I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Bà Tùng Long
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2808 / 46
Cập nhật: 2015-07-10 14:34:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ũng ở nhà cha mẹ về, trông mệt nhọc hơn trước. Phi Nga hối Dũng đi khám bệnh lại, đổi bác sĩ khác thì Dũng nói:
- Em nói phải đó, anh phải đến bác sĩ Văn mới được, ông Huyên hình như xem bệnh anh không ra.
Mấy hôm nay, cứ buổi chiều là anh nghe trong người như bị sốt.
- Anh có đo thân nhiệt không?
- Không.
Phi Nga lấy nhiệt kế đặt cho Dũng, hốt hoảng thấy nó chỉ đến 39 độ:
- Anh sốt cao rồi, phải đi bác sĩ ngay.
Bác sĩ Văn nói sau khi khám cho Dũng:
- Ông mệt lại đi xa, nên bị cảm... Nằm nghỉ và chích thuốc vài hôm, ông sẽ khỏe. Tôi không thấy có triệu chứng một bệnh nặng nào khác.
Như lời bác sĩ Văn, hai hôm sau Dũng đã bớt sốt bắt đầu ăn uống lại như thường. Dũng đòi đi dạy lại nhưng Phi Nga không chịu và xin phép cho Dũng được nghỉ thêm ba hôm nữa...
Trong lúc ấy ông Malê sai Paul lên cho nàng hay ngày hôm sau sẽ khai mạc cuộc triển lãm và Paul sẽ đem xe lên rước Phi Nga về dự. Paul nói ầm lên ở phòng khách, Phi Nga liền cho Paul biết Dũng đang bệnh, nghỉ cả tuần nay. Paul vội hỏi:
- Nếu vậy chị không đi dự lễ khai mạc được à?
- Anh bị bệnh, làm sao chị yên lòng đi được?
Từ phòng trong Dũng đã lên tiếng:
- Phi Nga vào đây anh nói cái này.
Phi Nga vội vàng đi vào. Dũng nói:
- Anh nghe hết rồi. Em cứ nhận lời đi xem triển lãm đi. Người ta đã chấm những bức tranh dự thi rồi mà. Tranh của em như thế nào?
- Em không nghe Paul nói gì...
- Chắc người ta chấm rồi mới đưa ra triển lãm. Em nên đi dự.
Phi Nga ái ngại:
- Nhưng anh không được khỏe...
- Anh khỏe rồi. Em ra nhận lời với cậu Paul đi.
Thấy Phi Nga còn do dự, Dũng ngồi ngay dậy:
- Hay để anh ra trả lời cho cậu ấy?
Phi Nga vội vàng đỡ Dũng nằm xuống:
- Thôi để em nói.
Paul ra về rồi, Phi Nga trở vào ngồi bên Dũng cầm tay chàng và hỏi:
- Anh nghe trong người thế nào?
- Anh nghe đỡ nhiều.
Phi Nga vạch xem mí mắt của Dũng rồi nói:
- Trông anh còn xanh nhiều, chưa lại sức. Chưa thật khỏe mà đi dạy thì mệt lắm. Để em đưa anh đi bác sĩ Văn tái khám.
Dũng cười:
- Anh đi một mình không được sao? Em làm anh như là trẻ con vậy.
Nói đến đây, cặp mắt của Dũng để lộ sự mệt nhọc, Dũng nói tiếp:
- Nhưng đôi khi, anh thấy anh đúng là trẻ con thật. Như chuyện bức tranh gia đình mà em vẽ đó, không hiểu sao anh cứ nghĩ đến nó hoài và tự hỏi, tại sao em lại vẽ em ngoảnh mặt đi nơi khác?
- Em bảo để em vẽ lại, anh lại không chịu.
- Em có quyền vẽ theo cảm xúc của em, vẽ lại mất hay. Nhưng anh vẫn thấy làm sao ấy. Mấy hôm về quê thăm cha mẹ, anh cứ có cảm giác rồi đây anh sẽ mất em. Anh lo quá. Rồi lúc này anh lại nghe trong người mệt mỏi quá. Dường như có một cái gì sắp thay đổi trong đời anh, trong người anh, lắm lúc anh cảm thấy buồn làm sao ấy.
Nói đến đây, Dũng ứa nước mắt:
- Anh thật lẩn quẩn quá, em sẽ chán anh.
Phi Nga siết chặt tay Dũng:
- Anh đừng nói vậy. Em lúc nào cũng yêu anh.
- Anh hiểu thế nhưng anh vẫn lo...
- Hay là ngày mai em ở nhà với anh, không đi dự triển lãm nữa? Ngày mai người ta làm lễ khai mạc. Hôm khác em đi xem cũng được. Đợi anh thật khỏe đã.
Dũng lắc đầu:
- Em nên đi, đó là một vinh dự người ta dành cho em, anh không được ích kỷ.
- Anh hứa là chiều nay anh đi thăm bệnh lại.
- Anh sẽ đi, em hãy yên lòng.
Hai người nói chuyện tới đây thì bé Hoàng chạy vào, leo lên ngồi bên Dũng:
- Ba đưa con đi chơi đi, sao ba nằm hoài vậy?
Phi Nga trả lời thay Dũng:
- Ba không khỏe, ba mệt.
Hoàng hỏi:
- Ba bệnh hả?
Rồi nó ôm đầu Dũng hôn mấy cái:
- Con hôn nhiều để ba mau hết bệnh.
Dũng siết nó vào lòng:
- Ba sẽ khỏi bệnh để đưa con đi chơi, cả em Hồng nữa.
- Hồng là con gái, cho nó ở nhà với mẹ. Con trai mới đi với nhau chớ.
Nghe Hoàng nói thế, Phi Nga phì cười:
- Con là con nít, chớ con trai với ai?
Hoàng cãi lại:
- Con là con trai, ba cũng là con trai. Mẹ là con gái. Em Hồng là con gái như mẹ. Con không chơi với con gái.
Nghe Hoàng lý luận, Dũng bật cười. Phi Nga nói:
- Mới có ba tuổi mà thằng bé này đã tự phụ về giới tính của mình. Đàn ông các anh được cái tài ấy.
Dũng quên cả buồn phiền, cười lớn:
- Bây giờ đến em gọi thằng Hoàng là đàn ông, buồn cười chưa? Thằng này rồi đây thế nào cũng có sự nghiệp làm trai. Mới ba tuổi mà đã nêu cao ngọn cờ của nó...
Ngày hôm sau, Phi Nga thức dậy sửa soạn đi Sài Gòn thì Dũng còn ngủ. Lúc mặc áo dài vào rồi, Phi Nga đến bên giường, lấy tay đặt nhẹ lên trán Dũng, hốt hoảng vì nghe trán Dũng nóng hổi. Dũng mở mắt ra và hỏi:
- Em chưa đi à?
- Anh sốt thế này, vậy mà hôm qua em nhắc anh đi bác sĩ, anh lại không chịu.
Dũng đưa tay sờ lên trán:
- Anh đâu có sốt. Tại anh nằm trong phòng kín nên ấm như thế.
Dũng cựa mình, nghiêng ra ngoài và hỏi:
- Em ăn gì chưa? Xe chưa đến sao?
- Chưa đến, nhưng em không muốn đi nữa. Rõ ràng là anh bị sốt nặng rồi. Hai mắt đen láy, môi ửng đỏ thế kia.
Vừa nói, Phi Nga vừa cởi nút áo trên cổ. Dũng hỏi:
- Thế hẹn lỡ với cậu Paul thì sao?
- Không sao cả. Ngày nào anh khỏe em đi Sài Gòn xem triển lãm sau cũng được.
Dũng ngồi ngay dậy:
- Anh có sốt đâu.
Nhưng Dũng nghe chóng mặt, mồ hôi ra ướt cả áo, lại phải nằm ngay xuống, lấy tay vỗ nhẹ lên trán. Phi Nga hoảng hốt vì thấy mặt Dũng tái nhợt:
- Anh bị sao vậy?
Dũng vẫn gượng gạo:
- Anh có sao đâu, hơi chóng mặt chút thôi. Em nghe lời anh, đi dự lễ khai mạc triển lãm đi.
Phi Nga vén mùng lên ngồi xuống bên Dũng:
- Anh còn mệt vậy mà không chịu đi bác sĩ.
- Em yên lòng, ở nhà uống sữa xong anh sẽ đi.
Phi Nga còn do dự thì Dũng cầm lấy tay nàng, đưa lên miệng hôn:
- Tội nghiệp em quá. Từ ngày về làm vợ anh chưa có được một ngày hạnh phúc.
Phi Nga lườm Dũng:
- Lại nói bậy nữa đi. Tại sacf không có lấy một ngày hạnh phúc?
Dũng lắc đầu:
- Anh không mang hạnh phúc đến cho em.
- Anh đừng nói vậy. Anh đã cho em hai đứa con, chúng nó là nguồn sống, nguồn an ủi của em.
Dũng cười đầy vẻ hoài nghi:
- Anh không tin.
Phi Nga đã thay áo dài để mặc lại chiếc áo bà ba. Dũng nói:
- Kìa, sao lại thay áo? Em đừng cãi lại anh, anh buồn sẽ đau nặng hơn. Hãy sửa soạn đi dự lễ đi.
Vừa lúc ấy bên ngoài có tiếng xe ngừng trước cửa. Dũng nói:
- Cậu Paul đến rước em đó. Sai hẹn kỳ lắm, nhất là sai hẹn với ông Malê.
Có tiếng Paul gọi lớn:
- Chị Phi Nga ơi! Bức tranh của chị được huy chương vàng rồi! Một bức khác được huy chương bạc! Ông Trần Phong và ba em sung sướng như điên. Đêm qua hai ông kéo nhau đi ăn uống để mừng thắng lợi của chị.
Sợ Paul chạy vào buồng, Phi Nga phải ra ngoài đón cậu ta:
- Chị may mắn như thế à?
- Ông Trần Phong bảo, nếu chị là đàn ông thì ông đã đem xe lên rước chị đêm qua khi biết kết quả và đưa chị đi ăn uống để mừng chị. Đến lúc này ông ta mới thấy cái phiền phức, chị là đàn bà con gái.
- Anh Dũng bị bệnh, hôm nay anh ấy bị sốt lại. Paul đứng sững lại nhìn Phi Nga:
- Thảo nào mặt mày chị bơ phờ như thế.
- Anh Dũng bị bệnh, chị sợ không đi được.
Paul chán nản ngồi phệch xuống ghế:
- Chị không đi được à? Đúng mười giờ người ta khai mạc, có cả ông bộ trưởng đến dự, chị không đi để chứng kiến sự thành công của chị à? Nhiều người muốn biết mặt chị. Thế nào hôm nay các phóng viên báo chí cũng sẽ xúm lại phỏng vấn chụp ảnh chị.
Paul nói lớn lắm nên ở trong phòng Dũng nghe lồng lộng. Dũng lên tiếng:
- Em Phi Nga!
Nghe Dũng gọi, Phi Nga vội vàng quay vào. Dũng nói:
- Anh đã nghe cậu Paul nói về chuyện em được giải thưởng. Anh mừng cho em. Em nên sửa soạn đi dự lễ, đừng để ông Malê và ông Trần Phong đợi.
Phi Nga còn do dự thì Dũng ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường:
- Anh nghe khỏe rồi, đầu anh cũng hết nóng rồi.
Dũng cười vui vẻ để trấn an Phi Nga. Phi Nga lại đặt tay lên trán Dũng và hỏi:
- Anh không nói để em yên lòng chớ?
- Không có gì cho em lo cả. Nếu em không đi, anh buồn lắm và anh sẽ ân hận suốt đời. Em bảo chị Tâm cho anh một ly sữa càphê. Lát nữa anh sẽ đi đến phòng mạch của bác sĩ Văn.
Nghe thế, Phi Nga mới đi mặc lại chiếc áo dài. Nàng siết tay Dũng:
- Anh nhớ đi lại bác sĩ Văn nhé.
Rồi Phi Nga dặn chị Tâm:
- Chị làm sữa cho thầy rồi lấy nước nóng cho thầy lau mặt. Chị nhớ nhắc thầy đi bác sĩ và săn sóc thầy giúp tôi.
Chị Tâm đã nghe Paul nói chuyện với Phi Nga, chị mừng cho Phi Nga và nói:
- Cô nên đi dự lễ cô ạ. Trong đời mình được mấy lần như thế? Chắc thầy chỉ đau xoàng thôi, có gì cô phải bận tâm. Cô yên lòng, mọi việc đã có tôi.
Thấy Phi Nga quay ra, đã thay chiếc áo dài, Paul mừng rỡ đứng dậy:
- Có vậy chớ. Tưởng đâu chị không đi.
- Anh Dũng bảo chị phải đi, nhưng lòng chị vẫn không yên.
- Khi chị thấy được chiến thắng của mình, chị sẽ quên tất cả. Chiều nay, người ta sẽ giữ chị lại và đãi đằng. Thế nào ông Trần Phong cũng giành đãi chị trước, rồi đến những họa sĩ được giải, ban giám khảo và cuối cùng là cha mẹ và tụi em.
Hai người lên xe và xe chạy đi. Nhìn chiếc áo dài màu tím sậm Phi Nga đang mặc, Paul hỏi:
- Đi dự lễ mà chị ăn mặc như đi đưa đám tang, lựa chi cái áo màu tối quá! Một nữ họa sĩ mà diện đồ không mỹ thuật chút nào cả.
- Đi xem triển lãm chớ đi khoe áo quần sao?
Paul nói sau khi ngắm kỹ Phi Nga:
- Tuy vậy trông chị cũng đẹp chán. Đố ai biết chị đã có chồng và hai con.
Rồi vừa cười Paul vừa nói tiếp:
- Em tuy vậy chớ thạo cách ăn mặc lắm. Để em đưa chị đi phố, chọn những màu áo thích hợp cho chị. Chị phải mặc màu gạch hay màu nâu tươi mới đẹp.
- Chà, cậu này ngó vậy mà rành cách ăn mặc của đàn bà ghê quá. Thế cậu thấy Phi Anh ăn mặc thế nào?
- Ăn mặc trang nhã mới đẹp. Không phải có tiền rồi muốn mặc thế nào cũng được. Có bà đi dạo phố, nhìn vào mình cứ có cảm tưởng bà ta đang quảng cáo cho thứ hàng may màn cửa, bao ghế nệm. Lại có bà mập thù lù như bao gạo chỉ xanh, vậy mà lại mặc quần jean áo thun mới khổ. Em còn nhớ có hôm em bị nhức đầu, đang đi khám bệnh thì gặp ngay một bà mặc áo dài đỏ và cái quần cũng đỏ luôn, nguyên bộ comlê, mốt bây giờ đó. Đầu em đã nhức, bấy giờ mắt cũng nhức luôn!
Ngừng một lát, Paul nói tiếp:
- Cô Phi Anh kể ra cũng biết cách ăn mặc đây. Em thấy Phi Anh không đẹp bằng chị, nhưng biết chưng diện. Chị vẽ tranh biết chọn màu sắc cho hòa hợp, lẽ dĩ nhiên phải biết cách ăn mặc. Chị không chưng diện là tại chị không thích, không muốn để ý đến chuyện đó. Mà những người ái mộ tài chị như ông Trần Phong hay cha em chắc cũng không để ý đến những chuyện ấy mà chỉ để ý đến những bức tranh của chị...
Paul nói luôn miệng, hết chuyện này đến chuyện khác, trong khi Phi Nga nghĩ ngợi liên miên. Phi Nga không ngờ nàng có đến hai bức tranh được trúng giải. Đó là một vinh dự lớn lao của đời nàng, nhưng tại sao vinh dự ấy lại đến giữa lúc Dũng bị bệnh? Nếu Dũng khỏe mạnh thì Dũng có chịu đi dự triển lãm với nàng không.
Nhưng trong lúc ấy, Phi Nga đã quên đi là Dũng đang bệnh, nàng chỉ nghĩ đến những bức tranh nàng sắp vẽ. Nếu hai bức kia mà được giải thưởng thì rồi đây sự nghiệp của nàng sẽ đi đến đâu? Vì nàng chưa mấy thích hai bức tranh vừa được giải thưởng đó.
Phi Nga không sợ gì hơn là sợ đám đông. Mà giờ đây cái đám đông ấy lại để ý đến nàng, chỉ biết có nàng. Giữa đám đông ấy, Phi Nga chắc chắn là lạc lõng, nàng không hiểu họ mà họ cũng không hiểu nàng.
Chiếc xe của Paul ngừng trước một biệt thự ở đường Hiền Vương [1]. Paul nói:
- Tới nhà em rồi.
Ông Malê ăn mặc chỉnh tề, vừa nghe tiếng còi xe đã vội vàng bước ra, theo sau là bà Quỳnh. Cả hai đều để lộ sự vui mừng. Paul mở cửa xe đẩy Phi Nga ra ngoài:
- Cha mẹ em ra đón chị kia kìa.
Phi Nga vừa bước xuống xe thì bà Quỳnh đã ôm lấy nàng:
- Cô may mắn quá! Cô thấy đó, tôi nói có sai đâu. Thế nào cô cũng thành công.
Ông Malê bắt tay Phi Nga rồi lườm vợ:
- Bà giành lấy cô Phi Nga cho mình bà sao? Thì cũng để cô ấy bắt tay tôi chứ.
Ba người cùng cười. Ông Malê nói tiếp:
- Vậy mà cô còn chưa muốn mang tranh của cô đi dự thi.
Bà Quỳnh nhìn Phi Nga từ đầu đến chân, rồi kéo nàng vào nhà:
- Ăn mặc sao lôi thôi thế? Vào đây tôi sửa soạn lại cho. Một nữ họa sĩ mà không ra dáng chút nào. Ai lại nhè ngày vui vẻ thế này mà mặc chiếc áo màu tím sậm!
Ông Malê nói:
- Cứ để yên cô Phi Nga như thế. Có vậy mới là một nghệ sĩ.
- Dù là nghệ sĩ, người đàn bà cũng phải phục sức trang nhã. Những người đàn bà có sự nghiệp, sở dĩ không tìm thấy hạnh phúc ồ gia đình cũng tại họ quên họ là đàn bà.
Ông Malê bực bội:
- Tôi không có thì giờ tranh luận với bà về việc này bây giờ. Hãy cho cô Phi Nga dùng cái gì, sữa tươi hay nước cam, để chúng ta còn đi kẻo trễ.
Trong khi bà Quỳnh đi vào phòng ăn thì ông Malê nói với Phi Nga:
- Đêm qua gặp tôi tại phòng triển lãm, ông Trần Phong tỏ vẻ bực tức vì cô là một phụ nữ.
Phi Nga ngạc nhiên nhìn ông Malê thì ông nói tiếp:
- Nếu cô không phải là đàn bà thì đêm qua tôi và ông ấy đã đem xe lên Biên Hòa rước cô về Sài Gòn để chúng ta cùng đi ăn uống một bữa no say rồi. Cô có tài, điều ấy theo tôi không có gì đáng phiền, phiền chăng chỉ vì cô là đàn bà, nên dù cô có tài mấy đi nữa, tụi tôi cũng không thể hết mình với cô. Tôi và ông Trần Phong đành dẫn nhau đi ăn, nhưng không vui trọn vẹn được.
Bà Quỳnh đi ra mời mọi người:
- Có sẵn sữa tươi và bánh ngọt, mời vào dùng còn đi kẻo trễ.
Ba người xúm xít quanh một bàn àn rộng. Paul đã thay bộ comlê màu xám nhạt, ở trên lầu đi xuống, vừa cười vừa nói:
- Con đã lo phần con rồi, đi rước chị Phi Nga về nghe đói quá. Chị Phi Nga hôm nay không được vui, vì anh Dũng đang bị sốt.
Ông Malê nói:
- Sốt thì uống thuốc, có sao mà sợ? Cô nên quên chuyện ấy đi để hoàn toàn sống một ngày thật vui thật sôi nổi. Đời người được mấy mùa xuân? Tối nay cô ở lại đây dùng cơm với tôi và ông Trần Phong. Có cả nhà tôi đi nữa để cô khỏi ngại.
- Nể ông lắm hôm nay tôi mới đi như thế này. Nhà tôi đang bị bệnh. Dự lễ khai mạc xong tôi trở về Biên Hòa ngay.
Ông Malê nhún vai, trong khi bà Quỳnh nói:
- Cũng phải ở lại một buổi chiều cho thiên hạ biết qua mặt mày một chút chớ, làm gì mà về gấp vậy? Lễ khai mạc dành riêng cho quan khách, chớ người ngoài đã có ai đi xem đâu.
Paul cũng nói:
- Chị ở lại đây chơi, sáng mai em đưa chị về sớm.
Phi Nga lắc đầu. Paul đi lại đứng bên Phi Nga, nũng nịu nói:
- Chị mà về thì em giận đó.
- Giận thì chịu chớ biết sao?
Mọi người ra xe. Thấy Phi Nga ngồi có vẻ đăm chiêu, bà Quỳnh hỏi:
- Cô nghĩ gì vậy?
- Cháu lo lắng quá. Cháu không quen những chuyện lễ lạc như vầy.
Ông Malê cười:
- Thỉnh thoảng cô cũng phải ra khỏi cái tháp của mình, tập giao thiệp cho quen. Rồi đây cô sẽ có hội hè liên tiếp.
- Một họa sĩ đâu cần phải sống như một nhà ngoại giao. Họa sĩ cần sống với thiên nhiên, với nội tâm của mình.
- Trường đời sẽ thay đổi cô.
Bà Quỳnh nói:
- Cô cứ lúc thúc ở nhà thì làm sao làm việc? Cũng phải đi ra ngoài, có bạn bè.
Chiếc xe của ông Malê vừa ngừng trước phòng triển lãm thì Phi Nga đã thấy ông Trần Phong và bà Châu chạy lại. Bà Châu thò tay qua cửa xe, nắm lấy tay Phi Nga:
- Tôi thành thật chia mừng với cô.
Phi Nga bước ra ngoài. Ông Trần Phong và Phi Nga nhìn nhau, qua cái nhìn ấy, cả hai đều hiểu họ muốn nói gì. Ông Malê nói:
- Ông Trần Phong vui mừng như chính ông ấy được giải thưởng.
Phi Nga đến bên ông Trần Phong và nói vừa đủ cho ông nghe:
- Tôi xin cám ơn thầy.
Ông Malê và ông Trần Phong giới thiệu Phi Nga với các họa sĩ khác, Phi Nga chỉ biết chào hết người này đến người nọ, và cũng không nhớ nổi tên họ của những người ấy. Những phóng viên nhiếp ảnh cứ chìa máy về phía Phi Nga, khiến nàng ngượng nghịu quá. Lúc ấy nàng không còn nhớ gì cả, chỉ đi theo ông Malê hay ông Trần Phong như một cái máy.
Rồi nhạc trỗi, rồi người ta đứng ngay ngắn để nghênh đón ông bộ trưởng. Cuộc triển lãm đã khai mạc với một làn sóng người. Phi Nga cùng các bạn học đi theo ông Trần Phong, ông chỉ từng bức tranh được giải và phê bình cho mọi người nhận xét.
Bỗng Phi Nga nghe tiếng người hỏi:
- Nữ họa sĩ Phi Nga có trong đám này không?
Phi Nga lánh đi nơi khác, nhưng rồi ông Trần Phong cũng kéo nàng đứng lại cho mấy phóng viên phỏng vấn. Phi Nga thấy mình không thể tiếp tục chịu được những cực hình ấy nên nói với Paul:
- Em lén đưa chị về trước đi. Chị thấy mệt quá!
- Chị hãy chờ ông bộ trưởng về đã.
- Ai cấm mình về trước?
- Chị chưa xem hết những bức tranh kia mà.
- Hôm khác sẽ đến xem sau.
Ông Malê thấy Phi Nga và Paul định đi ra một cánh cửa hông thì chạy ngay lại:
- Con định đưa cô ấy đi đâu vậy?
- Chị Phi Nga đòi về.
Ông Malê nói:
- Cô ở lại đây xem tranh đã chứ?
- Tôi khổ sở quá.
Ông Malê cười lớn:
- Mọi người tìm cô để tỏ lòng khâm phục, tại sao cô lại khổ?
- Chính vì thế mà tôi khổ.
Ông Trần Phong nghe ông Malê cho biết Phi Nga đòi về thì vui vẻ nói:
- Được rồi. Người ta cũng đã phỏng vấn và chụp ảnh xong rồi. Cô về cũng được. À, để tôi bảo Dục Tú đưa cô về nhà tôi. Chúng tôi sẽ về sau. Trưa nay tôi sẽ đãi cô và các môn đệ của tôi.
- Tôi định về Biên Hòa ngay bây giờ.
Ông Trần Phong la lớn:
- Đâu được!
Dục Tú, Lê Thanh, Hà Nam và Vũ Minh cũng xúm lại bên Phi Nga:
- Chị về sao được? Hôm nay thầy đãi, hôm khác đến phiên bọn này. Chị đã làm vinh dự cho chúng tôi.
Bà Châu cũng chạy lại:
- Tôi nhường các bạn đãi trước, phần tôi đãi sau cùng.
Bà Quỳnh nói:
- Cô phải dành cho vợ chồng tôi một ngày nữa!
Phi Nga cảm động trước những lời mời mọc ấy:
- Tôi nhận lời hết, nhưng hôm nay cho tôi về vì việc nhà.
Dục Tú nhìn ông Trần Phong để hỏi ý kiến. Ông nói:
- Em đưa cô ấy về nhà thầy đi, không nói lôi thôi gì hết.
Thế là Dục Tú kéo Phi Nga ra xe. Bà Châu chạy theo:
- Tôi cũng về Chợ Lớn luôn thể. Thầy bảo tôi cùng đi với hai cô.
Khi ngồi vào xe của ông Trần Phong rồi, Phi Nga mới thở phào:
- Thế là thoát nạn!
Dục Tú cười và nói với bà Châu:
- Người ta càng đến chúc mừng chị ấy chừng nào, em thấy chị ấy càng khổ sở chừng nấy.
Bà Châu nói:
- Cô may mắn thật đấy!
Dục Tú bênh Phi Nga:
- Chị Phi Nga có tài chớ sao lại may mắn?
- Thiếu gì người có tài mà không may mắn thì sao?
Dục Tú dằn từng tiếng:
- Nhưng chị Phi Nga chắc chắn là có tài, chớ không phải chỉ may mắn thôi đâu.
Phi Nga không hiểu tại sao hôm nay Dục Tú lại bênh vực mình như thế. Mọi ngày mỗi khi ông Trân Phong hay các bạn khen Phi Nga thì Dục Tú luôn tỏ ra ganh tị.
Bà Châu nói:
- Cô Phi Nga có tài, điều này tôi có phủ nhận đâu. Nhưng cô ấy cũng may mắn hơn nhiều người có tài khác vì cô đã gặp ông Malê và thầy Trần Phong. Nếu cô không gặp những người này khuyến khích thì cô đã nằm yên một chỗ ở dưới quê, chớ làm sao có tranh gởi dự thi ở Paris? Cô Phi Nga chỉ biết có chồng con. Cô ấy có tài mà không chịu dùng tài. Chính tôi trước đây đã thúc giục cô ấy đi học. ông Malê cũng đã nói biết bao nhiêu lần. Nhưng cũng nhờ tôi rủ cô ấy đi dự cuộc triển lãm tranh của tôi...
- Nhưng nếu chị Phi Nga không phải là người có thực tài thì làm sao có những sự khuyến khích kia? Ai chịu mất công khuyến khích một người bất tài, trừ phi người ấy bỏ tiền ra để mua một chút hư danh?
Thấy câu chuyện đi đến chỗ gây cấn, Phi Nga liền nói:
- Bà Châu khuyến khích tôi nhiều lắm. Tôi rất phục sự cố gắng và sự kiên nhẫn của bà Châu. Chị Dục Tú không biết đó thôi, chớ nếu không có bà Châu đây thì chưa chắc tôi đã chịu học với thầy Trần Phong.
Xây lại Dục Tú, Phi Nga nói:
- Tôi cũng xin cám ơn chị, nhưng sự thật thì cũng nhờ thầy Trần Phong và các anh chị giúp đỡ tôi nhiều.
Về đến nhà ông Trần Phong, Dục Tú đi pha trà, cả ba cùng uống để chờ đợi ông Trần Phong về với Lê Thanh, Hà Nam, Vũ Minh. Vừa về đến, ông nói:
- Mấy họa sĩ trẻ tuổi cũng đòi về theo để bắt thầy đãi nhưng thầy không cho họ về vì sợ Phi Nga không bằng lòng.
Câu chuyện trở nên vui vẻ và thân mật. Vũ Minh hỏi bà Châu:
- Chị có mấy bức tranh dự thi?
- Có một tấm nhưng không được giải nào.
Vũ Minh quay qua hỏi Phi Nga:
- Chị nghĩ thế nào khi hay tin được hai giải thưởng?
Phi Nga nói:
- Lẽ dĩ nhiên là tôi mừng.
Lê Thanh hỏi:
- Chỉ thế thôi sao?
- Các anh làm gì mà hỏi còn hơn các phóng viên sáng nay phỏng vấn tôi vậy?
Lê Thanh hỏi:
- Với họ chị đã trả lời thì với anh em tôi, chị cứ nói cho chúng tôi biết cảm tưởng của chị di.
Hà Nam thêm vào:
- Để may ra sau này tụi tôi có được giải thưởng thì còn rút kinh nghiệm để biết cách nói.
- Tôi rất vui mừng, chỉ thế thôi, chớ không nghĩ gì khác.
Ông Trần Phong nói:
- Ông bà Malê quý mến Phi Nga quá. Ông Malê thật có bụng liên tài. Ông ấy nể tôi lắm mới nhường tôi đãi cô trước đó. Tối hôm qua, ông ấy cứ đòi lên Biên Hòa báo tin cho cô biết và rước cô đi ăn uống luôn. Tôi cản vì ông ấy không chịu hiểu phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác. Nếu cô là người Âu Mỹ thì không sao nhưng cô là một phụ nữ Việt Nam. Chúng ta là người Á Đông, chúng ta có những phong tục tập quán riêng.
Phi Nga chấm dứt câu chuyện ấy bằng một câu:
- Nếu đêm qua ông bà Malê có lên rước thì tôi cũng không đi được...
Và để xoay câu chuyện qua một chiều khác, Phi Nga hỏi:
- Thầy nghĩ thế nào về hai giải thưởng của tôi?
Ông Trần Phong nói:
- Có vài giải thưởng có vẻ thiên vị, nhưng hai giải thưởng của Phi Nga thì thật xứng đáng. Các họa sĩ trong ban giám khảo đã bàn cãi nhiều về hai giải thưởng của Phi Nga. Họ không tin một phụ nữ vẽ được như thế. Họ càng ngạc nhiên hơn khi sáng nay gặp Phi Nga, thế nào rồi đây họ cũng tìm tới xưởng vẽ này để xem Phi Nga làm việc.
Phi Nga hỏi:
- Phiền phức như thế sao?
- Nhưng bây giờ thì họ tin rồi... Ông Malê có đưa cho họ xem những bài báo phê bình giải khuyến khích của Phi Nga ở cuộc triển lãm tranh vẽ tự do ở Paris.
Rồi ông Trần Phong nhìn lên chiếc đồng hồ trên tường:
- Mười hai giờ rưỡi rồi. Thôi chúng ta đi ăn kẻo trễ. Nhà hàng gần đây, mình đi bộ cho vui.
Dục Tú đi lại bên Phi Nga, lấy tay vuốt lại mái tóc cho nàng:
- Chị có nghệ sĩ tính thật đấy, không biết chưng diện gì cả, đầu cổ thế này mà đi dự tiệc à?
Bà Châu cũng nói:
- Cô ấy ít khi chưng diện lắm.
Lê Thanh nói:
- Người ta bảo nữ văn sĩ Sagan bên Pháp không hề chưng diện, lúc nào cũng chỉ mặc cái áo thun dài tay, đầu cổ chôm bôm. Không khéo chị Phi Nga cũng giống Sagan.
Phi Nga vừa nói vừa sửa lại cổ áo:
- Giống thế nào được.
Đến nhà hàng, ông Trần Phong giao cho bà Châu phần gọi món ăn:
- Ngọc Diệp thay thầy tổ chức bữa tiệc vì Ngọc Diệp lớn tuổi nhất trong đám môn đệ của thầy.
Phi Nga ngạc nhiên thấy ông Trần Phong gọi bà Châu bằng tên con gái của bà. Bà Châu thoăn thoắt đi giao thiệp với các nhân viên nhà hàng. Lé Thanh và các môn đệ khác xúm lại bên khung cửa sổ chuyện trò với nhau, Phi Nga ngồi trên một chiếc ghế dài, có vẻ mệt mỏi. Ông Trần Phong đến ngồi bên nàng và hỏi:
- Phi Nga nghĩ gì thế?
Phi Nga lập tức ngồi xích xa ra:
- Tự nhiên tôi cảm thấy không được yên lòng.
- Tại Phi Nga sợ đi lâu, ông Dũng ở nhà chờ đợi?
- Nhà tôi đang bệnh.
- Có phải đau nặng đâu. Cô lo lắng như thế mất vui. Tôi muốn thấy mặt Phi Nga thật vui, vui vì đã thành công một phần nào.
- Tôi vui lắm, nhưng không có nghĩa là quên chồng đang đau ốm ở nhà.
Ông Trần Phong thở dài:
- Đây cũng là một trở ngại lớn cho sự nghiệp của cô.
- Tôi không thấy như thế.
Ông Trần Phong nhìn Phi Nga, đôi mắt sáng lên:
- Tôi tin sự nghiệp của cô còn nhiều hơn nữa. Rồi cô sẽ là một tên tuổi lớn.
Phi Nga nhìn lên và gặp đôi mắt của ông Trần Phong. Đến hôm ấy Phi Nga mới nhận thấy ông Trần Phong có một cái nhìn rất say đắm, nói lên sự khao khát một tình yêu lý tưởng, mặc dù tuổi ông đã lớn. Nhưng lòng Phi Nga vẫn dửng dưng, không chút xao xuyến.
- Tôi rất vui mừng thấy cô được hai giải thưởng, nhưng lại thấy dường như cô không vui mừng bao nhiêu. Lúc nào nét mặt cô cũng ngây thơ, đôi mắt của cô lúc nào cũng vô tư như không hề biết yêu đương là gì. Lạ thật, vậy mà tại sao cô lại sống với thầy Dũng được?
Phi Nga cười một cách hồn nhiên:
- Chuyện ấy ở một lãnh vực khác, không phải ở lãnh vực hội họa thì thầy làm sao hiểu đưực?
- Phi Nga muốn nói thầy không biết yêu đương là gì à?
Phi Nga lắc đầu:
- Tôi không bao giờ tìm hiểu những chuyện ấy. Vì chuyện đó không liên quan tới việc tôi học với thầy.
Ông Trần Phong cười:
- Cô lý luận hay thật. Nhưng chắc gì cô đã biết yêu đương là gì. Chuyện yêu mà các nam nữ đặt lên trên hết, trên cả công danh sự nghiệp, theo tôi không có gì đáng kể cả. Các thanh niên hiểu lầm đấy thôi.
Phi Nga thấy ông Trần Phong đề cập đến chuyện yêu đương thì vội vàng đưa tay vẫy Dục Tú đến. Cả Lê Thanh, Hà Nam, Vũ Minh cùng kéo theo. Dục Tú hỏi:
- Chị gọi bọn này?
- Làm gì mà đứng riêng đằng ấy, lại đây nói chuyện với thầy đi. Thầy đang nói về nhiều vấn đề hay lắm.
Vũ Minh nhìn ông Trần Phong:
- Trông thầy trẻ hơn mọi ngày.
Lê Thanh nói:
- Nhờ chị Phi Nga giật được hai cái giải thưởng.
Rồi Lê Thanh ngậm ngùi nói tiếp:
- Tôi học với thầy mấy năm rồi mà chưa đem lại cho thầy vinh dự ấy. Tôi cảm thấy buồn vì quá bất tài.
Ông Trần Phong nói:
- Các con cũng có tài nhưng chắc chắn không bằng Phi Nga.
Vũ Minh nói:
- Chị Phi Nga đã làm thầy trẻ được mấy năm.
Thấy Vũ Minh trở lại lời khen ấy, ông Trần Phong hỏi:
- Các con thấy thầy trẻ lại à? Sự vui mừng thường làm cho con người ta trẻ lại. Chưa bao giờ thầy thấy vui vẻ như hai hôm nay. Thầy dạy học trò cũng đã nhiều, chưa ai làm thầy vừa lòng như Phi Nga.
Vừa nói, ông Trần Phong vừa nhìn Phi Nga. Dục Tú nói:
- Rồi đây chị còn học với thầy nữa không?
Ông Trần Phong vội nói:
- Sao lại không?
Dục Tú nói:
- Bà Châu khi triển lãm tranh xong đâu có học nữa, mặc dù bà ấy chưa được giải thưởng nào cả.
Lê Thanh hỏi Phi Nga:
- Chị vẫn tiếp tục học chớ chị Phi Nga?
- Học chứ. Tôi đã học hết nghề của thầy đâu. Vẽ trên lụa tôi chưa học tới.
Ông Trần Phong nói:
- Phi Nga mà vẽ trên lụa chắc giỏi hơn thầy.
- Tại sao vậy, thưa thầy?
- Vẽ trên lụa, cần có sự tế nhị. Đàn bà bao giờ cũng tế nhị hơn.
Hà Nam nói đùa:
- Thảo nào mà chị Dục Tú chỉ thích vẽ trên lụa.
Dục Tú càu nhàu:
- Anh ngạo tôi à? Để rồi anh xem, tôi sẽ vẽ hơn anh.
Ông Trần Phong hỏi:
- Tại sao?
Dục Tú nói:
- Trước đây con cứ nghĩ về hội họa, đàn bà không thể có tài bằng đàn ông, vì lẽ đàn bà bận gia đình, chồng con. Nhưng bây giờ thấy chị Phi Nga thành công như thế, con tin tưởng phái nữ của con không phải không có người tài.
Hà Nam hỏi:
- Và dựa vào thành công của chị Phi Nga, chị tin rằng ngày mai đây chị cũng nối tiếng là họa sĩ tài hoa. Chị không nên phân biệt đàn bà hay đàn ông, mà nên nghĩ có tài hay không có tài. Chính thầy đã bảo thế kia mà. Trên lãnh vực nghệ thuật, không nên phân biệt đàn ông hay đàn bà.
Câu chuyện đến đây thì bà Châu đã trở lại. Bà nói với ông Trần Phong:
- Tôi chỉ gọi những món ăn thầy thích, chứ không biết các bạn đây thích món gì.
Ông Trần Phong không bằng lòng:
- Đãi Phi Nga thì phải lựa những món Phi Nga thích. Có phải đãi thầy đâu?
Phi Nga nói:
- Tôi không quen đi ăn tiệm. Tôi quê mùa lắm, không biết thích món nào đâu.
Dục Tú nói:
- Nhưng ít ra chị cũng phải biết chị thích ăn cá hay heo bò gà vịt gì chớ.
- Cái đó thì tôi biết. Nhưng bà Châu làm như thế phải lắm. Ở đây có thầy là lớn, phải lựa những món ăn thầy thích.
Bà Châu nói:
- Họ đã bắt đầu dọn những món ăn chơi rồi đó, chúng ta ngồi vào bàn là vừa.
Mọi người ngồi vào bàn... Bữa tiệc bắt đầu bằng một bầu không khí vui vẻ, thân mật. Trong lúc ăn uống, ông Trần Phong kể cho mọi người nghe về cuộc đời nghệ sĩ của ông lúc còn ở bên Trung Hoa. Qua những mẩu chuyện ấy, Phi Nga biết ông Trần Phong đã hai lần cưới vợ, nhưng rồi ông không thể ở với người vợ nào cả. Người vợ đầu ghen với các cô người mẫu, bỏ về ở với cha mẹ, còn người vợ thứ hai thì chính ông Trần Phong đã bỏ. Ông Trần Phong nói:
- Chuyện yêu đương tầm thường lắm. Một khi mình đã bước vào con đường nghệ thuật rồi thì yêu đương là chuyện tầm thường như ăn cơm bữa, không có gì đáng cho ta mất nhiều ngày giờ.
Phi Nga cau mày. Thấy thế ông Trần Phong không dám nói tiếp ý nghĩ này:
- Nội vài đêm cũng đủ biết yêu đương là thế nào rồi.
Hà Nam nói:
- Chị Ngọc Diệp và chị Phi Nga đã có gia đình mới có quyền nhận xét lời thầy nói đúng hay không. Biết đâu hai chị ấy không quan niệm chuyện yêu đương như thầy?
Lê Thanh nói:
- Chắc chắn chị Ngọc Diệp không thể quan niệm như thầy vì chị sống với chồng đến nay đã gần hai mươi năm. Còn chị Phi Nga thì tôi không hiểu chị nghĩ thế nào?
Phi Nga nói:
- Thầy là đàn ông nên quan niệm như vậy. Người đàn bà không thể nghĩ như thế được, nhất là người đàn bà Á Đông. Đối với người đàn bà, ái tình phải đi đến hôn nhân, mà một khi đã lấy hôn nhân để đóng khuôn ái tình thì đâu có thể xem chuyện yêu thương là tầm thường được.
Vũ Minh nói:
- Chị Phi Nga nói phải lắm.
Lê Thanh cãi:
- Nhưng chị không đứng về phía nghệ thuật. Trước đây chị chưa nổi tiếng thì khác, chớ bây giờ chị đã có sự nghiệp thì trong đời chị, ngoài chuyện ái tình còn có chuyện sự nghiệp, mà ái tình và sự nghiệp liệu có đi đôi với nhau không?
Ồng Trần Phong nói:
- Với bọn đàn ông, ái tình và sự nghiệp còn không thể đi đôi với nhau nữa là với đàn bà. Người ta bảo ái tình và sự nghiệp là những con đường một chiều.
Bà Châu hỏi:
- Nghĩa là ái tình là con đường một chiều và sự nghiệp lại là con đường một chiều khác, làm sao mà gặp nhau được phải không thầy?
Ông Trần Phong gật đầu. Dục Tú nghĩ ngợi rồi nói:
- Nếu vậy chắc tôi không chọn con đường sự nghiệp đâu. Là đàn bà, con đường nào bình thản thì tôi chọn, chọn chi con đường sự nghiệp cho lắm chông gai.
Hà Nam, Lê Thanh và Vũ Minh cười rộ lên. Ông Trần Phong mỉm cười:
- Dục Tú đúng là nghĩ thế nào nói thế nấy, không cần giấu diêm gì cả. Dục Tú đã có vị hôn phu rồi.
Hà Nam vội vàng hỏi:
- Một họa sĩ?
Dục Tú đỏ ửng đôi má:
- Không, tôi không chọn một họa sĩ đâu. Ghép cuộc đời tôi với cuộc đời của một họa sĩ thì còn mệt tâm, nhọc trí hơn là chọn con đường sự nghiệp. Chọn sự nghiệp, mình còn làm chủ được mình, chớ chọn một ông chồng nghệ sĩ thì đố mà mình làm chủ mình được nữa, chỉ có nước làm đầy tớ cho họ thôi.
Ông Trần Phong khen:
- Dục Tú vậy mà thực tế đó.
Hà Nam hỏi:
- Thế chị chọn luật sư hay bác sĩ?
- Một thương gia.
Vũ Minh cười:
- Vậy chị đi học vẽ để làm gì? Ông thương gia biết gì về vẽ? Không khéo ông ta lại chê chị bôi bậy, tốn mực tốn màu, để tiền ấy ông ta ghim mười tờ thành chục, cất vào tủ sắt.
Dục Tú mỉm cười:
- Chính vì nghĩ thế tôi mới bảo không thích chọn con đường sự nghiệp.
Bữa tiệc hôm ấy thật vui vẻ. Khi ăn xong, bà Châu lãnh phần đưa Phi Nga về Biên Hòa. Ông Trần Phong rất bằng lòng:
- Cám ơn Ngọc Diệp đã giúp thầy việc ấy.
Lúc mọi người chia tay thì đã hai giờ rưỡi. Ông Trần Phong dặn:
- Thứ sáu nhớ đi học lại nhé Phi Nga.
- Dạ, con sẽ đi học như thường. Trên con đường sự nghiệp con mới đặt chân ở ngưỡng cửa, chưa đi tới đâu cả, không học sao được?
Lần này là lần đầu tiên Phi Nga xưng hô với ông Trần Phong như vậy. Có lẽ ông Trần Phong không ngạc nhiên vì ông hiểu chỗ dụng ý rất khôn khéo của Phi Nga.
* * * * *
Phi Nga về đến đầu ngõ đã thấy ông Minh đứng đợi trước cửa. Phi Nga vội vàng chạy tới:
- Ba lên thăm con từ hòi nào?
Phi Nga ngạc nhiên khi thấy nét mặt lo lắng và buồn rầu của cha.
- Dũng sốt cả ngày. Bác sĩ đến chích thuốc mà cơn sốt chưa hạ. Ba lo quá!
Phi Nga đi thẳng vào phòng của Dũng. Đôi mắt Dũng đen lay láy nhìn về phía cửa như có ý chờ đợi. Phi Nga cầm lấy tay Dũng và có cảm giác cầm phải một cục lửa.
- Anh sốt quá! Bác sĩ Văn đã cho anh uống những gì?
Dũng chỉ những chai thuốc trên bàn:
- Ba kêu chị Tâm đi mua và đã cho anh uống. Ba lên lúc em vừa đi.
Ông Minh nói với Phi Nga:
- Ba lên tới, thấy Dũng sốt nhiều. Ba hối chị Tâm đi mời bác sĩ Văn, vậy mà Dũng còn cản không cho. Ba cũng bảo để ba đi gọi con về, Dũng không chịu. Ba chỉ sợ con ở lại dự tiệc với bạn bè.
Dũng nói:
- Sốt sẽ lui khi uống những thứ thuốc ấy. Xin ba hãy yên lòng.
Ông Minh nói:
- Bác sĩ dặn con phải đi rọi X quang sau khi bớt sốt. Thế con thấy bớt chưa?
Dũng nói:
- Con nghe bớt nhiều rồi, ngày mai Phi Nga sẽ đưa con đi bác sĩ.
Phi Nga nói:
- Không có ngày mai gì hết. Em đi rước bác sĩ Văn ngay bây giờ.
Nói xong Phi Nga quày quả ra đi. Dũng nói:
- Em ngồi đây với anh một chút không được sao? Đi đâu gấp vậy? Anh chưa nghe em nói gì về sự thành công của em cả kia mà.
- Việc gì cũng không gấp bằng việc đi rước bác sĩ Văn đến khám lại cho anh.
Ông Minh nói:
- Con nói phải đấy.
Phi Nga ra đi, Dũng nhìn theo, đôi mắt lim dim có vẻ mệt mỏi.
Vừa thấy mặt Phi Nga, bác sĩ Văn nói ngay:
- Ông Dũng đau nặng lắm, sáng nay tôi phải tiêm cho ông ấy hai mũi thuốc. Bây giờ ông đã đỡ chưa?
- Tôi vừa về tới thấy nhà tôi còn sốt nhiều quá. Xin bác sĩ chịu khó đến lần nữa.
Bác sĩ Văn nhìn Phi Nga:
- Ông Dũng làm sao ấy, dường như ông có một sự chán nản ghê lắm. Con người ai không bệnh, nhưng bệnh thì chữa, và phải có ý chí chống lại cơn bệnh, chống lại với tử thần, giành lại sự sống. Người bệnh muốn sống thì bác sĩ mới chữa được. Chớ còn người bệnh chán nản, để mặc cho cơn bệnh giày vò thì bác sĩ tài giỏi đến đâu cũng khoanh tay. Ông Dũng sở dĩ không lành bệnh là tại ông ấy đã chán sống.
Thấy Phi Nga cau mày, bác sĩ Văn liền nói tiếp:
- Tôi không biết việc gia đình của bà ra sao nhưng tôi muốn rõ giữa ông và bà có có việc gì bất bình nhau không? Có hiểu được, tôi mới mong chữa cho ông Dũng lành bệnh. Một bác sĩ cũng phải là một nhà tâm lý học nữa mới được.
Phi Nga đau đớn hỏi:
- Nhà tôi không muốn khỏi bệnh? Nhà tôi vẫn uống thuốc, vẫn chịu khó nghe lời bác sĩ dặn bảo kia mà.
Bác sĩ Văn lắc đầu:
- Nếu vậy bà không hiểu ông chút nào cả. Bà chịu khó nghĩ kỹ lại đi. Bà có làm gì cho ông buồn không?
Phi Nga thấy khó nói quá. Nàng không thể bộc lộ tâm sự của mình cho bác sĩ Văn nghe. Nói ra thì Dũng, hay nàng giảm mất giá trị?
Phi Nga liền nói:
- Hiện giờ thì chúng tôi không phiền trách nhau điều gì cả. Chúng tôi vẫn sống trong hạnh phúc. Xin bác sĩ đến gấp dùm. Tôi hứa sẽ tìm hiểu vì lẽ gì nhà tôi chán nản như thế. Một người vợ mà không thấy rõ chồng mình chán nản, chán nản đến mức không muốn khỏi bệnh thì thật là vô lý.
Bác sĩ Văn xách chiếc vali nhỏ rồi nói với Phi Nga:
- Bà phải lưu ý về việc này. Tôi cũng lấy làm lạ, tại sao ông có người vợ như bà, đầy đủ bổn’phận, có tài, mà ông lại chán nản như thế được. Thôi, chúng ta ra xe.
Phi Nga và bác sĩ Văn lên chiếc xe nhà của bác sĩ. Bác sĩ Văn dặn Phi Nga:
- Đêm nay bà chịu khó thức trông chừng cho ông uống thuốc, cứ hai giờ uống một lần. Tim của ông mệt, tinh thần lại không yên. Tôi phải cho uống thuốc an thần.
Khi bác sĩ Văn bước vào thì Dũng đang lim dim ngủ. Phi Nga đến cầm lấy tay Dũng, Dũng mở mắt nhìn và khi thấy bác sĩ Văn thì chàng nói:
- Tôi bảo tôi đã khỏe, vậy mà nhà tôi không chịu nghe, đến phá rầy bác sĩ nữa.
Bác sĩ Văn xem mạch, đặt lại nhiệt kế rồi nói:
- Sốt hạ chút ít, nhưng vẫn còn mệt. Tôi sẽ chích thuốc khỏe và nước biển.
Bác sĩ Văn lấy thuốc, vô ông tiêm cho Dũng. Rồi ông mời Phi Nga ra dặn:
- Bà phải săn sóc ông thật cẩn thận, nếu có gì khác phải gọi tôi lập tức.
- Có gì đáng lo ngại lắm không, thưa bác sĩ?
- Cũng đáng lo ngại vì ông đã uống bao nhiêu thuốc rồi mà cơn sốt không chịu lui. Bà lấy nước đá chườm cho ông. Tôi xin về, sợ thân chủ của tôi đợi.
Lại ngồi bên Dũng, Phi Nga nói:
- Bây giờ anh ngủ một giấc cho khỏe nhé.
- Không, anh đợi em kể anh nghe về những giải thưởng của em đã.
Phi Nga kể cho Dũng nghe về không khí của buổi lễ và về sự tiếp đãi ân cần của mọi người dành cho nàng. Dũng tỏ ra rất vui mừng:
- Em thật là người hạnh phúc!
Rồi Phi Nga thấy Dũng lim dim đôi mắt và không còn nghe Dũng nói gì nữa cả. Chàng đã ngủ thiếp tự bao giờ. Phi Nga lo sợ kề tai sát vào ngực Dũng để nghe hơi thở của Dũng có đều hay không. Nàng cầm bàn tay Dũng trong đôi tay mình. Nhưng Dũng vẫn ngủ thiếp không hay biết.
Nhờ ảnh hưởng của thuốc an thần, Dũng ngủ một giấc cho đến tối. Phi Nga vẫn ngồi bên Dũng, tâm trí không yên. Ông Minh thỉnh thoảng cũng chạy vào xem Dũng đã bớt được phần nào chưa. Bữa cơm tối hôm đó, Phi Nga không sao ăn hết một chén cơm. Bữa tiệc quá thịnh soạn lúc trưa và sự lo nghĩ đã làm Phi Nga không thấy đói, mặc dù lúc ấy đã gần tám giờ tối.
- Xin phép ba cho con vào ngồi với anh Dũng.
Ông Minh ái ngại nói:
- Dũng đau bao lâu mà trông có vẻ nặng quá như vậy hả con?
Phi Nga kể sơ cho cha nghe về sức khỏe của Dũng từ ngày dọn về đây:
- Anh ấy không hạp khí hậu ở đây, cứ bị sốt hoài.
- Có lẽ là bị sốt rét.
- Nhưng bác sĩ đã chữa lành chứng sốt rét rồi.
- Bệnh sốt rét khó đứt gốc lắm. Thỉnh thoảng nó quay trở lại và người bệnh sốt rét mỗi khi mắc bệnh gì thì cơn sốt phát trước, khiến bác sĩ khó tìm ra chứng bệnh mới. Nhưng ba thấy dường như nó có việc gì lo nghĩ. Bác sĩ Vàn cũng nói với ba như vậy.
- Để rồi con sẽ thưa với ba về việc này. Bây giờ con phải vào trông chừng anh ấy. Bác sĩ dặn hai giờ phải cho anh ấy uống thuốc một lần.
Phi Nga đi vào phòng Dũng. Dũng đã thức dậy, đôi mắt hơi khỏe hơn lúc trưa. Phi Nga rót thuốc cho Dũng uống và ra dấu cho chị Tâm đi ra ngoài. Dũng uống xong thuốc nói với Phi Nga:
- Anh nằm mơ thấy chúng ta đi du lịch, đi thật xa, qua tận một nước nào đó mà anh không biết tên. Rồi em bỏ anh lại đó, đi đâu mất, anh kiếm mãi không được. Anh kêu ầm ĩ vẫn không nghe em trả lời. Anh vùng thức dậy thì thấy trời đã tối.
Phi Nga đặt tay lên trán Dũng:
- May quá, anh bớt sốt rồi. Anh có nghe đói không? Có sẵn nước súp lêghim anh uống một tí nhé?
- Anh không nghe đói. Nhịn vài hôm cho khỏe bộ máy tiêu hóa cũng không sao.
- Anh phải uống chút ít nước súp để lấy lại sức chứ, nhịn mãi mất sức lắm.
Dũng đưa tay ra cầm tay Phi Nga:
- Em còn đi Sài Gòn xem triển lãm nữa không?
- Không, em ở nhà với anh.
- Em không đi học vẽ ở nhà ông Trần Phong nữa à?
- Em chờ bao giờ anh thật bình phục mới đi học. Mà không chừng em không đi học nữa đâu.
Dũng chớp mắt:
- Tại sao em không đi học nữa? Anh đau vài hôm rồi cũng khỏi, có sao đâu.
- Chuyện ấy rồi sẽ bàn sau. Bây giờ thì em phải ở nhà săn sóc cho anh. Anh uống nước súp nhé?
Dũng lắc đầu. Phi Nga thở dài:
- Cả ngày nay anh chưa ăn uống gì cả.
- Sốt phải nhịn.
- Nhịn những thức ăn cứng, khó tiêu, chớ còn nước cam, nước súp thì việc gì phải nhịn? Anh uống một ít nước súp cho em vui lòng.
Dũng bực bội nói:
- Thì uống!
Thế là Phi Nga đứng lên đi lấy nước súp. Nàng đút từng muỗng vào miệng Dũng. Dũng ực được mấy muỗng đã kêu mệt:
- Thôi, không uống nữa.
Phi Nga van nài:
- Anh uống thêm vài muỗng nữa.
Dũng xua tay:
- Thôi, đừng ép anh nữa. Anh ói hết ra bây giờ.
Phi Nga phải cất chén súp rồi lại ngồi bên Dũng:
- Em bỏ mùng cho anh ngủ nhé?
- Không, em ngồi đây với anh. Em Phi Nga à, anh hối hận quá.
- Tại sao anh lại hối hận?
- Hối hận là đã cưới em và làm em khổ.
- Lại nói nhảm rồi.
- Không, anh suy nghĩ kỹ rồi. Tại sao em lại bằng lòng ghép cuộc đời em vào cuộc đời anh?
- Tại em muốn như thế kia mà.
- Từ ngày cưới em đến giờ, anh đã làm được gì cho em vui chưa? Anh chỉ là mối lo âu, phiền hà, gây cho em những nhọc nhằn, vất vả. Một căn nhà, anh lo cũng không nổi. Con cái anh cũng giao cho em. Đồng lương của anh, không đủ cho anh uống thuốc...
Phi Nga đặt nhẹ bàn tay lên môi Dũng, không cho Dũng nói:
- Anh mà nói nữa thì em giận, bỏ ra ngoài à. Anh đừng nghĩ vớ vẩn, phải lo thuốc thang, ăn uống cho chóng khỏi.
- Nghĩa là em không phiền trách gì anh hết phải không?
- Không phiền trách gì cả. Anh và hai con là lẽ sống của em.
Đôi mắt Dũng lóe ra một tia sáng vui vẻ:
- Vậy mà anh vẫn không yên tâm.
- Từ nay anh đừng nghĩ như thế, em không bằng lòng.
Dũng mỉm cười:
- Đúng rồi, anh không nghĩ nữa. Em lấy nước súp lại đây cho anh uống.
Phi Nga vui mừng đứng lên lấy chén súp và Dũng đỡ lấy uống một hơi. Uống xong, Dũng nói:
- Em đỡ cho anh ngồi dựa lưng vào gối một chút, anh nghe đỡ nhiều rồi.
Phi Nga đỡ Dũng ngồi dậy. Dũng nhìn khắp phòng một lượt:
- Cũng căn phòng này, lúc vắng em, anh thấy nó đen tối làm sao!
Phi Nga hứa:
- Từ nay em ở nhà với anh.
- Không, anh ích kỷ thật. Tại sao những lúc anh đi dạy, em ở nhà lại không thấy khổ sở như anh? Đàn ông ích kỷ hơn đàn bà...
- Anh có công việc ngoài xã hội. Tất cả đàn ông đều có công việc ngoài xã hội. Vai trò của người đàn bà là ở gia đình. Vì thế mà người đàn bà khi ở một mình trong nhà thường không thấy buồn.
Rồi Phi Nga cười và nói tiếp:
- Bắt các anh phải lẩn quẩn suốt ngày bên vợ thì các anh làm sao chịu được và ai làm ra tiền để nuôi vợ con?
Dũng hỏi như than thở:
- Anh thì lo gì nổi cho vợ con?
- Sao lại không nổi? Vậy chớ các ông giáo khác thì sao? Họ không lo nổi cho vợ con họ à? Tiền lương của anh vẫn đủ tiêu xài cho gia đình kia mà. Độ rày anh hay nghĩ lẩn thẩn thật.
Dũng thở dài:
- Anh đã bảo anh ích kỷ, đòi hỏi quá nhiều. Kể ra thì anh cũng đã có hạnh phúc nhiều rồi. Anh biết bằng lòng với những gì đã có cũng đã sung sướng chán. Em đỡ cho anh nằm xuống. Mấy giờ rồi em nhỉ?
Phi Nga nhìn đồng hồ:
- Chín giờ rồi. Anh ráng nghỉ cho khỏe. Em bỏ màn cho anh nhé.
- Nhưng em phải ngồi xuống chiếc ghế kia và chờ anh ngủ xong hãy đi ra ngoài.
Vừa lúc ấy, Hoàng hiện ra ở khung cửa. Phi Nga khoát tay bảo nó ra ngoài, nhưng Dũng đã nhìn thấy:
- Hoàng không hôn cha rồi đi ngủ à?
Hoàng đựợc gọi, chạy xổ vào:
- Chúc cha ngủ ngon giấc và khỏi bệnh.
Dũng ôm ghì lấy con:
- Con ngoan lắm. Cha khỏe sẽ đưa con đi chơi.
Phi Nga nói nhỏ với Hoàng:
- Con có để cho cha nghỉ không? Vào khuấy mãi.
Bỏ màn cho Dũng xong. Phi Nga nói:
- Em đổi đèn nhé?
- Em không đọc sách à?
- Không, em nằm ghế dựa trông chừng anh.
- Em hãy đi ngủ đi, em đi suốt ngày chắc phải mệt.
- Không, em không mệt. Thôi, anh ngủ đi, đừng nói chuyện nữa.
Dũng chỉ nằm im một lát rồi lại gọi:
- Phi Nga, em thức suốt đêm với anh sao?
- Kìa, anh nằm im ngủ đi chớ.
- Phi Nga, người ta nhận xét hai bức tranh được giải thưởng của em ra sao?
- Chưa ai nhận xét.
- Rồi đây người ta bình luận. Rủi người ta chê thì sao?
- Chê cũng không sao. Em đã có tài gì đâu. Nếu phê bình xây dựng thì có lợi cho em lắm. Ở đời, người khen cũng là bạn mà chê cũng là bạn.
- Em nghĩ như vậy thì hay lắm. Nhưng chắc không ai chê em đâu.
- Sao vậy? Người ta không thích lối vẽ của em thì người ta có quyền chê chứ.
- Em là đàn bà, nên dù muốn chê em, người ta cũng không bao giờ thẳng tay.
- Có lẽ như thế.
Nhưng trong thâm tâm, Phi Nga không thích nghe Dũng nói vậy. Phi Nga còn nhớ lúc đi học, mồi lần Phi Nga đứng nhất môn thi nào thì các bạn trai lại thì thầm:
- Thầy nể con Phi Nga, vì nó là con gái.
Mỗi khi thầy phạt các nam sinh mà không phạt nữ sinh thì bọn nam sinh liền nói:
- Thầy nể tụi con gái.
Sự thật các bạn nữ sinh đâu có ngỗ nghịch, thì làm sao mà bị phạt?
Dũng lại hỏi:
- Lúc trưa này đã có ai đãi đằng gì em chưa?
- Anh ráng nghỉ cho khỏe. Hôm khác chúng ta sẽ nói về chuyện này.
- Khổ thật, trong lúc em đang vui mà anh lại đau yếu như thế này. Anh rõ là cái đồ phá đám. Em có phiền anh không?
Phi Nga gạt đi:
- Anh nằm yên mà ngủ, nếu không em giận à.
- Ừ, thì ngủ.
Trong lúc Dũng nằm im, Phi Nga lại nghĩ đến những lời của bác sĩ Văn đã nói với nàng. Dũng không chịu chống lại với ma bệnh, Dũng buông xuôi và bỏ mặc cho cơn bệnh hành hạ. Có thật Dũng chán nản, buồn phiền không? Như thế có phải tại lỗi của Phi Nga không? Tại sao trong Dùng lại đầy những chuyện mâu thuẫn như vậy? Dũng không muốn cho Phi Nga vẽ tranh, rồi Dũng lại thúc giục Phi Nga đi học vẽ? Phi Nga không làm theo lời Dũng thì Dũng buồn, mà làm theo thì Dũng cũng không vui. Có phải Dũng có mặc cảm thua Phi Nga không? Có phải vì mặc cảm ấy mà Dũng cảm thấy dường như Phi Nga mỗi ngày một xa chàng không?
Phi Nga tự hỏi mình:
- Ta có đối xử với Dũng khác với ngày trước không? Ta có ý gì khinh khi Dũng thua sút ta không?
Rồi Phi Nga tự trả lời:
- Đối với Dũng, ta vẫn một lòng kính mến, không hề có ý chê hay khinh Dũng. Dũng có việc của Dũng, ta có việc của ta. Việc làm của ta đâu có động chạm gì đến việc làm của Dũng? Tại sao Dũng lại buồn? Ta chỉ vẽ những lúc Dũng đi vắng kia mà. Người như bà Châu mà còn được chồng kính nể, thì ta đối với Dũng có thiếu bổn phận đâu mà Dũng lại buồn phiền?
Trong khi Phi Nga nghĩ ngợi phân vân thì Dũng vẫn nằm thao thức, không sao ngủ được. Dũng thương hại cho Phi Nga và tự trách mình:
- Ta đã làm khổ Phi Nga. Ta yêu Phi Nga một cách ích kỷ quá.
Dũng tự hứa từ nay sẽ không buồn phiền gì nữa và sẽ giúp Phi Nga thực hiện được sự nghiệp của nàng.
Nhưng lúc gần sáng, Phi Nga đang lim dim thì nghe Dũng rên khe khẽ. Nàng giựt mình hỏi:
- Sao đó anh? Anh nghe trong người thế nào?
Không nghe Dũng trả lời, Phi Nga tung mền ngồi dậy, đi lại bên Dũng:
- Anh ngủ hay thức?
- Anh buồn quá, em ạ.
Phi Nga thở dài:
- Anh cố gắng ngủ đi để lấy lại sức, sao cứ nghĩ loanh quanh hoài vậy?
- Em vào đây ngồi với anh chút đi.
Phi Nga vào ngồi kề bên và cầm lấy tay Dũng, nghe bàn tay Dũng mát lạnh:
- Anh hết nóng rồi, bây giờ bị lạnh phải không?
- Anh nghe mát rồi. Em Phi Nga à, có lẽ anh bị đau nặng. Anh mà hay thế này thì đã không xin đổi lên đây. Anh đã làm hỏng hạnh phúc của anh, của em. Anh đáng trách lắm, nhưng chắc là em cũng sẵn sàng tha thứ cho anh. Cuối năm nay, anh sẽ xin đổi về quê em. Nhưng liệu có còn kịp không hả em?
- Sao lại không kịp? Nhưng ở đây cũng được. Em đâu có phiền trách gì anh.
- Em có đời nào mà trách anh. Anh biết em tót lắm. Dù sao thì em cũng đã cho anh những năm sung sướng nhất của đời anh. Trong đời con người, hưởng một ngày hạnh phúc cũng đã là nhiều. Đằng này anh được hưởng những mấy năm, còn đòi hỏi gì nữa? Anh thành thật cám ơn em, cám ơn Trời Phật đã cho anh cái may mắn ấy.
Giọng nói của Dũng có vẻ mệt nhọc. Phi Nga nói:
- Anh đừng nói nữa, nói nhiều sẽ mệt.
Phi Nga không giấu được sự lo lắng, lấy tay sờ khắp người Dũng, rồi bàn tay nàng ngừng lại trên đôi mắt ướt đầm nước mắt của chàng. Phi Nga hốt hoảng:
- Anh khóc sao anh Dũng?
- Anh buồn lắm. Anh đã làm khổ em.
Phi Nga nói lớn:
- Anh đâu có làm khổ em.
- Đau yếu như thế này là làm khổ em rồi đó.
Và Dũng vừa nói vừa khóc nức nở như một đứa con nít:
- Anh hay như thế này, anh không cưới em.
Cái gì cũng làm Dũng ăn năn: dọn lên Biên Hòa, cưới Phi Nga, làm nghề dạy học... Dũng lặp lại:
- Buồn quá em ạ. Anh yếu đuối quá, bác sĩ Văn nói phải, anh không có một chút nghị lực để chống lại với con ma bệnh, con ma chán nản. Anh hèn lắm, anh ích kỷ lắm. Nếu xã hội này mà đầy rẫy hạng người như anh thì...
Phi Nga ôm lấy đầu Dũng:
- Em van anh, anh đừng nói nữa.
- Xin lỗi em, nghe em Phi Nga. Xin lỗi về tất cả mà những gì anh đã gây cho em.
- Em đã nói anh không có lỗi gì hết.
Dũng siết chặt tay Phi Nga:
- Em hãy để anh nói, chưa bao giờ anh có dịp tâm sự với em như hôm nay.
- Nói nhiều anh sẽ mệt.
- Không, để cho anh nói anh sẽ đỡ hối hận và sẽ khỏe khoắn.
Phi Nga thở dài:
- Khổ quá, anh không chịu nghe lời em. Anh đâu có gì mà phải hối hận?
Nhưng Dũng cứ nói:
- Anh ích kỷ lắm. Anh chỉ là một giáo viên tầm thường mà lại cưới em, một người có tài hơn thiên hạ. Làm giáo viên phải chi anh yêu nghề, tìm thấy cái vui trong nghề thì còn đỡ, đàng này làm thầy giáo mà anh ghét học trò, anh chán việc dạy dỗ, thật là đáng khinh bỉ. Em thì lúc nào cũng ham làm việc, lúc nào cũng có tinh thần phục vụ, phục vụ chồng con, phục vụ cho đời. Còn anh, anh để ngày tháng trôi qua trong sự chán nản, em thích làm việc bao nhiêu thì anh lại lười biếng bấy nhiêu. Anh không hiểu anh, cũng không hiểu em. Không hiểu anh, anh bỏ trôi cuộc đời của anh một cách vô nghĩa. Không hiểu em, anh làm cho cuộc đời của em khó thở, buồn tẻ. Thấy em có tài, anh đâm ra lo sợ. Không phải anh lo sợ vì mặc cảm thua em mà anh còn lo sợ mất em, vì thế mới có chuyện đổi lên Biên Hòa. Anh muốn em đừng gặp những người nào biết em có tài, anh không muốn ai khuyến khích em đi vào con đường nghệ thuật hết. Anh muốn em sống hoàn toàn cho anh, tất cả tư tưởng, hành động của em phải hướng về anh. Anh cố bám víu vào tình yêu của em, nhưng anh lại cảm thấy mỗi ngày em mỗi xa dần anh. Sự thật em vẫn là em của ngày nào, không có gì thay đổi hết. Cái kho thiên tài mà trời ban cho em đó không hề làm em giảm đi lòng yêu thương anh, yêu thương các con. Chỉ tại anh nghĩ quẩn, chỉ tại anh ích kỷ nên anh khổ. Nhiều người bạn đã thấy sự thất bại của anh nếu anh cứ khư khư giữ cái tánh ích kỷ ấy. Nhưng làm sao bây giờ? Non sông có thể đổi dời, còn bản tính của con người thì khó thay lắm?
Nói đến đây Dũng ngừng lại, nhìn Phi Nga. Qua ngọn đèn ngủ trong phòng, mọi vật đều có vẻ huyền ảo. Dũng không sao hiểu được những cảm nghĩ của nàng khi nghe chàng tâm sự như thế. Tâm trạng của Phi Nga lúc ấy ra sao? Nhưng giá mà Dũng thấy rõ được nét mặt của Phi Nga lúc ấy thì Dũng sẽ không khỏi ngạc nhiên. Nét mặt của Phi Nga vẫn bình thản vì nàng đã hiểu tâm trạng kỳ dị của Dũng từ lâu rồi. Dũng nói tiếp:
- Nhưng dọn lên đây, em vẫn không phải là kẻ bị lưu đày. Anh không đày em ra khỏi thế giới hội họa của em được. Người ta vẫn tìm đến gặp em, người ta vẫn cố tình lôi em ra khỏi ngục tù của anh để đưa em ra vùng ánh sáng của nghệ thuật. Thấy mình không thể nào giữ em được nữa, anh bằng lòng để em đi theo con đường sự nghiệp. Làm thế, anh cũng đã khổ nhiều. Nhưng anh biết, không làm thế, anh cũng sẽ mất dần em, anh không tài nào giữ được một thiên tài. Người có tài là của đời, của tất cả, nhưng lại không phải là của ai hết. Trước đây nếu anh chịu hiểu như thế này thì anh không bao giờ chịu để em ghép cuộc đời em vào cuộc đời anh.
Nói đến đây, Dũng có vẻ mệt nhọc, đưa tay lên đè nén con tim. Phi Nga cũng vội vàng đặt tay lên ngực Dũng, lo lắng vì chợt nhớ đến câu:
Con chim trước chết kêu thương,
Con người trước chết lời thường khôn ngoan.
Phi Nga sờ khắp người Dũng. Hai tay Dũng hơi lạnh, hai chân rịn mồ hôi. Phi Nga nói:
- Anh mệt lắm hả anh Dũng?
Dũng lắc đầu:
- Anh không nghe mệt. Anh chỉ muốn nói nhiều, thật nhiều với em. Khi nào em chán không muốn nghe nữa thì thôi.
Phi Nga vẫn lo lắng:
- Anh có nghe làm sao không? Việc gì mà anh phải kể lể lôi thôi như thế? Anh quên rằng chính em đã tỏ ý muốn lập gia đình với anh trước kia mà.
Dũng nói chậm rãi:
- Anh đâu có quên điều ấy. Em cứ để anh nói Anh đã làm khổ em nhiều. Ngay như hôm nay, một người nào khác ở địa vị em, họ đâu có về nhà. Họ đi dự tiệc, họ say sưa với danh vọng, họ cười nói với bạn bè. Họ hãnh diện với thành công, với đắc thắng. Chớ họ đâu phải là người bó tay bên nguời bệnh. Phi Nga ơi! Rồi đây em sẽ được tự do sống theo ý muốn của em anh không ràng buộc em nữa, em sẽ đi vào con đường sự nghiệp mà không gặp chướng ngại vật nào cả. Đời em sẽ bằng phẳng, sẽ sáng sủa, tương lai em sáng lạng huy hoàng. Còn anh... Anh sẽ không còn nữa...
Phi Nga hốt hoảng:
- Kìa, sao anh lại nói vậy?
Dũng thở hổn hển:
- Em tha lỗi cho anh, tha lỗi tất cả cho anh. Những gì anh đã làm phiền em, em hãy quên đi, đừng nhớ đến nữa.
Phi Nga cầm lấy tay của Dũng, hai tay chàng lạnh ngắt. Phi Nga vội vàng chạy ra ngoài gọi ông Minh:
- Ba ơi! Anh Dũng...
Ông Minh đang ngủ, nghe con gái gọi vội ngồi ngay dậy:
- Có cần đi mời bác sĩ Văn ngay bây giờ không?
Phi Nga run rẩy nói:
- Ba đi giùm con...
Ông Minh vội vã ra đi. Phi Nga đánh thức chị Tâm dậy:
- Chị dậy nấu nước sôi đổ vào bịch cao su giùm tôi. Thầy làm sao ấy, tôi lo quá.
Rồi Phi Nga tất tả trở vào phòng. Dũng hỏi:
- Em làm gì ngoài ấy?
- Em nhờ ba đi mời bác sĩ Văn rồi.
- Kìa, sao em làm phiền ba quá vậy? Anh có sao đâu mà em phải mời bác sĩ?
- Không, anh không được khỏe. Anh phải uống thêm thuốc.
- Không, anh không muốn uống gì nữa cả. Anh chỉ muốn em ngồi bên anh. Rồi đây em phải lo cho hai con. Anh bất tài thật!
Phi Nga ngồi khựng không còn biết nói gì nữa. Nàng biết Dũng đang trối trăn, những lời mà Dũng vừa nói với nàng là những lời nói cuối cùng. Nước mắt Phi Nga chảy ràn rụa nhưng nàng không dám để Dũng biết. Nàng cố nuốt lệ, cố trấn tĩnh tâm hồn, nhưng có lẽ Dũng đã nhận thấy sự đau khổ của Phi Nga:
- Đừng buồn em nhé. Em là trụ cột của gia đình. Hãy tha thứ cho anh, anh đã làm lỡ cuộc đời em.
Phi Nga không dằn được nữa, khóc òa lên:
- Anh đừng nói vậy. Anh ráng uống thuốc cho chóng khỏi. Anh không sốt sao lại nói mê sảng như vậy?
- Anh đâu có mê sảng, anh nói rõ ràng quá rồi anh không còn gì để nói với em nữa. Anh sẽ yên lòng khi nghe em nói em sẵn lòng tha thứ cho anh.
Phi Nga nói qua tiếng khóc:
- Anh không có lỗi gì hết. Anh đã cho em hạnh phúc và tình yêu. Anh phải nghe lời bác sĩ, chịu khó uống thuốc để chóng khỏi.
Dũng nằm im một lúc lâu. Phi Nga tưởng là chàng ngủ, ngồi yên không dám cử động. Đến khi ông Minh đưa bác sĩ về thì Dũng hỏi:
- Có tiếng xe hơi đi vào sân... Ba đã rước bác sĩ về đến rồi phải không?
- Bác sĩ đến xem lại mạch cho anh.
Dũng thở dài và nói nho nhỏ:
- Vô ích.
Ông Minh đưa bác sĩ Văn vào phòng. Phi Nga bật đèn và khoác mùng lên để bác sĩ khám bịnh cho Dũng. Lúc bấy giờ Phi Nga mới thấy nét mặt của Dũng xanh xao, đôi mắt lạc thần.
Bác sĩ Văn vừa nghe mạch cho Dũng vừa nhìn Phi Nga. Qua cái nhìn ấy, Phi Nga thấy rõ sự lo ngại của nàng không phải vô cớ. Sự im lặng của bác sĩ Văn đè nặng lên tâm trí Phi Nga và căn phòng bỗng trở nên ngột ngạt, khó thở. Bác sĩ Văn lấy thuốc chích cho Dũng và kéo chăn lên đắp cho Dũng. Vừa lúc ấy chị Tâm đem túi nước nóng vào. Bác sĩ Văn nói:
- Không cần. Tôi đã chích thuốc.
Phi Nga biết bác sĩ Văn đã chích thuốc hồi dương và nàng chạy ra ngoài úp mặt vào ghế khóc nho nhỏ. Ông Minh đi theo ra và đặt tay lên vai con gái. Ông nói:
- Chắc là không qua khỏi, số phần của nó ngắn ngủi quá. Biết sao bây giờ?
Phi Nga nói:
- Con không ngờ anh ấy ngắn số như thế.
Bác sĩ Văn đi ra, nói nhỏ với ông Minh:
- Ông Dũng muốn nói gì với ông. Tôi về vậy. Tôi ở đây cũng vô ích. Tôi biết trước ông ấy sẽ khó qua khỏi. Ông ấy không có một chút nghị lực.
Rồi bác sĩ Văn đến bên Phi Nga:
- Tôi rất tiếc không làm gì được. Đã đến giờ rồi.
Phi Nga kêu lên:
- Nhà tôi không phải đau nặng.
- Tôi biết thế và tôi đã nói cho bà rõ. Ông không chịu chống lại với ma bệnh, ông chịu làm kẻ bại trận trước kia mà.
Bác sĩ Văn buồn bã ra về. Lúc ấy đã gần bốn giờ sáng. Tiếng gà bắt đầu cất lên xa xa, phá tan sự tĩnh mịch của đêm tối.
Phi Nga trở vào phòng Dũng. Nàng thấy ông Minh ngồi bên Dũng và nghe Dũng nói với cha:
- Cha mẹ con chắc đến không kịp. Sẵn đây con xin ba tha lỗi cho con về tội con làm dở dang cuộc đời Phi Nga. Nếu ba biết lòng con yêu quý Phi Nga đến bực nào thì ba sẽ tha thứ cho con về cái tội quá ích kỷ. Con xin gởi Phi Nga lại cho ba mẹ. Cha mẹ con chắc không có đủ phương tiện lo cho các con của con. Con kính lời vĩnh biệt me, các em Phi Anh, Phi Yến...
Nói đến đây, Dũng ngập ngừng rồi nói tiếp:
- Đến bây giờ con mới thấy Phi Anh nói rất phải, Phi Nga không thể nào làm vợ con được. Cuộc hôn nhân của con với Phi Nga chỉ là cuộc hôn nhân giai đoạn. Lúc nghe Phi Anh nói như thế, con bực mình lắm. Nhưng bây giờ ngẫm nghĩ lại, con mới thấy Phi Anh nói đúng. Con cưới Phi Nga là con làm dở cuộc đời em. Có phải bác sĩ Văn chạy rồi phải không?
Ông Minh ngập ngừng:
- Bác sĩ Văn mới chích thuốc khỏe cho con. Con ráng nằm im mà ngủ.
Dũng thở dài:
- Bác sĩ Văn mỗi khi đến khám bệnh đều khuyên lơn, an ủi con. Lần này, bác sĩ không nói một lời là đủ hiểu bệnh tình của con thế nào rồi...
- Hay là bác sĩ Văn không giỏi, coi không ra bệnh của con? Sao con mới đau có mấy ngày mà bác sĩ lại không chữa khỏi?
Ông Minh quay lại Phi Nga:
- Ba thấy hình như bác sĩ Văn không giỏi. Để ba thuê xe chở Dũng đi Sài Gòn đưa vào bệnh viện Đồn Đất. Đâu có thể nghe theo lời bác sĩ dễ như vậy.
Ông Minh nói xong quay ra thì Dũng nói với Phi Nga:
- Không nên chở anh đi đâu cả. Em ra thưa với ba, anh biết rõ trong người anh lắm mà. Anh yếu lắm rồi.
- Ba nói rất phải. Chính em cũng đã nghĩ như thế. Em thu xếp đồ đạc để lát nữa có xe về thì ba và em đưa anh đi Sài Gòn.
Phi Nga cầm lấy tay Dũng. Nhờ những mũi thuốc của bác sĩ Văn lúc nãy, bàn tay Dũng đã ấm lại.
Đúng sáu giờ Phi Nga và ông Minh đưa Dũng ra xe. Dũng vẫn còn tỉnh táo:
- Con làm phiền ba và em Phi Nga quá.
- Bác sĩ Văn coi bệnh không ra mà cứ giữ lấy bệnh nhân, đến khi thấy người ta trở nặng lại bỏ. Có phải là vô lý không?
- Bác sĩ Văn không phải dở đâu, ba ạ.
- Giỏi gì lại không tìm ra bệnh?
Nằm dài trên băng sau, đầu gối lên đùi Phi Nga, Dũng lim dim đôi mắt, hơi thở mệt nhọc. Tuy vậy Dũng không có gì là mê man hay kiệt sức hết.
Phi Nga hơi an lòng, nàng nghĩ:
- Ba ta nói có lẽ đúng, bác sĩ Văn không xem ra bệnh.
Khi Phi Nga và ông Minh đến phòng nhận bệnh và xin cho Dũng vào nằm điều trị thì Dũng có vẻ mệt nhiều. Bác sĩ thường trực được mời đến ngay. Sau khi khám thật kỹ cho Dũng, bác sĩ bảo đưa Dũng vào phòng chờ thử máu. Bác sĩ hỏi Phi Nga là Dũng đau bao lâu và bác sĩ nào đã chữa. Phi Nga đưa hết các toa thuốc của bác sĩ Văn và nói rõ về thời gian Dũng bị bệnh.
Bác sĩ thường trực ấy xem xong nói:
- Chờ thử máu mới biết. Nhưng bệnh nhân đã mệt nhiều.
Phi Nga đi phòng Dũng thì thấy mấy cô y tá đang tiếp nước biển vào mạch máu ở tay của Dũng. Một cô hỏi Phi Nga:
- Bà là vợ ông ấy?
Phi Nga gật đầu thì cô ta hỏi:
- Sao để nặng như thế mới đem vào đây?
- Tôi ở xa. Nhà tôi khỏi đã lâu, mới đau lại có ba hôm.
- Có ba hôm mà mệt như thế này sao?
Nước biển vào, Dũng khỏe lại. Rồi đi thử máu, thử đàm, chụp hình phổi... Dũng khổ sở nói với Phi Nga:
- Em để anh ở nhà có phải là yên thân không? Đưa anh đến đây để anh chịu đủ thứ cực hình, mà nào anh có chết chóc gì đâu?
- Thế tại sao lúc nào anh cũng nói như trối khiến em và ba không yên.
- Lúc đau yếu người ta hay bi quan, nghĩ quẩn.
Phi Nga mừng rỡ:
- Bây giờ anh nghe khỏe rồi phải không?
- Anh muốn em đưa anh về nhà.
- Đâu dễ như vậy. Đã vào nằm đây thì ở hay về còn phải tùy bác sĩ phụ trách.
- Được, để lát nữa bác sĩ đến, anh sẽ xin bác sĩ cho anh về.
Đến trưa bác sĩ vào khám bệnh, Dũng xin về thì ông này nổi giận:
- Tôi không phải là một anh bán thịt! Ông vào đây để chữa bệnh, chớ phải vào để mua thịt đâu mà trả giá.
Dũng cũng cau có:
- Tôi bực mình vì phải chờ đợi kết quả thử máu và đủ thứ thử khác.
Bác sĩ nhún vai:
- Hãy kiên nhẫn chờ đợi, nếu ông muốn khỏi bệnh.
Phi Nga liền nói với bác sĩ:
- Nhà tôi vì đau yếu nên chán nản. Xin bác sĩ tha lỗi cho.
Bác sĩ gật đầu thông cảm và dặn cô y tá chích các loại thuốc cho Dũng. Đợi bác sĩ đi rồi, Dũng mới nói với Phi Nga:
- Nằm ở đây đã tốn tiền mà họ lại không cho mình được tự do gì hết.
Ông Minh nói:
- Vào đây là giao tính mệnh cho họ. Con cứ yên lòng, thế nào rồi bệnh của con cũng khỏi. Con thấy không, nếu nghe lời bác sĩ Văn, nằm ở nhà mà chịu trận thì làm sao qua khỏi?
Đòi về mãi không được, Dũng buồn phiền nằm im một chỗ, không nói gì nữa. Đến giờ ăn, Dũng không chịu ăn súp, Phi Nga ép lắm Dũng mới uống độ nửa ly sữa. Các cô y tá đều lắc đầu:
- Tôi chưa thấy người bệnh nào khó tánh như ông này.
Dũng nói:
- Tôi đâu có muốn nằm đây để làm phiền các cô.
Mỗi lần họ đem thuốc vào tiêm cho Dũng, Dũng hỏi:
- Chi vậy? Tốn công vô ích!
Qua ngày thứ ba, Dũng lại bắt đầu nói như trối trăng:
- Anh làm phiền em quá nhiều phải không Phi Nga? Anh mỗi ngày một kiệt sức. Bác sĩ Văn chạy là phải, tại sao không nghe lời ông ấy, chở vào đây làm gì cho tốn tiền. Hôm nay em gầy hẳn đi vì đã thức nhiều đêm. Thiên hạ đi xem tranh của em, họ đâu có ngờ em khổ vì chồng con thế này.
Nghe Dũng nhắc đến con, Phi Nga thở dài:
- Mấy hôm nay chắc chúng nhớ anh lắm, nhất là bé Hoàng. Tội nghiệp quá!
Dũng dặn:
- Em ráng nhắc nhở nó học, em đừng để nó yếu đuối, thiếu nghị lực như anh. Đời anh mà hỏng là vì quá yếu đuối. Em cũng đừng bắt nó phải nối nghiệp của em. Nếu tự nó, nó có khiếu vẽ thì không nói gì. Thấy Phi Nga vẫn im lặng, Dũng liền nói:
- Em nên bán ngôi nhà ấy, dọn về ở gần cha mẹ thì hơn. Nhưng em làm gì để nuôi con?
- Anh lại nói nhảm rồi.
Dũng cười héo hắt:
- Anh không nói nhảm.
Rồi Dũng nắm chặt tay Phi Nga:
- Thôi, vĩnh biệt em.
Phi Nga trách:
- Anh không thương em chút nào.
- Không, anh thương em lắm. Bây giờ anh ngủ đây.
Phi Nga nghe bàn tay Dũng rịn mồ hôi để rồi lạnh dần. Hốt hoảng, Phi Nga bấm chuông gọi. Một cô y tá chạy vội đến, sờ vào cổ Dũng và kêu lên:
- Ông ấy chết rồi! Chết một cách nhẹ nhàng như thế sao?
Phi Nga hỏi:
- Cô nói gì? Nhà tôi chết rồi à?
Và Phi Nga ôm chầm lấy Dũng khóc nức nở.
Chú thích:
[1] Nay là đường Võ thị Sáu.
Con Đường Một Chiều Con Đường Một Chiều - Bà Tùng Long Con Đường Một Chiều