Số lần đọc/download: 3351 / 200
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Chương 5
H
ai tháng sau cái chết của cha mình (tháng Giêng, 1979), cuộc hôn nhân của A. tan vỡ. Những trục trặc đã ủ bệnh được một thời gian, và cuối cùng thì đi đến quyết định là ly thân. Nếu có một điều lý giải để anh chấp nhận sự chia ly này, để đau khổ và để thấu hiểu thì đó là tính quy luật không tránh khỏi, là một điều lớn lao khác mà anh phải nuốt trôi là hệ quả mà nó kéo theo: phải xa rời đứa con trai. Ý nghĩ về điều đó thật không thể chịu đựng nổi với anh.
Anh chuyển vào căn phòng của mình trên phố Varick ngày đầu xuân. Trong vài tháng tiếp theo anh chạy đi chạy lại giữa căn phòng và ngôi nhà ở quận Dutchess nơi anh và vợ từng sống suốt ba năm vừa qua. Suốt tuần: cô đơn ở thành phố; cuối tuần: viếng thăm vùng nông thôn, cách đó trăm dặm, nơi anh ngủ ở chốn vốn từng là phòng làm việc của mình và chơi với con trai, chưa đầy hai tuổi, và đọc cho nó nghe những câu chuyện từ các cuốn sách quý giá của thời kỳ ấy: Đi nào các bác xe, Mũ để bán, Mẹ ngỗng.
Không bao lâu sau khi anh chuyển vào căn phòng ở phố Varick, cậu bé Etan Patz sáu tuổi biến mất khỏi nhà ở cùng khu dân cư. Ở ngã rẽ nào A. bước tới cũng có một tấm hình của cậu bé (trên cột điện, cửa sổ các cửa hàng, các bức tường trống), đề những chữ: CON MẤT TÍCH. Bởi khuôn mặt của đứa trẻ ấy không quá mức khác biệt so với khuôn mặt cậu bé con của chính anh (và thậm chí có khác đi chăng nữa thì cũng vậy mà thôi), mỗi lần nhìn thấy tấm ảnh chụp khuôn mặt đó anh lại nghĩ đến con trai mình – và với chính xác định nghĩa ấy: con mất tích. Một buổi sáng nọ, Etan Patz được mẹ bảo đi xuống lầu dưới để đợi xe bus đến trường (đây là ngày đầu tiên sau một đợt đình công kéo dài của các tài xế xe bus và cậu bé hăm hở muốn được tự làm việc nho nhỏ ấy, coi đó là một hành động sơ khởi cho sự độc lập), và rồi không bao giờ xuất hiện nữa. Cho dù điều gì đã xảy ra với cậu, thì nó cũng đã xảy ra mà chẳng để lại dấu vết nào. Cậu có thể đã bị bắt cóc, cậu có thể đã bị giết, hoặc có thể cậu đơn giản là đi lang thang và bỏ mạng ở một nơi nào đó không ai nhìn thấy. Điều duy nhất mà người ta có thể chắc chắn là cậu bé đã biến mất – như thể tan vào bề mặt trái đất. Báo chí rùm beng lên vì câu chuyện này (phỏng vấn cha mẹ, phỏng vấn các thám tử được giao vụ này, những bài báo về tính cách của cậu bé: cậu thích chơi trò gì, cậu thích ăn món gì), và A. bắt dầu nhận ra sự hiện diện của thảm kịch ấy – chồng xếp lên một thảm kịch khác bé nhỏ hơn buộc phải thừa nhận của chính anh – là không thể thoát khỏi. Mỗi thứ rơi xuống trước mắt anh dường như không có gì khác hơn một hình ảnh có sẵn trong tâm trí anh. Nhiều ngày trôi qua, và mỗi ngày một chút nỗi đau đớn trong anh được kéo lộ ra ngoài. Cảm giác về mất mát tóm lấy anh, và nó không chịu buông anh ra. Có những lúc sự mất mát ấy trở nên quá lớn, và quá ngột ngạt, đến mức anh nghĩ nó sẽ không bao giờ buông anh ra.
* * *
Vài tuần sau, vào đầu mùa hè. Một tháng Sáu New York rực rỡ: ánh sáng rõ ràng rọi xuống những viên gạch; bầu trời xanh, trong suốt, chính là thứ màu xanh ngắt thậm chí có thể quyến rũ cả Mallarmé.
Ông của A. (về đằng mẹ) dần dần đi về phía cái chết. Chỉ một năm trước ông vẫn diễn ảo thuật trong bữa tiệc sinh nhật đầu tiên của con trai A., nhưng giờ, ở tuổi tám mươi lăm, ông trở nên yếu đến nỗi không thể đứng dậy nếu không có người đỡ, không thể di chuyển mà không cần tới một nỗ lực căng thẳng đến mức chỉ nghĩ về việc di chuyển thôi cũng khiến ông kiệt sức. Có một cuộc họp gia đình trong văn phòng bác sĩ, và kết luận là đưa ông tới bệnh viện của vị bác sĩ tại Đại lộ East End và phố Tám mươi tám (chính là bệnh viện mà vợ ông đã qua đời vì bệnh xơ cứng teo cơ một bên – bệnh của Lou Gehrig – mười một năm trước đó). A. có mặt tại cuộc họp gia đình ấy, giống mẹ anh và chị gái của mẹ anh, hai người con của ông ngoại. Vì không người nào có thể ở lại New York, cả nhà thỏa thuận là A. sẽ chịu mọi trách nhiệm. Mẹ A. quay lại nhà ở California để chăm sóc cho ông chồng ốm thập tử nhất sinh của mình, trong khi bác gái của A. chuẩn bị đi Paris để thăm đứa cháu nội đầu tiên, đứa con gái mới sinh của cậu con trai duy nhất. Tất cả mọi việc, dường như, đã thực sự trở thành vấn đề của sống và chết. Ở điểm đấy, A. đột nhiên nhận ra mình đang nghĩ (có lẽ vì ông ngoại luôn làm anh nhớ về W.C. Fields) về một cảnh trong phim của Fields làm 1932, Million Dollar Legs:Jack Oakey chạy điên cuồng để bắt kịp một chiếc xe ngựa chở khách đang khởi hành và nài xin người lái xe dừng lại; “Đó là vấn đề sống chết!” anh gào lên. Và người lái xe bình thản và cay độc trả lời: “Có vấn đề nào mà lại không như thế?”
Trong cuộc họp gia đình ấy, A. có thể nhìn thấy nỗi sợ hãi trên khuôn mặt ông ngoại. Có một lúc ông cụ bắt gặp ánh mắt anh và chỉ lên bức tường đằng sau bàn làm việc của vị bác sĩ, treo đầy những bằng khen, chứng chỉ được đóng khung, giải thưởng, bằng cấp và giấy chứng nhận rồi gật đầu hiểu biết, như thể muốn nói, “Khá ấn tượng, nhờ? Gã này sẽ chăm sóc tốt cho ông đây.” Ông cụ lúc nào cũng được thuyết phục bởi những trò khoe khoang này. “Ông vừa nhận được một lá thư từ chủ tịch ngân hàng Chase Manhattan,” ông sẽ kể vậy, cho dù trên thực tế chẳng có gì nhiều hơn một lá thư theo mẫu. Tuy nhiên, ngày hôm ấy ở văn phòng bác sĩ, A. thấy đau đớn khi nhìn thấy: sự từ chối nhận ra điều đang đập thẳng vào mắt mình của ông cụ. “Tôi thấy tất cả những việc ấy đều tốt, bác sĩ ạ,” ông ngoại anh nói. “Tôi biết anh sẽ lại giúp tôi khỏe mạnh hơn mà.” Và nữa, gần như trái ngược với mong muốn của mình, A. thấy ngưỡng mộ khả năng của sự mù lòa này. Sau đó trong ngày hôm ấy, anh giúp ông ngoại đóng đồ vào một cái túi để đưa tới bệnh viện. Cụ già thảy ba bốn món đồ làm ảo thuật vào trong túi. “Tại sao ông phải mang theo mấy thứ ấy?” A. hỏi. “Để ông có thể giải trí cho mấy cô y tá,” ông ngoại anh trả lời, “phòng khi mọi thứ chán quá.” A. quyết định ở lại căn hộ của ông ngoại trong suốt thời gian ông anh ở bệnh viện. Nơi đó không thể bị bỏ trống (ai đó phải trả hóa đơn, nhận thư từ, tưới nước cho cây), và nó quá mức thoải mái so với căn phòng ở phố Varick. Hơn tất cả, cần giữ lấy một ảo tưởng rằng ông cụ sẽ quay trở lại. Cho đến khi cái chết xảy ra, luôn có khả năng là sẽ không có cái chết, và cơ hội đó, dù chỉ mong manh, vẫn phải được chờ đợi.
A. ở lại căn hộ ấy trong sáu hoặc bảy tuần lễ tiếp theo. Đó chính là nơi mà anh vẫn thường tới thăm từ những ngày đầu đời: tòa nhà cao, lừng lững, có hình dáng lạ lùng đứng ở góc Central Park South và Columbus Circle. Anh tự hỏi thời còn bé anh đã dành ra bao nhiêu giờ đồng hồ nhìn ra dòng xe cộ khi chúng chạy vòng quanh bức tượng Christopher Columbus. Qua chính những ô cửa sổ ở tầng sáu ấy anh đã quan sát những đoàn diễu hành mừng ngày lễ Tạ ơn, thấy việc xây dựng Colosseum, dành hết cả buổi chiều đếm số lượng người khi họ đi bộ dọc con phố bên dưới. Giờ anh đang được vây quanh bởi chính nơi này, với cái bàn điện thoại kiểu Tàu, bầy thú làm xiếc làm bằng thủy tinh của bà ngoại và cái máy giữ ẩm cũ kỹ. Anh đã bước thẳng về thời thơ ấu của mình.
A. tiếp tục hy vọng về chuyện tái hợp với vợ anh. Khi cô đồng ý tới ở tại căn hộ trong thành phố với con trai, anh cảm thấy có thể một cơ hội thực sự sẽ đến. Cắt khỏi những thứ vật dụng và mối quan tâm của đời riêng mỗi người, họ có vẻ như ổn định yên bình với không gian trung tính này. Nhưng không ai trong hai người sẵn sàng đi đến thừa nhận đây không phải là một ảo tưởng, một hành động của ký ức kết cặp với một hành động của niềm hy vọng không có cơ sở.
Mỗi buổi chiều A. lại đi tới bệnh viện bằng cách đi hai chuyến xe bus, dành ra một hoặc hai giờ cho ông ngoại, và rồi trở về bằng hành trình y hệt. Lịch trình ấy kéo dài trong khoảng mười ngày. Rồi thời tiết thay đổi. Một trận nóng khốn khổ ụp xuống New York, và thành phố trở thành cơn ác mộng của mồ hôi, kiệt sức, và tiếng ồn. Không thứ gì trong số đó có lợi cho cậu bé con (bị nhốt trong căn hộ với cái máy điều hòa nhiệt độ kêu khè khè, hoặc đi thơ thẩn dọc các con phố đầy hơi nước với mẹ), và rồi khi thời tiết không chịu thay đổi (độ ẩm đạt mức kỷ lục trong nhiều tuần lễ), A. và vợ anh quyết định rằng cô và cậu bé con nên quay trở lại vùng nông thôn.
Anh ở lại căn hộ của ông ngoại một mình. Ngày hôm nay là sự lặp lại của ngày hôm trước. Nói chuyện với các bác sĩ, chuyến đi đến bệnh viện, thuê rồi sa thải các y tá riêng, lắng nghe những phàn nàn của ông ngoại, chỉnh lại chiếc gối dưới đầu ông. Luôn có một cơn rùng mình chạy xuyên qua anh mỗi lần anh liếc vào cơ thể trần trụi của ông cụ. Những cánh tay cẳng chân gầy rộc, cặp tinh hoàn quắt lại, cơ thể đã rút thành hơn bốn mươi lăm ký. Đây từng là một người đàn ông béo tốt, người có cái bụng tròn quay đáng tự hào luôn lao ra trước mỗi bước chân của ông hướng ra thế giới, và giờ ông gần như chẳng còn ở đó nữa. Nếu A. đã từng trải nghiệm về một kiểu chết trong đầu năm ấy, một cái chết quá đột ngột đến mức thậm chí khi tự nhiên trao ông cho cái chết thì nó cũng tước đi của anh sự hiểu biết về cái chết ấy, thì giờ anh được trải nghiệm về cái chết ở một hình thức khác, và kiểu này thì chậm, rút kiệt sự sống, cách từ bỏ sự sống ngay giữa lòng sự sống, cuối cùng đã dạy cho anh điều mà anh đã biết từ lâu.
* * *
Gần như ngày nào cũng có một cuộc gọi từ bà thư ký cũ của ông ngoại anh, một phụ nữ đã làm việc trong văn phòng ông cụ hơn hai mươi năm. Sau cái chết của bà ngoại anh, bà đã trở thành người phụ nữ đồng hành bền chắc nhất của ông, người phụ nữ đáng trân trọng mà ông đã hé lộ cho nhiều người biết trong những dịp lễ nghi: họp mặt gia đình, đám cưới, đám ma. Mỗi lần bà gọi, bà lại đưa ra những câu hỏi thừa thãi về sức khỏe của ông ngoại anh, và rồi đề nghị A. sắp xếp cho bà tới thăm ở bệnh viện. Vấn đề nằm ở sức khỏe tồi tệ của chính bà.
Cho dù không già (cùng lắm là cuối độ tuổi sáu mươi), bà bị mắc chứng Parkinson, và đôi khi phải sống trong viện dưỡng lão ở Bronx. Sau nhiều cuộc nói chuyện (giọng bà quá thều thào trên điện thoại khiến A. phải bỏ hết sức ra tập trung lắng nghe cũng chỉ nắm được một nửa điều bà nói), cuối cùng thì anh đồng ý gặp bà trước bảo tàng Metropolitan, nơi những chiếc xe bus đặc biệt từ chỗ nhà dưỡng lão chở các bệnh nhân có thể đi lại được tới để tận hưởng một buổi chiều Manhattan. Vào một ngày đặc biệt, lần đầu tiên trong suốt gần một tháng, trời mưa. A. đến sớm hơn giờ đã hẹn, trước tới hơn một tiếng, đứng trên bậc thềm của bảo tàng, giữ cho đầu khô với một tờ báo và đảo quanh tìm bà cụ. Cuối cùng, quyết định là bỏ cuộc, anh làm một vòng cuối cùng quanh khu ấy. Và đó là khi anh tìm thấy bà cụ: cách một hay hai dãy nhà gì đó ở đại lộ số Năm, đứng dưới một cái cây non đáng thương, như thể cố bảo vệ mình khỏi cơn mưa, một chiếc mũ bằng nhựa trong suốt trùm lên đầu, dựa lên chiếc gậy chống, thân hình cúi xuống, với tất cả vẻ lập cập, sợ hãi việc phải bước đi, nhìn chằm chằm xuống vỉa hè ướt nhẹp. Lại là giọng nói thều thào ấy, và A. gần như phải dí tai mình vào miệng bà để nghe bà nói – chỉ để lượm lặt được vài lời tẻ ngắt vụn vặn: lão lái xe bus quên không cạo râu, báo chí không được giao đến. A. lúc nào cũng thấy người phụ nữ chán ngắt, và thậm chí khi bà khỏe mạnh anh cũng phải miễn cưỡng với việc tốn thêm năm phút nữa ở cạnh bà. Giờ anh thấy mình gần như nổi giận, phẫn nộ với lối bà cố làm ra để mong anh thương xót cho mình. Anh chém vào bà trong tâm trí vì tội đã trở thành một sinh vật đáng khinh với lòng say mê bản thân.
Mất hơn hai mươi phút nữa anh mới có thể bắt được một chiếc taxi. Và rồi cả một thử thách dài bất tận để dẫn bà tới được chỗ cửa xe rồi đặt bà vào taxi. Giày của bà kéo lê trên vỉa hè: một phân rồi dừng lại; một phân nữa rồi dừng lại, một phân nữa, rồi một phân nữa. Anh giữ lấy cánh tay bà và động viên bà suốt quãng đường. Khi họ đến được bệnh viện và anh cuối cùng cũng xoay xở gỡ được bà ra khỏi ghế sau của chiếc taxi, họ bắt đầu hành trình chậm chạp tới lối vào. Ngay ở cửa, vào chính khoảnh khắc A. nghĩ rằng họ sẽ tới được đích, bà chợt cứng người lại. Đột nhiên bà bị bóp chặt với nỗi sợ hãi đến nỗi không di chuyển nổi, và vì thế bà không di chuyển nổi. Dù A. có nói gì với bà, dù anh có cố gắng dịu dàng dỗ dành bà tiến bước, bà vẫn không hề nhúc nhích. Mọi người đi vào đi ra – bác sĩ, y tá, người tới thăm – và họ cứ đứng đó, A. và người phụ nữ không cứu vãn nổi, bị khóa lại giữa dòng người qua lại ấy. A. bảo bà cứ đứng yên đợi ở đó (như thể bà có thể làm được việc gì khác), và bước vào tiền sảnh, nơi anh tìm thấy một cái xe lăn còn trống, thứ anh lấy trộm dưới mắt của bà quản lý đa nghi. Rồi anh đẩy người bạn đồng hành không cứu vãn nổi ấy vào xe lăn, đẩy bà qua tiền sảnh về phía thang máy, mặc kệt tiếng la ó của bản quản lý: “Bà ấy có phải là bệnh nhân không? Cụ bà kia có phải là bệnh nhân không? Xe lăn chỉ dành cho bệnh nhân thôi.”
Khi anh đẩy bà vào trong phòng của ông ngoại, ông cụ đang lơ mơ, không ngủ cũng chẳng thức, lần chần trong trạng thái đờ đẫn trên ranh giới của ý thức. Ông tỉnh lại bởi âm thanh khi họ bước vào để nhận thức về sự xuất hiện của họ, và rồi, khi cuối cùng hiểu được chuyện gì đang xảy ra, ông mỉm cười lần đầu tiên trong nhiều tuần. Nước mắt đột nhiên dâng đầy trong mắt ông. Ông nắm lấy tay người phụ nữ và bảo với A., như thể nói với cả thế giới (nhưng yếu ớt, yếu ớt chưa từng thấy): “Shirley là người yêu dấu của ông. Shirley là người ông yêu.”
* * *
Vào cuối tháng Bảy, A. quyết định dành một cuối tuần bên ngoài thành phố. Anh muốn thăm con trai, và cần một chút giải lao khỏi cái nóng và bệnh viện. Vợ anh vào New York, để cậu bé con ở lại với bố mẹ cô. Họ đã làm gì trong thành phố vào ngày hôm ấy thì anh không nhớ được, nhưng chiều muộn hôm ấy thì anh đã đi ra bãi biển ở Connecticut nơi cậu bé đã ở cả ngày với ông bà. A. thấy con trai ngồi trên một cái xích đu, và những từ đầu tiên bật ra khỏi miệng cậu bé (đã được bà ngoại dạy suốt cả buổi chiều) thật đáng kinh ngạc với sự trôi chảy của nó. “Con rất vui được gặp bố, bố ơi,” cậu bé thốt lên.
Cùng lúc đó, giọng nói nghe thật xa lạ với A.. Cậu bé dường như bị hụt hơi, và cậu nói từng từ với đoạn ngắt ở từng âm tiết một. A. không nghi ngờ rằng đã có gì không ổn. Anh nài nỉ tất cả rời khỏi bãi biển và trở về nhà. Cho dù cậu bé đang ở trạng thái vui vẻ, thứ giọng nói kỳ quặc, gần như là của một thứ máy móc này tiếp tục xuyên qua anh, như thể cậu là một hình nộm của người chuyên nói giọng bụng. Hơi thở của cậu cực kỳ nhanh: phập phồng, hít rồi thở, hít rồi thở, như cách thở của một con chim nhỏ. Trong vòng một giờ, A. và vợ anh lục lọi danh sách các bác sĩ nhi khoa, cố gắng liên lạc với người còn làm việc (đã là giờ ăn tối trong một chiều thứ Sáu). Ở lần thứ năm hoặc sáu gì đó, họ tìm được một nữ bác sĩ trẻ gần đây bắt đầu hành nghề tại khu vực. Nhờ chút cơ may, cô tình cờ vẫn nán lại ở văn phòng tầm giờ ấy, và cô bảo họ đến đó ngay. Không rõ vì cô mới vào nghề, hay vì bản tính hăm hở của mình, cuộc thăm khám của cô với cậu bé khiến A. và vợ anh rơi vào cơn hoảng sợ. Cô bảo cậu bé đứng lên bàn, nghe nhịp tim, đếm số lần thở của cậu trong mỗi phút, quan sát lỗ mũi, ánh xanh trên da mặt cậu bé. Rồi điên cuồng chạy vào trong văn phòng, cố gắng dựng lên một cái máy trợ thở phức tạp: một cỗ máy bơm hơi với vải trùm, làm người ta nhớ lại một chiếc máy chụp ảnh từ thế kỷ mười chín, nhưng cậu bé không chịu chui đầu vào trong tấm trùm, và tiếng huýt của hơi nước lạnh làm cậu sợ. Cô bác sĩ bèn thử một mũi adrenalin. “Chúng ta sẽ thử mũi này,” cô nói, “và nếu nó không có tác dụng thì ta sẽ tiêm cho cháu mũi khác.” Cô đợi vài phút, làm lại một lượt đo đếm nhịp thở lần nữa, và rồi tiêm cho cậu mũi thứ hai. Vẫn không có tác dụng gì. “Thế đấy,” cô bảo. “Chúng ta phải đưa cháu đến bệnh viện thôi.” Cô thực hiện cú điện thoại cần thiết, và với một thứ năng lượng rần rần như thể đã thu hết mọi thứ trên đời vào cơ thể bé nhỏ của mình, cô bảo A. và vợ anh theo chân cô đến bệnh viện, tới đâu, làm gì, và rồi dẫn họ ra ngoài, nơi họ rời đi với những chiếc xe khác nhau. Phán đoán của cô là bệnh sưng phổi với phức hợp hen suyễn – điều mà sau này, với việc chụp X quang và những bài xét nghiệm đàng hoàng tại bệnh viện, đã được xác nhận là đúng.
Cậu bé được đặt vào phòng chăm sóc đặc biệt ở khu bệnh nhi, tiêm thuốc và thăm khám bởi các y tá, không thể la hét khi thứ thuốc lỏng chảy xuống cổ họng, được truyền và đặt vào trong một chiếc cũi rồi được chụp kín với một lớp màn chụp bằng nhựa trong suốt – mà làn khói ô-xy lạnh được truyền qua một chiếc van trên thân màn. Cậu bé nằm trong chiếc màn ấy trong ba ngày ba đêm. Cha mẹ được phép liên tục ở cạnh cậu, và họ thay phiên nhau ngồi cạnh chiếc cũi, đầu và tay thò xuống dưới cái màn, đọc sách cho cậu nghe, kể chuyện, chơi trò chơi, khi người kia ngồi trong phòng đọc sách dành riêng cho người lớn, quan sát gương mặt của những bậc cha mẹ khác đang có con nằm viện: không ai trong số những người xa lạ ấy dám bắt chuyện với người khác, khi tất cả họ chỉ nghĩ đến một điều duy nhất, và nói về chuyện ấy chỉ có thể làm nó tồi tệ hơn.
Bố mẹ cậu bé muốn kiệt sức, khi thứ thuốc truyền vào mạch máu cậu phần lớn được bào chế từ adrenalin. Họ truyền cho cậu liều năng lượng hỗ trợ - hơn mức bình thường của tất cả các cậu bé hai tuổi – và phần lớn thời gian của họ dành ra cho việc dỗ cho cậu yên, ngăn cản cậu bò ra khỏi cái màn. Với A., đây chỉ là một chút hậu quả. Vấn đề căn bệnh của cậu bé, vấn đề là nếu họ không mang cậu đến bác sĩ kịp lúc thì có thể cậu đã chết rồi, (và nỗi kinh hoàng bao trùm lấy anh là khi anh nghĩ: nếu nhỡ anh và vợ quyết định ở lại qua đêm trong thành phố, giao phó cậu bé cho ông bà ngoại – những người, ở độ tuổi già cả, đã mất khả năng quan sát những chi tiết, và những người, trên thực tế, không nhận ra cách thở lạ lùng của cậu bé trên bãi biển và giễu cợt A. khi anh nhắc đến chuyện ấy), tất cả những điều đó khiến cho việc vất vả dỗ dành cậu bé trở thành chẳng đáng kể với A.. Chỉ cần ngẫm nghĩ đến trường hợp cậu bé chết, với ý nghĩ về cái chết của cậu hiện rõ lên trên mặt anh ở văn phòng bác sĩ, cũng đã đủ để anh coi việc hồi phục của cậu bé như một sự phục sinh, một phép màu xảy ra với anh nhờ lá bài may rủi.
Tuy nhiên, vợ anh bắt đầu tỏ ra căng thẳng. Có một lúc cô bước ra chỗ A. lúc này đang ngồi ở phòng chờ dành cho người lớn, và bảo: “Em đầu hàng, em không xoay xở nổi với nó nữa rồi” – và có một nỗi giận dữ nhắm đến cậu bé trong giọng cô, sự giận dữ trầm trọng hóa ấy, làm một điều gì đó trong A. vỡ vụn. Ngu xuẩn, tàn nhẫn, anh muốn trừng phạt vợ mình vì sự ích kỷ ấy, và trong khoảnh khắc ấy sự hòa hợp mới tạo lại được giữa họ trong vòng một tháng qua biến mất: lần đầu tiên trong tất cả những năm họ sống cùng nhau, anh phản đối cô. Anh lao ra khỏi phòng và đi tới cạnh giường đứa con.
Sự hư vô của thời hiện đại. Màn giải lao giữa lực kéo của những mảnh đời song trùng.
Ở Paris mùa thu năm ấy anh đã tham dự một buổi tiệc tối do bạn anh tổ chức, J. một nhà văn Pháp nổi tiếng. Có một người Mỹ khác trong số khách mời, một học giả nghiên cứu chuyên sâu về thi ca Pháp hiện đại, và bà nói với A. về một cuốn sách bà đang trong quá trình biên tập: tuyển tập bài viết của Mallarmé. Bà tự hỏi A. đã bao giờ dịch Mallarmé chưa?
Thực tế là anh đã từng. Hơn năm năm trước, không lâu sau khi chuyển vào căn hộ ở đường Riverside, anh đã dịch cả loạt những đoạn mà Mallarmé viết bên cạnh giường của đứa con đang chết dần, Anatole, năm 1879. Đây là những tác phẩm chìm trong sự vô danh tuyệt đối: ý tứ của những bài thơ sẽ không bao giờ được viết ra. Chúng thậm chí không được phát hiện ra cho đến cuối những năm 1950. Năm 1974, A. đã dịch nháp hơn ba mươi hay bốn mươi đoạn viết ấy rồi gạt bản thảo qua một bên. Khi anh quay lại căn phòng của mình ở phố Varick ở Paris (tháng Mười Hai năm 1979, chính xác một trăm năm sau khi Mallarmé vội vã viết những đoạn chết chóc ấy cho con trai mình), anh bới ra tập bản nháp viết tay và bắt đầu tiếp tục làm việc cho tới bản dịch cuối cùng. Những tác phẩm đó sau này được đăng trên Paris Review, cùng với một tấm ảnh của Anatole trong bộ đồ lính thủy. Từ lời tựa của anh: “Vào ngày 6 tháng Mười, 1879, con trai duy nhất của Mallarmé, qua đời khi mới tám tuổi sau một trận ốm kéo dài. Căn bệnh, được chẩn đoán là chứng thấp khớp trẻ em, đã từ từ lan rộng từ chi này sang chi kia và cuối cùng xâm chiếm hết toàn bộ cơ thể. Trong nhiều tháng Mallarmé và vợ ông đã tuyệt vọng ngồi cạnh giường của Anatole khi các bác sĩ thử nhiều phương thuốc và áp dụng các phương pháp chữa trị không thành công. Cậu bé đã được đưa khỏi thành phố về vùng nông thôn và quay lại thành phố. Ngày 22 tháng Tám, Mallarmé viết cho bạn mình là Henry Ronjon kể về ‘cuộc vật lộn giữa sự sống và cái chết mà đứa con yêu bé nhỏ tội nghiệp phải trải qua… Nhưng nỗi đau đớn thực sự là sinh linh bé nhỏ ấy có thể sẽ biến mất. Phải thú thực là điều ấy quá khủng khiếp đối với tôi; tôi không thể nào đối mặt với ý nghĩ ấy.’”
Chính là ý nghĩ ấy, A. nhận ra, đã buộc anh quay lại với những dòng viết này. Hành động dịch chúng ra không phải là một hoạt động văn chương. Đó là cách để anh giãi bày khoảnh khắc kinh hoàng của chính mình trong văn phòng bác sĩ mùa hè năm đó: chuyện ấy quá khủng khiếp đối với tôi, tôi không thể đối mặt với ý nghĩ ấy. Vì chỉ với khoảnh khắc ấy, sau này anh nhận ra, anh cuối cùng đã thức nhận toàn bộ ý nghĩa của tình phụ tử trong mình: cuộc đời của cậu bé có ý nghĩa lớn lao hơn cuộc đời của chính anh; nếu anh cần phải chết để cứu con mình, anh sẽ sẵn lòng chết. Và vì thế chỉ trong khoảnh khắc sợ hãi đó anh đã trở thành, một lần và mãi mãi, cha của con anh. Dịch bốn mươi hoặc xấp xỉ mảnh viết của Mallarmé có thể là điều chẳng có mấy ý nghĩa, nhưng trong tâm trí anh nó tương đương với việc đưa ra lời tạ ơn với sự sống của con trai mình. Một lời tạ ơn gửi tới cái gì? Có thể là không gì cả. Tới nhận thức của anh trước sự sống. Tới sự hư vô của thời hiện đại.
Con có thể,
với đôi bàn tay bé nhỏ,
kéo cha vào chung huyệt mộ
…con có quyền…
cha người theo con, cha để mặc mình bị cuốn theo
…nhưng nếu con muốn, cả hai chúng ta
thì hãy trở thành…
đồng minh, một vị thần, cao cả…
và phần đời còn lại của cha Cha sẽ dùng để…
không - không thể làm gì với những cái chết vĩ đại…
…chừng nào chúng ta còn sống, con sẽ sống…
trong chúng ta chỉ khi nào chúng ta chết thì nó mới chết…
và những tiếng chuông của Tử thần sẽ gióng lên vì con
cánh buồm hoa tiêu dòng sông, sự sống của con đi qua, trôi theo
Mặt trời lặn
và gió
giờ biến mất, và
gió của hư vô đang thổi (ở đây, sự hư vô của thời hiện đại)
cái chết – khẽ thầm thì - cha không là ai cả - cha thậm chí không biết mình là ai (với những kẻ chết mà không biết họ đã chết -, hay thậm chí họ không chết
…vì trẻ em
ít nhất
… hay
các anh hùng - đột ngột
chết
về mặt khác vẻ đẹp của cha được tạo nên từ những khoảnh khắc cuối cùngkhuôn mặt xinh đẹp sáng sủa – chắc hẳn là cha, mà không có chính cha…
Ồ! con hiểu rằng nếu cha bằng lòng sống – để dường như quên lãng con – đó chỉ là cách nuôi dưỡng nỗi đau - và vì thế sự lãng quên bề ngoài ấy
có thể khơi thêm
nhiều giọt nước mắt kinh hoàng vào
khoảnh khắc ngẫu nhiên, giữa cuộc đời này khi con xuất hiện trước cha…
tiếng than khóc thực sự trong căn phòng…
…không phải ở nghĩa trang – đồ đạc nhà mình…
chỉ để tìm thấy sự vắng mặt- trong hiện tại của những bộ quần áo nhỏ - vân vân…
…không – cha sẽ không từ bỏ
hư vô
người cha… cha
cảm thấy hư vô
xâm chiếm mình
* * *
Bình luận ngắn về từ “hào quang.”
Anh nghe từ này lần đầu trong mối liên hệ với con trai khi anh khoe hình cậu bé với một người bạn tốt, R., một nhà thơ Mỹ đã sống tám năm ở Amsterdam. Họ đi uống với nhau tại một quán bar tối hôm ấy, bị vây quanh bởi đám người chen chúc và âm nhạc ồn ào. A. lôi một tấm ảnh chụp lấy ngay khỏi ví của anh và đưa nó cho R., người bạn ngắm nghía tấm ảnh rất lâu. Rồi anh quay sang A., hơi say một chút, nói với một giọng chứa chan cảm xúc: “Nó có chung vần hào quang như Titus.”
Khoảng một năm sau, ngay sau cuốn “Lăng mộ cho Anatole” đăng trên Paris Review, A. tình cờ tới thăm R.
R. (lúc này đã cực kỳ yêu thích con trai A.) giải thích với A.: “Một chuyện phi thường đã xảy ra với tớ ngày hôm nay. Tớ đang ở trong một hiệu sách, lật qua nhiều tờ tạp chí, và tớ tình cờ mở tờ Paris Reviewtới trang có ảnh của con trai Mallarmé. Thoạt tiên tớ tưởng đó là con cậu. Nét giống nhau thật đáng giật mình đấy.”
A. nói: “Nhưng đó là bản dịch của tớ mà. Tớ là người yêu cầu họ sử dụng tấm ảnh ấy. Cậu không biết chuyện ấy à?”
Và rồi R. trả lời: “Tớ chưa kịp đọc đến đấy. Tớ quá ấn tượng vì tấm ảnh nên tớ phải gấp tờ tạp chí lại. Tớ trả nó lại giá và bước ra khỏi cửa hàng.”
* * *
Ông ngoại anh duy trì thêm được hai hoặc ba tuần nữa. A. quay lại căn hộ nhìn xuống bùng binh Columbus, con trai anh giờ đã qua cơn nguy hiểm, cuộc hôn nhân của anh giờ đã vĩnh viễn chấm dứt. Có thể nói đó là những ngày tồi tệ nhất đối với anh. Anh không thể làm việc, anh không thể nghĩ. Anh bắt đầu bỏ bê bản thân, chỉ ăn mấy món độc hại (bữa tối đông lạnh, pizza, mì Trung Quốc mang về), và để mặc căn hộ cho nó ra sao thì ra: quần áo bẩn dồn đống lại ở góc phòng ngủ, đĩa chưa rửa xếp đầy trong chậu. Nằm trên đi-văng, hút hết điếu này sang điếu khác, anh xem phim cũ trên ti-vi và đọc những cuốn sách li kỳ bí ẩn hạng hai. Anh không cố gắng liên lạc với người bạn nào. Người mà anh có gọi – cô gái anh gặp ở Paris khi anh mười tám tuổi – đã chuyển tới Colorado.
Một đêm nọ, chẳng vì lý do cụ thể nào, anh ra ngoài đi lang thang quanh khu dân cư không người ở West Fifties và bước vào một cái bar không mặc áo. Khi anh ngồi ở bàn uống một ly bia, anh đột nhiên thấy mình đang ngồi cạnh một phụ nữ trẻ khỏa thân đầy khêu gợi. Cô lén tới cạnh anh và bắt đầu diễn tất cả những chuyện dâm ô cô sẽ làm cho anh nếu anh chịu trả tiền dẫn cô “ra phòng sau.” Có một cái gì đó rất hài hước trắng trợn và thẳng thắn trong cách tiếp cận của cô khiến anh cuối cùng cũng đồng ý với đề nghị của cô. Cách tốt nhất, họ quyết định, là cô nên mút dương vật của anh, khi cô tuyên bố là có tài năng vượt bậc với thủ thuật ấy. Và thực thế, cô lao thân vào việc ấy với một sự hăng hái khiến anh khá khiếp hãi. Khi anh ra trong miệng cô một lát sau đó, với một cơn lũ tinh dịch tràn dồn dập và kéo dài, chợt thấy, ở ngay đúng khoảnh khắc ấy, điều không ngừng cồn cào trong anh: rằng có hàng triệu tinh trùng trong mỗi lần xuất tinh như vậy – hoặc đại khái là bằng số lượng con người trên thế giới – có nghĩa là, trong bản thân anh, mỗi con người lưu giữ tiềm năng cơ hội của toàn bộ thế giới. Và chuyện sẽ xảy ra, liệu nó có xảy ra, là một loạt đầy những khả thể: một lũ những đứa ngu xuẩn và thiên tài, xinh đẹp và dị tật, thánh thiện, rối loạn, ăn cắp, buôn bán chứng khoán, và nghệ sĩ đi dây. Vì thế, mỗi người là toàn bộ thế giới, mang trong mình mã gene của toàn bộ nhân loại. Hoặc, như Leibniz đã miêu tả: “Mỗi loại vật chất là một tấm gương sống động bất diệt của toàn vũ trụ.” Với thực tế là, chúng ta đều khởi nguồn từ chung một loại vật chất trở thành sự sống cùng với vụ nổ đầu tiên của ánh chớp đầu tiên trong sự trống rỗng mênh mông của không gian. Hoặc như anh tự nhủ, ở khoảnh khắc ấy, khi dương vật anh bùng nổ trong miệng của người phụ nữ trần truồng ấy, người mà tên giờ đây anh đã quên. Anh nghĩ: phân tử bé nhất. Và rồi, cho dù cuối cùng đã kiềm chế được, anh nghĩ về con tinh trùng tế vi lén lút tìm cách tranh đường thâm nhập vào cơ thể vợ anh, khoảng ba năm trước, để trở thành con trai anh.
***
Ngoài ra thì không gì khác. Anh tàn úa. Anh nhễ nhại trong hơi nóng mùa hè. Như Oblomov[16] thời hiện đại cuộn người trên đi-văng, anh không cử động trừ khi bắt buộc.
Có một chiếc ti-vi gắn cáp trong căn hộ của ông ngoại anh, với nhiều kênh truyền hình hơn mức A. từng biết. Mỗi lần anh bật nó lên cũng đều có một trận bóng chày đang diễn ra. Anh không chỉ có thể theo dõi đội Yankees và Mets của New York, mà còn cả đội Red Sox của Boston, Phillies của Philadelphia, và Braves của Atlanta. Chưa kể đến phần cộng thêm thỉnh thoảng lại được chiếu vào buổi chiều: các trận đấu thuộc những giải đấu lớn nhất Nhật Bản, chẳng hạn vậy (và sự hứng thú dành cho tiếng trống liên hồi trong suốt trận đấu của anh), hay, còn lạ lùng hơn, giải vô địch Tiểu liên đoàn từ Long Island. Vùi mình vào những trận đấu này cũng là cách để cảm nhận tâm trí anh tranh đấu để bước vào một vùng đất của cấu trúc nguyên sơ. Bất chấp sự hỗn loạn của sân đấu, bóng chày dâng bản thân nó cho anh như một hình ảnh không chuyển động, và vì thế cũng là một chốn mà tâm trí anh có thể nghỉ ngơi, an toàn trong chốn ẩn dật tránh xa khỏi sự bất ổn của thế giới.
Anh đã dành toàn bộ thời thơ ấu để chơi môn thể thao ấy. Từ những ngày xám xịt đầu tháng Ba cho đến những buổi chiều lạnh cóng tháng Mười. Anh đã chơi giỏi, với lòng đam mê gần như ám ảnh. Không chỉ vì nó cho anh cảm thấy những khả năng của riêng mình, thuyết phục anh rằng anh không hoàn toàn vô vọng trong mắt của những kẻ khác, mà còn là thứ kéo anh ra khỏi vòng kim cô đơn độc của thời kỳ đầu tuổi ấu thơ. Nó kết nạp anh vào thế giới của những kẻ khác, nhưng đồng thời cũng là thứ anh giữ lại được cho riêng mình. Bóng chày là chốn giàu tiềm năng cho mộng tưởng. Anh mơ mộng về nó liên tục, mặc lên mình bộ đồng phục của New York Giants và đường hoàng bước vào vị trí chặn chốt thứ ba trong sân Polo Grounds, với đám đông hò la điên cuồng khi người ta đọc tên anh trên loa. Ngày này qua ngày khác, anh từ trường về nhà và ném quả bóng lên những bậc thềm, vờ rằng mỗi cử động là một phần của trận đấu Liên cúp Thế giới đang hiện lên trong đầu. Lúc nào cũng đi tới tình huống một mất một còn, chỉ còn một chốt chặn, và đội Giants dẫn một điểm. Anh lúc nào cũng là người đập bóng cuối cùng ấy, và anh lúc nào cũng là người thực hiện cú chạy chốt quyết định chiến thắng.
Khi ngồi cho qua những ngày mùa hè đằng đẵng trong căn hộ của ông ngoại, anh bắt đầu thấy được sức mạnh của bóng chày với anh là sức mạnh của ký ức. Ký ức với cả hai nghĩa của từ ấy: như một chất xúc tác để nhớ lại đời mình và như một cấu trúc tự tạo để hệ thống hóa quá khứ. Chẳng hạn, năm 1960, năm Kennedy được bầu làm tổng thống; đồng thời cũng là năm A. được làm lễ Bar Mitzvah, năm mà anh được coi là bước vào thế giới đàn ông. Nhưng hình ảnh đầu tiên in đậm trong tâm trí anh là năm 1960 được đề cập là cú chạy chốt của Bill Mazeroski đánh bại đội Yankees trong Liên cúp Thế giới. Anh vẫn có thể thấy quả bóng bay vút qua hàng rào của sân Forbes – cái hàng rào cao, tối, treo chen chúc những con số màu trắng – và với việc hồi tưởng lại xúc cảm trong khoảnh khắc ấy, thứ khoái cảm đột ngột và dữ dội tức thời, anh có thể tái nhập vào quá khứ của chính mình, đứng trong một thế giới nếu không nhờ thế đã bị mất đi.
Anh đọc trong một cuốn sách: từ năm 1893 (năm trước khi ông nội anh được sinh ra), sau khi ụ phát bóng bị lùi lại mười thước, hình dáng của sân đấu không thay đổi gì nữa.
Sân bóng chày là một phần của ý thức. Hình dáng nguyên sơ của những đường kẻ trắng, cỏ xanh, và đất nâu cũng là một biểu tượng quen thuộc như những vì sao hay đường kẻ sọc. Tương phản lại với tất cả những điều khác trong đời sống Mỹ suốt thế kỷ này, bóng chày vẫn y như cũ. Ngoại trừ một vài thay đổi nhỏ (cỏ nhân tạo, chày được thiết kế tốt hơn), môn thể thao được chơi ngày nay thật không khác gì với môn thể thao mà Wee Willie Keeler hay Baltimore Orioles ngày xưa từng chơi: những chàng trai trẻ trong các tấm ảnh đã qua đời từ lâu, với bộ râu bẻ quặp và dáng đứng tựa anh hùng.
Chuyện xảy ra ngày nay chỉ là phiên bản có chút khác biệt so với chuyện xảy ra ngày hôm qua. Ngày hôm qua vọng lại ngày hôm nay, và ngày mai sẽ dự báo trước cho ngày tiếp theo. Quá khứ của bóng chày chuyên nghiệp vẫn ở nguyên đấy. Có bản ghi hình của mọi trận đấu, bảng biểu ghi lại từng cú đập, lỗi, và mỗi khi bóng về chốt. Người ta có thể đong đếm mức độ mạnh yếu, so sánh cầu thủ này với cầu thủ kia, đội này với đội khác, nói về những người đã chết như họ vẫn còn sống. Chơi bóng khi còn bé cũng đồng thời là để tưởng tượng về việc chơi bóng khi đã trưởng thành, và sức mạnh của sự tưởng tượng đó xuất hiện trong cả những trận đấu tình cờ thông thường nhất. Không biết bao nhiêu giờ đồng hồ trong suốt thời thơ ấu, A. tự hỏi, đã được tiêu tốn cho việc bắt chước tướng đập bóng của Stan Musial (chân chụm lại, gối chùng, lưng gù lại thành hình của một chiếc thước cong bằng kim loại) hoặc cách bắt bóng của Willie Mays? Theo một mối quan hệ tương hỗ, với những người lớn lên để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, họ luôn ý thức được rằng họ đang sống giấc mơ của thời thơ ấu – oách hơn, được trả tiền để tiếp tục làm trẻ con. Mà giới hạn của những giấc mơ thơ ấu ấy cũng không bị hạn chế. Trong chính tuổi thơ Do Thái của mình, A. vẫn nhớ sự bối rối trước những lời nói cuối cùng của Passover Seder, “Năm tới ở Jerusalem,” với điệp khúc lạc quan bất tận trước sự thất vọng của người hâm mộ, “Chờ tới năm sau đi,” như thể người này là lời dẫn giải cho người kia: cướp được cờ là bước chân vào miền đất hứa. Bóng chày dường như đã bị trói buộc vào đầu anh như một trải nghiệm tôn giáo vậy.
***
Ngay vào lúc ấy, khi A. chuẩn bị lún vào vũng lầy của bóng chày, thì Thurman Munson bị giết. A. ghi nhận được rằng Munson là đội trưởng Yankee đầu tiên từ sau Lou Gehrig, rằng bà của anh đã chết vì chứng bệnh của Lou Gehrig, và cái chết của ông anh sẽ tiếp nối sau cái chết của Munson.
Báo chí tràn ngập bài viết về người bắt bóng. A. luôn luôn ngưỡng mộ cách chơi bóng trên sân của Munson: cú đập bóng ăn một chớp nhoáng bên phải, cơ thể bè bè chậm chạp chạy quanh sân cỏ, sự nóng giận dường như nuốt chửng bản thân khi ông lo phần trách nhiệm của mình đằng sau tấm bảng. Bây giờ A. đã tiến sang việc tìm hiểu công việc của Munson với trẻ em và những khó khăn mà ông đã gặp với cậu con trai bị tăng động của chính mình. Mọi thứ dường như cứ lặp đi lặp lại chính mình. Thực tế là một chiếc hộp Trung Quốc, một chuỗi dài vô tận của hết lần hộp này tới lần hộp khác. Lại một lần nữa ở đây, không phải ở bất cứ nơi nào khác, chủ đề lại quay về: lời nguyền về người cha vắng mặt. Dường như chính Munson là người duy nhất có quyền năng dỗ yên cậu bé. Bất cứ khi nào ông ở nhà, cơn bùng nổ của cậu bé dừng lại, cơn cuồng điên của cậu giảm bớt. Munson đã học cách lái máy bay để có thể về nhà với con trai mình thường xuyên hơn trong các mùa bóng chày, và chính chiếc máy bay đó đã giết chết ông.
* * *
Rõ ràng là hồi ức của A. về bóng chày gắn liền với những kỷ niệm về ông ngoại. Ông ngoại đã đưa anh đến xem trận đấu đầu tiên, đã nói chuyện với anh về các cầu thủ ngày xưa, đã cho anh thấy rằng nói chuyện về bóng chày cũng thú vị như xem thi đấu. Thời còn bé, A. được đưa tới văn phòng trên đường Năm mươi bảy, bày trò chơi với các máy đánh chữ và máy làm tính cộng cho đến khi ông ngoại sẵn sàng lên đường, và sau đó cùng anh rảo bộ nhàn nhã xuống Broadway. Nghi thức luôn luôn bao gồm một vài lượt chơi Pokerino trong một khu giải trí, một bữa ăn trưa nhanh gọn, và sau đó lên tàu điện ngầm đến một trong các khu thi đấu của thành phố. Bây giờ, khi ông ngoại của anh đã tan biến trong cái chết, họ vẫn tiếp tục nói chuyện về bóng chày. Đó là một chủ đề họ vẫn có thể cùng hướng đến. Mỗi lần đến thăm bệnh viện, A. lại mua một tờ New York Post, và sau đó ngồi cạnh giường của ông cụ, đọc cho ông nghe về các trận đấu của ngày hôm trước. Đó là mối liên lạc cuối cùng của ông với thế giới bên ngoài, và nó chẳng hề đau đớn, một chuỗi các thuật ngữ ông có thể hiểu với đôi mắt nhắm nghiền. Bất cứ điều gì khác cũng có thể là quá mức.
Những ngày cuối, với giọng nói thều thào không thành tiếng, ông ngoại nói rằng ông đã bắt đầu nhớ lại về đời mình. Ông đã đào vét thời niên thiếu ở Toronto của mình, hồi tưởng các sự kiện đã xảy ra từ cách đó tám mươi năm trước: bảo vệ em trai mình chống lại một băng chuyên bắt nạt, giao bánh vào chiều thứ Sáu cho các gia đình Do Thái trong khu phố, tất cả những chuyện lặt vặt, đã bị lãng quên từ lâu, giờ trở lại với ông khi ông nằm bất động trên giường, trở nên rất đỗi quan trọng trong vầng hào quang của hồi ức. “Nằm ở đây giúp ông có cơ hội hồi tưởng,” ông nói với A., như thể có một nguồn năng lượng mới được ông phát hiện trong chính mình. A. có thể cảm nhận được khoái cảm mà nó mang lại cho ông. Dần dần, nó đã bắt đầu thống trị nỗi sợ hãi đã hiện hữu trên khuôn mặt của ông ngoại anh suốt mấy tuần qua. Ký ức là điều duy nhất giữ ông sống, và như thể ông trì hoãn việc chết càng lâu càng tốt để tiếp tục được hồi tưởng.
Ông biết, nhưng ông sẽ không nói là mình biết. Cho đến tuần cuối cùng, ông không ngừng nói về việc quay trở lại căn hộ của mình, và từ “chết” không lần nào được nhắc đến. Ngay cả vào ngày cuối cùng, ông chờ đợi cho đến khoảnh khắc tận cùng nhất mới nói lời tạm biệt. A. đang rời đi, bước đi qua ngưỡng cửa sau một buổi thăm nom, thì ông ngoại gọi anh quay trở lại. Thêm một lần nữa, A. đứng bên cạnh giường. Ông cụ nắm lấy bàn tay của anh và bóp chặt hết sức có thể. Rồi: một khoảnh khắc lâu thật lâu. Cuối cùng, A. cúi xuống và hôn lên khuôn mặt ông ngoại của mình. Không ai trong hai người nói lời nào.
* * *
A. nhớ một người chuyên lên kế hoạch, người tạo ra các khoản thỏa thuận, một người với lòng lạc quan kỳ quặc và phi thực tế. Còn ai khác có thể đặt tên con gái mình là Queenie với một khuôn mặt đầy tự tin? Vào ngày sinh của cô ông đã tuyên bố, “nó sẽ là một nữ hoàng,” và không thể kiềm chế được niềm phấn khích. Ông tuôn ra những lời khoác loác, những cử chỉ đầy ẩn ý, về việc sống một cuộc đời hội hè. Vô số trò đùa, vô số bạn thân, một trực giác về thời điểm không chê vào đâu được. Ông đánh bạc với bọn tháu cáy, lừa dối vợ mình (càng già thì bồ càng trẻ), và không bao giờ mất hứng thú với bất cứ phương diện nào. Những bài phát biểu của ông thì sang sảng mê ly. Một cái khăn không bao giờ chỉ là một cái khăn, mà phải là “một cái khăn Thổ Nhĩ Kỳ.” Một kẻ ghiền ma túy là bạn “con quỷ nghiện.” Ông không bao giờ nói “Tôi thấy…,” mà phải là, “Tôi có cơ hội được chứng kiến…”. Với những mánh lới ấy, ông xoay xở làm sao để thế giới hài lòng, để biến nó thành một chốn kỳ thú, quyến rũ hơn với bản thân. Ông chơi những trò khủng và ngấu nghiến thứ sản phẩm phụ của sự màu mè: tiếp viên trưởng gọi ông là ngài B., các cậu bé chuyển hàng cười tươi trước phần tiền thưởng hậu hĩnh, cả thế giới nhấc mũ lên trước ông. Ông đã chuyển từ Canada tới New York ngay sau chiến tranh thế giới thứ Nhất, một cậu bé Do Thái nghèo tìm kiếm cơ hội, và cuối cùng ông đã thu xếp được đâu vào đấy. New York là niềm đam mê của ông, và trong những năm cuối đời ông từ chối chuyển đi, gạt phăng lời đề nghị của con gái về một cuộc đời ở California đầy ánh nắng với những lời sau này trở thành lời từ chối nổi tiếng: “Cha không thể rời khỏi New York. Đây là nơi màn kịch diễn ra.”
A. vẫn nhớ một ngày khi anh năm hoặc sáu tuổi. Ông bà ngoại đến thăm, và ông anh đã làm một trò ảo thuật cho anh xem, một vật bé nhỏ nào đó ông tìm thấy trong cửa hàng đồ trang trí. Vào lần ghé thăm tiếp theo, khi ông không có màn biểu diễn mới nào, A. lên cơn hờn dỗi vì thất vọng. Từ đó, lúc nào cũng có một màn ảo thuật mới: các đồng xu biến mất, những chiếc khăn lụa bay ra từ không khí, một cỗ máy biến mảnh giấy trắng thành tiền, một quả bóng cao su to biến thành năm quả bóng cao su nhỏ khi bạn bóp chặt nó trong tay, một điếu thuốc bị dập trong một chiếc khăn tay mà không để lại vết cháy, một bình sữa đổ vào chiếc ống cuộn từ báo mà không hề bị chảy. Điều vốn khởi đầu chỉ là để mua vui cho cậu cháu ngoại đã trở thành một thứ nghề thực sự đối với ông. Ông biến bản thân mình thành một nhà ảo thuật nghiệp dư tài năng. Một nghệ sĩ với bàn tay biến hóa đầy thông minh, và ông có niềm tự hào đặc biệt khi giành được thẻ thành viên Hiệp hội Nhà ảo thuật. Ông có mặt tại mỗi bữa tiệc sinh nhật thời thơ ấu của A. với phép thuật và tiếp tục biểu diễn cho tới tận năm cuối đời, đi diễn tại các câu lạc bộ dành cho người già tại New York với một trong số các bà bạn gái của mình (và bà nhếch nhác với nùi tóc đỏ giả trên đầu) người thường hát một bài, tự đệm nhạc cho mình với chiếc đàn accordion, giới thiệu ông với cái tên Zavello Vĩ đại. Đó là một lẽ tự nhiên. Cuộc đời ông bị thổi phồng trong sự bịp bợm của ảo giác, ông đã giành được nhiều hợp đồng kinh doanh bằng việc dụ cho mọi người tin vào mình (thuyết phục họ rằng thứ vốn không tồn tại là có tồn tại, và ngược lại) thì chuyện bước lên sân khấu và lừa họ theo lối chính thống hơn chỉ còn là chuyện nhỏ. Ông có khả năng thu hút sự chú ý của mọi người, và tất cả những người thấy ông đều nhận ra rằng ông khoái chí với việc được trở thành trung tâm của mọi sự chú ý như thế nào. Không ai ít hoài nghi hơn một nhà ảo thuật. Ông biết, và tất cả mọi người biết, rằng mọi thứ ông làm là một trò giả vờ. Mấy mánh ấy không hẳn là để lừa đảo mọi người, mà để họ thấy sung sướng muốn bị lừa: vì thế tạo ra không gian mà mối buộc giữa nguyên nhân-hậu quả được nới lỏng trong vài phút, quy luật tự nhiên bị hủy bỏ. Như lời Pascal từng viết trong Pensées: “Chẳng thể có một tiền đề hợp lý nào để không tin vào phép thần kỳ.”
Ông của A., tuy vậy, không chỉ giới hạn mình trong riêng ảo thuật. Ông cũng mê nói bỡn, thứ mà ông gọi là “truyện kể”, không kém – tất cả chúng được viết ra trong một cuốn sổ tay mà ông luôn mang theo trong túi áo khoác. Vào một thời điểm nào đó trong tất cả các cuộc hội họp gia đình, ông lại lôi cuốn sổ tay ra, lật giở nhanh trong một góc phòng, bỏ nó lại vào túi, ngồi xuống một chiếc ghế, và rồi bắt đầu sa vào một tràng luyên thuyên chữ nghĩa kéo dài cả giờ. Ký ức ở đây cũng là những tiếng cười. Không phải, như với S., một tràng cười dội lên từ bụng, mà là một tràng cười gian nan vọng ra từ phổi, một vòng ngân nga dài dòng của âm thanh bắt đầu bằng tiếng khùng khục rồi phân tán, cuối cùng, nhạt dần nhạt dần thành tiếng hí hí nửa chừng. Đó cũng là cách mà A. thích nhớ về ông: ngồi trong ghế và làm cho mọi người cười.
Thế nhưng kỹ năng tuyệt vời nhất của ông ngoại anh, không phải là làm trò ảo thuật hay kể chuyện đùa, mà là một thứ trò ếm bùa không thể hiểu nổi khiến mọi thành viên trong gia đình bàn tán hết cả năm. Đó là một trò chơi có tên Pháp sư. Ông ngoại A. sẽ lôi ra một bộ bài, bảo tất cả mọi người chọn lấy một lá, lá nào cũng được, và giơ nó lên để tất cả mọi người cùng thấy. Năm cơ. Rồi ông tới chỗ chiếc điện thoại, quay số, đề nghị được nói chuyện với Pháp sư. Đúng rồi, tôi muốn nói chuyện với Pháp sư, ông sẽ nói vậy. Một khoảnh khắc sau ông chuyền cái ống nghe quanh bàn, và vọng ra từ cái loa sẽ là một giọng nói, một giọng đàn ông, nói đi nói lại: năm cơ, năm cơ, năm cơ. Rồi ông sẽ cảm ơn ngài Pháp sư, dập máy, và đứng đó cười toe toét với tất cả mọi người.
Nhiều năm sau, khi cuối cùng thì bí mật cũng được giải thích cho A. nghe, mọi chuyện hóa ra rất đơn giản. Ông ngoại anh và một người bạn thỏa thuận đóng vai Pháp sư cho người kia. Câu hỏi, Tôi có thể nói chuyện với Pháp sư không, trở thành một mật hiệu, và người đàn ông phía bên kia đầu dây sẽ bắt đầu đọc ra hết chất cờ: Pích, Cơ, Rô, Nhép. Khi ông đọc đúng, người gọi sẽ nói gì đó, gì cũng được, chỉ để báo đừng nói thêm nữa, và rồi Pháp sư sẽ đọc lần lượt các con số: Át, hai, ba, bốn, năm… Khi ông đọc đúng số ấy, người gọi lại nói gì đó, và vị Pháp sư sẽ dừng lại, ghép hai yếu tố ấy với nhau, và nhắc đi nhắc lại nó qua ống nói: năm cơ, năm cơ, năm cơ.