An ordinary man can... surround himself with two thousand books... and thenceforward have at least one place in the world in which it is possible to be happy.

Augustine Birrell

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7717 / 15
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 -
ai Nhi hậm hực bước nhanh ra khỏi phòng, cô bực dọc bước lên Honda phóng vút ra đường. Thái độ thản nhiên của Đình làm cô chán ngấy. Cũng có thể anh ta sợ cũng nên, chớ ai thấy lợi mà không ham...Nhi vọt xe qua khỏi ngã tư lúc nào không hay. Nhi sực tỉnh:
– Quái! Mình chạy đi đâu thế nầy Nhi tấp đại vào lề tính vòng xe lại thì đã nghe tiếng càu nhàu:
– Đẹp mà chạy ẩu quá!
Mai Nhi chẳng nhịn, cô “hứ” một tiếng rồi đáp lại:
– Thì đã sao nào?
Anh chàng chẳng trả lời cắm cúi đi tiếp. Nhi đưa mắt nhìn dọc đường phố tấp nập người qua. Cô chợt nghĩ:
“Sao không ghé nhà Tố Oanh xem cô nàng và ông thầy mình dạo nầy ra sao”.
Mai Nhi phải chờ khoảng năm, bảy phút mới thấy Oanh từ trong nhà đi ra.
Oanh mừng vô cùng khi thấy Nhi, cô cầm tay bạn vồ vập:
– Lâu quá không thấy mày ghé chơi!
Nhi cười hóm hỉnh:
– Tao cũng phải dè chừng thầy mình chứ! Đến hoài, ổng tưởng tao rủ ren gì cô vợ trẻ thì khổ.
Vừa nói, Mai Nhi vừa chăm chú nhìn Oanh:
– Thầy Sang nuôi vợ khéo quá! Càng lúc mày càng đẹp ra đấy Oanh ạ! Sao, con Tố Phượng có thường lên thăm mày không?
Oanh kéo ghế cho Nhi ngồi, rồi cười:
– Nó về quê ở miết luôn. Với lại, dạo nầy ba tao mất rồi, chỉ có hai mẹ con nên nó cũng ít lên đây.
Mai Nhi trầm ngâm:
– Lâu quá không gặp nó cũng nhớ. Nghĩ cũng lạ, hai chị em tụi bây rốt cuộc đứa một nơi, đứa một cuộc đời, một thân phận. Mày coi vậy mà sướng đó...Quên! Thầy tao đâu rồi? Tao phải thưa gởi đàng hoàng chứ?
Tố Oanh nói:
– Anh Sang không có ở nhà! Chiều nay trong trường họp hội đồng ra đề thi tốt nghiệp. Ảnh họp xong rồi chắc đi lai rai với học trò hay sao ấy, bỏ tao đi xe buýt về một mình.
Mai Nhi ngạc nhiên:
– Mày không có xe riêng à?
Oanh cười gượng:
– Anh ấy không muốn vì sợ tao bị tai nạn!
Nhi cười ranh mãnh:
– Chớ không phải thầy Sang sợ quản lý mày không nổi hả?
Oanh liếc Nhi rồi ra dấu chỉ vào nhà. Cô rủa bạn:
– Đồ quỷ! Có chồng rồi phải an phận thủ thừa chứ.
Nhi lắc đầu, cô giữ ý nói nhỏ hơn:
– Tao lại nghĩ khác. Người như mày ở lại thành phố một là để làm ăn, hai là nếu đã có tiền thì phải hưởng thụ. Chớ chuyện an phận như con gái quê chắc mày nói đùa.
Oanh im lặng. Nhi tò mò:
– Thầy Sang coi bộ đâu phải cù lần, ổng chịu chơi nhất trường mà!
Tố Oanh im lặng. Chồng cô chỉ có được lớp vỏ bề ngoài, nếu cô không là vợ anh có lẽ cô cũng tưởng thế. Oanh nói:
– Thì anh Sang lúc nào không là người chịu chơi nhất trường? Về nhà, anh ấy là một con người khác. Vào lớp, anh ấy là người khác mày ạ!
Mai Nhi cắc cớ:
– Bây giờ mày mới nhận ra điều đó à?
Oanh đắng cay:
– Có thức khuya mới biết đêm dài chớ mật.
Mai Nhi nhìn Oanh:
– Đi một vòng với tao cho thoải mái.
Tố Oanh ngần ngừ rồi đứng dậy, cô vào trong đem ra một lon nước ướp lạnh:
– Uống đi nhỏ! Chờ tao thay quần áo!
Bà Phan bệ vệ từ trong đi ra đưa mắt nhìn Nhi. Cô vội đứng dậy chào:
– Thưa...bác vẫn khỏe!
– Cám ơn! Cháu là bạn Oanh?
Nhi mỉm cười:
– Dạ, cháu cũng là học trò của thầy.
Giọng bà Phan có vẻ cởi mở hơn:
– Vậy sao! Bây giờ cháu làm ở đâu?
Mai Nhi e dè:
– Hồi mới ra trường, cháu về làm thủ kho ở xí nghiệp Y. Bây giờ cháu chuyển công tác chỗ khác rồi bác ạ.
Bà Phan có vẻ quan tâm:
– Con gái mà làm thủ kho chắc cực lắm! Thế xí nghiệp của cháu sản xuất thứ gì?
Mai Nhi lúng túng:
– Dạ, xí nghiệp sản xuất hàng nhựa. Kho cháu giữ chủ yếu là các loại hạt nhựa tổng hợp, hóa chất nhựa...
Bà Phan gật gù ra chiều hiểu biết:
– Những thứ đó có giá lắm đấy. Rồi bây giờ cháu sang làm ở đâu?
Nhi nói:
– Bây giờ cháu làm kế toán ở công ty Xuất nhập khẩu S.X ạ!
Bà Phan nhìn thấy Oanh đang trong nhà đi ra, bèn hỏi ra oai dù lúc nãy Oanh đã xin phép rồi:
– Hai đứa định đi đâu:
Nhi mau miệng:
– Dạ, con xin phép bác cho Oanh đi cùng đến thăm đứa bạn gái chung lớp mới sanh ạ!
Bà Phan tò mò một cách đố kỵ:
– Vậy à! Con trai hay con gái?
Nhi cười:
– Dạ, nó sanh con trai, nặng ba ký bảy lận đấy bác.
Bà Phan nhìn Oanh:
– Các cậu thời nay hình như chẳng ham con. Vợ chồng thằng Sang cũng vậy.
Lâu con ghê đi...Thôi con đi thăm bạn rồi về sớm!
Oanh ngồi sau lưng Nhi, khoan khoái nhìn thành phố buổi chiều. Oanh nói:
– Lâu lắm rồi tao mới được đi vòng vòng như dạo phố kiểu nầy.
Mai Nhi ngạc nhiên:
– Thật à! Ông Sang nhốt vợ kỹ dữ vậy?
Oanh chán nản:
– Tao bây giờ như chim trong lồng, vào trường cũng không bạn bè. Vì trong trường toàn người vai thầy, vai cô nói chuyện phải ý tứ, chiều chuộng, thưa gởi, đâu phải muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Ngay trong công tác cũng phải e dè, đợi ý, nghe lời chỉ bảo, vâng, dạ mãi đâm ra chán ngấy mà lương chẳng bao nhiêu. Hết giờ về nhà lại khép nép phụng mạng ông chồng cũng là ông thầy của mình, miết rồi không thấy đâu hạnh phúc.
– Vậy thì có đại đứa con đi cho đỡ buồn! Tao thấy coi bộ mẹ mạ thầy Sang ham có cháu lắm!
Oanh cười cười:
– Làm như muốn có con là được. Không dễ đâu!
Nhi quay lại:
– Vào ăn kem mày! Quán kem ở đây hấp dẫn lắm, nhất là món kem dừa.
Nhi kéo ghế ngồi xuống, cô nheo mắt:
– Oanh nầy! Tao thấy thường vợ chồng son sợ có con sớm mất vui, chớ ít ai sợ không có con...Mày nói vậy là sao? Bộ thầy tao tệ lắm hả?
Oanh không trả lời, cô trách Nhi:
– Mày bày đặt chuyện đi thăm để làm chi. Về nhà, thế nào bà mẹ chồng tao cũng than vắn thở dài chuyện cháu đích tôn nữa cho xem.
Nhi vuốt tóc:
– Thường mấy bà già nghe đi thăm người sanh đẻ chịu lắm. Nói vậy mày mới đi được yên thân. Mà sao, trả lời câu hỏi của tao đi chớ!
Oanh thở dài, cô chờ người phục vụ để kem xuống bàn rồi mới nói:
– Mày chưa có chồng, tao nói không biết mày thông cảm không...Nhưng số tao không sướng như mày tưởng đâu Nhi, dù bề ngoài ai cũng cho rằng tao hạnh phúc!
Mai Nhi nhìn Oanh, chiều nay cô trông rất mi-nhon khi mặc chiếc áo bằng ren hồng nhạt và chiếc quần tây xám. Nhi cố tìm ra trên gương mặt đẹp có cặp mắt sắc sảo nầy những điểm khác thời con gái, nhất là cái thời còn học chung với hai chị em Oanh hồi ở phổ thông trung học. Hồi ấy Nhi chơi với cả Oanh lẫn Phượng. Vào lớp, cô thân với Phượng ở khâu chăm học, siêng làm, nhưng cô thích đi rong nên cũng cặp kè với Oanh cúp tiết đi Suối Tiên, núi Bửu Long hay xuống Lái Thiêu vô vườn chôm chôm phá phách. Nhi biết tính Oanh rất quỷ quái nên dù Phượng không hề hé môi, cô cũng đoán chắc giữa Oanh và Sang phải có mối liên hệ mật thiết trước khi xảy ra câu chuyện trực đêm lý thú đó.
Bây giờ nghe Oanh than thở, Nhi vừa tội vừa tò mò, dù cô tìm không ra sự thay đổi nào của Oanh cả. Có chăng là một chút gì như chán chường nhẹ tựa khói sương len vào mắt Oanh khi cô ngồi xa vắng nghĩ ngợi, để bộc bạch nỗi lòng mình như lúc nầy đây.
Mai Nhi dịu dàng:
– Mà chuyện gì, nói tao nghe coi?
Oanh lưỡng lự rồi nói:
– Tao lấy chồng một người lớn hơn mình cả chục tuổi, đó là điều nhiều người cho là tốt, vì dù sao một con bé ham chơi như tao cũng sẽ được chồng chăm lo đầy đủ về mọi mặt vật chất lẫn tinh thần. Bản thân tao lúc ấy cũng nghĩ mình sẽ tìm thấy chỗ dựa thân tốt nhất. Thầy Sang được xem như thần tượng của các nữ sinh viên và cả giáo viên, làm vợ thầy thì không gì vinh dự bằng. Nói thật, để được làm vợ Sang, tao cũng thức nhiều đêm để suy nghĩ..... Nhi cười ngắt lời Oanh:
– Đêm vào trực thay Phượng là mục đích của mày? Mày đã cặp với ông Sang từ trước?
Oanh im lặng, gượng gạo thú nhận:
– Coi như tao sa bẫy mày ạ! Có ở chung mới thấy, thầy Sang của mày tính tình quá quắt. Ông ta là con cầu con tự mà, đã quen thói muốn gì được nấy, trời con một cõi rồi, nên đối với vợ, Sang cũng thế. Anh ấy rất yêu tao, yêu như kiểu giam lỏng vợ trong nhà, không muốn tao tiếp xúc với ai. Lúc đầu tao thích và ngu ngốc với ý nghĩa mình được chồng yêu quá đỗi. Mà mày biết hôn, anh Sang rất kỳ...
Mai Nhi trố mắt nhìn Oanh, cô hỏi:
– Kỳ cái gì?
Oanh đỏ mặt:
– Về chuyện ấy...anh ấy lúc nào cũng rất tích cực, nhưng vẫn không có con.
Nhi cũng mắc cỡ, cô nói lảng đi:
– Ôi! Từ từ rồi có con chứ gì mày lo! Tao tưởng ổng lại quơ quào học trò nữa chứ!
Oanh nửa đùa, nửa thật:
– Anh ấy còn phong độ như xưa đâu mà quơ với quào! Dạo nầy ảnh ốm lắm, bệnh kinh niên mày ạ!
Mai Nhi ngạc nhiên:
– Bệnh gì?
Oanh buông lời ngắn ngủn:
– Động kinh.
Mai Nhi trợn mắt nhìn Oanh.
– Thật sao?
Oanh nhún vai:
– Không lẽ tao bịa! Cả gia đình họ giấu, tao mới hận chứ! Anh Sang bệnh từ nhỏ, lâu lâu đuối sức lại lên cơn, làm sao có con được.
Mai Nhi thắc mắc:
– Lên cơn...là...thế nào?
Oanh ngừng ăn:
– À! Lúc ấy thì ngã lăn đùng ra đất, tay chân co giật, mắt trợn trắng mồm sôi bót mép.
Mai Nhi chắt lưỡi. Cô như đang tưởng tượng ra cái dáng thanh lịch, nghệ sĩ của thầy mình ra sao khi...lên cơn.
Oanh rầu rĩ:
– Tao nói thật, từ bé đến giờ tao ớn nhìn người khác bệnh lắm. Nhi à! Hồi tao còn ở nhà, ba tao bị suyễn kinh niên. Mỗi lần trở trời, ổng lên cơn kéo ò e tao sợ hết sức dầu tao rất thương ba tao. Bây giờ anh Sang bị chứng nầy, tao không biết phải nói sao.
Mai Nhi vừa nhấm nháp kem vừa nói:
– Vậy mỗi lần thầy Sang lên cơn, mày làm sao?
– Lần đầu thấy ảnh lên cơn, tao đâu có biết. Sợ quá trời, tao hét thất thanh. Ba mẹ ảnh chạy qua, đỡ lên giường, kềm tay chân nhỏ chanh vào mồm, từ từ bình thường trở lại.
Mai Nhi thở ra:
– Như vậy cũng đâu có gì đáng sợ.
Oanh gượng cười:
– Nghe kể thì có gì đâu phải sợ. Mày nhìn kìa mới đáng ghê...Nhất là lúc...
Nhi tròn mắt nhìn Oanh. Cô đợi nghe bạn mình nói tiếp nhưng Oanh lại im lặng. Cô đứng dậy bước ra quầy mua một điếu thuốc lá, cô mồi lửa xong trở về chỗ, chậm rãi phà từng ngụm khói.
Mai Nhi há hốc mồm nhìn Oanh:
– Thầy Sang tập cho mày hút à?
Oanh lắc đầu:
– Không! Anh ấy chỉ tạo cho tao thói quen xấu nầy thôi.
Mai Nhi nhăn mặt:
– Nhưng mà để làm gì cơ chứ?
Oanh búng tàn thuốc xuống đất, cô nhún vai:
– Để dịu bớt những căng thẳng, phiền muộn, bực bội, tởm lợm.
Rồi Oanh cười nửa miệng; – Giống như sau buổi cơm ăn với mắm, với cà, người ta cần một chút khói cay cay cho đỡ tanh miệng vậy mà! Tao hút thuốc đầu tiên để ngăn mình đừng phải mửa.
Nhi hỏi:
– Vì sao chứ?
Oanh lắc đầu rít thêm một hơi nữa rồi vứt điếu thuốc. Cô nhớ lại đêm ấy...
Hình như Oanh đã van xin Sang để cô ngủ nhưng anh không chịu. Anh đã uống rượu ở đâu ngà ngà rồi. Mà thường thì uống rượu về có bao giờ Sang ngủ ngay. Hôm ấy sức khỏe anh không được tốt, cô cố gắng dịu dàng dỗ anh ngủ, thế mà Sang đã lồng lên như quỷ dữ, anh dùng hết sức mình để vật cho bằng được cô xuống giường và tha hồ giày xéo cô một cách thô bạo. Giữa chừng, Sang bỗng rùng mình ói thốc ói tháo xuống mặt Oanh rồi giãy đành đạch lên cơn. Oanh khiếp đảm đẩy đại Sang xuống nệm, cô đứng phắt dậy chạy vào nhà tắm mở to rôbinê. Cô cũng ói thốc ói tháo bởi cái mùi tởm lợm kia.
Khi trở vào, Oanh vẫn thấy Sang úp mặt trên đống ói mửa của mình mà co giật. Cô chẳng kéo anh ra nổi thành ra đành phải la lên kêu cứu.
Ba và mẹ chồng Oanh chạy đến xoa bóp, làm ấm người Sang lại rồi đỡ anh qua phòng khác. Oanh ngồi chết trân trên ghế, cô không thể thắng được sự ghê tởm của bản thân mình để đến săn sóc, lo lắng cho Sang như những lần trước.
Cô tránh đôi mắt lạnh lùng chứa đầy sự oán trách của bà Phan. Bà làm sao biết những cảm giác khốn nạn mà cô vừa trải qua. Oanh ngồi nhìn những thứ gớm ghiếc còn lại trên chiếc giường ngủ trắng tinh...Cô muốn mửa nữa...Oanh tìm không ra chai dầu nước xanh là lại thấy gói thuốc lá nằm trên bàn. Cô đã ngăn cơn buồn nôn bằng những cơn ho sặc sụi, bằng khói thuốc lá cay khô cổ và bằng cả những cái nuốt xuống để buộc mình đừng khóc.
Mai Nhi nhìn Oanh:
– Thầy Sang biết mày hút thuốc lá không?
Oanh nói:
– Tới hôm nay chắc đã biết dù tao chưa phà khói thuốc trước mặt anh bao giờ.
Mai Nhi nghe xốn xang trong bụng. Cô ôn tồn hỏi thay vì khuyên:
– Như vậy để làm gì và có ích gì hở Oanh?
Oanh buồn buồn:
– Làm sao tao trả lời được cơ chứ, khi mày không phải là tao...Mà nầy! Nãy giờ mày hỏi nhiều quá rồi đó. Còn mày thì sao? Chỗ làm mới thế nào?
Nhi cười:
– Cả lương lẫn lậu một tuần chắc chắn phải hơn lương mày một tháng. Đó là chưa kể mánh mung chút chút kèm thêm nhe nhỏ!
Rồi Mai Nhi lại hỏi:
– Nầy! Sao hồi đó ông Sang không xin cho mày vào một nơi nào mà phải xin giữ lại trường nhỉ? Làm ở đó thầy chẳng phải thầy mà trò cũng chẳng phải trò, dở dở ương ương như mày thật khó trong cách cư xử mà lương lại không bao nhiêu.
Oanh im lặng nghe Nhi nói tiếp:
– Cùng ra trường một lượt với bọn mình, tụi nó giờ đỡ lắm. Đứa tệ nhất đứng bán trong các hợp tác xã lương cũng còn hơn mày. Số còn lại là thủ kho, bọn nầy to hơn thủ trưởng là cái chắc. Rồi nhiều đứa làm chủ nhiệm hợp tác xã, học đại học tại chức để làm kế toán trưởng trong các công ty đối ngoại xuất nhập khẩu. Ôi! Tụi nó lên Dream, xuống Cúp là chuyện bình.
Oanh cười gượng:
– Mày có thua gì bọn nó đâu! Con bé Phượng nhà tao cũng thế. Làm ra tiền bỏ túi riêng sắm xe, cơm nhà ba má tao lo. Khỏe ra!
Mai Nhi nghiêm mặt:
– Oanh nầy! Thật sự mày với thầy Sang ra sao?
Oanh ngập ngừng:
– Không hạnh phúc. Thiếu tự do. Tiền cũng hơi “hẻo”.
Nhi nhìn bạn:
– Chuyện hạnh phúc hay không tao không lo được. Nhưng nếu mày muốn, tao có thể tìm cho mày chỗ làm ngon lành đúng với chuyên môn. Không thì lại phí đi công học mấy năm mà lại ngồi bàn làm văn thư, tối ngày chỉ đi trình giấy cho người ta ký tên rồi mang về đóng dấu. Trong khi chữ ký của mày có thể làm ra tiền nếu ngồi ở một chỗ khác.
Oanh nhìn ngoài phố, người người nhộn nhịp đông vui, các cặp tình nhân nắm tay nhau thong thả dạo bước. Có những cô gái nhỉ nhảnh cầm kem cây vừa đi với bồ vừa ăn, họ hồn nhiên và trẻ trung đến thế. Oanh chợt tiếc thời con gái ngắn ngủi của mình. Cô đã vội vã lấy chồng lúc cô còn quá trẻ, giờ mới hai mươi lăm tuổi đời đã thấy ê chề trước cái hạnh phúc mong manh đỗ vỡ rồi.
Oanh đứng dậy:
– Về thôi Nhi! Chuyện đó để tao sẽ tìm mày sau!
Nhi gật đầu. Hai cô bước ra quán. Oanh nghe loáng thoáng giọng ca trầm trầm bài hát của Trịnh Công Sơn.. “Người nằm xuống, nghe tiếng ru...
Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ”.
Oanh nhắm mắt tựa cằm vào Mai Nhi:
– Ừ! Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.
Khoảng Đời Lấp Lửng Khoảng Đời Lấp Lửng - Trần Thị Bảo Châu