Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Dan Ariely
Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Biên tập: Viet Quang Luong
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Quyến Rũ Hay Không?
Thích nghi, Giao phối chọn lọc và Thị trường hẹn hò
Một tấm gương toàn thân đang đợi tôi trước bàn y tá. Nhiều tháng nay, tôi không hề đi bộ dù chỉ vài thước, thành thử băng qua quãng đường dài thật dài đến bàn y tá quả là một thách thức. Dài như một thế kỉ. Cuối cùng cũng đến chỗ rẽ, tôi nhích từng bước, từng bước một lại gần tấm gương soi, để khó nhọc nhìn thật rõ hình ảnh phản chiếu trong gương. Đôi chân cong vẹo, bị bó chặt trong đám băng gạc. Cái lưng khòng hẳn xuống phía trước. Đôi cánh tay băng bó méo mó và buồn tẻ. Toàn thân thể tôi xoắn xuýt lại với nhau; giống như một người lạ mặt, chả liên quan đến cái người đã từng là tôi. Khi 18 tuổi, “tôi” đã từng rất điển trai. Còn người trong gương kia hoàn toàn không phải là tôi chút nào.
Khuôn mặt còn tệ hại hơn nữa. Toàn bộ phía mặt phải trống hoác, đầy những vết sẹo ngang dọc chằng chịt, thuốc vàng, thuốc đỏ, còn da mặt thì chảy sệ dài như cây nến cháy dở. Mắt xếch về phía tai, các bộ phận trên mặt phải, như miệng, tai và mũi, tất thảy đều méo mó, dị dạng.
Thật khó khăn khi nhìn cặn kẽ tất cả những chi tiết ấy; từng bộ phận dường như đều méo xệch, theo cách này hay cách khác. Tôi đứng ở đó, và cố gắng nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình. Có thể nào nhận ra chút gì của anh chàng Dan trước khi bị bỏng trong cái hình hài đang chòng chọc từ trong gương nhìn tôi kia không? Thứ duy nhất mà tôi nhận ra, ấy là con mắt bên trái, trong cái cơ thể chắp vá kia, nó đang nhìn tôi chằm chằm. Đó có thực là tôi? Chỉ đơn giản là tôi không thể hiểu nổi, nên tin vào hay chấp nhận rằng cái thân hình tái chế kia là của tôi. Trong suốt thời gian chịu đủ loại điều trị, những lúc tháo băng, tôi có nhìn thấy từng phần của cơ thể, và tôi biết những vết bỏng đó khủng khiếp đến mức nào. Tôi cũng được cảnh báo trước rằng phía mặt phải của tôi bị thương rất nặng. Nhưng, cho đến tận khi đứng trước tấm gương này, tôi chưa từng lắp ghép mình lại và hình dung ra dạng hình này. Thật quá đau đớn khi bị giằng xé giữa việc đứng nhìn chòng chọc vào gương hay quay đi và khước từ hiện thực mới này. Chẳng phải chờ lâu, đôi chân đau đã bắt tôi phải đưa ra quyết định, và tôi trở lại giường bệnh của mình.
Vật lộn với những vết thương thể xác quả tình đã quá khó khăn. Giờ đây phải vật lộn với những hình ảnh quá khứ đẹp đẽ tràn về lại là một dạng thách thức khác, sẵn sàng phá tan mọi nỗ lực phục hồi của tôi. Khi xảy ra tai nạn, là lúc tôi đang cố gắng để xác định vị thế của mình trong xã hội, và thể hiện bản thân với tư cách là một con người, một người đàn ông thực thụ. Rồi bỗng nhiên, tôi thấy mình nằm bẹp liền 3 năm trời trong bệnh viện, bị tụt hậu so với bạn đồng tuế (hoặc ít nhất là so với mẹ của mình), những người được coi là “hấp dẫn” đối với những người khác. Khi mất đi dáng vẻ bề ngoài, tôi cũng đánh mất đi một thứ cốt yếu – đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi – để xác định xem Ta là ai?
“Không chốn dung thân?”
Trong vài năm sau đó, rất nhiều bạn bè đến thăm hỏi tôi. Tôi đã gặp những cặp đôi – khoẻ mạnh, đẹp đẽ, những người chưa từng trải qua đau đớn – những người từng là bạn đồng môn, đồng tuế với tôi ở trường học – họ tán tỉnh nhau, đến với nhau, rồi lại chia tay nhau; một cách rất tự nhiên, họ chìm đắm, dấn thân vào những mối quan hệ luyến ái. Trước tai nạn, tôi biết chính xác vị trí của mình trong đám người trẻ tuổi, trên những nấc thang danh vọng. Tôi đã từng hẹn hò với vài cô gái cùng vị thế với mình, và thông thường thì tôi biết chính xác những ai có và không hẹn hò với tôi.
Nhưng giờ thì, tôi tự hỏi bản thân, viễn cảnh hẹn hò nào sẽ dành cho mình đây? Tôi đã mất đi dạng hình, tôi biết tôi đã trở nên kém giá trị trong thị trường hẹn hò rồi. Liệu những cô nàng đã từng hẹn hò với tôi có từ chối không, nếu như giờ tôi đề nghị lại? Tôi gần như chắc chắn là họ sẽ từ chối. Thậm chí tôi cũng thấy họ logic khi quyết định như vậy. Thật ra thì, họ có những lựa chọn tốt hơn, và liệu tôi có làm khác không nếu tôi ở địa vị của họ? Nếu những cô gái quyến rũ từ chối tôi, thì phải chăng tôi sẽ cưới những người tàn tật hoặc những người cũng dị dạng như tôi? Giờ thì tôi “chết cứng” rồi sao? Liệu tôi phải chấp nhận rằng giá trị hẹn hò của tôi đã rớt giá thảm hại và tôi cần quan niệm lại về đối tác hẹn hò? Hay có khi vẫn còn hi vọng. Lỡ có ai đó, biết đâu đấy, một ngày nào đó lại xuất hiện, bỏ qua những vết sẹo của tôi, mà yêu thương tôi vì trí tuệ, vì sự hài hước và tài nấu nướng của tôi?
Tôi không cách nào thoát ra khỏi hiện thực là giá trị của tôi trên thị trường hò hẹn để kiếm tìm đối tác phù hợp đã bị xuống giá khủng khiếp, nhưng đồng thời, tôi cũng cảm nhận một điều chắc chắn, rằng chỉ một phần trong tôi, chỉ duy nhất phần đó bị huỷ hoại mà thôi: chính là vẻ bề ngoài của tôi. Tôi không cảm thấy rằng tôi (ý tôi nói là con người thực sự của tôi) đã thay đổi, một cách thành thực hết mức, điều đó khiến tôi càng khó chấp nhận sự thật là bỗng nhiên tôi bị “định giá” thấp đi như vậy.
Linh hồn và Thể xác
Do không hiểu biết mấy về chuyện phỏng dạ này nọ, cho nên trước đây tôi luôn tin tưởng rằng thể nào những vết bỏng của tôi cũng sẽ lành lại, tôi sẽ trở lại như hồi trước khi bị tai nạn. Thực ra thì, chẳng phải hồi nhỏ tôi cũng đã từng bị bỏng đó sao, và những vết sẹo nhỏ, tất cả chúng đều mờ đi vài tuần sau đó, gần như chẳng để lại dấu vết nào. Điều mà tôi không nhận ra đó là những vết bỏng nhẹ đó rất khác so với những gì tôi đang phải trải qua, rằng cuộc chiến thực sự của tôi chỉ bắt đầu khi những vết bỏng ấy đang phục hồi – cuộc chiến với đổ vỡ do vết thương và cơ thể có thể gây ra cho tôi.
Từng giờ, từng ngày tôi phải đối mặt với những thách thức như đau đớn khi da bị căng, phải đối mặt chiến đấu với chuyện làn da cứ ngày càng co thắt lại. Tôi cũng buộc phải hài lòng với áp lực bị băng bó, cơ thể bị thắt chặt, quấn kín bằng những thứ vật liệu trì độn. Có vô số những vật dụng nhằm kéo dài ngón tay của tôi, và định vị cổ tôi, tất cả những vật dụng y tế ấy khiến tôi cảm thấy mình như người ngoài hành tinh. Tất cả những thứ lạ lùng ấy gắn vào tôi, hỗ trợ và giúp tôi điều khiển cơ thể mình, khiến tôi có cảm giác khác hoàn toàn với những trải nghiệm tôi đã từng được trải qua. Tôi bắt đầu ghét bỏ cơ thể mình, và bắt đầu nghĩ nó là một kẻ thù, một kẻ phản bội. Giống như Hoàng tử Ếch hoặc Người Sắt, tôi cảm giác như không ai có thể nhận ra con người thật bị nhốt bên trong cơ thể đang hiện hữu này.
Hồi còn trẻ, tôi không phải là người ưa triết lý, nhưng tôi bắt đầu nghĩ đến sự phân tách giữa linh hồn và thể xác, mỗi ngày tôi lại trải nghiệm cảm giác là một đối ngẫu. Tôi mắc kẹt trong cảm giác bị cầm tù trong cơ thể nhằng nhịt vết thương, cho đến một lúc nào đó, tôi quyết định rằng mình phải chiến thắng nó. Tôi bắt đầu kéo dãn da của mình cho đến chừng nào còn có thể. Tôi chống lại sự đau đớn, với cảm giác rằng tâm trí này phải thuần phục cơ thể này, và đó là một sứ mệnh, một nhiệm vụ phải được hoàn thành. Tôi tự tạo áp lực cho cái linh hồn-cơ thể nhị nguyên này rằng tôi cực khoẻ và tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo tâm hồn của tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Một phần trong chiến dịch của tôi, ấy là tôi tự hứa với lòng mình rằng mọi hành vi và quyết định của tôi sẽ chỉ xuất phát từ tâm hồn mình và không để cho cơ thể mình can dự chút nào hết. Tôi sẽ không để cho sự đau đớn điều khiển cuộc sống của mình, và tôi cũng không cho phép cơ thể mình góp lời trong mọi quyết định. Tôi sẽ học cách phớt lờ mọi đòi hỏi từ cơ thể của mình, và tôi sẽ sống trong thế giới tâm linh, nơi ấy, tôi vẫn được là tôi như trước kia. Tôi sẽ nắm quyền điều khiển kể từ giờ phút ấy!
Tôi cũng kiên quyết lẩn tránh vấn đề liên quan đến chuyện giá trị trên thị trường hẹn hò bằng cách tránh đề cập đến chuyện ấy. Nếu tôi có thể chạm đến ngưỡng phớt lờ cơ thể mình trên mọi phương diện, tôi chắc chắn là mình sẽ không cần phải dấn thân vào bất cứ mối quan hệ nam nữ nào hết. Không còn yêu đương lãng mạn, tôi sẽ không cần phải lo lắng về vị thế của mình trong chuyện hẹn hò này nọ hoặc quan tâm xem có ai cần đến tôi không. Thế là xong.
NHƯNG VÀI THÁNG sau khi bị thương, tôi đã học được một bài học mà không ít những vị thiền sư khổ hạnh, các tu sĩ, hay những nhà sư đã phải khổ luyện hết lần này đến lần khác: đó là với chuyện lý trí chế ngự được thể xác - nói dễ hơn rất nhiều so với làm.
Cuộc sống khổ đau hàng ngày của tôi trong khoa bỏng còn là vì tôi phải chịu đựng công đoạn điều trị tắm rửa khủng khiếp. Các y tá sẽ nhúng tôi vào bồn tắm với đầy thuốc tiệt trùng. Một lúc sau, họ bắt đầu cắt băng, từng cái, từng cái một. Để hoàn thành quá trình này, họ còn phải làm bong lớp da chết, bôi thuốc mỡ lên các vết bỏng, sau đó lại mặc đồ cho tôi. Ngày nào cũng phải thực hiện quá trình như vậy, nhưng có những hôm, để đảm bảo hiệu quả cho những cuộc phẫu thuật da vừa mới diễn ra, họ bỏ qua công đoạn nhúng cơ thể tôi vào nước, bởi vì nước có thể truyền vi khuẩn từ chỗ này sang chỗ khác. Thay vào đó, tôi sẽ phải thực hiện “tắm thương” ở trên giường, việc này kinh khủng hơn nhiều lần việc tắm bình thường vì những vết băng không được nhúng nước, nên không mềm ra để gỡ dễ dàng, vì thế mỗi lần thay băng là một lần đau đớn đến tột cùng.
Vào một ngày nọ, khi đang “tắm thương”, có một chuyện đã xảy ra. Sau khi cắt hết các lớp băng, một y tá trẻ và rất quyến rũ tên là Tami giúp kì cọ phần bụng và phần bắp đùi cho tôi. Đột nhiên tôi thấy giống như chồi lên từ đâu đó trong cơ thể tôi một cảm giác mà tôi không hề cảm thấy nhiều tháng qua. Tôi cảm thấy đỏ mặt và ngượng chín người khi phát hiện ra mình đang cương cứng, nhưng Tami chỉ cười và nói đó chính là dấu hiệu phục hồi tốt. Phản ứng thiện cảm của cô ấy giúp tôi đỡ ngượng đôi chút, nhưng không nhiều lắm.
Tối hôm đó, còn lại một mình trong phòng, nằm nghe những tiếng bíp bíp đều đều cất lên từ đủ loại dụng cụ y tế, tôi nhớ lại những chuyện diễn ra trong ngày. Vậy là hóc môn trai tráng của tôi đã trở lại. Chúng là hiện thực hiển hiện mà tôi đã từng cố gắng ngăn cản và chế ngự. Hóc môn của tôi cũng thể hiện một sự bất tuân đáng kinh ngạc đối với mệnh lệnh không cho cơ thể điều khiển hành động của tôi. Vào thời điểm đó, tôi đã nhận ra rằng sự phân tách lý trí và thể xác mà tôi đã cố gắng thực hiện, trên thực tế, là bất khả thi, và không có cách nào khác, là tôi phải học cách chung sống với một lý trí hoà hợp với thể xác.
GIỜ THÌ tôi đã rớt trở lại mặt đất làm người bình thường – nghĩa là một người với cả những đòi hỏi về lý trí và thể xác – tôi lại phải vò đầu bứt tai khi nghĩ đến địa vị của mình trong xã hội. Đặc biệt là khi cơ thể tôi ngày càng hồi phục tốt hơn, sự đau đớn cũng giảm đi, và tôi lại bắt đầu suy nghĩ khi nào thì cuộc sống sẽ đẩy tôi đến với một số người và rời xa một số người khác. Hầu hết thời gian, tôi vẫn nằm nguyên trên giường, nhưng tôi đã bắt đầu nghĩ đến những mối quan hệ yêu đương có thể diễn ra trong tương lai. Khi tôi dần dần phân tích được tình hình, những mối quan tâm cá nhân của tôi lại dần phát triển và dấn bước vào những mối suy tư thông thường, như trong một điệu nhảy lãng mạn.
Giao phối chọn lọc và Sự thích nghi
Không cần phải là người quá tinh tế, bạn cũng có thể nhận ra điều này khi quan sát tự nhiên, rằng trong thế giới của chim chóc, ong bướm và con người, những cá thể hấp dẫn sẽ hấp dẫn những cá thể cũng hấp dẫn như nó. Nói theo nghĩa rộng, người xinh xắn sẽ hẹn hò với những người đẹp đẽ, và những cá nhân có ngoại hình hạn chế hơn sẽ có xu hướng hẹn hò với những người giống như họ. Các nhà khoa học xã hội đã nghiên cứu hiện tượng “những con chim có bộ lông giống nhau” trong một thời gian dài và đã đặt cho hiện tượng này cái tên “giao phối chọn lọc”. Có thể giải thích một cách đơn giản là những người đàn ông mập, tài năng, giàu có hoặc quyền lực, bảnh bao thì sẽ cặp đôi với những người phụ nữ xinh đẹp (như cặp đôi Woody Allen và Mia Farrow, Lyle Lovett và Julia Roberts hoặc hầu hết bất cứ cặp đôi ngôi sao ca nhạc nào của Anh quốc với vợ là người mẫu hoặc diễn viên nào đó), giao phối chọn lọc chính là cách chung nhất để lý giải cách người ta chọn đối tác hẹn hò. Tất nhiên, giao phối chọn lọc ở đây không chỉ nói đến vẻ đẹp; mà tiền, quyền lực thậm chí cả những yếu tố cấu thành một con người như khiếu hài hước cũng có thể khiến một người trở nên hấp dẫn hơn lên hoặc kém đi. Còn nữa, trong xã hội của con người, thì vẻ đẹp, so với những yếu tố khác, lại có xu hướng quyết định vị thế của ta trong nấc thang xã hội và tiềm năng giao phối chọn lọc của mình.
Giao phối chọn lọc sẽ là tin tốt lành cho những người đàn ông hay đàn bà nằm ở trên đỉnh của chiếc thang đo sự quyến rũ, nhưng nó sẽ có nghĩa lý gì đối với phần lớn chúng ta, những người nằm ở vị trí trung bình hoặc thấp của chiếc thang đó? Liệu chúng ta có chấp nhận địa vị thấp kém của mình trong thứ bậc xã hội? Liệu chúng ta có thể học cách “yêu những người cùng kiểu” như lời bài hát cũ kĩ của Stephen Stills? Đó là câu hỏi mà Leonard Lee, George Lowenstein và tôi đã cùng thảo luận một ngày nọ, bên tách cà phê.
Không ngụ ý đến bất cứ ai trong số chúng tôi, George đặt ra câu hỏi sau: “Hãy nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra đối với một người có hình thức khiêm tốn một chút. Liệu người này có bị giới hạn trong việc hẹn hò hoặc kết hôn với những người cùng cấp độ hấp dẫn như anh ta/chị ta không nhỉ. Liệu, có thể xảy ra trường hợp, dù anh ta/chị ta hơi xấu một chút, nhưng lại là một học giả, anh ta có thể bù đắp sự thiếu hụt về hình thức bằng cách kiếm ra rất nhiều tiền chăng.” George tiếp tục đặt ra những giả thiết, mà chúng sau này trở thành những câu hỏi chính cho dự án nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi: “Điều gì sẽ xảy ra với cá nhân đó? Có thể nào anh ta sẽ thức dậy mỗi sáng, nhìn sang người đang nằm bên cạnh mình và nghĩ: “Ừm, thôi thì dù sao đây cũng là người tốt nhất mà mình có thể chọn lựa”? Hoặc anh ta, bằng cách nào đó, sẽ học cách thích nghi, theo cách nào đó, thay đổi, và không nhận ra rằng mình đã bị “chết cứng” trong lựa chọn này?”
MINH CHỨNG CHO SỰ GIAO PHỐI CHỌN LỌC, HAY Ý TƯỞNG VỀ MỘT DẠ TIỆC LẠ LÙNG
Hãy tưởng tượng bạn vừa đến một bữa tiệc. Khi vừa vào tới cửa, người tổ chức đã viết cái gì đó lên trán của bạn. Anh ta yêu cầu bạn không nhìn vào gương cũng như hỏi những người xung quanh xem đó là cái gì. Bạn bước vào phòng và nhìn quanh, bạn thấy những người đàn ông và đàn bà khác đều được viết số lên trán, từ 1 tới 10. Người tổ chức nói mục tiêu của bạn là càng kết thân với nhiều người trong bữa tiệc càng tốt. Một cách tự nhiên, bạn tiến lại người được đánh số 10, nhưng anh ta hoặc chị ta nhìn lại bạn và bỏ đi. Rồi bạn tiếp tục lại gần những người mang số 9, rồi 8, rồi cứ thế cho đến khi một người mang số 4 cầm tay bạn, và thế là các bạn cặp đôi lại với nhau rồi cùng uống với nhau một ly.
Trò chơi đơn giản này giải thích về quá trình cơ bản của sự giao phối có chọn lọc. Khi chúng ta chơi trò chơi này với những đối tượng thực trong cuộc sống, thông thường nếu ta được đánh số lớn, ta sẽ chọn những người ở cấp độ cao, với những con số lớn gắn trên trán, tương tự như người có gắn con số trung bình thì tìm những người có số trung bình, còn những người mang số thấp thì cặp đôi với những người tương tự như mình. Mỗi người đều có một giá trị (trong trò chơi ở bữa tiệc, thì giá trị đó được viết ra một cách rõ ràng); phản ứng mà chúng ta thu được từ người khác giúp ta hình dung ra vị trí của mình trong bậc thang xã hội và tìm kiếm những người cùng địa vị có thể chia sẻ mọi thứ với ta.
Có một cách suy nghĩ về tiến trình trong đó một người có vẻ đẹp thách thức phải tìm cách thích nghi với giới hạn của vẻ bề ngoài của chính mình, cái đó chúng ta có thể gọi là chiến thuật “chùm nho xanh”, được đặt tên dựa trên câu chuyện ngụ ngôn của Aesop “Con cáo và chùm nho”. Trong đó, chúng ta sẽ học được một khả năng nữa của sự thích nghi. Vào một ngày nóng nực, khi đi ngang cánh đồng, một con cáo nhìn thấy một chùm nho lúc lỉu trên cành. Vì chùm nho đó là rất hợp để giải cơn khát của nó, nên cáo ta lùi lại mấy bước để lấy đà và nhảy lên chộp lấy chùm nho. Trượt. Con cáo thử lại một lần, rồi một lần nữa, nhưng vẫn không thành công. Cuối cùng, nó đành thua cuộc và vưa bỏ đi vừa lầm bầm “Dù sao thì cũng chỉ là một chùm nho xanh ấy mà.” Khái niệm “chùm nho xanh” xuất phát từ câu chuyện ngụ ngôn kia, có ý nói chúng ta có xu hướng “chua hóa” những thứ mà ta chẳng thể nào đạt được.
Câu chuyện ngụ ngôn kia muốn nói rằng liên quan đến vấn đề ngoại hình xấu-đẹp của con người thì sự thích nghi vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả một cách kì diệu, nó khiến những người hấp dẫn (chùm nho) lại trở nên ít bị thèm muốn (chua) trong mắt những người mà họ chắc chắn rằng có nằm mơ họ cũng không thể chinh phục được. Nhưng sự thích nghi thực sự có thể còn lợi hại hơn thế, chứ không đơn thuần là làm thay đổi cách ta nhìn nhận thế giới. Thay vì đơn giản là từ chối những gì ta không thể đạt được, sự thích nghi thực sự còn khiến chúng ta chơi trò tâm lý với chính mình để khiến cho hiện thực ấy trở nên dễ chấp nhận hơn.
Chính xác thì những trò chơi tâm lý về sự thích nghi ấy diễn ra như thế nào? Một cách thích nghi của những người có hình thức tầm thường là hạ thấp tiêu chuẩn tìm kiếm đối tác của mình xuống một chút, ví dụ, từ 9 hoặc 10 trên nấc thang hoàn hảo xuống một mức hợp lý hơn khi so sánh với bản thân họ. Có thể họ sẽ bắt đầu bằng việc tìm kiếm một người mũi nở, hói đầu hoặc hàm răng lộ cộ. Những người thích nghi theo cách này thường phản ứng khi nhìn thấy một tấm ảnh của, ví dụ Halle Berry hoặc Orlando Bloom, thì họ sẽ nhún vai và nói “Oái, tôi chả thích cái mũi nhỏ, cân xứng quá thể của cô ấy” hoặc “Ặc, sao mái tóc lại bù xù thế kia!”
Đối với những người có ngoại hình bình thường, thì có thể sử dụng một cách tiếp cận thích nghi khác. Chúng ta có thể không cần phải thay đổi suy nghĩ về thẩm mỹ, nhưng bù vào đó, ta lại tìm kiếm những phẩm chất khác; thế nào nhỉ, ta đi tìm những người có khiếu hài hước hay lòng vị tha. Trong thế giới của “Con Cáo và chùm Nho”, thì cách này cũng tương đương với việc con cáo đánh giá đám dâu dưới đất hấp dẫn hơn chùm nho, bởi vì đơn giản là nó không thể với tới chùm nho treo lủng lẳng trên cành. Vậy cách tiếp cận này có hiệu quả trong thế giới hẹn hò chăng?
Tôi có một người bạn trung tuổi, nhan sắc tầm tầm, vài năm trước cô ấy đã tìm được chồng nhờ trang web match.com. “Có một vài người,” cô kể, “không giống với những gì anh ta thể hiện ra bên ngoài. Anh ấy hói đầu, béo ú, người đầy lông lá và già hơn tôi vài tuổi. Nhưng tôi phải thấy rằng những thứ đó chẳng quan trọng gì. Tôi cần một người thông minh, có giá trị thực sự và có khiếu hài hước – và tôi tìm thấy ở anh ấy tất cả những điều ấy.” (Mặc dù có thể ghi chú là “có khiếu hài hước” hầu như đồng nghĩa với “không hấp dẫn” khi một ai đó cố gắng thể hiện trước mặt người khác?)
Vậy đấy, giờ thì ta có đến 2 cách để thích nghi với những hình thức của người khác: hoặc là chúng ta thay đổi nhận thức về thẩm mỹ sao cho có thể bắt đầu bằng cách tìm kiếm một người không cần phải hoàn hảo, hoặc chúng ta có thể cân đối lại mức độ quan trọng và không quan trọng của những thành phần cấu tạo nên con người đó. Có thể nói ngắn gọn thế này: (a) Liệu những phụ nữ chỉ hấp dẫn được những đàn ông lùn, hói sẽ bắt đầu yêu thích những phẩm chất đó ở đối tác của mình? Hoặc (b), hay là những phụ nữ đó cứ thích hẹn hò với những người đàn ông cao lớn, tóc tai đầy đủ và rồi khi nhận ra là không thể tìm được người phù hợp, thì họ sẽ hướng sự tập trung vào những yếu tố không thuộc về hình thể như tốt bụng hoặc hài hước?
Để thêm vào hai cách thích nghi, và bất chấp khả năng kì diệu của loài người là thích nghi đủ mọi thứ trên đời (xem Chương 6, phần “Về sự thích nghi”), chúng ta có thể cân nhắc đến khả năng sự thích nghi không hoạt động ở một số trường hợp đặc thù. Điều đó có nghĩa là những người ở “trại cá sấu” sẽ không bao giờ thực sự thích nghi được việc hạn chế hình thể của họ lại tác động đến họ trong bậc thang xã hội. (Nếu bạn là một người đàn ông đã ngoài 50 tuổi mà cứ đinh ninh mọi phụ nữ tầm 30 đều vui thích hẹn hò với bạn, thì đó chính xác là những gì tôi đang nói đến.) Những sự thất bại trong thích nghi như vậy chính là con đường dẫn đến nỗi thất vọng liên tiếp, bởi vì, những người kém hấp dẫn rồi sẽ thất vọng hết lần này đến lần khác khi gặp thất bại trong mối quan hệ với một người tuyệt vời chỉ vì họ nghĩ họ xứng đáng có được người đó.
Và nếu họ chấp nhận và cưới một người bình thường, họ sẽ luôn cảm thấy rằng lẽ ra họ xứng đáng có được người bạn đời tốt hơn - tức là họ sẽ không bao giờ có được công thức cho một cuộc hôn nhân hoàn hảo, vậy thì thà làm cô nàng độc thân vui vẻ còn hơn.
Một trong 3 cách tiếp cận được minh họa trong biểu đồ dưới đây phù hợp nhất với cách bạn nghĩ về mô hình tốt nhất mà một người có ngoại hình đối xử với đối ngẫu của họ?
Tiền của tôi có khả năng định giá những gì chúng ta tìm kiếm ở một người bạn đời, nhưng tiến trình tìm ra được điều này vô cùng hấp dẫn, sẽ được tiết lộ ngay sau đây.
QUYẾN RŨ hay KHÔNG?
Để tìm hiểu thêm về cơ chế thích nghi của những người có vẻ bề ngoài khiêm tốn một chút, Leonard, George và tôi đã tiếp cận hai chàng trai trẻ, thông minh James Hong và Jim Young, và đề nghị được phép chạy thử nghiệm một nghiên cứu trên trang Web của họ, QUYẾN RŨ hay KHÔNG. Khi vào trang này, bạn sẽ được chào đón bằng một bức ảnh chụp một người đàn ông hoặc một người phụ nữ ở mọi độ tuổi (từ 18 tuổi trở lên). Trên mối mỗi tấm ảnh có một thang điểm từ 1 (NOT) đến 10 (HOT). Mỗi lần bạn xếp hạng cho một bức ảnh, một bức ảnh mới về một người khác có cùng mức điểm xếp hạng với tấm hình mà bạn vừa xếp hạng sẽ xuất hiện. Bạn không chỉ được quyền xếp hạng người khác, mà còn có thể đăng chính bức ảnh của bạn lên trang web để xem mọi người đánh giá về mình thế nào.
Leonard, George và tôi đặc biệt ấn tượng với trang web này bởi vì nó cho chúng tôi thấy việc đánh giá người khác hấp dẫn đến mức nào. (Lần cuối tôi duyệt trang web này, mức độ xếp hạng của tôi là 6,4. Chắc tại ảnh xấu!) Với những số liệu này, chúng ta có thể biết ví dụ như một người như thế nào thì bị khách của trang web xếp hạng thấp (ví dụ 2 điểm chẳng hạn), so với những người được xếp hạng cao, tức là rất hấp dẫn (ví dụ 9 điểm).
Tại sao trang web này lại có ích đối với chúng tôi? Chúng tôi dự đoán là nếu một người không chịu thích nghi với ngoại hình của mình, thì cách nhìn về sự hấp dẫn của họ đối với người khác sẽ giống với những người có ngoại hình đẹp hơn. Ví dụ, nếu sự thích nghi không diễn ra, thì một người chỉ được điểm 2 và một người được điểm 8 về ngoại hình đều nhìn thấy những người được điểm 9 là 9, điểm 4 là 4. Ngược lại, nếu những người có ngoại hình hấp dẫn và biết thích nghi bằng cách thay đổi nhãn quan về sự hấp dẫn hoặc những thứ khác, thì cách nhìn nhận người hấp dẫn đối với họ cũng khác. Ví dụ, nếu có sự thích nghi, thì một người được 2 điểm sẽ thấy một người điểm 9 chỉ xứng đáng nhận điểm 6, còn một người điểm 4 có khi lại được lên 7, trong khi một người được 8 điểm sẽ thấy người được 9 là 9, người được 4 là 4. Điều tuyệt vời nhất đối với chúng tôi khi làm việc này là được đo lường về sự hấp dẫn một cách cụ thể. Nói ngắn gọn, bằng cách thử nghiệm xem sự hấp dẫn của một người ảnh hưởng thế nào đến sự đánh giá của những người khác, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể khám phá ra một vài thứ về sự thích nghi mở rộng. Bị hấp dẫn bởi thí nghiệm của chúng tôi, James và Jim đã cung cấp cho chúng tôi bảng xếp hạng và các thông tin hẹn hò của 16.550 thành viên của trang web QUYẾN RŨ hay KHÔNG trong vòng khoảng 10 ngày. Mọi thành viên tham gia thử nghiệm đều có giới tính bình thường và phần lớn (75%) là đàn ông. Phân tích đầu tiên cho thấy hầu hết mọi người đều có một khái niệm chung về những gì được cho là đẹp và không đẹp. Hầu hết mọi người đều cho rằng Halle Berry hay Orlando Bloom là “nóng bỏng”, bất kể hình thức của người được hỏi thế nào; những người có ngoại hình hạn chế cũng không định nghĩa răng phải vẩu hay những nét bất thường mới là tiêu chuẩn mới về cái đẹp.
Nhìn chung có sự đồng thuận về tiêu chuẩn của cái đẹp, cân lại với lý thuyết về chùm nho xanh, nhưng nó dẫn ra hai khả năng. Thứ nhất là con người không thể thích nghi được với chính hình thức của mình, và thứ hai là có những con người thích nghi với hình thức của mình bằng cách đặt những yếu tố ngoài hình thức lên trên.
Tiếp theo, chúng tôi sắp đặt một cuộc thử nghiệm khả năng liệu những người có hình thức khiêm tốn, họ đơn giản chỉ vì không ý thức được rằng họ bị xếp hạng thấp chỉ vì họ không có hình thức đẹp hay không (hoặc ít ra, là họ đã bị đánh giá trực tuyến). Để thực hiện thí nghiệm, chúng tôi tạo một chuyên mục nữa cũng lên trang web QUYẾN RŨ hay KHÔNG và đặt tên là “Hẹn hò nhé!”. Giả sử bạn là một người đàn ông xem được một bức ảnh về một người phụ nữ mà mình muốn hẹn hò, bạn chỉ việc bấm vào nút “Hẹn hò nhé!” trên tấm ảnh đó. Người phụ nữ trong bức ảnh sẽ nhận được một lời nhắn cho biết bạn đang muốn hẹn hò với cô ấy, kèm theo một số thông tin cơ bản về bạn. Điều cốt yếu là khi vào chuyên mục “Hẹn hò nhé”, bạn không chỉ phản ứng về người khác dựa trên những đánh giá xấu đẹp thông thường; bạn còn phải phán đoán xem liệu người ta có chịu nhận lời hẹn của bạn hay không. (Dù có bị từ chối thì cũng ít bị tổn thương hơn là bị từ chối thẳng thừng, khi 2 người ngồi đối diện nhau trong một quán cafe.)
Để hiểu hơn về sự lợi hại của chuyên mục “Hẹn hò nhé”, hãy thử tưởng tượng bạn là một người đàn ông hói đầu, béo phì, tóc nhạt màu, được mỗi cái hài hước vô song kéo lại. Theo những gì chúng ta đã biết về chuyện đánh giá xấu – đẹp, thì quan điểm của bạn về chuyện thế nào là hấp dẫn không bị ảnh hưởng chút nào bởi vẻ ngoài khiêm tốn mà bạn vẫn hằng ngày nhìn thấy trong gương. Nhưng nếu bạn thực sự không ngại ngần về ngoại hình khiêm tốn của mình, bạn sẽ đưa ra quyết định xem nên hẹn hò với ai mà không cần phải để tâm tới cấp độ ngoại hình của mình đang ở mức thấp thế nào. Liệu bạn có dám theo đuổi một cô nàng quyến rũ? Nếu có, thì điều đó chứng tỏ rằng bạn thực sự không để tâm chút nào (hoặc ít ra là bị tác động) bởi vẻ ngoài kém hấp dẫn của mình. Nói cách khác, nếu nỗ lực hẹn hò của bạn với một ai đó bị ảnh hưởng bởi vẻ ngoài không hấp dẫn của bạn, tức là bạn đã hiểu được vị trí của mình trong thị trường hẹn hò, khi ấy, bạn sẽ hướng tới những người có tiêu chuẩn thấp hơn một chút, và cố gắng gặp gỡ người nào đó tương đồng với mình, dù cho bạn vẫn đánh giá Halle Berry hay Orlando Blomm đạt điểm 10 về hình thức.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy những người ít quyến rũ hơn trong số những người tham gia thí nghiệm, trên thực tế, lại rất để tâm tới cấp độ (kém) hấp dẫn của chính mình. Mặc dù sự lo ngại này không ảnh hưởng tới cảm nhận hay đánh giá về sự hấp dẫn của người khác (thông qua dữ liệu đánh giá của họ), thì nó cũng vẫn có tác động tới quyết định người mà họ sẽ chọn để hẹn hò.
Thích nghi và Nghệ thuật Hẹn hò Tốc độ
Dữ liệu từ trang QUYẾN RŨ hay KHÔNG đã loại bỏ 2 trong 3 giả thiết cho quá trình một người thích nghi với vẻ hấp dẫn của bản thân mình. Còn một khả năng sống sót: đó là giống như người bạn trung niên của tôi, mọi người có thể thích nghi được bằng cách đặt ít kì vọng vào ngoại hình của đối tác và học cách yêu những phẩm chất khác của họ.
Tuy nhiên, loại bỏ đi 2 trong số những giả thiết không đồng nghĩa với việc ủng hộ cho giả thiết còn lại. Chúng ta cần chứng minh chắc chắn rằng con người cần học cách đánh giá những giá trị hấp dẫn khác ngoài ngoại hình (“Anh yêu, anh thật thông minh/ hài hước/ tốt bụng/ hấp dẫn/ hợp cung Hoàng Đạo/ _____________ (điền vào chỗ trống)” Đáng tiếc là dữ liệu từ trang QUYẾN RŨ hay KHÔNG lại không giúp ích được gì cho chúng tôi trong thí nghiệm này, bởi vì nó chỉ cho phép chúng tôi đo lường một thứ duy nhất (đó là đo độ “quyến rũ”). Chúng tôi phải tìm kiếm phương án thay thế khác, cho phép đo lường về điều không thể nói ra được tôi chả biết gì, chúng tôi quay lại với thế giới của những cuộc hẹn hò tốc độ.
CÓ THẬT TA LUÔN MUỐN MỘT AI QUYẾN RŨ?
Cùng sử dụng dữ liệu có được, chúng tôi cũng thử tìm hiểu xem con người thích tìm kiếm và hẹn hò với những người đẹp hơn họ một chút hay xấu hơn họ một chút. Chúng tôi nhận thấy người ta thường sử dụng chính cấp độ hấp hẫn của mình làm điểm mốc khi cân nhắc xem có nên hẹn hò với một người khác hay không. Hoá ra là con người có vẻ không thích hẹn hò với một người không xinh đẹp như mình, dù chỉ một chút xíu; ngược lại, họ có vẻ rất háo hức khi đi gặp một ai đó đẹp hơn họ, dù chỉ một chút thôi. Thú vị hơn nữa, hẹn hò với một đối tác ít hấp dẫn khiến hứng thú của họ tan biến rất nhanh; họ thích hẹn hò với ai đó hấp dẫn hơn mình đôi chút, nhưng để cảm thấy an toàn và thoải mái, họ không thích hẹn hò với những người hấp dẫn hơn họ rất nhiều.
Trước khi tôi mô tả cho các bạn về loại hình hẹn hò tốc độ của mình, cho phép tôi giới thiệu vài nét về loại hình hẹn hò đương đại, đã từng làm mưa làm gió một thời (nếu bạn là một chuyên gia nghiên cứu xã hội ngành giải trí, tôi khuyên bạn nên thử một lần cho biết).
Có thể bạn chưa biết, nên tôi phải tiết lộ: hẹn hò “tốc độ” có mặt ở khắp mọi nơi, từ quán bar cho tới khách sạn 5 sao, hay một phòng học trống trong kì nghỉ hè ở một trường trung học; từ những buổi tụ tập khuya sau giờ làm cho tới bất cứ sự kiện tụ hội nào vào cuối tuần. Nó khiến cuộc kiếm tìm tình yêu vĩnh cửu trở nên phù phiếm như thể đi vơ đồ rẻ tiền ở chợ nhà Thổ vậy. Tuy nhiên, đối với những người phản đối loại hình hẹn hò này, thì ít ra nó cũng an toàn và ít có nguy cơ bị bẽ mặt hơn là đi mua dâm, hẹn hò xem mặt, hoặc hẹn hò theo sự giới thiệu của bạn bè, cũng như các loại hình hẹn hò có sự sắp đặt trước đó.
Đặc điểm chung của loại hình hẹn hò này được một chuyên gia về tâm lý thiết kế đầu thế kỉ XX. Một nhóm nhỏ, thường trong độ tuổi từ 20 đến 50 (tỉ lệ nam – nữ là 50:50, cùng xuất hiện ở một bữa tiệc tìm kiếm đối tác) sẽ bước vào một căn phòng với rất nhiều bàn được thiết kế cho 2 người. Mỗi người sẽ đăng kí với người tổ chức và nhận được số định danh và một bảng chấm điểm. Một nửa số người hẹn hò – thường là phụ nữ - sẽ ngồi chờ ở các bàn. Sau khi nghe tiếng chuông reo, cách nhau chừng từ 4 đến 8 phút, những người đàn ông sẽ lần lượt tới ngồi tại các bàn, cứ thế luân phiên nhau theo vòng tròn.
Khi vào bàn, các cặp đôi bắt đầu trò chuyện với nhau, về mọi thứ. Lúc đầu, rất nhiều người biểu lộ sự ngượng ngùng, điều đó cũng chẳng có gì ngạc nhiên, nhưng sau đó, họ sẽ nói chuyện thật ngắn gọn, với nỗ lực “moi” được càng nhiều thông tin hữu ích càng tốt, mà không cần phải mất quá nhiều thì giờ. Khi chuông reo, đối tác bị đổi, thì họ phải đưa ra quyết định ngay: nếu Bob muốn hẹn hò với Nina, anh ta sẽ viết “Có” vào số hiệu của Nina trong bảng ghi điểm của mình, và nếu Nina cũng muốn hẹn hò với Bob, cô ấy cũng sẽ viết “Có” vào bảng ghi điểm của mình, bên cạnh số hiệu của Bob.
Kết thúc buổi hẹn, người tổ chức sẽ thu thập các bảng ghi điểm và tìm kiếm những cặp kết quả trùng khớp. Nếu Bob cùng “Có” với cả Lonnie và Nina, nhưng chỉ có Nina chấm “Có”, còn Lonnie lại chấm “Không” cho Bob, thì ban tổ chức sẽ chỉ trao số liên lạc của Bob và Nina cho nhau, để họ có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn, và có thể họ sẽ tiếp tục hẹn hò theo kiểu truyền thống với nhau.
Phiên bản hẹn hò tốc độ của chúng tôi lại được thiết kế với vài sự thay đổi đặc biệt. Đầu tiên, trước khi buổi hẹn diễn ra, chúng tôi sẽ khảo sát mỗi thành viên tham gia buổi hẹn hò đó. Chúng tôi đề nghị họ xếp hạng mức độ quan trọng trong tiêu chí chọn đối tác của mình – hấp dẫn về ngoại hình, thông minh, hài hước, tốt bụng, đáng tin cậy và hướng ngoại – để cân đối sắp xếp những cặp đôi tiềm năng. Chúng tôi cũng thay đổi một chút tiến trình hẹn hò tốc độ. Ví dụ, ngay khi kết thúc một lượt gặp mặt, mỗi người tham dự sẽ không lập tức dịch chuyển sang bàn bên cạnh. Thay vào đó, chúng tôi sẽ dừng họ lại và ghi nhận điểm số mà họ chấm cho đối tác, vẫn dựa trên những tiêu chí đã đặt ra ban đầu (hấp dẫn về ngoại hình, thông minh, hài hước, tốt bụng, đáng tin cậy và hướng ngoại). Chúng tôi cũng hỏi xem họ có muốn tiếp tục gặp gỡ người này hay không.
Cách đánh giá này cho phép chúng tôi thu về 3 loại dữ liệu. Khảo sát hẹn hò tốc độ cho chúng tôi biết các tiêu chí đánh giá của mỗi người khi tìm kiếm đối tác cho một mối quan hệ lãng mạn. Từ những câu trả lời thu được trước khi diễn ra cuộc hẹn, chúng tôi sẽ biết được họ đánh giá thế nào về người mà họ đã gặp, theo các tiêu chí ấy. Chúng tôi cũng biết liệu họ có muốn gặp gỡ lại đối tác đó sau khi kết thúc khảo sát không.
Vậy nên, trở lại câu hỏi chính của chúng tôi: Liệu những người có ngoại hình khiêm tốn có đặt nặng hình thức như những người có ngoại hình khá hơn hay không, điều đó có chứng minh là họ không thích nghi được với tình hình không? Hoặc nếu họ đặt những tiêu chí khác ở vị trí quan trọng hơn, ví dụ như tính hài hước, thì điều đó có chứng tỏ rằng họ thích nghi bằng cách thay đổi những tiêu chí khi tìm kiếm đối tác không?
Đầu tiên, chúng tôi hỏi lại người tham gia về những tiêu chí ưu tiên cơ bản của họ - những tiêu chí mà họ đã cung cấp cho chúng tôi trước khi sự kiện bắt đầu. Vì họ đang tìm kiếm một đối tác yêu đương, nên những người có vẻ ngoài hấp dẫn thường quan tâm nhiều hơn đến vẻ hấp dẫn bề ngoài, trong khi những người kém hấp dẫn hơn lại quan tâm nhiều hơn đến tính cách (thông minh, hài hước, và tốt bụng). Quá trình tìm hiểu này cho chúng tôi kết luận đầu tiên, đó là những người có vẻ ngoài kém hấp dẫn đã sắp xếp lại vị trí ưu tiên các yêu cầu của mình trong hẹn hò. Tiếp theo, chúng tôi hỏi xem mỗi người tham gia hẹn hò tốc độ đánh giá về đối tác của mình trong suốt quá trình diễn ra cuộc hẹn hò và kết quả đánh giá này biến thành mong muốn gặp gỡ ngoài đời thực như thế nào. Và đây, chúng tôi cùng nhìn ra một điều thú vị: những người kém hấp dẫn về hình thức hào hứng đến cuộc hẹn hò tiếp theo với những người mà họ cho rằng có khiếu hài hước hoặc có những tính cách không liên quan gì đến hình thức, trong khi những người có ngoại hình hấp dẫn lại có vẻ thích đến cuộc gặp tiếp theo với những người mà họ đánh giá là ưa nhìn.
Tổng hợp kết quả từ thí nghiệm QUYẾN RŨ hay KHÔNG, Hẹn hò nhé và Hẹn hò tốc độ, dữ liệu cho thấy mặc dù cấp độ hấp dẫn của bản thân chúng ta không làm thay đổi quan niệm thẩm mỹ, nhưng nó lại có ảnh hưởng lớn tới các thứ tự ưu tiên của mình. Nói đơn giản là, những người kém hấp dẫn về ngoại hình có thể nhìn thấy những phẩm chất không liên quan đến ngoại hình khác mới là điều quan trọng hơn.
Tất nhiên, điều này dẫn đến một câu hỏi là liệu những người có ngoại hình kém lại là những người “sâu sắc” hơn bởi vì họ ít quan tâm đến sắc đẹp phù du, mà quan tâm hơn đến những phẩm chất khác. Thành thực mà nói, đó chính là một tranh luận mà tôi nên tránh đi thì hơn. Sau cùng, nếu một chú ếch trẻ người non dạ biến thành một hoàng tử điềm đạm, thì hẳn nào anh ta chả háo hức dùng hình thức của mình như một thứ vũ khí, làm tiêu chí cho các cuộc hẹn hò như bao chàng hoàng tử đẹp mã khác. Bất kể chúng ta đánh giá thế nào về mức độ quan trọng của sự quyến rũ, thì rõ ràng là quá trình sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên đã giúp chúng ta thích nghi. Cuối cùng là, tất cả chúng ta đều phải chung sống hoà bình với chính bản thân, với những gì chúng ta có thể trao tặng, và đặc biệt việc thích nghi và biến đổi chính là chìa khoá giúp cuộc sống của chúng ta thêm phần vui vẻ.
CÁNH ĐÀN ÔNG VÀ TRIỂN VỌNG VỚI PHÁI ĐẸP
Không có bất cứ điều tra nào về chuyện hẹn hò là đầy đủ nếu không tiến hành một số thí nghiệm cho từng giới tính. Mọi thí nghiệm mà tôi thực hiện cho đến thời điểm này đều có đủ cả hai giới, và bạn có thể nghi ngờ chuyện có thể đàn ông và phụ nữ có những cách phản ứng khác nhau đối với sự hấp dẫn. Phải vậy không?
Đúng. Như kết quả điều tra cho thấy, những người tham gia thử nghiệm QUYẾN RŨ hay KHÔNG có giới tính khác nhau đều có chung quan điểm về hẹn hò và giới tính. Ví dụ, một cộng đồng tin tưởng rằng đàn ông ít kén chọn khi hẹn hò hơn so với phụ nữ. Hoá ra điều định kiến đó không đúng: hơn 240% đàn ông có xu hướng gửi nút “Hẹn hò nhé” cho đối tác tiềm năng nhiều hơn so với cánh phụ nữ.
Dữ liệu tiếp tục cho thông tin để khẳng định đàn ông coi trọng hình thức và quan tâm đến sự hấp dẫn về ngoại hình của phụ nữ hơn so với đối phương, điều đó có nghĩa là đàn ông sẽ ít quan tâm đến những người có cùng cấp độ hấp dẫn như mình. Đỉnh điểm là đàn ông đặt nhiều hi vọng hơn phụ nữ - họ quan sát rất kĩ độ “quyến rũ” của những người phụ nữ mà họ “đang duyệt”, và họ có xu hướng nhắm tới những người phụ nữ “vượt tầm kiểm soát” của họ, nghĩa là cho điểm rất cao cho tiêu chí QUYẾN RŨ hay KHÔNG. Thật tình cờ, người đàn ông có xu hướng đề nghị nhiều phụ nữ hẹn hò với mình, và nhắm tới những đối tượng sáng láng hơn mình (một số trường hợp có thể cho là tiêu cực) lại thường được hay gọi bằng một cái tên hoa mỹ “những người đàn ông cởi mở trong tình yêu.”
Cuộc chiến chống lại qui luật giao phối chọn lọc
Con người chúng ta cũng có những phẩm chất tuyệt vời, đi kèm với những thói hư tật xấu cố hữu. Chúng ta thường học cách chung sống với tất cả mọi thứ, từ khi còn trẻ, cho đến khi xác lập được vị trí vững chắc của mình trong xã hội và thứ bậc xã hội. Sự khác biệt đối với một số người như tôi đó là tôi đã từng lớn lên với một số niềm tin chắc chắn vào bản thân, và rồi đột nhiên tôi phải đối mặt với những hiện thực mới mà không hề có chút cơ hội được tiếp cận nó một cách từ từ trong một thời gian dài. Đối với tâm trí của tôi, sự thay đổi đột ngột này khiến những thách thức trong đời sống tình cảm trở nên rõ ràng hơn, và nó cũng khiến tôi nhìn vào thị trường hẹn hò với chút lãnh đạm và cách biệt hơn.
Trong nhiều năm sau tai nạn, tôi đã đau đớn biết bao nhiêu mới tiếp cận với ý tưởng rằng dù tai nạn đấy, nhưng rồi tôi cũng sẽ có được một mối quan hệ yêu đương ra trò trong tương lai. Tôi đã chắc chắn rằng những vết sẹo của mình đã làm thay đổi khủng khiếp vị thế của tôi trong nấc thang của thị trường hẹn hò, nhưng tôi không thể không có cảm giác “sai lầm” theo nhiều cách khác nhau. Một mặt, tôi nhận ra rằng thị trường hẹn hò vẫn mở ra rất nhiều ngách khác nhau, như mọi thị trường khác, và giá trị của tôi đã tụt dốc thảm hại chỉ sau một đêm. Cùng lúc, tôi không thể không đánh thức cảm giác ở tận sâu thẳm trong tim rằng tôi thực sự không thay đổi gì và giá trị chinh phục của mình vẫn chưa được khai quật.
Trong nỗ lực tìm hiểu cảm giác của mình về vấn đề này, tôi đã tự hỏi bản thân liệu tôi sẽ phản ứng thế nào nếu có một cơ thể hoàn toàn khoẻ mạnh, và một ai đó chịu đựng một tai nạn tương tự như tôi đề nghị tôi cho họ một cuộc hẹn. Liệu tôi có quan tâm không? Liệu tôi có giảm hứng thú hẹn hò với cô ấy chỉ vì thương tật của cô ta không? Tôi phải thừa nhận là tôi không hề thích trả lời cho câu hỏi này, và điều đó khiến tôi tự hỏi vậy thì tôi còn có thể kì vọng điều gì ngược lại từ phụ nữ đây. Tôi đi đến kết luận là tôi cần phải “về thu xếp lại”, và điều này thực sự làm tôi cảm thấy áp lực. Tôi ghét suy nghĩ rằng những phụ nữ trước kia vốn rất sẵn lòng hẹn hò với tôi, nay chỉ vì thương tật của tôi, mà không còn muốn gặp gỡ tôi với tư cách một đối tác tình cảm nữa. Và tôi thấy sợ hãi suy nghĩ phải “vô cảm”, cả về cảm giác lẫn ngoại hình. Nó có vẻ không giống một công thức kiếm tìm hạnh phúc.
TẤT CẢ NHỮNG vấn đề này đều được lật lại khi tôi tốt nghiệp trường Đại học Bắc Carolina ở Đồi Chapel. Một ngày đẹp trời, chủ nhiệm khoa tâm lý học chỉ định tôi tham gia một cuộc hội thảo. Tôi không thể nhớ nổi mình đã làm cái gì trong buổi hội thảo đó, trừ việc tạo ra một cái lo-go cho buổi khai mạc, nhưng tôi nhớ mình ngồi cùng hàng với một trong số những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp trong cuộc đời: Sumi. Dù có thể hiểu rộng ra về lý thuyết giao phối chọn lọc đến mức nào đi chăng nữa, cũng không có chút cơ hội nào để nàng chú ý đến tôi. Nhưng chúng tôi đã nói chuyện với nhau, và mỗi lúc lại dành nhiều thời gian với nhau hơn. Chúng tôi trở thành đôi bạn. Nàng trân trọng khiếu hài hước của tôi, và tôi chỉ có thể nói đó là một sự biến đổi kì diệu, ở một vài điểm nào đó, nàng đã coi tôi như một đối tác tình cảm tiềm năng.
Mười lăm năm bên nhau và hai đứa con lần lượt được sinh ra sau đó, với sự giúp đỡ của dữ liệu QUYẾN RŨ hay KHÔNG, tôi giờ đã nhận ra mình may mắn đến mức nào khi phụ nữ lại ít để tâm tới ngoại hình đàn ông (may quá, bạn đọc yêu quí của tôi ạ!). Tôi cũng trở nên tin tưởng rằng, dù có vẻ lạnh lùng như cách nó thể hiện, thì bài hát của Stephen Still vẫn có rất nhiều giá trị thực sự. Khác xa so với chủ trương không chung thuỷ “Yêu người cùng kiểu” vẫn mở ra cho chúng ta một khả năng khám phá và yêu mến cá tính và phẩm chất của đối tác. Thay vì “chết cứng” với những vết sẹo, vài pao mỡ thừa, hàm răng vổ hay mái đầu xấu, chúng ta vẫn có thể thay đổi tương lai của mình, và ngày càng thấy yêu hơn cái con người thật núp đằng sau mặt nạ hình thức và khuôn mặt. Lại một chiến công nữa được ghi nhận cho khả năng thích nghi của con người!
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí Lẽ Phải Của Phi Lý Trí - Dan Ariely Lẽ Phải Của Phi Lý Trí