Số lần đọc/download: 11979 / 308
Cập nhật: 2016-07-21 11:52:55 +0700
Chương 8
N
hà văn Dư Hoa [Yu Hua, 余华, chú thích của DĐ], một cây bút đang nổi của văn đàn Trung Quốc, trong lời cuối sách của tiểu thuyết Huynh đệ (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2006), ông có viết đại ý, trong lịch sử thế giới từ thời Trung Cổ đến thời hiện đại phải trải qua 400 năm. Còn ở Trung Quốc từ thời cách mạng văn hoá, cả đất nước chìm sâu trong bóng đêm trung cổ với thời bấy giờ với bao nhiên thay đổi đến chóng mặt để đất nước Trung Hoa nhanh chóng bước vào đội ngũ các đại gia của G8. Cái khoảng cách vời vợi giữa hai thời đại ấy đã được rút gọn trong có 40 năm. Rằng hay thì thật là hay nếu chỉ nhìn vào toàn cục, vào cả dân tộc. Nhưng nếu nhìn vào từng cá nhân, những cá nhân không được chuẩn bị từ căn cơ trong lịch sử, trong văn hoá, trong truyền thống và nhất là trong nhân cách làm người thì cái rút gọn trong mỗi cá nhân sẽ dẫn tới đâu? Theo ý tôi (N. K.) là các cá nhân ấy sẽ rất dễ bị GÃY khi gặp phải sóng to gió lớn. Vì cái lõi của nó chưa đủ cứng, chưa đủ bền, chưa đủ những tố chất về di truyền, về giáo dục (rất cần có thời gian) để ứng phó hữu hiệu với những thay đổi quá nhanh của môi trường sống. Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những con đường ngắn nhất nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào. Và càng lạ hơn là những tổ chức kinh tế được xem là lạc hậu, là phản động của một thời vẫn có muôn vàn cơ hội để tái sinh và xem ra còn tồn tại rất lâu dài.
Trong những năm 90 của thế kỷ 20 nhiều vị lão thành cách mạng Việt Nam lấy làm kinh ngạc và đau đớn trước sự tiêu vong quá nhanh của một siêu cường mà chân móng của nó đã ăn sâu trong mảnh đất Nga non một thế kỷ. Thật ra toà lâu đài kiểu mẫu của tương lai ấy không hề có chân móng. Nó được xây trên cát. Mọi thay đổi lớn đều dựa vào phong trào quần chúng được hình thành, được vận động chỉ bằng có tuyên truyền chứ không từ nguồn lực tự thân. Tất cả đều phải ép buộc, đều phải dàn dựng, và phải có các diễn viên chuyên nghiệp trình diễn theo một kịch bản độc nhất. Có hai nhà văn lớn của Châu Âu đều được mời xem màn diễn về một xã hội lý tưởng do người cộng sản lãnh đạo. Ông Romain Rolland thì khen không hết lời, còn ông André Gide thì chê từ đầu đến cuối. Vì một ông chỉ nhìn có cái mặt tiền, cái tổng thể, đến đâu cũng thấy dân chúng ca hát, nhảy múa và vẫy cờ, vẫy hoa. Còn một ông lại chỉ quan sát cái sân sau của chế độ và thân phận của nhiều cá nhân ông có dịp tiếp xúc. Đám đông thường cho ta cái cảm giác sai vì họ không thể giữ được tính độc lập trong tình cảm và phán xét. Còn cá nhân thì cái thân phận riêng tư của họ bao giờ cũng thuộc về nhân loại hôm nay và mai sau.
Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng. Các quốc gia cùng sống với nhau trong một liên bang, gọi nhau là anh em là đồng chí, nhìn ngoài thấy họ sống cũng yên ấm vui vẻ. Vậy mà khi họ chia tay nhau cũng dửng dưng. Và ngay lập tức họ nhận ra nhiều mối lợi trên đất nước mình đã bị người anh em ruột thịt chia sẻ trong một cuộc đổi chác không công bằng. Thế là bắt đầu những cuộc tranh chấp các đường biên giới, đã có lúc phải dùng đến xe tăng, đại bác để nói chuyện. Rồi tranh chấp đường ống dẫn dầu và các mỏ dầu, các căn cứ quân sự và các vùng biển có hạm đội. Khi Mỹ và NATO muốn đặt căn cứ quân sự trên đất nước họ, nhân danh chống khủng bố họ gật đầu liền đâu biết Mỹ là đối thủ của nước Nga anh em. Yêu Mỹ là tất nhiên vì Mỹ sẽ rót tiền vào những cái két rỗng của họ. Ghét Nga cũng là lẽ đương nhiên vì xưa kia anh bắt nạt tôi, lấn át tôi, xem tôi như chư hầu, như thuộc địa, bây giờ chính là lúc tôi có quyền trả thù. Lúc giận nhau thì nghĩ nông cạn thế, còn bình tĩnh lại thì giữa các nước cộng hoà trong liên bang Xô Viết (cũ) vẫn có sự ràng buộc tự nhiên và máu thịt trong lịch sử vì họ đã là người một nhà non một thế kỷ, đã cùng nhau sống chết chống hiểm hoạ phát xít để bảo vệ sự tồn tại của Liên bang cũng như của các nước cộng hoà. Lại đã cùng nhau sinh con đẻ cái, đã pha trộn ngôn ngữ, văn hoá và kỷ niệm. Bây giờ mỗi quốc gia vừa được trở lại là chính mình, vừa có phần đóng góp thêm của các nền văn hoá lân cận, bạn bè, giàu có hơn trước, văn minh hơn trước. Rồi họ cũng sẽ sống với nhau như một cồng đồng của khu vực, nhưng lần này là tự nguyện, là do họ tự chọn một hình thức liên minh bình đẳng, dân chủ và hoàn toàn tự do. Bất cứ một thiết chế xã hội nào nhắm tới dân chủ và tự do, xây một xã hội mở, một liên minh mở sẽ có may mắn tồn tại được lâu dài với sự đồng thuận của mọi người và sự hài lòng của mỗi cá nhân.