People have a hard time letting go of their suffering. Out of a fear of the unknown, they prefer suffering that is familiar.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Martin Cruz Smith
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 7
Cập nhật: 2020-10-27 20:23:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
hững hành khách thường xuyên của chuyến tàu lúc sáu giờ chiều từ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bắt đầu chuyến đi của mình bằng việc đứng trong khoang máy dò phóng xạ, đặt chân và tay lên đĩa kim loại đến khi tín hiệu đèn xanh sáng lên cho biết anh ta có thể tiếp tục lên thềm ga. Bản thân con tàu là tàu tốc hành chạy xuyên qua lãnh thổ Belarus mà không phải dừng lại kiểm tra ở cửa khẩu. Đó sẽ là một chuyến đi dễ chịu xuyên qua những cánh rừng thông trong buổi tối mùa hè.
Đàn ông ngồi ở một đầu, phụ nữ ở đầu kia. Đàn ông chơi bài, uống trà từ bình nước hoặc chợp mắt trong bộ quần áo nhàu nát, trong khi đó, đám phụ nữ trò chuyện hoặc đan len và ăn mặc chỉn chu, cẩn thận không để dính bất kỳ sợi tóc xám nào lên đó, không một vết bẩn dù cây lá móng* mọc khắp nơi trên mặt đất.
Tới nửa đường, toa tàu dần trở nên vắng vẻ. Những ánh mắt lang thang cũng đã bắt gặp các khung cửa sổ bằng kính ngày càng nhiều hơn. Và suy nghĩ của mọi người quay về với những mái nhà, những lo toan cho bữa tối, bọn trẻ cùng cuộc sống riêng tư.
Arkady cũng thế, gật gù bởi nhịp điệu của con tàu và ý nghĩ này hòa vào ý nghĩ khác.
Anh rất ngưỡng mộ Eva Kazka vì đã dũng cảm mang dịch vụ y tế đến cho mọi người trong những ngôi làng mà không ai dám bước chân tới, mặc dù nỗ lực đó còn rất nhỏ bé. Nhưng cô đã cư xử với anh như với một tên trộm trước bồi thẩm đoàn ngay trước mặt một đám các bà già. Eva có sở trường khiến một người hoặc là không thở nổi hoặc là phải quát lớn. Đứng trước một người như thế, đàn ông sẽ có cảm giác như thể toàn bộ trọng lượng của anh ta bị dồn vào chân trái và có thể sẽ ngã sang bên phải; trong lúc đó, đám phụ nữ trong làng cười khúc khích quan sát vở diễn một cách thích thú. Cô ta đã gọi họ là những người sống sót. Anh đã xuất hiện như thế nào, một điều tra viên dũng cảm đang lần theo dấu vết đến nơi tận cùng trái đất hay một người đàn ông thất bại? Ít nhất là không có lối thoát. Một tín hiệu lóe lên trên cửa sổ và Arkady nghĩ tới cảnh Pasha Ivanov rơi trong không trung. Anh không tán thành hay phản đối. Vấn đề là khi một người rơi xuống thì những người khác sẽ phải dọn dẹp mớ hỗn độn.
Và Arkady học được điều gì từ chuyến du ngoạn cùng Alex? Không nhiều. Ngược lại, anh đã gặp chó sói. Ít nhất có ba con sói phía sau thân màu trắng của cây bạch dương, cặp mắt sáng như hai đồng xu vàng đang đánh giá cặp nai, anh hay Alex cũng nhiều như nhau. Anh còn nhớ cảm giác tóc gáy dựng đứng như thế nào. Từ ngữ ‘kẻ săn mồi’ trở nên có ý nghĩa hơn nhiều khi bạn là con mồi tiềm năng. Anh bật cười khi tưởng tượng cảnh mình cưỡi xe máy phóng bạt mạng vì bị bầy sói truy đuổi.
Thành phố Slavutych được xây dựng cho những người di cư từ Pripyat đến. Đó là một thành phố kế vị với quảng trường rộng lớn, những tòa nhà đô thị màu trắng trông giống như được xây dựng bởi một đứa trẻ - khung vòm, hình khối, cột - với quy mô khổng lồ. Đó là một thành phố hiện đại và tiện nghi. Một sân vận động với hệ thống các quán cà phê. Cung văn hóa bán đồ phong thủy và tác phẩm từ nghệ thuật xếp giấy của Nhật Bản. Hơn thế nữa, các tòa nhà chung cư được thiết kế với các chủ đề kiến trúc như nét cắt huyền ảo của Lithuania hay nốt nhạc ngân nga của căn nhà gạch ở Uzbeki.
Oleksander Katanay sống trên tầng năm của một tòa nhà kiểu ‘Uzbeki’. Một phụ nữ trẻ, trong bộ đồ chạy thể dục cùng mái tóc vàng hoe nặng trịch, mời Arkady vào. Cô ta lập tức dẫn anh tới phòng khách có đặt một chiếc bàn dùng để làm bàn nhồi bông thú với đèn và kính lúp dựng đứng hướng tới lớp da của một con lửng có đầu được cuộn tròn vào bên trong. Xa hơn nữa là một con lửng khác được ngâm trong xô chất tẩy nhờn. Trên kệ là các bao tải đựng đất sét, giấy bồi cùng một bầy thú đã được nhồi và đóng khung: Một con linh miêu nhe nanh, một con cú đang ngoái nhìn qua vai, một con cáo lén lút. Cặp súng săn đặt trong tủ trưng bày bằng kính với lá cờ Xô Viết. Nòng nhỏ, bắn từng phát một, chốt an toàn được nâng niu đánh bóng như cây vĩ của đàn violin. Treo trên tường là khoảng hai mươi khung ảnh của một đám đàn ông đội mũ cứng đang nghiên cứu trong các nhà máy, đóng cọc hay điều khiển tay nâng của cần trục, và dù đứng ở giữa hay dẫn đầu đám đông trong mỗi bức ảnh đều nổi bật lên vóc dáng cao to, khỏe mạnh của Oleksander Katanay. Arkady săm soi bức ảnh chụp đám công nhân đứng trước một nhà máy hạt nhân và nhận ra đó chính là bức ảnh đầu tiên anh nhìn thấy lò phản ứng số Bốn còn nguyên vẹn, một bức tường trắng khổng lồ bên cạnh lò phản ứng song sinh số Ba. Những khuôn mặt trong bức ảnh đều rất thoải mái và tự tin, như thể họ đang đứng trên mũi một con tàu hùng mạnh.
Một giọng nói trầm trầm vang lên, “Điều tra viên hả? Tôi tới đây.”
Trong khi chờ đợi, Arkady chú ý tới tấm bảng đóng khung đính các loại huy chương cho người lao động như ‘Lao động xuất sắc’, ‘Người chiến thắng trong cuộc thi Xã hội chủ nghĩa’ và ‘Người xây dựng danh dự của Liên bang Xô Viết’, cộng thêm hàng dãy cuống huy chương quân đội. Arkady đang ngắm nghía chúng thì Oleksander Katanay tiến vào phòng trên một chiếc xe lăn. Đối với một người nghỉ hưu năm gần tám mươi tuổi, ông ta có bộ ngực và bờ vai rộng của người lao động, với khuôn mặt thô, nhăn nhúm cùng mái tóc đen cứng như bờm sư tử. Ông ta siết tay Arkady mạnh tới nỗi có thể khiến máu anh bắn ra ngoài.
“Từ Matxcova à?”
“Vâng.”
“Nhưng Renko là một cái họ đặc chất Ukraine.” Katanay ghé sát tới như muốn nhìn thấu linh hồn Arkady, rồi đột ngột xoay tròn và hét lên, “Oksana!.” Ông ta quay lại nhìn Arkady chằm chằm rồi chuyển sang con thú đang nhồi dở. “Cậu đang ngưỡng mộ sở thích của tôi hả? Cậu đã nhìn thấy các cuống huy chương chưa?” Katanay đẩy xe đến gần tấm bảng và chỉ vào một huy chương viết bằng tiếng Ả Rập. “Tình hữu nghị của nhân dân Afghanistan. Tình bạn của những kẻ da đen, tôi đoán nó đáng giá bằng mạng sống con trai mình. Oksana!”
Cô gái mời Arkady vào nhà bưng ra một khay đựng vodka và dưa chua, đặt lên bàn cà phê. Mặc dù trông cô ta có vẻ gì đó rất xuềnh xoàng nhưng tóc lại được vấn cao một cách gọn gàng thành búi màu vàng. Cô ta ngồi xuống sàn nhà, cạnh xe lăn của Katanay trong khi ông ta nhấc gạt tàn thuốc có chân cao sang bên kia. Arkady ngồi trên một chiếc ghế đệm dài, cảm giác khung cảnh có vẻ thật giả tạo và gượng gạo. Đó là một chiếc bàn với hai con lửng, một con đang bối rối, con kia thì ngược lại. Là Oksana. Mái tóc cứng đơ của cô ta là tóc giả. Nhưng trông nó còn có gì đó hơn thế.
Katanay chỉ vào bầy thú đã nhồi bông, rồi hỏi Arkady, “Cậu thích con nào nhất?”
“Ồ. Trông chúng giống hệt như đang sống.” Đó là câu trả lời tốt nhất Arkady có thể xoay xở được nếu so sánh với câu đầu tiên bật ra theo bản năng của anh, một con mèo chết trên kệ của ông.
“Bí quyết là sự mềm mại.”
“Mềm mại à?”
“Lọc toàn bộ thịt ra, cạo sạch mặt trong của da cho đến khi nó thâm lại. Thời gian, nhiệt độ, loại keo chuẩn đều rất quan trọng.”
“Tôi muốn hỏi về cháu nội ông, Karel.”
“Karel là thằng bé ngoan. Oksana, ta nói đúng không?” Oksana không đáp lời. Chờ đợi một phản ứng từ cô ta giống như đang nhìn vào một mặt ao phẳng lặng.
Katanay rót đầy một nửa rượu vodka vào các ly và đẩy một ly về phía Arkady.
“Vì Karel,” Katanay nói. “Cho dù nó đang ở đâu.” Ông ta ngửa đầu ra sau, uống cạn ly rượu và nhìn qua khóe mắt để chắc chắn cả Arkady lẫn Oksana đều làm tương tự. Có thể ông ta phải ngồi xe lăn nhưng vẫn là người có trách nhiệm. Arkady tự hỏi cảm giác từ một người từng là trưởng phòng xây dựng của một doanh nghiệp lớn nhường đó, giờ bị giới hạn trong một không gian nhỏ hẹp sẽ như thế nào. Katanay lại rót rượu đầy các ly. “Renko, cậu đã đến khu vực bên phải của Ukraine. Dân Tây Ukraine đã nói điều chết tiệt gì đó với người Nga. Họ giả vờ không nói được tiếng Nga. Họ nghĩ mình là người Ba Lan. Nhưng những người Đông Ukraine như chúng tôi thì vẫn nhớ.” Katanay nâng ly lên. “Vì…”
Arkady nói, “Tôi muốn hỏi vài câu trước.”
“Khốn kiếp, người Nga chết tiệt.” Katanay đặt ly rượu xuống.
Arkady mở tập hồ sơ, lấy ra bức ảnh một chàng trai với các đặc điểm nửa vời, thiếu kiên nhẫn: cái mũi quặp, môi mỏng, ánh mắt nhìn chằm chằm vào máy ảnh.
Oksana, “Đó là em trai tôi.”
“Karel Oleksandrovich Katanay, hai mươi hai tuổi, sinh tại Pripyat, Cộng hòa Ukraine.” Arkady vắn tắt các thông tin quan trọng. “Hai năm phục vụ trong quân đội, được đào tạo thành lính bắn tỉa. Cậu ta là thiện xạ à?”
“Nó có thể bắn và mang về thứ gì đó để nhồi, nếu cậu gọi đó là thiện xạ.”
“Hai lần bị giáng cấp vì lạm dụng thân thể của tân binh.”
“Gọi là bắt nạt, đó là truyền thống của quân đội,” Katanay đáp.
Quá đúng, Arkady thầm nghĩ. Vài đứa trẻ bị bắt nạt nhiều đến nỗi treo cổ tự tử. Karel là kẻ nổi bật trong đám người thích hành hạ kẻ khác.
“Bị kỷ luật một lần vì trộm cắp.”
“Nghi ngờ trộm cắp. Nếu họ chứng minh được thì có lẽ đã đưa nó đến nhà giam quân sự. Nó khá hoang dã nhưng là một đứa trẻ ngoan. Nó sẽ không thể vào lực lượng dân quân tự vệ ở đây nếu không có lý lịch trong sạch.”
“Trong lực lượng dân quân, Karel thường xuyên đi trễ hoặc vắng mặt tại vị trí của mình.”
“Thỉnh thoảng nó đi săn cho tôi. Chúng tôi luôn phải giải trình với sếp của nó.”
“Hẳn là đại úy Marchenko rồi?”
“Phải.”
“Săn gì? Một con cáo hay linh miêu? Hay sói?”
“Sói là tốt nhất.” Katanay xoa xoa tay với ý nghĩ đó. “Cậu có biết một con sói được nhồi đúng cách trị giá bao nhiêu không?”
“Bố Karel đã chết ở Afghanistan. Ai dạy Karel săn bắn?”
“Tôi. Lúc đó chân tôi vẫn bình thường.”
“Còn mẹ Karel?”
“Ai biết? Cô ta tin vào tất cả những tin tức về vụ thảm họa. Tôi đã nói chuyện với các nhà khoa học hàng đầu. Vấn đề của Chornobyl không phải là phóng xạ mà là nỗi lo sợ về phóng xạ. Đó là: Hội chứng lo sợ phóng xạ thái quá. Mẹ Karel là một người như thế. Vì vậy cô ta đã bỏ đi. Vấn đề thực tế là những người này đã quá may mắn. Nhà nước xây dựng nhà cửa cho họ ở Pripyat rồi đến Slavutych, trả họ mức lương cao nhất, cho họ điều kiện sống, trường học, bệnh viện tốt nhất, nhưng người Ukraine đều là những kẻ lo sợ phóng xạ thái quá. Dù sao thì mẹ Karel đã biến mất nhiều năm rồi. Tôi đã nuôi thằng bé lớn.”
“Cho cậu ta cái ăn, cái mặc và đi học à?”
“Đi học là sự lãng phí thời gian. Nó có tố chất để trở thành thợ săn và sẽ thành đồ bỏ nếu ở trong nhà.”
“Chân ông bị hỏng từ khi nào?”
“Hai năm trước, nhưng là hậu quả của một vụ nổ. Tôi đang điều khiển cần cẩu cho lính cứu hỏa thì một mảnh mái nhà rơi xuống. Nó lao xuống như thiên thạch, đè nát lưng tôi. Cuối cùng các đốt sống cũng phải nhượng bộ. Có bằng khen trên tường đấy, chắc cậu đã đọc rồi.”
“Karel đã bao giờ sống ở Matxcova chưa?”
“Nó sống ở Kiev. Thế là đủ rồi.”
“Ông cũng không gặp cậu ta kể từ khi cậu ta phát hiện ra cái xác ở Khu vực cấm à?”
“Không.”
“Có nghe tin tức gì không?”
Arkady nhận thấy Oksana liếc về phía bộ da ẩn mình trong xô chất tẩy nằm trong góc. Với một người không gặp hay nói chuyện với cháu nội thiện xạ trong vài tháng, Katanay dường như không thiếu nguyên liệu mới cho nghề thủ công của mình.
Katanay đáp, “Chẳng có gì, không một lời nào.”
“Ông có vẻ không lo lắng lắm.”
“Không giống như thằng bé đã làm gì sai trái. Nó nghỉ làm cho quân tự vệ, thì sao chứ? Karel đã trưởng thành, nó có thể tự lo liệu cho bản thân.”
“Ông có bao giờ nghe nói về hai nhà vật lý học tên là Ivanov hay Timofeyev không?”
“Không.”
“Họ chưa bao giờ tới Chernobyl à?”
“Làm sao tôi biết?”
Arkady hỏi tên các gia đình hoặc bạn bè mà Karel có thể tới thăm hoặc liên lạc, và Katanay bảo Oksana lập ra một danh sách. Trong lúc chờ đợi, ánh mắt Katanay trở lại với các tấm ảnh trên tường. Một tấm có vẻ được chụp vào ngày Quốc tế Phụ nữ bởi vì trên đó là một đám phụ nữ đội mũ công nhân, vây quanh phiên bản trẻ hơn của Katanay. Trong một bức khác, ông ta đang sải bước về phía trước trong khi các kỹ thuật viên mặc áo choàng thí nghiệm đang chật vật đuổi theo.
“Với cương vị trưởng phòng xây dựng, hẳn là trách nhiệm của ông phải rất lớn lao nhỉ,” Arkady gợi chuyện.
Katanay chẳng buồn nói gì trong lúc tiếng ngòi bút của Oksana chạy sột soạt trên giấy ở căn phòng khác. Rồi ông ta rót đầy ly rượu của mình.
“Cậu biết không, đóng cửa các lò phản ứng khác hoàn toàn vì động thái chính trị. Cực kỳ không cần thiết. Ba lò phản ứng khác vẫn có thể hoạt động thêm hai mươi năm nữa và chúng tôi có thể xây dựng thêm lò số Năm, số Sáu, số Bảy và số Tám. Chernobyl đã và vẫn là nhà máy điện hạt nhân tốt nhất so với bất kỳ nơi nào. Nhưng rồi đám tình nguyện viên tới và thổi phồng các số liệu. Cái gì dễ dàng hơn, viện trợ sữa từ nước ngoài hay chạy một nhà máy điện hạt nhân? Vì vậy chúng tôi tuột dốc từ nhà máy điện của thế giới xuống vị trí các nước thứ ba. Cậu có biết bao nhiêu người chết vì thảm họa Chornobyl không, con số thực tế ấy? Bốn mươi mốt. Không phải hàng triệu, hay hàng trăm ngàn. Bốn mươi mốt. Điều tuyệt vời mà chúng tôi khám phá ra là cơ thể con người có thể sống được với mức phóng xạ cao hơn nhiều so với chúng ta từng nghĩ. Nhưng những kẻ lo sợ phóng xạ thái quá đã chuyển đi. Bốn mươi mốt. Có rất nhiều người chết vì ung thư phổi trong các bệnh viện ở Kiev mỗi ngày, nhưng họ vẫn không từ bỏ Kiev.” Nhắc đến ung thư phổi, Katanay lập tức với tay lấy điếu thuốc. “Luôn có những kẻ tôn thờ sự điên cuồng và phá hoại các nỗ lực bình thường hóa, cũng giống như triết lý cơ bản của những kẻ luôn kiếm lợi từ sự hỗn loạn. Ngoại trừ một điều, chúng tôi có thể kiểm soát họ. Lần này họ đã đánh bại Liên bang Xô Viết hoàn toàn. Cùng nhau, chúng tôi là lực lượng đáng ngưỡng mộ, còn bây giờ chúng tôi chỉ là đám ăn mày. Tôi có thể cho cậu xem thứ này. Đi cùng tôi nào.”
Katanay hăng hái xoay chiếc xe và tự đẩy xe lăn vào phòng bên cạnh, một phòng học nơi cháu gái ông ta vẫn đang viết tên và số điện thoại bên một chiếc bàn. Nó cùng tất cả đồ nội thất đều bị đẩy sát vào tường để lấy chỗ cho chiếc bàn kỹ thuật trưng bày mô hình nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Đó là mô hình kiến trúc với cây xanh cách điệu cùng con sông Pripyat rộng lớn cắt từ nhựa xanh. Tất cả sáu lò phản ứng đã được xây dựng, có trình tự thời gian - quá khứ, hiện tại hoặc tương lai - nhưng không bao giờ thành hiện thực. Toàn cảnh bức tranh được hoàn tất với các tháp làm mát từ bìa cứng, tua bin, kho nhiên liệu, mái vòm của bể trữ nước và hàng loạt các tháp truyền dẫn. Trên đường vào là mô hình xe tải cùng số liệu nhân công theo tỷ lệ. Ở đó, vụ thảm họa sẽ không bao giờ xảy ra. Ở nơi đây, Liên bang Xô Viết vẫn còn nguyên vẹn.
Arkady nhận ra Oksana đi theo anh từ lúc rời căn hộ. Cô ta vẫn mặc bộ đồ chạy thể dục nhưng đã thay bộ tóc giả bằng chiếc mũ len và lao như con chuột từ cửa nhà này sang cửa nhà khác. Arkady vẫn còn một tiếng nữa cho đến chuyến tàu tiếp theo. Anh dừng lại ở một quán cà phê, gọi hai ly Colombino, rồi mang ra chiếc bàn ngoài trời nơi anh có thể nhìn ngắm bể nước nông thấm đẫm ánh sáng rọi xuống từ những chiếc đèn ở quảng trường. Các công trình của nền văn minh - tòa thị chính, sân vận động, rạp chiếu phim, siêu thị - hiện ra sừng sững, chỉ là không có hoạt động. Anh thấy Oksana mua một quả táo từ người nông dân bên ngoài cửa siêu thị, vừa ăn vừa băng ngang quảng trường và giả vờ kinh ngạc khi nhìn thấy anh.
“Anh đang chờ ai à?” Cô ta nhìn xuống ly cà phê thứ hai.
“Thật ra là tôi đang chờ cô.”
Cô ta thận trọng nhìn xung quanh. Hai má đỏ bừng. Lúc này, cô ta ở quá gần nên anh có thể nhận ra rõ ràng bên dưới chiếc mũ len, tóc Oksana đã bị cạo trọc. Cô ta kéo mũ che kín tai. “Chắc hẳn trông tôi rất lố bịch.”
“Hoàn toàn không. Tôi đang hy vọng cô có thể trò chuyện cùng tôi.”
Cô ta dần dần nhích tới một chiếc ghế, vẫn không rời mắt khỏi Arkady. Anh chờ đến khi Oksana ngồi hẳn xuống rồi mới đẩy một ly sang phía cô ta. Họ ngồi im lặng trong vài phút. Những người mua sắm xách những túi nặng đi ra từ siêu thị và lảo đảo từ bên này sang bên kia dưới cổng vòm được trang trí bằng biểu tượng của nguyên tử hòa bình.
Oksana nhấp một ngụm cà phê. “Cà phê đá.”
“Tôi xin lỗi.”
“Không, tôi thích cà phê đá. Tôi thường uống nó sau khi phục vụ ông tôi.”
“Ông ấy có cá tính mạnh mẽ.”
“Ông ấy là ông chủ.”
“Ông ấy có gần gũi với Karel không?”
“Có.”
“Còn cô?”
“Karel là em trai tôi.”
“Cô có gặp hay trò chuyện với cậu ta không?”
Oksana nở nụ cười tươi với Arkady. “Anh thật sự thích những con thú nhồi bông của ông tôi à?”
“Tôi không phải người hâm mộ thú nhồi bông.” Có lẽ bởi vì nghề nghiệp, anh thầm nghĩ.
“Tôi có thể nhận ra. Như đang sống. Giống chúng tôi ở Slavutych.”
“Cô làm việc ở nhà ga à?”
“Vâng.”
“Sao cô thấy vui thế?”
“Lương cao, thưởng năm mươi phần trăm để sống ở đây và làm việc tại Chornobyl. Chúng tôi gọi nó là tiền mua quan tài. Ông tôi có thêm một khoản lương hưu cho người khuyết tật. Nhưng đó chỉ là một cái bẫy.”
“Bởi vì cô chỉ cần làm sạch Chernobyl và rồi cô sẽ tìm được công việc mới trong vài năm nữa hả?”
“Với tốc độ chúng tôi đang làm á? Sẽ phải mất hàng trăm năm. Đó không phải cái bẫy.”
“Vậy cái bẫy là gì?”
“Họ cắt bảy mươi lăm phần trăm lương của chúng tôi. Sau khi trả tiền thuê nhà, các tiện ích và học phí, cuối cùng lại thành ra chúng tôi phải trả tiền để làm việc ở Chornobyl. Nhưng đấy vẫn là công việc và sự thật ấy nói lên điều gì đó về Ukraine. Dù gì nó cũng không phải là cái bẫy.”
“Vậy cái bẫy là gì?”
Oksana điều chỉnh lại mũ làm lộ hai tai. “Yên tĩnh, không phải sao?”
“Phải.” Arkady thấy một khách hàng rời đi trong luồng ánh sáng rực rỡ của siêu thị, vài nữ sinh đeo ba lô, một người đàn ông với điếu thuốc trên khuôn mặt sương gió, chưa đến mười người trong quảng trường và các khu vui chơi của nó.
“Mọi người đang bỏ đi. Chính phủ xây dựng thành phố này cho năm mươi ngàn người và bây giờ chỉ còn chưa đến hai mươi ngàn. Hơn một nửa trống rỗng. Cái bẫy chính là họ xây dựng nó trên đất bị ô nhiễm. Xesi từ Chornobyl cũng đang chờ đợi chúng tôi ở đây. Pripyat tới Slavutych, chúng tôi hoàn toàn không thể thoát khỏi nó.” Oksana bật cười với câu chuyện đùa không bao giờ cũ và rồi kéo mũ xuống. “Tôi đội tóc giả vì phụ nữ ở đây không vui khi thấy cái đầu trọc của tôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy có chút giống một con thú nhồi bông mỗi khi đội nó. Anh nghĩ sao?”
“Đầu trọc có vẻ rất phổ biến.”
“Muốn nhìn không?” Cô ta kéo mũ xuống làm lộ ra hộp sọ gần như hoàn hảo với chân tóc màu xanh. Không có mũ, đôi mắt cô ta có vẻ to và sáng hơn. “Anh có thể sờ.” Cô ta nắm tay anh và xoa một vòng quanh đầu mình, cảm giác nó rất bóng. “Bây giờ anh cảm thấy thế nào?”
“Mượt.”
“Phải.” Lúc đội lại mũ, cô ta nở nụ cười của người đã tiết lộ được bí mật.
“Cô nhớ Pripyat.”
“Vâng.” Cô ta đọc địa chỉ cũ của nhà mình ở đó: đường phố, lô nhà, căn hộ. “Anh có thể nhìn thấy cả nửa thế giới từ tầng tám. Vào mùa thu, chúng tôi sẽ nhìn ngắm lũ vịt bơi xuôi dòng sông về phía nam, và vào mùa xuân, chúng lại bơi ngược về phía bắc.”
“Oksana, cô đã gặp em trai mình chưa?”
“Ai cơ?”
“Cô có gặp Karel không?”
Điện thoại di động của Arkady đột nhiên reo vang. Anh cố lờ đi nhưng Oksana đã chộp lấy khoảnh khắc gián đoạn đó để uống nốt ly cà phê và đứng dậy. “Tôi phải đi rồi. Tôi phải nấu ăn cho ông tôi.”
“Làm ơn. Chỉ mất một giây thôi.” Một số điện thoại cố định trong vùng hiện ra trên màn hình. Arkady trả lời, “Alo.”
Giọng một người đàn ông, “Tôi là bạn anh gọi từ Khách sạn Pripyat.”
Người bạn này chính là người nhặt rác với đồ dùng của thợ sửa ống nước và lò nướng làm từ lò xo đệm trải giường mà Arkady đã đuổi theo đến tận trường học. Một người Ukraine nói tiếng Nga, vì thế anh ta biết Arkady là ai. Giọng nói khàn khàn do nhiều năm hút thuốc. Không thể nhận ra giọng gốc. Số cố định, sóng ổn định. Arkady nhìn sang Oksana; cô ta đang chuẩn bị rời đi.
“Vâng.”
“Anh muốn nói chuyện và sẵn sàng trả tiền đúng không?”
“Đúng.”
Lúc Oksana lủi sang quảng trường, cô ta thì thầm, “Anh rất, rất tốt. Chỉ là… đừng ở lại quá lâu.”
“Về cái gì?” đầu dây bên kia tiếp tục.
“Thi thể của doanh nhân người Nga được tìm thấy ở một ngôi làng gần Chernobyl hai tháng trước. Tôi đang điều tra.”
“Anh có thể trả bằng đô la Mỹ chứ?”
“Vâng.”
“Vậy thì anh là người may mắn vì tôi có thể giúp anh.”
“Anh biết gì?”
“Tôi cá là nhiều hơn những gì anh biết, bởi vì anh đã ở đây một tháng mà chẳng biết gì hết.”
Càng nói chuyện lâu, Arkady càng nghe rõ âm gió ở chữ s và tiếng lạo xạo gãi ngứa từ hàm râu không cạo. Arkady đặt cho anh ta cái tên: Thợ sửa ống nước.
“Như thế nào?”
“Như người doanh nhân của anh thực sự rất giàu có, vì thế liên quan đến rất nhiều tiền.”
“Có thể. Anh biết gì?”
Arkady nhìn Oksana chạy ngang siêu thị và biến mất ở một góc quanh.
“Ồ không, không phải qua điện thoại.”
“Chúng ta nên gặp nhau,” Arkady nói. “Nhưng anh phải nói sơ lược cho tôi về những điều anh biết thì tôi mới có thể biết nên mang theo bao nhiêu tiền.”
“Tất cả.”
“Nghe giống như anh chả biết gì.” Và đó chính là ấn tượng của Arkady về Thợ sửa ống nước. Khoác lác.
“Mười ngàn đô la.”
“Cho cái gì?”
Thợ sửa ống nước vội vàng. “Tôi sẽ gọi lại cho anh vào buổi sáng và cho anh biết chúng ta sẽ gặp nhau như thế nào.”
“Nói đi,” Arkady đáp nhưng gã ta đã gác máy.
Chuyến tàu về chở ít công nhân làm ca đêm hơn, họ đều là đàn ông và hầu hết đang tranh thủ chợp mắt, cằm gục sát vào ngực. Có gì để nhìn nhỉ? Mặt trăng bị mây che khuất, xe ngựa lọc cọc chạy trên vùng đất tối đen của làng mạc và trang trại đã đi sơ tán, duy nhất có tiếng rầm rầm của đường ray là chuyển động về phía trước. Rồi chợt ánh đèn hiệu lao vút qua cửa sổ giống như một khuôn mặt và Arkady giờ tỉnh táo hoàn toàn.
Cái chết của Pasha rất phức tạp vì ông ta đã chết dần chết mòn. Ông ta có một máy đo phóng xạ. Ông ta biết mình sắp chết và chết vì cái gì. Đó là một phần của sự thử thách. Arkady cố tưởng tượng lần đầu tiên Pasha ý thức được chuyện gì đang diễn ra. Pasha đã trở thành một con người của xã hội, kiểu sẵn sàng cởi áo vét và xắn tay áo, như Rina đã nói, để có khoảnh khắc vui vẻ. Nó bắt đầu thế nào? Trong một bữa tiệc lộn xộn, ai đó đã lén đút lọ đựng muối và máy đo phóng xạ vào túi áo ông ta chăng? Chiếc máy đo hẳn đã bị tắt tiếng. Arkady hình dung ra vẻ mặt Pasha lúc ông ta đọc con số trên máy đo rồi nhanh chóng và lịch thiệp ra khỏi ô tô một mình. Con số chắc không quá cao, giống như cú thăm dò đầu tiên của pháo binh. “Chúng tôi xả nước nhiễm phóng xạ thẳng vào sông Matxcova,” Timofeyev đã từng nói thế, vậy là ông ta quyết định dừng xe ô tô, quăng lọ muối xuống biển. Nhưng từ đó Ivanov trở nên dễ bị tổn thương. Không cách nào phân biệt được Xesi Clorua với muối nếu không có máy đo. Muối được cho vào hay rắc lên thức ăn của ông ta. Muối được đựng trong lọ nhựa tại cửa hàng ở tầng hầm thấp nhất hay dạng hạt trong các nhà hàng sang trọng nhất. Làm sao ông ta dám ăn? Hoặc có bất kỳ liên hệ nào với thế giới bên ngoài khi hầu như không thể nhìn thấy được các hạt nhỏ dính trên một lá thư hay quần áo nếu chạm phải ai đó trên phố? Cuối cùng ông ta sẽ làm gì khi phát hiện ra cả đống muối lấp lánh trong tủ quần áo? Làm thế nào để phát hiện ra một hạt độc hại trong hàng triệu hạt như nhau?
Và nó vẫn tiếp tục. Timofeyev cũng bị tấn công. Và Rina, người cực kỳ gần gũi với họ, cũng vậy. Cả Ivanov và Timofeyev đều có vẻ xanh xao do nhiễm Xesi. Triệu chứng chảy máu mũi là dấu hiệu của thiếu tiểu cầu. Họ không thể ăn uống. Mỗi ngày họ càng suy yếu và bị cô lập hơn. Và tại nơi ẩn náu trong căn hộ của Ivanov, trong tủ quần áo của ông ta là một lớp muối dày sáng bóng. Cùng một lọ đựng muối.
Nó không giống bất kỳ lọ đựng muối hay hạt tiêu nào trong căn hộ, Arkady đoán nó được đặt ở đó giống như một ngọn đèn hải đăng nhỏ đang chập chờn trong các tia gamma. Cái lọ nhiễm phóng xạ và lớp muối cũng bị nhiễm xạ. Những người tự tử có chung một quá trình, đầu tiên là mệt mỏi, sau đó lại bừng bừng khí thế. Chiếc ghế ở đây, sợi dây ở đâu? Dao cạo chỗ này, khăn tắm ở đâu? Làm thế nào để tống khứ đám muối nhiễm xạ? Ăn chúng. Ăn cùng vài lát bánh mì. Nuốt xuống cùng với nước có ga. Máy đo phóng xạ kêu? Tắt đi. Mũi bị chảy máu? Lau đi, dùng khăn tay gói kín cái máy đo và nhét vào ngăn đựng áo sơ mi. Gọn gàng, nhanh chóng. Sức đẩy là rất quan trọng. Dạ dày có xu hướng muốn đẩy ra những gì bạn vừa ăn vào. Tìm cái gậy trượt tuyết và cố nạy cửa sổ. Lúc này, túm lấy cái lọ muối, trèo lên cao phía trên thế giới, màn cửa bay phần phật, nhìn chăm chú vào chân trời tươi sáng. Sẽ rất dễ dàng để chết nếu bạn vốn đã chết rồi.
Chó Sói Cắn Chó Nhà Chó Sói Cắn Chó Nhà - Martin Cruz Smith Chó Sói Cắn Chó Nhà