Số lần đọc/download: 1462 / 23
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 8 -
K
atia giật mình thức dậy với linh tính biết trước hôm nay là ngày N. Trong người thiếu phụ tân tiến này còn có những khuynh hướng mê tín dị đoan.
Ở bên ngoài những bức màn đã sờn, ánh mặt trời đục mờ chiếu sáng các sân trước của các ngôi nhà gạch ở vùng ngoại ô phía bắc của thành phố Matxcơva.
Hôm nay là ngày thứ hai, nàng nghĩ thầm. Ta đang nằm trông giường của ta.Cuối cùng ta đã thoát khỏi con đường ấy. Nàng nhớ lại giấc mộng của mình.
Nàng nằm yên ko nhúc nhích một lát, tìm cách xua đuổi những tư tưởng đen tối của mình, nhưng không có kết quả. Thế là với bản tính năng động, nàng nhảy ra khỏi giường và đi vào phòng tắm.
Như Landau đã để ý, nàng xinh đẹp, cao lớn, thân thể đầy đặn, dáng hình có những đường cong rõ nét, cặp giò rắn chắc. Màu tóc màu đen bù xù, làm cho nàng có vẻ như một cô bé người rừng khi nàng không chải tóc. Với gương mặt tinh nghịch và thông minh, hình như nàng làm tăng vẻ sống động những vật xung quanh.
Sự duyên dáng biểu hiện trong mỗi cử chỉ của nàng, dù nàng có mặt quần áo hay không.
Tắm xong, Katia khóa cái vòi nước lại thật kỹ. Nàng hát khe khẽ trong miệng và cầm cái gương soi trở lại phòng ngủ để mặt quần áo. Nàng lại nghĩ đến con đường ấy. " Nhưng nó ở đâu kìa? Ở Leningrad hay ở Matxcơva" Nàng tự hỏi. Nước nàng tắm đã không rửa sạch kỹ ức giấc mộng của nàng.
Phòng ngủ của nàng là căn phòng nhỏ nhất trong ba phòng của căn hộ chật hẹp. Nhưng Katia đã quen sống nơi chật chội này, và các cử chỉ nhanh nhẹn để chải tóc trước khi đi làm có vẻ nhục cảm tự nhiên. Đáng lẽ nàng phải có một căn hộ nhỏ hơn, nếu công việc của nàng đã không làm cho nàng được cấp thêm hai mươi mét vuông. Bác Matvei ở chung hộ với nàng, nên nàng cũng được cấp thêm chín mét vuông nữa.
Con đường ấy có lẽ ở Kiev, nàng thầm nghĩ, nhớ lại cuộc tham quan mới đây tại thành phố ấy. " Không phải. Đường Kiev rộng, còn đường kia hẹp", nàng nhủ thầm.
Đang khi nàng mặc áo quần, thì trong chung cư, người ta bắt đầu thức dậy. Và Katia hoàn toàn trở lại với cuộc sống thực tế thường ngày ở đây.
Trước hết, đồng hồ báo thức của gia đình Goglidze điểm sáu giờ rưỡi, tiếp theo là tiếng sủa vang của con chó barzoi đã được mở xích muốn chạy ra ngoài. Tội nghiệp gia đình Goglidze, ta phải biếu họ một cái gì mới được, nàng tự nhủ. Tháng trước, Natacha đã mất mẹ và thứ sáu vừa rồi người ta đã phải đưa bố nó đi bệnh viện cấp cứu. Ta sẽ biếu họ mật ong, nàng quyết định, và đồng thời vì liên tưởng, nàng mỉm cười buồn bã nhớ lại người tình cũ, một họa sĩ có nuôi một tổ ong mật trên mái nhà. Theo các bạn bè của Katia ông ta đã đối xử với nàng một cách kỳ cục. Nhưng nàng luôn tìm cách bào chữa cho ông ta. Nói cho cùng, đó là một nghệ sĩ, hơn thế nữa, là một thiên tài. Và cũng là một người tình tuyệt vời nữa. Ông ta đã làm cho nàng vui cười khi nào ông ta không nổi cơn khùng. Nàng đã yêu ông ta chính vì ông ta đã làm được một việc không thể làm được.
Rồi nàng nghe tiếng khóc khúc khích của thằng bé nhà Volkhov, và một lát sau là tiếng nhạc Rock Mỹ của dàn máy stéréo Nhật mà gia đình ấy mới tậu được. Làm sao họ có thể xài sang được như thế nhỉ? Katia tự hỏi. Elisabeth luôn luôn mang bầu và Sactha chỉ với đồng lương một trăm sáu mươi rúp tháng...Sau gia đình Volkhov, đến lượt gia đình Karpov, những người luôn luôn rầu rĩ và chỉ nghe đài phát thanh Matxcơva. Một tuần trước, bao lơn căn hộ của họ đã sập, đè chết một viên cảnh sát và một con chó. Các nhóc con tinh nghịch trong khu chung cư đã tổ chức quyên tiền để chôn con chó đó.
Bây giờ, Katia chuẩn bị làm nhiệm vụ cung cấp lương thực cho cả chung cư. Thứ hai, đôi khi có thể mua gà và rau tươi một cách lén lút từ thôn quê lên. Một người anh em họ của Tania, bạn nàng, làm trung gian. Nàng sẽ gọi điện cho Tania.
Ý nghĩ ấy làm nàng nhớ lại các vé đi dự cuộc hòa nhạc. Ngay khi đến văn phòng, nàng sẽ nhận các vé của Philharmonique mà Nhà xuất bản Barzine đã hứa với nàng.
Sau khi đi mua các thức vào giờ ăn trưa, nàng sẽ giao các vé ấy cho người gác cổng Moroov để đổi lấy hai mươi bốn miếng xà phòng nhập cảng gói trong giấy kiểu ngộ nghĩnh. Với lại xà phòng sang trọng ấy, nàng sẽ mua một khổ vải ca-rô màu xanh lục bằng len mà ông chủ quản lý cửa hàng may mặc đã hứa để dành cho nàng. Tối nay, sau cuộc tiếp tân chiêu đãi các vị khách Hunggary, nàng sẽ giao khổ vải ấy cho Olga Stanislavski để nhờ may hai cái áo sơ mi, vì Olga mới đổi được cái máy Singer cũ lấy một cái máy may mới của Đông Đức. Vừa kịp đúng ngày sinh nhật của hai đứa con sinh đôi của nàng.
Và thế là vĩnh biệt cuộc hòa nhạc.
Máy điện thoại để trong phòng khách, nơi bác Matvei ngủ. Một máy điện thoại màu đỏ, loại sang, sản xuất ở Balan, mà Volodia đã lén lút lấy ở xưởng nơi ông làm việc và đem về nhà riêng. Ông ta đã tế nhị không mang đi khi ông chia tay với Katia. Nàng nhón chân đi nhẹ nhàng, vì bác Matvei đang còn ngủ. Matvei là anh của bố Katia. Nàng kéo sợi dây điện thoại về tận phòng nàng, đặt máy lên giường và bấm số.
Trong gần hai mươi phút, nàng điện cho các bạn của nàng, trao đổi tin tức vặt với nhau, phần nhiều là để biết chỗ nào có thể mua cái này hay cái khác, và đôi khi đề cập đến những đề tài riêng tư hơn. Hai lần, khi nàng đặt máy xuống, thì chuông lại reo lên. Alexandra đã đánh giá nhà sản xuất cuốn phim Tiệp cuối cùng là một người tuyệt vời không thể tưởng tượng nổi. Đêm hôm trước, ông ta ở tại nhà Zoia và bây giờ Alexandra muốn gọi điện nói chuyện với ông ta cho vui. Nhưng không biết viện cớ gì? Katia đào óc suy nghĩ và gợi ý cho cô ta: hãy nói về ba nhà điêu khắc tiền phong, lâu nay bị cấm, bây giờ được phép trưng bày tác phẩm tại trụ sở nghiệp đoàn công nhân đường sắt. Vì sao không mời ông ta cùng đi với mình đến đó? Alexandra hớn hở cảm ơn. Katia luôn có những ý kiến phi phàm.
Olga thì cho Katia biết trái dứa Cuba được bán trong một cửa hàng ở phía sau đường Kropotkine.
Gọi điện xong, Katia chợt cảm thấy bực bội vì cuốn sách vì về tài giảm vũ khí mà Nazayan đã cho nàng mượn. Nazayan là người chịu trách nhiệm về các tác phẩm đầu tay ở Nhà xuất bản Tháng Mười. Không ai ưa ông ta cả, người ta không hiểu vì sao ông ta đã có được vai trò quan trọng ấy. Nhưng rồi chẳng bao lâu người ta để ý thấy ông ta giữ chìa khóa của chiếc máy photocopy duy nhất, điều đó chứng tỏ ông ta ở trong hàng ngũ những người có trách nhiệm. Tại căn hộ của Katia, các kệ sách được xếp đầy từ sàn đến trần dọc hàng lang. Nàng đi tìm quyển sách Con ngựa thành Troie để tống khứ nó đi, quyển sách mà Nazayan đã đem vào nhà nàng.
Một hôm, trong lúc ông ta:
- Tôi tin một người nào đó sẽ dịch quyển sách ấy? Có phải vì thế mà ong muốn tôi đọc quyển sách ấy không?
Ông ta đã trả lời:
- Tôi nghĩ rằng cô sẽ thích đọc quyển sách ấy. Cô đã có con cái và là người theo chủ nghĩ tự do. Cô đã nổi giận về sự cố Tchernobyl. Nhưng nếu cô không muốn mượn quyển sách ấy, thì đó là quyền của cô.
Katia tìm thấy quyển sách đáng ghét ấy nằm kẹt ở giữa tác phẩm của Hugh Walpole và tác phẩm của Thomas Hardy. Nàng lấy một tờ báo bọc nó lại và nhét vào cái túi lưới của mình. Rồi nàng móc túi lưới vào nơi cái tay nắm của cánh cửa ra vào, vì mấy lúc này nàng có thể nhớ tất cả cũng như quên tất cả.
"Cái tay nắm của cánh cửa này chúng mình đã mua nó ở chợ trời!- nàng thầm thì trong một lúc tình yêu đột ngột dâng trào trong lòng nàng, - Volodia, người chồng yêu dấu và khó chịu của em, tội nghiệp! Chắc anh đang nhớ thời quá khứ!"
Nàng tưới các chậu cây một cách nhanh chóng, rồi vào đánh thức hai đứa con sinh đôi nằm ngủ lọn đầu đuôi trong một cái giường ngủ nhỏ chung cho hai đứa. Katia cuối xuống nhìn chúng một cách âu yếm, không nỡ đánh thức chúng ngay lập tức. Rồi nàng mỉm cười để chúng thấy nàng đang mỉm cười khi chúng mở mắt ra.
Sau đó nàng dành một giờ để chăm sóc con như mỗi ngày. Nàng nấu món canh kacha cho chúng, bóc vỏ cam cho chsung và cùng hát với chúng những bài hát trẻ con. Trong lúc chúng uống trà, nàng chuẩn bị bữa ăn trưa cho chúng: bánh bột mì cho Serguei, bánh bột mạch đen cho Anna và mỗi đứa một cái bánh bột rán nhân thịt. Rồi nàng gài nút áo cho Serguei và sửa lại khăn quàng đỏ cho Anna. Nàng ôm cả hai đứa trước khi chải tóc cho chúng lần chót, vì ông hiệu trưởng trường tiểu học là một người theo chủ nghĩa Liên Sla-vơ, mà đối với người theo chủ nghĩa này, thì ăn mặc chỉnh tề là một biểu hiện của lòng tôn kính tổ quốc.
Sau đó, nàng ngồi xổm trên sàn nhà, ôm chặt hai đứa con, như tất cả thử hai từ một tháng nay.
- Hai con của mẹ ngoan lắm, hai con sẽ làm gì nếu một tối nào đó mẹ không về, vì mẹ bận đi họp hay đi thăm một người bạn bị bệnh?- Nàng hỏi, giọng dịu dàng.
- Con phôn cho ba và con nói với ba hãy đến đây với con, - Serguei đáp và gỡ tay mẹ nó ra.
- Và con, con chăm sóc ông Matvei, - Anna nói thêm.
- Nếu ba cũng đi vắng, thì các con sẽ làm gì?
Cả hai đứa cười khúc khích.
- Chúng con sẽ đi đến nhà dì Olga, - Anna reo lên. - Và chúng con sẽ lên dây cót cho con chim canari máy để nó hót cho chúng con nghe.
- Và hai con có nhớ số điện thoại dì Olga không? Hai con có thể hát số điện thoại ấy cho mẹ nghe như hai con chim cu gáy không?
Cả hai đứa bắt chước giọng chim cu và cả ba mẹ con phá lên cười.
Chúng nó còn cười khi bước xuống cầu thang hôi hám được dùng làm tổ uyên ương cho đám thiếu niên nam nữ, làm quầy bán rượu cho các bợm nhậu và rõ ràng là phòng toilet cho mọi người, ngoại trừ chúng. Khi ra khỏi cầu thang, ba mẹ con đi song song, Serguei và Anna mỗi đứa cầm một bàn tay của Katia.
- Này Serguei, mục đích phấn đấu ngày hôm nay của đồng chí là gì? - Katia hỏi với vẻ nghiêm nghị giả vờ sửa lại cổ áo cho Serguei thêm một lần nữa.
- Phục vụ nhân dân hết sức mình.
- Và?
- Và không để Vitali Karpov ăn cắp đồ ăn trưa của con!
Luôn luôn cười, hai đứa anh em sinh đôi đi băng qua công viên để đến trường, và Katia vẫy tay chào cho đến lúc chúng đi khuất.
Trong tàu điện ngầm, Katia để ý đến sự thể người ta đọc báo, một điều rất hiếm thấy một năm trước đây. Nếu là một năm trước, có lẽ Katia cũng đọc một tờ báo, hay một quyển sách, hay một bản thảo về côn việc của nàng. Nhưng hôm nay, mặc dù hết sức cố gắng để quên đi giấc mộng kỳ cục của mình, nàng vẫn sống lại quá nhiều giai đoạn khác nhau trong cùng một lúc. Nàng làm món cá xúp cho bố nàng để được bố thứ lỗi; nàng bị bà già Tatiana Sergueiévna quở trách vì nàng thiếu chăm chỉ trong lúc học đàn piano; nàng chạy ngoài đường, không thể nào thức dậy được. Hay nói cho đúng hơn, con đường đuổi theo nàng.
Khi đến cơ quan làm việc, nàng ngạc nhiên nhìn thấy có những người thợ cầm búa cầm cưa ở trong tiền phòng. Trong một khoảnh khắc, nàng có ấn tượng khủng khiếp rằng các người thợ ấy đến dựng một cái đoạn đầu đài để xử tử nàng.
- Các người thợ ấy đến để sửa chữa mấy chỗ hư hỏng, - ông già Morozov giải thích với giọng ồ ồ. - Tiền đã được cấp cách đây sáu năm rồi. Bây giờ người ta mới ký giấy cho thực hiện. - Ông lão Morozov luôn luôn tìm dịp để trao đổi với Katia vài lời.
Nàng đi lên cầu thang một cách vội vã, không hiểu sao nàng lại vội vã đến như vậy. Về sau khi nhớ đên điều này, nàng tự hỏi phải chăng máy điện thoại của nàng ở trên đó đã thúc giục nàng bước nhanh, vì chuông đang reo rộn rã khi nàng bước vào phòng làm việc.
Katia cầm điện thoại lên và vừa thở hổn hển vừa hỏi: "Ai?" nhưng liền hối tiếc đã nói hấp tấp đến thế, vì nàng nghe một giọng nói đàn ông hỏi bằng tiếng Anh: "Có phải bà Orlova không?".
- Chính tôi đây, - nàng cũng trả lời bằng tiếng Anh.
- Bà Ekaterina Orlova?
- Vâng. Ông là ai? Ông vui lòng cho biết quý danh. Có phải là Lord Peter Wimsey không? Ai?
Lại một đứa trong đám bạn bè của mình muốn chọc mình đây, nàng tự nhủ, hay một lần nữa lại là chồng của Liouba. Nhưng đột nhiên nàng cảm thấy miệng nàng khô khốc.
- Bà không biết tôi đâu. Tôi tên là Scott Blair. Barley Scott Blair, Nhà xuất bản Abercrombie and Blair ở Luân Đôn. Tôi đang có công việc ở đây. Chúng ta có một người bạn chung là Niki Landau. Niki đã tha thiết yêu cầu tôi gọi điện cho bà. Tôi rất hân hạnh được nói chuyện với bà.
- Tôi cũng thế - Nàng trả lời, đột nhiên cảm thấy toàn thân nóng bừng và bụng nhói đau.
Vừa lúc ấy Nazayan bước vào, hai tay đút trong túi quần, râu không cạo. Đó là cái lối ông ta muốn tỏ ra là người trí thức. Thấy Katia đang cầm điện thoại, ông ta nhún vai và bĩu môi, tỏ ý khiển trách. Ông ta muốn nàng đặt máy xuống.
- Xin chào, Katia Borissovna! - Ông ta kêu lên, giọng nhạo báng.
Nhưng ở đầu kia đường dây, người đối thoại của nàng đã tiếp tục nói một cách khẩn thiết. Một giọng nói mạnh mẽ - giọng của một người đàn ông vóc dáng cao lớn - nàng nghĩ thế, một giọng nói quả quyết, kiêu hãnh, loại người Ăng-lê phục sức đắt tiền, hai tay chấp sau lưng.
- Đây là lý do tôi gọi điện cho bà- ông ta nói - Hình như Niki đã có hứa với bà sẽ tìm cho bà những tác phẩm của Jane Austen, ấn bản cũ, đúng không?
Và không để nàng có kịp thời giờ trả lời, ông ta nói tiếp ngay:
- Tôi có đem theo đây hai tác phẩm, tôi phải nói là khá hay, và tôi mong được biết chúng ta có thể gặp nhau ở một nơi nào đó tiện cho bà và tôi, để tôi trao cho bà hai tác phẩm ấy.
Nhìn nàng một cách giận dữ chán chê rồi, Nazayan bắt đầu lục lọi trong cái khay đựng công văn thư tín mới nhận, theo thói quen của ông ta.
- Quả thật ông quá tốt! - Nàng nói trong máy với giọng tỉnh bơ.
- Niki cũng có gởi cho bà một tấn trà Jackson, do tôi chuyển giao.
- Một tấn? - Katia kêu lên- Thật sự ông muốn nói gì?
- Thú thật,chính tôi cũng không biết Jackson luôn luôn có được một cơ sơ kinh doanh phát đạt vững chắc như vậy. Trước kia họ có một tiệm trà thật, sang trên đại lộ Piccadillyf chỉ cách Hatchard vài nhà. Nói tóm lại, tôi có ở đây ba thứ trà khác nhau của họ.
Một phút im lặng. " Thôi rồi, ông ta đã bị bắt", nàng thầm nghĩ: "Cú điện thoại này chẳng bao giờ có. Đây còn là giấc mơ của mình.Ôi, lạy Chúa, tôi phải làm gì đây?"
-... Assam, Darjeeling và Orange Pekoe, "Pekoe" là gì nhỉ? Theo tôi, đó là một con chim nhập từ nước ngoài thì phải?
- Tôi cũng không biết nữa. Tôi thiết nghĩ đó là một loại cây.
- Và tôi thiết nghĩ là bà nói có lý. Dù sao đi nữa, phải quyết định bằng cách nào để tôi có thể đem đến cho bà tất cả mọi thứ. Tôi đem đến cho bà ở đâu? Hay là bà có thể đến khách sạn để dùng một ly rượu và để chúng ta có dịp làm quen?
Nàng bắt đầu hiểu ra những lời lẽ ba hoa của ông ta, cốt để cho nàng có đủ thì giờ để trấn tĩnh lại. Nàng đưa bàn tay lên sờ mái tóc, ngạc nhiên thấy tóc mình được chải gọn gàng.
- Ông không nói cho tôi biết ông ở khách sạn nào.
Nazayan quay phắt đầu về phía nàng, tỏ dấu chê bài.
- Ôi, lạy Chúa, tôi thật là ngốc! Tôi ở Odessa. Chắc bà biết. Ở cuối đường xưa kia là các hồ tắm công cộng. Tôi rất thích khách sạn ấy. Tôi luôn luôn muốn có một phòng ở đó, nhưng có khi không được.Ban ngày, thường thường tôi bận, vì có các cuộc hội họp. Nhưng tối, tương đối rảnh rang hơn. Nếu không có gì trở ngại...vì sao chúng ta lại không chọn tối nay nhỉ? Không nên để công việc đến ngày mai bao giờ.... Tối nay, bà thấy được không?
Nazayan châm một điếu thuốc hút, mà ở đây mọi người đều biết Katia rất ghét mùi thuốc lá. Katia nhăn mặt ghê tởm:
- Được. Tối nay tôi phải đi dự một cuộc tiếp tân chính thức tại khu phố ông ở, để chiêu đãi một phái đoàn Hunggary - nàng nói thêm.
- Tuyệt vời! Mấy giờ? 18 giờ? hay 20 giờ? Tùy bà.
- Cuộc tiếp tân bắt đầu vào lúc 18 giờ. Tôi có thể tìm gặp ông... có lẽ vào lúc 20 giờ 15.
- Vào lúc 20 giờ 15. Tốt lắm. Bà đã ghi rõ ràng chưa? Scott Blair. Scott trùng tên với nhà thám hiểm đã hy sinh ở Nam Cực, và Blair là cái lỗ mũi. Xin lỗi.
Tôi nói thế cho bà dễ nhớ. Tôi cao vào gầy. Già rồi, đã hai trăm tuổi và đeo kính, nhưng với kính ấy tôi không thấy gì cả. Niki có nói với tôi rằng bà là một tuyệt sắc giai nhân, chẳng khác nào tác phẩm phỏng theo tượng thần Vệ Nữ Milo, cho nên tôi sẽ nhận ra bà, dễ thôi.
- Thật là tức cười - Nàng kêu lên, và không thể không phì cười.
- Tôi sẽ đợi bà trong tiền sảnh khách sạn. Nhưng tôi cứ cho bà số phòng của tôi, để phòng mọi sự bất ngờ. Bà có cây bút đấy chứ?
Nàng ghi trước khi cúp máy và thả lỏng cho các tình cảm trái ngược xâm chiếm tâm hồn mình. Nàng xoay người về phía Nazayan, nổi khùng nói:
- Grigori Tigranovitch, dù chức vụ của ông là gì đi nữa, ông không có quyền la cà trong phòng làm việc của tôi, lục lọi giấy tờ thư tín của tôi và nghe các cuộc điện đàm của tôi. Đây, quyển sách của ông đây. Nếu ông có điều gì muốn nói với tôi, thì một lát nữa ông hãy trở lại.
Nàng lấy bản thảo một bản dịch tài liệu về các hợp tác xã nông nghiệp ở Cuba và lật từng trang, giả vờ đếm. Một giờ sau, nàng điện cho Nazayan.
- Tôi xin ông thứ lỗi cho tôi. Một trong những người bạn thân của tôi mới mất cuối tuần vừa rồi. Tôi như người mất trí.
Đến giờ ăn trưa, nàng thay đổi tất cả những điều nàng đã dự tính lúc sáng sớm. Morozov vẫn sẽ nhận được các vé, người bạn hàng, các bánh xà phòng thơm và Olga Stanislavski, tấm vải của nàng. Katia đi bộ một lát, rồi đi xe buýt chứ không đi taxi. Xuống xe, lại đi bộ. Băng qua hết sân này đến sân khác, cho đến một khu nhà đổ nát mà nàng tìm, và đi vào con đường hẻm dọc theo khu nhà ấy.
" Đó là cách duy nhất để liên lạc với tôi khi khẩn cấp, ông ta đã nói. Người gác cổng là một trong những người bạn thân của tôi. Lão ta sẽ không biết ngay cả người làm ám hiệu."
"Phải tin tưởng những gì chúng ta làm", nàng nhớ lại. " Bà, tôi tin tưởng như thế, hoàn toàn tin tưởng".
Nàng cầm sẵn nơi tay cái bưu thiếp in châm dung nhà danh họa Rembrandt có ghi " Gửi lời thăm tất cả" và ký tên "Alina", tiếp theo là một trái tim vẽ tay.
Katia đã tìm được con đường. Nàng đi theo con đường đó, và đó là con đường trong giấc mộng của nàng. Nàng bấm chuông ba lần, rồi cho tấm bưu thiếp vào dưới kẹt cửa.
Một buổi sáng thật lý tưởng ở Matxcơva, trời trong sáng hứa hẹn một bầu không khí trong lành như trên núi cao, một ngày mà người ta tha thứ tất cả mọi sự. Sau khi điện thoại cho Katia, Barley từ trong khách sạn đi ra lề đường đầy ánh nắng. Ông vươn vai, vươn cổ để thư giãn, rồi mở rộng tâm trí đón nhận làn sóng tiếng động và mùi vị của thành phố, để nhấn chìm trong làn sóng ấy các điều lo âu của mình. Xin chào mùi ét-xăng, mùi thuốc lá, mùi nước hoa rẻ tiền, mùi nước sông! Xin chào các đoàn xe từ ngoại ô đổ vào trung tâm thành phố! Những chiếc cam nhông màu nâu với tiếng động cơ nổ bất tận, nối đuôi nhau chạy dọc theo các đại lộ rải rác những ổ gà. Xin chào các chiếc xe Li-mu-din sang trọng kính mờ, các ngôi nhà không có bảng hiệu... công sở, trại lính, trường học. Xin chào các chàng trai đang hút thuốc và đứng chờ dưới mái che lớn một tòa lâu đài, các tài xế taxi đang ngồi trong xe đọc báo, chờ khách...
" Vì sao thành phố này luôn hấp dẫn ta?" Ông tự hỏi. " Vì sao ta đã luôn luôn trở lại nơi này?"
Barley không thể không cảm thấy mình rất khoan khoái. Ông không biết sợ là gì.
" Có lẽ bởi vì những người này lấy lòng tốt để chống lại nghịch cảnh" Barley tự trả lời " Bởi vì họ biết chịu đựng khó khăn hơn chúng ta.
Bởi vì Chúa trời đã luôn luôn tìm lý do này hoặc lý do khác để không đến nơi này.
Bởi vì họ có tính trào lộng cũng bằng chúng ta, và còn hơn cả chúng ta nữa là khác.
Bởi vì đây là vùng đất chót để khám phá trong một thế giới đã bị khám phá quá nhiều.
Bởi vì họ đang nôn nóng muốn đuổi kịp chúng ta trong lúc nền kinh tế của họ trì trệ đến mức nào.
Bởi vì đây là một trái tim khổng lồ đang đập trong một sự hỗn loạn khổng lồ. Bởi vì sự hỗn loạn này chính là sự hỗn loạn của chính ta."
" Tôi sẽ đến, có thể là vào lúc 20 giờ 15", nàng đã nói như thế. Ta đã đoán được gì trong giọng nói ấy? Một sự thận trọng nào đó? Để bảo vệ cho ai? Cho chính nàng? Cho ông kia? Cho chính ta đây? Trong nghề của chúng ta, những sứ giả mang thông điệp đến, chính là thông điệp.
Hãy nhìn về phía bến ngoài, đó là nơi an toàn duy nhất, Barley tự nhủ.
Từ tàu điện ngầm, Barley thấy đi lên một đoàn thanh niên nam nữ, nữ thì mặc áo dài bằng vải và nam mặc bờ-lu-đông jean, đi đên sở làm hay đến trường học, gương mặt học sáng lên một nụ cười tươi khi trông thấy bất cứ điều gì hay hay. Khi trông thấy người nước ngoài đang nhìn họ, họ lạnh lùng quan sát từ đầu đến chân: mắt kính hình tròn lồi lên dày cộm, đôi giày da đã sờn, bộ com lê cũ. Nhập gia tùy tục, ở Matxcơva, Barley Blair ăn mặc như thế cho hợp với lối ăn mặc ở đây.
Barley để mình bị lôi cuốn bởi làn sóng người đi bộ, chẳng cần biết mình đi bộ đến đâu. Khí sắc hớn hở không gì lay chuyển được của ông ta tương phản với vẻ mặt nóng nảy là lo âu cùng những người xếp hàng nối đuôi nhau dài thòng trước các cửa hàng phân phối thực phẩm. Trong đám đông ấy có cả những cựu chiến binh, đeo huân chương lấp lánh dưới ánh mặt trời. Họ luôn luôn đi trễ. Họ nhàn rỗi, không có việc gì để làm.
" Có thể vào lúc 20 giờ 15", Barley lại thầm nghĩ.
Khi đến bờ sông lớn, Barley có cảm giác mình trở lại tâm hồn của một kẻ lãng du. Ở bờ bên kia, những mái vòm của điện Kremlin cao sừng sững trong bầu trời xanh ngắt không chút gợn mây.
Nghe có tiếng nói gần bên mình,Barley vội xoay người lại và thấy một cặp vợ chồng già, phục sức ngày Chủ Nhật, hỏi đường ông ta. Mặc dù có trí nhớ rất cao. Barley chỉ biết chút ít tiếng Nga. Đó là một câu ông đã thường nghe, nhưng không bao giờ có can đảm để trả lời. Barley mỉm cười với vẻ hối hận.
- Rất tiếc, tôi không thạo tiếng Nga. Tôi là người Anh....
Ông già bắt tay Barley và siết chặt một cách thân thiện.
Trong tất cả các thành phố nước ngoài mà Barley đã từng đến, có những người lạ đã hỏi ông rằng đường nào đi đến chỗ này hay chỗ khác mà ông không biết và cũng không biết tiếng của họ. Nhưng chỉ ở Matxcơva người ta đã cảm ơn ông.
Đi trở lui, Barley la cà trước các tủ kính của các cửa hàng để nhìn các đồ vật trưng bày trong đó. Những con búp bê bằng gỗ sơn màu sắc lòe loẹt. Trái cây hay cá đóng hộp...Ông trở về khách sạn. Một bà già đặt vào tay ông một bó hoa tu-líp bọc trong giấy báo.
- Đẹp lắm, cảm ơn bà - Ông nói và lục túi lấy ra một rúp trao cho bà lão.
Một chiếc Lada màu xanh lục đặt trước khách sạn. Nơi góc kính chắn gió có cài một miếng bìa cứng, trên đó có ghi VAAP. Tài xế đang cúi xuống tháo các phần cao su của cái que gạt nước trên kính trước, sợ bị ăn cắp. Ông hỏi:
- Ông đợi Scott Blair, phải không? Tôi đây!
Nhưng người tài xế tiếp tục làm công việc của mình, chẳng chú ý gì đến Blair. Ông ta lại nói to hơn:
- Tôi là Blair, Scott Blair!
- Hoa này là để cho tôi, phải không ông lớn? - Wicklow đứng sau lưng Barley, vội lên tiếng nói đùa - Ông đã xoay xở rất khéo. Thật tài tình! - Wicklow hạ thấp giọng nói thêm.
Ned đã có nói với Barley: " Wicklow sẽ luôn luôn canh chừng phía sau ông. Hơn ai hết, ông ta đã biết ông có bị theo dõi hay không?".
"Wicklow và còn ai nữa?" Barley tự hỏi.
Ngay khi Wicklow và Barley vừa đặt chân tới khách sạn tối hôm qua, Wicklow đã biến mất cho tới nửa đêm, và lúc sắp đi ngủ, Barley đã từ cửa sổ nhìn thấy anh ta ở ngoài đường đang nói chuyện với hai người đàn ông còn trẻ mặc đồ jean.
Barley và Wicklow ngồi ở ghế phía trước và nói chuyện với tài xế bằng tiếnậg Nga thật sõi, không chê vào đâu được. Người tài xế cười vang và Wicklow cũng cười đáp lại.
- Cho tôi tham gia với được không? - Barley hỏi, Wicklow vội vã cho Barley biết:
- Tôi đã hỏi anh ta có muốn làm tài xế lái xe cho Nữ hoàng đến viếng thăm chính thức không. Ở đây học có câu ngạn ngữ: " Nếu mày ăn cắp, hãy ăn cắp một triệu. Nếu mày hôn, hãy hôn một nữ hoàng".
Barley hạ cửa kính xe xuống và chơi một điệu nhạc piano bằng cách gõ vào mép cửa. Cuộc đời là một cuộc vui cho đến "có thể là vào lúc 20 giờ 15".
- Barley! Hoan nghênh ông bạn thân mến của tôi đã đến đây. Lạy Chúa, đừng bắt tay với tôi nơi ngưỡng cửa. Ồ trông ông còn phong độ quá! Alik Zapadny kêu lên với vẻ lo lắng. Sao ông chẳng có vẻ gì là đau đầu và nói lè nhè của một bợm nhậu, hãy nói cho tôi biết đi nào? Ông đang yêu, phải không Barley? Ông lại ly dị một lần nữa, phải không? Ông đã làm gì bậy bạ, phải không? Nào, hãy thú thật tất cả đi.
Mặt mày hốc hác, dấu vết chưa bị phai mờ của thời gian bị giam cầm. Zapadny hăm hở quan sát Barley để xét đoán một cách sáng suốt. Bây giờ Zapadny đã là một anh hùng của thời kỳ tái cấu trúc.
- Tôi đã nghe đài, Alik ạ, Barley giải thích và biểu lộ tình bạn thân thiết của mình bằng cách cho vào trong tay Zapadny một tập những số báo cũ của tờ Times và giới thiệu: - Đây là Wicklow, chuyên viên tiếng Nga của chúng tôi. Anh ta biết nhiều về ông còn hơn cả ông nữa đấy, phải không, Léonard Carl?
- Rất may mắn là đã có những điều như thế - Zapadny reo lên - Nhân tiện cho phép tôi hỏi ông Wicklow: Ông biết những gì về ông chủ mới của ông? Ông có nghe nói Barley mơ ước bán các loại sách gì để họ tự học tiếng Hy Lạp, phép lượng giác, hay những công việc nội trợ. Chúng tôi đã giải thích cho ông ấy rằng, ở đây người bình dân dành những lúc nhàn rỗi để nhậu nhẹt. Và xin đố ông Wicklow: Ông có biết họ đã mua sách gì không? Một quyển sách về môn chơi golf! Ông không thể biết đồng bào chúng tôi say mê môn thể thao tư bản ấy đến mức nào đâu! Không phải chúng tôi có những nhà tư bản ở đất nước chúng tôi đâu.
Họ có mười người tất cả, ngồi chung quanh một cái bàn màu vàng dưới một bức tượng của Lénin. Zapadny nói, những người khác ngồi nghe và hút thuốc. Theo hiểu biết của Barley, không ai trong số học có đủ thẩm quyền để ký kết một hợp đồng hay thừa nhận một sự giao dịch nào cả.
- Này ông Barley, ông nói sao? Sao lại có cái chuyện vô lí ấy? Ông nói rằng ông đến đây để mua những sách của chúng tôi? - Zapadny hỏi để mở đầu cuộc họp, nhướng mày lên và đan các đầu ngón tay lại với nhau theo cách của Sherlock Homes. Người Anh các ông không bao giờ mua sách của chúng tôi. Nhưng các ông biết cách làm cho chúng tôi mua sách của các ông. Hơn nữa, ông, ông chẳng còn được bao nhiu vốn liếng, chí ít, đó là những gì bạn bè tôi ở Luân Đôn cho biết. Họ nói nhân viên nhà xuất bản "A and B" ngồi chơi xơi...rượu uýt-ky. Riêng tôi, tôi thấy chế độ ấy thật tuyệt vời. Nhưng thế thì vì sao ông đến đây? Theo tôi nghĩ, chắc ông tìm một cái cớ để đến thăm chúng tôi, phải không nào?
Thời gian trôi qua. Chiếc bàn màu vàng có vẻ bồng bềnh trong tia ánh sáng mặt trời, bao trùm trong một đám mây khói thuốc lá. Những tấm ảnh đen trắng của Katia diễu hành trong đầu Barley. Quỷ sứ luôn luôn tạo trường hợp ngoại phạm cho đàn bà. Chủ khách uống trà trong những cái tách xinh đẹp sản xuất ở Leningrad.
- Alik, chúng tôi đã được vay thêm vốn - Barley giải thích- Thời gian đã thay đổi. Bây giờ Liên Xô đã thành công lớn. Tôi chỉ cần nói với các ngài đại tư bản rằng tôi đang chuẩn bị xuất bản các tác phẩm của của các tác giả Liên Xô, thế là họ ba chấn bốn cẳng chạy theo tôi.
- Nhưng này Barley, các nhà đại tư bản ấy, như ông nói đó, không nhất thiết là những ông bự bất vụ lợi - Zapadny nhận xét - Nhất là, nếu họ muốn thu hồi được vốn và có lời.
- Alik, tôi đã có giải thích với ông trong bản télex của tôi rồi. Nhưng có lẽ như ông không có thì giờ để đọc đấy thôi. Nếu tất cả mọi việc tiến hành đúng theo dự định, " A and B" sẽ lăng xê nội trong năm nay một bộ sưu tập gồm đủ các loại tác phẩm của các tác giả Nga. Tiểu thuyết, tiểu luận, thi tuyển, sách nhi đồng, sách khoa học.
- Barley, tôi xin lỗi ông trước khi hỏi ông câu này: Cuối cùng rồi ông đã tin tưởng và khả năng tiêu thụ của các sách của ông hay ông mong đợi sự phù hộ của thần linh như trước?
Dằn lòng để không bảo Zapadny phải giữ gìn lời nói, Barley nói tiếp:
- Chúng tôi thương thảo để ký kết một hợp đồng phát hành với nhiều nhà xuất bản. Trừ loại sách tiểu thuyết. Về lãnh vực ấy chúng tôi sẽ dành cho mạng lưới phát hành của chúng tôi.
- Thưa ông, tiểu thuyết luôn luôn vẫn là nguồn lợi nhuận quý giá của Nhà xuất bản Abercrombie and Barley. Wicklow nói với Zapadny để hỗ trợ cho Barley.
- Tiểu thuyết luôn luôn phải là nguồn lợi nhuận quý giá nhất của tất cả mọi người, Zapadny đính chính. Ngoài ra, tiểu thuyết là hình thức nghệ thuật cao quý hơn hết. Còn hơn cả thơ và truyện ngắn. Lẽ tất nhiên, điều này chúng ta nói riêng với nhau thôi.
Zapadny xoay người về phía Barley:
- Về tiểu thuyết, nhân dịp này, chúng tôi mong được dùng người dịch của chúng tôi và lấy thêm năm phần trăm phụ trội trên tác quyền.
- Được rồi - Barley tán thành với vẻ ngật ngưỡng như người nửa thức nửa ngủ - Bây giờ Nhà xuất bản "A and B" có thể chi một cách rộng rãi.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của Barley, Wicklow vội vã can thiệp:
- Xin ông thứ lỗi cho, điều đó kéo theo việc trả tiền tác quyền hai lần. Chúng ta sẽ không sống được với lối điều đình ấy. Chắc ông đã nghe không rõ những gì ông Zapadny nói.
- Đúng, anh có lý! - Barley kêu lên và đột ngột ngồi thẳng dậy trên ghế của mình.
Cảm thấy đã đến lúc đóng tiếp màn kịch của mình, Barley mở cặp da, lấy một tập sách mỏng và trưng ra sáu bảy trang đầu. Ông nói với Zapadny:
- Ông sẽ thấy ở trong hai, sự mô tả giấy giao nhận của chúng tôi với nhà xuất bản Potomac Boston. Abercrombie and Barley độc quyền mua bản dịch ra tiếng Anh bất cứ tác phẩm nào của tác giả Nga và nhượng lại cho Potomac.
- Barley, quả thật ông đã in quyển sách này?
- Potomac in - Barley đáp.
- Nhưng sông Potomac rất xa thành phố Boston - Zapadny bắt bẻ, làm ra vẻ sành sỏi về địa lý nước Mỹ - Trừ trường hợp họ mới thay đổi dòng chảy của nó, còn không thì sông Potomac chảy qua Washington mà. Có một sự liên hệ nào giữa Boston và con sông ấy không? Đây là một nhà xuất bản đã có từ lâu rồi, hay mới có. Cũ hay mới, Barley?
- Mới về nghề xuất bản, cũ trong việc kinh doanh. Họ là con buôn, trước kia ở Washington, bây giờ ở Boston. Công ty đầu tư vào những việc kinh doanh có rủi ro, sản xuất phim, bãi đậu xe, máy đánh bạc, gái điếm hẹn bằng điện thoại và ma túy. Nghề xuất bản chỉ là một trong những việc kinh doanh phụ thêm của họ.
Nhưng ở giữa những tiếng vang, Barley nghe tiếng nói của Ned trong đầu ông ta: "Barley, xin có lời khen ngợi ông. Bob đã tìm cho chúng được cho chúng ta một người bạn giàu có ở Boston chấp nhận hùn vốn với ông. Ông sẽ chỉ có việc xài tiền của ông ta thôi."
11 giờ 30. Còn tám giờ bốn mươi lăm phút nữa mới tới " có thể vào lúc 20 giờ 15."
- Lão tài xế muốn biết những chi tiết về Nữ hoàng trước khi gặp bà ta - Wicklow nói lớn - Lão ta đã băn khoăn bứt rứt thật sự. Lão hỏi: Bà ta có nhận tiền hối lộ không? Bà ta có ra lệnh chém đầu những người phạm tội nhỏ nhặt không? Sống dưới sự khắc nghiệt của hai bà chủ, người ta có cảm giác như thế nào?
- Hãy nói với lão ta rằng: Cũng mệt lắm, nhưng chúng tôi đủ sức chịu đựng - Barley ngáp dài đáp, trước khi uống một hớp nước tăng lực và ngồi lún sâu xuống trong một tấm nệm êm ái của chiếc ghế.
Một lát sau, Barley thức dậy, đi theo Wicklow đến thăm Youri tại văn phòng của ông ta.
- Barley, lạy Chúa! Hoan nghênh ông bạn đã đến đây. Người ta có nói với tôi rằng, cuối cùng ông cũng moi ra được tiền. Ai là người tài trợ vậy? Chúng ta sẽ thương thảo với nhau không qua trung gian. Ô kê? Cóc cần bọn VAAP.
- Youri! Rất vui mừng được gặp lại ông. Đây là Len Wicklow, cố vấn văn học của chúng tôi. Anh ta nói tiếng Nga rất trôi chảy.
Youri hỏi Wicklow:
- Ông là điệp viên?
- Thưa ông, chỉ là điệp viên trong những lúc rảnh rang.
- Giỏi lắm. Chàng trai hấp dẫn. Anh làm cho tôi nhớ lại em trai tôi.
Người ta tưởng đang ở đại lộ Madison. Những bức mành sản xuất ở Venise, những đồ biểu treo trên tường, và những trước ghế bành lớn sang trọng. Youri là một người Do Thái phì nộn, tính khí sôi nổi. Barley đã đem biếu ông ta một chai rượu Black Label, và mấy đôi tất cho bà vợ mới cưới sinh đẹp của ông ta. Youri mở chai rượu, rót một ít uýt-ky vào những cái tách uống trà. Youri nói về Boungakov, Platonov, Akhmatova. Họ cười vui, họ nâng ly chúc mừng nhau. Youri hỏi tin tức những người bạn Anh và nguyền rủa cơ quan VAAP. Liên Xô biến đổi rất nhanh chóng. Barley có biết không? Trong đó có một bài viết về bọn phát xít mới, bọn quốc gia chủ nghĩa cực đoan, bài xích người Do Thái và bài xích tất cả mọi người, ngoại trừ bọn chúng. Và bài viết về Sigmund Freud trong tờ Ogoniok, Barley, ông có đọc không?
Youri nói đến các tiểu thuyết mới nhất của Liên Xô. Ông ta đã chọn tám quyển trong thư mục của ông ta và nói:
- Ông bạn Barley thân mến của tôi, chắc chắn đây sẽ là những quyển sách bán chạy nhất. Nếu ông xuất bản, ông có thể mở một tài khoản ở Thụy Sĩ cho tôi.
Sau đó họ nói chuyện về kịch nghệ, về Afghanistan
- Chẳng bao lâu nữa tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Luân Đôn - Youri nói lớn như một ta chơi liều mạng đặt trọn tiền trong một canh bạc.
- Tôi sẽ gửi con trai tôi cho ông, ô kê? Ông hãy gửi con trai ông cho tôi. Ông hãy nghe lời tôi, chúng ta trao đổi con tin cho nhau, như thế chúng ta sẽ không liệng bom vào mặt nhau.
Mọi người yên lặng khi Barley lên tiếng. Wicklow phiên dịch.
Có một người muốn biết vì sao nước Anh còn bị cai trị bởi đảng Bảo thủ. Vì sao giai cấp công nhân không tống cổ chúng ra ngoài?
Barley đưa ra sự giải thích không mấy mới mẻ về chế độ dân chủ Tây phương, cho rằng đó là chế độ tệ hơn hết trong các chế độ. Không ai cười cả. Có lẽ họ đã nghe lối nói đùa ấy rồi, hoặc họ không tán thưởng cái lối nói đùa ấy.
Một người khác lại hỏi tại sao anh dám lên tiếng bảo vệ quyền con người, trong lúc chính họ áp bức Ai-len và Xcôtlen?
Một bà trọng tuổi, tóc màu vàng nâu, hỏi to:
- Vì sao anh ủng hộ cái chính phủ ghê tởm phân biệt chủng tộc Nam Phi ấy?
Barley đáp:
- Thưa bà, tôi không ủng hộ chính phủ ấy.
Ra đến cửa Youri còn nói với Barley:
- Tôi có một điều khuyên ông, ông hãy đề phòng thằng chó chết Zapadny. Hiểu chưa? Tôi không nói nó là ngưiờ KGB, nhưng tôi tin rằng nó đã có những liên hệ đê hèn để ngoi lên. Ông, ông là một người tốt. Ông hiểu tôi chưa?
Barley đáp:
- Youri, bà già tôi đã dạy cho tôi tin rằng tất cả các ông đều là người của KGB.
- Ngay cả tôi?
- Nhất là ông!
- Barley, tôi rất mến ông. Đồng ý chưa? Ông gửi con trai của ông cho tôi sớm sớm. Nó tên gì?
13 giờ rưỡi. Barley và Wicklow chậm mất một giờ để đến trạm tiếp theo trên con đường dài dẫn tới: " có thể vào lúc 20 giờ 15".
Ván lát tường màu sẫm ảm đạm, món ăn ngon tuyệt, người phục vụ cung kính, không khí vương giả. Họ ngồi chung quanh một bàn dài tại trụ sở Hội Nhà Văn. Một lần nữa Alik Zapadny chủ tọa. Có những nhà văn mới đầy hứa hẹn. Zapadny giới thiệu với Barley những người mới ra tù. Wicklow làm phiên dịch, Barley đàm đạo rất xuất sắc.
Đến 18 giờ, sau khi dự hai cuộc họp khác, và sau khi từ chối một cách tài tình nửa tá mời họp mặt đêm nay, Barley trở về phòng khách sạn của mình. Ông tắm để cho tỉnh táo, Wicklow nói chuyện với ông một cách vui vẻ về việc xuất bản để cho các micro đặt lén ghi. Theo lệnh của Ned, Wicklow phải ở bên cạnh Barley cho đến phút chót, để đề phòng sự hoảng sợ làm tê liệt tâm trí ông ta, trường hợp ông ta quên bài bản của mình.