In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Neil Gaiman
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
gày hôm sau thật khủng khiếp.
Bố mẹ đều đã rời nhà trước khi tôi dậy.
Trời đã trở lạnh, bầu trời là một màu xám ảm đạm vô duyên. Tôi đi qua phòng ngủ của bố mẹ để ra chỗ ban công kéo dài từ phòng bố mẹ đến phòng của anh em tôi, rồi đứng trên ban công dài cầu nguyện với bầu trời để Ursula Monkton chán trò chơi này và để tôi không thấy mặt cô ta nữa.
Khi xuống nhà, tôi thấy Ursula Monkton đang chờ mình dưới chân cầu thang.
“Cũng những quy định như hôm qua, đồ nhóc con nghe lén,” cô ta nói. “Mi không được ra khỏi nhà. Mi mà cố thì ta sẽ nhốt mi lại trong phòng ngủ đến hết ngày, khi bố mẹ mi về, ta sẽ nói với họ là mi đã làm gì đó thật gớm.”
“Bố mẹ sẽ không tin bà đâu.”
Cô ta cười thật dễ thương. “Mi có chắc không đấy? Nếu ta nói với họ mi đã vạch con chim bé tí tẹo ra mà tè khắp sàn bếp, khiến ta phải lau chùi và tẩy rửa hết cả thì sao? Ta nghĩ họ sẽ tin ta. Ta sẽ nói đầy sức thuyết phục.”
Tôi tới phòng thí nghiệm. Tôi ăn hết chỗ trái cây đã giấu ở đó ngày hôm trước. Tôi đọc Sandie sáng suốt, một cuốn truyện nữa của mẹ tôi. Sandie là một cô học trò can trường vô tình được gửi đến học tại một ngôi trường dành cho con nhà giàu mà ở đó, ai cũng ghét cô bé. Cuối cùng, cô bé vạch mặt cô giáo dạy địa lý là thành viên của tổ chức quốc tế xấu xa và là người đã trói cô giáo thật lại. Đỉnh điểm là tại hội đồng nhà trường, khi Sandie can đảm đứng lên phát biểu, mở đầu bằng, “Em biết lẽ ra mình không được đến đây. Do một sơ suất giấy tờ mà em đến đây còn bạn Sandy có chữ Y thì đến trường chuyên thị trấn. Nhưng em cảm tạ ơn trên là mình đã đến đây. Vì cô Streebling không phải là người như cô ta mạo nhận.”
Cuối cùng, Sandie được những người ghét cô bé đón nhận.
Bố tôi đi làm về sớm - tôi nhớ nhiều năm rồi bố không về sớm như vậy.
Tôi muốn nói chuyện với bố, nhưng bố chẳng khi nào ở một mình.
Tôi ngồi trên cành cây sồi theo dõi họ.
Đầu tiên, bố dẫn Ursula Monkton đi xem quanh vườn tược, tự hào chỉ cho cô ta thấy mấy bụi hồng rồi lý chua đen với anh đào và đỗ quyên như thể bố có góp phần chăm chút chúng, như thể không phải do ông cụ Wollery bài trí chúng đâu ra đấy và chăm sóc chúng năm chục năm trước khi chúng tôi mua ngôi nhà này vậy.
Cô ta cười theo mọi câu bố đùa. Tôi không nghe được bố nói gì, nhưng tôi thấy được cái nụ cười nhếch mép của bố mỗi khi bố biết mình nói gì đó khôi hài.
Cô ta đang đứng sát rạt bên bố. Thỉnh thoảng, bố để tay lên vai cô ta theo kiểu thân tình. Tôi thấy lo vì bố đang đứng rất gần cô ta. Bố không biết cô ta là thứ gì. Cô ta là yêu quái, nhưng bố cứ tưởng cô ta là người bình thường và đang tử tế với cô ta. Hôm nay cô ta ăn mặc khác đi: chân váy xám, kiểu người ta gọi là váy lửng, và áo hồng.
Nếu như hôm nào khác thấy bố đi dạo trong vườn thì tôi đã chạy lại với bố rồi. Nhưng hôm ấy thì không. Tôi sợ bố sẽ nổi giận, hoặc Ursula Monkton sẽ nói gì đó khiến cho bố giận tôi.
Tôi thấy khiếp sợ bố mỗi khi bố giận dữ. Mặt bố (góc cạnh và thường niềm nở) sẽ đỏ lựng lên, bố sẽ quát, quát âm ĩ và giận dữ đến mức làm tôi tê liệt theo đúng nghĩa đen. Tôi sẽ không suy nghĩ được.
Bố không bao giờ đánh tôi. Bố không đồng tình với chuyện đánh đập. Bố vẫn kể cho anh em tôi nghe là ông nội thường đánh bố, bà nội cầm chổi rượt bố, mà bố thì tử tế hơn vậy. Khi giận đến mức phải quát tôi thì bố vẫn nhắc cho tôi nhớ là bố không đánh tôi, như thể để làm tôi thấy biết ơn. Trong mấy câu chuyện về trường học tôi đọc, hạnh kiểm xấu thường dẫn đến đòn roi hoặc bị cầm dép phết mông rồi được tha thứ là xong, nên đôi khi tôi cũng ganh tị với bọn trẻ hư cấu đó về sự gọn ghẽ trong đời chúng.
Tôi không muốn đến gần Ursula Monkton: tôi không muốn liều làm bố nổi giận.
Tôi băn khoăn không biết đây có phải là lúc thích hợp để tìm cách ra khỏi nhà và đi xuống đường làng hay không, nhưng tôi tin chắc rằng tôi mà làm vậy thì sẽ nhìn thấy bộ mặt giận dữ của bố bên bộ mặt hết sức xinh đẹp và tự mãn của Ursula Monkton.
Thế nên, tôi chỉ ngồi trên cành sồi to mà quan sát họ. Khi họ đi khuất tầm mắt ra sau mấy bụi đỗ quyên, tôi trèo xuống thang dây, vào nhà, lên ban công rồi theo dõi họ từ trên đó. Hôm ấy là một ngày xám xịt, nhưng đâu đâu cũng có hoa thủy tiên màu vàng bơ và um tùm hoa lăng ba tiên tử với cánh hoa màu trắng cùng tràng hoa hình loa kèn màu cam đậm. Bố hái một nắm lăng ba tiên tử tặng cho Ursula Monkton, cô ta cười, nói gì đó rồi khẽ nhún đầu gối cúi chào. Bố cúi chào lại và nói gì đó khiến cô ta cười. Tôi nghĩ chắc bố tự xưng mình là kỵ sĩ hào hiệp của cô ta hay đại loại như vậy.
Tôi muốn gào to với bố, báo cho bố biết là bố đang tặng hoa cho yêu quái, nhưng tôi không làm. Tôi chỉ đứng trên ban công theo dõi, còn họ không nhìn lên nên không thấy tôi.
Tôi đọc thấy trong cuốn sách thần thoại Hy Lạp là hoa lăng ba tiên tử được đặt theo tên một chàng trai trẻ trung, xinh đẹp và đáng yêu đến mức chàng ta đem lòng yêu chính mình. Chàng ta thấy bóng mình dưới hồ nước và không chịu rời khỏi nó, thế rồi cuối cùng, chàng chết đi nên các vị thần đành phải biến chàng thành hoa. Khi đọc thấy vậy, tôi hình dung rằng lăng ba tiên tử hẳn là loài hoa đẹp nhất thế gian. Tôi thất vọng khi biết hóa ra đó chỉ là hoa thủy tiên trắng chứ không được ấn tượng như tôi nghĩ.
Em tôi từ trong nhà đi ra đến chỗ họ. Bố tôi bế con bé rồi tung nó lên cao. Tất cả họ cùng đi vào nhà, bố bồng nhỏ em tôi, nó ôm cổ bố, còn Ursula Monkton thì tay ôm đầy hoa vàng và trắng. Tôi theo dõi họ. Tôi thấy bàn tay còn trống của bố, bàn tay không bế em tôi, buông thõng xuống và để thật tự nhiên như kiểu đã là gia chủ trên gò mông mặc váy lửng của Ursula Monkton.
Nếu là bây giờ thì tôi đã phản ứng với chuyện đó khác đi rồi. Lúc ấy thì tôi tin là mình chẳng để ý gì chuyện đó cả. Tôi chỉ mới bảy tuổi.
Tôi dễ dàng trèo từ ngoài ban công vào cửa sổ phòng ngủ, tụt xuống giường rồi đọc một cuốn sách viết về đứa con gái ở trọ tại quần đảo Eo Biển và thách thức Đức Quốc Xã khi không chịu bỏ rơi con ngựa của mình.
Và trong khi đọc, tôi ngẫm nghĩ rằng, Ursula Monkton không thể giam mình ở đây mãi được. Sớm thôi - vài ngày là cùng - sẽ có ai đó dẫn mình xuống thị trấn hay đi khỏi đây, lúc đó mình sẽ xuống trang trại ở cuối đường làng và kể cho Lettie Hempstock nghe những gì mình đã làm.
Rồi tôi nghĩ giả sử Ursula Monkton chỉ cần có vài ngày thôi thì sao. Và điều đó làm tôi sợ hãi.
Chiều hôm đó, cô ta làm món thịt xay nướng cho bữa ăn tối, tôi lại không chịu ăn. Tôi quyết không ăn thứ gì cô ta làm, nấu hay động đến. Bố tôi không vui.
“Nhưng con không muốn mà,” tôi nói với bố. “Con không đói.”
Hôm ấy là thứ Tư, mẹ tôi đang đi họp tại hội trường làng kế bên, ở đâu đó xuôi theo con đường, nhằm gây quỹ để người dân châu Phi có thể khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Mẹ có các loại áp phích để treo lên, biểu đồ về các giếng nước và ảnh chụp những người đang mỉm cười. Ngồi ở bàn ăn bây giờ chỉ có em tôi, bố tôi, Ursula Monkton và tôi.
“Nó được mà, tốt cho con, lại ngon lành nữa,” bố nói. “Mà trong nhà này không có chuyện bỏ phí đồ ăn.”
“Con đã nói con không đói mà.”
Tôi nói dối. Tôi đói đến mức đau quặn cả bụng.
“Vậy thì cắn thử một miếng nhỏ thôi,” bố nói. “Món này con thích mà. Thịt xay nướng với khoai tây nghiền rưới nước xốt. Con thích mấy món đó mà.”
Trong bếp có một bàn dành cho trẻ con, chỗ chúng tôi ngồi ăn khi bố mẹ có bạn bè đến chơi hay khi ăn trễ. Nhưng tối hôm ấy, chúng tôi ngồi ở bàn người lớn. Tôi thích bàn cho trẻ con hơn. Ở đó, tôi cảm thấy mình vô hình. Không ai nhìn ngó tôi ăn cả.
Ursula Monkton ngồi kế bên bố và nhìn tôi chằm chằm, nụ cười mỏng dính nhếch lên ở khóe môi.
Tôi biết mình nên ngậm miệng, im lặng, sưng sỉa. Nhưng tôi không nhịn được. Tôi phải nói cho bố biết vì sao mình không muốn ăn.
“Con sẽ không ăn bất cứ thứ gì cô ta làm đâu,” tôi nói với bố. “Con không thích cô ta.”
“Con sẽ phải ăn phần của con,” bố tôi nói. “Ít ra thì con cũng phải thử. Rồi xin lỗi cô Monkton.”
“Không đâu ạ.”
“Cháu nó không cần làm vậy đâu,” Ursula Monkton nói ra vẻ đáng mến, rồi cô ta nhìn tôi và nhoẻn miệng cười. Tôi không nghĩ ai trong hai người còn lại ngồi ở bàn để ý thấy cô ta đang mỉm cười thích thú, hay thấy rằng không có gì đáng mến nơi vẻ mặt cô ta, hay nụ cười của cô ta, hay cặp mắt vải mục của cô ta.
“Tôi e là có đấy,” bố tôi nói. Bố lớn tiếng hơn một chút, mặt bố đỏ lên hơn một chút. “Tôi sẽ không để nó hỗn xược với cô như thế.” Rồi quay qua tôi, “Nói bố nghe một lý do chính đáng xem nào, chỉ một thôi, tại sao con không chịu xin lỗi và tại sao con không chịu ăn món ăn ngon lành cô Ursula nấu cho bố con mình.”
Tôi không giỏi nói dối. Tôi kể cho bố nghe.
“Vì cô ta không phải người,” tôi nói. “Cô ta là yêu quái. Cô ta là...” Nhà Hempstock đã gọi cô ta là thứ gì ấy nhỉ? “Cô ta là bọ chét.”
Giờ thì hai má bố tôi đỏ rần rần, cặp môi mím lại. Bố nói, “Đi ra hành lang. Ngay.”
Lòng tôi thắt lại. Tôi tụt xuống ghế đẩu và theo bố ra hành lang. Trong hành lang tối om: ánh sáng duy nhất là từ nhà bếp hắt ra, qua tấm kính trong suốt trên cửa bếp. Bố nhìn xuống tôi. “Con sẽ quay vào bếp. Con sẽ xin lỗi cô Monkton. Con sẽ ăn cho hết đĩa thức ăn, thế rồi con sẽ yên lặng và lễ độ đi thẳng lên lầu mà ngủ.”
“Không,” tôi nói với bố. “Con không làm đâu.”
Tôi lồng lên, chạy dọc hành lang, vòng qua góc rồi giậm thình thịch lên cầu thang. Tôi tin chắc là bố sẽ đuổi theo. Bố to cao, bằng hai tôi, chạy lại nhanh, nhưng tôi cũng không phải đi xa nữa. Trong nhà chỉ có mỗi một phòng tôi khóa lại được, và đó là nơi tôi đang tiến đến, rẽ trái ở đầu cầu thang rồi chạy dọc hành lang đến tận cùng. Tôi tới được phòng tắm trước bố. Tôi đóng sầm cửa rồi đẩy cái then bạc nhỏ chốt cửa lại.
Bố không đuổi theo tôi. Có lẽ bố nghĩ đuổi theo một đứa con nít thì không xứng với phẩm cách của bố. Nhưng vài phút sau tôi đã nghe thấy bố nện nắm đấm rầm rầm lên cửa, rồi giọng bố nói, “Mở cửa ra.”
Tôi im thin thít. Tôi ngồi trên nắp bồn cầu có lót lông và ghét bố cũng gần bằng ghét Ursula Monkton.
Cửa lại kêu rầm rầm, lần này mạnh hơn. “Nếu con không mở cửa ra,” bố nói, đủ to để chắc chắn tôi nghe được qua lớp cửa, “bố sẽ phá cửa đấy.”
Bố làm vậy được không? Tôi không biết. Cửa khóa rồi. Cửa được khóa là để ngăn mọi người vào. Một cánh cửa khóa có nghĩa là ta đang ở trong đó, và khi mọi người muốn vào nhà tắm, họ sẽ lắc lắc cửa, rồi thấy nó không bật ra, và họ sẽ nói, “Xin lỗi nhé!” hay kêu lên “Có còn lâu không?” và...
Cửa mở tung vào trong. Cái chốt bạc nhỏ bung ra toòng teng nơi khung cửa, cong queo móp méo cả, còn bố tôi đứng lấp kín khung cửa, mắt trợn tròn và trắng dã, hai má phừng phừng tức giận.
Bố nói, “Được.”
Bố chỉ nói có vậy, nhưng bàn tay bố nắm bắp tay trái của tôi thành một gọng kìm tôi không làm sao vùng ra được. Tôi tự hỏi giờ bố sẽ làm gì. Cuối cùng thì bố cũng đánh tôi, đuổi cổ tôi về phòng hay quát tháo tôi to đến mức tôi ước gì mình chết quách đi cho rồi?
Bố không làm điều nào trong những điều ấy cả.
Bố lôi tôi lại bồn tắm. Bố cúi tới, nhét nút cao su trắng vào lỗ xả. Rồi bố vặn vòi nước lạnh. Nước xối ra, bắn lên men trắng rồi đều đều và thong thả chảy đẩy bồn.
Nước chảy ầm ĩ.
Bố tôi quay qua cánh cửa để mở. “Tôi liệu được chuyện này mà,” bố nói với Ursula Monkton.
Cô ta đứng bên khung cửa, nắm tay em tôi, trông quan tâm và dịu dàng, nhưng trong ánh mắt có vẻ đắc thắng.
“Đóng cửa lại đi,” bố tôi nói. Em tôi bật khóc thút thít, nhưng Ursula Monkton đóng cửa lại, cô ta phải cố hết sức vì bản lề không khớp chặt và cái chốt gãy làm cánh cửa không đóng chặt lại được.
Chỉ còn tôi với bố. Hai má bố đã chuyển từ đỏ thành trắng, môi bố mím lại, còn tôi không biết bố định làm gì hay tại sao bố mở nước đầy bồn tắm, nhưng tôi sợ, rất sợ.
“Con sẽ xin lỗi,” tôi nói với bố. “Con sẽ nói xin lỗi. Con không có ý nói những điều ban nãy đâu. Cô ta không phải yêu quái. Cô ta... cô ta xinh đẹp.”
Bố không trả lời. Bồn tắm đã đầy, bố vặn vòi nước lạnh lại.
Thế rồi, thoắt một cái, bố bế xốc tôi lên. Hai bàn tay to bè của bố cặp dưới nách tôi, hất tôi lên ngon ơ nên tôi thấy như mình chẳng có tí sức nặng nào.
Tôi nhìn bố, nhìn vẻ đăm đăm trên mặt bố. Bố đã cởi áo vét ra trước khi lên lầu. Bố đang mặc áo sơ mi xanh nhạt và thắt cà vạt có họa tiết cánh hoa màu nâu hạt dẻ. Bố nới dây tháo đồng hồ đeo tay ra và thả lên bậu cửa sổ.
Rồi khi nhận ra điều bố sắp làm, tôi đạp tung lên, hai tay vùng vẫy quất vào bố, nhưng không hành động nào đem lại kết quả khi mà bố dìm tôi xuống làn nước lạnh ngắt.
Tôi kinh hoàng, nhưng ban đầu thì đó là nỗi kinh hoàng khi chuyện đang xảy ra trái với trật tự vốn có của vạn vật. Tôi đang còn mặc nguyên áo quần. Điều đó không phải. Tôi đang mang xăng đan. Điều đó sai. Nước bồn tắm lạnh ngắt, rất lạnh và rất sai trái. Đó là điều thoạt tiên tôi nghĩ khi bố nhấn tôi xuống nước, thế rồi bố dìm thêm nữa, nhấn đầu và vai tôi xuống dưới làn nước lạnh cóng, vậy là tính chất nỗi kinh hoàng biến đổi. Tôi nghĩ, Mình sắp chết rồi.
Thế rồi, khi nghĩ vậy, tôi quyết phải sống.
Tôi đưa hai tay quơ cào vùng vẫy, cố tìm cái gì để bám vào nhưng không có gì để nắm cả, chỉ có hai bên thành trơn trượt của cái bồn tắm tôi đã tắm trong hai năm qua. (Tôi đã đọc rất nhiều sách trong bồn tắm ấy. Đó là một trong những chỗ an toàn của tôi. Còn giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ chết trong đó.)
Ở dưới nước, tôi mở mắt ra thì thấy nó lòng thòng trước mặt: cơ hội sống của tôi, nên cả hai tay tôi túm lấy nó - chiếc cà vạt của bố.
Tôi nắm chặt chiếc cà vạt, nhấc người lên trong khi bố nhấn tôi xuống, nắm chặt nó để sống, ngẩng mặt lên khỏi làn nước lạnh ngắt đó, bám chặt vào cà vạt bố đến mức bố không thể tiếp tục nhấn đầu và vai tôi xuống bồn tắm mà không bị ngã vào theo.
Giờ thì mặt tôi đã trồi lên trên mặt nước, tôi cắn chặt hai hàm răng vào ngay dưới nút thắt cà vạt của bố.
Chúng tôi giằng co. Tôi ướt mèm nhưng lấy làm sung sướng đôi chút khi biết bố cũng bị ướt hết cả, áo sơ mi xanh dính bết vào thân hình to lớn của bố.
Lúc này, bố lại nhấn tôi xuống, nhưng nỗi sợ chết cho ta sức mạnh: hai bàn tay và răng tôi kẹp lấy chiếc cà vạt nên bố không thể gỡ ra mà không đánh tôi.
Bố không đánh tôi.
Bố đứng thẳng người dậy nên tôi được kéo lên theo, tôi ướt sũng, phun phì phì, tức giận, khóc và sợ hãi. Tôi nhả cà vạt bố ra, hai tay vẫn nắm chặt.
Bố nói, “Con làm hỏng mất cà vạt của bố rồi. Buông ra.” Nút thắt cà vạt bị siết lại còn bé xíu, lớp vải lót cà vạt ướt nhem lòng thòng ra ngoài. Bố nói, “Con nên mừng vì không có mẹ ở đây.”
Tôi buông ra, ngồi phịch xuống tấm thảm phòng tắm sũng nước. Tôi lùi lại một bước về phía bồn cầu. Bố nhìn xuống tôi. Rồi bố nói, “Về phòng ngủ của con đi. Tối nay bố không muốn thấy mặt con nữa.”
Tôi đi về phòng.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng