Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.

Lou Holtz

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Cô Giáo Thúy
oá ra những buổi sáng thần tiên đẹp đến nao lòng cũng không phải là hiếm. Sau đêm tối là ngày đến rạng rỡ. Bên kia nỗi buồn ảm đạm là niềm vui như ngọn đèn mới thắp. Vả lại lúc này đã là những ngày thu đẹp lạ lùng. Trần mây dâng lên cao bổng và giang rộng đôi cánh mềm xanh mơ. Màu xanh thanh thiên khiến Thiêm nhớ đến mắt Seo Mùa. Và hẳn là qua không gian giao tiếp đã vi vút những luồng mắt đổi trao, nên mỗi sáng Seo Mùa đều dẫn cô em gái Seo Xay đến lớp, như cốt để hai người nhìn thấy nhau, nói với nhau một vài câu cho thoả lòng thương mến và đó sẽ là khúc mở đầu của một ngày vui vô tận với Thiêm.
Hoá ra cuộc sống cũng chẳng đến nỗi nào. Ông Quốc Thanh hay lên mặt hống hách, xem ra cũng là người biết nghĩ. Ông là một giá trị, hiển nhiên ông đã tự nghĩ và tự mê mình như thế, nhưng Thiêm đâu có phải là nhân cách tầm thường.
- Này, cậu nói cái gì với cô Seo Mùa mà con bé có vẻ cảm thông thế? Nói được tiếng Mèo như cậu khoái nhỉ, nhưng học một tháng có được như thế không?
Một sáng, ấp hai bàn tay vào chén trà nóng, ông Quốc Thanh sang buồng Thiêm bắt chuyện. Đó là một cách làm lành trong nhiều cách ông thực hiện mấy hôm nay với Thiêm kể từ buổi ông cáu kỉnh với Thiêm do việc kết nạp Đảng trượt ba người đảng viên. Người ta đã vậy, lại là cấp lãnh đạo thì mình chẳng nên cố chấp. Nghĩ vậy, nhưng Thiêm chưa kịp giải thích rằng: câu chuyện giữa anh và cô Seo Mùa, một gái đã có chồng, không ra ngoài phạm vi xã giao thông thường, ông đã đặt chén trà xuống bàn, xắn tay áo, hăm hở:
- Này, nhưng anh chớ vội kiêu căng. Thiên hạ thiếu gì người tài. Chỉ một tháng thôi tôi sẽ vượt anh cho mà xem. Lúc ấy, xin lỗi anh, anh đừng có úm tôi.
- Tôi đâu có úm ông. Vấn đề công tác ở vùng đồng bào Mèo không biết tiếng thì thành người câm, người điếc.
- Thôi, không nói vơ vẩn nữa! Bây giờ anh có trách nhiệm hướng dẫn tôi. Nào, bắt đầu ngay nhớ.
- Vâng. Ông về lấy giấy bút đi!
- Khỏi cần. Nghị quyết, chỉ thị tớ có ghi chép đâu mà nhớ vanh vách từ con số!
Ông Quốc Thanh cười nhe răng, nhẹ tênh, rồi thu hai chân lên ghế! Ngôn ngữ bộ tộc, chỉ hiệu riêng của con người, thuộc bộ tộc là một tổng hoà của từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm… tất nhiên người ngoại tộc hoàn toàn có thể tiếp nhận bằng con đường truyền khẩu, thực tế giao tiếp. Ông Quốc Thanh hiểu như thế và ông đâu có phải là kẻ tối dạ. Tiếng Mèo có bẩy thanh, phát âm cao thấp khác nhau tí chút là nghĩa tiếng Kinh khác hẳn, ông phân biệt được. Chẳng hạn đọc là Chế có nghĩa là nhà, cao hơn thì có nghĩa là muối, mà trầm xuống lại mang nghĩa là cá, Thiêm hướng dẫn qua, bảo ông thử ba bốn lần, ông phát âm chính xác ngay. Ông thuộc khá nhanh một số từ vựng Thiêm dậy như: Txí là cha, nả là mẹ, mùa là chị, nhúa là con, cú là tôi, nào là ăn, hau là uống, tu nềnh là con ngựa, tu nhù là con bò. Nhưng đúng như bản tính nóng vội, ông thường hay sốt ruột. Ông đòi học ngay mấy câu xã giao đơn giản. Hơi khó vì âm điệu, vì giọng ông đã cứng, nhưng nghe ông nói cũng hiểu được nghĩa cơ bản. Cú bê hu Quốc Thanh. Tên tôi là Quốc Thanh. Cào bê hu ua chằng? Tên mày là gì? Nó dao ti lâu Lở. Nó dao mủa Seo Mùa. Đây là anh Lở. Đây là chị Seo Mùa. Chỉ vài lần nhắc lại ông đã nhập tâm và bảo nói lại đã lưu loát.
- Này, thế con chó nói thế nào?
- Con chó là tu tế.
- Cô Seo Mùa đi nương đấy à?
- Seo Mùa mông ua tế!
- Seo Mùa đẹp lắm!
- Seo Mùa jông hứng!
Khoái quá ông ật cổ cười hềnh hệch. Rồi bất thình lình, ông ghé tai Thiêm. Ông thì thầm, thì thầm. Tai Thiêm cứ như có con muỗi vẫy cánh ở bên trong. Mặt Thiêm ứ đỏ. Dịch ra khỏi ông, Thiêm lắc lắc đầu:
- Không phải tiếng Mèo! Đó là tiếng Quan hoả! Mà là tiếng Quan hoả chắp vá của người học lỏm. Nhưng ông nghe thấy ở đâu câu đó?
- Thằng Đổng!
- Đổng, trưởng phòng giáo dục à?
– Chả nó thì ai. Cứ ngô tí ti. Nó hủ hoá với con cấp dưỡng người Xá, bị chi bộ đưa ra kiểm điểm. Nó khai, tôi vừa ôm cô ấy, vừa tốc váy cô ấy lên, vừa khẩn khoản: Cứ ngô tí ti, thấy cô ấy im, tưởng là ngấu quá rồi. Há, Cứ ngô tí ti là cho anh một tí. Hay!
Cứ ngô tí ti! Cho anh một tí! Hay! Ông Quốc Thanh đứng phắt dậy, như lên cơn tâm thần đột xuất, thét ba bốn lần. Rồi vòng ra sau lưng Thiêm đột ngột ôm chầm Thiêm, ép chặt lưng, mông Thiêm vào mình, cắn tai Thiêm, cười bả lả:
- Không có đàn bà thì đời còn thua con tu tế, con chó! Này, anh giáo, sắp có cô giáo bổ sung về đây rồi, anh có phấn khởi không? Há há, mới nghe tin mà xem ra cậu chàng đã phừng phừng lên rồi đây này!
Thiêm vằng ra khỏi vòng ôm của ông phái viên, quay lại, cau mặt:
- Thế thôi! Ông ngồi xuống học tiếng đi!
Răng nhe nhe, đầu ngất ngưởng, mắt trợn trạc, điệu bộ như kẻ du côn, ông Quốc Thanh nói sừng sộ:
- Học! Học cái đếch gì, tao mà phải học mấy cái tiếng Mèo Mán này à? Tao nói gì thì khắc phải có thằng dịch lại, hiểu chưa! Ha ha, cứ ngô tí ti, cho anh một tí! Mẹ cha anh Trần Đổng, sao anh khôn thế!
Buổi học chấm dứt. Cuộc làm lành không thành. Chỉ là hai người thôi mà họ chẳng thể sống yên ổn với nhau. Còn nhiều chuyện rắc rối lắm, giữa họ cứ như có mắc míu nợ nần nhau từ kiếp trước.
Cô giáo mới được bổ sung về La Pan Tẩn tên là Thú. Hai mươi tư tuổi, kém Thiêm năm tuổi. Đã là năm thứ chín Thiêm sống ở nơi cùng trời cuối đất này.
Đón cô giáo mới, Thiêm nói: “Sao con gái lại đặt tên là Thú. Cải đi. Thêm một chữ y ở cuối thành Thúy nhé!” Cô giáo được sinh ra lần thứ hai. Cô cười khanh khách. Cô bá cổ Thiêm, toang toang: “Sao anh tài thế, anh Thiêm!”
Cô giáo Thú thành cô giáo Thúy. Tên thì đổi được. Còn người thì vẫn vậy thôi. Cô mang tướng ngũ đoản, vóc dáng nặng nề ục ịch. Tay ngắn, chân thấp, hông to, vú cả, mông bè, trông thô kệch lắm. May trời bù cho một gương mặt nhỏ, và một cái hoáy đồng tiền xin được của ai đặt vào bên má phải khiến đôi môi dầy bớt đi vẻ thô mãng mỗi khi cô nói, cô cười.
Thúy quê ở Thái Bình, vùng đất dồi dào thổ âm, phụ âm tr nói thành t, em nói thành iem, vần uyên phát âm thànhuên, bẩn cô nói thành bửn, sẵn cô nói là sẫn. Bố mẹ mất sớm, Thúy ở với bà cô ruột. Bà cô ruột là bà đồng, có cung điện nườm nượp kéo đến con nhang đệ tử, quanh năm suốt tháng hết xin thẻ lại hầu đồng, gọi vong, làm lễ giải hạn. Họ Đoàn nhà cô nhiều người phát sinh khả năng đặc biệt này, họ có thể giao tiếp được với thế giới bên âm, có cái nhìn thấu thị hơn mắt người thường. Sau cả mấy chục năm dùng đủ quyền hành pháp mà vẫn không sao tiệt nọc được cái nghề ngỗng mê tín dị đoan của bà cô Thúy, chính quyền địa phương liền dùng kế điệu hổ ly sơn, trục xuất bà ra khỏi xã, trong dịp có cuộc vận động đi phát triển kinh tế - văn hoá ở miền núi.
Lên Xin Ma Chải, quả nhiên bà đồng hết đất làm ăn. Ở đây, hệ thống tín ngưỡng khác, ngôn ngữ khác, cung cách cúng vái khác. Bà chỉ còn lập một điện thờ nho nhỏ, ngày ngày cầu khấn cùng cô cháu cho đỡ nhớ nghề và tích thiện, mưu cầu may mắn kiếm chút lộc trời cho riêng mình.
Lộc trời quả thật cũng chẳng đến nỗi hiếm hoi. Một ngày kia, hai cô cháu bỗng nhận ra ông Trần Đổng trưởng phòng giáo dục huyện Xin Ma Chải lại chính là anh giáo dạy bình dân kiêm đánh dậm, tứ thời thàm làm ăn mép trắng bợt, lại chính người cùng thôn. Qua lại, uống vài bữa rượu ở nhà cô xong, ông Đổng bảo cô đưa ông bằng tốt nghiệp lớp bẩy và cho cô nhận chân nhân viên phụ động ở phòng giáo dục. Ít lâu sau, hình như đã quá mù ra mưa, rộ lên lời ong tiếng ve về quan hệ giữa hai người, lại vừa lúc vợ ông Đổng mới từ quê lên để kiếm thêm mụn con giai, nên cô được chuyển thành giáo sinh một lớp sư phạm ngắn ngày, rồi vào ngạch với chức danh giáo viên bán cấp. “Gái không chồng như thuyền không lái, như phản gỗ long đanh. Đi công tác cố mà kiếm lấy tấm chồng, cháu ạ.” Tiễn Thúy về La Pan Tẩn, bà cô ruột dặn dò cô vậy.
Điều Thiêm nhận ra ngay là tính khí Thúy rất thất thường, bất định. Cô hay làm dáng, rất mau nước mắt, nhưng khóc đấy mà cười ngay được. Được phân công dạy lớp vỡ lòng ở thôn Bản Ngò, nhưng hết giờ dạy, cô lại tót lên thôn Bãi Đá trung tâm với Thiêm.
- Iem hãi lắm. Sao đàn ông Mèo mặt mày họ cứ lừ lừ cả thế. Mà đi đâu cũng vác súng, đeo dao, trông đến khiếp!
- Họ cũng là người như mình thôi.
- Iem sợ họ hiếp lắm!
Thiêm đỏ bừng mặt, quay đi:
- Họ hiền lắm. Sống với đồng bào rồi cô sẽ hiểu. Níu tay Thiêm, Thúy huẩy đầu, nũng nịu.
- Ừ ừ, chỉ có anh hiền thì có. Chứ đàn ông anh nào cũng đểu bỏ xừ đi ấy.
Không để Thiêm nói, cô đã nghển chân, ghé tai anh, trịn cả hai bầu vú núng nính vào ngực anh:
– Cả cái lão Quốc Thanh chết tiệt nhà anh nữa. Đi cùng iem từ huện về, cứ gạ gẫm iem suốt. Đến suối Bản Ngò dừng lại bảo iem đi tắm cho mát, lừa lúc iem cởi quần, từ bụi cây nhẩy sổ ra vồ, đè iem xuống bãi sỏi bờ suối. Iem đạp một phát, bắn xuống suối, ướt như chuột lột.
Ít lâu sau, khi đã quen thân hơn, cô cho Thiêm biết: ông Quốc Thanh hiện có hai vợ. Một vợ lấy hồi Nam tiến, hiện làm ruộng ở Đồng Nai. Một vợ ở Hà Nội, rất trẻ, rất xinh. “Ông ấy khoe ảnh chị ấy, iem thấy rồi, đẹp lắm.” Cô bình luận: chắc là chị vợ bị lừa, bị cưỡng bức rồi giang dở, đành nhắm mắt buông tay thây kệ sự đời, chứ lão Quốc Thanh này vừa ngu vừa đểu, có cái gì tương xứng mà bảo là yêu được! “Iem xem tướng số không sai đâu. Thúy cười. Cả anh nữa, anh có muốn em đoán hậu vận của anh không?” Thiêm rởn da gà, lảng mặt. Thúy lại níu tay anh: “Anh có biết lão Quốc Thanh nó đểu thế nào không? Đòi ngủ với iem không được, lão liền ăn cắp xu chiêng và xi líp của iem. Iem bắt được. Lão cười trừ: để làm kỷ niệm mà! Ma cô chưa! Lão có cái tật của bọn lưu manh, chơi đồ lót của đàn bà, anh ạ.”
Thúy còn là một nguyên bản sơ khởi, còn ngây dại, thô lậu lắm và có lẽ vì thiếu hẳn sự chỉ bảo của bà mẹ nên những chuyện ái tình, quan hệ đàn ông đàn bà, cô cứ tông tốc kể, nói, y như đó là chuyện thường tình. Cô xụng xịu mặt, bắt anh hứa phải giữ kín “cấm cho ai biết” rồi mới cho anh biết: cô đã phải cho ông Trần Đổng vần vò thoả thích mấy đêm liền rồi ông mới cho cô vào biên chế. Nhưng, vui miệng, cô chẳng dè giữ gì, cứ thông thống kể chuyện lúc mười lăm tuổi bị ông phó chủ tịch xã và ông thư ký uỷ ban xã dỗ ngon dỗ ngọt, vờn vỡ thế nào. “Ba lần cả thẩy. Một lần ở vườn mía sau trụ sở. Hai lần ngay trên bàn làm việc.” Cô toét miệng: “Iem chả biết gì sất! Nó lôi iem vào vườn mía, trải lá khô xuống rãnh luống, rồi đè iem xuống, bảo: anh thương iem lắm. Để anh truền sinh lý cho iem.” Cô cười tiếp: “Sau đó, một ông ở uỷ ban kiểm tra trên huện xuống gọi iem tới bẩu: cô kể lại thật tỉ mỉ xem nào. Nó cởi giây rút hay cô tự cởi? Nó hủ hoá với cô ra sao?” Iem rẫy nẩy lên: “Iem không hủ hoá. Anh ấy chỉ truền sinh lý cho iem thôi.” Ông kia thần mặt ra, liếm môi, nuốt nước bọt: “Cô nói thế nào chứ, vườn mía rậm bỏ cha, tụt quần ra, lông lá mía nó dính vào thật quá chạm vào bọ nẹt, sung sướng cái nỗi gì!”
- Này, iem nói cái này rất bí mật, bí mật hơn cả chuyện ông Đổng cơ. Anh có hứa với iem không?
- Chuyện gì?
- Thật đấy nhé.
- Ở đây còn nói với ai nữa mà cô sợ.
Một hôm cô nói vậy rồi kiễng chân, ghé tai Thiêm:
- Cái lão Quốc Thanh phái viên ấy mà, mắc tội hủ hoá có hệ thống, bị bắt quả tang, bị kiện, xuýt bị người ta đâm chết, bị kỷ luật, nên đang làm cán bộ cấp cục kịch gì ở bên đường sắt, bị tống lên đây đấy. Chính ông Đổng kể cho iem nghe mà. Ngưu tầm ngưu, lên đây lão chơi với ai anh biết không? Với một thằng sơn tràng chột tên là Lường, thằng này ăn ở với một bà Mèo goá ở thôn Ngải Chồ, hôm đưa iem từ huện về, lão Quốc Thanh rẽ vào đấy ở một đêm. Em biết hết. Lão ấy còn kết thân với cha Đường Xuân Ân phó bí thư. Ôi, cái thằng nói elờ thành enlờ. Đàn bà có cái đẹp nhất nói cũng sai, đánh cái rắm không nên, ngủ với vợ không xong, trời hành cho, có con đâu mà kiêu căng lắm!
Chuyện nghe bẩn cả tai. Thiêm lảng:
- Thôi, bây giờ cô nên tranh thủ thời gian xuống nhà các phụ huynh học sinh thăm hỏi, trò chuyện, học tiếng Mèo đi. Không biết tiếng Mèo thì như câm như điếc, không dạy học được đâu.
- Iem cứ sờ sợ thế nào ý!
- Có gì mà sợ.
- Iem nghe nói anh còn đi săn thú với họ, leo lên tít tịt ngọn núi trên kia kìa. Còn đi dự đám ma với họ. Có phải khi người nhà chết, họ trói người chết vào cột nhà. Rồi đem cơm đến bón. Thấy người chết không há được miệng, mới bảo là chết thật, mới oà khóc và phát tang?
– Một đồn mười, sai lạc hết cả tinh thần rồi. Người ta làm gì cũng dựa trên cái lý tự nhiên của người ta cả đấy, cô ạ. Đừng nghĩ họ man di mọi rợ. Man di mọi rợ mà hát được những câu thế này à: “Nếu ta là hạt sương, ta xin tan trên tay nàng. Nếu ta là hạt mưa, ta xin tan trên chân nàng…”
Thúy cười tít mắt:
- Hay nhỉ! Hôm nào anh dậy iem hát với nhé. Bà cô iem cũng dạy iem hát chầu văn, hát lên đồng, em hát không kém đâu. Anh Thiêm ơi! Em tưởng tượng chín năm trước đây anh lên đây một thân một mình mà thương anh ghê cơ. Nghe bà con họ kể chuyện anh địu cái vành xe ô tô về làm kẻng mà em cứ rủn cả người. Anh đúng là dở sấu, là ông tiên, ông thánh của iem đấy.
- Cũng là quen cả thôi. Gia hệ họ Đinh tôi mấy chục đời đều sống ở miền rừng xanh núi đỏ. Ông nội tôi hay có câu nói cửa miệng: Ta vốn sinh ra ở đất đồng rừng. Hổ, beo, ông nội tôi coi như con bê con bò.
- Khiếp!
- Thời ông cụ tổ ba đời nhà tôi có chuyện này mới ghê. Vì ốm lay ốm lắt mãi không khỏi, sợ phiền hà và lây bệnh cho con cháu, cụ bà họ tôi bấy giờ liền treo cổ tự vẫn. Đến với cái chết tự nguyện là quyền của người ta có phải không, Thúy?
- Anh nói nghe ghê ghê là.
- Trong giấy báo tử nộp cho lý trưởng, cụ ông tôi khai rằng: cụ bà mất vì cảm mạo đột ngột. Gớm thay thế thái nhân tình, tang ma cho cụ bà tôi đã chu tất mọi bề, thì có kẻ vốn có tư thù lợi dụng cơ hội xuyên tạc, bẩm báo với tri huyện họ Bạch, tên Hữu Ngoạn rằng cụ ông tôi đã bức tử và chính tay thắt cổ cụ bà tôi. Tri huyện họ Bạch, được sự đồng loã của lý trưởng họ Đào tên Hét, cũng vốn thù hận gia hệ tôi, đòi cụ tôi ra toà và buộc gia đình tôi phải quật mộ cụ bà lên để khám nghiệm.
- Thế kia á!
- Để nó đào mộ cụ bà thì vừa điếm nhục cho thanh danh và nhỡ nó phát hiện ra cụ bà tự tử thật thì lại ê chề về đạo lý. Giải quyết thế nào đây? Một đêm, giờ tí, trở dậy xem sao trời, nhận ra ở phía Nam tỉnh Tuyên có cụ bà trạc tuổi cụ bà tôi vừa mới mất vì ngã bệnh, cụ ông tôi liền khăn gói lên đường. Tìm đến nhà nọ, cụ ông tôi thuật lại đầu đuôi câu chuyện và xin được dùng thuật đổi “xác” để làm bẽ mặt bọn cường hào. May mắn nhà nọ cũng nung nấu thâm thù với tri huyện họ Bạch và lý trưởng họ Đào, nên bằng lòng ngay. Chỉ yêu cầu làm lễ dâng sao, giải hạn cho thật chu toàn. Hai ngày qua, mọi việc đã đâu vào đấy. Nghĩa là thi thể cụ bà người tỉnh Tuyên đã được bọc trong lá gồi đưa về rồi nằm trong cỗ áo và đặt xuống huyệt mộ của bà cụ tôi ở quê tôi. Ngược lại, nằm dưới nấm mộ bà cụ tỉnh Tuyên khi trước giờ đây là thi thể bà cụ dòng họ tôi. Kịp khi tri huyện họ Bạch và lý trưởng họ Đào xảo quyệt sai lũ công sai đến đào bới thì ôi thôi, còn đâu dấu vết gì nữa mà dựng điều vu khoát. Tẽn quá! Vừa phạm luật trời cuốc mả đào mộ người đã khuất lại vừa phạm tội ngậm máu phun người, nên về sau cả hai họ này đều bị sét đánh chết hết.
Thiêm không thể biết chuyện anh vừa kể sẽ từ miệng Thúy lọt sang tai ông Quốc Thanh. Ông phái viên nghe xong, chặc chặc lưỡi: “Bọn phong kiến tranh giành quyền lợi mưu đồ hại nhau mới khủng khiếp chưa!” Định kiến với Thiêm có thêm cơ sở để càng lúc càng nặng nề.
Nhưng đó là chuyện sau này.
Còn bây giờ, nghe Thiêm kể đoạn, Thúy nhìn anh thật yêu mến và tin cậy:
– Anh nói với hố pẩu, với ông Quốc Thanh đưa cả phân hiệu ở Bản Ngò về tập trung ở thôn Bãi Đá đi. Iem đảm bảo ngày hai buổi đưa dẫn các iem đi về. Nếu các iem ở lại tập trung, iem tự nguyện làm cấp dưỡng nấu ăn cho chúng. Iem là con gái, lại mới ra trường, còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Iem chỉ muốn được ở gần anh thôi, anh Thiêm.
Thiêm nói với hố pẩu chuyện nọ. Hố pẩu ngẫm ngợi một lát, rồi vuốt từng sợi râu, gật gù: Kể cũng ái ngại cho cô giáo thật. Bọn con trai ở Bản Ngò tính khí nó không thuần đâu. Để tôi bàn thêm với dưới đó sao cho hợp với thiên tính.
Thiêm gặp ông Quốc Thanh, nhưng vừa mới ngỏ ý, ông đã nổi trận lôi đình:
- Trước hết tôi nghiêm khắc cảnh cáo anh. Tại sao từ ngày có tổ chức lãnh đạo anh vẫn cứ thì thụt vào ra xin ý kiến cái lão già hố pẩu hố pủng ấy, anh định vượt mặt tôi hả, phương châm giáo dục huyện đề ra là trường học phải gần dân, anh có định chống lại thì cứ việc!
Thúy vẫn phải duy trì một lớp vỡ lòng cho trẻ con, một lớp thanh toán mù chữ cho người lớn ở Bản Ngò. Tuần hai lần Thúy lên Bãi Đá, lấy cớ là họp hội đồng nhà trường hay sinh hoạt nghiệp vụ. Thêm nữa thừa lúc ông Quốc Thanh đi công tác vắng là cô lại tót lên với Thiêm. Thiêm vẩy thêm một mái cỏ nhỏ cạnh gian ký túc xá dành cho các em nữ làm chỗ ăn nghỉ cho Thúy mỗi khi cô cần ở lại.
Tựu trung Thúy vẫn là một phụ nữ non dại và chân thành, cần một điểm tựa, khao khát một quan hệ tình cảm nồng hậu. Cô đã thầm yêu Thiêm, điều đó cô chẳng cần che giấu. Thiêm nhận ra điều đó cùng lúc phát hiện ở cô một đặc điểm tính cách khác: cô dồi dào bản năng, nhiều lúc xuất thần một khiếu năng đặc biệt, tinh quái, đáo để trong xét đoán và có khả năng thông hội với một cơ cấu siêu hình nào đó ở bên ngoài.
Cô bảo Thiêm là bậc thánh, nhưng đường vợ con nhiều trắc trở. Còn ông Quốc Thanh, cô nói, lão mệnh hoả, vừa hèn vừa đểu nhưng đường quan lộ thênh thang rộng. Đó là vì hung tinh đắc địa.
Đôi lúc nghe Thúy nói, Thiêm ngẩn người rồi vội khoả lấp để bác bỏ vì sợ hãi: “Thôi đi bà đồng ơi, bà định bỏ nghề dạy học đấy chắc!”
Sau khi đã có chi bộ, ông Quốc Thanh thành lập Uỷ ban xã. Cũng theo cách Thiêm làm, nhưng không bàn bạc, mở hội ăn ước, ông bổ đầu mỗi lao động hai mươi cây trúc đưa ra chợ Xin Ma Chải bán, lấy tiền góp quỹ, rồi thuê cánh thợ mộc có thêm gã sơn tràng chột, dựng ba gian trụ sở ở Bãi Đá, cách trường học khoảng hai trăm mét.
Ông lập văn phòng riêng. Ông không ăn ở với Thiêm nữa. Hàng ngày giúp việc cơm nước cho ông, cho Lở chủ tịch, Chẩn xã đội trưởng, Sùng chủ nhiệm hợp tác xã, có cô Seo Mùa, vợ Tếnh, con dâu hố pẩu. Ông dồn sức tập trung vạch ra chương trình mười hai điểm gồm toàn những khẩu hiệu kêu choang choang như chuông đồng, trong đó trọng tâm là xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và bảo vệ trị an. Bận lu bu, nhưng ông vẫn có hai con mắt sau gáy để theo dõi Thiêm.
Cuối cùng, ông viết giấy gọi Thiêm lên trụ sở Uỷ ban.
Đó là một ngày nắng hanh.
Lâu lắm rồi hai người mới ngồi đối diện nhau và cảm giác xa lạ với ông khiến Thiêm giật thột mình và buồn thỉu ngay từ phút đầu. Không còn là cái ông Quốc Thanh vừa ngô ngọng vừa hãnh tiến và còn có chỗ còn thể tất được như hồi nào. Diện mạo ông cũng khác lạ. Ông xọp xẹp, xương xẩu. Tóc rụng nhiều. Phần trên trán chỉ còn lơ thơ ít sợi. Ông thở ra mùi rượu. Trên mặt ông, những nét gian giảo, hung tợn và quyết đoán tàn bạo trước kia mập mờ nay được tô điểm, phát lộ ra hết. Răng ông nhe nhe như khi nhai, môi ông vén cao, loe loe, trông thật bẩn. Một mắt nhìn trời, một mắt nhìn đất, ông trợn trạo rồi dồn dập đằn hắt:
- Anh Thiêm, tôi không dùng quyền lực để bó buộc anh đâu, tôi chỉ lấy tư cách một nhà cách mạng chuyên nghiệp để khuyên anh thôi, hãy buông nhau ra, hãy cách ly nhau đi, bọn thổ phỉ, thằng địch còn đang lăm le trở lại đất này, đấu tranh giai cấp còn gay go, đồng chí Đường Xuân Ân nói: người cách mạng mở mắt ra là phải đấu tranh giai cấp rồi, hãy buông nhau ra, xin anh nhớ cho rằng biết bao sự nghiệp của thằng đàn ông đã chết chìm chết ngập trong cái l. của con đàn bà rồi đấy anh ạ.
Thiêm không một lời đáp.
Thiêm chưa đủ dữ kiện để nghĩ được rằng, kẻ đang lớn tiếng rao giảng đạo đức cho anh lại là một con đực đang nổi máu ghen, nó là một kẻ hạ tiện háo dục, trác truỵ.
Thúy khóc thút thít.
Thiêm nói: “Thôi, hãy tạm thế này. Mỗi tuần, Thúy lên Bãi Đá một ngày thứ năm. Còn thứ ba thứ bẩy, tôi xuống dưới đó cùng Thúy soạn bài, thăm cha mẹ học sinh, giải quyết các vấn đề mới nẩy sinh.” Thúy phụng phịu: “Cách ngày mới gặp nhau một lần, lâu quá. Ngộ nhỡ iem có việc gì khẩn cấp cần gặp anh thì làm thế nào?”
Một hôm, trời trong vắt, đứng ở sân trường nhìn xuống Bản Ngò như mọi lần, thấy cây cột cờ nơi sân trường nhỏ ti như cái thân trúc nổi trên thảm cỏ xanh, như phát hiện ra một điều vô cùng lý thú, Thiêm liền đấm vào lòng bàn tay, tủm tỉm cười: “Có thế mà nghĩ không ra!”
Hôm sau, Thiêm bảo Thúy: “Điện thoại không có, nhưng ta vẫn có cách thông báo cho nhau được. Đố Thúy biết là cách gì?” Thúy ngẩn ngơ. Thiêm đập tay vào ngực: “Sáng kiến của tôi đấy nhé. Thế này, ở trên đây, khi cần kíp mời Thúy lên, tôi sẽ gõ kẻng ba tiếng một. Được chưa? Còn ở dưới đó, có việc kíp, cần gọi tôi, Thúy buộc cái áo trắng vào dây kéo lên ngọn cột cờ. Coi đó là tín hiệu thông báo. Ở trên này, tôi sẽ trông thấy, tôi sẽ ba chân bốn cẳng xuống ngay!”
Thúy, còn hơn hôm Thiêm cải tên cho mình, chồm lên bá cổ Thiêm, mừng rỡ líu cả lưỡi: “Sao anh tài thế, anh Thiêm!”
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn