Số lần đọc/download: 2926 / 46
Cập nhật: 2017-04-07 17:54:05 +0700
Chương 8
T
ẤN THEO SƠN VỀ NHÀ BÀ HÀ, lòng xôn xao rạo rực như lần đầu đến thăm Thúy ở xóm lao động. Bà Hà tránh đi để cho Tấn và Thúy dễ nói chuyện, sau khi hỏi han Tấn mấy câu xã giao.
Bé Lộc vừa thấy Tấn đã chạy lại ôm chầm lấy Tấn và khóc òa lên làm Tấn cảm động đến ứa nước mắt. Rồi Lộc nhất định quấn quýt bên Tấn, không chịu rời ra nữa.
Sơn thấy vậy nói:
- Đó, anh chị thấy không? Thằng bé không biết diễn tả sự nhớ thương của nó, khi sống xa anh Tấn. Bây giờ gặp lại anh, nó mừng mừng cảm cảm như vậy cũng đủ cho anh chị dẹp bỏ tự ái.
Xoay lại Tấn, Sơn nói:
- Như vậy mà anhcòn tìm hiểu ai là cha nó làm gì?
Tấn nói:
- Anh ăn năn nhiều rồi.
Sơn nói với chị:
- Còn chị, chị nỡ lòng nào giận anh Tấn để bé Lộc phải sống thiếu tình thương của người cha.
Tấn nói với Thúy những lời chân thật.
- Anh ăn năn nhiều rồi. Nếu em còn giận, chưa muốn về sống với anh cũng không sao, anh không nài ép em. Có điều em cho phép anh đến đây mỗi ngày thăm em và bé Lộc, khi nào em thật sự tha lỗi cho anh, lúc ấy sẽ hay.
Thúy nói:
- Em chấp nhận điều ấy. Thật ra em đâu muốn làm khổ anh. Nhưng em làm sao sống bên anh khi anh kinh tởm và khinh khi em.
Khi bà Hà trở lại thì Thúy và Tấn đã vui vẻ. Tấn mời bà Hà đi dùng cơm với Tấn và Thúy ở Chợ Lớn, bà nhận lời ngay.
Tấn nói với bà Hà:
- Thúy được ở đây với bà, cháu yên lòng lắm.
Bà Hà hỏi:
- Vậy Thúy chưa định về nhà sao? Thúy ở đây thì sung sướng lắm, nhưng dì thật không muốn thấy hai cháu phải xa nhau.
Tấn nói:
- Thúy chưa muốn xa dì. Nhưng không sao, mỗi ngày cháu sẽ đến đây thăm dì.
Bữa cơm hôm ấy thật vui vẻ. Khi ăn xong, Tấn xin phép mời bà Hà đến thăm qua căn nhà của chàng và cũng muốn Thúy thấy lại khung cảnh quen thuộc, thân yêu ngày nào.
Nghe Tấn mời bà Hà, Thúy muốn bà từ chối nhưng bà Hà đã nhận lời ngay:
- Để dì xem qua cho biết chỗ ở của cháu và Thúy.
Trở về ngôi nhà cũ, Thúy cảm thấy thương mến lạ.
Cái gì trong nhà cũng nhắc cho Thúy nhớ lại những kỷ niệm êm đềm. Thúy ngồi ở chiếc ghế dựa trong phòng khách, không đủ can đảm theo bà Hà và Tấn đi khắp các phòng.
Đầu óc Thúy lúc ấy rối như tơ vò. Thúy không còn can đảm để sống xa nơi quen thuộc đầy kỷ niệm này nữa.
- Ngôi nhà này là của ta, tại sao lại đi ở nơi khác? Ta đã tốn bao nhiêu công phu để tạo cho được cái tổ ấm này?
Thúy cảm động quá ứa nước mắt. Chị bếp ở đâu ngoài đường chạy vào thấy Thúy, ôm chầm lấy Thúy, vừa khóc vừa nói:
- Mợ đi đâu mấy lúc nay? Bé Lộc đâu rồi?
- Bé Lộc ở nhà. Chị đi đâu về đó?
- Tôi qua nhà bên cạnh xem nhờ tivi. Khi thấy bên này đèn sáng biết cậu đã về tôi mới chạy về. Mợ đừng đi nữa nghe mợ, mợ về đây với cậu đi.
Chị bếp kể lể dong dài và chị cầm lấy tay Thúy nói:
- Mợ không về thì tôi cũng xin nghỉ.
- Kìa, chị ở đây giúp cho cậu chớ.
Thúy và chị bếp đang chuyện trò thì bà Hà và Tấn đã trở lại. Bà Hà nói:
- Thấy căn bếp của cháu tôi thèm quá. Đầy đủ tiện nghi…
Thúy nói với chị bếp:
- Chị đi lấy nước mời bà dì của tôi đi.
Tấn đi theo chị bếp và dặn chị làm nước cam. Chị bếp nói:
- Cam đâu mà làm. Để tôi đi mua nước ngọt.
Tấn nói với bà Hà, giọng đượm buồn:
- Từ khi nhà cháu đi, tủ lạnh trống trơn, không có trái cây. Mấy hôm cậu Sơn lại đây chị bếp mua đủ ăn thôi.
Rồi Tấn nói với Thúy:
- Em thấy đó, mọi vật đều nguyên vẹn, không có gì thay đổi từ khi em đi vắng. Em lên lầu mà xem, chị bếp mỗi ngày đều lên dọn dẹp sạch sẽ. Từ khi em đi rồi thì anh ở nhà, không đi đâu cả.
Bà Hà nói:
- Dì không ngờ cháu đang sống đầy đủ và hạnh phúc như thế này lại có đủ can đảm đến giúp việc cho dì.
Thúy nói:
- Bây giờ mình về chớ dì, cháu Lộc ở nhà chắc đang đợi cháu.
Tấn hỏi:
- Em không lên lầu sao?
Thúy lắc đầu, mắt đẫm lệ:
- Anh cho em về nhà dì Hà.
Sơn đưa mắt nhìn Tấn, tỏ ý bảo Tấn để cho Thúy về. Sơn nói nhỏ vào tai Tấn khi ra cửa.
- Chị em có vẻ cảm động khi thấy khung cảnh quen thuộc này. Em hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp trong một ngày gần đây. Anh cứ yên tâm.
Tấn đưa bà Hà và chị em Thúy về nhà. Lúc ấy đã mười một giờ khuya, nhưng bé Lộc còn thức đợi mẹ. Nghe tiếng xe và chờ chị bếp mở cửa. Nó chạy ra định ôm lấy mẹ nhưng khi thấy Tấn thì lại ngã vào lòng Tấn:
- Cha mẹ đi lâu quá à.
Bà Hà nói với Thúy:
- Đó, cháu thấy chưa? Cháu nỡ lòng nào giận Tấn được nữa, thằng bé cần một người cha.
Thúy cúi đầu mà hai dòng nước mắt chảy dài.
Tấn còn đùa với bé Lộc một lát mới cáo từ ra về. Thúy nhìn theo Tấn, tay ẵm bé Lộc không nói gì. Bé Lộc hỏi mẹ:
- Sao mẹ không về với cha?
Tấn nghe bé Lộc nói quay lại vẫy bé Lộc và thằng bé ngã chồm về phía trước như muốn đi theo Tấn.
Thúy ẵm bé Lộc về phòng để dỗ nó ngủ, thằng bé khóc ầm đòi đi với Tấn, Thúy phải nói dối với nó:
- Ngủ đi ngày mai mẹ ẵm con về.
Bên ngoài, bà Hà nói với Sơn:
- Bé Lộc thương cậu Tấn quá. Như vậy cậu ấy làm sao không quý nó được. Ở cái tuổi ấy mà chưa có con, không cưng bé Lộc thế nào được. Cháu phải làm sao khuyên chị cháu trở về với chồng. Dì đã thấy căn nhà của vợ chồng Tấn rồi thì dì không nỡ lòng nào để Thúy ở đây, chia rẽ vợ chồng Tấn. Thúy phải hưởng hạnh phúc, phải được sống trong nhung lụa, chớ đâu được sống nhà người khác. Dù dì tử tế mấy đi nữa thì cũng không làm sao bằng Thúy ở với Tấn.
- Chị Thúy khi nãy đã cảm động nhiều và khi lên xe khóc thầm. Cháu hy vọng chị cháu sẽ không còn giận anh Tấn lâu nữa.
Nói đến đây, Sơn lại nói:
- Thưa dì thật ra chị cháu đâu có giận anh Tấn, chị không muốn thấy sự lạnh nhạt của anh ấy, chị Thúy của cháu thương anh Tấn lắm.
Suốt đêm hôm ấy, Thúy thao thức tự hỏi:
- Có thật Tấn đã ăn năn không? Rồi đây khi ta chịu trở về với Tấn liệu Tấn có quên hết chuyện cũ không?
Sáng lại, thấy đôi mắt của Thúy mệt mỏi quần thâm, bà Hà hỏi:
- Đêm qua cháu không ngủ được?
- Cháu Lộc phá rầy cả đêm, không cho cháu ngủ. Nó mớ và đập tay đập chân luôn…
- Nó đòi đi theo cháu Tấn chớ gì. Cháu nghĩ lại chưa?
Thúy nhìn bà Hà:
- Dì đuổi không cho cháu ở đây nữa phải không?
- Cháu hiểu dì lắm, tại sao lại nói như vậy. Cháu mà không ở đây nữa thì dì sẽ hiu quạnh, buồn bã. Còn đâu chuỗi ngày vui vẻ như mấy lúc này. Ai làm bánh cho dì ăn, ai may áo quần cho dì? Nhưng một khi dì đã thấy tổ ấm của cháu và Tấn rồi thì dì không có quyền giữ cháu ở đây. Dì không có quyền chia tơ rẻ tầm. Tấn đã khổ nhiều. Cháu không thấy sao? Mà bé Lộc thì cần một người cha. Dì cũng biết cháu không phải giận hờn Tấn, nhưng vì tình thế không thể ở chung được, cháu phải tạm ra đi một thời gian, mong Tấn nghĩ lại.
Thúy cầm lấy bàn tay mềm mại của bà Hà và đưa lên môi hôn:
- Cảm ơn dì đã thương và hiểu cháu.
Bà Hà thúc hối:
- Cháu nên nhân lúc cháu Sơn còn ở đây mà trở về nhà, để vợ chồng, con cái, chị em được sum họp.
Thúy làm thinh. Bà Hà biết Thúy đã xiêu lòng nên nói:
- Cháu phải quyết định gấp đi, đừng bỏ trôi một cơ hội tốt.
Thúy vẫn làm thinh, đôi mắt ướt lệ. Bà Hà liền thuyết phục Thúy bằng những lời lẽ thật cảm động:
- Cháu nên dẹp bỏ tự ái, nên nghĩ đến tương lai và hạnh phúc của bé Lộc.
- Điều cháu do dự là cháu không thể sanh đẻ nữa và không cho Tấn cái hạnh phúc làm cha thật sự. Một đứa con có dòng máu của Tấn.
Bà Hà ngạc nhiên:
- Tại sao cháu không thể sanh đẻ nữa?
- Cháu nghe mấy bà bác sĩ khi hộ sanh cho cháu đã nói như vậy, nhưng họ chỉ nghi ngờ thôi. Vì vậy cháu muốn nhân dịp này tự động rút lui trả tự do cho anh Tấn để anh cưới vợ khác.
Bà Hà hỏi:
- Và Tấn có hay biết việc này không?
- Cháu đã nói cho anh Tấn biết khi anh ấy sống chung, lập gia đình với cháu…
- Thế mà Tấn vẫn chấp thuận?
- Dạ, anh Tấn đã khai sanh cho bé Lộc và hứa sẽ yêu thương nó.
Bà Hà nghĩ ngợi một chút rồi nói:
- Lạ quá. Tại sao cháu lại không sanh đẻ được? Có bị giải phẫu khi sanh không? Cháu sanh khó phải không?
- Cháu sanh khó lắm. Lúc ấy nếu không có anh Tấn thì chưa chắc cháu và bé Lộc đã sống được.
- Vậy thì cái ơn của Tấn lớn lắm. Tấn có nhiều công lao khó nhọc với cháu nên Tấn yêu thương bé Lộc, tình đời thường như vậy đó. Mình đã tốn công tốn của nhiều với người nào, lẽ dĩ nhiên phải có nhiều cảm tình với người ấy. Đứa con nào cha mẹ phải lo lắng nhiều thường được thương yêu nhiều, cháu có nghĩ vậy không?
- Dì có nhiều kinh nghiệm sống, điều nào dì dạy đều phải hết. Thật ra đời cháu không hẳn hoàn toàn gặp chuyện rủi ro. Nhiều đêm cháu suy nghĩ ra không khỏi thương cảm? Mồ côi cha sớm, phải bỏ học để đi làm giúp đở cha mẹ trong cơn yếu đau… Đó cũng là một chuyện rủi ro phải không dì. Nhưng cháu tự an ủi, cháu được may mắn có mẹ, người thân nhất của đời cháu. Nhưng rồi người thân yêu, cái lẽ sống duy nhất của đời cháu cũng không còn nữa. Mất một người Mẹ là mất tất cả, đây là sự rủi ro lớn nhất trong đời con người, nhất là hoàn cảnh của cháu và em Sơn của cháu.
Thúy kể đến đây như bị cái kỷ niệm đau buồn lôi cuốn, xúc động rưng rưng nước mắt. Thúy lấy khăn chậm nước mắt và kể tiếp:
- Hai chị em vừa tìm được một chút yên vui sau khi sắp đặt được chỗ ăn, chỗ ở và tìm được một việc làm khá tiền thì ông Châm đã hại đời cháu và làm cho cháu phải mang thai. Lúc ấy không biết bao nhiêu lần cháu đã nghĩ đến cái chết, nhưng cháu thương Sơn, và không đủ can đảm hủy hoại một giọt máu vô tội, nên cháu nhin nhục sống. Vậy mà định mệnh vẫn khắc khe … hết tai nạn này, đến tai nạn khác, sự rủi ro buồn phiền cứ đeo đuổi chị em cháu.
Cố đè bẹp hai cuộc đời ngây thơ và dìm tụi cháu xuống tận cùng của sự tuyệt vọng. Sơn bị tai nạn xe cộ. Cháu cứ tưởng tai nạn này đã kết thúc chương trình rèn luyện chúng cháu nên người biết chịu đựng, cho cháu gặp anh Tấn và gặp toàn chuyện may mắn, để đền bù lại bao nhiêu ngày vất vả khổ tâm. Anh Tấn săn sóc Sơn khỏi bệnh tật, lo cho Sơn học cho kịp, giúp đỡ cháu sanh đẻ bình yên, đầy đủ thuốc men và sau đó cho mái gia đình, một hạnh phúc vô biên.
Nói đến đây, đôi mắt Thúy chớp lia, chớp lịa và Thúy nói tiếp:
- Nhưng ông Châm ở đâu lù lù hiện ra như một ác quỷ và làm xáo trộn cuộc đời yên vui của cháu, gây rắc rối cho một đứa trẻ ngây thơ vô tội không biết đời xấu xa và độc ác như thế nào. Đời cháu thật là lạ, rủi may, may rủi, cứ như vậy mà làm khổ cháu, cho đến ngày nay.
- Bà Hà Nói:
- Dì mong từ nay cháu sẽ không còn gặp phiền muộn nữa. Những ngày đen tối đã qua, cháu nên vững niềm tin. À, dì có quen một vị lương y giỏi lắm, ông ta có thể chữa trị cho cháu và biết đâu cháu lại có con?
- Khi cháu và Tấn còn vui vẻ, cháu có nghe lời chị bạn đến nhà một nữ bác sĩ ở bảo sanh viện Hùng Vương chữa để may ra cháu có được một đứa con. Nhưng bao tháng chữa trị thì vợ chồng lại xa nhau, không biết cách chữa trị của bà bác sĩ ấy có kết quả không? Cháu không dám hy vọng bà bác sĩ ấy nói rằng cháu có hy vọng có con nữa.
- Vậy thì cháu cầu Trời Phật cho cháu còn có thể sanh đẻ.
Thúy thở dài:
- Nhưng liệu anh Tấn có thể quên đi cái chuyện rủi ro vô lý ấy không dì? Đàn ông mỗi khi họ in trí một việc gì thì dù trời long đất lở, họ cũng không chịu xóa bỏ cái tư tưởng sai lầm của họ. Bây giờ anh Tấn đang sống xa cháu, anh ấy nhớ thương và thấy cần đến cháu, nhưng khi cháu về sống gần anh rồi, thì anh lại nhớ cái chuyện bé Lộc là con của ông Châm.
Hồi đó anh không biết ông Châm là ai thì không nói gì, nhưng bây giờ anh biết ông Châm là chú Tư của anh, thì thật tai hại vô cùng.
Bà Hà đã khuyên lơn, dỗ dành Thúy và chiều hôm ấy, khi Tấn đến thăm Thúy, bà Hà kiếm cớ đi khui hụi, bà tránh để Tấn và Thúy nói chuyện. Còn Sơn thì lúc ấy không có ở nhà, đến nhà của Ngọc Hoa để nhận đồ đạc của chị Ngọc Hoa nhờ gởi qua Úc.
Bé Lộc vừa thấy Tấn đã chạy ra ôm chầm lấy chàng:
- Cha đến rước mẹ và con về phải không?
Thúy nghe vậy liền rầy nó:
- Đừng nói bậy.
Thằng bé liền cãi lại:
- Hồi hôm mẹ nói vậy kia mà.
Tấn nói:
- Nếu mẹ cho phép thì cha đưa con về.
Lộc hỏi mẹ:
- Con về với cha nghe mẹ?
Thúy nói:
- Vô trong nhà chơi với chị bếp.
Bé Lộc nhất định không đi, ôm cứng lấy Tấn, vừa khóc vừa nói:
- Không, con không đi xuống bếp.
Tấn ôm nó đặt ngồi trên hai đùi và nói:
- Để cha xin mẹ cho, đừng khóc cha giận.
Thúy nói với bé Lộc:
- Hãy ngồi im!
Bé Lộc áp đầu vào ngực Tấn, im thin thít. Tấn hỏi:
- Em vẫn còn giận anh sao?
Thúy nói gằn từng tiếng:
- Em đã nói em không dám giận anh, em chỉ đi tránh khi anh giận hay hiểu lầm em.
- Anh cũng không giận em. Anh chỉ hiểu lầm vì sự việc xảy ra quá đột ngột. Bây giờ anh xin nhận lấy phần lỗi, mong em hiểu cho anh… Không thể để tình trạng này kéo dài, bé Lộc phải sống xa anh, em thì cũng không vui vẻ gì, còn anh không thể làm việc…
Thúy cắn môi và nói:
- Em cũng biết như vậy, nhưng em lo ngại quá, chẳng lẽ em lại phải ra đi nữa khi…
Tấn gạt ngang:
- Không, làm gì có chuyện ấy.
Thúy nghĩ:
- « Đi một lần còn có ảnh hưởng, chớ đi hoài thì chuyện ra đi ấy không còn hay ho gì nữa.
Tấn nói:
- Em có muốn anh làm giấy cam đoan không?
Thúy cười buồn bã:
- Tại sao lại có chuyện ấy?
Tấn cúi đầu ngẫm nghĩ và hỏi:
- Em có thấy quẻ bài ngày nọ linh nghiệm không?
- Em đã nghĩ đến. Nhưng mới trúng có một phần. Quẻ bài ấy nói rằng chúng ta phải xa nhau một thời gian.
- Phần thứ nhì, chúng ta sẽ sum họp lại và không còn có chuyện trục trặc hay rắc rối gì nữa.
Thúy bỗng nhiên nói như nàng đã nghiền ngẫm từ lâu cái điều kiện này:
- Nếu lần này em về, anh vẫn giữ thái độ lạnh lùng như ngày trước thì em sẽ ra đi vĩnh viễn, em đến đây ở với dì Hà và chúng ta ra trước pháp luật trả tự do cho nhau. Anh chịu như vậy không?
Rồi như nhớ ra điều gì. Thúy nói:
- Nhưng như vậy đâu có được.
Tấn hỏi:
- Tại sao không được.
- Còn nhiều chuyện khó nói lắm.
Tuy vậy hôm ấy Thúy và Tấn đã tìm lại sự vui vẻ của thời mới gặp. Rồi Tấn ra về, nhưng khi Tấn ra đến cửa, thấy Sơn ở đầu đường đi đến nên đứng lại chờ. Bé Lộc nhân dịp này chạy ra bắt Tấn ẵm. Sơn và Tấn nói chuyện một lát rồi Sơn dẫn Tấn vào nhà nói với Thúy:
- Em đến dùng cơm với anh Tấn và ở chơi đến mai mới về.
Thúy bằng lòng:
- Em cứ đi.
- Em dẫn bé Lộc lại đằng ấy luôn, chị cho phép chứ?
Thúy lưỡng lự:
- Rồi ai giữ thằng bé?
- Lo gì, đã có em, có anh Tấn. Huống chi bên ấy còn chị bếp nữa.
- Có chị bếp thì được, nhưng phải dặn chị ấy trông chừng thằng bé, không cho nó chạy ra đường. Em nói với chị ấy phải giữ bé Lộc cẩn thận như lúc chị ở đó, nói thế là chị bếp hiểu.
Tấn như hiểu ý của Thúy nói:
- Chú ấy đi Tân Tây Lan thật rồi.
Thúy cau mày:
- Nhưng phải đề phòng.
- Không sao đâu… Nhưng em đừng lo … lo thì đêm nay làm sao em ngủ được.
Thúy nhìn theo Tấn ẵm bé Lộc ra xe, Sơn dặn chị:
- Chị ở nhà vui vẻ nhé.
Đêm hôm ấy, ở nhà một mình với bà Hà, Thúy đã tâm sự:
- Có lẽ cháu không giữ vững lập trường của cháu nữa, vì bé Lộc quấn quýt anh Tấn và Sơn thì cứ tạo điều kiện cho Tấn thắng, buộc cháu phải nhượng bộ.
- Như vậy cũng hay chứ có sao đâu cháu.
- Nhưng cháu ngại lắm …
- Cháu đừng ngại gì hết. Cứ xem đây là lần thử thách chót. Được thì cháu ở luôn với Tấn, còn không thì cháu đến đây ở với dì cho đến già. Dì sẽ để hết của cải này lại cho bé Lộc. Dì đã nói như vậy là hết nước rồi, còn gì nữa để cháu do dự.
Thúy nhìn bà Hà với đôi mắt đầy vẻ biết ơn:
- Dì thương yêu cháu quá. Vậy thì cháu xin nghe. Cháu có ở đằng ấy thì thỉnh thoảng cháu sẽ về đây rước dì đến ở với chúng cháu vài ngày.
- Ở cả tuần cũng được, căn nhà của cháu đầy đủ tiện nghi lắm, và ở gần cháu dì vui lắm.
Thúy cảm động nói:
- Dì thật xứng đáng làm người mẹ thứ hai của cháu. Anh Tấn và cháu đều không còn cha mẹ… Chúng cháu xem dì như mẹ của chúng cháu.
Từ khi rời bỏ mái ấm gia đình, đêm ấy Thúy mới ngủ được một đêm an giấc. Sáng hôm sau, Thúy xin phép bà Hà đi chợ. Bà Hà cười và nói:
- Dữ không, hôm nay cháu mới đi chợ, mới dám ra ngoài.
- Vì anh Tấn đã biết được chỗ của cháu rồi. Còn ông Châm thì ông ấy đã đi xa. Cháu đi chợ mua vài thứ cần dùng và luôn tiện mua thức ăn. Cháu phải trổ tài nấu nướng cho dì thấy, dì mừng cho cháu và cũng để cho em Sơn ăn uống thật ngon miệng vài bữa.
Thúy ra phố mua thật nhiều thứ và ghé chợ mua thức ăn. Thúy nghĩ:
- Thế nào đến chiều Sơn và Tấn mới về đây, ta phải làm một bữa cơm tối thật thịnh soạn và giữ Tấn lại dùng cơm.
Thúy làm gà đút lò, vịt tiềm và trộn gỏi đu đủ, chiên bánh phồng tôm. Bà Hà ngồi ở nhà trên đọc báo bà nghĩ:
- Thúy thật vén khéo, làm việc gì cũng nhanh nhẹn và sạch sẽ. Tấn thật có phúc.
Thúy đang làm thức ăn thì Phương đến. Thấy Thúy lăng xăng dưới bếp, Phương trách:
- Chị bận như vậy sao không gọi em, em giúp chị một tay.
Thúy chưa kịp nói thì bà Hà lên tiếng:
- Chị ấy làm tiệc để cháu rể của dì về ra mắt đấy.
Phương ngạc nhiên, không hiểu cháu rể là ai, lại hiểu lầm bà Hà muốn nói đến Sơn nên đỏ ửng đôi má:
- Cháu rể nào vậy dì?
- Thì còn ai nữa, chồng chị Thúy.
- Chồng chị Thúy? Mà là ai vậy?
- Anh Tấn, một nhà thầu khoáng trẻ. Hôm qua anh Tấn có đến đây.
- Chắc anh Sơn gần đi Úc rồi phải không dì?
Bà Hà nói:
- Không việc gì đến con. Con nên nghe lời mẹ con nhận lời đám ấy đi. Đừng kén chọn quá mà không hay. Người ta nói “già kén chẹn hom”, con không nghe à?
- Nhưng con đã già đâu? Con có quyền lựa người xứng đáng chớ?
- Sơn đã có ý trung nhân rồi.
- Vậy sao dì?
- Thì cô Ngọc Hoa, cháu biết chứ.
Phương thở dài, cúi đầu đi xuống bếp. Thúy nghĩ:
- Bà Hà thật thẳng, bà nghĩ là làm như vậy đề Phương sớm tỉnh ngộ còn hơn là để Phương phải thất vọng sau này.
Thúy thương hại Phương nên tìm cách gợi chuyện để Phương khỏi buồn tủi.
Nhưng hôm ấy Phương ít nói và chỉ ở lại một lúc xem Thúy làm thức ăn rồi ra về.
Bà Hà nói:
- Dì phải nói vậy để Phương khỏi nuôi hy vọng không đâu. Vài hôm nữa cháu sẽ thấy nó nhận lời người kia và mẹ nó sẽ vui mừng.
Thúy nói:
- Tuổi trẻ thường có những mơ mộng như vậy. Nhưng cháu không có thời xuân trẻ tươi vui, cháu phải ra đời quá sớm.
---&---
Chiều hôm ấy, đúng năm giờ, Tấn và Sơn đưa bé Lộc về nhà bà Hà. Nó vừa thấy bà Hà là ngã ngay vào lòng bà:
- Đi chơi vui quá bà ạ.
Rồi nó chạy lại ôm Thúy, hôn lên mặt và nói;
- Mẹ về nhà đi, chị bếp mời mẹ về.
Bà Hà nói:
- Ngày mai mẹ cháu sẽ về.
Bé Lộc mừng rỡ reo lên:
- A! A! Ngày mai mẹ sẽ về…
Bà Hà nói:
- Tối nay cậu Tấn phải ở lại đây dùng cơm.
Tấn nói:
- Dì cho ăn thì cháu đâu dám từ chối.
- Cả mấy tháng nay, hôm nay Thúy mới đi chợ. Thúy làm nhiều thức ăn lắm.
Sơn hỏi:
- Chị lo nuôi thúc em để khi em qua Úc đỡ thèm những món ăn Việt chớ gì..
- Chị cũng nghĩ như vậy.
Trong khi bà Hà nói chuyện với Tấn và Sơn, Thúy xuống bếp làm bánh để lát nữa tráng miệng. Bánh nướng bốc lên mùi thơm ngào ngạt.
Tấn nói:
- Đã lâu lắm cháu mới nghe lại mùi bánh bông lan nướng. Cháu cứ tưởng không bao giờ còn nghe được mùi thơm ấy.
Sơn nói:
- Ngày vui gần đến rồi, anh hãy bỏ qua những chuyện cũ, chuẩn bị tinh thần mới để xây dựng hạnh phúc bền bỉ hơn trước.
Bà Hà nói:
- Và nếu Thúy cho cháu một đứa con nữa thì hạnh phúc của cháu mới hoàn toàn đầy đủ.
Tấn nhìn bà Hà và hỏi:
- Có thể như thế được sao dì?
- Thúy có nói cho dì nghe về lần đầu sinh đẻ khó và các bác sĩ e ngại Thúy không có con được nữa. Nhưng có nhiều trường hợp, sự phán xét kia không đúng.
Đôi mắt của Tấn chớp lia lịa:
- Nếu cháu có một đứa con nữa thì cháu mừng lắm, lạy Trời Phật thương cho cháu mà ban cho cháu cái đặc ân ấy. Dì ơi, cháu xin như vậy có tham quá không dì? Hiện giờ cháu cũng đã hạnh phúc quá rồi phải không dì. Bé Lộc dễ thương và thương yêu cháu như vậy, cháu còn đòi gì nữa. Cháu có bị trừng phạt vì tội tham lam không?
Tấn nói nhiều lắm và bà Hà không khỏi thương hại cho Tấn. Bà hiểu sự ao ước của Tấn và nếu Tấn được toại nguyện thì Thúy sẽ được yêu quý suốt đời. Loài người vốn ích kỷ. Dù Tấn có yêu thương bé Lộc đến đâu, trong thâm tâm của Tấn, Tấn cũng nghĩ rằng « bé Lộc, không mang dòng máu của Tấn. Nó là con của người đàn ông khác… » Tấn sẽ vui sướng khi nào Thúy cho Tấn một đứa con, có dòng máu Tấn.
Khi Thúy nấu nướng xong, Sơn giúp chị bày bàn và đặt thức ăn. Bà Hà đi lấy rượu ra đãi Tấn và Sơn.
Bà Hà mời mọi người ngồi vào bàn:
- Đây chưa phải là bữa tiệc sum họp đâu… Khi nào Thúy chịu về bên ấy dì sẽ làm một bữa tiệc linh đình hơn nữa.
Sơn nói:
- Chị Thúy nói cho dì biết ngày nào mới có bữa tiệc ấy? Phải làm sao cho em được dự với vì em sắp qua Úc rồi.
Nói xong Sơn đưa mắt nhìn Tấn, Tấn chờ Thúy trả lời, nhưng Thúy cúi đầu làm thinh không nói gì. Bà Hà liền nói:
- Việc ấy để tính sau, bây giờ nên ăn uống đã. Phải vui vẻ lên và đừng thèm nghĩ gì hết.
Tấn thấy những món ăn đêm ấy đều là món thích của Tấn, như vậy Thúy đã nghĩ đến Tấn khi soạn những món ấy. Tấn nói:
- Mấy lúc nay cháu ăn uống mất điều độ. Có khi cả ngày không ăn, đến khi đói ra đầu đường ăn một tô mì và về thức cả đêm.
Bà Hà hỏi:
- Cháu có thích những món ăn này không?
- Những món ruột của cháu mà. Thật ra khi cháu chưa gặp Thúy, cháu ăn uống thế nào cũng xong, và thường thì được các bạn bè mời đi ăn tiệm. Chỉ từ khi cháu gặp Thúy thì nếp sống của cháu đã thay đổi hẳn…Thúy đã cho cháu thưởng thức những thức ăn thật ngon.
Bữa cơm hôm ấy thật vui. Tấn đã kể cho bà Hà nghe về cuộc đời trôi nỗi của Tấn và kết luận:
- Cháu nghĩ rằng Trời Phật đã thương cháu mới cho cháu gặp Thúy.. Vậy mà vì những phút hẹp hòi suýt chút nữa cháu đã bóp vỡ hạnh phúc của đời cháu.
Đến khi ăn bánh ngọt, Tấn lại nói:
- Bánh em làm phải không? Mấy lúc này những khuôn bánh ở nhà chúng đợi em đến sét hết.
Bà Hà nói:
- Thì mai Thúy sẽ về.
Để có chuyện để nói. Thúy đã nhắc đến Ngọc? Bà Hà hỏi:
- Sao cháu không bảo cậu Sơn đi mời cô ấy đến đây chơi.
Sơn nói:
- Để chờ buổi tiệc của dì.
Bà Hà cười khen:
- Nghe các cháu nhắc đến cô Ngọc, tự nhiên tôi cũng cảm thấy có cảm tình với cô ấy.
Tấn nói:
- Chị Ngọc thật là một người bạn tốt của nhà cháu.
Khi Tấn về rồi, bà Hà và Sơn khuyên Thúy nên về với Tấn cho kịp lúc Sơn còn ở đây. Thúy đã bằng lòng. Thế là bà Hà làm tiệc và đãi cả Ngọc nữa.
Đến khi Thúy bồng bé Lộc theo Tấn lên xe, bà Hà đứng nhìn theo rưng rưng nước mắt. Hôm ấy Sơn ở lại bên nhà bà, không qua nhà Tấn.
Rồi Sơn lo thu xếp hành lý để trở lại Úc, lo việc học hành. Hôm Sơn lên phi trường bà Hà và Ngọc cũng có tiễn đưa Sơn cùng với Tấn và Thúy.
Lúc ở phi trường về, sau khi đỡ bà Hà xuống rồi, Tấn hỏi Thúy:
- Em Sơn có nói gì về cô Ngọc Hoa không?
- Việc của Sơn và Ngọc Hoa như vậy là yên cả rồi, chỉ chờ ngày cả hai thành tài về nước. Khi về đây Sơn có đến nhà cha mẹ cô Ngọc Hoa và bên ấy có vẻ bằng lòng Sơn lắm. Trước khi đi Sơn dặn em khi nào anh và em hòa thuận rồi thì nên đến thăm gia đình Ngọc Hoa.
- Nghĩa là ở bên này hai gia đình bắt đầu thân thiện?
- Như vậy anh thấy có nên không?
Tấn tán thành:
- Nên lắm chớ.
Tấn đã giữ đúng lời, không nhắc chuyện ông Châm nữa và những ngày hạnh phúc của họ đã trở lại như cũ.
Tuần nào Tấn cũng đưa Thúy và bé Lộc đến thăm bà Hà và rước bà về dùng cơm với vợ chồng Tấn.
Cả Tấn và Thúy đều xem bà Hà như mẹ ruột.
Ngày tháng lại trôi qua êm đềm, vui vẻ. Ngọc cũng thường đến chơi với Thúy.
Một hôm bà Hà nhắc Thúy:
- Cháu nghe lời dì đi, đến bà bác sĩ mà dì đã nói với cháu xem sao. Dì thấy Tấn ao ước có một đứa nữa.
- Để cháu bàn với Tấn đã.
- Đừng có bàn, cứ lặng lẽ đi. Nếu có kết quả càng tốt, còn không thì thôi. Nói trước để Tấn hy vọng, đến khi không có thai, Tấn lại thất vọng.
Thúy đã đến nữ bác sĩ Hiền. Sau nhiều lần khám kỹ lưỡng và cho toa, Thúy được bà cho biết có hy vọng có con. Bà nói:
- Rồi đây tha hồ mà sanh.
Thúy vui mừng khôn xiết nhưng vẫn chưa dám nói cho Tấn biết. Thúy chỉ nói cho bà Hà và Ngọc mà thôi.
Rồi cái ngày trọng đại ấy đã đến. Thúy đã thụ thai. Tấn đã sống những ngày tháng chờ mong hồi hộp. Tấn không muốn Thúy phải làm gì động đến tay chân. Bé Lộc đã có vú em cũ để giữ, mặc dù Thúy vẫn khỏe mạnh bình thường.
Ngày nào cũng vậy, Tấn thường nói đến đứa con tương lai. Thúy cũng như Tấn ao ước một đứa con trai. Tấn sung sướng vô cùng mỗi khi nhìn thấy Thúy đan hay may những cái nón, những đôi vớ hay những chiếc áo nhỏ.
Tấn nói:
- Anh còn nhớ khi em sanh bé Lộc, chính anh đã dẫn em đi mua sắm những thứ cần dùng. Lần này anh để em tự lo đi mua sắm.
- Anh phải đi với em chớ. Em phải dành cho anh cái vinh hạnh chọn chiếu giường cũng như tất cả những thứ gì cần dùng cho con của chúng ta.
Rồi chín tháng nặng nhọc của Thúy nhưng lại là những ngày tháng chan chứa hy vọng của Tấn đã đến. Ngày cuối cùng, ngày Thúy đi vào nhà bảo sanh, sinh đứa con trai đầu lòng của Tấn, bé Thọ.
Từ ấy, Thúy và Tấn đã sống những ngày thật hạnh phúc, bên những người thân yêu và những đứa con ngoan ngoãn.
HẾT