Never get tired of doing little things for others. Sometimes those little things occupy the biggest part of their hearts.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2187 / 23
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 -
rừ lúc bận bịu phải phụ má Tiên Sa đều đặn tới nhà ngoại để luyện thi trung học. Thắm thoát đầu tháng bảy. Hiểu rằng không còn nhiều thời giờ cho nhau nên ngoài việc học hai đứa quấn quít không rời. Hai đứa cũng không đi đâu xa ngoài khu rừng mù u hoặc ngôi nhà sau của ngoại mà hai đứa đặt tên là Nhà Chúng Mình. Tình cảm của hai đứa cũng theo nỗi say mê âm nhạc và thi văn làm đầy tâm hồn. làm chín thương nhớ. làm cháy ngùn ngụt đam mê. Tiên Sa cũng không còn mắc cở và giữ gìn cẩn thận như lúc trước. Nàng sung sướng đón nhận tình yêu như là một ân sủng hiếm quý mà trời ban cho mình. Chỉ khi nào Hoài quá ư nồng nhiệt nàng mới ôn nhu khuyên bảo và dịu dàng từ khước. Sự ôn thuận và dịu dàng của nàng khiến cho Hoài thêm kính phục và thương yêu nàng nhiều hơn nữa.
Trung tuần tháng tám hai đứa sửa soạn lên đường. Hoài cũng không có gì bận rộn lắm. Anh chỉ có cái valy nhỏ đựng ba bộ quần áo, mấy cuốn tiểu thuyết và đồ dùng lặt vặt. Anh cho Tiên Sa hết sách học của mình vì nàng cần dùng nó nhiều hơn. Đêm cuối cùng hai đứa ngồi bên nhau trên thân cây dừa cạnh con rạch nhỏ trước nhà của Tiên Sa. Hai đứa không nói với nhau nhiều như thường lệ. Hai đứa cũng ít hôn nhau. Chỉ có sự im lặng và cái nắm tay không rời.
- Hoài nhớ viết thư cho Tiên Sa nha...
- Ừ... Hoài sẽ viết cho Tiên Sa mỗi ngày một lá thư... Tiên Sa nhớ tập đàn nha...
- Đừng... Như thế Hoài còn thì giờ đâu mà học... Tiên Sa cũng sẽ viết thư cho Hoài... Muốn lên Sài Gòn chơi với Hoài mà chắc không có tiền. Má than lúc này mắc mỏ lắm... Cái gì cũng mắc hết trơn nhất là việc học của Tiên Sa...
Hoài thở dài biết mình không thể giúp được Tiên Sa. Anh là cậu học trò mười sáu tuổi còn ăn bám gia đình.
- Thôi để khi nào có tiền Hoài sẽ xuống Bến Tre thăm Tiên Sa. Mà Tiên Sa có chịu chứa Hoài không?
- Chịu... Tiên Sa sẽ nhường giường cho Hoài ngủ, cơm cho Hoài ăn...
- Rồi Tiên Sa ngủ ở đâu?
- Tiên Sa trải chiếu ngủ dưới đất...
- Tiên Sa ráng học nghe chưa. Tiên Sa mà thi đậu trung học thời nghỉ hè về Hoài sẽ có thưởng cho Tiên Sa...
- Thưởng gì?
Tiên Sa quay mặt. Hoài nhìn thấy ánh mắt long lanh mà u ẩn. Khuôn mặt hồn nhiên nhưng thấp thoáng lo nghĩ. Nụ cười trong sáng. ngây thơ song lại phảng phất buồn rầu.
- Đậu trung học rồi Tiên Sa có định học tú tài không?
- Tiên Sa muốn nhưng chỉ sợ má không có tiền cho Tiên Sa lên Mỹ Tho hay Sài Gòn học...
- Tiên Sa lên Sài Gòn ở nhà Hoài đâu có tốn nhiều tiền. Chỉ lo cơm ăn, sách vở và quần áo thôi... Nhà rộng lắm... Má cho mấy anh bạn của anh của Hoài ở đông lắm...
Hoài từ từ kể cho Tiên Sa nghe về cuộc sống của mình ở Sài Gòn.
- Nếu Tiên Sa có ý lên Sài Gòn thời anh sẽ thưa với má...
- Mình còn một năm nữa mà... Từ từ Tiên Sa sẽ năn nỉ má...
Sáng sớm má Tiên Sa và ngoại bơi xuồng đưa hai đứa lên Châu Thới rồi đón xe về Bến Tre. Ngồi cạnh nhau trên chiếc xe lôi cọc cạch Hoài nhìn khung cảnh hai bên đường. Dường như có cái gì đổi khác mà trong lúc vội vàng và bận tâm về sự chia tay với Tiên Sa anh không nhận ra. Tiếng súng chợt nổ lên khiến cho Tiên Sa sợ hãi nắm chặt tay người bạn tình. Có chút gì biến động trong không khí yên bình. Xuống xe lôi ở Lương Qưới hai đứa đứng chờ xe lên Bến Tre. Ngồi cạnh nhau trong băng ghế chật Tiên Sa nắm tay Hoài thật chặt. Nàng biết phút chia tay sắp tới. Xe qua Cầu Đúc. Mỹ Lồng. Tâm hồn cô học trò trường Phan Thanh Giản như gãy theo từng đoạn đường gồ ghề. Xe dừng nơi Kinh Giẹt Sậy. Lòng cô gái làng Châu Bình như nước lao đao. Hình như có giọt nước mắt nhỏ xuống dòng kinh đục ngầu. Xe tới cầu Gò Đàn. Cầu Cá Lóc. Khuôn mặt hồn nhiên và tươi vui của Tiên Sa héo như những cánh hoa mù u mà Hoài đã cài lên mái tóc của nàng. Xe vòng theo bờ hồ. Đôi môi của Tiên Sa mấp máy như muốn nói lời tình tự mà nàng biết còn lâu lắm mới được nói cho Hoài nghe.
- Hoài ơi...
Tiên Sa gọi tên người bạn tình trong thầm lặng trí não. Bằng thông cảm tuyệt vời của tình yêu mầu nhiệm Hoài nghe được Tiên Sa gọi tên mình. Kề môi vào tai người bạn tình anh thì thầm.
- Hoài nhớ Tiên Sa...
Tiên Sa mỉm cười tựa đầu vào vai Hoài. Giọng thì thầm của nàng nhẹ hơn cơn gió lướt trên mặt hồ Trúc Bạch nước xanh rêu.
- Tiên Sa nhớ Hoài...
Cuối cùng xe dừng bến. Hai đứa đi theo dòng người. Hai đứa phải trở về với đời sống mà ba tháng qua đã bị bỏ quên. Đứng trên lề đường nhìn Hoài thất thểu bước về phía bến xe đi Sài Gòn Tiên Sa không muốn khóc nhưng nước mắt chảy ra làm mờ đi hình bóng của người bạn tình mà nàng biết phải lâu lắm mới gặp lại. Tự dưng nàng thấy lòng trĩu u hoài.
Thư gửi bưu điện đi chậm ngàn lần hơn rùa bò. Ba tháng. Mỗi tháng một lá thư. Hoài không nhận được lá thư nào của Tiên Sa. Lớp đệ tam là lớp ăn chơi nên Hoài cũng không phải vùi đầu vào sách vở. Anh có thời giờ để nhớ nhung, viết thư, soạn thảo một chương trình cho kỳ nghỉ hè sắp tới với Tiên Sa ở Châu Bình. Muốn được về quê ngoại nghỉ hè với Tiên Sa anh phải có tiền. Nhiều đam mê, mơ mộng và lãng mạn cho nên anh không thích nói tới tiền. Không có tiền thời không gặp Tiên Sa. Giản dị lắm. Nhưng thực hành lại khó khăn đối với một cậu học trò nghèo. Hoài muốn đi làm. Nhưng làm gì? Đâu có việc làm dành cho một thanh niên chưa bao giờ làm việc.
Lù khù có ông cù độ mạng. Hoài tìm được một việc làm thích thú nhờ một người bạn thân cùng lớp là Khang. Má của Khang là chủ bút của một nhật báo ở Sài Gòn. Ngoài chuyện viết văn bà còn phụ trách thêm mục Gỡ Rối Tơ Lòng. Vì bề bộn công việc bà mướn Khang và Hoài đọc những lá thư của độc giả gởi về rồi theo đó mà trả lời qua sự cố vấn của bà. Mỗi bài viết bà trả năm đồng. Mới đầu bà còn cố vấn nhưng sau mấy tháng bà để cho hai đứa tự do muốn viết gì thời viết miễn theo đúng nội qui. Công việc nhàn hạ lại thích hợp với khả năng của mình cho nên Hoài làm việc rất siêng năng và cần mẫn khiến cho má của Khang rất vui lòng và tin tưởng. Tất cả số tiền viết báo đưọc Hoài bỏ ống cho kỳ nghỉ hè năm nay.
Khoảng giữa tháng chạp Hoài nhận được lá thư nhầu nát và cũ kỷ của Tiên Sa.
- Hoài thương.
Tiên Sa nhận được lá thư đề ngày 15 tháng 11 của Hoài. Trong thư Hoài nói là đã viết cho Tiên Sa ba lá thư. Như vậy hai lá thư kia đã bị thất lạc rồi. Nhớ Hoài nhiều lắm Hoài ơi. Thương Hoài nhiều lắm Hoài ơi. Nhưng Tiên Sa cố gắng quên để chú tâm vào chuyện học hành. Tiên Sa phải thi đậu trung học năm nay thời mới có nhiều hy vọng má lo cho đi học thêm. Tiên Sa muốn đi lên Sài Gòn học nhưng chuyện này mong manh lắm. Gia đình của Tiên Sa nghèo quá. Hoa lợi của miếng vườn dừa nhỏ không đủ cung cấp cho Tiên Sa sống ở một nơi mắc mỏ như Sài Gòn. Tiên Sa nghe phong phanh là trường Phan Thanh Giản sẽ có thêm lớp đệ tam vào năm tới. Nếu chuyện này xảy ra thời Tiên Sa sẽ học ở đây và chuyện đoàn tụ của mình sẽ không xảy ra cho tới khi Tiên Sa đậu tú tài và thi vào trường đại học sư phạm ở Sài Gòn. Tụi mình còn trẻ cho nên có phải đợi chờ năm bảy năm nữa cũng không trễ phải không Hoài. Tiên Sa muốn làm cô giáo, muốn có tương lai để nuôi nấng con cái nên người và nếu lỡ Hoài có chết đi Tiên Sa cũng có thể sống một mình để nuôi con. Tiên Sa không muốn Hoài chết nhưng trong thời buổi chiến tranh này Hoài cũng như bao thanh niên khác phải đi lính để bảo vệ tự do cho đất nước và dân tộc. Nhỏ bạn cùng trường của Tiên Sa có ông anh đi lính biệt động quân vừa chết trận tuần qua khiến cho tụi này buồn ghê.
Nghe tin Hoài viết báo Tiên Sa mừng và hãnh diện lắm. Tiên Sa đem khoe mấy đứa bạn khiến cho đứa nào cũng muốn được hân hạnh chiêm ngưỡng dung nhan của Hoài. Tiên Sa đem bài thơ " một buổi trưa mùa hạ. một mình vào sở thú. Đứng nhìn con gấu chó. Tôi thấy tôi giống nó..." cho mọi người xem. Ai ai cũng thích cũng phục và cũng sợ Hoài. Ông thầy việt văn của Tiên Sa cũng đọc nữa. Sau khi đọc xong ổng nói ổng thích nhất câu cuối cùng: " tôi thấy tôi trần truồng đứng giữa bầy dã thú...". Khi nào Hoài về thăm Tiên Sa ở Bến Tre Tiên Sa sẽ giới thiệu Hoài với ông ta để hai người nói chuyện thi thơ. Ông ta còn trẻ khoảng hai mươi lăm. Ông ta có vẻ thích Tiên Sa. Hoài đừng ghen nghe. Tiên Sa thương Hoài và không có điều gì để làm cho Tiên Sa hết " yêu " Hoài. Hoài là chủ nhân ông của trái tim của cô gái làng Châu Bình này. Cho dù vật có đổi. sao có dời. hình ảnh Hoài sẽ ở mãi trong tâm hồn Tiên Sa như là một hằng cửu. Hôm qua thứ bảy Tiên Sa được nhỏ bạn bao đi ăn kem ở chợ. Trên đường về ngang qua sở thú bỏ hoang Tiên Sa chợt nhớ tới Hoà,. nhớ vô cùng Hoài ơi, nhớ ánh mắt, nhớ nụ cười, nhớ môi hôn dính bùn, nhớ giọng nói ngọt ngào hơn đường mía lau, nhớ tiếng cười dòn hơn bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc,. nhớ bàn tay đập dừa khô của Hoài. Má nhắc Hoài hoài. Hỏi thăm Hoài mạnh không, có thêm cô bồ nào không. Tiên Sa cười nói với má là Hoài không dám có bồ mới đâu. Hoài mà có bồ là Tiên Sa ăn thịt Hoài liền. Sợ chưa Hoài.
Sắp tới Tết rồi Hoài ơi. Trường sẽ đóng cửa một tuần lễ và Tiên Sa sẽ về Châu Bình ăn Tết với gia đình. Phải chi có Hoài thời vui biết mấy. À quên chưa nói cho Hoài biết là nhờ Hoài kèm toán mà bây giờ Tiên Sa trở thành " một cây toán " của lớp. Mấy nhỏ bạn trợn mắt khi thấy Tiên Sa lên bản giải phương trình dễ hơn ăn cà lem. Tụi nó đứa nào cũng mong được diện kiến người tình Tiên Sa. Mấy nhỏ bạn đặt tên cho Hoài đó chứ Tiên Sa không có đặt đâu. Tụi nó tò mò muốn biết Hoài đã viết gì cho Tiên Sa nên làm áp lực bắt Tiên Sa phải trình lá thư của Hoài cho tụi nó đọc. Đứa nào cũng mê mẩn tâm thần và đều đồng ý là Hoài xứng đôi với Tiên Sa lắm. Hoài nở mũi lớn chưa...
Trong thư Hoài nói là sẽ mua quà tặng thi đậu trung học cho Tiên Sa. Hoài đừng mua làm chi cho tốn tiền. Tiên Sa không cần quà đâu. Tiên Sa chỉ cần Hoài, có Hoài bên cạnh là đủ rồi.
Thư cũng dài mà Tiên Sa cũng mỏi tay nên hẹn Hoài thư sau... Thương Hoài. Nhớ Hoài...
Hoài gấp lá thư lại. Con rạch trước nhà như mờ đi trong màn nước mắt. Phải năm sáu tháng nữa anh mới được gặp Tiên Sa. Tên của người học trò tỉnh lỵ như một réo gọi. thúc hối. và gọi mời. Mấy tháng nay anh sống như một người mỗi ngày héo dần thêm vì thương nhớ. chờ đợi tới mỏi mòn. Lớp Lý Hóa. Giờ Vạn Vật. nhạt nhẻo như nuớc trà để lâu ngày. Giờ sinh ngữ buồn tênh. Giờ hội họa nhàm chán. Mấy đứa rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ bánh lọt. Giờ công dân với ông thầy nghiêm khắc, giảng bài như đọc kinh khiến cho thằng Thành ngủ gục. Thằng Khang ngồi viết thư tình cho em. Tuổi mới lớn của Hoài là những háo hức. nhiều thay đổi. Chiến tranh dù không xảy ra ở tại thủ đô song vẫn là một hiện hữu, được nghe từ radio, được biết bằng những dòng phân ưu, chia buồn trên báo. Dân Sài Gòn biết tới chiến tranh bằng hình ảnh của người lính trẻ trở về từ nơi chiến trận với bộ kaki màu xanh hay rằn ri, với xe tuần tiểu chạy trong thành phố, với tiếng còi hụ giới nghiêm. Chiến tranh chưa ở trước mặt đối với lớp người trẻ như Hoài nhưng chiến tranh vẫn hiện diện khi Hoài nghe người anh của mình nói tới chuyện tình nguyện vào trường võ bị Đà Lạt. Hoài chỉ nghe mà không có ý kiến. Anh đang bận bịu với những lo âu vặt vảnh của mình. Anh đang lao đao với tình yêu. Vé xe đò từ đây về Bến Tre ba chục. Hai chục xài lặt vặt. Vé trở về ba chục. Hoài phải có một trăm mới đi thăm Tiên Sa được.
Tờ mờ sáng thứ sáu Hoài có mặt trên chuyến xe đò hiệu Á Đông từ Sài Gòn về Bến Tre. Anh đã cúp cua ngày thứ sáu. Lúc tan trường ngày thứ năm anh đã dặn dò thằng bạn thân làm trưởng lớp về chuyện anh cúp cua đi thăm bồ. Nó vui vẻ bảo đảm là anh vẫn có mặt trong lớp. Xe ra Bình Chánh. Lòng Hoài xôn xao. Xe dừng nơi cầu Bến Lức. Hoài cằn nhằn tại sao người ta không làm cái cầu chạy hai chiều. Xe lại dừng ở Long An. Hoài ước mình sinh ra trong gia đình giàu có xe hơi nhà để đi cho lẹ. Xe vào Trung Lương. chạy như bò xuyên qua thành phố Mỹ Tho, dừng nơi bến bắc Rạch Miểu. Sông Mỹ Tho mênh mông ì ầm sóng vỗ không như Ba Lai của Tiên Sa hiền hòa và nhu thuận. Lục bình trôi phăng phăng ra biển. Hoài thấy nhớ Tiên Sa vô cùng dù anh sẽ gặp lại nàng chỉ trong tiếng đồng hồ nữa. Hành khách lục tục lên. Chiếc xe đò chạy nhanh trên con đường quen thuộc: Trúc Giang. Không biết ai đã đặt một cái tên lạ và đẹp. Có Bến Tre thời phải có Trúc Giang. bởi vì tre phải gắn bó với trúc, như vợ với chồng, cha với mẹ, anh với em.
Xe dừng bến. Hoài hỏi thăm ông đạp xích lô. Với năm đồng ông ta sẽ chở Hoài tới tận nhà của Tiên Sa đang trọ học.
- Đó đó cậu. Cái nhà cửa màu xanh đó... Có mấy cô ở dưới quê lên tỉnh học đó cậu...
Đứng trước khung cửa màu xanh Hoài nghe tim đập thình thịch. Rủi Tiên Sa đi về quê thời làm sao. Hoài bặm môi gõ cửa. Tiếng chốt cửa kêu rồi cánh cửa mở phân nửa. Khuôn mặt của một cô gái hiện ra.
- Xin lỗi anh kiếm ai vậy?
- Thưa chị tôi tên Hoài... Tôi kiếm Tiên Sa...
Hoài thấy đôi mắt tròn và sáng của cô gái tròn hơn. sáng hơn vì ngạc nhiên.
- Tiên Sa... Tiên Sa... Người tình Tiên Sa ở đây nè...
- Cái gì vậy... Cái gì mày la làng vậy Hạnh...
Giọng nói của cô gái lúc nãy thấp xuống.
- Hoài... Ông bồ của Tiên Sa đang đứng ngoài cửa kìa... Nó đâu rồi...
- Nó đang phơi quần áo... Để tao kêu nó...
Tiên Sa đứng đó. Quần đen. áo cánh trắng để lộ hai cánh tay trần. khuôn mặt. đôi mắt. nụ cười.
- Hoài...
Tiếng gọi reo vui. mừng rỡ, hai người nhìn nhau chết lịm. Tiên Sa đưa tay cho Hoài nắm. Bàn tay nhỏ nhắn, xinh mềm. Hoài muốn hôn vào đôi mắt của Tiên Sa mà cố gắng kềm giữ vì hai nhỏ bạn của nàng đang nhìn họ đăm đăm.
- Đây là Hoài... Còn nhỏ này là Hạnh...
Tiên Sa chỉ vào cô gái đã mở cửa cho Hoài.
- Còn đây là Hương...
Tiên Sa chỉ vào cô gái cao và có lẽ lớn tuổi nhất.
- Tôi hân hạnh được gặp Hương và Hạnh...
Hương cười.
- Anh Hoài làm thơ hay lắm mà viết thư tình còn số dách hơn nữa... Xin lỗi anh nha. Tại bài thơ của anh đó...
Hạnh xen vào.
- Anh có làm thêm bài thơ nào nữa không đọc cho tụi này nghe với...
Hoài lìếc nhanh Tiên Sa như hỏi ý. Thấy nàng nhẹ gật đầu anh cười.
- Tối nay tôi sẽ đọc cho hai chị nghe vài bài thơ...
Tiên Sa cười nhìn Hoài.
- Tụi này có bàn với nhau là nếu Hoài xuống Bến Tre thăm Tiên Sa thời tụi này sẽ tổ chức một đêm văn nghệ bỏ túi. Nay tự dưng Hoài xuống...
- Đúng rồi... Bây giờ Hương tính như thế này. Hương lo đi mời mấy người bạn. Còn Hạnh đi mua bánh kẹo. Phần Tiên Sa thời tiếp anh Hoài. Hai người tự do tâm tình cho đả đi rồi tối nay anh Hoài sẽ là thượng khách của thi văn đoàn Phù Sa của trường Phan Thanh Giản Bến Tre...
Hạnh và Hương bỏ đi.
- Tiên Sa
- Dạ
Hoài nghe tâm hồn của mình bình yên và êm ả khi nghe tiếng dạ ngoan hiền của Tiên Sa.
- Tiên Sa nhớ Hoài
- Hoài nhớ Tiên Sa
Hoài hôn nhẹ lên môi Tiên Sa. Cô học trò Trúc Giang mừng vui đón nhận nụ hôn này.
- Tiên Sa nhớ hoài rồi Tiên Sa làm gì?
- Tiên Sa khóc sưng cả mắt...
- Đưa Hoài đền cho...
Tiên Sa dụi đầu vào ngực người bạn tình. Hoài ôm nhẹ bờ vai gầy của Tiên Sa. Nàng ngước lên nhìn anh mỉm cười. Hoài cảm thấy lòng bình yên và thanh thản. Dù quen nhau. yêu nhau không lâu, dù vẫn còn những mê đắm của môi hôn, rẫy run của tay nắm tay, nhưng anh cảm nhận tình yêu của hai đứa tiến tới sự cảm thông toàn diện. Chỉ bằng tia nhìn thăm thẳm chiếu rọi thời gian và không gian hai đứa nói với nhau nhiều hơn ngôn từ của thiên hạ...
- Chừng nào Hoài về?
- Không biết... Ở lại đây luôn Tiên Sa chịu không?
- Chịu...
- Tiên Sa nuôi cơm nghe. Hoài ăn nhiều lắm đó...
- Hoài ốm đâu có ăn nhiều...
- Ừ Hoài không có ăn nhiều mà ăn nhiều thứ...
Dứt lời Hoài nhìn bạn đăm đăm. Hiểu cái ý gian của Hoài Tiên Sa đỏ mặt.
- Đừng có ẩu nghe... Mấy nhỏ bạn thấy nó cười chết...
Tuy nói vậy nhưng Tiên Sa cũng hôn nhẹ vào má của người bạn tình.
- Tiên Sa đi nấu cơm... Hoài muốn ăn gì Tiên Sa nấu cho Hoài ăn?
- Gì cũng được... Nước mắm kho quẹt cũng được. Có Tiên Sa bên cạnh Hoài nhịn ăn ba ngày cũng còn no...
- Xạo...
- Hoài biết nhóm lửa không?
- Tiên Sa vo gạo đi. Để Hoài nhóm lửa cho...
Lửa miểng gáo dừa cháy nóng hực. Tiên Sa tròn mắt khi thấy Hoài làm cá một cách thành thạo và mau lẹ. Chừng nửa giờ sau Hương và Hạnh trở về. Bữa cơm được Tiên Sa dọn ra với cá bóng dừa kho tiêu và đọt lang luộc. Tuy nhiên Hoài ăn ngon và ăn nhiều. Thấy nồi cơm sạch bóng không còn miếng nào ngay cả cơm cháy Hoài cười với Tiên Sa.
- Thấy hôn... Hoài mà ở lại đây là Tiên Sa nuôi cơm không nổi đâu...
- Thì anh đi làm nuôi Tiên Sa...
Hương Mù U Hương Mù U - Chu Sa Lan Hương Mù U