Số lần đọc/download: 1861 / 41
Cập nhật: 2014-12-04 15:46:55 +0700
Chương 8
N
hững câu nói nửa đùa nửa thật của Thư khiến Lầu thắc mắc hoài không yên. Gã liền đem trình bầy với chuẩn úy Dũng rồi kết luận bằng một giọng rụt rè :
- Em sợ trong hàng ngũ của mình cũng có kẻ không tin được. Xin "thiếu" úy lưu ý thử coi.
Dũng vỗ vai Lầu an ủi :
- Điều đó thì chắc rồi. Làm sao mình có thể tạo được thành một khối thuần nhất khi mà có muôn ngàn bộ mặt tham dự vào cuộc chiến tranh này. Có những người tham dự bằng lý tưởng chống Cộng, nhưng cũng có kẻ dấn thân vào để thụ hưởng, để làm giầu trên xương máu của kẻ khác. Lại cũng có kẻ bị xô đẩy mà vào, bó buộc mà vào, họ không tìm thấy lý do chính đáng nào làm động cơ thúc đẩy cho nên họ tham dự cuộc chiến này với vẻ thờ ơ, ngoại cuộc, cứ như thể mọi biến chuyển trên đất nướùc này chẳng liên quan gì tới họ hết. Từ đó mới sinh ra những hiện tượng người này làm thì kẻ khác xóa. Mình muốn đất nướùc này tốt đẹp hơn, ổn định hơn, nhưng lại vấp phải những khối đá cản đường. Rút cục, khi đã bị lôi cuốn vào guồng máy thì hãy cứ nên biết ôm cây súng này mà bắn khi địch chĩa khí giới vào mình. Bởi không bắn thì cũng chết. Phản ứng tự vệ của một kẻ bắt buộc bị dồn đến chân tường phải tự vệ.
Lầu ngẫm nghĩ rồi đáp :
- Quả là có những kẻ nhìn vào cuộc chiến tranh này với cặp mắt của kẻ thờ ơ ngoại cuộc. Như cô Thư là một trường hợp. Em thấy không bao giờ cô ta bận tâm tại sao chồng mình thì ở hàng ngũ bên này và em chồng lại ở hàng ngũ bên kia.
- Một là vì nó còn con nít quá. Hai là vì nó dửng dưng, chai lì. Bởi vì, thế nào là bên này, thế nào là bên kia, khi mà chồng hay em vẫn chỉ là những người thân thích, ruột thịt. Cuộc chiến tranh này đáng ghét là ở chỗ ấy. Nó không có giới tuyến, nó không xác định rõ rệt giữa thù với bạn. Thế nào là thù? Thế nào là bạn? Lão Đối có phải là một kẻ thù không, dù lão ta đang nằm tù với lý do đi tiếp tế cho địch? Tên Hoanh bỏ nhà, đào ngũ đi theo biệt kích Mỹ, có phải là bạn đích thực không? Ôi, cái cuộc chiến tranh này....
- Nhưng mà rơi vào cái cảnh "kẹt" như thế, nó vẫn nhơn nhơn được cũng là lạ chớ!
- Vậy tôi mới nói hoặc là nó còn con nít, hoặc là nó chai lì, vượt lên trên được những éo le của hoàn cảnh. Để Chủ Nhật này rỗi rãi, tôi với cậu thử mò lên chợ chơi rồi coi sao. Nghe tụi binh sĩ nó xì xào về cô ta, tôi cũng muốn ngó tận mặt. Nhưng xin báo trước là tôi không có ẩn ý gì đâu đó nghe.
o O o
Chuyến đi tuy ước hẹn tầm phào như vậy nhưng lại được thực hiện một cách dễ dàng. Nhân thể, Dũng muốn ghé thăm chị Lầu mới sinh nở, vì chị là người may giúp Dũng nhiều món đồ hoặc sửa lại bộ treillis, cắt một vài bộ đồ ngủ, hoặc biến cái poncho thành chiếc áo mưa cắt theo kiểu do chính Dũng lựa chọn.
Ngày Chủ Nhật trời oi ả ngay từ sáng sớm. Khí hậu của những ngày nực mưa có khác, bầu không khí ngột ngạt và làm bứt rứt mọi người đến tận chân tóc. Trời êm ả không một ngọn gió. Cánh đồng trước mặt như trải phẳng ra dưới lớp ánh sáng nóng rực và chói lòa. Những giải mây trắng trên từng cao hầu như đứng im bất động. Lúc đứng chờ xe, Dũng bảo Lầu :
- Đồng quê yên tĩnh thế này mà không ngờ đang có chiến tranh tàn khốc, Lầu nhỉ.
- Vâng, nó rình mò mình quá lâu nên ai cũng sinh ra chán chường, mệt mỏi. Nhiều lúc em chỉ muốn được làm tên thợ cầy mà cũng không xong.
- Điều đó không phải chỉ là ước muốn của một mình cậu. Tôi cũng mong ước có ngày được trả lại bộ quần áo đồng phục này để trở về với đời sống học hành. Ngày xưa, hồi chưa nhập ngũ, tôi ước ao, thích thú một đời sống bay nhảy, lang thang đây đó. Nhưng vào quân đội rồi mới thấy những ngày tự do ở đời sống dân sự là quí giá vô ngần. Hơn nữa, kiếp sống hào hùng, lang bạt đây đó chỉ là một vẻ đẹp có trong tiểu thuyết. Lao vào thực tế rồi mới thấy bọn văn sĩ chỉ biết vẽ vời.
- Tại sao "thiếu" úy không lấy vợ?
- Ôi dào. Vợ với con gì vào thời buổi này. Những ai đã chót đèo bòng vào rồi thì không nói làm gì, chứ còn độc thân thì không nên chút nào. Mạng sống của mình biết lúc nào còn, lúc nào mất. Tôi muốn được chết thanh thản hơn là khi nhắm mắt còn để bao nhiêu nỗi đớn đau cho người ở lại.
- Nhưng rồi nếu cuộc chiến này kéo dài mười lăm, hai mươi năm, "thiếu" úy cũng vẫn ở vậy sao?
- Chắc như đinh đóng cột là như thế. Chẳng phải là mình giỏi giang, cứng dắn gì. Nhưng trách nhiệm gia đình! Tôi sợ trách nhiệm gia đình vô cùng!
Bóng dáng một chiếc xe Lam hiện ra từ chỗ khúc quanh của đường nhựa. Lầu giơ tay lên, ra hiệu nhiều lần. Tốc độ của chiếc xe giảm dần rồi ngừng lại bên ven đường. Dũng đưa mắt nhìn vào trong xe để đánh giá mức độ "quốc gia" của người tài xế. Đó là một ông già trạc gần sáu mươi. Thân hình gầy gò, lọt thỏm trong chiếc áo ka ki rộng thùng thình. Đầu ông ta úp tùm hụp chiếc mũ dạ che gần kín khuôn mặt nhăn nhúm và sạm đen vì nắng. Ở đằng sau, trên hai băng trống chỉ vỏn vẹn có ba người: một ông già, một thiếu phụ và một đứa trẻ con. Ông tài nói :
- Mời "thiếu" úy ra băng sau, còn rộng chán.
Dũng đưa mắt ra liệu cho Lầu. Lầu lầm lũi trèo lên băng ghế sau, trong khi ấy chàng ngồi ghé vào bên cạnh chỗ của tài xế. Ông ta la lên :
- Xin "thiếu" úy cảm phiền. Ngồi thế này dễ lộ mục tiêu, nguy hiểm lắm.
Dũng nhún vai :
- Không hề gì đâu. Cụ cứ yên tâm mà lái. Tôi cần phải ngồi ở đây để hễ có lộn xộn cái gì, xoay xỏa cho nó dễ.
Mặt ông ta thoáng một tia bất mãn. Kinh nghiệm cho thấy mấy thằng du kích hay lủi trong những lùm cây um tùm ở hai bên vệ đường. Nhiều khi nhiệm vụ của chúng chỉ là quan sát những đoàn công voa di chuyển trên quốc lộ mà không có chỉ thị nổ súng. Nhưng ngứa mắt thì nó lia một băng chơi. Nhất là vào những lúc hết phiên gác phải lộn trở vào trong đồng. Vô phúc chiếc xe nào đi ngang qua đúng vào lúc ấy, lại thấp thoáng trên xe có bộ đồ xanh của lính tráng thì thế nào cũng có những loạt súng bắn theo. Có thể những viên đạn vào trúng mục tiêu. Nhưng cũng có thể một vài người dân thường không may bị lãnh đủ. Cái chết đến thật tình cờ. Cũng tình cờ như kẻ đã nổ súng, vì có thể trước đó mấy phút, hắn ta không có ý định bấm cò!
Riêng chuyến xe lần này đã không rơi vào sự tình cờ chết người ấy. Bởi vì Đực đã rình mò ngay từ buổi sáng tinh mơ. Từ hôm nghe tin lão Đối bị giải lên tỉnh, Đực cay đắng nuôi nấng nỗi căm thù bằng sự im lặng cố hữu của gã. Gã hỏi thăm cặn kẽ về những chi tiết xoay quanh vụ bắt bớ gây sôi nổi trong dư luận của mọi người ở cầu chợ Lùng. Gã không quên hình ảnh thằng Hưng một bên, thằng Trọng một bên, lão Đối tóc râu dựng ngược giận dữ đi ở giữa. Lót tót theo sau đuôi là thằng Lầu, mặt cúi gầm như tố cáo đích danh nó là kẻ chủ động, bầy đặt ra vụ khám xét để bắt giam một người kỳ cựu như lão Đối.
- Tổ cha con nhà Lầu. Tao sẽ bắn nó như bắn một con chó. Mầy khứng giúp tao tổ chức vụ này không?
Đực hỏi ý kiến thằng Há như vậy. Nhưng Há gạt đi :
- Mầy không thông suốt chỉ thị sao? Thời gian này mình chỉ thi hành công tác điều nghiên tình hình hoạt động ngày đêm của bọn Tề, Ngụy theo lệnh của Ủy ban Quân sự 1, tức cấp liên tỉnh thôi. Còn những loại hoạt động bá láp bá xàm có phương hại đến công tác chuẩn bị mặt trận mới thì thôi đi. Để nuôi dưỡng cho chúng nó tinh thần cầu an, hưởng thụ, lạc quan tếu, nhận định sai lầm thì sau này đánh mới chắc ăn. Mầy nhớ không?
Đực bực mình :
- Mầy không cần phải dậy dỗ tao những cái điều sơ đẳng đó. Tao chỉ hỏi: mầy có khứng giúp tao không, thế thôi.
- Tao chẳng chơi. Rồi bị tố cáo phá hoại kế hoạch chung, ai ăn ai chịu đây?
Đực chán nản bỏ đi tìm thằng Sách. Sách lúc này vẫn nằm dưỡng thương trong hầm nhà ông Năm Điếc. Vết thương của nó đã khép kín và bắt đầu lên da non. Đã nhiều lần nó năn nỉ Đực điều động cho nó ra khu sinh hoạt nhẹ. Nằm mãi trong hầm khác nào bị chôn sống và chết lần trong mòn mỏi. Đực vẫn an ủi nó :
- Mầy cứ yên trí nghỉ ngơi bồi dưỡng tinh thần chiến đấu đi. Sắp sửa có nhiều công tác quan trọng được giao cho mầy. Chỉ lo rồi tới đó, tinh thần của mầy sút kém, sợ khó sợ khổ, chấp hành mệnh lệnh trù trừ, do dự, thiếu khẩn trương, thiếu chính xác thôi.
Bây giờ Đực lại tìm đến nó và hỏi :
- Chân của mày sử dụng ra làm sao?
- Mười phần hết bẩy, tám rồi.
- Đi lại mạnh bạo rồi chớ?
- Ui! Chạy tới chạy lui cũng còn được.
- Mầy ưng theo tao ra quốc lộ chặn mấy thằng chạy xe lam, hù một chuyến chơi không?
- Chà! Cấp này có măng cụt, anh cho phép em hốt ít chục xài cho đỡ thèm, được không?
- Gì cũng được. Nhưng không chắc ăn như mày tưởng đâu. Phải tới đó rồi tính.
- Em phải làm nhiệm vụ gì đây?
- Hộ vệ cho tao lúc tao ra chặn đường.
- Dễ ợt!
- Mà điều chớ bắn càn. Chỉ nguy cấp lắm mới nổ súng thôi, nghe không.
Hôm sau, Chủ Nhật, hai đứa lầm lũi kéo nhau đi từ sớm. Đực thuộc lòng thói quen của Lầu. Gã ngụy này có một khuyết điểm trầm trọng là luôn luôn giữ đúng giờ giấc. Điều đó khiến bọn thằng Há, thằng Đực nghi ngờ trình độ kỹ thuật tác chiến của bọn cơ hữu trong đồn Phi Mã. Nhưng cũng có thể là bọn này chủ quan, khinh địch. Thằng Hoanh đã chả từng nói: "Mấy thằng du kích chuột nhắt ăn nhằm gì" đó sao? Trong óc thằng Đực đã vẽ sẵn mọi diễn tiến, nếu tình hình êm xuôi thì sẽ xảy ra như sau: "Tám giờ, Lầu đổi phiên gác ở pháo đài số 5, hướng quay mặt về quốc lộ. Nó sẽ ra cổng đón xe về cầu chợ Lùng thăm vợ đang nằm ở nhà hộ sinh. Chiếc xe sẽ bị chặn ở khúc đường vòng, chỗ có ngã rẽ đi xuống Đầm Tròn. Nếu thằng Lầu đi một mình, thì sẽ uy hiếp mà lôi nó vô đầm, để vào đúng giữa trán nó một viên kẹo đồng sau khi kể tội của nó. Nhưng nếu nó đi đông hơn thì Đực sẽ chỉ tung được vô gầm xe một quả lựu đạn mà không lại gần. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi toán chúng đi quá ba người thì thể nào bọn Đực cũng đụng phải phi Garant M1 thì cũng là Carbine M2. Cả hai loại súng này đều hữu hiệu hơn mấy khẩu Label cũ kỹ của bọn Đực. Nhưng chuyện chúng đi cả toán như vậy cũng ít khi xảy ra. Bởi vì ngày Chủ Nhật, tuy có nhiều đứa về cầu chợ nhưng phần đông đều tháp tùng xe chở gạo có hộ tống đi từ sáng tinh mơ kia rồi".
Ý nghĩ ghim được vô trán của Lầu một viên kẹo đồng khiến Đực thấy lòng hứng khởi hơn. Bao nhiêu ngày nay rồi, Đực chưa nghĩ đến chuyện gặp lại Vấn. Nó phải dàn xếp công chuyện này xong xuôi đã. Để trả lời Vấn về sự thất bại trong công việc mà Vấn đã giao phó: thuốc men Vấn gửi không mua được, ông già lại bị bắt mang đi. Như thế mà chịu bó tay, không làm được gì thì nhục quá! Câu chuyện phải có phần kết mới đủ đầu đuôi. Phần kết đó phải là sự chấm dứt cuộc đời của Lầu, kẻ chủ mưu tố cáo lão Đối. Thằng phản động phải đền tội!
o O o
Tiếng máy nổ nghe mỗi lúc một gần. Rồi bóng dáng quen thuộc của chiếc xe hiện ra ở đầu ngã rẽ. Đực nhìn thấy ngay một đứa ngồi cạnh bác tài, chắc chắn trên đó không ai ngoài gã chuẩn úy Dũng. Thói quen của Dũng, bọn này cũng đã học tập thuộc lòng. Còn thằng Lầu chắc ngồi ở băng sau.
Chiếc xe gần đi vào tầm súng, tốc độ lao đi như tên bắn. Không trù trừ một giây, Đực nhắm mũi xe nổ một phát chát chúa. Nó tống ngay viên đạn thứ hai lên nòng và nổ thêm một phát nữa. Chiếc xe lồng lên, chạy băng qua trước mặt nó, lảo đảo như một con thú bị thương rồi chúi mũi vào một bụi duối ở ven đường. Đực nhìn thấy Dũng tung mình ra khỏi xe, lăn tròn trên nệm cỏ. Ở phía băng sau, tiếng của thiếu phụ la thất thanh kèm theo tiếng khóc ré lên của đứa trẻ. Đực nhìn thấy rõ cái bóng cao lớn của Lầu nhảy vội vàng ra khỏi xe. Tiếng súng ròn rã bắt đầu xé bên màng tai Đực và đi vun vút. Không phải tiếng nổ ở súng của thằng Sách. Tổ cha thằng cù lần. Không biết nó làm ăn cái gì mà bây giờ chưa phản pháo? Đực hét lên :
- Sách! Mầy làm cái gì đó?
Sách lúng túng :
- Em kẹt! Viên đạn thối này móc không ra.
- Đ. M. Cù lần! Thế mà cũng đòi ăn măng cụt.
Rồi Đực thấy đau nhói ở vai. Thế là nó đã bị ghim trước rồi. Thằng Lầu vậy mà lẹ làng hơn nó tưởng. Lại thêm gã chuẩn úy Dũng cũng là dân chịu chơi. Đực thấy ngay tình thế bất lợi của mình. Nó rút chốt quả lựu đạn nội hóa và tung ra. Hai tiếng nổ long trời như cùng phát ra một lượt. Thế là thằng Sách cũng đã xài đến "bình mực" của nó rồi. Phải chuồn lẹ thôi. Đực nhân lúc bụi cát bay mù mịt bèn chạy xổ về phía thằng Sách. Nó túm được bàn tay nhỏ bé của Sách kéo dậy. Sách lúng túng vì cẳng chân yếu ớt của mình. Hình như mặt nó nhăn lại đau đớn. Đực hối hả :
- Chạy lẹ được không?
- Em đau quá...
- Đ.M. Ráng lên!
Sách cố ráng hơn nữa. Nó xách cây súng chạy lao về phía những luống ngô mới mọc. Thằng hết sức ngu độn. Cái đầu không cúi thấp xuống, cái lưng cũng chẳng khom lại. Nó chạy ngờ ngờ như ngày xưa hồi còn yên bình Đực đã chạy thi với nó, với Lầu và bao nhiêu thằng con trai khác nữa. Rồi bỗng nó thét lên. Bàn tay của nó bấu chặt lấy cánh tay của Đực một cách khác thường. Đực liếc mắt nhìn sang phía nó. Gã thấy khuôn mặt của nó dúm lại. Nước da tái xanh, trên vầng trán phẳng những giọt mồ hôi sấp ra ướt đầm chân tóc. Rồi năm ngón tay của nó run lên, sức mạnh túm chặt lấy Đực lúc mới rồi như nới lỏng ra. Lòng Đực nóng như lửa đốt.. Gã giục giã :
- Ráng lên! Ráng lên! Sắp vô đầm rồi.
Nhưng thằng Sách đã rũ hẳn xuống. Bây giờ Đực trông thấy lưng áo của nó đầm đìa những vết máu. Tai gã ù lên. Hai mắt gã như bị bưng kín bởi một màu lốm đốm đỏ rực. Gã nghiến răng cúi xuống xốc thân hình còm cõi của Sách lên vai. Từng giọt máu nhỏ xuống nền đất in thành những vệt đỏ thẫm. Sức nặng của Sách làm Đực loạng choạng. Gã cố đứng thẳng dậy rồi lao nhanh vào bụi duối um tùm. Tiếng súng hình như không còn đuổi theo nữa, nhưng vẳng lại từ đằng xa có tiếng la hét hãi hùng của người bị nạn. Có thể là tiếng thiếu phụ ngồi ở băng sau, cũng có thể là tiếng thằng Dũng hay thằng Lầu. Nếu không kẹt thằng Sách thì Đực đã vòng trở lại.
Bây giờ mình mẩy của Sách mềm sèo trên vai Đực. Gã nghe thấy nó rên rỉ một cách yếu đuối bên màng tai. Gió lồng lộng thổi làm vẻ mặt của nó thêm tái nhợt lại. Cặp môi mỏng quẹt của nó tuy mím chặt nhưng mỗi lúc một thêm run rẩy. Đực có cảm giác như máu của nó đang chảy ra ướt đẫm cả lưng của mình, và điều đó khiến gã thấy quên hẳn vết thương bỏng rát của gã ở bắp tay. Gã tìm một chỗ khuất bên bờ Đầm Tròn để đặt thằng Sách nằm nghỉ. Gã xé mảnh áo của mình đem buộc tạm vết thương trên mình Sách. Mặt Sách nhăn nhúm lại vì đau đớn. Tiếng rền rĩ của nó nghe lớn hơn. Rồi nó đòi Đực cho uống nước. Đực tìm một vũng nước trong, vốc lên bàn tay và nhễu chậm chậm trên vành môi khô héo của nó. Bây giờ nó có vẻ tỉnh táo hơn và mở lớn mắt nhìn lên khoảng trời xanh bao la trên đầu. Đực mừng rõ hỏi nó :
- Không hề gì lắm chớ?
Sách gượng mỉm cười, lắc đầu. Rồi nó nói :
- Mình thắng chớ, phải không?
Đực gật đầu lia lịa. Sách tiếp :
- Phải vậy chớ. Mình chủ động chiến trường mà... Anh có lấy măng cụt cho em không?
Đực bối rối không trả lời. Nhưng Sách đã tiếp :
- Em thèm ăn măng quá đi. Còn nhớ hồi xưa vào cấp này, xe đò ở tỉnh chạy qua đây đổ xuống chợ bao nhiêu là măng cụt...
- Cái đó dễ ợt mà. Cứ ráng khỏi rồi mai mốt mình kiếm, thiếu gì...
- Anh ráng kiếm cho em nhé. Ăn măng làm em nhớ tới hồi còn cõng thằng Đắc, con ông Năm Nghĩa tới trường. Nó hay mua măng của bà cụ Bẩy vẫn ngồi ở gốc cây xoài, anh nhớ không?
Đực gật đầu :
- Nhớ chớ, sao không.
- Rồi có bữa thằng Hoanh trêu nó, nó ném vỏ quả măng, ai ngờ trúng vào thầy giáo. Anh nhớ không?
- Ờ, nhớ!
- Ui chao, nó làm em hết hồn, tưởng ông thầy bắt phạt nó rồi ấy chớ. Mà điều lại không việc gì. Anh có biết tại làm sao không?
- Quên rồi.
- Tại ông thầy bữa đó vui vẻ hơn mọi lần. Anh không nhớ là mấy bữa sau ổng nghỉ dậy để cưới vợ sao?
- Ờ, nhớ. Ổng lấy cô con gái cụ cựu Hương Quản.
- Không phải đâu. Đó là ông thầy dạy lớp Nhì. Còn ông dạy lớp Tư kìa.
- À, phải rồi, ông thầy Hiền.
- Ờ, đúng. Ông thầy Hiền.
- Ổng chết hồi năm ngoái rồi còn gì.
- Tội nghiệp ổng cũng hiền quá chớ. Học cả năm, thằng Dụng không bị ổng quất lấy một roi.
Nói rồi Sách lại nhăn mặt. Nó đổi thế nằm bằng cách nhích người qua một bên rồi lại nói tiếp :
- Thằng Dụng... Ui, nó cù lần quá, anh Đực.
- Ờ...
- Bữa nào rảnh, anh cho em qua thăm mộ nó một chút nhớ.
- Ráng khỏi đi cái đã.
- Em thấy đau quá...
- Thôi đừng nói nhiều, mà cũng bớt cử động đi. Nghỉ một lát rồi về trạm có người lo.
Sách ngoan ngoãn nằm yên lặng. Vành mi của nó khép lại. Cặp môi héo hắt, vẻ mặt nhợt nhạt hơn. Một lát, nó lại đòi uống nước nữa. Đực lại vốc nước nhễu vào miệng nó. Lần này giọng của nó thều thào đi :
- Anh Đực...
- Cái gì?
- Anh còn đó chớ?
- Còn chớ sao không!
- Đừng bỏ em nhé.. Nằm một mình ở đây em sợ.
- Đừng sợ mà. Có gì đâu.
- Sao em lạnh quá.
Đực đặt tay lên mình nó. Gã thấy hầu như không còn hơi ấm. Sách nói tiếp, giọng mỗi lúc một mê sảng :
- Mình chia nhau cái chăn nhé... đỡ đỡ thôi mà... Rồi khi hết bom đạn, đất nước hòa bình, mỗi đứa sẽ có riêng một cái chăn, Dụng nhỉ!
Đực nhìn vào mắt nó nghi ngờ. Hai vành mi của Sách như sắp cứng lại. Gã hốt hoảng giơ tay lay mạnh người Sách. Sách bỗng mở choàng mắt ra, nhưng ánh sáng chói chang lại làm nó nhắm lại. Đực kêu lên :
- Sách à.. Sách!
Mí mắt của Sách hơi nhướng lên. Vành môi khô héo của nó mấp máy. Một lát, nó thều thào :
- Anh Đực... Anh Đực đó phải không?
Đực mừng rỡ :
- Đực đây... Đực đây...
- Cho em uống nước nữa đi... Em khát quá!
Đực tần ngần :
- Uống nhiều quá không tốt. Ráng một chút đi.
- Em lậy anh... em khát!
Đực thở dài đứng dậy. Gã lại đem về một vốc nước. Nhưng lần này những giọt nước trong mát không làm vành môi của Sách lay động. Đực vội vã xốc lưng nó dậy kêu to :
- Sách! Sách ơi!
Nhưng thân hình của Sách bây giờ chỉ còn là vật vô tri trong tay gã. Trên khuôn mặt non dại của nó, gã như còn thoáng thấy những nét đau đớn làm cho dúm dó lại.