We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
iếng ve bắt đầu rung lên, nền trời gay gắt rồi đổ oi bức xuống những cánh rừng, đám học trò cũng chia tay nhau về quê nghỉ hè. Giữa những ngày này thì bà cụ Vuông bị ốm nặng. Cái Dần bảo với đám thằng Hữu:
- Bà ốm thế này bọn mình phải chia nhau ra để đi nghỉ hè thôi. Các bạn cứ về quê trước, tớ ở đây bao giờ bà khỏe sẽ về sau.
Nghe bọn trẻ thì thầm bảo nhau, bà cụ cố ngóc đầu dậy, giọng bà ân cần:
- Có mấy ngày hè, các cháu cứ về quê nghỉ cho thoải mái. Bà mệt dông dài rồi lại khỏi ngay thôi mà. Các cháu cứ về cho bố bầm mừng. Các cháu đi học xa, mỗi năm chỉ có ba tháng hè, các cháu cứ về cho bố bầm khỏi mong. Bà ốm cũng vẫn có làng xóm mà, bà còn có chị Nhành cùng ngõ đây lo gì!...
Bà cụ cố gượng giấu tiếng thở để an lòng đám trẻ rồi bà gượng ghẹ khẽ nằm xuống giường. Mấy đứa bần thần nhìn bà. Thằng Tùng lại láu táu:
`- Không được đâu, nom bà yếu lắm, bọn mình về quê cả bà buồn lại bệnh thêm đấy. Theo tao thì cái Dần và thằng Hữu cứ về trước để tao và thằng Phú ở lại nom bà.
- Hai thằng mày chả ai gọi thì quạ gáy vẫn còn khò khò mong gì việc chăm bà!.
- Thế thì mày với thằng Hữu ở lại trước! - Thằng Tùng vẹo môi.
Cái Dần bảo:
- Cũng được, hai thằng mày về nói với bố bầm, khi nào bà khỏe mạnh tao với thằng Hữu về sau. Nhớ đừng tếch toác câu chuyện bà kể hôm nọ ra với ai nhá!...
Đám trẻ quyết định thế và chúng cũng làm như thế. Suy nghĩ và hành động của chúng làm cho bà cụ Vuông rất cảm động. Bà cũng cố gắng gượng ghẹ cho mau qua cơn ốm để cho hai đứa về quê mấy ngày hè nhưng con bệnh tuổi già cứ dí bà nằm xuống liệt giường. Nhìn bệnh tình của bà mỗi ngày một tăng, thằng Hữu bảo cái Dần:
- Có khi phải đưa bà đi bệnh xá thôi!
- Đi bệnh xá mà bọn mình chả còn đồng tiền nào!
Cái Dần do dự. Hai tay nó cứ vò lên trán. Thằng Hữu ghé sát vào tai cái Dần thì thào:
- Cứ đưa bà ra bệnh viện, mày ở đấy trông bà, tao làm nhiệm vụ cơm nước và vào rừng kiếm măng, kiếm củi bán là sẽ có đủ tiền thôi!...
- Mày tính thế cũng được nhưng mà vất vả lắm, gánh củi chỉ được hai đồng bạc mà bán cũng có chạy đâu! Bệnh của bà lại mỗi ngày một nặng! - Cái Dần cân nhắc rồi nó quyết định - Để tao bán đôi hoa tai lấy tiền chạy thuốc cho bà!
- Nhưng sợ về bầm mày mắng!
- Mắng cái gì mà mắng, mình nói sự việc thế, hoàn cảnh bắt buộc thế, bầm tao còn khen đấy chứ. Tao biết tính bầm tao mà!...
- Tao cũng nghĩ thế, cứ nghĩ những ngày ở quê mày mang cơm cho tao ăn ở vườn chuối nhà ông Tràng Chức là tao hiểu. Nhưng việc bán đôi hoa tai thì chưa cần thiết, mày cứ để tao xoay sở...
Chợt nghe tiếng bà cụ trở mình, cái Dần giơ bàn tay ra hiệu cho thằng Hữu nói nhỏ lại. Bà cụ cũng gượng ngồi dậy. Giọng bà ân cần:
- Bà cám ơn lòng dạ của các cháu nhưng làm thế không được vả bà cũng sắp khỏi rồi.
- Dạ, các cháu có làm gì đâu ạ!...
- Bà nghe rõ hai đứa bay bàn nhau mà- Bà cụ cười móm mém.
Cái Dần nhìn thằng Hữu nháy mắt để tiếp tục tìm cách thực hiện việc bán đôi hoa để lấy tiền đưa bà đi bệnh viện chữa bệnh. Giọng bà lại ấm nóng:
- Đôi hoa tai là của hồi môn bố mẹ cháu phải tằn tiện cả đời mới có, nó quý như báu vật của những đứa con gái, cháu phải giữ lấy, bằng giá nào cũng không được bán. Nếu bệnh của bà có quá nặng thì trong nhà vẫn còn có con lợn, con gà lo gì, mà bà cũng sắp khỏi rồi!...
Bà cụ thở dài nhìn hai đứa cười âu yếm. Cái Dần và thằng Hữu nhìn nhau rồi cả hai đứa cùng đồng thanh:
- Chúng cháu vâng lời bà ạ.
Rồi cứ thế đứa nào việc đứa ấy. Chúng không bán đôi hoa nữa nhưng để có tiền mua thuốc cho bà, hàng ngày thằng Hữu phải lẳng lặng vào rừng kiếm củi, lấy măng cho cái Dần mang ra chợ bán. Công việc hai đứa làm rất bí mật nhưng cũng không thể nào qua được mắt bà cụ Vuông.
Một buổi sáng cái Dần vừa quảy hai móm măng ra chợ, thằng Hữu tranh thủ mở bài ra ôn, nó vừa ngồi vào bàn thì thấy bà cụ Vuông đổ cơn ho sù sụ. Thằng Hữu chạy vào, mắt nó hoa lên khi thấy bà cụ Vuông hai tay vịn vào thành giường, mồ hôi nhễ nhại. Thằng Hữu vội đỡ bà ngồi ngay lại, nó đang loay hoay chưa biết xoay xở cách gì thì giọng bà cụ Vuông thều thào:
- Cháu ra vườn chặt cây mía giã cho bà tí nước.
- Vâng ạ!
Thằng Hữu vội chạy vào bếp lấy con dao mong chạy ra vườn, khổ có mấy hàng mía thì cây nào cũng còn bẹ xanh, có chặt vào giã thì cũng không uống được, mía non nước sẽ chua lòm. Thằng Hữu đang tần ngần chưa biết cách gì để có bát nước ngọt cho bà mát ruột thì cái Dần hớt hải về. Nó cười toét toét vì bán hết được hai móm măng với giá khá đắt. Thằng Hữu vội kể đầu đuôi câu chuyện cho cái Dần nghe. Đắn đo một lúc cái Dần bảo:
- Thôi, mày nhanh chân chạy ra cửa hàng thực phẩm nói khó với mấy bà bán cho vài lạng đường kính vậy. Tiền đây, mày đi đi.
- Nhưng mua đường kính mình có tem phiếu đâu mà người ta bán? - Thằng Hữu phàn nàn.
- Thế thì mới phải nói khéo. Thôi mày cứ đi đi để tao nom bà cho.
Nói rồi cái Dần móc túi đưa cho thằng Hữu năm đồng bạc nó vừa bán măng. Thằng Hữu cắm đầu chạy một mạch đến cửa hàng thực phẩm. Nó vừa thở vừa nói:
- Nhờ các chị linh động bán cho em xin lạng đường kính, em là học sinh cấp 3, trọ học ở nhà bà cụ Vuông ở xóm Cây Nhội, bà cụ ốm nặng, cứ đòi uống nước đường. Các chị linh động bán cho em nhá!
Mấy bà nhìn Hữu mặt lạnh lùng:
- Đưa tem phiếu đây.
- Chúng em là học trò thì lấy đâu ra tem phiếu ạ!
- Thế thì chịu, đường kính bán phân phối chứ có phải cát trắng đâu mà bán cho mày!
Thằng Hữu đỏ mặt nhưng nghĩ đến bà cụ nó vẫn kiên nhẫn nài nỉ nhưng mấy bà nhân viên mặt vẫn lạnh ngắt. Nghĩ ức và lại quá thương bà cụ, thằng Hữu nhào người qua cái bàn quờ một gói đường, quẳng năm đồng bạc lại cứ thế ù chạy. Mấy bà nhân viên đuổi theo nhưng không kịp, họ té tát theo:
- Mày có chạy lên giời chúng tao cũng lần ra.
Thằng Hữu như không biết có những lời hăm dọa đó, cắm cổ chạy một mạch, trong đầu nó lúc này chỉ có một nguyện vọng là tìm được đường cho bà cụ Vuông. Nó cứ cắm cổ chạy. Về đến nhà nó vừa thở hổn hển vừa bảo cái Dần:
- Mày lấy nước sôi để nguội pha cho bà uống đi!
Cái Dần vội vào bếp đổ nước vào bát múc đường pha cho bà. Làm xong hai đứa nâng bà dậy, thằng Hữu đỡ lưng, cái Dần bưng nước cho bà uống. Bà khẽ thở dài nhìn hai đứa như biết ơn rồi bà đỡ bát nước cố uống cho cái sức nó khỏe lên để đuổi cái ốm, cái sốt đi. Thấy bà uống được nước, hai đứa mừng lắm. Cái Dần thỏ thẻ bảo bà:
- Bà cố uống nước cho nó mát ruột rồi ăn lấy lưng cơm để uống thuốc, chúng cháu mua được thuốc hạ sốt cho bà rồi.
- Bà biết ơn các cháu, nhưng các cháu lấy đâu ra tiền mà mua thuốc, mua đường cho bà?
- Bà khỏi lo, thằng Hữu nó kiếm củi, cháu mang ra chợ bán mà...
- Các cháu còn phải học hành, bà phiền các cháu quá! Ngày mai thằng Hữu không phải đi rừng kiếm củi nữa, nhà còn mấy mái gà đấy, các cháu bắt mang ra nhà hàng phở bán cho họ là có tiền...
- Mấy mái gà còn phải để cho nó đẻ chứ bà. Chúng cháu có cách kiếm ra tiền rồi, chỉ mong bà ăn được cho bệnh nó hết đi, hết bệnh bà còn nấu cơm cho chúng cháu đi học về sẵn ăn chứ. Năm học này chúng cháu phải thi tốt nghiệp để đi học đại học đấy. Bà phải khỏe nhanh lên bà nhá.
Giọng cái Dần hồn nhiên. Nghe cái Dần nói, bà cụ Vuông thở dài và như có một nguồn cổ vũ rất to lớn, bà chống hai tay cố ngồi nhổm dậy. Bà ân cần:
- Các cháu khỏi lo, vài bữa nữa là bà khỏe thôi, bà còn đủ sức để nấu cơm cho các cháu và sau này các cháu học đại học dù xa xôi bà cũng chống gậy tìm đến đấy. Bà chỉ cần các cháu mạnh giỏi là bà khỏi bệnh thôi.
- Hoan hô bà, hoan hô bà!...
Cả cái Dần và thằng Hữu cùng reo lên. Tiếng reo rộn khắp căn nhà làm cho lòng dạ bà cụ Vuông ấm dần lên. Bà cố gượng bưng bát cháo húp vòng quanh mấy húp cho cái sức nó vực dậy. Đặt bát cháo xuống lặng nhìn hai đứa, cái làng Thông bé nhỏ lại hiện lên trong bà. Một nỗi buồn to lớn tự nhiên cứ như mây mưa cồn lên. Bên tai bà như vẳng lại tiếng con gà trống mào cờ bên cây rơm cứ gáy o o, mắt bà như có viền khói bếp lúc lam chiều và tiếng lũ mục đồng gọi nhau ơi ới ngoài sông Lô những khi ông mặt trời nhấp nhô ngụp phía bên kia núi Ái. Những hình ảnh, âm thanh quen gần ấy đã gắn bó, bện chặt suốt cuộc đời chỉ biết chân lấm tay bùn với tấm lòng yêu cây lúa, cây ngô... Già nửa đời người bà chưa bao giờ thấy cái làng này có biến! Bà con giềng xóm gắn bó với nhau cả lúc no đầy và cả những khi tối đèn tắt lửa. Những năm loạn beo, loạn hùm, loạn thằng Tây, thằng Nhật mấy nóc nhà chạy vào hang núi Võng vẫn giữ được cái nụn rơm để lấy lửa chia cho nhau. Thằng Bành lấy cái Khăn cũng là tình cảm này xe tết lên. Thế mà đùng một cái nó đổ lên đầu con bé bao nhiêu tội, vợ chồng phải tan vỡ, anh em phải chia lìa và mẹ con phải dứt ruột từ nhau. Là một người suốt đời chả to tiếng với ai, chả thù hằn ai, chả để bụng ai điều gì, thế mà nghĩ lại những đận ấy bà không tài nào xóa nhòa đi dược cái tiếng vọng như gai đâm vào màng nhĩ bà mỗi ban mai thằng Bành đứng đầu ngõ chõ mồm vào đầu nhà bà réo chống không: "Hôm nay mẹ con cái Khăn vào Bẩy Phần vác củi thước nhá! Hôm nay mẹ con nhà Vuông ra bến vụng vác tà vẹt nhá!..." Cái người mà chả lâu la gì còn lóm thóm quỳ trước tổ tiên nhà bà để xin được làm con cháu, xin có chỗ nương tựa thế mà tự nhiên nó lật mặt như lật bàn tay vậy! Bà không hiểu được, không cắt nghĩa được vì suốt đời bà chỉ loay hoay với ruộng vuờn với khóm lúa vầng khoai! Mẹ con bà phải bỏ làng mỗi người đi một ngả chỉ để mong cho mọi sự khuất tắt, cho khỏi nhìn nhau mà u sầu, đau đớn. Cứ ngỡ mọi sự đã yên bề, ai rày lũ trẻ làng thông lại tụ về đây. Sự hiện diện của chúng nó làm bà vừa vui mừng, vừa đau đớn. Cái u trong lòng bà tự nhiên lại tấy mủ. Bà rùng mình định bỏ chạy nhưng trước mặt bà là hai đứa trẻ hồn nhiên, thơ ngây mặc dù chúng đã lơ mơ biết những chuyện quá khứ của gia đình bà và lão Bành nhưng chúng nó vẫn vô tư như chả có chuyện gì đã xảy ra. Thằng cháu Hữu lại không bỏ chạy khỏi tay lão Bành mà nó còn cảm hóa được lão thành người tử tế. Điều này làm bà vừa đau đớn, vừa vững tâm lại. Bà hy vọng đám trẻ này nó sẽ cắt nghĩa được những chuyện ngang trái đã xảy ra ở làng có đầu, có cuối hơn. Tin đều này bà lại nhẹ tay kéo cái Dần vào lòng, nói rất quê:
- Sau này mà trời phật xe con với thằng Hữu vào đôi lứa, nếu còn sống bà sẽ ở với chúng mày.
- Nếu được bà ở cùng thì hai đứa chúng cháu sướng như tiên- Thằng Hữu hồn nhiên.
Cái Dần đỏ bừng mặt, nó lườm thằng Hữu:
- Nhớp, nói thế mà không sợ bà cười cho à!
- Thì bà chả vừa bảo thế thôi!
Thằng Hữu vẫn hồn nhiên nhưng thình lình mặt nó cũng đỏ tía lên. Bà cụ Vuông âu yếm nhìn hai đứa, bà giật mình biết chúng nó đã lớn. Bà đổ giọng ngọt ngào:
- Cha bố các anh các chị, biết thẹn với nhau rồi đấy!
Và câu chuyện của ba bà cháu cứ thầm thì dưới căn nhà đầy gió nam mát lịm.
***
Những ngày hè cũng qua nhanh, năm học cuối cấp vèo đấy đã vào những ngày ôn thi bề bộn đầy vất vả. Cũng lại vào lúc tàu bay của Mỹ bắn phá nhiều hơn, có hôm nó còn thả pháo sáng cả ban đêm. Đám trẻ phải tranh thủ học cả giờ nghỉ trưa, hôm nào nhiều bài vở chúng phải mang đèn xuống tăng xê che kín cửa lại để học bài. Thấy các cháu vất vả, bà cụ Vuông xót ruột lắm. Bà gắng leo qua những cơn bệnh tật để phục vụ các cháu học hành. Hôm nay đi làm đồng về bắt được một giỏ cua đầy, bà bỏ vào cối giã, nấu đầy một nồi canh cua với rau mùng tơi. Nồi canh chín, bà múc ra hai cái loa đầy, việc vừa xong thì đám trẻ cũng đi học về. Thấy mâm bàn đã dọn sẵn, hai bát canh cua tỏa hơi thơm ngậy, thằng Tùng reo lên như có hội và nó quẳng sách vở vào bàn ngồi sà ngay vào cái mâm. Cái Dần bĩu môi bảo:
- Chỉ được cái háu ăn, không nhìn bà còn mồ hôi vã vượi dưới bếp kia à?
- Thì tao mới ngồi vào đây chứ đã đụng chạm gì đến bát đũa đâu.
Thằng Tùng chống chế. Cái Dần chỉ đưa mắt lừơm. Thấy cái Dần im, thằng Tùng lại nhăn nhở cười:
- Ngồi vào sẵn đi chúng mày ơi! Tao gọi bà lên ăn cơm mau còn học- Thằng Tùng lấp liếm.
Cái Dần cười nhạt:
- Ăn nhanh còn gáy...
- Thôi nào các cháu, ngồi cả xuống đây! - Giọng bà cụ Vuông như cơn gió lành làm cho căn nhà dịu mát. Bà lọ mọ đặt nồi cơm xuống cạnh cái mâm.
Đám trẻ cùng ngồi xuống. Cái Dần vừa xới cơm vừa hỏi bà:
- Bà bắt ở đâu mà được nhiều cua thế?
- Bà thọc hang ở dọc bờ ruộng, nắng nên cua nó vào hang mà các cháu. Ngày xưa ở làng Thông, mùa này cứ buổi trưa ra đồng Cây Bưởi cua nó ngoi lên bờ chỉ việc nhặt thôi các cháu ạ!
- Làng Thông quê mình hả bà?
- Ờ, các cháu ăn đi, canh cua chan cơm phải nóng nó mới ngon!
Bà nói câu này với mấy đứa cũng để vùi lấp ngay cái ý? nghĩ vừa nhoe lên trong đầu bà. Có lẽ cái Dần hiểu được điều này, cổ nó tự nhiên nghẹn lại. Thấy nó ngắc ngư, thằng Tùng cười hềnh hệch, nó đang định kích bác một câu gì thì thằng Hữu bảo:
- Cơm xong, cháu với thằng Tùng ra ruộng thọc lấy một giỏ cua nữa để sẵn đấy trưa mai bà nấu.
Thằng Tùng tròn mắt nhưng nó cũng chống chế sang chuyện khác được ngay. Cái miệng nó như tôm tép:
- Bà ơi! Thằng Hữu nó lắm tài vặt đáo để đấy. Cái việc bắt cua này đối với nó dễ ợt. Ngày ở quê cháu cũng từng đi theo nó mò chai chai ở ngoài sông Lô, có hôm còn được hàng gánh, về ăn chả hết bầm cháu còn gánh sang chợ Tràng bán được ối tiền nhá!
- Nó nói phét đấy bà ạ! Nó là thằng lười biếng nhất đám, ở nhà bố bầm nó chiều chuộng, đi học về chỉ việc đá đòn vào ăn, ăn xong đi ngủ, cái mặt nó mà mò được chai chai ở sông Lô có mà ông Vạn Tượng ở làng mình cũng hồi sinh lại.
Nói rồi mấy đứa cười ồ lên. Cái Dần bảo:
- Thôi không cười nữa, thằng Tùng nó tự ái, ế cơm lại uổng công bà!...
- Thôi nào, ăn đi các cháu, bữa ăn mà cứ chòng ghẹo nhau nó mất ngon đi. Người ta vẫn có câu: " Giời đánh còn tránh miếng ăn kia mà"... - Bà nhắc lại câu thành ngữ quen thuộc.
Nghe lời bà mấy đứa im lặng. Thằng Tùng lại múc canh vào bát và soàm soạp. Cái bản năng vốn tính cố hữu háu ăn lại được sinh thành trong một sự nuông chiều của bố bầm nó, đôi khi cũng làm cho mấy đứa bực mình nhưng thường nó lại là cái nguồn vui vẻ để động viên cả đám trong những lúc khó khăn thiếu thốn. Mỗi đứa một tính cách làm cho ngôi nhà của bà cụ Vuông vốn tĩnh lặng suy tư nay cũng rộn ràng vui vẻ. Hình ảnh bà cụ giống như cái bóng cây to trùm lên tuổi thơ của cả đám thằng Hữu. Chúng nó cứ như bầy chim ríu rít làm cho tuổi già và con bệnh của bà chạy đi thật xa. Quây quần với chúng bà cụ Vuông cũng vợi đi dần những nỗi cô độc và những dày vò bị oan ức bấy nay. Cứ nhìn mấy đứa bà như có một thế giới kỳ diệu, đất trời rất hiền hòa, hồn nhiên, xanh dịu mà cái làng Thông lại hiện lên như cái tổ chim ẩn giữa cái vòm xanh kỳ diệu ấy. Bà dồn hết tâm lực để phục vụ và động viên chúng học hành cho đến đầu đến đũa. Đám trẻ cũng không phụ lòng bà. Nhất là cái Dần và thằng Hữu. Hàng ngày ngoài công việc học hành chúng tự giác phân công nhau giúp bà những công việc nặng nhọc ở ngoài vườn tược. Đám trẻ như tự mang về cho bà một niềm hy vọng rất to lớn, những bất trắc đã xảy ra trong đời bà tự nhiên cứ nhòa dần đi. Bà cầu trời cho đám trẻ luôn được may mắn, không phải chịu những cay cực, oan ức như đời bà. Bà luôn hy vọng và cầu giời phù hộ cho chúng nó. Ai dày, một buổi chiều thằng Hữu đang loay hoay với bài học thì cái Dần từ ngoài lớp học chạy về. Nó ghé sát vào tai thằng Hữu thì thào. Thằng Hữu bỏ bút mực đi một mạch.
Thấy việc lạ, bà cụ Vuông hỏi:
- Cháu bảo thằng Hữu việc gì mà nó đi vội thế?
- Dạ, cô giáo chủ nhiệm bảo Hữu ra gặp ban giám hiệu ạ!
- Việc gì thế nhỉ? - Bà cụ Vuông tần ngần thắc mắc. Thằng Tùng cười hì hì:
- Chả có việc gì phải lo đâu bà ạ! Chắc là Thằng Hữu học giỏi, các thầy giáo gọi nó đến để giao thêm nhiệm vụ giúp những đứa học yếu thôi đấy bà ạ!
- Thế thì nó lại vất vả thêm đấy! - Bà cụ chép miệng -Khổ, thằng bé mười sáu mười bẩy tuổi rồi mà vẫn loắt choắt!...
Và bà cứ đứng nhìn theo dáng thằng Hữu thon thón dưới con đường rừng.
Mặt trời tà sau ngọn núi Nhội thì thằng Hữu về. Nhìn bước chân nó uể oải, mặt mày bơ thờ, cái Dần vội chạy ra cổng đón. Hai đứa rẽ vào chỗ cái chum nước. Giọng thằng Hữu sụt sịt:
- Tai vạ rồi Dần ơi!...
- Sao? Hữu nói gì cơ? - Cái Dần hỏi. Thằng Hữu ghé sát vào tai cái Dần:
- Có khi tao phải đuổi học... - Giọng thằng Hữu lạc đi và nước mắt nó cứ ứa ra.
- Sao mà phải đuổi học? - Cái Dần lại hỏi dồn.
- Tại cái việc tao mua đường hôm bà ốm ấy.
- Sao lại tại việc ấy? Mày nói rõ xem nào! - Cái Dần giục.
- Mình không có phiếu đường, tao nài nỉ nói khó mãi mấy bà nhân viên cũng không chịu, tao liều vứt năm đồng bạc vào cái sọt và quờ mấy lạng đường trong cái túi ni lông cắm đầu chạy một mạch để mang đường về kịp cho bà uống. Bây giờ cửa hàng thực phẩm họ gửi giấy về tố tao là thằng ăn cướp. Ban giám hiêu, nhất là thầy hiệu trưởng rất gay gắt việc này. Tao phải làm kiểm điểm rồi phải đưa ra hội đồng kỷ luật. Gay go quá Dần ạ!..
Cái Dần tái mặt, vừa thở vừa bảo thằng Hữu:
- Mày phải đến trình bày lại với thầy hiệu trưởng sự việc và hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ để thầy châm trước cho. Kể ra là mình cũng có thiếu sót thật.
- Tao cũng trình bày tỉ mỉ câu chuyện rồi nhưng chỉ thấy thầy cau da trán mà không nói gì. Cô Chiều thì nhìn tao nét mặt rầu rầu như vừa thương cảm, vừa trách cứ nhưng lại rất bất lực.
Thằng Hữu đứng ngây, cái Dần thì đưa tay lên mắt sụt sịt. Bà cụ Vuông từ liếp cửa bước ra, bà tần ngần đứng trước mặt hai đứa, giọng bà nghẹn nghẹn:
- Vì bà mà các cháu mang tội! Cho bà xin! Bà sẽ đi van ông giáo cho!...
- Dạ, không có chuyện gì đâu bà ạ! Bà đừng lo...
- Bà nghe được cả rồi. Sống ở đời có khi làm việc thiện mà vẫn phải chịu tội đấy các cháu ạ!
Nói rồi bà lò khò chống cái gậy đi ra ngõ. Nhìn theo bà lòng dạ hai đứa như có dao cứa. Thằng Hữu không ngờ được sự việc lại to tát thế. Nó ngồi rũ xuống cạnh cái chum nước, nó không khóc, trong đầu nó lại hiện lên những bóng đom đóm nhập nhòe ở gò hồn! Và hình ảnh bố bầm nó lại hiện lên. Bên tai nó lại nghe giòn giọt giọng của bầm nó! "Con ơi! Mọi việc cho dù thế nào thì cũng còn mặt giời đấy! Con đừng nhụt chí, thiện ác, gian tà là ở lòng ta. Phật cũng ở lòng ta con ạ! Bầm buồn vì phận bầm không làm được cái tán mát cho con nương tựa. Nhưng làm con người sinh ra ở đời là phải biết vinh quang, tủi nhục, biết ngọt bùi cay đắng con ạ! Bầm vẫn luôn ở bên con đấy... "
Thằng Hữu cứ ngồi lặng thế, trước mặt nó lại nhập nhòe những con đom đóm từ khu nghĩa địa vườn Hồn bay lên rồi lại đậu vào lòng tay nó. Những tia sáng từ con đom đóm tuy nhỏ nhoi nhưng cũng làm hừng lên những mảng tối đang ám ảnh trong đầu nó. Nó ngồi lặng nhìn cái Dần. Ngoài ngõ bà cụ Vuông cũng lọ mọ chống gậy đi về. Cả cái Dần và thằng Hữu cùng ùa chạy về phía bà. Bà kéo hai đứa vào lòng rồi cùng đi vào trong nhà. Thằng Tùng, thằng Phú cùng tụm lại. Giọng bà ngậm ngùi:
- Bà gặp được ông giáo hiệu trưởng rồi- Bà thở dài.
Thằng Tùng láu táu:
- Bà gặp thầy hiệu trưởng xin trợ cấp học phí cho thằng Hữu à? Có được không bà ơi?
- Được với lại chả thua, mày vô tâm vừa vừa chứ. Bà đang nẫu ruột ra kia kìa!... - Cái Dần cau có.
- Sao, có chuyện gì cơ? - Thằng Tùng và thằng Phú cùng ngơ ngác.
Bà cụ Vuông giọng vẫn nghẹn ngào:
- Chắc là cháu Tùng và cháu Phú chưa biết chuyện. Bà đến gặp ông hiệu trưởng là có việc chẳng lành. Nguyên do cũng tại bà. Ngày bà ốm, bà khát nước đường, cháu Hữu ra cửa hàng mua nhưng vì không có phiếu đường, cháu Hữu vì thương bà cứ bỏ năm đồng bạc vào quầy và vơ mấy lạng đường chạy về, nó không ngờ đấy là tội. Cửa hàng thực phẩm huyện người ta gởi giấy báo cáo nhà trường, quy tội cháu Hữu ăn cướp, khổ thế. Chỉ vì thương bà mà thành người có tội!...
- Thế bà kể sự thật ấy với các thầy giáo và xin cho thằng Hữu đi- Giọng thằng Tùng thằng Phú buồn rầu.
- Bà trình bày với các thầy rồi, nhưng các thầy nói còn xem xét. Bà chỉ sợ cháu Hữu phải đuổi học thôi! Mà nếu thằng cháu Hữu phải đuổi học bà có chết cũng chả nhắm được mắt đâu!
Bà cụ Vuông thở dài. Những cái u về sự oan ức đã xẹp đi trong cái cơ thể gầy guộc của bà giờ lại tấy lên. Biết kêu ai bây giờ! Kêu giời thì giời cao, gọi đất thì đất dày. Cực cho cái phận bà quá! Ngày gả chồng cho cái Khăn bà cũng chỉ mong muốn một việc giản đơn về tình cảm, muốn cho cái mây quây cái rế. Ai rày thằng Bành lại đốc chuyện. Bà phải bỏ con, bỏ làng trốn lên đây cho yên phận, thế mà ông giời vẫn không tha. Mấy đứa trẻ dắt díu nhau đến đây, cứ ngỡ mọi hẫng hụt, trống trải sẽ được lấp đầy, ai ngờ lại có việc thằng cháu Hữu bị quy tội là kẻ ăn cướp. Có cái gì như dao chọc vào lồng ngực. Bà muốn chết đi cho rồi nhưng nghĩ đến đám trẻ hồn nhiên, lòng trắng trong như tờ giấy, bà lại cố gượng, cố phải tỏ ra cứng rắn để khỏi nản lòng đám trẻ nhất là thằng cháu Hữu. Bà ngồi lặng, trời cũng bắt đầu tối sẫm, đám chim láo cáo trong những lùm cây ở suối Cù Thìa cũng lặng dần. Cảnh rừng như lại dắt bà về cái cảm giác cô độc như buổi chiều xưa bà rời làng Thông đeo cái tay nải lên đây. Thấy bà ngồi vò võ, thằng Tùng tỷ tê:
- Bà ơi! Bà khỏi buồn vội, nhỡ thằng Hữu có phải đuổi học thì vẫn còn ba đứa chúng cháu ở đây với bà cơ mà!
- Mày nói thế mà cũng nghe được à. Mày không hiểu lòng bà thì im đi, nói vậy khác gì cầm dao cứa thêm vào lòng bà.
Nghe cái Dần nói thằng Tùng mặt thẳng đuỗi, nó lẳng lặng chui vào trong xó nhà. Để chúng khỏi nghĩ ngợi thêm, bà cụ Vuông bảo:
- Thôi, mọi việc vẫn còn ông giời các cháu ạ! Bà vẫn tin ông giời có mắt... Cháu Dần xếp mâm ra bà cháu ta ăn cơm đã.
Mâm cơm vừa bày ra, mấy bà cháu vừa ngồi vào thì tiếng rú của thằng Thần Sấm Sét như xé trên vòm trời đang nhấp nháy những vòm sao dậy sớm. Thằng Tùng càu nhau:
- Sao nó lại đi tìm bắn giết vào giờ này nhỉ? Giời đánh còn tránh bữa ăn! Mẹ cái thằng Rôn Xơn này nó chả từ việc gì cả. Đợi đấy, mấy bữa nữa học xong bố mày vào bộ đội, bố mày sẽ hỏi tội mày...
- Gớm, đừng có mà vội anh hùng rơm. Cái tướng mày mà đi bộ đội có khi được ba ngày đã bê quay- Cái Dần lườm thằng Tùng bĩu môi.
- Mày cứ đợi xem, còn mày đấy, còn bà đây. À, mà Hữu này, lo cái quái gì, nếu nhà trường đuổi học tao với mày ra huyện đội tình nguyện đi bộ đội, tao cũng chán học lắm rồi!
- Tùng, cháu nói cái gì vậy? Đi bộ đội là nghĩa vụ phải đi sao cháu lại bảo chán học thì đi bộ đội? Cháu nói thế có nghĩa bộ đội là chỗ chứa những người chán học à? Nghĩ vậy là không phải cháu bà nữa đâu!
Thằng Tùng lại đuỗn mặt ra, nó cắm đầu và cơm ăn hùng hục. Nhìn nó thấy thật khổ sở nhưng thằng Hữu lại nảy ra một việc hay. Nó thầm tính nếu có chuyện chả lành, nhà trường không thấy hết công việc nó làm trong hoàn cảnh sức khỏe của bà cụ đang yếu mệt mà vẫn không cho nó học tiếp nữa, nó sẽ tìm cách đi bộ đội vả nếu được học tốt nghiệp xong cũng quyết đi bộ đội. Trước mặt nó lại hiện lên lập lòe những con đom đóm ở khu nghĩa địa vườn Hồn và câu chuyện về cái chết của bố nó trong đám lửa nhem nhuốc do thằng tây đốt nhà lại hiện lên. Thằng Tây và thằng Mỹ chắc chúng đều ác như nhau cả. Phải đi bộ đội để đối mặt với chúng và cũng để trả thù cho cái chết đau đớn của bố mình. Nghĩ vậy nó thấy trong lòng như có Phật che trở. Nó cũng cắm đầu ăn hùng hục như thằng Tùng. Nhìn hai thằng hùng hục ăn cơm, bà cụ Vuông vừa mừng vừa tủi. Bà cứ ngồi lặng nhìn sự hồn nhiên, vô tư của đám trẻ. Ngoài xa phía chân trời tiếng thằng Thần Sấm Sét vẫn gào rú như xé vải.
***
Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt hơn, máy bay của Mỹ ngày một nhiều. Bom đạn dường như đã đổ khắp miền Bắc. Những việc thằng Hữu suy tính nhanh chóng trở thành hiện thực. Nó trúng tuyển và có giấy báo nhập ngũ vào đúng ngày 19 tháng 5, chỉ còn mấy ngày nữa là thi tốt nghiệp. Cả nhóm của nó có bảy người, trong buổi gặp mặt chia tay, thầy giáo hiệu trưởng tuyên bố: “Các em đi nhập ngũ đợt này được xét tốt nghiệp đặc cách, không phải thi. Nhà trường sẽ có trách nhiệm gửi bằng tốt nghiệp về tận gia đình để sau này đất nước thống nhất các em vẫn có điều kiện để đi học đại học". Không khí trong toàn trường tưng bừng, xúc động.
Buổi chiều ở lớp học về, thằng Hữu cùng cái Dần tần ngần đi ngược con suối Cù Thìa. Đến chỗ cây bồ kết nơi xưa thằng Hữu gồi quả bán lấy tiền ăn học bị cành bồ kết đổ vào chảy máu ở bả vai trái, hai đứa bẻ lá rải lên nền đất ngồi nhìn theo dòng nước trong vắt đang chảy ngoằn nghèo dưới lòng rừng. Bên những lùm cây xòa xuống ven suối rúc rích các loài chim, tiếng ve sầu từ rừng đổ xuống rung rinh mặt nước. Cảnh rừng thơ mộng huyền bí như tạc dáng hình hai đứa trong tím thẫm ráng chiều. Thằng Hữu bảo cái Dần:
- Tớ đi đời lính sống chết cũng không lường được. Dần phải đi học, học thành bác sĩ, tự mở lấy cái bệnh viện thật to, khi nào đất nước thống nhất mà còn sống sót Hữu cũng cố học thành bác sĩ về làm nhân viên cho Dần. Chúng mình sẽ đặt tên cho cái bệnh viện thật hay. Tên là: Bệnh viện Trịnh Nhân Dân. Hữu sẽ đổi tên của Dần như thế. Mình chỉ chữa bệnh cho dân thường thôi, vì họ không có sổ khám bệnh, cũng như không có tem phiếu gì mà chính họ mới là người làm ra của cải vật chất chứ!...
- Hữu như người ở quả cầu khác ấy. Điều Hữu vừa nói mà có thật thì còn gì bằng nhưng ai người ta nghe thấy là nguy đấy. Người ta sẽ bảo mình có tư tưởng tư nhân, tư bản.... Mà tư nhân, tư bản là kẻ thù của nhân dân đấy.
Giọng cái Dần sợ sệt. Thằng Hữu ngẩn người nhưng trong đầu nó lại hiện lên hình ảnh những người cán bộ có tem phiếu mua thực phẩm, đường sữa và có sổ y bạ để được ưu tiên khám bệnh ở bệnh viện. Nó thấy có cái gì vừa trì trệ vừa mất công bằng lại vừa vô lí nữa. Nó không cắt nghĩa được. Nó thật sự ngán cái việc mấy bà cán bộ cửa hàng thực phẩm làm giấy báo tội nó về nhà trường. Nếu cái cơ chế này tồn tại vĩnh hằng thì con người sẽ rất khổ sở và rất dễ mắc sai lầm tội lỗi. Không biết sau này hết giặc đất nước sẽ đổi thay như thế nào? Liệu những người ra đi còn sống sót trở về có cuộc sống tốt đẹp hơn không? Có được cái sổ khám bênh, cái phiếu mua đường sữa không? Trong đầu nó lại lập lòe những con đom đóm thời thơ ấu! Hình ảnh bố bầm nó và những người nông dân như cụ Vuông đây lại chả có tiêu chuẩn chế độ gì... Nó chưa hiểu được những lí do này. Nó ngồi lặng nhìn dòng suối trong đầu nó lập lòe, mờ tỏ những suy nghĩ rất lạ lùng. Cái Dần không hiểu được nhưng nó vẫn nói theo cái mạch suy nghĩ của nó.
- Hữu đừng nghĩ gì về điều Dần vừa nói, Dần cũng không cắt nghĩa được cái việc thế nào là tư nhân, tư bản đâu, nghe các thầy dạy trong bài học, lại nghe bố bầm Dần bảo: "Nay mai có thế giới đại đồng, cả làng cả xã đều làm chung, ăn chung" Dần nói thế thôi. Dần không ám chỉ những điều Hữu đang thắc mắc đâu. Hữu cứ bình tâm lên đường cho cái chân thật cứng, hòn đá thật mềm. Dần sẽ học thành kỹ sư bác sĩ để cổ vũ động viên Hữu ở ngoài mặt trận...
Giọng cái Dần cứ rót vào tai làm nhòa đi cái tư duy lạ lùng đang nhập nhòe trong đầu thằng Hữu. Nó quay lại thì gặp ánh mắt của cái Dần đang tỏa sang mắt nó rất khác lạ. Thằng Hữu ngây ngô:
- Mày nhìn gì mà lạ thế?
Hai má cái Dần tự nhiên ửng lên:
- Có nhìn cái gì đâu. Hỏi gì mà ngốc thế!
Và những ngón tay của cái Dần tự nhiên cứ đan vào với những ngón tay của thằng Hữu. Thằng Hữu giật mình, nó ngoảnh lại, ánh trăng trên núi cũng dột xuống rụng đầy vào gương mặt cái Dần, in xuống mặt nước suối sóng sánh, lung linh. Cả hai đứa đều gặp cái cảm xúc lạ lùng, nó ngỡ không phải là chúng nó đang ngồi đây nữa. Nó gục đầu vào nhau, cái mùi con gái ngầy ngậy ngọt từ cái Dần lan sang làm cho tâm trí thằng Hữu ngây ngất. Nó vòng tay ôm ngang vai cái Dần. Cái Dần gục vào lòng thằng Hữu ngực phập phồng thở và như có tiên Phật xui khiến đôi mắt cái Dần khép lại. Tâm trí thằng Hữu ngập vào đôi mắt ấy. Chúng gù vào nhau, hai bờ môi ngập lụt, cái vị ngọt chát từ đầu lưỡi tan nồng, sóng từ hai bờ tim cùng dội lên đồng vọng. Cả hai đứa cùng đổ xuống nền đất phong sương giữa rừng lấp lánh trăng sao. Bỗng vọng lên tiếng thằng Tùng gọi ơi ới:
- Hữu ơi, Dần ơi, về ăn cơm thôi, bà nấu xong rồi!
Tiếng gọi vọng ran khắp cánh rừng. Hai đứa nhoàng tỉnh. Cái Dần lườm thằng Hữu bảo:
- Nhớp, làm đứt hết cúc áo của người ta rồi.
Thằng Hữu cười xòa bảo.
- Chả sao, về Hữu nhờ bà khâu lại cho.
Cái Dần cười:
- Ngốc, người ta tha bảo bà cho là phúc!...
Hai đứa cùng nhìn nhau âu yếm cười và đi một mạch về nhà.
***
Hai đứa về đến ngõ, thấy trong nhà nhộn nhịp người ngồi, người đứng. Nó rón rén bước vào, thật bất ngờ trong nhà có đủ bố bầm cái Dần, thằng Tùng, thằng Phú và lão Bành nữa. Giọng lão Bành rất to:
- Nhận được cái giấy thằng Tùng nó gửi về thế là bố rủ các bác cùng lên đây để tiễn chân con. Việc tày giời thế mà con còn giấu bố, giấu dân làng.
- Con có giấu đâu, định về đơn vị rồi sẽ gửi thư về sau. Con chả muốn để bố và các bác phải vất vả. Đi bộ đội chứ có đi đâu mà lo. Nay mai sau huấn luyện đàng nào con chả được về phép rồi mới đi xa.
- Đành vậy, nhưng nếu không có thằng Tùng nó cho biết, chả được chứng kiến giây phút con thành anh bộ đội, bố buồn chứ.
Giọng lão Bành bùi ngùi. Hình như những ngày lão say rượu lại hiện lên. Lão khẽ quệt tay ngang mặt. Lúc này bà cụ Vuông cũng từ dưới bếp lên, Bà vận bộ váy áo của người Nùng, nom bà vừa bí ẩn vừa sang trọng. Cái Dần linh cảm được việc bà cụ vận bộ váy áo của người Nùng. Nó vừa cười vừa nói:
- Hôm nay bà đẹp như tiên ấy...
- Ừ, nhà mình có khách với lại ngày mai cháu Hữu đi bộ đội bà cũng phải mặc đẹp chứ.
- Hoan hô, bà thật tuyệt vời - Mấy đứa cùng reo lên.
- Thôi, mời các bác, các bá và các cháu ngồi vào mâm đi. Vừa ăn ta vừa nói chuyện. Cũng may thằng cháu Tùng nó linh hoạt mới có buổi họp mặt đông vui này.
Và bà cụ cứ kể hết chuyện này đến chuyện khác, Chuyện thằng Tùng láu táu lại hay háu ăn, chuyện thằng Phú hay trêu chọc cái Dần, chuyện thằng Hữu chịu thương chịu khó. Chuyện nào bà cũng nói cho rõ thật dài. Bà muốn bắt mọi người xóa đi hình ảnh bà, không để ai nhận ra bà là người làng Thông, là mẹ của cô Khăn, cô Lụa... và không muốn cho lão Bành phải đối mặt với sự thật vào lúc này mặc dầu sự thật ấy đang bày biện ra giữa ngôi nhà của bà. Thấy bà vui, thằng Tùng cũng liến thoắng:
- Hôm nay có cả bố bầm của chúng cháu đây, cháu mách bà chuyện này hay lắm nhá.
- Chyện gì cháu cứ nói ra- Bà cụ Vuông giục.
Thằng Tùng và thêm miếng cơm thật to rồi đặt bát đũa xuống, giọng nó nửa thật, nửa hề:
- Từ ngày chúng cháu về ở với bà, bà có biết thằng Hữu và cái Dần nó vào một phe không. Nó còn cậy có bà bênh nên luôn luôn bắt cháu và thằng Phú học thêm, nhiều lúc cháu tức ơi là tức nhưng vì sợ bà mắng cháu phải chịu.
- Bắt học là để được cho bọn mày chứ có được cho ai. Chúng tao có bắt hai thằng mày nhịn cơm đâu mà tố với tâu bà...
- Cho là thế, nhưng còn chuyện này bà không biết đâu.
- Thì mày cứ nói ra đi.
- Thế này bà nhá, hai đứa nó học khuya là chúng mê nhau đấy, mê nhau nên lúc nào cũng thích ở bên nhau, hôm nay không phải nó đi chào các thầy cô giáo đâu, nó ra bờ suối hẹn ước đấy bà ạ!...
- Nó nói láo toét đấy bà ạ! - Giọng cái Dần gay gắt nhưng mặt nó cứ đỏ ừng lên.
Nó định nói thêm câu gì thì giọng bà cụ Vuông ân cần:
- Thôi nào, mấy đứa ở đây mấy năm rồi, chuyện gì qua mắt bà được mà phải chọng choẹ nhau. Ngày mai thằng Hữu nó đi xa, nhà đông vui thế này thì chỉ có chuyện vui thôi chứ, vui cho thằng Hữu nó đi được chân cứng đá mềm...
- Hoan hô bà! - Mấy đứa lại cùng reo toáng lên.
Bố bầm thằng Tùng nói chen vào:
- Các cháu lên đây ăn học quấy quả bà nhiều, chúng con ở xa lại công việc nhà nông chả qua lại được. Hôm nay đến đây, thấy các cháu quây tụ với bà như gia đình, chúng con cám ơn bà. Mấy đứa từ ngày ở nhà vẫn bện với nhau nhưng tính nết mỗi đứa một phách hay chõm choẹ nhưng vắng nhau một ngày là không chịu nổi. Nhất là cái thằng Tùng nhà con, lười nhác một tí nhưng cũng biết nghe lời chúng bạn. Nếu không có ảnh hưởng của thằng cháu Hữu và cái Dần nó cũng bỏ học rồi đấy bà ạ!...
- Bố bầm nói thế mũi cái Dần lại phỉnh lên, nay mai nó lại lên giọng bà chị, con còn khổ, nhất là lại không có thằng Hữu ở nhà nó càng...
- Càng với cua cái gì, bà đã bảo ăn đi còn lắm chuyện nhiễu- Cái Dần lườm thằng Tùng bĩu môi.
- Ừ thì ăn
Nói rồi thằng Tùng múc canh vào bát và soàn soạt. Cả nhà nhìn nó cười khúc khích. Câu chuyện về mấy đứa trong ngôi nhà bà cụ Vuông cứ nở ra như pháo. Riêng chỉ có thằng Hữu thì cứ ngồi im. Nó vừa xúc động trước tình cảm của mọi người dồn cho, vừa bâng khuâng với bao nhiêu suy nghĩ lạ lùng. Ngày mai nó trở thành người lớn, thành quân nhân rồi. Con đường phía trước sẽ đến với nó như thế nào, cuộc đời người lính sẽ biết bao khổ nhọc thậm chí còn chết chóc thương vong nữa. Về bản thân nó chả ngán gì chỉ tội ông Bành lủi thủi một mình. Nó chợt nhớ tới bà lang ở xóm Đồng Mụng. Nhưng nhìn bà cụ Vuông vận bộ đồ Nùng nó hiểu. Hình ảnh những ngày tuổi thơ khó nhọc đầy thương tích, những con đom đóm ở vườn Hồn chập chờn bay chỗ mộ bố bầm nó, rồi cả nắm cơm, quyển vở cái Dần giấu ở dưới gốc chuối nhà ông Tràng Chức, cái dùi đục và bó roi cật nứa những năm tháng lão Bành say rượu cứ bày ra trong đầu nó vừa thiêng liêng vừa thảm hại. Tuổi thơ của nó gắn với quê hương đầy những kỷ niệm bầm tím máu và nước mắt. Nó đã vượt qua những ngày gian nan để học hành bằng chúng bằng bạn. Tuy rằng nó vẫn chưa được cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, nhưng nó yên tâm và tự hào vì trong đầu nó đã có đầy đủ hệ thống kiến thức ấy. Nó tin khi đất nước hòa bình nếu còn sống sót nó sẽ thi đỗ bất cứ trường đại học nào. Nó cầu mong đến ngày ấy bà cụ Vuông còn khỏe mạnh, đám chúng nó từ các ngả đường đất nước tìm về mua cho bà thật là nhiều quà và đứa lấy vợ, đứa gả chồng đều được bà đứng ra làm chủ hôn. Nghĩ vậy tự nhiên mặt nó đỏ bừng. Nó ngoảnh nhìn cái Dần, những ánh xôn xao cùng rộn ràng trong đôi mắt chúng và hình ảnh lúc chiều tà hai đứa bo nhau cùng đổ xuống nền đất chỗ gốc cây bồ kết lại hiện lên. Hai đứa tủm tỉm cười. Thằng Tùng và thằng Phú bảo:
- Có đông đủ bố bầm mọi người ở đây, cứ nói đại ra cho bà hay, nếu không nói ở nhà tớ và thằng Tùng tấn công... Ba thằng đánh một có mà mười cái Dần cũng đổ, nhưng phần thắng là phải thuộc về người ở gần.
Nói rồi cả hai thằng cùng cười ồ lên. Cái Dần bĩu môi cươì bảo:
- Mỡ đấy!...
- Thì là mỡ mới....
Và chúng lại phá lên cười. Câu chuyện trong căn nhà của bà cụ Vuông càng rôm rả mãi tận thấu khuya.
Đồng Làng Đom Đóm Đồng Làng Đom Đóm - Trịnh Thanh Phong Đồng Làng Đom Đóm