Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ào ngày Chủ nhật, Giác Tân vẫn đến Tây Tứ Xuyên Thương Cuộc như thường lệ. Công ty của chàng không nghỉ ngày Chủ nhật.
Chàng vừa ngồi xuống và uống vài ngụm trà thì Giác Dân và Giác Tuệ cũng tới. Họ tới thăm chàng tại văn phòng hầu như mỗi ngày Chủ nhật. Và cũng theo thói quen, họ mang cho chàng vài số báo mới.
Công ty Giác Tân đang làm việc có nhiều nghiệp vụ khác nhau. Ngoài các cửa tiệm cho thuê trong khu thương xá do công ty làm chủ, công ty còn điều hành một nhà máy điện nhỏ, cung cấp điện cho người thuê và những cửa tiệm trong khu vực. Cái khu thương xá này rất rộng, và có đủ các dịch vụ buôn bán, gồm có văn phòng giám đốc của công ty Tây Tứ Xuyên Thương Cuộc. Gần cửa sau về phía trái, là một tiệm sách đặc biệt phát hành báo chí mới. Vì vị trí gần, tiệm sách này trở nên một nơi quen thuộc cho ba anh em nhà họ Cao.
Giác Dân nói với anh, "Lần này chỉ có vài số Sóng Mới. Ðây là những số cuối cùng còn lại, và em lượm hết. Một vài phút sau sẽ không còn một số. Chúng ta sẽ phải chờ đợi hàng năm trước khi có được một tờ nữa!" trong khi Giác Tuệ ngồi ngả người vào chiếc ghế tre bên cạnh cửa sổ của văn phòng Giác Tân, trang trọng cầm một tờ tạp chí với bìa trắng in chữ màu đỏ. Chàng mỉm cười mãn nguyện.
Giác Tân ngẩng đầu lên từ cuốn sổ kế toán. "Anh đã dặn người chủ tiệm sách - dù thế nào cũng phải giữ cho chúng ta một bản của bất cứ báo nào mới tới."
Giác Tuệ hăng hái giải thích, "Dặn trước cũng không đủ. Có quá nhiều người muốn có báo mới, đặc biệt là những người mua dài hạn. Tiệm sách chỉ nhận được mỗi lần ba chồng báo. Chỉ trong vòng dưới ba ngày là báo hết sạch." Chàng trở lại một bài bình luận và hứng thú đọc.
"Sẽ còn nhiều báo nữa. Chủ tiệm sách không cho biết là báo đang tới nữa hay sao? Ba chồng báo này được gửi theo cách giao hàng đặc biệt." Giác Tân vừa ngồi xuống lại vội đứng dậy, bước lại bàn giấy và cầm lên một số Thanh Niên Trung Hoa. Chàng ngồi xuống bên cạnh tường về phía tay mặt. Chiếc ghế của chàng là một trong ba chiếc ghế trong văn phòng, xen kẽ bằng những bàn trà. Giác Dân chọn chiếc ghế gần cửa sổ nhất; giữa chàng và cửa sổ là chiếc ghế của Giác Tân.
Không người nào lên tiếng. Ngoại trừ tiếng lách cách của bàn toán của Giác Tân, tất cả đều yên lặng. Những tia nắng ấm của mặt trời mùa đông, bị những tấm màn cửa màu xanh lợt gạn lọc bớt, chiếu xiên vào phòng như những cái bóng mờ. Tiếng giầy da vang lên trên lối đi lát xi măng bên ngoài, vang to hơn những tiếng động khác trong khu thương xá. Tiếng giầy da ấy bỗng lại gần hơn, bước lên những bậc bằng đá, và bước qua cửa của công ty. Một giây lát sau, màn cửa văn phòng Giác Tân vén lên, và một thanh niên cao và gầy bước vào. Ba anh em nhìn lên, và Giác Tân mỉm cười chào mừng.
"A, Kiến Vân."
Sau khi chào ba anh em từng ngưòi, Trần Kiến Vân cầm lên một tờ báo địa phương, rồi đặt tờ báo lên bàn và hỏi:
"Khi nào trường các anh khai giảng khóa mùa đông?"
"Lớp học chấm dứt rồi. Tuần tới là kỳ thi." Giác Dân trả lời vắn tắt, bằng một giọng hơi lạnh lùng. Chàng tiếp tục đọc tờ Nước Trung Hoa Trẻ.
Kiến Vân tiếp tục, "Tôi nghe nói Hội Học Sinh sẽ trình diễn một vở kịch tại rạp hát Vạn Xuân hôm nay để lấy tiền giúp chương trình học miễn phí cho người nghèo."
Thực ra Giác Dân rất ít hoạt động cho hội Học Sinh. Chàng đi học mỗi ngày, và sau lớp học chàng về nhà. Lý do duy nhất chàng đóng vai Bác sĩ Livesey trong vở kịch Ðảo Kho Tàng của nhà trường trong Ðại Hội Mùa Xuân là vì giáo sư Anh văn của chàng chọn chàng đóng vai ấy.
Kiến Vân hỏi thêm, "Các anh không đi xem hay sao? Họ nói họ diễn vở Khi Người Con Gái Lấy Chồng và Bông Lan Lạ của Hồ Thích. Những vở ấy chắc hay lắm."
Giác Dân trả lời, lần này chàng không ngẩng lên. "Tại xa quá. Dẫu sao chúng tôi đang sửa soạn cho kỳ thi, không có thời giờ nghĩ đến kịch."
Giác Tân xen vào, tuy vẫn điều khiển chiếc bàn toán. "Tôi muốn đi xem. Ðó là những vở kịch hay. Tiếc là tôi không có thời giờ."
Giác Tuệ cười, "Ðã quá trễ rồi, dù anh muốn đi xem. Kịch đã bắt đầu rồi." Chàng gập tờ tạp chí lại và đặt lên đầu gối."
Kiến Vân lặng lẽ vùi đầu vào tờ báo cầm lên từ bàn trà, và lật từng trang một.
Giác Tân hỏi bằng giọng thân thiện. "Anh vẫn dạy kèm cho con cái nhà họ Vương đấy chứ? Tại sao lâu lắm rồi chúng tôi mới gặp lại anh?" Chàng đã tính toán xong sổ sách và nhận thấy cử chỉ vụng về của Kiến Vân. "Sức khoẻ của anh hồi này khá không?"
"Tôi bị cảm mất vài ngày. Ðó là lý do tại sao tôi không đến chơi. Bây giờ tôi bình thường rồi. Phải, tôi vẫn dạy kèm các con nhà họ Vương, và tôi vẫn thường gặp cô Ngọc Cầm."
Dù nói chuyện trực tiếp với Ngọc Cầm hay nói về nàng, Kiến Vân bao giờ cũng trịnh trọng gọi Ngọc Cầm là Cô Ngọc Cầm. Chàng có họ xa với nhà họ Cao; chàng kém Giác Tân vài tháng, nên gọi Giác Tân bằng "Ðại ca", như mấy người em của Giác Tân. Cha mẹ chàng chết hồi chàng còn nhỏ, và được một ông chú đem về nuôi. Sau khi tốt nghiệp trung học, chàng không có tiền vào đại học. Công việc duy nhất chàng tìm được là dạy kèm tư gia, dạy Anh văn và toán cho con cái nhà họ Vương. Họ Vương là bà con của bà Trương, mẹ của Ngọc Cầm, và hai gia đình sống trong một khu dinh cơ chung. Do đó Kiến Vân thường gặp Ngọc Cầm.
Giác Tân bày tỏ cảm tình. "Anh xanh quá và gầy hơn trước. Anh lúc nào cũng mảnh mai yếu đuối. Anh phải bảo trọng sức khoẻ hơn nữa."
Kiến Vân trả lời, cảm động vì thái độ của Giác Tân. "Ðại ca, anh nói đúng. Tôi cũng biết điều ấy lắm."
"Vậy sao lúc nào anh cũng có vẻ chán nản thế?"
Kiến Vân cười một cách miễn cưỡng. "Nhiều người cũng hỏi tôi thế. Tôi không biết tại sao. Có lẽ tại tôi mảnh khảnh, hoặc tại vì tôi mất cha mẹ quá sớm." Giọng Kiến Vân run rẩy như thể chàng sắp khóc, nhưng mắt chàng không có nước mắt.
Giác Dân ngẩng lên và nói một cách tàn nhẫn, "Nếu anh mảnh khảnh thì anh phải tập thể dục. Chỉ làm việc lau nhà không đủ đâu." Trước khi những lời nói tuôn ra miệng chàng, người ta nghe thấy tiếng bước chân bên ngoài, và một giọng nói con gái vang lên:
"Giác Tân!"
"Cô Ngọc Cầm." Giọng của Kiến Vân bỗng tươi tỉnh hẳn lên, và giọng nói khẽ của chàng có vẻ hạnh phúc.
Giác Tân đúng dậy và vui mừng gọi lại, "Xin mời vào."
Màn cửa được kéo rộng ra và Ngọc Cầm bước vào, theo sau là mẹ nàng và người đầy tớ Trương Thành. Thấy chủ đã tới nơi an toàn, Trương Thành lập tức lui ra.
Ngọc Cầm mặc một chiếc áo bông bọc lụa xanh nhạt và một chiếc váy xanh đậm. Trên mặt nàng thoáng một vết đánh phấn; một lọn tóc uốn cong mỗi bên tai làm đẹp khuôn mặt trái soan của nàng. Bên dưới những lọn tóc gọn ghẽ trên trán là hai hàng lông mày cong trên một đôi mắt to, ở hai bên một sống mũi rất đẹp. Những con mắt ấy thì đặc biệt trong xanh và sâu thẳm, óng ánh sự ấm áp không những chỉ thêm phần rực rỡ cho khuôn mặt hoạt bát và hứng khởi của nàng, mà còn thắp sáng căn phòng ngay lúc nàng bước vào. Nàng lôi cuốn sự chú ý của mọi người trong văn phòng Giác Tân, khi nàng và bà mẹ tươi cười chào hỏi họ.
Giác Dân và Kiến Vân vội vàng nhường chỗ cho hai người phụ nữ, rồi ngồi xuống những chỗ xa cửa sổ. Giác Tân sai người pha trà.
Sau vài phút nói chuyện thường, bà Trương nói, "Cô nghe nói tiệm Tân Phát Ðường có nhiều hàng quần áo mới. Cô không biết họ có hàng tốt để mua không."
Giác Tân trả lời ngay, "Lúc này họ có nhiều mặt hàng lắm, nhất là lụa. Con đã xem rồi."
"Cháu đi với cô đến đó được không?"
Giác Tân vui vẻ nói, "Ðược ạ, cháu rất muốn đi theo cô. Ngay bây giờ được không?"
Bà Trương hài lòng lắm. "Cháu không bận thì tốt lắm." Bà đứng dậy và nhìn Ngọc Cầm dò hỏi.
Ngọc Cầm mỉm cười nói, "Mẹ, con chờ mẹ tại đây." Nàng cũng đứng dậy và bước lại bàn giấy. Giác Tân cũng đã đứng dậy.
Giác Tân nâng màn cửa cho bà Trương. "Mẹ sẽ về ngay." Bà Trương nói và bước qua ngưỡng cửa. Giác Tân đi theo bà.
"Anh đọc cái gì vậy?" Ngọc Cầm hỏi, quan sát tờ tạp chí trong tay Giác Tuệ.
Giác Tuệ nhìn nàng và trả lời bằng một giọng vui vẻ. "Sóng Mới - một tờ báo mới." Chàng ôm tờ báo bằng hai tay một cách trìu mến.
Ngọc Cầm cười. "Ðừng cầm báo như thế. Em không lấy của anh đâu."
Giác Dân cũng cười. "Anh có một số Tân Trung Hoa đây. Ngọc Cầm, em có muốn đọc không?"
Giác Tuệ vội vàng ngồi dậy và đưa tờ báo cho người con gái. "Ngọc Cầm lấy đi, cầm lấy đi. Anh không muốn bị nói anh cất giấu những tạp chí mới."
Ngọc Cầm lắc đầu. "Sau khi các anh đọc xong, em sẽ mang về nhà để lúc nào rảnh thì đọc."
Ngả người trên chiếc ghế, Giác Tuệ tiếp tục đọc. Một lát sau chàng hứng khởi hỏi, "Ngọc Cầm, em có thành công không? Hôm nay em có vẻ sung sướng lắm. Mẹ em đã bằng lòng chưa?"
"Chưa đâu. Em không biết em sung sướng vì cái gì. Nhưng dù mẹ có đồng ý hay không, em có thể làm quyết định riêng. Em là người, cũng như các anh vậy." Nàng ngồi xuống trong cái ghế của Giác Tân, và lười biếng lật cuốn sổ kế toán của chàng trên bàn giấy.
Giác Dân kêu lên, "Hoan hô, nói hay lắm. Nói như một phụ nữ mới vậy."
Ngọc Cầm mỉm cười, "Ðừng chế nhạo em." Rồi mắt nàng chìm xuống và nói bằng một giọng khác hẳn. "Em có một tin tức đặc biệt cho anh. Cô của anh, dì Tiết đã trở về."
Ðó quả thực là một tin tức đặc biệt. Thái độ của mọi người thay đổi ngay lập tức.
Giác Tuệ ngồi hẳn dậy và lo lắng hỏi, "Thế còn em Lệ Mai thì sao? Cô ta có cùng về không?"
"Có, chồng của Lệ Mai chết một năm sau ngày cưới. Bây giờ chị ấy là một goá phụ. Mẹ chồng cũ đối xử không tốt với chị ấy, vì thế chị ấy bỏ về nhà mẹ. Bây giờ cả hai người đều có mặt tại Thành Ðô."
"Tại sao em biết nhiều chi tiết thế?" Giác Dân hỏi, hai mắt ngạc nhiên nhìn Ngọc Cầm qua chiếc kiếng gọng vàng.
Ngọc Cầm thong thả trả lời, "Chị ấy đến nhà thăm em ngày hôm qua."
Giác Dân hỏi, "Cô ấy tới nhà em ư? Cô ấy vẫn như cũ chứ?"
"Chị ấy trông hơi gầy yếu, nhưng không gầy quá đâu. Có lẽ gầy hơn trước một chút. Chính nhờ đôi mắt trong sáng của chị ấy mà anh có thể nhìn thấy chị ấy đã phải trải qua quá nhiều. Nhưng em không dám hỏi nhiều. Em sợ gợi lại những kỷ niệm cũ. Chị ấy chỉ nói về cái thị trấn nơi chị ấy sống - những người ở đó, và cảnh vật thị trấn ấy như thế nào - và đôi chút về chị ấy. Nhưng chị ấy không hề nhắc đến Giác Tân và nhà họ Cao."
Giọng của Ngọc Cầm trở nên rất buồn bã. Rồi bằng một giọng khác, nàng bỗng hỏi Giác Dân, "Ðại ca nghĩ thế nào về chị ấy?"
Giác Dân thành thực trả lời, "Từ lâu dường như anh ấy quên cô ấy rồi. Anh không bao giờ nghe thấy Ðại ca nhắc đến tên cô ấy. Ðại ca rất hạnh phúc với Ðại tẩu rồi."
Ngọc Cầm khẽ lắc đầu. Nàng nói bằng một giọng thương tâm. "Nhưng Lệ Mai chắc chắn không dễ dàng quên Ðại ca đâu. Em có thể nói từ hai mắt chị ấy thì chị ấy vẫn còn nghĩ đến Ðại ca... Mẹ em nói em không nên cho Ðại ca biết Lệ Mai trở về đây."
Giác Tuệ nói, "Chuyện đó không sao đâu. Dẫu sao cô Tiết và Lệ Mai sẽ không lại nhà anh đâu, vì thế Lệ Mai và Giác Tân sẽ không gặp nhau. Ðại ca đã quên chuyện tình ấy rồi. Tất cả đều thay đổi sau một vài năm. Có gì đâu mà lo ngại?"
Giác Dân nói, "Anh đồng ý tốt hơn là không cho anh ấy biết. Nếu anh ấy đã quên rồi thì đừng nên có gì nhắc nhở anh ấy nhớ lại. Và ai có thể bảo đảm anh ấy đã thực sự quên Lệ Mai?"
Ngọc Cầm gật đầu. "Phải rồi. Tốt hơn là không cho anh ấy biết."
Trong góc phòng, Kiến Vân ngồi thụt xuống, sự phấn đấu và nỗi đau khổ của chàng phản ảnh lên mặt chàng. Môi chàng động đậy vài lần như thể chàng muốn nói gì, nhưng không một âm thanh nào phát ra. Ðôi mắt chàng dán chặt vào mặt Ngọc Cầm trong lúc chàng nghe nàng nói. Ngọc Cầm không nhìn về phía chàng. Thỉnh thoảng chàng nhìn Giác Dân và Giác Tuệ một cách khâm phục, nhưng hai người không để ý đến chàng. Rất xúc động vì những gì Ngọc Cầm nói - và cũng như vì một lý do riêng - chàng khẽ thở dài, và nói:
"Nếu Ðại ca có thể lấy được cô Lệ Mai thì thật là một cặp xứng đôi vừa lứa."
Ngọc Cầm liếc nhìn chàng một cách đầm ấm rồi quay mặt đi chỗ khác. Kiến Vân trân quý cái nhìn ngắn ngủi ấy giống như một ân huệ. Chàng rất tán thưởng câu trả lời của nàng:
"Ðấy là tất cả những gì chúng tôi cảm thấy."
Giác Tuệ giận dữ nói, "Tôi không biết ai là người khuấy động sự rắc rối giữa kế mẫu tôi và cô Tiết, nhưng họ đã làm tan nát vĩnh viễn hạnh phúc của Lệ Mai và Ðại ca."
Ngọc Cầm nói bằng giọng tiếc thương, "Anh không biết ư? Em biết. Mẹ em kể cho em nghe tất cả câu chuyện. Ngay Ðại ca cũng không biết chuyện ấy. Ba anh đã nhờ bà mối hỏi Lệ Mai cho Ðại ca và dì Tiết cũng đồng ý. Nhưng lúc dì ấy đi hỏi thày bói; thày bói nói số hai người không hợp nhau và không thể lấy nhau được. Nếu hai người cứ lấy nhau, Lệ Mai sẽ chết sớm. Vì thế dì Tiết từ chối lời cầu hôn. Nhưng cũng còn một lý do nữa. Dì Tiết và kế mẫu của anh một lần giận nhau vì một bàn mà chược. Dì Tiết cảm thấy bị xúc phạm và dùng lời từ chối hôn nhân như là một hình thức trả thù. Kế mẫu của anh rất thích Lệ Mai - và cả gia đình anh cũng vậy, vì vấn đề đó - dì Tiết rút lui khi vụ mai mối bỏ dở. Sau này, khi Ðại ca hứa hôn với người con gái nhà họ Lý, dì Tiết cũng khó chịu nữa. Sự liên lạc giữa hai bà mẹ trở nên tệ hơn. Cuối cùng hai người không gặp nhau nữa."
Giác Dân ngạc nhiên, "Như vậy là câu chuyện như thế đấy! Tụi anh không biết gì cả. Tụi anh không biết hôn nhân của hai người đã được đề nghị. Thực ra tụi anh trách ba anh và kế mẫu đã không quan tâm tới trái tim của Ðại ca, và không quan tâm đến hạnh phúc của anh ấy. Cuối cùng không phải lỗi của ba anh và kế mẫu."
Giác Tuệ nóng nảy kêu lên, "Ðúng rồi. Tất cả chúng ta đều muốn Ðại ca kết hôn với Lệ Mai. Khi tụi anh nghe nghe thấy vụ hứa hôn với nhà họ Lý, tụi anh cảm thấy Lệ Mai bị đối xử quá tàn tệ. Tụi anh nghĩ Ðại ca nên phản kháng lại. Trái lại anh ấy đầu hàng chấp nhận, như một tên khùng. Sau đó Lệ Mai không đến nhà chơi nữa. Rồi ít lâu sau đó, Lệ Mai rời Thành Ðô. Khi Ðại ca kết hôn với Ðại tẩu, tụi anh rất buồn tiếc cho Lệ Mai và bí mật trách anh ấy. Thực là buồn cười khi em tới và nhắc đến chuyện này. Tụi anh có vẻ khó chịu việc này hơn Ðại ca... Lúc ấy tụi anh nghĩ Ðại ca và Lệ Mai sinh ra là để cho nhau." Giác Tuệ mỉm cười, mặc dù chàng không vui.
Giác Dân góp ý, "Anh sợ rằng chúng ta không thể nói họ thực sự yêu nhau. Chỉ là hai người cùng tuổi và tính tình thích hợp với nhau. Ðó là lý do tại sao Ðại ca không đau khổ khi hai người xa nhau."
Giác Tuệ nói, "Anh không hiểu! Cùng tuổi nhau và tính tình hoà hợp nhau! Anh còn muốn gì hơn nữa?"
Mọi người đều thở dài, kể cả Kiến Vân.
Giác Dân giật mình hỏi, "Anh làm sao thế, Kiến Vân?"
Kiến Vân không trả lời. Như thể chàng không nghe thấy câu hỏi.
Giác Tuệ cười nói, "Anh ấy bao giờ cũng thế."
Kiến Vân bỗng nhận thấy ba cặp mắt đang đổ dồn nhìn chàng, và chàng cúi đầu xuống. Nhưng chàng ngẩng lên ngay và nhút nhát nhìn Ngọc Cầm với một cái nhìn thương tiếc. Khi Ngọc Cầm không tránh mắt nhìn của chàng, chàng lại cúi xuống. Lắc đầu, chàng nhẹ nhàng nói:
"Các bạn không hiểu Ðại ca đâu, các bạn quả thực không hiểu đâu. Ðại ca không bao giờ quên cô em họ Lệ Mai. Tôi đã nhìn thấy điều đó từ lâu rồi. Anh ấy bao giờ cũng nghĩ đến Lệ Mai."
Giác Dân nghĩ Kiến Vân đang bóp méo sự thật. "Vậy thì tại sao chúng tôi không thấy một dấu hiệu gì? Anh ấy không bao giờ nhắc đến tên Lệ Mai. Theo anh, thì người ta càng yêu trong tim bao nhiêu thì bề ngoài đối với mọi người phải nên tỏ ra lạnh lùng, phải không?"
Kiến Vân giải thích, "Phải. Ðây không phải là vấn đề nên hay không nên. Trong những trường hợp thế này, đôi khi nhân vật chính không biết cái mình cảm thấy."
Giác Tuệ cương quyết nói, "Tôi không tin điều ấy!"
Ngọc Cầm cũng hăng hái nói, "Tôi cũng không tin. Tôi không nghĩ có hoàn cảnh như thế. Tình yêu đẹp đẽ và chính đáng; không có gì phải giấu diếm. Nếu trái tim người đàn ông thực sự nồng nhiệt, làm thế nào người ấy có thể giữ được bề ngoài lạnh lùng, không quan tâm?"
Kiến Vân mặt trắng bệch như bị một cú đánh quá mạnh. Ðôi môi chàng run rẩy, và mắt chàng như không còn ánh sáng, ngơ ngẩn nhìn bức tường. Chàng cúi đầu xuống và giữ im lặng.
Nhìn qua những cuốn sách mới trên bàn giấy, Ngọc Cầm không nhận thấy sự thay đổi vẻ mặt của Kiến Vân. Hai anh em nhà họ Cao cũng mải nhìn Ngọc Cầm và không để ý. Nhưng cuối cùng Ngọc Cầm nhận ra.
Nàng ngạc nhiên kêu to và đứng lên, "Ông Trần, có chuyện gì thế?"
Người Kiến Vân quặn lại, và chàng quay lại nhìn Ngọc Cầm với một vẻ mặt nghi ngờ. Rồi chàng mỉm cười và mắt chàng lại tươi lên, nhưng là thứ ánh sáng buồn bã thường lệ. Ngay sau đó nụ cười tắt đi, và nét u tối mau lẹ bao phủ mặt chàng, như thể chàng chưa bao giờ mỉm cười.
Hai anh em và Ngọc Cầm cùng nhìn mặt Kiến Vân, quan sát sự xúc cảm của Kiến Vân, nhưng không thể tưởng tượng được nguyên nhân của xúc cảm ấy.
"Không có gì, không có gì cả," Kiến Vân trả lời bằng một giọng nói đau đớn. Rồi một nụ cười ngay lập tức trở lại mặt chàng. "Tôi đang nghĩ một chuyện khác. Một điều tôi chưa nghĩ ra được."
Ngọc Cầm vui vẻ hỏi chàng, "Anh có thể cho chúng tôi biết chuyện gì không - cái chuyện mà anh chưa nghĩ ra được ấy?"
Kiến Vân có vẻ khó chịu. Mắt chàng nhìn khuôn mặt xinh đẹp của Ngọc Cầm, chàng không thể nói được một lời. Mặt đỏ bừng, cuối cùng chàng lắp bắp, "Chính tôi cũng không biết. Trí óc tôi quá yếu. Ðôi khi tôi không biết tôi đang nghĩ gì." Chàng mỉm một nụ cười xa xôi.
Ngọc Cầm mỉm cười, "Ông Trần ơi, tại sao quá khiêm tốn vậy? Chúng ta đâu phải là người xa lạ."
"Ðây không phải là khiêm tốn. Tôi thực tình vô dụng. So sánh với mấy bạn, tôi cách xa đằng sau cả dậm đường. Tôi không xứng đáng nhập bọn với các bạn nữa." Mặt Kiến Vân đỏ bừng, không phải vì bối rối mà vì những lời nói hăng hái của chàng. Chàng nói với một cố gắng đặc biệt, sợ rằng lời nói của chàng không thể tin được.
Ngọc Cầm yêu cầu. "Ðừng nói như thế. Chúng tôi không muốn nghe. Hãy nói chuyện khác đi." Giọng của nàng vẫn còn thân thiện, bởi vì nàng biết Kiến Vân hơi kỳ lạ và giải thích thế nào cũng không có kết quả.
Giác Dân không nói gì. Chàng còn mải ngắm Ngọc Cầm, thỉnh thoảng liếc nhìn Kiến Vân. Lắng nghe cuộc đối thoại của hai người, chàng thỉnh thoảng mỉm cười thoả mãn.
Giác Tuệ không để ý đến những gì người khác đang nói, mà chỉ gục đầu vào tờ Sóng Mới.
Vẻ mặt của Kiến Vân thay đổi luôn. Thực khó đoán chàng đang nghĩ gì. Cái chữ "chúng tôi" của Ngọc Cầm làm chàng đau lòng. Chàng tự nhắc vài lần, nhưng bằng một giọng khẽ đến ngay Ngọc Cầm cũng không nghe thấy.
"Ðược rồi, tôi sẽ không nói thêm nữa. Tôi phải đi đây. Tôi có việc phải làm." Kiến Vân đứng bật dậy và bước ra cửa.
Ngọc Cầm ngạc nhiên nhìn chàng, nhưng không nói gì. Chính Giác Dân phải lên tiếng:
"Tại sao không ở lại một lát nữa. Nói chuyện gẫu với nhau thế này tốt lắm. Ðại ca sắp về rồi."
"Cám ơn nhiều lắm, nhưng tôi phải đi," Kiến Vân quả quyết nói, sau một lúc do dự. Chàng gật đầu chào mọi người và bước ra.
Ngọc Cầm nghi ngờ hỏi, "Anh ta phải làm gì?"
Câu trả lời của Giác Dân rất ngắn. "Chỉ có trời mới biết được."
"Nhất định có cái gì làm anh ta bối rối. Nếu không thì tại sao anh ta trở nên kỳ lạ như vậy? Trước đây anh ta không như thế."
Giác Dân trả lời, "Phải, anh ta mỗi lúc một kỳ quái hơn. Anh không biết cái gì làm phiền anh ta. Có lẽ vì anh ta nghèo, anh ta lúc nào cũng khó chịu; chuyện ấy làm anh ta trở nên kỳ cục."
"Em muốn tử tế hơn với anh ta, nhưng mỗi khi gặp anh ta, anh ta khép lại như một con ốc - như thể anh ta đang giấu diếm một bí mật mà anh ta sợ người khác khám phá được." Ngọc Cầm nồng nhiệt nói, hầu như lý luận. Khi không thấy ai trả lời, nàng tiếp tục, "Làm sao các anh có thể thân với một người như thế? Ðôi khi, khi chúng ta gặp nhau, anh ta nói chuyện chỉ giới hạn vào những chuyện tầm phào. Ngay cái lúc chúng ta định bàn một chuyện gì nghiêm trọng với anh ta, thì anh ta cố gắng thay đổi đề tài, như thể sợ hãi cái gì."
Giác Dân nói một cách chế nhạo, "Có lẽ anh ta có một bí mật gì trong tim. Không may cho anh ta là anh ta sống không đúng thời." Rồi chàng ngạc nhiên nói thêm, "Tuy thế đôi khi anh ta cũng đọc sách mới."
Giác Tuệ gập tờ tạp chí lại và buông xuống đầu gối. "Thôi hãy quên Kiến Vân đi! Thế giới này đầy rẫy những người như anh ta. Chúng ta có thể lo cho tất cả mọi người được không?"
Căn phòng yên tĩnh trong giây lát. Một khuôn mặt thò vào, nhìn quanh rồi rút lui và lẩm bẩm. "ồ, Cao Thiếu gia đi ra ngoài rồi."
Ngọc Cầm bỗng nhiên hỏi Giác Dân. "Em đã quyết định thi tuyển vào trường của anh rồi. Em đang cố luyện tập bài vở. Anh có thể giúp em ôn lại môn Anh văn không?"
Giác Dân sung sướng kêu lên. "Dĩ nhiên rồi, sao lại hỏi thế. Nhưng vào lúc nào?"
"Cái đó tùy anh. Dĩ nhiên là vào buổi tối. Cả hai chúng ta đều có lớp ban ngày... Em không nghĩ chúng ta phải đợi đến lúc trường khai giảng vào niên học tới. Chúng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ."
"Ðược rồi. Anh sẽ đến thăm em và chúng ta có thể bàn bạc chuyện này. Kìa, hai người đã trở về rồi." Giác Dân nghe thấy giọng nói của Giác Tân và bà Trương bên ngoài.
Và quả thực Giác Tân vén màn cửa lên cho bà Trương bước vào trước, rồi chàng theo sau, cuối cùng là Trương Thành, vai vác một bó hàng.
"Thôi đi về, Ngọc Cầm. Trễ rồi." Bà Trương vừa ngồi xuống và nhấp vài ngụm trà khi bà ra lệnh cho con gái. Bà nói với Trương Thành đang ở trong phòng, "Hãy gọi hai chiếc kiệu và sửa soạn mọi chuyện sẵn sàng."
Trương Thành vâng lời đi ra. Vài phút sau Ngọc Cầm và bà mẹ ra về. Giác Tân tiễn tới cửa văn phòng. Rồi hai người em của chàng đi theo mẹ con Ngọc Cầm tới cổng thương xá, và biết chắc hai người đã ngồi an toàn trên kiệu.
Dòng Thác Cuốn Dòng Thác Cuốn - Nguyễn Vạn Lý Dòng Thác Cuốn