Số lần đọc/download: 9163 / 206
Cập nhật: 2015-08-11 20:06:49 +0700
Chương 7: Nỗi Sợ Không Cùng
T
iểu đoàn đợi tại Bình Dương suốt cả ngày, lính vui đùa trong các quán nước, người tôi nặng như đá đeo, nằm lì một chỗ. Gặp Tánh khóa 17, rủ thêm hai anh Hợp và Ký kéo nhau vào ăn cơm ở ngôi nhà cạnh đường, bữa cơm không hẹn trước hóa ra ngon. Trong câu chuyện của giây phút này thì nghe tin Vũ chết. Cuộc hành quân của chúng tôi nằm trong khuôn khổ một chiến dịch lớn, xử dụng ba tiểu đoàn Nhảy dù và một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến để làm giảm áp lực địch phía đông bắc tỉnh lỵ Bình Dương, phần đất của quận Bến Cát. Tiểu đoàn của Vũ đi trước chúng tôi hai ngày, từ ngày N-2 (1) của cuộc hành quân, đến lượt tiểu đoàn chúng tôi và tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến vào trận, lực lượng sẽ lục soát từ bắc xuống nam dọc theo sông Thị Tính nằm song song với quốc lộ 13... Vũ, người sĩ quan Thủ khoa khóa tôi, ở cùng phòng với nhau, anh thuộc loại người đứng đắn, cẩn thận, dễ gây lòng tin cho kẻ khác, người sinh ra để chỉ huy hoặc chịu chỉ huy, trong khi tôi là một lông bông không nghiêm nghị. Năm thứ hai Vũ trở thành sinh viên sĩ quan Liên đoàn trửơng, tôi kẻ đứng gần chót trong số 191 người cùng khóa. Cái hố cách biệt giữa tôi và Vũ từ đó xa hẳn ra mặc dù vẫn ở chung đại đội. Nhưng nghe tin Vũ chết, những gần gũi năm đầu tiên trở lại mênh mang, đêm Giao thừa đầu tiên xa nhà Vũ nướng hai cái lạp xưởng, mùi thơm bay đầy phòng, tôi phải lấy chăn trùm lấy Vũ cùng chiếc réchaud vì sợ khóa đàn anh bắt gặp. Đêm đó, lần đầu tiên trong hai tháng gần nhau Vũ mới nói cho tôi biết một vài chi tiết của đời anh. Người con gái thường đến thăm anh không phải là em gái, nhưng là fiancée. Vũ thật kín đáo.
Tin Vũ chết đưa lại như cơn gió độc, tôi bỏ dỡ bữa cơm ra đứng cạnh quốc lộ, nghĩ thầm... Bao giờ đến lượt mình? Tiểu đoàn Vũ còn có Trang và Lô, không hiểu có gì xảy ra cho chúng nó không?
Sáu giờ chiều, đoàn xe khởi hành, đoạn đường Bình Dương — Bến Cát hơn hai mươi cây số nhưng đầy hiểm nghèo. Trời tối, xe để đèn mắt mèo, tốc độ hạn chế mười cây số một giờ, con đường bị đào xới nát bấy, chiếc GMC di chuyển khó khăn. Quốc lộ 13, con số xui xẻo, đoạn đường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh trước cũng như bây giờ, con đường nằm ngang chiến khu D, những mật khu kiên cố Bầu Bàng, Bời Lời, vùng trú quân an toàn để từ đấy địch xâm nhập và uy hiếp xuống hai tỉnh Gia Định, Biên Hòa. Trời tối hẳn, đoàn xe phải dừng lại chờ thiết giáp hộ tống lên dẫn đường và phá mô. Tôi không sợ phục kích nhưng sợ mìn, vũ khí khốc hại với sức tàn phá khủng khiếp. Việt cộng vùng Bình Dương, Bến Cát, nói chung toàn miền Đông nổi tiếng về tài đánh địa đạo và gài mìn. Việt cộng ở Long An cũng thiện nghệ trong việc gài bẫy, nhưng ở đấy bẫy chỉ gài bằng lựu đạn nội hóa hoặc mìn muỗi. Vùng này địch đã biến chế các trái đạn súng cối 81 ly, 82 ly thành những trái mìn chống chiến xa vô cùng công hiệu. Quốc lộ 13 con đường mang số của sự chết đã đóng trọn nghĩa đó. Xe hàng từ Ban Mê Thuộc về chất đống ở Chơn Thành, hoặc đi từ Sài Gòn thì đợi ở Bình Dương hằng hai ba ngày bao giờ có chuyến mở đường mới dám tháp tùng theo.
Xe bắt đầu chuyển bánh nhận được lệnh ở trong máy truyền tin: Có quân bạn đóng dọc đường để an ninh lộ trình. Lệnh gây tin tửơng cho mọi người, tuy vậy xe vẫn để đèn mắt mèo; tôi hút điếu thuốc lá đầu tiên cho chuyến đi. Những lúc thế này thuốc lá thật cần thiết, ngồi trong đêm, chiếc xe chạy với một nhịp buồn nặng, không nhìn thấy một điều gì, rừng cao su hai bên đường thăm thẳm... Người sống trong một khung cảnh chết, ngọn lửa đầu điếu thuốc thật linh động; nhìn nó như dấu vết của một phần thân thể đang sống, đang mở ra. Yêu vô ngần. Bây giờ mới biết tại sao phần đông lính đều hút thuốc nếu không nói là hầu hết. Đi lính là nhập vào một sinh hoạt ồn ào nhưng mênh mông cô đơn, điếu thuốc như một người bạn âm thầm. Tôi đã đi qua con đường này vào tháng Bảy trong trạng thái kiệt quệ tinh thần, bây giờ những ray rứt ngày cũ đã hết, nhưng thoáng đâu đây dấu tích mệt mỏi của những ngày phung phí tinh thần, ngày cần kề cái chết khi bị Việt cộng ra đón đường xét giấy, tôi đã bình tĩnh dửng dưng lừa bịp những tên Việt cộng, trong khi trong người đầy giấy tờ và tang vật của nhà binh. Sẽ không còn một lần liều lĩnh nào như vậy trong đời nữa, em biết chăng? Đến Bến Cát lúc mười một giờ đêm, ngủ ngay trên quốc lộ, trãi poncho xuống mặt nhựa, cởi chiếc giày cho dễ chịu, thầy trò tôi nằm lên, thao thức không ngủ được. Đêm mùa khô của miền Nam trời trong vắt, sao sáng rực và một ít lạnh, lạnh của miền cao nguyên thổi về. Giá rét se sắt như kỷ niệm.
Ngày hai mươi ba tháng mười một, bốn giờ sáng trời đầy sương mù, thức dậy không thể ngủ tiếp được, mặt nhựa khô cứng lạnh ngắt, hơi lạnh của rừng núi, cuả mặt đất bốc lên tê cóng. Tôi đã tỉnh giấc từ lúc hai giờ sáng, một đêm thiếu ngủ người hóa thành phờ phạc. Cũng ngày này, năm trước, tôi ra trường.
- Mẹ, "nó" kêu mình lên hành quân mà không cho ngủ trong quận, lại đút ra ngoài đường nằm, nó coi mình như chó.
Tên lính chửi thề vu vơ, không biết "nó" ám chỉ những ai.
Bảy giờ, vượt tuyến xuất phát, tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến đi bên trái, tiểu đoàn chúng tôi đi bên phải, mục tiêu là khu vực giới hạn bởi hai con sông, Sài Gòn ở phía đông, Thị Tính ở phía tây. Phía bắc là khu đồn điền Alimot, Bussy. Tám giờ, đường đi bắt đầu khó, bản đồ chỉ là rừng thưa, nhưng thực tế cây bắt đầu lớn, cây chỉ cao trên dưới ba thước lớn bằng cổ chân nhưng đan sát vào nhau, rậm rạp chỉ đủ để một thân người lách đi rất khó khăn. Dao đi rừng không xử dụng được. Có hàng ngàn cánh rừng chúng tôi đã đi qua, nhưng loại rừng quái quỉ bé nhỏ này thật quá khó chịu, lấy hướng địa bàn, hai khinh binh đi đầu cúi khom mình bò qua các hàng cây, tôi bò tiếp theo... Một giờ qua, chiếc cổ tưởng chừng như muốn gãy đôi, cành cây đánh vào nón sắt nghe đến ù đầu. Tiến quân về hướng đông, xong vòng xuống hướng nam, đêm nay đóng quân ở đồn điền ông Thịnh. Trời đã chiều, dừng quân ăn cơm tối, bảy giờ tiếp tục đi, lấy lá rừng có chất lân tinh dán vào lưng người trước, người sau nương theo. Quân tiến ra khu đồn điền cao su lối đi rộng rãi. Đi thế này thì bao nhiêu chẳng được, địch cũng thế thôi, sở dĩ họ có được sức dẻo dai chịu đựng vì có cái thế, hoàn cảnh để nương vào... Tôi nghĩ lan man trong bóng tối.
So sánh với nỗi khổ cực phải di chuyển trong một khu rừng rậm không lối đi lúc ban ngày với cuộc chuyển quân ban đêm như thế này thì thật không thấm vào đâu. Việt cộng có thể di chuyển hằng hai mươi, ba mươi cây số một đêm không có gì lạ vì họ được đi trong bóng mát, trên đường mòn có cán bộ giao liên hướng dẫn. Đến khu đồn điền, bố trí quân, trãi ngay poncho xuống đất, khỏi làm lều... Ngủ cái đã. Từ bốn giờ sáng đến giờ, phải luôn luôn đứng hoặc đi nên khi vừa đặt lưng xuống đất tôi ngủ thiếp.
Ầm... Ầm... Hai tiếng nổ chát chúa, lửa lóe sáng rực. Pháo kích! Pháo kích! Tôi lăn xuống chiếc hố, nằm im chờ đợi. Tất cả trở lại im lặng, không phải pháo kích. Việt cộng ném lựu đạn. Một trung đội thuộc đại đội 74 đóng sát bìa làng đã chui vào trong mấy chiếc chòi để nấu cơm, Việt cộng ẩn trong hầm bí mật tung lựu đạn ra để thoát chạy. Bác sĩ tiểu đoàn được đưa đến tận chỗ, hai chết, mười chín bị thương. Thật xui xẻo, chưa làm ăn gì được đã mất toi một trung đội.
Ngày hôm sau, tiểu đoàn bỏ lại khu đồn điền, tiếp tục đi vào hướng đông, phía rừng rậm. Biết được tình hình, chỉ là du kích đồng thời để tiến quân nhanh hơn. Tiểu đoàn trưởng quyết định chia hai cánh quân. Đại đội tôi đi đầu một cánh, trung đội lại đi đầu. Thêm một ngày phải đi kiểu bò như cua còng nữa, lính càu nhàu. Buổi chiều, đoàn quân lại đâm xuống hướng nam để tìm chỗ đóng quân. Ra làng rồi đấy phải coi chừng. Tôi dặn dò mấy người khinh binh đi đầu, hai trái lựu đạn tối hôm qua làm tôi e ngại, tình cảnh này chứng tỏ địch đã bám sát chúng tôi. Nếu có lực lượng lớn, chúng đã đụng với chúng tôi từ trong rừng, đây chỉ là du kích cố bám sát để làm tiêu hao phá quấy lực lượng hành quân. Khu làng trước mặt hiện ra trống trải tôi thở hơi khoan khoái, ném nón sắt xuống đất, quay chiếc cổ tê mỏi một cách khó nhọc.
- Ra đến làng, coi chừng mìn và lựu đạn nghe các ông, Việt cộng vùng này là vua gài mìn đấy.
Tôi dặn thêm mấy lượt rồi dè dặt cho ba khinh binh tiến ra làng trước. Phía bên trái, đại đội 74 cũng cho một toán ra thám sát. Tôi thấy mấy người lính của đại đội này thấp thoáng trong tàng cây. Tiếng cuả thằng Chắc "tây lai" bô bô, một tiếng nổ kinh khiếp khói bốc lên đen nghịt.
- Chết tôi rồi! Thằng Chắc kêu thất thanh.
- Mìn gài trên cây, kêu y tá. - Thiếu uý Đông kêu rối rít.
- Y tá theo nó cũng bị thương rồi!
Tôi nhìn lên cành cây, bây giờ nơi nào đối với tôi cũng đầy mìn bẫy, tay chảy ướt mồ hôi, chân như muốn tê dại...Tôi ngồi im bất động. Mìn, thứ khí giới vô hồn đó làm tôi nghẹt thở, đối diện với một họng súng, một tên địch tôi có thể xem thường vì dù sao còn chủ động, đối phó được nhưng đây là mìn và lựu đạn, vũ khi ti tiện vô hồn được che dấu thật kỹ càng và sẵn sàng để nổ tung. Tôi thấy sợ, sợ thật sự, sợ cho chính mình, cho những người lính dưới quyền. Tôi ao ước được đụng độ, đụng ngay ở bìa rừng này, bất kể lực lượng địch bao nhiêu cũng được, nhưng hãy cho tôi một người trông thấy được; tôi sợ vẻ im lìm ngặt nghèo bí mật của trái mìn.
Trời tối, lệnh tắt hết lửa, toàn thể tiểu đoàn chìm xuống im lặng không tiếng động. Ở cánh trái chúng tôi bây giờ có tiếng người và ánh lửa, tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến ra đến vùng đóng quân. Thình lình những tiếng bục, bục, vang dội từ phía nam... Đúng là súng của địch bắt đầu bắn. Tiếng đạn rít trong không khí bay qua đầu chúng tôi. Chờ đợi, đạn nổ phía đóng quân của tiểu đoàn bạn. Pháo kích, pháo kích... Binh sĩ xì xào chạy xuống hầm. Đừng hoảng. Tôi bấm vào máy truyền tin liên lạc với hai toán tiền đồn ra lệnh đề phòng và trực máy. Tôi nằm yên trong hố, thân cây chuối trên miệng hầm lúc bây giờ qủa thật quá mỏng manh, ao ước một gốc cổ thụ, một cây đa che chở. Sợ, hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Tôi biết mình đang sợ hãi. Cảm giác buổi chiều khi nghe tiếng mìn nổ trở lại, tôi tưởng chừng như trong bụi chuối, góc nhà có một tên địch đang lẫn trốn, chờ đợi thời cơ hỗn loạn sẽ nhảy ra, trái lựu đạn sẽ nổ về phía tôi... Đấy là một sợ hãi vô lý, tôi biết vậy, nhưng thật chính là mục đích của địch trong chiến thuật tiêu hao dần lực lượng của đối phương. Theo dõi, bắn sẻ, gài mìn, đặt bẫy trên hướng tiến quân, đột kích vào vị trí đóng quân đêm, pháo kích, đó là những phương cách có hiệu qủa nhất để làm tan hoang tinh thần cũng như sức chiến đấu của một đoàn quân. Tôi nghe rõ những tiếng départ của súng cối địch từ xa, khô gọn và tàn ác như lưỡi dao chém xuống thớt. Nổ ở đây? Hay chỗ kia? Địch có điều chỉnh không? Chúng có rõ tiểu đoàn chúng tôi đông ở đây không? Sau mỗi tiếng départ tôi chờ đợi tiếng nổ của trái đạn với căng thẳng đun nóng trí não. Tôi thở dài nhẹ nhõm mỗi khi nghe được tiếng nổ ở phía xa, phía đơn vị bạn. Tàn ác, ích kỷ? Có thể là như thế, nhưng tôi không thể nào chịu đựng được giây phút trống rỗng khi qủa đạn đang bay, tôi ao ước được đụng độ, để giữa tiếng đạn nổ, hơi thuốc súng tôi có thể di động giữa cái sống và cái chết với ý niệm có tự do được chọn lựa. Trong chờ đợi cuả quả nổ đã biến tôi co cứng khiếp sợ hèn mọn. Ai không hèn mọn khi bó tay trước một cái chết không tự do.
Pháo binh từ Bến Cát phản pháo chính xác làm im súng cối địch, trực thăng đến, di tản thương binh, ánh đèn đỏ của chiếc máy bay lập lòe trong đêm ma quái, tôi nghĩ đến tên Việt cộng bắn súng cối vừa rồi nếu giờ này chưa chết vì đạn pháo binh chắc hẳn hắn đang hãnh diện vì kết quả vừa thu được. Chiến tranh quả thật tàn bạo, lấy cái chết cuả những người mình không thù oán làm thành quả cho bản thân. Tôi không ngủ, mong trời mau sáng để được rút ra quốc lộ 13. Cuộc hành quân này ngắn sao tôi thấy mệt mỏi vô hạn, có lẽ vì ba đêm thiếu ngủ hay thần kinh bị căng thẳng bởi cơn khiếp sợ chờ đợi. Buổi trưa khi tiểu đoàn qua mặt tiểu đoàn 4/ TQLC, đơn vị nòng cốt của ngày 1-11-63. Ở tiểu đoàn này tôi không có bạn thân, chỉ biết có mấy anh ở khóa trước làm đại đội trưởng, trong số sĩ quan tôi chú ý một thiếu uý, người cao cân đối, khuôn mặt đều đặn và nhất là đôi mắt xao xuyến. Vào tháng mười hai, tiểu đoàn 4/TQLC đụng nặng ở Bình Gĩa, không hiểu bạn ấy có sống sót hay không? Đã bao nhiêu lâu, một buổi chiều ở Biên Hòa tôi thấy anh buồn bã và u uất. Trong đời tôi hay bị xúc động bởi những nguyên nhân bất chợt, nên sau này bao nhiêu tháng năm qua tôi vẫn nhớ đến đôi mắt thăm thẳm của người lính không quen đó... Người bạn không quen ấy có còn không trong chiến tranh?
Tiểu đoàn vượt sông Thị Tính trong buổi chiều, đi trên chiếc phà của Công binh vừa lắp xong thấy bóng mình lung linh vỡ tung trên dòng nước, bềnh bồng như một kiếp người mỏng manh. Quốc lộ 13, xe chờ sẵn, một đại đội của sư đoàn 5 bộ binh giữ an ninh bãi lên xe. Tôi thấy họ thật tội nghiệp trong khi nhìn chúng tôi lên xe.
- Các anh bây giờ về Sài Gòn, vui há? - Lính chúng tôi gật đầu hãnh diện...
- Mấy anh thật sướng, đi hành quân ở đâu nhưng cũng được về nhà ở thành phố, chúng tôi ngủ bờ ngủ bụi suốt cả năm...
Xe chạy, chúng tôi vẫy tay chào, nhìn những bàn tay đưa lên chào lại băn khoăn. Dọc đường lính đơn vị bạn giữ an ninh lộ trình, có người đưa tay lên vẫy chúng tôi. Tội nghiệp, họ vẫy chào thành phố chúng tôi sắp đến. Thành phố - Thủ đô... Những nhọt bẩn ung mủ trên quê hương đối với lính sao vẫn còn quyến rũ.
Xe chạy qua tỉnh B, nhìn con đường hẻm dẫn vào nhà em, lòng thoáng thấy cay đắng như vết thương chưa khép ngâm xuống nước biển mặn.
Tháng 11-1964. Bến Cát, Bình Dương