To love is to admire with the heart:

to admire is to love with the mind.

Theophile Gautier

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 19
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
iữa trưa, Phạm Ngũ Lão phóng ngựa về đến đại bản doanh Vạn Kiếp. Không khí hôm nay tấp nập khác thường. Ngoài phu nhân và quận chúa An Nguyên, bốn con trai của Hưng Đạo vương là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uẩn, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng và Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện đều có mặt. Dã Tượng cho Ngũ Lão hay “hôm nay là ngày giỗ của Yên Sinh vương Trần Liễu, cha đẻ Hưng Đạo vương”.
Thật “con nhà tông chả giống lông, cũng giống cánh”, bốn người con của Tiết chế đều cao lớn, vạm vỡ, từ dáng đi đứng đến các cử chỉ đều rất oai phong lẫm liệt. Hai người anh đều có vẻ mặt cương nghị và trầm tĩnh. Riêng Trần Quốc Tảng mặt đỏ, có phần bộc trực và nóng nảy. Còn Quốc Hiện trắng trẻo, có vẻ lạnh lùng, khó hiểu. Quốc Tảng có vẻ hợp với Phạm Ngũ Lão hơn cả. Hưng Nhượng vương đặt bàn tay nặng trịch lên vai Ngũ Lão vừa cười vừa hỏi:
- Đệ học cách ở đâu mà luyện binh nghiêm cẩn, tinh thông và lanh lợi như vậy?
- Sao huynh biết? - Phạm Ngũ Lão hỏi lại.
- Ta lên đây đã mấy ngày rồi. Có người khen đệ rèn quân giỏi lắm! Đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Suốt cả một ngày ta đến chỗ quân doanh của đệ. Bởi thế ta mới hỏi đệ học ở sách nào?
- Dĩ nhiên là đệ cũng có đọc rất nhiều. Sách binh thư từ cổ chí kim của Tầu cũng nhiều mà của ta cũng lắm. Nhưng đệ thấy dễ áp dụng nhất là cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Tiết chế.
- Cái lưỡi ngươi uốn cũng dẻo lắm! Thảo nào cha ta mỗi lần nhắc đến ngươi đều “tâng lên tận mây xanh”. - Quốc Tảng có ý chế nhạo.
- Đệ từ nhỏ đến giờ chưa học được cách lấy lòng ai bao giờ. Có thể tại huynh thấy “Bụt chùa nhà không thiêng” mà thôi. - Ngũ Lão cứng cỏi đáp lại.
Quốc Tảng tuy có hơi giận nhưng vốn tính bộc trực cũng bỏ qua, nhưng cũng vặn lại:
- Thế cách bầy trận “bát quái” mà quân của đệ thực hiện, ta phá nửa buổi không được thì trong sách của cha ta đâu có?
- À, cái “trò chơi” vặt vãnh đó, đệ “chế ra” từ sách nọ, sách kia theo lối “đầu Ngô, mình Sở” ấy mà!
- Được! Ta xin chịu đệ. Kỳ này về miền đông ta cũng phải rèn quân theo cách của đệ mới được.
- Ấy chết! Huynh mà nói vậy là ghép cho đệ cái tội bất kính, bất trung với Tiết chế đó!
- Thôi! Anh em nhà các người “cãi cọ” thế cũng đủ rồi! - Hưng Đạo vương ra giọng giảng hòa - Vào lễ tạ ông nội đi, để còn ngả mâm xuống… Xin lộc của ông nội.
Chiều phu nhân bảo Phạm Ngũ Lão đưa mình đi dạo, tất nhiên bên cạnh Người có quận chúa An Nguyên.
Đi được một lúc, phu nhân kêu đau đầu bảo thị nữ đưa về trước. Chỉ còn lại hai người. Ngũ Lão thấy mình quá kềnh càng so với tấm thân có chiều cao nhưng hơi ẻo lả của An Nguyên. Nàng khẽ tựa vào vai Ngũ Lão. Ngũ Lão thấy ngượng ngượng vì bờ vai vừa rộng vừa rắn chắc như một tấm gỗ lim, có thể làm cho An Nguyên không được êm ái.
- Chàng có biết thiếp sợ nhất điều gì không? - An Nguyên thì thầm hỏi.
- Ngũ Lão này chỉ là anh nhà quê đan sọt có chút dũng phu làm sao biết được những điều thầm kín của Quận chúa.
- Xin chàng đừng gọi thiếp là Quận chúa! Thiếp thêm hổ thẹn. Thiếp cũng xuất thân từ con nhà nông dân như chàng, ở cùng làng với Tiết chế. Cha mẹ thiếp mất sớm. Tiết chế thương tình đem về nuôi, rồi nhận là nghĩa nữ. Cả Tiết chế lẫn phu nhân đều đối xử rất tốt. Coi như con đẻ. Nhưng điều mà thiếp sợ nhất là bị gả vào nhà vương tôn quý tộc khác. Cũng đã có nhiều đám “rắp ranh bắn sẻ” (ý ướm hỏi) nhưng phu nhân phản đối quyết liệt. Chúng nó muốn lấy ông (chỉ Hưng Đạo vương) chứ thiết gì cưới con An Nguyên. Thiếp nghĩ phu nhân đã nói đúng. Khi Tiết chế còn sống có thể họ đối xử tốt với thiếp. Sau này, khi Tiết chế “hai năm mươi” rồi họ sẽ quẳng thiếp vào sọt rác, như quả cam đã vắt hết nước… Cho tới khi lần đầu tiên chàng xuất hiện ở phủ, phu nhân đã đưa mắt cho thiếp. Và tự dưng hai má thiếp bỗng đỏ lựng lên…
- Vợ chồng là cái duyên, cái số. Là “cuộn chỉ ông trời se, cái que ông trời buộc”. Nhưng mà… - Lúc đầu Ngũ Lão định gọi hai từ Quận chúa, nhưng đã kịp thời đổi lại… - nàng lấy ta thì suốt đời sẽ khổ đấy! Ta là võ tướng… quanh năm suốt tháng phải “Nam chinh - Bắc chiến”… Ấy là chưa kể sinh mạng lúc nào cũng như “trứng để đầu đẳng”.
- Trai thời loạn. Thiếp khinh những người được gọi là “trang nam tử” mà giặc đến thì lại “núp dưới váy vợ”…
Ngũ Lão ngại ngần mãi mới dám đưa đôi tay dài và cuồn cuộn những cơ bắp vòng qua ôm lấy lưng An Nguyên. Nàng khẽ rùng mình run rẩy. Ngũ Lão thật thà hỏi:
- Nàng lạnh à! Để ta mau đưa nàng về!
- Không!… Thiếp có lạnh đâu. Chẳng qua là… thiếp hồi hộp… Và sung sướng quá… đó mà.
Sáng sớm hôm sau, trong phòng trà của Tiết chế ở Đại bản doanh Vạn Kiếp, trước khi “ai về nhà nấy” thì Quốc Tảng cất giọng nói oang oang:
- Thưa cha! Con nghe nói cái thằng Khánh Dư ở Vân Đồn… nó làm nhiều chuyện bậy bạ lắm! Cha hãy phái con và Dã Tượng… làm giám quân ra đó một chuyến xem sao?
- Tất cả những chuyện Khánh Dư làm cha đều biết cả. Nay con muốn đi một chuyến ra đó cũng là điều cần. Tuy nhiên con không được nóng nẩy quá!
Trở lại chuyện Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được Tiết chế cho thống lĩnh ba vạn thủy quân ra trấn thủ ở ải Vân Đồn thì như “mãnh hổ được trở về rừng xanh”.
Vân Đồn là quan ải trọng yếu ở vùng đông bắc. Nằm trong khu vực lộ Hải Đông (vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh bây giờ). Đồng thời cũng là thương cảng sầm uất, nơi giao thương hàng hóa với các cửa hàng cửa hiệu lớn nhỏ, bao gồm cả các tụ điểm ăn chơi như lầu xanh, sòng bạc, trường gà… mọc lên như nấm. Số dân cư bản địa ăn hàng từ các thuyền buôn Trung Quốc để tỏa sâu vào nội địa, tạo nên một màng lưới, một hệ thống chân rết vô cùng đông đảo. Các thứ hàng hóa lái buôn người Hoa cần tải về phương bắc cũng do mạng lưới này cung cấp. Thật đa dạng, nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần lộn xộn. Để lập lại trật tự, lệnh đầu tiên của Nhân Huệ vương Trần khánh Dư ban ra là “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ (chỉ quân Nguyên Mông) nên các thương nhân không thể đội nón phương bắc, sợ khi giặc sang trong lúc vội vàng khó lòng phân biệt. Bởi thế nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở lộ Hải Đông, hương này có nghề đan cật tre làm nón rất khéo, nên lấy tên hương làm tên nón) ai trái lệnh sẽ bị phạt nặng bằng tiền, thậm chí bị phạt đánh đến năm mươi roi.
Trước lúc đó Khánh Dư đã ngầm cho người của mình đến hương Ma Lôi mua vét sạch tất cả số nón ở đây. Được cả chục thuyền lớn chở về còn đặt làm thêm vài thuyền nữa. Lúc đầu mỗi chiếc Ma Lôi giá chỉ nửa quan tiền. Sau lên đến trên một quan. Cung không đủ cầu, nên có lúc một chiếc nón đổi được một xúc lụa. Số lụa đổi được lên cả ngàn tấm.
Tiếp đó Khánh Dư cho mở các sòng bạc, trường gà. Chỉ có người có “máu mặt” mới được vào chơi. Các lái buôn người Hoa, người Việt có “máu me” đều bị nuốt vào đây thâu đêm suốt sáng. Không kể các trò “cờ bạc bịp”, riêng tiền “hồ” mỗi ngày cũng thừa vài ngàn đồng. Riêng trò đá gà, Khánh Dư có cả vài chục con. Gà của người khác đem đến chọi, nếu thua mất tiền cược là đương nhiên. Nhưng nếu có dấu hiệu chiến thắng, quân gia của Khánh Dư ra hiệu cho tay chân thả con chim ưng lông đỏ mỏ quặp ra. Thế là “vù” một cái, con chim ưng sà xuống cắp chú “gà nòi” của đối phương bay mất tăm. Thế là đành xử huề. Chú chim ưng rất tinh quái biết được gà nhà, gà lạ…
Riêng về khoản “ăn chơi” Khánh Dư không bao giờ lai vãng đến các quán lầu xanh. Mặc dù ở đó các chủ người Hoa “sưu tầm” được rất nhiều gái đẹp bốn phương với các “ngón nghề” phục vụ “thượng đế” tới bến. Để lấy lòng Khánh Dư mỗi lần có “hàng mới” các chủ đều ân cần, niềm nở mời chào “miễn phí”, nhưng Khánh Dư đều cự tuyệt thẳng thừng. Cái thú của Nhân Huệ vương là các thiếu nữ trắng trong theo kiểu “hoa đồng nội”. Vừa mắt cô nào là Khánh Dư trước dùng tiền bạc dụ dỗ, mua chuộc. Cách này không xong thì dùng quyền uy, cộng tiền bạc vũ lực để khuất phục.
Tất cả những việc làm trái với luân thường đạo lý khi đó khiến dân tình kêu ca, oán thán. Ngay cả khách buôn phương bắc cũng không chịu đựng được. Bởi thế có người đã làm thơ mừng Khánh Dư lên tuổi bốn mươi trong đó có câu có ý chê bai, xỏ xiên là: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh”. Có nghĩa là “Vân Đồn gà chó đều kinh”. Song không phải chuyện gì Nhân Huệ vương muốn là đều được. Vụ việc làm Khánh Dư bẽ mặt nhất là vụ với cha con ngư phủ. Số là một hôm Khánh Dư trên lưng con ngựa bạch dạo chơi trên phố. Qua cửa chợ chợt “giật mình” thấy một cô gái vận đồ đen với hai sọt cá tươi lớn. Cô gái có khuôn mặt trái xoan nhẹ nhõm với đôi mắt to đen dưới đôi lông mày lá liễu cong vút. Chiếc mũi dọc dừa cao ăn khớp với đôi môi chúm chím đỏ mọng ôm lấy hàm răng trắng lấp lánh đều tăm tắp. Cô niềm nở, nhanh nhẹn mời chào, lựa chọn và xâu cá lại cho khách bằng những chiếc lạt giang rất mềm dẻo mà chắc chắn. Từ xa Nhân Huệ vương đã “tia” được “bông hoa lạ”. Khánh Dư ghé tai nói nhỏ với một tên lính hầu. Tên này “vâng dạ” rồi tiến đến cổng chợ. Hắn nói với bố con ông lão ngư phủ “Nhân Huệ vương muốn mua cả hai xảo cá. Nhưng muốn cô nương đây gánh giùm về phủ.” Cô gái tủm tỉm cười, càng làm cho khuôn mặt thêm rạng rỡ, khiến Khánh Dư càng thêm mê mẩn. Song le câu trả lời của lão ngư đã khiến như một gáo nước lạnh dội xuống đầu Nhân Huệ vương:
- Cha con tôi bán cá chứ không bán thân! Ngươi về nói với chủ ngươi như vậy.
Không chờ tên gia nô quay lại (Khánh Dư đã nghe thấy hết) liền thúc ngựa phóng đi.
Ngày hôm sau, đứng suốt cả buổi chợ sáng đến buổi chợ chiều, không có một khách nào lai vãng đến hỏi mua cá. Ông lão bảo con gái xâu từng con lại “cho không” những người đi chợ có vẻ “tầm tầm” không có nhiều tiền lắm. Thế là loáng một lúc, gánh cá đã được “tiêu thụ” hết. Nhưng đến ngày hôm sau, mặc cho cô gái đẹp như “tiên sa” luôn nở miệng tươi cười đon đả: “Lấy cá đi! Cá chim, thu, nụ, đé còn tươi rói đây! Nhanh chân đến lấy… biếu không đây!” Nhưng tịnh cũng không thấy bóng người nào lai vãng lại gần. Chiều tối một gã gia nô đến chỗ cha con cô gái, ân cần bảo:
- Cha con lão việc gì phải vất vả, nhọc lòng làm vậy! Nhân Huệ vương mời cha con ông tới phủ… từ mai có bao nhiêu cá Nhân Huệ vương mua tất…
Cô gái thì vẫn tủm tỉm cười, hàm răng trắng lấp lóa sáng trắng dưới bóng hoàng hôn. Còn ông lão ngư phủ thì bảo:
- Ngươi về nhắn với chủ nhân của ngươi rằng. Nếu có tài tỷ thí võ nghệ với con gái lão. Nếu thắng con gái lão sẽ theo không.
Khánh Dư cho chuyện ấy là “hoang đường”, mắng tên gia nô:
- Người có ăn phải “bùa mê thuốc lú” mà nghe nhầm không đấy!
- Dạ! Thưa chủ nhân… Con đâu dám nói sai với chủ nhân một lời.
- Được muốn vậy thì sáng mai ta tới đó xem sao?
Chợ đang đông thì Khánh Dư lững thững cưỡi ngựa cùng mấy tên gia nô tới, chàng bận võ phục trông rất gọn gàng và oai vệ.
Lão ngư phủ tiến lại gần và hỏi:
- Nhân Huệ vương có dám nhận lời tỉ thí chăng?
- Lão không đùa bản vương đấy chứ? - Khánh Dư niềm nở hỏi lại.
- Ngài xem tôi đã ngần này tuổi đầu lại đi nỡm vương à?
- Thế cách thức tỷ thí thế nào? - Khánh Dư hỏi lại.
- Vương gia cứ việc dụng thanh trường kiếm của mình. Còn con gái lão phu thì dụng chiếc đòn gánh tre gánh cá!… Xin vương gia cứ trổ hết bản lĩnh của mình. Con gái tôi lỡ có thiệt thân tôi cũng không dám oán thán gì.
- Bản vương sao nỡ làm tổn thương tới thân ngà vóc ngọc của con gái lão ngư được! Song nếu bản vương thắng! Cha con lão có giữ đúng lời hứa như đã nói với gia nô của ta chăng?
- Dù cha con lão ngư có là dân… thấp hèn. Song quyết không bao giờ nuốt lời nói của mình.
- Thế thì xin mời! - Khánh Dư lạnh lùng nói rồi xuống ngựa. Hai chân hơi xuống tấn. Một tay nắm chặt chuôi thanh trường kiếm, tay kia xòe ra chặn lấy mũi kiếm lúc đó đã đưa cao lên ngang mặt, theo thế “kiếm thủ” có ý nhường nhịn.
Cô gái vận đồ đen, sau khi vấn lại mớ tóc dài thật chặt và gọn ra sau gáy, dùng một chân hất chiếc đòn gánh bay lên. Rồi nhanh như chớp một tay nắm lấy một đầu và ra ngay một chiêu mở hàng nhằm trúng cổ Khánh Dư phạt tới. Chiếc đòn gánh lia như chớp khiến Khánh Dư hơi giật mình vội đưa kiếm ra đỡ. Những tưởng sau cú “ra kiếm” đó, chiếc đòn gánh trong tay cô gái sẽ bị chặt phăng làm đôi trước lưỡi kiếm chém sắt như chém bùn của Trần Khánh Dư. Nhưng không, chiếc đòn gánh đó dường như không phải bằng tre mà bằng một thứ vật liệu gì đó hết sức mềm, dẻo nhưng độ cứng không thua bất cứ loại thép quý nào. Sau đòn thứ nhất, chiếc đòn gánh lộn đầu thúc từ ngực Khánh Dư lên mặt. Khánh Dư phải lùi lại vung kiếm lên gạt ra. Lúc đầu Nhân Huệ vương vốn “thương hoa, tiếc ngọc” chỉ thiên về phòng ngự. Chàng giở bài “Kiếm pháp mai hoa” ra, lưỡi kiếm như hoa mai bay lấp lóe, phủ khắp người. Nhưng chiếc đòn gánh tre trong tay người đẹp lại như một con mãng xà đã thành tinh, trổ ra những đòn đánh môi lúc một hóc hiểm, một dồn dập khiến Khánh Dư phải đón đỡ đến toát mồ hôi. Biết gặp phải cao thủ không thể đùa rỡn với cái chết được. Nhân Huệ vương bắt đầu tung ra những chiêu tấn công ác hiểm nhằm vào ngực, vào cổ đối phương mà phóng tới. Song Khánh Dư càng trổ hết tài nghệ ra bao nhiêu thì cô gái lại càng tỏ ra phấn chấn hơn. Khách đi chợ đã đứng thành vòng trong vòng ngoài, tầng tầng lớp lớp tận mắt chứng kiến trận “tao ngộ đấu” có một không hai tại vùng biển biên thùy này. Biết dùng sức không được bởi mỗi lúc Khánh Dư càng yếu thế hơn. Không có gì quý bằng danh dự và tính mạng của mình, cuối cùng Nhân Huệ vương phải “nén lòng” giở ra chiêu “Hồi mã gươm” vô cùng lợi hại của mình. Đối thủ dính phải chiêu này thì chắc chắn là mạng vong. Đầu tiên Khánh Dư vung thanh trường kiếm nhằm đầu đối phương bổ xuống theo thế “Thái sơn áp đỉnh”. Đối thủ chỉ có cách lùi lại. Khánh Dư vờ như bị lỡ chớn, mũi kiếm cắm xuống đất. Đối thủ, dù là cao thủ đi nữa tất nhiên triệt để lợi dụng “sơ hở” này để lia “hung khí” vào cổ phía bên kia. Chỉ chờ có vậy, bất ngờ mũi kiếm của Khánh Dư lộn ngược lên, xuyên qua ngực hoặc cổ đối phương. Song le, khi Khánh Dư cắm mũi kiếm xuống đất thì cô gái lại lùi lại. Bất ngờ và thật bất ngờ… móc từ cạp quần ra một vật đen tròn to hơn quả quýt một chút. Và ném về phía Nhân Huệ vương. Quả quýt nở bung ra thành một tấm lưới trùm lấy toàn bộ người và kiếm của Khánh Dư. Cô gái cầm đoạn đuôi lưới giật mạnh một cái khiến Nhân Huệ vương như bị trói chặt và ngã quay lơ ra đất. Chưa hết, cô ta cầm đầu lưới nhanh nhẹn chạy đến bên con ngựa bạch của Trần Khánh Dư. Nhẹ nhàng, khéo léo và rất thiện nghệ của một kỵ sĩ, nàng nhảy lên lưng con ngựa quý và cực kỳ khôn ngoan, từ xưa tới giờ chưa ai có thể cưỡi được trên mình nó. Song lần này rất ngoan ngoãn, con bạch mã dưới sự điều khiển thuần thục của cô gái rẽ đám đông đang vây quanh ra, kéo theo chủ nhân của nó quét lê trên mặt đất.
Sau khi đã phóng quanh các phố chính của thương cảng Vân Đồn, cô gái thúc ngựa trở lại cổng chợ.
Lão ngư nói với con gái:
- Thôi thế đủ rồi! Con hãy thả vương gia ra!
Cô gái nhẹ nhàng nhảy xuống ngựa, giật mạnh đầu lưới một cái. Tấm lưới vội xòe ra. Cô thu lại vo thành “quả quýt” lớn, giắt vào cạp quần. Nhân Huệ vương lồm cồm chống kiếm đứng lên. Đầu óc lơ mơ như tỉnh như mơ. Khi đã tỉnh hẳn thấy lão ngư khoanh tay đứng trước mặt. Râu tóc bạc như cước, dáng người nhỏ bé nhưng rắn rỏi. Đặc biệt giọng nói chắc nịch như tiếng chày gỗ thúc vào chuông đồng lớn.
- Ta nói cho ngươi hay! Thiên hạ nhân. Thiên hạ tài. Cao nhân ắt có cao nhân trị. Tiếc rằng triều đình không tuyển mộ nữ nhi vào lính. Bởi thế cha con ta tiếc chút tài ngươi có lúc sẽ giúp ích cho Đại Việt. Nên tạm tha cái mạng của ngươi lại. Nhưng chớ có tiếp tục chèn ép người ta quá đáng!
Nhân Huệ vương đưa mắt cho mấy tên gia nhân có tài “chó săn” bám gót theo hai cha con lão ngư. Dăm bẩy ngày sau chúng về bẩm:
- Dạ! Thưa vương gia! Chỗ ở của hai cha con lão ở cách đây chừng năm dặm, trong một hồ nước sâu, đen thăm thẳm ăn thông ra vịnh. Phía bên kia hồ có một quả núi. Ở lưng chừng có một mái nhà lợp tranh đơn sơ. Vào đêm có ánh trăng dưới hồ nước đen sâu thăm thẳm thấy xuất hiện ba con giao long đen, ngụp lặn đùa rỡn với nhau rất vui vẻ. Còn vào các đêm mưa gió, dưới mái nhà tranh có ánh lửa bập bùng, hiện rõ hai vợ chồng già với cô con gái vừa xiên cá nướng ăn, vừa cười đùa với nhau rất tình cảm.
Nhân Huệ vương quát:
- Đồ ăn hại! Làm gì có chuyện hoang đường đó! - Song trong tâm trí Trần Khánh Dư lởn vởn một ý nghĩ: “Hay là quỷ thần xuất hiện để đe nẹt, răn dạy ta!”
Và từ đó các trò lộng hành của Nhân Huệ vương có bớt đi. Nhất là các việc bắt ép con nhà lành. Song cái thói hay là cái thú “trăng hoa” thì không thể bỏ được. Khánh Dư bèn nghĩ ra một kế, sai gia nhân đến tiệm buôn lớn của người Hoa rỉ tai rằng: “Muốn được làm ăn” nhất bản vạn lợi được suôn sẻ may mắn nên chọn mỹ nữ còn trinh trắng dâng cho Nhân Huệ vương”. Vì cái “khoản” này thì người Hoa ở bậc “tiên sư” nên Khánh Dư không phải “lao tâm khổ tứ” săn tìm “của lạ” nữa.
Lại nói Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đem theo gia tướng Dã Tượng cùng một chục tên lính nhanh nhẹn xuống Vân Đồn thanh sát việc luyện quân của Phó đô tướng Nhân Huệ vương theo lệnh của Tiết chế. Để đảm bảo bí mật, bất ngờ đoàn thanh sát của Quốc Tảng đóng giả làm cánh lái buôn đến ăn hàng thuốc bắc của các lái buôn người Hoa. Quốc Tảng dự định sẽ ăn nghỉ ở một nhà trọ “tầm tầm” nào đấy ở một con phố nhánh. Nhưng vừa đặt chân đến tới hôm trước thì tờ mờ sáng hôm sau có một đội quân ăn mặc rất chỉnh tề đến:
- Bẩm Hưng Nhượng vương. Nhân Huệ vương có lời mời đoàn thanh sát của Tiết chế đến bản doanh của Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư để làm việc. - Tên này có vẻ là một tên đội, ăn nói rất kính cẩn và lưu loát.
Hưng Nhượng vương hơi giật mình nhìn Dã Tượng. Dã Tượng nói thầm vào tai Quốc Tảng:
- Được ta cứ đến đó xem sao? Trước sau gì cũng phải tới đó mà.
Tại bản doanh của vùng biên ải Vân Đồn Trần Khánh Dư đã trống dong, cờ mở, lính đứng thành hai hàng với gươm giáo sáng lòa sẵn sàng nghênh đón đoàn thanh sát. Chủ khách vừa phân ngôi tại vị, Khánh Dư đã nhanh nhảu nói:
- Hưng Nhượng vương nhận sự ủy thác lớn lao của Tiết chế xuống thanh sát vùng biên ải quan trọng này, sao không đến ngay bản doanh để chúng tôi được trân trọng đón tiếp, lại nhọc lòng đến quán trọ tồi tàn đó làm gì?
- Chúng ta không muốn làm khinh động mọi người vì lúc ấy trời đã tối rồi. - Hưng Nhượng vương đáp qua quýt.
- Thế thì Hưng Nhượng vương lầm rồi! Tướng sĩ ở đây lúc nào cũng túc trực ngày đêm để “nghênh đón” mọi tình huống có thể xảy ra.
- Vậy thì chúng ta muốn ra duyệt đoàn chiến thuyền ngay bây giờ, Nhân Huệ vương nghĩ sao? - Quốc Tảng bất ngờ đưa ra đề nghị đó.
Khánh Dư ngả người ra phía sau ghế cười ha hả rồi khảng khái đáp ngay:
- Xin mời Hưng Nhượng vương!
Tất cả lên ngựa đi tắt ra cửa cảng Vân Đồn.
- Gọi “súy thuyền” đến đây! - Khánh Dư ra lệnh.
Lập tức một tên lính đứng cạnh dùng cờ lệnh phất hai lần lên đầu. Loáng một cái con thuyền chỉ huy mầu trắng, kích cỡ không lớn lắm, chở chỉ khoảng dăm bảy chục người đã dong buồm phóng như bay vào bãi cát. Những tên lính trên thuyền nhanh nhẹn lao ván bắc cầu cho đoàn người lên thuyền!
- Xin mời Hưng Nhượng vương! - Khánh Dư làm một cử chỉ rất điệu bộ và lịch thiệp.
Thuyền vừa lướt sóng xa bờ chưa xa thì Quốc Tảng đã nói như ra lệnh:
- Ta muốn xem Nhân Huệ vương tập hợp các chiến thuyền lại để chờ lệnh.
- Quân bay đâu! Có nghe thấy lệnh của Hưng Nhượng vương không?
Lập tức một tên lính đứng ở mũi thuyền rút ra hai cây cờ xanh, đỏ ở bên sườn, phất một bài lên xuống, qua phải qua trái hết sức nhịp nhàng như đang biểu diễn một bài múa. Trên mấy hòn đảo ở phía xung quanh, trên các điểm cao, lập tức có các tín hiệu cờ hưởng ứng. Chỉ bằng một phần hai mươi khắc giờ, các chiến thuyền từ khắp các ngả nhộn nhịp hối hả nhưng rất có trật tự lướt sóng ra xếp hàng thành hình chữ nhất ở giữa vùng vịnh chờ lệnh khiến Hưng Nhượng vương không khỏi thán phục. Nhưng với con mắt rất tinh tường của một vị tướng, Quốc Tảng hỏi luôn:
- Triều đình giao cho Phó đô tướng thống lĩnh ba vạn thủy quân. Nhưng với số lượng bốn trăm chiếc thuyền thế này chỉ độ hai vạn. Vậy còn một vạn nữa đi đâu?
- Tiết chế đã từng dạy phải biết “Ngụ binh ư nông” Bây giờ còn đang yên hàn, tôi rút ra một vạn quân, quay vòng ba tháng một lần để đi đánh cá, nuôi trồng hải sản, lên rừng đốn gỗ đóng thuyền, chặt tre rừng vót cung tên… Và làm một số công việc khác. - Khánh Dư ứng đối rất trôi chảy khiến Quốc Tảng không thể vặn thêm được gì về điểm này.
- Thế “hoa lợi” thu được Phó đô tướng dùng vào việc gì. - Quốc Tảng xoay qua việc khác.
- Một phần ba gửi về nộp cho triều đình. - Có giấy biên nhận của quan coi sóc công khố. Số còn lại để nuôi quân và trang trải việc mua sắm các đồ dụng cho thuyền bè. Khánh Dư này không tơ hào một xu.
- Phải giống như vụ nón Ma Lôi chứ gì? - Quốc Tảng giễu cợt.
- Hừm! Làm tướng mà không linh hoạt thì có mà… đói dã họng ra à? - Khánh Dư đốp chát thẳng thừng.
- Thôi được rồi, chuyện đó không quan trọng! Bây giờ ta muốn Phó đô tướng cho triển khai việc tấn công đoàn thuyền vận tải lương của giặc Hồ trong điều kiện có quân hộ tống rất đông đảo và tinh nhuệ.
- Quân bay! Hãy triển khai cho Hưng Nhượng vương xem!
Các hiệu lệnh cờ từ “súy” truyền lại được phát ra và tại mỏm cao trên các đài, tín hiệu cờ lại được truyền tới từng đội chiến thuyền.
Hơn bốn trăm chiến thuyền đang xếp theo hình chữ nhất vội tản ra. Khoảng năm chục chiếc chở các chiến binh tinh nhuệ nhất với gươm giáo, cung tên đè sóng lướt như bay ra phía trước. Phía đối diện đã thấy có một đội thuyền khác mầu xông ra nghênh chiến… Hai đoàn chiến thuyền hòa vào nhau. Sau đó đoàn thuyền mang cờ Đại Việt vừa đánh vừa chạy, như cho chiến thuyền “Nguyên Mông” đuổi theo. Khi cuộc rượt đuổi đã khá xa, từ “súy” thuyền cờ hiệu lại được phất lên. Các đội thuyền nhỏ, mỗi đội chừng hai ba chục chiếc lao tới khu vực thuyền vận tải hàng của địch. Đủ các đội thuyền với nhiệm vụ khác nhau. Có đội chuyên dùng tên lửa tẩm dầu bắn vào thuyền tải lương của giặc. Có cả đội “hỏa thuyền” lửa cháy rừng rực cứ thế lao thẳng vào “lòng địch”.
Trận thao diễn thật sôi động và nhịp nhàng khiến Quốc Tảng phải khen thầm: “Thật cha ta nhìn không lầm. Dụng nhân như dụng mộc là thế này đây”.
Cuộc diễn tập suốt từ sáng đến chiều tối, “súy” thuyền vừa cập bờ thì Quốc Tảng lại đề ra yêu cầu tức thì:
- Đó là tình huống đoàn thuyền vận lương của giặc đi qua giữa thanh thiên bạch nhật. Còn vào đêm tối trời thì sao?
Khánh Dư bèn cho thổi một hồi tù và, dài ngắn, cung bậc khác nhau. Thế là các đội chiến thuyền liền lập tức quay mũi trở lại. Tiếng tù và từ “súy” thuyền phát ra thế nào, tại vị trí “tiền tiêu” trên các hòn đảo phát lại như thế, khiến vùng vịnh âm vang một không khí thúc giục rộn rã. Và tất cả lại nghiêm chỉnh quay trở lại đội hình như buổi sáng, không có thuyền nào tỏ ra mệt mỏi sau một ngày diễn tập căng thẳng.
- Hưng Nhượng vương có muốn xem ký hiệu đèn không?
- Có gì ngươi cứ trổ hết ra đây!
Thay tiếng tù và hiệu lệnh lần này được sử dụng là những chiếc đèn lồng đủ mầu sắc sặc sỡ, xanh, đỏ, tím, vàng. Theo cách phát từ “súy” thuyền các đội thuyền tiến, lui, rẽ phải, sang trái, tấn công hay rút chạy… theo một trật tự đã được tập dượt kỹ càng.
- Trong đêm giông bão, có lúc phải dùng tù và, có lúc phải dùng đèn để đối phương rối mắt, rối tai, không biết thế nào để chống đỡ. - Trần Khánh Dư giải thích và nói tiếp. - Thực túc thì binh cường. Hưng Nhượng vương có thấy thủy quân của tôi mỏi mệt không? Sở dĩ có được như vậy bởi suất ăn hàng ngày của họ vô cùng tốt. Tôi đảm bảo đội quân Thánh dực bảo vệ hai Thánh thượng do Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cũng không thể tốt hơn.
Suốt ba ngày Trần Quốc Tảng theo Trần Khánh Dư đi kiểm tra từng trận địa phục kích, từng kho chứa quân lương, tên đạn… Và cả các đội thuộc “binh chủng” “ngụ binh ư nông”. Đi tới đâu Quốc Tảng đều tấm tắc khen thầm tài thao lược của Khánh Dư.
Rồi sáng ngày chia tay cũng đến. Tại sảnh lớn tại quân doanh Khánh Dư mở tiệc chiêu đãi đoàn giám binh do Hưng Nhượng vương dẫn đầu. Rượu được vài tuần, Nhân Huệ vương đưa ra một túi gấm mầu xanh, có đóng xi bốn góc trao cho Quốc Tảng:
- Đây là công văn trình Tiết chế mong Hưng Nhượng vương chuyển giùm.
Quốc Tảng đưa mắt cho Dã Tượng. Dã Tượng đưa hai tay đón lấy, rồi cho vào bọc giấu trong người.
- Chẳng mấy khi có đoàn giám binh do đích thân Hưng Nhượng vương quá bộ xuống đây. Bản vương cũng có chút quà mọn. Mong Hưng Nhượng vương đừng nghĩ là Nhân Huệ vương này có gì sai sót nên phải hối lộ.
- Quà cáp gì! Tiết chế và chúng ta, dù không dư dả bằng ở đây, nhưng nói thật là cũng không đến nỗi thiếu thốn gì. - Quốc Tảng khảng khái trả lời.
- Xin Hưng Nhượng vương cứ thư thả… Quà này chỉ là các đồ kỷ niệm thuộc “cây nhà, lá vườn” chứ không phải bỏ tiền công quỹ ra mua sắm đâu mà Hưng Nhượng vương phải lo.
Nói rồi Nhân Huệ vương vỗ tay làm ám hiệu. Bốn tên lính khiêng ra một cây san hô đỏ lớn như một hòn non bộ, đặt ở các nhà quý tộc.
- Cây san hô này để kính biếu Tiết chế. Mong Tiết chế luôn phát sáng như cây san hô này.
Tiếp đó một tên lính hầu khác bưng ra một chiếc hộp bọc nhung. Khánh Dư mở ra bên trong hộp lót gấm Tây Xuyên Trung Quốc mầu xanh làm nổi bật ba chiếc vòng cổ bằng hạt trai đỏ, hạt trai đen và hạt trai trắng.
- Món quà này xin kính gửi tới quý phu nhân của Tiết chế.
Rồi Nhân Huệ vương lại vỗ tay. Lần này sáu tên lính hai tên một cặp khênh ra ba chiếc lu lớn bằng sành, đặt trong các sọt mây có lót rơm rất chặt chẽ, khi mang vác, di chuyển không thể làm ảnh hưởng tới các lu sành.
- Đây là năm mươi đôi cá ngựa đỏ, năm mươi đôi cá ngựa đen và năm mươi đôi cá ngựa trắng. - Khánh Dư vừa giới thiệu quà vừa mỉm cười khoái trá. Đây đêu là các đôi cá “đại tướng” dài hơn gang tay. Khách tầm “sành điệu” muốn mua một lượng một đôi cũng không có… Quà này xin tặng Hưng Vũ vương. Rượu cá ngựa mọi người đều nói rằng “ông uống bà khen!” Hy vọng Hưng Vũ vương sử dụng sẽ làm hài lòng… công chúa Thiên Thụy…
Trần Khánh Dư phải nói thật luôn luôn thể hiện đúng với chất của mình. Hai món quà tỏ lòng cung kính bao nhiêu thì món thứ ba đây tính khiêu khích giễu cợt bấy nhiêu. Và tất nhiên với Trần Quốc Tảng tính tình tuy có chút nóng nẩy nhưng lòng dạ trung thực, ngay thẳng không thể chịu nổi tài “khiêu khích” đó của Khánh Dư. Hưng Nhượng vương liền quay lại, vớ cây đao của mình do tên lính hầu đang cầm, đứng bật dậy lia đao chém vỡ tan ba chiếc bình sành cá ngựa. Đến cả cây san hô đỏ, lẫn hộp ngọc trai, Quốc Tảng cũng vung đao chém vụn tất.
- Đồ tiểu nhân bỉ ổi! Ngươi định khiêu chiến với bản vương sao? - Quốc Tảng giận dữ quát.
Trần Khánh Dư lúc này đã tuốt kiếm ra khỏi vỏ. Tuy nhiên vẫn ngồi trên chiếc tràng kỷ đối diện. Hai bàn tay cùng chống bên chuôi kiếm vừa cười vừa bảo:
- Ta cũng muốn tỉ thí với Hưng Nhượng vương. Tuy nhiên, hôm nay không có hứng. Song ta cũng nói cho Hưng Nhượng vương biết rằng về mặt kiếm thuật đến Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, tay thương số một của Đại Việt hiện nay cũng phải nhường ta hai, ba phần.
Nói rồi Trần Khánh Dư lên giọng quát lớn:
- Bay đâu! Tiễn khách!
Hưng Nhượng vương định vung đao nhảy bổ sang thì bất ngờ quân phục rất khéo từ bốn xung quanh đồng loạt bật dậy, gươm giáo sáng lòa, chật như nêm cối khiến Quốc Tảng không thể lao sang chỗ Khánh Dư được.
- Quân bay! Chuẩn bị ngựa! Ta phải đi săn để giải mấy ngày căng thẳng vừa rồi.
Vốn cao hơn bọn lính nửa cái đầu, Quốc Tảng nhìn thấy rất rõ Khánh Dư nhẩy tót lên mình con bạch mã. Thanh trường kiếm đeo bên sườn, trên vai là con chim ưng lông đỏ, mỏ quặp, trông dáng rất phong lưu và oai vệ khiến Quốc Tảng tức đến “nổ một”. Nhưng hàng rào binh lính chặt như nêm cối nên Quốc Tảng chỉ còn cách đứng nhìn con ngựa bạch trên đó có Khánh Dư cùng đoàn tùy tùng và đàn chó săn mỗi lúc một rời xa.
- Thôi! Ta nên về gấp! Kẻo Tiết chế ở nhà đang ngóng trông! - Dã Tượng đưa ra lời khuyên. Quốc Tảng nghe theo. Ngay lập tức cùng đoàn tùy tùng trở về Đại bản doanh Vạn Kiếp.
Hưng Đạo vương nhìn vẻ mặt còn hầm hầm tức giận của Quốc Tảng bèn hỏi luôn:
- Thằng Khánh Dư lại giở trò gì ra để lỡm con chứ gì?
Quốc Tảng lặng thinh không đáp. Dã Tượng thuật lại mọi việc. Hưng Đạo vương bảo:
- Chắc thằng chân dài vẫn còn cay cú gần bốn năm phải đi đốt than đấy mà!
Dã Tượng trình công văn có gắn xi bốn góc trên chiếc túi gấm. Hưng Đạo vương vuốt râu cười hóm hỉnh:
- Ta cam đoan trong đó không viết gì?
Quốc Tảng giật lấy chiếc túi gấm trên tay Dã Tượng, rút con dao găm bên mình rạch chiếc túi gấm. Một vuông lụa trắng tinh rơi ra. Quốc Tảng gầm lên:
- Ông ta quá vô lễ với cha. Để con đem quân bản bộ của mình ra Vân Đồn bắt nó về đây cho cha trị tội.
Hưng Đạo vương vẫn vuốt chòm râu đen tủm tỉm cười và bảo:
- Con không nên nóng nảy thái quá! Công văn này trình như vậy là quá đủ và quá rõ. Thứ nhất vuông lụa trắng trình rằng mọi việc đều yên tĩnh. Thứ hai chưa có gì cần phải bẩm vào lúc này. Nếu có sự cố xảy ra xin cho hắn toàn quyền ứng phó. Thứ ba là hắn thề là mình vẫn trong trắng. Đặc biệt vẫn trung với nước với vua. Không có gì có thể lay chuyển được lòng trung đó.
- Mấy ngày ở ngoài đó, tận mắt con thấy dân chúng có rất nhiều oán hận bởi sự hà khắc, lộng quyền của hắn. Thậm chí con còn nghe câu “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh”.
- Khánh Dư là kẻ lắm tài, nhiều tật. Nhưng thực sự là một viên tướng văn võ song toàn. Hẳn con còn nhớ chính hắn đã viết lời tựa cho cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền thư” chứ. Phải nói thật là không tướng nào hiểu sâu sắc như hắn khi hắn viết lời tựa. Chỉ cần vài câu mở đầu đã toát lên điều đó: “Người giỏi cầm quân thì không bày trận, người giỏi bày trận thì không phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết…” Đấy con người của Trần Khánh Dư là như vậy đấy! Ta tin chắc rằng, rồi trong các trang sử viết về đời Trần của chúng ta hiện nay, dù rất kiệm lời, nhưng trong số các con người làm nên lịch sử có tên Trần Khánh Dư với một dấu son chói lọi. Song hành với một vết mực đen. - Nói tới đây Hưng Đạo vương dừng lại một lát rồi hỏi Quốc Tảng:
- Có nên lưu lại Khánh Dư tiếp tục trấn thủ ở vùng biên ải quan trọng và đầy sôi động đó, hay rút hắn về, thay bằng tướng khác?
- Về mặt đánh thủy, Nguyễn Khoái chỉ giỏi chiến trên sông. Còn trên biển, Khánh Dư là số một.
- Con đã nói ra được điều đó là cha rất mừng rồi! Không vì oán thù, định kiến mà nói sai về người ta. Cha cũng đồng ý với con như thế.
Rồi người quát lớn:
- Quân bay đâu! Mang ấn kiếm của ta ra Vân Đồn phong cho Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư từ Phó đô tướng Thủy quân lên Đô tướng Thủy quân.
- Con chỉ sợ sau này… Khi đã phá tan giặc Nguyên Mông. Khánh Dư sẽ cậy có công lớn mà trở thành một con sâu mọt thành tinh, thành quái… hãm hại bách tính Đại Việt - Quốc Tảng thở dài than.
- Điều đó không phải cha không nghĩ đến - Giọng Hưng Đạo vương trầm xuống - Nhưng mà điều đó cha con ta không thể cản được. Chúng kéo bè kết cánh, tìm đủ mọi thủ đoạn xấu xa, bỉ ổi thậm chí là trắng trợn, dối vua lừa dân… cố làm sao để vơ đầy lòng tham vô đáy của chúng… Con gần đây có nhiều sự đổi thay đáng mừng. Cha mong con sẽ là viên tướng dũng cảm trong việc chống quân Nguyên Mông trước mắt. Và trở thành vị vương tốt, quan giỏi, quan thanh liêm cho xã tắc sau này. Có Dã Tượng ở đây làm chứng cha tuyên bố xóa bỏ lời nguyền “khi ta chết, chỉ sau khi đậy nắp quan tài mới cho thằng Quốc Tảng đến viếng”. Thời đó chẳng qua vì nóng nảy mà con nghĩ chưa chín, chưa thấu đáo mà thôi. Chứ còn cái tâm biết lo cho dân, cho nước của con sẽ có trời xanh chứng giám…
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt