What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: André Gide
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5050 / 95
Cập nhật: 2015-07-11 21:07:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 -
"Alissa chờ cháu ở ngoài vườn". Đó là lời cậu tôi nói, sau khi ôm tôi hôn như con ruột, ngày tôi về lại Fongueusemare, khoảng cuối tháng tư. Ban đầu tôi hơi thất vọng, nghĩ rằng nàng không vồn vã đón tôi, nhưng sau đó tôi lại thầm cám ơn nàng đã khéo lẩn đi để tránh cho cả hai sự biểu lộ tình thương quá tầm thường khi gặp gỡ.
Nàng ở cuối vườn. Tôi bước tới. Vườn cây lá um tùm vào mùa hoa nở dâng hương; lilas, sorbiers, cytises. Để nàng khỏi nhìn thấy mình đi lại, tôi tẽ sang phía bên kia vườn, theo con đường “ âm u” chạy dưới lá cành mát rượi. Tôi chầm chậm bước; đất trời cũng ấm áp như lòng người, cũng trong trẻo, cũng sáng ngời. Hẳn rằng nàng không tưởng tôi đi theo lối này; tôi đến gần sau lưng nàng, nàng vẫn chưa hay biết; tôi dừng lại… Thời gian như cùng dừng lại với tôi. Đây có lẽ là phút giây trước giờ hạnh phúc, mà chính giờ hạnh phúc cũng không ngọt ngào thể dịu ngọt bằng.
Tôi muốn quỳ gối xuống: tôi bước thêm một bước, nàng chợt nghe thấy, vội đứng lên, bỏ rơi đồ thêu xuống, đưa tay đặt lên vai tôi; lặng yên nàng nhìn tôi, cười âu yếm. Màu áo trắng thướt tha rung động. Trên nét mặt nghiêm trang của nàng, tôi nhìn ra nụ cười hồn nhiên của tuổi nhỏ.
Tôi bỗng thốt:
- Này, em Alissa; anh còn đúng mười hai ngày rỗi. Nhưng nếu em muốn anh đi ngày nào thì anh đi ngày ấy. Anh không nấn ná ở thêm nếu em không bằng lòng. Chúng ta hãy thỏa thuận trước với nhau một dấu hiệu nào đó ngụ ý bảo: ngày mai anh phải lên đường. Thế là ngày mai anh vui lòng từ giã, không lời oán trách, thở than. Em nghĩ sao?
Vì không định trước nên lời nói của tôi tự nhiên rất dễ dàng. Nàng suy nghĩ rồi đáp:
- Buổi tối nào xuống phòng ăn em không đeo nơi cổ chiếc thánh giá bằng ngọc tím mà anh vốn thích ấy… anh hiểu chứ?
- Ừ, buổi ấy sẽ là buổi cuối cùng.
- Nhưng anh đi mà không khóc, không buồn đấy nhé.
- Và không từ biệt. Buổi tối ấy ra khỏi phòng ăn, thái độ anh vẫn hệt như tối trước vẫn tự nhiên như thường, cho đến nỗi em sẽ tự hỏi: phải chăng anh chưa hiểu ? Nhưng sáng hôm sau, đến phòng tìm anh, em sẽ thấy không còn anh nữa.
-Ngày hôm sau, em sẽ không tìm.
Nàng đưa tay; tôi nắm lấy đưa lên môi và nói:
- Từ nay đến hôm đó, không một lời nào làm anh phải tiên cảm chút gì đấy nhé.
- Và anh cũng đừng nhắc gì đến ngày từ biệt hôm sau.
- Anh muốn rằng những ngày ở cạnh em cũng giống những ngày thường vậy. Anh muốn nói rằng: đừng nên cảm thấy chúng đặc biệt. Và nữa… nếu có thể đừng nói chuyện với nhau quá nhiều…
Nàng bật cười. Tôi tiếp:
- Có công việc gì để chúng ta cùng làm chung cho vui không?
Xưa nay chúng tôi vẫn thích làm vườn. Người làm vườn cũ đã thôi việc trước đây hai tháng. Người mới đến còn vụng về, vì thế khu vườn không được chăm sóc từ hai tháng nay trông thật bề bộn. Nhiều cây hồng cành mé vụng về, nhiều lẵng hoa bị củi khô đè bẹp. Phần đông là do chúng tôi trồng lấy; chúng tôi nhận ra những người bạn cũ. Thế là ba ngày đầu chúng tôi có thể vừa làm vừa trò chuyện nhiều mà không có gì trầm trọng cả; khi ngừng nói, sự im lặng vẫn không nặng nề.
Dần dà chúng tôi hầu như quên rằng có ngày còn phải từ giã nhau. Tôi thấy nàng không quá e ấp như xưa. Nàng cũng không còn thấy tôi dùng dằng thắc mắc… Alissa trẻ và đẹp hơn mùa thu trước. Mỗi chiều chiếc thánh giá vẫn lấp lánh nơi cổ. Lòng tôi chứa chan hy vọng, và lòng nàng cũng thế. Càng ngày câu chuyện mỗi thân mật. Một buổi sáng êm dịu, trời xanh cao, hoa nở ngát vườn, lòng chúng tôi cũng thơm ngát như hoa, tôi nhìn nàng chậm rãi nói:
- Alissa ạ, ngày nay Juliette đã tìm ra hạnh phúc, thì em cho phép chúng ta…
Bỗng thấy nàng tái xanh mày mặt, tôi không nói hết câu. – Anh ơi, nàng nói và quay mặt không nhìn, ở bên anh, em thấy sung sướng vạn phần, không gì sánh được… nhưng anh hãy tin em: chúng ta sinh ra không phải để tìm hạnh phúc.
Tôi sôi nổi đáp:
- Linh hồn con người còn có thể tìm ra được gì hơn hạnh phúc nữa?
Nàng nói rất nhỏ:
- Lòng trong sạch thiêng liêng.
Cả hạnh phúc của tôi thoát tung cánh bay đi, bay mãi về xa thẳm.
- Anh không đạt tới? Nếu cuộc sống này không có em. Và tôi ngồi xuống, ôm đầu khóc như một đứa trẻ con: không có em…
Thế rồi ngày ấy cũng trôi qua như mọi ngày khác. Nhưng buổi chiều xuống phòng ăn, Alissa không đeo chiếc thánh giá. Trung thành với lời hứa, sáng hôm sau, trời còn tờ mờ tối, tôi lặng lẽ ra đi.
Hai ngày sau, tôi nhận được bức thư kỳ lạ này, mở đầu bằng mấy câu thơ Shakespeare:
Ngậm ngùi đàn lệ buông rơi
Thoảng tai nức nở như lời thu phong
Gió thu buốt cánh hoa hồng
Dâng hương cho dịu say nồng… dừng thôi
Giờ không êm ái nữa rồi!
Anh ơi, dù nói thế nào, em vẫn tìm anh suốt buổi sáng. Em không thể tin rằng anh đã đi. Em giận anh, Em không ngờ anh quá trung thành với lời hứa. Em nghĩ : đây chỉ là một trò đùa. Sau bụi cây này, sau cụm cây kia, em sắp nhìn thấy anh hiện ra cười nói…
Nhưng không! Anh đi thật rồi! Em xin cảm tạ Caligula.
Suốt ngày em bị ám ảnh mãi bởi một vài ý tưởng em muốn bày tỏ với anh, một nỗi lo âu kỳ lạ. Em tưởng rằng nếu không bày tỏ hết với anh bây giờ thì mai sau em phải ân hận, anh sẽ oán trách em nhiều.
Những ngày đầu anh ở Fongueusemare, em ngạc nhiên và dần dần e sợ, vì cảm thấy tâm hồn, thể phách mình chan chứa một niềm mãn nguyện đến thế nào mà em không còn mong gì hơn nữa cả. Ôi! Đấy là điều em sợ hãi…
Anh ơi, em sợ rằng nói thể chưa đủ làm anh hiểu em. Em sợ nhất là anh cho rằng đó là một lối lý luận quá "siêu việt", (Ồ! Nếu quả là lý luận thì vụng về làm sao!) Chứ không phải là lời phô diễn đúng cái tình cảm mãnh liệt nhất của tâm hồn.
"Nếu nó chưa phải đáp trọn niềm khát vọng của linh hồn, thì chưa phải là hạnh phúc, anh đã từng nói với em điều đó; anh còn nhớ chăng ? Và em đã không nói gì hơn được nữa. Không, anh ạ; quả nó không đáp trọn được lòng chúng ta đâu. Niềm mãn nguyện say mê kia; không thể xem là chân chính. Mùa thu trước, chúng ta đã không từng thấy nó che giấu bao nhiêu là cùng khổ đó hay sao?
Chân chính ư! Ồ! Cầu xin Thượng Đế đừng cho là chân chính! Chúng ta sinh ra để tìm một nguồn hạnh phúc khác kia.
Những thư từ qua lại giữa chúng ta một độ đã làm hỏng lần hội diện mùa thu như thế nào, thì ngày nay cái kỷ niệm cuộc gặp gỡ vừa rồi cũng làm cho bức thư bây giờ của em không còn hoan hỷ nữa. Ngày xưa, mỗi lần cầm bút viết cho anh, em thấy lòng vui sướng, reo mừng, ngày nay vì đâu niềm hân hoan kia em không tìm được? Vì những lượt thư từ, vì những lần gặp gỡ, chúng ta đã làm khô cạn niềm vui trong trắng hồn nhiên mà lòng ta khát vọng. Và bây giờ, dù em không muốn, mà lời em vẫn hợp ý Orsino :"Dừng thôi! Giờ không còn êm ái nữa! " Xin cùng anh vĩnh biệt. Anh có biết em yêu anh đến độ nào không?... cho đến trọn đời, đối với người anh duy nhứt, em mãi mãi vẫn là…
Alissa
Trước cạm bẫy của đức hạnh tôi không còn biết chống đối cách nào. Những gì oanh liệt choáng ngợp càng quyến rũ tôi, vì tôi không tách rời, không chia biệt nó với tình yêu… Bức thư của Alissa làm tôi ngây ngất trong một niềm phấn khích vô biên. Thượng Đế cũng hiểu cho rằng sở dĩ hai tiếng đức hạnh cám dỗ tôi mãnh liệt là cũng chính vì lẽ tôi tha thiết yêu nàng. Mọi nẻo đường đi lên đều sẽ dẫn tôi tới chỗ gặp lại mặt nàng. A! Địa trường chẳng bao giờ sẽ rút hẹp lại quá nhanh, để chỉ còn riêng dung nạp hai đứa đối diện nhau mà thôi ! Hỡi ôi ! Tôi không thể ngờ nổi sự che dấu tinh tế của nàng, tôi không thể tưởng tượng rằng nàng sẽ còn tìm ra lối thoát mất trên một đỉnh chơi vơi.
Tôi viết một bức thư dài phúc đáp. Tôi còn nhớ trong suốt bức thư chỉ có một đoạn này là có phần khá sáng suốt:
"Đối với anh, anh thường thấy rằng những gì cao đẹp nhất anh giữ trong tâm hồn ấy chính là tình yêu em; và mọi đức tính của anh đều tùy thuộc vào đó; chính nó nâng đỡ anh, giúp anh tự vượt mình, nếu nó không còn thì anh sẽ rơi trở vào chỗ thấp kém, tầm thường ngay. Chính do niềm hy vọng gặp lại được em mà nẻo đường chênh vênh nhất đối với anh vẫn là nẻo đường đẹp nhất".
Tôi còn thêm những gì đến nỗi nàng phải đáp:
Nhưng anh ạ, lòng trong sạch thiêng liêng không phải là một sự chọn lựa; đó là một bổn phận (danh từ này được gạch dưới ba lần trong bức thư). Nếu anh quả đúng là người như lòng em tưởng, thì anh, anh cũng sẽ không thể trốn tránh nó được.
Thế là hết. Tôi hiểu rằng, tôi linh cảm rằng đến đây là chấm dứt mọi thư từ, tôi hiểu rằng những lời khuyên khéo léo nhất cũng như mọi ý chí mạnh nhất vẫn không thể nào làm nàng nao núng được.
Dù thế mặc lòng tôi vẫn còn viết cho nàng, rất dài, rất âu yếm. Sau bức thứ ba, tôi nhận được mảnh giấy này:
Anh đừng nghĩ rằng em cố tình quyết định không viết thư nữa cho anh; em chỉ thấy lòng không thích viết, thế thôi. Thư từ của anh, đọc em vẫn còn thấy vui vui, thích thích, nhưng càng ngày em càng tự trách mình đã chiếm giữ tâm trí anh nhiều đến thế.
Ngày hè không còn xa mấy. Ta hãy tạm gác hẳn thư từ lại. Cuối tháng chín này anh hãy về chơi Fongueusemare với em đi; anh bằng lòng chứ? Nếu anh bằng lòng, thì anh không cần gì phúc đáp, xem như im lặng là thoả thuận vậy. Vì thế nên em mong anh đừng hồi âm nhé.
Tôi không hồi âm thật. Chắc rằng buộc tôi im lặng như thế là ý nàng muốn tôi chịu một sự thử thách cuối cùng. Nên sau vài tháng làm việc, rồi du lịch vài tuần, tôi trở về Fongueusemare, lòng đầy hy vọng.
Làm thế nào chỉ kể suông lại câu chuyện, tôi có thể giúp bạn đọc hiểu ngay điều mà ban đầu chính tôi không hiểu gì ráo? Tôi có thể mô tả lại gì đây ngoài cái nguyên nhân của nỗi thống khổ từ đó đã dày vò tôi trọn vẹn, không thể tự dung thứ cho mình vì sao đã tệ đến nỗi đã không đoán được rằng sự hững hờ lạnh nhạt cố ý tạo ra kia còn che giấu một tấm lòng yêu đương phập phồng tha thiết. Nhưng, biết làm sao, ngày đó tôi chỉ có thể thấy được vẻ lạnh nhạt bên ngoài ấy thôi, và vì không nhận ra được người bạn thân yêu, nên tôi đã lên lời buộc tội. Không, không chính ngay thuở ấy anh vẫn không buộc tội em đâu. Alissa ạ! Anh chỉ tuyệt vọng khóc than vì tìm không ra bóng người yêu. Ngày nay, anh đã ước độ được mối tình của em sâu nặng thế nào qua sự hững hờ dụng ý kia, qua cái mưu chước đau đớn ấy, ngày nay anh còn phải yêu em tha thiết đến giới hạn nào là cũng chính bởi ngày xưa em đã gây buồn khổ vô hạn cho anh.
Lạnh nhạt? Hững hờ? Không; tôi không thể thắng nổi, tôi không chống lại được nữa. Và đã có lần tôi phân vân, lưỡng lự, tự hỏi phải chăng chính mình tạo ra đau đớn cho mình; vì lẽ nguyên nhân quá tinh tế, và vì lẽ Alissa đã quá tài tình làm ra vẻ như không hiểu nguyên nhân. Tôi phàn nàn gì mới được chứ ? Sự tiếp đón của nàng vẫn niềm nở, tươi tắn biết bao; chưa bao giờ nàng tỏ ra vồn vã, ân cần đến thế; ngày đầu tôi còn dễ bị lầm… Ừ ! Nói cho cùng thì có hại gì mấy đâu, nếu cái lối chải tóc phẳng lì, bẹt xuống rất vụng về làm cho nét mặt nàng trở nên khô cứng, và vẻ mặt nàng kém phần trang nhã, màu không tươi, vải không mịn, rất khô và xấu xí làm hỏng mất những nét mềm mại của tấm thân… ừ, nàng biết làm sao mà chữa… dù tự ý nàng hay nghe theo ý tôi… Tôi càng khổ hơn vì thấy những sự niềm nở, ân cần quá đáng của nàng; xưa nay, giữa chúng tôi chưa hề có thế bao giờ; tôi sợ rằng sự vồn vã là do cố gắng hơn là vì thiết tha, do phép xã giao hơn là vì yêu mến.
Buổi tối, vào phòng khách, tôi ngạc nhiên không thấy chiếc dương cầm ở chỗ cũ; vẫn bình tĩnh trước lời thất vọng của tôi, nàng đáp:
- Dương cầm đã đưa đi cho thợ sửa; nàng nói với một giọng rất điềm tĩnh, tự nhiên.
Cậu tôi lên tiếng trách:
- Ba đã nói với con mấy lần rằng trước nay con vẫn dùng nó được, thì bây giờ con cũng có thể chờ ngày Jérôme từ biệt rồi hãy đưa nó đến thợ cũng không muộn gì, con vội vàng như thế làm Jérôme mất một phần vui lớn…
- Nhưng thưa ba, nàng vừa nói vừa quay đi, đỏ mặt, - thưa ba, con thành thật nói rằng dạo sau này nó hỏng quá mất, cho dẫu Jérôme cố gắng mấy cũng không thể dạo nhạc ra hồn.
- Nghe con đánh nhạc thường ngày ba có thấy nó tệ lắm đâu.
Trong giây lát nàng quay mặt vào bóng tối như bận kéo lại tấm nệm ghế, rồi bỗng bỏ phòng đi ra. Một lúc sau nàng mới trở vào đem niêu thuốc sắc, mà cậu tôi vẫn thường quen dùng mỗi buổi tối. Ngày hôm sau nàng vẫn không đổi cách ăn mặc và lối chải tóc; ngồi bên cậu tôi trên chiếc ghế trước nhà, nàng lặng lẽ tiếp tục khâu vá nốt mấy cái đồ cũ… Bên cạnh nàng còn cả một thúng lớn đầy những bít tất cũ mòn. Và ngày sau, đến lượt khăn, dạ… Công việc khâu vá dường như chiếm hết tâm hồn nàng cho đến nỗi làn môi nàng không chút gì duyên dáng nữa, và mắt nàng như mờ hẳn đi.
- Alissa! Tôi thảng thốt kêu lớn, khi nhìn thấy gương mặt nàng quá đờ đẫn, tôi thật không còn nhận ra được nữa; từ lâu tôi đăm đăm nhìn mà nàng dường như không hay biết gì cả.
- Có gì thế? Nàng ngửng đầu hỏi.
- Anh muốn xem thử em có nghe tiếng anh không. Anh thấy tâm hồn em như để ở đâu đâu xa anh lắm.
- Đâu có thế, em vẫn ngồi đây; nhưng công việc khâu vá này cần phải chăm chú lắm mới được.
- Trong khi ngồi khâu, em có muốn anh đọc sách Việt ngữ cho em không?
- Em sợ rằng sẽ không đủ tâm trí mà nghe rõ tiếng Việt.
- Tại sao em lại chọn cái công việc đòi hỏi chú ý nhiều như thế?
- Em không làm thì một người Việt khác phải làm.
- Còn biết bao người nghèo khó, sao em không dành công việc cho họ kiếm cơm. Không phải vì tiết kiệm mà em buộc mình làm cái công việc phũ phàng ấy chứ?
Nàng liền quả quyết rằng không một công việc nào thấy thích hơn nữa, từ lâu nàng vẫn không làm gì khác hơn là khâu vá… Nàng mỉm cười. Chưa bao giờ nàng làm tôi tuyệt vọng nhiều đến thế bằng giọng nói êm đềm kia. Nàng nhìn tôi như muốn hỏi: "Đó là một sự thật rất đơn sơ, có gì lạ mà anh phải buồn sầu?" và bao nhiêu bực tức trong lòng tôi ngừng lại nơi môi tôi. Tôi muốn nghẹt thở.
Ngày hôm sau nữa, khi đi hái hoa ở vườn, nàng bảo tôi giúp nàng đem hoa vào phòng riêng. Phòng của nàng từ một năm nay tôi chưa bước tới. Nghe nàng bảo, tôi bỗng hy vọng hân hoan. Tôi tự trách mình sao mà buồn rầu vô lý thế; chỉ một lời nói của nàng đủ xua đuổi hết mọi bom đạn hoang mang.
Lần nào vào phòng nàng tự dưng tôi thấy xúc động; nơi đây bầu không khí dịu hiền bao phủ, dặt dìu thanh thản như tâm hồn Alissa. Bóng màn xanh cửa sổ, bàn ghế bằng gỗ đào hoa tâm lóng lánh, đồ đạt xếp gọn gàng thứ tự, mọi vật như êm đềm nhủ thầm với lòng tôi những nỗi niềm trong trắng, của gò đống ưu tư…
Sáng hôm ấy tôi ngạc nhiên không thấy hai bức họa lớn của Masaccio trên tường ở bên giường nàng nữa, hai bức họa của tôi đem tự bên Ý về; tôi sắp hỏi nàng chúng mất đi đâu, thì chợt tôi nhìn đến chiếc kệ đóng ở tường nơi nàng xếp những tập sách quý. Tủ sách nhỏ ấy phân nửa gồm những sách tôi tặng nàng; phân nửa gồm những sách khác chúng tôi đã cùng đọc. Tôi vừa chợt nhận thấy rằng những sách ấy bị dời đi đâu mất cả, và được thay thế vào bằng những loại sách vô nghĩa. Tôi ngẩng lên, Alissa gượng cười, vâng, vừa cười nàng vừa nhìn tôi chăm chú.
- Em xin lỗi anh nhé; thấy gương mặt anh em không thể nhịn cười được; thình lình nó xịu xuống khi anh nhìn tủ sách của em…
Lúc ấy thật tôi không còn tâm hồn đâu để pha trò nữa.
- Có thật như chăng, Alissa? Chẳng lẽ đó là những sách em tìm đọc ngày nay?
- Chính em đọc đấy chứ. Có gì mà anh lạ?
- Anh tưởng rằng một tâm hồn quen thuộc những loại sách bổ ích không thể nào còn dung nạp những thứ vô nghĩa lá cồn ấy được nữa.
- Em thật không hiểu ý anh. Đấy là những tâm hồn từ tốn vẫn thường cùng em giản dị chuyện trò, thích hợp với tâm hồn em biết bao. Em biết rằng trước những sách ấy không bao giờ có giọng văn hư phù phờ phĩnh, em đọc chúng thì lòng em không thể nào có những niềm ca ngợi phạm thần.
- Ngày nay em chỉ đọc những loại sách ấy thôi ư?
- Vâng, hầu hết là thế. Từ vài tháng nay. Vả chăng em cũng chẳng có thì giờ rỗi nhiều để đọc sách. Và em thú thật với anh rằng vừa rồi em muốn đọc trở lại những tác giả lớn mà em từng cùng anh ca ngợi, thì em có cảm tưởng như cái kẻ mà trong Thánh Kinh có nhắc tới; anh chàng cố công gia tăng cho thân mình cao thêm nửa thước.
- "Tác giả lớn" đã gây cho em có cảm tưởng ấy là ai?
- Không phải tác giả ấy đã gây cho em cảm tưởng kia. Em muốn nói rằng em có cảm tưởng kia khi tìm đọc lại... Ấy là Pascal. Hay là vì em đã rủi giở nhầm những đoạn không hay?
Nghe nàng nói, tôi không giữ được kiên nhẫn nữa. Nàng nói một giọng rõ ràng đều đặn, như đọc một bài cho ông giáo nghe, và vẫn không ngửng đầu lên, cứ cắm cúi sắp đặt mãi mấy bó hoa. Thấy tôi tỏ vẻ bực mình, nàng dừng lại giây lát rồi vẫn tiếp tục nói, giọng vẫn đều đều:
- Những đại ngôn phù phiếm ấy xui lòng ngạc nhiên: cố gắng gì nhiều thế: để không chứng tỏ dược gì cả. Em thường tự hỏi phải chăng giọng điệu sôi nổi ấy là tác dụng của lòng hoài nghi hơn là của lòng tin tưởng. Lòng tin tưởng sâu xa không thể để lệ trào nhiều thế, và không thể có giọng điệu đầy run sợ bê bối kia đâu.
- Chính sự run sợ ấy, chính những dòng lệ ấy làm nên vẻ đẹp sâu xa của tiếng đoạn trường ấy. Tôi cố gắng đáp lại, nhưng thấy lòng hết can đảm, tâm trí rã rời, tôi không còn nhận ra được trong những lời kia một chút gì của người yêu cũ.
- Nếu ban đầu ông ta không trút bỏ niềm vui ra khỏi cuộc sống trần gian thì cuộc sống kia sẽ làm chĩu cán cân ngay, sẽ nặng cân hơn là…
- Là gì? Tôi kinh ngạc hỏi thế.
- Hơn là cõi hồng phúc bấp bênh mơ hồ của ông ta đề nghị.
- Em không còn tin ở nó nữa hay sao?
- Ích gì ! Em muốn rằng nó vẫn bấp bênh mơ hồ mãi để cho mọi tính cách "bán buôn" được loại trừ hẳn. Sở dĩ tâm hồn thiết tha với Thượng Đế chịu dấn sâu vào con đường đức hạnh, ấy là vì lòng cao thượng tự nhiên, chứ không vì hy vọng được lĩnh phần thưởng mai sau.
- Chính do đó mà có chủ nghĩa hoài nghi ẩn kín, mà tâm hồn cao viễn của một Pascal đã tìm về ẩn trú.
Không, không phải hoài nghi chủ nghĩa; mà dương thân chủ nghĩa, nàng nói và mỉm cười. Nhưng biết thế để làm gì? Những tâm hồn từ tốn nơi đây – và nàng quay sang kệ sách - sẽ bối rối lắm không biết đáp sao nếu ta hỏi họ thuộc dương thân chủ nghĩa hay hoài nghi chủ nghĩa, hay vô vi chủ nghĩa, hay những gì gì chủ nghĩa khác nhau em không được rõ. Những tâm hồn này chỉ biết nghiêng mình chiêm ngưỡng đấng Chí Tôn, như cỏ nội hoa hèn cúi đầu trước gió, không ranh mãnh, không trớ trêu, không thắc mắc, không diễm kiều. Họ tự xem mình không có gì quan trọng cả, và hiểu rằng nếu mình có chút ý nghĩa hay giá trị nào là ở chỗ biết khuất phục Thượng Đế chí cao.
- Alissa! Alissa! Vì lẽ gì em tự cắt cánh của mình đi như thế!
Giọng nói của nàng rất bình thản và hồn nhiên, nên tiếng kêu của tôi càng thêm lố bịch.
Nàng lại vẫn mỉm cười, và lắc đầu đáp:
- Tất cả những gì em còn giữ lại của cái cần tìm lại Pascal ấy là…
- Là gì? Tôi hỏi vì thấy nàng dừng lại.
-Ấy là lời nói của Chúa Jésus: "kẻ nào muốn cứu rỗi đời sống của mình sẽ đánh mất đời sống đi thôi". Còn bao nhiêu điều khác, nàng vừa nói tiếp vừa nhìn tôi chăm chăm, bao nhiêu điều khác, thật tình em xin thú thật là thấy mình hầu như chẳng hiểu gì nữa cả. Khi người ta quen sống với những kẻ bé nhỏ này thì quả thật sự siêu việt của những vĩ nhân làm ta ngột ngạt một cách mau chóng dị thường.
Trong lúc hoang mang, tôi còn biết tìm ra lời gì để đáp?
- Nếu ngày nay anh phải cùng em đọc lại tất cả những bài thuyết giáo, những niềm chiêm niệm hán dương cổ độ kia…
Nàng ngắt lời tôi:
- Ồ, nếu thấy anh đọc lại chúng, thì em sẽ buồn nản biết bao. Thật tình em tưởng rằng anh sống để theo dõi một cái gì hơn kia ạ.
Nàng nói một cách rất giản dị, và như không hiểu rằng những lời nói ấy chia biệt hẳn hai cuộc đời của chúng tôi, nàng không biết rằng những lời nói ấy làm lòng tôi tan nát. Đầu óc tôi nóng bừng bừng; tôi còn muốn nói nhiều, tôi còn muốn khóc, có lẽ nước mắt tôi sẽ làm nàng nao núng; nhưng tôi vẫn đứng im lìm, ôm trán, tì tay trên lò sưởi. Nàng vẫn điềm nhiên, thung dung xếp đặt mấy đóa hoa, không nhìn thấy tôi đau đớn, hay cố ý làm như không thấy…
Bỗng tiếng chuông rung báo hiệu giờ ăn:
- A! Em thấy đói bụng quá. Thôi nhé.
Và nàng nói tiếp, làm như câu chuyện vừa rồi chỉ là một trò đùa.
- Mai chúng ta sẽ bàn trở lại.
Câu chuyện ấy không bao giờ được bàn trở lại nữa. Alissa lẩn tránh tôi mãi, tuy vẫn làm như không cố ý lẩn tránh; những gặp gỡ làm sao được, khi nàng còn lăng xăng bao nhiêu việc gấp rút hơn. Tôi phải đợi, tôi phải chờ cho mọi việc xong xuôi, những công việc gì cứ càng thêm bề bộn mãi, nào chăm nom công việc làm ở bục lúa, nào xem xét trại trâu bò, thăm viếng những người nghèo khó nàng vẫn gia tâm săn sóc. Thì giờ dành cho tôi rất ít; lúc nào thấy nàng cũng đương bận rộn cả. Nhưng có lẽ thà thế mà tôi đỡ thấy bơ vơ. Nếu có một dịp nào chuyện vãn qua loa, tôi càng thấy thêm buồn nản. Khi nào Alissa dành cho tôi chút ít thì giờ, thì có nói cũng là chuyện vô nghĩa, lơ láo đâu đâu. Và thái độ nàng giống như thái độ của kẻ đùa với con nít vậy. Nàng đi ngang bên tôi, lơ đễnh, với nụ cười hờ hững điềm nhiên. Tôi càng cảm thấy bao nhiêu cách biệt. Đôi lúc nụ cười của nàng còn như bao hàm thách thức, hoặc mỉa mai. Dường như làm chìm lấp khát vọng của tôi, là điều nàng lấy làm thích thú. Nhưng liền đó, tôi lại tự trách mình vô lý, tôi không muốn trách nàng, chẳng rõ phải trách nàng điều gì, và chờ đợi ở nàng cái gì.
Ngày giờ cứ thế lặng lẽ trôi đi, những ngày giờ tôi từng mong đem về biết bao hạnh phúc. Tôi thẩn thờ nhìn chúng trôi qua, không thiết gì nữa hết, không muốn chúng dài thêm, cũng không cầu mong chúng đi chậm lại… mỗi ngày chỉ gây thêm sầu tủi mà thôi. Mặc dù, hai ngày trước khi tôi đi, Alissa bằng lòng cùng tôi đi dạo… Chúng tôi lại gần chiếc ghế bên hầm đất vôi… Vào một chiều thu rất dịu. Mọi vật nhuốm toàn màu xanh man mác đến chân trời… một chiều thu mà quá khứ hiện về hiu hắt với muôn vàn kỷ niệm mông lung… Tôi không cầm lòng được nữa, bày giãi thở than, cho nàng thấy nỗi đau khổ của tôi ngày nay gây nên do sự tan tành của bao nhiêu mộng tưởng.
- Nhưng anh nghĩ xem, em có cách gì hàn gắn được? Sao anh lại lẩn thẩn đi yêu một bóng ma?
- Không, không phải một bóng ma, em ạ.
- Một bóng hình tưởng tượng.
- Nào có phải tự anh tạo nó ra đâu. Hình ảnh đối với anh xưa là người bạn chí thiết. Anh còn ghi nhớ gọi về! Alissa! Alissa! Xưa em đã là người của anh yêu dấu! Nay em đã làm gì con người em! Em đã thay hình đổi dạng đến thế nào?
Trong giây lát nàng im lìm không nói. Cầm một đóa hoa trong tay, nàng chậm rãi ngắt từng cánh hoa, lặng lẽ cúi đầu…
- Anh Jérôme! Tại sao không thú thật rằng anh không còn yêu em như xưa nữa?
Tôi tức tối đáp:
- Bởi vì điều ấy không đúng; bởi vì điều ấy không đúng với sự thật một tí nào; bởi vì không bao giờ anh yêu em hơn ngày nay cả.
- Anh nói vẫn yêu em… ấy thế mà anh ta lại tỏ lòng tiếc thương Alissa cũ! Nàng vừa nói vừa gượng cười, và hơi nhún vai một tí.
- Anh không thể đặt tình yêu của mình trong quá khứ.
Tôi thấy mất thăng bằng; đất sụt dưới chân, tôi tìm mọi thứ để bấu víu…
- Thế nào rồi cũng đành chịu để nó tàn phai.
- Không khi nào, trừ phi anh chết.
- Nó sẽ mòn mỏi dần dần. Em Alissa mà anh nói vẫn còn yêu đó, thật ra chỉ còn trong kỷ niệm; rồi một ngày mai anh sẽ chỉ còn nhớ mơ hồ rằng đã một bận yêu em…
- Em đừng tưởng có gì thay thế được Alissa trong tim anh. Em không nhớ rằng chính em cũng đã từng yêu anh hay sao, mà em nỡ nói những lời làm cho anh đau đớn?
Đôi môi nhợt nhạt của nàng mấp mái run run; nàng thì thầm, giọng mơ hồ, yếu ớt:
- Không; không; không có gì thay đổi được nơi Alissa…
- Nếu thế thì mọi sự cũng không có gì thay đổi cả. Và tôi nắm lấy tay nàng…
Nàng trấn tỉnh nói tiếp; - Chỉ một tiếng thôi đủ giải thích hết mọi điều; tại sao anh không dám nói?
- Tiếng gì?
- Em già rồi.
- Em im đi… và tôi sôi nổi nói rằng tôi cũng già như nàng, rằng sự chênh lệch giữa đôi tuổi vẫn như nguyên… nhưng nàng đã trấn tĩnh; giây phút độc nhất qua, tôi dại dột biện bác dài dòng để lỡ làng cơ hội.
Tôi từ giã Fongueusemare hai ngày sau, bất mãn nàng, bất mãn mình, lòng mang oán hận cái mà tôi còn gọi là "đức hạnh" … và thù ghét tất cả những gì từ lâu nay vẫn chiếm cứ tâm tư. Dường như trong buổi hội ngộ cuối cùng này, và chính vì tình yêu của lòng tôi quá mạnh, mà bao nhiêu nhiệt tâm giờ đã như mòn mỏi cả, mỗi câu nói của Alissa ban đầu tôi lên lời phản đối, sau một lần sôi nổi, lời phản đối lặng chìm, thì lời nói của nàng càng vang vang sống dậy, và thắng lợi ở tâm tôi… Chao! Có lẽ nàng có lý! Tôi chỉ còn âu yếm một bóng ma. Em Alissa xưa vô cùng yêu dấu, đến bây giờ còn vẫn thân yêu, thật ra từ lâu đã không còn sống nữa. Chao! Có lẽ quả thật chúng tôi đã già lắm rồi. Cái nên thơ thi vị đã mòn mỏi, mộng tình đắm say đã tan rã, tấm lòng người tê cóng lại trước sự thật giá băng. Sự ấy nào có lạ gì, chẳng qua cũng thuận theo bản tánh tự nhiên thế thôi; dù xưa có dần dà, chậm rãi, tôi có nâng cao trong tâm tưởng hình ảnh của người yêu, biến nàng thành thần tượng, đem tất cả những tình mộng đắm say thêu dệt cho bóng hình nàng lộng lẫy, thì cuối cùng rồi công trình còn lại gì đâu ngoài niềm mệt mỏi? Cứ mỗi lúc để nàng trở lại với nàng, Alissa lại rơi về trình hạn cũ, cái trình hạn tầm thường của tinh thần mà chính tôi cũng rơi vào trở lại, nhưng tôi không còn muốn nhìn thấy nàng tại đó nữa. Ôi! Sự cố gắng điêu linh theo đức hạnh đối với tôi lúc bấy giờ càng hão huyền vô nghĩa biết bao… Ừ, để làm gì? Để gặp nàng ở chốn xa vời cao đẹp mà chỉ duy sự cố gắng của tôi đặt nàng lên. Nếu đừng quá kiêu hãnh, cuộc tình duyên của chúng tôi đã trở thành giản dị… nhưng còn nghĩa gì nữa từ nay cứ mãi nấn ná trong mối tình vô đối tượng hoàn toàn. Như thế là bướng là gàn đâu có phải là giữ nghĩa thủy chung. Thủy chung với cái gì? Với một điều nhầm lẫn. Thành thật, ngoan ngoãn hơn, phải chăng là nên tự thú nhận với mình rằng mình đã lạc lầm mù quáng?
Được đề cử nhậm sự tại Học đường Athènes, tôi bằng lòng ngay, không cao vọng, không thiết tha, hân hoan trước chuyến đi như là trước một lần giải thoát…
Miêu Cương mạc ngoại xanh rờn
Cát se hoàng lục hoa gờn gợn trêu
Mắt ngươi còn lệch dấu bèo
Đầu ngươi bạc tóc sương nghèo ngặt pha
Cái hôn sơ thủy chan hòa
Mùi hương cổ thái lọ là cực chung.
Khung Cửa Hẹp Khung Cửa Hẹp - André Gide Khung Cửa Hẹp