Số lần đọc/download: 6603 / 112
Cập nhật: 2015-01-27 23:02:27 +0700
Chương 8 -
C
hú Tưởng là bạn đi làm với thày tôi ở sở bán bánh tây ngày trước. Chú khoảng ba mươi tuổi, người gầy, lom đom như lúc nào cũng đeo bệnh đau bụng sốt rét trong mình.
Ngày thày tôi ở nhà, tôi có xuống chú Tưởng vài lần. Nhà chú ở giữa phố Hàng Mã. Một gian bán các thứ linh tinh, mà tôi không thể gọi đúng tên hiệu. Những cái lọ bé như lọ dầu bạc hà. Những cái chai thuỷ tinh xanh to như cái vò. Lại những cái chuông xe đạp, những hòn bi sắt những mảnh thiếc vụn.
Trên tường, treo các đôi giầy tây cũ. Lại mấy chiếc lốp ô tô đã mòn. Các thứ ấy đều để bán cả. Những cái vứt đi, nhưng người mua cần thì lại bán được tiền. Mỗi lần xuống chơi, thày tôi lại cười nói với chú Tưởng:
- Tôi cho cháu làm con nuôi chú. Sau này nhờ giời, cháu có được nên người, trăm sự nhờ chú cả.
Bây giờ tôi phải xuống ở nhà chú Tưởng. Nói sao hết được nhớ thương buổi ra đi. Đứng trong sân thì Kẻ Chợ ở phía gốc cây dừa. Những đêm tối trời, tôi trông thấy ánh sáng thành phố đỏ sạm đằng góc trời đó. Nào có đâu xa, mà bước chân ra khỏi ngõ, nước mắt đổ hai hàng. Tôi gắng lắm mới khỏi khóc to. Bởi còn níu được chút hi vọng, những phiên u tôi đi chợ thể nào cũng ghé vào và thế nào cũng có quà. Ra khỏi đầu tường, bà tôi dặn u tôi:
- Nhớ vào, nhả?
Tưởng vào đâu, hoá bà tôi dặn vào rừng Ông Cụ. Đầu làng tôi có một cái miếu trong đám cây ruối bùm tum. Miếu thờ một con hổ bằng đá. Gọi là rừng Ông Cụ. "Ông Cụ" ngồi rụm hai chân sau, nhìn ra, trong cái hang gạch. U tôi cầm cái dùi, thỉnh mấy tiếng côông côông vào cái chuông bé như chiếc bát úp treo lủng lẳng trên cái rễ si ngoằn ngoèo thò xuống. U tôi xuýt xoa lễ. Tôi ngả mũ, cũng chắp tay lễ. Tôi nhìn ông Cụ Mắt ông Cụ bằng đá, cũng trắng xanh nhệch nhạc. Ông hổ mà trông xoàng như con mèo.
Thế là tôi ra Hàng Mã. Lúc u tôi ra khỏi cửa nhà chú Tưởng, tôi dân dấn nước mắt. Chú Tưởng bảo:
- Cháu cất mũ vào trong nhà mà ngồi chơi.
Tôi ngoan ngoãn đem mũ và bọc quần áo vào để bên khe tủ chè. Cái Hiến đứng cạnh đấy, nói trống không:
- Cất ở trong nhà cơ?
Chú Tưởng bảo cái Hiến:
- Hiến dẫn anh vào.
Cái Hiến thấp hơn tôi, kém tôi một tuổi. Người nó quắt queo, chân tay khô khẳng như cây hóp. Mặt nó xám, môi cong tớn. Hai con mắt trắng nhả, chô chố. Đầu mới có ba cái tóc ranh mà hay chít khăn vắt vẻo. Nó lại mặc áo dài nâu, hai vạt trước thắt quả găng. Nó đi lấy dáng. Cái tay ve vẩy. Nó là con chú Phúc. Bà cụ sinh ra chú Tưởng được ba người con trai. Anh cả là chú Phúc. Thỉnh thoảng, chú bận áo the dài, lê giầy lẹp xẹp xách cái khăn gói vải đỏ về quê. Tôi không thấy vợ chú ra đây bao giờ. Chú mới được có một mình cái Hiến. Người thứ hai là chú Tưởng. Chú Luyến bé rốt. Chú Luyến còn đi học.
Cái Hiến đưa tôi đến một căn buồng dài bầy biện đồ thờ đỉnh nến sang trọng. Nhưng chúng tôi chỉ đi qua - đấy là nhà khác, rồi lại vào một mảnh sân nhỏ, hôi, ướt láp nháp. Nó đẩy cánh cửa cuối sân, trong buồng kê hai cái phản và một cái bàn bằng thùng gỗ vừa khít. La liệt sách vở quyển to quyển nhỏ chồng đống. Trước bàn, chú Luyến cởi trần, đương đọc sách. Nghe tiếng kẹt cửa, chú Luyến ngửng đầu lên. Ngực chú gày tóp, hằn từng đốt xương sườn. Thoạt thấy chú, tôi có cảm tình ngay. Tướng gầy thế này mới ra tướng học trò. Chú Luyến hỏi cái Hiến:
- Đứa nào thế?
Hiến đáp: “Thằng cu Bưởi”.
- À!
Rồi chú lại cúi xuống quyển sách. Tự dưng tôi có tên là thằng cu Bưởi. Tôi nhìn Hiến. Nó không biết nỗi ngạc nhiên của tôi. Nó cầm cái mũ và bọc quần áo của tôi nhét xuống gậm bàn. Nó lại bảo tôi ra cửa hàng. Tôi lùi lũi ra.
Cái nhà của chú Tưởng chia làm ba chủ ở. Giữa hai mặt phố có một gác nhỏ. Ông phán chủ nhà ở cái góc nhỏ ấy với một phòng giữa tôi vừa đi qua vào nhà trong. Thấy đồ đạc lỏng chổng với một gian chéo thót ba góc, đó là cửa hàng chú Tưởng và cái nhà xép này. Cạnh gian đó, hàng nhà bà Thấp. Thành thử, về gian trong nhà chú Tưởng có hai lối, qua nhà giữa, hoặc vòng hè phố, nhờ cửa hàng bà Thấp.
Bà Thấp, người đúng như tên, thấp bè bè. Mặt bà múp míp như chiếc âu đồng đỏ. Mắt bà tròn, mũi cũng tròn như cục thịt, đến cái miệng lại tròn nốt, gần hệt một đồng xu. Tất cả người bà phình phình tựa một cái thúng to. Bà bước vòng kiềng và đưa từng bên người đi một, lặc lè như vịt bầu. Lúc bà nói, mặt bự lắc lư sang hai bên, đều đặn như mặt quân đèn cù máy tóc. Cửa hàng bà bán đồ sắt vụn, sắt gẫy chồng chất đầy đống lên đến trần nhà, chỉ chừa một lối đi vào.
Bà Thấp ngồi trên cái giường trong cùng, bên cạnh cơi trầu, đen sẫm, lẫn với màu sắt rỉ. Suốt ngày, bà nhai trầu tóp tép. Ngồi bên này, thỉnh thoảng mới nghe tiếng bà nói với khách mua, có khi bà mắng cậu Tịnh. Bà mắng yêu, bao giờ cũng một câu:
- Này tôi bảo cậu, me nuôi cậu nhớn bằng ngần ấy rồi cậu đã làm được cái tình chung gì cho me nhờ chưa? Ừ, cậu đã làm nổi cái tình chung gì chưa? Hay là ngày hai bữa rồi xe đạp với đánh đàn tầu?
Mẹ mắng, cậu Tịnh chỉ cười rinh rích. Cậu cười, chìa ra cả một hàm răng mái hiên. Mặt cậu đen bóng như bôi dầu. Tóc thì trơn mượt, lật úp ra đằng sau. Đôi khi không chải cánh gà, tóc xoà vòng xuống hai bên mang tai. Bà Thấp được có một mình cậu Tịnh. Cậu Tịnh cũng bằng trạc tuổi chú Luyến. Nhưng cậu không đi học. Sáng ra, vừa bảnh mắt, cậu đã đánh đàn. Nhưng cậu có cái đàn tầu tròn xoe treo trên tường. Cứ đàn cả ngày. Cậu ôm đàn, nghẹo cổ, tay gẩy liên liến, tay nhấn dây rối rít. Tiếng đàn cũng nhảy nhót tính tính rối rít. Có khi cậu rủ một lũ bạn đến. Mỗi cậu một cái đàn tầu cầm tay. Những người đi đường đứng lại, ngó vào xem. Bà Thấp chỉ cười khì. Nhiều lúc cậu Tịnh tay đàn, miệng hát đưa theo tính tình tình tình tình tinh... Tôi nhớ nhất và cũng thích nhất cái bài điệu ma đờ lông hay bình bán gì đó có hai câu: Bưởi, hồng, cam, quít, dứa, na... Táo, dứa, mận, dâu gia hồng bì...
Lúc nào không nghe tiếng đàn cậu Tịnh, thì tôi đoán chắc cậu ra ngắm xe đạp. Tôi hé cánh cửa, nhòm xuống sân bếp. Y như rằng cậu Tịnh đang hí húi với cái xe đạp. Cậu lau. Cậu cho dầu. Cậu tháo vành bánh xe treo lên. Cậu lắp lại xích. Xe cậu là xe cuốc, một tay nhấc lên được. Tối tối, ăn cơm xong, đánh đàn tầu một lúc, cậu vác xe đạp đi tập. Sáng hôm sau, cậu sang nói với chú Luyến những chuyện tối qua trên Bờ Sông cậu chạy đội xếp bắt đèn. Cậu nói cậu đạp rất hay kỳ thi này cậu sung sức ngang cua rơ Bổng. Hồi đó, cua rơ Bổng ở Hàng Đậu đương nổi tiếng nhất Bắc Kỳ.
Có cuộc thi xe đạp vòng quanh Hồ Tây. Cậu Tịnh tập riết, đêm khuya lắm mới gọi cửa. Sắp đến ngày thi, cứ ăn xong cậu lại đi nằm dưỡng sức. Không ai nghe tiếng đàn tầu.
Hôm thi, cậu mặc áo đỏ, quần đùi đen thêm một ông sao trắng và đội mũ nồi trắng có quai buộc xuống cằm. Trước ngực đeo hai bầu nước mang ống cao su bắt lên miệng. Vai quàng vắt đôi săm mới. Khắp người cậu bôi dầu nhờn, bóng nhẫy như pho tượng đồng đen. Cậu dắt xe đi. Chú Luyến cũng đi theo để đẩy xe cho cậu Tịnh lúc các cua rơ sắp hàng bắt đầu chạy.
Độ giữa trưa đã thấy cậu Tịnh tò tò về. Cả xe đạp nằm trên cái xe cao su người kéo. Cậu ngồi trong xe mặt tái mét.
Lúc xe đỗ, anh cu-li phải khiêng hộ cậu cái xe cuốc đem dựng vào trong cửa. Cậu lò rò vào giường, nằm thẳng cẳng, mắt cứ trừng trừng lên trần nhà.
Đâu cậu đạp được có hơn một vòng hồ đã chối tê hai đầu gối. Cậu đuổi, đuổi, đuổi mãi. Cậu cố, cố. Sau lử dần và càng bét hơn, đành phải bỏ cuộc.
Luôn một độ cậu Tịnh không mó đến xe đạp và nhắc tới chuyện xe đạp. Lại chỉ đánh đàn tầu. Dần dà, cậu lại vác xe đi tập đêm và đe với chú Luyến rằng chuyến này cậu chạy hay tuyệt, so với phượng hoàng Lê Thành Các được.
Sang năm sau, lại có đua xe đạp vòng Hồ Tây. Cậu Tịnh đóng đủ lệ bộ và lại bôi dầu nhờn khắp người. Chú Luyến tôi vẫn theo đi để đẩy xe đạp cho cậu.
Lần này, mãi đến tận chiều, cậu Tịnh mới về nhà. Cậu cũng ngồi xe cao su như năm ngoái. Nhưng anh cu-li phải cõng cậu từ ngoài hè vào trong cửa. Hai đầu gối cậu choẹt ra, bê bết máu. Bà Thấp hoảng hốt khóc lu loa.
Cậu đạp được hai vòng hồ thì bị người ta chèn cậu ngã. Cậu không kịp rút chân khỏi cái mõm bê-đan. Cậu ngã giáng hai đầu gối xuống mặt đường đá. Tưởng gãy xương? May, chỉ toét máu.
Lâu lắm không thấy cậu bàn chuyện chơi xe đạp. Cậu lại chỉ đánh đàn tầu. Cái ghi đông cuốc cậu đem mắc cong ngược lên như hai cái sừng trâu. Chiều chiều đạp quanh mấy vòng hồ Hoàn Kiếm, cậu đi hóng mát...
Ông Phán chủ nhà có ba người con, cậu Tuyên và cô Chi. Còn người lớn nhất đã lấy chồng. Không ai gặp ông Phán mấy khi. Bởi ông ở trên gác cả ngày. Gác có cái cửa sổ ngó ra sân bếp. Tôi ngồi rửa bát dưới sân, nghểnh lên nhìn cửa sổ thấy thấp thoáng một người đàn bà. Người đàn bà, tóc xoã đằng sau, mặt lúc nào cũng có vẻ buồn. Người đàn bà thường nhìn lơ đãng sang góc sân bên kia. Nhiều bận cô mang cả gương lược ra đứng cửa sổ chải đầu. Có những buổi tối tôi xuống đứng dưới sân bếp, nghe văng vẳng tiếng hát trong cửa sổ. Tiếng thanh mà trầm trầm, nhẹ thoáng. Một giọng kể chuyện não nùng thấm thía đến ruột gan. Bao giờ cũng vậy, nghe tiếng hát của người đàn bà tôi cũng chạnh nhớ đến cũng giờ giấc hoàng hôn này bác hàng phở quen, bác Nghĩa đã quẩy gánh vào dỗ trước cửa ngõ nhà tôi. Ánh củi lập lờ: Phơ... ơ ơ... Tiếng bác rao, vang vào hai bên tường, cả phố đều nghe thấy. Cái tiếng ơ cứ kéo dài như tiếng còi. Đây thì những tiếng ngân ngư chìm lặng của giọng hát nhỏ lìm lịm trong cửa sổ. Tự dưng tôi thương cái bóng người đàn bà. Cậu Tịnh nghé nghiêng nhìn lên cửa sổ cười hểnh hàm răng bàn cuốc, bảo khẽ tôi:
- À, chú bé này hóm nhỉ? Biết ra đằng sau nhà nghe hát "ga tuýt".
Cậu Tịnh cười rúc rích. Rồi tôi biết người đàn bà kia là vợ lẽ ông Phán, một cô nhà trò. Chưa bao giờ tôi trông thấy cô xuống nhà dưới. Thỉnh thoảng cô ra sân gác, gọi hàng phở gánh dưới phố rồi dòng một cái quang con đựng bát xuống. Hàng phở đặt bát phở vào quang. Cô kéo lên, như ở nhà quê người ta kéo nước giếng.
Cô Chi và cậu Tuyên thì ở dưới nhà. Trông hai người này tôi vừa sợ vừa ghét. Hễ ông Phán đi khỏi nhà, cô Chi và cậu Tuyên lại chạy lên gác cãi nhau với dì ghẻ. Bà Thấp, cụ hàng Mã, cái Hiến, giả lảng vảng xuống bếp, để đứng nghe. Tiếng cậu Tuyên hét toang toang. Cái gì xô xát, rơi lốp bốp. Cô Chi léo nhéo chửi con đĩ lẫn tiếng gào khóc của ngườí dì ghẻ. Tấn bi kịch bao giờ cũng đến đoạn người nhà trò kêu hàng phố thì buông phông. Cô Chi, cậu Tuyên lại huỳnh huỵch xuống gác.
Trong cửa sổ chỉ còn đưa ra tiếng khóc ti tỉ. Bà Thấp lạch đạch, đủng đỉnh vào, tay vuốt quết trầu mép, nói một mình: "Cha kiếp? Đáng đời con đĩ. Còn là lụn bại về cái giống nhà trò!"
Tôi tưởng đến lúc ông Phán về tôi sẽ được hả. Chẳng hạn ông Phán sẽ đánh tung hai đứa con lên. Nhưng không, khi ông Phán về, cô Chi vẫn ngồi đan, cậu Tuyên hí húi đánh giầy. Cảnh nhà vẫn im lặng, cho đến hôm nào ông lại đi ra phố. Màn kịch bao giờ cũng chỉ diễn thiếu vai ông. Chắc là ông cũng biết thế. Nhưng tôi chẳng nghe tiếng ông nói bao giờ Lần nào ông Phán vắng nhà, hai chị em đã chán hành hạ dì ghẻ, cậu Tuyên chạy đi gọi chị, bà ký Cả. Bà ký Cả ngồi xe nhà đến. Mặt bà hầm hầm quát từ ngoài cửa "Đứa nào bắt nạt em bà, đứa nào dám trêu tay bà nào!". Bà trèo thẳng lên gác, hai em đi theo. Thế là cái gác tối lại lầm ấm lên. Bà ký Cả vừa nói, vừa nhảy cờn cỡn hai chân. Tóc bà tụt xoã xuống. Tay bà khum cong, mổ mổ ra đằng trước. Bà đứng sát bên cửa sổ, miệng sỉ vả, mắt đá đưa nhìn xuống sân. Như ý khoe tài đanh đá với bà Thấp và mọi người đứng tụ dưới sân bếp. Bà mắng sa sả, bà kể lể ngành ngọn đủ điều. Trước còn nghe người dì ghẻ nói đối lại, sau chỉ có tiếng khóc ti tỉ. Rồi im. Bà ký Cả nói chán, bà ký Cả về.
Cảnh nhà ông Phán chìm đắm trong cảnh rưng rỗi lục đục. Được ít lâu, người nhà trò lấy trộm quần áo, trốn đi. Bấy giờ ông Phán đã khổ hơn. Ông bán nếp nhà đó, rồi ông thuê lại căn gác để ở. Cô Chi lấy chồng. Cậu Tuyên phiêu bạt lang thang đâu, không biết. Khoảng mươi năm sau, tôi gặp lại ông Phán trên một chuyến tàu điện. Mặt ông xị, bủng dứ. Đôi mắt lờ đờ nhìn đâu chẳng buồn dịch sang chỗ khác. Ông vẫn mặc tấm áo đoạn ngày trước. Chỉ khác, tấm áo đã phơi ra lần lót nhiễu xanh nhớt. Tay ông vẫn cầm cái ô trắng, vải ô đã cóc đen. Nom ông cũ, mốc, ốm chỉ còn phảng phất lốt xưa mà mỏi mệt hơn thôi.
Được ít ngày, một hôm chú Tưởng bảo tôi:
- Phải đợi hết hè mới xin vào trường Cửa Đông được. Bây giờ cháu ở nhà học chú Luyến và làm đỡ chú.
Tôi chẳng thấy chú Luyến cho học gì. Ban ngày chú đi học, tối, cơm xong chú lại cắp sách đi học nữa. Tôi không thể ngồi chơi trong nhà, từ cái Hiến đến bà cụ ai cũng làm quần quật Tôi bắt đầu những ngày mới lạ ở thành phố.
Buổi sáng, chú Tưởng ra mở cửa hàng. Chú dỡ những tấm cánh cửa xuống. Tôi bê từng tấm, xếp thành một chồng cao. Ở trong nhà, cái Hiến bưng ra hai cái ô gỗ đựng chai lọ đặt lên chồng cánh cửa. Tôi chui vào gầm phản kéo ra mấy bộ khung xe trẻ con bốn bánh đã rỉ hoen. Có khi tôi khiêng một thùng tôn, xách mấy thanh sắt đem đặt trước hai vành ô gỗ.
Những thứ kềnh càng thì bầy ngoài cùng, kẻ cắp không dễ thó được. Và chúng thay chỗ lần lần mỗi khi có người mua đi. Chỉ có chiếc lốp ô tô hàng là lâu người mua nhất. Nó cao đúng đến ngực tôi, mà nặng, sức tôi không thể nhấc nghiêng nổi một phía. Ròng rã cả năm, sáng nào tôi cũng huỳnh huỵch vần cái lốp ô tô ra dựng ngoài mặt tường trước cửa hàng. Tối đến, tôi kề theo mé tường, vần vào trong nhà, dựng một xó. Sáng mai lại loay hoay lăn nó ra.
Dọn hàng ra xong, chú Tưởng cho tôi một củ khoai lang luộc tím mẫm, ướt nhựa. Bà cụ mua khoai ấy ở ngoài đầu phố. Chén hết củ khoai không bóc vỏ, tôi lại vào ngồi trong góc nhà, cạnh gầm phản. Chú Tưởng lấy trên tường xuống mấy đôi giầy tây. Chú đưa tôi một mảnh dạ xám bóng nhẫy vết sì đạt. Tôi kẹp chiếc giầy vào giữa hai bàn chân. Tôi ngoẹo đầu, tay căng mảnh dạ, miết liên liến trên mặt da giầy. Tôi đánh qua khắp các mặt giầy treo trên tường. Đôi to. Đôi nhỏ. Đôi cụt cổ. Đánh xong mỗi chiếc, tôi lại đặt lên phản. Chú Tưởng đứng móc từng chiếc vào những lỗ đinh trên tường. Tôi lại đánh cả những chiếc ghệt da dầy cộp tới lưng bẹn. Đánh hết một loạt giầy, và những đôi ghệt, đã gần trưa.
Bà cụ đã đi chợ về. Tôi vào bếp nhặt rau muống với cái Hiến. Chú Phúc thì chuyên thổi cơm. Chú thường khoe chú thổi cơm nhanh và ngon nhất nhà. Tôi và Hiến dọn mâm. Cơm chín thì chú Luyến vừa hay đi học về. Cả nhà ăn cơm ngay ngoài cửa hàng. Bát đĩa rếch bỏ chậu. Đoạn bữa, tôi vào sân bếp rửa bát. Xong việc bát, tiếp đến cọ chai. Một chậu nước mấy mảnh giẻ và một cái thuốn dây thép, cái Hiến và tôi cọ các thứ chai lọ trên đời - những cái chai của người “chai, bao chè, lông vịt, đồng nát”. Chúng tôi cọ, lau rồi đem bầy ra những ô gỗ, lại bán.
Cọ được vài chục chai, đã đến buổi học trò về. Tôi sửa soạn đi phụ thổi cơm. Nếu không, tôi đem mảnh giẻ khô ra lau xe đạp cho chú Luyến. Đèn điện ngoài đường phố bật sáng thì trong nhà ăn bữa tối. Rửa bát buổi tối, phần việc của Hiến, chén xong, chú Tưởng và tôi thong thả dọn hàng. Tôi lại vần cái lốp ô tô khổng lồ vào trong xó tường. Chú Tưởng lên cửa. Chú Tưởng và tôi ngủ ngay ở ngoài cửa hàng.
Gian nhà ngổn ngang cồng kềnh đủ thứ. Một góc, sắt vụn chồng lên nhau cao ngút đầu. Có hai mảng tường. Một mảng mắc toàn giày tây cũ. Một tường đóng khung xích đông đặt xếp hàng một dãy chai thuỷ tinh xanh béo lùn. Chỗ này nằm một đống chai lọ. Chỗ kia nhấp nhô một đám những xoong chảo cũ. Không hở nổi một hòn gạch vuông trong nhà. Một lối đi nhỏ - ai bước không khéo, có thể bị móc rách vạt áo bởi những tay sắt cong queo nhô lên và len vào bên cạnh một tấm phản. Trên phản, chú Tưởng và tôi nằm ngủ, không màn.
Dưới gầm, đầy chai, nút và bao chè bẹp. Tối nào tôi cũng phải cất mấy ô chai, lọ ra nơi khác mới đủ chỗ cho chú Tưởng duỗi thẳng chân.
Ở nhà chú Tưởng, tôi được đọc một quyển truyện hay lắm. Quyển truyện ấy, tôi nhặt được ở gầm bàn học chú Luyến. Quyển sách đã nát và bợt mủn mấy tờ lót cuối cùng.
Cuốn Vô gia đình của Nguyễn Đỗ Mục dịch. Tôi đặt quyển truyện vào trong khe phản, chỗ tôi ngồi đánh giầy. Buổi trưa cơm xong, tôi ngồi đọc lén mấy trang truyện.
Cuộc đời lưu lạc của thằng bé trong truyện cứ như trông thấy ở mỗi dòng chữ. Tôi mê man theo thằng bé từ lúc nó bỏ nhà đi theo ông già làm xiếc. Cái lúc thằng bé đứng trên ngọn đồi nhìn lại túp lều nhà mình trước còn rõ, sau mờ. Mắt tôi cũng mờ. Rồi nó quay mặt, quả quyết bước theo ông già. Tôi cũng theo nó. Cũng buồn, cũng giận, cũng tủi cùng chung nỗi cảm thương với người bạn xa xôi mà gần gũi đó.
Tôi giấu quyển truyện trong gầm giường, chỉ lo ai lấy trộm mất. Tôi tưởng rồi suốt đời tôi không thể xa được anh bé trong truyện nữa.
Những đêm nằm cạnh chú Tưởng, tôi mơ mộng nằm bên anh bạn trong truyện. Ô, quái sao, chỗ tôi ngủ đây đúng chỗ anh ta ở một cửa hàng bán đồ cũ. Trên đầu anh, người ta treo con thiềm thừ to. Gió đập lắc cắc, con thiềm thừ lắc lư như định ngoác mõm xuống cắn anh. Anh thiếp đi trong cơn mơ hoảng. Tôi nằm trên phản này cũng khủng khiếp thế. Bốn bên xủng xoảng các thứ chai lọ. Trên mảng tường lù lù những đôi giầy tây như những cái mặt nạ. Từ trần nhà rủ xuống ba dây xích treo hai cái bồ và một cái quạt điện gãy cánh. Ánh điện ngoài đường bắt nghiêng khe cửa vạch mấy dọc trắng lên nền trần dán giấy nhật trình. Bấy giờ gian hàng biến ra một cảnh thực quái lạ. Không khí ẩm ướt, đẫm mùi rỉ sắt hăng hắc. Cánh quạt điện vươn như hai cánh tay vượn in trên trần sáng chập chờn loe dài thêm ra. Những thứ đó hoá thành những con ma, cứ lắc la lắc lư như con thiềm thừ trong truyện Vô gia đình sắp chúi xuống nuốt tôi. Trong gầm và bốn bên, tiếng những con gián động đậy cánh bay xè xè. Sao lắm gián thế nhỉ? Nó bay ngã bồm bộp, chốc chốc chuột chạy loạt xoạt, đụng đổ từng chồng ống bơ. Chuột cắn nhau. Chuột. Chuột rúc chííí... Tôi nhắm mắt, rúc đầu vào cái mền vải nâu. Nhưng vẫn trông thấy con thiềm thừ đá đưa sắp xuống cắn chân. Tôi xoay nghiêng, áp mũi vào lưng chú Tưởng. Ngoài khe cửa, thỉnh thoảng phào qua một tiếng rè rè... Tỉm xắm bàoo.... những tiếng gõ sực tắc sực tắc ròn tan của một hàng quà đêm. Tôi chợp dần, trong giấc ngủ, chắp nối nhiều cơn mơ ghê sợ. Có lúc ngã xuống giếng. Có lúc ma đuổi. Hai chân cứ cuống queo, không bước được.
Cái Hiến với tôi thì như chó với mèo. Lành nhau đấy cũng chí choé nhau đấy. Nó tinh ma quá quắt lắm. Nó nói bâng quơ:
- Hôm nay chủ nhật, chú Luyến đi xem đá boóng rồi.
Tôi doạ:
- Ông mách chú Tưởng bây giờ?
Nó trều môi, dồn một hồi:
- Cái gì cũng mách mách! Ai nói mà trạnh lòng, tôi bảo chú Luyến đi xem đá boóng. Chú Luyến đi học. Một sòng bạc. Cho dê đi học. Cho chóc ở nhà. Cho gà ăn thóc. Tôi bảo thế đấy. Bận gì nào?
Sao lại không bận đến tôi! Tôi tức chín người đi chứ. Cái Hiến nó nhại tôi. Tiếng Kẻ Bưởi tôi nói thế. Mọi nơi người ta nói óc, ong thì mím miệng sau chữ c, chữ g. Như: lọc cọc, long tong. Vùng tôi, há miệng ra sau chữ c, chữ g lọc chọc, loong toong. Cái Hiến choãi mồm ra chế tôi. Tôi phải tát vỡ miệng nó. Nhưng rồi tôi chỉ lẳng lặng quay ngơ.
Hiến giở sang chuyện cái vòng. Nguyên cổ tôi đeo một chiếc vòng bạc. Vòng ấy, tôi đeo từ năm lên bốn. Trước còn có chiếc nhạc và một con cá rủ xuống ngực. Lần lần, tôi gặm cụt hai ngạnh đuôi cá. Con cá mòn méo một mảnh. Cái vòng ấy hợp với tôi. Bao giờ tôi sốt, vòng cũng xám lại. Hồi nào tôi khoẻ, cái vòng sáng trắng ra. Tôi không được bỏ vòng, bà bảo thế. Nếu tôi bỏ, thày bói và nhà chùa bảo sẽ bị ốm ngay. Cho nên tôi đeo cái vòng ra tận đất Kẻ Chợ này.
Cái Hiến, những lúc cọ chai, thường nói động đến. “Anh có thấy ai đeo vòng như anh không? Đeo vòng thế là nhà quê lắm nhé?". Tôi không thèm đáp. Thú thực tôi cũng không có lời đâu mà trả miếng. Quanh quẩn, hết chuyện con cóóc, sang (huyện cái voòng, lại lộn lại chuyện con cóóc và tiếp theo.
Và thỉnh thoảng, lại xảy ra những cuộc gây gổ tự nhiên. Buổi tối hôm ấy chú Tưởng và tôi dọn hàng. Mọi khi phần cái Hiến phải bưng vào một ô gỗ dựng chai. Nhưng hễ nó rửa bát thì tôi mang thay. Hôm đó, Hiến rửa bát. Tôi lại tưởng chú Phúc rửa. Lăn xong cái bánh ô tô vào trong xó tường và dọn một ít chai lọ, hết phần tôi, tôi vào rửa chân. Bấy giờ cả nhà đã ra ngoài nhà, bát cũng đã rửa rồi. Tôi đương lúi húi dội nước thì cái Hiến te tái đi vào. Trời tối, lấp loáng ánh đèn trong nhà hắt ra, tôi cũng không trông rõ Hiến. Nó vào giáp mặt tôi. Tôi đứng áp tường. Một bên là chuồng tiêu, một bên là hai cái chum nước của ba nhà. Chum nào cũng có nắp gáo riêng. Cái Hiến hùng hổ đấm tôi hai quả vào bụng. Tôi oằn người, hai tay víu tường, ngơ ngác. Nó sừng sộ:
- Anh cu Bưởi có dọn cái ô chai vào không?
- Phần... phần...
- Hôm nay ai rửa bát?
- Chú...
- Chú gì? Đây vừa phải đòn oan. Hự...
- Ối!
Nó còn toan bồi thêm cho tôi mấy thụi nữa, nếu chú Phúc không chạy ra, quát. Thì ra chú Tưởng thấy sót cái ô gỗ ngoài thành cửa, tưởng Hiến đùn việc cho tôi, liền bợp cho nó một cái. Vậy mà nó vào nó thụi tôi luôn mấy ục. Chú Phúc còn kể chuyện lại nhiều lần nữa. Chú cười tôi nhớn hơn mà để cho con bé đấm luôn mấy quả, đứng ơ mặt, tay ôm bụng, nhăn nhó định khóc. Chú chuyện vui cho cả nhà nghe. Thường tôi lại làm như sợ nó hơn để được mọi người cười.
Nó thực là một con chó, con chó cái dữ và lắm điều. Tôi là con mèo. Tôi chỉ là một con mèo. Nhiều khi cái Hiến không thèm nói chuyện với tôi, tôi chỉ biết chơi cùng con mèo đen.
Nhà nuôi một con mèo đen to. Tôi chưa hề trông thấy một con mèo đen to đến như thế. Nó béo bằng cái ấm giỏ. Lông đen tuyền mướt như nhung. Râu mép thì trắng, vuốt chân cũng lại trắng, hai con mắt tròn xanh như mắt thuỷ tinh. Mèo Kẻ Chợ cũng có khác, chỉ đài các ăn cơm cá. Cơm rau, ngửi một cái, rồi kêu ngoao ngoao, lảng đi. Vài hôm, bà cụ lại mua một con cá mè, một mớ tép kho cho mèo xơi dần. Mèo lại không bắt chuột. Trong cống bếp, có một con chuột già, mình mẩy loe loét tuột gần hết lông. Cái đuôi còn mẩu hủn hoen. Thỉnh thoảng nó chui trong cống lên, ướt rườn rượt, lừ đừ bò đến thùng rác, thò đầu vào. Mèo trông thấy ngó theo mà hai tai không động đậy. Cả ngày mèo ngồi lù lù trên đầu bàn học chú Luyến. Hễ tôi lướn phướn đến, chú mình lại gù gù chùi đầu cọ vào sườn tôi. Tôi vuốt lưng chú mình. Tay vuốt đến đâu đuôi mèo cong gợn lên đến dó.
Tôi hay nhớ nhà nhất những hôm râm trời không có nắng. Tôi nhớ thắm thiết như anh bé phiêu lưu trong truyện Vô gia đình, nhớ con bò và người mẹ nuôi của anh ở xứ quê.
Một khung cửa sổ căng lưới mắt cáo. Ngoài đường, lá sấu vàng rượi rào rào rụng xuống như trút. Ở cửa đình làng tôi gặp ngày lắm gió, lá đa rơi nhiều như thế chúng tôi đem thúng đi nhặt lá về đun.
Tôi đứng trong cửa sổ ngó ra. Người bước trên hè phố, sát bên cửa sổ, trông mấp mé chỏm đầu. Tôi tưởng tượng như chỉ có mỗi cái đầu lùi lũi. Những buổi ở ngoài hàng, tôi ngồi bên gầm phản, giữa đống chai lọ và giầy tây. Trông ra thấy trên nóc nhà phố bên kia một mảnh trời xám ngắt và những chùm lá sấu đen ngòm. Chẳng bù khi ở làng, lúc nào cũng thấy trời và bóng cây.
Đối hè phố trước mặt là hàng nước và một cửa hàng chữa và cho thuê xe đạp. Bà lão hàng nước quanh năm chít khăn vuông xùm xụp, có cô con gái mặc áo trắng hồ lơ, đội nón kính. Cô cười, ánh loé chiếc răng vàng, xa cũng nom rõ. Không biết cô đi làm gì, thỉnh thoảng lại thấy diện xe cao su về tận cửa Bác chủ hàng xe đạp đã có hai con. Cứ vài ba ngày hai vợ chồng lại đánh nhau một lần. Mặt bác to như cái chiêng đồng. Mà bác lại chịu thua vợ, gầy lẻo khoèo. Hễ đánh nhau, khởi đấm đá túi bụi vài "hiệp", vợ bác cầm cái ghi đông xe đạp nhăm nhăm giơ lên. Mặt bác bỗng tái ngoét, bác lẩm bẩm nói gì đó rồi lảng ra cái bàn chữa xe. Lại loay hoay rũa, vá lốp bơm, treo bánh xe lên quay thử. Luôn tay làm suốt tối ngày.
Ngoài đường người và xe cộ lườn lượt diễu qua dưới khung cửa, như quân đèn cù. Buổi sáng, một cái xe bò hai vòng bánh cao lênh khênh xích một cây gỗ lớn vào giữa. Có tới mấy chục người đẩy xúm bâu xung quanh như đàn kiến tha cái mồi to. Xe lăn rề rề sang phố Mới ra phố Bờ Sông không biết đi dâu. Một chiếc xe cút kít đi qua, ót ét nỉ non.
Vào những sớm thứ ba, thứ sáu quanh năm các ông Tây đen đi lễ. Cuối phố, có chùa Tây Đen. Tây đen ở phố nào vỡ tổ ra lắm thế. Chú mặc váy trắng lùng nhùng. Chú bận áo tây gọn gàng. Chú để râu xồm xoàm. Chú cằm nhẵn thín, mắt toàn lòng trắng. Chú nào cũng chon chỏn chiếc mũ lồng oản đỏ. Đôi khi, có cả tua đen rủ từ trên đỉnh xuống. Các chú đi lũ lượt. Trên Hàng Mã đổ xuống, trong ngõ hiệu Tây Cú đi ra. Nhiều lần, tôi đếm. Nhưng chỉ được độ trăm chú đã nhầm lộn không đếm kịp.
Ngày mùa đông thì ngắn. Ngắn nữa là những hôm ẩm trời, phố xá âm u như sắp tối. Mưa phùn rây trắng như phấn. Hai bên hè, chòm lá sấu già càng tối thẫm. Những cây dâu da tây cao vút chẳng biết quả hay hoa, gió đánh rụng xuống ruột đỏ hoe. Phố âm thầm, nhây nhớp. Những ngày mưa dầm dề như thế này, ở quê tôi còn quạnh vắng hơn đây nhiều.
Nhưng không buồn. Người lớn xuống bếp rang ngô, những khi trời lạnh thì họp bọn, mang thuổng, rọ, xuống đồng sâu bắt chuột về rán với vỏ quít. Trẻ con đi bán kẹo bột rong các xóm. Có những đứa trẻ ra ngoài ruộng nhổ gốc rạ đem xếp đống bên một gò cỏ khuất gió. Chúng hun lên, ngồi rúm vào nhau, sưởi ấm cùng cười rúc rích. Đường phố mưa bay, mưa bụi. Ở nhà quê tôi có mưa thế này không.
Tôi nhớ nhà quá. Nhớ vàng cả người. Vàng cả người là bà ngoại tôi nói thế. Giữa tháng chạp, bà ra đón tôi về quê ăn tết Vừa trông thấy bà, hai mắt tôi đã loá nước mắt.
Ra đường, bà tôi hỏi:
- Độ này, cháu có ăn được cơm không?
- Có ạ!
- Sao cháu vàng cả người đi thế?
Tôi mủi lòng, lại chực mếu. Một lúc lâu, tôi mới nói được rằng tại cháu nhớ nhà quá.
- Con giai mà lại nhớ nhà? Cháu chịu khó ở dưới này, học các chú, rồi sang năm các chú xin cho vào trường nhà nước. Sau này nhớn lên có chữ, đi làm kiếm tiền nuôi bà.
Từ ngày xuống đây, tôi có học được chữ nào đâu! Tôi nín thinh không dám khoe với bà tôi đã biết nhặt rau muống. Ngọn dài, ngắt làm đôi. Gốc cằn, lá sâu thì bỏ.
Cuối năm ấy, tôi ở Kẻ Chợ về nhà được mấy ngày, u tôi ở cữ em gái tôi. Đi đẻ trên nhà thương Cáo, suýt đẻ rơi - nhưng không dám viết thư vào Sài Gòn kể với thày tôi thế. Ông tôi đặt tên nó là Ngó, "Sen ngó đào tơ..." mà.