Nguyên tác: The Rose And The Ring
Số lần đọc/download: 642 / 4
Cập nhật: 2017-03-28 19:32:29 +0700
Chương 6 - Hoàng Tử Giglio Là Người Như Thế Nào?
B
ây giờ ta hãy nói về hoàng tử Giglio, cháu trai của đương kim hoàng đế Paflagonia. Điều này đã được nói rõ ràng ở trang 14 rằng chừng nào hoàng tử có áo đẹp để diện, một con ngựa hay để cưỡi, tiền rủng rỉnh trong túi, chàng chẳng quan tâm đến chuyện mình đã mất vương miện và quyền trượng. Vốn dễ dãi, lại đang tuổi vô lo vô nghĩ, hoàng tử chẳng có thiên hướng gì về chính trị cũng như chuyện học hành. Thế nên viên quan có trách nhiệm dạy dỗ chàng khồng hề tốn công tốn sức. Giglio không học nghệ thuật cũng như toán học và quan nội chính Squaretoso thường chảy mặt ra bởi lẽ hoàng tử chẳng hiểu mô tê gì về các bộ luật và hệ thống cai trị ở Paflagonia. Trong khi đó người gác rừng và đội trưởng đội thợ săn của nhà vua thì lại thấy hoàng tử là một học trò siêng năng. Thầy dạy khiêu vũ tuyên bố chàng là một tài năng thật sự do sự kết hợp giữa tính chuyên cần và sự duyên dáng bẩm sinh. Viên quan phụ trách trò chơi bi-a của hoàng gia đưa ra những lời bình phẩm tán dương đến tận mây xanh tài nghệ của chàng, cả viên quan trông coi sân tennis cũng thật lòng nghĩ thế. Đội trưởng đội ngự lâm quân Kutasoff Hedzoff thì thề rằng kể từ khi ông so tài với đại tướng nước Crim Tartory - tên Grumbuskin trời đánh - ông chưa bao giờ gặp được một xạ thủ nào xuất chúng như hoàng tử.
Tôi hy vọng là bạn đọc không nghĩ rằng có một cái gì không được thích hợp trong chuyện Hoàng tử Giglio và công chúa Angelica đi dạo với nhau trong vườn thượng uyển bởi vì Giglio hôn tay Angelica một cách hết sức lịch sự. Trước hết họ là anh em họ, thứ đến, hoàng hậu cũng đi dạo trong vườn nữa (có điều bạn không trông thấy bà đâu bởi vì lúc này bà tình cờ dừng lại sau một lùm cây). Hoàng hậu bao giờ cũng mong muốn hai người sẽ nên vợ nên chồng. Giglio cũng muốn thế, cả Angelica nữa nhưng chỉ thi thoảng thôi dù nàng biết anh chàng rất điển trai, quả cảm lại tốt bụng. Nhưng... nhưng mà Angelica của chúng ta thông minh sáng láng là thế, cái gì cũng biết trong khi anh bạn Giglio rõ là một anh chàng mít đặc, thử hỏi có xứng đôi vừa lứa không. Anh bạn Giglio điển trai hoàn toàn mù tịt về các vì tinh tú nên mới có chuyện này: vào một đêm hết sức thơ mộng, đôi bạn đang đứng trên ban công thì Angelica thốt lên, “kia là con gấu.” “Nó ở đâu?” Giglio sốt sắng. “Đừng sợ Angelica. Nếu có hàng chục con gấu xông đến thì ta cũng giết bằng hết không để nó làm hại nàng.” “Anh ngốc lắm Giglio, đấy là chòm sao Đại hùng tinh hiểu chưa.”
Khi hai người cùng ngắm hoa, Giglio thốt ra những câu nói ngớ ngẩn về các loài thực vật, đã thế chàng lại còn chưa bao giờ nghe đến loài hoa Linnaeus nữa chứ. Kiến thức về bướm của chàng chỉ là số không và chàng không biết đến các loài côn trùng cũng như tôi không quan tâm đến môn lượng giác. Vì thế bạn nên biết là mặc dù Angelica rất thích Giglio, cô cũng coi thường anh chàng này vì sự dốt nát quá thể. Tôi nghĩ có lẽ cô đánh giá sở học của mình cao quá và chỉ thấy những thiếu sót ở người khác, nhưng tự cao tự đại vốn là bệnh chung của cả đàn ông cũng như đàn bà. Nhưng khi chỉ có hai người, Angelica cũng thích người anh họ ra trò đấy.
Vua Valoroso không được khỏe lắm lại khoái tổ chức yến tiệc (ngài có một tên đầu bếp người Pháp đại tài tên là Marmitonio) và người ta nghĩ là ngài sẽ không thọ. Cái ý nghĩ, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra với đức vua làm cho quan tể tướng quỷ quyệt và bà bá tước già hoảng sợ bởi vì hai người này đều có chung một nỗi niềm. “Khi hoàng tử Giglio cưới cô em họ và nối ngôi vua, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình đây, bởi vì mình không được hoàng tử yêu quý và cũng vì mình đối xử với chàng ta không được tốt cho lắm. Mình sẽ mất địa vị béo bở này trong nháy mắt.” Bà Gruffanuff sẽ thôi không còn được hưởng tất cả những viên đá quý, tơ lụa, những cái hộp đựng đồ xinh xinh, nhẫn, đồng hồ... những món vốn thuộc về cố hoàng hậu, mẹ của Giglio; tể tướng Glumboso sẽ buộc phải nôn ra 2.417.987.439 bảng, 13 siling và 6 xu rưỡi - số tiền mà vua Savio đã để lại cho hoàng tử Giglio.
Thực ra thì cả bà bá tước lẫn ngài tể tướng đều ghét hoàng tử chỉ vì họ đã làm những điều không phải với chàng. Có nhiều kẻ không biết điều còn bịa ra hàng trăm câu chuyện độc địa về Giglio tội nghiệp hòng làm cho vua, hoàng hậu và công chúa đem lòng ghét bỏ chàng. Rằng chàng ngu dốt đến mức không đánh vần được cả những từ thông dụng nhất, đến cả tên vua Valoroso cũng viết thành Valloroso còn Angelica thì thành Angellica. Rằng trong các bữa tiệc chàng nốc rượu tì tì và bao giờ cũng đàn đúm với lũ giữ ngựa ở chuồng ngựa. Rằng chàng nợ tiền từ người thợ làm bánh ngọt đến kẻ bán đồ kim chỉ. Rằng đi lễ nhà thờ thì chàng ngủ gà ngủ gật và chỉ được cái thích trò đỏ đen với bọn hầu nam. Nhưng mà nếu chính hoàng hậu cũng khoái đánh bài, còn vua thì rất hay chợp mắt trong lúc dự lễ ở nhà thờ và có một cái dạ dày làm việc tốt thì việc Giglio có nợ vài đồng cho món bánh nhân táo bởi vì người ta nẫng của chàng trọn số tiền 2.417.987.439 bảng 13 siling và 6 xu rưỡi thì tôi biết phải nói thế nào đây? Những kẻ thích xúc xiểm và ưa bịa chuyện (theo thiển ý của tôi) cần phải noi gương Homes chứ. Những câu chuyện nói xấu sau lưng và những lời phỉ báng này cũng có tác động đến công chúa Angelica, cô nàng bắt đầu làm mặt lạnh với chàng, sau đó cười nhạo sự dốt nát của chàng và buông lời trêu chọc chàng vì đánh bạn với lũ người hạ đẳng. Ở những buổi vũ hội hay những bữa tiệc, nàng đối xử lạnh nhạt với chàng làm cho chàng ngã bệnh phải nằm lì trên giường và vua phải phái ngự y đến xem bệnh cho chàng.
Vua Valoroso như chúng ta thấy, có những lí do riêng để không mặn mà gì với đứa cháu trai; nếu những bạn đọc ngây thơ thắc mắc không hiểu tại sao thì tôi buộc phải nhắc họ đọc một vở kịch của Shakespeare (dưới sự cho phép của các bậc cha mẹ thân yêu của họ) các bạn ấy sẽ hiểu tại sao vua John ghét bỏ hoàng tử Arthur. Còn với hoàng hậu, người thím dâu vương giả nhưng nhu nhược của chàng thì hễ chàng không có trước mặt bà là y như rằng bà chẳng thể nào nhớ đến sự có mặt của chàng, còn khi bà đánh bài uýt hoặc dùng bữa tối thì bà chẳng nhớ ra được chuyện gì khác.
Tôi dám nói rằng có hai kẻ lưu manh mà tôi chẳng muốn nêu tên những mong muốn quan ngự y Pildrafto giết chết hoàng tử Giglio cho rồi nhưng ông ta chỉ hàng ngày lấy máu của chàng và làm cho chàng đau ốm thêm đến nỗi không đủ sức bước ra ngoài phòng trong suốt mấy tháng trời và gầy tong teo như một cây sào.
Trong những ngày hoàng tử ốm liệt giường có một họa sĩ nổi tiếng tên là Tomaso Lorenzo đến làm khách trong hoàng cung. Ông này cũng chính là họa sĩ cung đình của vua Crim Tartary nước liên bang với nước Paflagonia. Họa sĩ vẽ chân dung cho tất cả mọi người trong triều đình, cả nữ bá tước Gruffanuff trông cũng trẻ hẳn ra trong tranh của ông còn tể tướng Glumboso thì lại còn có vẻ hài hước nữa.
“Đôi tay tài hoa của ông ấy tôn vẻ đẹp của chúng ta lên,” ấy là có người nói thế nhưng công chúa Angelica phán: “Không, ta đứng cao hơn tất cả sự tâng bốc tầm thường, ta e rằng họa sĩ không đủ sức lột tả vẻ đẹp của ta. Dù vậy ta không thể chịu đựng nổi khi nghe người ta chê bai một cách bất công một tài năng. Ta hy vọng phụ vương thân yêu của ta sẽ phong tước hiệp sĩ phẩm Quả Dưa Leo cho ông ta.”
Thế là công chúa Angelica, mặc dù được các triều thần ca tụng là có thể vẽ được những bức tranh đẹp cho là thật lố bịch khi nghĩ cô phải thỉnh giáo thêm về môn này vẫn chọn Lorenzo làm thầy dạy họa. Và đó là một lựa chọn đúng đắn vì chừng nào nàng công chúa còn làm việc trong xưởng vẽ của họa sĩ này thì nàng ta còn vẽ ra những bức họa trên cả tuyệt vời! Một số họa phẩm của nàng được đưa vào trong cuốn sách của phái đẹp, một số khác thì được bán với giá rất cao ở các hội chợ từ thiện. Nàng ký tên mình thật to ở dưới các bức tranh nhưng tôi đồ rằng tôi biết rõ ai mới thật là tác giả của những họa phẩm đó - chính là ông họa sĩ tinh ranh đã đến đây để làm cho Angelica được dịp tâng bốc mình hơn là dạy cô vẽ vời.
Một hôm Lorenzo khoe với công chúa bức chân dung của một tráng sĩ trong bộ áo giáp sáng ngời, mái tóc vàng rực rỡ, đôi mắt xanh biếc đáng yêu không thể tả nổi. Chàng ta có một vẻ mặt vừa ưu tư vừa hóm hỉnh.
“Thầy Lorenzo ơi, người này là ai?”
“Thần chưa thấy một người nào đẹp trai đến thế,” nữ bá tước Gruffanuff nói theo (cái mụ già đại bịp bợm ấy).
“Thưa công chúa,” họa sĩ trịnh trọng đáp, “đây là bức chân dung chúa công oai nghiêm của chúng tôi - Hoàng thái tử Bulbo xứ Crim Tartary, công tước xứ Acroceraunia, hầu tước xứ Popuphloisboio, hiệp sĩ Đại Thánh Giá phẩm Quả Bí đỏ. Đây là tấm huân chương Bí đỏ trang điểm trên bộ ngực trai trẻ của chàng mà chàng nhận được từ người cha uy danh bốn biển - hoàng đế Padella đệ nhất - vì đã chiến thắng trong trận Rimbombamento khi chàng với cánh tay của một tráng sĩ đã giết chết vua xứ Ograria và 211 tên khổng lồ trong số 218 tên cận vệ của nhà vua. Số còn lại bị tiêu diệt bởi quân đội dũng cảm của Crim Tartary sau một cuộc giao tranh kéo dài trong đó phía Crim Tartary bị tổn thất nặng nề.”
“Một hoàng tử sáng chói!” Công chúa thầm nghĩ, “dũng cảm là thế, điềm đạm là thế, tuổi trẻ hào hùng như thế, thật là một đại anh hùng.”
“Tài năng của chàng cũng nổi bật như lòng dũng cảm của chàng vậy.” Họa sĩ cung đình lại hết lời tán tụng. “Chàng biết tất cả mọi thứ tiếng trên đời, lại được trời phú cho giọng hát tuyệt vời. Chàng có thể chơi được tất cả các loại nhạc cụ, tham gia vào việc sáng tác nhạc kịch và chỉ huy dàn dựng cũng như diễn xuất hàng ngàn đêm trong nhà hát kịch hoàng gia xứ Crim Tartary. Chàng còn múa balê trước mặt đức vua và hoàng hậu. Ôi trông chàng đẹp đến nỗi em họ chàng, cô công chúa đáng yêu xứ Circassia đã yểu mệnh vì tương tư.”
“Vậy tại sao chàng không cưới cô công chúa đáng thương đó?” Angelica hỏi với một tiếng thở dài.
“Bởi vì họ là anh em họ trực hệ thưa công chúa và giáo sĩ cấm một sự kết hợp gần gũi như vậy. Ngoài ra, trái tim của hoàng tử lại gửi gắm vào một nơi khác.”
“Là ai vậy?”
“Thần không được phép nhắc đến cái tên nàng công chúa cao quý này.”
“Nhưng ông có thể nói với ta chữ cái đầu tiên trong cái tên ấy.”
“Công chúa có thể đoán được.”
“Đó là chữ Z phải không?”
Họa sĩ đáp không phải là Z, sau đó công chúa lại thử với Y, X, W và trở lại với hầu hết các chữ cái trong bảng chữ cái. Khi nàng nói D mà vẫn không phải, nàng bắt đầu cảm thấy phấn khích, đến khi nhảy sang C mà vẫn chưa phải thì nàng hồi hộp lắm lắm. Cả chữ B cũng không phải nốt.
“Ôi bà Gruffanuff thân mến, cho tôi mượn cái lọ ngửi coi.” Công chúa hổn hển nói và giấu mặt sau vai bà bá tước, thì thầm gần như hụt hơi. “Ôi, thế có phải là chữ A không?”
“Đó chính là chữ A và mặc dù theo lệnh của điện hạ tôi không được phép nói ra tên nàng công chúa mà chàng yêu một cách cuồng nhiệt, đắm say, điên dại, nhưng tôi có thể cho công chúa xem bức chân dung của nàng.” Anh chàng láu cá đáp rồi dẫn công chúa đến gần một chiếc khung mạ vàng, kéo tấm vải che sang một bên. Ôi trời ơi! Đó là một tấm gương trong suốt và Angelica thấy khuôn mặt xinh đẹp của chính mình.