However rare true love may be, it is less so than true friendship.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Thor Heyerdahl​
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: Kon Tiki​
Dịch giả: Lê Chu Cầu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2762 / 87
Cập nhật: 2017-05-20 08:58:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Trên Những Hòn Đảo Ở Thái Bình Dương
êm 29 rạng ngày 30 tháng bảy, một không khí kỳ lạ bao trùm quanh chiếc bè Công Ti-ki. Tiếng ồn ào của các con chim biển phải chăng báo hiệu một điều gì. Chúng tôi cảm thấy đất liền đang tới gần trong tiếng chim hót líu lo, huyên náo, đang hòa cùng tiếng thừng nghiến cót két ảm đạm, mà suốt ba tháng trời chúng tôi phải chịu đựng cùng với tiếng gầm thét của sóng biển. Trăng hôm nay tròn và đầy đặn hơn bao giờ. Trong trí tưởng tượng của chúng tôi, mặt trăng như phản chiếu những ngọn cây dừa cùng những cảnh nên thơ lãng mạn. Sáu giờ, hết ca trực, từ trên ngọn cột buồm xuống, Ben đánh thức Héc-man, rồi đi ngủ. Khi Héc-man leo lên cột buồm lắc lư thì trời rạng sáng. Mười phút sau, nét mặt rạng rỡ anh trở xuống bằng thang dây đến kéo chân tôi gọi:
- Lên mà xem.
Tôi vùng dậy, theo sau là Ben vừa mới chợp ngủ. Chen chúc nhau, người trước người sau chúng tôi cố trèo thật cao, lên đến tận xà ngang cột buồm. Xung quanh chúng tôi rất nhiều chim, trời như phủ một lớp vải mỏng phớt một màu xanh tím, phản chiếu trên mặt biển hình ảnh còn lại của một đêm sắp tàn. Ở phương đông, một làn ánh sáng đỏ đang lan dần về hướng đông nam, tạo thành một nền đỏ tía nổi lên một bóng mờ, tựa như một nét bút chì xanh kẻ ở bờ nước.
Ôi, một hòn đảo! Chỉ cần nhìn hướng sóng trên mặt biển, chúng tôi nhận thấy ngay không còn cơ may mắn vào đảo, vì vị trí hiện nay của bè, gió không thể đưa chúng tôi đến đảo được. Dù biết không còn hy vọng nào nữa, chúng tôi vẫn chèo lái. Đến sáu giờ rưỡi, mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển và từ từ hiện lên giữa trời như ở vùng các chí tuyến. Hòn đảo chỉ cách có mấy dặm, trông như một dải rừng không cao lắm, chạy dọc theo chân trời. Sau một bãi cát trắng là những cây cối rậm rạp, qua từng khoảng đều đặn lại biến đi sau những vạt sóng.
Theo E-rích tính toán, đó là đảo Pu-ca Pu-ca, một hòn đảo tiền tiêu của dãy Tu-a-mô-tu. Theo tài liệu "Đường biển dẫn đến những hòn đảo ở Thái Bình Dương 1940", cũng như nhận xét của E-rích, cùng hai tấm hải đồ của chúng tôi, hòn đảo này ở vào bốn vị trí khác nhau. Quanh đấy không có hòn đảo nào khác, nên chúng tôi cho đó chính là đảo Pu-ca Pu-ca. Đến tám giờ rưỡi, hòn đảo Pu-ca Pu-ca khuất hẳn trên mặt biển, nhưng đến mười một giờ từ trên ngọn cột buồm, chúng tôi nhìn lại thì thấy một vạch mờ xanh ở chân trời về phía đông.
Sau đó vạch xanh cũng mất hẳn, chỉ còn lại là là trên trời một đám mây lớn cáo hiệu nơi có hòn đảo Pu-ca Pu-ca. Chim muông không còn xuất hiện nữa. Chúng quay lưng về hướng gió khi chúng bay về lúc chiều tối, bụng đã căng. Cá hồng cũng trở nên hiếm một cách rõ rệt và phía dưới bè chỉ thấy xuất hiện lại một số cá hoa tiêu. Ngay sáng hôm sau, chúng tôi nhận thấy hai đám mây mới dâng lên ở phía chân trời. Theo hải đồ, đó là đảo Phăng-ga-hi-na và Eng-ga-tô.
Theo chiều gió, chúng tôi đến Eng-ga-tô thuận lợi hơn. Lợi dụng đại dương yên tĩnh, chúng tôi hướng mũi bè và buộc chặt lái để được tự do thưởng thức sự im lặng tuyệt diệu của đại dương. Được ngày đẹp trời, cuộc sống trên bè Công Ti-ki thích đến nỗi chúng tôi say sưa thưởng thức mọi cảm nghĩ khi thấy rằng chuyến đi, dù thế nào chăng nữa, cũng sắp kết thúc. Ba ngày ba đêm liền chúng tôi hướng bè đi theo đám mây ở trên đảo Eng-ga-tô. Trời tuyệt đẹp! Bánh lái tự điều khiển hướng đi đã định, luồng nước rất hiền hòa. Sau phiên trực ca từ bốn đến sáu giờ buổi sáng thứ tư, Toóc-xten đến thay cho Héc-man được Héc-man kể lại anh đã trông thấy dưới ánh trăng đường viền quanh của một hòn đảo phẳng lì. Một lúc sau, mặt trời mọc, Toóc-xten thò đầu vào cửa ca-bin hét ầm lên: "Đất liền ở phía trước!"
Chúng tôi vội lao ra sàn là nhìn thấy, và cho kéo các cờ lên. Cờ Na Uy ở phía sau, cờ Pháp ở đỉnh cột buồm, vì chúng tôi đang đến một thuộc địa của Pháp. Sau đó, toàn bộ các cờ của chiếc Công Ti-ki được kéo lên: Mỹ, Anh, Pê-ru, Thụy Điển, không kể đến cờ của Hội những nhà thám hiểm. Ai cũng phải thừa nhận là chiếc bè Công Ti-ki đẹp hẳn lên. Lần này hòn đảo ở vào vị trí lý tưởng, ngay trên đường đi, hơi xa hơn một chút đối với chúng tôi nếu so với lần bè đi gần đảo Pu-ca Pu-ca, khi chúng tôi thấy đảo này xuất hiện trước mắt bốn ngày trước đây. Chúng tôi biết rằng giữa đất liền và chúng tôi, có một bãi san hô ngầm rất nguy hiểm. Ngọn sóng lớn thường từ phía tây đến vấp vào dải san hô, mất thăng bằng làm tung lên những tảng nước đổ như sấm rền xuống các tảng san hô sắc. Biết bao nhiêu tàu biển đã tan ra từng mảnh khi va phải bãi san hô đảo Tu-a-mô-tu.
Đến hai giờ, chúng tôi đã tiến sát gần đảo, bắt đầu men dọc theo bờ đến sát gần nơi có đá ngầm nguy hiểm. Mỗi lúc càng nghe rõ tiếng gầm thét của các ngọn sóng xô vào dải san hô, giống như tiếng thác đổ đều đều có thể tưởng tượng như một đoàn tàu tốc hành dài vô tận đang chạy trên đường ray cách mạn phải bè độ mấy trăm thước. Bây giờ, chúng tôi có thể trông thấy đám mưa bụi trắng hất lên từ lưng những ngọn sóng cuồn cuộn, ở ngay cạnh chúng tôi, đứng ở chỗ mà "đoàn tàu" gầm rú.
Lúc này phải hai người mới giữ nổi bơi chèo nặng. Do đứng khuất sau ca-bin, họ không nhìn thấy phía trước. E-rích với danh nghĩa hoa tiêu trưởng, đứng trên chiếc hòm gỗ ở nhà bếp để điều khiển. Kế hoạch của chúng tôi là hết sức đi sát dải đá ngầm nguy hiểm. Từ trên ngọn cột buồm, chúng tôi đang cố tìm một khe lạch để đưa bè vào. Trong khi E-rích điều khiển chiếc bè đi ngoằn ngoèo sát ngay các dải đá để tránh những con sóng xô, thì tôi và Héc-man ngồi trên xuồng cao-su được bè kéo theo bằng dây thừng. Khi chiếc bè lượn về hòn đảo, sợi dây thừng đã đưa xuồng vào sát ngay nơi sóng vỗ ầm ầm vào bãi san hô. Trong một khoảnh khắc, trước mặt chúng tôi là một bức tường nước xanh đang xa dần.
Khi sóng rút ra, bãi san hô hiện ra như một hàng rào sắt gỉ nham nhở tua tủa. Chúng tôi cố tìm mãi không thấy được một khe lạch nào. E-rích điều chỉnh lại hướng buồm, kéo chặt phía trái, nới dài dây phía phải bè, và người lái theo dõi động tác của bánh lái và chiếc Công Ti-ki lại ra khơi, rời nơi nguy hiểm chờ lần sau. Mỗi lần chiếc Công Ti-ki trở vào đảo, rồi lại quay ra, hai chúng tôi ngồi trên xuồng đều hú vía vì thấy các ngọn sóng càng điên cuồng hơn. Mỗi lần như vậy, chúng tôi tin chắc rằng E-rích đã quá mạo hiểm và không còn một chút hy vọng nào để làm cho chiếc bè Công Ti-ki thoát khỏi các vạt sóng đang muốn hút nó vào bãi đá ngầm màu đỏ ghê sợ. Suốt cả ngày, chúng tôi đi loanh quanh dọc theo đảo Ang-ga-tô và được thấy tất cả vẻ đẹp huy hoàng ngay trước mắt. Mặt trời chiếu rọi lên những cây dừa, đó là niềm vui thần tiên trên đảo. Việc điều khiển bè dần dần trở thành như máy. E-rích cầm cây đàn ghi-ta, đứng trên sàn bè, đầu đội chiếc mũ rộng vành để che nắng vừa đàn vừa hát những bài ca trữ tình Pô-li-nê-di, còn Ben thì cho ăn một bữa thịnh soạn. Bổ một quả dừa mang từ Pê-ru, chúng tôi uống chúc mừng sự phong phú của các cây dừa trĩu quả trên đảo.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thế là bây giờ chúng tôi đã đến phía bên kia đại dương; không bao giờ chúng tôi thấy những đảo Pô-li-nê-di rõ ràng hơn bây giờ. Dù có thể hay không có thể đổ bộ lên đảo được, dù sao đi chăng nữa, chúng tôi hiện đang ở vùng biển phương nam, sau lưng chúng tôi là cả một vùng nước mênh mông. Thật là tình cờ vì ngày hội trên đảo Ang-ga-tô lại là ngày thứ chín mươi bảy ở trên bè, đúng như khi còn ở Niu-oóc chúng tôi đã dự kiến trong điều kiện lý tưởng, về mặt lý thuyết thì chín mươi bảy ngày là thời gian tối thiểu cần để đến được những hòn đảo gần nhất ở Pô-li-nê-di.
Khoảng năm giờ chiều, chúng tôi đi qua trước hai cái chòi lợp lá dừa dựng lên ở giữa các lùm cây, nhưng không thấy khói và bóng người. Đến năm giờ rưỡi, một lần nữa chúng tôi lại tiến gần đảo ở mỏm phía tây, đảo mắt nhìn xung quanh để tìm lối vào. Mặt trời lúc này xuống quá thấp làm cho chúng tôi lóa mắt. Trước mắt chúng tôi hiện lên một cầu vồng nhỏ ở ngay chỗ sóng biển xô vào bãi san hô, cách mỏm cuối của đảo chừng hai, ba trăm mét, bãi san hô hiện rõ nét trước mặt. Trên bãi cát, chúng tôi thấy một đám chấm đen bất động. Đột nhiên một cái chấm từ từ đi ra phía biển trong khi những chấm kia vội vàng chạy vào ven rừng. Đó là những con người thực sự! Chúng tôi cố gắng hết sức để tiến lại gần. Ngay lúc đó, một chiếc thuyền độc mộc được đưa xuống nước. Hai người nhảy xuống dùng dầm bơi ra ở phía bên kia dải san hô. Vừa ngoặt ra, chiếc thuyền bị sóng nhồi lên nhưng nó đã nhanh chóng lao vào một lối đi trong dãy san hô, tiến thẳng đến chỗ chúng tôi. Hai thổ dân bước lên và một trong hai người tươi cười, chìa tay ra và nói bằng tiếng Anh:
- Gút nai.
Tôi hết sức ngạc nhiên trả lời:
- Good night! Do you speak English?
Người đó lại cười và cúi đầu nhắc lại:
- Gút nai.
Đó là tất cả vốn liếng tiếng nước ngoài mà anh ta có, còn người kia đứng sừng sững im lặng ở phía sau, vẻ mặt kiêu hãnh vì sự giỏi giang của bạn mình. Tôi chỉ lên đảo và hỏi:
"Ang-ga-tô?"
"Hăng-ga-tô".
Anh ta gật đầu trả lời. E-rích đã thắng. Anh đã đoán đúng vì chúng tôi hiện đang ở đúng nơi mà mặt trời đã chỉ cho anh ta. Tôi hỏi thêm: "Mai-mai hi i-u-ta" có nghĩa là tôi nói "muốn lên bờ".
Nghe xong hai người đều chỉ vào lối đi qua bãi san hô và chúng tôi quyết định lái bè thử tiến vào lối đó, giữa đám san hô ngầm. Chúng tôi nhận xét thấy chiếc bè Công Ti-ki chỉ hướng theo bánh lái một góc quá nhỏ để có thể đưa bè đến được chỗ ra vào đảo. Chúng tôi định đo độ sâu của nước nhưng thừng neo không đủ dài. Lúc này chiếc bè không theo điều khiển bằng lái, phải dùng bơi chèo và phải chèo nhanh trước khi gió lớn nổi lên. Buồm được nhanh chóng hạ xuống, mỗi người chúng tôi đều cầm bơi chèo để đưa bè vào. Chúng tôi muốn hỗ trợ cho hai người địa phương, khi đó đang mải thưởng thức thuốc lá mà chúng tôi vừa tặng họ. Nhưng họ cương quyết từ chối lời đề nghị giúp đỡ của chúng tôi, vừa tỏ vẻ ngạc nhiên vừa chỉ cho chúng tôi lối vào đảo.
Tôi ra hiệu cắt nghĩa cho họ là tất cả chúng tôi đều phải chèo và nhắc lại câu "Muốn lên bờ" cho họ hiểu. Một người có vẻ nhanh nhẹn thấy thế cúi xuống lấy tay ra hiệu quay ma-ni-ven và miệng kêu lên: "Brừ... ừ... ừ...". Mọi người đều hiểu ý họ muốn chúng tôi cho nổ máy, vì họ tưởng bè chúng tôi là một chiếc tàu. Chúng tôi dẫn họ ra phía sau và chỉ cho họ thấy không có cánh quạt. Họ thấy ngay nguy hiểm, vứt thuốc lá và lập tức đứng bên chúng tôi, như vậy bốn người một bên, chúng tôi cố hết sức chèo. Cùng lúc mặt trời khuất sau mỏm đảo, những cơn gió mát từ đảo thổi tới nhè nhẹ. Bè chúng tôi không nhích được chút nào. Hai người thổ dân lộ vẻ sợ hãi nhảy xuống thuyền và biến mất. Trời bắt đầu tối. Chúng tôi chỉ có một mình, đang cố hết sức một cách tuyệt vọng để bè khỏi giạt ra khơi. Bóng đêm đã trùm lên đảo, chợt chúng tôi thấy bốn chiếc thuyền đang bồng bềnh bơi ra. Trên thuyền người rất đông, đều muốn chìa tay ra bắt tay và được thuốc lá. Có những người thông thuộc địa hình ở đây như họ. Chúng tôi không còn sợ nguy hiểm nữa và họ không để chúng tôi bị giạt ra khơi. Tối hôm đó, chúng tôi sẽ lên được đất liền.
Chúng tôi nhanh chóng buộc những dây thừng ở các thuyền vào mũi bè Công Ti-ki. Bốn chiếc thuyền xoè ra như chiếc quạt đi trước bè, giống như xe trượt tuyết có chó kéo. Nút nhảy vào chiếc xuồng cao su giữa đám thuyền đang kéo bè, anh ở vị trí giống như một con chó đang kéo xe trượt tuyết. Còn chúng tôi, tay cầm bơi chèo đứng hai bên bè, trên hai cây gỗ ngoài cùng của chiếc Công Ti-ki và cuộc vận lộn lần đầu tiên với cơn gió đông thổi rất lâu từ phía sau lưng chúng tôi. Trời tối đen cho đến khi có ánh trăng lên. Trên đảo, dân làng đã chất cành cây đốt sáng rực, để chúng tôi thấy rõ lối đi. Chúng tôi cập đảo với lòng hăm hở. Chín mươi bảy ngày rồi còn gì, thế là đã đến Pô-li-nê-di. Tối nay trong làng thể nào cũng có hội. Dân làng sẽ hoan hô và hân hoan. Ở Ang-ga-tô, một năm chỉ có một lần có thuyền cập bến, đó là chiếc thuyền nhỏ hai buồm thường từ Ta-hi-ti đến để mua dừa. Phải! Tối nay sẽ có hội vui quanh ngọn lửa ở trên đảo.
Gió vẫn thổi dữ dội. Chúng tôi cố hết sức, mình mẩy đau nhức. Không còn nghe thấy ai hát nữa. Mọi người đang ra sức chèo. Chưa đến gần được đám lửa. Từng lúc, chúng tôi trông thấy ánh lửa lúc thấp xuống, lúc cao lên tuỳ theo các ngọn sóng đang đẩy bè lên, xuống. Ba tiếng đồng hồ trôi qua, bây giờ là chín giờ tối. Dần dần chúng tôi bị lùi lại, mọi người đều kiệt sức. Tôi làm cho những thổ dân hiểu rằng chúng tôi cần thêm nhiều người nữa. Họ cho biết rằng trên đảo có nhiều người, nhưng chỉ có bốn chiếc thuyền có thể ra biển được. Nút nảy ra ý nghĩ dùng xuồng cao su để vào đảo, chở người ra, ít nhất cũng thêm được năm, sáu người. Nút biến đi trong bóng đêm. Lúc lâu không thấy trở về cùng với người "thủ lĩnh" dẫn đường, tôi cất tiếng gọi không thấy trả lời, chỉ thấy tiếng nói ào ào của thổ dân. Nút vẫn không thấy trở lại. Lúc này, chúng tôi đoán việc gì đã xảy ra. Trong lúc ồn ào, nhốn nháo, Nút nghe không kỹ lời dặn của tôi, đã vào đảo cùng người "thủ lĩnh". Gọi bao nhiêu lần cũng vô ích vì bị tiếng sóng vỗ làm át đi. Một người leo lên cột buồm cầm đèn đánh tín hiệu Moóc-xơ để cáo cho họ trở lại. Mất đi hai người, và người thứ ba ở ngọn cột buồm, chúng tôi lại bị đẩy lùi dần và mọi người đều mệt rã rời. Chúng tôi ném xuống nước những vật làm mục tiêu thì thấy bè đi đều, chậm nhưng lại lạc sang hướng xấu. Ngọn lửa trông càng nhỏ dần, tiếng sóng xô nghe đã giảm đi. Càng xa dần, ngọn gió tây dai dẳng càng đẩy chúng tôi đi. Chúng tôi biết rằng bị giạt ra khơi và không còn hy vọng gì nữa. Phải đem hết sức chèo cố ngăn cho bè khỏi trôi giạt cho đến khi Nút trở lại an toàn.
Năm phút trôi qua.
Mười phút.
Nửa giờ.
Ngọn lửa ánh lên rất nhỏ và đến lúc bè chúng tôi bước vào lõm sóng, ngọn lửa không còn nhìn thấy nữa. Tiếng sóng xô bờ lúc này như tiếng ì ầm vọng lại từ xa. Chúng tôi nghe thấy tiếng những thổ dân đang thầm thì bàn bạc. Đột nhiên, một trong bốn chiếc thuyền rời đi bỏ lại dây kéo. Những thổ dân ở ba chiếc thuyền kia đều mệt mỏi và sợ hãi, họ chèo rất uể oải, trong lúc đó chiếc Công Ti-ki cứ trôi dần ra khơi. Chẳng bao lâu các dây leo thuyền còn lại cũng bị bỏ nốt, ba chiếc thuyền tiến lại bè, một thổ dân lên vừa hất đầu hỏi chúng tôi một cách bình thản. "I-u-ta" (lên đất liền). Ánh mắt lo lắng, anh nhìn về ngọn lửa lúc này đã mất hẳn, từng lúc chỉ còn lóe lên những tia sáng nhỏ. Gió đã đẩy chúng tôi ra quá nhanh. Không còn nghe thấy tiếng sóng xô vào đá mà chỉ thấy tiếng gầm thét quen thuộc của biển cả và tiếng dây thừng nghiến vào cột buồm. Chúng tôi chia thuốc lá cho các thổ dân và tôi viết vội vào mảnh giấy để họ đưa cho Nút nếu họ gặp được anh. Nội dung tôi viết: "Để hai thổ dân đưa cậu trở về bằng thuyền. Xuồng cao su kéo theo sau. Đừng trở về một mình bằng xuồng". Cầm mảnh giấy, họ nhảy ngay xuống thuyền, biến mất trong bóng đêm. Chúng tôi chỉ kịp nghe thấy tiếng chào lễ phép của một thổ dân "Gút nai".
Lúc đó đã mười giờ rưỡi. Ben từ ngọn cột buồm xuống để thay phiên. Tất cả chúng tôi đều sửng sốt vì nghe thấy rõ ràng tiếng người trên biển. Đúng rồi, lại nghe thấy nữa, mà bằng tiếng Pô-li-nê-di. Chúng tôi gọi lại rất to và nghe thấy tiếng trả lời trong đó có tiếng của Nút. Chúng tôi điên lên vì cảm động, không còn thấy mỏi mệt gì nữa.
Bầu trời như sáng hẳn lên. Phải rời bỏ Ang-ga-tô ư? Chẳng sao, trên biển còn có nhiều đảo khác. Lúc này chiếc bè say mê du lịch của chúng tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào mà nó muốn, miễn rằng chúng tôi có đủ cả sáu người. Ba chiếc thuyền bập bềnh đi trong bóng đêm băng qua các ngọn sóng và Nút là người đầu tiên nhảy lên bè, theo sau là sáu thổ dân. Kể lể lúc này mất thời giờ, chúng tôi đem quà biếu các thổ dân để họ còn trở về trong chuyến đi khá nguy hiểm. Không nhìn thấy ánh sáng, đất liền, dưới vòm trời đầy sao, họ phải chèo ngược gió và sóng biển cho đến khi nhìn thấy ánh lửa. Chúng tôi đã tặng cho họ nhiều lương thực, thuốc lá và thứ quà khác, siết chặt tay họ thắm thiết, giã từ họ lần cuối cùng.
Suốt ba ngày liền trên biển, chúng tôi không nhìn thấy dải đất nào. Chiếc bè đang tiến thẳng đến dãy Ta-ku-ma và Ra-rôi-a, hai dãy này chặn ngang từ bốn mươi đến năm mươi hải lý ở phía trước mặt chúng tôi. Chúng tôi phải cố hết sức đưa bè đi qua phía bắc dãy núi đá nguy hiểm và mọi việc đều tiến hành thuận lợi thì một đêm người trực phiên hối hả đến lay chúng tôi dậy. Gió đã đổi chiều. Bè đang trôi về dải đá Ta-ku-ma. Trời bắt đầu mưa làm cho chúng tôi không nhìn thấy gì. Dải đá ngầm đó chỉ gần đâu đây thôi. Tính mạng tất cả mọi người đang bị đe dọa. Không thể nào đi qua theo hướng bắc được nữa mà ngược lại phải chọn đi về hướng nam. Chúng tôi điều chỉnh hướng buồm, cần lái và lao vào một chuyến đi đầy nguy hiểm với cơn gió bắc không ổn định ở phía sau. Nếu ngọn gió đông trở lại trước khi chúng tôi vượt qua dãy đá ngầm dài khoảng tám mươi ki-lô-mét, chúng tôi sẽ bị cuốn vào dãy đá và đành phó mặc cho số mệnh. Việc đắm bè cũng được dự tính đến. Bằng giá nào, mọi người đều phải ở trên mạn bè. Không ai được trèo lên cột buồm vì sẽ bị rơi xuống như một quả rụng. Ngược lại, mọi người đều phải bám chặt lấy các thanh ngang ở cột buồm khi các ngọn sóng ập đến. Chiếc xuồng cao su được để ở mạn bè, không cần phải neo buộc, trong đó chúng tôi để một máy phát vô tuyến điện nhỏ không thấm nước, lương thực, những chai nước và dụng cụ thuốc men.
Chiếc xuồng sẽ có thể bị cuốn lên đất liền, phòng trường hợp chúng tôi thoát qua được dãy đá ngầm mà không còn gì trong tay. Một chiếc phao nổi được buộc bằng một dợi dây thừng dài phía sau bè, sóng biển sẽ vứt lên đất liền. Trong trường hợp đó, chúng tôi còn có thể kéo chiếc bè bị đắm khỏi dãy đá ngầm. Sau đó chúng tôi đi ngủ, còn lại người trực ca một mình ở ngoài mưa.
Đến đêm hôm đó, chúng tôi đã lênh đênh trên mặt biển được một trăm ngày. Đã khuya lắm rồi, tôi bừng tỉnh giấc, lòng lo lắng bồn chồn. Có cái gì khác thường trong hoạt động của các ngọn sóng. Ngay đến sự vận động của chiếc bè cũng khác hẳn mọi khi ở trong những điều kiện tương tự. Chúng tôi đã có thói quen rất nhạy cảm với nhịp điệu của các cây gỗ và tôi nghĩ ngay đến hiện tượng hút của vùng bờ biển mà chúng tôi đang lại gần. Tôi vội trèo lên cột buồm nhưng không nhìn thấy gì ngoài biển cả mênh mông. Nhưng dù sao cả đêm đó tôi không sao ngủ yên được. Thời gian vẫn trôi qua. Trước sáu giờ lúc rạng đông Toóc-xten vội vã từ trên cột buồm xuống cho biết đằng trước chúng tôi có một dãy đảo nhỏ đầy những cây dừa. Trước hết chúng tôi bẻ hết lái hướng về phía nam.
Toóc-xten đã nhìn thấy những đảo san hô nhỏ hình thành như một chuỗi hạt ngọc ở sau dãy Ra-rôi-a. Có thể một luồng nước chảy về hướng bắc đã cuốn chúng tôi theo. Bảy giờ rưỡi, những đảo nhỏ đầy cây cối hiện ra ở chân trời phía tây. Dãy ngay cạnh ở phía nam gần như ngay trước mũi bè, từ đó rải rác suốt chân trời về phía bắc, bên phải chúng tôi, như những chấm nhỏ. Dãy gần nhất cách chúng tôi bốn, năm hải lý. Từ trên ngọn cột buồm, nhìn bao quát, mũi bè hướng thẳng vào hòn đảo ở đầu dãy, nhưng sức đẩy của nước làm cho bè không đi vào hướng đó. Chúng tôi đi xiên chéo vào dải đá. Nếu những tấm gỗ chống giạt của chúng tôi chắc chắn thì có thể thoát. Nhưng vì có rất nhiều cá mập bám sát bè nên không thể nào lặn xuống đáy để buộc lại những tấm gỗ đang lung lay, bằng dây thừng mới được. Chỉ còn có thể ở trên bè mấy tiếng đồng hồ nữa, cần phải tranh thủ thời gian chuẩn bị mọi thứ vì đắm bè là điều không tránh được trên đám san hô đó. Tất cả mọi người đều rõ sẽ phải làm gì, và phạm vi trách nhiệm của từng người đã được quá định để khi lâm nguy đỡ bị giẫm chân lên nhau, chạy chỗ này, chỗ kia.
Gió đẩy chiếc Công Ti-ki nghiêng ngả khủng khiếp. Chắc chắn chúng tôi đang vào vũng nước xoáy do dải đá ngầm gây ra các vạt sóng. Có những vạt tiến vào dải san hô, trong khi đó có những con sóng, sau khi đập mạnh vào vách đá bị hất ngược trở lại. Chúng tôi giương hết buồm để chạy với hy vọng có thể thoát ra được, chiếc bè vẫn chạy xiên tới gần những dải đá. Từ trên cột buồm, chúng tôi thấy các đảo hình vành khăn đầy những cây dừa gắn liền với dải san hô có phần nổi, phần chìm, nhô ra biển như một con đê chạy dài làm cho mặt biển lúc nào cũng sủi bọt trắng xóa tung lên rất cao. Đảo san hô Ra-rôi-a hình bầu dục, có đường kính bốn mươi ki-lô-mét, không kể đến những dải đá kề bên của Ta-ku-ma. Cạnh lớn chìa hoàn toàn ra biển về hướng đông, phía chúng tôi đang tiến gần. Ngay đến dãy đá ngầm cũng đã chạy dài từ đầu chân trời này sang tới đầu kia, chỉ đứt quãng khoảng vài trăm mét, sau dãy đó là những đảo nhỏ rất nên thơ, bao bọc một đầm nước mặn thanh bình. Trên chiếc Công Ti-ki, tất cả mọi việc chuẩn bị để kết thúc chuyến đi này đã hoàn thành. Những đồ dùng, vật dụng có giá trị được buộc ở trong ca-bin. Giấy tờ, tài liệu, phim ảnh và những thứ không chịu được nước biển đều được gói vào những túi không thấm nước. Chiếc ca-bin được phủ bằng vải và buộc chặt bằng thừng rất chắc chắn. Khi biết rằng mọi hy vọng không còn nữa, chúng tôi nhấc sàn tre lên và cắt tất cả dây buộc các mảnh gỗ chống giạt. Việc rút các tấm gỗ rất vất vả vì bị các con hà bám đầy. Chiếc bè thật trần trụi và mức chìm của bè hiện nay là bề dày các cây gỗ, như vậy chúng tôi sẽ dễ dàng vượt qua dải đá ngầm. Không còn gỗ chống giạt, buồm đã hạ xuống, chiếc bè trơ trụi phó mặc cho gió và sóng biển. Chúng tôi buộc vào chiếc neo do chúng tôi tự làm ra, một dây thừng dài nhất đã có sẵn, và đầu kia của dây được cột chặt vào cột buồm phía bên trái; điều này giúp cho chiếc bè Công Ti-ki khi đã thả neo chỉ có thể lọt vào vùng có sóng vỗ bằng đuôi bè. Chiếc neo làm bằng những thùng đựng nước, trong để những pin điện đã dùng hết điện, cùng các đồ lặt vặt nặng. Tất cả được đai lại bằng những thanh gỗ muỗm.
Mệnh lệnh số một, cao nhất, mà mọi người phải chấp hành là: "Bám chặt vào bè!". Dù thế nào đi chăng nữa, chúng tôi phải bám chặt vào bè, mặc cho chín cây gỗ đóng thành bè chịu đựng việc húc vào đá do sóng xô đẩy vào. Chúng tôi đã quen chịu đựng những khối nước đổ vào người. Nếu nhảy xuống biển, chúng tôi sẽ trở thành nạn nhân không có gì bảo vệ và bị các sóng đập vào thành đá bật trở lại, ném vào đá san hô lởm chởm những đầu nhọn sắc như dao. Chiếc xuồng cao su cũng như vậy, sẽ bị sóng xô đẩy, mà nếu chúng tôi ngồi vào trong đó thì cũng bị san hô xé nát. Trước, sau thế nào các mảnh gỗ cũng sẽ được ném lên bờ và chúng tôi chỉ việc theo nó trôi đi với điều kiện là phải bám chặt vào nó. Sau cùng mọi người đều được yêu cầu là phải đi giày. Đây là lần đầu tiên vì từ một trăm ngày rồi, chưa một ai xỏ chân vào giày và ai cũng phải chuẩn bị phao bơi, tuy rằng phao bơi cũng chả có mấy tác dụng vì khi đã ngã xuống biển, không phải chết đuối mà sẽ bị sóng dập nát vào đá san hô lởm chởm. Chúng tôi còn thu xếp bỏ vào trong người hộ chiếu và tiền đô-la còn lại.
Thiếu thì giờ không phải là điều làm cho chúng tôi lo ngại. Những giờ trôi qua thật nặng nề, đưa chúng tôi đến gần những dải đá giết người. Tất cả đều im lặng. Chúng tôi đi đi, lại lại trên bè, trao đổi qua loa với nhau rồi người nào việc ấy. Vẻ mặt người nào cũng trầm lặng, nghiêm nghị chứng tỏ không một ai lo ngại về sự việc đang chờ đón chúng tôi. Không ai hoang mang và cuối cùng ai cũng tin tưởng tuyệt đối vào chiếc bè, vì nó đã đưa chúng tôi qua đại dương được tất sẽ đưa chúng tôi tới đất liền an toàn. Trong ca-bin ngổn ngang đủ thứ: thùng giấy, thực phẩm và các thứ dự trữ đã buộc. Toóc-xten vừa chui vào góc để máy cho máy sóng ngắn hoạt động. Lúc này, chúng tôi cách căn cứ Ca-lao tám nghìn ki-lô-mét, ở đó trường hàng hải Pê-ru vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi. Còn đối với Han, Phrăng và những nhà vô tuyến nghiệp dư ở Mỹ, khoảng cách còn xa hơn nhiều. Nơi đây, do may mắn chúng tôi đã bắt liên lạc với một nhà vô tuyến điện nghiệp dư loại giỏi ở Ra-rô-tông-ga trong dãy đảo Cúc và, trái với thường lệ, điện báo viên của chúng tôi đã quá định với máy này có một buổi liên lạc phụ vào buổi sáng. Thế là trong khi chúng tôi đang trôi dần về dãy đá ngầm thì Toóc-xten đang quay nút gọi Ra-rô-tông-ga.
Sóng bốc chiếc Công Ti-ki lên cao. Giờ phút quáết định đã đến. Chúng tôi cưỡi lên lưng sóng bốc lên với tốc độ chóng mặt. Chiếc bè rão ra, chao đảo kêu cót két. Tất cả chúng tôi đều xúc động mãnh liệt, mạch máu như căng ra. Tôi còn nhớ không có một cảm xúc nào khác, lúc đó tôi đã giơ tay hét thật to "hua-ra", để tự động viên mình và làm cho các bạn yên tâm. Họ tưởng tôi điên nhưng nét mặt họ ánh lên đầy khích lệ. Chúng tôi bị bắn ra phía trước và đối với chiếc Công Ti-ki, đây là lần thử lửa đầu tiên, nhưng chúng tôi không nghi ngờ gì vì mọi việc đâu sẽ vào đó.
Niềm phấn khởi của chúng tôi đã nhanh chóng bị dập tắt ngay. Một ngọn sóng đang dâng lên ở phía sau, dựng đứng như một bức tường thủy tinh lấp lánh đúng vào lúc chúng tôi đang bị nhận xuống, đã rượt theo nhận chúng tôi xuống sâu thêm. Đúng vào giây phút ấy, tôi trông thấy ngọn sóng cao sừng sững ở trên tôi, tiếp theo tôi cảm thấy bị dập xuống rất mạnh và chìm trong khối nước. Thân thể tôi như bị bóp nghẹt, mạnh đến nỗi tôi phải cố hết sức căng các bắp thịt để chịu đựng và chỉ tâm niệm một điều duy nhất: "Hãy cố bám và bám thật chắc". Trong tình trạng tuyệt vọng như vậy, tôi tưởng như tay chân bị giằng ra trước khi kịp buông. Sau đó tôi cảm thấy như cả núi nước đã trôi đi, sức ép dữ dội được nới lỏng. Sóng tiếp tục ầm ầm trôi và tôi mới nhận thấy Nút vẫn ở bên cạnh, người đang cuộn tròn lại, nhìn từ phía sau, vạt sóng khổng lồ như phẳng và màu xám, sóng đã quét qua mái ca-bin nhưng ba người vẫn bám vào đó. Bè vẫn bập bềnh trôi. Tôi tranh thủ bám lại bằng cách quấn tay và chân thật chặt vào dây thừng chắc chắn. Nút rời tay ra nhảy vọt nhanh như hổ vào trong ca-bin với các bạn đang cuộn mình trên những hòm gỗ. Ít nhiều ca-bin cũng che chở cho họ được phần nào.
Tôi nghe thấy họ hò reo đầy tin tưởng, cùng lúc ấy lại một ngọn sóng cao lừng lững như một bức tường màu xanh chuẩn bị đổ xuống. Tôi kêu lên báo cho mọi người biết và cố thu mình thật nhỏ và kín, để đối phó với ngọn sóng này. Một lần nữa sự khủng khiếp lại trút vào chúng tôi. Chiếc Công Ti-ki biến đi dưới những khối nước. Biển cả đang dồn mọi sự hung hãn để giằng xé và đẩy con người chúng tôi như chiếc ba-lô nhỏ bé đáng thương. Thế là qua được con sóng thứ hai, tiếp đến lại con sóng thứ ba.
Tôi nghe thấy tiếng reo hò thắng lợi của Nút đang treo mình trên chiếc thang dây: "Hãy nhìn xem! Bè vẫn vững". Ba ngọn sóng vừa qua cũng đủ lật bè, vặn gãy cột buồm, cũng như chiếc ca-bin, chúng tôi cảm thấy đã chiến thắng. Sự say sưa với thắng lợi làm tăng thêm sức mạnh cho mọi người. Tôi chợt nhìn thấy một vạt sóng nữa cao như các vạt sóng trước, đang đổ tới. Tôi vội hét lên cáo động cho các bạn và nhanh chóng trèo lên chỗ dây chằng cao nhất bám chặt vào đó. Nhưng rồi tôi cũng bị biến mất giữa bức tường màu xanh. Các bạn ở phía sau cũng nhìn thấy tôi mất hút, đã ước tính sóng cao đến tám mét. Lần này bè va phải đá ngầm. Tôi chỉ cảm thấy sợi dây chằng rung lên như chùng lại sắp đứt, mỗi lần chiếc bè chao đảo lắc lư.
Treo mình ở đây, tôi không biết va mình ở phía trên hay ở dưới bè. Bè chìm trong mấy giây làm cho chúng tôi căng thẳng, mất khá nhiều sức lực. Trong cơ thể con người, ngoài sức mạnh của bắp thịt, còn có những sức mạnh khác. Nếu phải chết, tôi quyết định chết trong tư thế hiện nay, nghĩa là người buộc vào dây chằng. Sóng đổ ập, phủ kín bè, rút đi ầm ầm, đã để lại một cảnh tượng thật ghê sợ. Chiếc Công Ti-ki hoàn toàn khác hẳn, như vừa bị chiếc đũa của mụ phù thủy hung ác làm biến dạng. Chiếc bè đã cùng chúng tôi lênh đênh trên biển cả hàng tuần, hàng tháng, nay không còn như trước nữa. Chỉ trong vài giây nơi nhỏ bé thân yêu này đã trở thành một cái xác nổi lềnh bềnh xác xơ. Tôi cảm thấy lo âu và tự hỏi mình cần gì mà tôi cứ phải bám chặt ở đó? Nếu tôi mất đi một người ở cuối cuộc hành trình thì mọi thứ còn lại cũng chẳng có nghĩa lý gì, và sau vạt sóng vừa rồi, hiện nay tôi mới chỉ nhìn thấy bóng một người trong chúng tôi. Ngay lúc đó, Toóc-xten xuất hiện phía ngoài bè, người co gập lại. Bị treo như con khỉ trên những dây neo ở ngọn cột buồm, anh đã tìm cách xuống được và bò đến đống lộn xộn ở ca-bin. Héc-man đã quay đầu về phía tôi nét mặt nhăn nhó nhưng đầy khích lệ và vẫn nằm im. Tôi hét to lên hỏi những người khác đâu, bỗng Ben với giọng trầm tĩnh trả lời cho biết mọi người đều còn ở trên bè. Họ đang bám chặt vào những dây neo ở sau tấm phên bằng tre làm sàn bè, đã bị hất dựng lên. Lại một vạt sóng nữa tiến đến. Tôi vội gào to trong tiếng huyên náo: "Tất cả nằm dán mình xuống". Tôi chỉ kịp làm như vậy là thác nước đã trút lên người, trong hai, ba giây đồng hồ mà tưởng như vô tận. Thật là tai họa. Đầu các cây gỗ ở bè đã đâm vào những mỏm san hô nhọn sắc, không sao vượt qua được. Một lần nữa, ngọn sóng rút đi lại đưa chúng tôi ra xa. Tôi trông thấy hai bạn đang nằm bẹp trên mái ca-bin, lần này chẳng thấy một ai cười nữa.
Từ sau đám tre hỗn độn, một giọng trầm tĩnh kêu lên: "Không xong rồi" và tôi cũng cảm thấy nản như vậy. Ở mạn phải, đầu cột buồm cứ chìm dần, tôi bị treo lơ lửng vào một sợi dây thừng lủng lẳng ở ngoài bè. Một vạt sóng khác lại đến. Làn sóng này trào qua, người tôi mệt chết đi được. Lúc này tôi chỉ muốn leo lên những cây gỗ -chui vào nằm nghỉ sau tấm chắn. Sóng tràn vào dải đá ngầm rồi rút ra để lộ trơ dải san hô đỏ nham nhở, trước mắt chúng tôi. Tôi nhận thấy Toóc-xten vẫn đang bám lấy mớ dây chằng, người cong lên những dải san hô sáng loáng. Nút đứng ở phía sau, định nhảy lên đám san hô, tôi vội hét lên bảo Nút cứ đứng ở đó và mặc dầu Toóc-xten bị một vạt sóng đánh bắn ra đấy đã nhảy được lên bè nhẹ nhàng như con mèo.
Hai ba vạt sóng nữa lại vùi lấp chúng tôi; nhưng lực giảm dần và tôi cũng không còn nhớ sau đó đã xảy ra những gì, chỉ thấy nước dâng lên, hạ xuống, cuốn bọt sủi ngầu, còn tôi cứ bị sóng đẩy trôi dần về phía những dải đá màu đỏ. Cuối cùng chỉ còn những bụi nước, bọt sủi cuồn cuộn và tôi đã về được bè. Tất cả chúng tôi đều cố gắng tụ tập ở mỏm các cây gỗ bè được nâng cao trên các dải đá.
Nơi chúng tôi mắc cạn có những vũng nước hoặc san hô bám đầy nước và xa hơn ở phía trước là đầm nước xanh êm đềm. Nước biển đã rút, vì vậy xung quanh chúng tôi lộ ra mỗi lúc một nhiều thêm rất nhiều san hô, trong khi những vạt sóng trào đã lùi ra xa, vẫn ì ầm dọc theo bãi đá ngầm. Ở một nơi chật hẹp này, nước thủy triều dâng lên không biết sẽ xoay sở thế nào. Cần phải tiếp tục đi. Tận cùng phía nam dải san hô nửa chìm, nửa nổi này là một hòn đảo đầy cây dừa. Ngay trước mặt chúng tôi về phía bắc, xa độ sáu bảy trăm mét, cũng có một hòn đảo đầy dừa, nhưng nhỏ hơn nhiều. Được bãi cát san hô che khuất, những ngọn cây dừa trên đảo vươn lên trời làm nổi lên bãi cát trắng như tuyết bên bờ đầm phẳng lặng. Nhìn chung hòn đảo như một lẵng hoa nở rộ, một mảnh đất nhỏ của thiên đàng. Đó là nơi chúng tôi đã chọn.
Héc-man ở cạnh tôi. Gương mặt đầy râu của anh trông tươi hẳn lên. Không nói một câu, anh giơ ngón tay lên và cười thú vị. Chiếc Công Ti-ki vẫn nằm trơ ra ở đầu dải đá ngầm bụi nước phủ đầy. Tuy nó chỉ còn là một cái xác, nhưng là một cái xác vinh quang! Tất cả những gì trên bè đều bị hủy hoại nhưng chín cây gỗ ban-xa của rừng Ki-vê-đô vẫn không hề bị suy suyển. Chúng đã cứu sống chúng tôi. Biển cả đã lấy đi của chúng tôi một phần nhỏ vật dụng, nhưng tất cả các thứ xếp trong ca-bin vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi lấy từ trong ca-bin và đem lên đỉnh một tảng đá lớn những đồ vật có giá trị. Từ khi rời bè, thật tình tôi rất tiếc không còn thấy những con cá hoa tiêu bơi lượn tung tăng. Lúc này những cây gỗ ban-xa đã ngập đến sáu pút. Dưới mũi bè chỉ thấy những con sên biển màu nâu sẫm lượn quanh. Không thấy một con cá hoa tiêu hoặc cá hồng, chỉ thấy những con cá lạ mình dẹt có vân tròn như lông công, đuôi bằng, bơi lăng xăng dưới những cây gỗ. Chúng tôi đã tới một thế giới mới. Chú cua Giô-han không còn ở trong lỗ, chắc hẳn nó đã tìm được một chỗ ẩn náu đâu đây. Nhìn chiếc bè lần cuối, tôi chợt thấy một cây dừa tí hon trong một cái giỏ bẹp. Cao khoảng bốn mươi xăng-ti-mét, nó đã nhú ra mắt dừa và hai rễ đâm thẳng qua đáy giỏ. Cầm cây dừa non lên đảo, Nút lội bì bõm ở phía trước, trong tay đang cầm một hình mẫu nhỏ chiếc bè mà anh đã hì hục làm trong khi đi biển. Chúng tôi đã vượt lên trước Ben. Anh thật sự là một đầu bếp giỏi. Bộ râu đẫm nước biển đang nhỏ giọt, trán bị sưng vù, anh gò lưng đẩy chiếc hòm đang lềnh bềnh đu đưa một khi có sóng biển vỗ. Anh hãnh diện mở ra cho thấy chiếc hòm nhà bếp còn nguyên vẹn, đủ cả bếp và dụng cụ. Không bao giờ, tôi có thể quên được cuộc lội qua dải đá, đi đến hòn đảo cổ kính phủ đầy dừa. Hòn đảo như to, rộng hẳn lên. Đi tới bãi cát tràn đầy ánh nắng, tôi tháo giày đặt ngón chân sâu vào bãi cát khô ấm. Một cảm giác thích thú kỳ lạ khi nhìn thấy vết chân in trên bãi cát chạy dài đến tận rừng mà chưa hề có ai đặt chân tới.
Những ngọn cây dừa như chiếc mái che nắng, và tôi tiếp tục đi thẳng tới giữa đảo. Những cây dừa xanh trĩu quả, một vài lùm cây phủ đầy hoa trắng như tuyết, tỏa ngát mùi hương êm dịu đầy quyến rũ làm cho mọi người ngây ngất. Hai con én biển trắng, không chút sợ hãi bay quanh vai chúng tôi, chúng có lông trắng và nhẹ, giống như những dải mây bay. Dưới chân chúng tôi, những con thằn lằn chạy lủi nhanh như chớp. Nhưng nhiều nhất ở đây là những con cua sống trong vỏ màu đỏ chói, nặng nề du ngoạn khắp mọi nơi với chiếc vỏ mượn to như quả trứng dính chặt vào phần mềm phía sau. Tôi như bị mê đi. Tôi quỳ xuống, thọc sâu ngón tay vào cát, sao mà khô đến thế. Cuộc hành trình thế là kết thúc. Tất cả chúng tôi đều còn sống, đang mắc cạn ở một hòn đảo nhỏ hoang vắng của Thái Bình Dương. Khoan khoái, nằm dài trên mặt đất, ngắm nhìn trời mây, đó đây những lớp mây trắng đang trôi về phía tây, chúng tôi không còn bị trôi giạt như chúng, mà đang nằm nghỉ ngơi trên một hòn đảo ở ngay trong lòng Pô-li-nê-di.
Hải Trình Kon-Tiki​ Hải Trình Kon-Tiki​ - Thor Heyerdahl​ Hải Trình Kon-Tiki​