Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Virgil Gheorghiu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1470 / 29
Cập nhật: 2015-10-05 05:54:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tập Sách Nói Về Những Tủi Nhục 2
gười Nga và người Mỹ đều không tìm thấy Boris Bodnariuk. Hắn biến đi không để lại dấu vết.
Pierre Pillat và Marie ở lại bệnh viện Mỹ. Khi Doina Australia được hai tuần, họ được lệnh gọi triệu tập của Hội đồng Úc. Những người di dân phải đến trình diện cấp tốc để xuống tàu đi Hambourg.
Marie, Pillat và đứa bé rời khỏi bệnh viện ngay hôm đó.
Họ được biếu thật nhiều quà. Bác sĩ, y tá, bệnh nhân đã biếu kẹo và đồ dùng cho Marie và em bé.
Con gái Pillat sinh vào một ngày tốt lành. Đó là đứa bé duy nhất sinh ra trong bệnh viện này. Nó được sinh ra trong một bệnh viện phất phới lá cờ sao của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Marie, Pierre Pillat đã đến bệnh viện bằng xe của Milan Paternik và chỉ với mấy cái xách du lịch của họ. Bây giờ họ có hành lý quan trọng. Họ được một xe bệnh viện đưa đến nhà ga.
Họ nhận được vé xe lửa, đồ ăn, tiền và họ đi đến Hambourg như những kẻ được số mệnh ưu đãi.
Báo chí vẫn tiếp tục nói đến vụ mất tích của Boris Neva, phi công Xô Viết nhưng không ai biết gì về hắn. Marie và Pillat không quan tâm đến hắn. Họ quan tâm đến cuộc hành trình, đến em bé và quê hương mới của họ.
- Đừng bao giờ nói là quá trễ. - Pillat nói - Cách đây vài tháng, khi tất cả các Hội đồng di dân từ chối chúng ta, hình như chúng ta chỉ còn nước tự tử. Hôm nay, tất cả các giấc mơ của chúng ta sắp trở thành hiện thực. Rồi chúng ta cũng sẽ gặp lại bố Kostaky vào một ngày đẹp trời nào đó.
Họ cảm ơn Thượng đế đã cứu giúp họ. Họ đến Hambourg lòng khuây khỏa. Đến nhà ga, họ thuê một chiếc ta xi vì họ có tiền và đến trình diện trước Hội đồng Úc.
- Ba ngày nữa, tàu sẽ nhổ neo. - Anh nhân viên nói - Ông bà có thể đi ngay. Hãy đến trình diện Hội đồng kiểm tra.
Pillat trình giấy xác nhận họ được chấp thuận cho di dân.
Anh ngồi trên ghế dài và đợi. Anh nghĩ là trong một giờ nữa thôi, gia đình anh, cả ba người đều lên tàu.
Một nhân viên mời họ vào văn phòng. Marie ẵm bé Doina Australia và con búp bê lớn. Hội đồng gồm ba người.
- Pillat Marie. - Một thành viên của Hội đồng gọi.
- Thưa tôi đây. - Marie trả lời.
Cô mỉm cười, dịu hiền và hãnh diện.
- Pierre Pillat. - Nhân viên gọi.
- Thưa chính là tôi. - Pillat trả lời.
Các thành viên của Hội đồng nhìn chòng chọc vào Pillat im lặng. Rồi mắt của cả ba người trong văn phòng đều nhìn về phía con búp bê Marie đang ẵm trong tay. Con búp bê cũng lớn bằng đứa bé.
- Đây là con búp bê do vị chỉ huy bệnh viện Mỹ tặng. - Marie nói.
- Không phải con búp bê mà là đứa bé kia. - Người ngồi giữa nói.
Cả ba người đều nhìn Doina Australia đang ngủ trong tay Marie như thể họ nhìn một đứa bé bằng cao su.
- Em bé tên là Doina Australia. - Pillat nói - Chúng tôi đặt tên cho bé là Doina vì đây là tên một bài hát về sự lưu đày ở quê hương tôi và Australia là quê hương mới của chúng tôi.
- Trên danh sách những người di dân qua Úc, trên danh sách chính thức, chỉ có hai người. - Người ngồi giữa nói - Một cái tên được ghi là Pierre Pillat. Chính là ông. Một tên khác là Marie Pillat. Chính là bà.
Cùng lúc với việc ông ta gọi tên họ, ông ta nhìn chằm chặp vào Pierre và Marie như muốn đóng đinh họ tại chỗ.
- Không còn người nào khác trên danh sách.
- Doina Australia là con chúng tôi. - Pillat nói.
- Tôi rất tiếc, nhưng tên em không có trong danh sách. - Nhân viên nói.
- Con chúng tôi mới sinh được hai tuần, tại đây, trong khi chúng tôi đợi tàu đến.
- Tên em bé không có trong danh sách.
Im lặng khá lâu, ngột ngạt.
- Ông muốn gì? - Người nhân viên hỏi. Ông ta có một bộ râu đỏ, cắt ngắn.
Pillat nhìn vào mắt ông ta. Anh không còn gì để trả lời ông ta nữa. Anh nhìn Marie, nhìn Doina Australia, nhìn con búp bê, nhìn ông nhân viên có bộ râu đỏ.
- Chúng tôi phải có một quyết định theo nghĩa nào?- Pillat hỏi.
- Chỉ có hai ông bà được đi Úc thôi. - Nhân viên râu đỏ nói - Chỉ có những người có tên trong danh sách thôi.
- Con chúng tôi không ghi tên à? - Marie hỏi.
- Tuyệt đối không. - Nhân viên râu đỏ nói.
Giọng ông ta thật quyết liệt: “Trẻ em dưới mười tuổi không được chấp nhận cho di dân”.
Marie nhìn Hội đồng và khóe mắt vẫn còn mở lớn. Cô không thể lau nước mắt vì tay cô đang ẵm em bé và con búp bê. Nước mắt rơi xuống má đỏ hồng của con búp bê.
- Chúng tôi có thể làm gì? - Pillat hỏi.
- Ông phải có một quyết định. - Ông râu đỏ trả lời.
- Có thể có một quyết định trong hoàn cảnh như thế này sao?
- Hoặc là ông bà bỏ lại đứa bé, hoặc là ông từ bỏ ý định di dân. - Ông râu đỏ nói - Chúng tôi phải làm gì?
Pillat nghe rõ từng câu nói nhưng anh không thể tin như thế được.
- Ông bỏ đứa bé lại. - Người nhân viên nói - Ông bỏ đứa bé và ông sẽ được đi di dân. Khi nó được mười tuổi, ông sẽ đem nó về Úc. Đơn giản quá mà.
- Đơn giản à? - Pillat hỏi - Ông cho là đơn giản à? Ông thấy đó là chuyện đơn giản sao?
Pillat siết chặt nắm tay. Marie khóc.
- Không được lộn xộn. - Người nhân viên nói - Chúng tôi không có thì giờ để nghe chuyện tiểu thuyết. Chúng tôi còn phải gọi những người tiếp theo. Ông phải có ngay một quyết định. Sao đây?
- Có thể đòi hỏi những chuyện như thế đối với các người làm cha làm mẹ sao? Các ông có phải là những con người không? Các ông có đạo Thiên Chúa không? Các ông có văn minh không?
Pillat càng siết chặt nắm tay.
- Bởi vì chúng tôi văn minh nên chúng tôi yêu cầu ông việc đó. - Người nhân viên nói - Chính vì những động cơ văn minh và văn hóa mà chúng tôi không muốn một đứa bé dưới mười tuổi phải bị hành hạ bởi một cuộc hành trình đến tận Úc châu. Sẽ rất dã man nếu chúng tôi cho phép để em bé đi như thế. Vả lại, luật lệ và một số qui định mới của Hội đồng thập tự quốc tế Liên hiệp quốc và lương tri mà mỗi một con người văn minh đều có, tôi giả thuyết thế, không cho phép chúng tôi làm như thế. Chúng tôi sẽ là những kẻ man rợ, tàn bạo nếu chúng tôi hành động khác đi.
- Các ông đòi hỏi một người mẹ phải bỏ rơi con mình à?
Pillat là một người trầm tĩnh vậy mà giờ đây, tay anh nắm chặt lại và chỉ muốn đập phá. Anh nhìn cái bàn làm việc và muốn đập vỡ vụn nó ra.
- Ông hãy để qua một bên chủ nghĩa tình cảm của ông. - Người Tô Cách Lan nói - Hãy quyết đi. Đây không phải là một hành động bất thường, kỳ quặc. Ông gửi đứa bé cho một viện mồ côi và ông sẽ xin lại lúc nó được mười tuổi. Đây chỉ là một cuộc chia tay tạm thời.
Pillat đặt tay lên vai Marie.
- Chúng ta đi thôi. - Anh nói.
- Ông quyết định như thế nào? - Người đàn ông râu đỏ hỏi.
Pillat quay lại. Anh nhìn kỹ cặp mắt xanh, khuôn mặt đỏ, bộ râu đỏ, cái cà vạt sặc sỡ, cái cổ áo hồ cứng. Anh nhìn kỹ quần áo sạch sẽ, tươm tất và thanh lịch của mấy người Úc. Anh cảm thấy miệng anh đầy nước bọt; anh cảm thấy ghê tởm, buồn nôn. Anh không thể nói được lời nào nữa khi anh lại nghe hỏi: “Ông quyết định thế nào?” Với tất cả sức lực của mình, Pillat nhổ toẹt vào văn minh, vào văn hóa, nhổ toẹt vào thứ văn minh đó, vào thứ văn hóa đó.
Khi anh ra đến đường cái, anh ôm chặt Doina Australia và hôn nó. Đứa bé khóc. Nó khóc thét lên như một cái kèn, như một cái còi báo động. Không gì có thể làm dịu tiếng kêu đó.
Pillat và Marie đi xa khỏi Hội đồng cùng với đứa bé, con búp bê và mấy chiếc vali. Họ đi sâu vào những con đường ngổn ngang nhà cửa đổ nát gạch ngói vụn. Doina Australia vẫn khóc thét lên, thét lên không ngừng. Tiếng la thoát ra từ cái miệng nhỏ xíu của nó giống như tiếng kèn. Marie đặt bé xuống đường và cởi bớt áo quần cho nó nhưng nó vẫn không hết khóc. Nhiều người đi đường tụ tập lại.
- Ông bà hãy đi đến một vị bác sĩ đi. - Nhiều phụ nữ đi qua nói. - Đứa bé chắc phải bệnh mới khóc như thế. Tại sao ông bà không đưa cháu đến bác sĩ.
Pillat cùng với đứa bé, con búp bê, Marie và mấy cái vali trở lại bệnh viện.
Người ta cởi áo cho bé Doina Australia trong phòng khám và khám nó. Nó vẫn la. Bác sĩ chích cho nó một mũi thuốc nhưng tiếng la của nó giống tiếng còi báo động vẫn không ngừng. Tiếng la yếu dần nhưng vẫn không ngừng. Pillat chảy nước mắt vì con bé làm anh thương xót không chịu nổi.
- Bé bị gì thế, thưa bác sĩ? - Anh hỏi - Xin hãy cho biết bé đau gì?
Một phút im lặng.
- Cháu bé chết rồi. - Bác sĩ nói.
Và đúng như thế, tiếng khóc đã ngừng hẳn.
Bé Doina Australia đã khóc đến vỡ phổi, hai lá phổi bé xíu của một đứa trẻ sinh ra trong kiếp lưu đày.
Marie và Pillat ôm siết lấy nhau. Họ nắm chặt tay nhau trước cái thân xác bé nhỏ xanh xám và lạnh dần. Họ nhìn thân xác trần truồng của bé Doina Australia. Họ biết rõ Hội đồng Úc còn lưu lại ba hôm. Đứa bé không còn nữa. Họ có thể ra đi nhưng đúng là họ phải trả giá quá đắt. Họ không bao giờ nên nghĩ đến những người Úc nữa. Úc châu là một xứ sở ở đó trẻ con không được nhận vào. Một xứ sở mà ở đó người ta đòi hỏi các bà mẹ phải bỏ rơi con mình vì những động cơ văn minh thượng đẳng.
II
Trong khi các chính quyền Đồng Minh kiếm tìm Boris Bodnariuk khắp nơi thì hắn ta đã đến Paris. Hắn đến Đại sứ quán Xô Viết. Hắn xin gặp ngài Đại sứ.
- Đồng chí Đại sứ không đồng ý gặp ai hết. - Một nhân viên nói.
Anh ta quan sát bộ mặt không cạo râu của Boris, ngắm cái sẹo trên trán, cái áo măng tô, đôi giày ống rách thủng nhiều chỗ. Cái khăn quàng cổ đỏ cháy sém và đầy vết bẩn.
Trong cái phòng ở lối vào Đại sứ quán có một cái bàn gỗ. Cửa sổ nhìn ra đường. Anh cảnh sát người Pháp đang gác lối vào Đại sứ quán, vừa theo dõi mọi động tác của Bodnariuk vừa giả vờ nhìn ra nơi khác.
- Tôi cần có một cuộc liên lạc rất quan trọng. - Bodnariuk nói - Đây là những vấn đề tối quan trọng. Tôi muốn nói với một người nào đó ở văn phòng ngài Đại sứ.
- Ông là công dân Xô Viết à? - Anh nhân viên hỏi.
Anh ta tỏ ra hờ hững và tiếp tục sắp xếp những tờ báo.
- Tôi là công dân Xô Viết. - Boris trả lời, hắn nghĩ điều này có thể mở mọi cửa cho hắn. - Tôi muốn được trở về Tổ quốc gấp. Vì thế mà tôi đến đây.
Với những cử chỉ máy móc, hờ hững, anh nhân viên lấy từ ngăn kệ ra một tờ giấy in sẵn và đưa cho Bodnariuk.
- Hãy điền vào mẫu đơn hồi hương này. - Anh nói - Ông sẽ nhận được thư trả lời tại nhà ông.
Bodnariuk biết rõ là nếu theo con đường này thì hắn sẽ phải mất hàng tháng trời. Tuy thế, hắn vẫn điền vào tờ mẫu và viết một đơn thỉnh nguyện. Hắn đọc lại:!!!“Thưa đồng chí Đại sứ, Tôi, ký tên dưới đây, Boris Neva, công dân Xô Viết, nạn nhân của một tai nạn máy bay trên dãy núi Alger, xin khai rằng tôi đã trốn khỏi một bệnh viện Mỹ tại Đức với ý định đến trình diện tại Bộ tư lệnh Xô Viết. Trong khi công an lùng kiểm soát, tôi đã nhảy tàu và lên một chiếc tàu lửa khác. Đó là chuyến tàu đi Pháp. Tôi đã nhảy lên chuyến tàu này để khỏi bị bắt. Ngay khi đến Pháp tôi đã đến trình diện tại Đại sứ quán Paris để xin được hồi hương. Đồng chí có thể kiểm tra mọi thông tin liên quan đến tôi tại Bộ Tư lệnh Xô Viết ở Vienne”.
Boris Bodnariuk biết rõ hắn chưa nói hết. Tuy nhiên, đơn thỉnh nguyện này cũng đủ khơi dậy tính tò mò của những nhân viên Đại sứ quán.
- Chúng tôi không chuyển thư. - Anh nhân viên nói. Anh ta cầm lấy mẫu đơn hồi hương và trả lại bức thư thỉnh nguyện không thèm đọc.
- Tôi là công dân Xô Viết. - Bodnariuk nói - Tôi đến đây sau khi bị tai nạn. Tôi có một số thông tin tối quan trọng.
Anh nhân viên gác cửa Đại sứ quán, một người trẻ tuổi thuộc đội bảo vệ Xô Viết mới, nghĩ: “Sau khi phản bội, mỗi con rắn độc đều có những thông tin tối quan trọng”.
Anh ta nhìn Bodnariuk khinh bỉ. Nếu có thể chắc anh ta sẽ bắn bỏ hắn. Giống như tất cả công dân Xô Viết, anh ta rất ghét những tên gián điệp và những tên phản bội mà anh ta thì lại nhìn thấy những tên gián điệp và những tên phản bội khắp nơi.
- Ông không nói rõ địa chỉ nhà ông.
- Tôi không có nhà tại Pháp. Tôi mới chỉ đến Paris vài giờ. - Bodnariuk nói. Anh nhân viên trả lại cho hắn mẫu đơn.
- Ông không thể nộp đơn xin hồi hương khi không có chỗ ở ổn định. Chúng tôi không được phép nhận những lá đơn không đầy đủ.
- Tôi có thể nói chuyện với một người nào đó trong Đại sứ quán không? - Bodnariuk hỏi.
- Tôi làm việc tại Đại sứ quán. - Anh nhân viên nói - Tôi đã cung cấp cho ông tất cả những điều cần thiết. Bây giờ ông có thể đi được rồi. Có lệnh cấm không được ở nán lại lâu, tại đây.
Anh nhân viên mở cửa. Anh ta đến gần Bodnariuk và cầm lấy tay hắn đẩy ra ngoài.
- Đi đi. Anh ta nói.
Anh nhân viên liếc nhìn anh cảnh sát đứng trước cửa, sẵn sàng nhờ anh ta tống cổ Bodnariuk ra đường.
Ngay lúc đó, Boris chỉ muốn hét lên cho tên nhân viên nghe: “Tôi là Boris Bodnariuk, đại tướng Xô Viết và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Rumani”. Nhưng hắn kịp dừng lại. Hắn không được tố giác lý lịch mình.
- Cút đi - Anh cảnh sát người Pháp ra lệnh.
Boris Bodnariuk đi ra đường, nhục nhã. Anh cảnh sát người Pháp nhìn hắn mỉm cười. Còn anh nhân viên Xô Viết thậm chí không thèm nhìn hắn. Dưới mắt anh nhân viên Xô Viết, Boris Bodnariuk là một trong vô số tên phản bội thường bu quanh cái tòa Đại sứ quán Xô Viết trên toàn thế giới.
Chúng là những tên gián điệp của lực lượng cảnh sát tư bản, hoặc là những tên phản bội muốn trở về Tổ quốc. Và chúng nó đều nguy hiểm như nhau. Kỷ luật nghiêm khắc. Những tên vô danh đó không khi nào đáng được cho nói cũng không đáng được tiếp ở bên trong Đại sứ quán. Hoặc là chúng nó gài bẫy nhằm gây những vụ “xì-căng-đan”, những mối uất hận trên báo chí tư bản, hoặc chúng nó là những phần tử thối nát, chia rẽ mà những người Xô Viết không cần đến. Vì những lý do đó, nhân viên Đại sứ quán không thèm nhìn Boris Bodnariuk. Vả lại anh ta không được phép nói chuyện với hắn vì mỗi công dân Xô Viết ở trong một nước tư bản đều được thông báo là bất cứ kẻ lạ mặt nào muốn bắt chuyện với anh ta thì đó là kẻ thù của người Xô Viết, một tên gián điệp hoặc là một tên cảnh sát quá khích.
Ra đường, Boris Bodnariuk tự vấn lương tâm mình là một đảng viên, hắn tự kiểm điểm xem đã hành động đúng đắn và thông minh chưa.
Hắn được lệnh không nói rõ tên mình và không được để bị lộ tông tích. Đúng lúc hắn suýt bị Pierre Pillat phát giác và lột mặt nạ thì hắn trốn khỏi bệnh viện. Việc hắn bỏ trốn thật là đúng đắn. Hắn đã hành động thật đúng đắn khi bỏ trốn. Hắn đã đi chuyến tàu đến Vienne. Khi cảnh sát Đức lục soát tàu, hắn đã rời khỏi toa và nhảy lên chiếc tàu bên cạnh đợi cho cuộc bố ráp kết thúc. Tàu chuyển bánh và hắn đến Pháp. Tại đây hắn tức tốc đến trình diện ở Đại sứ quán. Đại sứ quán Xô Viết nơi mà hắn tưởng sẽ được tiếp đón, đã xua đuổi hắn.
Boris Bodnariuk chậm chạp lê bước trên đường phố Paris.
Hắn thấy đói và như lên cơn sốt, cố lắm mới kéo chân đi nổi.
Niềm an ủi duy nhất là không có người nào quay lại nhìn hắn.
Tại nước Nga, một công dân đi ngoài đường như thế, đi như lúc hắn đang đi trên đường phố Paris lúc này, thì tức khắc sẽ bị chặn lại, bị xét hỏi. Người ta sẽ kiểm tra giấy tờ, giấy phép, giấy xác nhận có việc làm, nhưng ở đây, hắn đi tự do, thoải mái.
“Đại sứ quán Xô Viết đã hành động khôn ngoan”. Boris Bodnariuk nghĩ. “Một Đại sứ quán Xô Viết trên một đất nước tư bản tức là một nước thù địch, phải đề phòng mọi loại cạm bẫy, mọi thứ tin thất thiệt, bêu xấu, mọi sự khiêu khích. Thế nhưng, ta không thể đi được nếu không nhờ Đại sứ quán. Ta không có giấy tờ gì cả, không có tiền và cũng không còn sức lực. Ta đuối thật rồi, nhưng ta phải đến Bucarest ngay không được chậm trễ. Vụ án truy tố lão thống soái mê chó phải được tiến hành càng sớm càng tốt”.
Boris thấy nhiều cửa hàng lớn toàn bằng kính, nhiều người phụ nữ đẹp đẽ đi bên cạnh hắn nhưng hắn không nhìn họ. Mắt hắn như cố tìm ở phía bên kia quang cảnh một điểm tựa.
“Nếu ta không tìm được một cách nào đó chuyển được tên thật của ta cho Đại sứ quán thì điều này có nghĩa ta là một tên đào ngũ, một tên phản bội, ngay cả nếu như chuyện đó xảy ra ngoài ý muốn của ta”. Hắn nghĩ.
Một nỗi thống khổ mênh mông xuyên qua lồng ngực Bodnariuk. Chung quanh hắn mọi cái như đảo lộn. Hắn ngồi bệt xuống bên vệ đường vì không thể đứng vững nữa. Người qua đường không nhìn hắn. Hắn cảm nhận một nỗi cô đơn sâu lắng, thấm thía. Chính nỗi cô đơn đã giày vò hắn ở sân trường trung học Hoàng gia Kichinev. Khi hắn phải mặc áo quần của “kẻ bị đuổi học” và bạn bè đứng bên cạnh nhưng không nhìn hắn. Giờ đây hắn cũng cảm thấy cô đơn, cô đơn đúng như hồi đó.
Hai người cảnh sát đến gần làm hắn giật mình. Họ nhìn hắn một lúc rồi hờ hững, tiếp tục đi. Xung quanh Boris, nỗi trống rỗng còn mênh mông hơn. Hắn ngước mắt lên và nhìn thấy một cửa hiệu bằng kính ngay trước mặt. Đó là một cửa hàng bán quần áo cũ.
Hắn đứng lên vào trong cửa hàng. Hắn muốn giải thích là hắn muốn bán chiếc áo đồng phục nhưng hắn lại không nói được tiếng Pháp. Người lái buôn Nam Phi hiểu tuy anh ta không cần hắn nói thành tiếng. Anh ta giúp Boris cởi áo măng tô da.
- Người Nga à? - Người lái buôn hỏi.
Boris Bodnariuk ra dấu trả lời “đúng”. Điều đó không quan trọng gì đối với người lái buôn cả. Anh ta nhìn khoảng ngực đầy sẹo của Boris Bodnariuk.
Anh ta cầm lấy cái áo kakia, cái áo sơ mi và hai bộ đồ nỉ mỏng của Mỹ mà Boris Bodnariuk đưa cho anh ta. Anh ta nhìn áo măng tô da nhưng Boris đã mặc vào thân hình trần trụi và vẫn choàng khăn đỏ quanh cổ.
Người lái buôn xem kỹ cái áo đồng phục, cái áo sơ mi và hai bộ đồ nỉ, rồi đặt vào tay Boris 150 franc.
Boris cầm tiền. Hắn không biết rõ là bán với giá như thế là ít hay nhiều, mắc hay rẻ. Hắn không rành về tiền tệ của Pháp. Cơn choáng váng bắt đầu làm mờ mắt hắn.
Hắn đi ra đường, tay nắm chặt mấy tờ giấy bạc. Hắn cảm thấy sự cọ xát thô nhám của áo măng tô trên lưng, trên ngực và trên vai trần của hắn. Hắn ước ao được uống một thứ gì đó, ăn một khúc bánh mì, hút một điếu thuốc, nhưng hắn cố nhịn.
Hắn vào trong một tiệm giải khát bình dân và ra dấu muốn dùng điện thoại.
Hắn không muốn nói cho ai biết hắn điện thoại đến đâu nhưng hắn không biết sử dụng niên giám điện thoại cũng không biết sử dụng máy. Hắn ngồi lại trong phòng nhỏ kín bưng như nhà tù rồi phải nhờ người chủ tiệm cà phê giúp.
Bây giờ Boris Bodnariuk đã có được Đại sứ quán ở đầu dây. Hắn nói tiếng Nga. Một giọng phụ nữ trả lời:
- Ngài tổng lãnh sự không có ở đây.
Sau đó người ta nghe thấy một giọng đàn ông.
- Phi công Xô Viết Boris Neva đang nghe máy. - Bodnariuk nói - Tôi muốn hồi hương.
Hắn cố thử giải thích những gì đã xảy ra.
- Về việc hồi hương, anh phải đến liên hệ với văn phòng Đại sứ quán. - Giọng nói trả lời - Người ta sẽ cho anh một mẫu đơn và anh phải điền đầy đủ vào.
Boris Bodnariuk đoán là người đàn ông ở Đại sứ quán không nghe rõ.
- Anh đợi người ta sẽ trả lời cho anh tại nhà. - Giọng nói tiếp tục Boris Bodnariuk nghe tiếng cúp máy và tự đáy lòng hắn cảm thấy một cái gì đó vỡ vụn, rạn nứt. Hắn còn cầm ống nghe một lúc nữa rồi cũng cúp máy.
- Ông muốn gọi lại số đó một lần nữa không? - Chủ tiệm hỏi.
Ông ta lấy từ tay Boris tiền liên lạc điện thoại, tương đương với phân nửa số tiền hắn có được do bán quần áo và gọi lại số Đại sứ quán Xô Viết.
- Yêu cầu bà nghe tôi nói. - Boris nói khi hắn nghe có giọng phụ nữ ở đầu dây - Đây là một trường hợp cấp bách, chính phi công Boris Neva đang gọi điện đây.
- Ông đã gọi và nói chuyện cách đây vài phút. - Người phụ nữ nói - Ông đã được hướng dẫn đầy đủ. Tại sao ông gọi lại?
Người ta nghe trong máy cũng một tiếng “tách” như lúc nãy. Cô điện thoại viên tòa Đại sứ quán lại cúp máy, cúp liên lạc.
Boris Bodnariuk cảm thấy như bị treo lơ lửng vào khoảng không. Những người Xô Viết và Đảng ở xa, và hắn thì không thể đến gần họ. Bodnariuk nắm chặt số tiền còn lại và đi ra đường.
Hắn chỉ nghĩ đến một điều: Hắn sẽ bị trễ ở vụ án tại Bucarest. Mỗi một giờ mất đi là một sự phản bội. Hắn không tìm ra được một giải pháp nào cả, không một giải pháp nào.
Boris Bodnariuk nghĩ đến mấy người Cộng sản Pháp hắn đã quen ở Nga. Hắn muốn tìm đến một người trong số họ để bắt liên lạc với Đại sứ quán. Có thể đây là giải pháp tốt nhất.
Hắn đã có nhiều đồng chí người Pháp ở Moscow nhưng hắn không nhớ ra người nào. Hắn cố nhớ lại. Hắn cần một người Cộng sản ở tại Paris. Với người này hắn sẽ có thể nói rõ tên họ, lý lịch của mình. Hắn sẽ nói rõ hắn là Boris Bodnariuk và hắn muốn trở về Nga.
Chủ nghĩa Cộng sản là một đại gia đình có thành viên ở mọi thành phố trên thế giới. Bất cứ đâu, một người Cộng sản cũng không cô độc nhưng bây giờ hắn không nhớ một người Cộng sản Pháp nào cả. Hắn bắt đầu cảm thấy đau đầu, hắn xoa thái dương. Đúng lúc đó, hắn nhớ ra được một cái tên: ông chủ Voivod. ông ta là thợ chạm, người cùng làng với hắn ở Rumani và hiện nay sống tại Paris.
Đó là người Cộng sản được báo chí nói đến luôn. “Ta sẽ đến chỗ ông ta, nhờ ông ta giúp bắt liên lạc với Đại sứ quán Xô Viết” Boris Bodnariuk tự nhủ.
Hắn chưa bao giờ thấy ông ta nhưng chỉ cần ông ta là người Cộng sản là đủ. Hơn nữa ông ta và Boris là người cùng làng.
Bodnariuk tìm được địa chỉ ông ta từ quyển niên giám điện thoại và hắn đi bộ đến tìm ông ta. Ông chủ Voivod ở tại Moufparnase, trong một xưởng điêu khắc có một cái sân rộng.
Xưởng rộng như một nhà kho và ông Voivod có bộ râu oai vệ như râu các vị tiên tri vậy. Ông tiếp hắn, chân đi guốc.
- Tôi không muốn nói chuyện với ai hết. - Ông ta nói và muốn đóng cửa lại. Thậm chí ông không nhìn Boris nữa. Cuộc viếng thăm của hắn làm cho ông bất bình.
- Tôi không có gì để nói với ai cả. - Ông nói tiếp - Tất cả các anh có gì để muốn nói với tôi?
- Tôi người làng Roman. - Bodnariuk nói - Cùng làng với ông.
- Tôi không có gì liên quan đến Roman, đến Rumani và Châu Âu cả. Tôi không có liên can đến ai hết, đến nước nào hết, đến người nào hết trên vũ trụ này. Anh hãy đi đi, cút đi và để tôi yên.
- Tôi mới đến Paris sáng nay. - Bodnariuk nói - Tôi vừa ra khỏi bệnh viện.
- Anh là dân tị nạn à? - Ông Voivod hỏi từ sau cánh cửa. Tại sao tị nạn? Anh sợ Cộng sản à? Tất cả các anh đều sợ Cộng sản, sợ họ bắt các anh lao động. Các anh tưởng ở Pháp người ta không cưỡng bức các anh lao động à? Phương Tây đầy rẫy các người tị nạn, đầy cả ra, đầy quá rồi. Mặt ông ta đỏ ngầu vì giận dữ. Ông ngừng nói.
Bodnariuk thấy sung sướng. Ông chủ tỏ ra là một người Cộng sản cuồng tín. Điều này tăng thêm dịp may cho hắn. Ông chủ nhìn vào mắt Bodnariuk. Ông nhìn thấy trán hắn đầy mồ hôi, thấy vết sẹo, thấy đôi má xanh xao và râu không cạo.
- Tôi xin lỗi anh. - Ông nói - Tôi biết anh muốn ở lại Rumani. Mọi người đều muốn ở lại làng của mình, thành phố của mình, nhà của mình. Tôi biết là mấy con thú Cộng sản hung dữ đó không cho phép người ta ở lại nhà mình nữa. Tôi biết. Họ đã xua đuổi các anh. Tôi biết. Các anh muốn làm việc, muốn lao động, ngay cả quỳ gối nhưng người Nga không cho phép như thế. Tôi biết. Những người như anh, tôi thấy hàng nghìn người. Nhưng tại sao tất cả các anh đều đến tìm tôi? Tôi chỉ là một tên thợ chạm già. Hãy cầm lấy cái này và đi đi.
Ông Voivod đưa cho Boris một tờ giấy bạc một ngàn franc.
Ông muốn đóng cửa lại nhưng Boris đứng bất động. Xuyên qua cánh cửa đã mở, người ta nhìn thấy mấy bức tượng của xưởng. Vô số bức tượng. Nhưng không có một bức tượng nào có hình người, hình thú vật cũng không. Không có cây cối, cây nhỏ, cây lớn gì cũng không, không có hoa. Có cả trăm bức tượng, nhiều bức cao năm mét, các bức khác nhỏ hơn. Tất cả các bức tượng đều được đúc nằm bằng đường kẻ, chỉ bằng đường kẻ.
“Ông ấy là một tên chống Cộng sản”. Bodnariuk nghĩ thầm. “Ông ta cũng đã phân biệt. Tất cả bọn chúng nó đều thế cả”.
Bodnariuk nhìn những bức tượng. Đấy chỉ là những đường khí động học, giống như những bức tượng lửa hay ngọn lửa thẳng lên bầu trời, những bức tượng bằng đá, bằng cẩm thạch và bằng gỗ.
- Tượng của tôi có còn tồn tại ở nghĩa trang Roman nữa không? - Ông Voivod hỏi.
Đây là lần đầu tiên ông nói với một giọng thân mật, có tính người.
- Chắc chắn mấy tên ác thú Cộng sản dã man đã vất tượng của tôi ra khỏi nghĩa trang và đập vỡ nó rồi.
Họ không đập vỡ. - Bodnariuk nói.
Mặt ông Voivod như sáng ra, vui hơn.
Hãy lại ăn một chút gì đi, nhưng ngay sau khi ăn xong, anh phải xéo ngay. Anh nghe rõ chứ? Tôi không muốn mất thì giờ nữa.
Bodnariuk cầm lấy bánh mì và thịt jambon ông ta đem lại.
Anh thấy tượng của tôi ở Roman lần cuối vào lúc nào? - Ông hỏi Boris.
Boris Bodnariuk nhìn thấy bức tượng lần cuối cùng khi hắn lên mười bốn tuổi, bức tượng giống viên đạn trái phá đặt trên một ngôi mộ tại nghĩa trang làng Roman. Từ đấy, hắn không trở về làng nữa. Tuy nhiên hắn vẫn nhớ rõ như in, mỗi một công dân làng Roman đều biết rõ bức tượng của ông Voivod ở nghĩa địa. Bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng chiếu sáng như một tấm gương. Bodnariuk trả lời là hắn thấy bức tượng chỉ mới sáu tháng trước đây thôi. Nó còn ở đó cách đây sáu tháng à?
Ông Voivod tỏ ra không mấy tin nhưng vẫn sung sướng.
- Bức tượng Đức mẹ đồng trinh ở nghĩa trang Roman là tác phẩm đầu tay của tôi. - Ông nói - Từ đó đến nay tôi đã tạc hàng nghìn bức tượng rồi. Chúng được trung bày trong tất cả các bảo tàng trên thế giới. Tôi đã làm việc trong suốt năm mươi năm, không ngừng đẽo, tạc, nắn nót các bức tượng nhưng không bức nào thân thiết với tôi bằng bức tượng Đức mẹ đồng trinh ở nghĩa trang Roman. Cứ mỗi lần các nhà phê bình nghệ thuật hỏi tôi làm sao tôi có thể đạt được nghệ thuật đường nét hoàn toàn trừu tượng này thì tôi lại nói với họ về bức tượng Đức mẹ ở Roman. Ông chủ tiệm thực phẩm và gia vị ở làng chúng ta có một cô con gái đã chết lúc mười sáu tuổi. Ông ta nhờ tôi đúc tượng cô ta đặt lên mộ. Tôi bắt đầu làm việc dựa vào các tấm hình của cô ta và trí nhớ của tôi vì tôi có biết cô gái. Tôi không thể nào tạo được tượng một trinh nữ đã chết với đôi vú bằng thịt, cặp đùi và đôi mông. Tôi không thể nào tạc được tượng một trinh nữ với những miếng thịt “bít tết”, một trinh nữ chết là một cái gì đó không có thịt. Một cái gì đó thật tinh khiết. Thịt không tinh khiết được. Đối với một trinh nữ đã chết, thịt được tạo ra do tình cờ mà thôi. Anh hiểu không? Khi tạc tượng cô trinh nữ, tôi bắt đầu lột bỏ hết thịt cô ta để tạo ra cô ta như tôi đã thấy, như cô ta đã như thế trên thực tế, tinh khiết, trong trắng. Anh hiểu không? Tiếp tục tạc bức tượng, tôi loại bỏ dần tất cả những gì là không tinh khiết. Tôi chỉ giữ lại ở cô ta những đường nét trong sáng, thanh cao như hình ảnh một ngọn lửa, như một ngọn lửa chạm trổ. Đó là bức tượng Đức mẹ đồng trinh ở nghĩa trang Roman. Mọi cái đều trở nên thật tự nhiên. Đó là nguyên tắc chính yếu trong cuộc đời nghệ thuật của tôi. Ngừng lại ở điểm thiết yếu nhất, loại bỏ cái không tinh khiết, cái vô ích. Với một con chim đang bay, tôi chọn cách bay của nó. Đó là điều quan trọng nhất con chim có được, tôi vứt bỏ phần còn lại: cái đầu, đôi cánh, cặp chân... vì chúng không bổ ích gì hết; chỉ có sự bay của nó là có ích, làm tôi thích thú. Tất cả những gì con chim có được ngoài cách bay của nó đều là thứ yếu. Đấy chỉ là những thứ có ích cho việc ăn uống, cho việc sinh sản, cho sự tự vệ chống lại, sự... Con chim của tôi không sinh đẻ, nó bay. Anh hiểu chưa?
Boris Bođnariuk đã thấy rõ ông Voivod là một kẻ thù của Đảng Cộng sản. Những bức tượng của ông ta không nói gì với hắn. Tuy nhiên, hắn cho rằng ông Voivod đã là một đồng chí của hắn về mặt tinh thần. Nhà điêu khắc Voivod làm việc cùng một phương hướng với Đảng Cộng sản và với Boris Bodnariuk.
Ông hy sinh tất cả cho cái chủ yếu thôi. Mọi người đều nhìn thấy ở một con chim nào cánh, nào lông, nào mỏ, nào trứng.
Đường bay của nó là một cái gì trừu tượng. Trên bình diện xã hội, chỉ có người Cộng sản mới có thể hoàn thành những gì ông Voivod hoàn thành về mặt nghệ thuật. Chủ nghĩa Cộng sản đưa con người lên tầm cao tinh khiết của kế hoạch và nếu cần thì hy sinh con người cho kế hoạch, vì kế hoạch, cũng giống như Voivod hy sinh con chim vì đường bay.
- Điều gì đã đến với anh? - Ông Voivod hỏi - Anh trần truồng, anh không có áo sơ mi à? Anh vượt khỏi một nhà tù Cộng sản à? Họ có tra tấn anh không?
Boris Bodnariuk muốn nói:
- Không, thưa Ngài. Ngược lại, tôi là một người Cộng sản trên phương diện xã hội, và trong lịch sử, tôi thực hiện những gì Ngài thực hiện trong nghệ thuật. Tôi lột bỏ đôi vú, cặp đùi, cặp mông, tất cả những gì không thanh khiết để thực hiện một xã hội loài người hoàn hảo. Tôi phá bỏ những thành kiến, những tập quán, những bản năng và tôi nâng con người lên cao, lên cuộc sống tập thể thượng đẳng, thích ứng với kế hoạch. Sự tàn bạo mà Ngài có khi Ngài cắt xén cơ thể thánh nữ đồng trinh và loại bỏ hết thịt hay khi Ngài nhổ hết lông và cắt hết chân của con chim để chỉ dành lại đường bay của nó, nghĩa là Ngài chỉ cần có cái chủ yếu nhất, cái cao đẹp nhất, chúng tôi cũng có, chúng tôi, những nhà kỹ sư mới, những người sáng tạo ra con người, chúng tôi cũng có sự tàn bạo đó khi chúng tôi loại bỏ giai cấp phản động, lười biếng, thù địch để mở đường cho một cuộc sống siêu đẳng hơn. Cuộc sống của một người Cộng sản không giống cuộc sống người ta đã sống đến hôm nay, cũng như đức thánh nữ đồng trinh của ông không giống các trinh nữ khác chúng tôi đã thấy. Vậy thì chúng tôi là những kẻ có tội hay là những con người siêu việt? Thưa Ngài, về mặt tinh thần thì Ngài là người anh em của tôi. Chúng ta cắt xén thịt con người đưa họ lên cao, lên tới vẻ đẹp cao siêu của kế hoạch. Xã hội Cộng sản tương lai tinh khiết và đẹp đẽ như trinh nữ ở nghĩa trang Roman hay như con chim đang bay.
Chúng tôi, những người Xô Viết, chúng tôi xây dựng một xã hội trong đó con người không đấu tranh riêng lẻ để tồn tại nữa, không đấu tranh riêng lẻ như loài cầm thú. Đây là lần đầu tiên con người vượt khỏi tình trạng súc vật và đấu tranh tập thể, đấu tranh chung để sinh tồn, phù hợp với kế hoạch.
- Hãy cút đi! - Ông Voivod ra lệnh.
Hình như ông ta đoán được những tư tưởng ý nghĩ, của Bodnariuk:
- Mấy tên châu Á ngu ngốc này phạm nhiều tội ác ghê gớm. Những người Xô Viết là những tên giết người tàn bạo nhất chưa từng có trong vũ trụ. Gengis Khan là một thiên thần bên cạnh chúng. Đối với con người, những người Cộng sản áp dụng vào trong cuộc sống những nguyên tắc mà tôi áp dụng vào trong nghệ thuật. Chúng tưởng hoàn thành một công việc trên thịt sống cũng được cho phép như hoàn thành một công việc trên đá. Con người không thể bị nhào nặn, tạo hình giống như đá, gỗ và cẩm thạch. Con người tự nó là hoàn hảo. Nếu anh lột lấy một cái gì đó thuộc về con người thì anh đã giết hại nó, phá hủy nó. Những người Cộng sản muốn loại khỏi cuộc sống con người tình cảm, ích kỷ, bản năng, thành kiến, ảo vọng. Kết quả là bất cứ nơi nào họ đi qua, những người Xô Viết đều để lại toàn xác chết đằng sau họ. “Chỉ trong lỗi lầm mới có sự sống. Khôn ngoan là chết” - một thi sĩ người Đức nói thế. Phạm vi, khuôn khổ đẹp đẽ nhất của cuộc sống con người là cái mà những người Xô Viết và chủ nghĩa Mác-xít không biết tới. Đó chính là phạm vi của huyền bí. Đó chính là điều hấp dẫn nhất, điều duyên dáng nhất của cuộc sống. Hãy đi đi, hãy tìm mua liền cho anh một áo sơ mi đi, và đừng bao giờ trở lại nhà tôi nữa. Tôi van anh hãy để tôi yên. Tôi chỉ là một ông già cô độc.
Bodnariuk lại cầm lấy mấy tờ giấy bạc ông Voivod đưa thêm cho hắn.
- Đi theo số mệnh của anh đi. - Ông Voivod nói.
Ông ta trở vào trong xưởng lớn như một nhà kho.
Bodnariuk bỏ đi. Hắn đếm mấy tờ giấy bạc rồi đi đến nhà ga. Hắn lên tàu lửa đi Strabourg. Kế hoạch đã vạch sẵn. Hắn sẽ bí mật trốn qua Đức rồi từ Đức trốn sang vùng Xô Viết. Bây giờ hắn đã có tiền dành cho cuộc hành trình và hắn sẽ đến kịp dự vụ án tại Bucarest.
Trước khi khởi hành, hắn ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn những người trên sân ga, hắn có cảm tưởng Paris là một nơi hỗn độn không nơi nào có được. Mỗi người là một con thú dữ phải tự xoay xở một mình tùy theo khả năng. Mỗi cá nhân tự tranh đấu để có cơm ăn hàng ngày, để có những thú vui, để có cuộc sống của mình. Hoàn toàn giống như thú vật.
Xã hội tư sản không đem lại một sự che chở nào cả. Nó không đem lại trật tự. Xã hội tư sản là một từ trống rỗng, không có nghĩa. Mỗi người là một đơn vị lẻ loi, đơn độc. Vì thế, phương Tây không có một người nào chịu hy sinh để cho xã hội được sống. Bởi vì đối với người Cộng sản, xã hội có nghĩa là che chở, là bánh là cơm, là thú vui, là an toàn. Xã hội là tất cả, cá nhân không là gì hết.
Ở đây, xã hội không là gì hết, cá nhân là tất cả. Trong xã hội phương Tây, cá nhân tự do và không được che chở, họ giống như những thú dữ trong rừng vậy. Điều này làm cho Boris Bodnariuk mệt mỏi.
Khi tàu rời ga, hắn nghĩ đến quãng đường phải đi qua. Hắn phải bí mật vượt qua hai biên giới. Sau đó, hắn sẽ lại ở trong thế giới tập thể của những người Xô Viết.
III
Sau cái chết của bé Doina Australia, Pierre Pillat và Marie bí mật trốn qua Pháp. Người Pháp không bắt những người tị nạn, Marie và Pillat đến Paris. Cảnh sát cấp cho họ giấy lưu trú một tháng. Họ nghĩ là từ Pháp họ có thể đi di dân dễ dàng hơn. Tất cả các tòa Tổng lãnh sự và tất cả ngoại giao đoàn của các nước bên kia Đại Tây Dương đều trú đóng tại Pháp. Ở đây không có Hội đồng của những kẻ buôn người như ở Đức. Marie hy vọng có thể di dân qua Canada, Ở đó có Ion Kostaky.
Họ thuê một phòng ngủ gần trường đại học Sorbone, trong khách sạn của ông Dufout. Ông Dufout có một bà vợ giúp ông dọn dẹp các phòng ngủ và hai cô con gái tóc hung xinh đẹp. Đây là loại khách sạn dành cho sinh viên. Pierre Pillat và Marie nhận được tiền thuê phòng và tiền ăn của nhiều tổ chức từ thiện khác nhau. Ở Paris có hàng nghìn người tị nạn, các hội từ thiện đã giúp cho người tị nạn một phiếu ăn với vài trăm franc hay với quần áo. Khi họ không đến văn phòng từ thiện thì Pillat và Marie đến các Đại sứ quán và Tổng lãnh sự để lo vấn đề di dân của họ. Họ gửi đơn xin tất cả các nước còn nhận người di dân và đợi trả lời. Cũng trong thời gian này, họ viết thư gửi thăm tất cả các bạn bè đã được di trú, hỏi họ về cuộc sống ở những nơi ấy.
Varlaam viết thư cho Marie và Pillat báo tin anh đã lãnh được bốn huy chương ở Israel. Ante Petrovici đã trở thành một trong những chủ tiệm đồng hồ lớn nhất ở Achentina.
Daniel Motok đã viết cho họ một bức thư dài:!!!“Tôi được biết anh chị muốn di dân qua Venézuela. Tại đây tôi đang trên một thiên đàn rắn. Nếu anh chị di dân hợp pháp qua Venézuela, anh chị có thể gặp một dịp may khác. Tôi đã đến đây một cách bí mật. Anh chị biết rõ chuyến ra đi của tôi từ Đức rồi. Tôi đã đi bằng máy bay, trốn kỹ trong một cái rương. Ngay lúc khởi hành, hơi từ chính thân thể tôi đã làm tôi ngộp thở. Tôi đã choáng ngợp, tưởng chết mất. Chúng ta phải cầu xin Thượng đế đừng bao giờ để cho con người phải chịu đau khổ đến như vậy. Tôi đã quá đau khổ. Cũng trong chuyến bay hôm đó, có hai hành khách danh dự. Đó là hai phi công mà chắc anh chị đã nghe báo chí nói đến: Anatole Barsov và Igor Poltarev. Trong suốt cuộc hành trình, những người Mỹ mang đến cho họ đồ ăn, đồ uống, chụp hình và phỏng vấn họ. Người Mỹ muốn biến họ thành nạn nhân của người Xô Viết,thành những kẻ tử đạo, nhưng những nạn nhân thật sự, người Mỹ lại không biết đến. Tôi nằm trong rương và chắc đã ngủ suốt hành trình. Khi thức dậy và lúc mở nắp rương, tôi biết là mình đang ở trong khoang chứa hành lý của một phi trường Mỹ.!!!Tôi ở xa thành phố. Tôi cẩn thận bò ra khỏi cái rương. Hai bên thái dương nhức và giật giật thật khó chịu. Tôi đói, khát nước và ngột ngạt. Tôi lần đi về phía Nam. Trời tối, tôi biết rằng, tôi Motok, tôi đang ở Hoa Kỳ một cách không hợp pháp nhưng tôi không sợ.
Tôi chỉ biết có một điều: Tôi là một con người và một khi tôi là người thì việc tôi bước đi trên một con đường, nhìn sao hay thở không khí không thể là một điều bất hợp lý. Tôi, Daniel Motok, tôi cảm thấy tôi sống hợp pháp buổi tối hôm đó. Tôi xem việc tôi phải làm một công việc gì đó để tự nuôi sống mình là một điều phải lẽ và tự nhiên. Đó là một chuyện hợp pháp. Nếu trong đêm ấy, có ai đó thử nói với tôi rằng tôi đi bất hợp pháp trên mảnh đất này, thì thế nào tôi cũng gây gổ, đánh họ. Tôi cảm thấy mỗi người đều có quyền đấu tranh để giữ lại cuộc sống cho mình. Đó là điều hợp pháp. Việc cấm một con người được sống mới là bất hợp pháp.!!!Tôi đi về phía Nam. Ban ngày tôi ngủ trong đồng ruộng; tối đến tôi bí mật di chuyển, bằng tàu điện, tàu biển, đi bộ. Tôi vượt nhiều biên giới không hề bị bắt lại, khi tôi bị bắt giữ thì người ta cho tôi biết là tôi ở Venézuela và hỏi tôi muốn làm việc không, người ta không hỏi giấy tờ gì cả.!!!Venézuela xây một con đường cắt ngang nhiều ngọn núi, xuyên qua một cánh rừng rậm đầy rắn và luôn luôn nóng bức do khí hậu vùng nhiệt đới. Tất cả thợ làm ở đó đều là những tên da đen vượt ngục. Tôi là người da trắng duy nhất. Họ tưởng rằng tôi cũng là một tên tội phạm vì thế họ không cần hỏi tôi giấy tờ, cũng không cần biết tôi từ đâu đến. Tôi đi ra công trường.!!!Không một quyển sách nào nói đến những vùng đất như thế tồn tại trên thế giới. Mặt trời rút hết nước trong người anh và mỗi bước đi lại thấy rắn. Tôi chống đỡ và trở thành nhóm trưởng. Tôi thay thế một kỹ sư, rồi hai kỹ sư. Ngay lúc này đây, tôi đang thay thế nhiều kỹ sư không muốn đến công trường mỗi ngày. Tôi nhận nửa phần lương của họ để sống thay chỗ họ trong cái địa ngục nhiệt đới đầy rắn này. Tôi thu lượm tiền, tôi có cả một vali đầy tiền nhưng tôi sống đọa đày. Nguyên nhân của nỗi thống khổ của tôi là như sau: Trước hết là cơn nóng thiêu đốt ngột ngạt, kế đến là rắn. Tôi sợ chúng chết đi được.!!!Nỗi khổ thứ ba là sự thèm muốn đàn bà. Từ khi đến đây tôi chưa hề thấy một phụ nữ nào ngay cả trong ảnh. Lý do thứ tư là nỗi sợ hãi những người da đen. Người da đen ghét người da trắng với một nỗi căm hận gây chết chóc. Bọn chúng không dám bắn vào người da trắng, chỉ trừ khi người da trắng say rượu.!!!Mỗi đêm, vài trăm tên da đen dưới quyền tôi, thay nhau quanh quẩn quanh trại của tôi để rình xem tôi có uống rượu Whisky không. Liền sau khi uống một ly rượu, tôi có thể bị giết hại ngay. Bọn da đen sẽ đè tôi xuống và chặt tôi ra thành nhiều mảnh. Vì vậy tôi không dám uống một giọt rượu và càng không uống lại càng thèm khát. Hợp đồng của tôi sẽ kết thúc trong một năm. Nếu trong một năm này tôi không chết vì khát, vì ánh nắng, vì bị rắn cắn hay bị bọn da đen chặt thành mảnh nhỏ thì tôi lại trở về với cuộc sống, với thế giới. Tôi sẽ trở nên giàu có và tôi sẽ kiếm anh chị. Nhưng một năm thật quá lâu, quá nhiều.!!!Với tôi một năm là cả một cái gì vô tận, nhất là ở chốn này, ở nơi mà tôi chỉ sống một mình với kẻ thù, với mặt trời nóng cháy chết người, với rắn và với những tên da đen. Mong anh chị nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện vì nếu không có Chúa giúp đỡ, cứu vớt thì không ai có thể chống chọi một năm trời giữa mọi nỗi hiểm nguy như thế. Đấy, hoàn cảnh của tôi là thế đấy. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể nói là cho đến hôm nay, tôi đã gặp may khi đến đây, giống như tất cả mọi vận may dành cho những kẻ bị lưu đày, đây cũng là một dịp may phụ, một dịp may giống như mộ t cái áo mưa hờ, một dịp may tạm bợ”.
Thư của Motok làm Pillat cảm động.
Điều này sẽ không đến với chúng ta. - Anh nói - Chúng ta sẽ đi di dân hợp pháp. Di dân hợp pháp là đủ rồi, nhiều rồi.
IV
Pierre Pillat được phép di dân sang Venézuela. Anh chỉ còn đợi tàu đến để khởi hành. Cuộc chiến đấu hàng ngày để tồn tại thật gian khổ và tủi nhục. Hy vọng sắp được làm việc giúp họ có can đảm. Marie và Pillat chờ đợi giây phút đó tại khách sạn của ông Dufout.
Một buổi sáng, vào lúc năm giờ, có người đập cửa phòng họ, đập mạnh, nghe rõ từng cú đấm.
Họ ở Paris đã được ba tuần. Họ có giấy phép cư trú và không làm gì xấu, phạm pháp, thế mà cảnh sát lại đứng trước phòng họ, Pillat run rẩy. Anh mở cửa. Hai cảnh sát dân sự và hai quân cảnh mặc đồng phục đứng sẵn ở phòng trước.
- Cho xem giấy tờ. - Người cảnh binh thứ nhất ra lệnh.
Pillat tìm giấy chứng nhận cư trú tại Pháp, một mảnh giấy mỏng như giấy vấn thuốc lá và trao cho viên cảnh binh.
- Ông không có giấy tờ nào khác à?
- Ở Rumani, chúng tôi có đủ cả. - Pillat nói.
Marie mặc quần áo dưới chăn. Cửa phòng bật mở. Bốn người cảnh sát theo dõi từng cử chỉ của họ.
- Ông không có giấy tờ nào khác bằng tiếng Pháp à?
- Không. - Pillat nói.
Anh bắt đầu mặc quần áo.
Marie ôm kín đầu trong hai bàn tay và thân thể cầu nguyện: “Chúa ơi, xin làm cho họ đừng bắt chúng con. Chúa ơi, xin cho chúng con tránh khỏi sư bắt bớ”.
- Hãy thay quần áo và đi xuống. - Một cảnh binh ra lệnh.
Hắn xếp hai tờ giấy mỏng lại và cất vào túi.
- Chúng tôi bị bắt à? - Pillat vừa thắt cà vạt vừa hỏi.
- Đúng. - Tên cảnh binh nói - Mặc quần áo nhanh lên! Nhanh lên chứ!
- Các ông sẽ giữ chúng tôi lại lâu không? Chúng tôi cần mang theo gì không? Tại sao các ông bắt chúng tôi?
Tên cảnh binh đốt một điếu thuốc, hắn đứng dựa vào tường. Cửa mở rộng.
- Chúng tôi đã làm gì để phải bị bắt? - Pillat lại hỏi - Giấy phép của chúng tôi không hợp lệ à?
- Đi xuống. - Tên cảnh binh ra lệnh.
Hắn đóng cửa phòng lại và giao chìa khóa cho ông Dufout.
Con gái và vợ ông Dufout đã thức dậy. Họ nhìn Marie và Pierre đang bị cảnh sát bao vây.
Ông Dufout không nói gì cả, ông cầm lấy chìa khóa, nhìn Marie và Pierre với vẻ khinh bỉ. Đó là sự khinh bỉ của một người tự do đối với một tên tù. Ông Dufout biết rõ là không bao giờ ông bị bắt như thế, con gái ông và cả vợ ông cũng không bao giờ bị bắt. Những chuyện như thế chỉ đến với những người ngoại quốc thôi.
- Chúng tôi đã làm gì? - Pillat lại hỏi nữa - Tại sao bắt chúng tôi?
Tên cảnh binh không trả lời. Hắn dẫn Marie và Pillat đến Nha cảnh sát. Họ phải leo bộ lên tầng lầu thứ năm. Lúc đó là sáu giờ sáng. Hắn giam họ vào một căn phòng. Pillat tự hỏi không biết vợ chồng anh phạm tội gì? Giấy phép cư trú của họ đã bị tịch thu. Đến mười một giờ, họ bị gọi đến văn phòng một vị thanh tra đáng mến. Ông mời họ ngồi.
- Nếu còn vi phạm nữa thì ông bà sẽ bị trục xuất. - Viên thanh tra nói.
Marie khóc.
- Chúng tôi được chấp thuận cho di dân sang Venézuela.
Pillat nói - Trong vòng mười lăm hôm nữa chúng tôi sẽ đi. Hiện nay chúng tôi đang đợi tàu. Chúng tôi không làm gì bất hợp pháp cả. Tại sao các ông bắt chúng tôi.
Marie nhìn mãi mấy ngón tay đầy mực tàu đen thui. Ngay sau khi đến Nha cảnh sát, họ bị lấy dấu tay và những vết mực tàu vẫn còn trên các ngón tay.
Đó là những dấu vết của sự tủi nhục.
Marie kỳ cọ các ngón tay và khóc nhưng mấy vết mực đã ăn vào da, có thể nói là chúng ăn sâu vào thịt. Cô ra sức kỳ cọ, mấy vết mực vẫn còn y nguyên.
- Tôi phải gửi ông bà đến chỗ tạm giam. - Viên thanh tra nói.
Marie mở lớn mắt.
- Ông bà không biết chỗ tạm giam là gì hả? Đó là nhà tù. Tôi phải gửi ông bà đến đó. Nhưng vì đây là lần đầu tiên ông bà vi phạm nên tôi tha cho ông bà chỉ phải trả tiền phạt thôi.
- Chúng tôi vi phạm điều gì vậy? - Marie hỏi.
Pillat nghĩ là nếu vợ chồng anh bị phạt tiền và anh không có tiền để trả thì tiền phạt sẽ biến thành lệnh giam giữ.
- Ông đã không khai với cảnh sát chỗ ở của ông. - Viên thanh tra nói.
- Ngày đầu tiên đến Paris, chúng tôi ở một ngày tại khách sạn “Con mèo câu cá”. Sau đó chúng tôi dọn đến ở khách sạn của ông Dufout vì tiền trọ rẻ hơn. Khách sạn Dufout nằm cùng đường với khách sạn “Con mèo câu cá”, chỉ cách hai số nhà. Chúng tôi ở lại đây từ ngày chúng tôi đến Paris.
- Ông bà vi phạm điều luật ba mươi mốt tháng mười hai năm một chín bốn bảy liên quan đến việc khai báo chỗ ở của người nước ngoài. Ông bà là người nước ngoài. Mọi thay đổi chỗ ở, dù thay đổi như ông bà đã làm, từ nhà này sang nhà khác, đều phải được khai báo với cảnh sát. Cảnh sát Pháp để ông bà tự do và không tìm cách gây gổ, kiếm chuyện với ông bà như cảnh sát các nước khác nhưng cảnh sát Pháp muốn để mắt đến ông bà. Hợp lý chứ? Ông bà là những thành phần được cảnh sát chăm sóc, theo dõi liên tục ngày và đêm. Mỗi người nước ngoài ở tại Paris đều được cảnh sát theo dõi, làm sao cảnh sát để mắt đến ông bà được nếu ông bà thay đổi chỗ ở mà không khai báo.
Marie lại kỳ cọ bàn tay, cố chùi sạch các vết mực. Pillat nhìn vào mắt viên thanh tra.
- Ông bà có thể đi. - Viên cảnh binh nói - Nhưng đừng quên khai báo với cảnh sát mỗi lần thay đổi địa chỉ.
Pillat cảm ơn anh ta đã không đưa anh đến nhà giam tạm.
Họ đi ra và vội vã về khách sạn để tắm rửa. Hương vị các hành lang của Nha cảnh sát đã thâm nhập quần vào áo họ.
- Ông bà gặp may đó. - Ông Dufout nói khi thấy họ trở về - Chỉ ở Pháp cảnh sát mới dễ thương như thế với người ngoại quốc.
Marie cố giấu mấy ngón tay nhưng mấy người con gái của ông Dufout cứ nhìn chúng. Con gái ông Dufout có những ngón tay trắng, sạch sẽ. Họ chưa bao giờ đến Nha cảnh sát và chưa bao giờ bị lấy dấu tay. Họ chưa bao giờ bị buộc phải nhúng tay vào mực tàu.
Tận đáy lòng mình, Marie cảm thấy nhục nhã vì có những ngón tay bẩn. Con gái ông Dufout có bàn tay sạch sẽ, tinh khiết và Marie. ganh với họ vì cô đã không còn có sự thanh khiết, sạch sẽ đó. Cô giấu những ngón tay rồi lại khóc vì cô vừa ở đồn cảnh sát về. Cô ta, Marie, đã đến đồn cảnh sát, cô đã bị bắt. Nước mắt nhỏ dài trên má.
- Tôi đã nhiều lần cấm ông bà không được chuẩn bị bữa ăn trong phòng. - Ông Dufout nói - Ông bà làm bẩn tường và sàn nhà.
Chìa khóa phòng họ không có trong hộc. Hành lý vất lộn xộn dưới đất trong văn phòng khách sạn, quần áo bẩn, một bếp lò nấu cồn và vài củ khoai. Đó là những tang vật. Tất cả mấy thứ này được chồng đè lên trên hành lý. Ông Dufout đã lấy tất cả đồ đạc trong phòng họ và đưa xuống văn phòng. Ông để những tang vật lên trên: mấy củ khoai, bánh mì khô và một gói mỡ đông đặc.
- Tôi tìm thấy khoai, bếp lò và xoong chảo. - Ông Dufout nói - Ông bà làm bếp ở trong phòng mặc dù tôi đã cấm một cách nghiêm ngặt. Tôi không thể cho ông bà trọ trong khách sạn tôi nữa. Hãy trả phòng lại và tìm nơi khác.
- Thưa ông Dufout, thưa ông... - Pillat nói.
- Một nhượng bộ cuối cùng; ông bà sẽ ở tầng thứ sáu và hãy hứa là không nấu ăn nữa, hứa chứ?
Ôm mấy gói đồ đạc trong tay, Marie và Pillat leo mấy bậc thang lên tầng lầu sáu. Để chứng tỏ không nấu ăn nữa, Pillat bỏ mấy củ khoai lại văn phòng. Ông Dufout ghê tởm quẳng chúng vào sọt rác.
Con gái ông Dufout nhìn Pillat leo mấy bậc thang giống hệt như anh ta leo lên đồi Golgotha và Marie khóc.
Vào trong phòng, Marie ngồi xa chồng. Cô rửa tay thật lâu trong chậu nước. Cô chà xát thật mạnh nhưng các vết mực không bay hết. Marie không thể tẩy hết các vết mực.
- Một tuần lễ nữa sẽ là lễ Phục Sinh. - Hôm nay bắt đầu tuần thánh. Pillat nói.
Cả hai người đều nghĩ đến Rumani.
Tuần lễ trước ngày Phục Sinh, các hội từ thiện tỏ ra rộng rãi, hào hiệp hơn thường ngày. Pillat nhận tiền của các giáo sĩ tẩy lễ người Mỹ [1]. Anh trả tiền phòng cho ông Dufout. Họ cũng muốn thực hiện một giấc mơ chuẩn bị một con gà cho lễ Phục Sinh. Trong lúc đi lang thang bị lưu đày, họ nghĩ là chẳng bao giờ họ được ăn một con gà quay. Bây giờ đây, sau khi trả tiền phòng, họ vẫn còn tiền và họ có thể thực hiện ước muốn của những ngày đói khát, của những đêm dài đằng đẵng họ mơ tưởng đến khoai, đến bánh mì, đến bơ trong khi họ chỉ có nước lã để dằn cơn đói.
Ngày thứ sáu tuần thánh, họ mua nửa con gà và khoai. Đối với họ, chi tiêu như thế không khác gì tiêu phí cả một gia tài nhưng họ nghĩ là họ sắp đi Venézuela và họ có thể tự cho phép xài phí một ít.
Thứ sáu tuần thánh, Pierre Pillat giữ chay tuyệt đối, không ăn một miếng bánh cũng không uống một giọt nước. Anh cầu xin Chúa phù hộ cho vợ chồng anh được di dân đến Venézuela, tại đó họ có thể làm lại cuộc đời. Họ cần cho sự an nghỉ của vong hồn Doina Australia mà ngôi mộ nằm lại trên mảnh đất Đức buồn bã. Họ cầu cho Ion Kostaky đang ở xa, có lẽ là bên kia đại dương, cầu cho Ileana có thể hiện đang ngồi tù, cầu cho cả trăm triệu người bị quẳng ra đường hôm sau ngày Chiến thắng, đi lang thang không nhà cửa, không nơi nương tựa trên mặt địa cầu hay bị đọa đày, đau khổ trong các nhà tù. Họ nghĩ đến Eddy Thall, họ cầu nguyện cho Motok đang sống giữa lũ rắn, cầu cho Ante Petrovici hiện đã giàu có ở Achentina, nhưng từng giây phút có thể bị bắt vì chân phải ông ta thiếu vài phân; và họ cầu cho Varlaam đang chiến đấu cho Israel.
Buổi tối vắng lặng. Hình như thời gian không trôi qua theo đồng hồ của cái tháp đối diện với khách sạn, cũng không được tính toán theo đồng hồ đeo tay của các con gái ông Dufout, cũng không theo đồng hồ của mấy ông cảnh binh và mấy chiến sĩ. Đây là một thời gian trôi qua và được đo tính bởi chiếc đồng hồ vĩ đại của sự vĩnh cửu, một đồng hồ không tính toán thời gian theo giây và theo phút.
Ở đâu đó, xa xưa trong thời gian, người ta hạ xác đấng cứu thế xuống mồ. Người ta cảm nhận sự mệt mỏi của hàng trăm triệu người đang leo lên đồi Golgotha trên mặt địa cầu, bầm dập vì cái quyết định của những hiệp ước hòa bình cũng như vì những cái đinh đóng vào da thịt họ và họ chờ đợi được hạ xuống khỏi thập tự giá lưu đày và chôn vào lòng đất tổ quốc.
Tối đến, Pillat lấy lò nấu cồn và bắt đầu chuẩn bị bữa ăn.
Trong bóng tối, con gà đang được quay trên chảo. Họ đói bụng lắm nhưng muốn giữ chay đến lễ Phục Sinh. Marie dựa đầu lên vai Pierre. Họ không nói gì cả. Không có luồng ánh sáng nào khác ngoài ngọn lửa nhỏ, xanh biếc của bếp lò. Cửa sổ mở. Họ mơ mộng trong im lặng. Marie ngủ mơ màng. Pillat tắt lửa bếp lò Anh nằm dài cạnh Marie và ôm cô vào lòng. Họ vừa ôm nhau nằm ngủ mơ màng như thế vừa nghĩ đến Venézuela, xứ sở tương lai của họ, nghĩ đến Chúa Jesus và sự sống lại của Ngài. Đây là một đêm thanh khiết nhất trong đời họ. Pierre ngủ với nụ cười còn đọng trên môi. Khi tỉnh dậy, anh ngẩng đầu nhìn qua cửa sổ và thấy ánh sáng bình minh. Ai đó đập mạnh phía ngoài cửa. Một giọng nói hét to:
- Mở cửa! Cảnh sát! Mở cửa!
Mấy cú đấm trên cửa dồn dập hơn. Người ta lập lại lệnh mở cửa. “Giấy phép cư trú của chúng ta hợp lệ”. Pillat nghĩ. “Tại sao cảnh sát trở lại? Chúng ta đã làm gì bất hợp pháp mà cảnh sát trở lại?”
Marie nhảy ra khỏi giường. Cô muốn thay quần áo trong bóng tối. Cô chưa tìm thấy quần áo.
- Mở ra! Cảnh sát. - Giọng nói lại hét lên ở ngoài cửa.
Người ta nghe nhiều giọng nói khác ngoài hành lang rồi những bước chân. Marie muốn giấu cái chảo và cái lò, Pillat bật đèn.
- Khoan mở đã anh. - Marie nói - Một phút nữa thôi.
Cô tìm cái áo nhưng vẫn chưa tìm thấy. Chưa bao giờ cô thất vọng và sợ hãi như lúc này: cả khi người Nga đến, cả khi họ ở trong rừng, cả khi họ bí mật vượt biên giới. Chưa bao giờ cô sợ đến thế này.
- Cảnh sát! Mở nhanh lên!
- Họ lại bắt chúng ta. - Marie nói - Em không muốn họ bắt chúng ta. Không.
Cô níu chặt cánh tay Pierre.
- Anh phải mở cửa, em hãy bình tĩnh thay quần áo đi. Anh phải mở cửa.
- Cảnh sát an ninh. - Giọng nói ngoài cửa hét to - Mở ra!
Marie đưa tay che mắt và đến gần cửa sổ. Cô run rẩy toàn thân giống như cánh cửa rung rinh khi mấy tên cảnh binh đập mạnh và ra lệnh mở. Cô cảm thấy nắm tay đấm vào cửa như đấm vào người cô, cô cảm thấy những cú đấm ở trán, ở ngực, ở đỉnh đầu. Mọi chuyện xảy ra với một sự mau lẹ choáng váng.
Marie không thể chịu đựng nổi nữa. Cô lấy tay bịt mắt lại, vừa bịt cô vừa ước ao không nhìn thấy gì nữa cả, không gì nữa cả.
Và thân hình cô cúi xuống trên thành cửa sổ, phía bên ngoài, giống như cây nến cong gập lại trong ngày lễ Phục Sinh khi trong nhà thờ quá nóng vì người ta đang cử hành lễ Chúa sống lại. Đơn giản là cô ta cong người lại. Mọi việc xảy ra hết sức mau lẹ... thân hình cô cong lại, run rẩy, chảy ra. Marie chưa bao giờ làm một cái gì phức tạp, khó khăn. Cô không tự bảo vệ nữa. Cô để cho thân thể mềm nhũn ra giống cây nến chảy và thân hình cô rơi xuống, mềm nhũn, rơi sang phía bên kia cửa sổ rơi từ tầng lầu sáu xuống đường cái.
Tất cả đã xảy ra hết sức đơn giản.
Khi Pillat quay đầu lại, Marie không còn trong phòng nữa.
Anh vội chạy lại phía cửa sổ. Anh quay lưng lại phía Marie đúng ngay lúc mở cửa cho mấy tên cảnh binh. Anh nghe một tiếng động. Một tiếng động nặng nề, xa xa phía ngoài đường.
Anh nhìn xuống. Trước khách sạn của ông Dufout người ta thấy cây đèn gaz thắp sáng, lề đường và xác Marie dập nát, bất động giống như vết mực loang trên đường nhựa. Vài khách qua đường chạy lại dưới ngọn đèn trước khách sạn.
Hai cảnh sát, một người là dân sự và người kia mặc quân phục đi vào phòng Pillat. Họ bật đèn sáng và để cửa mở rộng.
Pillat đang cúi xuống bên cửa sổ.
- Chuyện gì vậy? - Tên cảnh binh hỏi vẻ nghi ngờ và nghiêm khắc - Có chuyện gì thế?
Hai cảnh binh tiến lại gần cửa sổ và nhìn xuống lề đường.
- Chuyện gì xảy ra thế?
Mấy cảnh binh nhìn xác Marie. Người ta nghe nhiều tiếng la to, đám đông tụ tập lại.
- Cô ấy nhảy từ cửa sổ này à?
Pillat cảm thấy bàn tay người cảnh sát đẩy anh ra giữa phòng. Anh nghiến chặt răng, không nghĩ đến điều gì nữa cả.
Anh chỉ nghiến chặt răng như muốn nghiền nát chúng.
- Ai thế? - Tên cảnh binh hỏi - Cô ta nhảy xuống từ đây à? Trả lời đi!
Cửa phòng ngủ để mở. Khách trọ thức giấc chạy đến vây kín hành lang. Nhiều bước chân chạy nhanh lên lầu sáu, nhiều người, nhiều lắm.
Pillat muốn ra khỏi phòng và đi xuống.
- Không được động đậy. - Tên cảnh sát dân sự ra lệnh. Hắn nắm lấy vai Pillat. - Mày đi đâu?
Pillat muốn vùng khỏi nhưng tên cảnh sát kia đã tóm lấy ngực anh. Giờ thì Pillat hiểu ra là mọi cố gắng đều vô ích.
Không có gì lệ thuộc vào ý muốn của anh nữa. Kể từ khi anh bị lưu đày, chuyện đó đã trở thành quen thuộc rồi, không có gì lệ thuộc vào anh nữa hết. Anh đã là một tên tù và anh lại là một tên tù.
- Tên mày?
- Pillat. - Anh nói.
Mắt nhắm kín nhưng anh vẫn thấy thân thể Marie dập nát, nằm dài bên lề đường, ngoài ra anh không nhìn thấy gì nữa cả.
- Giấy căn cước của mày? - Tên cảnh sát ra lệnh.
Pillat lục túi làm như thể anh đang mơ vậy. Tên quân cảnh nắm vai anh và theo dõi từng cử chỉ của anh. Tên cảnh sát kia đóng cửa sổ lại và cầm lấy tờ giấy mỏng như giấy vấn thuốc lá. Đó là giấy chứng nhận cư trú ở Pháp nhưng không phải giấy của Pillat mà là của Marie. Giấy của Pillat ở mặt bên kia vì hai tờ giấy được dán vào nhau.
- Cô ta là Marie Pillat à?
- Chính cô ta. - Pierre nói.
Môi anh chảy máu. Anh đã cắn môi và giờ đây khi vết đau ở môi bị cắn nhập vào thân xác anh, anh mới khóc.
Tên cảnh sát dân sự đọc giấy chứng nhận cư trú. Hắn nhìn tên kia và tỏ vẻ thất vọng. - Không phải hắn ta. - Tên cảnh sát dân sự nói (hắn quay qua Pillat) - Phòng anh số bao nhiêu?
- Sáu không bốn. - Pillat nói.
Từ đường phố vang lên tiếng la hét, tiếng còi xe, tiếng máy nổ và nhiều giọng nói.
Hành lang phía trước phòng đầy nghẹt người. Cửa phòng mở ra.
- Tên Hy Lạp mà chúng ta kiếm ở phòng số năm không bốn. - Tên cảnh binh nói.
Hắn nhìn tờ giấy với các tên ngoại quốc bọn chúng muốn kiếm.
- Chúng ta đã lộn tầng lầu.
- Một sự nhầm lẫn tầng lầu. - Tên quân cảnh lập lại.
Pillat lại muốn đi ra.
Tên cảnh sát nắm vai anh. Anh muốn đi đến phía cửa sổ.
Một bàn tay giữ lấy vai anh. Anh là một tù nhân.
- Vợ mày à? - Tên cảnh sát dân sự hỏi.
- Vợ tôi. Pillat nói.
- Tại sao cô ta làm vậy?
Pillat nhìn bộ quân phục của tên cảnh binh đang nắm vai anh và không trả lời.
- Tại sao cô ta làm thế? - Tên cảnh binh lại hỏi. Hắn có vẻ buộc tội, nghiêm khắc, độc đoán. Hắn muốn có câu trả lời và lặp lại câu hỏi.
- Tại sao cô làm vậy? Anh chị gây gổ nhau à?
- Chúng tôi không gây gổ nhau. - Pillat nói.
- Tại sao cô ta nhảy qua cửa sổ, trả lời mau, tại sao?
Pillat nắm chặt tay, nghiến chặt răng. Da thịt anh se thắt lại Tim anh se thắt lại cũng giống như răng anh, tay anh.
- Chuyện gì đã xảy ra?
Tay tên cảnh binh, như một cái móc, túm chặt lấy vai Pillat.
- Nhầm lẫn tầng lầu. - Pillat nói và anh cắn môi đến chảy máu.
Anh còn nói:
- Một sự nhầm lẫn tầng lầu, tầng lầu.
Anh nhìn cái chảo có con gà quay. Anh nhìn ánh sáng lan tỏa óng ánh trên đại học Sorbone và trên điện Pouthéoz. Rồi anh bật khóc nức nở. Anh không kiềm giữ nổi nữa.
- Nhầm lẫn tầng lầu, không gì nữa hết, nhầm lẫn tầng lầu.
Chân anh đá trúng cái chảo. Mỡ đổ, loang lổ trên nền căn phòng của ông Dufout làm thành một vệt lớn dính chặt vào đó, và không bao giờ có thể tẩy sạch được, không bao giờ.
- Chúng tôi giữ ông lại để điều tra. - Tên cảnh sát nói.
Bàn tay nắm chặt vai anh giờ lại đẩy anh ra khỏi phòng, phía cầu thang.
Trước khách sạn có một xe cứu thương. Xác Marie nằm bất động trên nền nhựa. Pillat vùng thoát và chạy bay lại phía Marie.
Nhưng xung quanh có mấy tên cảnh sát với áo khoác đen như cánh quạ, đã đứng thành vòng tròn. Có rất nhiều cảnh sát.
Nhiều tên khác đi bằng xe đạp, áo choàng giống như những cánh chim mở rộng. Chúng đến từ phía phải, phía trái và chạy lại vây quanh Marie nằm chết trên vệ đường. Chúng đến bằng xe đạp với những đôi cánh căn phồng giống hệt những con chim buồn thảm sặc mùi chết chóc.
Xác Marie được đặt lên xe cứu thương đang xa dần.
Những tên cảnh sát với áo choàng đen như cánh quạ sặc mùi máu đi xe đạp theo sau xe cứu thương. Chúng đi theo xác chết của Marie và đến góc đường chúng biến mất nhưng để không cách quá xa chiếc xe cứu thương, chúng đạp nhanh cái chân đạp. Mấy ông cảnh sát đó tỏ vẻ buồn thương những gì đã xảy ra. Họ cảm động.
Người Pháp thường hay khổ sở và luôn luôn rung động khi có một tai họa gì đó đến với một người đàn bà trẻ. Tâm hồn của họ là như thế.
Một vệt máu lớn chảy dài trước khách sạn ông Dufout, gần cái bếp gaz. Hai con mèo của ông Dufout đi ra đường.
Chúng đến gần vệt máu và muốn liếm vệt máu đó. Hai cô con gái ông Dufout lấy làm kinh tởm nên gọi mèo vào nhà. Các cô cho mèo uống sữa để chúng không uống máu người đàn bà chết. Kế đó, bà Dufout mang một xô nước và cái bàn chải đến, bà chùi sạch máu của kẻ đã tự vận để máu đó không còn cám dỗ được mấy con mèo nữa.
- Em thật có lý vì đã lau vệt máu. - Ông Dufout nói - Em thật có lý, thật đúng. - Và ông ta nghĩ “Những người ngoại quốc. Ôi họ chỉ gây cho ta mọi nỗi phiền toái. Thật vậy, nếu ta gặp những phiền toái, những bực bội thì đó là do lỗi của họ, hoàn toàn do lỗi của họ”.
Chú thích:
[1] Poftisnie: tẩy lễ giáo phái - chủ trương rửa tội người lớn chứ không rửa tội trẻ con.
Cơ May Thứ Hai Cơ May Thứ Hai - Virgil Gheorghiu Cơ May Thứ Hai