Good as it is to inherit a library, it is better to collect one.

Augustine Birrell, Obiter Dicta, "Book Buying"

 
 
 
 
 
Tác giả: Võ Thị Hảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Tiểu Di
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7126 / 123
Cập nhật: 2015-09-04 02:58:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Ngược Thác Oán
ió bất chợt cuồng nộ trên sông Gâm. Vòm trời cao xanh thoắt tối sầm. Mưa quật xuống ràn rạt xé rách da người.
Cái bóng bé nhỏ vận đồ đen kín mít bỗng chạy vụt lên mấy bước rồi khựng lại. Và lồng lộn xõa xuống một mái tóc đen dài cũng đang giận dữ như cơn giông. Người đó đứng chôn chân. Nửa thân ngả đổ về phía trước ghìm trong gió vừa như lấy đà để bất chợt lao oà xuống dòng sông. Từ Lộ muốn dụi mắt mà tay cứng đờ. Chàng lẩy bẩy bíu vào cụm nứa định nhổm người lên những không được. "Trời… Nhuệ Anh…?". Từ vừa lắp bắp vừa thốt lên thì người trên lèn đá đã nhào xuống làm con bè giật mình chòng chành. Bóng áo đen dổ sập toàn thân ướt đẫm xuống chân Từ Lộ. Trong ánh chớp của cơn giông rừng vừa loé lên như một nhát chém sáng loà xẻ ngang vòm trời cùng với tiếng sét dữ dội nổ tung khiến người vật cỏ cây muôn loài chết lặng, bên tai Từ lại vẳng tiếng kêu nghẹn ngào, tiếng gọi tha thiết trỗi lên từ trong vùng ký ức sâu thẳm tưởng chừng đã muôn đời muôn kiếp lãng quên…
Từ Lộ gò lưng tì vai chống sào đẩy bè ngược sông Gâm.
Con sông về mùa cạn nước trong vắt có thể nhìn thấu đáy những viên đá cuội nhiều màu ẩn hiện và những đàn cá thân mỏng đuôi dài, hàng vẩy lưng óng ánh màu sắc lượn quanh đi lượn lại qua những cành nhánh rêu xanh đen dưới đáy sông. Nhưng bây giờ là mùa hè. Nước từ thợng lưu ào ạt đổ về các nhánh Nho Quế, Ma Nhi, Pác Nam… Sông quặn mình chảy xiết. Bọt nước sủi sùng sục táp vào hai bên thành bè, tung lên quật ràn rạt vào mái nứa của chiếc cum uốn cong, nơi Minh Không và Giác Hải, hai người bạn của chàng, mặc tiếng thác gầm nước réo vẫn ngủ mê mệt sau một đêm tiếp tay nhau chống bè vượt dòng sông dữ.
Những ngày đầu tì vai lên sào, khom ngực nín thở chân dận ngược đẩy bè vượt lên sóng nước, cái đau nhói chạy lên suốt vai xuyên sống lưng làm tê dại nửa thân Từ. Mảng mo cau già nhúng đẫm nước mà sáng sáng Giác Hải đưa cho chàng áp lên vai chỉ một buổi là bợt ra xơ xác. Máu tụ tím bầm thành những hình tròn như đáy bát ở vai, ở ngực, nơi cọ xát với đầu sào. Mỗi bước đi trên bè chệnh choạng, chênh vênh như bước trên giàn lửa. Từ vẫn nghiến chặt hai hàm răng tì ngực tì vào đẩy sào không một tiếng rên. Cái đau cơ thể lúc này dẫu có ghê gớm cũng không thể so sánh được dù chỉ là phần trăm nghìn so với nỗi đau quặn thắt trong ruột gan tâm trí chàng kể từ buổi hoàng hôn nơi cửa rừng Quí Vũ.
Từ Lộ nhớ lại con đường gian truân đã dẫn chàng tới chốn ma thiêng nước độc này để dấn thân trên nẻo thăm thẳm đầy bất trắc mà đích thì càng ngày càng như xa vời. Sau khi Đại Điên đủng đỉnh bỏ đi, suốt ba ngày ròng Từ đã như bất động trong một hang đá nhỏ giữa rừng cấm. Từ nằm ngửa, mắt nhắm, chỉ thỉnh thoảng há miệng đón những giọt sương lạnh buốt từ nhũ đá trên nóc hang rỏ xuống. Hình ảnh pháp sư Đại Điên, cây thiền trượng buông lỏng trên vai, đủng đỉnh bước một trở vào hội Chen cứ hiển hiện trước mắt. Tiếng cười ngạo nghễ đắc ý của Đại Điên cứ nhức nhối mãi bên tai. Kẻ giết thuê độc ác đó đã ngang nhiên giết cha mẹ chàng, những người xưa nay chỉ biết dùng đạo từ bi mà đối nhân xử thế. Kẻ đó phá nát gia đình chàng, giày xéo lên cuộc đời chàng. Và nỗi thất vọng, bất lực về mình khiến những giọt nước mắt của Từ Lộ lặng lẽ ứa ra, lặng lẽ chảy dài trong bóng tối.
Một ý nghĩ mới hình thành, bám chặt tâm trí của Từ sau ba ngày bất động trong hang nhỏ rừng Quí Vũ. Kẻ thù của chàng là pháp sư, đã từng sang tận ThiênTrúc tìm thầy học được huyền thuật hơn người. Trong cõi nước Nam này không kẻ nào địch lại được Đại Điên. Nếu chàng chỉ đem sức thư sinh mà đọ với hắn thì khác nào trứng chọi đá. Từ nhớ lại tiếng kêu thảng thốt của cha trên rừng Quí Vũ. Suốt ba đêm Từ mơ thấy ông, cái thây dựng đứng ướt đẫm rầu rĩ. Văng vẳng tiếng nghẹn ngào: "Từ Lộ con! Cha đã lầm. Ta chỉ tu thiện, không biết phòng ác mới ra nông nỗi này. Không những chết không nhắm mắt mà còn làm liên luỵ đến vợ con, đắc tội với tổ tiên. Muốn trả thù cho cha mẹ, con hãy kíp nén lòng. Bao giờ thông thạo Lục thông, huyền thuật vượt Đại Điên, khi đó hãy trở lại…". Nói rồi, cha chàng buông xuôi hai tay, tắt thở. Cái thây rầu rĩ đổ xuống sóng soài trên mặt nước trôi ngược sông Tô.
Sang ngày thứ tư, Từ lầm lũi trở dậy, hứng sương rửa sạch những vệt nước mắt đông cứng trên khuôn mặt hốc hác nhem nhuốc. Từ soi thấy mặt mình trong vũng nước mưa phẳng lặng bé bằng bàn tay. Từ bỗng thấy căm ghét những nét dịu dàng trên khuôn mặt thư sinh dưới đáy nước kia. Từ muốn mình rắn rỏi, sắt đá. Một trái tim quánh đặc máu đen chỉ dành cho việc trả thù.
Lại một gương mặt bất chợt hiện lên dưới đáy nước, sóng sánh bên Từ. Mày là làn khói vương ngang trên khoé thu ba không khóc mà long lanh như rớm lệ. Đôi mắt nhìn chàng chan chứa tình ái lẫn hờn trách và tiếc hận. Toàn thân Từ thốt nóng bỏng nhớ lại những ngón tay lụa là ve vuốt của Nhuệ Anh. Từ nhớ ngôi miếu hoang, nơi chàng cắn răng cố tàn nhẫn xua đuổi Nhuệ Anh, người con gái mà chàng sẵn lòng đổi cả tính mạng để giữ gìn nếu như không có cuộc ân oán này. Dội lên trong ngực một cơn khát. Chàng muốn lập tức chạy về kinh thành để biết được số phận của nàng, được nhìn thấy nàng một lần cuối…Từ vùng dậy vơ nắm cành khô hấp tấp nhóm một đống lửa. Chờ cho những viên than đỏ rực bắt đầu hiện ra, Từ nghiến răng dúi sâu ngón út của bàn tay trái vào giữa đống than. Cái ngón tay thổn thức nhất, cách đây chừng vài khắc vừa ấm lên, run rẩy tưởng chừng những ngón tay mềm mại của Nhuệ Anh vừa chạm vào. Những viên than hồng dính chặt vào da thịt. Cái đau xói lên óc. Từ cất một tiếng thét đau đớn trong họng, ghìm sâu tay trong đống than đỏ. Bốc lên khét lẹt mùi thịt cháy. Khi Từ rút tay ra, ngón tay đã cháy rã thịt, phần xương bên trong bầm dập như một nhánh cây bị tước hết vỏ. Nõi đau đớn do cuộc hành xác mang tới khiến chàng thấy cơn khát trong lòng dịu vơi, dường như trong tim đã chứa đầy máu đen.
Rồi Từ lấy nhựa cây bôi đen mặt mũi, rách rưới như một kẻ hành khất, tay nải lên vai, dò đường tìm đến Thiền viện của Thập Quang Đại sư. Thời cha còn sống, Từ vẫn nghe cha nhắc đến phép thuật cao cường và thiền viện bí ẩn của đại sư nằm cheo leo trong sương trên núi Yên Tử.
Đường lên đỉnh núi lởm chởm đá tai mèo. Hai bên đường là rừng rậm chốc lại rung chuyển bởi tiếng hùm beo gầm gào. Trăn đánh võng trên các cành cây. Rắn phun nọc phè phè lạnh gáy. Đường càng đi càng mất hút dấu chân người. Chỉ còn thấy những vách đá dựng ngược chắn ngang lối. Từ đu mình vào rễ cây mà leo lên. Nhiều lúc thân treo lơ lửng trên vách núi, mười con tay bấu chặt vào đá đến tróc móng, hai cùi tay cố hợp sức ghì chặt lấy một mỏm đá giữ thân mình khỏi rơi xuống vực sâu thẳm đang ngoác miệng chờ trong tiếng kêu hú rợn người của đàn vượn lúc xa lúc gần ma quái… Mây quẩn quanh chân khi mờ khi tỏ như đùa giỡn che khuất đường đi, chỉ lỡ nửa bước là tan xương dưới vực.
Từ không nhớ rõ là đã đi bao ngày, rách nát bao nhiêu đôi giày cỏ. Bàn chân mịn hồng mới đây được ấp ủ trong giày gấm, nay hết tứa máu lại sưng phồng và chằng chịt sẹo. Vậy mà thiền viện của Thập Quang đại sư cứ lúv ẩn lúc hiẹn, có khi tưởng đã trước mặt, hớn hở chạy đến lại chỉ thấy một khóm cây. Có lúc hoàn toàn biến khỏi tầm mắt. Từ càng đi càng hoang mang, luôn thảng thốt rằng mình đã nhầm đường. Mỗi lúc chàng tuyệt vọng, nước mắt lã chã rỏ xuống đôi bàn chân rách nát, những muốn chết đi cho nhẹ nợ, thì thiền viện lại hiện ra như vẫy gọi. Mãi đến khi chàng lần đến được dưới một vách đá chót vót chọc trời, mười ngón chân sưng phồng như quả mận chín, đầu gối trái bị trẹo vì bám hụt vào mớ rễ cây bị đứt, vừa hồi tỉnh sau cơn choáng ngất, ngửa mặt lên thì thấy một ngôi nhà cỏ cheo leo trên vách núi.
Mặt trời đã ngang tầm. Vách đá trước mặt còn cao vời vợi. Từ Lộ neo được một khuỷu rễ thông già dừng lại để thở. Chợt nhìn xuống phía sau thấy một chú đạo sinh trạc mười một mười hai tuổi, áo nâu xốc xếch, tóc trái đào đang gò lưng gùi hai ống bương dài hơn người. Ống bương nước có vẻ rất nặng mà tiểu đạo sinh cứ thế thoăn thoắt nhảy nhót qua tai mỏm đá dựng ngược mà lên, trông như một chú sơn dương đương tung tẩy trên mặt đường bằng phẳng. Nước đầy sóng sánh trên miệng ống mà không một giọt tràn. Đạo sinh líu lô như chim hót:
Tỳ kheo tỳ kheo - nón đeo
Hành cước, hành cước - vượt đèo
Nghiệp từ kiếp trước - thương khéo
Trả lại kiếp này - bóng theo…
Qua mặt Từ Lộ, tiểu đạo sinh không nhìn lại không hỏi han. Đôi chân trần bé nhỏ vẫn thoăn thoắt thoăn thoắt. Chẳng mấy chốc lưng áo nâu với hai ống nước dài đã khuất sau những mỏm đá cao.
Từ Lộ cứ theo hướng tiểu đạo sinh mà leo, bỗng thấy chân mình lẹ làng nhẹ nhõm. Lối đi như rộng ra. Mặt trời quá đỉnh đầu. Càng lên cao sương núi càng âm u khí núi càng lạnh buốt. Leo mãi. Vượt qua một dốc đá trơn chuội có hàng thông trăm tuổi đứng như hàng lính canh đến một bãi đá xanh vân trắng trải dài… Thập Quang thiền viện là đây. Dẫy lều lợp cỏ lau nối nhau phơ phất như tóc bạc. Khoảng hơn hai chục đạo sinh ngồi kiết già hai tay chắp ngực mặt hướng về phía một gốc thông thân trăn mốc thếch, ngọn vươn cao như trọc tới trời xanh. Không biết các đạo sinh này ngồi bất động đã bao lâu. Trên những mái đầu cắt trọc tóc mọc lởm chởm, trên những tấm vai trần bợt bạt vì sương gió bủa vào người bê bết lông chim, phân chim rừng.
Từ Lộ lúng túng chưa biết tính sao thì chú đạọ sinh gùi nước đã quay trở ra bãi đá. Lần này tiểu đạo sinh đến trước mặt, nhìn thẳng vào mắt Từ Lộ, rồi vẫn không nói một lời lại quày quả bước đi. Từ như người chợt tỉnh, vội bước theo tiểu đạo sinh.
Thập Quang đại sư ngồi thiền trên một tảng đá lớn sau gốc thông già. Dái tai rủ chấm vai, mắt lộ môi dầy, cằm vuông trán đứng… Vóc người cao lớn. Thần thái uy nghi… khiến Từ Lộ vừa nhìn thấy đã bủn rủn chân tay, thân thể như không còn xương cốt, quì sụp xuống.
Từ Lộ quì không biết bao lâu. Chàng cố hết sức để không gục xuống. Chân tay tê dại và cái đói khiến cho chàng như mê sảng. Khi chàng ngẩng đầu lên thì trăng đã đứng ngang trời. Khắp bãi đá và cả một vùng rừng núi trời đất mênh mông ngập tràn ánh vàng ngời ngợi trong vắt. Đại sư vẫn ngồi đó. Đôi mắt to tròn xoe như mắt cú rọi thẳng về phía chàng. Cái nhìn như xuyên qua tim.
Từ Lộ lắp bắp. Đại sư đưa năm ngón tay ra hiệu. Giọng Đại sư sang sảng thấu tận vào óc:
- Từ Lộ… Ngươi đã nhọc công đến dây tìm ta. Nhưng thiền viện của ta lập ra không phải để dung dưỡng niềm hận thù Huyền thuật của ta rèn luyện không phải để lấy máu hại người. Vả lại, phép thuật của ta không bằng Đại Điên…
- Thưa đại sư… Con…
- Ta biết nỗi đau đớn oan khiên khôn cùng mà ngươi đã phải gánh chịu. Âu cũng là nghiệp chướng buộc chân con người nơi trần thế. Thế gian này đâu cũng ngun ngún những đống lửa hận thù, hể có gió lẻ là bốc thành núi lửa. Ta cũng nhìn thấy ngùn ngụt lửa hận thù cháy trong mắt ngươi. Mà con đường đến với đức Phật ngắn nhất không phải đi trên những đống xương thù hận.
- Thưa đại sư. Con từng nghe. Nhưng con đã thề trước vong linh cha mẹ và tổ tiên. Thân xác Từ Lộ này kể từ đêm Nguyên tiêu năm nay không còn thuộc về Từ Lộ nữa… Cả đời, song thân con chưa từng làm một điều ác. Tại sao gia đình con lại phải gánh chịu oan nhiệt đến như vậy? Từ Lộ này chỉ sống để rửa hận mà thôi!
- Còn trẻ người non dạ, ngươi chưa hiểu. Có quả ắt có nhân. Âu cũng là nhân quả từ kiếp trước…
- Xin Đại sư xác tội. Vậy nếu con tìm đến đại sư, một mực xin học đạo pháp cao cường để báo oán, ắt cũng không phải do con muốn, mà phải có duyên nghiệp từ kiếp trước. Có bao nhiêu con đường đến với Phật tổ, con chưa có duyên thấu hiểu. Nhưng con thiển nghĩ, nếu khoanh tay trước kẻ ác thì tất vô tình hại người thiện…
Thập Quang đại sư im lặng hồi lâu, rồi buột thở dài:
- … Trong lý lẽ ngông cuồng của kẻ trẻ dại này cũng có đôi chút ánh sáng. Ta không thể dạy huyền thuật cho con. Đại Điên khi xưa đã không quản gian nan cực nhọc sang tìm thầy học đạo tận bên đất Thiên Trúc. Hắn có tài và bền chí. Chỉ tiếc rằng hắn lại dùng tài đó để thoã mãn tham, sân, si… Nay ta chỉ đường cho con sang ThiênTrúc. Con phải bền gan hơn Đại Điên. Nhưng nhập đạo, luyện trí, rèn thân… biết đâu trên con đường hành cước, trong thân phận của một tỳ kheo, con cũng lại ngộ được đôi điều, ngõ hầu làm vơi gánh nghiệp chướng… Trí Thành đâu?
- Dạ!
Chú tiểu đạo sinh vẫn đứng chắp tay hầu bên đài sư nghe gọi tên vội lên tiếng.
- Nhà ngươi đã gặp Từ Lộ, dẫn hắn đến đây. Âu cũng là nợ trần ai. Mà các ngươi cũng còn duyên sau này nữa. Ta cho con xuống núi cùng Từ Lộ đi Thiên Trúc…
- Thưa sư phụ…
- Mọi điều cho chuyến đi, thường nhật ta đã nói. Tuy tuổi con còn nhỏ nhưng bấy lâu luyện rèn cũng đánh được chân hành giả. Từ nay ta dặt pháp hiệu cho con là Minh Không. Ngay sáng mai hãy cùng Từ Lộ xuống núi.
Nói rồi đại sư chắp hai tay trước ngực nhắm mắt. Thân còn tĩnh tại đó nhưng hồn như đã phiêu diêu bồng bềnh tít chốn cao hoang.
Đêm ấy Từ Lộ không ngủ. Chàng cùng Minh Không lo liệu cho chuyến đi. Tại thiền viện đã có sẵn những chiếc bát gỗ cũ kỹ có dây đeo dành cho các tỳ kheo đi khất thực và những cây tích trượng bằng thiếc. Từ Lộ nhạc nhiên thấy Minh Không đem thêm một bộ bát và tích trượng, ngoài bộ đã dành cho hai người. Minh Không đáp lại cái nhìn dò hỏi của Từ Lộ: Dưới chân núi kia, có một kẻ đợi chúng ta vào lúc mặt trời mọc.
Gà gáy canh tư, Minh Không đã hối thúc Từ Lộ. Cái cậu bé để tóc trái đào, trò yêu của Đại sư, nhờ ngót chục năm rèn luyện tại thiền viện, đã thành thạo mọi công việc của một tỳ kheo trên đường hành cước. Cậu bé giục Từ Lộ khoác tay nải lên vai, rồi đi trước dẫn đường, cứ bám rễ cây mà đu, đến khi mặt trời mọc đã thấy một con sông nước đỏ ngầu. Một người trẻ tuổi, vóc dáng tầm thước vạm vỡ, da ngăm đen mắt lòi, đang bồn chồn chờ họ. Đó là Giác Hải, một tay chài lưới trên sông Lô mà Minh Không vẫn thường cùng trò chuyện mỗi khi xuống lấy nước. Giác Hải đã có ba năm lên núi theo học tại thiền viện…
… Từ Lộ nghiến răng chống sào đẩy bè ngược dòng. Càng lên thượng nguồn nước sông càng chảy xiết. Những mỏm đá ngầm ẩn hiện khắp dòng sông như vô số hàm răng nhọn của lũ thuỷ quái đang rình rập chờ xé tan chiếc bè ra trăm nghìn mảnh. Những thân cây cành cây đổ từ thượng nguồn trôi về lập lờ trên mặt nước như những thây người chết đuối vừa bị hồn quỷ nhập chỉ phăm phăm nhằm thẳng vào bè của chàng mà sầm sập lao tới. Dưới chiếc nón là gồi rộng vành che khuất đôi mắt sáng như đang trong cơn sốt, những giọt mồ hôi đuổi nhau nhảy hối hả chạy vòng qua đuôi mày rậm khiến mắt Từ Lộ cay xè như đang khóc. Những chiếc nón rộng vành đội đầu là đặc điểm để nhận ra các tỳ kheo đang thực hiện các cuộc hành cước trên con đường xa thẳm của họ. Để tìm đường sang ThiênTrúc, Đại sư đã tặng cho mỗi người một cây tích trượng bằng thiếc, có gắn những vòng đồng mà mỗi bước đi lại cất tiếng rung xủng xoảng. Tiếng rung đặc biệt này là để xua đuổi côn trùng biết trước mà tránh xa, không để các tỳ kheo chẳng may giẫm chết thì lại phạm vào sát giới. Tiếng tích trượng cũng còn là để xua đuổi ma quỷ, tà khí dọc đường đi và kêu gọi các thí chủ rộng lòng giúp rập. Theo giới luật Thiền tông, Từ Lộ, Giác Hải, Minh Không đã phải tìm lá gồi kết những chiếc nón dành riêng cho các hành giả. Minh Không nói rằng các hành giả nhất thiết phải đội nón rộng vành. Vành nón rộng không cho người ta phóng mắt lên trời hoặc hoang đãng nhìn ngắm sang hai bên, mắt không tán theo cảnh sắc ben ngoài mà chỉ nhìn sâu vào đáy lòng mình.
Trên sông Gâm, chiếc bè dưới tay sào của Từ Lộ vẫn luồn lách qua những mỏm đá ngầm cây đổ sóng dữ. Từ đã thấm mệt. Mỗi khi rút sào chạy lên đầu bè, chàng phải rướn người tì cả nửa thân lên trên đầu sào để lấy thêm sức đẩy bè đi. Đang đưa ống tay áo lên gạt mồ hôi thì chợt nghe phía sau có tiếng người rổn rảng:
- Bữa nay đường sào của huynh đã thuần nhiều rồi…!
Từ Lộ ngoái nhìn. Giác Hải đã qua giấc lồm cồm chui ra khỏi cum nứa. Mưa nắng như chỉ quét thêm một lớp dầu bóng lên nước da nâu sậm của Giác Hải. Từ thèm thuồng nhìn mỗi bước chân của Giác Hải đặt chắc chắn như đóng cọc xuống mặt bè chòng chành.
Giác Hải vươn vai chui vào còng dây buộc chiếc áo tơi lá, bước đến đỡ con sào trong tay Từ Lộ:
- Thôi, để tôi. Sắp qua thác Cả… Đoạn này dữ lắm. Huynh cứ nhìn những miếu bên bờ sông kia. Mỗi miếu thờ là có mươi mạng người đổ xuống nạp cho thuỷ thần đó..!
Từ chuyển sào cho Giác Hải. Chàng quỳ xuống cởi nón lá hai tay vỗ nước lên mặt. Nước sông ngàu đục nhưng mát rượi nồng vị phù sa và mùi oai oải hăng hắc của thân cây trôi từ thượng nguồn. Đường ngược phương bắc đến ThiênTrúc sơn lam chướng khí vạn dặm hiểm nguy, rắn rết hùm beo, yêu ma quỷ quái. Mới qua ít ngày đường, Từ Lộ đã hiểu ý đại sư ghép ba người cùng vào chuyến đi thật thâm hậu. Minh Không tuổi ít nhưng theo học sư phụ lâu năm, trí khai minh, cân bằng thuận nghịch. Giác Hải đôn hậu tháo vát, sức lực đầy tràn. Hai người đó cộng với chàng, bộ ba mạnh yếu hoà đồng, san sẻ cho nhau mới mong đến được đất ThiênTrúc xa xôi học phép lục thông huyền bí.
Giác Hải thoăn thoắt bước nhanh, nhịp nhàng chống sào đẩy bè băng băng vượt đoạn sông dữ. Dưới tay sào của Giác Hải, chiếc bè như có thêm tai thêm mắt, luồn lách qua những vùng đá đầu sư nhấp nhô, những quầng nước xoáy chóng mặt. Cái dáng lực lưỡng của Giác Hải mỗi nhịp vươn lên, cúi xuống chống sào đẩy thật đẹp. Nắng rực rỡ trên tấm lưng trần như cánh phản in nhẫy bóng mồ hôi. Giác Hải quay nhìn Từ Lộ:
- Gọi Minh Không dậy thôi! Sắp đến bến Đá rồi. Ta ghé vào bờ kiếm thêm chút khoai sắn dự trữ cho đường trường sông nước!
Nhưng không cần gọi, cái bóng bé nhỏ gọn gàng với gương mặt tươi tắn sáng láng của Minh Không đã chui ra khỏi cum nứa. Minh Không đâu có ngủ. Mười hai tuổi, lần đầu tiên được xuống núi đi xa, cái gì đối với chú tiểu đạo sinh cũng lạ. Chú nằm lắng nghe tiếng nước ào ạt vỗ dưới thành bè, nhìn ngắm không chán những bờ đất, cành cây vun vút qua khe nứa bên ngoài. Thỉnh thoảng Minh Không phải nhỏm người vểnh tai dụi mắt. Đó là lúc giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng cây cỏ, chú thoáng nghe có tiếng gà gáy, chó sủa hay nhìn thấy một mái lều lá, một bóng người mờ ảo, lunh linh trên vạt nương sắn nương ngô đất phơi đỏ au bên bờ sông… Minh Không xỏ chân vào đôi giầy cỏ vừa bện chiều hôm trước, nhanh nhảu với lấy cây tích trượng và chiếc nón, bước ra đến đầu bè:
- Bẩy năm trên núi được nghe sư phụ giảng giải mọi nhẽ. Gìơ đi theo nhị huynh mới chỉ quẩn quanh trên mảnh bè này đã thấy thông tai tinh mắt thêm nhiều, nhiều lắm!
Nói rồi cất tiếng cười khanh khách.
Vượt lên khỏi ghềnh đá, dòng sông Gâm trước mặt đột ngột mở ra một vùng bát ngát. Trời cao xanh trong. Những dẫy nương ngô nương sắn mướt xanh rờn rờn sóng nối nhau chạy dọc đôi bờ.
- Huầy à… Huầy!
Giác Hải miệng la to, tay chống sào đảy bè lệch mũi. Con bè như một cánh chim chựng lại rồi từ từ ghếch mũi vào dọc một bên lèn đá trắng ăn lan từ trong nương sắn xanh rờn xuống tận mép nước.
- Bến Đá rồi!
Không đợi Từ Lộ và Minh Không tán đồng, Giác Hải nhảy xuống lội nước oàm oạp cắm sào neo bè.
Minh Không cũng nghếch đầu nghển cổ. Chú tiểu đạo sinh tròn xoe mắt nhìn lên bờ, nơi vừa thấp thoáng bóng người từ những mái nhà lợp cỏ tranh lá gồi, từ các nương rẫy chạy ra hướng về nơi tấm bè vừa neo lại.
Từ ngồi lại trên bè nứa, dửng dưng với cảnh vật trên bờ trước mặt. Chàng chỉ mong cho Giác Hải và Minh Không nhanh chóng đổi được vài thứ cần thiết cho ba anh em rồi bè lại tách bến ngược dòng. Ruột gan Từ cồn cào từng khắc. Ngoài Giác Hải và Minh Không, chàng không muốn nhìn thấy bất kỳ ai. Từ phải sống lẩn lút trên đất kinh thành, nhất là từ ngày rời hội Chen ở Quí Vũ, trong lòng Từ luôn thấp thỏm. Nỗi kinh sợ mỗi ngày một lớn. Chàng kinh sợ con người.
Trên bến Đá dăm bẩy người đang vây quanh Giác Hải, Minh Không. Mùa sóng nước thuyền bè qua lại ít. Nhất là lại có một con bè ngược dòng. Từ Lộ nhìn thấy Giác Hải đang khoát tay chỉ về phía hạ lưu, dáng chừng anh chàng đang kể một câu chuyện gì đó đáp lại những câu hỏi và sự tò mò của mấy người dân sơn dã sống trên đất này, suốt đời ít có ai bước chân ra khỏi mấy mảnh nương rẫy nhỏ hẹp. Từ ngửa mặt lên trời. Tiếng sấm dồn ầm ù trên cao khiến chàng chột dạ. Trận giông rừng có thể kéo đến bất chợt lúc nào cản đường chàng. Từ đứng dậy, đưa cả hai tay lên miệng làm loa thúc gọi giục Giác Hải, Minh Không.
Nhưng một bóng người vừa hối hả tách khỏi đám đông trên bến khiến chàng chú mục, tiếng gọi ngưng giữa chừng. Bóng người nhỏ bé mặc đồ đen, cả chiếc khăn vải trùm đầu cũng màu đen. Bóng người liêu xiêu đi xuống lèn đá trắng hướng thẳng về phía bè nứa của chàng.
Tiểu thư Nhuệ Anh cũng không còn biết đã bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng trôi qua. Bám vào sợi dây lụa xé ra từ áo cưới, nàng thả mình từ khung cửa lầu cao xuống hoa viên nhà Diên Thành hầu mà tưởng chừng buông tay gieo mình xuống vực sâu thăm thẳm. Chỉ đến khi hai bàn chân trần chạm đất lạnh, Nhuệ Anh mới như chợt tỉnh. Nàng khẽ rên lên một tiếng vì sợ hãi và mừng rỡ. Nhuệ Anh cúi xuống nghiến răng giật đứt vto áo lụa hồng vướng vào cành trúc sau vườn. Bốn phía chói loà chỗ tối chỗ sáng. Nhuệ Anh không biết đường nào mà chạy, cứ nhằm phía bóng tối không có ánh sáng đèn mà lao tới. Càng xa ánh đèn càng thấy nhẹ nhõm như con chim sổ lồng. Đến khi biến hẳn vào vùng đêm, bên tai không còn nghe tiếng người, tiếng đàn sáo huyên náo thì Nhuệ Anh mới chậm bước. Hơi thở cuộn thắt ngang ngực. Nàng định thần, nhận ra mình đã chạy ra xa bờ sông Tô. "Cha ơi… mẹ ơi…" Nhuệ Anh ngồi thụp xuống bưng mặt khóc nức nở.
Nhuệ Anh thiếp đi không biết bao lâu cho đến khi ánh nắng ban trưa lốm đốm lọt qua mái lá thủng của gian miếu thổ thần đánh thức nàng dậy. "Sao ta lại ở đây? Sao lại thế này…?". Ý nghĩ đó vừa thoáng lên trong đầu Nhuệ Anh thì một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên ngay gần kề khiến nàng giật bắn người: "Tiểu thư cứ nằm nghỉ… Đây là chốn kín đáo có thể yên tâm được". Nhuệ Anh chống tay ngồi nhích vai lui lại sát tường miếu rêu ẩm mục há miệng định kêu, thì vẫn giọng nói đó: "Tiểu thư đừng sợ… Lão đây!". "Trời…!" Nhuệ Anh đưa bàn tay lên bịt miệng mình. Nàng đã nhận ra trước mặt nàng là người lão bộc trung thành của nhà Từ Lộ mà nàng đã ít nhiều quen biết. Ngay tức thì, nỗi uất ức tủi thân lại ập đến. Nhuệ Anh cứ vậy úp mặt vào hai bàn tay sần sùi chai sạn của lão bộc mà khóc.
Đêm qua từ bờ sông Tô, Nhuệ Anh đã như một người mộng du quen chân quen bước đến miếu thổ thần. Nàng gục xuống sau cửa miếu vì quá mệt nhọc. Tảng sáng, lão bộc tìm tới. Đêm qua lão đã nhìn thấy dinh cơ của nhà Diên Thành hầu bốc cháy. Lại nghe tin tiểu thư Nhuệ Anh bỏ đi đâu trước lễ hợp cẩn. Tiểu thư có thể đi đâu được trong chốn kinh thành nhan nhản gia nhân, đầy tớ, tai mắt của nhà Diên Thành hầu quyền thế? Hẳn là tiểu thư không thể về nhà cha mẹ đẻ. Lão bộc nghĩ ngay đến gian miếu hoang nơi mà mấy tuần trăng trước đây Từ Lộ vẫn ẩn náu.
Lão bộc hạ giọng thì thào lo sợ:
- Suốt cả buổi nay người nhà Diên Thành hầu lùng sục khắp nơi để tìm tiểu thư. Chúng lần tìm đến tận nhà tiểu thư. Nhưng thân mẫu của tiểu thư thét mắng. Nghe nói phu nhân kiện nhà Diên Thành hầu đã dựng ra đám cháy để ám hại tiểu thư…
Nghe lão bộc nói, Nhuệ Anh thở nhẹ. Mẹ nàng nước sau vẫn là người đàn bà quyền biến, biết thoát ra khỏi ngõ cụt bằng những lối đi bất ngờ. Nỗi lo cho song thân đã vợi. Điều nang sợ nhất khi trốn khỏi nhà Lý Câu là cha mẹ nàng bị liên luỵ. Nhưng sự việc đã đúng như nàng thầm định.
Tiếng thì thào lo lắng của lão bộc vẫn vẳng vào tai Nhuệ Anh:
- Tiểu thư cũng không thể ở nơi này lâu. Trước sau thì lũ cầy cáo nhà Diên Thành hầu cũng tìm tới…
- Thế còn Từ công tử… chàng ở đâu?
Lão bộc nén nỗi cảm phục. Hoạn nạn là thế mà câu hỏi đầu tiên của tiểu thư vẫn là về tiểu chủ của lão… Điều đó khiến lão càng thêm quý trọng.
- Thưa… Lần cuối cùng lão được gặp tiểu công tử cách đây hai tuần trăng…
Rồi lão bộc kể cho Nhuệ Anh nghe về buổi tối đến trước dinh cơ Tăng đô án nay đã thành kỹ viện của tay chân nhà Diên Thành hầu. Từ Lộ đã buộc lão phải đưa bài vị của song thân đến để chàng mang theo trên đường đi tìm Đại Điên. Lão bộc cũng kể rằng lão đã may mắn thoát chết nhờ đàn ngựa sổng chuồng…
Nhuệ Anh cắn môi suy nghĩ hồi lâu, rồi lê tiếng:
- Lão bộc… Ta và Từ công tử may phúc mới có được người tâm phúc như lão. Gìơ ta có một việc phải cậy nhờ. Đêm nay lão mang đến đây cho ta một bộ quần áo của người nam, sao cho ta vận vừa…
- Thưa… tiểu thư định làm gì với thứ đó?
- Ta đi tìm Từ công tử!
Lão bộc kêu lên:
- Dám thưa tiểu thư… nguy hiểm lắm. Từ công tử không còn ở kinh thành. Bây giờ tiểu thư biết công tử phiêu dạt nơi nào mà tìm. Thân gái dặm trường… Xin tiểu thư suy xét lại…
- Lão nghe đây. Ta đã gắn kết với Từ công tử thì ta nguyện sống là vợ chàng, mà nếu chẳng may chết xuống âm phủ thì ta vẫn là vợ chàng.
Im lặng hồi lâu. Rồi lão bộc chắp tay cúi đầu trước tiểu thư Nhuệ Anh:
- Lão xin làm theo lời tiểu thư. Xin nhận một vái này của kẻ tôi tớ trung thành trước bậc tiết phụ của Từ công tử!
Ngay đêm hôm đó lão bộc mang tới miếu thổ thần hai bộ quần áo con trai, một nâu một đen. Một khăn đầu rìu. Đôi quang thùng và chiếc gáo dừa của người bán dầu. Ngườ lão bộc trung thành còn mang tới một thứ mà một tiểu thư nhà quan như Nhuệ Anh không hề nghĩ đến trước khi dấn thân khuê các vào chốn phàm trần. Lão đặt vào tay Nhuệ Anh chiếc túi nhỏ vải nâu đựng hai nén bạc nguyên và ít bạc vụn.
Với quần áo và đồ nghề của lão bộc mang cho, Nhuệ Anh trở thành anh chàng bán dầu dễ dàng ra khỏi kinh thành. Suốt mấy thàng nàng rong ruổi, cứ nghe nơi nào có hội là đến. Nhuệ Anh đã tới hội Chen ở Quí Vũ vào đúng ngày rã hội. Dân làng đã làm lễ an táng cô con gái tộc trưởng. Cả đám hội náo nức giờ bạt ngàn khăn tang như một rừng lau trắng run rẩy trong gió. Giữa bãi cỏ, dấu vết cây thiền trượng của pháp sư Đại Điên cắm xuống vẫn hoăm hoẳm một lỗ sâu hút như xuống tận âm ti. Dân nàng chuyền tay nâng xác cô gái lên cao nối nhau đi một vòng quanh lỗ gậy. Không một tiếng khóc. Không một lời nguyền rủa kẻ gây ác. Im lặng sởn người. Khi đặt cô gái xuống huyệt mới đào, dân làng đồng thời ném xuống lỗ gậy pháp sư xác một con dơi mặt quỉ. Con dơi mà người yêu cô gái hạ bằng một mũi tên căm hờn. Rồi cụ tộc trưởng cha cô gái cắn răng cắm lên dấu vết oan cừu đó một cành phan. Dấu hiệu báo việc ngày hội mở rừng sang năm của đất Quí Vũ sẽ chuyển đi nơi khác.
Nhuệ Anh biết đến đây là mất dấu vết của Từ Lộ. Nhưng nàng vẫn không nản. Vẫn gánh dầu bán rong, nàng ngược lên miền thượng. Một linh cảm mơ hồ khiến nàng hiểu rằng Từ Lộ sẽ đi qua những con đường này. Và mỗi bước, nàng như đang cảm thấy như mình đang đặt chân lên dấu chân của chàng vừa đi qua. Khi đến bến Đá sông Gâm, cảm giác đó càng cồn cào. Nhuệ Anh rửa gáo úp hai thùng gỗ đựng dầu lên cọc rào. Nàng neo lại, chờ một điều gì đó còn đang mơ hồ nhưng bằng vào trái tim tội nghiệp đang thổn thức trong ngực, nàng biết chắc rằng nó đang tới…
Con bè tuột dây neo từ từ tách bến Đá trôi xuôi. Chỉ còn lại Từ Lộ, Nhuệ Anh. Đứng trên lèn đá nhìn thấy bè rời bến, Minh Không thốt lên một tiếng "ơ" rồi te tái chạy xuống nhẩy theo bè. Nhưng Giác Hải đã nắm áo giữ lại. Giác Hải đưa bàn tay thô nhám xoa xoa cái đầu trọc của mình rồi lại xoa xoa đầu trọc của Minh Không: "Đệ hãy nhìn xem. Trong ba ta chỉ có Từ Lộ tóc hãy còn xanh nguyên. Từ ca nào đã thế phát. Cứ để Từ ca trang trải nợ trần gian. Biết đâu chẳng vì vậy mà Từ ca lại chóng ngộ đạo thoát tục hơn hai ta đó!".
Nhuệ Anh như một con gà ướt nhẹp nằm gọn trong tay Từ Lộ. Cơn giông núi đã dịu. Nhưng mưa vẫn đổ. Nhuệ Anh không hề thấy cái rét buốt của những giọt mưa đã làm da thịt nàng tê cóng thâm tái khi đứng đợi trên bến ban nãy. Mà ngược lại, những giọt mưa dội xuống thân thể nàng lúc này lại dịu dàng êm ái, mỗi giọt mưa chạm xuống như mang theo một hơi thở nồng nàn sưởi ấm cơ thể nàng. Những ngón tay Nhuệ Anh níu chặt bên vai Từ. Nàng run rẩy áp cặp môi trinh nữ lên vùng ngực trần nóng hổi trong mưa của chàng. Cái mùi đàn ông lạ lẫm, đắng ngắt, ngầy ngậy, bạo liệt như đá rừng toá hơi nóng dưới ánh mặt trời pha lẫn hơi mưa tươi tắn và tinh khiết khiến nàng ngây ngất chợt như lả đi chợt lại như lạc vào cõi phiêu bồng. "Từ Lộ…Em là vợ chàng…!". Thân thể của Nhuệ Anh quằn quại trong những tiếng lắp bắp đứt đoạn tắc nghẹn, theo những giọt máu ứa ra từ trong tim. Những ngón tay tiểu thư thuôn dài mỗi lúc càng như những mũi kìm thép nhọn bấm sâu vào da thịt người nàng yêu. Cùng với tiếng sấm cuối cùng của cơn giông núi vỡ ra trên vòm trời, nỗi đau da thịt thẳm sâu cũng xé lên trong Nhuệ Anh khiến nàng phải bật ra một tiếng thét. Thân thể nàng lỏng ra. Một cảm giác nghẹn ngào lan toả cùng với nỗi lòng chan chứa biết ơn người mang lại cho nàng niềm khoái lạc miên man và nỗi đớn đau trần thế kỳ diệu.
Chiếc bè dào dạt trôi xuôi. Vòm trời đã trở lại trong xanh cao vút. Sông nước mơn man hai bên thành bè làm bắn lên những bụi mưa li ti mát rượi phủ lên đôi thân thể một màng tơ trong suốt. Gặp quãng bờ bãi phù sa màu mỡ, những hàng cây dâu da, cây vả lúc lỉu quả chín đỏ la đà sát mặt sông rụng xuống lưng Từ Lộ và ngực Nhuệ Anh những chùm quả đỏ ứa mật. Bầy khỉ tíu tít đuổi nhau trên cành. Hươu nai tác tộ gọi đàn. Những chú chim rừng mải mê ríu rít với chùm quả chín rỉa ra những hạt mẩy thơm tho rơi xuống đầu tóc da thịt hai người…
Tới một khúc sông đột ngột rộng ra, chiếc bè dừng lại, đu đưa như ru trong một vũng nước nặng. Từ Lộ xoay mình nằm ngửa mặt nhìn trời. Nhuệ Anh ngủ mê mệt, gối đầu trĩu nặng một bên vai chàng. Miền da thịt mềm mại của nàng gắn vào da thịt chàng. Hơi thở dịu dàng man mác hương hoa của nàng phả nhẹ từng đợt ngọt ngào đằm thắm bên cổ luồn sâu bên gáy chàng. Nắng gió dã làm khô mái tóc dài. Những sợi tóc rợn sóng hứng lấy dòng ánh sáng thả xuống từ trời như sương núi, như tơ trời vuốt ve buồn buồn trên cổ trên vai và vồng ngực chàng. Từ Lộ thấy trong người thênh thang nhẹ nhõm lạ thường. Hình như cùng với niềm sướng vui thuỷ triều dồn dập trút vào thân thể hoà vào da thịt nàng, bao nhiêu căm uất hận thù chứa chất trong lồng ngực, bóp nghẹt trái tim chàng từng ấy ngày đêm cũng theo đó mà tan ra mà mất dạng. Giờ đây nằm sát bên nàng Từ Lộ thấy đất trời vừa như nhỏ lại, vừa như rộng thêm ra. Cái vũ trụ đen đặc căm uất hận thù vẫn ngày đem vò xé trong tim chàng đó bỗng trở nên xa xôi mờ ảo, tưởng chừng như chỉ là chuyện trong một giấc mơ kinh hoàng của cuộc đời bể dâu nào khác.
Một bông hoa gạo đỏ bầm từ trên cao rơi bịch xuống sát bên vai trần khiến Từ Lộ giật mình. Chàng mở mắt nhìn lên. Chàng nhận ra trên đầu mình là rặng cây gạo lực lưỡng nối dài những bông hoa đỏ bầm như những bụm máu. Quãng sông hoa gạo mà chàng và Giác Hải, Minh Không đã vất vả trần lưng oằn vai thay nhau chống sào đẩy bè ngược dòng qua vào buổi chiều hôm trước. Từ Lộ vùng dậy nhìn quanh. Cánh tay trần của Nhuệ Anh vẫn quàng qua ngực chàng. Từ Lộ lay lay.
Nàng chỉ u ơ khẽ trong miệng rồi lại xoay nghiêng người nhắm mắt, miệng hé một nụ cười thơ dại. Nhưng trong lòng Từ Lộ đã cháy rần rật một ngọn lửa khác. Cái ngọn lửa đã giằng chàng khỏi kinh thành và hun đốt chàng chạy tới sông Gâm. Từ cuống lên, chồm hẳn dậy, bế bổng Nhuệ Anh, nhẩy khỏi bè. Từ đặt nàng trên bờ, đắp lên người nàng mớ quần áo còn ướt sũng rồi quay lưng, vồ lấy cây sào vẫn gài bên thành bè nứa gần suốt ngày qua. Và bầm máu đen tưởng đã mất dạng lại tràn về đầy nghẹt lồng ngực, đầy nghẹt trái tim Từ Lộ.
Nhuệ Anh chống tay ngồi dậy. Nàng chớp mắt, ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Chợt nhìn lại thân mình, nàng hốt hoảng với lấy mớ quần áo choàng lên người. Thấy Từ Lộ đang cuống cuồng lao sào đẩy bè quay ngược dòng. Nhuệ Anh vội chạy tới:
- Từ Lộ… Chàng… đi đâu?
- Ta phải trở lại… Phải ngược dòng thôi. Nhuệ Anh…!
- Chàng đưa em đi cùng…!
- Không được!
- Em xin chàng…
- Không!
Nhuệ Anh giữ chặt lấy con sào trên tay Từ Lộ:
- … Bao nhiêu ngày em đi tìm chàng…
- Ta hiểu…Ta hiểu… Nhuệ Anh… Nhưng ta phải đi. Ta không thể mang nàng đi cùng… Xin đắc tội với nàng.
- Không. Không… Em phải đi cùng chàng. Em phải đi…!
Nhuệ Anh quì sụp xuống ôm chặt hai chân Từ Lộ.
Con bè không tay chống bập bềnh quay ngang trên dòng sông.
Từ Lộ nghiến răng gỡ tay Nhuệ Anh. Chàng đạp mạnh chân, lùi người để rộng tay sào.
- Em van chàng… Hãy để em đi cùng… Chàng định bỏ mặc em mà đi ư?
- Đường của một tỳ kheo không có mặt nữ nhi. Con đường báo thù của ta không thể vướng nàng.
Từ Lộ thô bạo giằng mạnh sào.
Nhuệ Anh níu chân Từ Lộ. Tóc xoã tung. Gương mặt ngước lên đầm đìa nước mắt.
Con bè chùng chằng giữa những làn đá chen nhau dăng dăng ngang mặt sông. Từ Lộ bậm môi. Dưới kia là thác Mơ hiểm ác. Con thác đã khiến ngày qua chàng và hai bạn đã phải tháo bè nối nhau khiêng từng bó nứa sũng nước lên đoạn sông phía trên này để ghép thành con bè mới.
- Nhuệ Anh… Ta đã nói cùng nàng… Xin coi không còn ta ở trên đời này. Nàng hãy trở về!
Giọng nói cứng đanh của Từ Lộ, và nhất là mấy tiếng "nàng hãy trở về…" khiến Nhuệ Anh sững người, tay buông rời khỏi Từ Lộ. Đôi mày nàng dựng lên:
- Chàng nói sao? Chàng nói em hãy trở về?
- Ta đã nói. Không còn Từ Lộ trên đời này nữa…!
- Trời!…
Tiếng rền rĩ của Nhuệ Anh tắt lịm. Đột nhiên đôi mắt mềm yếu dịu dàng như mắt nai của người con gái vụt sáng rực. Nhuệ Anh vươn cao người. Chiếc áo vải đen nàng vừa kịp khoác lên đã rơi ruột ra để lộ đôi vai trắng ngần và đôi vú ngời ngợi như hai vầng trăng.
- Từ Lộ… vĩnh… biệt…!
Chưa dứt lời, Nhuệ Anh đạp chân nhoài người lao ra phía dòng sông chảy xiết.
- Nhuệ Anh…!
Từ Lộ buông rơi sào. Chàng vừa kịp kêu lên thế thì mắt mũi tối sầm. Con bè không người chèo chống đã xô vào vách đá ngầm của thác Mơ tan thành từng mảnh, quăng Từ Lộ lên một gờ đá nổi, rồi nước lại ào lên cuốn dìm chàng xuống tận đáy sông.
Khắc sau, trên bờ sông Gâm cạnh thác Mơ hung dữ chỉ còn Từ Lộ. Mảnh vải nâu ướt sũng đóng làm khố che thân, Từ quì rạp người vái theo dòng sông:
- Nhuệ Anh ơi… Ta có tội với nàng. Nhưng nợ báo oán đè nặng hai vai này. Ngày nào trả nợ xong, thề với nàng, ta sẽ quay lại nơi đây theo nàng. Xin hãy đợi ta… Nhuệ Anh…!
Từ Lộ rạp mình vái ba vái nữa rồi mình trần khố vải vác sào dài chạy ngược dòng sông Gâm lên bến Đá phía thượng nguồn. Nơi đó Giác Hải, Minh Không đang nóng lòng sốt ruột chờ đợi chàng.
Giàn Thiêu Giàn Thiêu - Võ Thị Hảo Giàn Thiêu