Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Chương 8
K
hi Raoul nói đến thái độ ủ rũ khác thường của ông Fauvel thì anh ta không hề cường điệu. Kể từ cái ngày bi thảm ấy, khi mà do lời tố cáo của ông, anh chàng thủ quỹ đã bị bắt, ông chủ nhà băng vốn hoạt bát trở nên vô cùng sầu não, hoàn toàn không thiết gì đến công việc làm ăn nữa. Trong gia đình, trước đây ông là một người cha mẫu mực thì giờ đây ông chỉ gặp mặt vợ con vào giờ ăn cơm. Ông ăn qua loa vội vàng rồi rút lui về phòng mình. Suốt ngày ông đóng cửa ở trong phòng không thiết gì đến công việc, như thể ông đang chịu sự dằn vặt của một ý nghĩ ám ảnh hoặc của một nỗi đau thầm kín nào đó.
Vào cái ngày Prosper được trả lại tự do, vào quảng ba giờ chiều, ông Fauvel đang ngồi trong phòng làm việc, tay tì lên bàn ôm trán, mắt nhìn đăm đăm vào cõi vô định, thì anh chàng bảo vệ hốt hoảng chạy xộc vào bảo:
- Thưa ngài, có anh chàng cựu thủ quỹ, anh Bertomy ấy, đến đây cùng với một người bà con. Anh ta dứt khoát muốn gặp ngài để nói chuyện với ngài.
Ông chủ nhà băng giật mình như sét đánh ngang tai, ông giận dữ kêu lên:
- Prosper à! Hắn ta dám…
Nhưng ông hiểu rằng ông không nên bộc lộ tính cách trước anh chàng bảo vệ. Ông đã kìm được mình và bằng một giọng tương đối bình tĩnh ông nói tiếp:
- Cho họ vào.
Không có gì kinh khủng bằng thái độ của hai con người đang đối diện nhau đây: mặt ông chủ nhà băng sưng húp lên, đỏ lừ như vừa bị cơn nhồi máu, còn Prosper thì tái nhợt như xác chết. Ông Verduret quan sát họ một lát. Cuối cùng, khi thấy sự im lặng đang ngày càng trở nên khó chịu, ông quyết định lên tiếng hỏi ông chủ nhà băng:
- Thưa ngài, chắc ngài đã biết thằng cháu tôi vừa được thả ra?
- Có biết, - ông Fauvel cố kìm nén để khỏi quát lên. - Vâng, vì thiếu chứng cứ.
- Đúng, thưa ngài. Nhưng câu nói “vì thiếu chứng cứ” ghi trong lệnh đình cứu ấy đã làm hại tương lai của cháu tôi đến mức nó phải quyết định sang Mỹ.
Nghe nói thế nét mặt ông Fauvel đột nhiên biến đổi. Nó giãn ra như thoát khỏi một cơn lo âu khủng khiếp.
- Ồ! Anh ta ra đi! - ông nhắc đi nhắc lại. - Anh ta ra đi!…
Ông Verduret làm như không nghe thấy, ông nhẹ nhàng nói tiếp:
- Tôi cho rằng quyết định của cháu tôi là đúng. Tôi chỉ muốn rằng trước khi rời Paris nó phải đến đây để tỏ lòng kính trọng đối với chủ cũ của nó.
Ông chủ nhà băng mỉm cười cay đắng:
- Anh Bertomy có thể khỏi phải làm cái công việc khó nhọc cho cả hai chúng tôi đó. Tôi chẳng có gì để nghe và cũng chẳng có gì để nói với anh ấy.
Đấy là một lời tuyên bố chính thức mời khách về, và ông Verduret cũng hiểu điều đó, ông liền chào ông Fauvel và kéo Prosper ra về. Chỉ khi ra tới đường anh mới nói:
- Ông đã yêu cầu tôi làm theo ông, giờ thì ông hài lòng chứ? Sự nhục nhã này có làm cho tôi tiến triển thêm một chút nào không?
- Anh thì không nhưng tôi thì có. Tôi không thể đến thăm ông chủ nhà băng nếu không có anh đi cùng. Và bây giờ tôi đã biết được điều cần thiết: tôi tin chắc rằng ông Fauvel chẳng được lợi gì trong vụ trộm này.
- Ồ, thưa ông, - Prosper phản đối, - ông ta có thể giả vờ.
- Có thể, nhưng không thể tới mức như thế. Và không phải chỉ có như vậy, tôi cần phải biết xem ông chủ anh có dễ nghi ngờ không. Giờ thì tôi có thể mạnh dạn trả lời rằng có.
Prosper và ông Verduret dừng lại ở góc phố Laffite để nói chuyện cho thoải mái. Ông Verduret có vẻ bồn chồn và luôn luôn ngoái đầu nhìn như thể đang đợi ai, chẳng bao lâu ông thốt lên tiếng reo vui tỏ vẻ hài lòng, Cavaillon đầu trần đang chạy lại. Anh có vẻ vội vàng hoảng hốt đến nỗi không nghĩ đến chuyện chúc mừng Prosper và cũng chẳng bắt tay anh. Anh báo cáo ngay cho ông Verduret:
- Họ đi rồi.
- Lâu chưa?
- Chưa, mới gần mười lăm phút!
- Quỷ quái thật! Nếu thế thì chúng ta không thể để mất một phút.
Rồi vừa đưa cho Cavaillon mẩu giấy mà ông viết vội cách đây mấy tiếng đồng hồ ở nhà Prosper, ông vừa bảo:
- Đây, anh hãy chuyển cái này cho người ấy rồi về ngay đi, đừng để cho người ta nhận ra sự vắng mặt của anh. Đi đầu trần thế này là thiếu thận trọng vì nó có thể gây chú ý.
Cavaillon không đợi để nhắc tới lần thứ hai. Anh chạy đi cũng vội vã như lúc tới. Prosper kinh ngạc:
- Sao? Ông quen Cavaillon ư?
- Hình như thế, - ông Verduret mỉm cười đáp, - nhưng bây giờ không phải lúc nói chuyện. Đi thôi, khẩn trương lên!
- Đi đâu nữa?
- Rồi sẽ biết. Nào, ráo cẳng lên! Nếu không rất có thể chúng ta sẽ bỏ mất dấu vết.
Đến trước cửa ngôi nhà 81 phố Lafayette, ông Verduret dừng lại bảo:
- Đây rồi. Ta vào đi.
Họ bước vào và leo lên tầng ba, dừng lại trước cánh cửa có tấm biển đồng ghi dòng chữ “Thời trang và quần áo may sẵn”. Dọc theo khung cửa có treo một sợi dây chuông rất đẹp, nhưng ông Verduret không đụng vào nó mà lấy ngón tay gõ rất nhẹ theo một kiểu riêng nào đó và cánh cửa lập tức mở ra như thể có ai đó đang đợi ám hiệu.
Ra mở cửa là một người đàn bà khoảng bốn mươi tuổi, ăn mặc giản dị nhưng rất đứng đắn. Bà lặng lẽ dẫn Prosper và ông Verduret vào một phòng ăn nhỏ rất sạch sẽ có nhiều cửa ra vào. Người đàn bà cúi rạp chào ông Verduret như một người được che chở chào người bảo trợ của mình. Ông Verduret đáp lại qua quýt rồi đưa mắt như muốn hỏi bà:
- Thế nào?
Người đàn bà gật đầu đáp:
- Vâng.
- Ở đó phải không? - ông Verduret vừa chỉ một cánh cửa vừa hỏi khẽ.
- Không, - người đàn bà cũng hạ thấp giọng đáp, - ở lối kia, trong căn phòng khách nhỏ.
Ông Verduret lập tức mở cánh cửa được chỉ định rồi vừa nhẹ nhàng đẩy Prosper vừa thì thầm vào tai anh:
- Vào đi… và hãy bình tĩnh.
Nhưng lời khuyên ấy thật vô ích. Vừa liếc nhìn căn phòng Prosper vừa kêu lên:
- Madeleine!…
Quả thực trước mắt anh đúng là cô cháu gái của ông Fauvel, xinh đẹp hơn bao giờ hết, một sắc đẹp bình tâm và thanh thản buộc người ta phải thán phục và tôn trọng. Nàng đang đứng giữa phòng cạnh một chiếc bàn chất đầy vải vóc và đang xếp li cho một chiếc váy nhung đỏ thêu kim tuyến, chắc hẳn đấy là chiếc váy may theo mốt phù đâu cho bà Catherine de Médicis của nàng.
Nhìn thấy Prosper, Madeleine đỏ bừng mặt, đôi mắt hơi nhắm lại như sắp ngất xỉu, nàng phải vịn tay vào bàn cho khỏi ngã. Nàng là người có tâm hồn dịu dàng mơ mộng. Nhưng nàng có lòng tự trọng và không bao giờ chấp nhận một sự thỏa hiệp của lương tâm. Nàng sẵn sàng tuân theo bổn phận. Giây phút yếu đuối chỉ diễn ra trong phút chốc, và chẳng bao lâu đôi mắt dịu hiền của nàng chỉ còn bộc lộ vẻ kiêu hãnh cùng nỗi oán giận. Nàng cất giọng bực tức nói:
- Ai làm cho anh trở nên táo bạo đến nỗi dám theo dõi bước đi của tôi? Tại sao anh dám tự cho phép mình theo dõi tôi và lọt vào căn nhà này?
Tất nhiên Prosper không có lỗi. Anh muốn giải thích những điều xảy ra nhưng không thể nói nên lời.
- Anh đã thề danh dự với tôi rằng sẽ không bao giờ tìm cách gặp lại tôi. Anh giữ lời thề như thế đấy phải không?
- Tôi đã thề, thưa tiểu thư, nhưng…
- Ồ! Anh cứ nói đi!
- Biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra từ ngày hôm đó, đến nỗi có lúc tôi đã quên mất lời thề mà trong lúc yếu đuối nàng đã bắt tôi phải nói ra. Lần này chẳng qua do ngẫu nhiên mà một lần nữa tôi có hạnh phúc được gần nàng. Than ôi! Nhìn thấy nàng trái tim tôi run lên vì vui sướng. Tôi không tin rằng, không, tôi không thể tin rằng trong khi tôi đang bất hạnh như thế này nàng lại có thể nhẫn tâm xua đuổi tôi.
Vì không bị khước từ một cách quá kịch liệt như dự kiến, nên Prosper có thể theo dõi thấy trong ánh mắt xinh đẹp của Madeleine những dấu hiệu của sự giằng co. Tuy nhiên nàng vẫn nói tiếp bằng một giọng khá kiên quyết:
- Anh Prosper ạ, anh biết rõ tôi rồi nên có thể hiểu được rằng không có một tai họa nào của anh mà lại không động chạm đến tôi. Anh đau khổ thì tôi cũng khóc than cho anh như một người em gái khóc than một người anh trai yêu dấu.
- Một người em gái ư? - Prosper vẻ cay đắng nói. - Phải, đó chính là chữ nàng tuyên bố vào cái ngày nàng cấm không cho tôi gặp mặt nàng. Một người em gái! Vậy thì tại sao suốt ba năm trời nàng đã ru ngủ tôi vào những ảo mộng tuyệt vọng nhất? Vậy phải chăng nàng coi tôi là một người anh vào cái ngày cả hai ta cùng đi hành hương đến nhà thờ Đức Mẹ ở Fourvières, hôm ấy sau khi chúng mình đã thề trước bàn thờ là sẽ yêu nhau trọn đời, nàng đã đeo vào cổ tôi một dây chuyền mang thánh tích và bảo tôi: “Vì tình yêu của em, anh hãy giữ nó mãi mãi, nó sẽ đem lại hạnh phúc cho anh.”
Madeleine cố làm một cử chỉ dịu dàng van nài để ngắt lời Prosper, nhưng anh không trông thấy và vẫn nói tiếp:
- Từ đó đến nay đã được một năm và sau đó chưa đầy một tháng nàng đã thay đổi ý kiến buộc tôi phải thề không bao giờ được gặp lại nàng lần nữa. Giá mà tôi biết được tôi đã có một hành động hoặc ý nghĩ gì làm cho nàng không vừa lòng! Nhưng nàng không thèm giải thích gì cho tôi cả. Nàng đã xua đuổi tôi, và để nghe lời nàng tôi đã phải làm như thể chính tôi là người tự ý xa lánh. Nàng đã nói là giữa chúng ta có một sự ngăn trở không thể vượt qua, và tôi đã tin nàng. Thật là điên rồ! Sự ngăn trở ấy chính là trái tim nàng, Madeleine ạ. Dù sao, tôi vẫn sùng kính giữ gìn vật kỷ niệm thánh tích của nàng… Vậy mà nó đã không đem lại cho tôi hạnh phúc.
Madeleine đứng im cúi đầu, mặt nàng tái nhợt hơn cả bức tượng thạch cao. Những giọt nước mắt to tròn lặng lẽ lăn dài trên má.
- Tôi đã bảo anh quên đi. - cô thì thầm.
- Quên đi! - Prosper phẫn nộ như thể vừa nghe một lời báng bổ. - Quên đi! Làm sao tôi có thể quên được? Cũng như làm sao tôi có thể bắt máu trong người ngừng chảy? Ôi! Nàng chưa bao giờ yêu. Muốn quên đi, hay bắt trái tim ngừng đập, thì chỉ có một cách, đó là chết.
Lời nói quả quyết một cách tàn nhẫn ấy làm Madeleine hoảng sợ, nàng kêu lên:
- Khốn khổ thay!
- Phải, khốn khổ! Khốn khổ gấp vạn lần so với mức mà nàng có thể tưởng tượng nổi. Từ một năm nay tôi đã cố nghe lời nàng để quên đi mà không được. Nàng biết rõ là tôi đã định tự tử.
- Tôi cấm anh không được nói đến câu ấy.
- Người ta không thể cấm cản người mà người ta không yêu, Madeleine, nàng không biết điều đó sao?
Bằng một cử chỉ khẩn thiết, Madeleine ngắt lời Prosper như thể muốn nói, và biết đâu nàng đang giãi bày tất cả, muốn thanh minh cho mình! Nhưng một ý nghĩ bất chợt vội giữ nàng lại. Nàng phác một cử chỉ tuyệt vọng rồi kêu lên:
- Lạy Chúa! Thật là đau khổ quá!
Prosper có vẻ như hiểu lầm lời than của nàng, anh nói tiếp với một sự nhẫn nhục đau lòng xé ruột:
- Lòng thương của nàng đến quá muộn. Đối với một người đã được thoáng thấy những cảnh hồng phúc linh thiêng như tôi thì không còn có hạnh phúc được nữa. Nàng đã giết chết trong tôi những niềm tin thiêng liêng nhất. Tôi đã ra tù trong cảnh bị kẻ thù làm mất danh dự. Tôi sẽ ra sao bây giờ? Đối với tôi chẳng còn gì là hy vọng, là hứa hẹn cả. Tôi nhìn quanh mình mà chỉ thấy sự ruồng bỏ, sự ô nhục và nỗi tuyệt vọng.
- Prosper, bạn của em, anh trai của em, giá mà anh biết được…
- Tôi chỉ biết một điều, Madeleine ạ, rằng nàng đã yêu tôi, rằng bây giờ nàng không còn yêu tôi nữa, rằng tôi là người vẫn yêu nàng.
Anh ngừng lời. Anh đang mong đợi một câu trả lời nhưng không thấy. Bỗng nhiên có tiếng thổn thức nghẹn ngào phá tan sự im lặng. Người khóc chính là cô hầu phòng của Madeleine đang ngồi bên lò sưởi. Madeleine quên mất sự có mặt của cô ta, còn Prosper trong cơn sửng sốt choáng váng đã không nhận ra cô. Giờ đây anh nhìn sang cô. Cô gái này, trong bộ quần áo hầu phòng của những gia đình khá giả, chính là Nina Gypsy. Prosper choáng váng đến nỗi không nói nên lời. Anh đang đứng đây, giữa một bên là Madeleine, cô gái kiêu hãnh mà anh ngưỡng mộ và đã xua đuổi anh, với một bên là Nina Gypsy, cô gái tội nghiệp đang yêu anh mà anh lại khinh bỉ. Qua nỗi đau của mình, anh hiểu cô ta chắc cũng phải chịu đau khổ như thế nào khi phải chứng kiến cảnh vừa rồi. Và anh ngạc nhiên khi thấy Gypsy ngồi khóc mà không đứng lên phản đối nguyền rủa anh. Trong khi đó Madeleine đã lấy lại được vẻ bình tĩnh. Nàng thong thả nhặt chiếc áo khoác để trên sofa. Đến lúc chuẩn bị rút lui nàng mới bước tới bên Prosper bảo anh:
- Tại sao anh lại đến đây? Anh và em, chúng ta cần phải hết sức can đảm. Anh Prosper ạ, anh là một người bất hạnh, nhưng em còn bất hạnh hơn anh. Anh còn có quyền được khóc than, nhưng còn em thì em không có quyền được để cho người ta nhìn thấy một giọt nước mắt. Và trong khi trái tim em bị đau xé thì em vẫn phải mỉm cười. Anh có thể cầu xin lời an ủi của một người bạn, nhưng em thì chỉ biết giãi bày cùng Chúa.
Prosper định đáp lại nhưng anh nghẹn ngào không nói nên lời.
- Em phải nói với anh rằng em không quên một điều gì cả. Ôi! Nhưng anh đừng hy vọng gì vào lời khẳng định ấy. Chúng ta sẽ không có tương lai nào đâu. Nếu anh yêu em thì anh phải sống. Anh đừng nhẫn tâm đem cái chết ra để chất thêm nỗi đau khổ cho em. Có thể một ngày nào đó, em sẽ được phép minh oan cho mình… Còn bây giờ, ôi, anh trai của em ôi, người bạn duy nhất của em, vĩnh biệt, xin vĩnh biệt!…
Nàng rướn người hôn nhẹ lên vầng trán của chàng trai bất hạnh rồi hấp tấp đi ra, theo sau là Nina Gypsy.
Còn lại một mình Prosper, anh cảm thấy như mình vừa sực tỉnh cơn mê. Chỉ đến lúc này anh mới có sức tìm cách để hiểu mọi chuyện vừa xảy ra. Anh không thể không nhận thấy uy lực của người đàn ông mà sáng nay anh mới gặp lần đầu. Người đàn ông lạ mặt này có uy lực gì mà có thể tự ý bố trí được các sự kiện như vậy? Ông ta có vẻ như đoán biết được tất cả. Ông ta quen Cavaillon, biết được những đường đi nước bước của Madeleine, có thể khuất phục được cô Gypsy tự lập. Anh phẫn nộ đến nỗi khi thấy ông Verduret bước vào phòng, anh vội bước thẳng tới trước mặt ông rồi cất giọng nghiêm nghị hỏi xẵng:
- Ông là ai?
Ông Verduret tỏ ra không ngạc nhiên mấy trước cơn tức giận của Prosper, ông đáp:
- Một người bạn của bố anh, anh không biết à?
- Thưa ông, đó không phải là một câu trả lời. Trong giây phút bất ngờ tôi đã có thể giao phó ý chí của mình trong tay một người lạ, nhưng bây giờ…
- Sao? Anh định hỏi lý lịch của tôi ư? Để làm gì? Tôi đã nói rồi. Tôi sẽ cứu anh. Điều cơ bản là tôi sẽ cứu được anh.
- Tuy nhiên tôi vẫn có quyền hỏi là ông sẽ cứu tôi bằng cách nào?
- Để làm gì?
- Thưa ông, để chấp nhận hoặc khước từ những cách làm của ông.
- Thế nếu tôi đảm bảo sự thành công?…
- Điều đó chưa đủ, thưa ông, và tôi không muốn bị mất quyền tự do, bị bất ngờ phải chịu đựng những thử thách như ngày hôm nay. Một người ở tuổi tôi cần phải biết điều mình làm.
- Prosper ạ, một người ở tuổi anh khi bị mù thì phải có một người dẫn đường và đừng có tham vọng đòi chỉ đường cho người dẫn đường.
Giọng nói đùa giễu cợt nửa thương hại của ông Verduret không làm dịu được cơn bực tức ngày càng tăng của Prosper. Anh quát to:
- Nếu thế thì xin cảm ơn ông, tôi không cần đến sự giúp đỡ của ông. Sở dĩ tôi đấu tranh để bào chữa cho danh dự và mạng sống của mình chính là vì tôi hy vọng Madeleine sẽ trở lại với tôi. Hôm nay tôi biết rằng giữa nàng và tôi mọi chuyện đã chấm dứt. Tôi xin từ bỏ cuộc chiến này.
Quyết định của Prosper rõ ràng đến nỗi ông Verduret tỏ ra hoảng sợ. Ông tuyên bố:
- Anh điên rồi.
- Rất tiếc là không. Madeleine không yêu tôi nữa thì mọi chuyện chẳng có nghĩa lý gì cả.
Giọng anh tuyệt vọng đến nỗi làm cho ông Verduret cảm động. Ông nói tiếp:
- Như vậy anh không nghi ngờ gì sao? Anh không thể hiểu được ý nghĩa lời nói của nàng ư?
Prosper làm một điệu bộ hoảng hốt, anh kêu lên:
- Ông đã nghe trộm!
- Phải.
- Này ông!…
- Vâng, có lẽ như vậy là không tế nhị lắm. Nhưng muốn có mục đích thì phải có phương tiện. Tôi đã nghe trộm và tôi mừng vì điều đó, bởi vì bây giờ tôi có thể nói với anh rằng: Hãy lấy lại can đảm đi, Prosper, tiểu thư Madeleine yêu anh đấy. Nàng chưa bao giờ hết yêu anh.
Một người bệnh cho dù cảm thấy mình sắp chết nhưng vẫn dỏng tai nghe những lời hứa hẹn của bác sĩ. Sự khẳng định dứt khoát của ông Verduret đã nhóm lên tia hy vọng cho Prosper. Bỗng nhiên anh bình tĩnh trở lại.
- Ôi! - anh thì thầm. - Giá như tôi có thể tin được…
- Anh hãy tin tôi, vì tôi không thể nhầm được. Ôi! Tiếc thay anh đã không đoán được những nỗi giày vò mà cô gái này đã phải chịu khi cô bị giằng xé giữa một bên là tình yêu với một bên là cái cô cho là bổn phận. Chẳng nhẽ trái tim anh không xúc động khi nghe cô nói lời từ biệt ư?
- Cô ấy yêu tôi, cô ấy đang được tự do, thế mà cô ấy trốn tránh tôi…
- Tự do à? Không, cô ấy không được tự do. Sở dĩ cô ấy cự tuyệt anh là vì cô ấy phải tuân theo một ý chí mạnh mẽ không thể cưỡng nổi. Cô ấy đang tỏ ra tận tụy phục tùng… Nhưng phục tùng ai? Chẳng bao lâu chúng ta sẽ biết, và thái độ tận tụy bí mật của cô sẽ cho chúng ta biết cái mưu đồ bí mật mà anh đang là nạn nhân.
Càng nghe Prosper càng mất hết ý chí phẫn nộ, niềm hy vọng và lòng tự tin lại trở lại với anh.
- Chỉ mong những điều ông nói là sự thực, - anh thì thầm.
- Khốn nạn cho anh! Tại sao anh cứ ương bướng nhắm mắt trước sự thật hiển nhiên? Chẳng lẽ anh không hiểu rằng Madeleine biết rõ tên kẻ cắp ư?
- Không thể như thế được!
- Đúng là như vậy đấy. Nhưng không một sức mạnh nào có thể bắt cô nói ra cái tên ấy. Phải, cô ấy đã hy sinh anh, nhưng cô ấy gần như có quyền làm điều đó, bởi vì trước hết cô ấy đã tự hy sinh đời mình.
Prosper đã chịu thua, nhưng anh không thể rời căn phòng này mà không khỏi tan nát cõi lòng, căn phòng mà ở đó hình ảnh Madeleine đã xuất hiện.
- Than ôi! - anh vừa kêu lên vừa siết chặt tay ông Verduret. - Chắc là ông thấy tôi điên rồ và kỳ khôi lắm… Đó là vì ông không biết, không, ông không thể biết được tôi đau khổ như thế nào…
Ông Verduret buồn rầu lắc đầu. Trong chốc lát vẻ mặt ông thay đổi hẳn, đôi mắt sáng của ông nhòa đi, giọng ông run run. Ông đáp:
- Những điều anh đang đau khổ thì tôi cũng đã phải trải qua. Cũng như anh, tôi đã yêu, không phải yêu một phụ nữ quý tộc trong trắng mà là một cô gái giang hồ. Trong suốt ba năm tôi đã làm nô lệ cho cô ấy. Rồi một hôm cô ấy bỏ tôi, người đã yêu cô ấy tha thiết, để trao mình vào vòng tay một người khinh ghét cô. Khi ấy, cũng như anh, tôi đã muốn chết. Khốn nạn cho cô ấy! Bao nhiêu nước mắt và lời van xin đã không thể kéo cô ấy quay về với tôi được. Dục vọng không phân biệt được phải trái, cô ấy đã yêu người đàn ông kia.
- Thế người đàn ông kia ông có biết chứ?
- Tôi có biết.
- Thế mà ông không trả thù!…
- Không, - ông Verduret đáp rồi nói thêm bằng giọng khác thường, - sự tình cờ đã nhận nhiệm vụ trả thù thay cho tôi.
Prosper im lặng một lát, cuối cùng anh nói:
- Thưa ông, tôi đã quyết rồi, danh dự của tôi là một di sản thiêng liêng mà tôi phải giành lại cho dòng họ tôi, tôi sẵn sàng theo ngài đến cùng, ngài cứ tùy ý sai khiến tôi.
Ngay ngày hôm đó, Prosper bán hết đồ đạc trong nhà, viết thư cho bạn bè bảo rằng anh chuẩn bị đi Mỹ, rồi đến tối anh cùng ông Verduret đến ở tại khách sạn Đại Thiên Thần. Chị Alexandre đã dành cho anh căn phòng xinh xắn nhất, nhưng nếu so với căn phòng diêm dúa của anh ở phố Chaptal thì còn kém xa. Nhưng anh không còn đủ sức nhận ra sự khác biệt ấy nữa. Anh nằm trên chiếc sofa tồi tàn rà soát lại mọi sự kiện xảy ra trong ngày và cảm thấy một niềm vui chua chát cho cảnh sống tách biệt của mình.
Khoảng mười một giờ, cảm thấy đầu óc nặng nề, anh đứng lên mở cửa sổ, gió thổi mạnh buộc anh phải vội đóng lại. Nhưng một luồng gió đã lọt vào phòng, nó thổi tung rèm cửa, và anh nhìn thấy ở giữa phòng có một mẩu giấy đang quay cuồng. Prosper lơ đãng nhặt mẩu giấy lên xem. Trên mẩu giấy có những dòng chữ nét nhỏ, đúng nét chữ của Nina Gypsy, anh không thể nhầm được. Đó là một mẩu thư đã bị xé, và nếu như những câu chữ què cụt không đem lại một ý nghĩa thỏa mãn nào, thì chúng cũng đủ làm cho trí tưởng tượng của người nào đọc chúng phải lạc lối trong cõi mông lung. Mầu giấy đó có những dòng chữ chính xác như sau:
“… của anh Raoul, tôi đã rất kh…
….chuẩn bị ngầm chống lại anh ấy, mà không bao giờ…
……báo cho Prosper và khi đó…
……người bạn thân nhất, anh ấy…
……bàn tay của tiểu thư Ma…”
Đêm đó Prosper không ngủ được.