People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhượng Tống
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2245 / 53
Cập nhật: 2016-05-21 23:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôm ấy là vào đầu tháng Tư.
Buổi sớm, tôi ra đến cửa vườn, thì đã thấy Hữu đứng bên một gốc thủy tùng. Thấy tôi, Hữu vẫy tay lên tiếng gọi:
- Anh! Anh lại đây, em bảo!
Tôi chạy lại, Hữu chỉ một bụi bách nhật hồng mà hỏi:
- Anh trông thế kia có đẹp không?
Tôi nhìn theo thì thấy, trên một màng lưới nhện chăng qua bụi hoa, giọt sương đọng như một chuỗi ngọc trai nhỏ, dưới ánh mặt trời buổi sáng chuỗi ngọc ấy phản chiếu ra những tia sáng lấp lánh nhiều màu. Tôi cười bảo Hữu:
- Đấy là một chuỗi kim cương, hôm qua anh mới thuê bác thợ trời đúc chuốt, để hôm nay đưa tặng em.
Hữu cũng cười:
- Cám ơn anh! Thế mà em không biết.
Rồi Hữu nói chuyện cùng tôi: Trong vườn có những thứ hoa nào mới nở. Và rủ tôi đi xem.
Một lúc sau, hai đứa em Hữu đưa Lan cùng Sâm vào trong vườn. Hôm trước, hai người đã hẹn Hữu: hôm ấy sẽ gọi thợ ảnh vào chụp một bức ảnh kỷ niệm. Nhưng mà thợ ảnh chưa đến. Trong khi chờ đợi, hai cô bạn vừa dạo quanh vừa nói chuyện với chúng tôi.
Giá phỏng là những cô bạn khác của Hữu thì tôi lảng vào ngay. Cái nghĩa "nam, nữ hữu biệt" nhồi vào óc tôi từ bé nó gây cho tôi một tính nhút nhát lạ đời: Hễ trông thấy một người con gái lạ là mặt tôi phát nóng và đỏ bừng. Giá phỏng có muốn nhìn họ, tôi cũng nhìn lấm lét như một tên kẻ cắp nhìn những thứ mà mình rắp tâm ăn cắp. Nhưng hồi ấy thì tôi chẳng muốn nhìn một người con gái nào khác Hữu cả. Tôi cho trên đời trừ Hữu ra, không có người đẹp nào đáng cho tôi nhìn nữa. Tôi để ý nhìn ai tức là tôi vừa đắc tội với Hữu và vừa làm nhục cho cặp mắt cao quý - cặp mắt gần như cận thị! - của tôi! Bởi vậy, thoáng thấy một người con gái lạ, tôi có thể bỏ lảng, lánh xa, mà lòng tôi không tiếc rẻ gì hết!
Nhưng tôi không lánh mặt Lan và Sâm, là vì hai người đối với tôi đã quen lắm. Từ khi gặp chúng tôi trong dịp đi chùa Hương, không ngày nghỉ nào là hai người không có bóng ở trong vườn hoa nhà Hữu. Theo lời Lan, thì Lan thích cái vườn hoa ấy lắm. Cứ lý, lời Lan cũng có phần tin được. Tháng Ba, tháng Tư, trời nắng bức, ai là người chẳng thích những nơi có gió mát và bóng râm? Lần đầu hai người đến, gặp tôi ở buồng học. Chào nhau xong, tôi đã lảng đi. Nhưng Sâm gọi giật lại, bảo tôi ngồi nói chuyện. Sâm cười bảo tôi:
- Thấy khách lại bỏ đi, sao mà anh nhã thế!
Từ đó, gặp hai người, sợ họ bảo tôi giả đạo đức, tôi đành tiếp họ cho đến lúc ra về. Sâm đối với tôi rất tự nhiên. Ngồi, đứng, nói, cười, tuyệt không có gì là vẻ e lệ. Lan thì trái lại thế. Có nhìn tôi, Lan nhìn trộm. Có nói với tôi, Lan cân nhắc, giữ gìn từng tiếng. Trước mặt tôi, bao giờ Lan cũng ra chiều ngượng ngập. Tuy vậy, kể ra thì Lan thân với tôi hơn: Lan với tôi khi ấy đã là đôi bạn thanh khí! Một hôm Hữu bảo tôi:
- Lan nó khen thơ, văn anh khá lắm! Nó đọc vào thấy cảm lạ!
Tôi đỏ mặt nói:
- Chỉ bịa! Thơ, văn tôi ở đâu mà nó đọc?
- Nó đọc ở trên báo ấy! Tại nó hỏi em: Thơ anh Ngọc có hay không? Em bảo nó: Hay, hay không, cứ xem ở trên báo thì biết. Tôi chả hiểu thế nào mà nói cả. Thế rồi em cho nó cái biệt hiệu của anh ký ở trên báo. Từ hôm ấy, hôm nào nó cũng mua một tờ Khai Hóa mất hai xu!
Câu chuyện của Hữu, như thổi vào lòng hiếu danh, hiếu thắng của tôi. Tuy vậy, tôi cũng nói nhún mình:
- Nó nói thế đấy! Thơ, văn anh thì cảm được ai!
- Phải! Em cũng nghĩ thế. Em đọc vào cũng chẳng thấy gì là cảm cả.
Câu nói vô tình của Hữu, đã kéo cái cao hứng của tôi từ trên chín từng mây xanh mà vùi xuống dưới mười tám từng đất đen! Tôi than thầm cho số phận: Người tôi yêu chẳng phải là người tri kỷ, mà người tri kỷ lại chẳng phải là người tôi yêu! Tôi ước ao có thể hợp cả Lan lẫn Hữu làm một người...
Mấy ngày hôm sau, Hữu đưa tập thơ của Lan cho tôi, và bảo của Lan đưa nhờ tôi sửa chữa hộ. Tôi ngần ngại đáp:
- Anh không có thì giờ.
Hữu nũng nịu:
- Không có mặc anh! Anh mà không chữa cho nó thì nó trách em chết! Thế nào anh cũng phải chữa cho nó!
Câu nói của Hữu đối với tôi bấy giờ có hiệu lực như mạnh lệnh của một ông tướng đối với quân lính trước mặt trận. Thế là bất đắc dĩ, tôi đã phải đóng vai "thầy đời", dạy Lan làm thơ từ năm mười sáu tuổi. - Tôi mới thông minh và đĩnh ngộ làm sao!
Bởi những câu chuyện kể trên, Lan với Sâm không phải là những người con gái làm cho tôi đỏ mặt và tìm đường tránh nữa.
Đương lúc đi dạo quanh vườn, đứa em trai Hữu bỗng chạy nắm tay tôi rồi chỉ lên cành liễu:
- Anh! Anh bắt cho em con ve sầu.
Đứa em gái cũng hí hởn nói:
- Anh bắt cả cho em một con.
Tôi cười, giơ tay lên chộp được hai con, đưa cho mỗi đứa một. Đứa em trai cầm lấy con ve, đưa mắt lên trông tôi:
- Anh bắt cho em con nữa!
Tôi lắc đầu, đáp:
- Thôi, để dành đến mai.
Đứa trẻ ra ý hậm hực trong khi ba cô bạn đều nhách mép cười. Rồi nó nhìn lần lượt con ve ở trong tay nó và con ve ở trong tay đứa chị, giở giọng đùng hủng 1:
- Con ấy đẹp hơn. Cho em đổi!
Đứa chị bằng lòng đổi rồi, nó ngắm nghía một lúc, lại đòi đổi lại. Ba, bốn lần như thế, đứa chị mặt đã có vẻ dỗi, sắp sửa chảy nước mắt. Tôi phải can thiệp. Tôi cầm lấy cả hai con ve, giả vờ xét nét. Rồi khen lấy, khen để một con đẹp và chê hoài, chê hủy một con xấu. Xong, tôi đưa cho đứa em con mà tôi cho là đẹp. Kỳ thực thì đến bây giờ tôi cũng chưa phân biệt nổi về xấu đẹp của loài ve. Đứa chị hiểu ý nhìn tôi cười. Tôi sợ đứa em thấy chị cười, biết tôi đánh lừa nó, vội vàng giục:
- Vào trong nhà lấy chỉ ra đây, anh buộc cho mà chơi.
Đứa chị đon đả cầm con ve chạy vào trong nhà. Một lát, nó cầm ra hai sợi chỉ đào. Tôi cầm chỉ, tròng vào cánh hai con ve, rồi đưa trả hai chúng nó. Ba cô bạn đã đi ra chỗ khác. Đứa em cầm một đầu chỉ, buộc vào cành hoa mộc, thả cho con ve bay. Đứa chị nhìn Hữu đã đi xa, móc túi đưa tôi một miếng trầu:
- Anh! Anh nhai hộ em với! Em vào rót nước đền anh súc miệng!
Tôi lắc đầu:
- Không! Không nghe thím vẫn bảo: "Nhai trầu rồi lấy kìm mà nhổ răng" đấy hay sao?
Đứa em quay lại, nhún nhảy vỗ tay:
- Ô! Ô! Bắt anh nhai trầu! Bà lão móm! Bà lão móm! Sao không mượn u già cái cối!
Vừa nói, nó vừa cười ngặt nghẽo, đến nỗi trượt chân vì một đám rêu trên mặt đất, nó ngã lăn ra mà vẩn chưa dứt tiếng cười. Đứa chị thấy em ngã, nguýt dài:
- Ứ! Rõ trời quả báo.
Nói thế rồi, nó lại quay lại vật nài tôi. Tôi vốn có cái điểm yếu là không bao giờ chối hẳn được điều gì trước những vẻ mặt thơ ngây. Nó nói hai, ba lần. Rút lại tôi đến phải chiều ý mà nhai trầu hộ. Đưa miếng trầu cho tôi rồi, nó chạy vội vào trong nhà, đem ra lưng cốc nước lã. Tôi nhả miếng trầu đã nhai ra tay, toan đưa cho nó. Nhưng đứa em lại chạy lại, vò đầu, vò tai:
- Cho em với! Cho em với!
Tôi xé đôi miếng trầu đưa cho mỗi đứa một nửa rồi cầm cốc nước súc miệng. Chúng nó bỏ trầu vào mồm nhai, nhí nhoẻn cười với tôi.
Người thợ ảnh đã đến. Ba cô bạn chạy lại bàn với tôi nên ngồi, đứng chỗ nào. Nhưng chúng tôi không đồng ý nhau. Sau cùng, phải hỏi ý kiến người thợ ảnh. Rồi theo lời người thợ ảnh, các cô dắt hai đứa trẻ, lại đứng cả dưới một giàn văn côi 2. Hữu vẫy tôi:
- Anh lại đây! Đứng cả vào đây!
Sâm cười:
- Không được! Không được! Anh Ngọc đứng vào đây không tiện!
- Làm sao mà không tiện? - Hữu hỏi.
Sâm không tìm được câu đáp. Tôi nói đỡ:
- Cũng không có gì là không tiện. Nhưng đứng nhiều người quá ảnh không đẹp.
Rồi tôi quay lại người thợ ảnh:
- Có phải thế không, bác?
Người thợ đáp tôi bằng một nụ cười bí mật. Hữu nói:
- Thế thôi, để anh với em chụp một bức riêng.
Tôi lảng ra, ngồi vắt vẻo lên một cành phi đào xem người thợ chụp ảnh. Chụp xong, Hữu chạy lại đứng tựa vào cành đào tôi ngồi, gọi người thợ:
- Bác chụp cho chúng tôi một tấm 9x12 nữa. Đứng thế này là đẹp chứ gì!
Người thợ quay máy lại, ngắm nghía, rồi lồng kính chụp cho chúng tôi. Xong, tôi mời người thợ vào trong buồng học uống nước. Hữu gọi con Huệ lấy nước. Trong lúc tôi rót nước mời khách thì ba cô bạn chạy ra xem bộ máy ảnh. Hữu bỗng gọi tôi:
- Anh! Anh lại đây mà xem: hay đáo để! Những bóng ở trong này nó lộn ngược lên tất cả.
Tôi chạy lại, nhìn vào lần kính trong máy, ngơ ngác hỏi:
- Sao chẳng thấy gì cả?
- Anh che tay lên mà nhìn thì mới thấy. - Hữu cười đáp.
Theo lời, tôi để một bàn tay che đi một bên, hỏi:
- Sao cũng vẫn chẳng thấy gì cả?
Đứng bên tôi, Sâm cầm lấy bàn tay tôi, chíp miệng nói:
- Anh che thế này này! Nhìn xem có thấy không nào!
Tôi để tay theo chỗ Sâm đặt, nhìn lại thì thấy quả như lời Hữu nói. Buông tay ra, tôi quay lại. Trên đầu tấm ghế dài, tôi thấy Lan cặp mắt như đổ lửa, da mặt tái ngắt, trông không còn có sắc người. Tôi ái ngại chạy đến bên Lan, hỏi bằng một giọng rất ôn tồn:
- Cô Lan sao thế? Trông người mất cả sắc!
Hữu và Sâm cũng quay lại, săn đón hỏi. Đưa mắt nhìn xuống đất, Lan gượng cười, sẽ cất tiếng đáp như người mê ngủ:
- Không, có sao đâu! Người tôi hơi khó ở.
- Thế để tôi lấy dầu. - Vừa nói, Hữu vừa chạy lên nhà.
Tôi vẫn đứng nhìn Lan. Chợt trông lên, Lan bắt gặp cặp mắt đầy những vẻ đau xót của tôi. Lan mỉm một nụ cười như tỏ ý cám ơn, rồi đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Khi Hữu lấy dầu đến nơi thì Lan đã như hồi lại. Mà vẻ mặt lại xinh tươi hon lúc đứng ở trong vườn nữa: Cặp mắt dịu dàng và hai má hồng hồng.
Tôi ngồi ngây ra ở trên đầu ghế. Tôi ái ngại cho Lan: Tôi biết Lan yêu tôi nên khi Lan trông thấy Sâm nắm lấy tay tôi, máu ghen đã làm cho Lan mất sắc. Tôi đau xót cho Lan nữa: Lan có biết đâu tôi không thể yêu Lan được, và người tình địch của Lan lại không phải là Sâm. Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc đời phiền phức vô cùng.
@Chú thích
1 Có lẽ là một từ địa phương, ý nói "đành hanh".
2 Nghĩa là hoa hồng.
Lan Hữu Lan Hữu - Nhượng Tống Lan Hữu