Số lần đọc/download: 197 / 10
Cập nhật: 2020-05-03 18:19:14 +0700
Chương 7
Nếu là núi –phải trèo
Là nước – bơi qua
Là đau khổ - đừng lặng im chịu đựng
Nếu là con người – xin chớ bỏ qua
b###Jerzy Połomski “Kodeks”
o O o
Làm cha mẹ là một công việc cực kỳ khó khăn. Có thể là khó nhất trên thế gian này. Xây dựng một tập đoàn lớn mạnh có khi con dễ hơn dạy dỗ một đứa trẻ trở thành một con người tốt và trung thực. Cha mẹ tôi đã thành công trong việc này. Tất nhiên họ có những điểm mạnh và điểm yếu, nhưng họ không phải xấu hổ vì những đứa con của mình.
Cha mẹ tôi, quá chăm chú nhìn vào nhau, họ không thể dạy dỗ tôi, nếu chăm chú nhìn vào ai đó đến như vậy, toàn bộ thế giới xung quanh sẽ trở nên không quan trọng. Họ đã quên chia sẻ với tôi bài học vỡ lòng ấy.
Bố mẹ anh Marek, thuộc gia đình luật sư từ nhiều thế hệ, không nhìn thấy vấn đề gì trong việc chúng tôi không có con. Nhờ thế mà con trai họ có thể thành đạt trong nghề luật mà chẳng thấy có trở ngại nào. Còn tôi? Biết làm sao được, tôi có thể nghĩ tới một công việc tốt hơn là việc bưng cà phê cho ông chủ tịch hội đồng quản trị. Trong hình dung của họ, trợ lý là một cô gái tóc nhuộm vàng, chỉ có mỗi việc pha cà phê và càng ngày thì càng là những vị khách quan trọng hơn của sếp có thể phát vào mông.
Rất tiếc là chẳng mấy nữa là sinh nhật mẹ của Marek, và như mọi năm, bà lại định tụ tập cả gia đình để khoe con trai.
Tệ nhất là lần này bà không có gì để khoe. Vì lý do đó mà mấy ngày trước bữa cơm theo dự kiến, bà gọi chúng tôi đến nhà. Tôi nghĩ chắc bà muốn sắp xếp lại một cách cụ thể cho buổi gặp gỡ. Theo ý bà, chúng tôi đến ngôi nhà nghỉ hè của bà. Ngôi nhà mùa hè của bố mẹ chồng tôi là một ngôi nhà nhỏ hai tầng, có tường bao quanh gần Wiezyca ở Kaszuby. Tôi không thích đến đó. Tôi có một ốc đảo của mình nằm bên hồ Gowidlinski, nơi mà tôi yêu hơn cả cuộc sống của mình, và mỗi lần đến Wiezyca tôi đều coi như là sự phản bội cái chỗ của tôi trên mặt đất này. Tuy nhiên rất cần đến đó. Marek và mẹ cho là như vậy. Mẹ anh ấy. Cho tới bây giờ, việc gọi “mẹ” đối với người đàn bà lạ và kiêu ngạo ấy với tôi vẫn rất khó khăn. Với bố anh Marek tôi cũng không thân thiện lắm. Có thể vì tôi cảm nhận theo tiềm thức rằng, họ muốn bên con trai họ là một phụ nữ khác hơn một cô trợ lý bình thường. Họ muốn đó phải là một luật sư, thẩm phán hay công tố viên. Người được cậu con trai duy nhất của họ chọn lựa có thể là bác sĩ cũng được.
— Anh đi một mình được không? – tôi rụt rè hỏi.
— Em không muốn đi à? Em sẽ được nghỉ ngơi, được hít thở không khí trong lành. Năm nay chúng mình không đi nghỉ hè mà.
— Vâng, nhưng em không muốn nghỉ với mẹ anh.
— Em ơi, chỉ có mấy tiếng. Mình đi, nói chuyện.
— Anh thừa biết là tại sao mẹ lại muốn gặp chúng mình.
— Mẹ muốn sắp xếp lại cụ thể cho lễ sinh nhật.
— Vâng, tất nhiên rồi – tôi lầu bầu. – Mẹ muốn đặt ra cho chúng ta những chỉ đạo cụ thể, cái gì chúng ta không được nói, cái gì chúng ta phải làm. Ngay cả bà anh cũng không chịu nổi mẹ nữa rồi.
— Veronika!
— Sao, cái gì, em đang nói sự thật đấy chứ.
Tôi đã cùng đi với anh ấy. Chỉ vì nếu tôi không làm thế, anh ấy sẽ khó chịu. Thì chúng tôi có rời nhau bao giờ đâu. Tôi biết mẹ anh ấy và ánh mắt nhìn như một câu hỏi xuyên vào người, tại sao Marek lại đến một mình. Marek cũng chẳng thích gì ánh mắt ấy. Và mặc dù là một người đàn ông trưởng thành, mạnh mẽ, có trách nhiệm, tòa án với anh chẳng hề đáng sợ, nhưng sự có mặt của bà mẹ vẫn làm anh như đờ đẫn.
Marek đỗ xe và ra khỏi xe, vươn vai và ngáp to.
— Chào các con. – Mẹ giang thẳng hai tay và chìa má, làm như cả năm rồi chúng tôi chưa gặp nhau. Trong khi Marek cứ lúc lúc lại gọi điện cho bà và chắc chắn anh ấy đã kể với bà về những kế hoạch của chúng tôi.
Bao giờ tôi cũng rất bực mình vì anh ấy cứ kể với bà về những vấn đề riêng tư của chúng tôi. Mỗi một quyết định của Marek đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước với mẹ. May mà tôi và bà có ý kiến giống nhau về những giải pháp mang tính then chốt, nhưng sẽ ra sao nếu khác đi?
Tôi hôn vào không khí ở đâu đó gần má của mẹ chồng và tự nhủ rằng mình sẽ phải thật ngoan. Như mọi khi. Bao giờ tôi cũng ngoan. Bao giờ tôi cũng ở đâu đó bên cạnh, ở ngoài sự thật. Bao giờ tôi cũng làm nền cho Marek. Một cái nền gia đình, nghề nghiệp. Bà vợ ngài luật sư – hẳn là họ đã nói thế cách đây ít lâu. Tôi không phải là của riêng mình, tôi là vợ của chồng tôi. Và điều đó hẳn phải thỏa mãn những nhu cầu của tôi.
Chúng tôi ngồi ngoài hiên, ở đó có những bông hướng dương to, màu vàng. Tôi thích moi những hạt hướng dương nhỏ ấy một cách nóng nảy. Mẹ nhìn chúng tôi như thể bà sắp cho chúng tôi biết một tin vui.
Bà mang ra một đĩa quả mâm xôi và đặt trước mặt tôi.
— Vừa hái hôm nay đây. – Bà cười. – Để dành riêng cho con.
Tôi ngạc nhiên nhìn Marek, nhưng anh cũng chẳng hiểu gì. Mẹ chồng tôi vẫn cười một cách khó hiểu.
— Hay là các con uống trà?
— Con cà phê, còn em, em yêu? – Marek hỏi.
— Con cũng thế ạ.
Mẹ nhíu lông mày.
— Cà phê? – bà muốn khẳng định lại.
— Vâng, cà phê sữa ạ. – Tôi ăn quả mâm xôi. Ngon tuyệt.
Một lát sau mẹ quay ra. Với hai tách. Ở nhà mẹ chồng tôi bao giờ cũng uống cà phê trong tách. Không bao giờ tôi uống được những tách cà phê ấy, bởi đã quen với cái cốc to đùng của tôi, thơm lừng và hàng sáng xuất hiện cạnh giường tôi như được phù phép. Tất nhiên tôi biết rằng phù thủy ấy là chồng tôi. Những lần anh không có nhà, cà phê cũng không có. Sáng ra tôi đã biết rằng vắng anh, ngày sẽ khác hơn mọi ngày.
— Mẹ làm inka cho con đây – bà nói. – Việc gì con phải đầu độc mình bằng cái thứ cafein ấy.
— Inka? – tôi ngạc nhiên. Tôi không hiểu bà muốn gì, nhưng tôi đã hứa với Marek là sẽ ngoan. Ngoan có lẽ cũng có nghĩa là, nếu mẹ chồng nhận định rằng bạn chưa đủ lớn để uống cà phê pha máy, thì có lẽ bà có lý. Và khi đó bạn không được cãi lại, cho dù từ tách cà phê của chồng, mùi cà phê vừa được xay từ những hạt cà phê thiên nhiên tỏa ra thơm lừng.
Cuối cùng thì bà mẹ chồng cũng ngồi xuống cạnh bàn.
— Bố với bà nội sẽ xuống ngay bây giờ - bà thì thào đầy vẻ bí ẩn. – Trong lúc chờ, hai đứa có chuyện gì định nói với mẹ không?
Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Thông thường thì tôi chạy trước dàn nhạc, nhưng lần này tôi không nói gì và chờ cho đến lúc Marek thông báo với mẹ mình một tin có lẽ không được vui như bà dự đoán. Bởi cà phê inka và những quả mâm xôi tươi dành cho con dâu đã bắt đầu làm thành một tổng thể logic. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì Marek lại không kể gì với bà. Phải chăng anh ấy chỉ khoe những thành tích của mình, còn về những điểm yếu thì muốn quên đi?
Marek ngồi im và nhìn tôi chờ đợi. Tôi giả vờ như không nhìn thấy ánh mắt của anh ấy.
Sự im lặng đã trở nên bối rối. Rất lạ là thường thì tôi là người đầu tiên nhận thấy điều đó.
— Con chưa có thai, mẹ ạ - tôi nói.
Bà nhìn tôi sửng sốt. Tôi có cảm tưởng như bà sẽ giằng lại những quả mâm xôi mà bà vừa tươi cười đưa ra cho tôi.
— Vậy là sao? – bà sửng sốt hỏi. – Tereska nhìn thấy Marek ở khoa phụ sản trên Zaspa cơ mà.
Tereska, một bà bạn của mẹ, luôn nhìn thấy tất cả và khắp mọi nơi. Tôi nghĩ là cô ấy lúc nào cũng ngồi bên cửa sổ và quan sát hàng xóm, nhưng không, Tereska cũng theo dõi cả người quen ở các bệnh viện. Tereska biết mọi chuyện và rất sẵn lòng chia sẻ những chuyện ấy.
— Ở phòng khám phụ khoa – Marek nói khẽ.
Mẹ anh ấy vẫn hết nhìn anh ấy lại nhìn tôi.
— Nhưng tại sao lại ở phòng khám phụ khoa?
— Là tại vì chúng con không thể có con – Marek lẩm bẩm.
Bà mẹ chồng gần như đánh rơi chiếc tách.
— Các con không thể là sao? - Bà nhìn tôi. – Có bác sĩ, có các phòng khám ở Tây Âu. Không phải đã mất tất cả, con có thể sang đấy! – Bà nắm tay tôi vẻ cảm thông.
— Mẹ à... - Marek bắt đầu.
— Mẹ cái gì? Chuyện gì cũng giải quyết được hết, nếu muốn và có tiền và có quan hệ. Bố mẹ sẽ giúp các con – bà nói một cách cương quyết. – Veronika sẽ đến một bệnh viện nào đấy thật tốt và họ sẽ giúp nó. Đúng không, Veronika?
— Mẹ à...
— Mẹ nghe con nói đây – bà thở dài vẻ chán nản.
— Vấn đề là ở con – Marek nói. – Là con không thể có con.
o O o
Mẹ Marek, trong tình yêu trọn vẹn của mình dành cho con trai, bà không thể chấp nhận rằng thằng con một của bà lại không hoàn hảo như bà vẫn giới thiệu với tất cả họ hàng và người quen. Với bà, cậu con trai thật lý tưởng. Và nếu như nó có một khiếm khuyết nào đấy thì cần phải giấu đi trước mặt mọi người và giả vờ như điều đó không tồn tại. Mỗi thất bại bà đều có thể xoay chuyển thành thành công.
Bà ra khỏi phòng, không nói không rằng và làm bát đĩa kêu loảng xoảng trong bếp. Bà nội ngồi vào bàn. Ánh mắt xuyên thấu của bà nội nhìn thấy tất cả.
— Có chuyện à? - bà hỏi.
Cả hai chúng tôi cũng gật đầu.
— Bà sẽ không có chắt đâu, bà ạ - Marek nói.
— Đã có lần bà nói chuyện với mọi người về in vitro... - bà khơi mào.
Marek lắc đầu.
— Không có cơ may bà ạ. Của cháu chẳng có gì cả.
Câu chuyện đó hẳn phải rất khó khăn đối với anh ấy. Từ trong bếp vọng ra tiếng của bà mẹ, bà đang thì thào rất kịch, giải thích gì đó cho ông chồng. Hẳn bà đã làm ông cảm thấy thư giãn bên ly cà phê.
— Thế các cháu định như thế nào về người cho?
— Mẹ ơi mẹ nói gì thế! – mẹ anh Marek từ bếp quay lại phòng, thốt lên kinh hãi. – Có lẽ nên kết thúc cái đề tài khó với tất cả chúng ta này ở đây. Marek à, tuần trước cô Tereska nhìn thấy con trên TV đấy. Con kể cho mẹ nghe về chuyện này xem nào, hôm ấy mẹ quên mất.
Rõ ràng là cô Tereska, ngoài việc có mặt ở các bệnh viện và quan sát qua cửa sổ, thỉnh thoảng cô còn xem TV nữa. Và cô không bỏ qua chuyện gì.
Bà mẹ đã kết thúc đề tài một cách dứt khoát. Không có con, vậy cần phải lo cho sự nghiệp. Danh vọng, tiền bạc và địa vị. Và việc này thì bà không thể nói với cô trợ lý của ông chủ tịch hội đồng quản trị một công ty không lấy gì làm lớn rồi.
Chấm dứt đề tài, có thể như thế lại hay hơn? Bà là người cuối cùng mà tôi muốn nói về vấn đề này. Hẳn là nếu như là tôi không thể có con, thì bà sẽ khuyên con trai mình đơn giản là lấy vợ khác. Còn như thế này, bà không biết phải làm gì.
Khi tôi mang bát đĩa xuống bếp, bà đi theo tôi. Bà giữ tôi lại khi tôi đi qua cửa bếp.
— Chắc là các con không nghĩ một cách nghiêm túc về người cho đấy chứ? – bà hỏi.
— Con cũng không biết, mẹ ạ. Chúng con chỉ lưu ý đến chuyện này.
Tôi nhìn bà và không nói gì. Đó sẽ là con của tôi. Đó sẽ không phải là đứa con sinh học của Marek. Con trai bà. Và đó sẽ không phải là đứa cháu sinh học của bà.
Phải chăng bà sợ rằng không có mối quan hệ máu mủ thì bà sẽ không thể yêu quí được đứa bé? Đứa bé không biết của gã đàn ông nào với một cô pha cà phê nào đấy cho ông chủ tịch hội đồng quản trị?
Tôi không trở lại hiên. Mà ra vườn sau nhà. Tôi tự hứa là sẽ không đến sinh nhật của mẹ chồng, cho dù Marek cố nài ép.
Tôi không có tâm trạng cho bất kỳ một cuộc gặp gỡ bạn bè nào chứ đừng nói gì đến chuyện đi thăm mẹ chồng. Điều tôi thích nhất là được ẩn mình trong chăn trên chiếc đệm trải ngoài ban công của tôi và ngắm nhìn rừng qua những chấn song kim loại. Rừng luôn khiến tôi bình tâm. Từ tầng chín của tòa tháp ở Oliva có thể thấy phong cảnh trải rộng. Màu xanh của rừng tưởng như trải ra vô tận. Tôi ẩn mình trên ban công ấy với một cuốn sách hay, tuyệt nhiên không phải suy nghĩ gì và cuốn sách sẽ đưa tôi vào một thế giới khác... Khi đó tôi có thể nghỉ ngơi.
Trong lúc đó thì tôi phải ở chỗ mẹ chồng trên Kaszuby và thèm về cái ban công của mình hoặc về cái ổ của tôi, chẳng xa xôi gì nhưng tôi lại không thể nhìn thấy nó. Tôi bỗng nảy ra một ý tưởng.
— Marek... - Tôi đến chỗ chồng. – Em có thể lấy xe vào buổi chiều được không?
— Em định đi đâu?
Tôi im lặng.
— Em đừng có nói là đi Amalka đấy nhé. Em đừng có lằng nhằng, chúng mình đang ở nhà bố mẹ và chúng mình sẽ ở lại đây. Còn đến đấy thì em đi lúc nào chẳng được.
— Em muốn bây giờ.
— Em cư xử như một cô bé con đỏng đảnh ấy.
Anh ấy có lý.
Cô bé con đỏng đảnh đang chỉ thích cuộn mình như cái kén và ngồi ngoài ban công, ở cái ổ của mình.
— Marek, anh đừng có bắt em phải quay lại chỗ mẹ anh.
— Nhưng mẹ có làm gì em đâu. Là anh có vấn đề chứ đâu phải em.
Anh? Em? Cho đến lúc này chúng tôi luôn là “chúng mình”. Bây giờ đột nhiên vấn đề vô sinh lại chỉ là của anh ấy. Chúng tôi là một cơ mà! – tôi muốn kêu lên. Thay vì thế tôi chìa tay về phía anh.
— Anh đưa chìa khóa cho em.
Anh đưa chìa khóa cho tôi với ánh mắt tức giận.
— Bao giờ em về?
— Nhưng bao giờ thì anh định về nhà?
— Anh nghĩ là chúng ta ngủ lại ở chỗ mẹ.
— Vậy thì anh cứ ở lại. Em sẽ ngủ ở Amalka.
— Em sẽ ngủ ở đấy?
— Vâng. Em muốn ở một mình. Chiều em sẽ đến đón anh. - Marek lắc đầu phản đối.
— Em ra tạm biệt – tôi nói. – Với bà nội – tôi khẽ nói thêm.
Khi bà nội ôm tôi để tạm biệt, trong mắt bà tôi nhìn thấy tất cả. Đôi khi chẳng cần phải nói gì, để nói một điều gì đấy. Đôi khi người ta cảm nhận được sự thấu hiểu, chấp nhận và thông cảm. Có thể rót vào trái tim cam chịu một chút khích lệ mà không cần một lời nói nào. Chỉ cần muốn. Bà rất muốn.
Từ Tháp Canh đến Amalka không xa lắm. Có lẽ khoảng ba mươi cây gì đó. Đến Klukova Huta tôi rẽ vào con đường vắng hơn, cốt để nhanh hơn. Tôi không nghĩ là sẽ gặp bất cứ ai ở đó. Tôi có chìa khóa và bao giờ cũng mang theo người. Không chỉ một lần tôi đã đến Amalka một cách ngẫu nhiên. Vào mùa hè, để tắm, vào mùa thu, đi hái nấm. Thỉnh thoảng với Marek, đơn giản chỉ để ở cùng nhau, tránh xa phố xá và mọi ưu phiền. Tiếc là lần này anh không muốn đi cùng tôi đến đấy. Hẳn lúc này anh đang thảo luận với mẹ về phương án tốt nhất cho gia đình chúng tôi. Tiếc là đầu tiên anh đã không muốn nói chuyện với tôi về vấn đề này.
Tôi đi vào con đường chạy qua cánh đồng. Tôi yêu phong cảnh này của Kaszuby. Những không gian trải rộng, những mỏm đồi, cánh đồng và rừng ở khắp nơi nơi.
Chiếc radio lào xào và tự động nhảy sang kênh duy nhất có thể nghe được trong sự tĩnh lặng này. Những bài hát hay của thời xa xưa đang được phát đi. Hình như là Polomski.
Nếu là núi – phải trèo
Nếu là nước –bơi qua
Nếu là âu lo – lặng im chịu đựng
Nếu là con người- xin chớ đi qua
Nếu là bài – cần phải chơi
Nếu là chợ - hãy chọn mua
Nếu là vết bẩn – giặt cho bằng sạch
Nếu là người – hãy mến yêu nhau.
Nếu là ngựa – cần cưỡi lên và phi
Nếu là nợ - phải trả
Nếu là báu vật – cần biết chúng ở đâu
Nếu là tình bạn – xin đừng đánh mất.
Nếu là kèn – hãy đứng vào hàng ngũ
Nếu là khách – đón chào
Nếu là rượu vang – cạn ly thích thú
Nếu là tình yêu – chớ hỏi làm chi!!!
Tôi cười thầm. Trong các bài hát, mọi chuyện mới dễ làm sao. Tôi đi hết con đường nối Sulenczyno với Sierakovice rồi đi vào đường lên cầu, nối hai bờ sông Slupia chảy từ hồ Govidlinski và tôi cảm thấy như đang ở trên thiên đường.
Tôi cởi dây an toàn và mở cửa. Ở đây tôi không phải tự vệ trước thế giới.
Tôi ở nhà mình. Ở nơi mà mọi vấn đề dường như đều có thể giải quyết được.
o O o
Tôi không nghĩ là mình sẽ gặp ai đó ở đây. Ngoài hiên, mẹ đang say sưa với một cuốn sách về lịch sử nào đấy. Ngay cả trong những ngày nghỉ, mẹ cũng tự cho phép mình hưởng thụ niềm đam mê của mình. Bố đọc qua cả một chồng báo để trên chiếc ghế dài bên cạnh.
Tất nhiên là ông hút thuốc, khói bay lên trời, đầu độc cuộc sống của tất cả mọi thứ xung quanh.
— Bố, bố đừng hút thuốc nữa – tôi nói thay cho câu chào.
— Dào ôi, dào ôi – bố trả lời. – Cái gì không giết ta thì làm ta khỏe.
Quả thật, năm vừa rồi nó đã làm bố khỏe ra bao nhiêu. Phẫu thuật, tai biến. Ông nghĩ rằng nếu những cái đó không khuất phục được ông thì ông đã trở nên bất tử. Tôi không thể nhìn được cảnh này.
— Sao lại có cuộc thăm viếng dễ thương thế này, con gái! – Ông ôm tôi.
— May quá, có bố mẹ ở đây. – Tôi ôm mẹ.
— Thế còn Marek đâu? – bố hỏi. Chắc chắn là tôi không uống bia với hai người rồi.
— Ở nhà bố mẹ anh ấy ở Viezyca ạ. Mai con sẽ qua đấy đón anh ấy.
— Các con lại cãi nhau à? – mẹ hỏi vẻ ngạc nhiên. Có lẽ không bao giờ mẹ cãi nhau với bố, và với bà, vợ chồng cãi nhau giống như văn học hư cấu vậy.
— Không, không phải thế - tôi lầu bầu. – Chẳng qua là con không muốn giả vờ trước cả thế giới, rằng mọi chuyện đều ổn và rằng có những vấn đề quan trọng hơn những vấn đề đang chiếm đoạt tâm trí con nhiều nhất.
Tất nhiên là bố mẹ tôi biết hết mọi chuyện. Nước mắt ràn rụa qua điện thoại bao giờ cũng hướng đến mẹ đầu tiên. Bà biết cách làm tôi vui y như hồi tôi còn bé.
Kể cũng lạ là ngay cả khi chúng ta đã trưởng thành thì chúng ta vẫn cảm thấy thật an toàn trong vòng tay cha mẹ. Chúng ta không làm điều này, bởi chẳng phải đó là biểu hiện của sự yếu đuối sao, nhưng chúng ta mong ước có ai đó ôm lấy chúng ta mà nói rằng tất cả rồi sẽ tốt thôi.
Vì vậy mà có lẽ tôi không nên ngạc nhiên khi Marek gắn bó với mẹ đến vậy? Có thể anh ấy cũng cần được vỗ vào lưng như vậy, cần những lời nói mà anh ấy tin tưởng.
Tôi uống loại cà phê nguyên chất, trong một chiếc cốc to nhất mà mẹ tìm được, và cuối cùng tôi cũng cảm thấy dễ chịu.
— Bố mẹ đã lấy kajak ra. Hay là con đi chèo thuyền?
Mẹ rất hiểu tôi. Mẹ biết là đôi khi tôi thích được một mình, do đó mà bà đã không đưa ngay cả mình vào kế hoạch.
— Con chèo thuyền, sẽ mệt, sẽ giải tỏa được những cảm xúc không tốt. Con biết là điều đó có lợi mà.
Tôi lấy mái chèo rồi đi ra hồ. Tôi nhớ tôi với Marek đã mua chiếc xuồng này như thế nào. Loại ba chỗ. Màu xanh da trời. Ở phía trước và phía sau là chỗ cho người lớn, ở giữa là một cái hốc được che kín, khi mở ra – là chỗ cho trẻ em. Cho đứa con được lên kế hoạch vào khi đó, trong một tương lai không xa. Tôi thả chân xuống làn nước lạnh, đoạn bước lên chiếc xuồng chòng chành và bơi ra giữa hồ. Tôi chèo khá nhanh. Rồi rẽ trái đến chỗ lòng hồ thu hẹp lại. Cái gì cũng nhắc tôi nhớ đến Marek. Ngay cả tiếng mái chèo khỏa nước. Tôi nhớ năm ngoái chúng tôi bơi đến Govidlina. Uống bia, ăn kem và về nhà mệt nhoài, nhưng vui không thể tả. Tôi sẽ không nhắc lại việc chúng tôi đã dừng lại trên đảo...
Có thể vì vậy mà tôi đã rẽ sang hướng khác. Tôi không muốn nhớ. Với lại tôi cũng không đủ khả năng để chèo xa thế, mà ở đó hồ rộng hơn và đôi khi rất đỏng đảnh. Gió có thể gây khó khăn cho việc chèo xuồng.
Tôi đi qua những chiếc thuyền buồm đậu ngay bên bờ trái, những chiếc lều trại cắm ngay trên mặt nước. Ở đấy còn có một hòn đảo rất nhỏ. Trên đảo chỉ mọc mỗi một cái cây. Đã có lần Marek lên đảo này, anh ấy muốn nhất định phải được đứng trên đó.
— Marek, người chinh phục – tôi cười.
— Anh sẽ chinh phục tất cả những gì anh mơ ước! – anh ấy hét vang.
Chúng tôi gọi hòn đảo này là Đảo của những ước mơ được thực hiên. Marek khẳng định rằng khi đứng chân trần trên đó và nói lên điều ước thì điều ước sẽ được thực hiện. Khi đó anh ấy có kỳ thi vào thử việc và anh ấy đã nhảy lên đảo tới ba lần. Điều đó sẽ đảm bảo cho anh ấy thành công. Tất nhiên là đã thành công.
Tôi dừng tay chèo. Hay là cứ bơi như thế vào đám cỏ bấc bao quanh đảo và nghĩ ra điều ước? Điều ước gì? Về đứa con hay về cuộc hôn nhân hạnh phúc mà thời gian gần đây đã không còn là lý tưởng? Tôi khua mái chèo bên phải mạnh hơn để rẽ sang trái.
Tôi nghe thấy tiếng tiếng kêu cảnh báo của những con thiên nga. Một lúc sau thì tôi nhìn thấy chúng bơi từ phía bên kia hồ lại. Rõ ràng tôi là một vị khách không mời mà đến, kẻ làm nguội lạnh hơi ấm của ngọn lửa gia đình. Tôi không nên phá hỏng hạnh phúc của chúng, tấn công vào tổ của chúng.
Tất nhiên, một cách có ý thức, tôi muốn tin vào phép màu, rằng nếu tôi đứng dẫu là chỉ một chân lên đảo, thì hạnh phúc sẽ chảy vào tôi ngay.
Những con thiên nga lại kêu lên khi cảm thấy tôi là một tên xâm lược.
Tôi không muốn rơi vào cuộc cãi vã với chúng. Tôi sợ. Tôi bơi lùi lại rất nhanh, những mái chèo năng nổ đập vào mặt nước yên tĩnh. Chẳng có ai thích khi bị người khác quấy rầy cuộc sống gia đình thôn dã của mình.
Tôi bơi xa hơn, đến tận cuối hồ. Hồi còn là trẻ con, tôi thường đi hái thạch xương bồ ở đấy. Tôi nghiêng người ra xa thuyền hoặc xuống và cắt những cái thân cây múp míp. Quả thạch xương bồ sao mà mịn thế. Chúng được treo trên tường gần như quanh năm và nhắc rất lâu với tôi về mùa hè. Có lần Marek dậy sớm và mang về cho tôi một bó thạch công bồ. Đó là ngày hôm trước của kỳ đi nghỉ hè.
Còn ở đây, chẳng có gì để khiến tôi nhớ về anh ấy.
Ga trải giường thơm mùi anh, trên đường đi, vẫn còn thấy rõ những dấu vết của anh. Có lẽ người đàn bà nào cũng biết đến cảm giác này, khi đi đâu đó mà không có người đàn ông của mình... Khi ấy, chỉ cần nhắm mắt lại và tất cả dường như thật rõ ràng. Thậm chí tôi không biết mình đã vào đến bờ lúc nào. Tôi kéo xuồng lên bờ, lấy mái chèo và đi chân đất về căn nhà gỗ của cha mẹ tôi.
— Có khá hơn tí chút chứ? – Mẹ ngừng đọc sách. – Quá đủ các vị thần Ai Cập cho ngày hôm nay rồi. – Bà cười. – Mẹ nói cho con biết, con gái yêu ạ, ở đó họ có vấn đề. Đôi khi mẹ phân vân, không biết những phim bộ Brazin-Venezuela-Achentina có phải được quay trên cơ sở thần thoại không nữa. Hoặc là “Mốt cho thành công”. Chẳng phải ở đấy ai cũng cặp với một ai đấy, giống như ở Ai Cập sao.
Tôi cười.
— Bữa tối đang chờ đây rồi – mẹ tiếp tục.
Bà cùng tôi ngồi vào bàn.
— Marek không đồng ý chuyện đó à? – bà hỏi.
— Mẹ ơi, có lẽ là do con không đồng ý – tôi lẩm bẩm. – Mà trước hết là mẹ chồng con. Bà ấy không thể tin được là cậu con trai lý tưởng của mình lại không phải là lý tưởng như vậy, như bà ấy vẫn nghĩ. Bà ấy bảo con đi khám bác sĩ.
Mẹ thở dài.
— Thế ý con thế nào?
— Con thấy quá đủ rồi. Con không thể, mẹ ạ. Con đã quá đủ bệnh viện, bác sĩ và toàn bộ cái đề tài này. Con phát điên lên rồi. Con không thể tập trung vào bất cứ chuyện gì, con không thể làm được bất cứ việc gì.
Mẹ ôm lấy tôi.
— Thế còn nhận con nuôi thì sao?
— Mẹ ơi, một khi mẹ chồng con cho rằng con của người đàn ông khác sẽ không phải là con của con thì còn nói gì đến chuyện nhận con nuôi.
— Nhưng đấy sẽ là con của các con. Việc ai sinh ra nó thì có khác gì nhau. Các con cần là cần yên ổn.
— Mẹ thấy đấy, hết cách rồi. – Tôi cười buồn bã. – Ngay cả thần thoại của mẹ cũng không có một giải pháp tốt.
— Trong thần thoại những chuyện như thế này không xảy ra. – Mẹ cười. – Các con sẽ giải quyết được. Chỉ có điều đừng có đấu tranh nữa. Đủ rồi. A, còn nữa... Con hãy nói cho mẹ biết, thế bác sĩ không cho Marek cơ hội nào à?
— Có vẻ như là có. Nhưng hễ cứ nghĩ đến bệnh viện là con muốn xỉu rồi.
o O o
Tôi có thể quay lại bệnh viện sớm hơn là tôi tưởng. Marek được cho thuốc gì đó, chúng sẽ giúp anh từ bên trong, và chúng tôi lại thử. Chỉ có điều... Chỉ có điều chúng tôi không thể.
Chúng tôi cãi nhau kịch liệt tới mức tôi phải qua nhà mẹ đẻ ngủ. Nguyên nhân của vụ này là ông xã tôi uống bia với hàng xóm trong gara. Và anh ấy đã hút thuốc. Anh ấy không làm chuyện này một cách bình thường, nhưng khi đó – vào thời điểm mà sức khỏe với anh ấy là rất quan trọng – anh ấy đã không thể từ chối được.
— Marek! – tôi đứng ở ban công gọi.
— Anh về đây. – Anh vẫy tay với tôi, tay vẫn cầm điếu thuốc cháy dở. Còn tay kia thì đang cầm cái lon bia chết tiệt ấy.
— Anh làm cái gì thế hả? – tôi la lên.
— Đây rồi, anh về đây!
— Thuốc lá? Bia? Marek ơi! – tôi gào khóc đến cả khu cùng nghe thấy. Chắc hẳn tôi đã biến thành một mụ vợ điên, còn ông xã thành một ông chồng sợ vợ, bị bà vợ cấm tiệt mọi thứ, trừ việc đi dép ấm và ngồi nhà.
— Em điên đấy à? – anh hỏi khi đã về đến nhà.
— Em không điên. Đơn giản là em có mục tiêu phải đạt được. Và em nghĩ rằng đó là mục tiêu chung của chúng ta.
— Và vì vậy mà em biến anh thành quả bóng chày, khi cứ gào lên cho cả khu nghe thấy, rằng em không muốn anh uống bia?
— Marek...
— Sao? Hôm nay anh muốn uống bia. Và anh sẽ quay lại đằng kia ngay bây giờ để uống. Đừng có chỉ đạo anh, đừng có bảo anh phải làm gì.
— Nhưng nếu mẹ điều khiển anh thì sẽ rất tốt phải không?
— Em đừng có đưa mẹ vào đây.
— Chính anh là người đưa mẹ vào mọi chuyện! – tôi nổi khùng. – Và có vẻ như anh không nhìn thấy vấn đề ở đây!
— Với mẹ, anh có thể nói chuyện một cách bình thường.
— Với mẹ? Một cách bình thường? Mẹ lại mới cho anh những lời khuyên thích đáng nào vậy? Rằng sự nghiệp là quan trọng hơn? Rằng anh cần phải bỏ vợ để lấy một cô nào đấy có con sẵn? Thế mà mẹ sẽ không thể chịu nổi nếu đấy là con của em... Hẳn là mẹ không thể yêu quí máu mủ của một cô trợ lý...
Marek nhìn tôi nhưng không nói gì. Anh lấy cái ví và ra khỏi nhà.
Tôi không biết có nên chạy theo anh hay không. Tôi phải nói gì với anh? Rằng tôi vẫn cho rằng một khi bác sĩ đã đưa ra cho dù chỉ là một phần trăm cơ hội, thì chúng tôi sẽ là những kẻ điên nếu như không tận dụng cơ hội ấy?
o O o
TỪ: Weronika Snarska
ĐẾN: Jakub Nowakowski
CHỦ ĐỀ: Hãy ôm...
Em kiệt sức rồi. Em chỉ muốn cuộn tròn trong chăn và để lại thế giới ở bên ngoài.
Anh có thể ôm em trong thế giới ảo được không?
Veronika
TỪ: Jakub Nowakowski
ĐẾN: Weronika Snarska
CHỦ ĐỀ: OK
Thậm chí không phải ảo. Em có muốn mình gặp nhau không? Ở chỗ của chúng ta, sau một tiếng nữa.
Kuba
TỪ: Weronika Snarska
ĐẾN: Jakub Nowakowski
CHỦ ĐỀ:?
Chúng ta có một chỗ nào đó của mình chăng? Ý anh muốn nói đến bãi biển ở Brzezno? Có lẽ đến Jelitkowo tốt hơn, em sẽ đi tàu điện.
Như vậy hoặc khác đi, đó là một ý tưởng hay. Em sẽ có mặt sau một tiếng. Có thể sau nửa tiếng. Em sẽ đợi. Lần này sẽ không có rượu vang. Có lẽ thế.
Veronika
o O o
Tôi ra khỏi nhà, đi qua gara không nói một lời. Thậm chí Marek không để ý thấy tôi. Anh ấy còn bận nói chuyện với hàng xóm và giết chết khả năng làm bố. Bây giờ thì tôi nghĩ rằng mình đã hơi quá, nhưng khi đó tôi tin chắc rằng thậm chí chỉ một giọt rượu cũng có thể tước bỏ cơ hội mà tôi mơ ước.
Tôi đi qua nghĩa trang, qua nhà thờ Olivơ rồi qua công viên để ra bến tàu điện. Vừa đúng lúc tàu số sáu đến. Jelitkowo. Tôi lên tàu và lại nhìn thấy một đôi tuổi teen đang không nhìn thấy gì ngoài họ. Tôi đang già đi chăng? Tôi cũng đã từng ngồi trên đùi Marek và chúng tôi ôm chặt nhau như thế. Giờ đây tôi nhăn mặt quay đi.
Có thể vì tôi cũng muốn được như họ?
Tôi ngồi trên bãi biển, ngay lối vào.
— Bánh kem hay kem đây? – Tôi nghe thấy tiếng nói từ phía bên phải. – Hay là bia?
Tôi cảm thấy một nụ hôn nhẹ lên má mình.
— Cả bánh kem, cả kem, cả bia. – Tôi cười vang. Thậm chí tôi không biết đáp lại nụ hôn như thế nào, vì anh lùi lại rất nhanh.
— Thế thì chúng ta sẽ bắt đầu từ bánh kem. Em chờ một lát.
Anh để lại mũ bảo hiểm, áo khoác cho tôi và đi vội về phía mấy quán gần đấy vẫn mở cửa mặc dù trời đã tối. Tôi bỗng bị quyến rũ kinh khủng bởi cái ý định thử đội chiếc mũ bảo hiểm. Tôi luôn tò mò, liệu khi đội một chiếc mũ như thế này, người ta có cảm giác như của người bị mắc chứng sợ bị giam kín không nhỉ. Tôi đội chiếc mũ lên đầu và có cảm giác như mình trở thành một người nào đó từ một hành tinh khác hoàn toàn xa lạ. Rằng tôi bị giam trong thực tế của chính mình. Tôi ở bên ngoài tất cả những gì đang bao bọc quanh tôi.
Hay là làm cho mình một chiếc mũ như vậy và khi đó cuộc đời có thể đập vào đầu tôi mà chẳng ăn thua gì.
Bùm, bùm, bùm. Còn bạn vẫn không gì hết, ngẩng đầu lên, khẽ lắc người và thế là để lại tất cả. Bạn có thể nhận những cú đấm tiếp theo từ những người xung quanh và nhận những gì đã được lên kế hoạch dành cho bạn.
Tôi bỏ mũ ra và một lát sau thì Kuba xuất hiện. Tất nhiên là với bánh xốp được tưới đầy mứt dâu đất.
— Em đội thử à? – Anh hất đầu về phía chiếc mũ bảo hiểm. – Biết đâu lại chẳng thuyết phục được em đi xe ôm?
— Không bao giờ! Em đã nói với anh là em sợ xe máy lắm mà.
— Có gì đâu mà sợ. Nếu cần anh sẽ có mũ bảo hiểm cho em.
— Anh mang theo à? – Tôi ngạc nhiên. – Không cần đâu. Trong vấn đề này em sẽ không nhượng bộ! – Tôi cười.
— Còn trong các vấn đề khác?
— Trong các vấn đề khác thì nhanh hơn. – Tôi nháy mắt.
Chúa ơi, có phải tôi đang tán tỉnh không? Lần cuối tôi tán tỉnh là hồi học phổ thông trung học. Và có lẽ là với ông xã tương lai của tôi.
— Vậy thì chúng ta sẽ chờ những vấn đề khác ấy. – Anh ngồi xuống cạnh tôi. – Tạm thời thì em đã nhượng bộ trong vấn đề bánh kem rồi.
— Nếu nói về đồ ngọt thì em thường hay nhượng bộ. May là em lại có thể cho phép mình như vậy. – Tôi rút chân ra khỏi săng-đan. – Em thích chạm vào cát.
— Em chuyển đề tài à?
— Thế chúng ta phải tiếp tục à? Về sự nhượng bộ?
— Có lẽ là em không muốn.
Quả thật là tôi không muốn.
— Anh Kuba này... Hôn nhân của tụi em tan vỡ mất thôi. Đã có lúc nào anh muốn có con chưa? – Tôi nhìn anh.
— Tụi anh cũng vì một lẽ nào đây mà không có... Chúng ta đã nói về chuyện này rồi.
— Thế nếu vợ anh muốn, còn anh lại không thể, thì anh có đồng ý làm in vitro không?
— Có lẽ thế. In vitro, cũng như nhiều nỗ lực khác, có ích trong cuộc sống. Anh chẳng có gì để phản đối cả.
— Còn nhận con nuôi?
— Anh chưa cân nhắc đến chuyện này. Đây là một vấn đề khá quan trọng để có thể trả lời ngay. Anh cần phải cân nhắc.
— Nhưng anh cho phép nhận con nuôi?
— Anh không loại trừ. Đôi khi anh cũng buồn vì mình chẳng để lại gì. Nhà cửa, gia đình... Ania không muốn có con. Cô ấy đã ngoài bốn mươi. Có lẽ cô ấy đã hết tuổi rồi. Còn của anh? Con người tự làm cho mình thấy thuận tiện. Anh có hai con chó và một con mèo. Đó là gia đình của anh. Anh còn thiếu nhiều thứ... Anh cần phải cân nhắc.
— Anh thấy không, nhưng anh chấp nhận suy nghĩ này. Còn Marek thì không muốn nghe nói tới chuyện này. Sau khi nói chuyện với mẹ. Em bắt đầu nhận ra, tụi em có những sở thích hoàn toàn khác nhau. Anh ấy hiện thực hóa chúng ở văn phòng, còn em không thể tập trung vào bất cứ việc gì.
— Em yêu anh ấy chứ?
— Marek? – tôi ngạc nhiên. – Từ đâu lại có câu hỏi này?
— Em nhìn anh ấy chỉ như một nhà cung cấp tinh trùng.
— Kuba! Anh thô bạo quá!
— Nhưng đúng như vậy mà. Em hãy cân nhắc xem em có muốn sống cùng với anh ấy không. Và cả khi khó khăn cũng như lúc thuận lợi. Bây giờ có lẽ đang là lúc khó khăn, đúng không?
o O o
Trong tất cả những chuyện này, thì điều tồi tệ nhất là Kuba đã nói ra sự thật. Tôi đã không còn nhìn Marek như nhìn người đàn ông của mình nữa. Chồng. Đối tác. Anh ấy chỉ cần đối với tôi để tôi có thể làm mẹ. Còn sau đó là cái gì? Nếu như tôi được làm mẹ thì có tốt hơn không? Hay nói chung, anh ấy sẽ vẫn không cần cho tôi nữa?
Tôi có cảm tưởng như hai chúng tôi đã thất lạc nhau. Đôi khi tôi ứng xử như một đứa bé trong cửa hàng đồ chơi, giậm chân và đòi: “Con muốn cái này!!!”. Chỉ có điều, tiếc thay, không một ai nghe thấy những lời thỉnh cầu ấy.
Khi tôi về nhà, Marek thậm chí cũng chẳng hỏi xem tôi đi đâu. Kuba đưa tôi vào taxi theo đúng chuẩn mực và thuyết phục rằng xe máy của anh ấy (tôi đã quen không gọi là động cơ) chắc chắn là an toàn. Tuy nhiên tôi vẫn không muốn rủi ro.
Tôi thiếp đi với mùi của Kuba ngay cạnh mặt mình.
Ông xã tôi ngủ ở phòng bên cạnh.
Người toàn mùi bia vì đã uống với ông hàng xóm trong gara.
Tôi không thích cái mùi ấy tị nào.
Em ngủ và cảm nhận mùi của anh ở bên trái – tôi gửi tin nhắn. Ania đi trực, vậy nên tôi có thể cho phép mình làm điều này.
Chúc ngủ ngon.
o O o
Có một lần, khi ngồi uống cà phê, tôi đã hỏi Kuba, anh có hạnh phúc không.
Chẳng phải nếu hạnh phúc, anh ấy đã không tìm mối quen biết bí mật đối với vợ sao.
— Hạnh phúc? Thế theo em, hạnh phúc là gì? – anh hỏi. – Khi anh có đủ hai tay và không bị tật nguyền, anh có thể tự mình xoay sở.
— Có nghĩa là với anh, hạnh phúc là có hai tay?
— Đó cũng là hạnh phúc. Không đúng sao? – Anh nhìn tôi. – Bởi còn gì nữa?
— Tình yêu?
— Tình yêu đôi khi chưa chắc đã là hạnh phúc.
— Anh yêu chị ấy chứ?
— Ania?
Tôi gật đầu.
— Tụi anh đã đi cùng nhau rất nhiều. Có rất nhiều kỷ niệm. Đã cùng chôn cất mẹ anh và bố của cô ấy... Mấy con mèo và hai con chó. Anh gắn bó với cô ấy. Ngần ấy năm cùng nhau.
— Anh chưa trả lời.
— Đúng. Đó là tình yêu. Có lẽ đó là tình yêu. Cho dù tụi anh không chuyện trò với nhau, không có cùng đam mê, mơ ước và khát vọng, cho dù mỗi người tụi anh hoạt động độc lập nhiều hơn là cùng nhau. Bản thân anh không biết liệu đó có phải là tình yêu. Có lẽ là sự gắn bó.
— Sự gắn bó? Có lẽ Ania sẽ không vui đâu. Hai người không làm đám cưới. Là anh không muốn hay chị ấy?
— Cả anh không muốn, cả cô ấy. Có lẽ tính thực dụng của anh đã giữ anh lại, để không đổi cái đang tốt lấy cái tốt hơn. Tụi anh không hợp nhau một cách kinh khủng.
Về mọi nhẽ. Anh có cảm tưởng như cô ấy thích điều này, rằng có anh, rằng cô ấy có một ai đó ở bên... Điều này kể cũng hơi buồn. Có một ai đó, mà với người ấy có thể đến bất cứ môi trường nào cũng không phải cảm thấy xấu hổ, người mà ai ai cũng yêu mến. Anh cùng với cô ấy là bởi vì anh đã từng yêu, anh đã yêu rất lâu, và sau đó anh quen với việc yêu. Tụi anh cùng nhau... Nhưng cô ấy có những đứa con của mình trong bệnh viện, còn anh có... công việc.
— Và anh đi tìm những mối quen biết...
— Không, anh không tìm. Ở đằng ấy, ngoài bãi biển, là tự em tìm thấy. Anh đi đến, còn em ngồi trên bờ. Đẹp và buồn. Và như em biết đấy, anh bắt buộc phải đi đến. Chúng ta đã nói về chuyện này. Anh lo cho em... Anh mừng vì chúng ta đã gặp nhau.
— Chắc chắn Ania của anh sẽ ít vui hơn...
— Có thể... Cô ấy không biết. Nhưng phải chăng chúng ta đã làm điều gì xấu? Chúng ta chỉ nói chuyện với nhau thôi mà. Chúng ta chia sẻ với nhau cảm xúc, suy nghĩ.
Tôi gật đầu. Quả thật, Chúng tôi chia sẻ với nhau những cảm xúc. Đã có thời tôi chia sẻ cảm xúc với chồng. Hôm nay chúng tôi tuyệt nhiên không nói chuyện với nhau. Lúc này, khi đau đầu, tôi gửi mail và một lúc sau thì nhận được những lời xoa dịu. Một sự... phản bội cảm xúc?
Nhưng chúng tôi chỉ nói chuyện thôi mà. Ngoài ra không có gì khác. Không có bất cứ một sự đụng chạm nào dù là vô tình, không một cử chỉ tình cảm, có thể loại trừ nụ hôn lên má chưa cạo râu của anh khi tạm biệt.
CẢM XÚC
Ở đây muốn nói đến những cảm xúc từ mỗi bức mail, từ mỗi tin nhắn đem lại. Nhưng không chỉ thế. Còn có cả những ý nghĩ và cảm nhận mà chúng tôi chia sẻ với nhau trong những câu chuyện của chúng tôi nữa.
o O o
TỪ: Weronika Snarska
ĐẾN: Jakub Nowakowski
CHỦ ĐỀ: Lát cắt
Có thể anh đã đọc “Lát cắt” số cuối cùng? Có một bài về chúng ta... Về sự phản bội xúc cảm. Anh có biết có một cái gì đó kiểu như thế tồn tại không?
Veronika
TỪ: Jakub Nowakowski
ĐẾN: Weronika Snarska
CHỦ ĐỀ: Sự phản bội xúc cảm
Sự phản bội xúc cảm? Có thể cảm nhận theo xúc cảm sự gắn bó với một người khác? Theo anh, không tồn tại một cái gì đó kiểu như thế. Con người thường tạo dựng các mối quan hệ từ những lý do rất thiết thực. Và họ sống trong nhận thức rằng tình cảm của họ suốt đời ở một nơi khác. Do đó họ không phản bội những ước mơ, khát vọng của chính mình. Đơn giản là họ có chúng. Dẫu vậy, họ là những người trung thành.
Veronika à, anh có em và sự hiểu nhau giữa chúng ta, nhưng anh không phản bội. Tất cả những điều này thật rắc rối. Cảm xúc chỉ thuộc về chúng ta.
Kuba
Tôi cảm thấy không ổn. Tuy nhiên tôi đã quen với tình trạng này. Với Marek, tôi chỉ muốn nói về đứa con hoặc là việc không có nó. Ra khỏi nhà là tôi có một thế giới hoàn toàn khác, ở đó tôi có thể tỏa sáng bằng sự hiểu biết về văn học Anh, có thể sung sướng với ẩm thực Ý và cười với những chuyện tiếu lâm mà tôi biết. Đơn giản là ra khỏi bốn bức tường là không có lo âu phiền muộn. Không có những khái niệm y học hóc búa mà hễ cứ nhắc đến chúng tôi vẫn thấy đau đầu. Không phải chịu đau vì truyền dịch và nỗi xấu hổ bẽ bàng của những lần khám. Mùa hè năm ấy, thế giới nóng bỏng và rực rỡ. Âm vang tiếng biển và rượu vang, và dường như thế giới yêu tôi bằng tất cả bản thân mình.
Nhưng cuộc chuyện trò với Kuba cũng như vậy.
Trong một bài mà tôi đã đọc, người ta đã chứng minh giả thuyết rằng, sự phản bội vật lý hủy hoại trước hết là lĩnh vực tình dục, trong khi sự phản bội xúc cảm hủy hoại mối dây tình cảm. Phải chăng những câu chuyện với Kuba đã hủy hoại sợi dây tình cảm giữa tôi với Marek? Chắc chắn không. Sợi dây ấy đã bị đứt từ trước rồi...
Tôi nằm trên giường và gửi tin nhắn cho người đàn ông khác. Còn với chồng mình thì ngay cả câu chúc ngủ ngon cũng không nói.
Đương nhiên là Marek sẽ không hài lòng với những tin nhắn. Gần đây có rất ít cái khiến anh vừa lòng.
Cuộc nói chuyện sáng nay của chúng tôi đã làm tràn chiếc ly cay đắng. Về việc nhận con nuôi.
Thật tình thì tôi cũng định cho dù chỉ là một ngày thôi, không đả động gì đến đề tài này, nhưng tiếc thay, tôi đã không làm được. Tôi hành động giống như con thiêu thân trong ánh sáng của ngọn nến, cứ bay không ngưng nghỉ quanh ngọn lửa, cứ làm bỏng đôi cánh mình không ngưng nghỉ, nó đã bị tuyên án tử hình.
Tôi muốn nói chuyện với anh chỉ về chủ đề này. Còn anh sập cửa đi làm, không thèm ăn sáng.
Tôi hiểu rằng anh phải suy nghĩ. Nhưng có thể suy nghĩ bao lâu? Tôi thì tôi đã nghĩ xong về phần mình. Marek thích suy tư về những vấn đề của tòa án hơn.
Tôi đã rất ngạc nhiên, làm sao người ta có thể dễ dàng tách ra khỏi đời sống riêng tư và nhảy vào vòng xoáy của những nghĩa vụ công việc như vậy. Anh ấy có thể.
Tôi chấp nhận mọi biện pháp. Có thể đầu tiên không được mạnh dạn lắm, nhưng... Chính Eva đã thuyết phục tôi đến với biện pháp nhận con nuôi. Thật lạ, phải không? Một bà mẹ hai con, một bà mẹ Ba Lan mà chỉ cần nhìn đã có thể dính bầu.
Có lẽ đó là vào sinh nhật của Emilka, một tháng chín ấm áp, khi ấy Eva đang mang bầu đứa thứ hai. Sau khi khách khứa đã về hết, để lại cả đống giấy gói quà và chén đĩa bẩn, tôi ở lại để giúp nó dọn dẹp. Chúng tôi tắm cho Emilka, sau đó ngồi cạnh giường con bé nói chuyện. Tôi nhìn con bé vô cùng ghen tị. Tôi nhìn bàn tay bé bỏng của nó chìa về phía mẹ, rồi nó nắm tay Eva như thế nào, nghịch tóc mẹ ra sao. Với con bé, chỉ cần một cử chỉ dù rất nhỏ hoặc chỉ là sự có mặt của mẹ phía bên kia những thanh chắn. Không cần gì hơn. Và đôi mắt của Eva. Tràn ngập tình yêu.
— Nika... Không phải bỗng dưng đâu – nó nói, tay vuốt ve bé Emilka đã ngủ. – Tao đã từng xấu hổ vì mình lại nghĩ như vậy...
— Cái gì không phải bỗng dưng? – tôi ngạc nhiên hỏi.
— Với mỗi ngày trong cuộc đời đứa trẻ, mày sẽ yêu nó nhiều hơn. Và theo từng ngày, nó sẽ là của mày nhiều hơn... Tao thấy lương tâm cắn rứt vô cùng vì không cảm thấy con sóng tình yêu tràn vào mình. Ngay lập tức. Tao nghĩ rằng mình là một bà mẹ tồi. Nhưng mày biết không? Hình như đôi khi vẫn xảy ra như vậy. – Nó cười to. – Người ta mang đến cho mày đứa bé và công bố rằng đó là con gái của mày. Và rằng mày phải yêu nó. Ngay tắp lự. Rất lạ, phải không? Mặc dù mày đã mang nó trong mình suốt chín tháng, thì thực sự khi nhìn thấy nó, mày phải kết thân với nó. Và yêu.
Tôi sợ hãi nhìn Eva. Trong đầu tôi chưa bao giờ có ý nghĩ, rằng nó có thể có một lúc nào đó lại yêu con gái của mình ít hơn.
— Sau đấy, khi mày bế con, cho con bú, thay đồ cho con, mày sẽ yêu con ngày một nhiều hơn. Tao còn nhớ một lần Emilka bị trớ, tao cứ chắc rằng đó là nôn. Tao với Jacek đưa con vào bệnh viện, con bé khóc như xé vải vì đói, mà trước khi siêu âm lại không được ăn. Chúa ơi, lúc ấy tao mới sợ làm sao. Tụi tao không để con nằm viện mà đưa về nhà. Họ dặn chúng tao phải trông con bé cẩn thận và nếu có gì khác thường thì phải quay lại bệnh viện ngay. Con bé nằm giữa hai vợ chồng, còn tụi tao thì xem “Prison Break” suốt đêm. Có lẽ tụi tao đã xem hết cả bộ. Và mày biết gì không, khi nằm cạnh con, tao có cảm giác yêu con vô cùng, rằng không thể yêu hơn được được nữa. Và sau đó cứ mỗi ngày qua đi tao lại yêu con nhiều hơn. Khi con còn ở trong bụng, mình không biết nó sẽ như thế nào. Nhưng nó là lý tưởng. Bởi nó là của tao. Và tao sẽ không đánh đổi nó lấy bất cứ một đứa trẻ nào khác. Chắc chắn là có nhiều đứa trẻ khác xinh hơn, thông minh hơn. Nhưng điều đó không quan trọng.
Đó là những lời lẽ thật khôn ngoan. Tôi thầm nghĩ, nếu như tôi nhận con nuôi, tôi sẽ trông nom nó và nói rằng: đây là con tôi. Và tôi sẽ yêu nó. Sẽ như thế. Sẽ là con tôi. Và tôi sẽ không muốn một đứa trẻ nào khác.
o O o
TỪ: Jakub Nowakowski
ĐẾN: Weronika Snarska
CHỦ ĐỀ: Anh xin lỗi.
Có lẽ anh đã nói em hơi quá... Anh xin lỗi.
Anh muốn viết thêm cho em ít dòng, nhưng anh sẽ để em được yên.
Anh thích nói chuyện với em, điều này mang lại cho anh sự dễ chịu. Vậy nên anh đợi. Anh hy vọng rằng sẽ được mời em đi cà phê. Hoặc em sẽ bị bánh xốp kem dâu rừng chinh phục.
Kuba
TỪ: Weronika Snarska
ĐẾN: Jakub Nowakowski
CHỦ ĐỀ: Oài...
Em không bực. Em chỉ hỏi thế thôi. Bởi em không thể hiểu được chồng. Em không hiểu đàn ông. Có lẽ các anh có cấu trúc khác hơn. Khi em hỏi các anh nghĩ gì, các anh trả lời: “Chẳng nghĩ gì hết”. Làm sao có thể không nghĩ gì được cơ chứ? Làm sao có thể không nghĩ gì hết khi vừa mới cãi nhau với vợ về một vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đời? Khi đó anh không thể nghĩ “chẳng có gì hết”. Anh tính toán, phân tích, anh cân nhắc trước các khả năng giải quyết tình huống, nhưng anh không nghĩ “chẳng có gì”. Hoặc là khi anh nằm trên giường sau một cuộc ân ái mặn nồng, thậm chí ga trải giường còn chưa kịp nguội. Anh có mở to mắt và nghĩ “chẳng có gì hết”? Anh không nghĩ rằng anh cảm thấy thật dễ chịu, thật thích, rằng anh yêu vợ, anh chỉ nghĩ “chẳng có gì hết”?
Có thể đến một lúc nào đó anh sẽ giải thích cho em điều này? Bản thân em thì không thể hiểu.
Cà phê thì rất vui lòng. Một buổi nào đó.
Veronika
TỪ: Jakub Nowakowski
ĐẾN: Weronika Snarska
CHỦ ĐỀ: Cà phê...
Chắc chắn là không thể. Bao giờ cũng phải nghĩ về một điều gì đó. Không bao giờ không về cái gì. Câu trả lời đó là cốt để không phải giải thích.
Bao giờ sẽ là một buổi nào đó đây? Anh hy vọng là sẽ... không lâu nữa?:)
Kuba
TỪ: Weronika Snarska
ĐẾN: Jakub Nowakowski
CHỦ ĐỀ: Giải thích...
Bây giờ thì anh đã làm em buồn... Người ta không muốn giải thích.
Có thể đã quá nhiều lần em đòi hỏi sự giải thích ấy...
Veronika