I know every book of mine by its smell, and I have but to put my nose between the pages to be reminded of all sorts of things.

George Robert Gissing

 
 
 
 
 
Tác giả: Alfred Hitchcock
Thể loại: Kinh Dị
Dịch giả: Đài Lan
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1821 / 26
Cập nhật: 2015-08-18 14:38:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cầu Thủy Tinh
húng tôi đang nói về những vụ sát nhân không giải thích được, bá tước de Hirsch, trung úy Olivier Baynes, thuộc cảnh sát liên bang, và tôi. Thực ra chỉ mình de Hirsch nói còn Baynes và tôi chỉ được phép nghe thôi. Qua một loạt suy luận xuất sắc, tay người Hungary có các mũi hình mỏ đại bàng này lý giải nửa chục vụ án khét tiếng nhất vẫn còn nằm trong hồ sơ cảnh sát với chú thích “dở dang”.
De Hirsch có khi rất đáng ghét. Anh ta vô cùng tự tin, Tất đề cao trí thông minh của chính mình, và không giấu diếm gì việc này. Tôi luôn muốn hỏi anh ta xem tại sao một người đàn ông đa tài như anh lại đi giày cần sửa chữa và mặc quần áo cần được khâu vá. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ hỏi thế.
Olivier Baynes bắt đầu bực mình. Baynes thấp người, vạm vỡ, nước da đỏ gay. Anh ta nói chuyện chậm chạp và không có đặc điểm gì nổi bật. Nhưng anh ta là một cảnh sát giỏi - một trong những người giỏi nhất.
Anh ta uống hết ly - đang là tháng tám và chiều hôm đó trời rất nóng - rồi vừa đưa tay lấy một lon bia mới vừa nhìn về hướng tôi.
- Sao anh không thử nhờ anh bạn của ta đây giải quyết vụ bí ẩn “cô tống tiền tóc vàng” của ta? - Baynes vừa nói vừa che giấu sự mỉa mai trong câu hỏi này bằng một bộ mặt thản nhiên.
De Hirsch ngưng nói. Hai con mắt đen sáng lên, mũi phập phồng.
- Vụ bí ẩn “cô tống tiền tóc vàng” à? - Bá tước de Hirsch hỏi bằng giọng điệu nhẹ nhàng lịch sự.
Baynes mở lon bia, bọt tràn ra đầy tay áo.
- Cô nàng tên là Marianne Montrose. Ngày 13 tháng hai vừa qua, giữa ba và bốn giờ chiều, cô ấy đã bước qua hai mươi ba bậc thềm phủ đầy tuyết dẫn lên một ngôi nhà xây trên đỉnh đồi, cách đây khoảng năm chục cây số. Cô ấy không bao giờ trở ra nữa.
Baynes rót bia vào ly, húp sột sột bọt bia tràn ra.
- Ít lâu sau, - Baynes nói tiếp - chúng tôi lục soát cả ngôi nhà. Không thấy dấu vết gì. Không manh mối nào cho biết cô ấy rời nhà bằng cách nào. Ngoài ra, chủ nhà, là người duy nhất sống trong nhà, lại bị bệnh tim: mọi nỗ lực nhỏ đều có thể gây tử vong. Dấu chân cô ấy được in trên lớp tuyết phủ bậc thềm cầu thang và dẫn vào nhà. Người ta đã nhìn thấy cô ấy vào, nhưng cô ấy lại không có trong nhà. Cô ấy đã vào để không bao giờ trở ra nữa. Anh hãy thử cho chúng tôi biết chuyện gì xảy ra.
De Hirsch nhìn chằm chằm Baynes.
- Anh cứ trình bày mọi sự việc cho tôi nghe, - de Hirsch nói - rồi tôi sẽ nói cho anh biết.
Anh ta đã không nói: “Tôi sẽ thử nghĩ”.
- Để tôi lấy hồ sơ - Tôi bực mình nói - Cuối cùng ta sẽ biết được sự thật. Và tôi sẽ viết được bài báo mới.
Baynes nhâm nhi ly bia, không nói gì, dường như đang ngủ gật. De Hirsch tự rót thêm một ly rượu đầy. Tôi bước lại tủ, lấy hồ sơ Marianne Montrose ra. Hồ sơ khá đầy đủ. Tôi viết bài tường thuật các vụ án có thật cho những tờ tạp chí được ưa thích, và tôi lưu giữ các ghi chép chi tiết về mọi vụ án mà tôi viết. Tôi đã viết vụ này với dấu chấm hỏi lớn: “Chuyện gì đã xảy ra với nàng Marianne Montrose xinh đẹp?”
- Anh muốn bắt đầu từ đâu? - Tôi hỏi - Đây là lời khai của cậu Danny Gresham. Cậu ấy là người cuối cùng nói chuyện với Marianne trước khi cô ấy vào nhà, rồi bốc hơi mất.
De Hirsch đẩy tờ giấy đánh máy ra.
- Đọc cho tôi nghe đi. - De Hirsch nhã nhặn nói.
Lỗ mũi của Olivier Baynes phát ra một tiếng động có thể tưởng là tiếng cười. Tôi trừng mắt nhìn Baynes rồi bắt đầu đọc.
Ngày 3 tháng Hai. Theo lời khai cửa Danny Gresham, 19 tuổi.
Tôi đang ở văn phòng tòa báo Weekly Sentinel, đang đọc các bản in thử. Lúc ấy ba giờ rưỡi. Nhiệt độ bên ngoài khoảng 12 hay 13 độ dưới không. Trời đẹp và khô ráo. Tôi đang nghĩ đến việc gọi điện thoại cho bạn gái, là Dolly Hansome, để rủ cô ấy đi trượt tuyết. Tuyết rất đẹp, với lớp vỏ băng đá phủ trên một lớp bột mịn như cát. Đúng lúc đó có một chiếc xe mui trần sang trọng đến đậu bên lề đường.
Một người phụ nữ ngồi tay lái. Cô ấy trông giống Dolly Hansome, nhưng cao lớn hơn, phụ nữ hơn. Cô ấy có mái tóc vàng dài và xoăn, đội mũ đỏ và mặc bộ đồ trượt tuyết cũng màu đỏ. Cô ấy bước xuống xe, đứng một hồi nhìn về hướng thung lũng rồi đi về hướng ngọn đồi. Nhà ông Hyllier, nhà văn viết truyện trinh thám, xây trên ngọn đồi ấy. Ông Hyllier đặt tên ngôi nhà là l’Eyrie, nghĩa là tổ. Tên này rất phù hợp, vì nhà như trèo trên đỉnh đồi.
Thoạt nhìn, địa điểm có vẻ không thích hợp cho một người đàn ông cô độc bị bệnh tim. Vào mùa hè, còn một con đường ngoằn ngoèo đầy khúc quẹo dẫn đến sân hiên phía sau nhà, nhưng đến mùa đông, dịch vụ công chánh chỉ dọn tuyết con đường đến chân cầu thang.
Điều này có nghĩa rằng ông Hillyer không bao giờ ra khỏi nhà sau những trận tuyết rơi to đầu tiên, và ông cũng không cần. Vào mùa thu, ông mua về mười hai ngàn lít dầu fuel và một kho dự trữ đồ hộp, thế là ông đã sẵn sàng đối phó. Hằng ngày, bà Hoff lên đó dọn dẹp và nấu ăn. Bà ấy không sợ hai mươi bốn bậc thềm, Sam, em chồng bà ấy cũng vậy. Chính Sam có nhiệm vụ dọn tuyết cầu thang và sân hiên hướng bắc.
Ông Hillyer thích cô lập. Ông không tìm cách giao thiệp với đồng loại. Ông là người cao, thanh mảnh, có gương mặt dài cay dắng, ăn nói rất xẵng, ông đã viết mười hai quyển tiểu thuyết trinh thám và giữ nhiều bài báo nói về công lao của chính ông. Ông đặc biệt rất tự hào về những bài báo hâm mộ cách lên tình tiết ly kỳ rất tài tình của ông.
Tuy nhiên, ông đã không viết sách từ năm năm nay. Tôi nghĩ ông nản lòng vì sách ông chưa bao giờ thật sự bán chạy.
Vâng, tôi nói trở lại về người phụ nữ đây.
Cô ấy nhìn ngôi nhà, rơi quay đi và bước vào văn phòng. Tôi chạy ra để đón cô ấy. Cô ấy mỉm cười chào tôi. Giọng cô ấy trầm và khàn. Cô ấy hỏi tôi có phải là tổng biên tập không. Tôi trả lời tôi là phó. Rồi cô ấy xin phép dùng điện thoại. Tôi trả lời là được và đưa máy cho cô ấy. Cô ấy xin số của Mark Hillyer. Tôi buộc phải nghe những gì cô ấy nói thôi. Dĩ nhiên là tôi nhớ những gì cô ấy đã nói. Cô ấy đã nói bằng một giọng rất khác:
“A-lô, anh Mark à? Em Marianne đây. Em gọi điện thoại từ dưới làng. Em hy vọng anh đang chờ em. Mười phút nữa em sẽ có mặt trên đó”.
Cô ấy gác máy rồi nói bằng một giọng gợi cảm.
- Mark Hillyer không thích tôi - Cô ấy nói - Anh ấy là một người cực kỳ thông minh. Anh sẽ giết tôi nếu có thể làm được mà không bị trừng phạt. Nhưng đây là một câu chuyện khác. Dù sao, nếu một tiếng nữa không thấy tôi về, thì anh sẽ báo cảnh sát nhé? Tôi sẽ ghé qua văn phòng anh để cho anh biết rằng mọi việc ổn.
Cô ấy ban cho tôi một nụ cười và dĩ nhiên tôi trả lời cô ấy là cô có thể tin tôi, tôi sẽ gởi công an đi tìm cô ngay. Tôi cảm thấy kích động; chuyện ấy giống y như một cảnh trích từ một tiểu thuyết trinh thám của ông Hillyer. Dĩ nhiên tôi có cảm giác cô ấy không nói nghiêm túc. Nhưng tôi vẫn cứ lao ra cửa sổ để nhìn cô ấy ra đi.
Cô ấy nổ máy rồi một phút sau, tôi nhìn thấy xe của cô ấy rẽ vào con đường ngoằn ngoèo dẫn đến biệt thự l’Eyrie của ông Hillyer. Phía dưới, trên đoạn dốc, có một đám trẻ con đang vui đùa với thanh trượt, xe trượt và mấy cái khay bằng nhôm. Trẻ con chơi vui lắm. Tôi có ý định gọi Dolly đến để chơi... Nhưng tôi không còn ham muốn như trước nữa. Sau một khúc quẹo cuối cùng, tôi nhìn thấy chiếc xe mui trần đỗ ngay dưới chân cầu thang - xe quét tuyết chỉ dọn đến đó thôi. Cô gái đậu xe, rồi tiến hành leo các bậc thềm. Tôi thấy cô ấy đến trước cửa nhà. Cánh cửa mở ra. Cô ấy vào, rồi cánh cửa khép lại phía sau cô ấy.
Suốt buổi chiều còn lại, tôi vừa làm việc vừa theo dõi nhà ông Hillyer. Đêm xuống. Cô ấy không trở ra.
Hết lời khai của Danny Gresham.
Tôi ngước mắt nhìn de Hirsch. Anh ta ngả lưng trên ghế, đầu tựa vào lưng ghế và như mải mê ngắm trần nhà.
- Lời mở đầu khá thú vị đối với một vụ sát nhân - de Hirsch vừa nói vừa tự cao nhìn tôi - Tạm thời, tôi chỉ có thể đưa ra những kết luận hoàn toàn không chính xác. Xin anh đọc tiếp đi.
Tôi đọc:
Ngày 14 tháng Hai. Lời khai của cảnh sát Harvey Redman.
Hôm qua, lúc khoảng năm giờ rưỡi chiều, cậu Danny Gresham đã chạy ào vào văn phòng tôi. Cậu ấy tuyên bố rằng một phụ nữ trẻ đẹp đã đi gặp ông Hillyer và rất có thể đang bị nguy hiểm. Thoạt đầu, tôi tưởng cậu ấy tưởng tượng ra chuyện, nhưng cậu trình bày sự việc và tôi quyết định đi xem xét kỹ hơn. Khi viết tiểu thuyết trinh thám tài tình như thế, thì có lẽ người ta dễ dàng chuyển từ lý thuyết sang thực hành.
Tôi lấy vài cái đèn pin, rồi ra đi bằng chiếc xe cũ của tôi. Chúng tôi đến nhà Hillyer vào khoảng sáu giờ. Thật vậy, chiếc xe mui trần của cô Montrose vẫn đậu bên đường. Rồi Danny chỉ cho tôi dấu chân phụ nữ trên các bậc thềm phủ tuyết.
Dấu chân đang đi lên bậc thềm.
Không có dấu chân nào đi xuống.
Vậy ta có cớ để khẳng định rằng cô ấy vẫn còn đó.
Chúng tôi leo lên, thận trọng không đi gần các dấu chân, rồi gõ cửa. Ông Hillyer, nét mặt ngạc nhiên, mời chúng tôi vào nhà. Tôi kể lại cho ông ấy nghe những gì người phụ nữ trẻ đã nói với cậu Danny rồi hỏi cô Montrose đang ở đâu. Ông Hillyer phá lên cười.
- E rằng cô Montrose đã lừa các anh - Ông nói - Cô ấy rời nhà tôi khi trời mới tối, cách đây khoảng một tiếng.
- Thưa ông Hillyer, - Tôi nói - có dấu chân dẫn vào nhà ông. Không có dấu chân đi ra. Ngoài ra, xe vẫn còn đó.
- Lạ quá! - Ông Hillyer nói nhưng có vẻ như đang cười.
- Tôi cũng nghĩ vậy - Tôi trả lời - Chính vì vậy mà tôi muốn hỏi ông xem người phụ nữ đó đang ở đâu.
- Làm sao tôi biết được! - Ông đáp và nhìn thẳng vào mắt tôi - Anh cảnh sát ơi, tôi sẽ nói thật với anh: người phụ nữ đó tống tiền tôi. Hôm nay cô ấy đến nhận, một khoản cống là một ngàn đô-la mà cô ấy trích của tôi. Tôi nộp tiền cho cô ấy. Sau đó cô ấy ra đi. Tôi chỉ biết bấy nhiêu thôi. Tôi muốn anh lục soát căn nhà này thật kỹ để xem có manh mối nào về sự hiện diện của cô ấy, hay về một hành động mà tôi đã thực hiện đối với cô ấy. Tôi yêu cầu làm sáng tỏ vụ này.
Danny và tôi đã lục soát ngôi nhà. Ông Hillyer ngồi bên đống lửa trong phòng làm việc hút ông điếu chờ chúng tôi.
Ngôi nhà không khó thám hiểm. Nhà chỉ gồm sáu phòng, tất cả đều cùng một tầng. Không có tầng hầm, không có tầng mái. Máy sưởi trung tâm nằm trong một phòng nhỏ. Nền nhà bằng xi măng. Tường nhà hai lớp cách ly bằng một vách có sưởi.
Cô gái không có trong nhà. Thậm chí không có gì cho phép khẳng định rằng cô ấy từng bước chân vào đây. Không có dấu vết đánh nhau chông cự, không có vết máu nào.
Danny và tôi bước ra khỏi nhà. Xung quanh nhà, lớp tuyết trắng tinh còn nguyên vẹn. Sân hiên bắc được dọn sạch bằng xẻng, nhưng gió đã thổi một lớp tuyết mịn, trên đó không thấy dấu vết nào.
Danny đã thử lớp vỏ, nó vỡ ra ngay. Không ai có thể bước trên lớp tuyết này mà không để lại dấu vết. Và nếu thử làm, thì ông Hillyer đã bị cơn đau tim rồi.
Chúng tôi xem xét nhà xe, lục soát xe, đặc biệt là cốp xe, mà không thấy dấu vết gì của người phụ nữ trẻ. Dường như cô Montrose đã ra đi thật.
- Các anh đã tin rằng tôi không giấu cô ấy chưa? Vậy thì tôi rất vui - Hillyer cười khúc khích - Bất chấp câu chuyện mà cô ấy đã kể cho cậu Danny, bất chấp dấu chân đi vào nhà mà không đi ra, bất chấp chiếc xe của cô ấy đậu ở dưới, rõ ràng tôi không thể nào giết chết và giấu xác cô ấy - dĩ nhiên là trừ phi tôi có một cây cầu thủy tinh để chở cô ấy phía trên tuyết.
- Tồi không hiểu ý anh!
- Kìa anh cảnh sát ơi, anh cũng đọc các truyện trinh thám cổ điển mà. Một trong những truyện danh tiếng nhất kể về một người đàn ông bị giết bằng con dao gam bằng thủy tinh. Kẻ sát nhân vứt vũ khí vào một cái bình nước. Dao găm đã nằm trong đó một cách tàng hình và không ai tìm thấy được. Có thể tôi đã giết cô Montrose rồi mang xác cô ấy đi bằng một cây cầu thủy tinh tàng hình. Một giả thiết khác: có đĩa bay đến sát mặt đất rồi bắt cô ấy đi: không ai thấy cũng không ai biết. Mà càng nghĩ, tôi càng cho rằng đó giải đáp thật sự.
- Tôi thấy ông không nghiêm túc lắm, ông Hillyer à - Tôi nói - Riêng tôi không nghĩ như ông, và tôi sẽ kêu gọi đến cảnh sát liên bang.
Và tôi đã làm đúng như vậy. Để họ tìm xem cô gái kia biến đi đâu. Hiện tôi còn rất nhiều việc khác phải làm.
Hết lời khai của cảnh sát Harvey Redman.
* * * * *
Cổ họng tôi bị khô. Tôi ngưng đọc và rót bia. De Hirsch mở mắt ra.
- Đầy đủ một cách xuất sắc - De Hirsch tử tế nói - Anh là điều tra viên rất giỏi, nhưng anh thiếu đầu óc tưởng tượng. Tôi đoán chính anh đã tiếp tục vụ này, phải không trung úy? - De Hirsch quay sang Baynes nói.
- Đúng, - Baynes lầm bầm - nhưng trước đó các cảnh sát viên Reynolds và Rivkin đã đáp yêu cầu anh cảnh sát Redman. Họ đã tiến hành lục soát lại. Kết quả cũng như thế. Khi đó, người ta giao vụ này cho tôi. Tôi thừa hưởng tất cả những khó khăn. Ngày hôm sau tôi ra quân ngay. Nhưng hỏi cung Hillyer cũng y như hỏi chú mèo xem nó đã làm gì chú chim hoàng yến. Ông ấy nói về vụ này dưới góc độ tống tiền và tuyên bố rằng ông ấy đã phạm một sai lầm cách đây rất nhiều năm. Cô Montrose biết chuyện. Từ đó, ông ấy nộp cho cô ấy một niên kim là một ngàn đô-la. Mỗi năm, khi đi qua vùng này, cô ấy lại báo ông Hillyer biết trước một hai ngày, và Hillyer chuẩn bị tiền mặt cho cô ấy.
Tôi đã liên hệ với New York. Đúng là cô ấy thuộc một băng tống tiền. Vậy có lẽ câu chuyện này là thật. Tôi cũng đã liên hệ với ngân hàng địa phương. Đúng là người ta đã chuyển cho ông Hillyer một ngàn đô-la, ba ngày trước đó. Tôi đã khám xét vùng xung quanh nhà và nhận thấy những gì anh cảnh sát Redman và các thanh tra khác nói là. Một lớp tuyết cứng, nhưng không đủ chắc để chịu trọng lượng của một người. Cả thanh trượt tuyết cũng để lại dấu vết. Cầu tuột thì có thể là không.
Nhưng rất tiếc, trong nhà không có gì trông giống cầu tuột, thanh trượt hay xe con để trượt. Sáng hôm đó bà Hoff đã làm tổng vệ sinh. Bà xuống cả nhà xe để lấy đồ. Thế nào bà cũng phải nhìn thấy một vật to lớn như cái cầu tuột. Bà thề thốt rằng bà chưa bao giờ nghe thấy một câu chuyện điên rồ như thế. Ngoài ra. Hillyer không thể đặt giao một cầu tuột qua điện thoại: nếu có người ta phải giao trước đó hai ba tuần, nhưng người ta chỉ giao có thức ăn và thư từ. Tôi đã kiểm tra việc này.
Biết nghĩ ra cách nào khác bây giờ? Cô gái phải biến đi một chỗ nào đó chứ! Tôi cho bốn viên cảnh sát trượt tuyết chạy khắp vùng xung quanh. Họ đã lục soát một vùng bán kính bốn trăm mét, không bỏ sót vài khe vực và hố; không tìm thấy dấu vết gì. Rồi tuyết lại rơi và tôi phải cho ngừng cuộc tìm kiếm.
Hillyer mừng rỡ. Ông ta vui sướng trả lời phỏng vân và cho nhà báo chụp hình. Ông ký tặng sách cho các nhà báo. Tự nhiên ông như trẻ lại mười tuổi; ông vui chơi như một đứa trẻ con.
Ông nêu ra một đống giả thiết hoang đường về vụ bí ẩn, nêu một ông Charles Fort nào đó từng viết một quyển sách về những vụ mất tích bí ẩn. Ông nói về sự phân rã tự phát, về không gian cong, về vụ bắt bởi những con người xanh lục nhỏ bé đến từ đĩa bay. Ông chưa bao giờ chơi đùa vui như thế.
Cuối cùng chúng tôi đành phải xếp hồ sơ vụ này vào loại không giải quyết được. Tất cả những gì biết được, chúng tôi đã biết ngay từ đầu: một người phụ nữ trẻ đã leo lên các bậc thang để bước vào nhà rồi biến mất. Chỉ cần chờ các sự kiện tiếp diễn. Rồi đến tháng sáu...
Olivier Baynes ngưng một chút để uống hết ly bia.
De Hirsch gật gù cái đầu.
- Rồi vào tháng sáu, người ta tìm thấy cái xác. - De Hirsch nói.
Baynes nhìn de Hirsch hơi ngạc nhiên.
- Đúng - Baynes nói - Đến tháng sáu, nàng Marianne trở thành một loại bí ẩn khác. Anh hiểu chứ?
Nhưng de Hirsch đưa tay lên.
- Cứ để anh Bob đọc cho chúng tôi nghe chuyện này - De Hirsch gợi ý - Tôi tin chắc anh ấy đã viết lại rất hay và đầy kịch tính. Đôi khi tôi rất thích đọc văn anh ấy.
Tôi đọc:
Ngày 3 tháng Sáu. Theo lời khai của Willy Johnson, 11 tuổi, và Ferdie Pulver, 10 tuổi.
Hai thằng bé dừng bên một bờ ao xanh thẳm rộng không đầy chín mét.
Hai thằng bé đang ở trong một chỗ trũng dài và sâu với những vách gần như thẳng đứng cao đến mười lăm mét. Chỗ trũng đó chạy dài khoảng một trăm mét, kết thúc là một mặt bằng đá có một cái thác nhỏ đổ xuống một cái máng tự nhiên, và chảy thành cái ao ngay dưới chân hai thằng bé. Phần tràn đầy ao lại chảy vào một khe đá nhỏ hẹp, đủ rộng để một cậu bé lọt qua, nhưng quá chập hẹp đối với một người lớn.
Hai thằng bé đi chân không, giày cầm trên tay, và nước lạnh ngắt. Nhưng hai thằng bé mải mê quan sát thế giới nhỏ bé bí mật ở vịnh nước và hầu như không để ý đến nhiệt độ nước.
- Ồ! - Ferdie reo lên - Tuyệt quá. Ta đi rủ cả bọn đến đây chơi hải tặc đi, há?
Willy khịt mũi:
- Hải tặc! Thôi đi! Câu cá vui hơn. Này, ném lưỡi câu đi.
Cậu bé xỏ một con trùn giãy giụa vào lưỡi câu, rồi quăng xuống ao. Mặt nước nhăn đi, lưỡi câu chìm xuống. Cậu bé chờ ba mươi giây, rồi nóng lòng giật cần câu lên.
- Ồ! - Willy reo lên - Trúng được gì rồi... Xui quá! Lưỡi câu bị mắc kẹt.
Cậu bé kéo mạnh hơn. Cần câu cong từ từ, như bị một trọng lượng chết kéo đi. Ferdie không hề chú ý đến chuyện này. Ferdie đang nhìn phía trên cao, nơi có một cái gì đó trắng trắng tòng teng ở tán lá xanh bạc của cây liễu.
- Cái đó là cái gì vậy? - Ferdie hoảng hốt hỏi - Willy, cậu có nghĩ đó là con ma không?
Willy không thèm ngước mắt lên. Cậu đang hổn hển kéo cần câu.
- Làm gì có chuyện đó! Chắc là tớ móc câu phải cành cây hay cái gì đó.
Một vật tối và đỏ xuất hiện lên mặt nước, gây nên một chỗ nước xoáy chậm. Rồi cái khối đó lật lại và một gương mặt tái mét hình trái xoan xuất hiện, xung quanh là một hào quang tóc vàng gợn sóng trong nước như còn sống.
- Ê! - Willy la lên - Người chết! Nhanh Ferdie, đi thôi!
Phía sau lưng, trong khi tiếng la hét của hai cậu bé vang đi xa xa, gương mặt tái xanh và mái tóc vàng như lưỡng lự một hồi, rồi lại chìm xuống nước sâu lặng để trở về chỗ cũ...
* * * * *
Olivier Baynes kể tiếp trong khi de Hirsch uống hết chai rượu.
- Cha mẹ của Willy đã gọi anh cảnh sát khu vực và anh ấy gọi tôi. Hai tiếng sau, khoảng nửa chục cảnh sát chúng tôi đến nhà ông Mark Hillyer. Cách tiện lợi duy nhất đi xuống cái vịnh đó mà không leo trèo là đi qua đất nhà Hillyer. Hillyer tỏ ra rất tử tế lịch sự và khi chúng tôi tiết lộ mục đích chuyên đi, ông chĩ tỏ ra quan tâm thôi.
- Nếu các anh tìm ra cô ấy, - Hillyer nói - xin các anh hãy nhìn kỹ trong túi áo bộ đồ trượt tuyết của cô ấy. Cô ấy cầm một ngàn đô-la khi ra khỏi nhà tôi và tôi rất muốn lấy lại.
Chúng tôi đến được vịnh qua một địa hình rất gồ ghề. Chúng tôi phải dùng dây thừng để xuống. Rồi chúng tôi ném móc. Hai mươi phút sau, chúng tôi lôi được xác lên mặt nước. Khi nhìn thấy, Danny Gresham, cũng đi theo chúng tôi, thốt lên.
- Đúng cô ấy! Nhưng làm sao cô ấy lại ở xa nhà thế? Chẳng lẽ cô ấy bay đi!
Xác cô ấy vẫn còn nguyên vẹn - nước ao gần như lạnh như đá. Trong túi áo cô ấy có một ngàn đôla. Chúng tôi lại ném mấy cái móc và lấy lên được mũ và một chiếc găng tay. Tôi để mọi người tiếp tục tìm kiếm và đi thám hiểm quanh vịnh. Ngoài vài chai bia không và hộp đồ hộp sét rỉ, tôi hoàn toàn không tìm thấy thêm gì nữa.
Chúng tôi lục soát ao suốt cả ngày. Tôi vẫn cứ hy vọng sẽ tìm thấy một cầu tuột hay một cái gì đó đại loại như vậy. Hoài công. Chúng tôi tìm thấy xác chết cách nhà bốn trăm mét và không có manh mối gì về cách mà xác đến được nơi này.
Tôi cho mang xác về giải phẫu pháp y. Cô ấy chết vì lạnh cóng. Bao tử trống rỗng. Cô ấy đã chết bao nhiêu giờ sau khi ăn? Không thể nào biết được. Không thấy dấu thuốc độc trong các mô.
Olivier Baynes thách thức nhìn de Hirsch.
- Đấy - Baynes nói - bây giờ anh đã biết tất cả về vụ án cô gái tóc vàng tống tiền. Chúng tôi xin nghe lời giải thích của anh. Nhớ đừng nói về sự phân rã tự phát, về không gian cong, về cầu thủy tinh hay về đĩa bay nhé!
Anh bạn người Hungary của tôi chắp các đầu ngón tay lại với nhau.
- Tôi không thể giải thích, - De Hirsch nói trong khi nét đắc thắng hiện trên mặt Baynes - nếu không nói đến cầu thủy tinh, đĩa bay và đặc biệt là tấm vải liệm.
Trung úy Baynes ra vẻ gớm ghiếc.
- Biết ngay mà. Anh cứ giải thích với chúng tôi bằng những chuyện tào lao như thế rồi thừa nhận rằng anh không biết chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ kia!
- Không thể được, - De Hirsch bắt bẻ với thái độ tử tế - bởi vì anh biết không, tôi biết điều gì đã xảy ra với cô ấy. Nghĩa là tôi sẽ biết khi anh chỉnh lại một điểm quên sót trong câu chuyện của anh!
- Điểm quên sót nào? - Baynes hỏi.
- Vật màu trắng mà Ferdie Pulver tưởng nhầm là ma. - De Hirsch nói.
- Chỉ là một tấm dra giường cũ bị mắc vào cành cây liễu. Tấm dra có mang dấu tiệm giặt của Hillyer. Theo Hillyer, có lẽ tấm dra bị gió cuốn đi mùa xuân trước, khi phơi trên sợi dây. Các chuyên gia đã xem xét gần như từng sợi vải một. Chỉ là một tấm dra trải giường cũ.
- Không phải tấm dra trải giường, - De Hirsch nhã nhặn chỉnh - mà tấm vải liệm. Chính xác điều mà tôi đang nói - cầu thủy tinh, đĩa bay, tấm vải liệm. Các anh không hiểu sao? Hillyer quá tự cao về trí thông minh hơn người của ông ấy, nên đã nói sự thật! Ông ấy đã cung cấp cho các anh mọi manh mối. Ít nhất là đã cung cấp cho cảnh sát Redman: các manh mối đều nằm trong lời khai của anh cảnh sát Redman. Hillyer đã giết chết Marianne Montrose, đã bắt cóc cô ấy bằng cái đĩa bay hoặc qua chiếc cầu thủy tinh để cô ấy vào sự vĩnh hằng!
Baynes cắn môi dưới. Baynes nhìn de Hirsch với vẻ mặt không hiểu và tôi cũng làm y như thế. Đó chính là tình huống mà de Hirsch khoái chí nhất - khi anh ta có thể làm cho người khác hoàn toàn không hiểu gì bằng những lời giải thích!
Baynes từ từ đút tay vào túi, lấy bóp tiền ra. Từ bóp tiền, Baynes rút ra một tờ hai mươi đô la.
- Tôi cá hai mươi đô la rằng anh sẽ kể cho chúng tôi nghe những chuyện tào lao y như Hillyer. - Baynes trịnh trọng nói.
Ánh mắt de Hirsch sáng lên. Nhưng rồi de Hirsch thở dài và lắc đầu.
- Không được, - De Hirsch nói - hai ta đều là khách của một người bạn rất thân. Tôi sẽ thật không phải nếu lấy tiền của anh vì một câu hỏi đơn giản như thế này.
Baynes nghiến răng. Baynes rút thêm hai tờ bạc mới.
- Năm mươi đô-la rằng anh không biết gì hơn chúng tôi! - Baynes ngắt lời.
De Hirsch quay cặp mắt đen sang nhìn tôi. Tôi vội ước tính số tiền mà tôi sẽ lãnh về truyện ngắn trinh thám có thật mới viết, rồi rút quyển ngân phiếu ra.
- Tôi xin cá một trăm đô-la rằng anh không thể cung cấp lời giải cho chúng tôi. - Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ấy và tuyên bố.
Tôi biết rằng anh bạn người Hungary của tôi không có một trăm đô-la, mà cũng không có năm chục đôla, và thậm chí có khi đến năm đô-la cũng không có.
Bá tước de Hirsch đứng dậy.
- Với tư cách một nhà quý tộc, - De Hirsch nói - tôi không thể nói khác. Tuy nhiên tôi sẽ cần đến một cái kẹp phơi đồ...
Baynes khép lại cái miệng đang há ra. Còn miệng tôi, đang kín, thì lại há ra.
- Trong ngăn kéo bên trái, dưới bồn rửa chén, trong nhà bếp - Tôi nói - Chị Ruggle, chị giúp việc nhà, chắc là cất trong đó...
De Hirsch đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi phòng khách, trong khi đi rút ra khỏi túi một cái khăn tay trắng tinh bằng vải. Và một cây viết máy.
Tôi nhìn Baynes. Baynes cũng nhìn lại tôi. Không ai nói tiếng nào. De Hirsch đã đi được năm phút. Tôi nghe tiếng mở ngăn kéo. Rồi tôi nghe tiếng động khẽ... Có thể là cánh cửa tủ lạnh mở ra. Chẳng bao lâu de Hirsch quay trở ra, ngồi xuống. De Hirsch lại mở một chai rượu mới mà tôi vừa mới mang ra, sau khi buồn bã nhìn chai rượu không.
- Sẽ mất vài phút - De Hirsch tử tế nói - Trong khi chờ, ta có thể nói chuyện. Các anh nghĩ sao về tình hình chính trị?
- Mặc kệ tình hình chính trị - Baynes càu nhàu - Hay hơn là anh nói cho chúng tôi biết Hillyer đã giết cô gái kia như thế nào.
De Hirsch vỗ trán.
- Quên hỏi anh! - De Hirsch thốt lên - Hillyer có bị chứng mất ngủ không?
Bavnes nhíu mày.
- Có - Baynes trả lời - Báo cáo của bác sĩ ông ấy có ghi điều này... nhưng mà...
- Dĩ nhiên là tôi đã giả thiết điều này, - De Hirsch ngắt lời - nhưng dĩ nhiên là không nên giả thiết bao giờ. Xem nào, anh trung úy ơi, Hillyer đã giết cô ấy bằng cách cho thuốc ngủ vào nước uống. Khi cô ấy ngất rồi, Hillyer mang cô ấy chôn vào tuyết sâu ở vịnh Harrison. Ở đó cơ thể cô ấy đã kịp bài tiết chất thuốc ngủ. Cô ấy tỉnh lại khi đã bị cóng lạnh. Suốt một hồi, cũng may là ngắn ngủi, cô ấy đã giãy giụa chống lại cái vỏ chắc như thép bọc quanh mình. Rồi giấc ngủ dịu dàng đưa cô ấy xuống cầu thang tối tăm dài thòn dẫn đến cái chết.
- Rất văn vẻ - Baynes càu nhàu - Nhưng anh chưa nói được gì cho chúng tôi biết cả. Cô ấy không hề bị sợi dây gì trói buộc. Cô ấy không bị dấu vết nào. Có thể ông ấy đã dùng thuốc ngủ để mê cô ấy. Tôi cũng đã nghĩ đến. Rồi sao nữa?
Bá tước de Hirsch phải mất rất lâu mới chịu trả lời.
- Anh Bob này, - De Hirsch quay sang tôi nói - anh có nghĩ rằng từ này Mark Hillyer đã rút ra được như một dạng nhỏ của sự bất tử không? Rằng ông ấy cuối cùng đã đạt được sự danh tiếng mà ông ấy đã luôn hoài công tìm kiếm?
- Tất nhiên - Tôi nói - Đã có cuộc thảo luận sôi nổi: ông ấy có giết hay không giết cô ấy? Làm thế nào cô ấy đã đến được cái vịnh kia? Đây là một vụ bí ẩn khó chịu y như bí ẩn xung quanh cái chết của nàng Dorothy Arnold danh tiếng. Một trăm năm nữa, tên tuổi Hillyer vẫn sẽ xuất hiện trong các quyển sách, và các nhà trí thức thế kỷ này vẫn sẽ còn bàn luận về sự vô tội hay có tội của ông ấy. Như anh Baynes đã nói, Hillyer đang rất thịnh hành. Cuốn sách sắp đến của ông sẽ ra nhanh chóng và tất cả những quyển sách cũ đã được tái bản. Đúng là ông ấy danh tiếng, và ông ấy vẫn sẽ tiếng tăm khi mà vụ bí ẩn chưa giải được. Thật ra, mất càng nhiều thời gian để giải vụ bí ẩn, thì ông ấy sẽ càng có tiếng hơn. Y tên Jack Mổ Bụng.
- Đúng, - De Hirsch nói - và ngay khi tìm ra được lời giải của vụ này, thì từ tiếng tăm, ông sẽ trở thành bỉ ổi - một tay giết người tầm thường. Một sai lầm kinh khủng đối với một kẻ mắc chứng hoang tưởng tự đại như ông ấy. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ rằng ta đã có thể thảo luận về vụ bí ẩn cầu thủy tinh, đĩa bay và tấm vải liệm.... Có cùng một điểm chung với nhau: là tàn hình.
De Hirsch đứng dậy, bước xuống bếp. Tôi lại nghe tiếng tủ lạnh mở ra, đóng lại. De Hirsch quay trở ra, cầm một cái gì đó để cân bằng trên tay. Vật ấy được phủ một cái khăn để chúng tôi không thấy. De Hirsch đặt vật ấy xuống mặt bàn bóng láng.
- Bây giờ, - De Hirsch nói bằng một giọng đột nhiên rõ ràng và uy nghi - ta hãy quay trở lại hồi tháng hai vừa qua. Buổi chiều trời lạnh. Mark Hillyer đang tức giận đứng bên cửa sổ chờ kẻ tống tiền tóc dài. Dưới mắt ông, bọn trẻ đang vui đùa trên tuyết. Và đột nhiên sáng kiến nảy ra trong đầu ông ấy, hoàn thiện như nữ thần Minerve chui ra từ đầu óc của thần Jupiter. Với sự may mắn tối thiểu, Hillyer có thể loại bỏ cô tống tiền. Nếu thất bại: thì dù sao ông ấy vẫn bệnh nặng và tự bào chữa rằng ông ấy bị dồn đến bước đường cùng. Nếu ông thành công: thật là thích thú khi được thấy cả thế giới ngốc nghếch lăng xăng cố giải vụ bí ẩn mà chính tay ông đã tạo ra!
Hillyer bắt tay vào việc ngay. Ông ấy lấy một tấm dra trải giường cũ: tấm dra lớn nhất mà ông có, rồi trải thẳng trên những tấm đan sân hiên hướng bắc. Vài phút sau, cô Montrose đến. Hai người nói chuyện, ông mời cô một ly thức uống chứa một liều thuốc ngủ mạnh. Hai mươi phút sau, cô ấy ngủ say như chết.
Hillyer cho cô ấy trượt từ ghế xuống một tấm thảm nhỏ. Các anh thấy không, không có cố sức nhiều, không phải làm gì gây mệt tim.
Hillyer lôi tấm thảm ra sân hiên hướng bắc. Tại đó, ông ấy đẩy người phụ nữ trẻ đang ngủ sang tấm dra trải giường. Ông sắp xếp cho cô ấy nằm co ro ngay giữa...
Bằng động tác đầy kịch tính, de Hirsch rút tấm khăn phủ vật để trên bàn ra. Chúng tôi nhìn thấy cái khăn tay bằng vải. Có một cái gì đó đặt ở giữa khăn tay - một cái kẹp phơi đồ có vẽ hai con mắt nhỏ và cái miệng, như một người phụ nữ thu nhỏ và tỷ lệ khăn tay tượng trưng cho tấm dra trải giường.
Muốn nhìn thấy con búp bê-kẹp phơi đồ, tôi phải nhấc một góc khăn lên. Bởi vì mỗi góc khăn đều đã được gấp vào giữa, che phủ búp bê, giống như chiếc phong bì. Còn chính cái khăn tay thì cứng đờ.
Khi đó chúng tôi hiểu ra de Hirsch đã làm gì. De Hirsch đã phun nước lên khăn tay, rồi bỏ vào ngăn đá tủ lạnh. Giống như đồ giặt phơi trên dây vào một ngày mùa đông, chiếc khăn tay đã trở nên cứng như gỗ. Bên trong, bị nhốt vào nếp gấp khăn, là cái kẹp phơi đồ tượng trưng cho xác người phụ nữ. Tổng thể chỉ là một cái gói rất gọn chiếm vài centimet vuông. Nếu là một tấm dra giường thật, với người phụ nữ nằm co ro ở giữa, thì tất cả có cạnh rộng không quá một mét.
Baynes và tôi cuối cùng hiểu ra những gì Mark Hillyer đã làm. Ông ấy đã tưới nước một tấm dra giường to vào một ngày rất lạnh. Ông đã cho người phụ nữ nằm co ro tội nghiệp kia vào giữa, gấp bốn góc dra phủ lên cô ấy. Trời lạnh đã biến tấm dra thành một cái hộp cứng như gỗ. Trong vài phút, Marianne Montrose đang thiếp ngủ đã bị nhốt vào một tấm vải liệm băng giá, chắc như dây thép. Rồi ông cho trượt cái vật rộng và dẹp kia từ sân hiên đến lớp tuyết cứng. Do trọng lượng được phân bổ trên một diện tích rộng, nên không để lại dấu vết gì. Trái lại, tấm dra trượt theo dốc, tăng tốc, lắc lư trên những chỗ gồ ghề, để cuối cùng băng qua vực hẻm bên bờ vịnh và chìm sâu vào đống tuyết tích lũy dưới tác động của gió thổi.
Để minh họa, de Hirsch búng cái khăn đóng đá, khiến nó trượt trên mặt bàn thẳng, rồi rơi vào sọt giấy, biến mất xuống đống giấy nhàu.
- Đĩa bay - De Hirsch kêu - Trong lời khai, Danny Gresham có nêu rõ những cái chậu nhôm kiểu mới của bọn trẻ đang chơi trên tuyết. Đó là những cái dĩa bằng nhôm trẻ con dùng để ngồi lên và trượt dốc rất nhanh. Chúng trượt trên mặt tuyết, hầu như không chạm vào. Đó chính là những cái đĩa bay mà Hillyer đã thấy, và nhờ vậy nảy ra ý kia.
Cầu thủy tinh đã có sẵn - một lớp đá mỏng dính phủ trên tuyết từ nhà de Hirsch đến vịnh Harrison.
Cái đĩa bay làm bằng một tấm dra giường tưới nước rồi phơi ra ngoài trời lạnh, và trở thành ngôi mộ cho người phụ nữ trẻ; chỉ gần gấp bốn cạnh lại. Băng giá làm hết việc còn lại.
Cái đĩa bay tự chế ấy đã trượt xuống dốc, xoay trên chính mình. Nó cứ trượt và không dừng lại được. Nó băng qua vực hẻm, nhào xuống vịnh. Một vật trang trên tuyết trắng. Tất cả vô hình. Chỉ cần gió thổi bay vài cơn lốc tuyết, thế là không còn gì. Muốn tìm thấy, hầu như phải giẫm lên đó. Khả năng rất thấp.
Đấy! Chỉ cần một tấm dra giường cũ ướt kết hợp với hiệu quả tự nhiên của mùa đông để tạo ra vụ bí ẩn khó hiểu, khó lý giải nhất. Một người phụ nữ đã được vận chuyển đi bốn trăm mét bằng một cách thức như phép lạ. Một bệnh nhân đã thực hiện vụ sát nhân gần hoàn hảo.
- Tên khốn! - Baynes phẫn nộ - Dám tiết lộ ngay vào mặt tôi cách thức đã làm mà khiến tôi tưởng rằng hắn đang kể chuyện tào lao! Có lẽ người phụ nữ đó và tấm dra giường đã bị treo lơ lửng trên cây cho đến mùa xuân. Khi tuyết tan, xác rơi xuống và bị con suối cuốn đến ao mà không để lại dấu vết, manh mối gì - chỉ một tấm dra trải giường cũ! Ta sẽ không bao giờ có chứng cớ.
- Có thể, - De Hirsch nói - nhưng ta cứ để cho hắn biết rằng vụ bí ẩn của hắn không còn gì bí ẩn nữa và đến năm 2000, hắn sẽ trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà hình sự học. Tôi sẽ viết cho hắn một bức thư.
De Hirsch bước về phòng làm việc của tôi và suốt nửa tiếng, chúng tôi nghe anh ấy đánh máy chữ. De Hirsch gửi qua bưu điện lá thư ngay chiều hôm đó. Sáng hôm sau, Mark Hillyer nhận thư. Tôi không biết nội dung bức thư, nhưng được Olivier Baynes mô tả cách ông ta nhận thư, theo lời tường thuật của bà giúp việc.
Khi nhân viên phát thư đến, thì bà Hoff đang làm vệ sinh trong phòng làm việc. Bà mang thư đến cho Hillyer đang ngồi ngoài sân hiên làm việc vì trời nóng quá. Hillyer vừa mới liếc qua bức thư thì mặt tái xanh ngay. Và càng đọc, má ông càng đỏ lên không bình thường. Ông vừa lật sang trang thứ nhì, thì ông xé nát thư ra ném vào gạt tàn thuốc. Hillyer bật que diêm bằng đôi tay run đến nỗi khó khăn lắm mới châm được lửa vào đống giấy vụn.
Không nén nổi cơn giận, Hillyer lại chụp lấy cái gạt tàn, ném xuống đất. Suốt một hồi, Hillyer đứng nhìn chằm chằm vịnh Harrison, tay co giật, mở ra nắm lại.
Rồi ông bắt đầu không thở được, quay lại tìm chỗ vịn, nhưng ông ngã sụp xuống trước khi kịp đến cái ghế. Hai tay quíu lấy ngực và cổ, Hillyer hổn hển:
- Thuốc... Thuốc!
Thuốc trợ tim của ông lại không có trong tủ thuốc, mà để trên tủ kê đầu giường.
Bà Hoff phải mất hai ba phút để tìm ra thuốc. Khi bà vội vàng quay trở về, thì Hillyer đã chết rồi.
Thú thật, kết cục này gây cho tôi ấn tượng rất khó chịu. Nhưng de Hirsch tiếp nhận tin này hết sức bình tĩnh.
- Utovegre! - De Hirsch nói.
Có nghĩa rằng cái chết ấy tương đương với lời thú tội!
Robert Arthur
Kẻ Tự Giết Chính Mình Kẻ Tự Giết Chính Mình - Alfred Hitchcock Kẻ Tự Giết Chính Mình