cô đã nhóm lửa ở mũi thuyền, chuẩn bị cơm nước...
Mi nói nữa đi, nói gì nhỉ? Nói cô đã trở thành vợ của Đệ nhị Chúa công như thế nào. Cô cứ là như thế, ngồi trên bậc cửa chứ? À, vào thời ấy, cô chưa có cái nhìn chết lặng thế này. Cô luôn mang bên người một khung tre và vá may, thêu thùa. Với những ngón tay trắng trẻo, nếu không thêu uyên ương rỡn nước thì cô thêu công múa xoè đuôi. Cô đã thay bím tóc bằng một búi tóc giữ bằng một cái kẹp bạc khảm ngọc bích, đôi lông mày vẽ tô của cô tôn mặt cô lên, và mặc dù vẻ quyến rũ của cô, chẳng ai dám nói năng với cô một lời. Người ta biết rất rõ rằng trong cái khung tre có xếp các sợi chỉ nhiều mầu, nhưng bên dưới là một cặp súng lục đen xì, bóng loáng bắn hai mươi phát; nòng luôn nạp đạn. Chỉ cần binh lính chính quy từ một con thuyền cập bờ đổ xuống, hai bàn tay rất thạo thêu kia liền lần lượt bắn gục từng đứa trong khi Đệ nhị Chúa công, có tài thoắt hiện thoắt ẩn như thần, cứ việc ngủ thoải mái. Sở dĩ người đàn bà này được Đệ nhị Chúa công lưu lại, đó là vì cô tuân theo câu tục ngữ quy định cái phận đàn bà: "Lấy gà làm chồng, theo gà, lấy chó làm chồng, theo chó". Nhưng trong thị trấn, không có ai tố giác sao? Ngay đến con thỏ rừng còn hiểu không được ăn cỏ gần hang của nó. Vậy mà cô đã sống sót, như thế có khác nào một điều diệu kỳ. Chừng nào tướng cướp Đệ nhị Chúa công tên tuổi lừng lẫy và nhân từ còn sống, chừng ấy không một bạn bè nào của hắn đến thăm bằng thủy bộ hay bằng những cách thức khác, lại có bao giờ dám rắp xin lấy ân huệ của cô đâu bởi vì lập tức kẻ đó sẽ tìm thấy cái chết ở chính tay người đàn bà. Tại sao chứ? Đệ nhị Chúa công tàn ác đấy, nhưng người vợ còn tàn ác hơn. ở mặt này, đàn bà vượt lên trên đàn ông. Nếu em không tin ta, em có thể đi hỏi giáo sư Ngô dạy ở trường trung học phổ thông thị trấn này. Ông chuẩn bị một tập truyện lịch sử địa phương. Phòng du lịch vừa mới lập ở thủ phủ huyện đặt ông làm. Trưởng phòng du lịch là cậu ruột vợ của người cháu giáo sư Ngô, không như thế thì cái việc này có lẽ chẳng đến tay ông. Tất cả những ai cắm rễ ở mảnh đất này đều biết các chuyện lịch sử về nó và ông không phải là người duy nhất có thể viết được, nhưng, ai mà chẳng mong mỏi lưu danh lại là nhà sử học? Hơn nữa, khi việc đó cho phép lĩnh một khoản trợ cấp, không phải nhuận bút ứng trước mà là tiền thù lao cho việc làm ngoài giờ. Ngoài ra, giáo sư Ngô lại xuất thân từ gia đình quan lại địa phương lâu đời, trong cách mạng Văn Hóa, các sổ sách bọc lụa vàng mà người ta đem ra khỏi nhà ông rồi đốt cháy công khai, trải ra dài đến bốn mét. Tổ tiên ông đều vang danh, dù là tướng coi quân cấm vệ của triều đình hoàng đế Văn Đế nhà Hán hay là hàn lâm học sĩ trong thời Quang Tự nhà Thanh, nhưng sự buồn phiền bắt đầu từ vài chục năm nay, vào đời bố ông, khi chia ruộng đất trong cuộc cải cách điền địa, khi họ được khoác vào lưng cho cái ba-lô "địa chủ". Bây giờ, ông sắp tới tuổi về hưu. Người anh cả của ông đi định cư ở nước ngoài, từng bặt tin tức và rồi cuối cùng lại hóa thành giáo sư, đã trở về thăm nước trong một chiếc xe con, có huyện phó hộ tống. Ông anh đã mang cho ông em một máy truyền hình màu, bây giờ cán bộ thị trấn nhìn ông em bằng một con mắt khác. Thôi, không nói chuyện ấy. Đúng, giữa đêm, nông dân nổi loạn đã cầm đuốc đốt gần sạch hết cái phố. Ngày xưa, phố chính của thị trấn là bờ ke dọc sông, bến xe đường dài hiện nay là ở vị trí của miếu thờ Long vương, ở đầu cái phố này. Vào thời ngôi miếu chưa phải là một đống gạch, ngày rằm tháng Giêng âm lịch, trong đêm hội, tìm một chỗ ở sân khấu trong miếu để ngắm múa rồng đến từ mọi làng của hai bờ sông quả là một kỳ công. Mỗi toán đeo một băng thuần một mầu đỏ, vàng, lam, trắng hay đen tùy theo mầu con rồng của toán ấy. Chiêng, trống khua vang theo nhịp, trong phố, người ta chen chúc nhau. Dọc bờ sông, các cửa hiệu treo ở đầu một cây sào tre một phong bao đỏ đựng một món tiền hoặc ít nhiều, hiệu nào cũng muốn kéo tài lộc đến với buôn bán của mình nhờ treo cái tặng vật này. Thường thường phong bao đỏ của chủ cửa hàng gạo ở gần trước mặt miếu Long vương là hậu hĩ nhất, các bánh pháo kép năm trăm quả thả từ trên nóc nhà ông ta xuống đến tận đất. Trong tia lửa nổ ran tung tóe, đám trẻ đem hết sức lực hoa hoa các cây đèn, tạo thành một điệu múa kết thúc trong cơn lốc quay tròn. Người mang đầu rồng và tung hứng với một quả cầu thêu nhiều mầu càng phải bỏ sức nhiều hơn. Khi hai con rồng đến nơi, một của làng Cốc Lai, mầu đỏ và một, mầu lam của ngay thị trấn đây, do Ngô Quý Tử cầm đầu... Đừng nói nữa, có chứ, tiếp tục đi. Em muốn ta nói về con rồng lam? Em muốn ta nói rằng cái tay Ngô Quý Tử kia là một nhà vô địch lừng lẫy ở thị trấn này phải không? Nhìn thấy cha này, không một người đàn bà đôi chút lẳng lơ nào mà lại giữ nổi cho con mắt không lúng liếng. Hoặc họ gọi cha này để mời một chút trà hoặc họ biếu cha một bát rượu trắng... Còn! Còn sao? Cứ nói đi, thích gì anh cứ nói. Ngô Quý Tử này cho con rồng lam múa suốt dọc đường. Một làn hơi nóng bốc lên ở khắp người Ngô. Đến trước miếu Long vương, cha này ngang nhiên cới chiếc áo khoác không ống tay ra ném vào những người qua đường xem biểu diễn, để lộ ra một con rồng lam xăm ở ngực. Lập tức đám trẻ quây quanh liền hoan hô ầm ầm. Lúc ấy, con rồng đỏ của Cốc Lai đến từ đầu phố đằng kia. Hai chục trai trẻ cùng lứa tuổi, đầy hăng hái, cũng đến chiếm lấy chiếc phong bao đỏ của ông chủ cửa hàng gạo. Lập tức, hai con rồng bắt đầu múa, không con nào chịu nhường con nào. Trong những cái đèn tạo thành rồng, con đỏ con lam, các ngọn nến cháy sáng, lúc đó người ta chỉ còn thấy hai con rồng lửa quay đảo trong đám đông, vươn đầu, quẫy đuôi. Ngô Quý Tử vờn quả cầu lửa, xoay tròn với hai cánh tay trần ở trên các tảng đá lát đường, kéo con rồng lam vào một vòng quay rực lửa. Con rồng đỏ không chịu thua kém. Không rời mắt khỏi quả cầu bằng vải thêu, nó bò rạp rồi lô xô đánh sóng, như một con rết quắp ở trong miệng một con mồi sống. Khi tràng pháo kép năm trăm quả vừa nổ hết, bọn trẻ con cho nổ các chất nổ khác. Hai đám múa thở hổn ha hổn hển, mồ hôi lăn trên người làm cho họ giống như những con cá vừa vớt ra khỏi ao. Họ chen nhau gần quầy hàng để giành nhau cái phong bao đỏ treo ở đầu một cây sào, cuối cùng một gã trai của làng Cốc Lai đã nhảy lên chộp lấy nó. Đám của Ngô Quý Tử không chịu được sự hạ nhục này. Những lời chửi rủa văng ra từ hai đám liền át đi tiếng pháo và hai con rồng thì chập vào nhau không tài nào gỡ ra nổi. Người xem không thể nói ai đã khởi đầu, nhưng muốn gì thì họ cũng đều đã ngứa ngáy hai quả đấm. Các trận đánh nhau thường mở đầu như vậy. Những tiếng kêu sợ hãi lan đi, do đàn bà trẻ con thốt ra, những người đàn bà ngồi trên các ghế dài ở trước cửa nhà họ vội mang trẻ nhỏ trở vào, để lại những cái ghế làm vũ khí cho đám đánh nhau. ở thị trấn này có một nhân viên cảnh sát, nhưng lúc này, hoặc người ta đã mời hắn uống rượu hoặc hắn đang mải xem đánh bài, thu một khoản phần trăm lấy từ cờ bạc vì người ta không ai mất công không để giữ gìn an ninh trật tự. Loại đánh lộn trong dân chúng này không kéo theo kiện cáo. Kết quả của trận đánh là một người chết trong đám múa rồng lam và hai trong đám rồng đỏ, không tính người em của Tiểu Anh Tử vô cớ bị đám đông đè ngã rồi bị giẫm bẹp, vất bỏ lại với ba chiếc xương sườn gẫy. May sao hắn đã được cứu sống nhờ cái cao "da chó" tổ tiên tay Đường Rỗ mặt truyền lại, Đường Rỗ mặt mở một cửa hiệu ở cạnh Hỉ Xuân Đường, nhà này quanh năm ngày tháng thắp một ngọn đèn đỏ. Tất cả những thứ đó đều là chuyện tầm phào nhưng người ta cũng có thể coi chúng như các chuyện kể, mi có thể tiếp tục kể cho nàng. Nhưng nàng không muốn nghe mi nữa.
--------------------------------
1 Sử gia Trung Quốc nổi tiếng, 145-85 trước Công Nguyên.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn