Nguyên tác: Das Schloss
Số lần đọc/download: 2887 / 134
Cập nhật: 2017-05-10 22:13:21 +0700
Chương 8
L
ần đầu tiên K. hạnh phúc vì thoát được khỏi căn phòng ấm áp và sự ồn ã của những người hầu gái và giúp việc. Hơi bị đóng băng, tuyết cứng hơn, nên đi lại dễ dàng hơn. Chỉ có điều trời đã tối, chàng rảo bước.
Hình dáng tòa Lâu đài đã bắt đầu chìm trong bóng tối, nó đứng câm lặng như vẫn thế. K. chưa bao giờ thấy ở đó dấu hiệu nhỏ nào của cuộc sống, có lẽ ở xa như thế không thể nhận ra cái gì cả, nhưng con mắt vẫn khao khát được thấy một cái gì đó, và không thể nào chịu được sự bất động câm lặng này. Nhìn Lâu đài, thỉnh thoảng K. cảm thấy như mình đang quan sát một ai đó ngồi điềm tĩnh và nhìn ra trước mặt, chưa mải nghĩ ngợi, nhưng tuy thế vẫn xa lánh với mọi thứ khác; một cách tự do, người đó không quan tâm đến điều gì cả như thể chỉ có một mình anh ta, và không ai để ý đến, thế nhưng anh ta cũng biết là có người nhìn, điều đó không quấy rầy sự yên tĩnh của anh ta. Và quả vậy - ai biết được điều đó là nguyên nhân hay hậu quả - cái nhìn quan sát của chàng không dừng lại được mà cứ tuột khỏi Lâu đài. Hoàng hôn đến sớm hôm nay đã làm tăng thêm ấn tượchàng; càng nhìn tòa Lâu đài, chàng càng khó nhận ra nó, càng thấy tất cả chìm sâu vào mờ ảo.
Vừa lúc chàng đến cạnh quán "Ông chủ" chưa được chiếu sáng, bên cửa sổ đã mở ở tầng một, một người trẻ tuổi béo tốt, mặc áo choàng lông thú mày râu nhẵn nhụi, thò đầu ra nhìn. Anh ta không đáp lại lời chào của K., dù chỉ là gật đẩu khe khẽ. K. không gặp ai ở hành lang, cũng như trong quầy uống. Mùi bia tụ lại càng trở nên ngột ngạt hơn lần trước. Trong quán "Bên cầu" không thể có mùi như thế được. K. lập tức đi đến cạnh cánh cửa mà lần trước chàng đã ngó trộm ngài Klamm. K. thận trọng ấn cái then cửa, nhưng cửa đã đóng, chàng thử rờ rẫm tìm lỗ quan sát, nhưng chắc người ta đã bịt lại một cách chắc chắn nên chàng không tìm thấy, phải bật diêm. Có tiếng kêu đột ngột làm chàng hoảng hốt. Ở trong góc cạnh lò sười, giữa cánh cửa và chiếc tủ thấp dùng để bày dụng cụ ăn uống và thức ăn, một cô gái ngồi co quắp, trong ánh lửa của que diêm lóe sáng, cô ta nhìn chàng bằng đôi mắt lim dim, ngái ngủ. Chắc cô ta là người thay Frida. Cô ta nhanh chóng định thần, rồi bật đèn, nét mặt vẫn còn giận dữ, sau đó mới nhận ra K.
- A, ông đạc điền! - cô ta mỉm cười nói và chìa tay giới thiệu. - Tôi là Pepi.
Cô ta người bé nhỏ, khuôn mặt đầy đặn, hồng hào, khỏe mạnh; mái tóc dày, màu hung được tết thành búi dày, những mớ tóc quăn lõa xõa quanh khuôn mặt. Bộ quần áo được may bằng thứ vải màu xám, bóng, kiểu cắt đơn giản không hợp với cô ta, ở phía dưới là dải lụa buộc quanh thành túm vụng về trẻ con, làm cho cô ta cử động khó khăn. Cô ta hỏi thăm Frida có nhanh chóng trở lại không. Có cái gì xỏ xiên trong câu hỏi đó.
- Sau khi Frida đi người ta liền đưa em đến đây, vì không thể đưa bất kỳ ai đến đây cũng được. - Cô ta nói. - Cho đến nay em là gái hầu phòng, nhưng em đã đổi lấy công việc không hay ho gì cho lắm. Ở đây có nhiều việc vào buổi tối và nửa đêm, rất mệt, em sẽ khó mà chịu được, em cũng không ngạc nhiên là Frida đã b việc ở đây.
- Ở đây Frida rất bằng lòng, - K. nhận xét để lưu ý Pepi về sự khác biệt giữa cô ta và Frida, - cô ấy không nghĩ đến chuyện ấy đâu.
- Ông đừng bao giờ tin chị ấy, - Pepi nói, - Frida biết kiềm chế bản thân đến mức có ít người làm được. Điều gì không muốn thừa nhận thì chị ấy không thừa nhận, và người ta không nhận thấy rằng chị ấy cần phải thừa nhận một điều gì. Em cũng đã phục vụ ở đây với chị ấy được vài năm, bọn em thường ngủ chung một giường. Vậy mà chúng em vẫn chưa là bạn bè đáng tin cậy của nhau, bây giò thì chắc chắn chị ấy không nhớ đến em nữa. Có lẽ bà chủ quán "Bên cầu" là người bạn duy nhất của chị ấy, và điều này cũng đúng thôi.
- Frida là vợ chưa cưới của tôi, - K. nói trong khi kín đáo tìm lỗ quan sát trên cánh cửa.
- Em biết, chính vì thế mà em kể, - Pepi nói. - Mà ông cần gì mới được chứ?
- Tôi hiểu, tôi hiểu, - K. nói, - cô nghĩ rằng tôi có thể tự hào là đã chinh phục được cô gái lầm lì này!
- Vâng, - Pepi nói và cười vẻ bằng lòng như thể cô ta đồng ý với K. khi nói đến Frida.
Nhưng không phải những lời cô ta nói đã làm K. bận tâm và làm chàng sao nhãng việc tìm lỗ quan sát, mà là sự xuất hiện của cô ta, việc cô ta ở trong quầy uống này. Tất nhiên là cô ta trẻ hơn Frida, còn trẻ con lắm, quần áo thật buồn cười, rõ ràng cô ta ăn mặc như vậy là phù hợp với sự tưởng tượng quá đáng của mình về tầm quan trọng của một cô gái bán hàng ở quán rượu. Mà sự tưởng tượng của cô ta theo ý mình là chính đáng, bởi vì chỗ làm việc mà nói chung là không hợp với cô ta, thật sự đã đến bất ngờ không cần cô ta phải hy vọng hay đáng hay không. Mà cô ta cũng chỉ nhận công việc này một cách tạm thời, ngay đến chiếc túi đựng tiền bằng da mà Frida vẫn đeo ở thắt lưng, người ta cũng không giao lại cho cô ta. Sự bất bình giả tạo của cô ta đối với chỗ làm việc không có gì khác bệnh sĩ diện hão. Thế nhưng mặc cho mọi sự ngây ngô trẻ con của mình, cô ta có thể có những mối quan hệ với Lâu đài, bởi vì nếu cô ta không nói dối thì cô ta đã từng là gái hầu phòng. Không biết gì về sự may mắn của mình, cô ta đã như trong mơ để mất ở đây bao nhiêu ngày, nhưng, chàng có ôm ngang tấm thân nhỏ nhắn, béo tốt của cô ta thì cùng không chiếm được một lợi thế nào, việc đó cùng lắm chỉ cho phép chàng tiếp xúc được với cái thế giới nọ để khích lệ chàng trên con đường gian khổ. Thế thì có lẽ việc ấy cũng sẽ xảy ra như với Frida? Ồ, không, tất cả sẽ khác chứ. Chỉ cần nghĩ đến ánh mắt của Frida thì sẽ hiểu ngay. Chắc K. sẽ không bao giờ đụng đến Pepi, vậy mà giờ đây, trong một chốc lát, chàng vẫn phải nhắm cặp mắt nhìn cô gái một cách thèm thuồng.
- Ở đây không được bật đèn, - Pepi nói và tắt công tắc: - Em bật đèn lên là vì anh làm em hoảng quá. Anh tìm gì ở đây vậy? Frida bỏ quên cái gì ở đây à?
- Phải, - K. nói và chỉ vào cánh cửa, - cô ấy quên ở đây, trong căn phòng này một tấm khăn trải bàn thêu màu trắng.
- Vâng, cái khăn trải bàn của chị ấy, - Pepi nói, - em nhớ ra rồi, một tấm khăn đẹp, em đã giúp chị ấy thêu, nhưng nó không thể có trong phòng này được.
- Frida tưởng là chiếc khăn có ở đây. Thế ai ở đây vậy? - K. hỏi.
- Không có ai cả, - Pepi nói. - Đây là phòng các ông lớn, họ ăn uống ở đây, nghĩa là căn phòng này chỉ phục vụ chuyện đó, nhưng phần lớn các ông ấy thích ở trên phòng của họ.
- Nếu biết được rằng lúc này không có ai ở đó, - K. nói, - tôi đi vào ngay để tìm chiếc khăn trải bàn. Nhưng điều đó không chắc chắn, chẳng hạn Klamm thường ngồi ở đó.
- Chắc chắn bây giờ Klamm không có ở trong đó - Pepi nói, - ông ấy sắp đi ngay mà, xe trượt tuyết đang đợi ông ấy ở ngoài sân.
K. chẳng nói chẳng rằng vội đi khỏi quầy uống, nhưng ở ngoài hành lang chàng không đi về hướng lối ra, mà trở vào phía trong nhà, và sau vài bước chàng đã đến sân. Ở đây đẹp và yên tĩnh biết bao? Cái sân hình tứ giác, ba phía có nhà bao bọc, phía ngõ - ngõ phụ, K. không nhận ra - là bức tường cao màu trắng với chiếc cổng lớn, nặng nề đang mở sẵn. Ở đây nhìn từ sân lên ngôi nhà có vẻ cao hơn là nhìn từ phía trước, ít nhất thì toàn bộ tầng một đã hoàn toàn được xây cất cẩn thận, có mái hiên bằng gỗ khép kín bọc quanh với một khe hở ở độ cao ngang tầm mắt. Nằm nghiêng đối diện với K., ở phần giữa ngôi nhà, nơi tiếp nối với hồi nhà là lối vào đang mở tự do, không có cửa. Trước lối vào có xe trượt tuyết màu tối do hai con ngựa kéo, đã đóng lại, đang đứng. Không nhìn thấy ai cả ngoài gã xà ích mà từ xa trong ánh hoàng hôn, K. cũng chỉ ngờ ngợ đúng hơn là thấy.
Đút tay vào túi quần, thận trọng quan sát xung quanh rồi men theo tường, vòng qua hai đầu sân, K. đến bên chiếc xe trượt tuyết. Gã xà ích là một trong số những người nông dân vô công rồi nghề chàng thấy lần trước trong quầy bán rượu. Co ro trong chiếc áo lông, gã thờ ơ nhìn chàng đến gần, giống như người ta vẫn thường theo dõi con mèo đi lẻn. Gã xà ích vẫn lãnh đạm như không ngay cả khi chàng đã đứng trước mặt và chào gã. Những con ngựa bắt đầu không chịu đứng im vì sự xuất hiện đột ngột của một người trong bóng tối. Mừng vì không ai để ý đến mình, K. tựa người vào tường lấy thức ăn ra và trong khi nghĩ đến Frida với lòng biết ơn vì sự chăm lo của cô, chàng nhìn trộm vào trong nhà. Cái cầu thang uốn vuông góc dẫn xuống phía dưới nơi có hành lang thấp, dài cắt ngang. Tất cả đều sạch sẽ, mới được quét vôi trắng với những đường nét đậm và dứt khoát.
K. phải chờ đợi nhiều hơn là chàng đã nghĩ. Chàng ăn xong đã lâu, ngày càng rét buốt hơn, trời từ màu xám chuyển sang tối, và Klamm vẫn chưa đến.
- Có thể còn lâu đấy... - một giọng khàn khàn vang lên đột ngột ngay gần K làm chàng giật mình. Đó là gã xà ích, như thể mới tỉnh dậy, gã vươn vai và ngáp thành tiếng.
- Cái gì có thể còn lâu? - K. hỏi và không lấy làm tiếc rằng người ta đã quấy rầy mình, vì sự yên tĩnh căng thẳng kéo dài đã làm chàng khó chịu.
- Cho đến khi ông đi, - gã xà ích trả lời.
K. không hiểu, nhưng chàng cũng không gặng hỏi, chàng nghĩ làm như vậy thì có thể buộc con người tự cao tự đại này lên tiếng. Việc chàng không trả lời thật là có tác dụng kích thích trong bóng tối. Và quả nhiên gã xà ích sau một lức im lặng đã hỏi:
- Ông muốn uống cô nhắc không?
- Có, - K. trả lời không nghĩ ngợi, chàng không cưỡng lại được lời đề nghị, vì chàng đang rét run.
- Thế thì ông mở xe trượt tuyết ra, - gã xà ích nói, - trong mặt bên của cái cặp còn một vài chai, ông lấy ra một chai mà uống rồi đưa cho tôi. Tôi khó mà bò ra khỏi đây vì cái áo lông thú.
Đối với K., phải làm những việc như thế thật không hợp một tí nào, nhưng nếu một khi chàng đã bắt chuyện với gã xà ích thì phải làm theo thôi, dù là liều lĩnh, vì Klamm sẽ bắt gặp chàng ở cạnh chiếc xe trượt tuyết. Chàng mở cánh cửa xe rộng, và lẽ ra chàng đã lôi ngay một chai rượu từ mặt bên của chiếc cặp treo ở phía trong cửa, nhưng lúc này khi cửa xe đã mở chàng không ý muốn vào hẳn phía trong xe; ít ra thì chàng cũng phải ngồi được trong đó chốc lát. Chàng đột ngột quyết định vào trong đó. Thật bất ngờ là trong xe ấm áp, dù cửa xe vẫn mở toang. K. không dám đóng cửa xe lại. Nói chung K. không cảm thấy mình đang ngồi trên ghế, vì chàng ngập giữa đống chăn gối, tấm lông thú, có thể quay ngang, quay ngửa, vươn vai mà ở đâu cũng thấy ấm áp. K. duỗi tay, tựa đầu vào những tấm gối, nhìn về phía ngôi nhà tăm tối. Tại sao chàng phải đợi lâu thế, tại sao Klamm vẫn chưa đến? Sau khi lang thang mãi trong tuyết và giờ đây hầu như choáng váng vì ấm, K. vẫn muốn Klamm đi xuống cho xong chuyện. Chàng chỉ ý thức được một cách mơ hồ, lộn xộn rằng tốt nhất là không nên để Klamm thấy chàng trong tình thế đó. Trong sự mê mải, chàng vẫn nhận ra thái độ của gã xà ích, bởi vì hắn cần phải biết rằng chàng đang ngồi trong xe trượt tuyết thế mà vẫn để yên, hắn không cần tới cả rượu cô nhắc. Đây là điều đáng cảm động đối với chàng, và K. muốn phục vụ hắn. Không thay đổi tư thế, chàng vụng về với tay về phía chiếc cặp nhưng không phải về phía cánh cửa mở, vì cánh cửa xa chàng, mà là về phía sau lưng chàng, nơi có cánh cửa đang đóng, trong cái túi ở đó cũng có mấy chai. Chàng lấy ra một chai mở nút ngửi rồi vô tình mỉm cười: cái mùi ngọt ngào dễ chịu xốc vào mũi giống như khi chúng ta nghe những lời khen tốt đẹp từ một người nào đó mà ta rất yêu quý, và chúng ta không biết chính xác là khen gì. Chúng ta cũng không muốn biết, chỉ vui là người đó ở bên ta và nói với ta như vậy.
- Có thật đây là cô nhắc không? - K. tự hỏi một cách nghi hoặc, và chàng đã tò mò nếm thử. Phải rồi, rượu cô nhắc, nó đốt cháy và sưởi ấm một cách tuyệt vời khi chàng uống, từ một thứ nước không có gì khác hơn một thứ hương liệu ngọt ngào đã biến thành thứ rượu không thể làm giả được của gã xà ích. - Có thể như vậy chăng? - K tự hỏi mình như trách móc và lại uống.
Ngay khi chàng nhấp một ngụm lớn thì điện bật sáng ở cầu thang, mái hiên, hành lang và phía trên lối vào nhà. Có tiếng bước chân đi xuống trên cầu thang, cái chai rơi khỏi tay K., rượu cô nhắc chảy lênh láng khắp một tấm lông thú, chàng nhảy ra khỏi chiếc xe. Chàng vừa kịp đóng sập cửa xe lại thì một người bước ra khỏi nhà. Chỉ có điều an ủi - hay ngược lại là đáng tiếc? - rằng người đó không phải là Klamm. Ông ta không phải Klamm mà là người K. đã nhìn thấy một lần ở cửa sổ trên tầng một. Ông ta còn trẻ, mặt mũi hồng hào, khỏe mạnh, nhưng quá nghiêm khắc. K. nhìn ông ta ảo não, nhưng cái nhìn ảo não này dành cho chính bản thân chàng. Giá mà chàng cho bọn giúp việc đến đây, chắc những người đó cũng xử sự như chàng thôi. Đứng trước mặt chàng người đàn ông đó vẫn im lặng, dường như trong lồng ngực rộng của ông ta không có đủ không khí để ông ta nói điều mình muốn.
- Việc này thật kinh khủng! - sau đó ông ta nói, và khẽ đẩy chiếc mũ trật ra khỏi trán, về phía sau.
Thế là thế nào? Chẳng lẽ ông ta không biết K. đã ngồi trong xe, và ông ta đã thấy việc gì khác kinh khủng? Chẳng lẽ là việc K. đã lọt vào trong sân?
- Ông làm sao đến đây được? - ông ta hỏi giọng nhỏ nhẹ hơn, và thở dài như phải tuân theo môt sự cần thiết. Hỏi kiểu gì vậy? Và chàng phải trả lời cái gì đây? Chàng phải công nhận trước mặt con người này rằng con đường mà chàng đã bỏ bao nhiêu hy vọng để vượt qua, giờ đây tỏ ra vô ích chăng? Thay cho câu trả lời, chàng quay về phía chiếc xe trượt tuyết, mở cửa lấy cái mũ của mình đã bỏ quên trong đó. Chàng ngượng ngùng khi thấy rượu cô nhắc đang rỏ giọt trên bậc lên xuống.
Sau đó chàng lại quay về phía ông ta, giờ thì chàng không nghĩ đến chuyện giấu việc mình đã ngồi ở trong xe, việc đó không phải là xấu xa nhất. Nếu ông ta hỏi, nhưng mà chỉ khi ông ta hỏi, thì nói chung chàng cũng không giấu giếm việc gã xà ích đã để chàng mở cửa xe, nếu không nói là buộc chàng mở. Thật ra, việc ông ta bắt gặp, và chàng không có thời gian ẩn nấp để sau đó tiếp tục chờ Klamm, hoặc việc chàng không có đủ sự lì lợm lạnh lùng để đóng cửa lại, ở trong xe mà đợi Klamm, hay là chàng đã không làm cái việc ít ra hãy nấp ở trong đó cho tới lúđến gần, là những việc dở. Tất nhiên chàng đã không thể biết được Klamm đến hay không, trong trường hợp ông ta đến thì tốt nhất là chàng đón ở ngoài xe. Phải rồi, lẽ ra ở dây chàng đã có thể nghĩ ra một vài việc, còn bây giờ thì không thể nghĩ gì được nữa, bởi vì thế là hết.
- Ông hãy đi theo tôi, - ông ta nói, không hẳn ra lệnh, mệnh lệnh không ở trong những lời của ông ta, mà thế hiện qua cử động bàn tay đưa đẩy lời nói một cách cộc lốc và thờ ơ cố ý.
- Tôi đợi một người ở đây, - K nói không hy vọng thành công, mà chỉ nói để mà nói.
- Ông hãy đi nào, - ông ta nói lần thứ hai một cách tự tin như muốn tỏ ra rằng không bao giờ ông ta ngờ vực việc K. chờ đợi ai đó.
- Nhưng như thế thì tôi sẽ không gặp người mình đợi, - K. nói, bực bội. Bất chấp chuyện vừa xảy ra K. cảm thấy rằng chàng đã đạt được một cái gì đó, đã dành được một cái gì đó, dẫu rằng nó chỉ mới có vẻ như là của mình thì chàng cũng sẽ không trao khỏi tay ngay từ lời ra lệnh đầu tiên.
- Cho dù ông ở đây hay ông đi, bằng cách nào ông cũng không gặp người đó, - ông ta nói với một niềm tin cứng nhắc nhưng vẫn lộ rõ sự nhượng bộ đối với diễn biến suy nghĩ của K.
- Thế thì tôi cứ ở đây dù không gặp được, - K. bướng bỉnh nói, chàng không chịu để ngài trẻ tuổi này đuổi khỏi đây bằng lời nói. Ngài trẻ tuổi với thái độ trịch thượng trên khuôn mặt thảng thốt, đã nhắm mắt lại một phút, như thể ngài muốn trở lại với đầu óc tỉnh táo của mình trước sự đần độn của K. Rồi ông ta liếm hết môi bằng đầu lưõi và nói với gã xà ích:
- Tháo ngựa ra!
Gã xà ích vâng lời, nhưng vẫn liếc trộm K. một cách tức tối. Bây giờ, trong chiếc áo lông to xù gã vẫn leo xuống ghế ngồi. Gã lưỡng lự không phải như chờ đợi ngài trẻ tuổi hủy bỏ lệnh, mà là hy vọng rằng rốt cuộc K. sẽ thay đổi cách xử sự, gã bắt đầu cho ngựa kéo xe lùi về phía hiên nhà, chắc chắn ở đó, đằng sau cái cổng lớn có chuồng ngựa và nhà để xe. K. còn lại một mình, một phía là gã xà ích và chiếc xe trượt tuyết đang xa dần, phía khác, nơi mà K. đã đi đến đây, là ngài trẻ tuổi đang bỏ đi.
Cả hai đều đi rất chậm, như thể muốn để chàng hiểu rằng chàng có quyền gọi họ quay lại.
Có lẽ K. cũng có cái quyền đó, nhưng chàng không thấy có ích lợi gì cả: gọi xe trượt tuyết trở lại có nghĩa là tự đuổi chính mình đi. Vậy là chàng ở lại, làm người chủ duy nhất của nơi đó, nhưng thắng lợi không mang niềm vui đến cho chàng. Hết nhìn theo ngài trẻ tuổi, chàng lại nhìn theo gã xà ích. Ngài trẻ tuổi khi đến bên cửa mà K. đã bước qua để vào sân, còn quay lại nhìn lần nữa. K. như thấy ngài lắc đầu trước bấy nhiêu cảnh ương bướng, sau đó với cử chỉ cương quyết, nhanh nhẹn, và dứt điểm, ngài quay lại bước vào hành lang, rồi biến mất ngay ở đó. Gã xà ích tiếp tục ở lại trong sân, gã có nhiều việc với chiếc xe, phải mở cửa chuồng ngựa, đẩy chiếc xe lùi về chỗ của nó, phải tháo ngựa rồi dẫn ngựa đến cái máng ăn. Gã thực hiện những việc này một cách nghiêm túc và mải miết, không mảy may nghĩ đến chuyến đi sắp tới. Trong khi im lặng làm những việc đó gã không hề liếc nhìn về phía chàng, và việc đó trong mắt K. là một sự quở trách còn gay gắt hơn cả thái độ của ngài trẻ tuổi. Sau đó, khi đã làm xong công việc ở chuồng ngựa, gã ngất ngưởng lê bước qua sân, đóng cái cổng lớn rồi chậm rãi quây trở lại, không để ý đến cái gì khác, chỉ chăm chú nhìn những bước chân của mình trong tuyết. Cuối cùng gã ở lại trong chuồng ngựa và bây giờ mọi ánh điện đều đã tắt - sáng cho ai cơ chứ? - chỉ khe hở của hiên nhà là còn chiếu sáng. Và cảm thấy người ta đã cắt đứt mọi mối quan hệ với chàng và giờ đây tất nhiên chàng tự do hơn bao giờ hết, chàng có thể chờ đợi cho đến khi chàng muốn ở một nơi mà đối với chàng là cấm địa. Chàng đã giành được tự do này cho mình, người khác khó lòng làm được như thế. Không ai được phép đụng đến chàng hoặc đuổi chàng đi khỏi đây, kể cả nói với chàng cũng không ai được phép. Nhưng đồng thời - và niềm tin này của chàng ít ra cũng mãnh liệt - không có cái gì vô nghĩa hơn, không có cái gì tuyệt vọng hơn sự tự do, sự chờ đợi, và sự bất khả xâm phạm này.