Khi những suy nghĩ của bạn có mục đích, bạn đã được xếp vào nhóm người mạnh mẽ. Những người này xem thất bại là một trong những con đường dẫn đến thành công.

James Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Rừng Bạch Dương - Từ Đỉnh Vách Đá - Xuyên Rừng - Con Đập Qua Suối - Lạch Nước Dẫn Đường - Cắm Trại Qua Đêm - Ajoupa - Tuyến Màu Xanh Nhạt - Phann Giải Khát
riant, Doniphan, Wilcox và Service ra đi từ 7 giờ sáng. Mặt trời lên trên bầu trời quang mây báo hiệu một ngày đẹp không nóng cũng chẳng lạnh mà đôi khi tháng 10 dành cho miền ôn đới. Nếu có cản trở nào khiến hành trình chậm lại hoặc phải dừng bước thì chỉ là do địa hình mà thôi.
Lúc đầu, các nhà thám hiểm trẻ tuổi đi xiên qua bãi cát để tới chân vách đá. Gordon đã khuyên họ cho Phann đi theo vì với bản năng, con vật có thể giúp họ nhiều và thế là chú chó thông minh tham gia đoàn.
Mười lăm phút sau khi khởi hành, bốn cậu đã khuất dưới tán lá rồi nhanh chóng vượt qua rừng. Chim chóc bay từ cây nọ sang cây kia, nhưng không phải là lúc để lãng phí thời gian theo dõi chúng. Doniphan biết thế nên cố kìm sở thích của mình. Cả Phann cũng hiểu rằng chẳng nên chạy tới chạy lui phí sức vô ích mà đi sát các cậu chủ làm nhiệm vụ dẫn đường.
Kế hoạch là đi dọc chân vách đá, nếu không tìm được lối nào để vượt, thì tới tận đầu mũi đất phía bắc rồi từ đó đi về phía dải nước mà Briant đã phát hiện. Đó không phải là lộ trình ngắn nhất nhưng có lợi vì chắc chắn nhất. Còn đi thêm vài dặm thì có gì đáng kể đối với những chàng trai khỏe mạnh, dẻo chân.
Tới chân vách đá, Briant nhận ngay ra chỗ cậu và Gordon đã tới. Vì đã khảo sát ở phía nam, không tìm được chỗ vượt qua vách đá nên phải tìm về phía bắc, nếu không tìm được lối đi nào thì phải đến tận mũi đất. Như vậy có thể mất cả một ngày, nhưng không còn cách nào khác. Briant giải thích như vậy với các bạn. Còn Doniphan sau khi cố công vô ích vượt một sườn dốc cũng không phản đối nữa. Cả bốn cậu men theo chân vách đá có một hàng cây cuối cùng viền quanh.
Họ đi được khoảng một giờ và có lẽ cứ thế đi tới mũi đất thì Briant ngại rằng nếu thủy triều lên ngăn lối, phải đợi đến khi nước rút thì lãng phí đến nửa ngày trời. Cậu giải thích như vậy với các bạn rồi nói:
- Chúng mình phải nhanh chân, đến trước lúc thủy triều lên mới được.
- Chậc! - Wilcox đáp - Có ướt mắt cá chân cũng được chứ sao!
- Mắt cá, rồi ngực, rồi tai! - Briant bác lại - Nước biển dâng lên ít nhất cũng phải năm, sáu bộ. Thật thế, tớ nghĩ chúng mình nên đi thẳng tới mũi đất.
- Điều này lẽ ra phải dự liệu từ trước, - Doniphan trả lời - chính cậu, Briant, là người dẫn đường; nếu chúng ta bị chậm trễ, chỉ mình cậu chịu trách nhiệm!
- Cứ cho là thế! Dù sao cũng đừng để mất một chút thì giờ nào! Service đâu rồi! - Và cậu gọi - Service! Service!
Service không còn ở đó. Cậu cùng với chú bạn Phann tách ra, cả hai vừa khuất sau một chỗ vách đá nhô ra, cách khoảng một trăm bước về bên phải. Nhưng hầu như liền sau đó có những tiếng kêu và tiếng sủa của con chó. Service lâm nguy hay sao? Trong giây lát, Briant, Doniphan và Wilcox đã chạy tới, thấy bạn đang đứng trước một đống đá từ trên vách sụt lở xuống chắc đã từ lâu. Do nước ngấm, hoặc đơn giản là do khí hậu thay đổi thất thường, khối đá vôi bị tan rã làm thành một cái hố hình phễu từ đỉnh xuống sát đất, miệng phễu ở phía trên. Trong vách đá dựng đứng mở ra một hẻm hình nón cụt, vách bên trong của hẻm dốc không quá bốn mươi đến bốn mươi lăm độ, lại có những chỗ nhô ra, thụt vào có thể làm điểm tựa đặt chân. Đối với những cậu bé khéo léo và mềm dẻo thì trèo lên chẳng có gì là khó, nếu không gây sụt lở thêm. Tuy cũng mạo hiểm, nhưng các cậu không do dự. Doniphan xông lên trước trên đống đá ngổn ngang dưới đáy.
- Đợi đã! Đợi đã! Liều lĩnh thế ích gì! - Briant hét lên.
Nhưng Doniphan không nghe. Lòng tự ái khiến cậu muốn vượt lên trước các bạn, nhất là trước Briant, nên cậu nhanh chóng lên được lưng chừng cái phễu. Các bạn làm theo nhưng không leo ngay phía dưới cậu để tránh những hòn đá vụn rơi xuống nảy lên nhiều lần cho tới đất. Mọi sự diễn ra tốt đẹp và Doniphan thích thú đặt chân lên đỉnh vách đá trước các bạn một chút. Cậu rút ngay kính viễn vọng dõi qua đỉnh những tán rừng trải dài ngút tầm mắt, nhìn về phía đông. Từ đó, toàn cảnh một màu xanh của cây cối và chân trời hiện ra như Briant đã thấy khi quan sát ở mũi đất, tuy mỏm đá ở đấy cao hơn nơi đây cả trăm bộ.
- Thế nào? Cậu có thấy gì không? - Wilcox hỏi.
- Tuyệt đối không! - Doniphan đáp.
Wilcox nói:
- Đến lượt tớ.
Doniphan đưa viễn kính cho bạn, thích thú ra mặt.
- Tớ chẳng thấy nước non gì hết! - Wilcox vừa nói vừa hạ kính xuống.
- Hẳn là vì ở phía đó chẳng có tuyến nước nào cả. - Doniphan nói. - Briant, cậu nhìn xem, tớ nghĩ là cậu sẽ nhận ra mình đã lầm…
- Vô ích thôi! - Briant đáp - Chắc chắn mình không lầm!
- Thật quá đáng!… Chúng tớ chẳng thấy gì!
- Dễ hiểu thôi, vách đá này thấp hơn mỏm đá ở mũi biển nên tầm nhìn không xa bằng. Nếu chúng ta đứng ở độ cao như tớ hôm trước thì sẽ thấy một tuyến màu lục ở khoảng cách độ sáu, bảy dặm. Các cậu sẽ thấy như tớ đã nói, không thể lẫn với một dải mây!
- Nói thì dễ thôi! - Wilcox nhận định.
- Xác minh cũng chẳng khó! - Briant đáp. - Ta hãy vượt mặt phẳng trên vách đá, qua những khu rừng kia, cứ tiến cho đến khi tới…
- Thôi! - Doniphan ngắt lời. - Thế thì phải đi xa quá và mình chẳng hiểu có cần mất công…
- Thì cậu cứ ở lại, Doniphan ạ! - Briant nhớ lời Gordon, cố chịu đựng tính xấu của Doniphan. - Cậu cứ ở lại! Service và mình sẽ đi thôi…
- Chúng tớ cũng đi! - Wilcox đáp lại. - Lên đường, Doniphan, lên đường!
- Chén cái đã rồi hãy đi! - Service nói.
Thật vậy, đây là lúc thích hợp để bù đắp năng lượng trước khi đi tiếp. Vấn đề được giải quyết trong nửa giờ và mọi người lại lên đường. Họ nhanh chóng vượt qua dặm đường đầu tiên. Mặt đất đầy cỏ mọc không có gì ngăn trở bước chân. Đây đó có những cồn đá nhỏ phủ đầy rêu và địa y. Xa xa có những lùm cây nhỏ mọc thành cụm theo từng loài: đây là dương xỉ thân gỗ hay thạch tùng; kia là thạch nam, những bụi nhựa ruồi lá sắc hoặc những khóm hoàng liên lá dày và dai mọc được cả ở những vĩ độ cao hơn.
Sau khi vượt qua mặt phẳng trên đỉnh vách đá, phải khá vất vả, Briant và các bạn mới leo xuống được phía bên kia vách đá cũng cao và dựng đứng chẳng khác gì phía quay ra biển. Nếu không có con suối cạn quanh co, giảm bớt độ dốc thì có khi phải quay lại mỏm đá ở mũi biển cũng nên.
Tới rừng đi còn vất vả hơn nữa vì mặt đất ngổn ngang những cây nhỏ gân guốc, tua tủa những bụi cỏ cao. Chốc chốc lại có những cây đổ cản đường và cây cối rậm rạp đến mức họ phải tự mở lối đi. Các cậu bé phải vung rìu như những nhà thám hiểm đầu tiên đến Tân thế giới. Mỗi lúc dừng là cánh tay lại mỏi mệt hơn bắp chân. Vì thế mà bị chậm, tính ra, từ sáng đến chiều chỉ đi được khoảng ba, bốn dặm, không hơn. Thật thế, hình như chưa từng có con người nào vào những khu rừng này. Chẳng thấy dấu vết nào cả. Cũng chẳng có một con đường mòn dù rất hẹp để chứng tỏ sự có mặt của loài người. Những cây bị đổ là do già cỗi hoặc gió bão chứ không phải do bàn tay con người. Mấy chỗ cỏ rạp xuống cho biết có con vật cỡ trung bình vừa đi qua. Các cậu bé cũng thoáng thấy mấy con nhưng chưa nhận ra chủng loài. Dẫu sao cũng không đáng sợ mấy vì chúng chạy trốn rất nhanh.
Hẳn là anh chàng Doniphan nóng nảy ngứa tay muốn nổ mấy phát đạn lắm. Nhưng lí trí đã khiến cậu tự kìm được, không dại dột nổ súng làm lộ cả bọn, không đợi Briant phải can thiệp. Tuy Doniphan hiểu rằng phải để cho vũ khí ưa thích của mình nín lặng, nhưng cơ hội để nó lên tiếng lại xuất hiện thường xuyên. Mỗi bước đi lại thấy bay vọt lên những con tinamou thuộc họ gà lôi thịt rất ngon hoặc những con thuộc họ chim én, rồi chim hét, ngỗng trời, gà rừng, không kể các loài chim chóc khác, có thể dễ dàng bắn hạ hàng trăm con. Tóm lại, trường hợp phải lưu lại đất này thì săn bắn có thể cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào. Đó là điều Doniphan đã xác nhận ngay từ đầu cuộc thám hiểm, thậm chí có thể bù vào khoản thực phẩm dự trữ nếu hoàn cảnh bắt buộc.
Cây cối ở đây phần lớn thuộc các chi khác nhau của họ bạch dương và sồi có tán lá màu xanh non cao hơn mặt đất đến hàng trăm bộ. Ngoài ra còn có những cây họ bách phát triển rất tốt, những cây họ sim, gỗ màu hồng nhạt, rất đặc và những khóm cây thật đẹp gọi là “đông mộc” vỏ thơm gần giống vỏ quế.
Đến 2 giờ, cả nhóm dừng lại lần thứ hai, nghỉ giữa một khu rừng thưa và hẹp, bên một con suối nông mà người Bắc Mỹ gọi là “creek”. Nước suối trong vắt lờ lững chảy trên những hòn đá đen đen. Nhìn dòng suối êm ả và không sâu, không có củi rều hoặc cỏ trôi dạt, có thể suy ra là nguồn ở không xa. Còn vượt qua thì không gì dễ hơn là bước trên những tảng đá rải rác trong lòng suối. Hơn thế, ở một chỗ có những viên đá phẳng phiu xếp liền nhau khá cân đối, khiến mọi người phải chú ý. Doniphan nói:
- Chuyện này lạ đây.
Thật vậy, cứ như là có một con đường được làm để qua suối vậy.
- Cứ như là một con đập! - Service kêu và sắp sửa bước xuống.
- Khoan đã! Khoan đã! - Briant ngăn bạn - Chúng mình hãy xem các viên đá này được sắp xếp thế nào đã.
Wilcox thêm:
- Bảo rằng những viên đá này tự nhiên được xếp đặt thế thì rất vô lí, không thể chấp nhận được!
- Không, - Briant nói, - cứ như là ai đó đã chủ tâm làm ra lối qua suối ấy… Chúng ta đến tận nơi xem thử.
Mọi người chăm chú quan sát từng chi tiết của lối qua suối mà mỗi hòn đá chỉ cao hơn mặt nước vài đốt ngón tay, hẳn là bị ngập trong mùa mưa.
Tóm lại có thể nói là để dễ qua suối, con người đã xếp đặt những hòn đá này được không? Không! Phải chăng tốt hơn hết là cứ cho rằng chúng bị xô đẩy tới đây qua mỗi mùa lũ, dần dần tụ lại thành một con đập tự nhiên. Đó là cách giải thích đơn giản nhất mà các cậu bé đã chấp nhận sau khi xem xét tỉ mỉ. Cũng cần nói thêm là ở cả hai bên bờ suối đều không có dấu vết gì chứng tỏ con người đã đặt chân tới đây.
Còn con suối thì chảy về hướng đông bắc, ngược hướng biển. Liệu nó có chảy ra cái biển mà Briant khẳng định đã thấy khi đứng trên mũi đất không?
- Liệu suối này có phải là nhánh của một con sông quan trọng hơn quay lại về phía tây không? - Doniphan nói.
- Rồi chúng mình sẽ rõ thôi. - Briant trả lời, thấy không cần trở lại chủ đề này nữa. - Tuy nhiên khi nó còn chảy về hướng đông thì mình nghĩ là ta cứ đi theo nếu nó không quá quanh co.
Bốn cậu bé qua suối trên con đập vì ở hạ lưu chưa chắc đã có nơi thuận tiện như thế. Đi men dòng suối khá dễ dàng, trừ mấy chỗ có những lùm cây rễ ăn cả ra lòng suối và cành vươn sang tận bờ bên kia. Đôi khi cũng có những khúc suối quanh bất ngờ. Nhưng đối chiếu với la bàn thì về cơ bản, suối vẫn chảy về đông. Cửa suối thì chắc còn xa vì nước vẫn chảy chậm và lòng suối còn hẹp. Đến 5 giờ 30, Briant và Doniphan ngao ngán nhận ra rằng con suối đã chảy hẳn sang hướng bắc, nếu cứ đi theo thì càng xa đích hơn. Và họ nhất trí rời bờ suối chiếu theo hướng đông chen chúc những cây bạch dương, cây sồi, mỗi bước đi là mỗi bước vất vả. Đôi khi cỏ cao ngập đầu khiến họ phải lên tiếng để khỏi lạc nhau. Đi suốt cả một ngày mà vẫn chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ đã gần tới dải nước làm Briant không khỏi lo lắng. Liệu khi quan sát trên mũi đất cậu có hoa mắt nhìn lầm không?
“Không! Không!” cậu tự nhủ, “Mình không nhầm! Không thể nhầm được!”
Dù sao, đến 7 giờ vẫn chưa tới được bìa rừng mà trời đã tối đen, không thể đi tiếp được, Briant và Doniphan quyết định dừng lại nghỉ qua đêm dưới tán cây, với chiếc bánh nhân thịt để dằn bụng, với chăn ấm chẳng sợ rét. Kể ra nếu có thể nhóm một đống lửa để ngăn thú rừng thì tốt nhưng lại bất lợi nếu có thổ dân ở gần.
- Tốt nhất là đừng có liều lĩnh để kẻ khác phát hiện được chúng mình! - Doniphan đề xuất.
Mọi người đều đồng ý và bắt đầu ăn tối. Sự ngon miệng của các cậu thì chẳng phải bàn nữa. Sau khi đã tiêu thụ kha khá đồ ăn mang theo, các cậu đang sửa soạn đi nằm dưới tán một cây bạch dương cực lớn thì Service chỉ vào một bụi rậm cách đó mấy bước. Ở bụi rậm đó, qua phán đoán trong bóng tối, có một cái cây không cao, cành sà xuống sát đất. Mọi người vào đó tự đắp kín chăn nằm trên một đệm lá khô. Ở lứa tuổi các cậu, giấc ngủ đến ngay và các cậu thiếp đi luôn một mạch. Còn chú Phann mặc dù có nhiệm vụ canh gác, cũng lập tức làm theo gương các cậu chủ. Tuy vài lần nó cũng lên tiếng gầm dài, hẳn là có thú dữ hoặc thú rừng nào đó lượn lờ nhưng không tới gần nơi cắm trại.
Các cậu thức giấc vào khoảng gần 7 giờ sáng. Những tia nắng xiên xiên chưa soi tỏ nơi họ qua đêm. Service là người đầu tiên ra khỏi bụi rậm và kêu váng lên, đúng hơn là reo lên vì kinh ngạc:
- Briant! Doniphan! Wilcox!… Ra đây!
- Cái gì thế? - Briant hỏi.
- Ừ! Cái gì thế? - Wilcox cũng hỏi theo. - Tên Service này chuyên thói kêu toáng lên làm người ta phát sợ!
- Tốt đấy! Tốt đấy! - Service đáp. - Các cậu thử nhìn lại chỗ chúng ta ngủ xem.
Thì ra đó không phải là một bụi rậm mà là một thứ lều đan bằng cành cây, thổ dân da đỏ gọi là “ajoupa”. Chiếc ajoupa này làm từ lâu rồi, sở dĩ vòm và vách chưa sụp hoàn toàn là nhờ dựa vào cái cây, được cây phủ cành nhánh lên, giống như lều của thổ dân Nam Mỹ.
- Vậy là nơi đây có dân? - Doniphan vừa nói vừa đưa mắt nhìn quanh.
- Đúng! Ít nhất là đã từng có. - Briant trả lời - Cái lều này không phải tự nhiên mọc ra.
- Điều đó giải thích con đường qua suối. - Wilcox nhận xét.
- Hà! Càng hay! - Service reo. - Nếu có dân thì đó là những người tốt vì họ đã làm lều cho chúng mình nghỉ qua đêm.
Thật ra không có gì chắc chắn là người bản xứ tốt như lời Service. Điều hiển nhiên chỉ là người bản xứ đã tới hoặc đã từng tới khoảnh rừng này vào một thời điểm cũng đã lâu rồi. Nếu nơi đây thuộc Tân lục địa thì đó chỉ có thể là người da đỏ, còn thuộc châu Đại Dương thì họ là người Polynésie, thậm chí là những kẻ ăn thịt người. Khả năng cuối cùng này hứa hẹn đầy rẫy hiểm nguy. Hơn bao giờ hết vấn đề ấy cần được làm rõ. Vì vậy khi Briant sắp đi tiếp thì Doniphan đề nghị xem xét cái lều hoang từ lâu này may ra tìm được thứ gì đó như đồ dùng nấu ăn, dụng cụ hoặc đồ vật, để có thể từ đó lần ra nguồn gốc chủ nhân chăng. Đệm lá được bới lên, giũ cẩn thận và Service nhặt được ở góc lều một miếng đất nung có lẽ là mảnh vỡ của một cái chậu hay cái bình. Thêm một dấu tích lao động nữa của con người, nhưng không có manh mối nào khác nữa. Vậy thì lại phải tiếp tục lên đường.
Sau 7 giờ, các cậu bé, với la bàn trong tay, nhằm thẳng hướng đông đi tới trên mặt đất thấp xuống dần dần. Họ đi hai giờ liền, chậm, thật chậm, giữa những bụi cây rậm rịt, vài ba lần phải dùng rìu mở lối đi.
Cuối cùng, gần 10 giờ, một chân trời khác hiện ra, không còn là màn cây cối bất tận nữa. Phía ngoài rừng là một dải đồng bằng rộng, lác đác những cây nhũ hương, húng tây, thạch nam. Cách xa hơn khoảng nửa dặm về phía đông là bãi cát, sóng vỗ rì rào, sóng của mặt biển mà Briant từng nhác thấy trải ra mênh mông tới tận chân trời.
Doniphan lặng thinh. Cậu bé kiêu căng khổ tâm nhận ra rằng bạn mình không lầm. Tuy nhiên, Briant không phải là kẻ hiếu thắng. Cậu quan sát vùng biển qua ống kính. Bờ biển phía bắc hơi cong về bên trái sáng rực dưới ánh nắng. Phía nam, quang cảnh cũng tương tự, có điều vòng cong của bờ biển rõ nét hơn.
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa! Du thuyền không phải bị bão đánh dạt vào đất liền mà vào một hòn đảo. Nếu không có sự cứu giúp từ bên ngoài thì chẳng còn hi vọng gì thoát khỏi nơi này. Hơn nữa, ngoài khơi cũng chẳng thấy có dải đất nào. Hình như hòn đảo cô quạnh này mất hút giữa Thái Bình Dương bao la.
Sau khi vượt qua dải đất bằng, bốn cậu bé dừng chân bên một đụn cát, định ăn sáng xong sẽ quay lại khu rừng, đi nhanh thì cũng có thể về tới du thuyền trước khi trời tối.
Bữa ăn diễn ra khá buồn tẻ, các cậu chỉ trao đổi với nhau vài lời.
Cuối cùng, Doniphan nhặt túi và súng đứng lên, nói cụt ngủn:
- Đi thôi!
Cả bọn nhìn ra biển lần cuối, sắp sửa vượt qua dải đất bằng thì Phann nhảy từng bước ngắn ra phía bãi cát.
- Phann! Lại đây Phann! - Service gọi to.
Nhưng con chó vừa tiếp tục chạy vừa đánh hơi trên cát ẩm rồi nhảy vọt tới giữa những gợn sóng dồi lăn tăn và uống lấy uống để. Doniphan kêu:
- Nó uống! Nó uống!
Trong giây lát, cậu vượt qua bãi cát, vốc nước ở cái biển mà Phann vừa giải khát, đưa lên miệng… Nước ngọt! Đây là một cái hồ rộng tới chân trời phía đông. Không phải là biển!
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo