Cái tốt đẹp nhất trong mọi cái là việc học. Tiền có thể bị mất, sức khỏe và sức mạnh có thể bị mất, nhưng những gì trong đầu bạn thì là của bạn mãi mãi.

Louis L’Amour

 
 
 
 
 
Tác giả: David Zierler
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1188 / 27
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Khoa Học, Đạo Đức Và Sự Bất Đồng Quan Điểm
hững tranh cãi khoa học về chiến dịch Ranch Hand đã nối tiếp cuộc luận chiến về phóng xạ hạt nhân bị bỏ dở. Năm 1964, một bài viết trong “Bản tin cho các nhà khoa học hạt nhân” đưa phát động một chiến dịch khoa học kéo dài một thập kỷ nhằm kết thúc chiến tranh diệt cỏ. Cũng vào năm đó, Lyndon B. Johnson tuyên bố rằng một thành tựu sinh học đang phát triển và sẽ ra đời trong 10 năm nữa. Trong một kênh truyền hình quốc gia, ngài tổng thống đã chúc mừng việc kết thúc thử nghiệm bom nguyên tử trong khí quyển, và tuyên bố rằng: “Hậu quả chết người của những vụ nổ nguyên tử là ô nhiễm đất, nguồn thực phẩm và sữa mà con cái chúng ta uống, cũng như bầu không khí mà tất cả chúng ta cùng thở… Những chất độc phóng xạ đang bắt đầu đe dọa sự an toàn của loài người trên khắp trái đất. Đối với thế hệ chưa ra đời, mối đe dọa đó còn lớn hơn nữa.”
Vì là một tuyên bố chính trị nên Johnson đã rất thận trọng. Vì lợi ích to lớn của loài người, người dân đã ủng hộ lệnh cấm, John F. Kennedy và Thủ tướng Nga Nikita Khrushchev đã hoàn thành việc kết thúc thử nghiệm nguyên tử trong khí quyển, mà đỉnh cao là Hiệp ước cấm thử hạn chế được ký vào năm 1963. Thỏa thuận này được ca ngợi là thành tựu lớn nhất của Kennedy trong việc giảm căng thẳng chiến tranh lạnh và giải trừ vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này không phải sinh ra từ các cuộc họp giữa các quan chức đối ngoại xuất sắc của Mỹ mà là từ phòng thí nghiệm của Barry Commoner, một giáo sinh vật học của trường đại học Washington tại St.Louis. Commoner được nhiều người ngưỡng mộ và coi là “cha đẻ” của sinh thái học hiện đại; ông trở thành một trong những trụ cột của phong trào khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ tại Việt Nam, sau nghiên cứu về thử nghiệm nguyên tử trong khí quyển. Các nhà khoa học phản đối Ranch Hand khác cũng cố gắng để nhân rộng thành công của Commoner trong lĩnh vực chính trị.
Năm 1953, Commoner trở thành một trong những nhà khoa học Mỹ đầu tiên nhận ra dùng vũ khí hạt nhân để giữ gìn an ninh quốc gia Mỹ trong thời kỳ hậu chiến là lợi bất cập hại. Vào tháng Tư năm đó, Ủy ban năng lượng nguyên tử đã cho nổ một quả bom hạt nhân tại khu thử nghiệm Nevada. Ngay hôm sau, một cơn bão xuất hiện quét khắp cả nước, gieo rắc mưa phóng xạ tại Troy, New York. Đối với Commoner, người đã dành hết thời gian đầu sự nghiệp để nghiên cứu về tác hại của bệnh ung thư và các gốc tự do trong mô người, thì đây là một tin đáng báo động; suốt năm năm sau đó, ông đã cố gắng lấy thông tin về chương trình thử nghiệm hạt nhân từ các quan chức liên bang, nhưng vô vọng. Commoner được đáp lại bằng sự im lặng, đặc biệt là khi có sự khẳng định “chắc nịch” từ phía các quan chức liên bang, bao gồm cả Tổng thống Dwight D. Eisenhower, rằng bụi phóng xạ không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nỗi lo rò rỉ thông tin nguyên tử cùng với việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik vào năm 1957 càng khiến Commoner gặp nhiều khó khăn hơn. Trong một bài xã luận có ảnh hưởng sâu rộng đăng trên tờ Foreign Affairs, Edward Teller - “cha đẻ” của bom Hydro - cho rằng vệ tinh Sputnik mới chỉ là khởi đầu cho viễn cảnh Liên Xô sẽ chiếm thế thượng phong trong khoa học kỹ thuật, và bất cứ lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân nào tại Mỹ cũng sẽ khiến cho viễn cảnh đó tới nhanh hơn. Để đáp lại, Commoner đã hô hào đồng nghiệp của mình ghi nhớ rằng sự bền vững trong khoa học là “một kết quả trực tiếp của mức độ giao tiếp tồn tại trong khoa học… Cái chúng ta gọi là sự thật khoa học phải lấy từ sự khẳng định của người nghiên cứu, đăng trên ấn phẩm tự do, thể hiện quan sát của họ. Điều này cho phép cả cộng đồng khoa học kiểm tra các số liệu và đánh giá các lời chú giải, để cuối cùng đưa ra tập hợp sự kiện và ý tưởng toàn diện. Nếu trong quá trình truyền đạt thông tin tới cộng đồng khoa học có trục trặc gì, thì sự hiểu biết chung sẽ bị cản trở”.
“Vấn đề”, như trong tiêu đề bài phát biểu “Vấn đề bụi phóng xạ” của Commoner, là một con dao hai lưỡi: việc đặt vấn đề bảo mật vì an ninh quốc gia lên trên sức khỏe của hệ sinh thái là một vấn đề khoa học lẫn chính trị; theo phân tích của ông, đây là hai mặt không thể tách rời, bởi những áp lực chính trị đối với việc hợp tác trong khoa học sẽ khiến các nhà khoa học không thể có những suy luận và phát hiện mới. Để giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, Commoner lập ra Ủy ban thông tin hạt nhân (CNI) và bắt đầu khảo sát về răng sữa của trẻ em, cuộc khảo sát này về sau trở nên rất nổi tiếng. Commoner cho rằng các bụi phóng xạ, đặc biệt là các đồng vị phóng xạ strontium 90, đã lắng xuống các cánh đồng cỏ mà bò ăn, sau đó thâm nhập vào thực phẩm của con người. Ông đã đúng: ngay sau khi có được hồi âm tích cực từ cộng đồng dân cư tại St.Louis, CNI thu được được 17 ngàn chiếc răng trong hai năm, Commoner và đồng sự đã chứng minh rằng cho dù chỉ “hy sinh” những khu vực xa xôi hẻo lánh để thử nghiệm hạt nhân, nhưng như thế cũng không đủ bảo vệ người dân Mỹ khỏi việc nhiễm phóng xạ. Đây chính là điều mà tổng thống Johnson đã đặt cược vào năm 1964, với sự ủng hộ của các bậc phụ huynh đang lo lắng cho con em mình trên khắp cả nước.
Commoner thành công ở vai trò một nhà tổ chức chính trị lẫn một nhà dân túy khoa học. Cuối những năm 1960, Commoner tranh thủ sự công khai khoa học và sự quan tâm của dư luận vì một mục đích cao cả nhất; bảo vệ Trái Đất khỏi thảm họa sinh thái bằng cách đặt ra nghi vấn về tính hợp lý và động cơ của “sự liên hợp quân sự- công nghiệp”. Vào lúc đó, và một phần không nhỏ là do các công trình nghiên cứu của Commoner, sinh thái học không chỉ là một nhánh của khoa học mà còn trở thành sàn diễn chính trị. Một trong số rất nhiều bài viết về khủng khoảng sinh thái toàn cầu của Commoner đã cảnh báo: “Hành tinh này đã trở thành một loại bom hẹn giờ khổng lồ, có thể nổ chỉ với một sự kích hoạt nhẹ”. Vào cuối những năm 1970, khi vấn đề Chất độc da cam và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe của các cựu lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam đã đạt tới đỉnh điểm, Commoner cũng nhận định chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam cũng là một quả bom hẹn giờ với những thảm họa sức khỏe con người đang hình thành.
Sự tương đồng giữa sự tích cực của nhà dân túy Commoner và hoạt động phản đối chiến tranh diệt cỏ có tổ chức sau đó, cách ông vạch ra sự nguy hiểm của việc đặt lợi ích chiến tranh lạnh lên trên mối băn khoăn về sinh thái, và việc ông thành công trong thay đổi nhận thức của các quan chức cấp cao nhất của chính phủ đã đặt ông vào tâm điểm hoạt động phản đối chiến tranh diệt cỏ. Những nghiên cứu của ông và những nhà khoa học phản chiến giúp kết thúc chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam cần được xem xét như một phần trong nỗ lực chung liên tục. Sự cố gắng của họ cũng như tất cả những nhà khoa học những năm 60 đã từng thẳng thừng lên án tình trạng hiện tại và dùng các thuật ngữ toàn cầu để diễn tả các mối quan ngại về sinh thái đã có tiền lệ từ những năm 30. Có nhà sử gia gọi họ là những “nhà khoa học du kích”. Như nhà sử học Peter Kuznik quan sát, “hầu như các nghiên cứu chính trị và khoa học quan trọng đều nhầm khi giả định rằng, trong một phần tư thế kỉ trước vụ Hiroshima, các nhà khoa học Mỹ không quan tâm đến chính trị hoặc mù quáng ủng hộ hiện trạng này”. Thậm chí trước khi xuất hiện vũ khí nguyên tử hay Chất độc da cam, một số nhà khoa học đã yêu cầu các quan chức phải đánh giá kỹ mức độ nguy hiểm của vũ khí quân sự và có hành động chính trị thích hợp.
Ngay trước thế chiến thứ II, nỗi ám ảnh về chiến tranh chiến hào và các cuộc tấn công bằng khí độc trong cuộc Đại Chiến đã hiện ra lờ mờ trước mắt các nhà khoa học ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Năm 1939, J. D. Bernal, một giáo sư vật lý ở trường Đại học Luân Đôn, đã phải kêu lên rằng khoa học đã không còn là “bông hoa trí tuệ đẹp nhất của loài người hứa hẹn mang đến những lợi ích lớn nhất”. Ông giải thích rằng, kể từ ngày Đình Chiến (kết thúc thế chiến thứ I), các sự kiện đã “không chỉ thay đổi thái độ của mọi người đối với khoa học; chúng đã thay đổi thái độ của chính các nhà khoa học đối với khoa học một cách sâu sắc”. Vào cuối những năm 30, Quốc hội Anh đã dành một khoản quỹ gần bằng nghiên cứu y học để phát triển khí độc. Đối với Bernal, sự phân bổ ngân sách này nói lên nhiều điều. Ông cảnh báo rằng: “Ở hầu hết các nước, các nhà khoa học đang bị ép phục vụ cho chiến tranh và được phân vào các ngành khác nhau trong quân đội khi chiến tranh xảy ra”. Những năm sau thế chiến thứ II, các nhà khoa học tỏ ra vô cùng lo lắng về một xu hướng ứng dụng khoa học mới vô cùng đáng sợ. Phát biểu tại trước một nhóm hành động xã hội của Ki-tô giáo, một giáo sư y khoa tại đại học Columbia tên Theodor Rosebury cho rằng bản thân khoa học trung lập về mặt đạo đức, nhưng cách loài người vận dụng nó thực sự là vấn đề sống còn theo nghĩa đen: “Chúng ta có thể bảo vệ thế giới này cho bản thân hoặc con em mình; khoa học phục vụ cho chúng ta… hay chúng ta cũng có thể chọn cách dễ dàng hơn, chọn con đường của sự oán hận và nỗi sợ hãi khiến chúng ta tàn phá cuộc sống của những người láng giềng, chỉ đơn giản bởi chúng ta không thích cách sống của họ và bởi chúng ta chắc rằng họ đang đe dọa sự sống của mình”.
Theo Rosebury, chỉ có nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm hạn chế hoặc một lệnh cấm vũ khí hạt nhân mới khả dĩ mang lại hy vọng hòa bình. Phát biểu cùng thời điểm đó còn có William Vogt, một nhà điểu học người Mỹ. Ông thấy mối liên hệ giữa việc gây chiến và khoa học như một biểu tượng của mối đe dọa trầm trọng mà công nghệ hiện đại gây ra với thế giới tự nhiên: khai thác và tàn phá những nguồn tài nguyên trên Trái Đất với tốc độ không đảm bảo bền vững trong tình hình dân số gia tăng. Rất lâu trước khi George Kennan lý thuyết hóa và kêu gọi thành lập khung chính sách môi trường quốc tế mới, Vogt đã đề nghị Liên Hiệp Quốc non trẻ cần phải điều chỉnh và đảo ngược các xu hướng hiện tại của quốc gia đối với chiến tranh và việc tàn phá sinh thái, bởi đây là hai vấn đề cần được giải quyết song song. Vannevar Bush, giám đốc của Ủy ban Nghiên cứu và phát triển khoa học Mỹ, người chịu trách nhiệm lớn nhất về việc tạo ra “tổ hợp quân sự - công nghiệp” sau thế chiến thứ II, đã đón đầu những suy nghĩ của Barry Commoner về vũ khí quân sự và tiến trình dân chủ. Năm 1949, khi mối lo sợ về bom hạt nhân của Liên Xô ngày càng rõ ràng hơn, Bush vẫn cho rằng nguy cơ hủy diệt của hành tinh trong chiến tranh vẫn còn “xa tít tắp”. Liều thuốc giải chính là sự cởi mở, trách nhiệm và sự tham gia của mọi người dân nhằm loại bỏ sự độc tài ra khỏi các nền dân chủ.
Tiếp đến là Rachel Carson. Tác phẩm nổi tiếng Mùa xuân im lặng (1962) của bà đã thấp thoáng cảnh báo về những tranh cãi xung quanh thuốc diệt cỏ, và nếu bà còn sống thì có thể đã có một tác phẩm thứ hai. Nhiều người tin rằng Carson, một nhà sinh vật học đồng thời là là cây bút cơ hữu trong một thời gian dài tại Cơ quan quản trị thủy sản và động vật hoang dã Mỹ (1936-1949), chính là người sáng lập ra chủ nghĩa môi trường hiện đại. Giống như Barry Commoner, Carson được biết đến nhiều nhất với những bài phê bình xã hội về chính trị, khoa học và vũ khí của Mỹ. Mặc dù, trên danh nghĩa, Mùa xuân im lặng viết về những nguy hiểm mà DDT mang lại, nhưng nỗi sợ hãi mà bà khắc họa trong cuốn sách chủ yếu là về mỗi xã hội tưởng tượng do việc sử dụng hóa chất bừa bãi, mà thực chất là do khinh suất của Mỹ gây ra. Vậy tại sao mùa xuân lại im lặng? Chúng ta hãy đoán dựa vào câu hỏi bà đặt ra: “Ví dụ, loài chim, chúng đã bay đi đâu?”. Carson không rõ, vì bối cảnh mùa xuân này là ở một trị trấn tưởng tượng, và tất cả người dân đều có cùng câu hỏi như bà. Mặc dù thị trấn của Carson nằm ở trung tâm của nước Mỹ, nhưng hệ sinh thái ở đây giống như một nghĩa địa: từ những trái berry tới gia súc, chim hồng tước tới cây dương xỉ, tất cả đều đã chết. Câu chuyện này là một điềm báo: “Một bóng ma dữ tợn đã len lỏi vào mà chúng ta hầu như không hay biết, và thảm kịch tưởng tượng này có thể dễ dàng trở thành một sự thật nghiệt ngã. Rồi ta sẽ thấy thôi”.
Carson đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu thuốc diệt cỏ. Bà đã gọi chúng là “một loại đồ chơi mới mang cho người sử dụng chúng cảm giác chinh phục thiên nhiên”. Cách miêu tả này có phần gây lạc hướng. Người ta tranh luận về những hiệu quả viển vông trong việc chinh phục thiên nhiên của thuốc diệt cỏ chứ không phải tính mới mẻ của nó. DDT chỉ là một trong những loại hóa chất dùng để chế ngự thiên nhiên, nhưng chính việc người Mỹ sử dụng một lượng lớn thuốc diệt cỏ trong quản lý lâm nghiệp và trừ cỏ dại trong nông nghiệp mới là tâm điểm phân tích của Carson sau chiến tranh, loài người đã đạt đến khả năng và mức công nghệ tinh vi làm thay đổi môi trường mà không hiểu hết về những hậu quả sinh thái của những hành động đó.
Carson không phải người bảo thủ; bà không kêu gọi người ta tẩy chay thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, thực ra bà còn nhấn mạnh ích lợi của chúng. Cái bà lo lắng là phạm vi ứng dụng những hóa chất này. Bà tin rằng sự phức tạp của sự sống thiên nhiên, bao gồm cả cơ thể con người, khiến chúng ta khó hiểu được hoàn toàn tác động của những hóa chất độc hại khi được đưa vào hệ sinh thái. Nếu vì lý do nào đó ta chưa biết, mà DDT dùng để diệt muỗi nhưng những loài chim cũng chết, hay nếu 2,4-D và 2,4,5-T diệt cỏ phấn hương nhưng cũng hạ độc cả đàn ong, thì loài người hoàn toàn có lý do để lo lắng về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với sức khỏe của mình và môi trường thiên nhiên. Đây chính là logic của Mùa xuân im lặng, và Carson đã đặt tác phẩm của mình ở thế đối đầu với dư luận thế giới, với các kế hoạch kinh doanh của những công ty hóa chất và khách hàng của họ. Các công ty này ra sức phản đối quan điểm bất lợi này. Tập đoàn Monsanto, một trong những nhà sản xuất thuốc diệt cỏ chính (và sau này là nhà cung cấp Chất độc da cam chính cho quân đội Mỹ), đã “đáp trả” Carson với viễn cảnh của riêng mình: một thế giới không có thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. “Những con bọ ở khắp mọi nơi: ta không thể thấy chúng. Ta không thể nghe chúng. Nhưng chúng lại có mặt trên toàn thế giới. Dưới mặt đất, dưới mặt nước. Dưới phiến lá, trên cành cây hay thân cây. Dưới những tảng đá. Bên trong cây cối, động vật và các loài côn trùng khác. Và tất nhiên, trong cơ thể con người nữa”.
Carson qua đời trước khi những tranh cãi về thuốc diệt cỏ ở Việt Nam chính thức được nhìn nhận nghiêm túc. Hai năm cuối đời, bà phải đối phó với những phản ứng đủ loại xung quanh Mùa xuân im lặng khi đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Mặc dù, nếu xét thời điểm các tin tức đầu tiên về chiến tranh diệt cỏ được đưa ra thì có thể Carson đã đọc chúng, nhưng không có ghi chép nào ghi nhận ý kiến của bà trong vấn đề này. Tuy vậy, chiến dịch Ranch Hand là ví dụ nhãn tiền cho hầu hết mọi cảnh báo trong cuốn sách của bà. Vào cuối thập kỷ ấy, chiến dịch đã đạt tới một quy mô mà cả Carson cũng không tưởng tượng nổi, và điều ấy đã xảy ra với một mảnh đất xa xôi chứ không phải nông thôn nước Mỹ (hình 9).
H9
Chiến dịch Ranch Hand là một hoạt động chiến tranh hóa chất trên quy mô lớn, và có mục tiêu rõ ràng là hủy diệt quần thể thực vật trên diện rộng. Vào năm 1969, các nhà khoa học bắt đầu phản đối chiến tranh diệt cỏ, coi đây là một hành động “hủy diệt sinh thái” (ecocide), từ này gần giống như từ “thuốc hủy diệt sinh học”, từ mà Carson dùng để gọi những “loại hóa chất có khả năng diệt mọi loại côn trùng, không có chọn lọc”, gây ra những hiệu quả chưa thể đo đếm được lên hệ sinh thái lớn. Các nhà khoa học góp phần chấm dứt chiến dịch Ranch Hand qua các nghiên cứu của mình đã mang thông điệp của Carson tiến vào kỷ nguyên phản đối chiến tranh Việt Nam.
Những hoạt động phản chiến công khai (chứ không phải chỉ phản đối ngầm như Carson) về chiến tranh diệt cỏ bắt đầu ngay khi những đợt thử nghiệm phun thuốc rụng lá ở Việt Nam được tiến hành. Tổng thống John F. Kennedy, người phê chuẩn hoạt động này, rất lo ngại về phản ứng quốc tế dấy lên trong khối cộng sản chủ nghĩa. Nỗi lo này đã thành sự thật: Mátxcơva, Bắc Kinh và bộ ngoại giao của hầu hết các nước trong khối cộng sản trên thế giới đã đưa ra tuyên bố lên án “chiến tranh thuốc độc của chủ nghĩa đế quốc” chống lại phong trào cách mạng, hoặc một số tuyên bố khác tương tự. Nhưng sự phân chia lưỡng cực do chiến tranh lạnh không kiềm hãm làn sóng phản đối đó như dự tính của ngài tổng thống. Wilfred Burchett, một phóng viên người Úc đồng cảm và làm việc cho các chính phủ cộng sản, đã đăng bài báo lên án chiến tranh diệt cỏ trên tờ “Thời báo mới” (Novoe Vremia) của Mátxcơva. Với tựa đề “Miền Nam Việt Nam: Cuộc chiến chống cây cỏ”, bài báo của Burchett đã mang lại một cái nhìn khác biệt bởi ông đứng về phía du kích Việt Cộng: “Hành động chiến tranh hủy hoại thiên nhiên và con người Việt Nam khiến cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam trở nên thật man rợ. Cái cách dùng người châu Á làm nạn nhân thử nghiệm các loại vũ khí mới gợi lên với bức tranh quen thuộc về Hiroshima và cả các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân hiện tại ở Thái Bình Dương”.
Burchett vận dụng “con bài chủng tộc” để nhấn mạnh sự tương đồng giữa chiến tranh diệt cỏ và chiến tranh nguyên tử. Ông cho rằng việc Mỹ hăng hái sử dụng những vũ khí này xuất phát từ sự phân biệt chủng tộc. Nhà sử học John Dower đã từng đưa ra lập luận sắc bén rằng sự phân biệt chủng tộc là nguyên nhân của cuộc chiến khốc liệt giữa Nhật Bản và Mỹ ở chiến tranh Thái Bình Dương, nhưng các phân tích của ông lại không vận dụng được với trường hợp Chất độc da cam. Không có tài liệu hay tuyên bố chính thức nào về chiến tranh diệt cỏ của Mỹ tỏ ra có liên quan tới sự phân biệt chủng tộc. Tình hình Việt Nam khác với nước Nhật khi đó ở một điểm hết sức quan trọng như phần trên có đề cập, đó là chính phủ miền Nam Việt Nam tham gia sâu vào chiến dịch Ranch Hand. Các nhà cầm quyền căm thù quân giải phóng và sẵn sàng sử dụng những loại vũ khí đáng sợ để đánh bại quân du kích, nhằm duy trì quyền lực. Burchett đã phải lờ điều này đi bởi nó mâu thuẫn với những phác họa của ông về chiến tranh chủng tộc ở Việt Nam.
Không lâu sau khi Burchett viết những bài báo đầu tiên, các chính trị gia ở Mỹ bắt đầu bày tỏ những quan ngại của mình. Robert Kastenmeier, đại diện đảng Dân chủ ở Wisconsin và là người phản đối chiến tranh diệt cỏ, đã kêu gọi các chính trị gia khác cân nhắc các mặt lợi - hại của chương trình khai quang. Ngài thượng nghị sĩ gửi thư cho Kennedy vào tháng Ba năm 1963, nhắc lại “bài học” trong thế chiến thứ II, và cho rằng Mỹ cần khôn ngoan hơn trong cuộc chiến tranh diệt cỏ tại Việt Nam. Nhắc lại lời lên án nổi tiếng của tổng thống Franklin D. Roosevelt về chiến tranh hóa học và sinh học năm 1943, Kastenmeier nhắc Kennedy nhớ rằng khi trước Mỹ không sử dụng thuốc diệt cỏ để chống lại người Nhật và thuyết phục ông chấm dứt hoạt động khai quang vì lý do pháp lý lẫn đạo đức. William Bundy, cố vấn Ngoại giao của Kennedy và là một trong những người thiết kế chiến dịch đàn áp của Mỹ ở Việt Nam, đã đáp lại Kastenmeier rằng không có lý do gì để lo lắng cả. vì: “Hơn 162 triệu hecta đất ở Mỹ đã được phun 2,4-D và 2,4,5-T từ năm 1947”. Mặc dù không có ghi chép nào về hồi âm Kastenmeier gửi Bundy, nhưng chắc chắn con số này sẽ càng khiến ngài nghị sĩ lo lắng hơn bội phần.
Hai tuần sau, thời báo “Cộng hòa mới” đăng bài xã luận đầu tiên lên án hoạt động diệt cỏ. Bài báo thẳng thừng bác bỏ lý thuyết “đã được sử dụng tại quê nhà” mà các quan chức và nhà khoa học của chính phủ vin vào để biện minh cho hoạt động phun thuốc khai quang trên diện rộng ở miền Nam Việt Nam. Lời đảm bảo của chính phủ rằng Chiến dịch Ranch Hand an toàn và được kiểm soát cẩn thận chỉ đúng nếu chúng ta tách bạch được hai khái niệm “chất độc” và “chất cực độc”. Bài báo cho rằng, việc ứng dụng thuốc diệt cỏ tại quê nhà không thể dùng để so sánh vì “thuốc diệt cỏ dùng ở Mỹ không phải loại có nồng độ cao và được phun ở những khu vực rộng như những chiếc phi cơ vận tải C-123 đã phun ở nông thôn Việt Nam”. Một lần nữa, sự ám ảnh về vũ khí hạt nhân lại tái hiện:
“Những hóa chất này đổ xuống châu Á, nơi cũng từng phải hứng bom nguyên tử chứ không phải châu Âu, vậy cái lợi của việc sử dụng những hóa chất đó có hơn được những phản ứng chính trị không, khi mà ta còn chưa chắc chắn về hiệu quả quân sự nhỏ nhoi của nó?”
Lời tố cáo đầu về chiến tranh diệt cỏ đến từ một tờ báo chính trị lớn đã gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học. Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) và nội san “Bản tin của các nhà khoa học Mỹ” là bên đầu tiên khơi lên vấn đề này. Vào tháng Mười năm 1964, FAS kêu gọi độc giả không nên quên mất những hiểm họa trong tương lai từ vũ khí hạt nhân. FAS yêu cầu chính phủ Mỹ không nên gây ra hoặc làm tăng thêm hiểm họa toàn cầu: “Xét về mối nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra với toàn bộ người dân trên hành tinh này bởi sự phát triển vũ khí sinh hóa học, và xét về những tác hại mà nó có thể gây ra với an ninh Mỹ… thời báo FAS kêu gọi Tổng thống tuyên bố không sử dụng vũ khí hóa sinh học; cấm tất cả các chu trình sản xuất vũ khí sinh học hàng loạt; và ngừng phát triển những loại vũ khí sinh hóa học mới”.
Bài báo đã nêu tình hình nghiên cứu của phòng vũ khí sinh hóa học Mỹ, đặt câu hỏi về giá trị quân sự toàn diện của những vũ khí này và kết luận bằng lời lên án chiến tranh diệt cỏ. Không giống như những quan chức chính phủ và quân sự, FAS coi hoạt động làm rụng lá ở Việt Nam là một kiểu chiến tranh hóa chất hay “mở đường cho chiến tranh sinh hóa học”.
Năm sau đó, Hiệp hội vì sự phát triển khoa học của Mỹ (AAAS) tiếp tục nêu lên vấn đề này. Tổ chức này, với các nhà khoa học đại diện góp phần chấm dứt chiến tranh diệt cỏ vào năm 1971 tỏ ra đặc biệt phù hợp với vai trò này. Từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1848, các thành viên đã không chỉ bàn luận về lý thuyết khoa học mà cả về chính sách. Alexander Dallas Bache, chủ tịch AAAS và đồng thời là chắt của Benjamin Franklin, đã tuyên bố trong bài diễn văn năm 1851 của mình rằng: “Khoa học mà không có tổ chức thì sẽ không có quyền lực”. Bước sang thế kỷ mới, AAAS đã có tuyên ngôn về sức khỏe con người theo văn phong của kỷ nguyên Tiến bộ cổ điển, và vận động chính phủ kiểm soát mạnh hơn ngành công nghiệp. Sau vụ tấn công nguyên tử vào Nhật Bản tháng Tám năm 1945, AAAS đã tận dụng cơ cấu và ảnh hưởng chính trị của mình để đạt được hai mục đích có tương quan lẫn nhau: ngăn chặn chủ nghĩa quân phiệt của Mỹ và dùng khoa học để nâng cao “lợi ích cho con người”. Nội san của tổ chức mang tên “Khoa học” đã trở thành một diễn đàn chính cho các tranh luận do Barry Commoner và những nhà khoa học khác khởi xướng. Các cuộc tranh luận này tiếp cận vấn đề hạt nhân như một phần của “cuộc cách mạng” khoa học lớn hơn nhằm chế ngự thiên nhiên - trong cuộc cách mạng đó ranh giới giữa “hòa bình” và “chiến tranh” ngày càng mù mờ. Năm 1960, Commoner trở thành chủ tịch ủy ban khoa học AAAS trong mảng “Nâng cao đời sống con người”. Tên gọi này quả là hơi quá lạc quan bởi giả thuyết cơ sở của ủy ban rất khắc nghiệt: khoa học có thể tạo ra kỳ tích, nhưng nếu rơi vào tay kẻ xấu thì nó sẽ gây ra thảm họa đối với sự sống trên hành tinh này. Một trong số các xu hướng khoa học đáng lo ngại trong thời kỳ hậu chiến sau chiến tranh là khoa học gắn với chiến tranh lạnh:
“Việc khai thác tri thức khoa học phục vụ cho mục đích quân sự một cách có chủ ý ngày càng tăng mạnh. Nhưng trong những năm gần đây, quá trình đó đã hợp nhất với một xu hướng khác cũng không kém phần quan trọng, là khoa học buộc phải phục vụ chính trị quốc tế. Thành tựu khoa học tự thân nó đã trở thành một yếu tố cấu thành, thậm chí là có ảnh hưởng lớn đến uy tín giữa các quốc gia. Triết lý “tiến về phía trước” của người Nga (hoặc người Mỹ), trước đây chỉ ám chỉ lĩnh vực quân sự, giờ đã bao gồm cả thành tựu khoa học. Sự cạnh tranh này đã thúc đẩy chính phủ đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học”.
Commoner và AAAS lên án các quan chức chính phủ đã can thiệp quá sâu vào lĩnh vực khoa học và do đó làm giảm giá trị đạo đức của các khám phá. Tuy từ trước đến nay chiến tranh và công nghệ luôn cùng sóng bước, nhưng báo cáo của ủy ban AAAS vẫn lên án điều đó, chứng tỏ sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân là mối đe dọa mà trước đây nhân loại chưa từng hình dung nổi. Báo cáo còn nhấn mạnh rằng phát minh vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học là biểu tượng cho sự sụp đổ đạo đức trong giới khoa học. Chủ nghĩa dân tộc trong chiến tranh lạnh đã chà đạp lên những nỗ lực sáng tạo loài người, thứ đáng lẽ nên được tách ra khỏi những tính toán ấy.
Trong AAAS, ủy ban Nâng cao đời sống con người của Commoner đã tạo ra một ấn tượng sâu sắc. Trong năm năm sau đó, “Khoa học” đã trở thành diễn đàn cấp cao của Mỹ, nơi bàn bạc về tất cả những vấn đề liên quan tới khoa học và đạo đức. Những quan ngại của Commoner về vũ khí hạt nhân cộng với những chỉ trích đối với ngành công nghiệp hóa chất, đã tạo ra hẳn một mảng mới. Các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực khác nhau gửi đến các bài viết và thư từ bàn về các vấn đề như nghèo đói, hỗ trợ từ quân đội dành cho nghiên cứu trong trường đại học, thử nghiệm trên động vật, những bí mật của chính phủ và suy thoái môi trường. Vì những tranh cãi xoay quanh thuốc diệt cỏ, AAAS đã thêm một ủy ban mới, thuộc nhóm “Nâng cao đời sống con người”, tên là “Ủy ban Biến đổi môi trường”.
Tới năm 1965, AAAS bắt đầu chú ý tới chiến tranh Việt Nam. Những mối lo ngại của các nhà khoa học về chiến tranh thể hiện một sự phát triển logic trong nền tảng triết lý của AAAS. Thậm chí ở thời điểm đầu này, thời điểm được gọi là “lúng túng hay trung lập” về hành động của Mỹ ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học cho rằng chiến tranh ở Việt Nam đơn giản là bước tiếp theo của xu hướng tiến lên chủ nghĩa quân phiệt công nghệ sau chiến tranh. Ở cuộc họp thường niên của AAAS vào năm 1965, Ủy ban các vấn đề Hội đồng đưa ra một nghị quyết tên là “Lối ra cho chiến tranh Việt Nam”. Hai đoạn cuối đã khiến nghị quyết này trở thành “có-một-không-hai” trong số các tuyên ngôn phản đối chiến tranh thời kỳ đầu:
“Việc kéo dài chiến tranh ở Việt Nam, khiến những hiểm họa toàn cầu tăng lên, không chỉ đe dọa cuộc sống của hàng triệu người mà còn ảnh hưởng tới những giá trị nhân đạo và mục tiêu mà chúng ta đang nỗ lực gìn giữ.
Bên cạnh những mối lo chúng ta cần sẻ chia với người dân, với tư cách là những nhà khoa học, chúng ta cũng có trách nhiệm lớn lao là chỉ ra cái giá quá lớn của việc tiếp tục nghiên cứu khoa học phục vụ chiến tranh. Giống như tất cả các ngành khác, khoa học không thể phát triển nở rộ, thậm chí có thể bị hủy hoại đáng kể, trong một xã hội mà những nguồn tài nguyên ngày càng được sử dụng nhiều cho mục đích quân sự”.
Vì thế, cuộc chiến ở Việt Nam đã hội tụ hai điều mà các nhà khoa học quan tâm đến chính trị vô cùng lo ngại trong suốt hai mươi năm trước đó. Thứ nhất, đây là một cuộc chiến thực sự chứ không chỉ là cuộc chiến giả thuyết mà biểu hiện là các cuộc thử nghiệm hạt nhân thường xuyên trong thập kỷ trước đó, do đó có nguy cơ lớn hơn về sự leo thang từ chiến tranh cấp vùng (hay “sân khấu phụ” theo cách nói trong ngành quốc phòng) thành chiến tranh chiến lược toàn diện với sự tham gia của Liên Xô, Trung Quốc, hoặc cả hai. Thứ hai, thậm chí nếu Mỹ tránh được chiến tranh leo thang thành xung đột toàn cầu, thì Mỹ cũng cần tiêu tốn rất nhiều của cải và và tăng thêm sức mạnh cho “tổ hợp quân sự- công nghiệp” để giành chiến thắng. “Chiến thắng” ở đây nghĩa là Mỹ giữ được miền Nam Việt Nam theo chủ nghĩa tư bản và thân Mỹ.
Vào mùa hè năm 1966, Bert Pfeiffer, giáo sư ngành sinh học hoang dã tại trường đại học Montana, đã đưa vấn đề chiến tranh diệt cỏ thành một chủ đề cần được quan tâm tại AAAS. Từng là lính thủy đánh bộ trong thế chiến thứ II và là con trai của một luật sư giàu có tại phố Wall, Pfeiffer đã khuấy động phong trào khoa học chống lại chiến dịch Ranch Hand. Thời gian đầu, hướng nghiên cứu của ông khá giống với của Barry Commoner. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại trường đại học California Berkeley, Pfeiffer dạy ở trường đại học bang Utah và trường đại học Bắc Dakota. Đây là hai nơi cho Pfeiffer cơ hội nghiên cứu về hậu quả của phóng xạ nguyên tử sau các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Việc Utah khá gần với các khu thử nghiệm nguyên tử ở Nevada, vốn khiến người dân vô cùng lo lắng về bụi phóng xạ, còn ngành nông nghiệp ở Bắc Dakota cũng tỏ ra quan ngại khi đất trồng trọt tiếp xúc quá nhiều với stronti 90. Người vợ góa của Pfeiffer nhớ lại suốt những năm 50, khi ở hai bang này, gia đình Pfeiffer đã phải cho con ăn bột sữa nhập từ California.
Pfeiffer biết tới chiến dịch Ranch Hand đầu tiên qua báo chí chứ không phải nguồn thông tin của chính phủ hay các nhà khoa học khác. Thông điệp chính trong nghị quyết của ông như sau: “Trong khi đó, hậu quả của những chất (diệt cỏ) này lên hệ sinh thái trong chiến tranh vẫn chưa được các nhà khoa học hiểu rõ. Và ngược lại, cộng đồng các nhà khoa học có trách nhiệm phải tìm hiểu kỹ càng về những chất độc này và ứng dụng của chúng trong chiến tranh bởi chúng là kết quả của các nghiên cứu khoa học”. Cách Pfeiffer tiếp cận chiến tranh diệt cỏ mang màu sắc lý luận chính trị giống Commoner: khi chính phủ muốn giữ bí mật và đặt việc giành được ưu thế trước mắt trong chiến tranh lạnh lên trên suy xét về hệ sinh thái, thì các nhà khoa học phải hành động. Mặc dù Pfeiffer phản đối sự “Mỹ hóa” của cuộc chiến tranh ngay từ đầu và năng nổ hậu thuẫn các nhà hoạt động phản đối chiến tranh trong suốt thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, thì nghị quyết của ông vẫn được phát biểu với giọng điệu khoa học nhẹ nhàng.
Đây là một bước đi chiến thuật - Pfeiffer hiểu rất rõ rằng việc áp dụng một lập trường phản tranh gay gắt hơn có thể khiến nghị quyết cấp ủy ban hoàn toàn thất bại; hơn nữa, mục đích cuối cùng của việc điều tra độc lập về hậu quả sinh thái của thuốc diệt cỏ ở Việt Nam cần sự giúp đỡ và tham gia của các quan chức quân sự Mỹ. Tuy vậy, nghị quyết cũng đã trải qua nhiều lần sửa đổi trước khi đến tay hội đồng điều hành vào cuối năm đó. Một số thành viên của AAAS, bao gồm cả các nhà khoa học của chính phủ, đã ngay lập tức phản đối đề nghị tổ chức điều tra và thậm chí là chấm dứt hoạt động chiến tranh ấy để bảo vệ những người lính Mỹ tại Việt Nam. Hội đồng điều hành khá thờ ơ với vấn đề mà Pfeiffer đánh giá là cấp bách, và quan trọng nhất là họ đã bác bỏ lời kêu gọi AAAS trực tiếp tham gia nghiên cứu thuốc diệt cỏ và các vũ khí sinh hóa khác tại Việt Nam.
Bù lại, AAAS đã đảm bảo rằng những quan ngại từ Pfeiffer sẽ được gửi đến cấp cao nhất của chính phủ. Vào tháng Chín năm 1967, Don Price, hiệu trưởng trường chính trị Kennedy thuộc đại học Havard và là chủ tịch AAAS, đã viết một bức thư gửi Bộ trưởng Bộ quốc phòng Robert McNamara. Price đã giải thích rằng các thành viên của AAAS “nhất trí rằng dư luận rất muốn được biết thêm về ảnh hưởng lên môi trường tự nhiên (và do đó ảnh hưởng gián tiếp tới con người) của những chất được sử dụng để phá hoại mùa màng và khai quang các khu rừng trong các hoạt động quân sự tại Việt Nam. Ban giám đốc cho rằng AAAS chưa được trang bị đầy đủ để thực hiện một cuộc nghiên cứu như vậy, và cho rằng nếu không có sự cho phép và hỗ trợ từ phía quân đội hay cơ quan hữu quan nào khác, thì sẽ không thể nào tiến hành bất kỳ nghiên cứu khoa học hiệu quả nào trong vùng chiến sự đang diễn ra. Vì vậy, ban giám đốc chúng tôi trân trọng đề xuất rằng Bộ Quốc phòng chấp thuận và hỗ trợ một nghiên cứu được tiến hành bởi một viện hay ủy ban khoa học độc lập, về cả hậu quả ngắn hạn và dài hạn các việc sử dụng các chất độc hóa học làm thay đổi môi trường trong hoạt động quân sự”.
Đơn vị mà Price nhắm đến là Viện khoa học quốc gia (NAS). Những miêu tả của ông về NAS đúng một nửa: So với AAAS, NAS là một tổ chức có tiếng tăm trong giới; các thành viên có chọn lọc hơn và cương lĩnh hoạt động của tổ chức này không liên quan tới những hoạt động chính trị như AAAS. Xét theo phương diện tài chính, Price đã đúng; NAS có thể dễ dàng trích quỹ của mình ra để ủng hộ nhiệm vụ khoa học tại Việt Nam. Nhưng NAS không hẳn là một đơn vị khoa học độc lập hay không quan tâm tới các nghiên cứu về vũ khí sinh hóa. Từ thế chiến thứ I, viện này đã đóng vai trò tích cực trong việc phát triển vũ khí sinh hóa của Mỹ. Chính xác hơn, nghiên cứu về thuốc diệt cỏ tại Fort Detrick trong thế chiến thứ II có thể không được thực hiện nếu không có sự tham gia tích cực của NAS. Nhà báo khoa học Philip Boffey đã đánh giá logic đáng ngạc nhiên đó trong đề xuất của Price, có vẻ như ông đã đặt nguồn lực tài chính lên trên sự khách quan vô tư của tổ chức này: “Xét cho cùng thì, NAS không phải là cố vấn của chiến dịch phun thuốc tại việt Nam. Nhưng họ có phần thiên vị cho viện hàn lâm, vì vậy họ sẽ có xu hướng ủng hộ chương trình mà viện hàn lâm hỗ trợ phát triển”.
Bức thư AAAS gửi McNamara không phải là thông điệp đầu tiên dạng này đến tay lãnh đạo cấp cao của chính phủ. Mặc dù E. W. Pfeiffer là nhà khoa học đầu tiên tổ chức phong trào phản đối chiến tranh diệt cỏ cấp độ tổ chức, nhưng những nhà khoa học khác, thông qua các con đường phi chính thức, cũng đã đặt câu hỏi về tính đúng đắn trong dài hạn của chương trình. Vào tháng Một năm 1966, 29 nhà khoa học từ đại học Havard (bao gồm cả Matthew Meselson, trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của AAAS về Việt Nam năm 1970) và các tổ chức khác ở Boston đã gửi đơn kiến nghị tới Nhà Trắng, lên án và yêu cầu chấm dứt và chiến tranh diệt cỏ. Bản kiến nghị đã gọi đây là “chương trình man rợ”, giống như “một cuộc tấn công toàn bộ người dân ở một khu vực mà mùa màng bị tàn phá, coi lính và dân thường là một”. Các nhà khoa học cũng nhắc đến sự thật rằng chiến dịch Ranch Hand rõ ràng không thể tách bạch được dân thường và binh lính, cách diễn đạt này mang hàm ý tiền thân cho thuật ngữ “hủy diệt sinh thái” như Arthur Galston và những người khác dùng vào khoảng cuối thập kỷ.
Nhà Trắng không hồi đáp lại bản kiến nghị. Sau những chỉ trích trong tờ “Cộng hòa mới” và của các thành viên quốc hội Mỹ, cả Ngoại trưởng Dean Rusk và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Robert McNamara đã thảo sẵn những câu trả lời ra trong một ghi chép của Hội đồng an ninh quốc gia có tên “Dùng để trả lời trong trường hợp bị hỏi”. Những phản hồi này (Rusk đã sử dụng một số trong một buổi họp báo vào tháng Ba năm 1965) không thay đổi dưới thời Nixon, khi những tranh cãi về thuốc diệt cỏ lên tới đỉnh điểm: (1) Chính phủ Mỹ không xếp thuốc diệt cỏ cùng loại với vũ khí sát thương, do đó, chúng không bị cấm theo Nghị định thư Geneva 1925; (2) Các đợt phun thuốc ở Việt Nam được kiểm soát nghiêm ngặt hơn các nhà khoa học khẳng định rất nhiều; (3) chính quyền đang tích cực xem xét lại toàn bộ chương trình vũ khí sinh hóa.
Theo một bức thư báo từ phụ tá Nhà Trắng Joseph Califano gửi Walt Rostow, Lyndon Johnson đã kín đáo chỉ thị cho cấp dưới của mình phớt lờ bản kiến nghị của các nhà khoa học. Chúng ta không biết chắc lý do tại sao ngài tổng thống không giải quyết vấn đề này, nhưng nếu là do Johnson hy vọng vụ việc sẽ tự chìm xuống theo thời gian thì ông ấy đã nhầm. Vào đầu tháng Chín năm 1966, mười hai nhà sinh lý học thực vật, dẫn đầu bởi Arthur Galston đã gửi tiếp một bức thư tới Nhà Trắng thúc giục Johnson xem xét lại chương trình diệt cỏ. Trong thư, họ đã dự đoán rằng ngài tổng thống có thể sẽ bị kích động khi bị các nhà khoa học “dạy khôn” về vấn đề an ninh quốc gia, một dự đoán không phải là không có cơ sở vì ngài tổng thống có xu hướng gạt phăng tất cả những ai ngáng đường.
“Chúng tôi hiểu rằng tình hình ở Việt Nam rất phức tạp… Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về những gì chúng ta cần làm tại khu vực thảm thương đó. Vì thế, chúng tôi không dám đưa ra lời khuyên chính trị hay quân sự nào tới ngài. Chúng tôi chỉ mong muốn trình bày một số ý kiến chuyên ngành về hậu quả của các hóa chất tới thực vật, với tư cách là các nhà sinh học xã hội mà thôi”.
Phần mở đầu này thực sự rất nhũn nhặn. Sau này khi Galston hồi tưởng lại, ông cho biết: thông điệp thực sự của bức thư là chính phủ bảo đảm chiến dịch Ranch Hand an toàn đối với hệ sinh thái tổng thể, nhưng sự đảm bảo đó không hề dựa trên cơ sở khoa học. Đơn giản vì những nhà sinh vật học có kiến thức nhiều nhất về thuốc diệt cỏ lại không hề được cho biết về chương trình này. Bức thư giải thích mối liên hệ sinh thái cho tổng thống:
“Trước hết, chúng tôi xin khẳng định rằng kể cả những loại thuốc diệt cỏ đặc hiệu nhất hiện nay cũng không chỉ ảnh hưởng tới chỉ một loại thực vật mà thôi. Vì thế, một loại hóa chất điều chế để làm rụng lá cây cũng có thể có tác dụng phụ tới các loài thực vật khác, bao gồm cả hoa màu lương thực. Thứ hai, những loại hóa chất này ngấm vào đất có thể khiến sản xuất nông nghiệp đình trệ trong nhiều năm nữa, thậm chí là sau khi hòa bình lập lại. Thứ ba, không ai có thể đảm bảo rằng độc tính của các loại thuốc diệt cỏ sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và động vật ở khu vực đó. Chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ với quy mô lớn như vậy có thể đảo lộn hệ sinh thái của cả một khu vực, mà khi ta còn thiếu các thông tin rõ ràng đầy đủ hơn, thì sự đảo lộn ấy là một thảm họa”.
Nếu viễn cảnh thảm họa mà bức thư ví như thảm họa hạt nhân vẫn chưa đủ đánh động, thì đoạn kết thực sự thấm thía. Các nhà khoa học cho rằng việc chương trình diệt cỏ hủy hoại nguồn lương thực trước hết sẽ hại những người yếu thế trong một xã hội; nói cách khác, phụ nữ và trẻ em sẽ có thể chết đói bởi chiến dịch Ranch Hand.
Hai tuần sau, Galston nhận được hồi đáp ngắn gọn từ một trợ lý ngoại trưởng, rằng những điều ông nói là vô căn cứ, và rằng các nhà khoa học không hiểu được tình hình vì họ không ở Việt Nam để chứng kiến ảnh hưởng của chiến dịch diệt cỏ. Nếu như ban đầu Johnson chỉ thị phớt lờ bản kiến nghị, thì nay có lẽ ngài tổng thống nghĩ chỉ cần báo đã nhận thư là đủ để kết thúc vấn đề. Tất nhiên, các nhà khoa học đã vận động để Johnson chú ý hơn tới vấn đề này. Phản hồi nói trên cho thấy rõ rằng Nhà Trắng đã không để ý tới những điều các nhà khoa học cố gắng truyền đạt. Ban đầu, lý do E. W. Pfeiffer vận động AAAS là để tranh thủ ảnh hưởng của viện (ít thiên kiến hơn) để thay đổi thái độ bàng quan của chính phủ trước chiến dịch Ranch Hand. Lời từ chối của chính phủ chỉ làm tăng thêm quyết tâm của các nhà khoa học hòng đạt được các giải pháp hòa bình thông qua khoa học.
Chúng ta có thể hiểu lập trường của chính quyền Johnson như thế nào? Câu trả lời rõ ràng nhất nằm ở sự ưu tiên chính trị xã hội. Trước hết, vào giữa thập kỷ này, các nhà khoa học mới chỉ đạt được những thành tựu trong hoạt động môi trường thế giới. Như các học giả đã ghi chép, thế giới chỉ thực sự quan tâm tới vấn đề môi trường từ cuối những năm 1960. Sự chuyển biến này là do chương trình không gian của NASA hoặc nhận thức Man-tuýt về sự gia tăng dân số thế giới, và cũng một phần do sự cộng hưởng của hoạt động phản chiến ngày càng lớn mạnh và cú sốc về “nạn hủy diệt sinh thái” mà chiến tranh diệt cỏ gây ra.
Chính quyền Johnson không quan niệm về “môi trường thế giới” như các nhà khoa học đã đặt Việt Nam với Mỹ trong mối quan hệ sinh thái và chính trị. Hơn nữa, lập trường chính thức của Washington cũng đang cố gắng bắt kịp với xu hướng dư luận Mỹ. Ngay cả Mùa xuân im lặng của Rachel Carson vẫn chỉ là một cảnh báo bắt nguồn từ tình cảm của một người theo chủ nghĩa dân tộc, mong muốn bảo vệ môi trường Mỹ. Johnson tin rằng việc không tiến hành chiến tranh hạt nhân ở Việt Nam đã là một thành tựu đáng kể cho sự nghiệp hòa bình rồi, thế thì sử dụng thuốc diệt cỏ đâu phải vấn đề gì lớn lắm. Không giống như chiến dịch đánh bom miền Bắc Việt Nam, chiến dịch Ranch Hand là chương trình Johnson kế thừa từ người tiền nhiệm, do đó nó vượt xa tầm hiểu biết của ngài tổng thống. Và chừng nào mà các nhà chỉ huy quân sự của ngài vẫn ca tụng giá trị của Ranch Hand, thì những lời phản đối chỉ là những lời vo ve vô nghĩa. Hơn nữa, các nhà khoa học AAAS phản đối chiến tranh chỉ là thiểu số ngay trong chính tổ chức đó. Trong một đợt khảo sát của AAAS, chỉ 5 phần trăm số người được hỏi trả lời rằng họ sẽ không tham gia vào bất cứ nghiên cứu hay chương trình phát triển nào “liên quan trực tiếp tới hoạt động quân sự.” Trong một điều tra khác, 89 phần trăm các nhà khoa học kêu gọi tiếp tục nghiên cứu vũ khí sinh hóa học; và 89 phần trăm ủng hộ chương trình diệt cỏ ở Việt Nam.
Với nỗ lực cuối cùng để làm hài lòng số ít các nhà khoa học tuy không cho họ cái họ thực sự muốn là thâm nhập vào vùng chiến sự bị phun thuốc, bộ trưởng quốc phòng McNamara đã yêu cầu Viện nghiên cứu Midwest (MRI) ở thành phố Kansas tiến hành đánh giá lại thuốc diệt cỏ, và NAS duyệt lại lần cuối. Phản hồi của Nhà Trắng có vẻ thẳng thắn nhưng kế hoạch Lầu Năm Góc đưa ra lại không đúng mong muốn những người phản đối chiến tranh diệt cỏ. MRI là một công ty nghiên cứu tư nhân, và nhân viên hầu như chỉ làm những công việc thư viện. McNamara chỉ thị cho MRI tiến hành xem xét lại toàn bộ các tài liệu thứ cấp và tài liệu chưa được phân loại liên quan đến khoa học thuốc diệt cỏ; không có công tác thực địa. Nếu làm như vậy, NAS cũng tránh được xung đột đáng xấu hổ về mặt lợi ích; đánh giá của NAS đối với báo cáo cuối cùng của MRI sẽ chỉ tập trung nhận xét phương pháp tập hợp và đánh giá tài liệu hiện có. John S. Foster, giám đốc bộ phận nghiên cứu và kỹ thuật quốc phòng của Lầu Năm Góc giải thích vì sao chính phủ cho rằng kết quả báo cáo sẽ khả quan: “Các nhà khoa học giỏi, cả trong và ngoài chính phủ, cả ở các nước khác, đã đánh giá rất kỹ và đảm bảo rằng những hậu quả nghiêm trọng sẽ không xảy ra. Nếu tôi không tự tin về những nhận xét ấy, chúng tôi sẽ không sử dụng những tài liệu này”.
Các quan chức và các giáo sư nghiên cứu, thậm chí cả những người nghiên cứu chuyên khoa, cũng làm việc vì mục đích chung khi nghiên cứu về chiến tranh diệt cỏ xảy ra ở Việt Nam. Xét về tình hình tại Mỹ, kết quả trái với dự báo. Những đánh giá của Foster hoàn toàn đúng: trong năm năm kể từ khi Rachel Carson cảnh báo về thuốc diệt cỏ và các loại hóa chất nông nghiệp khác, không hề có bằng chứng nào chứng tỏ những Carson nói đã xảy ra. Về điều này, các nhà khoa học đều đồng thuận. Arthur Westing, một nhà lâm học và từng là giáo sư tại Trường cao đẳng Windham, sau đó trở thành giám đốc của phân viện Thuốc diệt cỏ tại Việt Nam của AAAS, đã từng ca ngợi ích lợi tiết kiệm nhân công và chi phí của thuốc diệt cỏ từ những năm 1950. Rất lâu trước khi những tranh cãi về thuốc diệt cỏ ở Việt Nam bắt đầu, Westing đã làm việc cho cục kiểm lâm của Mỹ chi nhánh Michigan, nơi ông đã thực hiện những thí nghiệm về quản lý rừng bằng những hợp chất được điều chế và cung cấp bởi Công ty hóa chất Dow (một trong những nhà sản xuất chính cung cấp Chất độc da cam). Khi bị gặng hỏi về quan điểm chung của mình đối với việc kiểm soát nông nghiệp và rừng bằng hóa chất, ông Westing, vốn là cựu lính thủy đánh bộ, đã dõng dạc trả lời: “Lúc đó tôi không gặp vấn đề gì và giờ cũng thế”.
Tuy nhiên, các nhà khoa học AAAS lại dám chắc rằng chiến dịch Ranch Hand khác hẳn. Thứ nhất, các công ty hóa chất cung cấp hàng cho quân đội Mỹ như Dow và Monsanto đã sản xuất ngày đêm để đáp ứng đủ lượng thuốc cho thị trường trong nước và Bộ quốc phòng. Bởi hoạt động hết công suất như vậy nên các công ty này không thể đảm bảo hoàn toàn độ tinh khiết của hóa chất trong sản phẩm. Đó là lý do mà dioxin, một phụ phẩm độc sinh ra khi đang sản xuất 2,4,5-T, xuất hiện trong chất độc da cam từ đầu năm 1965. Cũng chính vì thế mà hợp chất thuốc diệt cỏ màu da cam ấy khét tiếng nhất trong số các loại thuốc diệt cỏ “đủ màu” và là nguyên nhân làm dấy lên các mối lo ngại về sự tiếp xúc với chất độc da cam và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Thứ hai, việc Mỹ phun thuốc diệt cỏ ở nồng độ cao hơn 10 lần so với loại dùng ở nội địa đã giúp ta hình dung ngay được tác động sinh thái của chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam. Quần thể thực vật và các đặc tính sinh thái ở Việt Nam, đất nước bên kia bán cầu, hoàn toàn khác biệt với các cánh đồng và khu rừng ở Mỹ.
Arthur Galston lý giải vì sao đánh giá tại chỗ của MRI hay bất kỳ cơ quan nào khác có vấn đề: “Chúng ta đã rải những hóa chất tổng hợp từ máy bay lên một quần thể đủ loại thực vật nước ngoài, chúng mọc trong điều kiện khí hậu mà ta chưa từng nghiên cứu, chẳng hạn như ở Việt Nam. Thực chất, chúng ta đang phun thuốc dựa trên kinh nghiệm sẵn có mà thôi”. Sau khi bản báo cáo được công bố, Barry Commoner người từng theo dõi rất sát vấn đề này trở nên kém tế nhị hơn. Tại một cuộc họp thường niên của AAAS vào năm 1968, ông nói rằng bản báo cáo của MRI “được tập hợp chỉ trong vòng 60 ngày bởi những người không biết gì về thuốc diệt cỏ.” Mặc dù các phát ngôn viên của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng có những tuyên bố chính thức về vấn đề này, John S. Foster của Bộ Quốc phòng cũng không thể không đồng ý với hầu hết những điểm mà các thành viên AAAS đưa ra nhằm phản bác lại bản báo cáo. Trong một bức thư gửi chủ tịch Don Price của AAAS, Foster đã thừa nhận rằng hậu quả lâu dài của chiến dịch Ranch Hand là không thể lường trước được, và chắc chắn các MRI không xứng tầm để đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này.
MRI đã vội vã hoàn thành dự án kéo dài hai tháng này vào tháng Mười Hai năm 1967. Bản báo cáo đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về tất cả các ứng dụng của thuốc diệt cỏ trong và ngoài nước, tạo ra một ấn tượng chung rằng Ranch Hand chỉ là hoạt động quân đội mở rộng ứng với hoạt động trừ cỏ đã được chấp nhận và tiến hành từ trước trong nước. Các tác giả đưa ra một đánh giá hết sức dĩ hòa vi quý và ngắn gọn về hậu quả sinh thái của chiến tranh diệt cỏ ở Việt Nam. Bản báo cáo đã dành 16 trong 300 trang để nói về hậu quả này, và giới thiệu phần về Việt Nam bằng cách trích lời của một cán bộ lâm nghiệp của Mỹ: “Những khu rừng ở miền Nam Việt Nam đã bị tàn phá suốt nhiều thế kỷ. Những người dân du cư hay những kẻ man di mọi rợ đã chiếm cứ khu đất này và phá hủy những khu rừng không hề cân nhắc trong nhiều thế kỷ”. Khi nói về tác động của chiến tranh diệt cỏ, bài báo cáo đã nhắc lại lời của Bộ Nông nghiệp và quân đội rằng các khu vực bị phun thuốc, thực vật sẽ tạm ngừng sinh trưởng “phần nào giống với việc khai quang các khu rừng bị bỏ hoang”.
Bởi NAS đã đồng ý chỉ duyệt bản báo cáo của MRI theo bản chất của nó (nghĩa là một bài tổng hợp lý thuyết chứ không phải là một công trình khảo sát dữ liệu khoa học sơ cấp), nên việc phê chuẩn nó cũng chỉ tương đương với việc công nhận MRI đã tổng hợp và phân tích các số liệu thứ cấp và tóm tắt những lời nhận định (có lợi về mặt chính trị) về chủ đề này. Frederic Seitz, thành viên NAS có trách nhiệm đánh giá bài báo cáo, đã giải thích vì sao nó sẽ không làm hài lòng AAAS: “Các kiểm định viên của NAS không được yêu cầu đánh giá các vấn đề cụ thể, như bản báo cáo đã trả lời thỏa đáng và đầy đủ các thắc mắc nêu trong bản kiến nghị của AAAS vào tháng Mười hai năm 1966 hay chưa. Họ cũng không được yêu cầu xác nhận, tán thành hay bác bỏ bài báo cáo”. Có thể đoán được rằng bản báo cáo đã làm dấy lên dư luận trong cộng đồng khoa học và chứng minh điều mà họ vẫn nghi ngờ: quân đội muốn dập tắt dư luận chứ không phải tiến hành một công trình khoa học chính thống để trả lời các kiến nghị. Các thành viên của AAAS cũng phàn nàn rằng bản báo cáo của MRI không có thông tin mới quan trọng nào. Một lần nữa, họ kêu gọi tiến hành điều tra độc lập, và lần này quyết tâm hơn trước thực tế là chính phủ chỉ muốn đẩy họ ra càng xa càng tốt. Ban giám đốc của AAAS đã phát biểu trên tờ “Khoa học” vào ngày 19 tháng Bảy, năm 1968 rằng: “Vì thuốc diệt cỏ được sử dụng trên quy mô lớn ở Việt Nam, và vì những vấn đề liên quan tới lợi ích của toàn thể nhân dân Việt Nam sau này vô cùng quan trọng với Mỹ và các nước khác, chúng tôi kêu gọi lập tức tiến hành những nghiên cứu thực địa dài hạn ở những địa phương Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ”.
Trong phát biểu, AAAS cũng kêu gọi quân đội công khai các tài liệu về chiến dịch Ranch Hand để các nhà nghiên cứu độc lập có thể tìm hiểu, và yêu cầu Liên Hiệp Quốc dẫn đầu phái đoàn khoa học tại Việt Nam. Lầu Năm Góc bác bỏ cả hai đề nghị này, bởi họ không có ý định tiết lộ các ghi chép khi cuộc chiến tranh còn chưa kết thúc, và Liên Hiệp Quốc chưa sẵn sàng để nhận một vai trò chủ động ngoài các nghị quyết trong Nghị định thư Geneva.
Một lần nữa E. W. Pfeiffer lại thúc giục AAAS đóng vai trò chủ động như ông đã hình dung hai năm trước đó. Vào thời điểm này, ông vừa bực tức lại vừa thỏa mãn bởi dự cảm ban đầu của ông đã đúng. Dựa trên các phản hồi chính thức trước đòi hỏi của các nhà khoa học, Pfeiffer và đồng sự của mình đã thừa hiểu quân đội, với sự hậu thuẫn của Nhà Trắng, không hề muốn các nhà khoa học nghiên cứu thực địa trong vùng chiến sự, hay đúng hơn và nham hiểm hơn là muốn che giấu hậu quả tàn phá thực sự của chiến dịch Ranch Hand. Vào cuối tháng Mười một năm 1968, Pfeiffer gửi một bức thư tới sở chỉ huy của AAAS yêu cầu ban chấp hành xem xét lại đề xuất ban đầu. Ông đã viết rằng, theo như những gì mà các sự kiện trong suốt hai năm trước đó đã chứng minh, chỉ có AAAS có đủ lập trường vững vàng trước các tranh cãi xung quanh thuốc diệt cỏ và có các mối quan hệ chính trị ở Washington để hoàn thành nhiệm vụ khoa học này. Lần này ban chấp hành chấp nhận đề xuất của Pfeiffer. Tại cuộc họp thường niên của AAAS tại Dallas, ban chấp hành đã thông qua “Nghị quyết về việc nghiên cứu ứng dụng thuốc diệt cỏ tại Việt Nam”. Bản nghị quyết đã “xác định rằng AAAS cần có một cuộc nghiên cứu thực địa hiệu quả về các nguy cơ và lợi ích tiềm năng của việc sử dụng thuốc diệt cỏ đối với hệ sinh thái Việt Nam trong thời gian trước mắt và lâu dài, và… AAAS cần triệu tập một nhóm đặc biệt gồm các đại diện của các tổ chức địa phương và quốc tế có liên quan tới vấn đề này càng sớm càng tốt… AAAS cũng cần chuẩn bị những kế hoạch cụ thể để tiến hành nghiên cứu thực địa, và AAAS chỉ đầu tư trong giới hạn hợp lý cho nghiên cứu đó.”
Tại sao AAAS lại hỗ trợ chuyến nghiên cứu thực nghiệm chưa từng có này? Nói một cách đơn giản thì ngoài tổ chức này ra, không tổ chức nào khác có thể làm cái mà Pfeiffer kêu gọi trong suốt hai năm trước đó. Tuy nhiên nếu xét theo nghĩa rộng hơn, ban giám đốc đã nhận ra một thay đổi lớn trong hai diễn biến xã hội xoay quanh những tranh cãi về chiến tranh diệt cỏ: phong trào phản chiến và mối quan ngại ngày càng tăng về sự hủy diệt hàng loạt trong chiến tranh hiện đại. Theo như nhà sử học Lawrence Wittner kết luận trong nghiên cứu mở rộng của mình về phong trào hòa bình tại Mỹ trong thế kỷ XX, những người phản chiến đã hoạt động không ngừng nghỉ bởi “họ nhận ra rằng cuộc chiến đã tới mức có thể đe dọa sự sống còn của thế giới”. Thậm chí ngay từ thời kỳ đầu kỷ nguyên hạt nhân, một số người Mỹ đã lo lắng về hiểm họa chiến tranh sinh hóa học. Cựu Đô đốc Ellis M. Zacharias từng viết trong tờ “Thế giới” của Liên Hiệp Quốc năm 1947, cảnh báo về một hiểm họa sắp tới: “Ngày nay, trong kho vũ khí của một vài cường quốc, đã xuất hiện những loại vũ khí cực đoan hơn như vũ khí hóa học, sinh học và cả khí hậu học. Chúng còn đáng sợ hơn cả bom nguyên tử. Chúng có khả năng xóa sạch dấu vết của con người, động vật và cả thực vật khỏi bề mặt Trái Đất. Loại vũ khí ấy thực sự tồn tại. Chúng đang được sản xuất… Hơn nữa, không giống như bom nguyên tử, bất cứ quốc gia nhỏ bé với cơ sở công nghiệp hạn chế nào cũng có thể sản xuất được chúng”.
Hai mươi năm sau, viễn cảnh ngoa dụ ấy đã trở thành sự thực tại một khu vực cụ thể.
E. W. Pfeiffer và đồng sự liên tục nhấn mạnh rằng những gì đang diễn ra ở Việt Nam chứng tỏ hiểm họa này có thể xảy ra ngay cả khi không dùng vũ khí hạt nhân. Vì thế, việc hỗ trợ chuyến đi thực nghiệm tới Việt Nam khiến AAAS có cơ hội biến những lý lẽ đạo đức khoa học thành một hành động chính trị. Để làm được điều đó, AAAS cuối cùng quyết định hậu thuẫn Pfeiffer và đồng sự của ông. AAAS hiểu rất rõ rằng ngày càng nhiều nhà khoa học quan tâm về nghiên cứu vũ khí hóa sinh học. Những ủy ban và học giả đấu tranh để ngăn chặn phổ biến vũ khí sinh hóa học ở Mỹ và châu Âu, sẽ dõi theo hoạt động diệt cỏ một cách chặt chẽ. (Hình 10).
H10
Cần đặt những nhà khoa học phản đối chiến tranh diệt cỏ trong phong trào phản chiến chung ở Mỹ. Chúng ta có thể gọi họ là những nhà phản đối “chuyên biệt” bởi họ không phản đối chiến tranh chung chung mà tập trung vào chiến thuật cụ thể. Trái lại, những sinh viên đấu tranh đòi Xã hội dân chủ và các thành viên của phái cánh tả mới nói chung lại có đường lối ngược lại: họ muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam vì coi đó là thảm họa đạo đức và chính trị. Không giống như Martin Luther King con hay George Kennan, các nhà khoa học không nhằm vào sự bất bình đẳng trong kinh tế-xã hội. Họ cũng không lên án cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam như một tội ác của chủ nghĩa đế quốc kiểu mới, như các tác giả cấp tiến, tiêu biểu là Gabriel Kolko. Điều này không có nghĩa là các nhà khoa học phản chiến không chia sẻ những quan điểm như trên ở những mức độ khác nhau. Là các giáo sư tại trường đại học, các nhà khoa học hoàn toàn hiểu được tinh thần phản chiến của các sinh viên. Không có nhà khoa học nào muốn để công việc của mình dính líu tới các hoạt động cực đoan hay bạo lực của sinh viên liên quan tới Việt Nam hay “những vụ không tặc” khoa học. Tuy nhiên, họ vui mừng thấy phong trào môi trường nở rộ ở trường đại học, nơi nhiều nhóm khác nhau đều đồng thời lên án các vấn đề môi trường trong nước cũng như chương trình khai quang ở Việt Nam.
Như một sinh viên đã nêu ra trong một phiên họp quốc hội đặc biệt về biến động phản chiến: “Trường học luôn náo động bởi rất nhiều vấn đề: chiến tranh ở Đông Nam Á, ô nhiễm môi trường, phân biệt chủng tộc và những lời khoa trương bất tận. Tự thân mỗi vấn đề cũng không thu được ủng hộ nhiều trong trường học, nhưng khi hợp chung lại, chúng lại gây bất đồng quan điểm giữa nhiều sinh viên”. Ngay cả câu lạc bộ Sierra, vốn chỉ chuyên vào các vấn đề môi trường trong nước, giờ lại tham gia vào tranh cãi về thuốc diệt cỏ. Sau khi sau các nhà khoa học trở về từ chuyến đi thực nghiệm ở Việt Nam, câu lạc bộ Sierra đã tuyên bố kêu gọi Quốc hội tạm ngừng chiến tranh diệt cỏ và chấm dứt sản xuất các loại thuốc hóa học phục vụ cho chiến tranh khác.
Với việc phản đối và góp phần kết thúc chiến dịch Ranch Hand, những hành động chính trị này của các nhà khoa học đã gây tranh cãi ầm ĩ về sự đóng góp của các nhà phản chiến trong việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Xét trong giới hạn mục tiêu tự đặt ra, các nhà khoa học đã hướng đúng vào một trong những đầu đề bị nhóm phản chiến phản đối mạnh trong trường học, đó là sự bắt tay giữa trường đại học và quân đội trong việc nghiên cứu phát triển vũ khí. Khi chọn lập trường này, họ được nhiều sinh viên tung hô như những người hùng. Trong khi các nhà tuyển dụng của ROTC hay CIA ở trường đại học là mục tiêu mà những sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam nhắm tới, thì các phòng thí nghiệm quân sự bí mật lộ diện vào cuối những năm 1960 đã trở thành một trong những mối bất mãn ở các trường đại học khắp cả nước. Như một nhà sử học đã ghi lại: “Khi các sinh viên phản chiến nhìn thấy khu vực bí hiểm này, họ mới biết rằng trường học của mình có những đơn vị chẳng ăn nhập gì - đó là những phòng thí nghiệm khổng lồ bí mật để phát triển vũ khí hoặc các viện nghiên cứu độc ác tư vấn cho bộ máy chiến tranh Lầu Năm Góc. Vào cuối thập kỷ, các quan chức quân sự liên quan tới chương trình nghiên cứu tại trường học nhận ra sự bất bình ấy đe dọa toàn bộ hệ thống.
Chất độc da cam là trung tâm của cuộc tranh luận này.
Là một thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam với số lượng khổng lồ, thuốc diệt cỏ là một cầu nối giữa những vũ khí đang được sử dụng và những loại đang được phát triển cho các cuộc chiến trong tương lai. Mặc dù chính phủ đảm bảo rằng thuốc diệt cỏ không nằm trong kho vũ khí sinh hóa học của Mỹ, nhưng các sinh viên phản chiến vẫn không thấy có gì khác biệt. Vào mùa thu năm 1965, các sinh viên ở trường đại học Pennsylvania phát hiện ra rằng các lãnh đạo cấp trường đã liên kết với quân đội Mỹ để phát triển một loạt các vũ khí đàn áp, bao gồm chất chế ngự thần kinh (khí chống bạo động), vũ khí sinh học, và loại thuốc diệt cỏ mạnh hơn có tên mã là Spicerack. Cuộc biểu tình của sinh viên sau đó, với sự tham gia tổ chức của nhà hoạt động cấp tiến Galbriel Kolko, đã yêu cầu trường đại học này chấm dứt các hợp đồng vũ khí sinh hóa học với quân đội. Nếu như các cuộc biểu tình phản chiến nói chung thiếu đi tính cụ thể, thì các sinh viên tại Penn đã có thể tập trung vào một mục tiêu rõ ràng: trường đại học của chính họ, thay vì “liên hợp quân sự - công nghiệp” khó nắm bắt hơn hay chính phủ liên bang quá mạnh. Như một điềm báo cho sự may mắn của các nhà khoa học đang nghiên cứu tại Việt Nam khi họ trở về, các sinh viên ở Penn đã buộc chấm dứt được chương trình Spicerack năm 1967.
Dù là các biểu tình viên “chuyên biệt” ở trường đại học, các nhà khoa học cũng chú ý cả tới ngành công nghiệp sản xuất thuốc diệt cỏ nói chung, đặc biệt là công ty hóa chất Dow ở Midland, Michigan. Bên cạnh việc sản xuất Chất độc da cam, Dow cũng là nhà cung cấp chính bom Napan cho quân đội Mỹ tại Việt Nam; và chính loại vũ khí này đã khiến Dow trở thành thành viên nguy hiểm nhất trong “liên hợp quân sự- công nghiệp” trong mắt những nhà phản chiến. Bom Napan là loại vũ khí được chế tạo đơn giản như thuốc diệt cỏ. Được nghiên cứu phát triển tại đại học Havard suốt thế chiến thứ II, nó là một loại xăng dầu cô đặc, được đánh lửa và ném vào mục tiêu; những ai bị bắt lửa sẽ bị bỏng khủng khiếp. Khi đó (thậm chí cả bây giờ) không có luật quốc tế nào cấm sử dụng bom Napan hay bất cứ vũ khí gây cháy nào trong chiến tranh. Tuy vậy điều này không có nghĩa lý gì với những người xem công ty hóa chất Dow là hiện thân cho tội ác của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1967, nhà sử học cánh tả Howard Zinn khi đặt tựa sách đã chơi chữ Dow sẽ không giết (Dow Shalt Not Kill). Cuốn sách ghi lại những con số đen tối về về lượng bom Napan và thuốc diệt cỏ mà Dow đã cung cấp cho quân đội Mỹ, và nó là cách sinh viên vận dụng quyền công dân một cách mạnh mẽ để giữ cho trường học của mình không có dấu vết của các cuộc nghiên cứu hay các nhà tuyển dụng việc làm của Dow.
Bắt đầu từ năm 1967, các sinh viên tại MIT, đại học Pennsylvania, và các nơi khác thường xuyên biểu tình phản đối sự có mặt của Dow ở trường học. Ở Washington D.C năm đó, các sinh viên cao đẳng đã lục soát các văn phòng của Dow. Hành động phá hoại này làm người ta liên tưởng tới các văn phòng tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự cũng chịu cảnh tương tự trên khắp đất nước. Các quan chức của Dow phải rất vất vả để đối phó. Herbert Doan, chủ tịch của Dow đã lưu ý rằng mọi người cần xem việc Dow cung cấp hóa chất cho quân đội là một hành động yêu nước, chứ không phải vì mục đích lợi nhuận. Ông ta đã tuyên bố vào tháng Mười một năm 1967 rằng “Chừng nào Mỹ còn tham chiến ở Việt Nam, chúng tôi hoàn thành trách nhiệm hỗ trợ cam kết của quốc gia về việc xây dựng xã hội dân chủ”. Đối với “liên hợp quân sự - công nghiệp”, hay ít nhất là các quan chức đại diện của cái “thực thể vô định hình” ấy, mục đích của họ là giành chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam với những vũ khí có sẵn hiệu quả nhất. Đây là cách lý lẽ xấu xa dưới cái nhìn của những người phản chiến: đối với những nhà khoa học phát triển thuốc diệt cỏ và những người trợ giúp họ, câu hỏi “phải trả giá nào để chiến thắng tại Việt Nam đã không còn có câu trả lời nữa. Vào cuối những năm 1960, cái mốc truyền thống trong chính trị và quân sự truyền thống để chấm dứt chiến tranh - như thời điểm kết thúc chiến tranh với Nhật ở Thái Bình Dương - dường như không thể áp dụng được ở Việt Nam. Đối với những ai quan tâm tới sự phát triển của vũ khí hóa học và sinh học, thì có một vấn đề cấp thiết hơn đã dần xuất hiện: chiến tranh diệt cỏ đã tàn phá Việt Nam như thế nào?
Từ năm 1964, vấn đề hậu quả của chiến tranh diệt cỏ vẫn là một bí mật sinh thái - và là nỗi lo sợ của nhóm nhỏ các nhà khoa học với số lượng đang tăng lên. Sau nhiều năm bế tắc với tình trạng quan liêu và sự cản trở của chính phủ, những nhà khoa học đó đã sẵn sàng để tìm câu trả lời cho riêng mình.
Con Đường Da Cam Con Đường Da Cam - David Zierler Con Đường Da Cam