Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.

Dr Porsche

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Hai - Chương 1
òm! Đòm! Đòm! Những tiếng súng nổ chỉ thiên ở khu chợ súng làm con ngựa hồng một tuổi rưỡi giật mình, hất cổ, giật cái dây cương đã buộc vào cọc. Pao vỗ vỗ má con ngựa, âu yếm: “Đừng sợ! Đừng sợ! Họ thử súng thôi! Rồi tao cũng có một khẩu súng cơ mà”.
Con ngựa cúi đầu, lim dim mắt rồi hếch mõm thè lưỡi liếm tay Pao. “Ối, mày làm tao buồn đến muốn cười đấy”. Pao cười, vuốt bờm con ngựa, rồi quay lưng đi.
Khu bán súng ở lảnh một góc dưới chân đồi, xa chợ một con dốc. Phải họp riêng một góc vì bây giờ đã có hẳn những tay chuyên nghề buôn bán súng đạn. Phải họp riêng một nơi vì khách mua bao giờ cũng thử dăm ba phát để xem thực súng có tốt hay không. Súng tốt, kêu to. Giản dị vậy.
Khu chợ này toàn đàn ông. Phiên này đông nên người tràn cả xuống mấy mặt ruộng ở phía dưới. Người quẩn lại như say. Súng Tây chạy Nhật vứt lại. Súng Nhật đầu hàng thu còn sót. Súng bọn thổ phỉ cướp được. Súng bọn lính bọn sĩ quan Tưởng bán ra. Toàn là súng trận cả. Tất cả đều tụ họp ở đây như để chứng tỏ rằng: đất này vốn loạn lạc và còn loạn lạc, còn đánh nhau to. Còn đánh nhau to vì súng, đạn nhiều thế cơ mà. Bày trên chõng con, trên mẹt, trong lòng những chiếc nón sơn để ngửa dưới đất, trên mảnh vải bạt, vải dù chẳng khác gì một thứ hàng hóa thông dụng hiện lành, quen thuộc. Có lái buôn xếp súng đầy một cái chiếu mây rộng. Lại có mấy anh biến thân thể mình thành cái giá treo. Súng, ba bốn khẩu trên vai, lựu đạn dăm quả dài ở lưng, băng đạn quấn quanh bụng, quàng trước ngực. Thôi thì đủ mặt các sản phẩm của kỹ nghệ chiến tranh, từ cổ lỗ sĩ như súng hỏa mai tới loại tân kỳ nhất như các-bin còn bọc giấy nhựa bê bết dầu mỡ. Mút-cơ-tông ngắn ngủn. Trung chính dài nặng. Mát. Sì-ten, Tôm-sơn. Có cả một dãy trung liên FM ngóc đầu trông như lũ cào cào. Lựu đạn mỏ vịt. Lựu đạn chuôi gỗ. Súng ngắn bao da, bao gỗ. Đạn bóng lọng để từng mớ như lạc luộc. Có cả một cái bệ súng cối đặt ở trên một tấm da báo.
Pao đứng tần ngần trước một cái chiếu rơm lổn nhổn súng đạn. Lão lái người Xã đội nón sơn, gầy ngỏng, lưng gù, mặt choắt, ngồi trên cái nạng thồ, ngoảnh mặt đi khinh khỉnh, phì phò cái tẩu sừng.
Pao liếm đôi môi khô nứt, hồi hộp:
— Tả tế *! Khẩu súng này bao nhiêu tiền?
— Khẩu nào? — Lão lái quay cổ lại, lạnh nhạt.
— Khẩu poọc hoọc này! Có bao gỗ không?
Lão lái quài tay kéo cái bao gỗ đeo ở sườn ra trước đoạn gõ gõ ngón tay vào vỏ gỗ.
Pao nhấc khẩu súng, lồng ngực khẽ rên một tiếng. Khẩu súng nặng rất vừa tay, ánh thép biêng biếc, nòng dài, khỏe, còn mới nguyên. Súng này gọn, bắn xa. Bọn quan quân lính Tưởng hay dùng. Chà! Pao mà có một khẩu súng như thế này. Ông ơi, ông nói giá đi. Đủ tiền, tôi mua liền, không bớt một hào.
Lão lái lé lé con mắt. Con mắt hẹp, sắc, biết đánh giá dò xét khách hàng. Đoạn rút cái tẩu sừng ra khỏi miệng, xẹt một tia nước bọt qua kẽ răng, lão hất hàm, kẻ cả:
— Có bạc trắng không?
Pao ngẩn mặt:
— Không có!
— Thuốc phiện?
— Không có!
— Năm trăm rưởi đúng!
Ôi chao! Mặt Pao tối sầm. Gương mặt tròn vạnh đang đỏ hồng như bị trúng gió, tái nhợt. Khẩu súng như buột khỏi tay, Pao đứng dậy, loạng choạng. Năm trăm rưởi. Bán hai con ngựa vẫn còn thiếu. Loạn lạc, súng nhiều phải rẻ chứ? Trong túi chỉ có hai trăm. Còn ba lạng thuốc phiện đưa ra chỗ ông bà Lìu nhờ bán thì bị bọn Quốc dân Đảng cướp mất rồi. Bọn nó có theo dõi. Ngay đêm ấy ập tới, khám nhà. Bà Lìu tha hồ chửi, chúng cứ lạnh như thép, đút túi lẩn đi.
Pao lẳng lặng đi qua các hàng khác. Không đâu có súng giá hai trăm.
Đòm! Đòm! Súng thử giật từng phát một vẫn cứ nổ đều đều. Như đang có chiến trận. Không ai giật mình nữa. Cả khu chợ bên kia cũng vậy. Nghe mãi rồi quen, lại thấy tiếng nổ là vui. Lại còn biết phân biệt: tiếng nổ tóe ra là súng kíp; tiếng nổ chắc gọn là mút; đanh tiếng là súng mới; nhòa tiếng là súng cũ. Đất này đã quen và còn quen nữa với tiếng súng.
Đòm! Đòm! Súng vẫn cứ giật giọng nổ đều đều, đập vào tai Pao, như chọc tức Pao. Buồn bực, Pao ra khỏi khu bán súng tới khu buộc ngựa. Nhưng, đứng cạnh con ngựa hồng, Pao lại tần ngần muốn ở lại. “Hay là đi tìm người vay? Hay bán con ngựa? Con trai H'Mông đẻ ra, bố đã phải sắm cho khẩu súng rồi kia. Thời buổi này...”.
— Này, anh. Có đổi ngựa không? — Nghe tiếng hỏi, Pao quay lại. Gã đàn ông đội khăn to, má có một cái sẹo dài, mặt đầy vẻ gian xảo, đứng sau Pao, tay vỗ bộp vào mông con ngựa hồng, mắt ngó nghé cái bụng, cái chân nó:
— Xì, ngựa này rồi phản chủ. Đổi không? Cho tôi thêm một trăm, tôi đưa con ngựa đực đen của tôi.
Pao lắc đầu, hất bàn tay đang đặt trên mông ngựa của gã nọ.
Gã gạ đổi ngựa thản nhiên đi. Phía bên trái Pao đang túm tụm một đám đông. Chắc lại đổi ngựa, mua ngựa: Pao định cởi dây cương dắt ngựa đi, bỗng thấy đám đông túa ra, có người hét toáng: "Chết rồi!”.
Pao chạy lại. Đám đông dãn thành một vòng tròn rộng. Dưới đất, một con ngựa lang vàng trắng bụng to kềnh, nằm thẳng đơ. Nắng trưa, trắng lóa. Vòng người đổ bóng nhấp nhô như bóng núi.
— Chết rồi! Trúng gió độc rồi!
— Không cứu được đâu! Ôi giời, nó giãy chết kìa.
— Nó động kinh đấy! Thịt thôi!
— Thịt đi còn được tiền đấy nhỉ?
Pao lách vào vòng trong. Trên đất, con ngựa nằm gại gại mấy cái móng đổ nghiêng. Cái bụng to phình phập phồng. Cạnh cái nạng thồ mới nhấc khỏi lưng ngựa, ngồi một người Nùng mặt sần trứng cá. Nghe người vây quanh hối thúc, anh liền đứng dậy, cầm dây cương ngựa kéo, miệng thét chửi con vật khốn nạn:
— Dậy! Dậy! Đồ ngựa thối! Đồ ngựa hoang!
— Đánh! Đánh! Nó lười đấy! — Gã đổi ngựa từ đâu chen vào cạnh Pao, hò. Người Nùng mặt sần trứng cá vẫn cố kéo. Cổ con ngựa bị co lên, cứng như cái bạnh cây. Cái mũi đen của nó bị kéo căng, hở hoác cái lỗ rộng, cơ chừng chỗ thịt mềm sắp đứt. Tuy vậy, con ngựa vẫn không gượng dậy được.
Mỏi tay và hết hy vọng, người Nùng nọ buông tay. Đầu con ngựa rơi bịch xuống đất. Gã đổi ngựa nhảy lại, đặt cái chân đi giày vải đen lên bụng con vật đáng thương, dận mạnh:
— Bán đi, may còn được tiền! Đ. mẹ, chết mất thôi!
Người Nùng ngẩng lên, lo lắng đẫm hai con mắt:
— Tôi ở tận Mường Cang sang đây mua muối.
— Ôi, thế thì bán đi.
— Ngựa này tôi đi mượn.
— Bán đi rồi về bảo nó ngã vực!
Cái vòng tròn người cười à à, ngả nghiêng. Bóng nắng cháy lung linh những tia lửa nhỏ.
Mái tóc đen dày trên đầu Pao nóng rát. Người Pao ngôn ngốt khó chịu. Bước lại cạnh con ngựa, Pao ngồi xuống, tay nắm bụng, tay sờ mũi con ngựa. Bụng con ngựa đầy bình bịch. Mũi con ngựa lạnh ngắt. Pao biết, ngựa có trăm thứ bệnh. Nước uống bẩn, lạnh, là hại ngựa nhất.
Người Nùng đứng ở đuôi con ngựa, run run cả hai chân. Pao quay lại, nhìn anh:
— Này, anh! Lấy cho tôi mấy củ tỏi, một cục diêm sinh.
— Củ tỏi? Diêm sinh ạ?
— Phải! Nhanh lên!
Pao đứng lên, nhìn quanh rồi quỳ rập xuống, hai đầu gối áp sát bụng con ngựa. Gáy Pao đỏ cháy. Hai bả vai Pao ngang, rộng, nở căng lần vải chàm bợt. Hai bàn tay Pao vần lưng con ngựa. Rồi bất ngờ, hầy một tiếng, Pao vòng hai tay qua lưng bụng con ngựa ốm, ôm phắt nó, vùng đứng dậy, hét to:
— Lùi ra! Cho nó vào chỗ mát! Lui ra!
— Hây dà! Ôm cả con ngựa kia!
— Ối giời! Khỏe quá! Khỏe quá!
Vòng người vỡ ra với những lời reo kinh ngạc. Con ngựa, nặng ịch. Hai cách tay đỏ hồng rắn câng, mặt Pao căng ứ, Pao bước những bước thật nặng nhọc.
Con ngựa bị cảm lạnh bụng trương phình, được xoa tỏi, thổi diêm sinh vào mũi, hắt xì hơi liên tục. Xoa bóp bốn vó nó một hồi nữa thì nó nghển cổ, loạo quạo bốn chân, gượng đứng dậy. Ngựa khỏe không nằm. Đứng dậy được, là con ngựa hồi sức khỏe lại rồi.
Người Nùng nọ mừng quá, mụn trứng cá đỏ sậm như bôi phẩm, trán mướt mồ hôi, kéo tay Pao, lắp bắp:
— Tôi là Mìn, ở Mường Cang, thế nào cũng đón anh sang chơi. Ơn anh, tôi không bao giờ quên. Giờ anh phải cùng tôi uống một bát rượu.
Pao co tay:
— Tôi không uống. Tôi cũng có tiền chứ!
— Rượu này rượu ân, rượu nghĩa. Anh không uống, anh coi tôi bằng nhau với con chó, anh người H'Mông ơi.
Pao cười, đành theo bạn.
Bấy giờ đã già trưa, là cữ chợ đang đông. Như bị hút vào với nhau, cả ngàn con người quần tụ lại, chen chúc trên một mỏm đồi, xung quanh vây bằng những túp nhà cỏ và những mái lều gianh. Đầu chợ, chim họa mi hót trong những chiếc lồng mắc trên dãy cây đào già. Mấy anh bán khèn đang biểu diễn điệu khèn xuân. Lợn giống trong rọ nằm ngửa tênh hênh, khoe những núm vú tí tẹo. Kềnh càng nhất là những hàng lâm thổ sản và hàng thủ công. Mây song cuộn từng vòng. Muôi gỗ đủ loại. Ghế mây tết mặt tròn vạnh. Hạt đuôi ngựa treo ở cột lều từng xâu dài. La liệt, lấp loáng dao quắm, dao phay, lưỡi cày loại cong vỏ đỗ, cuốc Hà Nhì lỗ rộng có con chêm to đùng.
Dưới những tán ô giấy xòe tròn, thuốc phiện bọc giấy bản to bằng nắm tay một xếp trên mặt lù cở * giang, cạnh những mớ tam thất, hoàng liên, gấu tàu hay cao hổ, cao khỉ, vẩy tê tê, dạ dày nhím.
Người mua đi lại như nước chảy. Các cô H'Mông váy áo mới sặc sỡ xanh, đỏ, vòng bạc sáng như thủy ngân tíu tít nói cười. Nắng lóng lánh mặt vải phết sáp ong. Các cô đi chợ là đi hội, đi với bạn tình.
Đàn bà muốn ăn thịt, đến tháng đẻ,
Đàn ông muốn ăn thịt, đến ngày chợ.
Đông nhất, chiếm một diện tích rộng nhất chợ là các quán ăn. Các quán ăn là nơi vui nhất. Ở đây, có thể gặp gỡ, trò chuyện. Vui vẻ và cáu kỉnh tha hồ bộc lộ. Rượu thịt là chỗ cuối cùng cánh đàn ông đi tới, sau khi đã mỏi cẳng vì đường xa, hoặc bán xong một cuộn mây, một con gà, một cái mật gấu.
Bởi vậy, ngoài những chõng lèng phân phần lớn là khách đàn bà, đến chợ nổi lửa sớm nhất vẫn là các hàng thắng cố và bây giờ khói vẫn bốc mạnh. Những chảo thịt vẫn cứ ình ịch sôi, không cạn. Thắng cố chó. Thắng cố dê. Thắng cố ngựa. Đủ loại. Nước trong chảo lúc nào cũng sủi bọt, tràn trên những miếng thịt chém vuông quân cờ. Vò rượu không biết vơi, nồng nàn từ đầu buổi chợ. Rượu, thắng cố đã có, thế là đủ. Còn thì mặc, ngồi đâu cũng được. Có ghế thì tốt. Không thì một tấm ván sệt trên đất cũng xong.
Quán lão béo ở chợ được khách nhất vì có rượu ngon, loại một sênh * bắp chỉ lấy có tám lít, nhấp tê lưỡi, đổ ra bàn tay, châm lửa cháy xanh nhoáng. Lão lại rộng rãi, không chắc lép. Khách quen, uống chịu là chuyện thường. Thiếu tiền mặt, gán bằng thuốc phiện, củ thuốc... cũng được.
Pao và người Nùng nọ tới quán lão béo khi khách đang đông. Chợ vãn, mua bán đã xong, ai cũng muốn ních đầy bụng thịt và chuếnh choáng hơi men rồi mới về nhà. Lão béo quả xứng với tên nôm na dân gian đặt. Núc ních như một xúc thịt. Không cổ. Ngực sệ từng tảng mỡ. Bụng phưỡn như đàn bà chửa. Cái mặt tròn xoay. Nếu không có cái nốt ruồi ở cằm loăn xoăn mấy sợi lông dài thì đặc mặt tượng. Lão ngồi trên khúc gỗ tròn, áo phanh ngực, quần soóc lửng lính Nhật chùm đầu gối. Cột lều buộc một con dê sữa lông trắng kêu be be như gọi mời khách tới.
Đông khách quá. Cả ba hàng ghế đều ken người mải miết, ồn ào ăn uống, trò chuyện. Hàng ghế bên trái có hai người — một già một trẻ, hai cha con vừa đứng dậy. Chỗ ngồi chật, họ ra ngoài lều, bê hai nạng thồ tới, mỗi người ngồi một, rồi lại tiếp tục cuộc đấu tửu.
Người Nùng dắt Pao vào chỗ ghế trống, ngồi xuống, đập khẽ tay lên mặt bàn:
— Cho một cân đây. Chén đầu chén cuối như nhau, đừng thấy say pha nước lã vào nhé, ông chủ quán.
Lão béo ghé chai rượu vào cái bát lớn:
— Đây không gian dối như thằng phở Kinh đâu.
— Thằng phở Kinh nào! Tôi chém bỏ mẹ nó!
— Thình! — Một người nào đó vừa đập bàn, quát lớn. Nghe tiếng quen quá. Pao ngẩng lên, thì vừa lúc người vừa quát kêu to:
— Pao! Mày ở đây à?
— Anh Lử!
Lử, anh trai Pao, ngồi ở hàng ghế bên kia đứng dậy, bước lại cạnh em. Lử, vóc dáng khác hẳn Pao. Pao mập, cao to, lực lưỡng. Lử choắt bé, nhưng rắn chắc, dẻo dai.
— Anh Lử, anh này tên Mìn, ở Mường Cang, bạn em.
— Hè hé... bạn tốt... sao không mời nhau chén rượu — Vỗ vai người tên Mìn, Lử ngồi xuống giọng lè nhè, rồi hất hàm vào chủ quán:
— Ngôi oan! Cho một bát dây!
"Ngôi oan"! "Ngôi oan"! Om sòm trong quán tiếng thúc gọi.
Những bát rượu trong xanh sóng sánh. Những tiếng khà, tiếng ực. Mùi thịt nồng hoi. Hơi rượu cay cay tê tê khứu giác. Những khuôn mặt đỏ cháy. Những nước da tái nhợt. Có tiếng nôn oặc oặc.
Lửa đang đốt những ngọn nhỏ dưới da mặt Pao. Da mặt Lử càng lúc càng nhợt. Càng lúc, Lử càng nói nhiều.
Đặt bát rượu, Mìn nhìn Pao, nhễ nhại:
— Khổ quá, bạn Pao à, Tưởng sang đây có muối bán... Hóa ra ông thổ ty Hoàng Văn Chao cũng đóng cửa đại lý như ông Nông Vĩnh Yêng bên Mường Cang tôi.
Lử xóc xóc cái túi nặng bạc trắng, mặt nghiêng nghiêng:
— Uống đi, Pao, tao trả tiền cho. Mấy hôm mày đi đâu? Đi theo tao có phải cũng được như tao không?
"Giá mà có từng ấy tiền thì mua được khẩu poọc hoọc". Pao nghĩ, nhìn anh trai:
— Mấy hôm vừa rồi anh đi đâu, anh Lử?
— Hé hé...
Cười chưa dứt, Lử đã đứng dậy. Pao cũng đứng dậy. Có tiếng thét tiếng chửi, tiếng cái bát rơi, cái nạng thồ đổ. Ở ngoài lều, cuộc đấu tửu của hai cha con người H'Mông khi nãy đã vào hồi quyết liệt, người già đang đè người trẻ xuống đất, tay ấn cái bát không vào mồm người trẻ, miệng gào khản đặc: “Uống đi con!”. Người con tức thì giãy giụa, bất đồ nhướn mình, đạp mạnh vào bụng người cha. Hai cha con sâu rượu quấn lấy nhau. Bụi mù mịt. Ruồi cất cánh vu vu.
Vỗ đùi khoái trá, Lử cười khành khạch:
— Hai cha con đấu tửu rồi đấu võ! Giỏi!
Pao chạy vào đám hai cha con người nọ đang ôm nhau dưới đất. Anh nắm bả vai người con giật mạnh: "Bỏ ra! Bỏ ra".
— Thằng Pao, việc của mày đấy à! Mặc nó chứ! Thằng Pao! Việc của mày đấy, hả!
Đang quát ngậu, mặt Lử bỗng tươi rờn. Có một bóng người vừa thấp thoáng ở bên phải lều, Lử quay lại gọi to:
— Seo Cấu! Seo Cấu!
Người được gọi lách qua đám đông bước tới. Thì ra đó là gã đổi ngựa. Pao can đám hai cha con người say rượu xong, đi vào quán, đứng ngẩn. Pao đã nhận ra. Người có khuôn mặt dữ tợn, má phải có vết sẹo kia là người ở bên thôn Phéc Bủng, cạnh Can Chư Sư, làng Pao, hình như đã có lần đến nhà Pao chơi.
Lử kéo Cấu vào quán, ấn Cấu ngồi xuống.
— Tao thấy mày lúc nãy ở đám múa khèn. Mê à! Tập kèn thì được ăn đùi bò. Tập khèn thì được ăn mũ nấm *. Cho cân nữa đây, chủ quán!
— Tao thích ăn mũ nấm. — Seo Cấu ngửa mặt cười — Tao bỏ con Seo Cả rồi. Con Seo Cả chạy về nhà Giàng Ly Trang bên mày làm con gái gầu phàng, gái dong * rồi.
— Phí thế. Con Seo Cả đẹp đấy chứ.
— Uống đi! Để tiền xây cái nhà như nhà ông tri châu à?
— Đ. mẹ, nước lã hả?
Lử rút con dao nhọn ở sườn, cắm sụt xuống bàn:
— Ông chủ quán, nước lã thì cho ông ăn trứng nhé!
Seo Cấu cũng rút con dao nhọn to bản đặt xuống cạnh bàn, nhăn nhở:
— Rượu này so với rượu ông tri châu cho uống thì đúng là nước suối. Lử à! Ông Tường, con ông tri châu bảo: có hai thằng Quốc dân Đảng...
— Kệ nó. Bọn ăn trộm trâu ở cầu La Hờ nó định lấy đầu ông Chao đấy. Đừng theo nó? Theo ông La Văn Đờ bên Pha Linh hơn.
— Ông Đờ bên ấy mới là người H'Mông mình! Uống nhé.
— Ừ uống!
Mặt Lử càng lúc càng bợt. Mồ hôi đẫm lưng. Mồ hôi có hơi rượu, đốt cũng cháy được. Cổ họng ứ nghẹn. Có cái gì ở bụng đang định phòi lên. Mắt Lử nhìn cái gì cũng thấy như cầu vồng. Cả thằng Seo Cấu cũng đỏ đỏ vàng vàng như cầu vồng. Mày đi đâu đấy? A! Đi kiếm ăn à! Có món nào gọi tao nhé. Ừ, túi tao loảng xoảng tiền. Tao giàu. Tao sẽ như tri châu. Tao bắt tất cả phải theo tao. Tao phải giết thằng Kinh bán phở chan nước lã. Tao phải đốt cả cái nhà nó.
Men rượu đang cháy rần rật trong da thịt Pao. Pao thấy chân tay mềm lả, rời rã, thú vị. Mìn cũng đã say, đầu dựa cột lều ngủ. Cái chợ đang hồi tàn, chống chếnh, la đà. Người say lăn lóc như cây gỗ trong các lều quán. Lát nữa, họ sẽ tỉnh. Những người vợ ngồi cạnh canh giấc ngủ dã rượu cho họ lúc ấy sẽ đỡ họ dậy, dìu họ lên ngựa. Đường về, chồng cưỡi ngựa, vợ nắm đuôi ngựa, chập choạng đi, dẫu xa cũng gần.
Pao nghĩ lơ mơ, sung sướng. Rồi thình lình Pao mở choàng mắt. Lử vừa rút con dao, chồm lên.
— Anh Lử, làm cái gì thế?
— Mặc tao!
— Anh Lử!
Pao vừa nhảy tới, ôm chặt hai cánh tay Lử. Hơi thở của Lử sặc sụa:
— Bỏ tao ra! Bỏ tao ra! Tao giết thằng Kinh bán phở.
— Anh Lử! Để rượu nó uống người à!
— Bỏ tao ra! Ôi giời! Oặc... ọc, ọc... ọc...
Lử rụi xuống đất, oặc ra một đống bầy nhầy, rồi cứ từng đợt, thót bụng lên, ọe oẹ.
Pao trở về chỗ ngồi khi nãy. Cơn say mơ màng chưa tan, cứ phảng phất, dễ chịu. Mắt Pao khép hờ, dim díp mỏi mỏi. Có người nào đó vừa vào quán. Ực ực tiếng nuốt. Tiếng con dê be be. Cả tiếng con chó gặm xương cột cột nhẫn nại.
— Giàng Ly Trang sao ra chợ muộn vậy? Con chó béo nhỉ?
Nghe tiếng lão chủ quán, Pao mở mắt. Cạnh Pao nằm, một con chó vàng, lông xù, mặt nhỏ lút trong đám lông, đang gặm một khúc xương giữ bằng hai chân trước. Chủ nó ngồi quay lưng lại phía Pao, lè nhè giọng rượu:
— Ông tri châu gọi nên phải đi thôi. Chứ có muốn đi đâu!
— Chắc có việc gấp. Nghe nói Việt Minh họ sắp vào châu ta?
— Có chuyện ấy à?
— Tôi nghe người ra tỉnh về nói: Quốc dân Đảng kéo binh lính về chật tỉnh lỵ.
Người khách nọ đứng dậy. Pao ngẩng lên. Pao nhận ra ông ta là Giàng Ly Trang, lý trưởng làng mình. Giàng Ly Trang xịt mũi, quay lại lão béo:
— Ông tri châu gọi tôi vì chuyện lão Pâu làng tôi. Lão này bị ông tri châu bắt vì phạm tội nuôi lợn đực giống. Việc này ông tri châu cấm từ lâu rồi.
Pao không nghe thấy lời ông Giàng Ly Trang. Pao đang mải nghĩ: “Ta ra tỉnh về, ta còn lạ gì. Quốc dân Đảng là bọn xấu. Nó sợ Việt Minh. Việt Minh là ai? Ông bà Lìu yêu Việt Minh. Chắc Việt Minh tốt”.
Đứng dậy, Pao lay vai Mìn, hẹn ngày sang chơi Mường Cang rồi ra chỗ Lừ ngủ:
— Anh Lử, dậy, dậy, về ngựa với em đi!
Lử đã dã rượu, nhưng mệt lử. Ấy thế, thoạt đầu rượu là bạn, sau nó là kẻ thù, nó ngấm vào người, cắn xé rồi làm tê bại bắp thịt, tháo lỏng các khớp xương. Người Lử lúc này như tàu rau cải hơ hơi nước để làm dưa cải cay. Ngồi trên lưng ngựa hắn cứ ngật ngà ngật ngưỡng, rồi gục xuống rũ hẳn trên cổ ngựa. May được con ngựa ngoan, đi bước êm và Pao đi trước, dắt cương nó đi theo.
Ra khỏi chợ, hai con ngựa lững thững bước. Gió chiều hun hút, mỗi lúc một mạnh. Sương từ các đỉnh núi đang ùa xuống, thả mù trắng xóa trong thung lũng chật.
Hai con ngựa leo dốc. Đồi úp thoai thoải. Gió ào ào, vu vu, lắc cành sa mộc và lật tung phiến lá xanh mặt dưới trắng ngầu phấn của cây ngải cứu. Đây đó bốc dậy mùi thơm của lá mùi gai bị chân ngựa giẫm in một vệt xanh xẫm.
Rên một tiếng khẽ, đang lờ ngờ, Lử bỗng nhổm dậy. Hắn đã tỉnh. Thúc ngựa lên cạnh Pao, hai mắt Lử nheo nheo vằn vằn đo đỏ:
— Pao à? Mày là đứa tốt. Mày tốt thật!
— Xì, vẫn say à, anh Lử?
— Hừm... Tao không như mày. Họ đánh nhau mặc họ...
Dừng ngựa, hai con mắt bỗng như bừng mở, Lử ngây người nhìn Pao. Như lần đầu Lử nhìn thấy Pao. “Thằng Pao đẹp người quá. Con Seo Ly mê nó. Sao nó không cướp con bé? Phải tay mình...”.
Ý nghĩ chợt tắt, Lử giật cương, quay ngựa. Phía sau có tiếng chân ngựa dồn và tiếng người hú dài:
— A Lử! A Lử...
Đục qua màn sương đục, một bóng ngựa đen đang đi tới. Lử quay hẳn lại:
— Seo Cấu?
— Đi! Đi với tao, A Lử! — Áp sát ngựa vào ngựa của Lử, Seo Cấu hổn hển. Khẩu súng Trung Chính đặt trên hai đùi. Mặt Seo Cấu nhoáng hơi nước mưa.
Pao quay ngựa lại, gọi giật:
— Anh Lử, về thôi.
Hai con ngựa của Lử và của Seo Cấu quẩn thành hai cái vòng tròn nhỏ. Óc Lử quay quay: Thằng Seo Cấu chắc tìm được món gì rồi. Bọn buôn thuốc phiện lậu? Hay bọn lái buôn vải, muối? Hay đám cướp trâu?
— Anh Lử! Về thôi. Làng đang sửa soạn hội nào sồng cuối năm, về thôi! — Pao gọi.
“Hôm nay cũng mệt rồi...” Lử nghĩ thấp thoáng nhưng hắn bỗng giật mạnh cương ngựa, áp tới cạnh Pao:
— Pao? Pao đi với anh. Một lát rồi về thôi mà.
“Anh Lử đang còn hơi rượu. Lúc này mà bị cảm là không chữa được đâu!”. Pao nghĩ, đành quất ngựa đuổi theo Lử.
Ba con ngựa như ba ngọn gió lồng nối nhau kẻ một vệt trên lưng núi đá xuyên qua rừng gianh, qua rừng cây thành ngạnh. Lát sau tụt xuống một bãi đất bằng, ba con ngựa dừng lại. Đứng ở đây, Pao nhìn thấy con sông Chảy một vệt sáng như ánh thép. Pao có thể nhìn thấy con đường từ sông Chảy ngược lên, ngoằn ngoèo len lách qua núi đồi, in vệt hồng hồng như sợi chỉ thêu.
Phắt xuống ngựa, Seo Cấu vặt một túm cỏ gầm ghè:
— Có hai thằng, chúng từ sông Chảy lên, đi hai con ngựa, Lử à.
— Bọn lái buôn hả?
Pao rùng mình: “Bọn này cướp đường à!”. Pao gọi:
— Anh Lử, không được thế.
Nhưng Lử đã vứt day cương nhảy xuống đất, chạy theo Seo Cấu. Chúng đã thấy mồi: "Đù a *! Bọn này...". Pao hộc lên một tiếng, nhảy xuống ngựa.
Uốn vòng giống một cái quai chảo, con đường trước mắt Seo Cấu lồi ra rồi hõm vào, chênh vênh bên bờ vực. Hai con mắt Seo Cấu săm soi. Gã đã bắt được tiếng chân ngựa và đã nhìn thấy hai bóng ngựa, một trắng, một xám đang trên đường đi tới. Hai con ngựa bước thủng thẳng. Chủ nó chắc cũng đã thấm mệt. Ngó xuống thấy rõ là họ không có súng, Seo Cấu liền kéo tay Lử chạy lên. Và khi vừa thấy hai bóng ngựa nọ vừa hiện ra ở khúc ngoặt, Seo Cấu cùng Lử liền co chân nhảy ào xuống, đồng thanh hét:
— Đứng lại!
Bật ngửa cổ vì bất ngờ, hai con ngựa một trắng một xám liền quay ngang, chân díu như vướng dây.
Hai tay nâng khẩu Trung Chính, Seo Cấu sấn sổ bước tới trước mặt con ngựa trắng:
— Xuống ngựa! Đây không giết đâu. Có tiền bạc thì bỏ ra!
Kỳ lạ, không đúng như Seo Cấu chờ đợi, hai con ngựa bị chặn đã nhanh nhẹn tản ra hai bên đường. Và người cưỡi trên lưng con ngựa bạch nhổm lên nói rất to: “Đồng chí Kiên! Khoan đã” như can ngăn bạn mình, rồi thúc ngựa tới trước mặt Seo Cấu:
— Các anh là ai mà ra chặn đường chúng tôi?
Chà, đã không chịu xuống ngựa lại ngang nhiên vặn vẹo. Seo Cấu quay lại, Pao vừa kéo Lử tụt vào lùm cỏ bên đường.
Con ngựa bạch lại dấn lên một bước:
— Các anh lui ra cho chúng tôi đi. Chúng tôi là Việt Minh. Chúng tôi lên làm việc với ông tri châu.
Đứng lì tại chỗ, Seo Cấu định giương súng. Nhưng khẩu Trung Chính vừa nâng tới ngang vai, gã đã kêu ối. Và ngã nghiêng vào vách núi.
Đẩy Seo Cấu sang bên, Pao giật khẩu súng từ tay gã, chạy ra giữa đường, giơ hai tay lên cao:
— Các anh đi đi. Chỉ có nó là đứa cướp đường thôi!
Hai con ngựa rình rịch đi tới trước mặt Pao. Người cưỡi ngựa trắng vóc cao, da sạm nắng, nắn rỏi, mặc cái áo vét ka ki xám, đội mũ bê rê đen. Người cưỡi con ngựa xám to ngang, đội mũ cát két dạ, mặt lầm lầm, tay cầm khẩu súng ngắn, chỉ mặt Pao:
— Này, về mà dạy bảo nhau, không thì có bửa võ sợ nhé.
— Đồng chí Kiến!
Người cưỡi ngựa trắng gọi bạn rồi cúi xuống nhìn Pao. Pao nghển lên:
— Các anh là Việt Minh đánh Quốc dân Đảng à?
— Đúng thế. Anh là người H'Mông à? Cám ơn anh đã giúp chúng tôi đánh tên cướp.
Pao gật đầu. Người nọ vẫn nhã nhặn:
— Từ đây đến nhà ông tri châu Hoàng Văn Chao còn xa không?
— Gần thôi.
— Đi đường nào?
— Để tôi dẫn các anh đi.
Pao đi tìm ngựa. Seo Cấu và Lử đã lủi đi từ lúc nào. Lát sau, Pao trở lại. Ngựa Pao đi trước. Bây giờ Pao chưa hay biết, theo sau Pao là ngựa của Lê Chính, trưởng ban cán sự tỉnh và Kiến, ủy viên ban cán sự tỉnh. Họ là một bộ phận của đoàn cán bộ từ vùng xuôi mới lên hiện đóng bản doanh ở bờ sông Chảy. Họ có nhiệm vụ đi đến các vùng thổ ty để tổ chức khối liên kết toàn dân đánh Quốc dân Đảng, giải phóng mảnh đất cuối cùng này của Tổ quốc.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe